Lũ lụt miền Trung

 

Người dân vùng lũ đang đối mặt với đói, khát và bệnh tật.
Ảnh: Bình Minh

27 người chết và mất tích, hàng chục ngàn nhà bị ngập

—————————————————————————————————————————————————-

Chia rẽ lớn

Nguồn: Peter Goodspeed, National Post

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Lời hứa hẹn về sự thay đổi đang lơ lửng ở Trung Quốc vào cuối tuần này. Những nhân vật ưu tú của đảng hội họp với nhau tại Bắc Kinh hôm qua và khai mạc một cuộc họp kín bốn ngày của Uỷ ban Trung Ương Đảng Cộng sản, vốn có nhiệm vụ soạn thảo và theo đuổi một kế hoạch năm năm kinh tế mới cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đồng thời chuẩn bị cho cuộc thay đổi lãnh đạo kế nhiệm vào năm 2012.

Tuy nhiên, một vị khách không được mời họp đã gây ra một cuộc náo động. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi lãnh đạo Trung Quốc tức điên lên bởi sự “xúc phạm” khi nhìn thấy nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình, giới ưu tú của Trung Quốc lại rơi vào một cuộc tranh luận gay gắt về sự cần thiết phải cải cách chính trị, sự kiểm duyệt và ý nghĩa của tự do ngôn luận.

Lần đầu tiên kể từ cuộc đàn áp cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ thô bạo tại Thiên An Môn 21 năm trước, rõ ràng là các nhà lãnh đạo chính trị và tư tưởng của Trung quốc đang phải chồng chéo với những khái niệm cạnh tranh nhau của tự do và sự ổn định xã hội.

Đó là cuộc đấu tranh thiêng liêng nhất của Trung Quốc và là một cuộc đấu tranh vốn không thể giải quyết nhanh chóng.

Trong ba thập kỷ cải cách kinh tế khiến thay đổi được đất nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố kiềm chế các tranh luận về tương lai chính trị của Trung Quốc. Trong khi từ bỏ chủ nghĩa xã hội cho một “nền kinh tế thị trường định hướng” hoặc chủ nghĩa tư bản theo định hướng nhà nước, cộng sản Trung Quốc đã tàn nhẫn giữ lấy sự độc quyền về quyền lực.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn nghiền nát tất cả các diễn đàn công cộng. Thay vào đó, họ chỉ tìm đến sự đàn áp khi cảm thấy bị đe dọa bởi một số hình thức tổ chức đối lập với nền cai trị độc đảng của họ.

Theo Timothy Cheek, một chuyên gia Trung Quốc tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Viện Đại học British Columbia, hậu quả đã dẫn đến một không gian trí tuệ cũng phức tạp và mâu thuẫn như nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc.

“Ở Trung Quốc, đảng quản lý cả thị trường và đấu trường công cộng”, Giáo sư Cheek cho biết “các nhà trí thức to mồm là một sự nguyền rủa với quản lý của đảng, trong một phương cách tương tự như tỷ giá hối đoái thả nổi, rất khó đoán trước”.

Kết quả là, ngay khi chính phủ Trung Quốc duy trì quyền kiểm soát ngành công nghiệp trọng điểm, ngân hàng và tỷ giá, hoạt động trong một thị trường tư bản toàn cầu, đất nước này cũng đã thiết lập một bộ phận kiểm soát càn quét thuộc Trung ương Cục Tuyên truyền của mình để thao tác và hạn chế các tranh luận công khai ở Trung Quốc .

“Quan điểm của công chúng trực tiếp là chính phủ này không phải là loại độc tài toàn trị và cũng không phải là tự do. Nó là một cái gì đó ở giữa” Giáo sư Cheek nói.

“Ám chỉ đến cách người Trung Quốc cố gắng điều hành kinh tế thị trường là một phép ẩn dụ hơn. Bởi vì đó là cùng một dân tộc. Đó là cách họ đang cố gắng để là người Trung Quốc và được hiện đại. Đây chính là cách họ kiểm soát cân bằng và đổi mới”.

Nhưng Trung Quốc đã phát triển và đạt được đồng thuận về việc mối cân bằng đó phải nằm ở đâu.

Trong hai tháng qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã công khai kêu gọi các cải cách chính trị ở Trung Quốc trong bảy dịp khác nhau. Ông đã kêu gọi tăng cường các quy định của về pháp luật để bảo vệ quyền cá nhân và kêu gọi việc nới lỏng các hạn chế về tự do ngôn luận cho phép người dân có nhiều cơ hội để theo dõi và chỉ trích chính phủ.

Vào cuối tháng Tám, trong chuyến thăm tới thành phố Thẩm Quyến ở phía nam để kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo, “Nếu không có được sự bảo vệ các cải cách chính trị, những thành quả của cải cách kinh tế sẽ bị mất đi và mục tiêu hiện đại hóa sẽ không thực hiện được”.

Sau đó, vào Chủ nhật tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn thu hình sẵn với đài truyền hình CNN, ông đã khiến khắp thế giới phải nhíu mày khi khẳng định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc phải hành động “theo quy định của hiến pháp và pháp luật”, “Tự do ngôn luận là không thể thiếu cho bất kỳ đất nước nào”, ông nói thêm, “mong muốn và nhu cầu cho dân chủ và tự do của dân chúng là không thể cưỡng lại”.

“Chúng ta cần phải từng bước hoàn thiện hệ thống bầu cử dân chủ để quyền lực nhà nước sẽ phải thực sự thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước sẽ được sử dụng để phục vụ nhân dân”, ông tuyên bố.

Vào lúc đó, nhà chức trách Trung Quốc đã tham dự vào một cuộc tăng cường các đàn áp chống lại các nóm nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị, ông Lưu (Hiểu ba) đã bị tố cáo như là một kẻ phản bội hình sự và có lẽ đáng sợ hơn là, các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc đã được chỉ thị phải giảm nhẹ hoặc bỏ qua những lời kêu gọi về cải cách chính trị của cả hai ông Ôn (Gia Bảo) và Lưu (Hiểu Ba) ở Trung Quốc.

Bất kỳ tham khảo nào đến cải cách chính trị cắt xén ra từ các thông tin về lời phát biểu và các tường thuật, bình luận, đề cập đến lời kêu gọi cải cách của ông bị kiểm duyệt và loại khỏi mạng Internet ngay lập tức.

Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhận được các tin tường thuật rộng rãi ở Trung Quốc khi ông đến thăm Thâm Quyến ngay sau chuyến thăm của Ôn Gia Bảo và ông đã phát biểu, nhấn mạnh sự cống hiến của mình cho “chủ nghĩa xã hội Trung Quôc đặc sắc”.

“Tất cả những gì xảy ra đã rõ ràng là có một phe thiểu số trong Bộ Chính trị muốn thúc đẩy đến công cuộc tự do hóa nhanh hơn một chút nữa. Nhưng không hề có ai ủng hộ dân chủ”, Ông Victor Falkenheim, một chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Toronto nhận xét.

“Tuy nhiên, trong những thông số về cải cách như hiện nay, có rất nhiều điều mà họ có thể thực hiện về sự đẩy mạnh đến một quy tắc mạnh hơn của pháp luật, kiểm soát nạn tham nhũng chặt chẽ hơn và một số chính sách ít nghiêm ngặt hơn về các tranh luận và các xuất bản phẩm trên phương tiện truyền thông”, ông nói.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa đạt đến một sự đồng thuận. Trong khi một số nhà cải cách trong đảng muốn đưa vào loại bầu cử cạnh tranh trong nội bộ cho các chức vụ quan trọng và quyền tự do truyền thông rộng lớn hơn, thành phần bảo thủ trong giới lãnh đạo lo sợ bất kỳ động thái như vậy có thể dẫn đến bất ổn xã hội và lật đổ đảng lãnh đạo.

Những căng thẳng ấy đã sôi sục hẳn ra ngoài mặt khi 23 cựu quan chức cao cấp đã phổ biến một bức thư ngỏ đến Quốc hội Nhân dân Trung quốc đòi hỏi việc bãi bỏ “bàn tay đen tối vô hình” của sự kiểm duyệt và tôn trọng các quyền tự do đã ghi trong hiến pháp của Trung Quốc.

“Đối với việc quốc gia chúng ta đang tự quảng cáo mình như thể có được một loại “dân chủ xã hội chủ nghĩa “với các đặc tính Trung Quốc quả là một sự xấu hổ. Không chỉ các công dân trung bình, mà ngay cả các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản cũng không hề có tự do ngôn luận hay báo chí” bức thư ngỏ, được ký bởi người cựu bí thư của Mao Trạch Đông và một cựu biên tập viên tờ Nhận Dân Nhật báo trong số nhiều cựu quan chức hàng đầu khác, đã cho biết.

“Nền dân chủ giả trá của sự chính thức thú nhận và sự chối từ khô cứng đã trở thành một nhãn hiệu tai tiếng của lịch sử của nền dân chủ trên thế giới” bức thư nói.

Cam kết hỗ trợ những kêu gọi cải cách của ông Ôn Gia Bảo, các tác giả bức thư yêu cầu chấm dứt sự kiểm duyệt, tư nhân hóa các phương tiện truyền thông và bãi bỏ các quy định về internet.

Hôm thứ Tư, trong vòng vài giờ, lá thư của họ biến mất khỏi trang web của Trung Quốc. Tuy nhiên các tác giả nói rằng họ đã tập hợp được hàng trăm chữ ký hơn nữa khi tài liệu này tiếp tục luân chuyển giữa các tầng lớp ưu tú của Trung Quốc.

Các cuộc tranh luận hiện nay giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bị thúc dục bởi sự chờ đợi thay đổi hàng lãnh đạo ở phía trên cùng của hệ thống chính trị Trung Quốc, Giáo sư Cheek cho biết.

Bảy trong số chín ủy viên hàng đầu của Bộ Chính trị, bao gồm cả ông Ôn Gia Bảo và ông Hồ Cẩm Đào, sẽ được thay thế cùng với hàng trăm đảng viên cấp dưới và các quan chức chính phủ trong năm 2012.

“Họ có thể đang nâng cốc chúc tụng Hồ Cẩm Đào xuống chức tại cuộc Đại hội lớn tiếp theo của Đảng và họ muốn đặt trong đá, những gì họ cảm thấy là đúng,” Giáo sư Cheek nói. “Một số lượng diêm sinh và lửa mà chúng ta nhìn thấy có thể có liên quan đến những gì chúng ta thường thấy ở Canada và Hoa Kỳ khi các chính trị gia huy động nền tảng của họ với các vấn đề nóng như phá thai hoặc y tế”.

@ X-Cafe

—————————————————————————————————————————————————-

“Choáng, sốc” với những câu xét hỏi của… “quan tòa”

Văn hóa pháp đình là vấn đề không mới, nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều vụ việc cho thấy câu chuyện này đã trở nên “khổ lắm, nói mãi…” và rất đáng báo động. Thậm chí, một tòa án cấp quận tại TP.HCM mới đây khi đăng cai hội thảo mổ xẻ “văn hóa pháp đình” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…

Một cán bộ trong ngành tư pháp kể một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, trong một phiên tòa hình sự khi bị cáo trình bày loanh quanh, vị thẩm phán chủ tọa đã hét: “Câm ngay”. Tuy không trực tiếp chứng kiến cảnh ấy, nhưng có lần chúng tôi đã phải sửng sốt vì vị chủ tọa ở một phiên xử của tòa án cấp huyện tại TP.HCM “mời” kiểm sát viên xét hỏi bằng câu: “Ê, tới phần của mày rồi đó”.

“Mất thời gian lắm”

Một cảnh thường gặp, trong cùng một buổi, hội đồng xét xử (HĐXX) có thể đưa từ 3 đến 5 vụ án ra xét xử, nên thông thường để tiết kiệm thời gian phần thủ tục được làm chung cho tất cả các vụ án. Và khi xử đến vụ án nào, vị chủ tọa chỉ hỏi lại: “Có yêu cầu thay đổi ai trong HĐXX không”? Nếu không có yêu cầu gì thì “nhập đề” luôn phần xét hỏi.

Nhưng rồi người điều khiển phiên tòa cũng gặp phải một cảnh trớ trêu, nên phải… đôi co với bị cáo. Hôm đó, đến vụ án thứ hai, vừa nghe vị chủ tọa nói: “Lúc đầu giờ tôi đã phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị cáo, khỏi cần nói lại nhé. Bị cáo có muốn thay đổi ai trong HĐXX không?”. Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung tròn mắt: “Gì ạ, bị cáo quên hết cả rồi”. Chủ tọa bực: “Có chắc phải nói lại không, mất thời gian lắm”. Bị cáo gãi đầu, ậm ừ: “Bị cáo…”. “Thế bị cáo chưa rõ chỗ nào, tòa nói lại chỗ đó?”. Bị cáo lí nhí: “Dạ… thôi tòa cứ nói đại đi, bị cáo biết gì mà hỏi?”. Vị chủ tọa cau có: “Mất thời gian với bị cáo quá, để tòa phổ biến lại từ đầu”.

Mới đây, tại một phiên xử hình sự diễn ra ở Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét kháng cáo kêu oan của một bị cáo phạm tội giết người, một cảnh tượng đã khiến người dự khán khó tin được. Trong khi vị chủ tọa đưa ra chứng cứ cho thấy bị cáo cầm dao đâm, thì vị thẩm phán ngồi cạnh, từ đầu phiên xử đã ngửa cổ tựa đầu ra thành ghế, bỗng bật dậy gắt: “Cãi gì nữa”. Xong ông đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: “Chứng cứ rành rành thế này mà còn cãi. Về chỗ đi. Loanh quanh chối tội…”. Nghe như vậy bị cáo tiu ngỉu, nhưng rõ ràng trên gương mặt tỏ vẻ không phục.

Hôm khác, tại phòng xử A cũng của tòa này, người dự khán cũng chứng kiến một vị thẩm phán thuyết phục bị cáo ngay khi vừa mở phiên tòa: “Chứng cứ rõ ràng rồi, kháng cáo cũng vậy thôi”. Lúc này, các luật sư phía dưới chỉ biết nhìn nhau to nhỏ “án chưa xử mà đã biết kháng cáo “cũng vậy”, bó tay”.

“Tuổi này ai lại đi ăn trộm”

Còn nhớ một vụ án, bị cáo nữ bị truy tố về tội “lừa đảo” do sau khi ngã giá, nhận tiền bán dâm xong, bị cáo lợi dụng sơ hở “chuồn”. Không may lần đó gặp phải một khách hàng không vừa, anh này bỏ thời gian tìm bị cáo ở nhiều điểm thường tụ tập gái bán dâm và “tóm” được bị cáo nộp công an.

Trong phần xét hỏi vị hội thẩm nhân dân nói: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là mất uy tín…”. Hôm ấy không riêng gì người dự phiên tòa, ngay cả các thành viên khác trong HĐXX dường như cũng cố nhịn để không bật cười.

Lần khác, tại một phiên tòa xử vụ án gây rối trật tự công cộng của một TAND huyện, vị hội thẩm nhân dân cao giọng hỏi một bị cáo: “Khi tham gia gây rối có đem theo dao không?”. Bị cáo lí nhí thưa: “Dạ có”. Vị này hỏi tiếp: “Đem theo dao sao không đâm?”. Bị cáo chỉ biết ngơ ngác nhìn tòa, miệng ú ớ không biết nói gì.

Tại một phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp, một vị hội thẩm nhân dân cũng hỏi bị cáo: “Trước khi đi ăn trộm, bị cáo có ghé nhà ai không?”. Bị cáo khai: “Dạ có, bị cáo ghé nhà ông nội của bị cáo chơi”. “Sao không ghé nhà ông ngoại?”. Bị cáo nhìn quanh rồi thưa: “Bị cáo không biết ạ”.

Lần khác, một vị hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi cũng đặt vấn đề: “Bị cáo bao nhiêu tuổi?”. “Dạ, 16 tuổi”. “Tuổi này là tuổi đi học, đến trường. Ai lại đi ăn trộm”. Bị cáo ngơ ngẩn hỏi: “Vậy, mấy tuổi mới đi ăn trộm được ạ?”…

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, cách xét hỏi theo kiểu quy buộc hoặc kiểu quát nạt làm cho bị cáo có cảm giác HĐXX thiên vị, ác cảm, mất đi tính dân chủ tại phiên tòa.

Con nghiện, con bạc…

Ông Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm hình sự – Viện KSND TP.HCM) cũng đưa ra một dẫn chứng mà ông từng chứng kiến. Đó là một phiên xử dân sự, khi đương sự cứ nói miên man không đi vào trọng tâm, vị chủ tọa đã ví von: “Nói dài như trâu đái”. Có thẩm phán hôm trước nhậu say, hôm sau ra phiên tòa còn nồng nặc mùi rượu, mặt đỏ lừ, gắt gỏng.

Ông Sơn cho biết, cách đây không lâu ông phải làm kiến nghị gửi chánh án TAND một huyện tại TP.HCM, vì trong khi kiểm sát một bản án, ông phát hiện dùng tới hơn 20 từ “y, thị, hắn…”. Theo ông Sơn, cách dùng những từ này hay “con nghiện, con bạc…” thể hiện văn hóa của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế và bản án phát hành ra không nghiêm.

@ BeeNet

—————————————————————————————————————————————————-

Giới tướng lãnh diều hâu ngày càng ảnh hưởng lên đường lối của Trung Quốc

Lực lượng cảnh sát bán quân sự Trung Quốc thao diễn trước Tử Cấm Thành, Bắc Kinh ngày 29/9/2010.

Lực lượng cảnh sát bán quân sự Trung Quốc thao diễn trước Tử Cấm Thành, Bắc Kinh ngày 29/9/2010.

Reuters

Trong thời gian gần đây, khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, Tokyo, thậm chí Hà Nội, có dấu hiệu căng thẳng trên hồ sơ Biển Đông, biển Hoa Đông hay Hoàng Hải, các tướng lãnh Trung Quốc đã xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết đều có những lời lẽ hung hăng, đe dọa trừng phạt từ Mỹ tới Việt Nam.

Thậm chí một số người như tướng Chu Thành Hổ, giám đốc Nghiên cứu Chiến lược thuộc Ðại học Quốc phòng ở Bắc Kinh đã nhiều lần làm bỉ mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc khi lên giọng hiếu chiến, ngay sau khi các nhà ngoại giao có lời lẽ ôn hòa.

Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California Hoa Kỳ, đã nêu bật một số ví dụ cụ thể về việc phe quân đội trong chính quyền Trung Quốc đang tìm cách lấn áp phe dân sự, ngay cả trong địa hạt ngoại giao. Theo ông, giới tướng lãnh tại Bắc Kinh đang muốn tạo ra mối đe dọa cho các nước chung quanh, kích động tinh thần dân tộc cực đoan để giành uy thế so với phe dân sự. Ðối với nhà báo Ngô Nhân Dụng, đây là một thủ đoạn để giới tướng lãnh tăng thêm ảnh hưởng, chuẩn bị cho Đại hội  đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012.

1/ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng của ASEAN  mở rộng cho 8 đối tác đã diễn ra tại Hà Nội… Về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng được đề cập như thế nào, nhận định của ông về kết quả hội nghị ra sao ?

Tại hội nghị Á Đông vừa rồi, ta thấy là Trung Quốc đã phải chịu nhún rất nhiều. Có thể nói là từ đầu tháng 9 cho đến đầu tháng 10, thái độ của Trung Quốc về vấn đề ngoại giao gần như là quay 180 độ. Hồi tháng 9, họ rất hung hăng trong vụ người Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư Đài, họ đã có những biện pháp cứng rắn đối với Nhật và lớn tiếng la lối. Trong hội nghị vừa rồi thì ngược lại họ có thái độ hết sức nhún nhường, không những là không chống đối một câu nào mà họ còn tỏ ra hoà hoãn với Mỹ.

Hồi tháng 7, khi bà Clinton xác định ý của Mỹ muốn bảo vệ các nước Đông Nam Á để giữ đường biển lưu thông, thì ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó phản ứng rất dữ. Ông đã nói một câu rất nặng nề là Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác ở Đông Nam Á toàn là những nước nhỏ. Đó là một cái điều không thể chối cãi được. Theo các nhà báo tường thuật lại, khi nói câu đó, ông liếc mắt nhìn ông ngoại trưởng Singapore, với cái ý như là muốn nhắn nhủ các nước ASEAN. Đấy là một thái độ rất cứng rắn.

Nhưng trong hội nghị vừa rồi ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì lại hết sức nhún nhường. Và khi người ta hỏi thế bây giờ Trung Quốc tính sao về vụ tranh chấp ở Biển Đông, thì tướng Quang Hữu Phi, người phát ngôn của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, thì nói một câu lơ lửng là : “tranh chấp đó là việc của họ, không phải việc của chúng tôi”. Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc đã thay đổi thái độ một cách rất rõ ràng trước sự đoàn kết của các nước Đông Nam Á và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để phải chấp nhận là quyền lưu thông ở vùng Biển Đông là vấn đề quốc tế, chứ không phải chỉ giải quyết song phương giữa Trung Quốc và các nước khác.

2/ Như vậy ông giải thích sao về sự thay đổi thái độ đó ?

Theo tôi nghĩ thì chính sách của giới lãnh đạo của Trung Quốc là không muốn gây hấn. Họ vẫn theo đường lối của Đặng Tiểu Bình là hãy cứ giữ nguyên trạng của những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với các nước Á Đông. Hãy lo chuyện buôn bán làm ăn, làm giàu trước đã. Ngay cả về Điếu Ngư Đài, là nơi mà Nhật, Trung Quốc , Đài Loan vẫn tranh chấp với nhau, và trong thực tế là Nhật đang chiếm đóng, thì ông Đặng Tiểu Bình đã nói rằng : “Tranh chấp này rất khó giải quyết, chúng ta, tức là thế hệ của ông Đặng Tiểu Bình, không đủ khôn ngoan để giải quyết nó đâu, hy vọng một thế hệ tương lai khôn ngoan hơn sẽ giải quyết được”. Đó là một cái ý muốn hoà hoãn để mà lo kinh tế.

Tướng lãnh là giới đặt Biển Đông vào diện “hạch tâm quyền lợi” của Trung Quốc

Nhưng gần đây, Trung Quốc lại có thái độ rất hung hăng, trong đó có chuyện tuyên bố rằng cả cái vùng Biển Đông của Việt Nam là thuộc về quyền lợi cốt lõi của họ. Họ dùng từ chữ Hán là ‘hạch tâm quyền lợi’. Khi nói rằng vùng Biển Đông của nước ta, vùng Biển Đông Nam Á đó mà gọi là ‘hạch tâm quyền lợi’, thì trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc gần đây chỉ có hai nơi Trung Quốc xem là ‘hạch tâm quyền lợi’. Đó là Đài Loan với Tây Tạng. Thành ra khi mà đem cả vùng Biển Đông kê vào cái loại hạch tâm quyền lợi, có nghĩa là Trung Quốc coi đó là nước của họ, giống như là Đài Loan với Tây Tạng vậy. Cái đó làm cho tất cả các nước chung quanh lo sợ.

Nhưng mà cái điều mà chúng ta phải chú ý là không có một bản văn chính thức nào của đảng Cộng sản hay là chính phủ Trung Quốc sử dụng cái chữ ‘hạch tâm quyền lợi’ đối với Biển Đông hết. Cái câu ‘hạch tâm quyền lợi’ đó thì lại do một số tướng lãnh Trung Quốc nói ra, chứ không phải là bản văn chính thức của chính phủ Trung Quốc .

Có lẽ là mỗi lần chúng ta thấy có những thái độ gọi là hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc thì phần lớn đó là vì áp lực của giới tướng lãnh ở Trung Quốc thúc đẩy các người lãnh đạo dân sự phải ngả về phiá diều hâu. Chứ còn trong thực tế, có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng họ không thể nào khiêu khích ai được bởi vì họ không đủ sức để tham gia một cuộc chiến tranh, và thứ hai, họ không có lợi gì mà gây chiến. Bởi vì cứ phát triển kinh tế, thì lợi ích lâu dài và tốt đẹp hơn nhiều.

3/ Ông đánh giá thế nào vị trí của giới tướng lĩnh Trung Quốc và đặc biệt là giới diều hâu trong thời gian qua, họ đã có những biểu hiện như thế nào ?

Có rất nhiều lần họ lấn át giới ngoại giao. Thí dụ như trong một cuộc họp gần đây ở Singapore, khi một cưụ ngoại trưởng Nhật phát biểu, nói về quan điểm Nhật Bản về Biển Hoa Đông, và có trình bày thêm là Tokyo sắp sửa thả viên thuyền trưởngTrung Quốc về nước sau khi giam giữ mấy tuần, thì sau đó trong phái đoàn của Trung Quốc, có cựu ngoại trưởng Đường Gia Toàn, lên phát biểu và tỏ thái độ rất ôn hoà, không có một câu nào chỉ trích Nhật cả.

Nhưng mà sau ông Đường Gia Toàn, thì đến một viên tướng là ông Chu Thành Hổ, giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, phát biểu hung hăng, đả kích chính phủ Nhật, và nói là “đừng có tưởng rằng chỉ cần nói những lời văn hoa hoặc là hứa hẹn trả tự do cho ông thuyền trưởng Trung Quốc là bang giao sẽ tốt đẹp”. Rõ ràng là ông Chu Thành Hổ đã muốn qua mặt người từng cầm đầu chính sách ngoại giao của Trung Quốc .

Ông Chu Thành Hổ đã nhiều lần bày tỏ ý kiến có tính cách diều hâu như vậy. Trong cuộc gặp gỡ vào tháng 6 vừa qua tại Singapore (Đối thoại Shangri-La) trong đó bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Gates, xác định quyền của nước Mỹ là bảo vệ đường biển ở vùng Đông Nam Á, tức là Biển Đông, thì sau phát biẻu ông Gates, hai người đứng lên phản đối là ông Chu Thành Hổ và một viên tướng khác là ông Mã Hiểu Thiên.

Ông Chu Thành Hổ chỉ là một ông tướng lý thuyết gia, đứng đầu ngành nghiên cứu chiến lược của Viện Đại học Quốc phòng, còn ông Mã Hiểu Thiên thì lại là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Hai người đã đứng lên chỉ trích Mỹ trong cuộc họp đó.

Đặc biệt ông Chu Thành Hổ, vào năm 2005, đã từng tuyên bố với nhà báo rằng nếu Trung Quốc giải phóng Đài Loan, mà Mỹ can thiệp vào, thì bom nguyên tử của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt hàng trăm thành phố ở nước Mỹ. Sau khi ông nói câu đó, ông bị khiển trách, nhưng tiếp theo đó thì lúc nào người ta cũng thấy ông xuất hiện, từ 2005 đến 2010, thì ông lại trở lại diễn đàn quốc tế như ở mấy cái hội nghị tại Singapore như vừa rồi.

Điều đó cho thấy rằng giới tướng lãnh Trung Quốc có một lập trường rất diều hâu, và đặc biệt phần lớn họ là những người trong Đại học Quốc phòng, nhất là trong ban nghiên cứu chiến lược. Trong đó có một ông tướng nữa là ông Kim Nhất Nam, Phó giám đốc nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng. Vào năm ngoái, ông đã nói rằng : trong khi một quốc gia bước vào một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng thì quân đội phải đóng một vai trò chủ yếu. Đấy là thái độ xác định rằng những quyết định của quốc gia phải hỏi ý kiến của quân đội.

Chúng ta biết rằng ở một nước như Trung Quốc, cơ quan quyết định quan trọng nhất là Bộ Chính trị. Nhưng còn một cơ quan nữa cũng quan trọng là Quân ủy Trung ương. Trong Quân ủy Trung ương, tất cả đều là tướng lãnh, 11 người, chỉ có một nguời là dân sự, đó là chủ tịch Trung Quốc Hổ Cẩm Đào. Và tuần rồi họ mới bầu thêm ông Tạp Cận Bình vô làm phó chủ tịch để chuẩn bị cho ông mai mốt lên làm chủ tịch nước.

Quân ủy Trung ương có thể ảnh hưởng rất mạnh đến vấn đề ngoại giao. Ảnh hưởng những viên tướng đã bành trướng ra trên phương diện gọi là tuyên truyền. Thứ nhất họ xuất hiện trước công chúng, nói và được báo chí đăng lại, họ viết bài trên báo Nhân Dân ở Bắc Kinh, hoặc là báo Quân Đội Nhân Dân, tất cả những lời lẽ của họ có tính cách rất diều hâu, rất hiếu chiến.

Đấy là một cái ảnh hưởng mà chúng ta cần phải chú ý. Thí dụ như tướng Trương Triệu Ngân, từng viết trên báo Quân Đội Nhân Dân là : “Chúng ta cần phải từ bỏ cái chủ trương xây dựng một quân đội thời bình, mà phải bước sang chủ trương là quân đội là để tham dự chiến tranh. Theo ông, nhiệm vụ chủ yếu của quân đội là chuẩn bị chiến tranh, chiến đãu và phải thắng trận.

Những người như vậy lại có ảnh hưởng rất lớn trong dư luận Trung Quốc, rất được dân chúng hoan nghênh, nhất là thanh niên. Thành ra họ trở thành một tiếng nói quan trọng và hiện giờ họ hung hăng hơn trước, hung hăng hơn thường lệ trong thời gian vừa qua.

Lý do là họ muốn ảnh hưởng đến Đại hội Đảng vào năm 2012. Trong Đại hội Đảng đó, họ muốn gây ảnh hưởng lên từ chính sách của đảng Cộng sản cho đến vấn đề nhân sự, thành ra gần đây càng ngày họ càng xuất hiện nhiều hơn và họ viết sách. Sách của họ bán rất chạy khi họ dùng lý luận diều hâu, bởi vì người dân Trung Quốc cũng có mặc cảm là nước mình lớn như vậy mà chưa mở mày mở mặt được và khi nghe giọng điệu đề cao dân tộc, hung hăng đe doạ các nước chung quanh thì họ rất thích.

Thí dụ như ông phó đề đốc Dương Nghị, từng cảnh cáo các nước khác là đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực chỉ vì muốn yên thân phát triển kinh tế. Ông ta nói rằng : “Ai mà hiểu lầm như thế sẽ bị nguy hiểm”. Đấy là những điều mà người ta thấy rõ ràng là họ muốn đe doạ.

Chủ thuyết “biên cương quyền lợi”

Thái độ các tướng lãnh đó có thể nằm chung trong một cái chủ thuyết đã được nêu lên trong báo Quân Đội Nhân Dân. Trong một bài bình luận ông Hoàng Côn Luân, có lẽ không phải một ông tướng, đă đưa ra một  chủ thuyết gọi là “biên cương quyền lợi”, tức là quân đội Trung Quốc không phải chỉ bảo vệ cái biên cương về mặt đất, về mặt biển, mà phải bảo vệ cái biên cương về quyền lợi của mình. Biên cương quyền lợi nghĩa là : bất cứ nơi nào mà có thuyền bè Trung Quốc qua lại, chuyên chở dầu lửa, chuyên chở hàng hoá của Trung Quốc, thì cái quyền lợi của Trung Quốc nó cũng có ở đó. Quân đội Trung Quốc, Hải quân, do đó phải bảo vệ cái biên cương quyền lợi như vậy.

Đấy là một cái lý thuyết có lẽ được các tướng lãnh Trung Quốc ủng hộ, cho nên họ đã can dự vào chuyện ngoại giao của Trung Quốc rất là mạnh. Theo báo Wall Street Journal, hồi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc thì chính giới tướng lãnh Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ là phải làm mạnh, và trong biện pháp làm mạnh thì họ có yêu cầu có biện pháp kinh tế, tức là Bắc Kinh hãy tìm cách đẩy giá trị đồng yen của Nhật lên cao để tác hại đến ngành xuất cảng của Nhật.

Sau đó quả nhiên có chuyện Bắc Kinh bỏ tiền ra mua rất nhiều công trái của chính phủ Nhật, và khi làm như vậy, họ làm cho giá trị đồng yen lên cao, khiến cho ngay cả bộ trưởng tài chính Nhật đã phải đặt câu hỏi một cách chính thức là Trung Quốc mua nhiều công trái Nhật, tức là cho nước Nhật vay nợ hết sức là hào phóng như vậy là có ý đồ gì hay không ? Sau đó thì chính phủ Nhật phải tìm cách giảm giá đồng yen của họ xuống.

Nếu mà giới tướng lãnh Trung Quốc ảnh hưởng đến cả những chính sách về phương diện kinh tế, đối ngoại như vậy, thì đó là một điều rất nguy hiểm cho tất cả vùng Á Đông. Thành ra chúng ta cần phải chú ý một cách đặc biệt đến ảnh hưởng này.

4/ Trong tình hình như ông vừa phân tích, phái diều hâu tại Trung Quốc đang tung hoành, thì một nước như Việt Nam cần phải có đối sách như thế nào ?

Có lẽ một điều đầu tiên, là người Việt Nam mình không nên hoảng hốt. Khi các tướng lãnh Trung Quốc nói như vậy thì mình biết rằng đó là cái biểu hiện của sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Trung Quốc. Những quân nhân đó muốn giành nhiều quyền hơn, trong đó có quyền lợi về ngân sách quốc phòng.

Họ muốn giành thêm nhiều quyền hành, quyền lợi thì họ nói hung hăng như vậy. Nhưng chúng ta không phải là cứ sợ họ, mà phải đắn đo trong cách đối xử của chúng ta, dựa trên quyền lợi của mình cũng như quyền lợi chung của cả nước Trung Quốc. Trung Quốc nói chung cũng không muốn gây chiến tranh, để làm hỏng tất cả công trình xây dựng kinh tế của họ từ mấy chục năm nay. Cho nên chúng ta phải hết sức bình tĩnh khi nghe những lời gọi là đe dọa của các tướng lãnh Trung Quốc .

Ngay như ông tướng rất diều hâu là phó đề đốc Quang Hữu Phi, người Tàu gọi là hải quân thiếu tướng, ông đã từng là người chỉ trích Mỹ, cảnh cáo Mỹ, coi Mỹ là một nước thù địch. Thế mà ngay trong tuần lễ đầu tháng 10, khi ông nằm trong phái đoàn Trung Quốc tới Hà Nội, chính ông đóng vai trò phát ngôn viên để báo tin cho mọi người biết là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã mời đồng nhiệm Mỹ sang Trung Quốc. Ông là người đã tuyên bố những lời có tính cách hoà hoãn. Thành ra cuối cùng, các tướng lãnh đó cũng phải tuân theo quyết định chung vì quyền lợi của cả nước họ, chứ không phải là quyền lợi của phe quân nhân mà thôi.

Nhưng có một điều đặc biệt là khi ta biết giới quân sự Trung Quốc như vậy, thì trong sự liên hệ giữa các tướng lãnh Việt Nam, giới quân sự Việt Nam với các tướng lãnh Trung Quốc, thì những người gọi là lãnh đạo về quân sự, quốc phòng ở Việt Nam phải tỏ ra rất cứng rắn. Đó là điều chúng ta cần phải chú ý.

@ RFI

—————————————————————————————————————————————————-