Cái ôm hôn bị “ việt vị” của ông Nông Đức Mạnh

Phúc Lộc Thọ

image Theo dõi bản tin Thời sự 7 giờ tối 10/10 của VTV1, có một  thông tin đáng lưu ý, đó là: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp 3 bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trung Quốc, Lào và Cămpuchia…

Trình tự những hình ảnh diễn ra của buổi tiếp do Đài Truyền hình Trung ương đưa trên VTV1 cho thấy, ông Nông Đức Mạnh lần lượt tiếp riêng biệt 3 ông bộ trưởng: Thứ nhất là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, kế đến là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào và cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cămpuchia. (Điều này chứng tỏ trong bài sáng nay, blog Phamvietdaonv đã thông tin: nhìn thấy ông Lương Quang Liệt trên lễ đài dự buổi diễu binh là chính xác).

Điều bất ngờ đầu tiên: sau khi bắt tay ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nông Đức Mạnh quàng tay có ý định ôm hôn ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc theo quán tính và theo thông lệ ngoại giao. Thế nhưng, cái thân hình hộ pháp của ông Lương Quang Liệt đã chủ động ngãng ra, thành ra cái động thái ngoại giao ôm hôn của ông Nông Đức Mạnh bị hẫng, trở thành “ việt vị” đối với ông và cả cho người xem truyền hình.


Động thái này của ông Lương Quang Liệt cho thấy: Lập trường của Trung Quốc là hết sức rõ ràng, dứt khoát và có nguyên tắc trong quan hệ với Việt Nam; không phải Việt Nam cứ muốn cầu thân là được. Trung Quốc là nước lớn ?! Động thái từ chối sự ôm hôn của ông Lương Quang Liệt trước ống kính truyền hình của chủ nhà, người có chức vụ cao hơn ông nhiều cấp đã phần nào cho thấy: thái độ của giới quân sự Trung Quốc nói riêng và giới lãnh đạo Bắc Kinh nói chung trong quan hệ với Việt Nam không xuề xòa như bao người tưởng…

Điều buồn cười thứ hai là: khi nghe VTV1 đọc lời đưa tin thì giữa thông tin bằng lời và hình ảnh lại không ăn khớp nhau; hình như người viết thông tin để đọc không xem hình ảnh, tắc trách nên viết gộp dẫn tới hình ảnh một đằng, lời dẫn một nẻo.
Mở đầu, người nghe tưởng là ông Nông Đức Mạnh tiếp 3 ông bộ trưởng cùng lúc, vì thấy VTV1 bản tin giới thiệu những câu lời mà qua đó người nghe hiểu ông Nông Đức Mạnh nói những điều liên quan tới 3 ông bộ trưởng quốc phòng của 3 nước… Không nhẽ ông Nông Đức Mạnh tiếp ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại nói chuyện quan hệ với Lào và Cămpuchia? Chắc chắn VTV1 nhầm và sai.

Đến đoạn sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào xuất hiện, người xem mới vỡ lẽ ra là thông tin bằng lời không khớp với hình ảnh là xác thực và có tính hệ thống. Buồn cười là khi VTV1 đưa hình ảnh tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào lại thấy phát thanh viên nêu ý kiến của ông Nông Đức Mạnh nhắc lại 16 chữ vàng, là câu mà khi tiếp khách Trung Quốc các vị lãnh đạo Việt Nam hay dùng. Không nhẽ ông Nông Đức Mạnh bí nên mượn 16 chữ vàng do ông Giang Trạch Dân nêu ra chỉ dành riêng cho quan hệ Trung-Việt để nói chuyện với ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào? Người viết bài này không tin ông Nông Đức Mạnh nhầm mà tin rằng do sự tắc trách trong khâu biên tập tin, bài của VTV1…

Đến đoạn tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cămpuchia thì VTV1 lại nhầm nhịu thảm hại hơn. Hình ảnh đang đưa ông Nông Đức Mạnh nói chuyện với ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cămpuchia, nhưng lời đọc của bản tin thì lại cứ vanh vách: Đồng chí Nông Đức Mạnh gửi lời thăm hỏi đồng chí Hồ Cẩm Đào và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào, Cămpuchia??? Không nhẽ ông Nông Đức Mạnh nhờ ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cămpuchia gửi lời thăm hỏi tới lãnh đạo cả 3 nước qua ông Bộ trưởng Cămpuchia? Chắc chắn đây lại là lỗi của cô, cậu đánh máy?!

Tóm lại đâu là một bản tin sái, sượng đến kinh người: Tổng Bí thư tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì lại đưa tin là đem chuyện Lào, Cămpuchia ra nói; khi tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào thì lại lấy câu 16 chữ vàng ra để giao lưu; khi tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cămpuchia thì lại gửi lời thăm hỏi ông Hồ Cẩm Đào ?!

P.L.T.

@ Phamvietdao blog

—————————————————————————————————————————————————-

Những ảnh hưởng tâm lý đến đời sống tình dục

Tôi có một gia đình êm ấm nhưng thường cảm thấy không thỏa mãn với bạn đời. Gần đây, cứ nhìn thấy người đàn ông xa lạ nào đó, tôi lại tưởng tượng đến cảnh họ gần gũi phụ nữ. Tôi sợ hãi và căm ghét chính mình. Làm sao đây?

Một nỗi niềm có vẻ như nghịch lý: thừa nhận có gia đình êm ấm nhưng lại không thoả mãn với bạn đời. Luôn có huyễn tưởng về tình dục nhưng lại sợ hãi và căm ghét chính mình. Với tâm trạng đó thì một chuyên gia tâm lý hay phân tâm học có lẽ sẽ giúp được nhiều nhưng cũng nên bàn đến một nguyên nhân khác có thể dẫn đến sự mâu thuẫn nội tâm nói trên.

Người ta nhận thấy rằng những người thành đạt có chỉ số thông minh cao chỉ chiếm tỷ lệ dưới 20%, 80% trường hợp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác quan trọng hơn trí thông minh khái quát và xử lý linh hoạt. Vì trong muôn mặt của cuộc sống, có nhiều kiểu thông minh, ví dụ thiên tài Mozart có trí thông minh siêu việt về âm nhạc, Rodin thông minh về hình khối, Michael Jordan (danh thủ bóng rổ Mỹ) về cảm giác thân thể trong không gian… và thông minh tính dục là kiểu thông minh liên quan đến sự hiểu rõ và biết kiểm soát các cảm xúc. Chính sự thông minh cảm xúc này xem ra mới lý giải được một cách hợp lý hơn nhiều nghịch lý trong cuộc sống, kể cả khi phân tích về sự thành đạt cũng như phân tích về thất bại trong đời sống tình dục.

Điều ngạc nhiên là không ít người có học vấn (trình độ đại học trở lên) vẫn nhìn nhận sai lệch về tình dục (cho rằng tình dục – hành vi dung tục, thấp kém), trong khi chính Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại thừa nhận chức năng tình dục người là một thực thể sức khỏe và để có sức khỏe tình dục hay thành công trong cuộc sống, mỗi người không chỉ cần đến chỉ số thông minh cao mà cũng cần đạt đến mức độ cần thiết của thông minh tính dục.

Tâm trí luôn bị ám ảnh về chuyện tình dục… nhưng một sức mạnh có nguồn gốc từ nền văn hoá truyền thống, từ phong cách giáo dục gia đình… khiến người phụ nữ có thái độ xấu hổ, căm ghét chính mình nhưng thực chất là sự giấu giếm hay dồn nén “cái tôi tính dục thầm kín”. Ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục có thể có sức mạnh đến mức có chuyên gia tâm lý cho rằng khi lên giường, không chỉ có đôi bạn tình mà có đến 6 người (ý nói ảnh hưởng tâm lý đến từ cha mẹ, ông bà của mỗi bên).

Điều gì sẽ xảy ra nếu như người phụ nữ không thể chịu đựng nổi sự dồn nén?

Người có thông minh tính dục không chỉ có hiểu biết các yếu tố sinh học, nội tiết chi phối ứng xử tình dục mà chủ yếu nhất là sự biết rõ về bản thân mình, hiểu rõ “cái tôi tính dục thầm kín”, dám bộc lộ những ham muốn chân chính, biết phát triển cảm xúc để chia sẻ với bạn tình thì mới có thể tiến đến một đời sống tình dục phong phú và hạnh phúc.

Thông minh tính dục còn là sự khôn ngoan biết nhận và những gì có thể làm hỏng mối quan hệ: mặc cảm tội lỗi khi cảm thấy có ham muốn tình dục, những hổ thẹn sai lầm, những ám ảnh tâm lý trong quá khứ để lại hậu quả tiêu cực cho cuộc sống tình dục hiện tại, những nỗi sợ hãi có nguồn gốc từ môi trường văn hoá hay từ những trải nghiệm thất bại… Những bất cập trong đời sống tình dục vợ chồng thường có nguyên nhân sâu xa nhưng lại hay bị che giấu hay ngụy trang dưới cái vẻ ngoài cao đạo để phải sống trong sự cam chịu cho cả 2 người.

Sự bộc lộ mạnh dạn nói trên có thể có ý nghĩa như một cách giải toả và cho thấy có sự không thoả mãn trong đời sống vợ chồng. Nếu tình  trạng này kéo dài, có thể dẫn đến nhiều tác dụng bất lợi cho sức khoẻ (rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, kể cả lãnh cảm…) thậm chí rạn nứt, tan vỡ gia đình.

Nếu không thể tự giải quyết giữa vợ chồng hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý và tình dục để được tư vấn, để khám phá “cái tôi tính dục thầm kín” và những giải pháp phải lựa chọn.

BS. Xuân Anh

Suckhoe&Doisong

————————————————————————————————————————————————————————————————–

Cập nhật tin 12-10-2010

Ông Gates trấn an Đông Nam Á về cam kết của Washington

Nhân một chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có ý định duy trì vị thế một cường quốc ở Thái bình dương và tiếp tục cam kết ở châu Á. Ông Gates đến Hà Nội để dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, còn gồm các giới chức quốc phòng của Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.

Brian Padden | Hà Nội Thứ Hai, 11 tháng 10 2010

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (phải) được các giới chức quân sự cao cấp của Việt Nam đón tiếp tại Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội, ngày 10/10/2010 

Hình: ASSOCIATED PRESS

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (phải) được các giới chức quân sự cao cấp của Việt Nam đón tiếp tại Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội, ngày 10/10/10

Phát biểu với các thành viên trong quân đội và sinh viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngày hôm nay, Bộ trưởng Robert Gates đã chuyển một thông điệp trấn an Đông nam châu Á.

Ông Gates nói: “Tôi nghĩ toàn thể châu Á có thể tin tưởng rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục cam kết ở châu Á và đã từng làm như thế từ mấy chục năm truớc, và chúng tôi có ý định đóng một vai trò tích cực, không những về các vấn đề chính trị và kinh tế, mà cả trong các vấn đề quốc phòng và an ninh nữa.”

Ông Gates đến Hà Nội dự cuộc họp ASEAN Cộng 8 của các bộ truởng quốc phòng. Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á đã mời Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các cường quốc khác trong khu vực thảo luận về các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề an ninh trong vùng Thái bình dương.

Hoa Kỳ lấy làm quan ngại rằng các vụ tranh chấp về dẫy đảo nhỏ có thể gây thiệt hại đến việc tiếp cận một trong các tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Tuy phần lớn không có người ở, dẫy đảo này được cho là nằm trên các trữ lượng lớn về dầu khí. Các đảo này cũng nằm ngang các tuyến đường biển nhộn nhịp và vùng biển giầu trữ lượng cá.

Bắc Kinh nói việc họ đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một “quyền lợi quốc gia cơ bản.” Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Brunei và Malaysia cũng nhận chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dẫy đảo này.

Hoa Kỳ nói quyền tự do đi lại trong vùng hải phận quốc tế là thuộc về quyền lợi quốc gia của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói bằng cách cùng hành động trong một tổ chức đa phương như ASEAN, các nước nhỏ hơn ở châu Á có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh trong vùng.

Ông Gates nói tiếp: “Càng ngày chúng ta càng nhận thấy rằng dựa hoàn toàn vào các quan hệ song phương là không đủ. Chúng ta cần có các cơ chế đa phương để có thể đối đầu với các thách thức an ninh quan trọng nhất trong khu vực.”

Trong chuyến thăm 2 ngày, ông Gates sẽ gặp nhiều bộ trưởng quốc phòng Á châu muốn có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại với sự phát triển của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc trong khu vực.

Cuộc họp của ông Gates với phái đoàn Trung Quốc sẽ là cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ quân sự sau dự án mới của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Một cuộc họp hôm nay giữa các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản cũng nhắm mục đích góp phần xoa dịu căng thẳng đã gia tăng hồi gần đây khi một tàu đánh cá của Trung Quốc đụng phải các tầu tuần duyên của Nhật Bản trong vùng hải phận mà cả hai bên đòi chủ quyền.

Trong bài phát biểu hôm nay, ông Gates tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam đã có khả năng vượt qua được một thập niên xung đột qua đối thoại và thương nghị. Ông thừa nhận các bất đồng quan điểm, như việc Washington chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam, nhưng ông nói tốt hơn là thảo luận các mối quan ngại đó một cách thẳng thắn. ( VOA )

————————————————————————————————————————————————————————-

Hình ảnh Lễ diễu binh ngày 10/10/2010 kỉ niệm 65 năm Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng

————————————————————————————————————————————————————————–

Hội nghị quốc phòng ASEAN khai mạc

Hội nghị quốc phòng của 10 nước ASEAN họp sáng nay để bàn về tình hình an ninh khu vực và chuẩn bị cho hội nghị mở rộng ngày mai, khi có sự tham gia của người đứng đầu quốc phòng nhiều nước lớn.

Hội nghị hẹp hôm nay là bước chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất, gồm Ban thư ký ASEAN, đại diện các nước thuộc hiệp hội Đông Nam Á, và 8 nước đối tác.

8 nước này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN trong buổi khai mạc hội nghị ADMM hôm nay. Ảnh: AFP.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN trong buổi khai mạc hội nghị ADMM hôm nay. Ảnh: AFP.

Theo Quân đội Nhân dân, tại cuộc họp hôm nay, đại diện của bộ quốc phòng 10 nước ASEAN sẽ nghe thông báo của Ban Thư ký ASEAN về về cập nhật tình hình phát triển của ASEAN; nghe báo cáo của Hội nghị hẹp quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN; và trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực.

Đặc biệt, các trưởng đoàn sẽ xem xét chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và các tài liệu thảo luận của ADMM+ đầu tiên. Hội nghị cũng sẽ quyết định nước đăng cai tổ chức ADMM+ lần thứ hai.

Hôm qua đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đã tiếp trưởng đoàn các nước, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ông Lương cũng có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho rằng, cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, không để tình hình trở nên bất lợi cho Trung Quốc và Việt Nam. Các tranh chấp cần phải giải quyết kiên trì bằng chính trị, ngoại giao và hiệp thương.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, trong quan hệ của hai nước còn vấn đề lớn là tồn tại tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng phải giải quyết bằng đàm phán hòa bình, luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS) và bằng tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tin tưởng hai nước sẽ từng bước sẽ giải quyết được vấn đề này. ( DatViet )

——————————————————————————————————————————————————————

Những cô dâu Ðài Loan hạnh phúc

Hà Giang

ÐÀI BẮC (NV) Tin tức dồn dập về những cô dâu Việt Nam bị tai họa ở xứ Ðài, làm lấp đi một điều có thật nhưng ít được nghe nói. Ðó là những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Ðài Loan và đang sống một cuộc đời hạnh phúc bình thường trên xứ người.

Chị Hương, 28 tuổi, qua người quen mai mối lấy chồng Ðài Loan được hơn 2 năm, bán hàng ở một khu phố gần Ðài Bắc. Cô nói gặp phải “chồng nghèo, nhưng tử tế, thương vợ”, nên cũng khá hạnh phúc. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Thành kiến về cô dâu lấy chồng Ðài là một cô gái tỉnh lẻ có mục đích tìm đường thoát ra khỏi cảnh túng nghèo ở quê nhà. Ðiều này có thể đúng hay sai, nhưng trên thực tế là có nhiều cô dâu Ðài Loan đã tốt nghiệp hoặc sắp học xong đại học, hoặc vừa đi học vừa đi làm, gặp gỡ và quen những người đàn ông Ðài ở những doanh nghiệp của người Ðài Loan đầu tư ở Việt Nam, nơi họ làm việc.

Chị Nga, 32 tuổi, gặp chồng là giám đốc của một công ty Ðài Loan có chi nhánh ở Việt Nam, nơi chị làm việc sau khi ra trường. Gặp nhau, ưng nhau, chị quyết định nhận lời cầu hôn rồi theo chồng về Ðài Loan sinh sống.

Cuộc hôn nhân kéo dài được 5 năm, hai người có với nhau hai mặt con rồi ly dị, một kết cuộc không toàn vẹn, vì “chồng đâm ra mèo mỡ”, nhưng theo chị Nga, họ đã có với nhau “những năm rất hạnh phúc.”

Hiện chị Nga đang làm chủ một nhà hàng Việt Nam tại Ðào Viên, và tuy gia đình chồng giành quyền nuôi con, chồng cũ của chị vẫn tử tế, và luôn mang các con đến ở với mẹ để cho chúng “có tình mẫu tử.”

“Em không nghĩ là tụi em không hạnh phúc vì chồng em là người Ðài, có thể lúc quyết định lấy nhau vội quá, chưa tìm hiểu kỹ, hai người không hợp nhau nhiều.” Chị Nga tâm sự.

Mai mối

Mai mối cũng là một cánh cửa đưa những người con gái Việt Nam đến Ðài Loan: Những cô dâu Ðài Loan đến trước theo diện môi giới, nếu gặp được hoàn cảnh tương đối suôn sẻ, hay tìm cách giới thiệu bạn bè hay người thân mình cho bạn bè chồng, tạo nên những cuộc hôn nhân trong đó hai vợ chồng có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu trong một hoàn cảnh tương đối lành mạnh và ít mạo hiểm hơn.

“Gần gũi mãi rồi cũng yêu,” chị Thu Hà, 33 tuổi, nói về người chồng hơn mình 11 tuổi. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Chị Hồng, 36 tuổi, quê ở Bến Tre, có một cửa hiệu bán quần áo và tạp hóa nhỏ ở Ðào Viên, gần khu tập trung những tiệm ăn Việt Nam, vừa lòng với hôn nhân và cho mình là một cô dâu Ðài Loan “may mắn.”

Tiếp xúc với phóng viên Người Việt, chị Hồng, nụ cười đôn hậu, và đon đả, cho biết chị lấy chồng đã được 8 năm, hai người có hai mặt con, một trai, một gái.

Trả lời câu hỏi “có được chồng cưng không”, chị Hồng trả lời với nụ cười và ánh mắt không dấu được vẻ hãnh diện.

“Phải cưng mới cho em tiền mở tiệm như vậy chứ!”

Rồi chị Hồng gọi con gái ra chào chúng tôi, cháu bé khoảng 7 tuổi, khoanh tay, cúi đầu chào khách, và nói “con chào mấy dì” bằng một tiếng Việt khá sõi.

Có được người con nói được tiếng Việt Nam, là thêm một điều nữa cho chị Hồng hãnh diện.

Chị Hồng khoe chồng, và cả gia đình chồng rất “dễ chịu”, và “rất cưng” chị và hai đứa cháu nội.

Bí quyết của chị Hồng?

Theo chị, thì so sánh với những người phụ nữ Việt Nam khác, chị may mắn hơn nhiều, vì chồng chị do một người em họ lấy chồng theo diện môi giới năm trước, nhân một chuyến về chơi Việt Nam “giới thiệu” cho.

“Nhiều cô dâu Việt Nam bị ngược đãi là do bị lừa một phần, nhưng một phần cũng vì bị nhà chồng cho là lấy chồng vì tiền, nên họ không thương, không trọng,” chị nói.

“Hạnh phúc hay không là do mình. Lấy chồng ngoại, nhiều khi hai bên cũng không hiểu nhau, nhưng nếu mình hết lòng với chồng thì họ phải thương lại mình thôi.”

100,000 cô dâu

Hiện ở Ðài Loan có hơn 100,000 cô dâu Việt Nam qua đây theo diện lấy chồng, theo Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam”. Mặc dầu đa số các cô sống tản mát với chồng, và không tụ họp nhiều, nhưng từ ngày số người Việt ở Ðài Loan bắt đầu đông lên, có thể nuôi sống nổi một vài nhà hàng Việt Nam, thì ở xứ Ðài, một “cộng đồng” người Việt đang được hình thành, dù với một tốc độ thật chậm, và bằng những bước rất ngập ngừng, Linh Mục Hùng nói.

Chị Thu Hà, 33 tuổi, đã sinh sống ở Ðài Loan với chồng hơn mười năm, hiện đang làm việc tại văn phòng chỗ Linh Mục Hùng, cũng là một cô dâu Ðài Loan “được gọi là hạnh phúc”, nói theo cách nói của chị.

Chị Thu Hà cho báo Người Việt biết, chị quen chồng do một người bạn học lấy chồng Ðài Loan qua đây trước giới thiệu cho.

“Bạn của chồng bạn em thấy hình em trong đám cưới nên cứ hỏi thăm mãi. Sau đó anh ta theo vợ chồng người bạn về thăm Việt Nam để gặp em.”

Chị Thu Hà cho biết chị gặp chồng lúc còn đang đi học, chồng lớn hơn 11 tuổi, “lúc đầu mới gặp thì không yêu”, nhưng sau khi lấy nhau, chung sống, sinh hoạt, “gần gũi mãi rồi thì cũng yêu.”

“Với lại, ở Ðài Loan, mình chỉ có một mình chồng là chỗ dựa tinh thần, không thương thì cũng phải thương!”

Cũng theo chị Thu Hà thì cuộc sống gia đình nhiều khi cũng có sự va chạm vì phong tục khác nhau. Chẳng hạn như lúc sinh con, nuôi con cái thì không có cha mẹ ruột mình bên cạnh cũng thấy khó khăn, nhưng được cái là chồng chị rất chiều và bằng lòng cho chị lao vào xã hội để học hỏi.

“Em sang đây một tháng rưỡi là đi làm ngay, đi làm ca đêm, làm điện tử, từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm.”

Sau khi sinh con, thì chồng chị Thu Hà không muốn cho chị đi làm đêm nữa, sau đó chị lại xoay sở đi học ngành massage, rồi mở một tiệm nhỏ.

“Làm nghề massage, chồng em cũng không thích, nên em bỏ luôn, rồi đến tham dự hội phụ nữ Việt Nam, và từ đó gặp cha Hùng.”

Mang tiếng ‘lấy chồng vì tiền’

Chị Thu Hà cho biết đã làm việc với Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam được ba năm, và qua công việc, và nhờ đó, tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua đây gặp hoạn nạn, khó khăn.

Rút tỉa kinh nghiệm làm việc tại đây, chị Thu Hà chia sẻ một vài nhận xét:

“Sau khi theo chồng đến Ðài Loan, người phụ nữ Việt Nam rất bơ vơ, và thường thì không biết tiếng Trung, nên rất khó trò chuyện để tạo được sự thông cảm với chồng và gia đình chồng.”

“Những phụ nữ nào chịu khó xông xáo ra ngoài làm việc thì còn đỡ, còn nếu hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, mà lại muốn xin tiền chồng để gửi về cho nhà, thì bị gia đình chồng cho là lấy chồng chỉ vì tiền, thì mất hết mọi sự tôn trọng ngay.”

Bí quyết để đạt được hạnh phúc, theo chị Thu Hà? “Sau khi đến Ðài Loan, phải học tiếng Trung, tìm cách hiểu và hòa nhập vào xã hội chung quanh, và thực tâm vun trồng hạnh phúc và tận tụy với chồng,” chị nói.

“Ðàn ông Ðài Loan đa số cũng mong có một người vợ tử tế biết thương yêu họ và lo cho gia đình.”

Cũng có những phụ nữ Việt Nam áp dụng phương pháp chị Thu Hà đề ra, với kết quả… khả quan.

Chị Hương, 28 tuổi, lấy chồng Ðài Loan mới được hơn 2 năm, cũng do người quen mai mối, bán hàng ở một khu phố gần Ðài Bắc, nói rằng gặp phải “chồng nghèo, nhưng tử tế thương vợ”, nên cũng khá hạnh phúc.

“Em chưa dám có con vì còn phải đi làm phụ chồng, và cũng để giúp gia đình bên nhà thêm một chút nữa.” Chị Hương tâm sự.

“Lấy chồng Ðài làm sao bằng người mình được, người mình vẫn hơn chứ, nhưng dầu sao ảnh cũng tốt, nên em cũng yên tâm, và ở bên này thì em mới giúp đỡ gia đình được.”

@ NguoiViet

————————————————————————————————————————————————————————————————–

Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay

Nguyễn Thanh Giang

Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung và phát triển năm 2011” và các văn kiện Đại hội XI vừa được công bố hôm 15 tháng 9, bảo là để lấy ý kiến của nhân dân. Báo chí và các phương tiện truyền thông của Đảng đã đưa hàng loạt phản hồi tán thưởng, ngợi ca. Hầu hết đều hời hợt, nông cạn vì chẳng qua tất cả đều nói-theo-chỉ-đạo hoặc nói-lấy-được, không thấy cái trí và cái tâm đâu cả. May sao, đâu đó có thể đọc được một số ý kiến khá thấu đáo. Xin được lược ghi:

Luận điểm “Loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” chỉ nên xem là một phán đoán để ngỏ, đúng như thực chất của nó. Phán đoán này vốn không có ý nghĩa chính trị thiết thực (không đề cập gì về thời gian, không gian, thời điểm, các lực lượng tác động, các phương thức), vì vậy, càng không thể được coi là luận điểm xuất phát để xây dựng cương lĩnh chính trị. Tốt nhất là đưa khỏi dự thảo cương lĩnh một phán đoán chưa đủ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn như vậy để tránh lầm lẫn trong nhận thức.

Những quan điểm bảo thủ được gán cho cái nhãn mác đẹp đẽ là trung thành với lý tưởng XHCN, đã bị lợi dụng cho những lợi ích phe nhóm với những đặc quyền đặc lợi phát sinh trong cơ chế thị trường. Nó hù dọa xã hội về mọi tai ương đe dọa, bóp nghẹt mọi ý kiến đòi thực hiện đúng nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước, chụp cho nó mọi cái mũ xấu xa… Đã có một bộ phận miệng nói XHCN, nhưng chân bước đi theo con đường man rợ mà chủ nghĩa tư bản từng bắt buộc phải đi qua vào một thời điểm lịch sử khác, trong giai đoạn tích lũy ban đầu: bóc lột, tàn phá thiên nhiên, bóc lột sức lao động, chiếm đoạt đất đai, của cải, tài sản nhà nước, lũng đoạn quyền lực. Đối với nó, XHCN là một khái niệm hoàn toàn trống rỗng, nhưng nó muốn lợi dụng đến cùng để che đậy bản chất thật và trục lợi, trước khi công khai xé bỏ hoàn toàn khi đủ điều kiện.

(Bùi Đức Lại, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng)

Nếu biết cái đích đi tới được sau 35 năm độc lập thống nhất là thực trạng mọi mặt đất nước như hôm nay, liệu dân tộc ta trước đây có dám hy sinh chiến đấu hết thế hệ này đến thế hệ khác như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?

(Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan)

Quyền sở hữu toàn dân là một khái niệm kỳ quặc… Đó là một sự “sáng tạo” chết người của những người được dân ủy thác. Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được “sáng tạo” ra để duy trì “quyền sở hữu thực” của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia, nhưng chí ít vua còn công khai tuyên bố rằng là của ông ta và có quyền ban, phát cho các cận thần.

Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 9% của các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua. Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và nhiều hơn có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước.

(Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS)

Hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Cuba kiên trì giữ nguyên mô hình xã hội chủ nghĩa Xô-viết, càng ngày càng lâm vào nghèo đói và bế tắc. Năm 2010 này, Cuba bắt đầu giao đất cho nông dân và các nhà đầu tư. Đầu tháng 9-2010, trả lời nhà báo Mỹ, ông Fidel Castro đã cho rằng đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Cuba trước đây không còn phù hợp.

Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng: chủ nghĩa xã hội khoa học thất bại vì thật ra nó còn không tưởng hơn cả những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng tiền bối. Nó từ bỏ những giá trị văn minh mà nhân loại trải nghìn năm mới tìm thấy, rồi chọn cho mình những giá trị chưa hề được thử thách.

Lần này, dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội 11 viết: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội” (Mục 1 – Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường).

Thật quá mù mờ và sai trái! Các nhà lý luận chúng ta lại quên những lời dạy cơ bản của Marx: “Vật chất có trước và quyết định ý thức”, và của Lenin: “Trên mảnh đất sản xuất cá thể, hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”!

Ngay sau khi nhà nước cho phép kinh doanh tư nhân đã có những đảng viên cộng sản như Lê Kiên Thành (con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn) xin ra Đảng để được làm “nhà hữu sản mới”. Đó là những người thức thời và sòng phẳng. Nhưng chỉ vài ba năm sau, xã hội phát hiện có không ít người vẫn đang sinh hoạt Đảng, thậm chí còn đương chức mà đã là nhà hữu sản lớn bằng thủ đoạn đứng phía sau vợ con.

Ngày nay trên đất nước ta không phải chỉ có mảnh đất sản xuất cá thể mà đang có “những nhà hữu sản mới thoát thai từ tham nhũng, đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn”. Việc tìm cách đưa họ vào con đường phát triển tư bản văn minh, ngăn chặn họ hình thành những nhóm lợi ích đã là vô cùng nan giải rồi, huống hồ lại toan đưa họ vào định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ bằng các “nguyên tắc và bản chất” vô hình!

(Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động)

Trên đây chỉ là lược trích một số ít, mặc dầu đã có nhiều ý kiến thấu đáo khác nữa như vậy, một số cán bộ cách mạng kỳ cựu và trí thức vì quá bức bối vẫn yêu cầu tôi tiếp tục góp lời bàn thảo.

Tôi đang lưỡng lự chưa biết nên hành xử thế nào vì biết rằng nói với họ chẳng qua chỉ như “đàn gẩy tai trâu”, “nước đổ đầu vịt” thì bỗng nhiên, có cuộc hẹn giữa tôi với ông Đặng Quốc Bảo – nguyên ủy viên Trung ương Đảng – vào hồi 15 giờ ngày 24 tháng 9 năm 2010.

Do có một cuộc trò chuyện lý thú khác trước đó kéo dài nên tôi đến trễ 25 phút. Người giúp việc ra mở cửa có ý trách: “Ông cháu đợi ông đã lâu quá rồi!”.

Ông Bảo kể tôi nghe về cuộc thời đàm giữa ông với ông Lê Đức Anh hôm 18 tháng 9 năm 2010. Ông Lê Đức Anh mời ba người đến nhà: trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh và ông Đặng Quốc Bảo. Tuy nhiên, chỉ mình ông Bảo đến. Ý nghĩa cuộc thời đàm cuốn hút đến nỗi đã bắt đầu từ 9 giờ sáng, nhưng nếu không bị cái ngưỡng 12 giờ trưa chặn lại thì hai ông già ngấp nghé chín mươi vẫn chưa chịu rời nhau. Sang đến cuộc trò chuỵện này thì tôi cũng đã không thể dứt ra được nếu vợ tôi không gọi điện thoại đến nhắc trời đã tối và nhà đang chờ cơm.

Chuyện khá dài nhưng tôi chỉ xin ghi tóm tắt ở đây đoạn mở đầu câu chuyện mà ông Lê Đức Anh đã nói với ông Đặng Quốc Bảo một cách nghiêm trọng và cho là hết sức bức thiết. Có 4 ý chính:

1. Tình hình rất đáng quan ngại là hiện nước ngoài đang tích cực can thiệp vào vấn đề nhân sự Đại hôi XI của Đảng ta;

2. Điều rất nguy hiểm là họ đang âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư;

3. Người ngoan ngoãn vâng lời Trung Quốc đến mức vô nguyên tắc là Nông Đức Mạnh;

4. Dẫu chưa thỏa đáng lắm nhưng trong tình hình này có thể là nên chấp nhận Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư.

Những thông tin này dường như không thể tin được nếu trước đây mấy giờ không có buổi gặp giữa ông Nguyễn Văn Hội với tôi (mà vì câu chuyện với ông Nguyễn Văn Hội khá hấp dẫn nên tôi trễ hẹn với ông Đặng Quốc Bảo).

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông Hội từng làm đại đội trưởng ở cùng đại đội mà ông Lê Đức Anh làm chính trị viên. Trong phòng khách của ông Hội có treo hai bức ảnh ông chụp chung với hai vị Chủ tịch nước đã từng đến đây thăm ông mấy lần: Lê Đức Anh và Nguyễn Minh Triết.

Không biết có phải hữu ý không nhưng cả buổi trò chuyện, ông Hội đã trình bày với tôi khá chi tiết về ông Lê Đức Anh. Những thông tin từ ông Nguyễn Văn Hội, cũng như những thông tin lâu nay vẫn được nghe vì đều không có điều kiện kiểm chứng nên không thể nào đánh giá đúng về ông Lê Đức Anh và trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên, dù ông Lê Đức Anh có man khai lý lịch và đã từng làm mật thám cho Pháp… thì chuyện ông Lê Đức Anh nói với ông Đặng Quốc Bảo vẫn làm tôi nức lòng. Tôi tâm tình với ông Bảo: “Đây là sự kiện rất hệ trọng và ngày hôm nay là một trong những ngày vui nhất đối với tôi trong những năm gần đây.”

Tôi cho rằng, khác với mẫu người cố cựu, giáo điều nên thường kiên định lập trường như Trường Chinh, loại như Lê Duẩn, Lê Đức Anh linh hoạt hơn, thực dụng hơn, dễ xoay 180 độ hơn. Lê Duẩn từng theo Trung Quốc chống xét lại nhưng rồi cũng đã nắm tay Liên Xô đả Trung Quốc. Lê Đức Anh từng dựng Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí thư nhưng lại đã quật đổ Lê Khả Phiêu không thương tiếc… Có thể Lê Đức Anh từng thần phục Trung Quốc khi đưa ra “giải pháp đỏ” và từng mang ơn Trung Quốc đã chữa bệnh cứu mạng cho ông ta, nhưng cũng có thể ông vì còn sáng suốt nên đã trở cờ? Mà trở cờ đúng.

Về Nguyễn Phú Trọng, trong bài “Rất đáng phàn nàn về ông Nguyễn Phú Trọng” đề ngày 7 tháng 5 năm 2007 tôi đã viết:

Ông Nguyễn Phú Trọng qua chuyến viếng thăm Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đầu tháng 4 năm 2007 vừa qua vừa không biểu thị được tự trọng dân tộc, lại có thái độ tự ti của kẻ chư hầu nên rất đáng chê trách!… tiếp ông Nguyễn Phú Trọng hôm 9 tháng 4 năm 2007, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đã cao giọng căn dặn: hai bên cần “giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới, lãnh thổ, thực hiện tốt các hiệp định liên quan, cùng nhau giữ gìn ổn định của vùng biển Nam Trung Quốc”.

Thật là ngạo mạn và dớ dẩn. Tôi sang thăm anh như một người bạn láng giềng để giao hảo và xem có gì cùng có lợi thì bàn nhau hợp tác mà làm, sao anh lại dám giao nhiệm vụ cho tôi phải “giữ gìn ổn định vùng biển Nam Trung Quốc”. Chỗ nào đúng là “vùng biển Nam Trung Quốc” của anh thì anh lo mà “giữ gìn ổn định” lấy chứ. Tôi có là tay sai, là chư hầu của anh đâu mà anh có quyền giao nhiệm vụ. Tôi cũng không thèm tham lam như anh để rồi lăm lăm làm mất ổn định cái “vùng biển Nam Trung Quốc” nào đó của anh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tên là Tần Cương lại còn trâng tráo gọi hành động của ta là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc”. Ông ta lếu láo trịch thượng: “Trung Quốc bầy tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam.”

(Tôi dù lớn, dù nhỏ cũng là bạn anh, anh có định nghiêm khắc thì cũng chỉ có thể nghiêm khắc với các con dân của các anh thôi chứ! Ví dụ, hãy nghiêm khắc dạy con dân của các anh rằng đừng có dại dột noi gương cha ông mà kéo nhau sang vùi xác ở gò Đống Đa chẳng hạn…)

… rõ ràng kiểu hành xử của Trung Quốc như vậy, xét cách nào cũng không chấp nhận được. Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng đã không có nổi một phản ứng, dù rất nhẹ nhàng, tinh tế. Ông vẫn dẫn vợ đi thăm thú đó đây thoải mái và cười vui hơi nhiều!

Đành rằng đang trong không khí “tay bắt mặt mừng”, chẳng tiện đối đáp chát chúa làm gì, nhưng ít ra khi Ngô Bang Quốc giao nhiệm vụ “giữ gìn ổn định biển Nam Trung Quốc”, Nguyễn Phú Trọng, chẳng hạn, cũng nên “báo cáo” lại rằng mong các đồng chí hãy giữ gìn ổn định Biển Đông Việt Nam để thực hiện “Chiến lược Biển” quan trọng mà Hội nghị Trung ương IV của Đảng chúng tôi vừa nêu ra.

Phô trương thắng lợi chuyến đi, bài “Ấn tượng Trung Hoa” đăng báo Nhân dân số ra ngày 11 tháng 4 năm 2007 trình bầy cuộc thăm viếng Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng viết: “Đáng mừng là, cùng với thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn tới Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một số nhà máy, công trình như: Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình…”

Cả một nước Trung Hoa vĩ đại, “cùng với thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế”, khi “thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn tới Việt Nam” mà chỉ hỗ trợ xây dựng được mấy nhà máy thủ công như thế. Vậy mà cũng “đáng mừng là” lắm sao!

Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng cười vui hoan hỉ hơi nhiều, cảm ơn hơi nhiều, hứa học tập và noi gương hơi nhiều. (Vì vẫn còn đeo đẳng cái tư tưởng nô lệ ý thức hệ hơi nặng.)

Ngạc nhiên hơn là, ông Nguyễn Phú Trọng oang oang báo cáo với Trung Quốc và với toàn thế giới rằng: “Từ ngày nhận lãnh cương vị Chủ tịch Quốc hội, nước đầu tiên tôi đi thăm là Trung Quốc.”

… Nhẽ ra, dẫu ông Nguyễn Phú Trọng có muốn tranh thủ Trung Quốc như thế nào đấy thì ông cũng chỉ cần biểu thị bằng hành động là đã đủ. Nói ra như vậy hết sức vô chính trị. Chẳng nhẽ ông Nguyễn Minh Triết lên làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng chính phủ mà không sang thăm ngay Trung Quốc là không đúng bằng ông Nguyễn Phú Trọng hay sao? Chẳng nhẽ đối với Việt Nam, tất cả các nước đều chỉ được xếp hàng sau Trung Quốc hay sao?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn Nhật Bản, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chọn Lào là những nước đến thăm đầu tiên (chứ không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc) là rất thông minh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trước để tháng 6 này Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ thì cũng phải đạo thôi. Nhưng, như đã nói, chỉ cần biểu thị bằng hành động thế là đủ, hà tất phải “nhất bộ nhất bái” thiên hạ làm gì!

Có cụ cách mạng lão thành đặt câu hỏi: “Hay là họ muốn vỗ vào mặt nhau, muốn chèn nhau để được ưu tiên đón nhận ân huệ và sự bảo trợ của Trung Quốc?”

… Một thiếu nhi Tháng Tám của tôi khi xưa, sau này học đại học văn khoa với Nguyễn Phú Trọng cho biết rằng, ở lớp anh ta học rất bình thường, cũng chẳng có hoạt động xã hội sôi nổi gì, vậy mà không biết nhờ đâu anh ta thăng quan nhanh thế?

Thực vậy, ông Nguyễn Phú Trọng từ một học sinh trơn vào đại học. Đường đi thênh thang, dễ dãi quá khiến ông không có được cái tư chất, cái bản lĩnh, cái nghị lực của người được gian nan thử thách, được xã hội nhào luyện. Ông cũng không có thực tế tham gia chiến trường, không kinh qua hoạt động kinh tế hay khoa học công nghệ mà chỉ là một “thợ cạo giấy”. Hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội bị nhận xét là “lú như Trọng”. Phụ trách công tác lý luận thì toàn lý luận cùn. Sử dụng bừa bãi giấy mực, tiền của của nhân dân để “nói lấy được” những luận điểm cũ rích, lạc hậu đến mức đã thành phản động. Làm công tác tư tưởng bằng xiềng gông tinh thần, thuyết phục quần chúng bằng công an văn hóa và bằng tòa án xử theo chỉ thị.

Càng đáng phàn nàn nữa là, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Lê Quang Bình yêu cầu báo cáo tình hình Biển Đông với đầy những sự cố hết sức đáng quan ngại để Quốc hội xem xét thì Nguyễn Phú Trọng gạt đi và nói: Tình hình Biển Đông năm qua không có gì mới. Sự lấp liếm thật là trâng tráo!

Cho nên, vấn đề hệ trọng hơn mọi vấn đề hệ trọng hiện nay là phải ngăn chặn cho được âm mưu của nước ngoài đưa Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư.

Vì sao đây là vấn đề hệ trọng hơn cả?

Hãy thử so sánh với vấn đề tham những. Tham nhũng đang là quốc nạn hết sức nhức nhối và tai hại. Tuy nhiên, dẫu người Việt Nam tham nhũng của nhau hàng chục, hàng trăm tỷ thì cũng không đau xót bằng bọn ngoại bang kia tham nhũng cả đất nước, cả dân tộc này. Họ không chỉ tham nhũng Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa… mà còn mồi chài, đút lót hòng giành được hàng loạt hợp đồng béo bở để ăn bẫm (hơn 90% các dự án nhiệt điện đều do Trung Quốc thắng thầu!?). Rồi họ phá kế hoạch của ta (Tất cả 6 dự án điện do TKV ký với Trung Quốc: Cao Ngạn, Sơn Động, Nông Sơn, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Mạo Khê đều chậm tiến độ.) Rồi biến đất nước này thành bãi rác chứa những đồ thải loại như xi măng lò đứng, như những nhà máy đường chưa hoạt động đã phải đắp chiếu…

Xâm lăng đã đành, thực dân đã đành, khốn khổ hơn, họ còn sẽ biến dân tộc này thành bầy lính lệ chiến đấu cho mục tiêu vươn lên đối địch với Hoa Kỳ của họ.

Thế giới nên đa cực, nhưng có chăng chỉ nên có Giêsu, Thích ca Mầu ni, Allah chứ không nên có Giêsu và Giuda.

Trung Quốc không những chưa có khả năng mà cũng chưa có tiền đề trở thành một cực của thế giới. Việc trưng ngọn cờ XHCN hiện nay chỉ là sự lừa bịp nhằm lôi cuốn những kẻ nhẹ dạ, ngu dốt tự nguyện làm lâu la cho họ. Chính Đặng Tiểu Bình thừa nhận rằng Trung Quốc chưa thể làm kiểu con cọp, con beo gì mà mới chỉ có thể làm kiểu con mèo như tư bản thôi. Tư bản làm kinh tế thị trường, Trung Quốc cũng phải xoay sang làm kinh tế thị trường. Tư bản thừa nhận tư nhân tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, Trung Quốc cũng phải chuyển sang xã hội hóa y tế, giáo dục… Họ có theo Mác nữa đâu. Họ có làm chủ nghĩa xã hội nữa đâu. Nước của họ vẫn là Cộng hòa Nhân dân kia mà. Họ vẫn làm con mèo tư bản đấy chứ. Có điều là con mèo mang mầu sắc Trung Quốc còn dở hơn con mèo tư bản rất nhiều. Không những không giầu mạnh hơn mà còn bất công hơn, khoảng cách giầu nghèo ngày càng doãng xa hơn, dân chủ nhân quyền tồi tệ hơn…

Thế mà, họ không chỉ dụ dỗ, mua chuộc được một số kẻ nào đó bằng lời hứa bảo vệ ngai vàng và bằng tiền mà còn bằng cái gọi là ý thức hệ!

Việc gì Nông Đức Mạnh phải sang Trung Quốc để ra tuyên bố chung: “Hai bên cùng lập nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương giáp biên giới hai nước, đặc biệt là cơ chế Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương để chỉ đạo và điều phối sự hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực”. Việc gì giữa thời bình mà phải tuyên bố: “Hai nước sẽ thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo”?… Rồi xây dựng đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam nối thẳng từ Trung Quốc vào Hà Nội. Rồi thường xuyên mở các hội thảo chung Trung – Việt để lĩnh hội chủ trương, đường lối xây dựng và bảo vệ chế độ…

Không biết người ta vô tình hay tình nguyện chấp nhận sự đô hộ mềm của ngoại bang một cách tội lỗi như vậy!

Sự nô lệ về ý thức hệ đã xúi bẩy và ép buộc người ta làm Cải cách Ruộng đất, giết hại hàng vạn đồng bào, đồng chí mình, trong đó có rất nhiều nhân tài kinh tế, nhiều người có công lớn với cách mạng. Rồi đẩy nhanh lên hợp tác xã cấp cao, phá họai nền nông nghiệp. Rồi diệt tư thương, tiểu thủ công, phá hoại công thương nghiệp… Thế chưa đủ đau xót sao, chưa đủ thúc giục lương tâm họ buộc họ phải thức tỉnh sao mà cứ u mê để ma đưa lối, quỷ dẫn đường mãi thế!

Cho nên, trong khi điều 4 Hiến pháp vẫn còn đó thì việc kịp thời ngăn chặn khả năng có một Tổng Bí thư thần phục Bắc triều là việc vô cùng hệ trọng không chỉ với Đảng CSVN, mà với cả dân tộc..

Hà Nội ngày 10 tháng 10 năm 2010

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội Điện thoại : ( 04 ) 35 534 370

————————————————————————————————————————————————————————————————–