—————————————————————————————————–
Day: 30/10/2010
Ảnh ấn tượng
Phạm Lưu Vũ – về cái sự “Nhậu“
Tiểu luận
Cái chõng tre (hoặc cái bàn mộc cũ kĩ) giữa lòng Hà nội, trên đó bày mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chai rượi trắng, chiếc điếu cày, ống đóm, ngọn đèn dầu… và một cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc nước trà đặc quánh, nghi ngút hương thơm. Tất nhiên không thể thiếu chiếc ghế băng cũ kĩ, đã lên nước nâu bóng nằm hờ hững phía bên ngoài, dăm chiếc ghế nhựa oắt con, cơ động mà kích thước và sức chịu lực được tính toán vừa đủ với kích cỡ và trọng lượng của giống người mũi tẹt, da vàng… Đấy là vật.
Còn người thì bên trong cái chõng (hoặc cái bàn) cổ kính ấy, thế nào cũng có hoặc một ông già, hoặc một bà lão răn reo phúc hậu, sẵn sàng lặng thinh trước thời cuộc mà cũng sẵn sàng góp vào đôi ba câu chuyện… Khỏi nói thì ai cũng biết đó là một trong vô vàn quán nước trà ở Thủ đô. Và gần đấy, thế nào cũng có một hàng phở, hàng bánh cuốn hay bún ốc, bún riêu gì đó, đại loại là một hàng quà sáng…
Sở dĩ có sự “cộng sinh” muôn đời ấy giữa “ăn” và “uống” bởi quán ăn ở Hà thành thường chỉ phục vụ ăn với lau mồm qua loa bằng những mảnh giấy đủ màu trắng đục, xanh, vàng, tím… (không thể trắng tinh bởi chúng được tái chế bằng giấy loại), cắt vuông vắn mỗi chiều năm xăng ti mét. Còn súc miệng xỉa răng ư? Xin mời bước đi chỗ khác. Người Thủ đô vốn thong thả, đường hoàng, súng bắn đến đít cũng không việc gì phải vội. Còn gì lý tưởng hơn là sáng nào điểm tâm xong cũng lê đến gọi một cốc trà nghi ngút ấy, ngắm phố phường mà thả ra mấy câu chuyện gẫu, lạ quen gì thì cũng sẵn sàng góp mỗi người vài câu, từ chuyện thế sự trên trời đến chuyện bóng đá, chuyện yêu đương, ngoại tình… Nhất là chuyện ăn cắp, ăn trộm của thiên hạ thì có mà “bàn” đến cả trăm năm cũng không hết. Thế rồi hờ hững ngó đồng hồ, thế rồi uể oải đứng lên… thế rồi lừ lừ trôi đến cơ quan có khi lại bắt đầu một câu chuyện gẫu khác…
Cách Thủ đô một ngàn rưởi cây số về phía Nam là Sài gòn thì bói không ra một quán nước trà như thế. Thay vào đó là nhan nhản quán cà phê. Những nơi này với ưu thế đèn mờ, tranh tối tranh sáng lại có âm nhạc xập xình dậm dựt, được sinh ra chủ yếu để phục vụ các cặp tình nhân, hoặc là nơi thả hồn của các thi sĩ giữa lúc nghĩ hai bài thơ không đầu không cuối, không để làm gì, hoặc có khi là nơi định thần, âm u tưởng tượng của những nhà văn đang bị khủng hoảng (thừa) các đề tài ca ngợi, yêu đương, hay thất tình tay ba tay bốn… đến nỗi không thèm viết thì thôi, cứ động viết ra là y như chữ nào, chữ nấy cứ… rối rít cả lên. Ngoài những công dụng cực kì nhân sinh, tràn trề lãng mạn như thế, các quán cà phê kiểu ấy còn là một chốn lý tưởng để cho những hạng con buôn hẹn hò, chụm đầu bàn bạc những áp phe không thể nào minh bạch…
Sài gòn không cần sự “cộng sinh” giữa “ăn” và “uống” như Thủ đô ngàn năm văn vật, bởi các quán ăn sáng phục vụ luôn việc súc miệng, xỉa răng với cả lau mồm. Cũng vẫn cuộn giấy (…) xinh xắn, mềm mại và tròn xoe mua ở chợ hay siêu thị ấy thôi, nhưng dùng để chùi mồm thì nó được đựng trong những chiếc hộp nhựa dựng đứng, khách cứ việc thò ngón tay rút từ giữa lõi ra cho có vẻ ngược lại với quy trình diễn ra trong nhà vệ sinh. Đừng có dại mà liên tưởng, kẻo lại bảo là ghê mồm(!). Người Sài gòn vốn có tác phong công nghiệp, biết thời gian là vàng ngọc nên phải tranh thủ thời gian. Khách ăn xong làm thủ tục vệ sinh mồm mép cho nhanh rồi hối hả đến sở làm. Rất hiếm một câu chuyện gẫu diễn ra trong cái chốn sì soạp húp, chan, đỏ mặt tía tai, cắm đầu cắm cổ ấy… Nhu cầu tán gẫu nếu có thì dành đến chiều tối, lúc hết giờ làm việc. Bấy giờ là thời điểm của nhậu! Phố phường ê hề quán nhậu, cả một thế gian nhậu. Nhậu hoành tráng, nhậu mênh mông, nhậu “mát trời ông Địa”.
Nhưng đã nói đến “nhậu” thì chẳng cứ Sài gòn. Hà thành và… cả nước bây giờ, đâu đâu cũng thế. Từ đây trở xuống xin chỉ bàn về nhậu mà thôi. Phải gọi đây là cả một nền văn hoá nhậu mới xứng. Một nền văn hoá phát triển cao tới mức làm con người ta lúc chưa ra quán thì nhớ nhau như những cặp tình nhân, ra đến quán rồi thì kiên cường bên nhau như một đám biểu tình ngồi. Thật là ồn ã, náo nhiệt, tưng bừng bằng mấy chục cái chợ nhà quê…
Nghĩ kể cũng lạ. ở những chốn “fẹs-ti-van” nhậu ấy, thức nhắm nào có ra gì. Nhưng các biển hiệu thì bao giờ cũng được vẽ to tổ bố, nom vừa sinh động, vừa hấp dẫn như thật. Từ đặc sản dái dê, vú dê, rồi “phụ tùng” (có nơi gọi là súng đạn) bò đực, (không thấy “cái ấy” của bò cái) đến mu ba ba, trôn ốc nhồi… cùng với đủ các kiểu danh xưng đại ngôn, láo toét. Nào là nướng cả phố (phố nướng), nào là nướng cả làng (làng nướng), có khi nướng ráo cả… tổ tông (tổ nướng)… Thực đơn trình bày đến mấy trang ép ni lông lòe loẹt… Song cái sự ngon lành thì hầu hết đều… dở hơi như nhau. Thực khách dễ tính đến không ngờ, bởi nơi đây hấp dẫn chủ yếu là cái không khí chứ có phải vì món ăn đâu. Người ta sở dĩ kéo đến không phải vì nhu cầu thưởng thức mà vì nhu cầu xả. Có bao nhiêu thứ cần xả. Từ xả sì-trét (căng thẳng), xả xui (vận rủi), xả buồn… đến xả bớt một phần cái kiếp người vốn (hình như) chưa bao giờ vô nghĩa lý như cái thời buổi văn minh nhốn nháo này…
Cần phải nói rằng nền “văn hoá nhậu” đang kể ra đây là một thứ nhậu bình dân, hết sức giản dị, dân dã. Nó diễn ra tưng bừng từ trong nhà, ra ngoài sân, từ trong hẻm, ra vỉa hè… Nó không cầu kì từ ăn mặc đến lễ nghi, từ ghế ngồi đến ánh sáng, từ đồ uống đến thức ăn… và nhất là không đòi hỏi mỗi người phải có thật nhiều tiền. Mặc dù cũng không thiếu những chốn nhậu cao cấp, thơm tho diễn ra cùng thời điểm, trong những nhà hàng sang trọng, kín mít như bưng… Nhưng phân biệt hai “thế giới” nhậu song song tồn tại này cũng đơn giản thôi, chỉ bằng cách tên gọi là đủ. Ví dụ chốn người sang được gọi là “tiệc tùng”, thì chốn bình dân phải gọi là “nhậu nhẹt”. Song tiệc tùng, dù có lớn đến đâu cũng chỉ đáng coi là “tiểu nhậu”, cùng lắm là “trung nhậu”. Chỉ có nhậu nhẹt kia, mới thực là đã đạt tới quy mô của “đại nhậu” mà thôi.
Dân “nhậu nhẹt” phần lớn bình dân, tuyệt đại đa số bình dân. Tuy đâu đó cũng có lẫn một vài kẻ sang, nhưng chẳng qua chỉ là… lốm đốm. Bình dân đấy, nhưng cơ mà (em ơi), lại sở hữu tới sáu đức (lục đức) “dễ thương” của người quân tử. Xin được kể ra như sau:
Thứ nhất, dẫu chẳng ngon, chẳng đắt tiền thì cũng cứ là những “miếng giữa đàng”, dù có tối trời thì cũng coi như thanh thiên bạch nhật, bởi chẳng bao giờ phải che mặt với ai. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức quang minh chính đại.
Thứ hai, người quân tử vốn không ưa cái sự sát sinh, nên dân nhậu rất ít khi chui đầu vào bếp. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nhân”.
Thứ ba, một kẻ có gì vui hay buồn thì cả đám chỉ chờ cơ hội đó để kéo nhau đi, buồn cũng uống mà vui cũng uống, kiểu như: “một con ngựa đau, cả tàu… no cỏ”. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nghĩa”.
Thứ tư, người quân tử ngồi không kén ghế, ăn chẳng cần no, mặc không cần đẹp… dân nhậu vốn đã coi những chuyện ấy nhẹ tựa lông bò. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “lễ”.
Thứ năm, luôn luôn biết chọn bạn hợp mà rủ rê, chọn quán quen mà ngồi lỳ, chọn mồi lạ mà đưa đẩy… Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “trí”.
Thứ sáu, chỉ nhậu vào những giờ nhất định trong ngày, đến giờ ấy mà không ra quán thì toàn thân ngứa ngáy, thần trí nhẹ tênh, nhất là đã hẹn rồi thì đố dám sai, lần sau dễ bị “phạt” như chơi. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “tín”.
Vừa “quang minh chính đại”, vừa có đủ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đạo lý “nhậu” xem ra cũng khối điều ghê. Thế mới có câu: “phi nhậu nhẹt bất thành quân tử” (không nhậu nhẹt không thể thành quân tử), lại có câu: “phi nhậu nhẹt bất trượng phu” (không nhậu nhẹt không phải đấng trượng phu), lại còn có thơ:
“Bất thị quan trường, vi đạo tặc
bất tri tửu đạo, bất hiền nhân”
(Có thể không làm quan mà vẫn là kẻ cướp. Nhưng nếu không hiểu đạo lý của rượu, thì không phải bậc hiền nhân).
Thậm chí còn sáng tác cả ca dao, tục, thanh lẫn lộn nói về cái “đạo lý” ấy:
“Gặp nhau có chén rượu tăm
gọi là một chút hỏi thăm lòng người”.
Rồi:
“Rượu hay phải biết chửi thề
biết đi nửa buổi, biết về… nửa đêm”
hay:
“Đã nhậu là cậu ông Giời
nên người quân tử chẳng mời cũng… dzô”
…
Tóm lại là nếu muốn tìm quân tử, ai ơi chẳng cần phải lặn lội tới những chốn cao sang làm gì cho phí công vô ích, thậm chí tới đó mà vô phúc, bị lầm lẫn thì dễ mắc họa như chơi. Xin mời cứ đợi chiều chiều, chỉ việc ra bất kì một nơi “đại nhậu” là khắc gặp đầy.
Phạm Lưu Vũ
Cập nhật tin mới
Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc
Bà Clinton tuyên bố: “Quan hệ Mỹ-Trung phức tạp và rất quan trọng nên chúng ta phải đưa nó trở lại đúng vị trí. Nhiều người ở cả hai nước chúng ta cho rằng hai bên có lợi ích khác biệt. Đây là quan hệ không cùng có lợi, phải có người thắng, kẻ thua. Chúng tôi không nghĩ như vậy”.
Bà khẳng định thêm: “Ở thế kỷ 21, chẳng có lợi cho ai nếu như Mỹ và Trung Quốc xem nhau như địch thủ”. Và ngay từ những những năm 1970, chính sách của Mỹ là hỗ trợ cho quá trình phát triển của Trung Quốc.
![]() |
Những tuyên bố về Trung Quốc kể trên được đưa ra khi bà Hillary có bài phát biểu khẳng định Mỹ muốn duy trì ảnh hưởng, giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương. |
Cũng tại Honolulu, Ngoại trưởng sẽ bắt đầu công du 7 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, nơi bà sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh giữa các nước ASEAN và 8 đối tác.
Mục đích của chuyến công du, theo bà Clinton, là để đạt một loạt mục tiêu mà quan trọng nhất là duy trì và củng cố “vai trò lãnh đạo của Mỹ” tại khu vực.
Bà phát biểu: “Có những người nói rằng truyền thống lãnh đạo của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương nay tới lúc kết thúc. Mỹ sẽ không ở lại đây lâu dài. Tôi sẽ đáp lại họ rằng: hãy nhìn vào những gì chúng tôi làm. Chúng cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Bà Clinton nhấn mạnh rằng trong 21 tháng qua, Chính phủ Obama nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo, tăng cam kết và tìm các phương cách mới nhằm đưa ý tưởng và ảnh hưởng vào khu vực.
Bà tuyên bố: “Tôi lạc quan và tin tưởng vào những gì mà các quốc gia châu Á có thể làm được với sự lãnh đạo của Mỹ trong những năm sắp tới”.
![]() |
Bà Hillary khẳng định Mỹ đang quay lại châu Á. Ảnh minh họa. |
Trong bài phát biểu của mình, bà Hillary Clinton liệt kê một số quốc gia châu Á mà Mỹ đặt vào diện đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Auatralia, Thái Lan và Philippines, nói rằng các nước này vẫn là nền tảng cho cam kết chiến lược của Mỹ.
Theo BBC, trong bài phát biểu của bà Hillary, Việt Nam được đưa vào danh sách các “đối tác mới” bên cạnh Indonesia và Singapore.
Bà Clinton khẳng định: “Tại Việt Nam, chúng tôi đang nâng cao quan hệ hợp tác lên một mức độ mà cách đây 10 năm thì không thể nào tưởng tượng nổi. Quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai bên đang hiệu quả hơn bao giờ hết và chúng tôi mới đây mở rộng thảo luận về an ninh hàng hải cũng như các chủ đề liên quan quốc phòng khác”.
Sau đó, bà nhấn mạnh: “Tuy hai bên còn những khác biệt, chúng tôi cam kết vượt qua quá khứ đau buồn để tiến tới một quan hệ thành công và thịnh vượng hơn”.
Trung Quốc tiếp tục căng dù Nhật Bản muốn có cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội

Bên lề hội nghị Thượng đỉnh của khối Asean tại Hà Nội, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ gay gắt với Nhật Bản. Măc dù hai nước đã tiếp xúc với nhau trên ở cấp ngoại trưởng, thế nhưng Bắc Kinh vẫn không ngần ngại đả kích Toykyo một cách công khai.
Theo hãng tin Dow Jones, môt thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã cho rằng : “Trong hội nghị thương đỉnh tại Hà Nội, Nhật Bản luôn luôn tung ra trên báo chí những lời bình luận vị phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Theo quan chức này, điều mà Nhật Bản đang làm mà mọi người đều biết, đã làm xấu đi bầu không khí cần thiết cho mọt cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo hai nước. Nhật Bản là phía phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này.
Tuyên bố của vị thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc như vẫy đã đẩy xa khả năng một cuộc gặp gỡ giữa hai thủ tướng Ôn gia Bảo và Naoto Kan tại Hà Nội, mà phía Nhật yêu cầu để giải quyết khủng hoảng.
Phát biểu với báo chí vào trưa nay, sau khi thông báo về kết quả cuộc họp Trung-Nhật cấp ngoại trưởng, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản Satoru Sato từng bày tỏ hy vọng về khả nâng hai lãnh đạo họp nhau.
“Chúng tôi đã đồng ý chuyển kết quả cuộc tiếp xúc sáng nay giữa hai ngoại trưởng lên trên để thủ tướng hai nước quyết định về thời điểm cũng như cách thức tiến hành thượng đỉnh song phương. Chúng tôi hy vọng cuộc tiếp xúc đó sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tuần này, nhưng nói cho chính xác là cho đến lúc này vẫn chưa có lời xác nhận dứt khoát, vẫn chưa có quyết định sắp xếp cuộc họp”.
————————————————————————————————–
Intel mở nhà máy lớn nhất thế giới ở VN
Intel có mặt ở Việt Nam đã được 13 năm
Nhà máy sản xuất vi mạch máy tính với tổng trị giá đầu tư 1 tỷ USD vừa được chính thức khánh thành tại TP. HCM, Việt Nam.
Báo chí Việt Nam mô tả đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Intel, tập đoàn đã có 13 năm hiện diện tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt tại buổi lễ khánh thành, được báo chí trích lời ghi nhận “Intel đang giúp Việt Nam xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ đi đôi với thúc đẩy tiến trình đổi mới của đất nước”.
Trang mạng của Chính phủ Việt Nam đăng hình chụp ông trong số gần một chục quan chức các bên đứng cắt băng khánh thành giữa các cô gái mặc áo dài màu vàng trên nền biểu tượng có logo của Intel.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành tập đoàn Intel, Paul Otellini được trích lời nhắc đến các thỏa thuận mà Intel đã ký kết “nhằm phát triển chính phủ điện tử, giáo dục, ứng dụng máy tính trên nền băng thông rộng và các kiến thức số”.
Trang này cũng nói Intel Việt Nam ký với Bộ thông tin và truyền thông để hỗ trợ mục tiêu đạt 80% hộ gia đình có máy tính vào năm 2020.
Giám đốc Rick Howarth của công ty Intel Việt Nam cho biết nhà máy lớn thứ hai của hãng đặt tại Kulim, Malaysia với diện tích bằng một nửa khu vực này.
Việc khánh thành nhà máy bán dẫn đầu tiên ở Việt Nam diễn ra trong một tuần chứng kiến sự có mặt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở Hà Nội dự hội nghị Đông Á.
Quan hệ giữa hai nước cựu thù đã trở nên ấm hơn mấy năm qua.
Bà Clinton đã mô tả Việt Nam là “một đất nước mà chúng tôi đang phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn, một điều không thể hình dung dù 10 năm trước, chứ đừng nói là 40 năm trước”.
Mặt khác, giới chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.
Ông Leon Perera, giám đốc của Spire Research & Consulting ở Singapore, nói với AFP rằng đầu tư của Intel là “lá phiếu tin cậy”.
Nhưng theo ông, một trở ngại là số người nói tiếng Anh ở Việt Nam không nhiều như ở Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc.
————————————————————————————————–
Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất trồng rừng với giá 10 tô phở một mẫu
HÀ NỘI – Báo VietnamEconomy của Việt Nam cho biết, trong số các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng tại Việt Nam đã được phép đầu tư, chỉ riêng InnovGreen, thuộc Hồng Kông, Trung Quốc đã thuê tới 274 ngàn 848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê.
![]() |
Rừng ở Việt Nam đang bị khai thác cạn kiệt, nhiều nơi biến thành đồi trọc sau đó lại cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) |
Theo một báo cáo của Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ và Môi Trường của Quốc Hội CSVN, về giá cho thuê, chỉ riêng công ty InnovGreen, với 8 ngàn 123 ha đã được cấp, công ty này nộp ngân sách 77 ngàn 946 đô la, giá thuê đất trồng rừng trung bình 9.58 đô la/ha, tương đương 180 ngàn đồng, bằng 10 tô phở so với thời giá hiện nay.
Mức giá thuê này, theo Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ và Môi Trường là khó tin được.
Chính phủ CSVN cũng cho biết, cả 8 dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 24.65 tỷ đồng. Việc đóng góp vào ngân sách nhà nước là không đáng kể, chủ yếu là thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi trên thực tế, người dân tại các tỉnh đang trông mong nhà nước giao rừng, giao đất cho họ khai thác rất lớn. Tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây rừng, kỹ thuật canh tác cho năng suất trồng rừng cao, bên cạnh đó giá gỗ rừng tăng khoảng 4 lần so với trước đây. Ðặc biệt là người dân có thể chấp nhận thuê với giá cao hơn rất nhiều lần so với các công ty nước ngoài.
Số đất giao cho các công ty nước ngoài thuê để trồng rừng tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã từng bị các cựu tướng lãnh của Việt Nam chống đối dữ dội. Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Trung Tướng Ðồng Sĩ Nguyên đã có kiến nghị với chính phủ yêu cầu ngưng ngay các hợp đồng này vì e ngại Trung Quốc sẽ thừa cơ hội đột nhập vào Việt Nam.
————————————————————————————————–
Ôn Gia Bảo: Lời phán quyết của lịch sử
Lý Đại Đồng
Nguồn: Open Democracy , chuyển ngữ sang tiếng Anh: Oliver Lough
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, là một loại chính trị gia khác của Trung Quốc. Hầu hết các đồng nghiệp ông trong thế hệ hiện tại của các nhà lãnh đạo cộng sản cùng chia sẻ một phong cách hành chính hết sức thiếu cá tính và sự tinh tế đến nỗi họ xuất hiện gần như một loại nhân bản vô tính từ phòng thí nghiệm. Kết quả là công chúng, nói chung có xu hướng không thèm để ý đến họ nữa. Nói cho cùng, thật khó để ghi nhận một quan chức gần như vô danh, một người dường như không có khả năng hiển thị được một phân tử nào về tính cách chân chính cho những người ủ nhiệm mình. Tối thiểu là từ năm 2007, Ôn Gia Bảo, đã khởi đi từ hình thái này và từ đó bắt đầu tự cách biệt mình ra.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên là thủ tướng của ông, Ôn là một mẫu nhà kỹ trị thận trọng, cần mẫn và không có dấu vết gì của một tính cách thực. Nhưng ở khởi điểm của nhiệm kỳ thứ hai, cung cách nói chuyện trước công chúng của ông – và, thậm chí quan trọng hơn, nội dung của các thông điệp ông từng tìm cách truyền đạt – đã trải qua một sự thay đổi tinh tế nhưng đáng chú ý.
Sự thay đổi này đã được báo trước tại một cuộc họp báo vào tháng Ba năm 2007, khi ông Ôn tuyên bố rằng “khoa học, dân chủ, pháp quyền, tự do và nhân quyền không phải là các lãnh vực độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Thay vào đó, chúng là các giá trị chung được nhân loại theo đuổi trong quá trình dài của lịch sử, chúng là các sản phẩm của một nền văn minh chung”. Một tuyên bố như thế, khi thốt ra từ nhân vật lãnh đạo thứ nhì của Trung Quốc, là vô cùng quan trọng. Ý nghĩa chính trị dài hạn của nó giải thích tại sao, và có thể chỉ rõ hơn nữa, cho thấy những dự phóng cá nhân của Ôn Gia Bảo là gì.
Con đường từ chủ nghĩa thực dụng
Chính Đặng Tiểu Bình là người kiến trúc sư ba thập kỷ cải cách của Trung Quốc sau năm 1979, người thực sư chịu trách nhiệm quyết định đến tính cách chính trị và tư tưởng của nền kinh tế thị trường ông từng trông nom. Câu trả lời của Đặng Tiểu Bình là thị trường không phải là “tư bản” hay “xã hội chủ nghĩa”, nhưng là một hiện tượng phổ quát vượt khỏi các chia cách về tư tưởng – và vì vậy là một công cụ có sẵn cho bất kỳ nước nào, bất chấp đến niềm tin về chính trị của nó.
Phán đoán này đã ít dựa vào nguyên tắc lý thuyết hơn là chủ nghĩa thực dụng đặc trưng của Đặng Tiểu Bình. Nhân vật này, sau cùng, chính là người đã có một nhận xét nổi tiếng: “mèo đen, mèo trắng, tôi không quan tâm đến màu sắc, miễn là nó bắt được chuột”.
Nhưng ngay cả đối với Đặng – một thành viên của thế hệ thành lập nên Đảng Cộng sản Trung Quốc – chủ nghĩa thực dụng vẫn có giới hạn của nó. Ông đã để lại một mối ngờ vực sâu sắc về các hệ thống dân chủ, và thường nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một phân rẽ quyền lực kiểu phương Tây.
Thực tế của việc nhà chỉ huy cải cách Đặng Tiểu Bình, bất chấp sự táo bạo của ông trong việc khởi đi một cuộc cách mạng về kinh tế, từng duy trì một sự đối lập kiên định với bất kỳ sự mở cửa dân chủ nào đã giúp minh họa được những ngôn từ của Ôn Gia Bảo từ tháng 3 năm 2007 sáng tạo đến mức nào. Trong việc bao gồm “dân chủ” vào trong danh sách “các giá trị chung” của mình, ông Ôn như đang phải từ bỏ một chức vụ vốn từ lâu đã được phê chuẩn từ các cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc. Trong con mắt của trí thức tự do Trung Quốc, lời nói của ông đã được tuyên đọc như sự lật đổ một nền chính trị chính thống sâu sắc.
Đồng thời, kiến thức truyền thống về các công việc nội bộ của hệ thống chính trị Trung Quốc là bất kỳ biểu hiện quan điểm nào có vẻ khác với dòng chính thì hoặc phải là một loại đặc quyền duy nhất hoặc phải bị chủ tịch xử phạt. Khi một trong các đồng nghiệp cấp cao của ông thốt ra một ý kiến “khác biệt”, giả định sẽ là hoặc người cán bộ cấp dưới đang khai triển quyết định của cấp lãnh đạo. Trong tiếng huyên náo ồn ào sau cuộc họp báo của ông Ôn, có giả thuyết cho rằng có bóng dáng của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở phía sau.
Nhưng sự việc đã trở nên rõ ràng là Ôn Gia Bảo đã không “cùng mạch” với Hồ Cẩm Đào. Có thể vị chủ tịch nước từng thực hiện một số tham khảo đáng ghi nhận với các giá trị của “dân chủ”, nhưng ông cũng như các thành viên ưu tú khác của Bộ chính trị không hề phụ họa các ẩn ý của ông Ôn. Trong thực tế, ít nhất là đã có đến hai lần rõ ràng tái khẳng định sự cự tuyệt của Trung Quốc với bất kỳ phân chia quyền lực nào giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ôn Gia Bảo không hề nản lòng, và đã tiếp tục đẩy đến tận các giới hạn của cuộc tranh luận chính thức – chẳng hạn như khi ông tuyên bố rằng “người dân phải được quyền sống có nhân phẩm”, mà ông định nghĩa như sau:
“Trước tiên, mọi công dân phải được hưởng các quyền và tự do mà hiến pháp mang lại. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Kế tiếp, mục tiêu duy nhất và cuối cùng là phải phát triển một đất nước nhằm đáp ứng được các nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của người dân. Thứ ba, phát triển của xã hội phải có sự phát triển của cá nhân như một điều kiện tiên quyết. Chúng ta phải giúp người dân phát triển tự do và đầy đủ, cho phép tài năng và khả năng của họ được cạnh tranh và phát triển”.
Ông Ôn cũng nhấn mạnh rằng việc hạn chế quyền lực của nhà nước là chìa khóa để cải cách chính trị, rằng Trung Quốc phải xây dựng một xã hội chân chính và công bằng; và rằng các nguyên tắc pháp luật phải vượt qua quyền lực chính trị. Trong năm 2009, vào đêm trước ngày kỷ niệm Thâm Quyến là một “khu kinh tế đặc biệt” lần thứ ba mươi, ông đã mô tả những cải cách chính trị là quan trọng nếu Trung Quốc muốn tránh được một “ngõ cụt” về phát triển. Trong năm 2010, ông đã viết một bài điếu văn cho nhà cải cách Hồ Diệu Bang – nhân vật mà cái chết của ông vào tháng 4 năm 1989 đã giúp xúc tác nên cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – và đã xuất bản bài viết ấy bằng tên của chính mình. Nói một cách vắn tắt, ông Ôn đã trở thành một nhân vật ngày càng cá biệt và bất đồng trong sự kiến lập chính trị của Trung Quốc.
Vị Thủ tướng tam phân
Những can thiệp của Ôn, đã khiến ông trở thành trọng tâm của những cuộc thảo luận mạnh mẽ của công chúng. Tác phẩm của nhà văn Yu Lie, “Ôn Gia Bảo: Người diễn viên vĩ đại nhất của Trung Quốc” từng miêu tả Ôn không khác gì một tay chơi tuyệt vọng (a hollow dealer) của một “cơn lốc xoáy” chính trị. Ngược lại với điều này, những người cánh tả truyền thống cáo buộc ông là con người của giai cấp tư sản trong tổ chức của đảng, một loại hóa thân thời hiện đại của Triệu Tử Dương (người đã bị lật đổ sau vai trò của ông trong các sự kiện của vụ quảng trường Thiên An Môn), một nhà cải cách chính trị trong những năm 1980. Nhưng ông Ôn cũng có được những chia sẻ công bằng từ những người bênh vực ông.
Vào lúc này, thật cũng đáng để ghi nhận một quan điểm khác biệt ở Trung Quốc về ý nghĩa của sự “cải cách chính trị”. Các nhà chức trách Trung Quốc có xu hướng hiểu điều này theo một cách rất hạn hẹp – trong các ý nghĩa về những biện pháp hành chính để cải thiện “sức sống” của ĐCSTQ và tạo điều kiện cho đảng “tự cải thiện”. Bất kỳ “cải cách” nào nhằm đến các mục đích khác hơn việc tăng cường sức mạnh của đảng tạo nên sự “phá hoại quyền lực của nhà nước” phải bị đàn áp tàn nhẫn.
Nhưng đối với giới trí thức Trung Quốc, cải cách chính trị đòi hỏi đảng phải trả lại quyền lực cho xã hội – cho người dân, cho một nền tư pháp độc lập, cho quyền tự do ngôn luận. Nếu điều này dẫn đến sự sụp đổ của đảng, thì cũng phải để cho xụp đổ – vì đó sẽ là một hệ quả tự nhiên của quá trình dân chủ chứ không phải là ngày tận cùng của thế gian.
Trong quan điểm này, Ôn Gia Bảo đã từng bị “tam phân” từ năm 2007 giữa các quan điểm đối lập – mặc dù với một sự thiên vị rõ ràng đối với quan điểm sau. Nhưng tại sao ông chọn đi vào tuyến đường này? Và làm sao mà ông đã có thể có thể thoát khỏi hiểm nguy ?
Yếu tố di sản
Để trả lời câu hỏi thứ hai trước, tôi tin rằng sự tự tin của Ôn ở vị trí riêng của mình là điều quan trọng. Quá trình lựa chọn chính trị của Trung Quốc đã đi qua một chặng đường dài từ khi những đảng viên lớn tuổi chỉ đơn giản lựa chọn những người thay thế mình, thường là trên cơ sở của các mối ưa chuộng và các kết nối chính trị. Bây giờ, tính hợp pháp chính trị của Bộ chính trị xuất phát từ cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức bởi nghị trường Trung Quốc, Quốc hội Nhân dân Nhà Nước (NPC). Từ các phương cách tương tự, các thành viên bị loại khỏi vòng ưa chuộng trong nội bộ sẽ có một số bảo đảm để chống lại sự sa thải đột ngột.
Trung Ương ĐCSTQ họp vào tháng 10 năm 2010 đã tiến cử Tập Cận Bình trở thành một trong những phó chủ tịch của ủy ban quân ủy trung ương Trung Quốc và do đó có khả năng sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào, phản ánh thực tế rằng các quá trình chính trị quyết định tại Trung Quốc vẫn còn là trong nội bộ của đảng . Tuy nhiên, hiện nay mức độ tranh dành và trách nhiệm giải thích dù sao vẫn đại diện cho một bước tiến quan trọng, tối thiểu là đã mang lại với họ những gợi ý xa xôi của một nền dân chủ chân chính.
Để trả lời câu hỏi đầu tiên, ông Ôn đã chọn đào phá ra con đường này đặc biệt bởi vì ông đã từ bỏ niềm hy vọng nhìn thấy được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào về cải cách chính trị trong thời gian tại chức còn lại của mình và kết quả là, ông quan tâm đến việc tập trung năng lực của mình vào một phong cách từng được lập lại bởi nhiều vị vua và các quan lại đi trước mình: kiến tạo một phán quyết của hậu thế.
Ôn đúng là người hiểu biết và có học nhất trong chín ủy viên thường trực bộ chính trị của Trung Quốc. Các hành động và lời tuyên bố của ông cho thấy rằng ông đã đến lúc thấy mình như một chính khách cao tuổi, tin tưởng vào các giá trị phổ quát. Nhưng ông cũng là một chính trị gia Trung Quốc tìm cách đoán trước được ngọn bút của các sử gia. Tưởng Giới Thạch từng giữ một cuốn nhật ký gần suốt cuộc đời mình để đảm bảo rằng lịch sử sẽ ghi lại các thành tích của mình, Mao Trạch Đông đã từ chối không cho phép các ghi chép lại bài phát biểu hoặc các cuộc hội thoại của mình vì sợ rằng chúng sẽ được sử dụng để chống lại ông. Ngược lại, những lời nói thấm đẫm nước mắt của Triệu Tử Dương đến các sinh viên tuyệt thực ở Thiên An Môn là một sự lựa chọn cuối cùng để đứng được bên lề của lịch sử, và để cho người khác bàn bạc. “Chúng ta lỗi thời rồi”, ông đã tuyên bố. “Những điều này vượt khỏi tầm tay của chúng ta”.
Bây giờ đến lượt Ôn Gia Bảo. Mặc dù ông vẫn tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp cải cách chính trị trước cuộc họp Ủy ban trung ương ở Bắc Kinh, tiềm năng đạt được sự thay đổi đáng kể trong hai năm còn lại trong chức vụ của mình là ít ỏi. Hy vọng thực sự của Ôn là các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến ông như một chính trị gia của sự toàn vẹn, chứ không phải là một người nào đó buộc phải che giấu ngụy trang. Điều này có nghĩa là ông sẽ có thể còn thẳng thắn hơn trước khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Tham vọng của Trung Quốc không còn phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo chính trị duy nhất – dù là Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình. Để đảm bảo tiến độ, giới cầm quyền của đất nước phải đi đến kết luận chung rằng con đường họ từng đi qua hiện đang bị khóa chặn, và sự thay đổi hướng đi là điều cần thiết. Sự chuyển đổi cải cách chính trị này sẽ yêu cầu đến cả hai nguyên tắc hướng dẫn, một tích lũy lớn của vốn xã hội và chắc chắn sẽ là lâu dài và khó khăn. Một ngày nào đó Ôn Gia Bảo có thể được ghi công như là một nhà tiên phong trong việc di chuyển Trung Quốc đến các thay đổi. Nhưng điều đó để cho lịch sử phán xét.
@ X-Cafe
—————————————————————————————————