Một thông điệp quá mạnh mẽ không ngăn chặn nổi

Perry Link

Hồ Kim Sơn dịch

Tại Trung Quốc, mãi cho đến gần đây, rất khó mà phát biểu công khai rằng chính quyền, tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thực chất chỉ là cái gì đó chẳng dính dấp tí nào đến nhân dân Trung Hoa. Không một phương tiện truyền thông nào dám đăng tải một thông điệp như thế. Nhưng bây giờ, nhờ mạng Internet trơn trượt khó kiểm soát, những thông điệp như thế đã được tung ra và lan rộng, tuy có bị cản trở phần nào, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn.

Ảnh Hàn Hàn

Trong tháng này, Hàn Hàn, 28 tuổi, người có biệt tài phúng dụ và có lẽ là blogger có lượng độc giả nhiều nhất ở Trung Quốc, đã viết như thế nầy:

Khắp thế giới, quốc gia nào cũng giống như một người phụ nữ và chính quyền của nó thì giống như người đàn ông sở hữu người phụ nữ đó. Một số cặp sống với nhau hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Một số sống chung suôn sẻ. Một số sống với những quan hệ căng thẳng, một số phải chịu đựng nạn bạo hành gia đình. Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể ly dị người đàn ông đó và tái hôn với người khác, và trong những trường hợp khác thì nàng lại không được phép làm điều đó. Nhưng trường hợp nào đi chăng nữa, khi đã yêu một người phụ nữ, bạn không nên ép đẩy chuyện “yêu thương chàng” vào phạm vi mặc cả.

Hàn Hàn có phần nào khác với những “nhà bất đồng chính kiến” ở Trung Quốc. Bút pháp của anh khó nắm bắt và cay độc – thứ ngôn ngữ “thời thượng” của giới trẻ, lớp độc giả chủ chốt của anh – và chẳng bao giờ gặp rắc rối gì với những lời phát biểu có tác dụng công kích chí ít không thua kém gì ngôn từ của các nhà bất đồng chính kiến. Về số lượng độc giả anh cũng khác biệt. Một nhà trí thức bất đồng chính kiến cảm thấy may mắn lắm nếu bài viết tung lên mạng của mình có được 20 ngàn lượt người đọc. Các tiểu luận của Hàn Hàn thường có hàng triệu lượt người đọc và hàng chục ngàn lời bình phẩm. Tính từ khi ra đời vào tháng 11, 2006 cho đến nay, trang blog của Hàn Hàn đã có hơn 421 triệu lượt ghé thăm. Con số độc giả khổng lồ này cũng là tấm bùa hộ mệnh cho anh bởi vì chính quyền Trung Quốc có thể hình dung ra quy mô của cuộc nổi loạn chống đối sẽ lớn đến cỡ nào nếu trang blog của anh bị nhà nước đóng cửa.

Vào ngày 18 tháng 9, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản xâm lăng những tỉnh lỵ phía đông bắc Trung Quốc vào năm 1931, Hàn Hàn đã viết một bài bình luận sắc bén về những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản xảy ra ở Trung Quốc. Ngày 8 tháng 9, một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần dương của Nhật Bản ngoài khơi bãi đá cằn được gọi là quần đảo Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố là lãnh thổ quốc gia của mình. Giới chức Nhật Bản đã bắt vị thuyền trưởng đưa về Nhật Bản, và ngay sau đó người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố để bảo vệ niềm tự hào dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Những cuộc biểu tình chống Nhật thỉnh thoảng cũng xảy ra ở Trung Quốc, và thường được nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ý hoan nghênh, xem như những phương tiện động viên công luận nhằm ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và để phân tán sự chú ý nhắm vào những vấn nạn trong nước như tham nhũng, bất công, và hủy hoại môi trường. Nhưng những cuộc biểu tình phản đối đó là một con dao hai lưỡi bởi vì chúng nhấn mạnh tính hợp pháp của chính quy trình đối kháng.

Theo quan điểm của Hàn Hàn, những người biểu tình chống đối Nhật Bản hồi tháng qua đã bị lợi dụng. Trang blog của anh đăng lời đối thoại với đồng bào của anh như thế này:

Trên sân khấu Trung Quốc ngày nay có ba vai diễn: chủ, tớ, và chó. Đa số chúng ta hoán đổi vị trí giữa hai trong ba vai này. (Hai vai nào? Thế này nhé, bạn khó có thể tự xem mình là ông chủ, có đúng không nào?) Thông thường điều ông chủ muốn từ những tay đầy tớ là tính dễ bảo yếu hèn, nhưng hiện tại ông chủ đang cần một số chó biết sủa. Dễ thôi! Bởi vì trong tâm trí con chó, không cần biết ông chủ đối xử với mình như thế nào, hễ bất cứ khi nào có người lạ mặt xuất hiện thì nhiệm vụ của bạn là phải bảo vệ lấy căn nhà… Trong thâm tâm, những lãnh tụ của chúng ta không thực sự giận dữ. Họ chỉ cảm thấy như bị thiến. Do vậy, theo quan điểm của họ, chúng ta đáng ra cũng phải cảm thấy bị thiến như họ. Nhưng có ai từng xuống đường biểu tình mà hô vang “Ta đã bị thiến!” bao giờ chưa? Điều đó chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ. Những lúc thể diện của lãnh tụ không có gì suy suyển, thì họ vả vào mồm ta; khi họ bị mất mặt, ta buộc phải gỡ thể diện cho họ. Chúng ta tiếp nhận điều này như thế nào?

Rồi Hàn Hàn quay qua nói với chính quyền, như thế này:

Đừng có bảo tôi rằng quý vị và tôi đều bị thương tổn như nhau bởi những vấn đề “đất mẹ” này… Ở đất nước chúng ta, thường dân không có một tấc đất để cắm dùi; tất cả đất đai, như quý vị đã biết, đều là thuê mướn của quý vị mà thôi. Cho nên từ vị trí của tôi, vấn đề này giống như một sự xích mích giữa gã địa chủ với người hàng xóm của tôi về miếng ngói nằm trên mặt đất. Tôi biết miếng ngói đó bị thổi bay từ nóc nhà của địa chủ trong một cơn gió mạnh, đồng thời tôi cũng biết gã địa chủ e ngại không muốn đánh nhau với hàng xóm, và chưa từng dám đi nhặt lại miếng ngói đó. Nhưng mà chuyện đó có ăn nhậu gì tới thằng tá điền là tôi? Hà cớ gì một kẻ không có một tấc đất cắm dùi lại đi đánh nhau để tranh đoạt lại đất đai cho kẻ khác? Hà cớ gì một tên tá điền chẳng có nhân phẩm lại đi đánh nhau vì nhân phẩm của địa chủ? Những người như thế giá trị đáng được bao nhiêu, nếu cân bằng ký? Bao nhiêu mới gom cho đủ một ký đây?

Cuối tiểu luận, Hàn Hàn bỏ lối viết phúng dụ và tuyên bố thẳng thừng rằng, “Những cuộc biểu tình chống người ngoại quốc do những người không được phép tỏ thái độ chống đối ở quê nhà thực hiện là hoàn toàn vô giá trị. Chúng chẳng khác gì một trò nhảy bè.”

Hiển nhiên chính quyền không dám ngăn cấm blog của Hàn Hàn. Nhưng họ đã xóa đi bài viết đặc biệt đó khoảng 50 phút sau khi anh đăng nó lên. Tuy nhiên, chỉ với 50 phút cũng đủ cho nó lan lên trên mạng Twitter Trung Hoa, và đã trở thành bài nóng thu hút mạnh độc giả suốt cả tuần qua, và từ đó nó đã lan truyền đi khắp thế giới.

Perry Link là chủ tịch Trung tâm Giáo dục Xuyên Ngành của Đại học California, tại Riverside, tác giả cuốn Tán gẫu buổi tối ở Bắc Kinh, và đồng biên tập viên của cuốn Những tham luận Thiên An Môn.

Nguồn: “A Message Too Powerful to Stop”, The New York Times, 29.9.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

—————————————————————————————————————————————————-

LỤC BÁT VUI – THỜI HÓA CHẤT LÊN NGÔI

Cái thời hóa chất lên ngôi
Thịt rừng, cá biển phải nhồi u rê
Nước tương có mờ sê đê
Bánh bao được trộn thêm… bìa các tông

Bún tươi tẩy trắng như bông
Bì để ba tháng vẫn không… nghe mùi
Nước thải nhà máy đen thui
Cá tôm phơi xác, ngậm ngùi sông xưa
Cháo cho trẻ nhỏ, không chừa
Thơm, nhừ… đủ chất trộn bừa khó tin
Sữa bò ướp mê la min
Hành phi dầu cống, má… nhìn không ra
Rau xanh nhờ có nhớt thoa
Quy trình rau muống nghe mà hỡi ôi!…

Cái thời hóa chất lên ngôi
Mạng người như bọt bèo trôi lềnh bềnh!

@Blog’s Hiền Minh)

————————————————————————————————————————————————————————–

CẬP NHẬT TIN 8-10-2010

Hải quân Nga muốn tái thiết căn cứ Cam Ranh

Hình vẽ minh họa căn cứ hải quân của Liên Xô tại vịnh Cam Ranh vào khoảng đầu thập niên 1980

Hình: Wikipedia Commons

Hình vẽ minh họa căn cứ hải quân của Liên Xô tại vịnh Cam Ranh vào khoảng đầu thập niên 1980

Hải quân Nga sẵn sàng xây dựng lại một căn cứ quân sự đã không sử dụng nữa ở Việt Nam trong lúc nước Nga cải tổ quân lực và phát huy sức mạnh quân sự trên trường thế giới.
Bản tin hôm thứ Tư của Reuters trích thuật bản tin của Interfax nói rằng hải quân Nga muốn tái thiết căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam để làm nơi cập bến của tàu Nga trong khu vực.
Một nguồn tin trong hải quân Nga không muốn nêu danh tánh nói với hãng Interfax rằng một khi có được quyết định chính trị thì họ có thể bắt đầu xây dựng lại Cam Ranh trong vòng 3 năm.
Cam Ranh vốn là một căn cứ chính của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam và trở thành căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô sau khi họ ký với Việt Nam một hợp đồng cho thuê trong vòng 25 năm vào năm 1979.
Nga đã rút khỏi căn cứ này vào năm 2002 sau khi không sử dụng trong một khoảng thời gian mà họ nói là nhiều năm.
Theo ghi nhận của Reuters, các giới chức quân sự Nga thường tiết lộ các dự án của mình cho truyền thông trong nước để tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ hoặc để dọn đường cho các kế hoạch đã được chấp thuận.
Việt Nam đã đòi Nga trả tiền thuê vào năm 2002, hai năm trước khi hợp đồng hết hạn, dẫn tới việc Tổng thống Nga lúc đó là ông Vladimir Putin (hiện nay là Thủ tướng Nga) quyết định rút khỏi Cam Ranh.
Nguồn: Reuters, Moscow Times

————————————————————————————————————————————————————————–

Giải Nobel Văn Chương được trao cho nhà văn Peru

Giải Nobel Văn Chương năm 2010 thật bất ngờ được trao cho tiểu thuyết gia, ký giả kiêm chính trị gia Mario Vargas Llosa, một người cũng nổi tiếng không kém trong sự nghiệp chính trị.

Giải Nobel Văn Chương 2010 được trao cho tiểu thuyết gia, ký giả kiêm chính trị gia người Peru Mario Vargas Llosa

Hình: AP Giải Nobel Văn Chương 2010 được trao cho tiểu thuyết gia,
ký giả kiêm chính trị gia người Peru Mario Vargas Llosa

Trước khi kết quả giải Nobel Văn Chương năm nay được loan báo, nhà văn Mario Vargas Llosa không phải là một ứng viên được chú ý nhiều, khi những dự đoán đều đổ dồn về những cây bút của Nam Triều Tiên, Kenya và Hoa Kỳ. Và ủy ban chấm giải Nobel cũng không vì thế mà bị sứt mẻ uy tín chút nào khi chọn những nhà văn là chính trị gia.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã vinh danh nhà văn 74 tuổi về điều được gọi là “sự phác họa của ông về cơ cấu quyền lực và những hình ảnh sắt thép của sự đối kháng của những cá nhân, nổi dậy và thua bại“
Những tác phẩm đầu tiên gây chấn động của ông bắt đầu xuất hiện vào thập niên 1960. “The Time of Hero”, tiểu thuyết được coi như một phần tự truyện xuất bản năm 1963, lấy bối cảnh giữa những sinh viên sỹ quan tại một trường võ bị ở Lima.
Ông đã viết cuốn “Conversation in the Cathedral” khi vừa qua sinh nhật 30 tuổi, một thành quả ngoại hạng trong sự nghiệp văn chương của ông, trong đó vai chính theo dõi sự can dự của người cha trong vụ giết một tay băng đảng khét tiếng của Peru, và trong tiến trình theo dõi đó nhân vật chính đã biết được chính quyền độc tài của quốc gia này bằng cách nào mà họ duy trì được quyền lực.
Là một cây bút đầy sức sáng tác phong phú và hăng hái khai phá nhiều thể loại, các tiểu thuyết của Vargas Llosa bao gồm từ các tác phẩm về lịch sử, những chuyện chính trị giật gân, cho đến cả hài hước lẫn những câu chuyện giết người bí ẩn.
Ngay sau khi vừa loan báo giải văn chương, ông Peter Englund, bí thư Hàn Lâm Viện Thụy Điển, đã ca ngợi quyền năng và thứ bậc của tiểu thuyết gia Vargas Llosa trên văn đàn. Ông nói:
“Ông là một người kể chuyện, nhưng kể chuyện tài tình. Những sáng tác của ông có một kết cấu rất phức tạp, nhiều tình tiết với những chuyển đổi trong phối cảnh và thời gian. Có nhiều đối thoại, nhưng những lời đối thoại xen giữa, tròng chéo trên nhiều bình diện thời gian khác nhau. Ông là một nhà văn rất đa dạng, sáng tác không chỉ những tác phẩm văn chương vĩ đại về châu Mỹ Latin và những vấn nạn của nó, mà trên thực tế còn viết về mọi thể loại.”
Giống như người trước đây từng là bạn của ông và hiện cùng là khôi nguyên giải Nobel, ông Gabriel Garcia Marquez, một người mà theo tin cho biết, đã bị ông đánh vào năm 1976 vì những lý do gì mà cả hai cùng giữ kín không cho ai biết.
Ông Vargas Llosa là một chính trị gia hăng hái tích cực hoạt động. Lúc đầu ông là một ủng hộ viên cho cuộc cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo, nhưng sau đã thất vọng với chủ nghĩa cộng sản và năm 1990 ra tranh cử tổng thống trong tư cách chủ tịch liên minh trung hữu Frente Democratico.
Giải thưởng Nobel sẽ được chính thức trao tặng trong một nghi lễ tổ chức tại Stokholm, Thụy Điển và Oslo, Na Uy vào ngày 10 tháng 12, đúng ngày ông Alfred Nobel từ trần năm 1896, người đã sáng lập ra giải thưởng này. Danh tính người được chọn cho giải Nobel hòa bình năm nay sẽ được công bố vào thứ Sáu tại Oslo. ( VOA )

————————————————————————————————————————————————————————————————-

Xe máy gấp gọn như một chiếc va li

Trong cuộc triển lãm Intermot 2010, người tham quan có dịp khám phá chiếc xe Scooter gấp XOR với những biến đổi mới.Năm 2009, những mẫu XO2 thuộc dòng XOR Motor đã xuất hiện tại hai triển lãm EICMA tại Milan (Italy) và SETT tại Montpelier (Pháp). Dành được nhiều sự chú ý về sự tiện lợi trong khả năng gấp và ưu thế về tốc độ, trọng lượng, nhưng đó là những thông tin ít ỏi về mẫu scooter trên. Tiếp tục xuất hiện tại triển lãm Intermot 2010 tổ chức tại Cologne, Đức từ ngày 11/10/2010.
Tốc độ và tầm di chuyển

Hai mẫu xe với dung tích 50 cc và tương ứng với công suất 2,5 kW và 4kW có tốc độ 45 km/h, thấp hơn 15km/h so với mẫu xe năm 2009. Còn mẫu xe với dung tích 125 cc, tương đương công suất 8 kW có tốc độ tối đa: 120 km/h thay vì 125 km/h.
Bù lại, tầm hoạt động của cả ba mẫu xe đều tăng lên đáng kể. Hai mẫu xe công suất 2,5 kW và 4 kW có thể di chuyển xa 100 km với tốc độ 45 km/h; còn mẫu 8 kW có thể di chuyển 75km với tốc độ 90 km/h.

Cả ba mẫu scooter đều giảm về tốc độ nhưng nâng cao tầm di chuyển.

Đối với mẫu scooter 2,5 kW và 4 kW được trang bị tương ứng với pin 2,3 kWh và 3 kWh, có thể nạp đầy trong hai giờ 45 phút; trong khi pin 4 kWH của mẫu xe công suất 8 kW chỉ cần nạp trong hai giờ. Cả ba mẫu xe đều có cùng kích thước: dài 1,75m, rộng 0,76m và cao 1,1m; khi gập lại trong trường hợp dừng, đỗ là: dài 1,02m, rộng 0,42m và cao 0,7m.
Những chiếc xe có khả năng gập thường đem lại cảm giác “bất an” vì có thể xe kết cấu yếu so với xe thông thường.

Mặc dù có thể xếp gọn thành một chiếc vali, nhưng  với trọng lượng trung bình là hơn 70 kg, cần hai người để có thể nâng chiếc xe lên treo, cất

Thời gian để gấp chiếc xe khi đỗ xe khoảng 20 giây, phần pin của xe ốp trên bánh xe nên không cản trở hoạt động lăn, giúp xe biến thành một chiếc va li có thể xách kéo dễ dàng. Đây thực sự là một thiết kế thông minh.
Dù tiện lợi nhưng phận pin nặng từ 21-30 kg, chiếm một phần đáng kể trên tổng khối lượng xe (từ 73-83 kg). Chính vì thế, mặc dù linh hoạt với khả năng gấp, nhưng bạn cần phải  có mặt phẳng nghiêng để đưa xe lên các điểm dừng, hoặc cần tới hai người để nhấc lên.
Hiện, hai mẫu xe công suất 4 kW và 8 kW, với tên gọi Urban Transformer có giá khoảng 2.100 Euro (khoảng 57.300.000 đồng) và 3.000 Euro (khoảng 81.900.000 đồng). Tuy nhiên, giá của pin được tính riêng và bạn phải chi thêm khoảng 2.000 Euro (khoảng 54.600.000 đồng) với mẫu 4 kW và 3.000 Euro (khoảng 57.300.000 đồng) với mẫu 8kW. Riêng mẫu scooter 2,5 kW, sẽ nhanh chóng đưa vào sản xuất trong tháng tới với mức giá 1.890 Euro (khoảng 51.590.000 đồng) cho xe và 1.900 Euro (khoảng 51.860.000 đồng) cho pin.
Có thể nói, để sở hữu những chiếc scooter mạnh mẽ và tốc độ, góp phần bảo vệ môi trường thì người dùng phải bỏ ra khoản tiền tương đối lớn đến mức có thể gọi là xa xỉ. Đặc biệt là với pin xe, có thể ngang ngửa với giá xe. (DatViet bao )

————————————————————————————————————————————————————————————————-

CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

Vào GOOGLE.COM đánh máy ba chữ “ĐI HỌC THUÊ” vào ô SEARCH sẽ thấy hàng chục trang quảng cáo trên báo VN/VC về TÌM MƯỚN người đi hoc thuê và người TÌM VIỆC bằng cách đi học thuê. Tìm mướn người học thuê là viên chức nhà nước và con cái đại gia. Tìm việc học thuê là người đã tốt nghiệp đại hoc mà đang thất nghiệp.
Mời xem một quảng cáo dưới đây trên mang, kinh hoàng quá:
Tiêu đề tin: dịch vụ đi học thuê giá rẻ bất ngờ (07-09-2010 00:19:00) (Xem 85 lần)
Người đăng: nguyễn đức tiệp Điện thoại liên hệ: 01653384752
Địa chỉ: 21/97 đường lán bè, phường lam sơn, quận lê chân, hải phòng
Email:
noiyeuem_duchimotlan_hp@yahoo.com
Nội dung
Với mong muốn phục vụ các anh, chị, em đang bận bịu với công việc và không có nhiều thời gian. Hiện tại, chúng tôi mở ra dịch vụ đi học thuê từ đại học chính quy đến các hệ văn bằng 2 hoặc tại chức. Về mặt chất lương, chúng tôi xin đảm bảo tuyệt đối.Dịch vụ của chúng tôi không chỉ là nhận tiền của các bạểnồi đến lớp ngồi không mà còn phải đảm bảo ghi chép bài đầy đủ, làm bài kiểm tra điều kiên cho mỗi học ký đạt được kết quả cao…
Về mặt giá cả, chúng tôi xin gửi đến các bạn dịch vụ giá rẻ bất ngờ:
+ Với 1 buổi học có thời gian 1,5 đến 2h chỉ lấy 20k còn đối với 1 buổi học cả buổi 5 tiết thì lấy với giá hữu nghị hơn 30k.
+ Đối với mỗi bài kiểm tra điều kiện bộ môn thì chúng tôi lấy các bạn với giá 15k/bài.Còn nếu các bạn bao trọn gói cả kỳ thì giá sẽ là 50k/kỳ/môn.
+ Nếu ngành học của các bạn yêu cầu phải làm tiểu luận thì chúng tôi cũng có dịch vụ với giá rất hữu nghị.Bài tiểu luận còn phụ thuộc vào đặc thù ngành học của các ban nên giá cả sẽ bàn sau. Vậy anh, chị, em nào có nhu cầu xin hãy liên hệ với tôi.
Tuy rằng đây là 1 việc tiêu cực nhưng tôi tin anh, chị nào đến với dịch vụ này đều là những người thông minh.Bạn không cần học mà vẫn có bằng và có thời gian lo cho công việc cũng như nhu cầu giải trí của mình. good luck
“không có việc gì khó chỉ sợ tiền không nhiều đào núi và lấp biển không làm được thì thuê”

Cần người đi học thuê vào buổi tối

Mình vừa nhập học lớp tại chức kinh tế khoa kế toán nhưng do công việc nên không đi học được đang cần thuê người học vào các buổi thứ 2,3,5,6 thời gian học từ 18h đến 20h địa điểm gần sân bóng mỹ đình,
vì mình là nam sinh năm 1983 nên yêu cầu cũng phải là nam tuổi ngang ngang mình. Ai có nhu cầu làm thêm xin liên hệ 0936997798 lương thỏa thuận ạ
Sưu tầm qua net
————————————————————————————————————————————————————————————————–

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuẩn bị đi thăm đối tác Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates sẽ đi thăm Việt Nam tuần tới để tiếp tục phát triển mối quan hệ 15 năm, nay đã nới rộng sang lĩnh vực quốc phòng. Từ Ngũ giác đài, Thông tín viên Al Pessin của Đài VOA tường trình rằng một giới chức cao cấp của Mỹ cho hay hai nước đã đồng ý về 4 lĩnh vực hợp tác quốc phòng, để đưa quan hệ song phương tiến tới phía trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert GatesChuyến đi Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cũng để tìm cách giải quyết các vấn đề trong vùng tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam ÁChuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ được thực hiện tiếp theo sau một loạt diễn tiến đánh dấu kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các diễn tiến ấy gồm các cuộc diễn tập quân sự chung, chuyến đi thăm của một tàu hải quân Mỹ đến Việt Nam, và chuyến đi Haiwaii của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Để chuẩn bị cho chuyến đi của Bộ trưởng Gates, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher đã đến Hà nội hồi tháng 8, để theo lời ông, tham gia các cuộc thảo luận đầu tiên giữa các giới chức làm chính sách tại Bộ Quốc phòng hai bên.
Ông Scher nói các cuộc thảo luận này đã xác định 4 lĩnh vực chủ yếu cho hợp tác quân sự: đó là gìn giữ hòa bình, tìm và cứu nạn, cứu trợ thiên tai, và an ninh biển.
Tùy viên báo chí của Ngũ giác Đài Geoff Morrell nói rằng tại Hà nội, Bộ trưởng Gates sẽ đề cập đến tất cả các đề tài vừa nêu với các giới chức nước chủ nhà, cũng như đến nỗ lực hỗn hợp để lập “bản báo cáo đầy đủ nhất có thể về các quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc tranh chấp Việt Nam”.
Ông Morrrell mô tả Việt Nam là một đối tác “thân cận“ và “hàng đầu“ của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Ông nói:
“Sự kiện Việt Nam nay đã trở thành một trong các đối tác hàng đầu của chúng ta trong khu vực, phản ánh con đường dài mà hai nước đã đi qua trong 15 năm từ khi quan hệ Việt-Mỹ được bình thường hóa.”
Nhiều vấn đề cấp bách hơn cũng sẽ được nêu lên trong các cuộc thảo luận sắp tới, như đã xảy ra trong chuyến đi của ông Robert Scher. Những vấn đề ấy gồm có các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại vùng Biển Đông, và ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực, giữa lúc Bắc Kinh tiếp tục mỗi năm tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của họ. Về vấn đề này, ông Scher nói:
“Chúng ta phải nhìn việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội như một phần nằm trong xu hướng chung, trong bối cảnh có rất nhiều kế hoạch hiện đại hóa quân đội trên khắp khu vực. Không thể tách riêng hành động của Trung Quốc, mà phải đặt nó trong bối cảnh chung. Hơn nữa, chúng ta không nên chỉ xét tới các khả năng quân sự mà thôi. Mà phải xem thực sự họ làm như thế để làm gì.”
Trong thời gian ở Hà nội, dự kiến Bộ trưởng Robert Gates sẽ gặp vị tương nhiệm Trung Quốc trong buổi họp đầu tiên của hai nhân vật này trong hơn 1 năm. Trung Quốc đã ngưng các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, sau khi Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan vào tháng Giêng năm nay.
Ngoài ra Bộ trưởng Gates cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga, mà theo tin cho hay, đang dự định tân trang và sử dụng căn cứ quân sự tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Hoa Kỳ từng sử dụng căn cứ này trong thời chiến tranh Việt Nam, và sau đó, Nga sử dụng căn cứ này trong hơn 2 thập niên, cho tới năm 2002.
Chuyến đi của ông Gates tới Hà Nội cũng để tìm cách giải quyết những vấn đề trong vùng tại một cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng của các nước Đông Nam Á với các nhân vật tương nhiệm của Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ và 5 quốc gia khác.
Có phần chắc là nghị trình sẽ bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển Đông, liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc và Philippines cùng nhiều nước khác nữa.
Đây là những cuộc tranh chấp đã có từ lâu, nhưng Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc tìm cách xác định điều mà họ coi là chủ quyền của họ tại một loạt những đảo nhỏ, và một khu vực kinh tế mà họ tự nhận chủ quyền ra xa tới 12 hải lý bao quanh bờ biển của họ.
Ông Robert Scher nói rằng các giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ đã khẳng định rõ là họ muốn các vụ tranh chấp được giải quyết ôn hòa. Ông nói:
“Chúng tôi, tại Hoa Kỳ, tin rằng điều thật quan trọng là các quốc gia trong vùng, và nhất là những nước nhận chủ quyền trong vùng biển Đông có thể giải quyết các vụ tranh chấp bằng đường lối ôn hòa, phù hợp với công pháp quốc tế và những lề lối ứng xử bình thường của quốc tế.”
Tại cuộc họp vào tháng Bảy ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton cho rằng một giải pháp ôn hòa cho các vụ tranh chấp trong vùng biển Đông là “quyền lợi quốc gia“ của Hoa Kỳ.
Lời nhận định này đã bị Trung Quốc chỉ trích, gọi là một sự “tấn công,” và rằng chỉ có những quốc gia nhận chủ quyền mới nên can dự vào chuyện giải quyết tranh chấp.
Lời ăn tiếng nói như vậy là biểu tượng của thái độ quyết liệt mới của Trung Quốc trong lúc họ dùng sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng để theo đuổi quyền lợi của họ.
Và thực sự, một đô đốc của Trung Quốc mấy năm trước đây đã đề nghị hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc chia nhau Thái bình Dương, biến vùng biển này thành những khu vực đặt dưới ảnh hưởng của hai nước, lấy đường đổi ngày quốc tế làm ranh giới, một đề nghị mà người tương nhiệm bên phía Hoa Kỳ lập tức bác bỏ.
Ông Robert Scher nói rằng Hoa kỳ dự tính sẽ vẫn duy trì sức mạnh tại châu Á. Ông nói :
“Chúng tôi tin rằng điều thiết yếu cho quyền lợi chúng tôi là vẫn can dự vào châu Á, để cùng với các đối tác và các nước bạn, thành đạt được những ích lợi chung tại châu lục này. Và chúng tôi dự tính sử dụng các công cụ quân sự mà chúng tôi có, cùng với các công cụ ngoại giao và kinh tế, để bảo đảm rằng chúng tôi tiếp tục giữ vai trò đó tại Á châu.”
Ông Scher nói rằng một trong những ưu tiên của Hoa Kỳ là bảo đảm cho hàng hóa và mọi người được quyền tự do thông thương qua các hải phận quốc tế ở châu Á.
Ông nói là các quốc gia trong vùng đã phát triển và thịnh vượng qua nhiều thập niên có sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng, và Hoa Kỳ dự tính là những kế hoạch đó sẽ vẫn tiếp tục.

@ VOA

————————————————————————————————————————————————————————–

Phỏng vấn ông Lê Thành Ân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn

Tiffany Le

Ông Lê Thành Ân, người gốc Gò Công, vừa trở thành tổng lãnh sự gốc Việt đầu tiên của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ông Lê Thành Ân sinh năm 1955, sang Mỹ từ năm 1965, từng làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ trước khi chuyển sang ngành ngoại giao. Ông từng có nhiệm sở tại các thành phố Bắc Kinh, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore, Seoul, và Paris, trước khi đến Việt Nam. Trong bài phỏng vấn dưới đây, dành cho phóng viên Tiffany Lê của Người Việt, ông Ân nói rằng trở thành Tổng Lãnh Sự tại nơi chôn nhau cắt rốn, đối với ông, “vừa là một vinh dự, vừa là một đặc ân to lớn.

Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân , 2010. Photo courtesy from www. vietnamese.hochiminh.usconsulate.gov 

Tiffany Lê (NV): Gia đình ông sẽ thích ứng với “quê hương mới” ra sao?
Tổng Lãnh Sự (TLS) Lê Thành Ân: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhà của chúng tôi trong ba năm tới. Đời sống ở Việt Nam mang lại nhiều thuận lợi về mặt văn hóa lẫn ngôn ngữ. Để đạt được đúng ý nghĩa là gia đình, chúng tôi sẽ phải hòa mình với quá khứ của quê cha đất tổ.

Việt Nam trở nên một sân chơi của khai phá và cả phiêu lưu. Mỹ Anh, 16 tuổi, đứa con gái nhỏ tuổi nhất của tôi, để thỏa mãn tính tò mò, cháu tham gia mọi lễ nghi, hội hè và truyền thống Việt Nam. Cháu nhận thấy nói tiếng Việt ở nhà là một chuyện, nhưng ra đường thì lại hoàn toàn khác. Đối với những việc thông thường như gọi món ăn hay hỏi đường thì biết nói tiếng Việt đúng là điều cần thiết.

Từ lúc đặt chân đến thành phố này vài tuần trước, cho đến nay, chúng tôi khám phá được thành phố nhiều hơn. Thật sự chúng tôi bắt đầu thấy thích thú. Thành phố này rất sinh động. Con người, đủ mọi lứa tuổi, đều đi tản bộ. Thanh niên thì tụ tập đầy ở các quán cà-phê. Dù cần cẩu xây dựng vươn lên khắp nơi trong thành phố Hồ Chí Minh mới, nét Sài Gòn cũ vẫn chưa xóa nhòa. Bên dưới những thép và kiếng, các khu phố Tây tầng thấp vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi.

Ông định thực hiện điều gì, trong 3 năm tới, trong tư cách một tổng lãnh sự?
TLS Lê Thành Ân: Về lại Việt Nam sau 45 năm, về lại nơi chôn nhau cắt rốn, về lại một thành phố nơi tôi từng sống 10 năm đầu của đời mình, và thực hiện những điều ấy với tư cách tổng lãnh sự của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại đây, quả là một vinh dự, lại vừa là đặc ân to lớn. Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam chẳng có là bao, tuy nhiên tôi vẫn thấy như mình bị cuốn hút vào, vào văn hóa và con người của đất nước Việt Nam.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có một quan hệ thân hữu khắng khít, công việc của chúng tôi ngày nay không còn phải hun đúc một quan hệ mới, vì quan hệ này vẫn đang tiếp tục phát triển, và mở rộng hơn thêm.

Tôi đang cưu mang một vai trò cần phải thực hiện, tôi trông mong được nghe và cùng chia sẻ với cộng đồng nói chung, và với giới truyền thông nữa, về việc làm thế nào cổ động cho tình thân hữu được hoạt động mạnh mẽ nhất giữa hai quốc gia. Với thính giả, công cụ và phương pháp truyền thông mới, tôi tin là hình ảnh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã cải thiện rất nhiều suốt 15 năm qua, và ngày nay, tinh thần Mỹ Quốc là đồng nghĩa với cởi mở và tiến bộ.

Sáng kiến đặc biệt tôi dự định nhắm đến gồm việc khuyến khích trao đổi mua bán và đầu tư của Hoa Kỳ khiến cho ở Mỹ tạo thêm được công việc làm, gia tăng cơ hội học vấn đối với sinh viên có đủ điều kiện, được sang Mỹ du học, cũng như tìm cách khuyến khích những ai tốt nghiệp nên trở về để xây dựng cho nền kinh tế Việt Nam.

Hòa giải với đồng bào ở hải ngoại dĩ nhiên là vấn đề cá nhân. Tôi hy vọng tìm hiểu về nhận thức của Việt Nam, lúc trước và bây giờ, dưới nhãn quan của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong tiến trình này, tôi hy vọng cải thiện được quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Mục tiêu cá nhân của tôi gồm cả việc khuyến khích làm từ thiện, giúp đỡ các cô nhi viện, bệnh viện và trường học.

Người ta nói, ông được nhận làm con nuôi từ hồi nhỏ?

TLS Lê Thành Ân: Nói theo nghĩa thông thường, thì không phải tôi được nhận làm con nuôi. Tôi là một trong chín anh chị em trong gia đình, và tôi thứ bảy. Tôi rời Việt Nam lúc còn bé và sống với bà dì và mẹ của dì. Dì tôi là người giám hộ hợp pháp nên tôi thường coi bà như là mẹ “nuôi” của tôi. Bà về hưu sau hơn 30 năm tận tụy phục vụ cho chính phủ Hoa Kỳ, trong cương vị chủ bút (editor) Việt ngữ và làm phát thanh cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Về phần cha mẹ và anh chị em. Cha tôi mất năm 1972, mẹ và hai anh cùng hai chị tôi kẹt lại Việt Nam cho đến khi chúng tôi được đoàn tụ vào năm 1986 theo chương trình ODP. Đồng thời, những người khác trong gia đình tôi hoặc đi Pháp hoặc sang Mỹ.

Là di dân gốc Việt, ông thấy công việc và chức vụ mới ra sao? Ông có cảm thấy Việt Nam là “quê nhà” không?
TLS Lê Thành Ân: Công tác ở hải ngoại của tôi trong vai trò một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đưa tôi và gia đình đi khắp nơi, Bắc Kinh, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore, Seoul và Paris, trong suốt hai thập niên qua. Tiếp xúc với đủ sắc dân, ngôn ngữ và tín ngưỡng, mang lại cho tôi tài sản vô giá về khả năng nhận thức về chính sách quốc tế và quốc nội đương thời.

Đi chu du nhiều, các cộng sự của tôi cũng như những liên lạc viên địa phương đã giúp tôi đến với các định chuẩn, thực hành và ý tưởng quốc tế. Sự tương tác với những nền văn hóa dị biệt giúp tôi loại bỏ được thành kiến, và quen với sự tổng quát hóa.

Tôi thấy Việt Nam là “nhà” chỉ khi nào tôi ngoắc một chiếc taxi, nhờ người tài xế đưa tôi đến một địa chỉ khó tìm, rồi anh ta quay lại và nói: “Ông nói tiếng Việt giỏi quá!”

NV: Ông có gặp khó khăn khi di chuyển tại Việt Nam?
TLS Lê Thành Ân: Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với TP Hồ Chí Minh là hàng hàng lớp lớp xe đạp và xe gắn máy. Điều này gợi tôi nhớ đến Bắc Kinh vào thập niên 1990. Vì ít hệ thống đèn giao thông, việc băng qua đường là cả một chuyện lớn.

Trong dòng xe cộ, gồm xe con, xe buýt, xe đạp và xe gắn máy, khó lòng tìm được một khoảng trống để chen chân vào. Điều cần thiết là tư duy: bạn phải chấp nhận lối suy nghĩ rằng bạn phải qua được bên kia đường một cách an toàn. Hãy bước từ từ, và quan trọng nhất là chớ mà dừng lại, vì làm thế sẽ gây bối rối cho tài xế, lại còn gây nguy hiểm thêm cho bạn nữa. Điều đáng ngạc nhiên là dòng xe sẽ cuộn quanh bạn như nước chảy quanh một hòn đá.

Mẹo vặt của tôi dành cho khách du lịch là: cứ bước tới, trong khi mắt vẫn nhìn vào dòng xe đang tiến về phía mình.

Ông thích món ăn Việt Nam nào nhất?
TLS Lê Thành Ân: Tôi thích nhiều món ăn Việt Nam, chẳng hạn chả giò, gỏi cuốn, chạo tôm, súp măng cua và bánh xèo. Nếu phải chọn món khoái khẩu nhất thì tôi chọn cơm tấm bì thịt nướng ăn với đồ chua. Chúng tôi sang Việt Nam đúng vào dịp Trung Thu, đi đâu cũng có thể mua được bánh Trung Thu.

Ông thích nhạc sĩ Việt Nam nào nhất? Và ông thích thể loại nhạc nào nhất?
TLS Lê Thành Ân: Phải nói là Trịnh Công Sơn! Ông quá sức phổ thông trong quảng đại quần chúng, là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ tầm cỡ mà chính nữ ca sĩ Joan Baez còn mệnh danh ông là “Bob Dylan của Việt Nam.” Ông từng là mục tiêu để cả hai miền Nam và Bắc trấn áp. Ông sáng tác những tập nhạc chất chứa nỗi hy vọng cho hòa bình và bình yên.

Mới gần đây, vợ chồng tôi đến chơi ở một phòng trà địa phương, nay thu hút đông dân trong vùng lẫn “Việt Kiều” đến nghe nhạc Việt và do một số nghệ sĩ trẻ Việt Nam trình bày. Chúng tôi rất cảm kích tài năng của những người trẻ này.

Để thấy tôi “lão làng,” bạn có biết rằng tôi thích đi xem hát “Cải Lương.” Cải Lương là một hình thức kịch nghệ dân gian của Việt Nam, pha lẫn giữa dân ca Nam bộ với cổ nhạc. Cải Lương có thể so với một loại thoại kịch có thêm thắt phần Vọng Cổ. Vọng Cổ (diễn giải cho văn vẻ có nghĩa là “nghĩ tưởng đến quá khứ”) là một lối hát với nhạc nền thường phụ họa bằng đàn tranh. Cải Lương thường ca ngợi giá trị đạo đức. Vở kịch được biểu thị đặc biệt bằng y phục rực rỡ đầy màu sắc; những mái tóc đẹp điểm tô sặc sỡ, những bộ chiến bào và nón trận tinh vi nghệ thuật. Lớn lên ở Việt Nam từ bé, vở tuồng tôi ưa thích nhất là Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, được viết phỏng theo truyện Tàu, nói về đôi tình nhân ưa thích bắt bướm.

Xin ông cho biết đôi nét về học vấn?
TLS Lê Thành Ân: Giáo dục chính thức của tôi ở Hoa Kỳ mang đến cho tôi nhiều thuận tiện lẫn cơ hội. Quanh tôi là vô số lãnh vực chuyên môn khiến tôi tha hồ chọn lựa. Tôi lấy xong bằng kỹ sư điện vào năm 1976, rồi bằng Cao Học về Khoa Học Quản Trị năm 1978, cả hai đều từ trường George Washington University ở Washington D.C.

Tôi gia nhập ngành ngoại giao vào năm 1991 sau khi làm công chức dân chính cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ được 15 năm. Theo thời gian, nhờ có kiến thức về ngành kỹ thuật, tôi có khả năng hiểu được sâu hơn và có thể bàn về những vấn đề liên quan đến lãnh vực kinh doanh nói chung.

Xin cám ông đã dành thời gian cho chúng tôi.

@NguoiViet

————————————————————————————————————————————————————————–