Thang Trần Phềnh là họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông vẽ nhiều tranh chủ đề văn hóa, lịch sử… sống động. 9 bức màu nước “Sinh hoạt Việt Nam xưa” là một minh chứng.
Chùm tranh ký họa màu nước lấy bối cảnh miền Bắc. Trong hình là một “ban nhạc đường phố” dạo xưa với những nhạc công đang cùng phối hợp chơi nhạc bên manh chiếu với đàn nhị, phách, trống ban và một nhạc cụ nhìn như đàn bầu.
Tranh thể hiện một cửa hàng ăn được dựng lên ven đê sông Hồng. Hậu cảnh là hình cây cầu Doumer, tức cầu Long Biên ngày nay.
Những người đẩy xe cút kít với bánh gỗ chở những chú lợn đã bị trói gô lại; xe cút kít, hay xe tay bánh gỗ là một phương tiện vận chuyển cầm tay quen thuộc dạo xưa và đã có mặt trong nhiều bưu ảnh về Đông Dương thời Pháp thuộc.
Một góc đường phố họp chợ với những phụ nữ trong bộ tứ thân, nón quai thao cùng các gánh hàng. Tiền cảnh là phở gánh lưu động quen thuộc của Hà Nội trước tháng 8 năm 1945.
Một quán nước giải khát dựng tạm nằm ven hồ (hoặc sông). Hình ảnh xe điếu hút thuốc lào, hay gọi là điếu bát quen thuộc dạo xưa nhưng rất lạ lẫm đối với người trẻ hiện tại.
Góc phố khá giàu qua những ngôi nhà san sát và có cả kiến trúc phương Tây cùng đủ lớp người với chị em gái chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân và đôi giày Gia Định ra dáng trung lưu phổ biến trước 1945 đang ngắm nghía một món hàng của chú khách. Trong khi đó bên cạnh là hình ảnh chú bé như vẻ đang mời chào thuê cho một cửa hiệu, món thuốc… nào đó.
Tranh thể hiện nghề mộc. Những người thợ đang chạm trổ các vật dụng giống như các liễn đối hay được trang trí trong nhà hay đền thờ.
Cảnh sinh hoạt ở một ngã ba đường thể hiện người cửu vạn mặc áo tơi đẩy hàng bằng xe tay bánh gỗ, những phụ nữ với gánh hàng trên vai và cả người gánh nước. Dạo xưa ở Hà Nội có nghề gánh nước thuê và nghề này vào đầu năm mới “ăn nên làm ra” vì được gia chủ mừng tuổi lấy may.
Bức tranh có tên gọi “Xem bói”. Đây là bức duy nhất trong chùm tranh “Sinh hoạt Việt Nam xưa” được đặt tên. Bức xem bói trông như dạng phác thảo giống bức này từng được triển lãm tại Rome năm 1931.
Thời gian vừa rồi tôi có mấy chuyện vui liền, nào là thành công với cuộc triển lãm hội họa cá nhân bày 50 bức bán được 38, số còn lại không phải ế, mà là tiếc tôi đóng cửa triển lãm sớm, mang tranh về, nào là ra mắt cuốn sách ‘Phố Hoài” được bạn đọc hồ hởi đón nhận. Trong niềm vui ấy, có một nỗi nhớ âm thầm của tôi với Ngọc Tân, một người bạn thân, một tri âm tri kỷ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi Ngọc Tân là nhân vật chính, có tựa đề “Lời cuối cho em” cũng bán rất chạy, lượng phát hành tới gần 10 ngàn cuốn. “Lời cuối cho em” là tên bài mà Ngọc Tân hay hát, là bài tôi rất thích, trong đó nhớ nhất câu: “Đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi…”. Bây giờ chả còn ai “sến” thế này, thích là đến, chứ không phải dài dòng như hồi chúng tôi, chỉ dừng ở chỗ “lời qua tiếng lại” như thế. Ấy nhưng lại rất sâu nặng.
Tôi đã nhiều lần vẽ phác thảo chân dung Ngọc Tân, nhưng chưa bức nào hoàn thiện ưng ý. Chúng tôi coi nhau là bạn, hồi đầu Ngọc Tân còn nghèo, tôi là người bỏ vốn cùng anh làm show ca nhạc “Biển của một thời”, sau thêm nhiều show khác, vốn của tôi anh đã trả hết, lương quản lý (bà bầu) của tôi là 1 triệu/ ngày, trong khi cát xê của các ca sĩ hàng đầu chỉ 700 ngàn…
“Sòng phẳng để tồn tại” là điều nhiều nghệ sĩ cho rằng tồi tệ, không thanh tao lãng mạn, họ không ngờ rằng chính cái à uôm, cái thiếu sòng phẳng đã giết chết nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhất là có chung chuyện làm ăn, kinh tế. Tôi từng trở về từ nước ngoài về nên hiểu và thích lối sống này, nhưng chưa tiện nói thì chính anh đề nghị. Tình bạn của chúng tôi tồn tại bền lâu, kể cả bây giờ, khi anh không còn nữa, tôi và vợ anh vẫn còn chơi với nhau, thương nhau như chị em gái là nhờ cái chuẩn đặt ra đó…
Nhớ lại, lần gặp đầu tiên, tôi mới ở nước ngoài về cũng có phần “long lanh” một chút, Ngọc Tân theo đoàn Bông Sen từ Nam ra Hải Phòng diễn, tôi chờ nhận hàng ở cảng, rảnh rỗi, vào đằng sau cánh gà – phòng hóa trang thăm Thanh Hoa, gặp Ngọc Tân ở đó. Chúng tôi đều sững người nhìn nhau qua gương, để rồi cuộc làm quen diễn ra nhanh chóng…
Dần dần, mỗi lần ra Hà Nội là lần chúng tôi gặp nhau cà phê cà pháo. Cả nhóm thân nhau có Nguyễn Thụy Kha, Tào Tuấn Phương, Lê Dung, một cô gái tóc vàng – tôi quên tên và 2 chúng tôi. Ngọc Tân nghiện cà phê, rượu chỉ nhấp nửa ly là không chịu nổi.
Cuộc đời Ngọc Tân với số phận của kẻ vượt biên không thành, vợ chết ngoài biển, tàu dạt vào Hà Tĩnh sau cơn bão, tiền không còn, phải đổi chiếc đồng hồ thủy quân lục chiến lấy ván chôn cất vợ qua lời kể của anh vào những lần gặp nhau, khiến tôi rất thương cảm.
Tôi thương Ngọc Tân, người có giọng ca bẩm sinh, con một phụ nữ hát trong ca đoàn nhà thờ Hàm Long nhưng không học trường lớp nào, ở nhà làm nghề chữa đồng hồ với bố ở Phố Huế. Nhờ nghệ sĩ gạo cội Trần Khánh đến chữa đồng hồ phát hiện ra nên được vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dạy ký xướng âm trên sóng phát thanh và thi thoảng được đứng trong dàn đồng ca của Đài. Anh thực sự vô danh cho đến khi hát song ca với ca sĩ Thanh Hoa. Cho đến lúc Thanh Hoa đã là NSND thì Ngọc Tân vẫn là ca sĩ tự do, công việc bấp bênh, không chỉ ngoài biên chế mà lên sân khấu hát còn phải lấy tên Ngọc Hà, Bảo Hà… vì cái lý lịch đi tù ấy.
Tôi gặp Ngọc Tân trong hoàn cảnh ấy và cũng trong thời gian tôi thân với nhạc sĩ Trần Tiến. Hai người ấy là một cặp bài trùng. Ngày đó không ai hát những bài của Trần Tiến hay như Ngọc Tân: Lý qua cầu, Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng đàn Cha Pi, Vết chân tròn trên cát… Những bài hát trong dự án sáng tác cho Trung ương Đoàn chủ đề “Sinh đẻ có kế hoạch” của Trần Tiến đều do Ngọc Tân vỡ bài.
Phải nói thêm rằng, ngày đó nhiều ca sĩ chỉ hát theo bản năng, có người không đọc được bản nhạc, Ngọc Tân và Thanh Hoa là số ít trong những ca sĩ cầm bản nhạc mới hát mẫu cho người khác… Tiếng hát của Ngọc Tân cực kỳ đặc biệt, cũng dòng nhạc như nhau, cũng phù hợp những bài hát của Trần Tiến nhưng Quang Lý hát một hiệu quả khác, mượt hơn, tình hơn nhưng Ngọc Tân hát sang hơn, lắng hơn, đau đớn khắc khoải hơn với đặc trưng ở chất giọng hơi khàn, nhưng quãng rộng và ở tiếng nấc nghẹn mà không sến…
Có dạo cả 3 chúng tôi đều làm việc với ông bầu Vũ Ân Khoa. Trần Tiến có ban nhạc Đen Trắng làm việc với vợ chồng Ngọc Lễ, Phương Thảo… Sau Trần Tiến làm riêng ban nhạc “Đồng Nội” với ca sĩ trẻ Hồng Ngọc. Ngọc Tân rủ tôi làm show riêng. Vậy là từ 1979, năm Ngọc Tân dự cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Con người và biển cả ở Đức, có giải thưởng để rồi lận đận kế tiếp lầm than cho đến 1994, 15 năm sau Ngọc Tân sáng rực dưới ánh đèn Nhà hát Lớn Hà Nội, với 5 đêm liền “Biển của một thời”.
Nói là làm bầu, nhưng thực ra mọi việc Ngọc Tân làm từ A đến Z, chứ không phải tôi. Tuy nhiên, anh cũng cần tôi: “đối nội, đối ngoại”, từ xin giấy phép, trả lời truyền thông, thiết kế sân khấu và tờ rơi và vé, vẽ pa-no, áp phích… đến tổ chức bán vé, thu tiền, trả cát- xê, thu xếp các chuyến đi xa đi gần cho diễn viên… Nhất là, nếu lỗ thì tạm thời ứng thanh toán, nhưng chưa bao giờ lỗ.
Ngọc Tân có số lấy vợ đẹp. Người đầu là chị Hà, làm việc ở Bệnh viện Đống Đa, sinh cho anh cậu con trai Bảo Long đẹp như thiên thần, nhưng chị đã mất trong chuyến đi tìm cuộc sống miền đất hứa gặp phải bão biển hồi 1981. Bảo Long hát hay đàn giỏi theo gien bà ngoại và bố nhưng cũng giỏi kinh doanh nên không theo nghề ca hát. Người vợ thứ hai, vốn cũng quen biết Trần Tiến, là diễn viên Khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Nguyễn Thị Kim Thoa là cảm hứng để bài “Tạm biệt chim én” ra đời…
Nguyễn Thị Kim Thoa kém Ngọc Tân 11 tuổi, một vẻ đẹp Hà Nội “dịu dàng bên đám cỏ, đợi chờ con én những chiều xa rất xa…”. Những ngày đầu khi Ngọc Tân còn khó khăn Thoa luôn cùng chồng chia sẻ nỗi lo kinh tế gia đình. Con gái Phương Thảo của họ nếu đi thi hoa hậu, chắc phải ngôi số 1. Ngọc Tân yêu thương vợ con, kể từ khi làm show riêng, anh đã đem về một đời sống dễ chịu cho gia đình, mua nhà mới, sắm ô tô, mở nhà hàng thuê người quản lý…
Tôi tự cho rằng, anh đánh giá được tình bạn của chúng tôi nên trong cuộc sống hạnh phúc của mình anh luôn có tôi, và dĩ nhiên, tôi cũng như anh, có một cuộc sống riêng tốt đẹp, chúng tôi kết hợp với nhau để làm tốt hơn cho bản thân mỗi người. Thân nhau đến mức năm nào đi đền Bà Chúa Kho anh cũng rủ tôi đi (anh không biết tôi không tin vào việc vay mượn ấy). Khi xin Thày viết sớ cho gia đình mình anh cũng bảo tôi xin cho gia đình tôi đi…
Mọi thứ đang tốt đẹp thì anh phát hiện ra mình có vấn đề về gan (thảo nào chỉ một giọt rượu cũng khiến anh ngứa ngáy tột bực). Quyết không đầu hàng số phận, Ngọc Tân tìm đủ mọi cách cả về phương diện y tế hiện đại lẫn phương diện tâm linh. Nhưng rồi anh không qua khỏi… Trước đó, anh có ý nguyện, nếu anh chết hãy đưa anh về Hà Nội, nơi anh sinh ra, nơi anh yêu dấu, nơi anh hát đắm say nhất, hay nhất “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó” (Lê Vinh), nơi có các em ruột anh đang sinh sống và nhất là được làm phép xác tại Nhà thờ Hàm Long…
Nhớ về anh, tôi nhớ về một trong những người bạn mà tôi từng yêu mến, tận tâm đóng góp trí tuệ và công sức của mình trong những việc họ làm, như là phép cộng sinh tốt đẹp nhất mà loài người biết lựa chọn. Nhớ về một giọng ca vàng, một giọng ca được người đương thời yêu mến với hơn 150 show diễn riêng từ Nam ra Bắc qua Trung show nào cũng chật khách, mà nếu không có tôi giúp việc thì cũng có thể có người khác. Nhớ về một người có nghị lực phi thường, có tình yêu cuộc sống, có lòng tự trọng và nhân cách nghệ thuật. Và tôi vẫn nhớ rằng, hồi còn sống anh đã từng bảo mình: “Văn thì anh biết rồi, sao em không tiếp tục con đường hội họa?’’…
Nhà văn Trần Thị Trường
Ảnh: Đình Toán / Thiết kế: Quốc Dũng
Cuốn sách cho phép độc giả tiếp cận thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của nhà văn Nga Chekhov, một trong những cây bút truyện ngắn có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
“Nạn dịch tả hoành hành khắp nơi, đâu đâu cũng cách ly, đâu đâu cũng là nỗi sợ hãi”, Anton Chekhov viết trong một lá thư vào năm 1890. Vị bác sĩ 30 tuổi, khi ấy đã nổi danh về tài văn chương, phải đối mặt với nỗi kinh hoàng của nạn dịch tả đang tàn phá khắp châu Âu và châu Á.
Chekhov được cử đến 25 ngôi làng ở địa phương để giúp đỡ, nhưng từ chối mọi khoản thù lao.
“Chẳng còn thời giờ đâu mà nghĩ đến văn học”, trong những bức thư, ông than thở về chuỗi tháng ngày sống trong dịch bệnh cô đơn và buồn chán, song vẫn thừa nhận: “Nếu nhìn từ bên ngoài vào thì thật ra, trong đại dịch này có rất nhiều điều thú vị”.
“Một con người lớn lao, thông minh, và biết quan tâm đến mọi sự”, Maxim Gorky yêu mến và ngưỡng mộ Anton Chekhov cả ở tài năng và ở nhân cách lớn. Đối với Lev Tolstoy, ông “thật cao đẹp và vĩ đại”.
Ông khiến người ta liên tưởng đến “vị bác sĩ tốt” trong vở nhạc kịch cùng tên của Neil Simon hay hình tượng “bác sĩ Zhivago” trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Boris Pasternak, Chekhov là hiện thân của sự khiêm nhường, nhẫn nại và tử tế, New York Times nhận định.
Ông bỏ tiền để xây thư viện, trường học, chữa chạy miễn phí cho hàng nghìn người nghèo. Ông đến Siberia để vận động cải cách nhà tù, trong khi vẫn hết lòng giúp đỡ gia đình – gồm cả hai người anh em trác táng và người cha vũ phu đã khiến họ trải qua những năm tháng tuổi thơ khốn khổ.
Chekhov xem sự bình thản và tự tại là “lẽ sống”, như có lần ông từng viết: “Chỉ có những người tự tại mới có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, người tự tại mới có thể làm việc một cách công bằng và chính trực”.
“Cuộc sống như nó vốn có”
New York Times nhận định nghệ thuật vốn thường chẳng dễ dung hòa giữa sự vĩ đại của cái ta chung rộng lớn và cá tính của cái tôi riêng biệt, vậy mà văn học của Chekhov lại hòa quyện cả hai điều đó, tạo nên một hấp lực mạnh mẽ khó có thể lý giải.
Nhà văn mà bao thế hệ cảm phục vì trái tim nhân hậu lại đồng thời sở hữu một giọng văn lạnh lùng, thậm chí đôi lúc (có vẻ như) “tàn nhẫn”. Chekhov luôn muốn tách mình ra khỏi những gì ông nhìn thấy, như một người ở ngoài lề, để khách quan ghi lại tất cả – Một người có khả năng nhận ra “rất nhiều điều thú vị trong đại dịch” để khắc họa đủ loại tính cách hèn mọn, tầm thường của đời sống hàng ngày: kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi, kẻ khoe khoang, những kẻ sắp chết và hoang tưởng.
Nhà văn người Nga Anton Chekhov (1860 – 1904). Ảnh: AF Archive.
Chekhov tâm niệm “điều khiến cho văn học trở thành nghệ thuật chính xác là sự mô tả cuộc sống như nó vốn có”. Ông đã lột tả chân thật và sâu sắc cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp con người trong “buổi hoàng hôn” của nước Nga, thẳng thắn phơi bày tất cả sự khủng khiếp của xã hội cũ nhỏ nhen, trì trệ.
Văn học của ông khiến con người phải đối mặt với hiện thực để rồi đánh thức trong họ khát vọng về một sự thay đổi lớn lao cần phải có để thoát khỏi cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt.
Nhà cách tân lớn của truyện ngắn
Tuyển tập Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) – tập hợp những truyện ngắn đặc sắc của Chekhov được dịch sang tiếng Anh bởi Richard Pevear và Larissa Volokhonsky vừa ra mắt hồi tháng 4 – đã cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc trong phong cách nghệ thuật của bậc thầy truyện ngắn người Nga.
52 tác phẩm trải dài toàn bộ sự nghiệp văn học của Chekhov, phong phú từ đề tài đến cách thể hiện, cho phép độc giả tiếp cận một thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của Chekhov với đủ loại nhân vật, tính cách và thân phận đến từ mọi miền nước Nga. Trong số đó có cả những truyện từ thời kỳ đầu sáng tác của ông và một số tác phẩm chưa từng được dịch sang Anh ngữ như Reading (Đọc) hay An Educated Blockhead (Gã đần có học).
Bìa cuốn sách Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) của Anton Chekhov. Ảnh: New York Times.
Chekhov bắt đầu văn nghiệp khoảng năm 1880, với những truyện ngắn, tiểu phẩm hài đăng ở góc của những tờ báo nhỏ. Ông từng cộng tác thường xuyên với tạp chí “Oskolki” – cái tên có nghĩa “Những mảnh nhọn” – cũng là một mô tả xác đáng dành cho các sáng tác của Chekhov.
Một kiểu “truyện (như) không có chuyện” – thường lấy chất liệu từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, giản dị, ngắn gọn và hài hước, nhưng cũng đầy gai góc và sâu cay. Tỉ như truyện Joy (Niềm vui) kể về chàng trai trẻ sung sướng tự hào khoe với bố mẹ mình được lên báo – về việc anh này suýt nữa thì mất mạng vì say xỉn.
Chekhov tự nhận xét rằng các truyện ngắn ở thời kỳ đầu của ông “dở tệ”. Dù vậy ở đó độc giả vẫn nhận ra dấu ấn đặc trưng của nhà văn Nga trong những cái kết đột ngột, cách ông tháo mở nút thắt đầy bất ngờ.
Ông thường phàn nàn chuyện các “tiểu phẩm hài” của mình bị cắt xén, khiến chúng trở nên ngớ ngẩn và tẻ nhạt. Điều tương tự đã không xảy ra với bản dịch của Pevear và Volokhonsky, hai dịch giả nổi tiếng từng dành giải thưởng dịch thuật với tác phẩm Anna Karenina và Chiến tranh và Hòa bình (Lev Tolstoy).
Các tác phẩm sau khi được chuyển ngữ bởi Pevear và Volokhonsky vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của nguyên tác với sức lay động mạnh mẽ. Có lẽ là bởi vì sức hút của văn học Chekhov không nằm ở kỹ thuật diễn ngôn hay cốt truyện.
Ngôn ngữ của ông ngắn gọn, cốt truyện giản đơn thậm chí đôi khi là vay mượn. Nhưng chính lối diễn đạt cô đọng mà đầy sức chứa, sự phản ánh xác thực đời sống qua cái nhìn khách quan đầy cẩn trọng, chính cách mà Chekhov đặt các nhân vật của mình vào tình thế phải phá bỏ mọi “hàng rào phòng thủ” và buộc họ phải phơi trần bản chất, đã khiến cho các tác phẩm của ông có sức rung cảm mãnh liệt đối với độc giả bao thế hệ.
“Nhà văn làm ta muôn thuở say mê”, Gorky khẳng định “sức mạnh của tài năng Chekhov chính là ở chỗ ông không bao giờ bịa đặt ra một điều gì… Ông không nói thêm điều gì mới, nhưng điều ông nói được diễn đạt một cách giản dị, thật hùng hồn sáng rõ, giản dị đến mức đáng kinh ngạc, chân xác đến không thể nào phủ nhận được”.
“Ông ấy đã tạo ra một bút pháp mới, hoàn toàn mới cho cả thế giới mà tôi chưa gặp ở đâu”, Tolstoy nói về các tác phẩm của Chekhov. Với 25 năm sáng tạo nghệ thuật, ông đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình văn học Nga và văn học thế giới thế kỷ 20, với vai trò là nhà cách tân lớn trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn và kịch.
Chekhov sớm phát hiện mình mắc bệnh lao phổi trong những năm thiếu thời, căn bệnh nan y đã cướp đi cuộc sống của ông ở tuổi 44, khi sức sáng tạo còn rất dồi dào. Ông để lại một di sản văn học đồ sộ, phong phú gồm khoảng 800 truyện: một bức tranh văn học lớn lao đã khắc họa sinh động mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội Nga đương thời.
Đảo Hart của New York hơn một thế kỷ nay là mộ tập thể của những người vô danh. Giờ đây, nó trở thành nơi yên nghỉ của những nạn nhân Covid-19.
Cách Manhattan chỉ khoảng 18 km, Đảo Hart hơn một thế kỷ nay là nơi an nghỉ cuối cùng cho những người vô danh và người nghèo của thành phố New York.
Hòn đảo nằm ngoài khơi quận Bronx trở thành tâm điểm chú ý khi thành phố thông báo sẽ biến nó thành nghĩa trang công cộng cho các nạn nhân Covid-19 vô danh.
Mộ tập thể chôn các nạn nhân Covid-19 trên Đảo Hart. Ảnh: The Washington Post.
Chôn cất qua nhiều dịch bệnh
Đây là ngôi mộ tập thể lớn nhất ở Mỹ. Ít nhất 1.000 thi thể được chôn cất trên đảo này mỗi năm. Khu mộ vô danh, còn được gọi là City Cemetery, ở cánh đồng gốm có tới hơn 1 triệu thi thể.
Câu chuyện lịch sử của Đảo Hart đã bắt đầu từ rất lâu trước khi virus corona biến bang New York thành tâm dịch của Mỹ, sau đó là của thế giới.
Đây từng được biết đến là nơi đào tạo những người lính trong cuộc Nội chiến Mỹ. Được thành phố mua lại vào năm 1868, hòn đảo phía tây của Long Island Sound, bắt đầu trở thành nhà của các trại giáo dưỡng nam, trại tị nạn, nhà tù, trại cai nghiện và thậm chí là một silo tên lửa hạt nhân – nơi phóng tên lửa.
“Vô danh đơn giản có nghĩa là gia đình không thể tiến hành làm tang lễ cho họ. Điều đó không có nghĩa là người thân không mong muốn mai táng cho họ. Điều đó không có nghĩa là người đó hay gia đình họ nghèo. Chỉ có nghĩa là họ không làm vì bất kỳ lý do gì”, Melinda Hunt, Giám đốc dự án Đảo Hart, tổ chức phi lợi nhuận phụ trách việc chôn cất trên đảo, nói.
“Nó đã phục vụ thành phố qua nhiều dịch bệnh với số lượng người chết chưa từng có”.
Chẳng hạn, khi bùng phát bệnh sốt vàng da và bệnh lao vào thế kỷ 19, hòn đảo được sử dụng làm nơi cách ly cho những người nhiễm bệnh. Nó cũng là chìa khóa trong việc xử lý làn sóng các nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918 với hơn 30.000 ca tử vong được ghi nhận trong thành phố, theo Washington Post.
“Thành phố có thể tái sử dụng các ngôi mộ sau 25 năm. Sau khi thi thể phân hủy hết chỉ còn lại xương, ngôi mộ sẽ được tái sử dụng hợp pháp. Đó là lý do thành phố New York chưa bao giờ hết chỗ chôn”, ông Hunt cho biết thêm.
Việc chôn cất tập thể trên Đảo Hart thường được liên tưởng với sự tiêu cực, rất có thể do hình thức chôn cất qua thời gian đã được tư nhân hóa. Tuy nhiên, Thomas Laqueur, giáo sư lịch sử danh dự của Đại học California tại Berkeley, người nghiên cứu về các nghi thức mai táng theo thời gian, cho biết kiểu chôn cất này là phổ biến.
Thành phố New York nói rằng những người được chôn cất đáng được tôn vinh. Ảnh: The Washington Post.
“Ý tưởng về chôn cất tập thể, ngôi mộ tập thể ngày nay nghiêm trọng hơn vì nó hiếm gặp”, ông Laqueur cho biết. “Trong văn hóa của chúng ta, cái chết vô danh dường như là điều gì đó không thể chấp nhận được”.
Đảo Hart còn từng là nơi chôn cất người chết trong dịch AIDS vào cuối những thập niên 1980-1990 khi đại dịch đã giết chết hơn 100.000 người ở New York. Những thi thể được chôn ở đây để cách ly với các thi thể khác vì bị kỳ thị và nỗi lo thiếu hiểu biết về sự lây lan của AIDS.
Dữ liệu của hội đồng thành phố New York cho thấy số lượng các ngôi mộ đã tăng đột biến vào giữa năm 1988 vì dịch AIDS. Với 1.329 người được chôn cất ở New York, chiếm 1/4 nước Mỹ, Đảo Hart trở thành nghĩa trang lớn nhất trong đại dịch AIDS.
Tù nhân chôn cất
Việc chôn cất trước nay được tiến hành bởi các tù nhân, thường là từ đảo Rikers.
“Bạn đã nghe mọi người nói rằng nếu đến Hart, bạn sẽ bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại chưa”, Saxon Palmer, cựu tù nhân Đảo Rikers, người đã chôn cất trong suốt thời gian án tù 4 tháng của ông ta năm 2019, nói. “Đó là trải nghiệm nhục nhã nhất của tôi”.
Người phát ngôn của Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết khi số tù nhân giảm đi, thành phố đã phải ký hợp đồng với một công ty đô thị tư nhân để họ tiếp quản công viên trên đảo từ ngày 6/4. New York cũng vấp phải làn sóng phẫn nộ về việc sử dụng tù nhân để chôn cất.
“Chúng tôi có những người chết vì virus corona không có người thân”, ông Laqueur cho biết. “Chúng tôi phải đấu tranh để họ trở thành một phần của cộng đồng, những người đáng được tôn vinh chứ không phải là điều nhục nhã”.
Mặc dù tin tức về các nạn nhân Covid-19 vô danh được chôn trên Đảo Hart đã làm dấy lên mối quan tâm của thành phố, ông Laqueur và ông Hunt vẫn cho rằng đây là cách tôn trọng nhất đối với những người đã khuất.
“Tôi thường nhắc đến Đảo Hart như ngôi mộ gia đình của thành phố New York. Chôn cất cùng những người của thế hệ trước là điều thực sự ý nghĩa”, ông Hunt hy vọng những người đã khuất có thể duy trì kết nối với nhau. “Thành phố đã tôn vinh mọi mạng sống”.
Trung Quốc đã tác động và dần làm biến chất các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong hàng thập kỷ qua. Ảnh hưởng ngày càng nhanh và rộng của Trung Quốc tại LHQ đã bắt đầu rất lâu trước khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền.
(Ảnh: Shutterstock)
Nhiều chuyên gia và quan chức đã nói với The Epoch Times rằng ông Trump là Tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ nghiêm túc nỗ lực kiềm chế các kế hoạch của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Trong bài diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ vào tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã nhắm thẳng vào Trung Quốc, cảnh báo rằng chính quyền của ông theo dõi chặt chẽ tình hình ở Hồng Kông. Tổng thống cũng kêu gọi chấm dứt đàn áp tôn giáo – một vấn đề đang lan tràn tại Trung Quốc khi những người Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, các học viên Pháp Luân Công và những người khác đang là mục tiêu của chính quyền ĐCSTQ.
Ông Trump cũng tuyên bố rằng bất luận các tham vọng của LHQ và nhiều quốc gia thành viên khác, tương lai không thuộc về những người theo toàn cầu hóa đang tìm cách gia tăng kiểm soát tại LHQ, mà thuộc về những người yêu nước và theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Trong khi Trung Quốc từ lâu đã chủ trương một LHQ mạnh mẽ hơn với nhiều quyền lực và tiền bạc hơn, ông Trump đang kìm hãm kế hoạch đó.
Ai phải chịu trách nhiệm cho ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại LHQ?
Với sự tích luỹ quyền lực ngày càng gia tăng của ĐCSTQ tại LHQ, đến nay gần như 1/3 các cơ quan chuyên môn của LHQ là do các đại diện Trung Quốc trung thành với Bắc Kinh lãnh đạo. Trong khi đó, nhiều chuyên gia và cơ quan truyền thông lại nhân cơ hội này đổ lỗi cho chính quyền Trump, cho rằng việc ông rút khỏi nhiều tổ chức và hiệp ước của LHQ đã để lại một khoảng trống cho Trung Quốc nhảy vào.
Trên thực tế, vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh trên trường quốc tế thực sự bắt nguồn từ những quyết sách đối ngoại của Mỹ ngược về nhiều thế hệ trước. Ví dụ như quyết định của Mỹ phản bội Tưởng Giới Thạch; quyết định tai tiếng của Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia lúc bấy giờ là Henry Kissinger nhằm “mở cửa” với Trung Quốc trong những năm đầu thập kỷ 70; thay thế Đài Loan bằng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Hội đồng Bảo an LHQ; chuyển giao công nghệ quân sự của Tổng thống Bill Clinton và chào đón Bắc Kinh vào Tổ chức Thương mại Thế giới; và những chính sách tương tự khác.
Tuy nhiên dưới thời ông Trump, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Một cựu quan chức cao cấp trong chính quyền Trump liên quan tới đối ngoại, khi trả lời The Epoch Times với điều kiện ẩn danh, đã bác bỏ quan điểm cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm cho những gì đã diễn ra trong hàng thập kỷ.
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, ảnh hưởng của ĐCSTQ đã tăng lên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Ví dụ, “các quỹ tín thác” do Trung Quốc tài trợ bên trong các tổ chức của LHQ đã sinh sôi nảy nở gần như không bị kiểm soát, với những quỹ đen nằm ngoài sổ sách phục vụ cho việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chính quyền Obama biết điều đó, nhưng có rất ít phản ứng lại.
Trong khi đó, Thông cáo chung Mỹ – Trung về Biến đổi khí hậu năm 2004 đã “gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc từ Bộ Ngoại giao dưới thời ông Obama, ngầm biểu thị hoặc ngụ ý chấp nhận quyền lực và vai trò gia tăng của Trung Quốc tại LHQ,” cựu quan chức cao cấp nói, bổ sung thêm rằng chính quyền Obama đã rót hàng tỷ đôla vào LHQ trong năm tài chính cuối cùng của họ, rất nhiều với ý định sử dụng để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khi nắm chính quyền, ông Trump đã nhanh chóng đảo ngược những quyết định đó, ví như cho rằng việc gieo hoang mang về biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp” để làm lợi cho Bắc Kinh.
“Nói một cách rõ ràng và khách quan, chính quyền Obama – đặc biệt Bộ Ngoại giao thời đó – phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại LHQ,” cựu quan chức tiếp tục, tiết lộ thêm rằng đến nay nhiều quan chức thời Obama vẫn cố thủ tại Bộ Ngoại giao.
Một vấn đề quan trọng khác mà The Epoch Times có được từ nguồn tin nội bộ, là việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao của Tổng thống bị kéo dài tới gần hai năm. Khi cuối cùng họ nhận nhiệm vụ với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung quốc, “nền hành chính cố thủ đã chống lại những bước đi can đảm của chính quyền ông Trump nhằm phá dỡ các chính sách dưới thời Obama,” vị cựu quan chức nói. Có thể dễ dàng nhận thấy trợ lý thư ký của ông Trump về các tổ chức quốc tế, cùng cố vấn cao cấp của ông cùng nhiều người khác là những đối tượng bị chống đối và đeo đuổi không ngừng.
Ông Obama và Tập Cận Bình tại Hàng Châu, tháng 9/2016 (Ảnh: Shutterstock)
Trung Quốc xâm nhập và thao túng các cơ quan của LHQ
Một sự thật không thể chối cãi được là ngày nay ĐCSTQ đang nắm vai trò lãnh đạo tại LHQ. Những đại diện của họ điều hành 4 trong số 15 cơ quan của LHQ, bao gồm Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Quốc tế (UNIDO) và Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của LHQ (UN DESA). Để so sánh, chỉ một người Mỹ nắm vị trí hàng đầu trong một cơ quan chuyên trách của LHQ.
Đáng lưu ý, các đại diện của Trung Quốc chiếm được phần lớn những vị trí lãnh đạo này dưới thời Obama. Nhiều vị trí hàng đầu khác dành cho các đại diện của Trung Quốc cũng xảy ra thời chính quyền trước đó: Xue Hanqin được lựa chọn vào Tòa án Công lý Quốc tế; Tao Zhang được bổ nhiệm làm phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng 8 năm 2016; và Yi Xiaozhun được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2013, cùng nhiều vị trí khác.
Trong năm 2019, sử dụng hối lộ và đe dọa, Bắc Kinh đã giành được quyền kiểm soát Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) mặc dù chính quyền ông Trump đã cố gắng ngăn chặn. Nhiều năm trước, nhiều người Mỹ làm việc trong và ngoài LHQ đã cảnh báo về “các quỹ tín thác” của Trung Quốc tại FAO, cũng như việc Bắc Kinh đang tìm cách đưa một ứng cử viên để giành quyền kiểm soát tổ chức này. Một quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao thời Obama đã can thiệp để giữ kín việc này, vị cựu quan chức nói.
Không như các cá nhân từ phần lớn các quốc gia khác, các quan chức Trung Quốc công khai sự trung thành trên hết với ĐCSTQ. Khi chính quyền ĐCSTQ bắt giữ người đứng đầu Interpol lúc bấy giờ là Mạnh Hoành Vĩ, họ đã công khai kết tội ông ta không tuân theo mệnh lệnh của Đảng, cùng các cáo buộc khác.
Trong việc gìn giữ hòa bình quốc tế, xu thế này cũng trở nên rõ ràng. “Trung Quốc đã cung cấp tình nguyện viên cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, qua đó làm nổi bật vị thế của họ, thúc đẩy kế hoạch mở rộng quyền lực lớn hơn, đặc biệt ở châu Phi,” ông Rick Fisher, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Quốc tế đánh giá chiến lược Trung Quốc, nói với The Epoch Times.
Hiện nay, Bắc Kinh đang tìm cách đưa ông Andy Tsang vào làm người đứng đầu Văn phòng về Buôn bán ma tuý và Tội phạm LHQ, trong khi nhiều nhà hoạt động Trung Quốc khác cũng đang được chuẩn bị cho các vị trí cấp cao tại LHQ. Nhiều đại diện của Bắc Kinh điều khiển các hội nghị chủ chốt của LHQ, còn các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đang khoác lác rằng Bắc Kinh đóng một “vai trò quan trọng” trong Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ về kế hoạch phát triển bền vững cho nhân loại.
Gần đây nhất, nhà ngoại giao Trung Quốc Jiang Duan được bổ nhiệm vào nhóm tư vấn Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHCR) đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân khắp thế giới lên tiếng phản đối do những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ đối với nhóm người Hồi giáo và các tù nhân lương tâm, đặc biệt là tội ác thu hoạch nội tạng.
Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự “thiên vị” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với chính quyền Trung Quốc, khi những người đứng đầu tổ chức LHQ này hết lời ca ngợi công tác chống dịch và sự “minh bạch” của Trung Quốc.
Rõ ràng là ĐCSTQ có một kế hoạch dài hơi để khống chế LHQ. Trong những năm gần đây, chế độ Bắc Kinh thậm chí đã mở một “Trường Quản trị Toàn cầu” tại Học viện Ngoại giao Bắc Kinh (BFSU) để huấn luyện đội quân những nhà ngoại giao và gián điệp tương lai làm việc trong các tổ chức quốc tế. Năm 2018, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh sẽ “đóng vai trò tích cực trong việc lãnh đạo cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.”
Nhìn chung, Bắc Kinh đang tác động để khiến LHQ trở nên quyền lực hơn, đồng thời khiến chính họ trong LHQ trở nên quyền lực hơn bao giờ hết, với cái giá đánh đổi là tự do của các cá nhân và quốc gia trên khắp thế giới.
Quan điểm của Mỹ về LHQ dưới thời Tổng thống Trump
Trái lại, ông Trump đã làm việc tích cực để chống lại điều đó. Từ khi ông nhậm chức, chính phủ Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ; dừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động (UNRWA); rút khỏi UNESCO; giảm đóng góp của Mỹ cho LHQ; thực hiện các chiến lược đối phó tích cực với ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế; và mới đây nhất là dừng tài trợ cho WHO để điều tra về vai trò và trách nhiệm của tổ chức này với dịch bệnh toàn cầu. Nước Mỹ dưới thời ông Trump cũng đảm bảo rằng các chính sách của LHQ bị Trung Quốc chi phối ít có tác động hơn tới người Mỹ.
Có những quan điểm khác nhau về việc làm thế nào để kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ. Tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council of Foreign Relations – CFR), nổi lên quan điểm là chính phủ Mỹ nên trao quyền hơn nữa cho LHQ và phối hợp để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong tổ chức này bằng việc cung cấp tài chính nhiều hơn cho LHQ.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump lại cho rằng một chiến lược khả thi hơn là vô hiệu hóa những nỗ lực mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của LHQ, từ đó giảm thiểu giá trị của LHQ đối với Bắc Kinh và các chế độ độc tài khác đang càng ngày càng nắm nhiều quyền lực hơn trong các thể chế toàn cầu.
Ông Peter Gallo, cựu điều tra viên Cơ quan Giám sát nội bộ của LHQ nói với The Epoch Times rằng quá trình tuyển chọn và đề bạt quan chức của LHQ đầy rẫy “gian lận,” và việc hối lộ, đặc biệt khi có liên quan tới Trung Quốc, xảy ra tràn lan. Ông cũng cho biết LHQ hết sức cố gắng để tránh làm Trung Quốc mất mặt.
“Ví dụ phù hợp nhất về điều đó là việc Cao uỷ LHQ về Nhân quyền đã bị bắt quả tang chuyển giao tên các nhà hoạt động nhân quyền cho chính quyền ĐCSTQ, tạo điều kiện cho cảnh sát và các cơ quan an ninh Trung Quốc có thể đến và đe doạ người thân của họ ở Đại lục, tất cả để đảm bảo không một ai dám phát biểu phản đối việc bầu Trung Quốc vào Hội đồng Nhân quyền,” ông nói.
“Nếu ông Trump bị buộc tội, thì tội duy nhất của ông ấy là không công khai những điều này,” ông Gallo nói thêm. “Làm sao mà những chính sách của ông Trump lại phải chịu trách nhiệm về việc Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác đang lợi dụng một tổ chức dễ mua chuộc và tham nhũng như LHQ?”
Alex Newman (bài viết đăng trên The Epoch Times).
Ông Alex Newman là một nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn, nhà tư vấn quốc tế từng đoạt giải thưởng. Ông làm Giám đốc điều hành cho kênh Truyền thông Liberty Sentinel và viết các ấn phẩm đa dạng tại Mỹ và nước ngoài.