Doanh nhân làm vườn chim trên sân thượng

ĐÀ NẴNG

Không muốn nuôi nhốt chim trong lồng, anh Huyền Anh làm một khu vườn trên sân thượng có cây cổ thụ, suối nước chảy… để hơn 30 chú chim ríu rít suốt ngày.

Sáng 15/5, sau khi ngồi thiền, anh Nguyễn Huyền Anh, 35 tuổi, ở Thuận Phước, phường Hải Châu, Đà Nẵng bước ra vườn chim trên tầng 4 của nhà mình. Ba ngày anh đi công tác, một tổ chim đã ra ràng, bắt đầu chuyền cành. Chúng chuyền theo chim mẹ, từ cây mai chiếu thủy sang cây chanh cổ thụ, đậu lên giò lan bên “suối” rồi thi nhau uống nước, rỉa lông, tắm táp.

Ở góc khác, một tổ chim thạch yến có hai trứng đã nở, một trứng khác có thể chiều sẽ nở. “Ngắm nhìn chúng, tôi thấy thư giãn, hạnh phúc”, vị doanh nhân chia sẻ.

Sinh ra ở một huyện vùng núi Nghệ An, từ nhỏ Huyền Anh đã mê cây cối, chim muông. Khi lập nghiệp ở các thành phố lớn, hầu như anh không còn được nghe chim hót nữa nên nung nấu ý định làm một khu vườn nuôi nhiều chim chóc.

Khó khăn ở chỗ anh không muốn nuôi chim trong lồng nhỏ. Việc nhốt trong lồng cũng khiến phải dọn phân, chăm sóc cực hơn, trong khi anh đi công tác liên tục. Cái khó ló cái khôn, anh nảy ra ý tưởng làm một khu vườn lớn, sau đó quây lưới và nuôi chim bên trong.

Khâu chống thấm, chịu lực được làm cẩn thận. Đây là ảnh mặt bằng chống thấm cho khu vườn.

Trên sân thượng rộng khoảng 85 m2, Huyền Anh quây khoảng 40 m2 để làm vườn chim, còn lại làm phòng trà. Tại vườn, một phần quây lưới, một phần lợp kính để chim có chỗ vào tránh mưa.

Cây trên vườn được lựa chọn tỉ mỉ, đảm bảo vóc dáng phù hợp với chiều cao, chiều rộng của vườn. Huyền Anh đi nhiều tỉnh tìm cây, như gốc bằng lăng, mai chiếu thuỷ cổ thụ được  mua ở Bình Định. Cây nguyệt quế dáng bay, cây chanh gốc to như gốc bưởi được mua từ một nhà vườn ở Quảng Nam…

Trong hình là cây mai chiếu thủy 30 năm tuổi. Hiện có nhiều tổ chim yến, manh manh, sẻ bảy màu làm tổ.

Các loài chim trong vườn được chọn theo tiêu chí: Phải làm sao cho chúng chung sống hoà bình và cùng loại thức ăn để đỡ tốn công sức. Hiện anh nuôi các loại Finch, cu gáy, chào mào, yến, chim sâu, vành khuyên, hút mật, tiểu mi…

Sau 6 tháng xây dựng, khu vườn trong mơ của anh Huyền Anh hoàn thành cuối tháng 11 năm ngoái. “Lúc đó mừng nhưng cũng lo, không biết chim có sống tốt không”, anh nói.

Chẳng ngờ mới qua Tết âm lịch, anh thấy đôi chim hoàng yến làm tổ. Vui quá, ngày nào anh cũng ra xem trứng, ai đến cũng khoe. Ai dè chim sợ, bỏ tổ mất. Trong hình là hai chú chim hồng yến chung sống hòa bình với một chú chim khác.

Rút kinh nghiệm, từ các lần sau anh không dám xem nhiều. Đến tháng 2 có đôi thạch yến đẻ 3 trứng, nở 3 con. “Mình lo y như thời vợ mình đi đẻ. Sợ chim không nuôi nổi con, sợ con nở ra bị rơi. Đi hỏi những người có kinh nghiệm, người thì bảo để chim bố mẹ tự nuôi, người thì khuyên bắt chim con ra nuôi bộ”, anh kể. Sau cùng, anh quyết định để chim bố mẹ tự nuôi. Không ngờ chúng nuôi rất khéo. Chỉ độ nửa tháng đã chuyền cành. Ông chủ vườn sung sướng mấy ngày trời.

Trong hình là chim xác pháo.

Ông chủ vườn mát tay nên sau nửa năm, “dân số” khu vườn tăng vù vù. Từ 20 con chim ban đầu, giờ có thêm 11 chim non. “Cái mình thích nhất ở vườn là chim chóc được vô tư bay nhảy, có thức ăn bỏ sẵn để chim ăn, thác nước chảy và lọc liên tục để uống và tắm. Chim có thể làm tổ sinh sản bình thường như ngoài tự nhiên”, anh cho biết.

Từ ngày có vườn chim, sáng nào doanh nhân này cũng dậy sớm, thể dục, tập thiền xong là ra tưới cây, xong đó ngồi thưởng trà, nghe chim hót. Nhiều lúc làm việc, kể cả họp hành, anh cũng thích mang máy tính lên ngồi giữa vườn chim. “Mình đang mong chờ đến lúc hoa chanh nở, được ngửi mùi hoa ngát dịu, nghe chim hót”, anh hào hứng nói.

Phan Dương / Ảnh: Anh Nguyen

Vietnam Express

Bình luận về bài viết này