Ở Việt Nam, nhà nước “làm bạn” với các bạn

James Hookway

Hoài Phi dịch

Hà Nội – Internet đặt ra thách thức đối với tất cả các chế độ độc tài trên toàn thế giới.[1] Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng họ đã tìm ra cách thuần hóa nó – bằng cách khai trương mạng thân thiện với cộng sản để đối lại các mạng liên kết xã hội được ưa chuộng như Facebook.

Đó là mạng go.vn; Tập đoàn Đa truyền thông Việt Nam (VMC) do nhà nước quản lý khai trương bản thử nghiệm mạng này đúng vào ngày 19 tháng 5, sinh nhật của anh hùng cách mạng Hồ Chí Minh. Go.vn có những tính năng quen thuộc với người đã quen “tag” (báo cho bạn bè), “poke” (chọc) và “defriend” (bỏ ai đó ra khỏi danh sách bạn bè): Mọi người có thể đưa ảnh lên, kết nối với bạn bè và nhắn tin qua lại trên mạng.

Với mạng kết nối xã hội này, Việt Nam nhằm mục đích thu hút giới trẻ, chẳng hạn sinh viên trong các tiệm café Internet.

Cái bẫy ở đây là người dùng phải trình tên họ và số chứng minh thư do chính phủ cấp trước khi họ có thể truy cập vào mạng. Bộ phận an ninh giám sát các website ở Việt Nam, nơi nền chuyên chính độc đảng độc tài thẳng tay trừng trị các nhà bất đồng chính kiến.

Mạng go.vn đánh dấu bước ngoặt chiến thuật của các ủy viên Bộ Chính trị của Hà Nội, những người có xu hướng muốn đóng cửa mọi trang web chỉ trích họ. Trong năm vừa qua, nhà cầm quyền đã bỏ tù các blogger bất đồng chính kiến và cố chặn trang mạng Facebook để ngăn các tư tưởng lật đổ phát tán trên mạng.

Trong một bài viết mới đây trên go.vn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp tuyên bố go.vn là lựa chọn “đáng tin cậy” so với các trang nước ngoài. “Chúng ta sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh,” ông cổ vũ giới trẻ vị thành niên Việt Nam vào go.vn tìm kiếm “văn hóa, giá trị và lợi ích”.

Nhưng các bài viết ban đầu về cuộc đời của nhà anh hùng cách mạng Hồ Chí Minh và của các vị tướng nổi tiếng không giúp go.vn thu hút thành viên. Để tránh lối mòn kế hoạch năm năm kiểu Liên xô của Việt Nam, ban quản trị trang mạng đang tăng gia vị để go.vn hấp dẫn hơn.

Tại các văn phòng trang trọng trưng ảnh chủ tịch đầu tiên của Việt Nam thường được biết với cách gọi trìu mến là Bác Hồ, khoảng 400 nhân viên với độ tuổi trung bình là 26 đang làm việc để diệt bọ trong các phần mềm trên trang mạng và cài đặt thêm nội dung, ông Phan Anh Tuấn, phó giám đốc bộ phận đa truyền thông mạng cho biết.

Ban điều hành đã đưa lên mạng một số bài thi tiếng Anh trực tuyến và game được nhà nước cho phép, trong đó có cả một trò chơi bạo lực cho nhiều game thủ, với nội dung là một nhóm chiến binh chiến đấu ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Các tin tức gần đây trên go.vn bao gồm tin về các cuộc thi hoa hậu địa phương, về ngư dân ở South Carolina đánh bắt được một con cá có bộ răng giống người, và tin về tình báo Anh đã từng thử nghiệm chế tạo mực vô hình từ tinh trùng.

Bộ trưởng thông tin Lê Doãn Hợp dự đoán là vào năm 2015, go.vn sẽ thu hút được khoảng 40 triệu người – một nửa trong dân số 85 triệu người của Việt Nam.

Nhưng để giành được sự tán đồng của tầng lớp trẻ và ngày càng thông thạo về công nghệ không dễ. Phố phường Hà Nội tràn ngập tiệm Internet nhỏ xíu, nơi các chuyên gia sử dụng que hàn và tăm tre để bẻ khóa iPhone của Apple và các thiết bị khác, giúp chủ nhân của chúng có thể sử dụng bất kỳ mạng điện thoại nào mà họ thích. Thống kê của Google cho thấy những lệnh tìm có nội dung “bẻ khóa” – một thuật ngữ có liên quan chặt chẽ với việc đột nhập vào các phần mềm được bảo vệ – xuất phát từ Việt Nam nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Một số người Việt tìm cách đi vòng rào cản chặn Facebook bằng cách sử dụng các cầu nối trung gian (proxy server) hoặc thay đổi cài đặt trong máy tính. Những người khác phát động chiến dịch trên mạng tẩy chay các trang web địa phương như go.vn bất chấp những thay đổi trang này đang tiến hành. “Hãy làm cho “go” biến đi” là nội dung của một tin nhắn trên mạng.

Nhiều người Việt nhún vai khi được hỏi về go.vn. “Thậm chí tôi không biết là nó tồn tại,” Phạm Thành Công, sinh viên năm thứ tư khoa lý tại Đại học Bách khoa cho biết; Công đang đợi đến lượt mình để chơi trò bắn-chúng-nó-đi trên mạng tại một quán cà phê Internet ngoài phố.

Chính những người sử dụng mạng như Công là đối tượng mà go.vn muốn thu hút. Phó giám đốc bộ phận đa truyền thông Tuấn nói ông hy vọng trang mạng này sẽ thu hút được lượng thành viên lớn trong số các game thủ cuồng nhiệt của Việt Nam bằng cách cung cấp một số trò chơi được họ ưa chuộng với giá rẻ và dễ truy cập. “Đây là nền tảng vững chắc cho chúng tôi,” ông Tuấn cho biết. Bản thân ông năm nay mới 33 tuổi.

Việc Việt Nam đề xướng sáng tạo ra các cổng điện tử thân thiện với chính quyền cho thấy sự bất an của nhà nước trước tốc độ mà Internet đang đe dọa các phương tiện truyền thông được kiểm duyệt chặt chẽ khác ở nước này như truyền hình và báo chí. Việt Nam ghi nhận có 26 triệu người sử dụng Internet vào tháng Tám – tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, và là một trong những tỉ lệ tăng nhanh nhất tại các nước đang phát triển.

Vào tháng Ba, các kỹ thuật viên an ninh của Google và công ty an ninh máy tính McAfee thông báo họ tìm ra các phần mềm độc hại rõ ràng được sử dụng để do thám các nhà bất đồng chính kiến và đánh sập các trang mạng của họ. Chính phủ Việt Nam bác bỏ việc đứng sau các cuộc tấn công trên mạng, và không trả lời các yêu cầu bình luận về việc chặn Facebook.

Vào thời điểm đó, Facebook tuyên bố rằng “chúng tôi rất lấy làm thất vọng nếu người sử dụng ở bất kỳ nước nào gặp khó khăn khi truy cập Facebook.”

Theo các quan chức chính phủ, hệ thống mạng giết-Facebook của Việt Nam [go.vn-ND] là đầu tư trên mạng lớn nhất của nước này tính đến nay, mặc dù họ không cho biết đã tiêu tốn bao nhiêu để xây dựng mạng này; họ cũng không cho biết đã có bao nhiêu người đã đăng ký vào mạng để xem.

Ông Tuấn cũng hy vọng sẽ nhận được phản hồi từ một số người sử dụng để cải tiến trang web. Nhưng những gì người sử dụng thực sự đang nghĩ có thể đến chậm hơn mong muốn của ông Tuấn. Ông cho biết, “Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều phản hồi.”

Nguyen Anh Thu từ Hà Nội có đóng góp cho bài báo này.

Từ Cộng đồng Nhật ký (Journal Community):

Kevin Trump – Tôi thử vào trang web của họ, nhưng tốc độ truyền cực kỳ chậm. Có thể họ cần cải tiến bandwidth (dải tần số) và capacity (dung tích).

David Richman – Bởi vì có quá nhiều tường lửa an ninh và quá nhiều trạm giám sát. Nhiều dải tần số và dung tích lớn hơn cũng sẽ không giúp cho tốc độ truyền nhanh hơn được; đó là nút thắt cổ chai.

Nguồn: “In Vietnam, State ‘Friends’ You”, The Wall Street Journal, 4.10.2010

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

—————————————————————————————————————————————————-

Cao điểm của nghề chài xác người trên các dòng sông Trung Quốc

Kent Ewing

Trần Ngọc Cư dịch

Hồng Kông – Trong tất cả những người làm các nghề bị nhiều ngộ nhận và bị miệt thị một cách oan ức trên thế gian, chắc chắn những kẻ chài xác người (corpse fishers) tại Trung Quốc hiện nay đứng gần đầu sổ. Từ thuở xa xưa, người dân quê từng làm cái nghĩa vụ rùng rợn là vớt những xác người trôi sông – những nạn nhân chết đuối, tự sát và bị hãm hại – rồi giao lại cho thân nhân của kẻ xấu số. Ngày trước, theo đạo lý cổ truyền, những kẻ làm dịch vụ công ích rợn người này được gia đình nạn nhân rất mực tri ân.

Nhưng, hiện nay, khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, một việc được xã hội ngày trước coi như là nghĩa vụ đã trở thành một thứ doanh thương đang phất lên đối với một số người làm nghề vớt xác trên sông, gây phẫn nộ cho những gia đình phải trả những món tiền quá lớn để được lãnh xác thân nhân đem về, đồng thời khiến báo đài phương Tây đưa ra những báo động về cái nghề rùng rợn này. Phải nhìn nhận là, phương Tây khó cưỡng lại sự cám dỗ là cần phải lên tiếng. Chắc chắn, đây là biểu tượng tuyệt vời nói lên mặt trái tồi tệ của việc Trung Quốc chạy theo chủ nghĩa tư bản: Thậm chí những xác người vô danh trôi trên các dòng sông Trung Quốc đã trở thành một món hàng đắt đỏ.

Bản tin mới nhất tố cáo cái nghề hắc ám này đã được hãng tin McClatchy-Tribune xuất bản và được báo chí tiếng Anh đăng tải đồng loạt khắp thế giới. Được đăng kèm với những tấm hình ghê rợn ghi lại những xác chết đã trương lên và nổi bồng bềnh trên dòng Hoàng Hà, xác chết được những người săn xác dùng dây buộc vào bờ sông chờ bán, bài báo chủ yếu tập trung vào một người tên là Wei Jinpeng.

Wei làm chủ một vườn lê cho đến năm 2003, là lúc anh nhận ra rằng đi săn xác người trên sông có thể làm tăng vọt mức thu nhập của mình. Hiện nay mỗi năm Wei kiếm được chừng 80 đến 100 xác. Địa điểm săn xác mà anh thích nhất nằm cách xa thành phố Lanzhou, thủ phủ tỉnh Gansu (Cam Túc) ở tây bắc Trung Quốc, 30 cây số vì đó là hợp lưu của một đập thủy điện và một khúc quanh của con sông, khiến cho các xác chết dễ trồi lên mặt nước. Xác người thì gồm cả nam, phụ, lão, ấu; có người bị trói; có người bị nhét giẻ vào mồm; một số, đặc biệt là xác các thiếu nữ – hẳn là công nhân từ vùng quê đến kiếm sống tại Lanzhou – thì không bao giờ được ai nhìn nhận và vì thế anh phải trả lại cho dòng nước cuốn đi.

Đối với các xác được nhìn nhận, Wei đặt ra một hệ thống giá cả phù hợp với mức thu nhập của khách hàng. Khi một nông dân đến nhận xác, anh sẽ đòi một số tiền tương đương với 75 đôla Mỹ; đối với một người có công ăn việc làm, anh đòi khoảng 300 đôla, và khi một công ty đứng ra chi trả, anh sẽ đòi đến 450 đôla.

Có nguồn tin cho rằng các tay chài khác lại đòi một lệ phí 45 đôla chỉ để cho thân nhân nhìn mặt (theo lề thói nghề nghiệp, xác chết phải được xoay mặt xuống nước để giữ được những nét đặc biệt cần thiết cho sự nhận diện) và nếu thân nhân nào muốn nhận xác về thì phải trả một số tiền gần 900 đôla.

Bài báo của hãng tin McClatchy-Tribune có lẽ đã giúp người đọc nhớ đến bức ảnh được giải thưởng của Zhang Yi, “Giữ xác đòi tiền chuộc”, một bức ảnh đã được phát tán tràn lan trên Internet sau khi nó được chụp vào tháng Mười năm ngoái. Bức ảnh diễn tả cảnh một người săn xác không chịu giao xác chết cho thân nhân của một trong ba sinh viên đã hi sinh tính mạng trong khi ra sức cứu các trẻ em sắp chết đuối trên sông Dương Tử thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tin tức cho biết ông chài đợi thu góp được hơn 5.000 đôla – cùng với hàng ngàn lời nguyền rủa trên báo đài – mới chịu giao xác chết của ba sinh viên kia cho thân nhân của họ.

Đây là những câu chuyện rùng rợn về lòng tham và sự khai thác hèn hạ những đau khổ của kẻ khác. Người ta dễ tìm thấy biểu hiện trong những truyện kể này một tấn tuồng đạo lý đen tối về sự kiện Trung Quốc đã đánh mất linh hồn, trong đó những thợ săn xác người tượng trưng cho cái lòng tham đầy bệnh hoạn mới nảy sinh của quốc gia này. Nhưng những tin tức này mới chỉ là một phần của pho truyện to lớn hơn nhiều, về những gì đã đạt được và những gì đã mất mát trong 30 năm Trung Quốc ào ạt phát triển kinh tế.

Kẻ ác trong vở tuồng to lớn này không phải là Wei hay bất cứ đồng nghiệp nào của anh trong nghề đi săn xác chết, một dịch vụ vẫn còn rất cần thiết trên các dòng sông của Trung Quốc. Dẫu sao, nếu họ không chịu lôi các xác chết ra khỏi các dòng thủy vận quốc gia, thì biết lấy ai để làm việc đó? Xin đừng nói đến cảnh sát địa phương, những người này chỉ muốn khoanh tay đứng nhìn những thương vong trên sông nước của Trung Quốc thế kỷ 21. Và chính phủ trung ương chỉ quyết định ra tay hành động khi nào một con sông không còn chảy được và bốc mình xú uế vì những xác người.

Với số xác chết ngày một gia tăng cho công việc tìm kiếm, những người Trung Quốc làm cái nghề đầy tử khí trên sông và thường bị nguyền rủa này, lại rất ăn ra làm được. Băng đảng tội ác là một trong những thành phần hưởng lợi lớn trong sự vươn dậy kinh tế của Trung Quốc, và những dòng sông của quốc gia này đã làm chứng cho sự kiện đó: xác người bị trói và bị bịt miệng là một phần quan trọng trong nghề một kẻ săn xác trung bình.

Cuộc tảo thanh rộng lớn nhắm vào các hành động hội kín tại Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc – do ông Bo Xilai, bí thư thành ủy đầy uy tín của thành phố rộng lớn này, lãnh đạo – mới chỉ là một gợi ý về tình trạng băng đảng đầy rẫy khắp đất nước Trung Hoa. Chiến dịch của ông Bo Xilai, bắt đầu từ tháng Sáu 2009, đến nay đã cho vào khám 2.000 người – gồm cả những chính trị gia địa phương từng được những tên băng đảng đầu sỏ mua chuộc. Thật ra, tất cả bí thư đảng ủy khắp Trung Quốc cũng có thể bắt chước gương can đảm và uy tín của ông Bo Xilai để phát động những chiến dịch tương tự và đạt được những thành quả tương tự. Nhưng điều đáng tiếc là, hầu hết các kẻ có chức quyền đều nhắm mắt trước nguyên trạng tham nhũng và đồng lõa với tội ác.

Thông tin về những người săn xác chết cũng nhắc nhở rằng 26% số vụ tự tử trên toàn thế giới đã diễn ra tại Trung Quốc và tự tử là nguyên nhân hàng đầu đưa đến tử vong của phụ nữ nông thôn Trung Quốc. Đây chính là những phụ nữ mà xác của họ – vừa vô danh vừa vô thừa nhận – đã được anh Wei cuối cùng phải cắt dây để trả về huyệt lạnh của dòng trường giang quanh co Hoàng Hà.

Như vậy rõ ràng là, những bài báo khá hãi hùng về những người bán xác chết trên các dòng sông Trung Quốc gián tiếp nói lên những vấn đề to lớn và phức tạp hơn nhiều. Tại sao lại có nhiều xác chết để kiếm tìm như vậy? Và tại sao, phần lớn quan chức chính phủ lại làm ngơ trước những căng thẳng và tệ trạng tham nhũng do việc tăng trưởng kinh tế ở tốc độ chóng mặt, vốn đã đưa Trung Quốc vào đội ngũ của các nước hàng đầu?

Mặc dù thực sự không được Phương Tây biết đến, nhưng một phim tư liệu do người Trung Quốc làm ra và mới được phát hành đã trình bày một hình ảnh đáng nghĩ ngợi về những người sống bằng nghề nhặt xác chết dọc theo các dòng sông Trung Quốc. Cuốn phim dài 52 phút của đạo diễn Zhou Yu, có tựa đề Bờ bên kia, đã mô tả sự chuyển biến của tục lệ vớt xác người cổ truyền từ một nghĩa vụ công cộng thành một doanh nghiệp tư nhân có mục đích lợi nhuận.

“Vớt xác người trên sông là nghĩa vụ tự nguyện của dân chài thời xưa”, đạo diễn Zhou đã nói với Global Times [của Nhân dân Nhật báo]. “Họ trả lại xác người chết cho thân nhân như làm một việc nghĩa. Thời đó đã qua rồi, và bây giờ đám hậu sinh đã triển khai nghĩa vụ đó thành nghề buôn bán”.

Mặc dù phim tư liệu này phản ánh sự phẫn nộ ngày một gia tăng của dân chúng đối với việc kinh doanh xác người, nhưng nhiều khán giả cũng có thể thắc mắc tại sao không một bộ ngành nào của chính phủ chịu đứng ra làm một việc gì để cải thiện tình trạng này.

Một khán giả ở buổi chiếu phim tại Khu nghệ thuật 798 thuộc thủ đô Bắc Kinh được trích dẫn đã phát biểu về những người chài xác chết như sau: “Tôi cảm thấy khó chịu khi thấy họ chài những xác người như vớt những chiếc hộp ra khỏi dòng nước; nhưng dẫu sao, họ cũng chỉ là những người dân bình dị cố gắng kiếm kế sinh nhai. Ví như một ngày kia tôi cần đến họ để tìm xác một thân nhân, tôi cũng sẽ biết ơn họ, dù sau đó phải trả tiền”.

Kent Ewing là một nhà giáo và nhà văn, hiện làm việc tại Hồng Kông.

Nguồn: “High times for China’s corpse fishers”, Asia Times Online, 24.9.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

—————————————————————————————————————————————————-

Cập nhật tin 6-10-2010

Thủ tướng Nhật-Trung gặp nhau và đồng ý cải thiện quan hệ song phương
Thủ tướng Nhật Naoto Khan (Trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Thủ tướng Nhật Naoto Khan (Trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có dịp trao đổi với nhau tại Bruxelles nhân hội nghị ASEM vào hôm qua, 04/10/2010. Trong cuộc gặp ngắn ngủi, hai bên thỏa thuận sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng hiện nay.

Tuy nhiên, cả hai đều vẫn khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng đảo Điếu Ngư / Senkaku. Điều này cho thấy con đường hòa giải vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo chính phủ hai nước, kể từ khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần duyên của Nhật Bản tại một nơi đang có tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Tại cuộc họp báo sáng nay, 05/10/2010, phát ngôn viên của thủ tướng Nhật Bản, ông Noriyuki Shikata cho biết, trong cuộc gặp song phương hôm qua, thủ tướng Naoto Kan đã nói với đồng nhiệm Trung Quốc rằng đảo Senkaku là của Nhật Bản.

Từ Bruxelles, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:

“Phần lớn các phóng viên đến thủ đô Bỉ theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh Bruxelles đều là phóng viên châu Á, trong đó có rất nhiều phóng viên Nhật, nhưng họ không quan tâm nhiều đến quan hệ Âu-Á bằng quan hệ Nhật- Trung, bởi lẽ đây là cơ hội để thủ tướng Nhật Naoto Kan gặp trực tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hay nói đúng hơn là thủ tướng Naoto Kan đến Bruxelles chủ yếu là để tìm cách dàn hòa với ông Ôn Gia Bảo. Do quan hệ giữa hai nước quá căng thẳng, ban đầu không ai nghĩ là hai vị thủ tướng sẽ gặp riêng với nhau tại Bruxelles. Phía Trung Quốc cũng đã báo trước là sẽ không dàn xếp một cuộc tiếp xúc nào, nhưng cuối cùng, hai ông Naoto Kan và Ôn Gia Bảo đã có dịp mặt đối mặt.

Theo lời ông Satoru Sato, tổng giám đốc Báo chí và Giao tế bộ Ngoại giao Nhật kể lại trong cuộc họp báo sáng nay, cuộc gặp gỡ diễn ra một cách rất tự nhiên, ngay sau bữa ăn tối làm việc. Chỉ vài phút trao đổi, nhưng đủ để hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau là sẽ cải thiện quan hệ song phương và sẽ tổ chức « một cuộc họp cấp cao Nhật-Trung vào một thời điểm thích hợp ». Tuy nhiên, bên nào cũng giữ nguyên lập trường của mình về chủ quyền các đảo Senkaku/Đìếu Ngư. Trong cuộc họp báo, ông Sato còn nhấn mạnh là các đảo Senkaku/Điếu Ngư là nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

Không chỉ tìm cách giảng hòa với Bắc Kinh, Tokyo muốn nhân cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles giải thích lập trường của mình với các lãnh đạo Á-Âu trên vấn đề chủ quyền lãnh hải.

Về phía Trung Quốc thì đang đối đầu với áp lực ngày càng mạnh từ phía các nước châu Âu trên vấn đề đồng nhân dân tệ. Sáng nay, ba lãnh đạo kinh tế chủ chốt của châu Âu, khi gặp thủ tướng Ôn Gia Bảo tại cuộc họp thượng đỉnh ASEM, đã kêu gọi Bắc Kinh nên tỏ ra linh động hơn trên vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. Nhưng trong bài diễn văn hôm qua tại buổi khai mạc thượng đỉnh ASEM, thủ tướng Trung Quốc đã tỏ thái độ kiên quyết trên vấn đề này, gián tiếp bác bỏ áp lực của Âu-Mỹ khi yêu cầu là phải duy trì sự ổn định của những ngoại tệ lớn với nhau. Nhưng ông Ôn Gia Bảo sẽ tiếp tục chịu áp lực vào ngày mai, nhân cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Liên hiệp Châu Âu cũng tại Bruxelles.( RFI )

————————————————————————————————————————————————————————–

Được và mất gì khi đi định cư ở Mỹ

Hiện nay tôi đi làm culi trong hãng Mỹ, một giờ được 6-8 USD từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt.

Thời gian qua có nhiều ý kiến đóng góp và tranh luận về vấn đề nên đi hay ở lại Việt Nam cho những trường hợp ra nước ngoài, nhất là đi Mỹ. Tôi xin phép được viết một bài về vấn đề này.

Mong các bạn đóng góp ý kiến nếu có chỗ nào chưa đúng, để bản thân tôi rút kinh nghiệm và làm cho vấn đề đi hay ở thêm phong phú.

Ảnh minh họa pixdaus.

Hiện tôi 51 tuổi, định cư Mỹ được một năm. Trước khi đi tôi là kỹ sư trưởng phòng trong một Tổng công ty thuộc Bộ. Tuy chức vụ bé xíu nhưng trong công ty, tôi chỉ dưới 3 người và trên 12 người. Tôi có hai căn nhà nội thành (Quận 1 và 3) – một để ở, một cho thuê. Tôi cũng đi công tác và du lịch một số nước. Vợ tôi làm kế toán cho công ty liên doanh. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 2500 USD (không tính khoản đột xuất).

Trước khi có hồ sơ phỏng vấn ở Lãnh sự Mỹ, tôi cũng rất phân vân. Bạn bè, người thân, cả cha mẹ tôi (vì tôi đi theo bên vợ) đều khuyên tôi nên ở lại Việt Nam. Sau khi suy nghĩ thận trọng và cân nhắc được gì và mất gì cho bước ngoặt của cuộc đời, tôi quyết định ra đi. Và hiện nay đối với tôi thì:

– Tôi mất đi công việc rất tốt mà nhiều người mơ ước và cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Việt Nam.

– Tuổi đã chớm già mà phải làm lại từ đầu – đây là điều vô cùng khó khăn.

– Xa những người thân yêu (Cha mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết) cùng những sinh hoạt hằng ngày làm mình rất nhớ khi ra đi.

Và tôi được:

– Hai đứa con (một trai, một gái) được học hành trong nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Một cháu học ngành máy tính, một cháu học dược sĩ được chính phủ hỗ trợ tài chính (hỗ trợ học phí và cho vay không lấy lãi) cho đến khi tốt nghiệp (đây là chính sách chung của nước Mỹ). Tôi không phải lo lắng gì về tiền bạc cho các cháu học hành.

– Tôi được những thứ nếu có nhiều tiền ở Việt Nam cũng không thể mua được, đó là môi trường sống tốt như không khí, nước… không bị ô nhiễm, không phải lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về giáo dục ở Mỹ nếu cố gắng học hành dù gia đình thu nhập thấp vẫn được chính phủ giúp đỡ. Về y tế không phân biệt đối xử người có tiền hay không có tiền, khi vào bệnh viện chữa trị ai cũng như nhau. Cơ sở hạ tầng và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mỗi người rất tốt, ra đường không sợ tai nạn giao thông rình rập. Con người được tự do sáng tạo, luật lệ rõ ràng. Đặc biệt là xã hội Mỹ luôn tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mỗi người, nếu biết cố gắng học tập và làm việc.

Tôi viết bài này vì tôi thấy nhiều người Việt trên diễn đàn đang sống ở Việt Nam hay Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn, mà quên rằng con người sống trong xã hội nào đi nữa thì ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền.

Hiện nay tôi đi làm (culi) trong hãng, một giờ được 6-8 USD từ 6 giờ sáng đến 10-11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt nếu các cháu cố gắng học tập. Tôi không đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội mà vì tương lai của con tôi nên tôi cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng trong cuộc sống cái gì cũng có cái giá của nó, và cũng như không có cái gì là “ngon, bổ, rẻ” cả. Vấn đề khi đã chọn thì phải chấp nhận để mà vui sống.

@ DatViet

————————————————————————————————————————————————————————–

Hàng chục nghìn loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng

Cứ 5 cây đang tồn tại trên hành tinh thì một cây có thể biến mất vĩnh viễn trong tương lai, các nhà khoa học Anh cảnh báo.

Ảnh minh họa:
Ảnh minh họa: mooseyscountrygarden.com.

Livescience cho biết, các nhà khoa học của Vườn sinh học hoàng gia Kew tại Anh cùng hàng trăm nhà khoa học trên thế giới sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá tình trạng của hàng nghìn loài thực vật.

Kết quả cho thấy, 22% trong số 380.000 loài thực vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo nghiên cứu khẳng định nguy cơ tuyệt chủng của thực vật cao hơn loài chim, và mức độ dễ bị tổn thương ngang với các loài thú có vú. Cây hạt trần là nhóm thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn cả, còn sinh cảnh bị đe dọa nhiều nhất là rừng nhiệt đới.

“Nghiên cứu này khẳng định điều chúng ta nghi ngại, đó là sự tồn tại của các loài thực vật đang bị đe dọa mà nguyên nhân chính là bởi mất môi trường sống do tác động của con người”, Stephen Hopper, giám đốc Vườn sinh học hoàng gia Kew, phát biểu.

Các nhà khoa học xác định môi trường sống của thực vật biến mất là do con người chuyển đổi đất đai sang phục vụ mục đích nông nghiệp và chăn nuôi.

Hopper cho rằng các nhà sinh học cần có dữ liệu chính xác để họ có thể́ tìm ra lý do và đánh giá tốc độ biến mất của các loài thực vật. Nhờ vậy giới khoahọc có thể đưa ra giải pháp để cứu chúng. ( DatViet )

————————————————————————————————————————————————————————–

Liên Xô tan rã là ‘thảm họa’ của…Mỹ

Năm 2005, Tổng thống Nga khi đó là Vladimir Putin cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Thời gian qua đi, nhận xét này ngày càng tỏ ra chính xác, ít nhất là đối với Mỹ.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên Xô dồn hết sức lực, tinh thần của mình để cạnh tranh với Mỹ, buộc Washington cũng phải căng sức để chạy đua, quyết không thua đối thủ.

Liên Xô và Mỹ chạy đua vũ trang quyết liệt.

Kết quả là sau Đại khủng hoảng những năm 1930, kinh tế Mỹ phát triển nhanh như vũ bão. Tới năm 1950, khoảng cách giàu nghèo bị thu hẹp nhất trong lịch sử nước này và tầng lớp trung lưu Mỹ trở nên giàu có hơn bao giờ hết.

Và khi hệ thống thuộc địa của phương Tây ở châu Á, châu Phi (chủ yếu của Anh, Pháp…) sụp đổ những năm sau đó (một phần nhờ công sức của Liên Xô), Washington tranh thủ thời cơ để mở rộng ảnh hưởng, truyền bá “giá trị Mỹ” ra khắp thế giới.

Về quân sự, bước tiến thần tốc của Liên Xô trong con đường chinh phục vũ trụ trở thành động lực, buộc Mỹ chạy đua. Nhà Trắng khi đó tăng mạnh đầu tư cho toán học, khoa học, kỹ thuật…các trung tâm giáo dục, các phòng nghiên cứu tích cực làm việc…đạt nhiều thành tựu và trở thành cơ sở cho nền khoa học, công nghệ mà Mỹ đang ứng dụng ngày nay.

Tóm lại, Liên Xô là đối thủ lớn nhưng cũng là động lực, ít nhất là về mặt tinh thần, để Mỹ cạnh tranh, phấn đấu.

Mỹ là nước đầu tiên đưa người lên mặt trăng.

Và tất nhiên, khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ cũng tìm được cho mình đối thủ mới. Đáng tiếc là đối thủ chính hiện nay của họ không như Liên Xô. Bọn chúng là khủng bố, nổi bật là al-Qaeda, với trình độ khoa học, công nghệ thấp. Chúng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến thô sơ, từ bỏ những hệ thống vũ khí đòi hỏi trình độ khoa học cao, tinh vi… để quay lại sản xuất những khẩu tiểu liên, lựu đạn…những vũ khí thuộc hàng “cổ”.

Không chỉ vậy, bọn khủng bố còn kéo dãn quân đội Mỹ ra khắp nơi, từ châu Á sang châu Âu, từ ngoại quốc tới ngay trong lãnh thổ Mỹ, buộc nước này phải dùng tên lửa hàng triệu USD phá hủy những căn cứ chỉ giá vài USD…

Kết quả là bọn khủng bố lấy đi của Mỹ hàng trăm tỷ USD chi phí quân sự, khiến người Mỹ mỏi mệt vì lúc nào cũng phải căng thẳng, đề phòng…ngân sách liên tục lập kỷ lục thâm hụt mới, vị thế siêu cường số một kinh tế bị lung lay…còn khoa học, kỹ thuật thì không đạt nhiều bước nhảy vọt như khi cạnh tranh với Liên Xô…đúng như nhà nghiên cứu Alexei Bayer nhận định, việc Liên Xô sụp đổ thực sự tàn phá nước Mỹ. ( BaoDatViet )

Vu Lan (theo Foreign Policy, Diplomat, Moscow Times)
————————————————————————————————————————————————————————–

Phụ nữ ‘yêu’ sung nhất ở tuổi 40

Phụ nữ tuổi trên 40 tuổi có đời sống tình dục viên mãn nhất, đó là kết luận của khảo sát được thực hiện tại Anh.
Theo nghiên cứu của tạp chí Top Sante, cuộc sống tình dục của phụ nữ sẽ được cải thiện rất nhiều sau khi con cái họ trưởng thành và rời khỏi nhà. Khoảng 60% phụ nữ có con trên 18 tuổi cho biết họ làm “chuyện ấy” thường xuyên hơn sau khi bọn trẻ chuyển ra ngoài sinh sống, trong khi 91% phụ nữ đang đi làm và có con dưới 10 tuổi cho biết “chuyện yêu” của họ gần như là kiệt sức.Khảo sát trên 2.000 phụ nữ cũng tiết lộ 80% phụ nữ cho biết họ muốn được trải nghiệm cảm giác phiêu lưu với chồng hơn là khi mới 20 tuổi, còn 60% khẳng định họ rất tự tin trên giường.
Phụ nữ trên 40 tuổi rất tự tin trong “chuyện ấy”.

Theo các chuyên gia, khi đến độ tuổi chín muồi, phụ nữ đã đạt được đỉnh của sự tự tin tình dục, họ biết mình muốn gì trên giường và không ngại hỏi cũng như đề đạt nguyện vọng của mình. Trong khi đó, 1/5 phụ nữ dưới 30 tuổi cho biết họ thường giả vờ thỏa mãn khi “yêu”.
Nicola Down, Tổng biên tập của Top Sante, nhận định: “Cuộc phiêu lưu tình dục thực sự bắt đầu khi bọn trẻ lớn hơn hay rời khỏi nhà, khi đó phụ nữ đã có nhiều kinh nghiệm hơn và cũng tự tin về cơ thể của mình hơn để tận hưởng một đời sống tình dục thỏa mãn nhất. Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy 8/10 phụ nữ cho rằng xã hội và những người trẻ hơn thường không có một hình ảnh tích cực về phụ nữ lớn tuổi, trong khi trên thực tế, họ lại có đầy đủ yếu tố để có một đời sống tình dục tuyệt vời, điều mà ít ai nghĩ tới”.

Phan Anh (theo DM)
@ Bao DatViet
————————————————————————————————————————————————————————-

Cù Huy Hà Vũ, ông là ai?

Tác giả: Chu Việt

Lướt Internet gần đây, tôi được đọc nhiều chuyện lý thú về ông qua một vài bài viết của ông trên mạng Bauxite Việt Nam và các cuộc phỏng vấn với BBC, RFAVOA. Từ những chuyện lớn như kiện Thủ tưóng Nguyễn Tấn Dũng hành xử trái Hiến pháp, kiến nghị bỏ điều 4 Hiến pháp, kêu gọi đại xá cho tất cả tù nhân Việt Nam Cộng hòa và ý kiến Việt Nam phải hợp tác quân sự với Mỹ mà ông cho rằng đó là “mệnh lệnh của thời đại”, cho đến chuyện nhỏ như tự ứng cử vào chức vụ Bộ trưởng Văn hóa, đề nghị xây đài liệt sĩ tưởng niệm 58 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại đảo Hoàng Sa năm 1974 và vụ “Chat với Mozart” lãng nhách. Ông sử dụng pháp luật và truyền thông như vũ khí, có thể ví ông như Triệu Tử Long (hay Don Quixote?) đơn thương độc mã, tả xung hữu đột trong cõi ta bà. Ông còn là một họa sĩ có tài. Tôi cũng được coi hình ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bức tranh chân dung tướng Giáp do ông vẽ.

Được biết ông sinh năm 1957, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne và hiện đang hành nghề luật sư cùng vợ ông tại Hà Nội. Như vậy, thời niên thiếu ông đã trải qua là thời đất nước còn chia đôi và sau đó ông đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa  – bao cấp và đổi mới – cho đến ngày nay. Sự hiểu biết và tri giác của cá nhân ông về chính thể Việt Nam Cộng hòa và người Việt sống ở miền Nam và tỵ nạn tại hải ngoại sau biến cố 4/1975 chắc cũng không sâu rộng lắm mặc dù ông đã sống bên Pháp khá lâu. Nhưng hẳn ông ý thức được thực chất của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” chỉ là một cuộc nội chiến tương tàn, miền Bắc xã hội chủ nghĩa dốc toàn lực tấn chiếm miền Nam dân chủ tự do, và sau chiến thắng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cưỡng đặt một chế độ tàn khốc trên cả nước dựa trên chuyên chính vô sản và bạo lực. Những đợt đánh tư sản mại bản, đổi tiền, chính sách hợp tác xâ, cải tạo lao động đã khiến cho người dân kiệt quệ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Mới đây, lại thấy ông kiến nghị Quốc hội đòi hủy bỏ bộ phim tập Lý Công Uẩnđường đến thành Thăng Long mà trên thực tế, chính quyền đã không cho phát sóng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vì sự chống đối quá mạnh mẽ từ trong ra ngoài.

Trong nước, những tin tức nói trên cũng được một số báo mạng loan tải, nhưng báo chí lề phải có dám in ấn không? Người dân trong nước, tuy bất đắc dĩ phải tự kiềm chế trước những vấn đề đất nước, chắc phải tri ngộ một người tên Cù Huy Hà Vũ to gan, bạo miệng, dám công khai phát biểu những ý kiến lề trái như vậy?

Ông đã chứng tỏ có tư duy độc lập và đảm lược của người trí thức đích thực. Ở hải ngoại, nhiều người đồng tình với ông đã ái ngại cho sự an toàn của bản thân ông trong một môi sinh ngột ngạt dưới chế độ công an trị như vậy. Ông không thấy gương của một Trần Độ, một Hoàng Minh Chính hay sao? Ông không thấy nhà nước cộng sản đã đối xử ra sao với những đồng nghiệp của ông như luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài?

Người ta cho rằng sở dĩ ông dám “mó dái ngựa” vì ông cũng là “con cháu các Cụ” (CCCC) cả, nhưng Việt Nam nhung nhúc các CCCC mà đâu có ai giống ông? Họ đều chạy theo quyền lực và ra sức kiếm tiền qua những quỷ kế tham nhũng. Chính quyền không muốn đụng đến ông vì chưa đến lúc hay sợ mang tiếng với bên ngoài? Không ai biết. Nhưng không thể loại trừ những đòn ngầm, đòn xấu như đã từng xảy ra mà không ai lường trước được. Có lẽ ông cũng biết vậy.

Những gì thiên hạ biết về ông chỉ là mặt nổi. Ông là con, cháu của hai đỉnh cao thi ca Việt Nam đương đại, đồng thời cũng là công thần của chế độ từ những ngày Việt Minh khởi nghĩa: Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu. Cụ thân sinh ông – nhà thơ Huy Cận – từng là Ủy viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945-31/12/1945), Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDCCH (1/1/1946-2/3/1946), và sau này lần lượt giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa Thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhưng chưa bao giờ Cụ được cất cánh bay thật cao trong đẳng cấp đảng viên cộng sản. Ông có biết tại sao không?

Huy Cận (trái) và Phạm Duy (phải) tại Hà Nội đầu những năm 2000

Ở miền Nam, tên tuổi Huy Cận gắn liền với Phạm Duy từ giữa thập niên 1960 qua “Ngậm ngùi”, bản nhạc phổ thơ tuyệt vời mà già trẻ đều ngâm nga ca tụng, nhưng giới trẻ thoạt đầu không biết đó là một bài thơ hay của Huy Cận đã đăng cùng với một bài nổi danh khác là “Tràng giang” (tặng Khái Hưng) trong tập Lửa thiêng đầu tay do nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực Văn đoàn ấn hành năm 1940. Còn liên hệ giữa nhà thơ Huy Cận với các thành viên Tự lực Văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng ra sao, chắc ông Cù Huy Hà Vũ không biết, đơn giản vì khi ấy ông chưa ra đời. Nhưng sau này chắc ông phải biết nhà thơ Xuân Diệu, bác ông, và nhà thơ Tú Mỡ đều là thành viên của Tự lực Văn đoàn do Nhất Linh điều hành và cộng tác với nhau trong việc làm báo Phong HóaNgày Nay. Đã có một thời gian dài, Tự lực Văn đoàn bị coi như không hề có mặt trong lịch sử văn học Việt Nam. Tôi muốn kể ông nghe một chuyện về tình cảm cá nhân Huy Cận đối với Nhất Linh như thế nào. Chuyện kể mùa hè năm 2001.

Trích truyện ký “Cây bàng lá đỏ[1] của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh:

Trở về khách sạn tôi quay điện thoại xin gặp nhà thơ Huy Cận.

Sau khi tự giới thiệu là con của nhà văn Nhất Linh từ nước ngoài về muốn đến thăm ông, ở đầu dây có tiếng thốt lên mừng rỡ bằng một giọng rất nặng Huế: “Có phải anh là anh Triệu không?”– “Không, cháu là em của anh Triệu”. (Tôi nhớ ngay đến bài thơ “Tựu trường” của Huy Cận năm 1938 với lời đề “Tặng em Triệu”). Nhà thơ nói với tôi là đúng hai giờ trưa mai ông có thể tiếp tôi một tiếng đồng hồ tại tư gia. Ông còn nói là mặc dù có tuổi ông vẫn còn làm việc ở Nhà Văn hóa và thời gian đó là thuận tiện nhất cho ông.

Đó là một toà nhà quét vôi vàng nhạt với kiến trúc cổ, trước nhà một cánh cổng sắt sơn màu xanh lá cây. Đúng hai giờ một ông già dáng đi nặng nề từ trong nhà bước ra tay cầm chùm chìa khóa tra vào ổ cánh cửa sắt. Cửa mở. Trước mặt tôi là Huy Cận. Trước mặt tôi là tác giả câu thơ “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng…” bố tôi đã trang trọng viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) mà tôi đã nâng niu cất giữ trong suốt 40 năm qua.

Huy Cận hướng dẫn tôi vào nhà qua một lối đi lát gạch có đặt nhiều chậu cây kiểng. Trong phòng khách ông tiếp tôi có treo trên tường bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Xuân Diệu. Trên một cái tủ đen có trưng hai bằng tưởng thưởng lồng trong khung kính; qua hàng chữ đỏ lớn tôi đọc thấy “Huân chương Độc lập” và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”.  Ngồi xuống ghế, tôi nói ngay với ông cái mục đích rất giản dị của tôi là xin được gặp ông để nghe ông nói về những kỷ niệm ông đã có với bố tôi. Tôi xin ông không nói chuyện chính trị bởi vì giữa ông và bố tôi đã đi trên hai con đường khác nhau mà cả hai bên tôi nghĩ đều rất hãnh diện về sự lựa chọn của mình. Xem ra ông cũng đồng ý với tôi trên căn bản đó.

Tuổi già không làm khuôn mặt ông hom hem như nhiều khuôn mặt những người tuổi ông tôi đã thấy ở Hà Nội. Mặt ông vẫn giữ được vẻ đầy đặn có thể gọi là tròn trịa. Với cặp mắt húp húp Huy Cận nhìn tôi và bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Cháu Thiết năm nay được bao nhiêu tuổi?” Sau khi tôi nói tuổi của tôi, trầm ngâm hồi lâu rồi ông nói, giọng “ngậm ngùi”: “Cháu có biết không? Thế là cháu đã già hơn bố cháu bốn tuổi khi bố cháu mất đấy!” Rồi ông hỏi tôi về đời sống của tôi, của các anh chị tôi, có ai còn ở trong nước không và nhất là hỏi thăm anh Triệu mà ông đã san sẻ kỷ niệm dưới tòa nhà 80 Quán Thánh (anh Triệu tôi là con nuôi của nhà văn Khái Hưng). Ông cũng hỏi anh em chúng tôi còn lại bao người. Tôi trả lời chúng tôi còn lại năm. Huy Cận nói: “Bố mẹ cháu có trên mười người con. Cháu có biết vì sao cháu có đông anh em thế không? Mỗi lần bà Nhất Linh mang bầu thì ông Nhất Linh lại nói với tôi là sau mỗi lần sinh đẻ bà khỏe hẳn ra chứ không như những người đàn bà khác ngại đẻ, cho nên có nhiều con cũng là một cách tốt để bả sống lâu”…

Bố tôi đối xử với bạn bè và những người cộng tác với ông hết sức chân tình. Huy Cận ghi nhận. Ông kể với tôi là ông không bao giờ quên được một đêm đông ông đến thăm bố tôi, thấy ông trên người chỉ có cái áo phong phanh, bố tôi đã cởi ngay chiếc áo lạnh pa-đờ-suy mà bố tôi đang mặc khoác lên người ông và tặng luôn ông chiếc áo lạnh đó.

Rồi bỗng như lóe ra một kỷ niệm vui, trong cặp mắt húp húp của ông già ấy tôi thấy ánh một nét trẻ thơ: “À, mà chuyện này bà Nhất Linh không biết đâu! Chỉ có tôi với ông Nhất Linh biết thôi! Chúng tôi có san sẻ riêng với nhau câu chuyện về một thiếu nữ. Tôi không biết ông Nhất Linh có mê thật cô ấy không, nhưng ông đặt một bí danh cho thiếu nữ ấy là “cô áo trắng”. Bài thơ “Áo trắng” của tôi ông muốn tôi đề tặng ông. Cháu biết không, cô áo trắng là cô Thu trong Bướm trắng của ông Nhất Linh đấy”.

Tôi hỏi Huy Cận là ông có biết bài thơ “Ngậm ngùi” của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bản nhạc này rất thịnh hành ở miền Nam đến độ với bài “Ngậm ngùi” người nhạc sĩ Phạm Duy đã làm mờ nhà thơ Huy Cận. Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng ông nói: “Bài thơ ‘Ngậm ngùi’ có tư tưởng mới lắm nghe! Sáu bảy mươi năm trước mà tôi đã viết câu ‘anh hầu (chứ không phải em hầu) quạt đây!’ Mới lắm nghe!”

Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi  nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: “Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên ‘Bèo giạt’ đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái  tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được.

Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:

“Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?”

Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: “Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác.

Huy Cận tiễn tôi ra cửa. Bàn tay ông run rẩy tra khóa vào ổ khoá chiếc cửa sắt. Chúng tôi ra ngoài hè đường. Chiếc xe taxi đã đậu chờ sẵn dưới bóng một cây sấu. Ông ngoắc tôi đi theo ông đến một hiệu photocopy ở cách đó mươi nhà. Ông làm mấy phóng ảnh đưa tôi. Đó là bốn bức ảnh chụp Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thế Lữ với lời đề tặng Huy Cận của từng người một từ hơn sáu mươi năm trước. Rồi ông và tôi bước trở lại chỗ chiếc taxi đậu.

Giây phút trước khi tôi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi: “Việc gì anh ấy phải chết. Việc gì bố cháu phải chết…”

Huy Cận, ông cụ thân sinh ông, là người thế đấy. Ông theo cộng sản, chẳng biết tin tưởng ở chủ nghĩa Mác-Lê đến mức độ nào, nhưng là một con người nghệ sĩ có tâm hồn, giàu cảm tính. Cái gien của ông cụ truyền cho ông chắc là một thứ gien lành mạnh. Nhưng con phải hơn cha thì nhà mới có phúc, ông có tin thế không?

Thì qua những phát biểu và hành vi, ông đã chứng tỏ không giống cha mình, ít nhất ở điểm dám ăn dám nói những điều phi chính thống. Nếu là đảng viên cộng sản, chắc ông sẽ bị thi hành kỷ luật, và nếu Đảng xét thấy tội nặng hơn, sẽ bị khai trừ và truy bức. Không biết ông có ở trong trường hợp này không?

Là luật sư, ông đã dựa trên luật pháp mà đâm đơn kiện ông Thủ tướng một cách danh chính ngôn thuận, nhưng ông cũng thừa biết mình là “con kiến đi kiện củ khoai” vì Đảng Cộng sản đứng ngoài và trên luật pháp. Còn việc bảo vệ quyền thừa kế cha và bác ông để giữ lại căn nhà đang ở là chuyện riêng tư không nên bàn ở đây, tuy có phần lấn cấn.

Việc ông xin “ân xá” và “đại xá” cho những quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng hòa bị hãm hại tù đày hàng chục năm có hàm ý gì và nhân danh ai hay cái gì? Xin – cho là phương cách duy nhất của người dân trong mọi thể chế độc tài, ông không thể làm khác hơn. Nhưng chẳng lẽ trong thâm tâm ông cũng nghĩ họ đều là tội phạm? Họ đã phạm tội gì? Bảo vệ quyền tự do và nếp sống của mình không phải là phạm tội. Yêu nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa càng không phải là phạm tội. Như vậy, chúng ta có thể nhân danh Đức Thánh Hồ, nhân danh chủ nghĩa Mác-Lê vô địch để khép những người “ngoại đạo” vào tội “kẻ thù nhân dân” như dưới thời Stalin, thời Mao? Vả lại “đại xá” là một sự sỉ nhục cho biết bao vong linh (kể cả 58 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa mà ông muốn vinh danh) những người đã nằm xuống vì dân tộc. Thay vào đó phải tối thiểu là một lời tạ lỗi chính thức mới mong “hòa giải, hòa hợp” được. Tiếc, cho đến nay chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ muốn chiêu dụ chứ không hòa giải.

Với trí tuệ và đảm lược sẵn có, ông Cù Huy Hà Vũ thừa khả năng làm một bộ trưởng nào đó trong một thể chế dân chủ đa nguyên và sau này có thể hơn thế. Nhận định và thái độ của ông trước những vấn đề như Biển Đông, bá quyền Trung Hoa, hợp tác quân sự với Mỹ chứng tỏ ông có viễn kiến và thiết tha với tiền đồ dân tộc. Với chế độ hiện nay thì ông không nên và không thể trông mong gì, trừ phi ông là đảng viên cộng sản. Phải không ông?


@  talawas


[1] Đăng lần đầu trong tạp chí Thế Kỷ 21, số… (không nhớ). Trích đoạn này hơi dài nhưng độc đáo vì đó là tâm sự thầm kín của nhà thơ Huy Cận mà có lẽ chính ông Cù Huy Hà Vũ cũng không biết. Cuộc hạnh ngộ này do chính tôi, Chu Việt, gợi ý và đề nghị với nhà văn Nguyễn Tường Thiết trước khi ông đi Việt Nam.

————————————————————————————————————————————————————————-

Một phản ứng chống lại Bắc Kinh

Nguồn: Joshua Kurlantzick, Newsweek

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Trung Quốc đang bắt đầu phải đối diện hậu quả từ lập trường gây hấn mới của mình.

Trong hai tuần qua, tất cả châu Á đã theo dõi với sự lo lắng khi Trung Quốc buộc Nhật Bản phải thoái bộ trong một cuộc tranh chấp đường biển bằng cách hạ thấp các quan hệ ngoại giao, và sẽ dung túng nếu không muốn nói là khuyến khích các cuộc biểu tình trên đường phố của công chúng chống lại Tokyo cũng như ngưng vận chuyển các mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng cho Nhật Bản. Cuộc đối mặt này tượng trưng cho thái độ mới của Bắc Kinh: một khi đã từng chính thức hứa hẹn vươn lên một cách hòa bình trong hợp tác với các nước láng giềng, Trung Quốc bây giờ quyết tâm biểu lộ với các nước láng giềng và Hoa Kỳ, rằng họ đã đang phát triển các quyền lợi quân sự và kinh tế mà các quốc gia khác bỏ qua vào những lúc nguy hiểm của mình.

Trung Quốc đã mở lại vết thương cũ với Ấn Độ bằng cách công khai đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ tại bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ, khiến đưa đến sự tập trung quân đội của cả hai nước dọc theo biên giới. Bắc Kinh đã từng công bố cùng Biển Nam Trung Hoa là một “quyền lợi quốc gia cốt lõi” một thuật ngữ trước đây được sử dụng cho Đài Loan và Tây Tạng (trong một số các nơi khác) để báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép những lời chỉ trích từ bên ngoài đến khiếu nại của mình cho một vạt đại dương rộng lớn, có giá trị về chiến lược cũng như phong phú về dầu hỏa. Hải quân Trung Quốc ngày càng quấy rối các tàu thuyền của Mỹ và Nhật Bản trong vùng biển châu Á. Và Bắc Kinh đã rộng rãi ngăn chặn các khiếu nại của các quốc gia trong lục địa Đông Nam Á nơi các con đập mới của Trung Quốc trên phần thượng nguồn sông Mekong đã chuyển hướng lưu vực và làm tổn thương đời sống của ngư dân và nông dân ở dưới hạ lưu. Trung Quốc cũng đã nghiêm khắc lên án cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ-Hàn, và áp dụng một áp lực ngày càng tăng lên các quốc gia Đông Nam Á để phải buông bỏ ngay cả những quan hệ không chính thức với Đài Loan, nước đã từng có quan hệ rất gần với các quốc gia như Singapore và Philippines.

Hành vi hung hăng của Trung Quốc đại diện cho một thay đổi lớn lao trong chính sách từ lâu của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã thường thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy giữ một thái độ khiêm tốn trong công tác đối ngoại. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công quyến rũ đối với các nước láng giềng, những nước vẫn còn nhớ thời năm tháng cách mạng, chủ nghĩa can thiệp Trung Quốc của Mao Trạch Đông, khi họ ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và quân nổi dậy ở Miến Điện giữa các nguyên nhân khác. Lối tiếp cận êm dịu nhẹ nhàng này gặt hái được phần thưởng. Bắc Kinh đã ký được một thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội các nước Đông Nam Á có hiệu lực vào đầu năm nay giúp Bắc Kinh trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của gần như tất cả các nước trong khu vực. Trong cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 Trung Quốc nâng cấp vai trò của nó trong các tổ chức khu vực ở châu Á, bao gồm ASEAN, và chuyển trọng tâm quan hệ của mình về Ấn Độ, người khổng lồ mới nổi khác, từ các mối thù địch cũ để trở thành các mối liên kết thương mại mới, bao gồm quan hệ đối tác giữa các công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới của Ấn Độ với các đồng nghiệp Trung Quốc của mình. Các nhà ngoại giao trong khu vực đã đánh giá cao lối tiếp cận xây dựng trên mối đồng thuận của Trung Quốc, và tương phản sắc nét của Trung Quốc với phong cách kiểu “không theo chúng tôi là chống lại chúng tôi” của chính quyền George W. Bush.

Trong một số cách thức, sự thay đổi trong thái độ là một sự mở rộng mối quan tâm lâu dài của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của mình, kể từ thời gian rất lâu trước cả thời Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ. Hơn thế nữa, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã để Trung Quốc lại trong một vị trí quốc tế mạnh hơn nhiều so với nhiều nước láng giềng của nó hoặc Mỹ, và các nhà ngoại giao và lãnh đạo Trung Quốc hiện nay dường như cảm thấy họ có thể bày tỏ thế lực của mình trong vấn đề quốc tế. Chính từ việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lên lớp các quan chức phương Tây công khai về các thất bại của thị trường tự do chủ nghĩa tư bản mà từ đó người Trung Quốc cũng trở nên sẵn sàng thực hiệc các đòi hỏi công khai đến các nước châu Á khác. “Có một mức độ ngạo mạn nhất định trong hành động [của Trung Quốc],” ông Lâm Peng Er, một chuyên gia trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Singapore đã nói. Trung Quốc gần đây đã vượt qua Nhật Bản là một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một số người xem đấy như là một sự “trưởng thành” ông nói.

Nhưng có lẽ lý do lớn nhất cho sự thay đổi hành vi của Trung Quốc là mối căng thẳng xung quanh những thay đổi lãnh đạo ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho năm 2012, khi Hồ Cẩm Đào dự kiến sẽ bước xuống nhường lại vị trí cho cho nhân vật được xem là sẽ thừa kế: phó chủ tịch hiện hành Tập Cận Bình. Ông Kerry Brown, thành viên cao cấp Chương trình Châu Á của Chatham House, một tổ chức tư vấn Anh Quốc cho biết, không giống như Đặng Tiểu Bình, người đã chiến đấu trong cuộc nội chiến Trung Quốc – hoặc ngay cả như cựu lãnh tụ Giang Trạch Dân, người có quan hệ chặt chẽ với quân đội – Hồ và Bình không có một cử tri rõ ràng hoặc một mối liên kết nào với quân đội. Hậu quả là, các nhà lãnh đạo mới có thể ít có khả năng hơn những nhà lãnh đạo trong quá khứ để kiểm soát một cơ sở quốc phòng hiện đang đẩy mạnh cho các quyền lợi hiếu chiến của chính mình, chẳng hạn như mở rộng khu vực ảnh hưởng hàng hải của Trung Quốc, mà không phải là luôn luôn nhất quán với các mục tiêu ngoại giao rộng hơn hay bộ ngoại giao hoà bình hơn của Trung Quốc. Hiện tại, Hồ Cẩm Đào và Bình, thiếu mất loại hậu thuẫn quyền lực của Đặng, đang tìm ra rằng họ phải hòa giải với các lực lượng vũ trang. Nhiều người Trung Quốc và các chuyên gia, thậm chí cả một số quan chức Trung quốc kín đáo, cho rằng mối căng thẳng có thể tiếp diễn dưới một số hình thức, tối thiểu đến sau năm 2010.

Nhưng tất cả sự ngoan cố này đang đến với một cái giá: phản ứng dữ dội trên toàn châu Á sẽ tiêu hao giá trị cả một thập kỷ tích lũy thiện chí của Bắc Kinh. Đầu năm nay, một báo cáo của Viện Lowy ở Australia cho thấy rằng “thay vì sử dụng sự nổi lên của Trung Quốc như một đối trọng chiến lược với vị trí hàng đầu của Mỹ, hầu hết các nước ở châu Á có vẻ lặng lẽ đi theo phía Hoa Kỳ.” Một cuộc điều tra của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một tổ chức tư vấn Washington, cho thấy rằng hầu hết giới lãnh đạo ở châu Á nói rằng trong 10 năm kể từ hiện tại, Mỹ sẽ là cội nguồn lớn nhất cho hòa bình trong khu vực, trong khi Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn nhất. Vì lý do đó, các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã hoan nghênh sự hiện diện mạnh hơn về quốc phòng của Mỹ.

Việt Nam, về lý thuyết vốn ưa thích một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc như một nhà nước cộng sản anh em, đã bắt đầu một cuộc đối thoại chiến lược với kẻ thù cũ là Hoa Kỳ và có thể bắt tay vào một thỏa thuận hạt nhân mà Washington sẽ cung cấp cho Hà Nội loại công nghệ làm giàu mà Trung Quốc đã từng hy vọng sẽ cung cấp. Trong thời hạn 10 năm, Việt Nam có thể là một đồng minh mặc nhiên gần nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, ngoài Singapore. Indonesia, cũng từng được Trung quốc ve vãn mạnh mẽ, năm nay đã bắt tay vào một loại “đối tác toàn diện” mới với Hoa Kỳ bao gồm các liên kết quân sự mới, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở New York, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa công khai bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á loại Hoa Kỳ ra khỏi các tranh chấp trong vùng biển Nam Trung Hoa. Ngay cả Campuchia, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Trung Quốc, đã mở ra mối quan hệ quốc phòng mới với Lầu Năm Góc, đầu năm nay quân đội Campuchia và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung có biệt danh là Angkor Sentinel.

Đồng thời, nhiều quốc gia châu Á đang thực hiện các thương thảo với nhau để tạo ra một sự cân bằng với Trung Quốc. Việt Nam vừa công bố một cuộc đối thoại an ninh với Nhật Bản, trong khi Ấn Độ đã mời Nhật Bản thực hiện một đầu tư mới rất lớn trong cơ sở hạ tầng của Ấn Độ – những mối thương thảo mà, dưới những điều kiện khác, có thể đã bị vồ chụp bởi các công ty Trung Quốc. Hơn nữa, gần như mọi quốc gia ở Đông Nam Á đang bỏ tiền ra để mua vũ khí. Theo Viện Khảo cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, số tiền chi cho việc mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á chỉ riêng từ năm 2005 đến 2009 đã tăng gần gấp đôi, với việc Việt Nam gần đây đã chi 2.4 tỉ để mua tàu ngầm của Nga và loại phản lực cơ thiết kế để tấn công tàu biển. Cho rằng các nước như Việt Nam và Malaysia, một nước mua vũ khí lớn gần đây, mang lại những đe dọa trong nội tình Đông Nam Á, các hệ thống vũ khí được thiết kế chỉ nhằm đẩy lùi Trung Quốc. Bắc Kinh cũng gia tăng chi tiêu quân sự của mình đến mức 15 phần trăm mỗi năm trong những năm gần đây, cho thấy những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng chỉ thực sự mới bắt đầu.

@X-Cafe

————————————————————————————————————————————————————————–