Trung Quốc thử nghiệm mô hình chính trị mới

Nguồn: Jeremy Page, Wall Street Journal

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Tin từ Thẩm Quyến, Trung Quốc- Một thử nghiệm cải cách chính trị ở Thâm Quyến, thành phố nơi Trung Quốc tiên phong mở cửa nền kinh tế của mình, mang lại ánh sáng cho các tranh luận về ý thức hệ đang diễn ra trong Đảng Cộng sản giữa cuộc họp hàng năm tại Bắc Kinh rằng cuộc thử nghiệm này sẽ giúp vạch ra biểu đồ cho tương lai chính trị của Trung Quốc.

Thẩm Quyến ban đêm

Trong ngôi làng đánh cá cũ giáp với Hồng Kông này, đảng cộng sản từng duy trì độc quyền tuyệt đối về cai trị kể từ năm 1949 đang thực hiện những bước tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa để nhường trách nhiệm các các vấn đề xã hội cho các tổ chức độc lập dân sự.

Sau hơn sáu thập kỷ bất đồng chính kiến căng thẳng – đôi khi bằng vũ lực – đảng cũng sử dụng Thâm Quyến để trắc nghiệm các cách thức tăng cường giám sát của công chúng đến chính quyền địa phương nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng mà bản thân đảng thừa nhận là đã trở thành mối đe dọa lớn nhất cho việc nắm giữ quyền lực của mình.

Thử nghiệm này – mang tên “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”- là một sự khác biệt đáng thất vọng đối với loại dân chủ đa đảng kiểu phương Tây, nhưng được một số nhà lãnh đạo xem như là một cách tạo nên một mô hình chính trị mới, vẫn duy trì chế độ độc tài trong khi đáp ứng được các nhu cầu của một xã hội ngày càng phức tạp.

Đi đầu trong cuộc thử nghiệm là Sunny Lee, người điều hành một tổ chức phi chính phủ ở Thâm Quyến dạy dỗ con cái của những người di cư lao động. Cơ sở từ thiện Ciwei, do ông thành lập năm 2007, phục vụ các trẻ em phải trơ trọi một mình khi cha mẹ của chúng đi làm việc ngoài giờ tại một nhà máy hạt nhân và một nhà máy gia công hàng may mặc cho Polo Ralph Lauren Corp. ở gần đó.

Sau hai năm cố gắng trong tuyệt vọng để tìm sự bảo trợ của các quan chức địa phương, năm ngoái đột nhiên ông được Chính phủ mời gửi báo cáo về tổ chức của mình và sau đó được đăng ký một cách hợp pháp trong năm nay và ứng đơn xin nhà nước tài trợ.

“Trước đây, chính phủ muốn tự làm tất cả mọi thứ. Chính phủ nghĩ rằng mình có thể giải quyết được mọi vấn đề,” ông Lee, người không phải là một thành viên Đảng Cộng sản cho biết. “Bây giờ tôi nghĩ rằng chính phủ đã nhận ra họ cần đến sự giúp đỡ từ xã hội”.

Cuộc thử nghiệm này nằm tại trung tâm của cuộc tranh luận đã bùng nổ ra khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thực hiện một lời kêu gọi bất ngờ về cải cách chính trị trong bài phát biểu tại Thâm Quyến vào tháng Tám, đánh dấu kỷ niệm 30 năm cải cách thị trường tự do từng được đề xướng lên ở đấy.

Kể từ bài phát biểu đó, nhiều người ở bên trong và bên ngoài Trung Quốc đã đặt câu hỏi điều gì đã thúc đẩy ông Ôn – người đến hạn nghĩ hưu cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu khác vào năm 2012 – thực hiện một lời kêu gọi công khai dũng cảm như thế.

Bài phát biểu của ông dẫn đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời cho những người ở Trung Quốc đang tìm kiếm dấu hiệu của sự thay đổi chính trị trong đất nước từng được xem là một chính phủ cứng rắn. Có phải ông đã nghiêm túc làm sống lại những lời kêu gọi cải cách dân chủ từng bị nghiền nát bởi quân đội xung quanh quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 ? Phải chăng ông chỉ môi miếng với ý tưởng này trong buổi hoàng hôn của sự nghiệp mình ? Hay là ông đang xúc tiến những cải cách hạn chế trong nội bộ được hình thành nhằm tăng cường chế độ cai trị độc đảng ?

Ông ta có được hỗ trợ của Hồ Cẩm Đào, chủ tịch và tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay của Tập Cận Bình – người được xem là sẽ thừa kế ông Hồ – và các ủy viên khác của các nhà lãnh đạo thế hệ kế tiếp hay không ?

Những câu hỏi này đã trở nên ngày càng cấp thiết kể từ khi Lưu Hiểu Ba, một tù nhân Trung Quốc bất đồng chính kiến đã đoạt được giải Nobel Hòa bình trong tháng này và một nhóm cao niên trong Đảng Cộng sản đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi tự do thong tin truyền thông vào tuần trước.

Hơn 100 nhà hoạt động chính trị Trung Quốc cũng đã công bố một tuyên bố trực tuyến vào hôm thứ Sáu kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông Lưu và đem lại các cải cách dân chủ.

Cuộc họp bí mật bốn ngày của 371 uỷ viên Uỷ ban Trung ương Đảng, sẽ kết thúc vào thứ Hai, dự kiến sẽ thảo luận về các cải cách chính trị và kinh tế, cũng như thay đổi nhân sự trước sự thay đổi lãnh đạo vào năm 2012.

Một trong những câu hỏi chính là liệu ông tập (Cận Bình) có sẽ được thăng chức vào hàng ngũ Ủy ban Quân sự Trung ương đầy quyền lực, để từ đó xác nhận được tình trạng là nhân vật rõ ràng được thừa kế hay không.

Thâm Quyến có thể mang lại được manh mối cho cách thức các cuộc tranh luận về cải cách chính trị đang diễn ra sau những cánh cửa khép kín tại cuộc họp của đảng. Thành phố này là một trong những thành phố đông dân và tiến bộ nhất nước, với dân số 14 triệu – trong đó 10 triệu là thành phần dân nhập cư.

Chính ở thành phố này mà Đặng Tiểu Bình, vị cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã thành lập đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước, cung cấp giảm thuế và các đặc quyền khác cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong năm 1980.

Cũng ở thành phố này ông đã phục hoạt các chương trình kinh tế, từng bị trì hoãn bởi các thành phần bảo thủ trong đảng sau vụ đàn áp Thiên An Môn vào năm 1989, khi ông đã đến thăm trong một “tour du lịch phía Nam” vào năm 1992.

Và chính ở đây mà các chính quyền địa phương, lo lắng để giữ được vai trò tiên phong của Thâm Quyến, đã cố gắng phát triển một hình thức chế độ độc tài thông minh hơn, gọn nhẹ hơn.

Từ năm 2004, thành phố đã cắt giảm một phần ba các bộ phận của mình, thuyên chuyển,cho về hưu hàng trăm cán bộ và ép buộc những cán bộ khác phải từ bỏ vị trí song hành của họ trong các hiệp hội doanh thương, tổ chức từ thiện và tổ chức dân sự khác.

Từ năm ngoái, thành phố đã nới lỏng các hạn chế pháp lý trên các tổ chức dân sự, cho phép họ đăng ký mà không cần phải có giám sát trực tiếp của một quan chức đảng hay chính phủ, để tìm nguồn tài trợ tư nhân ở Trung Quốc và ở nước ngoài, và thậm chí có thể thuê người nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, thành phố đã bắt đầu mua lại các dịch vụ từ các tổ chức này trên cơ sở hợp đồng, để giúp giải quyết các vấn đề xã hội như sức khỏe tâm thần của người lao động nhập cư – một vấn đề từng đánh dấu bởi một loạt các vụ tự tử tại một nhà máy ở Thâm Quyến đầu năm nay.

Kết quả là, theo Wang Lizong, tổng thư ký của Liên đoàn các tổ chức xã hội Thâm Quyến. Thành phố Thâm Quyến hiện nay đã có hơn 3.500 tổ chức phi chính phủ, hơn gấp đôi mức bình quân đầu người trên toàn quốc gia.

Chính quyền địa phương cũng loại bỏ các loại “công ăn việc làm trọn đời” cho nhân viên chính phủ mới trong năm nay và bắt đầu giảm dần các loại phúc lợi hưởng-đến-chết đối với cán bộ hiện có. Danh sách cắt giảm tiếp theo là một kế hoạch để biến đổi các ủy ban khu phố, các đơn vị thấp nhất của tổ chức đảng, thành các cơ quan độc lập hơn.

Liu Runhua, người đứng đầu Văn Phòng Nội vụ của Thâm Quyến, trích lời theo Tân Hoa Xã đã nói, “Bây giờ họ phải đóng một vai trò giám sát các cơ quan chính phủ và để cho chính phủ biết những gì cư dân địa phương không hài lòng và nguyên nhân tại sao”.

Một ý tưởng còn táo bạo hơn, được đề ra trong năm 2008 nhưng rõ ràng đang bị kềm nén lại -là tăng cường giám sát về phương tiện truyền thông lên chính phủ, và thiết lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập hơn.

Theo các học giả và các quan chức địa phương, một số những thay đổi này đã được đưa ra không chính thức ở các thành phố khác, nhưng Thâm Quyến là thành phố đầu tiên cố gắng thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho những thay đổi.

Thành phố cũng duy nhất có được sự hỗ trợ rõ ràng của cả hai ông Ôn -người đã tám lần đến thăm thành phố kể từ khi trở thành Thủ tướng và ông Wang Yang, người đứng đầu đảng của tỉnh Quảng Đông, tỉnh bao quanh Thâm Quyến. Ông Wang, 55 tuổi, là một ủy viên trong 25 ủy viên Bộ Chính trị và là một ứng cử viên hàng đầu để thăng chức vào Uỷ ban thường vụ, bộ phận quyết định cao nhất của đảng trong năm 2012

Các học giả và quan chức địa phương cho biết, những cải cách của Thâm Quyến đã gặp kháng cự trong nội bộ đảng. Một số người phản đối, vì họ bị mất quyền lực hoặc các đặc quyền. Người khác phản đối vì ý thức hệ, lo ngại rằng các tổ chức xã hội có thể thách thức đến quyền lãnh đạo của đảng.

“Đối với chính phủ, từ bỏ quyền lực là một quá trình đau đớn”, ông Tân Cương, Hiệu phó Trường Đảng, cơ quan đào tạo và tham vấn chính của đảng CS ở Thâm Quyến đã cho biết. “Quyền lực là một sinh vật ích kỷ”.

@ X-Cafe

Ghi chú thêm

Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có diện tích 2020 km², dân số năm 2005 là 4,5 triệu người (kể cả vùng đô thị là 13 triệu), GDP 493,7 tỷ Nhân dân tệ. Thành phố giáp biên giới với Hồng Kông, cách Quảng Châu 160 km về phía Nam. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc. Trong 20 năm qua, Thâm Quyến đã thu hút 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài.

Trước khi trở thành đặc khu kinh tế, Thâm Quyến còn là một làng chài. Năm 1979, lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã cho thanh lập Đặc khu kinh tế tại Thâm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế nằm giáp Hồng Kông (lúc đó còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh. Việc thành lập đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa tại nước Trung Quốc cộng sản.
Địa điểm này được chọn vì cả dân Thâm Quyến và dân Hồng Kông cùng có chung ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông), chung văn hóa và dân tộc nhưng lại có giá nhân công, đất đai rẻ hơn nhiều. Ý tưởng đã thành công rực rỡ, tạo tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa kinh tế. Thâm Quyến đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang. Đồng bằng châu thổ Châu Giang đã trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc và là phân xưởng sản xuất của thế giới.

Thâm Quyến, tên gọi trước đây là Huyện Bảo An ((宝安县)- là huyện thuộc tỉnh Quảng Đông vào tháng 11/1979. Tháng 5/1980, Thâm Quyến chính thức được chuyển thành Đặc khu kinh tế. Năm 1988, Thâm Quyến được cho phép có thẩm quyền về kinh tế tương đương cấp tỉnh của Trung Quốc. Thâm Quyến là đặc khu đầu tiên trong 5 đặc khu kinh tế tại Trung Quốc.

Năm 2001, lực lượng lao động đạt 3,3 triệu người. GDP đạt 492,69 tỷ NDT năm 2005, tăng 15% so với 2004, GDP thời kỳ 2001-2005 tăng 16,3%/năm. GDP xếp thứ 4 trong các thành phố của Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu xếp thứ nhất trong chín năm liên tục vừa qua, xếp thứ 2 về sản lượng công nghiệp, thu ngân sách xếp thứ 3 trong 5 năm liên tục, xếp thứ 3 về sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.

Thâm Quyến là một trung tâm chế tạo lớn của Trung Quốc. “Mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ” là khẩu hiệu nổi tiếng của Thâm Quyến cuối thập kỷ 90. Với 13 tòa cao ốc cao hơn 200 m (bao gồm tòa nhà Shun Hing Square cao thứ 8 thế giới), Thâm Quyến là một thành phố diệu kỳ lúc màn đêm buông xuống. Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty IT thành công như Huawei và ZTE. FoxCom có nhà máy tại đây, chế tạo phần lớn máy nghe nhạc số cá nhân (iPod) và máy tính xách tay cho hãng Apple. Thành phố có sự hiện diên của hơn 400/500 công ty lớn nhất thế giới. Sở giao dịch chứng khoán của Thâm Quyến có 540 công ty niêm yết, 35 triệu nhà đầu tư niêm yết và 177 nhân viên chứng khoán, tổng vốn 122 tỷ USD, mỗi ngày có 600.000 giao dịch, giá trị 807 triệu USD.”

@Wikipedia, http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A2m_Quy%E1%BA%BFn )

————————————————————————————————————————————————————————–

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s