Du lịch Việt Nam: Đẻ quả trứng nghìn năm

Nguồn: H.C. The Economist

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Một tấm biểu ngữ treo phía sau một chiếc xe điện chạy vòng quanh khu phố cổ Hà Nội đề “Thang Long Hanoi International Tourism Festival” (Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long Hà Nội). Tấm biểu ngữ nói về những lễ hội đang được tổ chức tại Hà Nội từ 1 đến 10 tháng Mười, khi thủ đô chính thức được 1.000 năm tuổi. Nhưng chẳng có nhiều du khách quốc tế so với bình thường. Vì lý do nào đấy, chẳng ai màng đến việc mời họ.

Việc này xảy ra bất chấp nhiều quan chức tán dương tầm quan trọng của việc mời gọi du khách nước ngoài tham dự lễ hội nghìn năm của thủ đô. Năm 2007 một chiến dịch với khẩu hiệu đáng ngờ “Vẻ đẹp tiềm ẩn” được quảng cáo trên khắp thế giới, được phát sóng trên một số hệ thống truyền hình cáp quốc tế. Tuy nhiên lại chẳng có gì đặc biệt dành cho Hà Nội nghìn năm. Hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines, đã giới thiệu một chương trình khuyến mãi để chào mừng sự kiện này. Vấn đề là, những chuyến bay của chương trình này đều là những chuyến bay ra nước ngoài chứ không phải là vào trong nước.

Các công ty du lịch quốc tế, vốn đã quen với tính khí thất thường của Tổng cục Du lịch Việt Nam, có thể đã tự thiết kế những gói du lịch cho những du khách tò mò. Nhưng thậm chí họ cũng không được cung cấp một lịch trình tối thiểu. Vì không có tí thông tin nào về nội dung của lễ hội là gì, xảy ra ở đâu – thậm chí cả xảy ra khi nào – các cơ quan du lịch quốc tế chẳng có gì để sử dụng. Một giám đốc du lịch nói rằng Tổng cục Du lịch “thật sự có lỗi trong việc này.” Một giám đốc tiếp thị có văn phòng tại Hà Nội đã viết blog bộc lộ sự thất vọng của mình, trong đó cô chỉ được đặc biệt lưu ý bởi độc nhất một màn hình vô dụng dùng để đếm ngược ngày: từ một nghìn trở về hiện tại.

Cơ quan chủ quản của ngành du lịch thường xuyên cố gắng thúc đẩy giá trị của Việt Nam như là một đích đến về văn hoá. Vì thế mới có cụm từ “Vẻ đẹp Tiềm ẩn” (vô cùng Tiềm ẩn, những nhà quan sát nhận xét một cách chán chường). Tuy thế một dấu mốc văn hoá trong vòng 1.000 năm lại bị hoàn toàn quên lãng. Hầu hết các tiết mục lễ hội trong một bảng chương trình vừa công bố chỉ chú trọng vào những thứ mà chính quyền tưởng rằng sẽ mê hoặc du khách. Ví dụ như, đừng bỏ qua sự kiện “Lễ giới thiệu tủ sách mang tên: Thăng Long-Ngàn năm văn hiến”.

Cơ quan với lỗ tai điếc này đã tuyên bố mục tiêu của họ là nhằm tăng cường số lượng du khách nước ngoài ngày càng nhiều và tự nhận rằng đã tiên đoán được ngành du lịch đang trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nhưng họ vẫn cứ tiếp tục tự vả vào mặt mình. Những màn hình đăng thông tin cho khách du lịch giới thiệu những quán rượu đã đóng cửa từ bốn năm trước. Trang mạng của Tổng cục Du lịch quảng cáo các lễ hội tận nửa dưới của trang. “Các liên hoan du lịch” thường được tổ chức ở những địa điểm không liên quan, ví dụ như Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hoá – một bờ biển tương tự như Blackpool của Anh nhưng với nạn mãi dâm lộ liễu hơn. (Có bao nhiêu cuộc triển lãm và tiết mục của lễ hội được tổ chức để hợp với thị hiếu của du khách nước ngoài lại là một chuyện khác. Có ai thích thử qua mónHổ mang và Tê tê ngâm rượu không?)

Căn cứ theo dự đoán của chính phủ, Việt Nam đón 3,3 triệu du khách đến thăm mỗi năm. Con số này có thể đã được thổi phồng bằng những phương pháp xử lý dữ liệu kiểu cũ trong đó khách khứ hồi vì thủ tục nhập cảnh cũng được tính như là khách mới đến. Có nhiều du khách đúng nghĩa đến qua những gói du lịch từ Trung Quốc hoặc Nam Hàn. Nhưng việc hấp dẫn du khách phương Tây vẫn được xem là điều cốt yếu.

Việt Nam có tỉ lệ du khách quay lại chỉ ở mức 5% so với tỉ lệ nổi bật của Thái Lan là 50%. So sánh trực tiếp kỹ nghệ du lịch của hai quốc gia này thì không công bằng mấy, khi kỹ nghệ du lịch Việt Nam còn quá trẻ so với Thái. Nó chỉ mở cửa lại với thế giới vào năm 1986 – rất lâu sau khi Thái Lan đã trở thành một điểm đến nổi tiếng. Nhưng việc tiếp thị dịch vụ nghèo nàn và những trở ngại chung về cơ sở hạ tầng, những gói du lịch “xêm xêm” và những thủ đoạn lừa lọc khác nhau nhắm vào du khách đã biến Việt Nam thành một điểm đến một-lần-rồi-thôi, trong khi nó còn có tiềm năng lớn hơn thế.

Trong khi hầu hết những sự chuẩn bị dường như đều bị chậm trễ thì lễ bắn pháo hoa kết thúc lại xảy ra sớm hơn dự tính bốn ngày. Một thùng chứa pháo đã nổ tung bên cạnh sân vận động ngoại ô, khiến bốn kỹ thuật viên pháo hoa thiệt mạng (trong đó có hai người Đức) và ba người khác bị thương. Trật tự ngay lập tức được thiết lập và chính quyền đã không bỏ phí thời gian kéo bỏ các bài tường thuật về tai nạn này khỏi các trang mạng của báo chí trong nước. Tuy nhiên, tin tức từ Twitter, YouTubehình ảnh từ Facebook đã giúp mọi người cập nhật. Từ đó, “Vô ý” được dùng để đổ lỗi cho thảm hoạ này.

@ X-Cafe

—————————————————————————————————————————————————-

Từ tai hoạ bùn đỏ ở Hungary, nghĩ tới bôxít Tây Nguyên

Nguyễn Quang A

clip_image001[Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, thì khối lượng bùn đỏ ở Tây Nguyên không phải là 945.000m3, mà là 8.000.000 – 9.000.000m3. Còn theo ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc trực tiếp phụ trách dự án bôxit của TKV, thì hai nhà máy chế biến bôxit Tân Rai và Nhân Cơ mỗi năm sẽ thải ra khoảng 1.300.000m3 bùn đỏ. Chú thích của BVN]

Ngày 4.10.2010, đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Ajka, Hungary đã bị vỡ. Gần 1 triệu m3 bùn đỏ đã tràn xuống phủ một diện tích 40km2 và làm tan hoang nhiều khu dân cư.

Có nơi lũ bùn đỏ với độ dày tới 2m đã nhấn chìm mọi thứ. Báo chí Hungary cho biết, đến ngày 7.10, đã có bốn người chết, 123 người bị thương và còn năm người được coi là mất tích. Ba tỉnh của Hungary đã bị đặt trong tình trạng báo động môi trường, ba con sông bị đe doạ, bùn đỏ đã lan xuống sông Rába và đe doạ sông Duna. Đây là thảm hoạ môi trường lớn nhất ở Hungary.

Nhà máy bôxít Ajka thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL). Báo chí Hungary cũng đưa tin cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc có lợi ích trong MAL trước khi lên làm thủ tướng và công ty này ngày nay vẫn do các bạn đầu tư của ông vận hành.

MAL đã rất tự hào về tính an toàn của hệ thống chứa bùn đỏ của mình. Họ nói “các hồ chứa bùn đỏ được cách ly, được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến đảm bảo chắc chắn việc chứa bùn đỏ”. MAL cũng rất lưu ý đến việc “hoàn thổ”, khôi phục lại mặt bằng liên tục bằng san lấp và trồng cây tạo ra thảm thực vật phong phú. Nhưng khi xảy ra tai hoạ, họ nói đấy là tai hoạ thiên nhiên và từ chối trách nhiệm. Họ còn nói, mới gần hai tuần trước cơ quan Thuỷ lợi đã kiểm tra đập và không thấy có vấn đề gì. Khi tai hoạ xảy ra họ nói bùn đỏ không độc hại, trong khi nhiều người bị bỏng đến 70% do bị ngập trong bùn đỏ có tính kiềm nặng!

 

HUNGARY

Nhà cửa của người dân phủ đầy bùn đỏ. Ảnh: Reuters

Lập luận của MAL nghe rất quen với người Việt Nam. Trong các tranh luận về khai thác bôxít ở Tây Nguyên, tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra các lời hứa tương tự về hệ thống chứa bùn đỏ của mình sẽ và đang được xây dựng. Thực ra, ở đâu cũng vậy, những người vận hành hồ chứa bùn (bùn đỏ của nhà máy bôxít hay bùn đen của các mỏ than hay các loại mỏ khác, thậm chí cả với các hồ nước sạch cho thuỷ điện) luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Các tổ chức bảo vệ môi trường, người dân và Chính phủ Hungary (mới thắng cử đầu năm nay và kình địch với chính phủ của cựu thủ tướng), thì cho rằng không phải do các nguyên nhân tự nhiên, tức là ám chỉ đến các sự xao lãng con người đã gây ra tai hoạ. Theo Thủ tướng Orbán Viktor, “Chúng ta không biết dấu hiệu cho thấy các nguyên nhân tự nhiên gây tai hoạ. Chúng ta có thể nghi rằng có sự xao lãng của con người ở đây. Cả nước đang muốn biết, ai chịu trách nhiệm về tai hoạ này”.

 

HUNGARY-SPILL/

Lấy mẫu bùn đỏ gần thị trấn Ajkai. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học thì thận trọng hơn và chỉ có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của tai hoạ sau khi khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể đập đã được xây thấp hơn mức bùn được đưa vào hồ; có thể đập đã già và bị nước kiềm mạnh làm yếu đi.

Ba ngày sau tai hoạ, chưa ai có thể đưa ra kết luận thoả đáng về nguyên nhân của tai hoạ. Nguyên nhân là gì? Những ai phải chịu trách nhiệm? Chắc còn cần thời gian để làm rõ. Nhưng có thể học được nhiều điều từ tai hoạ này (và các tai hoạ tương tự khác, như vụ vỡ đập, Buffalo creek, làm tràn bùn xám ở mỏ than tại Mỹ ngày 26.2.1972 làm 124 người thiệt mạng, phá huỷ hàng ngàn xe cộ và gần cả ngàn ngôi nhà, hay các vụ vỡ đập khác,…) Đấy là các tai nạn xảy ra ở các nước phát triển hơn ta rất nhiều và có kinh nghiệm khai thác và quản lý nhiều hơn chúng ta rất nhiều.

Đã có rất nhiều ý kiến về các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Người ta cũng nói đến sự chắc chắn, vững chãi của các hồ chứa bùn đỏ. Từ trên nóc nhà của Đông Dương nếu có sự cố vỡ đập như ở Hungary, thì tai hoạ sẽ rất thảm khốc.

Vấn đề chuyên chở không những là vấn đề khó khăn về kinh tế mà cũng hàm chứa những rủi ro môi trường khó lường. TKV lập dự án nhưng bỏ chuyện làm đường chuyên chở ra ngoài (và yêu cầu Nhà nước phát triển đường sắt cho TKV), tính kiểu ấy là ăn bớt chi phí đầu tư để cho dự án có vẻ khả thi hơn về kinh tế. Nếu tính hết (kể cả đầu tư cho chuyên chở) và nhất là phải có chi phí thoả đáng cho khắc phục môi trường (trong hoạt động bình thường của các nhà máy cũng như trong trường hợp có tai hoạ) thì dự án khai thác bôxít không khả thi về mặt kinh tế. Tác hại về môi trường khó có thể lường.

@ SGTT

—————————————————————————————————————————————————-

Tại sao cần trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba?

Từ Hữu Ngư

Nguyên Trường dịch

Việc trao Giải Nobel hoà bình cho người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ nổi bật nhất ở Trung Quốc chính là tái khẳng định những giá trị cao quí nhất của nhân loại, Từ Hữu Ngư (Xu Youyu), một nhà triết học, giáo sư Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, giải thưởng Olof Palme Chair, Thuỵ Điển, năm 2001-2002, đã viết như thế. Dưới đây là bức thư của ông.

___________

Thư gửi toàn thể nhân dân châu Âu:

Tôi viết thư này để thúc giục các bạn ủng hộ việc trao Giải Nobel Hoà bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, người chấp bút Linh Bát Hiến chương của Trung Quốc.

Mặc dù Lưu Hiểu Ba có rất nhiều bạn bè và người ủng hộ, nhưng gần đây tôi mới biết ông và chúng tôi mới gặp nhau cách đây mấy năm mà thôi. Giữa những năm 1980, khi Lưu Hiểu Ba đã trở thành người nổi tiếng trong giới văn chương, trong dịp ghé thăm một người bạn làm công tác nghiên cứu ở Oxford, qua sách báo bằng tiếng Trung Quốc xuất bản ở hải ngoại, tôi mới được làm quen với tư tưởng của ông.

Trái ngược với quan điểm của nhiều người, lúc đó Lưu Hiểu Ba được nhiều người chú ý không phải chỉ vì những bài viết gay gắt và những lời phê bình sắc bén của ông mà còn, so với những người trí thức Trung Quốc khác, tư tưởng của ông triệt để hơn và ảnh hưởng của những lời phê phán của ông đối với hệ tư tưởng và giáo điều chính thống cũng lớn hơn.

Tôi có điều kiện theo dõi Lưu Hiểu Ba trong suốt cuộc vận động dân chủ của sinh viên hồi năm 1989. Lúc đó ông đang giảng dạy ở nước ngoài, nhưng ngay khi dấu hiệu của cuộc đàn áp vừa xuất hiện và những người khác tìm cách chạy ra nước ngoài thì Lưu Hiểu Ba lại đưa ra lựa chọn là tạm bỏ công việc nghiên cứu ông và trở về Bắc Kinh để trực tiếp tham gia vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ.

Đêm ngày 3 và 4 tháng 6, tôi đã có mặt trên Quảng trường Thiên An Môn, tôi đứng không xa tượng Anh hùng Nhân dân là mấy. Lưu Hiểu Ba cùng với ba nhà trí thức khác đã tham gia vào cuộc tuyệt thực cùng với sinh viên; chính họ, ngay sáng sớm ngày 4 tháng 6 đã thuyết phục sinh viên rời bỏ quảng trường một cách ôn hoà và bắt đầu thương lượng với binh lính đến đàn áp, nhằm điều đình một cuộc rút lui có trật tự.

Tôi vẫn nhớ rõ sự giày vò và đau khổ của Lưu Hiểu Ba và những người bạn chiến đấu của ông khi họ phải đưa ra quyết định như thế, một quyết định đã cứu sống hàng trăm sinh viên mà chỉ sau này người ta mới hiểu.

Việc Lưu Hiểu Ba tham gia vào phong trào dân chủ năm 1989 chứng tỏ rằng ông đã chuyển từ người phê bình nổi bật về mặt văn hoá thành người trí thức quan tâm đến những vấn đề chính trị và nhà hoạt động nhân quyền.

Những hoạt động của ông trong năm 1989 có thể được nhìn nhận như là khởi đầu cho những trước tác và những hoạt động tiếp theo của ông, những hoạt động thể hiện lòng dũng cảm kiên cường và không bao giờ lùi bước dù có bị đàn áp, nhằm đòi hỏi và bảo vệ quyền con người, bảo vệ chủ nghĩa nhân văn và những giá trị phổ quát khác, và cuối cùng là, bao giờ ông cũng tôn trọng những cuộc thảo luận dựa trên lẽ phải, thoả hiệp và bất bạo động.

Trong suốt nhiều năm qua, Lưu Hiểu Ba là người đại diện nổi bật nhất và người tổ chức lỗi lạc nhất của phong trào đấu tranh vì dân quyền và dân chủ ở Hoa lục. Ông bao giờ cũng đi đầu trong những vụ phản đối, nhằm ủng hộ các nhà văn và các nhà trí thức bị tù đày vì các tác phẩm của họ, đi đầu trong phong trào ủng hộ những nông dân và thị dân bị thu hồi nhà cửa và đất đai, bảo vệ quyền trong lĩnh vực văn hoá và tôn giáo của những người thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương và thúc đẩy việc đối thoại trên tinh thần xây dựng nhằm tìm cách sống chung một cách hoà bình giữa người Hán và tất cả các dân thiểu số.

Trong một loạt cuộc phản đối nhằm ủng hộ những quyền căn bản của tất cả các công dân Trung Quớc, Lưu Hiểu Ba thường xuyên nhấn mạnh sự kiện là các quyền và quyền tự do của các công dân Trung Quốc được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật Trung Quốc cũng như bởi một loạt các tuyên bố và hiệp ước của Liên Hiệp Quốc và quốc tế, trong lĩnh vực bảo vệ quyến con người và quyền công dân, đã được chính phủ Trung Quốc kí kết.

Lưu Hiểu Ba đặc biệt quan tâm đến việc buộc chính phủ Trung Quốc phải thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm được hiến pháp và pháp luật cũng như những hiệp ước và cam kết quốc tế mà cả chính phủ Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đều phải tôn trọng.

Bằng việc kí và đưa ra Linh Bát Hiến chương vào năm 2008, Lưu Hiểu Ba muốn tái khẳng định với chỉnh phủ Trung Quốc, tức là chính phủ đã kí bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, rằng đấy là những tiêu chuẩn trong quan hệ giữa nhân dân và chính phủ Trung Quốc: để được coi là thành viên đủ tư cách và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận những giá trị phổ quát đã được thể hiện trong những văn bản này.

Vì thế mà Lưu Hiểu Ba đã bị bỏ tù, đây là lần thứ ba ông bị bắt vì cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc. Đúng ngày Giáng sinh năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù. Trong lời tuyên bố cuối cùng tại phiên toà, Lưu Hiểu Ba nói rằng ông không có kẻ thù và cũng chẳng ghét ai, ông không thù oán những người đã theo dõi và bắt giam ông, không thù oán những người công an đã hỏi cung ông, không thù oán các công tố viên đã kết án ông và những quan toà đã bỏ tù ông. Thông điệp của Lưu Hiểu Ba cực kì quan trọng vì nó cho người ta thấy rằng dù những người đó có vai trò quan trọng trong việc bỏ tù ông, nhưng ông không coi họ là kẻ thù của mình.

Như một người nghiên cứu chính trị và một trí thức quan tâm đến những vấn đề chính trị và xã hội và bảo vệ quyền con người, cũng là người đã kí Linh Bát Hiến chương, tôi cảm thấy đặc biệt có trách nhiệm trong việc chỉ ra rằng chứng cớ trong bản án đọc tại toà nhằm chứng minh tội lỗi của Lưu Hiểu Ba có dẫn việc ông tham gia soạn thảo Linh Bát Hiến chương, thu thập chữ kí cho Hiến chương và nội dung của Hiến chương – là sự khiêu khích trắng trợn những giá trị phổ quát của nhân loại, khiêu khích những tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là khiêu khích chính nhân dân Trung Quốc.

Tôi cho rằng Giải Nobel Hoà bình là hiện thân và đại diện cho những giá trị căn bản nhất của xã hội văn minh: tôn trọng cuộc sống và niềm tin, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm và quyền được tự thể hiện của mỗi cá nhân. Sự kiện Lưu Hiểu Ba và nhiều người kí Linh Bát Hiến chương khác đang bị ngược đãi và đàn áp chính là sự tái khẳng định những giá trị đó và những thách thức mà họ phải chịu đựng đòi hỏi thế giới văn minh phải lên tiếng.

Trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba là tiếng nói mạnh mẽ nhất.

Đấy sẽ là lời khẳng định rõ ràng và không úp mở những giá trị thiết tha nhất của loài người, sẽ là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ của một tỉ ba trăm triệu người Trung Quốc, và sẽ là một bước quan trọng trong việc bảo vệ hoà bình thế giới.

Chính phủ Trung Quốc có thể phá bỏ hiến pháp và cố tình chà đạp lên pháp luật, vì vậy mà chúng tôi cần những tiếng nói từ bên ngoài, tiếng nói của cộng đồng quốc tế, buộc chính phủ Trung Quốc phải lắng nghe.

Trao Giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba cũng là sự phản đối gián tiếp tình hình hiện nay, đồng thời đấy cũng là một tín hiệu đầy quyền lực và hiệu quả.

Theo tôi, tư tưởng và hành động của Lưu Hiểu Ba hoàn toàn phù hợp với tư tưởng và hành động của Đức Dalai Lama, của Tổng Giám mục Emeritus Desmond Tutu và bà Aung San Suu Kyi; tất cả các vị đó đều áp dụng sách lược bất bạo động nhằm tạo ra những thay đổi từng bước một, thuyết phục và thoả hiệp nhằm bảo vệ quyền con người và chuyển hoá xã hội một cách hoà bình.

Phong trảo phản kháng đang lan tràn trên toàn cõi Trung Quốc, lan vào mỗi cộng đồng và ở mọi cấp độ, chúng tôi phải thận trọng nhằm ngăn chặn những xu hướng bạo động. Trao cho Lưu Hiểu Ba Giải Nobel Hoà bình có tác dụng đúng như thế: những người đấu tranh cho quyền con người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới sẽ tìm thấy hi vọng và sức mạnh trong cuộc phản kháng dựa trên lẽ phải, bất bạo động và một lần nữa, họ sẽ nhận ra rằng khả năng sử dụng bạo lực và sự cai trị độc đoán đã thuộc về quá khứ và tất cả chúng ta đều coi là không xứng đáng.

Thân ái,

Từ Hữu Ngư

Nguồn: Why the Nobel Peace Prize should go to Liu Xiaobo: A Letter to the European People, 29/9/2010

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

—————————————————————————————————————————————————–