Mời theo rõi phim tư liệu lịch sử để hiểu thêm về chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên bang Xô Viết
Câu chuyện Xô Viết phần 1
Câu chuyện Xô Viết phần 2
—————————————————————————————————————————————————————————————————–
Mời theo rõi phim tư liệu lịch sử để hiểu thêm về chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên bang Xô Viết
—————————————————————————————————————————————————————————————————–
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển nhanh chóng vì đôi bên có một mối quan tâm chung về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng những khác biệt về chính trị rốt cuộc sẽ hạn chế sự xích lại gần nhau giữa hai nước cựu thù.
Hãng thông tấn Reuters trích lời các nhà phân tích cho biết như thế trong bài tường thuật hôm thứ Ba.
Bài viết cho biết kim ngạch mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã lên tới gần 16 tỉ đô la trong năm 2009, tăng gấp tám lần kể từ khi một hiệp định thương mại song phương bắt đầu có hiệu lực từ năm 2001. Năm ngoái Hoa Kỳ cũng đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Trong vài tháng qua, vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã trở thành một điểm hội tụ chính trong lúc Hà Nội, Washington và nhiều nước khác tìm cách cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng và thái độ ngày càng hung hãn của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Hà Nội hôm thứ ba vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã nêu tên Biển Đông và đưa vấn đề an ninh biển làm trọng tâm thảo luận tại hội nghị quốc phòng cấp cao của khối ASEAN với 8 đối tác đối thoại, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Gates cho biết ông là người đầu tiên trong 8 đối tác nhận lời mời của Việt Nam đến dự hội nghị. Ông cho báo chí biết rằng qua hành động này ông muốn gởi đi một tín hiệu quan trọng để Việt Nam và ASEAN biết rõ là Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia và ông nghĩ rằng đây là một cơ hội để ngồi lại với các nước này và Trung Quốc để bắt đầu giải quyết các vấn đề này qua đường lối đa phương.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng sự gần gũi về địa dư cộng với việc có chung ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hạn chế sự phát triển quan hệ chính trị và quân sự giữa Washington và Hà Nội. Ngoài ra, những mối quan tâm về thành tích nhân quyền của Việt Nam cũng làm cho Washington cảm thấy ngần ngại.
Các nhà phân tích cũng cho biết mặc dù thái độ nghi ngờ Trung Quốc khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng một nhóm người có nhiều ảnh hưởng trong hàng ngũ lãnh đạo ở Hà Nội vẫn muốn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và vẫn tiếp tục e ngại là Hoa Kỳ muốn tiến hành “âm mưu diễn tiến hòa bình”, đưa tới chỗ Đảng Cộng Sản bị mất quyền hành.
Nguồn: Reuters, The New York Times ( VOA )
————————————————————————————————————————————————————————–
Trang Hạ
Hình như trên mạng bà con nhà mình chỉ nói về 303 người Trung Quốc đầu tiên ký tên vào bản Hiến Chương 08, mà người ký tên thứ 16, nhà văn Lưu Hiểu Ba, nguyên là giáo sư đại học ở Bắc Kinh, vừa đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010. Không mấy ai nói chuyện của hơn sáu nghìn người đã ký tên suốt gần hai năm nay, trong hai mươi hai đợt lấy chữ ký vào Hiến Chương 08 trên toàn Trung Quốc.
Tò mò vào mạng xem lướt qua những người ký tên tại Trung Quốc – tức tự ký tên vào án không tuyên – thấy một điểm thật thú vị: 303 người ký tên đợt đầu tiên hầu hết lại là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, người viết tản văn, người phụ trách chuyên đề tạp chí tại Trung Quốc, thư ký tòa soạn, biên tập viên nhà xuất bản, tức là những người thực sự dùng ngòi bút để nói, mà công việc gắn với chữ nghĩa và sáng tạo. Nhưng đa số này lại chỉ có quyền lực vô hình (với vị trí như là opinion leaders) đối với công chúng chứ không có tí tẹo quyền lực hay sức mạnh nào đối với bộ máy tư pháp hoặc chính quyền. Một số lượng đáng kể còn lại là các trí thức nổi tiếng, ví dụ như Phó tổng giám đốc của Tân Hoa Xã, các chuyên viên lĩnh vực tư pháp, pháp luật, luật sư, giáo sư, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu. Chỉ có một vài người ký tên thuộc thành phần đối kháng, nhà hoạt động dân chủ.
Thế nhưng đến vài đợt ký tên tiếp theo, lượng sinh viên và học sinh tăng lên đột ngột, như thể các em bị đánh thức dậy, hoặc các em bị lôi, bị lay.
Kỳ lạ là từ đợt thứ 15 trở đi, khá nhiều người thuộc tầng lớp “tư sản” như chủ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty, nhà kinh doanh xuất hiện trong danh sách ký tên Hiến Chương 08. Thậm chí tôi cảm thấy như thể những người có của sẽ cân nhắc lâu hơn người bình thường chúng ta một chút? Vậy rốt cuộc điều gì đã khiến những người có của nả thật ký tên mình?
Đồng thời với hiện tượng này là sự xuất hiện vô số những người chỉ ký tên nhưng giấu địa chỉ, giấu nghề nghiệp, chỉ ghi là “công dân” hoặc “người dân”. Thử đoán xem, những người bị giằng xé, vừa muốn ra mặt ký tên ủng hộ vừa muốn giấu mặt giấu mình như thế, họ đối diện với thách thức nào?
Nhưng cho dù trong đợt ký đầu hay cả các đợt sau, số lượng nữ giới khá ít, khoảng 15%, ngoài ra, nếu tính theo lứa tuổi thì đông đảo nhất là lứa những người ký tên nằm ở lứa tuổi từ 40-49 tuổi (gần 40%), đã trải qua Cách mạng văn hóa, và quan trọng hơn họ cùng lứa những sinh viên và giảng viên xuống đường trong sự kiện Thiên An Môn 1989, mà ngày xưa Trung Quốc gọi đó là bạo loạn, giờ đây Trung Quốc lại “gọi chệch” đi nhẹ nhõm là “biến cố chính trị”.
Có một đôi vợ chồng đều là giáo sư của ĐH Nhân dân TQ đã cùng ký tên, dù họ rất muốn ký hộ cả con trai nữa, người con đã bị xe tăng nghiến nát trên quảng trường Thiên An Môn trước đây. Năm 2000, hai giáo sư này từng xuất bản cuốn sách “Kẻ sống với kẻ chết – bởi tương lai Trung Quốc”.
Không rõ nếu phân tích bảng danh sách những người ký tên vào Kiến nghị Bauxite của Việt Nam vừa qua, liệu có gì thú vị hoặc tương đồng chăng? ( Blog TranHa )
————————————————————————————————————————————————————————–
Cái gì vậy ta ?
|
Đó là cái nón lá hỏi, vật bất ly thân che nắng đội mưa thường nhật của anh hùng lao động Hồ Giáo.
Hồ Giáo sinh 1930 tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông là người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được Nhà nước Việt Nam hai lần phong danh hiệu Anh hùng lao động.
Ông còn là đại biểu Quốc hội III, IV, V và VI. 80 tuổi ông vẫn chăm nuôi bốn con trâu Mura tại trại trâu Hành Thuận (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), cuộc sống hiện tại của ông vô cùng vất vả. ( SGTT )
————————————————————————————————————————————————————————–
Người đàn ông trần truồng chạy băng qua mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi mít tinh hôm 10/10 có khả năng được nhận giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
![]() |
Juan Rodriguez bị cảnh sát bắt sau khi thực hiện pha mạo hiểm. Ảnh: AP. |
Phần thưởng này do một tỷ phú Anh đưa ra, theo đó trao 1 triệu USD cho người đầu tiên thành công trong việc khoe mình trước mặt tổng thống.
Juan Rodriguez, 24 tuổi, đến từ Staten Island, New York, đã lao ra từ giữa đám đông khi không mặc gì trong cuộc gặp gỡ của Obama với dân chúng ở Philadelphia. Sau đó anh này bị cảnh sát bắt ngay lập tức.
Anh chàng được bảo lãnh hôm qua sau khi bị buộc tội có hành vi gây rối trật tự và đang chờ đợi xem mình có nhận được thưởng hay không.
Battlecam.com, trang web do doanh nhân truyền hình số Alki David tạo nên, đang chờ thông tin xác nhận Obama có nghe thấy và nhìn thấy hành vi của Rodriguez hay không.
Battlecam.com cũng đưa ra các luật lệ cho thách đố này, bao gồm người khỏa thân phải nằm trong tầm mắt của tổng thống và trong cả tầm nghe để tổng thống có thể nghe thấy anh ta hét lên tên website 6 lần.
Theo Telegraph, Rodriguez dự định sẽ chia phần thưởng cho 4 người khác, trong đó có bạn gái, những người đã giúp anh thực hiện pha mạo hiểm.David, 42 tuổi, đứng thứ 45 trong danh sách những người giàu có do Sunday Times bình chọn, phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng với Rodriguez. Tôi đang mong chờ được trao cho anh ta khoản tiền kếch xù. Chúng tôi chỉ chờ đợi khẳng định rằng Obama đã nghe thấy và nhìn thấy anh ta, khi đó chúng tôi sẽ trao tiền luôn. Bản thân tôi không hề chống đối gì Obama – chỉ là chúng tôi biết rằng pha mạo hiểm này sẽ rất thu hút sự chú ý của công chúng nếu nhân vật trung tâm là Obama”.
Từ khi Battlecam.com ra đời vào tháng 5 năm nay, trang web đã chi phần thưởng hơn 250.000 USD cho các loại thách đố khác nhau. Trong đó, cuộc thi khuyến khích mọi người xăm tên của website đã dẫn tới 107 người được trả 1.500 USD cho việc xăm các con chữ cao tận 15 cm trên người. ( DatViet )
————————————————————————————————————————————————————————–
Nơi tập trung nhiều quán cà phê nằm nhất có thể kể đến là khu vực quận Bình Thạnh
Mỗi quán có một kiểu bày biện “giường ngủ” cho khách khác nhau. Có quán tận dụng những chiếc ghế lưng tựa cao để khách “ngả người”; quán có hẳn nệm gấp giữa nền để ngồi, khi cần ngủ “thượng đế” có thể giăng ra làm gường; hay có nhiều quán còn công phu hơn, làm những chiếc bọc lớn chứa các hạt xốp ở trong để khách thỏa sức “lăn lê”.
Khách đã vào đây… để ngủ thì không chỉ mỗi uống cà phê, mà sẽ có thêm nhu cầu ăn tại chỗ nên các quán phục vụ trọn gói “ăn ngủ” cả ngày. Thế nhưng, so với cà phê “ngồi”, giá cả cũng không chênh lệnh là bao. Chỉ từ 15.000 – 30.000 đồng cho một loại nước uống hay đồ ăn là bạn đã “mua” được một chỗ ngủ “cao cấp” có nhạc và máy lạnh…
“Mở quán cà phê này chúng tôi không “chạy đua” về số lượng vì có lúc một khách chiếm hẳn một góc từ sáng đến tối. Chủ yếu là mình giữ khách quen đến với quán thường xuyên” – Chủ tiệm cà phê Gió (quận 2) bày tỏ.
Khách hàng “kết” quán cà phê nằm phần đông là giới trẻ. Họ chọn nơi này kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi. Buổi trưa, sau giờ làm việc, từng nhóm các bạn trẻ thường ghé đây để tám chuyện và “đánh một giấc”.
Hay những ngày cuối tuần, quán cà phê nằm cũng trở thành điểm hẹn của nhiều người. Hải Yến, 24 tuổi làm việc ở một công ty truyền thông tại quận Bình Thạnh cho biết, gần đây bạn bè hồi đại học của Yến chỉ chọn quán cà phê nằm để “họp mặt”.
Yến nói: “Quán cà phê TaPu ở đường D2 hay quán Thư Giãn ở đường Pasteur… Hẹn bạn bè ở đây chẳng bao giờ mệt mỏi khâu chờ đợi. Mình có thể mang laptop theo, cứ làm việc của mình, mệt thì ngủ. Có khi cả nhóm “tám” chán chê hết chuyện trên trời dưới đất thì… hò nhau đi ngủ. Nói chung từ khi có cà phê nằm, mình cũng quên mất cà phê… ngồi rồi”.
Thậm chí cà phê “nằm” còn trở thành chỗ ăn ngủ và chỗ làm thường xuyên của nhiều bạn. Tố Hương, nhân viên bất động sản bộc bạch: “Thành quen rồi, giờ chỉ ra mấy quán cà phê nằm mình mới làm được việc. Hôm nào chỉ làm việc trên máy tính là mình “đóng đô” quán cà phê. Cũng ngộ, với khoảng 50.000 đồng mà được cả ăn trưa, uống nước và ngủ thoải mái”.
Quán cà phê còn là nơi hết sức lý tưởng cho nhiều cặp uyên ương. Ít nhất là họ giải quyết được khâu mệt mỏi, chán chường vì không biết đi đâu. Mạnh Huy, (quận Gò Vấp) bày tỏ: “Trước đây, cuối tuần đi chơi là mình và bạn gái lại vật và vật vờ lang thang giữa đường. Có lúc còn ra ghế đá ở công viên… ngủ. Giờ có quán cà phê nằm thế này, vừa có chỗ tâm tình, vừa được ngủ còn gì bằng”.
Tuy nhiên, không ít đôi uyên ương lại trở thành “cái gai” của nhiều người khi… quá thả sức thể hiện tình cảm ở những quán cà phê “thuận tiện” thế này. Như Tố Hương bày tỏ sự bức bối: “Bực nhất khi vào một số quán cà phê nằm là thấy cảnh nhiều đôi trai gái tự nhiên như ở nhà mình không bằng. Đúng là có thể thoái mái nằm ngủ nhưng dù sao đây cũng là chốn đông người”.
Chính vì vậy, để giữ “môi trường” cho số đông khách hàng, nhiều quán cà phê nằm đặt ra các quy định khá khắt khe như không được nói chuyện quá lớn, không hút thuốc, không được có những hành vi “ảnh hưởng” đến những người xung quanh…
Anh Huấn, chủ một quán cà phê nằm trên đường D2 cho hay: “Mở cà phê nằm mục đích là để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của khách hàng. Tuy nhiên, cũng nhiều bạn trẻ tận dụng sự thuận này để thể hiện tình cảm quá đà. Để không làm ảnh hưởng “đen” đến quán, chúng tôi đều mạnh tay nhắc nhở. Và không ít lần nhiều đôi… được mời ra khỏi quán”.Sài Gòn: Nằm… uống cà phê
Ở Sài Gòn có bao nhiêu quán cà phê… nằm ngủ được? Hãy tưởng tượng một buổi trưa nắng, sau khi làm việc mệt nhoài, bạn tấp vào một quán cà phê máy lạnh và chợt nhận ra rằng: giá như được nằm xuống đánh một giấc. Và đấy là lúc là bạn ao ước có một quán cà phê… nằm.
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, đi cà phê sao lại… nằm?! Nhưng bởi là Sài Gòn, nên việc đáp ứng cho nhu cầu này của bạn dường như đã gần trở nên phổ biến. Thật ra, tư thế nằm ngồi, ngủ hay không ngủ trong một quán cà phê là quyền của khách. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến những quán cà phê mà việc khách nằm, ngủ trưa ở đó được xem như là một việc… chấp nhận được, không bị ai đánh giá, cũng không bị ai làm phiền.
Đầu tiên là quán Le Fenetre Soleil – tầng 2, 135 Lê Thánh Tôn, quận 1 – Cửa sổ mặt trời. Dân sành với cà phê nằm bình chọn, đây là quán rất rất dễ thương bởi phục vụ tốt và gần như là điểm hẹn của rất nhiều người trẻ… thiếu ngủ.
Quán nằm trên một căn gác biệt thự cổ kiểu Pháp góc đường Nam Kì Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn. Quán có hẳn một chiếc giường căng rèm tím trông rất lãng mạn. Ngoài ra còn có những bộ sopha vải cùng nhiều gối ôm, trong nền nhạc nhẹ nhàng kiểu Norah Jones, thật là một điều kiện lý tưởng để… ngủ. Những “cửa sổ mặt trời” rèm trắng, màu hoa chuối cam tươi, màu sen hồng phớt nụ… cùng không gian trong căn biệt thự cổ liệu đã đủ để ru bạn vào một giấc mơ đẹp?!
Le Petit Cafe trên đường Hai Bà Trưng (189 Hai Bà Trưng, quận 3) là một điểm hẹn lý tưởng. Phòng VIP trên căn gác nhỏ có hẳn một dãy giường dài êm ái chất đầy gối ôm. Dưới sàn trải thảm là nhiều túi nằm hạt xốp rất êm, rất… dễ ngủ. Trần nhà quét sơn đen có hệ thống đèn màu li ti trông như một bầu trời đêm kì thú. Ban ngày, nắng tràn qua dãy rèm mỏng vào ô cửa sổ màu trắng xinh xinh cũng gây nhiều cảm xúc lạ thường. Buổi trưa vào Le Petit uống xong ly nước rồi ngủ một giấc là điều cực kì… có lý. Phải chăng vì thế mà trong menu có ghi thêm khoản “Lưu lại quá 3 tiếng tính thêm phí phục vụ”!
Himiko café (88 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3) thực ra là một visual art saloon, nhưng cũng khá thích hợp nếu bạn muốn tìm một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi buổi trưa. Quán vắng, ghế nệm êm, gối êm, nền nhạc Leonard Cohen dìu dặt. Tông màu đen đỏ rất “art”, không khí trong quán khá dễ chịu, thoải mái vì mọi người chỉ dành cho nhau một sự quan tâm vừa phải.
Không gian ba quán cà phê trên đều nhỏ xinh, ấm cúng nên bạn có thể yên tâm rằng giấc mơ mình không “đi lạc” quá xa. Giá nước hơi cao (khoảng từ 30.000 đồng) nhưng cũng chấp nhận được khi ở đó, bạn có những phút giây nghỉ ngơi thoải mái, dễ chịu.
Tất nhiên, Sài Gòn còn rất nhiều quán cà phê như thế nữa. Sổ địa chỉ của những quán cà phê nằm sẽ là một bộ sưu tập dài hơi.
NHÃ ANH-TÀO NGA – PHƯƠNG THẢO
——————————————————————————————————————————————————-
—- |
Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore là một trong những chính khách có uy tín tại Đông Nam Á. Ông vừa khuyến cáo Bắc Kinh không nên thúc ép các nước nhỏ trong ASEAN một cách quá đáng, vì điều đó sẽ gây hại cho Trung Quốc. Phân tích về diễn biến gần đây trong mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN liên quan đến Biển Đông, ông đã đưa ra lời khuyên nói trên trong bài “Cuộc đấu (Mỹ – Trung) giành ưu thế (tại châu Á Thái Bình Dương)” – Battle For Preeminence – đăng trên Tạp chí Mỹ Forbes Magazine số đề ngày 11/10/2010.
Vì bận rộn với các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã nhường Đông Á và khu vực Thái Bình Dương lại cho diễn viên lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc. Bây giờ vào lúc Hoa Kỳ đang thu dọn cuộc chiến Irak và lập kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2011, Tổng thống Obama đã quyết định tái lập quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Tại sao điều này quan trọng ? Bởi vì trọng tâm của kinh tế và địa chính trị thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế hai bên Thái Bình Dương sẽ làm cho khu vực này trở thành quan trọng và năng động nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Nhưng trở thành cường quốc ưu việt ở đây sẽ đòi hỏi sự tập trung ý chí và phương tiện.
Tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã đệ trình một đề xuất chung trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để đòi chủ quyền trên khu vực thềm lục địa mở rộng bao hàm một dải đảo nhỏ ở phía Nam Biển Đông. Việt Nam cũng đồng thời đệ trình một đề xuất riêng (cho khu vực ở phía Đông Bắc Biển Đông).
Trung Quốc đã phản bác hai bản đệ trình kể trên. Trong một công hàm gởi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh khẳng định rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và lòng đất bên dưới.”
Đính kèm theo công hàm là một bản đồ cũ với các đường gián đoạn theo hình chữ U bao quanh tất cả khoảng 200 hòn đảo lớn và nhỏ, mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ. Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu cá nhân của Malaysia, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Brunei.
Hoa Kỳ trở lại Đông Á
Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) ngày 23/07/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích thiết yếu trong khu vực và trong việc giải quyết hòa bình (theo quy định của pháp luật – trong trường hợp này là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS) các tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Bà Clinton nói thêm rằng việc giải quyết những tranh chấp này rất quan trọng đối với an ninh khu vực và Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ sự tự do lưu thông, việc tiếp cận được các quyền liên quan đến biển và việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực giàu tài nguyên này.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã phản pháo, cho rằng ý kiến có vẻ như công bằng của bà Clinton thực ra “là một đòn tấn công vào Trung Quốc.” Ông tiếp lời cho rằng Biển Đông hiện vẫn là một khu vực hòa bình và nói thêm rằng ASEAN không phải là một diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề tranh chấp. Đối với ông Dương Khiết Trì, sở dĩ Trung Quốc và một số nước ASEAN có một số tranh chấp lãnh thổ trên biển, đó là vì họ là hàng xóm, chứ không phải vì các quốc gia này là thành viên ASEAN. Ông nhắc lại rằng đây không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và khối ASEAN và Trung Quốc chủ trương đàm phán riêng rẽ với từng nước có tranh chấp.
Ngòi nổ khiến cho tất cả những đòi hỏi và phản đòi hỏi trên đây chính là việc Việt Nam giao quyền thăm dò dầu khí trong một số khu vực cho các hãng BP và ExxonMobil. Vào năm 2008, Trung Quốc đã cảnh cáo ExxonMobil là phải hủy bỏ thỏa thuận thăm dò với Việt Nam nếu không muốn gây nguy hiểm cho bất kỳ hợp đồng tương lai nào ký kết với đại lục. Theo Trung Quốc thì các khu vực liên can “một bộ phận không thể tranh cãi của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.”
Vì là nước chủ trì Hội nghị ASEAN, Việt Nam đã đưa vấn đề vào chương trình chính, dẫn đến sự can thiệp của Mỹ. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, với việc Hoa Kỳ xác định rõ ràng là quan hệ này không chỉ đơn thuần là hợp tác, mà sẽ có những giới hạn đối với quyền lực của Trung Quốc, đặc biệt là đối với cách xử sự của Bắc Kinh với các nước nhỏ trong khu vực.
Các lợi ích hỗ tương
Ngày 16/08/10, Lầu Năm Góc báo cáo rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa, tàu ngầm, tàu sân bay và phương tiện chiến tranh trên mạng. Trung Quốc sẽ có thể tấn công các mục tiêu vượt quá Đài Loan đến tận đảo Guam (của Mỹ). Đây là bước khởi đầu của một trận đấu kéo dài nhiều thập niên giữa Mỹ và Trung Quốc để giành thế thượng phong tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, có một yếu tố tạo ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung. Đó là sự kiện cả hai quốc gia đều cần đến sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh của nhau : Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư và thị trường của Mỹ; Hoa Kỳ cần thị trường Trung Quốc cũng như thỏa thuận và / hay là sự hỗ trợ của nước này trong việc giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Lợi ich hỗ tương có thể là một động lực mạnh mẽ.
Trung Quốc cần phải thận trọng cân nhắc xem là việc nhấn mạnh đòi hỏi thương thuyết riêng lẻ với từng nước ASEAN liệu có sẽ làm cho các quốc gia này xích lại gần Hoa Kỳ hơn hay không. Một trong những mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là hòa nhập được với khối ASEAN về mặt kinh tế, cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc sẽ thất bại trong mục đích của họ nếu đẩy các nước ASEAN về phía Hoa Kỳ, đặc biệt là từ khi Mỹ tuyên bố lập trường là một trong những hậu thuẫn cho các yêu cầu hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn đó
@ RFI
————————————————————————————————————————————————————————–
Ngô Nhân Dụng
Trung Quốc đã chịu lùi một bước, trước mặt 10 bộ trưởng quốc phòng Asean và 6 nước khác ở Hà Nội. Robert Gates, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhắc lại những lời Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã nói hồi Tháng Bẩy vừa qua, cũng tại thủ đô Việt Nam.
Lần này ông Gates nói mạnh hơn, cứng rắn hơn. Hồi Tháng Bẩy, các viên chức chính phủ và báo nhà nước ở Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những ý kiến của bà Clinton. Nhưng Trung Quốc phải đáp lễ một cách ôn hòa.
Quan điểm của Mỹ được ông Gates nhắc lại rất rõ ràng: “Hoa Kỳ luôn luôn sử dụng quyền (tự do lưu thông đường biển) của mình và bảo vệ quyền của các nước khác được thông thương và hoạt động trong hải phận quốc tế. Ðiều đó không thay đổi, cũng như sẽ không thay đổi các cam kết của chúng tôi về những hoạt động chung với các đồng minh và những nước cộng tác.” Những lời này, tuy không nói đến tên Trung Quốc, nhưng phản bác tất cả những điều mà Bắc Kinh đã nêu lên để chỉ trích bà Clinton, khi họ nói Mỹ là người ngoại cuộc muốn xen vào chuyện nội bộ của Á Châu. Robert Gates đã phát biểu trước mặt bộ trưởng quốc phòng các nước Ðông Nam Á và các quốc gia khác gồm Nga, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Nam Hàn, và Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc. Ngay sau đó, Lương Quang Liệt đã ngỏ lời mời Gates sang thăm Bắc Kinh vào năm tới. Ðầu năm 2010, Bắc Kinh đã bãi bỏ một cuộc thăm viếng của Gates và ngưng mọi liên lạc về quốc phòng với Mỹ, để phản đối việc Mỹ bán hơn 6 tỷ đô la vũ khí tối tân cho Ðài Loan.
Bắc Kinh đã chịu thua trong cuộc đấu ngoại giao này, vì họ nhìn thấy các nước Ðông Nam Á đang phản ứng bất lợi vì mối lo sợ về mối đe dọa của nước cộng sản Trung Hoa. Từ khi Ðặng Tiểu Bình quyết định cải tổ kinh tế năm 1978, ông vẫn chủ trương thân thiện với ngoại bang, đặc biệt là các nước Á Ðông. Trung Quốc đã thành công khi ký được hiệp ước thương mại tự do với khối ASEAN, nhận tiền đầu tư từ Ðài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn. Năm nay, tất cả các nước Ðông Nam Á đã đổi thái độ khi Bắc Kinh tuyên bố Nam Hải thuộc loại “quyền lợi cốt lõi” của họ – ngang tầm quan trọng với Ðài Loan và Tây Tạng. Nghĩa là coi vùng biển Ðông của nước ta cũng thuộc lãnh thổ của họ, mặc dù có nhiều quốc gia khác còn đang tranh tụng về chủ quyền trên các hòn đảo. Trong vùng quần đảo Trường Sa, có 29 đảo do Việt Nam, 8 đảo do Phi Luật Tân và 3 đảo do Mã Lai Á chiếm, nhiều đảo đủ lớn có thể xây phi trường; và Ðài Loan chiếm đảo Itu Aba lớn nhất, mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm đóng 9 hòn đảo nhỏ nhưng họ lại biểu diễn lực lượng hải quân rất xa với khả năng đe dọa đánh đuổi các nước khác. Lời tuyên bố về “hạch tâm quyền lợi” trên không những làm các nước Ðông Nam Á phải lo đề phòng mà cả Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Mỹ đều coi là một mối đe dọa đối với con đường biển quốc tế này. Chính vì vậy, khi chính quyền Barack Obama bắt đầu tỏ ý bảo vệ quyền thông thương này, các nước Ðông Á đều hoan nghênh.
Trước thái độ và phản ứng của khối ASEAN, đáng lẽ chính phủ Trung Quốc phải trấn an, tỏ ra mềm dẻo hơn để trấn an họ; nhưng Bắc Kinh đã làm ngược lại. Một biến cố khiến tất cả khối Ðông Nam Á thêm lo sợ về thái độ hung hăng của Bắc Kinh, là phản ứng dữ dội của họ sau khi Nhật Bản bắt một thuyền trưởng Trung Hoa vì tầu của ông này đâm vào hai tầu tuần duyên của Nhật, trong vùng đảo Sensaku mà người Trung Hoa gọi là Ðiếu Ngư Ðài, ngày 7 Tháng Chín. Năm 1978, Ðặng Tiểu Bình đã nói: “Hy vọng thế hệ tương lai sẽ khôn ngoan hơn chúng tôi để giải quyết vấn đề này.” Thế hệ Ôn Gia Bảo cũng chưa biết giải quyết vấn đề đảo Ðiếu Ngư ra sao nhưng nhân cơ hội này chứng tỏ họ rất cứng rắn. Ðây là một hòn đảo Nhật chiếm của Trung Quốc năm 1895 cùng lúc chiếm Ðài Loan. Năm 1945, Mỹ đã chiếm đóng sau khi đánh bại Nhật. Mỹ trả lại cho Nhật cùng với Okinawa, thay vì trả cho Ðài Loan, cho nên sinh tranh chấp. Trung Quốc đã ngưng mọi tiếp xúc ngoại giao, bãi bỏ cấp visa cho 1,000 sinh viên Nhật thăm Hội Chợ Thượng Hải, không bán một số kim loại hiếm cần cho kỹ nghệ điện tử. Nhật Bản lo nhất là Bắc Kinh có thể nhân ngày kỷ niệm Sự Biến Lư Cầu Kiểu, 18 tháng 9 năm 1931, khi quân Nhật khiêu khích để tiến đánh chiếm Mãn Châu, thanh niên Trung Quốc sẽ biểu tình chống Nhật khơi lại mối hận thù!
Sau khi Nhật Bản chịu nhường, trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Hoa, một hậu quả bất ngờ là cuộc tranh chấp tay ba ở đảo Sensaku trở thành rắc rối hơn. Chính phủ Mỹ bỗng phải xác nhận rằng hiệp ước an ninh Mỹ Nhật bao gồm cả hòn đảo này, một điều trước đây vẫn để cho mập mờ ai muốn hiểu sao cũng được. Một hậu quả khác là vì Trung Quốc ngưng bán một số nguyên liệu cho Nhật để làm áp lực trong vụ Ðiếu Ngư Ðài, các công ty Nhật Bản lo đi đặt mua ở nước khác. Các nước Ðông Á bỗng nhiên cảm thấy mối đe dọa của Trung Quốc tăng cường độ, hậu quả là họ sẽ phải thân thiết với Mỹ hơn!
Có thể nói Bắc Kinh rất vụng về, dại dột trong vụ Sensaku, làm cho các nước Á Ðông lo ngại và đề phòng. Rồi sau đó, Bắc Kinh lại tỏ ra rất nhún nhường, hòa hoãn với Mỹ và trấn an các nước khác trong cuộc gặp gỡ tại Hà Nội vào ngày hôm qua; khi Tướng Lương Quang Liệt nói rõ chính sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ có tính chất phòng thủ, họ không nhắm thách thức hoặc đe dọa ai, và muốn tăng cường niềm tin cẩn của các nước khác. Từ Ðiếu Ngư Ðài, tới hội nghị ASEAN, ta thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc có vẻ lúng túng, không nhất quán.
Nhưng cũng có thể nhìn theo cách khác để thấy là thật ra không phải giới lãnh đạo Trung Quốc đã dại dột, vụng về. Một lý do gây ra tình trạng lúc cứng quá, lúc mềm quá trên đây là vì trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc đang có những tranh chấp ngấm ngầm. Phe quân đội trong chính quyền cộng sản đang tìm cách lấn áp phe dân sự, ngay cả trong diễn trình quyết định các vấn đề ngoại giao. Chính giới lãnh đạo quân sự ở Trung Quốc đang muốn tạo ra mối đe dọa cho các nước chung quanh, tác động trên tinh thần ái quốc của người dân, để gia tăng uy quyền của họ trong nội bộ, so với phe dân sự. Ðây là một thủ đoạn để các tướng lãnh tăng thêm ảnh hưởng, chuẩn bị cho việc sắp xếp các vai trò chủ chốt trong đảng Cộng Sản trong kỳ đại hội đảng vào năm 2012 sắp tới.
Trong thời gian gần đây, giới tướng lãnh Trung Quốc xuất hiện rất nhiều trên các diễn đàn quốc tế, được báo chí nhắc nhở đến luôn luôn; vì họ lúc nào cũng có luận điệu rất diều hâu, nhân danh “quyền lợi dân tộc.” Ngày 24 Tháng Chín vừa qua, tại một hội nghị ở Singapore, khi một cựu nhân viên ngoại giao Nhật, ông Hitoshi Tanaka báo tin chính phủ Nhật sắp trả tự do cho viên thuyền trưởng trong vụ Ðiếu Ngư Ðài, trong khi các người tham dự đều vỗ tay, thì một vị tướng Tầu bày tỏ một thái độ thù hằn và đe dọa, sau khi cựu Ngoại Trưởng Ðường Gia Toàn tỏ thái độ ôn hòa. Tướng Chu Thành Hổ (Zhu Chenghu) giám đốc Nghiên cứu Chiến lược thuộc Ðại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, đã đứng lên cảnh cáo chính phủ Nhật rằng đừng tưởng chỉ tuyên bố như vậy là đủ để xây dựng mối bang giao tốt đẹp giữa hai nước. Hành động của Tướng Chu Thành Hồ làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó không phải là lần đầu tiên. Vào Tháng Năm vừa qua, khi tiếp đón một phái đoàn viên chức ngoại giao Mỹ, Phó Ðề Ðốc Quan Hữu Phi (Guan Youfei, người Trung Quốc gọi là thiếu tướng Hải Quân) đã lớn tiếng cảnh cáo nước Mỹ đang có hành động bá quyền và coi Trung Quốc là thù địch; câu nói của ông khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc có mặt đều bối rối. Ông Quan Hữu Phi cũng có mặt trong phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị tại Hà Nội tuần này. Vào Tháng Sáu, Tướng Chu Thành Hồ cùng tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc là những người đứng lên chỉ trích ông Robert Gates tại một hội nghị ở Singapore, về vụ Mỹ bán máy bay và hỏa tiễn cho Ðài Loan. Ông Chu Thành Hồ đã từng bị cấp trên phê bình nặng vào năm 2005, sau khi ông tuyên bố với nhà báo rằng bom nguyên tử của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt hàng trăm thành phố ở Mỹ, nếu Mỹ can thiệp vào việc giải phóng Ðài Loan! Nhưng tới nay, ông vẫn tiếp tục xuất hiện trong các diễn đàn quốc tế, khiến các nhà ngoại giao dân sự Trung Quốc phải bối rối, không biết ai là người quyết định chính sách ngoại giao.
Trên các diễn đàn quốc nội, các vị tướng lãnh Trung Quốc còn mạnh miệng hơn nữa. Tướng Trương Triệu Ngân (Zhang Zhaoyin), viết trong nhật báo Quân Ðội Nhân Dân là Trung Quốc phải từ bỏ chủ trương lỗi thời là xây dựng một quân lực cho thời bình. Ông nói, nhiệm vụ chủ yếu của quân đội là “chuẩn bị chiến tranh, chiến đấu và thắng trận.” Ông là phó tư lệnh khu quân sự Thành Ðô, tỉnh Tứ Xuyên. Trung Tướng Kim Nhất Nam (Jin Yinan), phó giám đốc Nghiên Cứu Chiến Lược trong Ðại Học Quốc Phòng đã nêu lên chủ trương là Trung Quốc phải là một quốc gia vĩ đại, và “khi một quốc gia và một dân tộc bước vào một giai đoạn khẩn trương, quân đội luôn luôn đóng vai trò chủ yếu” để đạt được mục tiêu của mình. Một giáo sư khác tại Ðại Học Quốc Phòng là Phó Ðề Ðốc Dương Nghị (Yang Yi), ông từng viết: “Một quân đội hùng mạnh là điều quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi quốc gia… Hải Quân Trung Quốc là lực lượng mạnh nhất để ngăn không cho các nước khác xâm phạm quyền lợi hàng hải của Trung Quốc.” Ông Dương Nghị cũng cảnh cáo các nước khác, không nêu rõ tên, là họ không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực chỉ vì muốn phát triển kinh tế một cách hòa bình. Ông nói hiểu lầm như vậy là rất nguy hiểm! Ông cũng từng nói Nhật Bản và Nga không có khả năng nhưng nước Mỹ là nước duy nhất đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Một luận điệu đáng sợ nhất của giới tướng lãnh Trung Quốc là quan niệm về “biên cương quyền lợi quốc gia” mà một nhà bình luận trên nhật báo Quân Ðội Nhân Dân ở Bắc Kinh nêu lên. Ông Hoàng Côn Luân (Huang Kunlun) đã viết rằng quyền lợi của Trung Quốc vượt ra ngoài lãnh thổ, hải phận của họ, mà phải bao gồm cả những vùng biển mà tầu thủy Trung Quốc lưu thông, cũng như trong không gian. “Với sứ mạng lịch sử của chúng ta, quân đội Trung Quốc không những phải bảo vệ lãnh thổ mà còn phải bảo vệ ‘biên cương quyền lợi’ của nước mình.” Nói như vậy là bành trướng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc lên gấp bội, không khác gì ông Robert Gates nói về nhiệm vụ của quân đội Mỹ! Chính quan niệm “biên cương quyền lợi” này đưa tới việc coi Biển Ðông của Việt Nam là vùng quyền lợi cốt lõi của người Trung Hoa.
Với những vị tướng hay lớn tiếng như trên, giới quân sự Trung Hoa đang lấn quyền các người lãnh đạo dân sự. Không những họ thường xuất hiện trên hệ thống truyền thông của nhà nước, mà họ còn viết sách bán rất chạy, khi bàn về các vấn đề quyền lợi quốc gia! Hiện nay trong guồng máy quyền lực Trung Quốc, bộ phận nắm quyền rất lớn là Quân Ủy Trung Ương. Mà trong số 11 người thuộc hội đồng này chỉ có một người dân sự là Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào. Trong tuần này, ông Tập Cận Ðình sẽ được bầu làm phó chủ tịch quân ủy, để chuẩn bị cho ông thay thế Hồ Cẩm Ðào vào năm 2012. Giới lãnh đạo dân sự mải lo các vấn đề kinh tế, xã hội, cho nên không đủ thời giờ và mưu trí mà đặt giới quân nhân vào khuôn khổ, như giới tướng lãnh Mỹ vẫn phải nằm dưới sự chỉ huy của các nhà lãnh đạo chính trị dân sự.
Cho nên, mối đe dọa lớn nhất đối với vùng Ðông Nam Á không phải là tất cả guồng máy chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc mà chính là giới tướng lãnh của nước này. Theo nhật báo Wall Street, trong Tháng Chín năm 2010, chính các tướng lãnh Trung Quốc đã yêu cầu giới lãnh đạo phải điều động hải quân để đe dọa Nhật Bản trong vụ Ðiếu Ngư Ðài, và họ cũng đề nghị Bắc Kinh hãy đẩy đồng Yen của Nhật lên cao để ảnh hưởng trên việc xuất cảng của Nhật. Khi Bắc Kinh đứng ra mua mấy tỷ công trái của chính phủ Nhật, đồng Yen đã lên giá, sau đó bộ trưởng Tài Chánh Nhật phải chính chức đặt câu hỏi Trung Quốc có ý đồ gì khi đem đô la mua Yen, cho nước Nhật vay nợ một cách hào phóng như vậy? Lập tức, chính phủ Nhật đã in thêm đồng Yen để đi mua đô la Mỹ, giảm giá đồng tiền của họ xuống!
Nếu các tướng lãnh gây được ảnh hưởng trên chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, thì đó là một mốt đe dọa cho cả vùng Châu Á. Họ có thể thay đổi đường lối ngoại giao từ hòa hoãn sang gây hấn; đặc biệt là đối với một nước nhỏ lân bang như Việt Nam thì từ gây hấn có thể chuyển tới hành động xâm lăng!
@ NguoiViet
————————————————————————————————————————————————————————–