Nhạc : Phú Quang , Thơ : Phan Vũ
——————————————————————————————————
Nhạc : Phú Quang , Thơ : Phan Vũ
——————————————————————————————————
Mưa rơi tầm tã suốt mấy ngày liền. bầu trời âm u với đám mây đen đầy sũng nước, hạ thấp là là như kề sát ngay mái nhà. Đàn quạ đỗ một dọc dài trên giây điện ủ rũ rỉa đôi cánh ướt đầm đìa và thỉnh thoảng cất lên tiếng kêu chói tai khi nhìn thấy mấy chú chim hải âu lạc đàn vỗ cánh bay ra phía biển. Gió ẩm ướt thổi về mang theo hơi thở giá lạnh của phương bắc khiến cho mọi vật run rẩy, quắt queo lại và dần dần phô ra cái bộ xương gầy guộc của nó. Những hàng cây phong đã chuyển sang màu bã trầu, còn hàng sồi già đã trở nên trơ trụi không biết tự lúc nào. Lá rụng đầy vườn, và buổi chiều, khi mưa ngừng rơi, mặt trời ốm yếu, nhợt nhạt hiện ra trên tầng mây xám. Những tia sáng yếu ớt, qua những khoảng trống hiếm hoi trải lên mặt đất một màu vàng u nhã đẹp tuyệt vời. Mùa thu đã hiện diện tại vancouver, thành phố được coi là đẹp nhất tại bắc mỹ. Trong công viên bồ câu, đứa con trai tôi đang gò lưng chạy roller skate trên những con đường nhỏ buồn tẻ phủ đầy lá vàng không một bóng người. Nó mặc chiếc áo mang biểu trưng đội canuck số 89, số của danh thủ pavel bure. Tay cầm cây gậy hockey, nó cứ chạy đi chạy lại, hết vòng nọ đến vòng kia, vung cây gậy đánh vào những trái banh tưởng tượng. Ngắm nhìn cảnh vật tĩnh lặng buồn đến phát ốm cả người, tôi nằm dài trên giường để cho hồn phiêu diêu về Việtnam với đầy những kỷ niệm của quá khứ. Bỗng dưng thấy buồn não nề. Cơn sầu xa xứ lại trỗi dậy vò xiết trái tim. Thằng bé con tôi hình như đã đánh xong một trận cầu tưởng tượng đầy hào hứng. Nó reo to những tiếng score vui vẻ rồi trượt roller skate về nhà. Cảnh sắc mùa thu u buồn này nếu nó đánh thức nỗi buồn vô cớ trong tôi, thì ngược lại nó làm cho bọn trẻ vui sướng vì giải hockey NHL đã bắt đầu sôi nổi và quyết liệt.Nó có thể dán mắt suốt ngày vào tv để theo dõi các trận đấu của canuck với đội Flames của thành phố Calgary hoặc với đội Ranger của New york và reo hò như những cổ động viên đang ngồi xem trực tiếp. Tôi tự nghĩ không biết có lúc nào nó rơi vào trạng thái như tôi hiện tại hay không? Liệu đến khi nó bằng tuổi tôi, cũng dịp thu về với đầy những lá vàng rơi như thế này, ngắm nhìn trẻ con chơi trong công viên, nó có bị nỗi buồn nào đó vò xiết trái tim? Chắc không! nhiều người nói rằng xúc cảm phải dựa trên ngôn ngữ. Tiếng việt của nó chẳng đủ cho những nỗi buồn Việtnam, chẳng có được cảm giác của nỗi nhớ nhà vô cùng ghê sợ khi nghe trong gió tiếng mưa rơi dìu dịu mưa rơi, chẳng cảm thấy sự cô đơn khi nhìn thấy hoa bay lả tả trong gió lẫn cùng mưa bụi….
Tôi thường hay để ý xem con tôi thể hiện tình cảm như thế nào. Có lần, thấy vẻ mặt nó buồn thiu, tôi hỏi nó, nhưng nó không trả lời và bỏ nhà ra cửa hàng Mcdonal ngồi ăn Frenh fries. Đôi lần, nói chuyện với ông bạn già người Hà nội, tôi nói những nhận xét của tôi về tâm tính trẻ con Việtnam tại hải ngoại, ông ta nhìn tôi như thể chắc tôi đang sắp sửa loạn thần kinh thực sự. ông kêu lên :
-” Trời ơi ! lo lắng vì sợ con mình không có những cái nỗi buồn của mình, chắc chỉ có ông là một trên thế giới này. Tốt nhất là ông cứ lo cho nó được học hết đại học đi đã, rồi hãy lo đến nỗi buồn của nó có cao quí như ông hay không, ông bạn già của tôi ạ!
Tôi phân bua với ông ta vài chi tiết của một lĩnh vực to lớn hơn-sự chăm sóc tới thế giới tinh thần của trẻ con.Tôi so sánh trẻ con Việt Nam và trẻ con thế giới, tôi nói nỗi bận tâm của tôi, tất cả chỉ là để muốn ông ta hiểu rằng còn gì vui thú hơn khi nhìn thấy đứa con đang nhắc lại cho mình những kỷ niệm đẹp êm dịu của tuổi ấu thơ. Bởi vậy mà giờ đây, khi con tôi đang cởi giầy cất vào gara, tôi cứ ngắm nó mãi không chán. tôi nhận ra chính tôi đang tiềm ẩn trong nó. Mẹ nó bảo rằng thằng bé giống tôi lắm, giống cả về hình dáng lẫn tính cách. Không hiểu bà ta có ý kẻ xấu gì tôi hay không, nhưng thế là tôi cũng có thể tự an ủi mình rằng tôi chưa phải là kẻ hoàn toàn bất hạnh như chị tôi có lần đã cay đắng nhận xét về tôi khi tôi còn ở việt nam. Ít ra tôi cũng không cô đơn tuyệt vọng như một nhà thơ Mỹ kia khi suốt đời đi tìm trong những cánh đồng cỏ nơi mình cư ngụ để chẳng thấy người nào trông tựa như mình.Thằng bé thấy tôi cứ đăm đăm nhìn nó, nó cũng nhìn lại tôi như đoán xem tôi đang nghĩ gì. Sau cùng,như chợt nhớ ra một chuyện quan trọng, nó thông báo cho tôi :
-” a, bố ơi! Sáng qua người ta gọi điện thoại cho bố báo tin bố trúng xổ số đấy !”
-” cái gì ? trúng xổ số gì ?” Tôi giật mình hỏi lại nó .
-” cái xổ số của hội Knights of Columbus ấy mà.” Con tôi nói một cách chính xác như vậy.
-” Bố mua bao giờ nhỉ ?” Tôi cố vắt óc nhớ.
-” Chán bố quá ! Đầu tháng trước, bố không nhớ con với bố đi chơi Metretown, bố mua xổ số ba đô la của hội ấy là gì !” A! đúng rồi, tôi nhớ ra đầu tháng trước tôi mua cho hội từ thiện tấm vé số, giải nhất là chiếc xe Toyota Camry đời 2006 và giải nhì là dàn computer IBM trị giá năm ngàn đô la. Tôi cảm thấy sự việc có thể trở nên hệ trọng.
-” Thế người ta gọi điện nói với con như thế nào ?”
-” Thì người ta nói tên bố là Hoàng Huy, đã trúng xổ số. Hôm nay tới office của Knights of Columbus để lĩnhthưởng.” Con tôi nói một cách quả quyết.
-” Bố nhớ đưa cho con giữ tấm vé số đó. Con để nó ở đâu rồi ?” Tôi sốt ruột hỏi nó.
-” Con đem đổi cho thằng peter lấy cái roller skate này.” Con tôi nói một cách thản nhiên.
-” Sao mày ngu thế. Nếu trúng số, bố mua cho mày mấy cái mới tinh, chứ không phải cái cũ rích như thế này.” Tôi quát lên với con tôi đầy tức giận. nó nhăn mặt mếu máo phân trần :
-” Thì con đã bảo bố mấy lần mua roller skate bố có chịu đi mua đâu, con phải đổi cho thằng Peter chứ !”
Bây giờ tôi không còn có thể ngồi yên được nữa. Chắc chắn tôi sẽ trúng giải lớn, vì chỉ có trúng giải lớn người ta mới thông báo riêng theo cuống vé có ghi số điện thoại người mua. Một luồng máu chạy rần dật trên thái dương tôi. Tim tôi đập thình thịch đầy hồi hộp. Chiếc xe toyota mơ ước của tôi ! Tôi phác ngay một kế hoạch hành động. Bây giờ thì chẳng còn nỗi buồn mùa thu nào ám ảnh tôi được nữa. Tôi mặc quần áo ấm, hét thằng con tôi đi theo mình lên xe. Tôi lái đến nhà thằng Peter.
Từ dằng xa, chúng tôi đã trông thấy thằng Peter đang gò cổ đạp xe đạp lên dốc nhà nó. Nó đang cố vớt vát lại trong ánh nắng mặt trời hiếm hoi của mùa thu một chút ấm áp say sưa của mùa hè rực rỡ đã tàn. Nhà Peter là một ngôi nhà cổ ba tầng cao chót vót, với chiếc cầu thang dài chạy thẳng từ dưới đất lên tới tầng ba. Trong những trường hợp hoả hoạn khẩn cấp, những người ở tầng ba sẽ thoát xuống đất bằng chiếc cầu thang này. Hai đứa trẻ con nói chuyện với nhau về tấm vé số và tôi thấy thằng Peter chỉ tay lên cầu thang ra hiệu phải leo lên tít chuồng chim câu cao nhất. Tôi nghe được loáng thoáng nó nói cất vái vé số ở trên đó.Thế là cả ba chúng tôi hăng hái trèo lên cầu thang. Lúc đầu, nhìn bộ mặt nghiêm trọng của tôi, hai đứa trẻ con có vẻ sợ hãi nhưng khi thấy tôi lập cập bò lên cầu thang, chúng nó có vẻ hứng thú ra mặt, như thể có thêm một người bạn đầy mạo hiểm. Phải mất khá lâu, chúng tôi mới tìm ra được tấm vé số. Thằng Peter cất nó quá cẩn thận trong chiếc hộp đựng cạc các ngôi sao hockey của nó.
Tôi khấp khởi mừng thầm số mình may mắn, vì hai đứa trẻ đã không vất tấm vé số đi. Cả ba chúng tôi không chậm trễ lên xe phóng xuống Metrotown, sau khi tôi phải hứa sẽ đãi hai đứa trẻ một bữa French fries. Chúng tôi tới văn phòng hội Knights of Columbus. một ông già đeo kính có mớ tóc bạc trắng tiếp chúng tôi. Tôi run run đưa cho ông ta lá số trúng thưởng. Ông đặt tấm vé vào computer và ra hiệu cho tôi đợi. Lát sau ông vào kho và trở ra mang theo một gói đồ nhỏ và dài. Tôi nhìn thấy tên tôi in trên nhãn giấy. Tôi còn đang lưỡng lự, định muốn hỏi lại cho chắc ăn, thì hai đứa trẻ đã giằng lấy, xé toạc giấy báo bao ngoài. Hoá ra là một cái ô. Giải thưởng xổ số của tôi là một chiếc ô, tôi ước lượng trị giá khoảng $15 ! Tôi không biết diễn tả sự thất vọng của tôi lúc đó ra sao nữa, chỉ thiếu chút nữa là tôi quẳng nó qua cửa sổ. Nhưng hai đứa trẻ, trái lại, tỏ ra rất khoái trí. Chúng nó tranh nhau mở và giương cái ô ra, rún rún như thể đang dùng cái ô để bay xuống đất từ tầng thứ hai mươi theo đúng cuốn phim mới chiếu trên tv. Và gần như đồng thanh, chúng nhắc lại lời hứa của tôi về vụ ăn French fries.
Chúng tôi ngồi rất lâu trong cửa hàng Macdonal. Tôi nhâm nhi ly cà phê, còn hai đứa trẻ ăn French fries và Hum -berger. Chúng nói chuyện với nhau vui vẻ. Riêng tôi, tôi ngồi im lặng, ngắm nhìn dòng sông Fraser qua ô cửa sổ. Ngoài bờ sông vắng lặng không một bóng người. Sương mù phủ kín mặt sông và từ trong làn sương mờ đục đó vọng ra tiếng còi tàu u ủ buồn thảm. Ngoài trời chắc lạnh lắm ! Tôi nhìn thấy một người đàn bà đứng ở trạm săng ngay cạnh Macdonal, đầu rụt vào trong tấm áo choàng dựng cao cổ. Gió thổi tung tà áo của bà. bà ta kéo cổ áo cao thêm nữa, chùm cả hai tai. Lá vàng rơi nhiều, rơi trên đầu, trên vai người đàn bà. Bà ta chui vào trong xe. Chiếc xe nổ máy, xì ra một làn khói dày và lao đi mất hút trong màn sương đang ngày càng dày phủ xuống đường phố. Tôi cảm thấy buồn. Lòng tôi trống rỗng và cô đơn. Con trai tôi đây, đứng ngay bên cạnh tôi, đang trò chuyện vui vẻ cùng bạn nó, vậy mà sao tôi cảm thấy xa xôi quá. Tôi biết rằng cái tuổi trẻ thơ ngây, đầy nhuỵ sống yêu đời của tôi đã vĩnh viễn qua đi không bao giờ trở lại nữa. Và trong tôi chỉ còn đọng lại một cái chất đã gây cho tôi u uẩn mỗi ngày : nỗi buồn của kẻ xa xứ !
Vancouver, tháng 12-1996.
——————————————————————————————————
Giáo sư Stephen Jenkins, giám đốc của viện Nghiên cứu kinh tế xã hội cho biết ly dị giúp đàn ông tăng 1/3 thu nhập, phụ nữ thì ngược lại.Thu nhập của các nàng bị giảm 1/5 và còn có thể giảm trong nhiều năm.
Nghiên cứu của Jenkins đã chứng minh thu nhập của những ông chồng sau khi ly hôn tăng nhanh chóng và liên tục trong những năm tiếp theo. Nhất là khi họ ly dị mà chưa có con, thu nhập của anh ta lập tức tăng lên 25%. Tuy nhiên, tình hình tài chính kinh tế của các bà vợ lại bị suy giảm.
Jenkins đã kết hợp dữ liệu thu thập được từ 14 cuộc điều tra về các hộ gia đình ở Anh từ năm 1991-2004 với 5 cuộc khảo sát ở châu Âu. Theo tính toán, ông nhận thấy tài chính của các quý ông tăng lên sau khi ly hôn, thậm chí còn giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Trong khi tỷ lệ phụ nữ rơi vào tình trạng khốn cùng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ là 27%, gấp 3 lần so với các quý ông. Ông nói thêm: “Tiền cấp dưỡng của người chồng cũ cũng có ảnh hưởng tới kinh tế nhưng chỉ 31% phụ nữ nhận được số tiền này từ chồng cũ. Có hai yếu tố tác động vào tài chính của phái yếu giúp họ giảm bớt khó khăn sau ly hôn. Thứ nhất, phần trăm thu nhập của họ sẽ ít thay đổi nếu họ vẫn làm việc trước và sau đó. Thứ hai, tình hình tài chính cũng được cải thiện nếu họ bắt đầu đi làm sau khi chia tay chồng. Ngoài ra, việc tái hôn cũng có chút ảnh hưởng tới vấn đề kinh tế”.
Jenkins cũng chỉ ra tình trạng này có thể đảo ngược nếu các chàng tái hôn và vừa phải lo chu cấp cho gia đình mới, vừa phải cấp dưỡng cho gia đình cũ. Chính vì vậy, ông đưa ra kết luận: “Để hạn chế sự thay đổi không cần thiết, giúp phụ nữ vượt qua khó khăn thì phải cân bằng vai trò và trách nhiệm của cả hai giới với gia đình. Đồng thời, phải nâng cao vai trò của người phụ nữ để họ có “chỗ đứng” trong xã hội, có công việc và thu nhập ổn định”.
—————————————————————————————————
Nhiều nữ sinh Trung Quốc chọn làm bồ nhí cho các đại gia, không phải vì họ túng thiếu.
Nữ sinh các trường kịch nghệ thường có giá nhất bởi các nữ diễn viên thường xinh đẹp mà xét cho cùng, xinh đẹp mới là quan trọng. Chi phí trung bình để có được một cô bồ ngon mắt và những phút giây vui vẻ với nàng là khoảng 25.000 USD mỗi năm, chưa kể các món tiền thưởng đột xuất hay quà tặng.
Các quý ông ví mỏng hơn có thể tìm bạn gái tại các trường du lịch hoặc kinh doanh bởi chi phí trung bình chỉ khoảng 5.000 USD mỗi năm.
Đó là mức giá mà một thanh niên tự xưng là “sinh viên Ding” thuộc Đại học Thượng Hải đưa ra. Ding kiếm tiền bằng làm nghề dẫn mối tìm bồ cho các quý ông.
Ding tự gọi anh ta là “người đại diện” hay “môi giới” nhưng thật chất, công việc của anh ta không khác nào một ma cô. Ding phát tờ rơi cho chủ hay tài xế riêng của những chiếc xe xịn. Anh ta thu về những món tiền lớn nhờ sắp xếp các cuộc hẹn hò cho những người đàn ông giàu có và các nữ sinh xinh đẹp.
Ding không che giấu công việc anh ta làm, thậm chí còn có đôi chút tự hào. Ding khẳng định anh ta làm dịch vụ giúp những người đàn ông không muốn thuê các cô gái đứng đường tìm đến những cô bạn gái thực dụng của anh.
“Hầu hết các cô gái này không túng bấn gì nhưng họ nhìn thấy bạn bè khoác túi Louis Vuitton hay Gucci và ghen tị. Các cô ấy muốn có đời sống cao hơn”, anh cho biết.
Ding là một trong những người đang khiến làn sóng bán dâm trong giới sinh viên lan rộng. Trong học kỳ này, ít nhất hai trường đại học Trung Quốc cấm sinh viên làm bồ nhí hoặc gái bao.
Tuy nhiên, động cơ của các cô gái rất mạnh mẽ, một phần là do hiện nay cấu trúc gia đình Trung Quốc lỏng lẻo dần; khoảng cách giàu nghèo khiến cho những thứ sáng loáng đung đưa trong sự thèm muốn của những người không đủ tiền mua chúng.
Tại đất nước đông dân nhất thế giới này, dường như ai ai cũng đang bán thứ gì đó. Những tấm biển quảng cáo chăng đầy hai bên đường.
“Ngày càng nhiều sinh viên chọn cách đi tắt để có cuộc sống dư dả hơn”, Lan Lan, một cựu gái bán hoa và giờ hoạt động xã hội vì quyền lợi của gái mại dâm ở Trung Quốc, bình luận. “Họ tìm được người tình giàu có qua Internet hoặc bước thẳng vào hộp đêm nào đó và tự bán mình. Kết quả cuối cùng như nhau cả thôi”.
Chỉ vài thập kỷ trước, quan hệ tình dục trước hôn nhân còn là điều cấm kỵ tại Trung Quốc. Giờ đây, nhiều người không chỉ làm chuyện đó trước khi kết hôn mà còn đem ra bán.
Lan Lan nói rằng thị trường mại dâm của Trung Quốc “hết sức phức tạp” với đủ loại hình ở các cấp độ khác nhau, từ các cô gái đứng đường chuyên phục vụ những lao động ngoại tỉnh đến lớp sinh viên dành cho người lắm tiền.
“Nếu cố để trở thành bồ nhí, các cô gái sẽ không mang theo bao cao su khi đi gặp anh ta. Họ muốn chứng tỏ sự trong trắng và trung thành”, cô nói.
Các cô gái này thường cẩn trọng để không mắc kẹt trong nghề bán hoa. Họ bán thân và coi đó là chiến lược để trông sành điệu hơn, kiếm được việc làm tốt và có những cơ hội ngon lành về sau.
“Họ sẽ nhanh chóng chuyển nghề. Họ làm việc đó đâu phải vì quá nghèo. Lớp trẻ giờ đây thích dùng hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền, sử dụng máy tính và điện thoại di động đời mới nhất”, Lan Lan nói.
Tuy vậy, ít người thú nhận họ làm việc đó chỉ vì tiền. Và có lẽ sex và tình yêu cũng không dễ dàng phân tách như vậy. Xiao Yi, một cô gái 27 tuổi từ tỉnh Quảng Đông, khăng khăng rằng cô và các cô bồ nhí khác bị hiểu lầm.
Xiao gặp người tình hiện tại khi làm thực tập sinh tại một công ty quảng cáo. Chàng chính là sếp của cô và hơn cô nhiều tuổi, vợ con đề huề và tiền nong rủng rỉnh. Kể từ đó, cô nhận tiền chu cấp của người tình. Chàng thậm chí mang lại cơ hội làm ăn béo bở cho nhiều người thân của Xiao. Gia đình cô không nhận ra rằng cô ngủ với người đàn ông đó mà tưởng ông ta là bạn của Xiao.
Tuy nhiên, Xiao nói rằng cô bị thu hút bởi những thứ sâu hơn tiền. Cô nói cô yêu người đàn ông này và đôi khi còn dẫn ông ta đi ăn. Xiao cho biết cô không còn nghĩ đến chuyện lấy chồng bởi đã mất lòng tin. Tưởng tượng cảnh làm vợ và ngồi ở nhà trong khi chồng cặp kè với một cô gái trẻ ở bên ngoài khiến Xiao không chịu nổi.
Các cô gái coi sex như hàng hóa và trong xã hội thay đổi như Trung Quốc, nhiều thứ được hợp lý hóa nhanh chóng. “Trước đây khi người ta nghe nói ai đó là gái bán dâm, họ sẽ chỉ trích cô ấy kịch liệt, vì thế các cô gái khác có muốn theo con đường ấy cũng sợ và phải thay đổi ý định. Giờ đây, thái độ của mọi người khác hoàn toàn. Người ta chỉ chê cười người nghèo mà không ai cười gái điếm”, Xiao nói.
Yi Haiyan, người từng làm nghề bán thân và giờ mở blog về cuộc mưu sinh của các cô gái bán hoa, đồng tình với quan điểm đó.
“Tầm quan trọng của trinh tiết và tình dục thuần khiết không còn mạnh như trước nữa. Người ta nhận ra rằng tình dục cũng không ảnh hưởng đến tương lai của họ hơn những thứ khác. Cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng hơn là sự trong trắng nên nó không quan trọng đến thế”, Yi nói.
Chàng sinh viên Ding thì kết luận ngắn gọn hơn. “Nhiều cô muốn trở thành người đào mỏ nhưng không biết cách tìm ra mỏ vàng”, Ding nói.
Anh cho biết nhiều người đàn ông thấy bản thân kém cỏi và tốn thời gian khi phải tìm gái trong các quán karaoke hay khách sạn. Họ muốn có các cô gái tươi trẻ và giảm cơ hội dính bệnh. Tuy nhiên, công việc hàng ngày khiến các chàng giàu có không thể lượn vào các khu học xá để tiếp xúc với những cô gái này.
“Họ không có thời gian và không biết cách tìm kiếm. Họ không thể lái những chiếc xe choáng lộn quanh khu học xá và hỏi các nữ sinh có muốn làm bồ của họ không. Tôi cảm thấy bản thân tôi rất quan trọng. Tôi là cầu nối cho hai nhóm người này”, Dinh nói.
@DatViet
————————————————————————————————–
Sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu Nhật Bản tại biển Hoa Đông, cho dù Tokyo đã liên tục tỏ dấu hiệu hòa hoãn, Bắc Kinh vẫn có hành động cứng rắn, thậm chí khiêu khích nước láng giềng. Theo giới phân tích, thái độ hung hăng này gây quan ngại nơi các nước Châu Á, thúc đẩy họ tìm kiếm đối trọng ngoài khu vực để cân bằng thế lực của Trung Quốc.
Hành động quyết đoán mới nhất của chính quyền Bắc Kinh là ào ạt cử tàu tuần tra qua vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Tokyo trên chủ quyền ở khu vực vùng biển phân chia hai nước, trong đó có vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, đang do Nhật quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Theo Tân Hoa Xã vào hôm nay, thì Trung Quốc vừa cử thêm một một tàu tuần tra đến vùng biển tranh chấp để tăng cường lực lượng của họ trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho biết là sẽ triển khai thêm 36 chiếc tàu nữa đến hiện trường. Mục tiêu, theo tuyên bố của một viên chức cao cấp thuộc Cục Hàng hải Quốc gia Trung Quốc, là để « củng cố năng lực của đội tàu tuần tra trên biển » của nước này.
Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc hiện có khoảng 260 tàu tuần tra trên biển, trong đó có 200 chiếc tàu nhỏ của lực lượng tuần duyên. Về phía Nhật Bản, nước này có 421 tàu tuần tra và 13 tàu khảo sát. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên ngành tuần duyên Nhật Bản, không phải tất cả mọi chiếc tàu đều tập trung vào những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.
Thông báo về quyết định ào ạt cử tàu tuần tra qua biển Hoa Đông là một động tác cứng rắn mới của Trung Quốc nhằm răn đe Nhật Bản, nối tiếp theo vụ cho hai chiếc tàu ngư chính của họ tiến đến gần vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư tối 24/10.
Trong lãnh vực ngoại giao cũng thế, bất chấp việc Tokyo liên tiếp kêu gọi tổ chức một cuộc gặp song phương giữa thủ tướng hai nước bên lề các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội vào tuần này, Bắc Kinh vẫn giữ thái độ không dứt khoát. Cho đến hôm qua, 26/10, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không cho biết là liệu có cuộc họp đó hay không. Không những thế, ông Mã Triêu Húc còn tiếp tục gây sức ép trên Nhật Bản, khi tuyên bố là Bắc Kinh hy vọng Tokyo « có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện và bầu không khí thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ giữa hai bên ».
Ngoài những áp lực kể trên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc còn sử dụng vũ khí kinh tế nhằm gây sức ép trên Nhật Bản, khi giới hạn đáng kể việc bán đất hiếm cho Nhật. Trung Quốc hiện gần như là độc quyền sản xuất loại nguyên vật liệu sống còn trong công nghiệp điện tử và ô tô, hai ngành kinh tế mũi nhọn của Nhật Bản.
Nhật Bản càng qụy lụy, Trung Quốc càng cao ngạo
Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận việc ngừng vận chuyển đất hiếm cho Nhật vì lý do chính trị, nhưng cho biết là chính sách chung của họ là giới hạn toàn bộ việc sản xuất và xuất khẩu đất hiếm để nguồn dự trữ của họ không bị suy kiệt, cũng như tránh cho môi trường không bị tổn hại.
Xin nhắc lại là quan hệ Trung – Nhật đã xấu đi đáng kể từ đầu tháng trước sau vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản gần vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đã phản ứng dữ dội và tiếp tục duy trì thái độ căng thẳng bất chấp những động thái hòa dịu liên tiếp của Nhật Bản từng bị dư luận đánh giá là quá quỵ lụy Trung Quốc.
Theo ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại Học Temple ở Tokyo thì trong cuộc đọ sức này, chính Trung Quốc là kẻ bại do thái độ cao ngạo của họ. Ông giải thích : « Nhật Bản đã quỳ mọp trước Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại là phía thực sự thất bại. Các tuyên bố và hành động của Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận hòa hoãn hơn của Nhật Bản, đã thêm củi lửa cho phái ‘’diều hâu’’ chống Trung Quốc. Những người Nhật, người Mỹ hay người những nước khác, từng khẳng định rằng đà vươn lên của Trung Quốc là một điều tốt, hiện đã bị mất thể diện ».
Còn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề an ninh tại Châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì cho rằng các nước Châu Á sẽ e dè Trung Quốc hơn và sẽ thiên về phía Mỹ và Nhật Bản nhiều hơn. Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, giáo sư Thayer ghi nhận là « đa số các nước trong vùng đều ngạc nhiên, thậm chí bị sốc trước đường lối cứng rắn của Trung Quốc ».
Thế nhưng, vì Bắc Kinh là nguồn viện trợ và đầu tư quan trọng cho các nước đang vươn lên trong vùng, do đó ít ai dám trực diện thách thức Trung Quốc. Đối với giáo sư Thayer, « trong thực tế, nhiều quốc gia không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Họ hy vọng là chính Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ làm điều này ».
Tóm lại, thái độ lấn lướt của Trung Quốc, tại cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, đang khiến cho Trung Quốc thất bại trong chiến lược nâng cao uy tín của mình trong khu vực và đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản.
@ RFI
—————————————————————————————————
Nguồn: Robert S. McElvaine, The Huffington Post
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Hiểu được những gì xảy ra tại Việt Nam hơn 40 năm trước là một vấn đề rất đáng quan tâm khi người Mỹ cân nhắc tương lai việc can thiệp của mình tại Afghanistan. Tháng Mười một năm trước, tờ Newsweek đã đăng trên trang chủ bài viết mang tên “Chúng ta (đã có thể) thắng ra sao tại Việt Nam.”
Đối với tôi thì rõ ràng là từ ba chuyến viếng thăm Việt Nam trong hai năm qua — bao gồm cả một chuyến đi cùng một nhóm người lớn mà tôi làm trưởng đoàn cùng với một chuyến đi với các sinh viên Đại học Millsaps vào tháng Năm — cho thấy rằng bài học thật sự bắt đầu bằng việc loại bỏ cụm từ “(đã có thể)” từ đầu đề bài báo ấy.
Hoa Kỳ đã thắng tại Việt Nam. Chiến thắng của người Mỹ, đã bị chậm trễ hơn bốn mươi năm vì diễn tiến của cuộc chiến tranh, cuối cùng đã đạt được bất chấp những nỗ lực của Lyndon Johnson và Richard Nixon tìm cách ngăn cản nó.
Hoa Kỳ đã thua trong cuộc chiến tranh, nhưng chắc chắn đã thắng về hoà bình. Cuộc đấu tranh, từ câu nói nổi tiếng của Tổng thống Johnson, là vì “trái tim và khối óc” của người dân Việt Nam. Trái tim và khối óc không thể chiến thắng được bằng vũ lực; chúng được thắng qua lực lượng của tư tưởng và văn hoá.
Một khi Việt Nam tiếp tục chiến đấu, họ sẽ không thể thua cuộc trong cuộc chiến quân sự.
Một khi Hoa Kỳ ngừng chiến đấu, họ không thể thua cuộc vì hoà bình.
Và nếu Hoa Kỳ đã không tham gia cuộc chiến ngay từ đầu, họ đã chiến thắng cuộc chiến văn hoá ấy sớm hơn nhiều.
Một bảng hiệu tại “Thành phố Hồ Chí Minh” (Sài Gòn)
Những người Cộng sản đã thắng trận đầu bằng một thứ chiến tranh du kích. Hoa Kỳ đã chiến thắng cuộc đấu tranh rộng lớn hơn để chiếm lấy trái tim và khối óc của người dân qua một thứ chiến tranh du kích về văn hoá.
Tờ thị thực nhập cảnh của chúng tôi đề “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Trên thực tế thì hiện nay đất nước này là “Phi-Cộng hoà Tư bản Chủ nghĩa Việt Nam.” Một hệ thống chính trị độc đảng vẫn còn nắm quyền, và có những cố gắng nửa vời, gián đoạn nhằm ngăn cản người dân truy cập thông tin. Đôi khi bạn có thể truy cập được Facebook; đôi khi lại không. Đôi khi truyền hình tiếp dẫn các đài CNN và BBC, đôi khi không.
Một trong những kênh truyền hình trong khách sạn chúng tôi ở tại Hội An trong chuyến đi vào tháng Năm đã chiếu đi chiếu lại cả ngày những chương trình biểu diễn thời trang của hãng đồ lót Victoria Secret. Tôi đoán rằng những chương trình này đã thay thế các kênh CNN và BBC và nhà cầm quyền cho rằng việc chiếu những cô gái đẹp biểu diễn đồ lót nhằm thay thế tin tức chính xác sẽ giúp giảm bớt những than phiền về việc ngăn cản thông tin.
Chúng tôi hỏi một phụ nữ về những dạng cấm đoán và đàn áp dưới chế độ Cộng sản trong thập niên sau khi miền Nam sụp đổ năm 1975, và đã nhận được một câu trả lời tóm tắt tình hình Việt Nam hiện tại: “But now — it’s OK!”
Nếu lấy bất cứ tiền đề nào để thay thế cho “it”, thì nhận định trên đều hợp nghĩa. Đây có thể là khẩu hiệu mới của Việt Nam: “But now — it’s OK!”
Còn về phần “xã hội chủ nghĩa” trong danh hiệu chính thức của đất nước thì nó cũng chẳng còn chính xác, chẳng khác nào một số người đang mắng Tổng thống Obama là một “kẻ theo chủ nghĩa xã hội.” Chủ nghĩ tư bản đang thống lĩnh trên đỉnh cao bất cứ mọi nơi.
Ngược lại, quốc gia cựu Cộng sản này đã áp dụng chế độ kinh tế tự do quá trớn. Để tôn trọng di sản Mác-xít của mình, người Việt không thích mô tả thực tế hiện tại của mình với cụm từ “chủ nghĩa tư bản” đầy thô bỉ, thay vì thế họ sử dụng cụm từ “nền kinh tế thị trường.”
Việt Nam hôm nay còn ít tính chất xã hội chủ nghĩa hơn cả tiểu bang Mississippi quê tôi. Tôi nói thật. Nước Mỹ đang rất cần hệ thống y tế toàn khắp, nhưng chúng ta cũng còn chế độ trợ cấp y tế Medicaid cho người nghèo. Một số trường học công cộng vẫn còn nhiều điều chưa thoả mãn, nhưng ta vẫn được miễn phí giáo dục đến hết cấp trung học. Chúng ta lại có hệ thống An sinh Xã hội. Ở Việt Nam thì không, ở đây người nghèo vẫn phải trả chi phí y tế lẫn chi phí giáo dục cho con em họ từ cấp tiểu học trở lên và chỉ có công chức nhà nước mới được những khoản lương hưu ít ỏi.
Tôi trông đợi cảnh Hồ Chí Minh sẽ phải ngồi dậy trong cái hòm kính của mình khi chúng tôi thăm viếng ông ở Hà Nội, nhưng trông ông có vẻ thanh thản trước hiện trạng cuộc cách mạng của ông đang sụp đổ qua một đổi thay có thể đặt tên là Cuộc Cách mạng Văn hoá Tư sản Vĩ đại.
Tự do là một cơn bệnh truyền nhiễm có thể tự lây lan; nó là một loại vi khuẩn tự sao chép; nhưng nó không thể được trang bị vũ khí và truyền tải bằng chiến tranh.
Hiện tình tại Afghanistan thì phức tạp và khó khăn hơn nhiều, và những bài học của Việt Nam có thể không áp dụng được. Nhưng ít nhất chúng ta cũng nên thấy rõ những bài học này là gì.
Vì thế, hãy bỏ đi cụm từ “(đã có thể)”. “Chúng ta đã thắng Việt Nam” bằng cách chấm dứt cuộc chiến.
@X-Cafe
—————————————————————————————————