——————————————————————————————————————————————————————————————————
Day: 26/10/2010
Miền Trung -Sau những ngày lũ lụt
Đời sống : Bí mật ẩn giấu sau cái ôm của chàng
Cho dù chàng im lặng, cách ôm này vẫn thể hiện rõ ràng chàng đang yêu. Với cái ôm này, chàng cố gắng lấp đầy khoảng cách giữa hai người, tấm thân bạn dựa hẳn vào người chàng, chân bạn đan xen với chân chàng, các bạn tuy hai mà một.
Theo chuyên gia Patti Wood, tác giả cuốn “Những dấu hiệu thành công”: “Bằng cách ôm phủ lấy người bạn, chàng truyền đi một thông điệp rằng “anh muốn che chở cho em”. Tư thế ôm cho thấy cả sức mạnh, sự nam tính trong con người chàng nữa.
Có một ngoại lệ cho cái ôm từ phía sau này: Nếu chàng hầu như lúc nào cũng ôm bạn từ phía sau, có thể chàng muốn được gần gũi bạn hơn nhưng lại luôn sợ bạn tỏ ra xa cách. Chàng tránh mặt đối mặt vì sợ bạn không đáp lại tình cảm của chàng.
Chàng nhẹ nhàng vuốt ve lưng bạn trong lúc ôm
Cử chỉ âu yếm này cho thấy chàng quan tâm sâu sắc đến bạn. Theo Wood, lưng là phần cơ thể rất nhạy cảm. Bạn không nhìn được lưng của mình, bởi thế khi ai đó ve vuốt phần cơ thể này, bạn dễ có cảm giác sửng sốt đầy thích thú.
Nhẹ nhàng xoa lưng còn cho thấy chàng muốn chăm sóc và bảo vệ bạn. Song đừng ngạc nhiên nếu những cử động nhẹ nhàng bỗng chốc trở nên mãnh liệt hơn, bởi sự cọ xát thường mang nhịp điệu của sex, sẽ kích thích hứng thú ở chàng.
Cũng có khi cử chỉ ve vuốt lưng cho thấy chàng đang buồn và muốn được xoa dịu. Bởi theo Janine Driver, trưởng Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Cơ thể Mỹ: Ve vuốt lưng là cử chỉ làm dịu một cách bản năng con người thường làm khi gặp điều không vui”. Người đàn ông vuốt ve lưng bạn bởi có thể trong tiềm thức, đó cũng chính là điều chàng đang khao khát.
Nếu thấy chàng có vẻ không được vui như mọi ngày, hãy quay lại vuốt ve lưng chàng và hỏi xem mọi việc có được ổn không.
Chàng vỗ vào lưng trên của bạn trong khi ôm
Kiểu ôm này dồn sức nặng vào cơ thể bạn. Hãy bắt đầu từ trường hợp xấu nhất: Chàng không hề yêu bạn. Chàng ôm bạn như cái cách giữa những người đàn ông với nhau vẫn làm, chẳng có chút lãng mạn nào cả. Khi một người đàn ông luôn ôm bạn như thế, điều đó có nghĩa mối quan hệ không tiến triển.
Đừng vội thất vọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu cái ôm dạng này không diễn ra thường xuyên, chỉ thi thoảng 1 lần, thì đằng sau nó có thể có các ý nghĩa:
– Chàng muốn động viên, trấn an bạn (như khi bạn đang định làm điều gì đó điên rồ)
– Chàng lơ đãng vì còn bận nghe điện thoại, xem TV
– Nếu cái ôm diễn ra nơi công cộng, có thể vì chàng không muốn bộc lộ tình cảm riêng tư chốn đông người, chàng muốn làm người khác cảm thấy bất tiện.
Chàng vòng tay qua eo kéo sát bạn về phía chàng
Anh chàng thực sự khao khát bạn đấy. Kiểu ôm hông đối hông thường cho thấy chàng muốn hòa làm một với bạn về mặt thể xác. Và bàn tay chàng càng chu du xa hơn trên cơ thể bạn càng chứng tỏ độ nóng trong cảm nhận của chàng.
Chàng có giụi trán mình vào trán bạn không? Đó là cử chỉ cho thấy mong muốn hòa nhập cả về mặt tâm hồn. Nếu hai người chỉ vừa biết nhau, cái ôm này cho thấy với chàng, bạn không chỉ đơn giản là thú vui qua đường. Nếu hai người đã bên nhau một thời gian, đây là dấu hiệu cho thấy chàng sẵn sàng tiến xa hơn, gần gũi bạn hơn cả về tinh thần lẫn thể xác.
Huyền Anh
Theo Cosmopolitan
@ Dantri
————————————————————————————————————————————————————————-
Việt Nam hãy thả các blogger,những người chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa
HRW, RSF kêu gọi VN thả các blogger, người chỉ trích chính phủ
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Việt Nam nên bỏ các cáo buộc đối với hai blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, và Anh Ba Sài Gòn, tức Phan Thanh Hải, và trả tự do cho họ ngay lập tức.
Human Rights Watch khẳng định việc Hà Nội truy tố các blogger độc lập và những người chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa là có động cơ chính trị và vi phạm các quyền công dân được đảm bảo bởi luật nhân quyền quốc tế, đồng thời chứng tỏ tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Cùng lúc đó, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở ở Pháp cho rằng nhà nước Việt Nam đang kiếm cớ tiếp tục giam giữ và hành xử một cách hoàn toàn bất hợp pháp vì đã không trả tự do cho blogger Điếu Cày sau khi ông mãn án tù về tội danh trốn thuế vào ngày 20/10 vừa qua.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền RSF kêu gọi Hà Nội trả tự do tức khắc cho blogger Điếu Cày và blogger Anh Ba Sài Gòn, đồng thời lên án các cuộc tấn công tin tặc đánh vào các trang web chỉ trích chính phủ hoặc viết về những đề tài “nhạy cảm” như Hoàng Sa-Trường Sa, bauxite Tây Nguyên. Trong số các website cá nhân bị tin tặc đánh phá gần đây có có trang nhà của nhạc sĩ Tô Hải.
Blogger Điếu Cày là người thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do. Năm 2008, ông bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội trốn thuế sau khi có các bài viết và hoạt động phản đối việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa-Hoàng Sa của Việt Nam.
Blogger Anh Ba Sài Gòn bị bắt tại nhà riêng hôm 18/10 vừa qua. Vợ ông thuật lại lời cơ quan thi hành công vụ cho biết nguyên do là vì ông đã đăng tải những thông tin mà nhà nước cho là sai sự thật trên blog điện tử cá nhân về vấn đề tranh chấp chủ quyền Việt-Trung, dự án khai thác bauxite mà Trung Quốc trúng thầu tại Tây Nguyên, cũng như bày tỏ ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến khác.
Nguồn: AFP, HRW, Reporter Without Borders
Sài Gòn, ngày đón hụt Điếu Cày
Tối đến Sài Gòn, gọi cho Q và anh Ba không ai nhắc máy, tìm một nhà nghỉ giá rẻ 100 ngàn 1 đêm làm chỗ nghỉ. Lát sau nghe tin anh Ba đang bị khám nhà và bị bắt. Lúc đó nghĩ chắc công an chỉ giữ anh Ba để ngăn chặn không cho ngày vui đoàn tụ của anh Điếu Cày được trọn vẹn. Lát sau mới biết họ và đọc lệnh khởi tố điều 88 của BLHS, mọi người khác đều bị canh gác trước cửa. Không thể gặp ai lúc này, Sài Gòn như đang trong giờ giới nghiêm vậy.
Sáng đi mua mua hoa, chị bán hoa hỏi sao tặng sớm thế, mai mới đến ngày mà. Chắc chị ấy tưởng mình đặt hoa tặng bạn gái nào. Hoa mua xong xin chị số điện, bao lúc nào em gọi mang đến luôn cho em chỗ đó, em sẽ đón, tiền xe ôm bao nhiêu cũng được. Nhân tiện nhờ chị cầm hộ điện thoại, ví tiền, chỉ giữ lại 100 ngàn để đi xe ôm ra Phạm Ngọc Thạch đứng chờ. Ở chỗ nhà chị Tân vợ anh Điếu Cày công an các loại tụ tập từ ngoài cửa đến bên trong. Mình ngồi hàng nước ngay đầu cổng chung cư mãi không thấy gì, lại quay về hàng hoa lấy lại điện thoại gọi chị Tân.
Chị Tân báo chị bị canh cửa không cho ra ngoài, em vào chơi cứ việc vào. Mình nghĩ để dành cơ hội để tặng anh Điếu Cày bó hoa, nếu vào bây giờ chúng nó lại kiếm cớ gây sự như lần trước, rồi nó lại mang về đồn bảo giải quyết, hòa giải mẹ gì đó đến cả tuần chưa xong thì mình chẳng gặp anh Điếu Cày. Nghĩ thế nên cứ loanh quanh ở ngoài bảo chị Tân thấy anh về điện em, để em xông thẳng vô tặng anh bó hoa rồi đến đâu thì đến tính sau. Lúc này thì sắm cái điện thoại cũ 120 nghìn, phòng bị thu như lần trước cũng đỡ tiếc.
Loanh quanh đến chiều cũng chả thấy tăm hơi gì, đi bộ cứ từ đầu đường Phạm Ngọc Thạch đến giữa đường lại lộn lại. Chị bán hoa nhắn tin hỏi đã lấy hoa chưa, không héo lại trách chị bán hoa không ra gì.
Tối không thấy tăm tích gì anh Điếu Cày, cố nán đợi đến 11 giờ đêm ngày 19-10-2010 vẫn không có tin gì. Gọi cháu Dũng con anh Điếu Cày thì cháu bảo đang ở trên Xuân Lộc, Đồng Nai đợi bố trước cửa trại giam.
Lại đêm nữa không ngủ, sáng 20-10 dậy mắt cay xè đi ra nhà chị Tân, gọi điện chị không trả lời. Hàng xóm bảo sáng sớm công an đến bắt chị đi đâu rồi. Quay về nhà nghỉ lấy đồ bắt xe đò đi lên vừa đến Long Khánh thì anh Quang gọi điện bảo xuống đó đứng ở ngã ba đường xem có anh Điếu Cày đi qua đó không.
Ngồi ở ngã ba đầu đường vào Long Khánh gần 2 tiếng thì anh Quang và cháu Dũng đến, nét mặt thất vọng. Họ cho biết vào trại giam thì trại nói thả anh Điếu rồi, có một chiếc xe đi đằng sau, hai chú cháu chỉ biết nhìn mà không sao đuổi được vì đường đi vòng. Anh Quang đoán họ thả anh Điếu giữa đường như họ từng làm trước đây với mấy người. Mình cho rằng với anh Điếu Cày họ sẽ không làm thế, vì anh thiếu gì cách về tới SG dù không có đồng nào, chắc họ chở anh về SG đưa về công an phường 6 quận 3 nơi anh cứ trú để làm thủ tục thôi. Cháu Dũng sốt ruột đời đi xe máy về trước, còn mình với anh Quang đi xe đò về sau.
Trên đường nghe tin chị Tân buổi trưa được về nhà, vừa về một lúc thì công an ập đến bảo mở cửa làm việc. Chị Tân mệt vì bị triệu đi từ sáng mới về đã thế, lọ mọ chưa kịp mở thì họ đập vỡ cửa xông vào khám nhà và tuyên bố anh Điếu Cày bị bắt tiếp vì điều 88. Cháu Dũng cũng về đến nơi, người vợ và đứa con sau bao ngày chờ đợi chồng và cha mãn hạn tù ra về nay lại được nhà chức trách báo tiếp tin như thế. Một sự tính toán nhân đạo nhất trên thế giới này của công an thành phố mang tên bác, đây rõ ràng là sự tính toán được cân nhắc từ rất lâu nhằm hủy diệt tinh thần thân nhân những người của anh Ba, anh Điếu. Như anh Ba nếu là tội tham gia Câu lạc bộ nhà báo Tự Do thì họ phải bắt từ lâu rồi, nhưng vì tính nhân đạo của chủ nghĩa họ đang tôn thờ, cho nên họ đợi thời gian dài cho đến lúc vợ anh Ba sắp sinh mới ra tay bắt bất thình lình. Để người phụ nữ đang mang thai gần đến ngày sinh khỏi phải đột ngột tâm lý, dẫn đến hoảng loạn mà ảnh hưởng đến tính mạng mẹ và con. Cũng như họ đợi ngày anh Điếu Cày về đoàn tụ với gia đình, họ mới tuyên bố bắt tiếp cho vợ con anh thêm yêu mến sâu sắc chế độ bởi cách xử lý đậm tình con người. Ơn Đảng, ơn chính phủ đã có chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với gia đình anh Ba và anh Điếu Cày.
Anh Điếu Cày sẵn sàng đón nhận những hậu quả bất công liên quan đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của con người từ vài năm trước. Nhưng công an lập tội anh trốn thuế để xử tù trước, rồi 30 tháng sau họ chuẩn bị kỹ càng để dành cho anh một lần nữa được đi tù tiếp. Lần tù này không phải là thất bại với các anh, cho dù gia đình vợ con các anh rất đau đớn, nhưng dẫu sao hãy để cho họ kết tội chúng ta vì điều 88, một điều luật mà thế giới sẽ quan tâm hơn đến những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa.
Anh Điếu Cày là cựu chiến binh, cuộc sống của anh trước kia không khó khăn gì về kinh tế, anh Ba SG là con của một gia đình cách mạng truyền thống, anh cũng có công ty riêng làm ăn. Các anh là những người sinh ra trong gia đình và bản thân đều cống hiến cho Đảng Việt Cộng và Nhà Nước Việt Nam hiện nay,các anh kiếm sống bên ngoài, không làm cán bộ , công chức nhà nước nên không có bất mãn vì đấu đá nội bộ gì. Những gì các anh nói đều trong sáng bởi xuất phát từ những người dân yêu nước thực thụ. Không vì tiền bạc, danh lợi, địa vị . Các anh đã dũng cảm để thốt lên thay cho hàng triệu người dân Việt tiếng nói đòi hỏi về chủ quyền đất nước, về quyền căn bản của con người.
Trước lúc rời SG về HN, ngồi chia tay với mấy người bạn,các anh nói giờ đến lúc chúng ta không sợ tù nữa, đi tù lúc này với các anh em , bạn bè của mình mới thực sự là chia sẻ với họ. Phải đi tù vì điều 88 như họ lúc này mới là giúp đỡ quý nhất với anh Điếu Cày, Anh Basg..
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ còn mãi mãi trong tâm chí những người yêu mến tự do, ngôn luận bởi những tấm lòng ngời sáng và sự dấn thân cao cả mà những thành viên của CLB đã nêu gương. Sự đàn áp đối với anh Điếu Cày, Anh Ba sg sẽ không làm tắt lụi tinh thần của tự do báo chí, mà trái lại nó sẽ cho nhiều người đang phân vân, đắn đo nghĩ xem Việt Nam có tự do ngôn luận, tự do báo chí không một câu trả lời rõ ràng hơn bao giờ hết.
Nguồn: Blog Người Buôn Gió.
————————————————————————————————————————————————————————–
Đề án bauxite trên Tây Nguyên : quả bom nổ chậm

Từ sau vụ hồ chứa bùn đỏ bauxite ỏ Hungary bị vỡ vào thượng tuần tháng 10/2010, gây những tổn thất về cả nhân mạng, vật chất lẫn môi trường, càng lúc càng có nhiều tiếng nói vang lên tại Việt Nam, yêu cầu chính quyền xem xét lại kế hoạch khai thác bauxite đang được thực hiện trên vùng Tây Nguyên.
Một bản kiến nghị yêu cầu tạm đình chỉ đề án bauxite Tây Nguyên cho đến hết ngày hôm qua 24/10 đã được gần 2000 người ký tên, trong đó có rất nhiều tên tuổi trong các lãnh vực chính trị, khoa học, kinh tế, cùng với nhiều sĩ quan cao cấp cũng như người dân bình thường.
Trên báo chí Việt Nam, không ngày nào không có bài viết cảnh báo chính quyền về hiểm họa tiềm tàng đối với đất nước. Chỉ cần nhìn qua một số bài viết là độc giả thấy ngay là công luận đang hết sức lo âu trước một viễn ảnh đáng ngại. Trong bài viết được báo trên mạng Tuần Việtnamnet công bố vào hôm nay, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, đã tóm lược mối quan ngại chung khi cho biết là “Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài”.
Thậm chí, cũng trên tờ Tuần Vietnamnet, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV – chủ đầu tư dự án bauxite Tây Nguyên cũng thẩm định : « Sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận, với 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án ». Lý do thứ nhất, theo ông Sơn, đó là vì : « Công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ “ướt”, lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary ». Bên cạnh đó, đề án bauxite Tây Nguyên, theo ông Sơn, cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro về kinh tế do đó không nên tiếp tục.
Trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Tập đoàn TKV, cũng khuyến cáo chính quyền là nên dừng đề án bauxite Tây Nguyên nếu yếu tố an toàn không được bảo đảm. Theo ông : « Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không. Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết. »
Nhiều nguy cơ tiềm tàng, ít lợi ích kinh tế
Nhìn chung, giới chuyên gia đều nhất trí kêu gọi đình chỉ đề án khai thác bauxite, vì nguy cơ tiềm tàng rất lớn, trong lúc lợi ích kinh tế chẳng bao nhiêu. Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress ngày hôm nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một người đã ký tên vào bản kiến nghị, phân tích : « Không có bô xít, Việt Nam không nghèo đi. Sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn một năm là quá nhỏ so với so với thị trường trên thế giới. Và hiện nay, nhôm cũng là một thứ vật liệu rẻ chứ không quá đắt. Nó không phải là khoáng sản có giá trị tăng cao ».
Phản ứng của công luận đang đẩy giới chủ trương khai thác bauxite vào thế thủ. Theo báo Thanh Niên, ông Phạm Khôi Nguyên bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam đã tuyên bố trấn an, cho rằng « Bauxite ở Việt Nam, về lý thuyết là an toàn ». Ông Nguyễn Thanh Liêm, đương kim Trưởng ban Nhôm – bauxite, thuộc Tập đoàn TKV còn dám xác định là chỉ có động đất mới làm vỡ được hồ bùn đỏ bauxite trên Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trước mối quan ngại trong công luận càng lúc càng mạnh, theo báo chí trong nước, chính quyền Việt Nam, qua lời ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết là Chính phủ đang lắng nghe các góp ý về bauxite. Phát biểu với báo Tuổi Trẻ vào hôm nay, ông Lê Dương Quang, thứ trưởng Bộ Công thương kiêm chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TKV, cũng xác định rằng chỉ cần chính phủ ra lệnh là họ sẽ dừng ngay dự án.
Để hiểu rõ hơn về mối bức xúc của dư luận trong nước, và đặc biệt là mức độ nguy hiểm tiềm tàng của việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên, RFI đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia nghiên cứu về môi trường tại Úc, nước đứng đầu thế giới hiện nay trong lãnh vực khai thác quặng nhôm.
1/ Mối quan ngại hàng đầu trong khai thác bauxite Tây Nguyên : hồ chứa bùn đỏ
Hiện nay chính phủ vẫn tiếp tục khai triển hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai hầu như sắp xong, dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 11 này, nhưng vì kế hoạch không bao giờ đúng nên dự định sẽ vận hành vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2011. Quan tâm hàng đầu của mọi người hiện là cái hồ chứa bùn đỏ.
Bùn đỏ là chất thải của quá trình luyện alumina, có rất nhiều chất kiềm (chất soude). Hiện nay, hồ bùn đỏ nằm ở giữa thung lũng. So với hồ chứa bên Hungary thì cái hồ này nói chung chắc chắn hơn. Tuy nhiên, giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên Việt Nam, tình thế rất khác nhau. Hồ ở Tây Nguyên nằm trên một địa điểm rất cao. Thêm nữa, vũ lượng ở Tây Nguyên rất khác với ở Hungary. Hồ chứa bùn đỏ nằm trong thung lũng, nhưng được chia thành nhiều khoang chứa vì không thể đổ tất cả bùn đỏ vào cùng một lúc, nên phải chia ra nhiều khoang.
Hai vấn đề quan trọng đặt ra là bùn đỏ có thấm vào lòng đất để đi vào nước ngầm hay không ? Thứ nữa là vũ lượng ở Tây Nguyên rất cao, cho nên có thể làm trào cái hồ bùn đỏ. Vì vậy, nếu xét về kỹ thuật giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên, tôi nghĩ là hồ ở Tây Nguyên hàm chứa nguy cơ có thể là cao hơn, tại vì có thể thấm xuống mạch nước ngầm.
Về vấn đề thứ nhất, hiện nay bùn đỏ Việt Nam sẽ được xử lý theo công nghệ gọi là « ướt », chất soude sẽ nằm ở dưới đáy hồ rất nhiều. Mặc dầu là có thể có tầng đất sét rất dầy cách ly, cộng thêm với các lớp chống thấm, thế nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước, như là ở Úc, cho thấy là sau một quá trình lâu dài thì chất soude vẫn có thể có phản ứng hóa học với đất, cho nên vẫn có thể thoát ra được. Tại Úc bây giờ, người ta đã bỏ công nghệ « ướt » rồi vì thấy là trong thực tế, chất bùn đỏ vẫn ngấm vào nước ngầm sau khi hồ chứa nằm đó khoảng 20 năm.
Về vấn đề lượng mưa, ở ngay Tây Nguyên, nơi có hồ Tân Rai, vũ lượng mưa rất cao, cho nên lúc mùa mưa, khả năng tràn hồ bùn đỏ cao hơn là ở bên Hungary. Vì vậy mà về môi trường, vấn đề giải quyết bùn đỏ ở Việt Nam, ở Tây Nguyên là một điểm rất quan trọng.
2/ Bùn đỏ trên Tây Nguyên rất nguy hại vì đe dọa vùng lưu vực sông Đồng Nai rất đông dân
Vấn đề bùn đỏ khi thất thoát ra được ở trên Tây Nguyên sẽ có hệ quả lớn hơn là ở Hungary : tại vì nằm bên trên lưu vực sông Đồng Nai, và ở dưới vùng hạ lưu đó thì dân số rất đông, tù TP HCM xuống đến Cần Giờ, hoặc là từ Biên Hoà trở xuống… Rất đông dân cho nên ảnh hưởng rất mạnh, cao hơn là Hungary.
Thêm nữa là theo những kế hoạch như tôi biết là ở bên Úc này, tất cả các nhà máy luyện aluminium đều rất gần biển, và gần những nơi khô ráo và có nhiều điện. Nếu có xẩy ra sự cố thì người ta có thể thải ra nước biển, tai hoạ môi trường sẽ giảm đi. Và thứ hai nữa là gần biển thì dễ chuyên chở và dễ xuất khẩu, còn làm như ở Tây Nguyên Việt Nam thì vấn đề là giá thành bauxite rất cao.
3/ Bauxite Tây Nguyên : một đề án phi kinh tế
Công nghệ sản xuất alumina ở Việt Nam lại là của Trung Quốc, sẽ dùng điện rất nhiều, sức tiêu dùng điện rất cao so với công nghệ của những nước khác, làm cho giá thành alumina ở Việt Nam rất cao so với giá ở chỗ khác, khó có thể cạnh tranh. Vì vậy nếu sản xuất alumina ở Tây Nguyên, ngoài vấn đề chuyên chở từ Tây Nguyên xuống giá rất cao, và công nghệ không tốt về vấn đề môi trường và không có hiệu năng, với cái giá thành cao đó alumina của Việt Nam sẽ không bán được cho ai hết ngoài việc bán cho Trung Quốc.
Rõ ràng là cái đề án bauxite Tây Nguyên hoàn toàn không có lợi về kinh tế. Thứ nhất là nó xa bờ biển. Cho nên di chuyển hàng, di chuyển alumina sau khi luyện xong xuống cảng rất xa xôi, mà thêm nữa là nếu mà đã có đường sắt hoặc là đường bộ đã xây xong thì việc chuyên chở dễ dàng hơn, nhưng mà hiện nay cơ sở hạ tầng này hoàn toàn chưa có, vẫn chưa có cái dự án nào thật sự hoàn thành, mở được đường từ Tây Nguyên đi xuống cảng Kê Gà.
Tôi không hiểu là khi nhà máy Tân Rai hoạt động thì vấn đề chuyển alumina luyện được xuống cảng như thế nào. Tôi nghĩ là chỉ riêng trên vấn đề kinh tế, đề án bauxite Tây Nguyên đã rất vô lý vì chưa có cơ sở hạ tầng mà đã thi hành cái dự án đó ở trên Tây Nguyên rồi.
Đứng về mặt kinh tế thì rõ ràng là dự án có thể lỗ, không có lợi bao nhiêu, mà tác hại môi trường rất lớn, cho nên tôi nghĩ là tốt nhất Việt Nam nên ngưng ngay cái dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
4/ Khả năng hoàn thổ : một ảo vọng
Tôi không nghĩ là khả năng hoàn thổ thực hiện được. Người ta nói như vậy thôi, chứ sự hoàn thổ không thể nào mà hoàn thổ hết được. Tại vì khi đã đào đi một số lượng đất, và đã khai thác bauxite rồi thì lấy đất ở đâu mà hoàn thổ hoàn toàn trở lại.
Đó là trong trường hợp ta lấy đất chỗ khác mang đến để hoàn thổ, nhưng mà ở tất cả những dự án mà tôi biết được ngay nước Úc này, thì không bao giờ có thể hoàn thổ được hoàn toàn. Mà thật sự hầu như là không có chỗ nào có được kế hoạch hoàn thổ tốt đẹp cả. Cho nên, mặc dầu là họ nói đến việc hoàn thổ nhưng không ai tin rằng có thể hoàn thổ y nguyên được.
5/ Trung Quốc chủ trương xuất khẩu ô nhiễm sang nước khác
Đây là chính sách của Trung Quốc từ cả mấy năm nay rồi. Không riêng gì trong việc khai thác bauxite mà trong mọi địa hạt khai thác hầm mỏ. Bây giờ ngay cả than nữa, Trung Quốc cũng không còn muốn làm những cái mỏ gây tác hại môi trường rất lớn, mà họ chủ trương mua thẳng sản phẩm từ nước ngoài.
Trong lãnh vực bauxite, nếu họ sản xuất trong nước thì cũng bị hệ quả môi trường. Bauxite thì cũng không có hiệu quả kinh tế cao so với những nước khác. Tại các quốc gia khác, công nghệ cao hơn và năng suất rất tốt, giá thành bauxite lại rất thấp, do đó Trung Quốc đã chuyển hướng, thay vì tự khai thác làm nước họ phải gánh chịu tác hại môi trường rất lớn, thì họ nhập alumina từ nước ngoài, nhất là ở những nước có công nghệ cao như Úc hay là Mỹ.
Còn những cái công nghệ cũ của họ, họ cho xuất khẩu những thú đó qua những nước mà luật về môi trường rất lỏng lẻo, thí dụ như là Việt Nam, hay Indonesia hoặc là những nước có quy trình đánh giá môi trường rất yếu. Đó là kế hoạch mà Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều năm nay rồi.
6/ Trung Quốc xuất khẩu công nghệ cũ qua Việt Nam
Đúng vậy, công nghệ của Trung Quốc là công nghệ cũ, nhất là vấn đề luyện alumina. Quá trình luyẹn bauxite ra nhôm nó có hai công đoạn : thứ nhất là luyện alumina, rồi từ alumina mới luyện nhôm. Luyện nhôm cần điện rất nhiều. Việt Nam hiện nay chỉ có luyện alumina mà thôi. Công nghệ hiện nay Việt Nam dùng để luyện alumina là của Trung Quốc, đó là công nghệ cũ.
Công nghệ xử lý chất thải cũng là công nghệ cũ, tức là công nghệ « ướt » để xử lý bùn đỏ thay vì công nghệ khô. Công nghệ khô cho phép giảm nồng độ của soude và hoàn lại chất soude nhiều hơn là công nghệ ướt. Thêm nữa là trong quá trình luyện alumina, công nghệ cao dùng điện rất có hiệu quả, cho nên giá thành nó sẽ rất thấp, còn công nghệ cũ hiện nay dùng điện hiệu quả thấp, cho nên giá thành rất cao
7/ Bài học kinh nghiệm từ Hungary : phải lường trước tình huống xấu nhất
Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là chưa ước tính được là nếu xẩy ra sự cố về môi trường thì tai hại sẽ là bao nhiêu. Khi khởi sự bất cứ một công trình nào, người ta lúc nào cũng phải đánh giá tác hại khi xẩy ra trường hợp xấu nhất. Ở Việt Nam, hầu như không có một cái đánh giá nào như vậy.
Đó là vấn đề mà tôi nghĩ là bài học lớn nhất mình có thể học được. Không bao giờ chủ quan nói rằng là khó có thể xẩy ra sự cố. Vấn đề không phải khó xẩy ra hay không, mà là nếu có xẩy ra thì tác hại sẽ như thế nào. Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu rõ ràng, để xem tác hại đến đâu khi xẩy ra sự cố. Vấn đề hệ quả của vụ vỡ đê bùn đỏ ở Hungary là bài học mà chúng ta phải quan tâm.
Ngoài vấn đề kinh tế và môi trường còn có vấn đề xã hội, vấn đề quốc phòng nữa. Cho nên nếu nhìn về tổng thể, dự án Tây Nguyên là một dự án hoàn toàn không nên làm, một dự án điên rồ mà theo ý kiến của tôi, chỉ những người tắc trách mới có thể không nghe được tiếng nói của bao nhiêu người và nhà khoa học đã lên tiếng. Quốc hội Việt Nam đã nêu lên vấn đề này nhưng không thể nào giải quyết được nếu không có quyết định từ cấp lãnh đạo cao nhất.
8/ Bauxite Tây Nguyên là một quả bom nổ chậm có thể bùng lên bất cứ lúc nào
Nhà máy Tân Rai, và sau này là nhà máy Nhân Cơ, nếu đi vào hoạt động sẽ để lại cái chất thải bùn đỏ nằm ở đó coi như là suốt đời. Không bao giờ mình có thể chắc chắn rằng không bao giờ xẩy ra sự cố. Cho nên cái tác hại từ hệ quả xấu nhất chưa bao giờ được nghiên cứu hoặc là tiên đoán ra sao trong cái dự án này.
Theo tôi, đây là một điều tắc trách rất lớn vì ta không thể khẳng định rằng sự cố không thể xẩy ra. Khi thi hành một dự án, ta phải luôn luôn đặt câu hỏi là nếu xẩy ra tình hình xấu nhất thì tác hại sẽ ra sao. Đó chính là câu hỏi mà ở bất cứ nơi nào khác, người ta đều đặt ra trước khi thực hiện một dự án, trước khi tiếp tục công trình. Nhưng Việt Nam đã không làm như vậy. Cho nên tôi nghĩ là việc thành lập hai nhà máy luyện bauxite ở Tây Nguyên hiện nay một quyết định rất sai lầm.
@ RFI
————————————————————————————————————————————————————————–
Bắc Kinh thay đổi thái độ về tăng trưởng kinh tế
Trung Quốc muốn nâng cao mức sống
![]() |
Một người bán rau quả đang rao hàng ở một chợ thực phẩm tại Hefei, tỉnh Anhui, phía Ðông Trung Quốc. (Hình: STR/AFP/Getty Images) |
BẮC KINH – Nền kinh tế quan trọng có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tuồng như đang chuyển hướng, từ chỉ biết tập trung vào việc tăng trưởng cho chính mình sang những thay đổi về cơ cấu, theo tường trình của ký giả Andrew Batson, báo The Wall Street Journal. Những thay đổi này, chú trọng hơn việc thúc đẩy tiêu thụ, có thể có kết quả là giúp phương Tây phát triển và giữ việc làm.
Dữ kiện hôm Thứ Năm cho thấy mức tăng trưởng của Trung Quốc bị chậm lại trong tam cá nguyệt thứ ba, sau khi Bắc Kinh bất ngờ cho tăng lãi suất, và sau khi đảng Cộng Sản cầm quyền đồng ý tạo “sự biến đổi” kinh tế là ưu tiên cho kế hoạch 5 năm tới.
Trung Quốc tiêu biểu cho một trong vài nguồn tăng trưởng mạnh hiếm hoi trên thế giới hiện nay. Trong khi kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ ở quốc gia này tiến triển tốt đẹp, thì lại không mang lại mấy hy vọng sáng sủa nơi những cường quốc kinh tế khác. Nhiều đối tác kinh tế của TQ dĩ nhiên là muốn nhìn thấy sự thay đổi chính sách về phía Trung Quốc.
Ðiển hình là Mỹ thúc đẩy TQ phải có chính sách thả nổi thị trường và nâng thêm mức lợi tức cho người dân, làm sao để giới tiêu thụ ở Trung Quốc mua thêm hàng nhập khẩu. Ðiều tranh cãi gay gắt nhất là chính sách về mức trao đổi ngoại thương của TQ, trong đó nhiều nước than phiền chính phủ TQ đã can thiệp vào bằng cách kìm giá tiền tệ, yểm trợ cho giới xuất khẩu, khiến gây tai hại cho đối tác kinh tế của mình.
Mãi đến nay, TQ vẫn liên tục hứa sẽ hành động thêm nữa để thúc đẩy giới tiêu thụ chi tiêu, đồng thời cắt giảm mức thặng dư mậu dịch, nhưng cụ thể thì chẳng có gì bao nhiêu. Nhưng nay, nhiều chỉ dấu cho thấy đã bắt đầu có sự thay đổi.
Con số mới nhất là tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc, chậm lại còn 9.6% so với một năm trước đó, trong tam cá nguyệt thứ ba.
Chính quyền TQ tỏ dấu hiệu mạnh mẽ qua sự gia tăng tiền lời trong tuần này, được coi là đầu tiên kể từ tháng 12, 2007. Hành động này cho thấy một sự quyết tâm để ngăn chận hiện tượng bong bóng địa ốc và sự căng thẳng trong hệ thống tài chánh, ngay cả vào thời gian khi tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
![]() |
Công nhân nhà máy chế tạo xe hơi Jianghuai tại Hefei, tỉnh Anhui, phía Ðông Trung Quốc, đang làm việc trên dây chuyền sản xuất. (Hình: STR/AFP/Getty Images) |
Ðiều quan trọng là sự thay đổi chính sách xảy ra sau cuộc họp cuối tuần của đảng CS cầm quyền, đi đến sự thỏa thuận về các ưu tiên kinh tế và sự tiếp nối chính trị cho những năm kế tiếp.
Jun Ma, kinh tế gia của Deutsche Bank, nói: “Theo chúng tôi, chính quyền Trung Quốc sẽ chấp nhận một mức tăng trưởng chậm nhưng nhắm đến sự cải tiến quan trọng về cấu trúc kinh tế.” Ðồng tiền TQ hiện đang tăng giá nhanh nhất so với đồng Mỹ kim kể từ năm 2008.
Lãnh tụ đảng CS Trung Quốc kết thúc một hội nghị hôm Thứ Hai, với lời kêu gọi “tăng cường thay đổi mô hình phát triển kinh tế quốc gia” và “đặt trọng tâm nhiều hơn vào vấn đề an ninh và cải tiến sinh hoạt của người dân, xúc tiến sự bình đẳng xã hội và công lý.”
Với hội nghị thượng đỉnh của nhóm siêu cường kinh tế G-20 sắp diễn ra trong vài tuần tới, Trung Quốc đang bị áp lực phải hướng nền kinh tế của mình theo đường lối nâng đỡ sự hồi phục của các nền kinh tế khác.
Ðồng thời ở nội địa TQ, chính quyền đang phải trực diện với cái giá của sự kích thích kinh tế, đó là những món nợ khổng lồ do tính năng bấp bênh của hệ thống ngân hàng nhà nước, và một thị trường nhà đất bùng lên như bong bóng, càng làm tăng thêm sự bất mãn nơi đô thị.
Giới chức nhà nước hy vọng sự tiêu dùng của giới trung lưu vừa mới vươn lên, sẽ mang lại một nguồn vững mạnh hơn cho sự tăng trưởng. Theo các phân tích gia, một nền kinh tế thúc đẩy bởi sự tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ trở nên chậm hơn nếu không có sự bơm vào đều đặn qua hình thức đầu tư của chính phủ.
Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, Yi Gang, phát biểu tại cuộc họp hằng năm của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tháng này, rằng đặt trọng tâm vào nhu cầu quốc nội là chính sách ưu tiên của chính phủ. Ông Gang thêm rằng chính quyền hướng dẫn sự chi tiêu quốc nội qua hình thức yểm trợ đô thị hóa; giảm bớt sự thiếu cân đối về lợi tức đầu người; cải thiện vấn đề an ninh xã hội, săn sóc y tế và giáo dục, và phát triển hạ tầng cơ sở ở khu vực nông thôn.
Ngôn ngữ mà các giới chức dùng bây giờ cũng đồng bộ với những ưu tiên Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao) và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) đưa ra vào những năm trước.
Cuộc họp đại hội đảng CS vừa qua đã thêm vào một số mục tiêu mới cho kế hoạch 5 năm tới, trong đó gồm mục tiêu làm sao để cho thêm nhiều lợi tức quốc gia đi vào tay những người dân thường.
Các cố vấn chính phủ cho biết, giới lãnh đạo đặt trọng tâm vào sự cải tổ cơ cấu là dựa trên sự tin tưởng vào viễn ảnh của nền kinh tế. Nhưng đường lối mới cũng công nhận rằng, Trung Quốc không thể giữ mãi mức tăng trưởng trên 10% như gần đây, một khi mà nhu cầu xuất cảng của đất nước không còn nở rộ như hồi quá khứ.
IMF hôm Thứ Năm lập lại lời ủng hộ việc TQ tăng lãi suất ngân hàng và thêm rằng, các quốc gia Á Châu cũng nên để cho đồng tiền lên giá, đồng thời rút lại các biện pháp chi tiêu một khi họ đã bắt được nguồn tư bản đổ vào tăng cao, nếu không e rằng sẽ làm mồi cho lạm phát. (TP)
@ NguoiViet
————————————————————————————————————————————————————————————————–