Anh ba Cốc, từ ngày lấy được vợ, thì đâm lo. Lo ngày, lo đêm. Sao cho chóng trả được món nợ cưới. Không thì rầy rà to chứ chẳng chơi! Đụng vào những chỗ hóc búa, lắm lúc rát cả mặt! Vợ anh là con bác khán thủ làng trên. Anh là phu tuần. Hai người lấy nhau, cả hai làng, ai cũng khen là vợ chồng kén chọn được chỗ xứng đáng. Nhưng thực ra, vợ anh lấy anh cũng vì đôi bên là chỗ “thanh khí”, nghĩa đen là bén “tiếng” quen “hơi”nhau trước mãi. Rồi bất đắc dĩ, bác khán sợ anh như những hạng Sở Khanh, mới ép anh phải lấy. Số trời có khác!
Trước kia, anh nghĩ đã sinh ra làm con trai, tất nhiên là phải cưới vợ cho hợp lẽ tạo hóa. Nhưng cưới được vợ thì tốn kém quá. Tiền nọ, tiền kia, tiền ăn uống, ít ra mất hàng chục. Nghĩ đến cái hàng chục, anh lại lắc đầu, lè lưỡi, muốn chịu thua, đành vô phép tạo hóa làm trai tơ suốt đời vậy. Vậy mà giá nói cho anh biết ở Hà Nội bây giờ, người ta cưới vợ phải dẫn những kim cương, những vàng ngọc, dùng những áo thêu, giày vá, đi những ô tô, máy bay, tốn kém đến hàng nghìn, thì quyết anh không tin, cho là chuyện hoang đường ở nước nào, đời nào kia đấy! Lấy vợ mà phải lo đến hàng trăm, không đủ méo mặt ra rồi à? Vả vợ cũng là người, nào phải cái quái mà làm hại nhiều như thế? Thế nhưng, trời sinh ra thế, anh ba Cốc nghĩ đến cưới thì sợ, nhưng nghĩ đến vợ thì thích. Bởi vậy, anh mới lân la trò chuyện với chị Ba bây giờ. Trước chuyện to ở đám đông, sau chuyện nhỏ ở chỗ vắng. Rồi sau nói thầm ở một nơi kín. Vì anh chị nói thầm khẽ quá, nên bác khán nghe tiếng, bắt anh phải lo cưới cho được chị về. Bởi vậy, anh Cốc quyết bắt chẹt bố vợ, cố mặc cả. Sau, anh lấy được vợ hạ giá hơn người ta, chỉ có mười lăm đồng bạc.
Mười lăm đồng bạc một cô vợ xinh! Mười lăm đồng bạc một cô vợ yêu! Thích nhỉ! Nếu vào địa vị chúng mình thì phải biết là đáng mừng! Nhưng vào anh ba Cốc, một người cày sâu cuốc bẫm quanh năm, làm ăn vất vả, vắt mũi không đủ đút miệng, thì đến mười lăm hào cũng đủ lo méo mặt, chứ nói gì đến mười lăm đồng bạc! Nhưng mười lăm đồng bạc tiêu vào một việc bổn phận làm người, thôi, anh cũng cố vay mượn của các bà con thân thuộc, nói khó với người ta, nên được gần đủ. Ngày hẹn cưới sắp đến. Bác khán thúc mãi anh, anh mới lo được chẵn chục bạc. Anh cứ đánh liều đưa sang bên nhà gái cho xong chuyện. Còn năm đồng, anh xin chịu lại ông nhạc, hẹn đến mùa tới thì trả nốt. Ý anh định rồi sau này, khi đã là bố con, anh có thể lấy cảm tình mà xí xoá món nợ. Nhưng không được. Bố vợ anh láu hơn, bắt anh phải viết văn tự cẩn thận. Phải, thời buổi kinh tế khó khăn, như thế là bác khán đã nhân nhượng lắm rồi. Chứ như người khác, đố anh có đón dâu nổi ngày hôm ấy. Anh thử lên Hà Nội, thửa một thức hàng mà xem. Nếu anh đặt được ít tiền trước, rồi không có đủ để trả nốt, thì anh chớ hòng mang đồ về. Mà vợ cũng là đồ chứ sao? Lấy vợ mà được “biên bông” như anh, là may đấy. Nhưng rồi anh ba Cốc lo lắm. Cưới được lâu ngày bao nhiêu, thì hẹn trả chóng đến bấy nhiêu. Vụ gặt xong, mà anh ỳ xác ra, thì quyết anh chẳng yên được. Anh đã tính chán rồi. Đến ngày mùa, hai vợ chồng làm nai lưng cật lực, chưa chắc đã đủ tiền để trang trải các món nợ ông chủ, huống chi là năm đồng bạc nợ ông nhạc! Anh định nếu rồi không cười trừ được, thì anh cũng đành xin khất lại. Chẳng lẽ ông ấy lại chẻ xác anh ra à? Nếu anh bị chẻ xác, thì con gái ông ấy goá chồng, còn thiệt bằng mười! Nhưng ở đời, tính một đường nó thường đi một nẻo. Vợ anh khuyên anh nên trả cái món năm đồng ấy trước, anh lại chẳng nghe. Khi hẹn đến ngày, bác khán cứ gọi anh đến mà đòi nằng nặc. Trước còn ngọt ngào dỗ dành sau bác biết anh chỉ còn bộ răng nhe ra đấy thôi, bác liền đâm ra nói nặng. Không chịu nổi những điều đau đớn, anh đành lẩn mặt. Bố vợ cho gọi, anh cứ thoái thác cớ nọ cớ kia, không đến nữa.
Mấy lần bác khán gọi anh ba Cốc không được, thì tức. Bác mới gọi chị Ba đến. Bác chửi, đánh cho một trận thật đau, bắt phải về đòi chồng cho kỳ được món tiền năm đồng ấy. Chị Ba sợ bố, về đòi chồng nằng nặc. Nhưng vợ đòi nợ chồng thì một cái hôn là đủ xí xoá. Vợ anh bảo:
– Nếu mình không giả được, thì ông bắt tôi về.
Nghe câu nói dọa vô lý, anh chẳng sợ một tí nào. Dù bố vợ anh có bắt vợ anh về thực, thì chẳng qua như cái lối chủ nợ bắt đồ, cốt để làm oai, khiến anh phải lo cho kịp. Như thế là dại. Đồ vật thì không biết đi, không biết trốn, chứ đồ người nào phải vật vô tri vô tình. Giữ sao nổi? Chẳng lẽ bác khán xỏ chạc vào mũi con gái mà buộc suốt ngày vào chân giường, để nuôi cơm báo cô mãi? Chỉ cho ba hôm, bác xót ruột lại phải thả con ra ngay. Lúc ấy anh cứ chịu khó nghe chửi một trận nữa là trôi việc.Nhưng anh đoán không đúng. Bố vợ anh chưa tịch ký vợ anh, đã áp đảo đến nhà anh mà chửi rủa. Ngày nào tấn kịch ấy cũng diễn ra độ nửa giờ. Mà bao giờ anh cũng đóng một vai tuồng câm. Song, già néo đứt dây. Anh cứ thấy ông bà ông vải ngày nào cũng bị mời lên ăn vật chẳng ngon, thì anh động tâm. Cho nên, đến lúc bác khán bảo nếu anh không trả thì bác bắt con gái về, anh đâm khùng, liền đáp lại:
– Thì nó đấy, ông muốn đem nó đi đâu thì đem!
Chị ba Cốc thấy bố đẻ và chồng xử với nhau cạn tàu ráo máng, thì chỉ thút thít. Chứ bênh bên nào cũng tội. Hôm sau, đi đâu về, chị ấy nói với anh một chuyện, nghe buồn quá:
– Anh ơi, tôi lấy anh chốc đà một năm tròn. Tôi không ngờ đâu chỉ vì có năm đồng anh thiếu mà sinh chuyện. Ông nhất định bắt tôi về. Anh nghĩ thế nào?
Anh Ba cau mặt, thở dài:
– Ông dọa thế, chứ ông chả nỡ. – Không phải chuyện dọa. Nội nhật ngày mai, nếu anh không giả được, thì ông không đắn đo nữa đâu. – Thì nhà cứ tạm về, tôi sẽ thu xếp sau. – Thu xếp sau thì chậm quá. Nghe như ông đã định liệu công việc cả rồi. – Ông đi kiện tôi à? Lý vậy, nhưng còn tình nữa chứ?
Anh ba Cốc tin ở chữ tình, nên bằng chân như vại. Phải, bác khán nghĩ đến tình bố vợ con rể, nên không nỡ kiện thưa. Nhưng bác bắt con gái về, không cho ở với anh ba Cốc nữa.
Anh ba Cốc chờ vợ năm hôm, lại mười hôm. Rồi nửa tháng, đến một tháng. Anh nóng ruột, nhớ vợ, long tong chạy ngược chạy xuôi để vay tiền chuộc. Nhưng không ai tin mà cho anh mượn nữa. Anh bèn liều đến nhà ông nhạc, lạy van, khóc lóc. Nhưng bác khán một mực lắc đầu, sai con trai đuổi anh ra khỏi cửa. Rồi từ hôm sau, cấm không cho anh vào nhà. Anh định đâm ì. ì mãi, thì tất cũng có một ngày ông nhạc giữ vợ anh chán, rồi cũng hồi tâm mà nghĩ lại, cho vợ chồng anh ăn ở với nhau. Nhưng trong khi đương thi hành cái chương trình ì, thì anh nghe tin rằng người bạn trăm năm của anh, vì bố ép, nên chỉ trăm năm với anh có một năm, còn chín mươi chín năm nữa, thì trăm năm với cụ lý Bá dưới cuối tổng, làm vợ lẽ thứ bảy, để gán món nợ hai chục bạc mà bác khán đã vay cụ năm trước!
Nguyễn Công Hoan (Phụ Nữ Bán Nguyệt San số 5 – ngày 1-4-1937)
Một khảo sát ở Anh cho thấy cứ 6 phụ nữ thì một có tài khoản bí mật không cho chồng biết. Số tiền đó thậm chí có thể khá lớn.
Theo khảo sát kể trên, phần lớn các bà vợ có khoản tiền cất giấu ít nhất là 2.000 bảng. Khoảng 1/20 số phụ nữ tham gia khảo sát có quỹ đen trên 10.000 bảng (tương đương hơn 300 triệu đồng Việt Nam). Francesca De Franco, 31 tuổi, sống ở Streatham, London, tiết lộ anh chồng 33 tuổi không biết gì về tài khoản bí mật mà chị lập ra đã 6 năm nay. Francesca giấu số tiền này để phòng những lúc rất cần chi tiêu hoặc khi “quỹ chung” không dư giả. Chị cho biết từ nhỏ đã học được tính tiết kiệm và lo xa từ cuộc sống của cha mẹ: “Trong chuyện tiền bạc, cha tôi luôn chừng mực. Mẹ tôi làm nội trợ nên mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào chồng. Hồi đó tôi đã nghiệm ra rằng thật khổ nếu không có tiền riêng. Mẹ tôi luôn phải hỏi xin bố tiền chợ hoặc để thanh toán các hóa đơn, còn tôi không muốn phải xin tiền ai cả”.
Hồi bé, Francesca cũng được bố cho tiền tiêu vặt kèm theo những lời khuyên tiết kiệm. Vì thế, chị luôn chỉ tiêu tiền khi thật sự cần. Trong khi đó, chồng chị lại khá “phóng tay”, rất hay mua những món quà bất ngờ cho vợ. Vì thế, Francesca lý luận rằng chị có quỹ đen không phải vì ích kỷ mà chỉ là đề phòng những rủi ro có thể đến từ tính rộng rãi của chồng. “Tôi hy vọng anh ấy không tức giận khi biết tôi có khoản riêng”, chị nói. Một phụ nữ khác mới cưới chồng được ba năm cũng tâm sự về việc lập quỹ đen của mình: “Tôi yêu chồng tôi, chúng tôi vẫn sống hạnh phúc cùng nhau. Nhưng hằng tháng, tôi vẫn trích từ lương một số tiền nhỏ để gửi vào ngân hàng, và chỉ tôi cùng nhân viên ngân hàng đó biết điều này”. Theo khảo sát trên, phần lớn phụ nữ lập quỹ đen làm việc đó với mục đích phòng thân, vì không ai có thể nói trước điều gì sẽ đến. Họ không muốn phải trắng tay khi sự cố nào đó xảy ra.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện được báo chí phương tây dự báo sẽ trở thành nhà Obama của phương đông.
Bành Lệ Viện biểu diễn trong lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 2007. Ảnh: Xinhua.
Bành Lệ Viện sinh ra ở tỉnh Quảng Đông. Bà tốt nghiệp học viện âm nhạc Bắc Kinh và cũng lấy bằng thạc sĩ ở đây. Bà Bành lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng với tư cách là ca sĩ năm 18 tuổi và nổi tiếng nhờ thường xuyên góp mặt trong các chương trình Gala năm mới của đài truyền hình quốc gia CCTV kể từ khi chương trình này ra đời năm 1982.
Bành hiện là một trong những nghệ sĩ hát dân ca hàng đầu của Trung Quốc. Ngoài ra, người phụ nữ 47 tuổi này còn mang hàm thiếu tướng và là giám đốc nghệ thuật của đội quân nhạc của Quân đội nhân dân giải phóng.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình, phó chủ tịch trung Quốc, được bầu làm phó chủ tịch quân ủy trung ương – cơ quan kiểm soát đội quân đông nhất thế giới – hàng loạt báo chí bắt đầu khai thác thông tin xung quanh ông. Chức vụ mới là dấu hiệu rõ nét cho thấy ông Tập có khả năng sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Bà Bành gặp ông Tập năm 1986 khi đã là một ca sĩ nổi tiếng. Ông Tập hơn bà 9 tuổi và đã có một đời vợ, lúc đó đang là phó thị trưởng Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Họ kết hôn vào năm sau đó.
Cặp vợ chồng này có một con gái, mới được nhận vào đại học Harvard vào tháng 9 năm nay.
Có vẻ như ngay cả bà Bành, lần đầu tiên cũng không chắc ông Tập là người thế nào. “Vào khoảng khắc nhìn thấy ông, tôi đã thất vọng. Không chỉ vì ông trông rất nhà quê, mà còn già. Tuy nhiên, những lời nói đầu tiên của ông đã thu hút tôi”, bà Bành kể chuyện tình của hai người trên trang chinanews năm 2007.
Ông Tập Cận Bình đã hỏi Bành Lệ Viện một câu hỏi rất thông minh về các kỹ thuật giọng khác nhau. “Lúc đó tôi rất cảm động”, bà Bành kể lại. “Ông ấy có một trái tim đơn giản nhưng sâu sắc”.
Cặp vợ chồng nổi tiếng này hiếm khi ra trước công chúng cùng với nhau. Khoảng cách gần nhất khi hai người cùng xuất hiện là vào 1/10 năm ngoái, kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Hoa hiện đại. Tập Cận Bình ngồi tại khán đài ở quảng trường Thiên An Môn, trong khi Bành Lệ Viện hát trong chiếc áo choàng dài tua rua hồng ở quảng trường bên dưới.
Bà Bành từng phát biểu với một tờ báo Trung Quốc: “Nếu tôi không có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi chắc hẳn không thể duy trì một hình tượng tỏa sáng trước công chúng thế này”.
Nhà văn Thảo Trường trong một buổi ra mắt sách tại nhật báo Người Việt. (Hình: Tư liệu Người Việt)
Đặng Tiến
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Định, nổi tiếng tại miền Nam trước 1975, đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi. Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bực thiếu tá, anh là một trong những người tù lâu năm nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.
Di cư vào Nam năm 1954, anh vào trường Sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tiên “Hương gió lướt đi” đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thao Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó, vì đề tài và giọng văn đơn giản và mới mẻ.
Chuyện bắt đầu tại Hà Nội, giữa một cậu học trò mười lăm tuổi, với cô hàng xóm tên Ngân, hơn cậu – người kể chuyện – khoảng năm, bảy tuổi. Ngân làm chủ một quán giải khát, phục vụ lính Pháp, quan tâm đến cậu bé hàng xóm như một người em, và bị các đồng nghiệp “nhà thổ” khác chế riễu: “xê-ri của chị Ngân đấy chúng mày ạ… Nhưng Ngân đã nghiêm chỉnh bảo họ: – các chị đừng đùa. Anh ấy là học sinh, không ưa thế đâu.”[1]
Chuyện và văn không có gì lạ, nhưng thời đó, 1958-1960, độc giả học sinh, sinh viên ham thích vì cách viết thật thà, đơn giản, phản ánh thời đại một cách bàng quan: không khí Hà Nội thời cuối chiến tranh Việt Pháp, cuộc di cư 1954; hai nhân vật gặp lại nhau tại Nha Trang khi “tôi” đã trưởng thành, quan hệ đi xa hơn, rồi Ngân theo chồng về Pháp, vẫn thư từ cho người bạn cũ.
Lối kể chuyện tự nhiên, chân thành đến mức nhiều người đọc ngờ là chuyện tình của tác giả. Sau này Thảo Trường kể lại là chuyện phần nào có thật, nhưng là chuyện của một bạn học cùng lớp, anh nghe được và viết lại.[2]
Một truyện khác, cũng trên báo Sáng Tạo, gây hứng thú là “Đò dọc”: hai người yêu nhau tại Hà Nội, nhưng vào buổi di cư 1954, họ chia tay; cô gái, tên Kim, tặng người yêu tấm khăn san màu đỏ của mình làm kỷ niệm. Họ gặp lại nhau tại Huế trong cảnh oái oăm: chàng đi dạy học, tìm thú chơi bời trên “đò dọc” và gặp lại nàng làm gái điếm. Họ đang mừng mừng tủi tủi trong cơn tái hợp, thì bị kiểm tục bắt quả tang. Chàng không lẩn tránh, bị đuổi việc nhưng chính thức cưới nàng, đúng “theo tập quán xã hội”.
Mẩu đối thoại, chi tiết nhỏ, đã gây ấn tượng cho chúng tôi thời đó:
“Lúc đó Kim hôn tôi như tôi đã hôn nàng. Hai chúng tôi ngả người ra chiếc gối. Ánh đèn dầu lờ mờ, Kim sờ chiếc khăn đỏ ở cổ tôi.
‘Khăn ngày xưa?’
‘Không phải. Khăn ngày xưa anh đã cho một người con gái khác. Khăn này anh mua hồi chiều.” (Thử lửa, tr. 54).
Trong truyện “Xác chết”, thời ấy, ngay buổi tiếp xúc đầu tiên, người khách làng chơi đã đưa cô Lim, gái điếm, về làm vợ; và họ sống hạnh phúc cho đến ngày người vợ bị tên nhân ngãi cũ ám sát.
Ghi nhanh về tên các cô gái làng chơi: người tên Ngân, người tên Kim, toàn tên vàng tên bạc. Lim là tên gỗ cứng. Toàn là chất rắn, bền, quý. Nhận xét nhỏ thôi, nhưng có thể là một trong vài ba chìa khóa mở vào thi pháp Thảo Trường.
Cô gái giang hồ từ Nguyễn Du đến Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng là một biểu tượng cho nạn nhân xã hội, không thay đổi bao nhiêu, nhưng từ thế hệ Thảo Trường trở về sau, biểu tượng hàm súc và phức tạp hơn nhiều, nhất là nói chung, truyện ngắn Thảo Trường phản ánh những giai đoạn lịch sử rõ nét.
Trong Thử lửa, Thảo Trường trực tiếp đề cập đến chính trị,việc phân chia đất nước và kỳ vọng vào cuộc thống nhất trong hòa bình, đoàn kết “công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trên đất đai và cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc của chúngta.” (tr. 26-27)
Là sĩ quan trẻ tuổi mới ra trường, hoạt động tại miền giới tuyến, Thảo Trường đã suy nghĩ và tin tưởng: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi về con sông này: nó chỉ là biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng. Người bên kia hay bên này không qua lại nhau, nhưng những tư tưởng phát sinh từ tâm hồn người bên này hay bên kia thì cũng nẩy nở sang bên kia hay bên này. Những cái gì được nuôi dưỡng từ trong lòng người này thì cũng có được ở trong lòng người khác. (…) Tôi cố gắng phân biệt ra biên giới nhưng không được, vẫn chỉ là làng mạc, đồng ruộng và đường đi; muôn đời muôn thuở vẫn là hình ảnh quê hương tôi. (…) Mười ba triệu người đằng sau tôi chắc cũng tin như vậy? Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới.” (tr. 88)
Điều đó, bây giờ đọc lại, 1975 hay 2010, ta cho là ngây thơ, ảo tưởng. Nhưng thời đó, 1960, cùng với Thảo Trường nhiều người ước mong như vậy. Trong lời giới thiệu Thử lửa, Nguyễn Văn Trung đã viết: “Tôi coi Thao Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là nhắc nhở cho con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người.” (tr. 145)
(Tập truyện Thử lửa in 1962, ký tên Thao Trường. Sau đó tác giả mới thêm vào dấu hỏi, có lẽ để tránh sự trùng hợp tình cờ với bút danh của Nguyễn Huy Tưởng đã dùng trên báo Văn Nghệ, Việt Bắc, những năm 1948, 1949.)
Quan điểm của Thảo Trường và cả Nguyễn Văn Trung vào một thời điểm nhất định, là thành tâm, thiện chí của một lớp người. (Khi một lý tưởng thất bại thì biến thành ảo tưởng. Nhưng cũng có khi chiến thắng hóa lý tưởng thành ảo tưởng: ngoài đề.)
Khi Thảo Trường – vừa mới đổi tên -, rời pháo binh vào ngành An ninh Quân đội – đi khắp nơi, anh có dịp tìm hiểu chiến tranh sâu xa hơn, nhưng vẫn chung thủy với ước vọng của mình, là tìm kiếm hòa bình trong tình đoàn kết dân tộc. Anh hợp tác chặt chẽ với báo Hành Trình, quay ronéo, do Nguyễn Văn Trung và một nhóm trí thức Công giáo tiến bộ chủ trương, chủ yếu đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Truyện ngắn “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”, nổi tiếng, viết 1964, đăng trên Hành Trình số 1, nhà xuất bản Trình Bày cùng nhóm ấn hành 1966, đã được dịch ra tiếng Pháp đăng trên tuần báo Công giáo Témoignage Chrétien phổ biến trên khắp thế giới, thời đó, về sau in trong tuyển tập Chứng từ chiến tranh.[3]
Chuyện kể: người đàn bà mang thai là cán bộ nằm vùng, gài lựu đạn dưới một tấm ván gỗ ghi khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Mỹ” để gài bẫy. Toán lính Việt Nam Cộng hòa biết được, buộc đương sự phải triệt hạ tấm ván. Lựu đạn rớt xuống, may không nổ. Người đàn bà động thai đẻ non. Viên sĩ quan chỉ huy toán lính phải đỡ đẻ rồi khai sinh cho đứa bé, “cho nó mang họ của ông ta”. Và để lại mẩu nhắn tin ngắn cho cậu bé mai kia, khi lên 20 tuổi: “trước khi hành động… xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ đến những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh tự hoa mỹ hànhhạ.”[4]
Chuyện viết tại Sài Gòn, ngày 27.11.1964, trong ngụ ý khôi phục tình người qua tình đồng bào, vượt qua chiến tranh, bom đạn. Thế mà rồi Thảo Trường đã phải đi tù cải tạo non 17 năm. Sang Mỹ 1993, trong truyện ngắn “Khẩu hiệu”, anh viết tiếp câu chuyện, tại Huntington Beach, ngày 25.5.1993, kể chuyện trong một trại tù Việt Bắc, kèm lời nhắn tin: “nhắn cậu thanh niên ra đời, sẩy thai, thiếu tháng, mang họ nhờ… Người đỡ đẻ và khai sinh cho cậu đã chết trong tù. Khi chiến tranh chấm dứt, cũng không thấy có một người đàn ông nào gọi là cha ruột cậu trở về. Còn mẹ của cậu nghe nói đã có một đời chồng khác.”[5]
Truyện sau mang tên “Khẩu hiệu” vì tù nhân đã điêu đứng, có người chết trong trại cải tạo vì “mấy chữ đả đảo CS bằng than trên vách nhà lô”. Tương quan giữa hai câu chuyện cách nhau 15 năm, là cái khẩu hiệu, trong đó chữ CS chỉ viết tắt không rõ nghĩa; và tác giả gặp lại người sĩ quan năm xưa bên kinh Đồng Tháp, ngày nay là bạn tù cùng trại vùng Việt Bắc. Và dòng suy tưởng vẫn liên tục trong tâm tư người lính, người tù, nhà văn Thảo Trường.
Đồng thời với “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”, Thảo Trường còn có truyện “Viên đạn bắn vào nhà Thục”, nguyên tên là “Nhãn hiệu Mỹ” vì có câu “đạn này nhãn hiệu Mỹ” bị kiểm duyệt Sài Gòn thời đó đục bỏ. Sau này khi tái bản tại Mỹ, trong tập truyện Tầm xa cũ bắn hiệu quả (nxb Quan San, 1999, California) câu văn lẫn tên truyện cũ được khôi phục lại.
Vì nhiều lý do như thế, giới bình luận thường đặt anh vào hàng tác phẩm phản chiến, điều mà sau này anh đã từ khước, trong một cuộc phỏng vấn ngày 4.8.2008:
“Trước hết, tôi là người tham chiến. Nếu có ai bảo tôi là phản chiến thì không đúng, vì tôi ở trong cuộc chiến đó. Những năm đầu sĩ quan của tôi, tôi đi theo những đơn vị tác chiến, từ vĩ tuyến 17 cho đến đồng bằng sông Cửu Long, và làm một số công việc, chẳng hạn đi tiền sát cho pháo binh trong những trận đánh. Những năm về sau tôi được điều động về cơ quan tham mưu, từ đây tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn những diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam. Tất cả những cái đó dù muốn dù không cũng ‘ám’ vào tác phẩm của tôi.”
Từ ngữ “phản chiến” không còn là một nhãn hiệu ăn khách; không còn mấy ai nhận chịu danh hiệu này. (Có kẻ không muốn chen chân vào hào quang của người chiến thắng, thì nấp vào bóng mát của cây lọng người quân tử sa cơ: ngoài đề.)
Nhìn vào những tác phẩm cuối cùng của Thảo Trường trước 1975, vượt qua chữ “phản chiến”, ta có thể dùng từ “chủ hòa” để gọi tắt quan điểm của anh, như trong truyện dài in năm 1971:
“Và theo tôi, trong cuộc chiến hiện nay, dù tấn công hay phòng thủ, hình thức này hay hình thức khác, bên này phải nêu rõ lên cái chủ đích đánh lấy hòa của mình.
Và hai bên phải cố duy trì tính cách dân tộc trong phe mình, tránh khỏi sự chi phối của ngoại bang, phát triển cái xã hội trong phần kiểm soát của mình để tiến tới thống nhất đất nước.”[6]
Trong truyện, Hoán – một sĩ quan Việt Nam – đã nói với đồng minh Mỹ “các anh đang giúp chúng tôi. Nhưng chính vì sự có mặt của các anh, ở bên chúng tôi, hay nói một cách khác, chúng tôi đi chung với các anh, tình thế này có vô số vấn đề sẽ bị đặt ra.” (tr. 101-102)
Cuối cùng Hoán đã ngăn chặn người Mỹ từ máy bay bắn xối xả xuống đám đông dân chúng.
Và kết luận: “Rắc rối lắm, khó lắm, kẹt lắm.” (tr. 116)
Viết như vậy, trong tình hình miền Nam 1971, mà Thảo Trường vẫn phải đi học tập mút mùa, là điều ít người hiểu.
*
Tổng cộng lại, tại Việt Nam trước 1975, Thảo Trường đã xuất bản 14 đầu sách, gồm có truyện ngắn, truyện dài, một tập tùy bút; thêm tiểu thuyết Bà Phi, ăn khách, đăng báo Tiền Tuyến hằng ngày, khoảng 2000 trang.
Tập truyện đầu tay Thửlửa, 1962, có tầm quan trọng đặc biệt: vừa là một thành tựu nghệ thuật, vừa đánh dấu một giai đoạn tạm gọi là “tiền chiến tranh” qua tâm lý một lớp thanh niên thành thị: lý tưởng, tin vào tình tự dân tộc không phân chia Nam Bắc thành chiến tuyến.
Sau đó chiến tranh lan rộng, mỗi ngày một tàn bạo. Tác phẩm Thảo Trường phản ánh mức khốc liệt và nét phi lý – tạo ra chất bi thảm của chiến tranh và đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình và xóa bỏ thù hận. Tình tự dân tộc và phẩm chất nhân đạo được nâng cao nhờ nghệ thuật văn học. Truyện ngắn Thảo Trường thường đạt đến chất lượng nghệ thuật cao, chủ yếu là cách dựng chuyện hấp dẫn – mà sau này, hai mươi năm sau, ra ngoài nước, tác giả vẫn còn giữ nguyên tính cách.
*
Ra tù 1992, sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết, in được 8 cuốn. Mới nhất là tuyển tập Những miếng vụn của tiểu thuyết, 2008. Truyện về sau thường kể lại đời sống cơ cực, phi lý trong các trại giam: “tất cả đau khổ tàn nhẫn, xót xa mà anh em trong tù phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp, hay sự dốt nát tội nghiệp của cai tù… đều đòi hỏi mình để tâm phân tích.“(Thảo Trường trả lời phỏng vấn, 4.8.2008)
Đồng thời anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ.
Bút pháp linh hoạt: tả cảnh tù tội thì gay cấn, bi đát; cảnh xã hội Việt Nam mới ly kỳ, cay đắng; cảnh sống nước ngoài dí dỏm, hoạt kê. Thảo Trường hậu chiến tranh, hậu lao cải, là nhà văn đều tay và điệu nghệ. Nhưng nhìn chung, những truyện ngắn về các trại giam, tích lũy lâu ngày, vẫn là trước tác hàm súc nhất; chưa kể chúng làm chứng từ chân chính cho một thời đại.
Một truyện tiêu biểu: Nhữngđứa trẻ đầu thai giữa hàng rào. Mẹ bị án chung thân vì tội tòng phạm giết chồng cán bộ; cha bị 2 án chung thân vì 2 lần giết người. Hai tù nhân bị biệt giam ở hai trại tù nam nữ riêng biệt, cách nhau bởi hàng rào kẽm gai.
“Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn, cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau… Bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây, chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam (…) Thế rồi chị tính toán theo ý chị… chị sẽ mặc một cái quần mỏng hở chỉ dưới đáy…“[7]
Tác giả kể tình tiết hấp dẫn. Và mô tả đời sống trong trại, trong đó có sáu đứa trẻ, con của nữ tù nhân, dĩ nhiên không biết bố là ai. Truyện kết bằng hình ảnh người tù già đóng vai ông ngoại, bào ảnh Thảo Trường: “Bác ở tù đến năm thứ mười bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử“. (tr. 61, sđd.)
Vì không được xét xử, không có án, người tù không biết sẽ bị giam cầm bao lâu vì tội danh gì, tự xem là “tù binh”. Nhưng đã là tù binh, thì phải được hưởng quy chế tù binh theo luật quốc tế, và phải đựợc trao trả. Nhưng trao cho ai, trả về đâu? Bác thuộc về lịch sử.
Lịch sử là cái thùng chứa không đáy.
Vấn nạn “học tập cải tạo” đã nhiều người biết. Nhưng nói thêm một lần nữa, cho minh bạch, cũng không phải là thừa.
Chế độ trách nhiệm phải lãnh nhận trách nhiệm và trả lời chính xác từng hồ sơ một. Pháp lý và đạo lý thông thường là như vậy.
Bình thường là như vậy.
*
Tác phẩm mới, hư cấu, nhưng phản ánh tâm tình và phong cách Thảo Trường, có lẽ là Đá mục, một truyện vừa – hơn 100 trang – viết 1997. Truyện trộn lẫn trật từ thời gian, xen thực tại đời sống tại Hoa Kỳ, với nhiều kỷ niệm. Bắt đầu từ thời sĩ quan mới ra trường, trấn đóng tại một tiền đồn miền Thượng hẻo lánh, đời sống êm đềm, hồn nhiên như những cô gái Thượng ngực trần bên suối; đến những ngày trong trại học tập: những oái oăm, gian khổ xen lẫn với các cuộc gặp lại đồng đội, tình nghĩa; cuối cùng là đời sống ở nước ngoài, thư thái, tiện nghi nhưng vẫn chua cay: “ông lão thấy rõ ràng cuộc đổi đời của mình thật phi lý: tự nhiên tình thế xoay chiều… Mình đang là người Kinh ở quê nhà nay hóa ra người Thượng ở quê người. Mà trong cái giới người Thượng này mình còn là người Thượng mới, không giống người Thượng cũ… Hóa cho nên, hỡi người con gái bên bờ suối tiền đồn biên giới năm nào, bây giờ cô đã già, cô ra sao, cô ở đâu?“[8]
Ôi thương là thương sao những cô con gái miền Thượng xa xôi…
Giọng văn trong Đá Mục linh hoạt, dí dỏm pha chút ưu hoài, nhắc đến lối hành văn phóng khoáng, lãng mạn, cái thuở ban đầu Thử lửa.
Khi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, ta thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Trước một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.
Tôi đã đọc “Hương gió lướt đi”, “Đò dọc”, trên báo, vào tuổi học trò. Nay cố khôi phục lại cảm nhận của mình, và những trao đổi với bạn bè đồng lứa thời trước 1960. Rồi đọc Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp vào một giai đoạn khác, nặng ưu tư về chiến tranh và hòa bình. Cuối cùng là Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, đọc trong nỗi u hoài về thời cuộc, về những phi lý trong đời và số phận làm người.
Nhưng không lần nào tôi cố tình đặt ra mục tiêu phê bình văn học. Nhưng có lúc cũng đã làm bất đắc dĩ, nghĩa là đánh giá, và “làm trung gian giữa tác giả và người đọc sau tôi“, y hệt như lời anh Nguyễn Văn Trung e ngại, đã viết đúng nửa thế kỷ trước, 1960, khi viết lời giới thiệu tập truyện Thử lửa.
Bài này, cũng như tác phẩm Thảo Trường, là những viên sỏi đánh dấu những chặng đường “qua một chiếc cầu, lên một cái dốc“ qua nhiều thời điểm.
Và theo lời dặn dò, đâu đó, của người mới ra đi:
Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.
Đặng Tiến
Orléans, 10.10.2010
Nguồn: Thư quán Bản thảo số 44
@ Talawas
[1] Thao Trường, Thử lửa, nxb Tự Do, tr. 31, 1962, Sài Gòn. Việt Báo tái bản 2001, California. Truyện in lại trong Tuyển truyện Sáng Tạo, tr. 113, nxb Tân Văn, 1970. Thư Ấn Quán in lại, 2009, New Jersey, Hoa Kỳ.
[2] Thảo Trường, Đá mục, tr. 125, nxb Đồng Tháp, 1998, California.
[3]Le Crépuscule de la Violence (Hoàng hôn của bạo lực) 90 trang, nxb Trình Bày, 1970, Sài Gòn.
[4] Thảo Trường, Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, tr. 13 và 27, nxb Tin, 1995, Paris.
Mấy hôm nay trên phương tiện truyền thông trong và ngoài nước và các mạng xã hội đưa tin về blogger khá nhiều và nghe chừng có vẻ nghiêm trọng lắm. Như trang RFA nhận định rằng “Tình hình trong nước xem chừng như căng thẳng đáng ngại khi công an sách nhiễu nhiều bloggers và các nhà dân chủ” và họ dẫn chứng là Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiếp tục bị ngồi tù và có nguy cơ bị truy tố tội hình dù anh đã mãn án tù 2 năm rưỡi, bloggers Anh Ba Saigòn bị bắt mới đây, một số blogger khác bị cô lập, hành hung giữa lúc những nhà dân chủ bị sách nhiễu liên tục.
Nói chuyện này thì cũng phải nhắc đến dư luận của cộng đồng blogger Việt nam mấy ngày vừa qua đang xôn xao và hào hứng với tin quyết định chọn ngày 19/10 là ngày Blogger Việt nam, sở dĩ chọn ngày đó vì theo các blogger chủ trò họ bảo đó là ngày anh Điếu cày – Nguyễn Văn Hải được ra tù và sau lại thêm vào vì là ngày anh Điếu “bát” – Phan Thanh Hải bị bắt.
Từ những sự kiện trên, một câu hỏi được đặt ra là “Có phải tại sự xôn xao mang tính hội đoàn của các blogger mấy ngày vừa rồi là nguyên nhân chính quyền phải tạm thời cách ly các bloggers , các nhân vật bất đồng chính kiến đó khỏi đời sống xã hội không?”. Đặt câu hỏi đó vì các blogger khác, những ngày này họ vẫn viết bài phản biện xã hội một cách bình thường như blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu, blogger mẹ Nấm – Như Quỳnh, blogger Phạm Viết Đào v.v… họ vẫn vô tư để sống đấy chứ, có ai làm gì họ đâu?
Chúng ta phải tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên, bởi nếu có một lời giải đáp chính xác sẽ có lợi ích cho cả đôi bên là chính quyền nhà nước và các đồng chí bloggers mắc chứng bệnh ngứa mồm, hay nói và hay viết. Cần phải hiểu rằng, các ý kiến của các bloggers phản ảnh qua các bài viết trên blog và được loan tải trên mạng nó đáng sợ lắm. Những cái đó nó không chỉ đơn giản là làm đau lòng các đồng chí đầy tớ của dân, người đang dẫn dắt chúng ta mỗi khi họ nghe thư ký báo cáo, mà theo họ cho biết, những cái đó nó còn mang tính chất kích động sự thù ghét nhà nước trong lòng bạn đọc nó mang tính chất góp củi để chờ ngày thiêu cháy họ.
Còn nhớ, cách đây hàng trăm năm nhà độc tài Napoleon Bonaparte đã nói về sự lo sợ của nhà cầm quyền đối với báo chí đối lập như sau, xin trích lại để các đồng chí cả hai bên nhân dân và nhà nước cùng ghi nhớ và thấm nhuần. Đó là ” Nhà báo là một người ưa cằn nhằn, một kẻ thích chỉ trích, một nơi cho những lời khuyên, một quyền lực tối cao, một người thầy của dân tộc. Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê.”
Điếu cày và các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo tự do năm 2007
Một trong các quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người được ghi trong chủ nghĩa Marx -Lênin, được gói gọn trong câu nói “Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển” của Lênin, người Cộng sản nói ra điều đó nên họ rất biết và hiểu điều này. Khi chủ nghĩa Cộng sản với sự tồn tại của phe Xã hội chủ nghĩa với 26 quốc gia đứng đầu là Liên xô đang ở thế thượng phong, đang là mối đe dọa với chế độ dân chủ thì chính quyền các nước XHCN không chấp nhận tiếng nói của người dân, nghĩa là muốn yên ổn thì hãy biết câm mồm lại cho chúng tao đưa chúng mày (dân) đến tiên đường cộng sản, nơi mà hưởng thụ tùy thích kể cả không phải làm gì như chúng tao hiện tại.
Từ cách đây 20 năm trở lại đây, khi CNXH sụp đổ ở Liên xô và các nước Đông Âu thì cái tư tưởng ấy ở các nước hậu cộng sản đã chấp nhận đi theo Kinh tế thị trường TBCN như Việt nam và Trung quốc, cũng dần dần giảm đi rất nhiều. Nhà nước của các Đảng Cộng sản đã bước đầu nới lỏng tự do ngôn luận, tự do báo chí và đã phần nào tôn trọng phản biện xã hội như tờ Tuần Việt nam là một ví dụ điển hình. Nếu so với thời kỳ chưa đổi mới (trước 1986) thì đó là một bước tiến vượt bậc, cái còn thiếu duy nhất hiện nay không phải là quyền tự do báo chí mà là chấp nhận quyền được tự do có tiếng nói đối lập với chính quyền nhà nước một cách có tổ chức, báo chí đối lập.
Tâm lý tự nhiên trời phú cho con người bình thường thì ai cũng như ai, thích lời khen hơn tiếng chê bai, thích câu nịnh nọt hơn là lời thẳng thắn phê bình, vì theo lẽ đời thì trực ngôn sẽ nghịch nhĩ kẻ trên, trừ ông Thánh trong chuyện cổ tích. Tiếng nói phản biện xã hội của các bloggers hiện nay được ví như những con muỗi, con ruồi bé tí ti nhưng nó cứ vo ve khi một hình nhân bằng xương bằng thịt đang mơ màng để hưởng thụ sự đam mê tột đỉnh trong quyền lực của những kẻ có chức có quyền đang có được. Vậy thử hỏi ai không tức, ai không bực mình? Nếu là những kẻ tầm thường họ thì chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để đập chết loại vo ve ấy ngay tắp lự cho bõ tức chứ ai để yên cho như các blogger hiện nay.
Nói thế để các blogger biết ơn đảng, câu này là nói hết sức nghiêm túc. Cứ thử nghĩ xem anh Bùi Thanh Hiếu – Người Buôn Gió vi vu Bắc – Nam, viết bài chọc ngoáy chính quyền đăng trên bog hàng tuần, chị Như Quỳnh – mẹ Nấm và nhiều người khác nữa cũng kêu la hàng ngày trên blog cá nhân, cái gì của chính quyền hở ra thì họ cũng chọc, cũng ngoáy có sao đâu?
Vậy chính quyền họ sợ cái gì? Rất đơn giản, nếu ta hình dung mỗi blogger là một chiếc đũa nhỏ nhoi,mảnh mai bẻ lúc nào cũng được, thì xin nói thẳng là chính quyền họ sợ đũa bị bó thành bó. Nghĩa là sự đoàn kết của các bloggers đang có chiều hướng hình thành tổ chức của blogger hay cái Hội Blogger Việt nam theo kiểu Câu lạc bộ nhà báo tự do của Điếu cày, của Anhbasg, của Song Chi, của Uyên Vũ … và nhiều nhiều người khác. Họ sợ ngay sau khi Điếu cày ra tù sẽ là đầu lĩnh để tụ tập kính thưa các loại Điếu khác sẽ ngấm ngầm hình thành một tổ chức mang tính chính trị đối lập với vũ khí của họ là báo chí, là blog và các phương tiện truyền thông khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa, với internet có khả năng kết nối mọi người trong tích tắc, sự lan tỏa của thông tin cũng hết sức nhanh chóng. Chỉ cần 1/10 giây đồng hồ người ở bên kia bán cầu cũng đã biết mọi thông tin đang xảy ra ở Việt nam, thì việc hình thành một tổ chức Hội Blogger Việt với các cây bút sắc bén, với lối viết mạnh bạo, chính xác, có lý sẽ mang một sinh lực mới cho nền báo chí Việt nam, những người này họ có thừa khả năng dùng ngòi bút làm đòn xoay ché độ hiện tại. Đó là cú sinh tử thử thách với sự tồn vong của chế độ hiện tại, là sự thách thức ngấm ngầm không tuyên bố mà chính quyền cảm nhận được, đó chính là lý do và câu trả lời vì sao lại có chiến dịch cấp tập bắt bớ, quản chế các blogger ở tại Sài gòn trong mấy ngày vừa qua.
Người viết blog thì đương nhiên là blogger, nhưng không phải tất cả những người viết blog ai cũng tham gia hoạt động chính trị, nhiều khi người ta viết vì thích viết thì viết, hay viết đẻ chọc chơi vui, nhưng dù sao mỗi blogger phải có nguyên tắc riêng của mình. Ví dụ nguyên tắc của tôi khi viết blog thể hiện trong câu slogan của mình trên blog cá nhân là ”Tôi quan tâm đến chính trị nhưng không tham gia,bởi dù thay chính quyền hiện tại bằng chính quyền khác đi chăng nữa tôi cũng xin giữ vai trò người phản biện”. Nghĩa là tôi luôn xin giữ vai trò phản biện xã hội đối với chế độ hiện hữu, họ có cái hay trong đường lối chính sách ta phải khen, dở thì ta phải lên tiếng mới là đúng đắn. Nói như thế để các blogger hiểu rằng một khi mình không có nguyên tắc nhất quán sẽ dễ bị lôi kéo tham gia các tổ chức này nọ, làm cái thân lát đường cho một số kẻ cơ hội tiến bước.
Con người ta hơn nhau ở cái lý tưởng và cơ hội, như Cụ Hồ khi được Công ty Nước mắm Liên Thành bảo trợ đi qua Pháp học làm quan để về phục vụ trong chế độ bảo hộ của Thực dân Pháp. Khi mới sang Pháp, Cụ có làm đơn xin được vào học tại Trường hành chính thuộc địa, nhưng không được chấp thuận, nên khi mộng không thành và cộng với ý chí bình thiên hạ nên Cụ đã tham gia hoạt động chính trị và thành công.
Nói thế để thấy ý nguyện hay sở thích làm chính trị gia đâu phải là cái xấu và không có nghĩa đã là blogger là làm chính trị, là phải tham gia đảng phái. Nhưng những ai muốn làm chính trị, muốn làm chính trị gia, muốn nhận giải Nobel Hòa bình, hay vì một tương lai tươi sáng hơn … thì xin khuyên các bạn phải lấy Cụ Hồ làm tấm gương thì mới thành công được hay nói một cách khác ai đang nuôi lý tưởng làm bố thiên hạ phải học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại, đó là:
1. Dứt khoát đã dấn thân là phải biết chấp nhận đau thương tù đày. Hãy gạt bỏ những cái tầm thường của đời người như vợ con sang một bên để nhẹ lòng. Khi nào thành công thì có 10 cô Nông Thị Xuân cũng có hay là trên đường cách mạng gặp ai mình thích thì cứ “chọi” bừa, vài ba chục năm nữa biết đâu lại có thêm một bác Nông. Chứ đã dấn tham mà còn để vợ mang thai 7 tháng như Anhbasg thì tâm đâu mà trung kiên đến cùng.
2. Biết bảo vệ và quý trọng thân mình, đừng mang thân ra đánh đổi sự nổi tiếng bằng cách công khai để rồi bị bắt, rồi nhận tội và ở tù ít hơn (!?). Hãy học Cụ Hồ sự kín tiếng, đó là khi cách mạng thành công năm 1945 mà còn nhiều người làm chính trị còn không biết Hồ Chí Minh là ai? Vì trước đó Cụ Hồ dùng tên Nguyễn Ái Quốc của nhóm Ngũ Long. Cứ thử xem cả cuộc đời Cụ Hồ hoạt động cách mạng, Cụ bị bắt mấy lần? Một lần ở Hồng kông, một lần ở Trùng khánh chứ có bao giờ Cụ chịu mò về hoạt động trong nước đâu. Cụ Hồ cứ túc tắc hết theo Nga, theo Tàu tưởng, theo Tàu Mao nhận sự giúp đỡ của họ để xây dựng lực lượng cho mình, khi thời thế đến có cơ ăn (năm 1941) thì Cụ mới mò về Pắc Bó – Hà quảng Cao bằng dưới sự yểm trợ của Tàu Tưởng.
Cứ xem như các nhà dân chủ hay các nhân vật bất đồng chính kiến trong nước như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, anh Điếu cày, hay Anhbasg… đã hoạt động mang tính chất chính trị, nhằm giật bắt cơm của kẻ khác mà lại còn công khai và ngang nhiên thách thức chính quyền thì đương nhiên là phải vào tù. Tất nhiên là phải chấp nhận nhưng có cần thiết phải lãnh phí nhan lực như vậy hay không?
Ngày nay sự vận động cho dân chủ ở Việt nam không chỉ cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà còn cần cộng với sự yểm trợ của quốc tế là quan trong. Có nhiều người thốt lên rằng nếu anh Điếu cày, hay anh Ba sài gòn là người có quốc tịch Úc, Mỹ, Canada … như bà Võ Hồng đảng Việt tân vừa rồi thì họ có bị chính quyền đối xử như vậy không? Chắc chắn là không vì áp lực quốc tế không cho phép họ làm trò nhảm nhí như vậy.
Nói như vậy để thấy rằng trách nhiệm tiên phong trong phong trào đấu tranh phải dành cho những người Việt yêu nước có quốc tịch nước ngoài với sự yểm trợ về mọi mặt của các đảng chính trị ở Hải ngoại là hợp lý.
Con người là vốn quý, còn người là còn tất cả phải biết giữ gìn và trân trọng bản thân mình, nó không chỉ là chuyện giảm thiểu các hy sinh không cần thiết của lực lượng đấu tranh cho dân chủ vốn quá mong manh như hiện nay, mà nó còn là vấn đề bảo toàn lực lượng cho cuộc đấu lâu dài giữa phe tiến bộ và phe bảo thủ độc tài. Quan trọng hơn là lực lượng blogger phải tỉnh táo để quyết định các vấn đề quan trọng, đừng vì sự thỏa mãn các cái danh hão huyền, sự nổi tiếng viển vông mà không giải quyết được vấn đề gì.
Tôi tin rằng nếu như không có sự vận động ráo riết, rầm rộ trong việc chọn ngày blogger Việt nam 19/10 vừa qua, lại chọn lấy ngày ra tù của anh Điếu cày thì chắc chắn Blogger Điếu cày, blogger Phan Thanh Hải Anh Ba sài gòn sẽ có một số phận khác.
Hãy thận trọng, bình tĩnh và tỉnh táo. Mọi sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ hơn, dân chủ hơn ở Việt nam đã và đang diễn ra từng ngày từng giờ không thể có bàn tay nào hay thế lực nào kìm hãm nổi. Các bloggers, đặc biệt là các blogger trong nước hãy làm đúng vai trò của báo chí, của người làm báo đó là phản biện xã hội một cách tích cực, sắc xảo, thiện chí và mang tính xây dựng đối với chính quyền để họ tiếp thu, sửa chữa và thay đổi.
Hãy tự đặt vị trí mình vào vai trò của Tổng Bí thư, của Thủ tướng, của Ủy viên Bộ Chính trị với địa vị và tài sản khổng lồ có trong tay, xem mình có dũng cảm nới bỏ tự do dân chủ cho nhân dân không? Nói thì dễ lắm nhưng làm thật ư? Khó lắm!
Để kết thúc bài viết, xin được trích lời phát biểu của ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến người Trung quốc, người vừa lĩnh giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010, đó là” Bất kỳ “lòng thù hận” nào cũng sẽ dẫn đến sự bạo động bên trong tâm trí hay thể hiện ra hành vi bên ngoài, và chẳng cần lâu, sự “bạo động” đó lại đưa người đấu tranh đi vào vết xe đẫm máu của lịch sử và phá hoại tiến trình dân chủ tại Trung Hoa. Đấu tranh nới rộng tự do không thể bằng cách đoạt đi tự do của người khác, mà phải để chính quyền Trung Quốc lộ mặt là kẻ đoạt tự do của nhân dân, buộc họ phải nhìn nhận sai lầm và tiến hành cải cách”