CÂU CHUYỆN SÔ VIẾT ( tiếp theo )

Câu chuyện Sô Viết ( phần 5 )

Câu chuyện Sô Viết ( Phần 6 )

————————————————————————————————————————————————————————————————-

TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG HẠC – “BIỂN “

– Mấy giờ thì tàu cá của Tư Râu về bến? -Tôi sốt ruột hỏi chú Tám.
– Chẳng biết thế nào mà định được. Có hôm sáu giờ tối, có hôm tám giờ, có hôm tận nửa đêm. -Chú Tám vừa trả lời vừa bẻ thêm mấy cành cây khô cho vào vạc bếp lửa ngoài trời.
– Có hôm nào không về?
– Nếu không về là coi như đi “mò tôm” luôn!
Khuôn mặt nhăn nheo của chú Tám như mặt một bức tượng bất động, khiến không sao biết được chú nói thật hay nói giỡn. Chú cầm cành cây dài cời đám củi rộng thoáng ra. Lửa gặp gió cháy bùng lên dữ dội. Những tàn lửa bay tung toé khắp nơi. Biển đang gầm thét ghê gớm, sóng đánh vào bờ ầm ầm như tiếng súng đại bác nổ. Gió lồng lộn quay cuồng, xiết vào các hốc cột điện dựng dọc theo bờ biển tạo thành những tiếng hú nghe thật khiếp đảm. Gió biển bắc Canada này dữ dằn như một con ngựa bất kham. Người ta nói gió có thể hất một gã thuỷ thủ nặng một tạ đang đứng trên boong tàu bay vèo xuống biển. Không biết nói thế có quá thậm xưng hay không, riêng tôi, tôi tin điều ấy, vì chính tôi cũng suýt bị gió thổi ngã quay lơ trên đường, cón hễ cứ ngoảnh mặt ra gió là tôi lại cảm thấy ngạt hết cả thở. Dường như gió đã bít chặt cả mồm miệng, mắt mũi mình lại.Tai chỉ còn nghe thấy rặt một thứ tiếng ù ù của gió.
Thứ gió này làm tôi nhớ tới câu thơ của nhà thơ Nga Maiacopxki: “Gió như một người mất ngủ, trên dốc lớn kêu gào…”nhưng ở đây gió kinh khủng hơn, đỏng đảnh, tác quái hơn, như tính tình một bà cô lớn tuổi chưa chồng, chỉ chăm chăm tìm cách xỉa xói vào mặt người khác cho hả cơn tức giận vô cớ của mình. Đây là một thứ gió quái dị. Đến ngay giọng nói của người cũng bị gió bóp lại, giựt qua giựt lại, biến nó thành một thứ âm thanh uốn éo rất khó nghe. Tôi nhớ Tư Râu có nói đùa với tôi qua điện thoại rằng gió xứ Prince Rupert là thứ gió ăn cắp ăn trộm, nó có thể móc ví tiền trong túi của bạn và ném xuống biển như bỡn.
– Tiết trời này, có thể ngày mai trở lạnh đây. -Chú Tám cố đằng hắng phá tan cái tình thế chờ đợi khó chịu của tôi. Đúng lúc ấy, một cơn gió xoáy tinh quái nhất, khó hiểu nhất bốc tung cả đám tro lửa lên cao, quay tròn như dưới bàn tay thầy phù thuỷ và vãi tung toé khắp mọi nơi thành một trận mưa sao.
Không còn lửa, biển trở nên tối đen như mực và trong cái cô quạnh của biển đêm, chỉ có tiếng sóng biển và gió gào thét ghê gớm.
Những người đi biển lão luyện như chú Tám biết chắc gió thổi kiểu này chỉ đến gần về sáng là “kiệt sức “thôi không vùng vẫy được nữa và bằng một giọng hóm hỉnh đầy chất văn chương, chú Tám nói nếu ai có công thức dậy vào bốn, năm giờ sáng ắt sẽ được nghe thấy tiếng thở dài của biển, còn gió thôi không gầm thét, sẽ nhẹ nhàng mang về đất liền khúc nhạc trầm tư của sóng biển ngoài đại dương xa xôi.
Mệt mỏi, tôi nằm duỗi dài trên mặt đất. Vào tình thế của tôi lúc này, tôi không còn tâm trí nào thưởng thức văn chương và kinh nghiệm lão luyện về biển của chú Tám được, bởi vì tôi biết cái tin khủng khiếp về đứa con trai của chú mới bị bắn chết tại Vancouver trước sau tôi cũng phải nói ra.
Thật ra tôi có thể hoàn toàn ngậm miệng không nói gì. Vụ bắn nhau xảy ra đã tròn một ngày, tôi có thể làm như không hề hay biết vì tôi có thể nói dối tôi rời Vancouver ba ngày trước đây để đi công việc. Tôi nằm và cố nghĩ xem mình sẽ bắt đầu nói năng sử xự như thế nào khi Tư Râu đi biển về. Nhưng cách gì thì cách tôi biết khi tôi nói ra cái tin khủng khiếp kia, tôi sẽ trở thành một thứ Erlkonig (quỷ ác) xấu xa.Tôi cứ nằm nghĩ miên man, càng nghĩ càng đâm ra giận ông chủ đã ép tôi đi ký hợp đồng mua tôm tại Prince Rupert khiến tôi phải rơi vào tình trạng hết sức khó xử này.
Chú Tám lại gầy được bếp lửa mới. Khuôn mặt chú dưới ánh lửa bếp bập bùng trông hơi có chút gì quái dị, nó vừa nhẫn nhục lại vừa như đe doạ.
Chú Tám tới Canada dễ chừng cũng phải hai chục năm rồi. Ở Việt Nam chú đi biển, sang Canada chú cũng vẫn lại đi biển. Nhưng biển miền tây Canada hào phóng hơn, người ta nói chú Tám “móc” từ lòng biển miền Prince Rupert này hai cái nhà trả đứt, một cái tàu cá trị giá cỡ nửa triệu đô và chiếc xe BMW đời mới. Tư Râu làm rể nhà chú đúng là chuột sa chĩnh gạo. Có nhà, có xe, có tàu cá đi làm kiếm tiền. Hồi Tư Râu thất tình với cô Liên có cửa hàng làm đầu, y rủ tôi phiêu lưu lên “bắc cực”- xứ Prince Rupert dân Việt vẫn gọi đùa là bắc cực- để đi đánh cá. Tôi cực lực phản đối. Tôi quen mấy người đánh cá da trắng nói chuyện, vùng tây bắc Canada, biển dữ dội, chẳng mấy chút thân thiện, thỉnh thoảng biển “nổi sôi cơn thịnh nộ, dìm từng đoàn tàu lớn giữa xa khơi,” khí hậu thì lạnh dễ sợ. Đi tàu, nếu chẳng may rớt xuống biển, chỉ năm phút sau, nếu may mắn được kéo lên, cũng chỉ còn là một khúc gỗ lạnh cứng. Biển kinh khủng là vậy, nhưng nếu chơi được với nó, kiếm bộn tiền! Và Tư Râu quyết định, theo lối nói rất văn hoa mà y vẫn dùng để tán tỉnh cô hàng làm đầu: “đặt cái mạng cùi của mình vào canh bạc cuộc đời với biển”.

– Chú Tám nghỉ hưu được mấy năm rồi chú? -Tôi hỏi để cố bắt đầu sự vụ.
-Tui còn hai năm nữa mới đủ tuổi về hưu. -Chú Tám trả lời nhát gừng. Rõ ràng chú đang suy nghĩ gì kịch liệt lắm, không chừng chú đoán ra chuyện của tôi cũng nên. Bọn trẻ chúng tôi không mấy người qua mắt được chú Tám. Tôi gặp chú cả thảy bốn lần, mà chú vẫn nhớ tôi thích ăn gì, uống gì, và đã nói những chuyện gì với chú.
– Chú Tám đã về chơi Việt Nam lần nào chưa?- Tôi lại hỏi để cố gợi chuyện.
– Cũng có về một lần. Dịp đó thằng Thắng con tôi quen con bé ở SàiGòn sang chơi bên Vancouver . Chúng nó tính chuyện làm hôn thê ở Canada để con nhỏ ở lại. Nhưng không hiểu sao đến ngày lên luật sư làm giấy tờ, con nhỏ đòi về. Tôi chơi ở Việt Nam được đúng hai tuần.
-Ủa! Sao chú về sớm vậy?
– Thằng Thắng hối về! Con nhỏ ở Việt Nam lấy chồng mất rồi!
“A! Ra thế!” Tôi tự nhủ thầm. “Hèn chi Thắng lúc nào cũng có vẻ u uất, hoá ra cha nội bị thất tình. Nhưng tại sao hắn lại dính líu vào vụ bắn nhau nhỉ?”
– Vậy Thắng có thù oán với ai không?- Tôi dò hỏi chú Tám.
– Thù oán gì ai đâu! Nó như thằng chán đời. Chẳng còn muốn làm ăn. Ngày xưa ở Việt Nam nó đẻ trên thuyền, được một tháng thì bà ấy mất trong trận bão biển. Một mình tôi nuôi hai chị em nó. Hồi đó tôi đã từng thề sẽ không bao giờ đi biển nữa, nhưng sang xứ này, chẳng có việc gì làm, lại phải quay về nghề cũ. Ấy cái số tôi nó là như thế. Nói thật tình, hồi mới sang Vancouver , có nhà chị ấy mới goá chồng cũng mến tôi, cứ nói tôi ở lại giúp chị trông coi tiệm phở ở phố Tàu, Chị không có con nên quý cái Liên, thằng Thắng như con đẻ. Nhưng nó là số mạng anh ạ! Giá tôi gật đầu thì bây giờ mọi chuyện đều đẹp đẽ, tôi đã có cuộc sống êm ả, thư thái. Nhưng tôi như có món nợ với biển, thế nào cũng phải sống chung với nó. Thế là đùng đùng bỏ lên xứ Prince Rupert này làm nghề cá.
– Thì chú cũng giàu có thua kém gì ai đâu.- Tôi khích lệ chú Tám.
– Nó là số mạng cả đấy, anh có tin không? Bố tôi xưa là hải tặc. Mẹ tôi bị bố tôi bắt lên tàu làm vợ, thế là tôi được đẻ ra và lớn lên trên boong một con tàu cướp bể. Cuộc đời tôi rồi chẳng bao giờ được thư thái đâu. Anh có tin luân hồi quả báo không, chứ tôi thì rất tin. Bố tôi ngày xưa giết rất nhiều người và quăng xác họ xuống biển.
Kể đến đây, chú Tám ngừng lại và chú ngước nhìn đăm đăm ra biển như thể đã trông thấy cái gì đó. Tôi cũng ghé nhìn theo chú, nhưng chỉ thấy một màu đen thẫm. Gió vẫn ào ào thổi, hình như mỗi lúc một mạnh hơn lên, khiến tôi cảm thấy ngợp không chịu nổi nữa. Tôi ngỏ lời muốn quay về nhà Tư Râu, nơi đó tôi nhớ vẫn còn chai rượu X.O uống dở hồi chiều. Chú Tám dường như không nghe tôi nói gì, cứ tiếp tục nhìn dõi mãi vào đêm đen. Chỗ chúng tôi ngồi là một bến bờ hoang vắng nhất của Prince Rupert , chú Tám mua đất làm nhà ở đây hẳn phải có lý do. Nơi đây nhìn thẳng ra Thái Bình Dương không có gì che khuất. Phía bên kia đại dương là Việt Nam.Việt Nam ! Hai tiếng thân thương luôn gợi lên trong tôi một nỗi khắc khoải khôn tả, một sự giày vò đến mức bệnh hoạn. Tôi nhớ, vài lần ngồi uống rượu với Thắng ở Vancouver, Thắng tâm sự với tôi cũng về cái cảm giác bệnh hoạn ấy khi còn sống ở Prince Rupert, nhiều sáng tỉnh dậy, nó đi lang thang hàng hai, ba tiếng đồng hồ trên bãi cát ven bờ và như bị biển thôi miên, nó cứ nhìn xoáy mãi vào chốn xa xăm mù mịt ấy để ngóng một cánh buồm nào đó một ngày sẽ thấp thoáng phía xa. Thắng nói với tôi, một lần vào mùa đông, đang làm việc trên tàu cá, bỗng nó nhìn thấy chiếc thuyền hai cánh buồm rất lớn hiện ra ngay bên cạnh tàu. Một suýt nữa thì nó nhẩy xuống biển để bơi ra con thuyền buồm kỳ lạ, may mà sau đó ảo ảnh đã biến mất. Sau lần ấy, nó bỏ về Vancouver làm cho hãng chế biến hải sản, mặc cho sự van nài can ngăn hết lời của chú Tám. Nhớ lại chuyện này, tôi bỗng rùng mình ớn lạnh, có một cái gì đó không thể giải thích nổi, một cái gì đó như là một sức mạnh của ma quỷ, của bóng tối luôn che phủ chúng ta, bắt buộc chúng ta bước vào những chốn đoạn trường đầy khổ ải.
Phải mất gần mười phút, tôi mới tìm ra được cái phố nhỏ đi tới nhà Tư Râu, nhưng đúng lúc định rẽ vào nhà, tôi lại chợt thay đổi ý định. Trong nhà, ban đêm chỉ có một người đàn bà và đứa con nhỏ, tôi vào thật là bất tiện. Mặc dù đã gần một giờ sáng, tôi quyết định đi bộ thêm mười phút nữa để tới nhà ông Mộc, vị mục sư người Việt duy nhất của xứ này. Khi ông Mộc mở cửa cho tôi vào, trời bắt đầu mưa to và ông Mộc báo cho tôi biết tin cơn bão biển đã tấn công cảng cá Prince Rupert .
Tôi không còn biết tâm trạng mình lúc ở nhà vị mục sư nó rối bời như thế nào. Tư Râu đang gặp nguy hiểm ngoài biển khơi. Chú Tám không biết có chạy kịp vào nhà để tránh mưa bão hay không và tin về cái chết của Thắng tôi vẫn chưa nói ra được. Tôi có cảm giác như mình là một kẻ đào ngũ, chạy trốn phận sự. Tôi nói với ông mục sư về Tư Râu, ông nói ông biết Tư Râu đang ngoài biển, nhưng nhất định Chúa sẽ phù hộ cho mọi chuyện được tai qua nạn khỏi, vì Tư Râu là người mộ đạo, kính Chúa. Tôi chẳng thể nào nằm xuống ngủ được. Mặc dù nhà mục sư ở sâu trong phố, tôi vẫn nghe thấy tiếng sóng biển ầm ầm đổ vào bờ và gió gào thét thổi dọc theo phố xá bẻ cây cối gẫy răng rắc.
– Kiểu bão này, biển động dữ dội lắm.
– Chúng ta chẳng có thể làm gì hơn được ngoài việc cầu nguyện cho anh Tư. Lạy Chúa, cơn bão đến thật là bất ngờ. -Ông Mộc nói và sau đó lầm rầm cầu nguyện suốt. Dứt việc cầu nguyện, thấy tôi ngồi không ngủ, ông xoay qua nói chuyện với tôi về công việc nhà thờ. Giọng ông lúc trầm lúc bổng. Ông kể về chú Tám rất nhiều chuyện, nhưng có một chi tiết khiến tôi hết sức chú ý, đó là sự việc chú Tám rơi xuống biển vào mùa đông tới mười phút sau mới được cứu lên mà không chết.

– Tôi cho anh biết một bí mật nhé! Ông Tám lần ấy muốn tự tử. Chính ông ấy có tự thú với tôi như vậy. Ông ấy nói quả báo luân hồi gì gì ấy, toàn là những điều nhảm nhí, ông ấy còn bảo nếu biển nhận ông ấy là ông ấy cứu được con. Tôi thật không làm sao hiểu được ông ta nữa. Một người có trong tay cả triệu đôla mà lúc nào cũng săm săm muốn chết thì thật là quái lạ.
Tiếng nói chuyện đều đều của ông mục sư khiến tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng rõ. Cơn bão tan từ nửa đêm, và tôi thấy bình minh cháy rực qua khung cửa sổ. Chẳng nói chẳng rằng, tôi vội vã rời nhà mục sư đi ra biển.
Tôi cứ đi dọc theo bờ biển hoang vắng không một bóng người. Biển lặng và xanh biếc một màu. Tôi nhìn dõi mãi vào chốn xa xăm mờ mịt, nơi có đường ranh giới nhợt nhạt giữa biển và trời, hy vọng sẽ thấy một cánh buồm hoặc một chấm đen của một con tàu. Nhưng biển đẹp như vẽ, bất động và lặng im như chợt lại thiếp ngủ đi sau một đêm gầm thét đầy cuồng nộ. Tôi tới khu vực bến tàu của chú Tám. Chẳng có con tàu nào neo tại bến. Tư Râu đêm qua đã không về.

————————————————————————————————————————————————————————–

Cập nhật tin 19-10-2010

Việt Nam bắt blogger, dọa không thả Ðiếu Cày

Ngày 19/10 hết hạn tù Ðiếu Cày

Sắp đến ngày blogger Ðiếu Cày mãn hạn tù, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam một blogger khác, và bên cạnh đó có tin đồn Ðiếu Cày sẽ bị giữ lại giam tiếp, bất kể quá hạn phải thả, theo tin báo Người Việt nhận được từ Việt Nam.

Luật gia Phan Thanh Hải, tức blogger AnhbaSG, đã bị khám nhà và bắt tạm giam ngay trong đêm trước ngày blogger Ðiếu Cày mãn hạn tù.

Blogger Ðiếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, là một thành viên nhóm “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” và từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Ông bị truy tố với tội danh “trốn thuế” và hiện đang thụ án tù hai năm rưỡi. Ngày mãn hạn tù là hôm nay, 19 tháng 10, 2010.

Ngay đêm trước đó, công an đến nhà bắt một blogger khác. Luật gia Phan Thanh Hải, được biết đến với tên blog AnhbaSG, bị bắt tại nhà lúc 10:35 đêm 18 tháng 10, theo blogger Mẹ Nấm cho biết trên Facebook. Luật gia Phan Thanh Hải từng tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền Trường Sa Hoàng Sa ngày 9 tháng 12, 2007.

Sau cuộc biểu tình, blogger AnhbaSG nổi tiếng vì đoạn băng thu thanh tiếng ông cố vấn cho sinh viên Kim Duy khi Kim Duy bị công an tịch thu xe, đòi khám nhà, đòi kiểm tra hộ khẩu, chỉ vì Kim Duy vẽ tranh biếm họa chống Trung Quốc xâm lược.

Blogger Mẹ Nấm, cá nhân cô cũng từng bị công an bắt giữ nhiều lần, báo tin “22:35 phút ngày 18 tháng 10 năm 2010 – Blogger Anh Ba SG bị khám xét nhà và bị bắt khẩn cấp.” Cô nhận định, “Rõ ràng đây không phải là chuyện ngẫu nhiên.”

Qua điện thoại, bà Dương Thị Tân, vợ cũ ông Hải, cho báo Người Việt biết bà đã chuẩn bị để đón ông từ tù về. Bà nói, “Lúc 10 giờ rưỡi sáng (ngày 18), tôi được thông báo là họ đã đưa anh Hải về số 4 Phan Ðăng Lưu từ hôm 16.” Ðịa chỉ này là trại tạm giam điều tra của công an thành phố, thường dùng để điều tra các vụ án chính trị, các nhà đấu tranh dân chủ. Tội danh mà ông Hải bị kết án là một tội danh kinh tế, không phải tội danh chính trị.

Việc đưa ông Hải về trại tạm giam điều tra chính trị khiến nhiều người lo lắng rằng ông Hải sẽ không được thả đúng hạn. Xưa nay, tù nhân hết hạn tù được thả ngay chỗ mình đang bị giam, không bị đưa về nơi điều tra.

Trang blog danlambao.wordpress.com báo động, “Trước đây khoảng một tháng, chi bộ đảng CSVN tại địa chỉ nơi blogger Ðiếu Cày cư trú đã có phiên họp các đảng viên trong chi bộ, tại phiên họp đó họ đã được công an phổ biến tin: ‘Ông Nguyễn Văn Hải sẽ bị tiếp tục giam giữ, điều tra dù mãn hạn tù.’”

Qua điện thoại, bà Tân nói bà cũng lo ngại không biết ông Hải có được thả đúng hẹn không, nhưng nói bà sẽ có mặt để đón tại số 4 Phan Ðăng Lưu.

Trong thời gian qua, chính quyền Việt Nam có những động thái cho thấy họ muốn ngăn chặn giới blogger không được sống trong xã hội bình thường, bất kể đến luật pháp. Năm 2008, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung bị đưa đi nghĩa vụ quân sự, không liên lạc được với bên ngoài. Ðến lúc sắp hết hạn nghĩa vụ, chính quyền bắt và truy tố anh với tội danh “chống phá nhà nước.” Nguyễn Tiến Trung hiện đang thụ án tù 7 năm. ( NguoiViet )

————————————————————————————————————————————————————————–

Ba nhà hoạt động vì quyền lợi công nhân ở Việt Nam bị truy tố

Theo báo chí trong nước ngày 18/10/2010, tư pháp Việt Nam vừa hoàn tất cáo trạng truy tố : Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, với tội danh « Phá rối an ninh » theo điều 89 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo bị buộc tội tham gia Uỷ ban Bảo vệ người lao động Việt Nam, đứng đầu là ông Trần Ngọc Thành ở Ba Lan, một tổ chức mà Việt Nam xem là « phản động ».

Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và sau đó là Đoàn Huy Chương đã bị lôi kéo tham gia vào Uỷ ban Bảo vệ người lao động Việt Nam. Họ được giao nhiệm vụ phát triển lực lượng tại Việt Nam, tìm hiểu về các vấn đề tiền lương, chế độ phụ cấp, báo cáo cho ông Trần Ngọc Thành để có thể thông tin « phục vụ ý đồ chống phá Nhà nước ta ».

Cáo trạng viết thêm rằng, theo sự chỉ đạo của ông Trần Ngọc Thành, ba bị can nói trên đã rải truyền đơn với nội dung bị coi là « xuyên tạc, chống phá Nhà nước », « lôi kéo, xúi giục công nhân tham gia đình công, gây cản trở sản xuất kinh doanh và gây mất trật tự an ninh ở địa phương »

Cả ba nhà hoạt động nói trên, nếu bị có là có tội, sẽ lãnh án tù từ 5 đến 15 năm. Riêng Đoàn Huy Chương là người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông vào tháng 11/2006 với mục tiêu đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động ở Việt Nam. Anh đã từng bị tuyên án 18 tháng tù vào tháng 12/2007, với tội danh « lợi dụng quyền tự do dân chủ », nhưng đã được trả tự do vào tháng 5/2008 vì lý do sức khoẻ.

Bố của Đoàn Huy Chương là Đoàn Văn Diên, đồng sáng lập viên Hiệp hội Đoàn kết Công nông, cũng đã bị tuyên án 4 năm rưỡi tù giam vào tháng 12/2007. ( RFI )

————————————————————————————————————————————————————————–

Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn chìm trong biển nước, tuyến đường bộ Xuyên Việt bị gián đoạn

Cư dân chèo thuyền qua căn nhà bị ngập ở tỉnh Quảng Bình

Cơn lũ thứ nhì trong tháng 10 vẫn hoành hành tại miền Bắc Trung bộ Việt Nam. Tính đến trưa ngày 19/10/2010, đã có ít nhất 41 người thiệt mạng, không kể đến 15 hành khách bị mất tích trên một chiếc xe đò bị nước cuốn trôi. Giao thông đường bộ Bắc Nam bị hoàn toàn tê liêt. Từ Genève (Thụy Sĩ), Hồng Thập Tự Quốc tế huy động 1 triệu franc Thụy Sĩ (hơn 1 triệu đô la)  để giúp đỡ miền Trung

Theo các nguồn tin chính thức từ vùng lũ lụt, số nạn nhân cơn lũ thứ nhì trong tháng 10 đã gây tử vong cho ít nhất 41 nạn nhân không kể 15 hành khách của một chiếc xe đò bị nước cuốn trôi.Thiệt hại nặng nề nhất là Hà Tĩnh với 12 huyện thị bị ngập đến nóc nhà trong bối cảnh mưa to và đập Kẻ Gỗ trên thượng nguồn xã lũ đến 630 m3/giây.Quốc lộ1 và đường sắt Nam Bắc bị tê liệt.

Từ Genève, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế kêu gọi giúp đỡ miền Trung 1 triệu franc Thụy Sĩ, khoảng 1 triệu đôla. Phát ngôn viên Paul Conneally tuyên bố là cần số tiền này để hỗ trợ cho các nạn nhân sống sót bị mất nhà cửa ruộng vườn.

Chính quyền địa phương hôm nay cho biết số người chết lên đến 41 người và hiện công tác tìm kiếm 15 hành khách một chiếc xe đò bị lũ cuốn ở Hà Tĩnh trên một đoạn sông Lam từ Bãi Cồn đến Bến Thủy dài 4 km. Tuy nhiên do mực nước vẫn còn cao nên công việc tìm kiếm xe và người rất khó khăn.

Trên bộ, tuyến đường sắt xuyên Việt và Quốc lộ 1A, quốc lộ 7 và 8 có nhiều đoạn bị tê liệt do bị ngập hơn 1m. Một bản báo cáo của Ủy ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cho biết đến hôm nay có 183 xã tại Hà Tĩnh, 113 xã ở Nghệ An và 25 xã ở Quảng Bình bị ngập.

Theo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, lũ lụt đã làm hàng ngàn dân trong tỉnh bị mất trắng mùa màng, không thức ăn không nước uống.

Trong khi đó thì đập thủy điện Kẻ Gỗ trên thượng nguồn xã lũ với vận tốc 650m3 nước mỗi giây vào lúc 14 giờ trưa nay làm 12 huyện thị tại Hà Tĩnh bị ngập lụt trầm trọng thêm.

Trong bài Hà Tĩnh khốn khổ trong trận lũ lịch sử , báo Thanh niên cho biết thêm toàn bộ Hà Tĩnh bị ngập lụt, cơ quan, chợ búa đều bị ngập và ngưng hoạt động từ một tuần. Dân cư địa phương gọi đây là trận lũ lịch sử.

Ngoài vấn đề đập thủy điện xã lũ trong mùa lũ, trong một bài báo khác nói về “nhân quả”, báo Thanh Niên nêu lên một nguyên nhân thứ hai là hậu quả nạn khai thác gỗ : « kẻ phá rừng trở thành triệu phú ăn chơi thoải mái trong lúc đồng bào địa phương đói khát giữa dòng nước lũ ». ( RFI )

————————————————————————————————————————————————————————–

Facebook vẫn tuyển nhân sự ở Việt Nam dù bị chặn

Facebook đang đối phó với việc chính phủ Việt Nam ngăn chặn trang mạng xã hội này bằng việc tuyển nhân sự làm việc ngay tại Hà Nội.

Một bài blog trên Financial Times nhận định mặc dù bị chặn trong gần một năm qua, Facebook đang tìm cách “kết bạn” với chính phủ Việt Nam trong một cố gắng nhằm giúp người dùng có thể truy cập được vào trang mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng nhất thế giới này.

Facebook đang tìm một ứng viên cho chức vụ Quản lý Chính sách và Phát triển cho thị trường Việt Nam, người sẽ lãnh đạo các hoạt động giao tiếp của công ty với các nhà hoạch định chính sách và chịu trách nhiệm đảm bảo rằng trang mạng xã hội này có thể truy cập được từ Việt Nam.

Công ty cũng có kế hoạch mở văn phòng ở Việt Nam, nhưng cho biết họ muốn thuê một nhân viên hợp đồng để “giải thích các lợi ích của trang mạng Facebook” trước. Công ty này cũng đã tuyển dụng các đặc sứ tương tự ở một số nước khác như Brazil, Ấn Độ và Nga.

Công ty cho biết họ cần tuyển một người nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh để có thể nói về Facebook trong khi cũng biết “lắng nghe và học hỏi” và có khả năng giải thích những thách thức ở Việt Nam cho trụ sở chính cũng như gợi ý cách thức để khắc phục những thách thức này.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam đã chặn trang mạng xã hội Facebook hồi năm ngoái, sau khi một số nhóm chỉ trích chính phủ thu hút được một số lượng lớn người ủng hộ trên trang mạng này.

Tuy nhiên, không giống như Vạn lý Hỏa Thành của Trung Quốc, người sử dụng Facebook ở Việt Nam vẫn có thể khá dễ dàng sử dụng các công cụ vượt tường lửa để truy cập trang này.

Hiện tại Facebook đã trở thành một trang mạng xã hội khá phổ biến ở Việt Nam với hơn 1 triệu người sử dụng tính tới tháng 7 năm 2010 (Theo số liệu của ZenithOptimedia).

Nguồn: Financial Times, Asian Correspondent, Facebook

————————————————————————————————————————————————————————-

Đảng cầm quyền TQ định hướng tương lai quốc gia

Đảng cộng sản Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển mới cho 5 năm, và đưa Phó chủ tịch Tập Cận bình vào chức vụ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Thông tín viên Stephanie Ho từ Bắc Kinh tường trình rằng cuộc họp thường niên của đảng diễn ra giữa lúc có những lời đòi hỏi cải tổ chính trị để phù hợp với tiến bộ kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào (trái) và Phó chủ tịch Tập Cận Bình 

Hình: AP
Chỉ có ông Hồ Cẩm Đào (trái) và ông Tập Cận Bìnhlà hai nhân vật dân sự trong Quân ủy Trung ương
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của phiên họp kéo dài 4 ngày là việc loan báo đã được dư luận rộng rãi dự đoán trước về việc thăng chức cho Phó chủ tịch Tập Cận Bình vào chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Theo ông Willy Lam, một chuyên gia về trung Quốc tại Tổ chức Jamestown ở Washington thì đây là một dấu hiệu rõ rệt rằng ông Tập Cận Bình sẽ thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào, sẽ rời chức vụ vào năm 2012. Ông nói:

“Điều này rất quan trọng vì theo truyền thống của đảng cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo tương lai phải là người có kinh nghiệm, vì thế đây sẽ là thời cơ rất tốt trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình.”

Ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Chỉ có ông và ông Tập Cận Bình là hai nhân vật dân sự trong ủy ban.

Phiên họp đảng cũng đặt kế hoạch 5 năm cho Trung Quốc, từ 2011 đến 2015.

Ông Lam cho rằng một trong những ưu tiên của chính phủ sẽ là theo đuổi việc thực hiện lời hứa thu hẹp khoảng cách giữa giầu nghèo ngày càng lớn trong xã hội. Ông nói:

“Theo tôi thì giới lãnh đạo hàng đầu đặt vấn đề này làm ưu tiên cao vì, lấy ví dụ, một loạt những bất ổn lao động tại một số các công ty đa quốc có trụ sở ở Trung Quốc, cũng như các cơ xưởng sản xuất ở nội địa nước này. Theo tôi, giới lãnh đạo rất nóng lòng hóa giải tình trạng bất ổn xã hội và làm nguôi ngoai những công nhân và các nông gia đang hết sức bất mãn và phẫn nộ, những người mang cảm nghĩ là họ đã bị bỏ rơi, mặc dù có những khu vực khác của nền kinh tế dường như được hưởng lợi rất nhiều từ tình trạng phát triển mạnh chưa từng có trước đây trên khắp nước.”

Việc trao giải Nobel hòa bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến bị Trung Quốc cầm tù, cũng làm nổi bật những lời kêu gọi mới đây đòi cải tổ chính trị ở nước này. Những lời kêu gọi như thế còn được ngay chính nhân vật tầm cỡ như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra.

Trong một diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín, ông Ôn Gia Bảo đã cổ vũ cho cải tổ chính trị Trung Quốc, mặc dù một số những lời nhận định của ông đã không được truyền thông Trung Quốc tường trình.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng cải cách chính trị là cần thiết và nói thêm nếu không có cải cách chính trị, Trung Quốc không thể thực hiện mục tiêu tối hậu của cải cách kinh tế và sẽ mất hết những thành quả đạt được trong việc canh tân đất nước.

Nhà phân tích Willy Lam nói ông nghĩ cấp lãnh đạo trong đảng cho rằng cải cách chính trị rất nhạy cảm và không muốn đặt vấn đề này vào lịch trình của hội nghị năm nay.

Dù các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản không thảo luận về cải cách chính trị, một bài báo đăng trên Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh hôm thứ Hai vừa qua khuyến nghị mọi người không nên xem vấn đề này là một vấn đề nhạy cảm. Bài báo ca ngợi những tiến bộ về chính trị hiện nay của Trung Quốc và trích lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo về sự cần thiết cải tổ để đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman có cùng chung ý nghĩ này trong một cuộc họp bàn của thành phố được trực tiếp truyền hình. Đại sứ Huntsman nói ông tin Trung Quốc sẽ phải nới rộng về chính trị nếu muốn giữ tính cạnh tranh về kinh tế:

“Quí vị chỉ có thể giữ được vị trí lãnh đạo về kinh tế căn cứ trên lao động rẻ trong một thời gian dài dù 10 năm, 20 năm hay 30 năm và rồi quí vị phải làm chuyện gì khác vượt lên cao hơn nữa và điều đó là canh tân. Và để có thể canh tân, quí vị phải có một mức độ tự do nào đó. Quí vị phải có thể dựa vào dòng chảy tự do của những dịch vụ tốt, tiếp cận được với tiền vốn, có tự do thảo luận tại trường đại học và một mạng Internet trên căn bản đưa mọi người đến với nhau và không có sự kiểm soát của bên ngoài.”

Đại sứ Huntsman ca ngợi giải Nobel Hòa được trao cho ông Lưu Hiểu Ba trong tháng này, gọi đó là “một cữ chỉ rất quan trọng đối với tự do và dân chủ”. Ông nói giải thưởng này đánh dấu sự mở đầu của “một sự đối thoại rất quan trọng”.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc hôm thứ Ba tránh né câu hỏi là có việc bàn tán về ông Lưu Hiểu Ba trong nội bộ chính phủ Trung Quốc hay không.

Ông Mã Triêu Húc nói quyết tâm của Trung Quốc đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa với những đặc tính của Trung Quốc. Quyết tâm này sẽ không lay chuyển và không thể bị thay đổi bởi người nào hay lực lượng nào.

Bắc Kinh đã ồn ào và nhiều lần chỉ trích quyết định của Ủy ban Nobel, nói là ủy ban không biết tôn trọng hệ thống pháp lý của Trung Quốc vì ông Lưu Hiểu Ba bị kết tội lật đổ chính quyền. Tuy nhiên chính phủ chưa bao giờ đưa ra những chi tiết về tội trạng của ông Lưu

@ VOA

————————————————————————————————————————————————————————–

Trung Quốc: cải cách hay là chết

Nguồn: John Garnaut, Sydney Mornign Herald

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Một tướng hai sao của Trung Quốc đã cảnh báo những ông chủ của Đảng Cộng sản bảo thủ và những đồng nghiệp đâm bị thóc chọc bị gạo trong Quân đội Giải phóng Trung Quốc của ông rằng Trung Quốc hoặc là phải chấp nhận dân chủ kiểu Mỹ hoặc kiểu sụp đổ của Liên Xô.

Khi các cán bộ ngang chức với ông dương oai với các hàng không mẫu hạm Mỹ trong vùng biển Hoàng Hà và Nam Trung Hoa, tướng Lưu Á Châu nói cuộc vươn dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào việc áp dụng hệ thống chính phủ của Mỹ chứ không phải là ở sự thách thức quyền thống trị của mình ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc.

“Nếu một cơ chế không cho phép công dân của mình hít thở tự do và giải phóng tối đa sức sáng tạo của họ, không đặt được đại diện giỏi nhất cho cơ chế và con người của nó vào vị trí lãnh đạo, cơ chế ấy chắc chắn sẽ bị mai một”, tướng Lưu Á Châu viết như thế trong tạp chí Phoenix của Hồng Kông, được phổ biến rộng rãi trên các quầy sách báo và mạng Internet ở Trung Quốc.

Sự thật từ bài viết của tướng Lưu cho thấy cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng ở Trung Quốc sống động hơn những suy nghĩ thông thường, trước cuộc thay đổi các nhà lãnh đạo trong Ủy ban quân sự trung ương và sau đó là Bộ Chính trị vào năm 2012.

“Bí mật thành công của Mỹ không phải là Wall Street cũng không phải là Silicon Valley, nhưng chính là từ các quy tắc pháp luật và cơ chế từng tồn tại lâu dài của họ ở phía sau”, ông nói. “Cơ chế của Mỹ được cho là một loại ‘thiết kế nên bởi thiên tài để những người ngu ngốc vận hành'”.

“Một cơ chế xấu sẽ khiến một người tốt trở nên hành xử tồi tệ trong khi một cơ chế tốt làm người cư xử xấu trở nên tốt đẹp. Dân chủ là điều cấp thiết nhất, không có dân chủ thì không thể có sự tăng trưởng bền vững”.

Tướng Lưu được thăng chức gần đây từ chức vụ Phó chính uỷ Không quân Quân đội Giải Phóng Nhân dân lên chức Ủy viên chính trị của Đại học quốc phòng. Cha ông là một sĩ quan quân đội cao cấp và nhạc phụ ông, Lý Tiên Niệm, là một trong “tám nhân vật bất tử của cộng sản Trung Quốc” – và từng là thủ tướng của Trung Quốc.

Trong khi nhiều “ông hoàng con” của Trung Quốc đã lợi dụng tên tuổi cách mạng của mình để tích lũy của cải và quyền lực, tướng Liu đã tận dụng phả hệ của mình để mang lại sự bảo vệ nhằm thúc đẩy những quan điểm trái ngược và cải cách của mình.

Dù xét dưới bất cứ tiêu chuẩn nào, những bài viết mới nhất của tướng Lưu đều là xuất sắc. Bài viết của ông thúc giục Trung Quốc di chuyển trọng tâm chiến lược của mình từ phát triển các vùng ven biển của đất nước, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan – “vành đai nhân dân tệ” – hướng tới vùng Trung Á giàu tài nguyên.

Nhưng ông lập luận rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được chiến lược bằng cách dựa vào sự giàu có một mình. “Một quốc gia chỉ có chánh niệm vào sức mạnh của kim tiền là một quốc gia lạc hậu và ngu ngốc” ông viết. “Những gì chúng ta có thể tin vào là sức mạnh của sự thật.

“Sự thật là kiến thức và tri thức là sức mạnh”.

Nhưng loại sức mạnh quốc gia như thế chỉ có thể đến bằng biến đổi chính trị. “Trong 10 năm tới, một chuyển đổi từ quyền lực chính quyền sang dân chủ chắc chắn sẽ diễn ra” ông nói.

Tướng Lưu đảo ngược bài học mà các chính trị gia Trung Quốc từng rút ra một cách truyền thống từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết – cho là nguyên nhân do quá nhiều cải cách chính trị – bằng việc cho rằng cải cách đã đến quá muộn.

Từ năm 2008 Đảng Cộng sản đã liên tục thắt chặt các ốc vít chính trị để dập tắt bất đồng chính kiến.

Nhiều người Trung Quốc đang lo ngại rằng những cải cách đã bị ngăn chặn bởi quân đội hùng mạnh, an ninh, các nhóm doanh nghiệp và các gia đình được hưởng lợi từ hiện trạng.

Tướng Lưu đã từng nổi tiếng là thẳng thắn cho đến khi ông ngừng xuất bản các bài luận của mình vào năm năm trước đây.

Không rõ làm thế nào mà bài viết mới nhất của ông lại xuất hiện và liệu ông có được sự ủng hộ bên trong cơ chế hay không.

Năm ngoái, tạp chí Open của Hồng Kông đã phổ biến một bản báo cáo rò rỉ từ một trong những bài phát biểu nội bộ của Tướng Lưu vốn nêu ra một chủ đề cấm kỵ về việc một số tướng lãnh đã từ chối kéo binh vào Thiên An Môn năm 1989 như thế nào.

@ X-Cafe

————————————————————————————————————————————————————————–

Tướng Lưu trở lại với chủ đề về Thiên An Môn trong bài viết trên tờ Phoenix của ông, nói rằng một cuộc “bạo loạn trên toàn quốc” đã gây ra bởi sự không tương thích của cấu trúc quyền lực truyền thống về cải cách.