Day: 29/10/2010
Lịch sử và ý nghĩa lễ hội Halloween
Lễ Hội Halloween
Ngày cuối cùng của tháng Mười dương lịch là ngày Halloween. Đây là một lễ hội bắt đầu vào buổi chiều tối ngày 31-10 cho tới 12 giờ đêm. Trong dịp này, trẻ em và thiếu niên được mặc “y phục Halloween” để đi đến từng nhà, gõ cửa để nhận kẹo và chúc tụng… Theo tục lệ, các em nhỏ thường cầm theo lồng đèn làm bằng vỏ quả bí ngô được đục theo hình mặt người để ánh sáng xuyên ra ngoài…
Ngày Halloween bắt nguồn từ đâu?
Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp.
Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương Lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.
Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FẺALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc, còn có ngày “Các vong hồn” vào mồng 2 tháng 11. Tại Anh Quốc, Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night or Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phụng rang hoặc nhai “táo”.
Vào ngày “Các vong hồn,” những người nghèo đi “khất thực cô hồn” (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là “soul cakes” (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho “các vong hồn.”
Halloween đến Mỹ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.
————————————————————————————————–
HALOWEEN VÀ NGÀY HỘI CÀO LÁ PHONG!
Truyện ngắn : Hoàng Hạc
Guelph – Cái tên của thị trấn nhỏ bé này không mấy người biết đến. Anh bạn tôi, người đã sống ở Toronto Canada hơn chục năm, khi nghe tôi nói sẽ làm webmaster (nhân viên duy trì trang web) cho một công ty du lịch ở Guelph đã hét lên trong điện thoại: “Ủa!Thế mày lại đi sang Đức làm việc à?”.
Guelph cách Toronto 1 giờ lái xe, nơi cư ngụ của rất nhiều người già về hưu, một thị trấn “quá”yên tĩnh, như ngủ thiếp trong một khu rừng mọc bạt ngàn cây phong (Maple), cho nên rất nhiều người không biết đến nó là phải. Tôi đến Guelph vào tháng 10, đúng vào dịp “mùa chuyển màu lá Phong”(lá cây được lấy làm biểu trưng trên lá cờ Canada), và”mùa lá rụng”(the fall leaf). Đứng trên cầu Eramosa, ngắm nhìn dòng sông Speed nước trong vắt như tấm gương phản chiếu những hàng cây mọc như rừng trên hai bờ chỗ xanh, chỗ vàng rộm, có chỗ đỏ rực như máu khiến tôi thấy gai gai khắp người. Cảnh sắc ở Guelph đẹp quá, một cái đẹp u nhã, dường như thiên nhiên đang phổ vào màu sắc của lá tất cả vẻ huyền bí về cái đẹp của mình. Ngôi nhà tôi ở ngay sát mép bờ sông, có lẽ vì thế mà lá cây ở đây rụng sớm hơn chỗ khác. Lá phong rụng đầy vườn, tràn ngập cả các lối đi; những hàng cây quanh nhà đứng lặng im như chết và bóng hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà(Our Lady Church) in như vẽ trên mặt sông; tất cả tạo cho tôi một cảm giác kỳ lạ: thời gian như ngưng lại ở nơi đây, từ năm 1876, khi nhà thờ Đức Bà khánh thành. Vào những ngày cuối tháng 10 này, Guelph tổ chức đại lễ mừng thị trấn tròn 180 tuổi. Một ngày hội thực sự vui vẻ và náo nhiệt, vì trùng với ngày hội cào lá (the annual leaf-raking festival) và ngày Haloween(ngày hội hoá trang Thần Chết). Cờ Canada và cờ của thị trấn Guelph với con số 180 treo khắp mọi nơi. Nhà nào cũng treo một quả bí đỏ lớn khoét rỗng ruột và bên trong thắp nến hoặc bóng điện nhỏ. Những bộ quần áo ma chùm đầu màu đen treo phấp phới trên cây trước cửa nhà hoặc ở sân chơi. Nhiều người còn cầu kỳ làm người hình nộm ma quái cho ngồi ở ghế dài trong vườn hoặc đứng bắt chéo chân ngay cửa nhà. Người lớn và nhất là trẻ con mong nhất là ngày Haloween, vì tính chất đặc biệt ngộ nghĩnh của nó: Haloween là ngày mọi người hoá trang làm thần chết, làm ma đủ kiểu với đủ các thứ áo choàng khiếp đảm nhất, ăn uống, vũ hội, xin và chia kẹo cho trẻ con suốt đêm. Ven sông Speed là hội đèn lồng. Mọi người tự làm lấy các đèn lồng đủ kiểu. Trong bộ quần áo ma, họ đi lại vật vờ ven sông, khiến tất cả có cảm giác như mình đang sống lại cuộc sống cách đây vài thế kỷ.
Gõ cửa xin kẹo nhà tôi đầu tiên là em bé con ông hàng xóm. Em mới 5 tuổi, mặc bộ đồ chẽn võ sĩ màu đen, trông rất là ngộ nghĩnh.”I’m Ninja!”(Cháu là võ sĩ đạo) em bé tự giới thiệu mình, khiến cho bố mẹ em đang đứng chờ ngoài cổng cũng phải bật cười. Các em còn nhỏ quá, thường bố mẹ phải dẫn đi xin kẹo. Còn các em lớn hơn thì khỏi phải nói, chúng đi khắp thành phố, trở về nhà có khi với cả một tay đẫy túi vải kẹo, bánh. Tôi bật cười khi nhớ lại một chuyện nghe nói là có thật của một gia đình người Việt vùng nông thôn Nam bộ được con cái bảo lãnh đoàn tụ sang Canada: Họ đặt chân lên Canada đúng ngày Haloween, gia đình người da trắng đi đón ở phi trường về liền khoác ngay một bộ quần áo bao tải lam lũ, một cái bị và cây gậy cho đứa con nhỏ của đôi vợ chồng người Việt và ra hiệu bảo đi xin kẹo, bánh các nhà. Bà vợ người Việt liền khóc oà lên nức nở: “Ôi trời ơi! Tưởng là sang Canada làm gì, hoá ra nó bắt mình đi ăn mày!”
Ba giờ sáng, không ngủ được vì uống trà đặc, tôi liền đi dạo ven bờ sông.Cây phong sau nhà lá đã rụng hết, trơ ra bộ xương cây gầy guộc. Cú rất nhiều, cất tiếng kêu thảm thiết trong đêm. Mấy anh bạn da trắng ở Toronto nói với tôi rằng, Guelph là nơi nhiều ma nhất của Toronto, khiến cho tôi cũng có cảm giác hơi rờn rợn. Nhưng bầu trời mùa thu trong vắt không một gợn mây, không gian sực nức mùi lá phong khô rụng và mùi hoa lữ thảo, thứ hoa duy nhất nở vào mùa se lạnh, khiến cho tôi không có cảm giác sợ. Tôi cứ đi lang thang ven sông mãi, có lúc chợt như thấy mình bị lạc lối. Đây là nhà dân hay là công viên? Tôi không phân biệt nổi. Lá cây phủ đầy các lối đi, khiến thậm chí không tìm thấy cả lối đi nữa. Sương mù bắt đầu phủ xuống kín hết mặt sông và có chỗ che kín luôn cả mắt nhìn. Tôi không biết làm sao quay trở về nhà được, đúng lúc đang hoang mang cực độ, tôi chợt ngã xuống một hố đất sâu đầy lá, và kêu toáng lên “Help!Help!”(cứu tôi). Một tiếng cười dễ thương của con gái cất lên và một bàn tay ấm áp nắm lấy tay tôi kéo lên “ngày mai chỗ này sẽ tổ chức Hội cào lá”Cô gái nói và hỏi tôi ở phố nào “Phố vui vẻ”( Pleasant Rd.), tôi trả lời và chữa ngượng bằng cách tự thú mình mới tới Guelph được ít ngày. Cô gái cầm tay tôi và dẫn tôi đi trong sương mù lãng đãng. Cô hoá trang làm một mụ phù thuỷ có bộ mặt kinh tởm, nhưng tôi đoan chắc dưới mặt nạ đó là một khuôn mặt xinh đẹp và rất nhân ái. Tới chỗ ít sương mù, cô chỉ cho tôi đường về phố Pleasant, rồi không một lời chào tạm biệt, cô vụt biến mất như phù thuỷ thật sự. Từ phía xa xa vẳng lại tiếng chuông nhà thờ buồn bã, cô độc.
Gió bắt đầu thổi mạnh khi tôi về đến nhà. Lá rụng ào ào như thể đua nhau chạm mặt đất vững chãi để ngày mai là Hội cào lá. Mỗi chiếc lá rụng trong đêm, trông tựa như một thiên thần nhỏ bé vừa cất lên lời ca từ biệt cây. Người ta nói cây cũng như người. Vậy thì lá chắc phải là một mảnh linh hồn của cây trao cho đất mẹ. Một chiếc lá Phong rơi đúng vào cổ áo tôi. Tôi nhớ đến truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henry, tôi nhớ đến người bạn tôi ở Việt Nam gửi tôi một bài thơ, anh muốn viết một bài thơ về hoa sen, anh đã mất ngủ để cố tìm vần chọn chữ và bỗng phát giác ra, các chữ anh chọn, “mỗi chữ phải lách nghiêng qua một rừng thơ cổ”.
Đêm nay tôi cũng vậy, tôi cũng bị mất ngủ và cố đi tìm cho mình cái cảm giác của thời gian đứng dừng lại- Sự vĩnh cửu. Nhưng tôi chỉ thấy lá rơi, lá rơi trên vai các bức tượng ngoài công viên, rơi trên chiếc ghế đá lạnh, rơi trong sương mù. Về đến nhà tôi thấy lá rơi phủ kín hết thềm cửa. Tôi tự nhủ: Ngày mai mình cũng sẽ đi cào lá. Và đêm đó, tôi ngủ với chiếc lá vẫn còn trong cổ áo.
—————————————————————————————————
Bí mật của phụ nữ
Cánh đàn ông chuẩn bị giấy bút mà ghi chép nhé!
1. “Đừng cố gắng tìm hiểu xem điều gì sẽ khiến em vui. Vì ngay đến chính em cũng không biết câu trả lời”.
2. “Nếu em mời anh ăn kẹo cao su, có nghĩa là em muốn một nụ hôn sau đó. Nhưng chẳng có ý xúc phạm gì đâu, anh cứ ăn kẹo đi thôi”.
3. “Phụ nữ không phải lúc nào cũng ý thức được về vòng 1 của mình. Nếu chẳng may có cọ vào anh, cũng không hẳn là một dấu hiệu. À nhưng đôi khi thì cử chỉ đó đúng là một dấu hiệu”.
4. “Đừng tỏ vẻ như em không nói với anh khi có chuyện. Đây này: Em ngốn nhiều socola, dậm chân, khoanh tay trước ngực, khóc trước tấm thiệp Hallmark. Em đã nói tất cả những điều cần nói rồi”.
5. “Phụ nữ muốn được nghe rằng mình xinh đẹp. Anh hãy nói về điều đó, càng chi tiết càng tốt”.
6. “Đừng nói với em anh đang ăn kiêng khi đưa em ra ngoài ăn tối. Bởi đó chính là lý do em không đi cùng đám bạn gái của mình đấy”.
7. Đôi khi phụ nữ cũng mặc đồ bơi ở trong khi “đồ nhỏ” đã mang đi giặt hết.
8. “Em hơi rùng mình đấy khi thấy móng tay của anh còn dài và bóng hơn móng tay em. Anh có thể đi tiệm sửa móng, nhưng đừng công nhận thế, và càng không nên ham hố trò này”.
9. Trở thành người giống như mẹ mình là nỗi lo sợ lớn nhất của phụ nữ. Đừng bao giờ nhận xét rằng em giống mẹ.
10. Đôi khi phụ nữ phàn nàn về ngày “đến tháng” của mình chỉ để đàn ông cho họ được yên.
11. “Em biết đôi khi em cũng ngủ ngáy. Nhưng đừng nói với em điều đó”.
12. “Đôi khi em đưa anh đi dự tiệc, ăn tối, đến các sự kiện, đơn giản chỉ để nói: Người đàn ông này là của tôi. Nhớ lấy anh nhé!”.
13. Khi anh yêu cầu được trả tiền và em từ chối, hãy nằn nỉ thêm lần nữa”.
14. “Nếu chúng mình đi xem phim, đừng bỏ qua bữa tối sau đó”.
15. “Em cũng muốn anh dành thời gian cho các chiến hữu để tụ tập. Thực tế là, nếu không giao du với một nhóm bạn trai, anh sẽ kém hấp dẫn hơn trong mắt em đấy”.
Huyền Anh ( Theo FZ)
@ DanTri
—————————————————————————————————
ASEAN mong muốn tăng cường gắn kết với Hoa Kỳ
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tức ASEAN, vừa khai mạc chiều hôm nay tại Hà Nội với sự thể hiện rõ mong muốn tăng cường sự gắn kết giữa tổ chức khu vực này với Hoa Kỳ. Từ địa điểm diễn ra hội nghị ở Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội, Phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.
Tấn Chương

Hình: ASSOCIATED PRESS
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp hình lưu niệm tại lễ khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/10/2010
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, nước chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2010, đã nêu rõ mong muốn tăng cường các mối liên kết của của tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên này với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng: “Tại hội nghị lần này, ngoài Cấp cao hàng năm ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, sẽ diễn ra Cấp cao ASEAN với các đối tác Australia, New Zealand, Nga và Liên Hợp Quốc. ASEAN cũng đã họp Cấp cao lần thứ hai với Hoa Kỳ, thoả thuận sẽ nâng quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ lên tầm cao mới.”
Trong loạt hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra cho đến thứ Bảy này, Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham dự của Nga và Hoa Kỳ đang thu hút nhiều sự chú ý.
Trả lời các phóng viên báo chí tại tại hội nghị, ông Phạm Công Vinh, Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, nói ASEAN quyết định bắt đầu quá trình mời Nga và Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á với tư cách là thành viên chính thức .
Ông Phạm Công Vinh: “Quyết định rất quan trọng lần này của các nhà lãnh đạo Đông Á tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 5 là mời tổng thống Nga và tổng thống Mỹ tham dự với tư cách là thành viên chính thức bắt đầu từ sang năm. Đây là quá trình khởi động sự chuẩn bị đó. Đây không phải là lần đầu tiên, nhưng lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Nhìn lại năm 2005, tổng thống Nga lúc đó đã là khách mời của Hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên, nhưng lần mời này có ý nghĩa đặc biệt, đó là một quá trình thực sự cho Nga và Mỹ tham gia vào Hội nghị cấp cao Đông Á với tư cách là thành viên chính thức.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton theo trù tính sẽ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á vào sáng thứ Bảy này tại Hà Nội.
————————————————————————————————–
Phỏng vấn ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam
Lần đầu tiên một người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Lê Thành Ân, năm nay 56 tuổi, đã đến Sài Gòn hồi đầu tháng 8 để bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm tại quê cha đất tổ của mình. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA, ông Ân chia sẻ cảm nghĩ khi nhận chức vụ này và những ưu tiên hàng đầu của ông, một quan chức Mỹ gốc Việt, trong sứ mạng làm cầu nối ngoại giao giữa hai nước Việt-Mỹ

Hình: hochiminh.usconsulate.gov
Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam
Trà Mi: Xin cảm ơn ông Tổng Lãnh sự dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. Câu đầu tiên xin được hỏi ông, là vị Tổng Lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại VN, cảm xúc của ông ra sao?
Ông Lê Thành Ân: Tôi nghĩ rằng tôi là người may mắn, và chính phủ, Bộ Hải quân, Sở Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, cũng như đất nước Hoa Kỳ đã mang đến cho tôi những cơ hội này. Tôi là một trong những người may mắn nhất trên thế giới vì được ơn trên phù hộ nhiều mặt. Tôi lớn lên trong một gia đình tuyệt vời, có một sự nghiệp tốt, và giờ đây, chúng tôi gọi nước Mỹ là nhà. Mỗi ngày tôi đều thầm cảm ơn trời Phật vì những phước lành này. Sau 45 năm kể từ ngày tôi rời Việt Nam hồi còn nhỏ và 35 năm làm công chức Mỹ, phải nói là tôi không tưởng tượng là cuộc đời của mình sẽ đi theo hướng này. Ngay từ nhỏ, tôi chỉ mong ước trở thành một kỹ sư hay một kiến trúc sư và có một gia đình, thế thôi. Thật tình tôi không nhận thức rõ về giá trị và ý nghĩa của nhiệm vụ này đối với bản thân mình và những người khác cho tới khi nhận được hàng loạt thư, thiệp, và email ồ ạt gửi tới tôi hồi mấy tháng trước. Tôi nhận được chia sẻ của những người Mỹ gốc Việt từ nhiều vùng trên đất nước Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Tôi nghe nhiều người nói nhiệm vụ này là sự khẳng định rằng ở Mỹ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhờ sự chăm chỉ và tận tụy. Đây cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ giờ đây vững chắc như thế nào.
Trà Mi: Ngoài là vị Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Việt Nam, ông cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, ông có thể cho biết những yếu tố nào, động cơ nào đưa ông tới vị trí hôm nay?
Ông Lê Thành Ân: Tôi không chắc tôi là viên chức cao cấp nhất người Mỹ gốc Việt trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng tôi tin rằng tôi là viên chức ngoại giao người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cấp hàm Tham tán Công sứ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tôi là người sau cùng.
Trà Mi: Ông có kinh nghiệm đa dạng về nghề nghiệp và học vấn. Cơ duyên nào khiến ông chuyển hướng nghề nghiệp sang ngành ngoại giao? Là một người gốc Việt tham gia ngành ngoại giao Mỹ có những khó khăn, thử thách gì chăng, thưa ông?
Ông Lê Thành Ân: Học vấn của tôi tại Hoa Kỳ mang đến cho tôi nhiều thuận lợi và cơ hội. Tôi có bằng Cử nhân khoa học chuyên ngành Kỹ thuật điện năm 1976 và Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Quản trị Kỹ thuật năm 1978 từ đại học George Washington ở thủ đô nước Mỹ. Tôi gia nhập Sở Ngoại vụ năm 1991 sau 15 năm làm công chức trong Bộ Hải quân Mỹ. Cùng với thời gian, tôi nhận ra mình muốn làm một điều gì đó hơn là một kỹ sư. Cái hay của một nền học vấn ở Mỹ là nó mở rộng các cơ hội cho mình, và tôi đã tận dụng được điều này. Hai thập niên trước, tôi đã bước vào Sở Ngoại vụ để đại diện cho đất nước Hoa Kỳ, giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ ngoại giao vững mạnh với các quốc gia trên thế giới.
Trà Mi: Một người con sau 45 năm trở lại quê cha đất tổ, cảm tưởng và ấn tượng khó quên nhất trong ông là gì?
Ông Lê Thành Ân: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhà của gia đình chúng tôi trong 3 năm tới. Cuộc sống ở Việt Nam mang đến cho tôi nhiều thuận lợi về văn hóa và ngôn ngữ. Kể từ khi tới đây hồi đầu hè tới giờ, chúng tôi thích thú nhận ra rằng đây là một thành phố năng động và đầy sức sống. Dù các công trình xây dựng đang mọc lên trên khắp thành phố mới ngày nay, nhưng thành phố Sài Gòn ngày xưa vẫn còn hiện hữu trong tôi và tôi vẫn nhận ra một vài chỗ mà tôi đã biết từ hồi nhỏ.
Trà Mi: Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có quá trình lịch sử đặc biệt, và hiện vẫn còn những khác biệt tồn tại, vai trò cầu nối của ông Tổng lãnh sự người Mỹ gốc Việt chắc chắn có sẽ những nét đặc biệt hơn so với những vị Tổng lãnh sự Mỹ trước đây tại Việt Nam, vốn là người nước ngoài. Theo ông, những khác biệt chính là gì và ông mường tượng những thuận lợi và thử thách trước mắt như thế nào?
Ông Lê Thành Ân: Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù nhân thân và tiểu sử gia đình tôi mang đến một nét mới trong mối quan hệ Việt-Mỹ, nhưng vai trò của tôi trong việc nối kết hai quốc gia không khác biệt so với những người tiền nhiệm. Mỗi vị Tổng Lãnh sự có thể có những mối quan tâm, các lĩnh vực đặt trọng tâm, và các ưu tiên riêng, nhưng vai trò phục vụ cơ bản của một Tổng Lãnh sự không thay đổi. Cũng như các vị tiền nhiệm, tôi có mặt ở đây để thực hiện những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam. Tôi tới đây để phát huy quan hệ Việt-Mỹ và sự hiểu biết song phương. Tôi hiểu rõ các áp lực từ những kỳ vọng đối với tôi, một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt, được cử sang làm việc tại Việt Nam. Tôi hiểu rằng nhiều người trên khắp nước Mỹ trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước.
Trà Mi: Mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp là mong đợi của cả đôi bên, ông Tổng Lãnh sự sẽ góp phần cụ thể ra sao giúp hiện thực hóa niềm mong mỏi này? Lĩnh vực nào ông đặc biệt quan tâm và sẽ đặt trọng tâm?
Ông Lê Thành Ân: Năm nay, hai nước kỷ niệm 15 năm bang giao chính thức và chúng ta có nhiều điều phải tự hào. Quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển về nhiều mặt dựa trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và trong các lợi ích lâu dài của đôi bên. Một dấu hiệu của mối quan hệ ngày càng sâu đậm là hai nước tiếp tục có những sự trao đổi ngoại giao cấp cao. Một khía cạnh đặc biệt của mối quan hệ đang nảy nở là trao đổi mậu dịch song phương trị giá hiện nay lên tới trên 15 tỷ đô la mỗi năm và đang tiếp tục phát triển. Hoa Kỳ là một thị trường tốt cho Việt Nam. Chiếm phần lớn trong khoản 15,4 tỷ đô la đó là hàng hóa và các dịch vụ mà Mỹ mua của Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ cũng bán các sản phẩm và dịch vụ mà các doanh nghiệp cũng như giới tiêu thụ Việt Nam cần, và những lĩnh vực này cũng đang phát triển. Sáng kiến Xuất khẩu Toàn quốc mới đưa ra của Tổng thống Obama đề ra mục tiêu nhân đôi lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm, và chúng tôi tin Việt Nam có tiềm năng giúp chúng tôi đạt được mục tiêu.
Thật ra, theo tôi, không phương thức nào cải thiện quan hệ song phương Việt-Mỹ tốt hơn là thông qua việc tăng cường trao đổi kinh tế giữa đôi bên. Đem hàng hóa Mỹ tới Việt Nam mở rộng sự lựa chọn cho giới tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm chất lượng cao làm phong phú đời sống người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ giao thương, phân phối và bán lẻ các sản phẩm này tạo công ăn việc làm cho người người dân cả hai nước. Trong sứ mạng tại Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực để chứng minh giá trị giao thương với Hoa Kỳ. Một khía cạnh khác mà tôi muốn tập trung vào là tăng cường môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã biểu hiện những tỷ lệ tăng trưởng rất ấn tượng. Nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải cách kinh tế thị trường đã khiến các nhà đầu tư tương lai ngày càng quan tâm hơn đến thị trường này. Nhiều người Mỹ muốn đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc vượt qua các luật lệ phức tạp chi phối các giao dịch tài sản, các vấn đề về thuê mướn lao động, thuế vv.. Việtkiều có thể còn có nhiều quan ngại hơn nữa. Một số người tự hỏi xem trở lại Việt Nam làm ăn có an toàn hay không.
Tôi tin cộng đồng đầu tư ở Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư Việt kiều, là nguồn lực lớn lao Việt Nam cần có để chuyển đổi thành một nước công nghiệp như mục tiêu mà Việt Nam hy vọng đạt được vào năm 2020. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên nỗ lực thu hút nhiều thêm nữa những Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới, những người có thể đóng góp chuyên môn và sáng kiến cho quê cha đất tổ của mình. Và dĩ nhiên, giúp tạo ra những cơ hội này là một trong những lĩnh vực trọng tâm của tôi.
Trà Mi: Là người có nhiều kinh nghiệm về an ninh-chính trị-kinh tế tại Châu Á, ông nhận xét ra sao về diễn tiến tình hình tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chính phủ Hoa Kỳ đang quan tâm?
Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển hòa bình và an ninh trong khu vực, kể cả trong vùng Biển Nam Trung Hoa. Mỹ, Việt Nam, cùng các nước khác cả trong lẫn ngoài khu vực đều nhận thấy nhu cầu phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và thương mại. Hoa Kỳ cho rằng các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ là điều mà các bên tuyên bố phải tự giải quyết, nhưng chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc căn bản nhất định, trong đó có cam kết về “tiến trình cộng tác ngoại giao” để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
Trà Mi: Là nhà ngoại giao Mỹ đến Việt Nam làm việc, ông Tổng lãnh sự nghĩ sao về quan tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại kêu gọi dân chủ cho Việt Nam?
Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ cam kết phát huy tôn trọng nhân quyền và dân chủ trên khắp thế giới. Các giá trị cơ bản mà chúng tôi cổ xúy bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do báo chí, tự do lập hội, các quyền không bị tra tấn, quyền lao động, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, bảo vệ các thành phần thiểu số, cũng như buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm với những cam kết của họ dưới những công ước quốc tế về nhân quyền. Chúng tôi có nhiều cách để đưa ra các vấn đề này ra với chính phủ Việt Nam, trong đó có việc thường xuyên nêu các quan ngại của chúng tôi tại các cuộc gặp cấp cao ở Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ. Ví dụ như hồi tháng 9, trong cuộc họp của giới lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN tại New York, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hà Nội. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với các giới chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, các quan chức Mỹ đã thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong cuộc đối thoại thường niên về vấn đề lao động diễn ra ở Hà Nội và sẽ tiếp tục thảo luận vào tháng 12 tới đây trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên cũng tại Hà Nội.
Trà Mi: Gần đây một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Cồn Dầu, một cáo buộc bị chính quyền Việt Nam phủ nhận. Có tin cho hay ông Tổng Lãnh sự có đến thăm giáo xứ Cồn Dầu, xin ông cho biết quan điểm của ông như thế nào?
Ông Lê Thành Ân: Vâng gần đây tôi có đi Đà Nẵng nhưng không đến thăm Cồn Dầu. Tuy nhiên, các giới chức trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội có tới đây. Họ đã tiếp xúc với các giới chức công giáo, các thành viên của giáo đoàn, và chính quyền địa phương ở Cồn Dầu và Đà Nẵng. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ ở Washington cũng đã thảo luận với quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam về tình hình ở Cồn Dầu. Trong các cuộc thảo luận này, giới chức Hoa Kỳ đã kêu gọi các bên nên kiềm chế và giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và theo đúng luật pháp Việt Nam. Nhìn chung, Việt Nam có thành tích tốt về cải thiện quyền tự do tôn giáo, nhưng các vụ việc sử dụng bạo lực làm mờ đi tiến bộ đó.
Trà Mi: Trước khi chia tay, ông Tổng Lãnh sự có đôi lời tâm tình bằng Việt ngữ với thính giả của đài VOA chăng?
Ông Lê Thành Ân: Tôi rất vui được chia sẻ với thính giả của đài VOA vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm làm Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM về những trải nghiệm cá nhân cũng như vai trò của tôi trong việc tăng cường hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia. Tôi rất vui được phục vụ với tư cách là đại diện cho Tổng thống Obama. Tôi sẽ củng cố sự tin cậy này bằng việc đại diện cho các giá trị, mục tiêu, và chính sách của Hoa Kỳ.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Tổng Lãnh sự đã dành cho VOA Việt Ngữ cuộc phỏng vấn này.
@ VOA
—————————————————————————————————
Mao Ðặng Giang Hồ; Tập
Ngô Nhân Dụng
Năm 1848 Karl Marx sống ở London in tập sách mỏng Tuyên Ngôn Cộng Sản, mở đầu một phong trào làm đảo lộn thế giới trong thế kỷ sau. Tuy chủ nghĩa cộng sản của ông đã cáo chung khắp Âu Châu từ năm 1990, đến bây giờ vẫn còn chính quyền nhiều nước tự nhận họ theo chủ thuyết của ông. Trong đó có Trung Quốc.
Gần đây, trong một hội nghị của nhiều nhà trí thức ở Bắc Kinh, ông Tân Tử Linh (Xin Ziling) đã đặt một câu hỏi thú vị. Ông hỏi: Nếu nước Anh thời Karl Marx sống cũng giống như Trung Quốc ngày hôm nay thì liệu ông ta có thể ấn hành cuốn Tuyên Ngôn Cộng Sản hay không, khi mà nhà nước cấm đoán các quyền tự do dân sự? Chắc chắn là không, vì sẽ không được cấp giấy phép. Nhà cầm quyền Anh vào thế kỷ thứ 19 sẽ hỏi Marx: Anh dám tiên đoán rằng hệ thống kinh tế tư bản sẽ biến mất hả? Anh không được phép nói như vậy! Tân Tử Linh nêu câu hỏi đó để bênh vực một ký giả Trung Hoa, Tạ Triều Bình (Xie Chaoping) bị bắt sau khi cho xuất bản một cuốn sách, không lớn tiếng như bản tuyên ngôn của Marx, nhưng chỉ tường thuật những hoạn nạn của hàng triệu nông dân Trung Hoa trong thập niên 1950, khi Mao Trạch Ðông ra lệnh xây Ðập Tam Môn, ngang sông Hoàng Hà trong tỉnh Thiểm Tây. Cuốn sách được in như phụ bản của một tờ tạp chí, nên không cần xin phép. Nhưng cảnh sát Bắc Kinh vẫn bắt ông về tội “kinh doanh bất hợp pháp” (coi việc in sách là một vụ kinh doanh). Sau cuộc họp mặt trên, giới trí thức ở thủ đô Trung Quốc đã ký chung một lá thư gửi Quốc Hội để yêu cầu nhà nước thi hành các quyền tự do ghi trong Hiến Pháp. Ông Tạ Triều Bình đã được tự do sau khi đóng tiền thế chân, nhưng cảnh sát tỉnh Thiểm Tây đang chuẩn bị hồ sơ đưa ông ra tòa, vẫn về tội “in sách không xin phép.”
Câu chuyện trên đây cho thấy giới trí thức Trung Hoa trong lục địa hiện nay có rất nhiều người can đảm đang lên tiếng đòi cho người dân được hưởng những quyền tự do dân chủ căn bản. Trong lá thư gửi Quốc Hội, họ dám nói thẳng rằng chế độ hiện tại là “Dân Chủ giả,” gọi đó là một vết nhơ trong lịch sử thể chế dân chủ trên thế giới! Các người ký tên cũng lên án việc báo chí của nhà nước cộng sản đã kiểm duyệt không đăng những lời của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo gần đây, khi ông nói nhiều lần rằng Trung Quốc cần phải cải tổ chính trị thì mới bảo vệ được các thành quả do cải cách kinh tế đem lại.
Cuộc họp mặt viết thư trên xảy ra trong tuần lễ Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc họp bí mật nâng ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) lên một chức vụ mới, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Hành động này chuẩn bị cho ông Tập lên thay Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch đảng Cộng Sản vào năm 2012, và làm chủ tịch nước vào năm sau. Ông Tập Cận Bình có hai năm để chuẩn bị đóng vai hoàng đế nước Trung Hoa cộng sản; nhưng ai cũng thấy ông sẽ phải đối diện với một nước Trung Hoa đang thay đổi. Giới trí thức Trung Hoa không còn ngoan ngoãn theo lệnh đảng cộng sản nữa. Ông Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù và được trao giải Nobel Hòa Bình, biến cố đó càng khích lệ những người thiết tha đến quyền tự do dân chủ thiết yếu của người dân Trung Hoa.
Một điều ông Tập Cận Bình chắc không lấy làm hãnh diện là ông được tấn phong cùng một thời gian với Kim Chính Ân (Kim Jong Un)! Cậu con út nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Nhật cũng được một đại hội đảng nâng lên làm phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, để xác định vị trí sẽ lên ngôi thay ông bố đang bệnh nặng. Hai chế độ cộng sản cùng họp trong vòng bí mật như nhau, cùng công bố tên vị “đông cung thái tử” qua địa vị số 2 trong quân ủy.
Nhưng hai cuộc tấn phong thái tử chỉ giống nhau tới đó thôi, ngoài ra có rất nhiều điều khác biệt. Vì Trung Quốc không còn là một nhà tù kín bưng như Bắc Hàn nữa. Sau hơn 30 năm cải cách kinh tế từ thời Ðặng Tiểu Bình, ngày nay một tầng lớp trung lưu đã thành hình đang biểu lộ nhu cầu cải tổ chính trị. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã phải nới lỏng vòng kiềm tỏa.
Chúng ta không biết chắc việc cải tổ chính trị có thể diễn ra trong 5 năm mà ông Tập Cận Bình đóng vai hoàng đế hay không, nhưng có thể biết chắc là người dân Trung Hoa sẽ thúc đẩy đảng cộng sản phải cải tổ chính trị, không thay đổi cũng không được. Bình luận về việc giải Nobel được trao cho Lưu Hiểu Ba gần đây, nhà tranh đấu dân chủ Ngụy Kinh Sinh nhận xét rằng giới tranh đấu ở Trung Quốc hiện nay khác với thế hệ ông trước đây 20 năm. Ngày xưa, Ngụy Kinh Sinh, Phương Lệ Chi, và các nhà dân chủ khác thường đấu tranh đòi phải thay đổi chế độ cộng sản, và thay đổi ngay lập tức, để thiết lập thể chế tự do dân chủ. Ngày nay, hầu hết các nhà trí thức dân chủ trong lục địa không theo lối đó. Họ tranh đấu trong vòng giới hạn của chế độ, họ chỉ lên tiếng yêu cầu chính quyền cộng sản thi hành bản Hiến Pháp mà chính họ vẽ ra, từng quyền tự do cụ thể một như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do cư trú (bãi bỏ chế độ hộ khẩu), tự do di chuyển, vân vân. Lưu Hiểu Ba, khi viết Hiến Chương 08 đã theo lối đó. Phương pháp tranh đấu của giới trí thức Trung Quốc ngày nay cũng dùng các phương tiện mới mà thế hệ Ngụy Kinh Sinh chưa có, đó là Internet. Nhờ thế, ảnh hưởng của các nhà tranh đấu trên giới trẻ cũng mạnh hơn, khiến đảng cộng sản phải tôn trọng những ý kiến mà họ nêu lên hơn.
Do đó, chúng ta hiểu được tại sao ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng chính quyền cộng sản, đã nói đến nhu cầu cải tổ chính trị từ Tháng Tám vừa qua. Ông nhắc lại nhiều lần ý kiến đó, tuy nhiên không đưa ra một biện pháp cụ thể nào cả. Có thể nói Ôn Gia Bảo muốn được ghi tên trong lịch sử như một nhà lãnh đạo có ý hướng dân chủ hóa, trong hai năm sau cùng mà ông còn ngồi trên ghế “tổng lý quốc vụ viện.” Hoặc, ông ta muốn mở hé cánh cửa cho thế hệ sau đứng ra làm công việc dân chủ hóa.
Sau 60 năm thiết lập chế độ cộng sản, Tập Cận Bình sẽ là thế hệ lãnh đạo thứ năm; kế thừa Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Ðào. Trong 60 năm vừa qua, việc tấn phong một người lên ngôi cửu ngũ ở Bắc Kinh chỉ có một lần diễn ra trong hòa bình, có trật tự. Ðó là khi Hồ Cẩm Ðào lên thay Giang Trạch Dân năm 2002. Trước đó, những cuộc đổi ngôi đều tiếp theo sau các cuộc thanh trừng nội bộ hoặc đàn áp đẫm máu, như biến cố Thiên An Môn mở đường cho Giang Trạch Dân được đưa từ Thượng Hải về nhậm chức tổng bí thư. Nhưng việc lên ngôi của Tập Cận Bình sắp tới cũng khác với Hồ Cẩm Ðào trước đây. Vì không phải Giang Trạch Dân đã chọn Hồ Cẩm Ðào làm người kế vị, mà chính Ðặng Tiểu Bình, trong lúc còn sống là người đã chỉ định Hồ Cẩm Ðào lên ngôi sau Giang. Họ Ðặng qua đời năm 1997, năm 2002 Hồ Cẩm Ðào mới nhậm chức, cho thấy quyền uy của vị “thái thượng hoàng” này lớn mạnh như thế nào, cả sau khi đã chết.
Năm nay, việc tấn phong Tập Cận Bình khác hẳn lần trước. Vì được Ðặng Tiểu Bình chỉ định nên Hồ Cẩm Ðào đã được vào Thường Vụ Bộ Chính Trị từ 1992, 10 năm trước khi lên ngôi chủ tịch. Năm 1999, Hồ Cẩm Ðào được phong phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, 3 năm trước khi lên ngôi. Lần này, Tập Cận Bình bị chậm trễ trong cả hai vụ. Ông ta chỉ được vào Thường Vụ 5 năm trước khi lên làm chủ tịch đảng, (nếu ông sẽ lên chức đó năm 2012). Năm ngoái, đến kỳ hạn 3 năm trước năm 2012, nhiều quan sát viên đã chờ coi Tập Cận Bình được phong chức trong Quân Ủy; nhưng việc đó không xảy ra. Khi đó, nhiều người đã nghi ngờ có một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Cộng Sản Trung Hoa. Năm nay, Tập Cận Bình được tấn phong, chậm hơn Hồ Cẩm Ðào một năm, cho thấy địa vị của ông ta không chắc đã vững, như họ Hồ trước đây!
Cuộc đấu tranh quyền lực có thật. Trong nội bộ Cộng Sản Trung Quốc có ít nhất hai phe. Năm 2007, Hồ Cẩm Ðào đã chọn hai người trẻ trong lứa tuổi 50 vào cho đủ 9 người trong Thường Vụ Bộ Chính Trị: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (Li Keqiang) chuẩn bị cho họ lên thay Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo. Họ Tập và họ Lý thuộc hai nhóm khác nhau trong Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc. Tình trạng phân chia hai khối này được báo Thanh Niên của cộng sản Trung Quốc gọi là “Chính địch đoàn đội,” nghĩa là chia hai đội đối địch với nhau về chính sách.
Nhóm thứ nhất, do Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo cầm đầu, đa số là những người đã cộng tác với Hồ Cẩm Ðào trong Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản; họ được gọi là “Ðoàn phái,” tức là phe trong Ðoàn Thanh Niên. Hiện nay phái này chiếm 23% các ghế trong Trung ương Ðảng và 32% Bộ Chính Trị. Lý Khắc Cường thuộc nhóm này.
Nhóm thứ hai gồm những đảng viên già như Giả Khánh Linh, Ngô Bang Quốc, và những người trẻ thuộc thế hệ thứ năm như Bạc Hy Lai (bí thư thành ủy Trùng Khánh), Vương Kỳ Sơn, phó thủ tướng. Khác với “Ðoàn phái,” những người thuộc nhóm thứ hai này liên hệ với nhau qua mạng lưới “con ông cháu cha” vì là con cái những người lãnh đạo cộng sản lớp trước. Tập Cận Bình, con trai của Tập Trọng Huân, một thành viên Bộ Chính trị, đã giữ chức phó thủ tướng thời Ðặng Tiểu Bình, thuộc nhóm “Vương tôn” này. Nhóm Vương Tôn chiếm 28% ghế trong Bộ Chính Trị.
Hai nhóm “Chính địch” trên đây có những khả năng và ưu tiên khác nhau. Nhóm Ðoàn Phái có kinh nghiệm nhiều về tổ chức đảng, tuyên truyền vận động trong quá trình sinh hoạt, cho nên được coi là có khả năng để đối phó với những bất ổn xã hội khi người dân oán hận các chính sách cướp đất của đảng. Nhóm Vương Tôn ngược lại, thường xuất thân từ các tỉnh trù phú ven biển, nơi việc cải cách kinh tế tạo nên cảnh phồn thịnh ngoạn mục, họ có kinh nghiệm trong các lãnh vực tài chánh, thương mại quốc tế, ngoại giao và kỹ thuật.
Về chính sách đối nội, nhóm Vương Tôn chủ trương tiếp tục cải tổ kinh tế và cho giới kinh doanh tư được phát triển thêm; giữ chỉ tiêu phải phát triển kinh tế với tốc độ cao như cũ. Ngược lại, nhóm Ðoàn Phái quan tâm đến những hậu quả xã hội và chính trị của việc phát triển kinh tế; đặc biệt là tình trạng chênh lệch giầu nghèo giữa thành phố và thôn quê, giữa miền ven biển và vùng sâu trong lục địa. Họ chủ trương việc phát triển hệ thống an sinh xã hội và giảm bớt bất công quan trọng hơn việc giữ tỷ lệ phát triển cao.
Việc tấn phong Tập Cận Bình có thể cho thấy phe Vương Tôn đã thắng một hiệp trong cuộc đấu quyền lực. Ðó cũng có thể là một bước đi ngược với 8 năm của Hồ Cẩm Ðào, khi nhóm Ðoàn Phái chiếm ưu thế. Nhưng khi nhóm Vương Tôn nắm hết quyền hành thì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chú trọng đến kinh tế nhiều hơn các vấn đề chính trị, xã hội, do đó khó nói chuyện cải tổ chính trị như ông Ôn Gia Bảo đang cổ võ. Trừ khi khát vọng tự do dân chủ của giới trung lưu đang thành hình sẽ lên cao, trở thành một phong trào không thể cưỡng lại được. Khi đó, đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải nhờ đến nhóm Ðoàn phái đứng ra đảm nhiệm việc “trị an!”
Vì vậy, hai, ba năm nữa khi Tập Cận Bình lên ngôi chủ tịch đảng và nhà nước, Lý Khắc Cường sẽ được chuẩn bị đóng vai thủ tướng. Sau bốn thế hệ Mao, Ðặng, Giang và Hồ, thế hệ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chia nhau những kinh nghiệm gian khổ thời niên thiếu, họ đều là nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa thời 1970. Hy vọng là nhờ kinh nghiệm đó họ sẽ ý thức được rằng quyền hành sinh ra nhũng lạm, quyền hành càng lớn thì nhũng lạm càng lớn. Hơn nữa, trong một chế độ độc tài, không có gì chắc chắn là những tài sản và địa vị mà họ đạt được hôm nay sẽ được pháp luật bảo vệ. Ðó là lý do phải xây dựng một chế độ tự do dân chủ.
Biết như vậy thì nhà nước cộng sản Trung Quốc nên cho phép ấn hành Hiến Chương 08, cho phép phổ biến rộng rãi; và hãy trả tự do cho tác giả chính là ông Lưu Hiểu Ba. Hiến Chương 08 sẽ ảnh hưởng đến lịch sử Trung Hoa trong thế kỷ 21 này và sau nữa, không khác gì bản Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx ảnh hưởng trên thế kỷ 19, 20.
@ NguoiViet
—————————————————————————————————