‘Resort’ tại gia ẩn mình sau tường bao 7 mét

TIỀN GIANG

Ngăn cách với con đường liên tỉnh bằng bức tường bao bảy mét, ngôi nhà tràn ngập cây xanh tạo thành “resort” tại gia cho gia đình ba thế hệ.

Ngôi nhà được xây trên mảnh đất rộng 700 m2 tại Mỹ Tho là nơi ở của một gia đình ba thế hệ.

Do phía trước có con đường liên tỉnh bụi bặm và ồn ào, các kiến trúc sư đưa căn nhà nằm lùi về phía sau, được bao quanh bởi lớp tường cao bảy mét. Cách xử lý này đồng thời cản bớt lượng nắng gắt bởi chiều dài khu đất hướng về hướng Đông và Tây.

Kết hợp với các vật liệu thô mộc và những giống cây nhiệt đới, lối dẫn vào nhà tạo cho gia chủ cảm giác như đang ở resort. Cây xanh cũng giúp tường bao quanh nhà trở nên nhẹ nhàng hơn.

Bên trong, tầng trệt nhà được nâng cao, như ở trên một quả đồi nhỏ.

Khu vực ở chỉ chiếm 27% đất. Cây xanh xuất hiện khắp nơi vừa tạo tầm nhìn đẹp và xanh cho căn nhà, vừa xóa đi ranh giới giữa bên trong với bên ngoài.

Dọc theo chiều dài nhà, nhóm thiết kế bố trí các mảng cây xanh cao và hồ bơi kích thước 4 x 16m để làm mát công trình. Hồ bơi cũng có tác dụng liên kết các không gian sinh hoạt theo cả chiều cao và chiều đứng.

Phòng sinh hoạt chung thoáng mát với hai mặt dài tiếp xúc trực tiếp với gió trời. Khu vực này cũng là phòng giải trí với các thiết bị nghe nhìn được giấu âm trần.

Khu bếp – phòng ăn mở ra không gian xanh. Nhờ hệ thống chống trộm, chống mưa gồm hai lớp cửa cuốn (một lớp bằng song inox và một lớp bằng nhôm mỏng), khu vực này không bị tác động bởi thời tiết bên ngoài. Thông thường, gia chủ chỉ cần lớp cửa song inox xuống để chống trộm, giúp lưu thông gió lùa khắp nhà kể cả khi nhà không có ai.

Phòng ngủ ông bà được ưu tiên đưa ra đằng trước nhà, có mảng sân trên cao riêng biệt và nhìn ra hồ bơi cùng sân chính. Hàng hiên rộng tạo thành nơi ngồi nghỉ ngơi, hóng mát đồng thời hạn chế ánh nắng vào sâu trong phòng.

Phòng ngủ của vợ chồng gia chủ theo phong cách tối giản, lấy chính không gian xanh cửa sổ làm những “khung tranh trang trí”.

Ở phòng con của chủ nhà, khu vực bàn học được thiết kế với hình dạng cách điệu. Nhờ đó, nó vừa giữ được sự đồng bộ với các phòng khác, có thể sử dụng lâu dài mà không cần cải tạo vừa trẻ trung, vui nhộn.

Phòng vệ sinh đơn giản, mở rộng tối đa tầm nhìn, đảm bảo sự thông thoáng.

Dù nhà nằm ngay mặt đường liên tỉnh, gia chủ vẫn có được ngôi nhà ưng ý và tách biệt. Thời gian xây dựng công trình khoảng một năm.

Bài: Minh Trang

Ảnh và thiết kế: MM++ Architects

Một án văn nghệ ít người biết (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

Hôm rồi, Ban Tuyên giáo của đảng tổ chức khá long trọng lễ trao giải cho những cá nhân, tập thể, tác phẩm học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của cụ Hồ. Điều này nhà nước chính quyền thực hiện hằng năm nhưng năm nay là mốc kỷ niệm chẵn hoành tráng (130 năm) nên độ lễ cũng hoành tráng hơn.

Cứ như những hàng chữ “đại tự” và con số cũng to chẳng kém trên phông màn (ảnh kèm theo) thì cuộc lễ này là “Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020”. Nhiều giải lắm. Trao nhận tíu tít. Nhưng cảm thấy lạ nhất là ban tổ chức lại lần mò quá khứ, trao giải đặc biệt (tức là giá trị trên cả giải nhất) cho một bài thơ chỉ thế hệ tôi (và trước hoặc sau đó mươi năm) biết, bài “Hồ Chí Minh, tên người là cả một niềm thơ” của nhà thơ cộng sản Cuba Felix Pita Rodriguez. Có nhẽ ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên mời cả con gái thi sĩ quá cố tới nhận giải ngay trên sân khấu, do đích thân nhân vật số 2 của đảng, ông Trần Quốc Vượng trao.

Ảnh: TTXVN

Phải nói như này, đó là một bài thơ viết về cụ Hồ vào hạng hay nhất. Mà lại do người nước ngoài viết. Tôi lẩn thẩn cho rằng còn hay hơn cả thơ Tố Hữu về cụ, vốn chỉ ca ngợi một cách thái quá, giọng điệu nịnh nọt lộ liễu. Có nhẽ chỉ bài thơ nội địa “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của nhà chính trị-thi sĩ Việt Phương mới sánh nổi. Lứa chúng tôi (sinh giữa thập niên 50) hầu như đứa nào cũng biết, thậm chí thuộc làu bản dịch bài thơ của Phê Lích (thời ấy cứ gọi nôm na tên của Felix Pita Rodriguez thành Phê Lích Pi Ta Rô Đri Ghết). Hình như người ngoài họ nhìn vào ta sẽ khách quan chân thực và táo bạo hơn. Đó là chưa nói thứ tư duy của Tây có những vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu tầm thường (mà phương đông hay có), tạo ra những hình ảnh đặc biệt.

Lúc ban đầu, chúng tôi đọc bản dịch thi phẩm trứ danh này do nhà thơ Đào Xuân Quý chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, thấy đã hay, sau có những người được học hành ở Cuba rành tiếng Tây Ban Nha dịch, cụ thể là bản của Hoàng Hiệp (không phải nhạc sĩ Hoàng Hiệp lá đỏ) thì càng hay hơn. Không phải kiểu hô khẩu hiệu mòn sáo như Tố Hữu “người là cha, là bác, là anh/quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, mà Felix có cách diễn đạt rất đắt về cụ Hồ, chả hạn “Bởi vì người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/Bởi vì người đã mặc mọi tấm áo xác xơ/Đã đi đôi chân trần của người dân mất nước”…

Thơ như thế này thì Chế Lan Viên cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Ở Việt Nam thời ấy, cụ Chế khi công khai, lúc ngấm ngầm, luôn coi mình là nhất, thi bá trong quần hùng. Đám chúng tôi, học sinh lớp 8 lớp 9, rồi sau này thành sinh viên, cứ đọc đi đọc lại thơ Felix, bảo nhau tài thật, tài đến thế là cùng, cha bố anh Phê Lích.

Hẳn nhiều người nhớ rõ, ông Phê Lích viết bài trứ danh này năm 1968 sau khi sang Việt Nam đang chống Mỹ và được gặp cụ Hồ. Tức là khi cụ còn sống. Nhà thơ chỉ cảm nhận một con người lừng lẫy của cách mạng vô sản và thể hiện ra thôi chứ hoàn toàn chả có ý “học tập và làm theo” gì. Thế giới phe tả khi đó còn mải học tập và làm theo Stalin, Brezniev, Mao Trạch Đông, mấy khi để ý đến người vùng sâu vùng xa. Những năm chiến tranh, nhiều người biết nó (bài thơ), thuộc nó (tôi chẳng hạn).

Kể từ sau 1975, không mấy ai nhắc tới nó nữa, cũng như số phận của rất nhiều tác phẩm văn chương trong dòng ca ngợi, nhất thời. Bây giờ, Ban Tuyên giáo cũng như nhà cai trị xứ này sực nhớ tới nó, cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, “biết ơn người có công” là một chuyện, nhưng gán cho thi sĩ Phê Lích và bài thơ của ông là kết quả của cuộc học tập và làm theo thì quả thật quá khiên cưỡng, nhất là lại của “giai đoạn 2018 – 2020” thì càng vênh lắm. Ừ, thì khi đã có quyền, người ta muốn làm gì chả được, kể cả những điều phi lý vô lý nhất.

Nhưng tôi vẫn chưa kể vào cốt lõi vụ án văn nghệ ít người biết đâu. Kể luôn thì dài quá, mệt người đọc. Muốn biết đó là gì, ai sống chết thế nào, xem kỳ 2 sẽ rõ.

(còn tiếp)

Hậu cung gò bó, nhiều ghen tuông, đố kỵ của cung phi triều Nguyễn

Cung phi trong Tử Cấm Thành sống tương đối nhàn hạ, no đủ nhưng rất gò bó, phải kiêng cữ đủ thứ, ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài .

Thông qua cuốn sách Đời sống cung đình triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, năm 1993) và Đời sống trong Tử Cấm Thành (NXB Đà Nẵng, năm 1996), tác giả Tôn Thất Bình đã cố gắng phản ánh trung thực, khách quan nhất những sinh hoạt đời thường của hoàng gia nói chung và các hoàng phi, cung tần triều Nguyễn nói riêng.

Cả 2 cuốn sách được Tôn Thất Bình biên soạn dựa trên những tư liệu của các tác giả người Pháp và các công trình nghiên cứu, tìm hiểu đáng tin cậy của các tác giả Việt Nam.

Hau cung go bo, nhieu ghen tuong, do ky cua cung phi trieu Nguyen hinh anh 1 Anh_3.jpg
Tử Cấm Thành Huế thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Những điều cấm kỵ với cung phi

Theo sách Đời sống trong cung đình triều Nguyễn, cung phi thời nhà Nguyễn phải kiêng nhiều thứ. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ tuyệt đối không được nói chữ xấu, gở, thô tục như đui, què, phong, hủi, máu me, chết…

Khi vua đau ốm phải gọi là “se”, “siết”, “vi dạng”; vua thức dậy gọi là “tánh”, vua đi chơi là “ngự dạo”, vua chết là “băng hà”. Ngoài ra, vô số chữ húy phải kiêng kỵ, nếu lỡ gọi nhầm sẽ mắc tội, nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu, gia đình hoàng tộc…

Cung nhân phải học thuộc lòng những điều đó để tránh tai họa. Thông thường, khoảng 6 tháng đầu khi vào Đại Nội, các cung phi không dám nói nhiều vì sợ lỡ lời. Họ cũng phải tập luyện để giọng nói nhẹ nhàng hơn.

Trang phục phải theo đúng nghi thức. Không được mặc đồ đen tang tóc, màu trắng chỉ được dùng làm đồ lót, màu vàng dành cho vua. Cung tần, mỹ nữ thường dùng màu đỏ và lục. Tóc phải rẽ giữa, bịt khăn vàng, móng tay để dài, nhuộm răng đen.

Nam Phương Hoàng hậu là người duy nhất được mặc phẩm phục màu vàng cam, tương tự màu vàng, vốn chỉ để dành riêng cho các bậc đế vương.

Hau cung go bo, nhieu ghen tuong, do ky cua cung phi trieu Nguyen hinh anh 2 c7.jpg
Nam Phương Hoàng hậu ngày trẻ.

Kể từ ngày bước chân vào cung cấm, cung phi xem như đã tách hẳn với cuộc sống bên ngoài. Họ không được phép về thăm gia đình, trừ khi cha mẹ ốm nặng.

Cha mẹ cũng hiếm khi được vào thăm con, nếu có, chỉ đứng ngoài rèm nói chuyện, không gặp trực tiếp.

Trong những ngày đại lễ, nếu triều đình tổ chức diễn tuồng, cung phi có thể được xem nhưng phải ngồi sau bức mành, người ở ngoài không thể thấy dung nhan của họ.

Những cung phi lớn tuổi, không còn ham thích các trò chơi giải trí, chán cảnh phồn hoa, có thể nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ trong ngôi chùa ở cung Diên Thọ.

Một số trường hợp, khi vua qua đời, các bà hoàng phải chuyển tới sống ở lăng vua để trông nom, nhiều năm sau mới được trở về hậu cung.

Ghen tuông, đố kỵ là chuyện thường ngày

Theo sách Đời sống trong cung đình triều Nguyễn, bắt đầu từ thời Minh Mạng, vua chia thành 9 bậc phi tần gồm: Nhất giai phi, Nhị giai phi, Tam giai nhân, Tứ giai nhân, Ngũ tiếp dư, Lục tiếp dư, Thất giai quý nhân, Bát giai mỹ nhân, Cửu giai tài nhân.

Hau cung go bo, nhieu ghen tuong, do ky cua cung phi trieu Nguyen hinh anh 3 Anh_1_2.jpg
Ân phi Hồ Thị Chỉ vợ vua Khải Định. Ảnh tư liệu.

Dưới tài nhân là Tài nhân vị thập giai gồm những người đang chờ để được tuyển làm tài nhân, kế dưới nữa là Cung nga thể nữ.

Hoàng quý phi là người đứng đầu các bà phi, tức vợ chính của vua, được hưởng nhiều đặc quyền nhất.

Còn theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn của tác giả Lưỡng Kim Thành (NXB Thế giới, năm 2017), đa số cung tần, mỹ nữ trong hoàng cung triều Nguyễn đều là con quan đại thần được tiến cung.

Viên quan nào có phẩm trật cao, con gái khi vào cung sẽ được ban phẩm trật cao và ngược lại.

Hoàng quý phi ở cung Khôn Thái, những bà phi khác ở điện Trịnh Minh. Các bà Tân ở viện Đoan Huy. Những bà Tiếp dư ở viện Thuận Huy. Các bà khác ở điện Đoan Trang, Đoan Hòa, Đoàn Thuận, Đoan Tường.

Vua có hàng trăm cung tần, mỹ nữ. Những cung phi mới được tuyển vào, mâu thuẫn chưa gay gắt. Những bà đã vào cung lâu năm, việc ghen tuông, đố kỵ là chuyện thường ngày. Trong những lần như vậy, Hoàng quý phi thường nhận được sự thiên vị của vua.

Theo sách Đời sống trong cung đình triều Nguyễn, do cuộc sống chỉ quanh quẩn trong thành, các bà phi dễ bị đau ốm, ức chế, thường hay sinh sự với nhau.

Hau cung go bo, nhieu ghen tuong, do ky cua cung phi trieu Nguyen hinh anh 4 c8.jpg
Những người phụ nữ trông coi lăng Thiệu Trị.

Cả đời không nhìn thấy mặt vua

Tác giả Tôn Thất Bình của sách Đời sống trong cung đình triều Nguyễn cho biết trong Tử Cấm thành có gần 50 công trình lớn nhỏ. Tam cung, lục viện là nơi ở của các phi, tần, mỹ nữ, nơi được xem là thế giới “riêng biệt” của nhà vua.

Dưới triều Nguyễn, đời sống của các cung phi chủ yếu diễn ra trong Tử Cấm Thành, nơi sinh hoạt của các vua và hoàng gia.

Khu vực này bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi bức tường gạch cao 3,5 m. Dù tương đối nhàn hạ, no đủ, đời sống của họ rất gò bó, phải kiêng cữ đủ thứ và chỉ biết phục vụ người đàn ông duy nhất là vua, không được đụng chạm tới ai khác cho đến khi qua đời.

Ngay cả khi mắc bệnh nặng, ngự y trong cung đến thăm khám, bốc thuốc, cũng không được tiếp xúc làn da của các bà hoàng. Khi họ bắt mạch, thái giám sẽ đứng bên cạnh để canh. Ngự y phải đặt một mảnh lụa mỏng lên tay của cung phi để bắt mạch.

Ngự y cũng không được nhìn, hỏi thăm bệnh nhân nên rất khó xác định bệnh tình để đưa ra cách chữa trị hợp lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cung phi thường mắc bệnh, qua đời sớm.

Hau cung go bo, nhieu ghen tuong, do ky cua cung phi trieu Nguyen hinh anh 5 c6.jpg
Cửa chính vào Tử Cấm Thành của hoàng cung Huế, tấm biển phía trên đề là Càn Thành Cung. Bị phá hủy năm 1947.

Lê Vy / Zing

GS Thayer: Ai sẽ lên lãnh đạo Việt Nam vào năm 2021?

Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ là những vị ủy viên trẻ trong Bộ Chính trị đương nhiệm

Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ là những vị ủy viên trẻ trong Bộ Chính trị đương nhiệm

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng nhiều khả năng sẽ trở thành người lãnh đạo cao nhất còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có thể sẽ không được ngoại lệ về tuổi tác để tiếp tục tại vị, một nhà quan sát tình hình Việt Nam nói với VOA nhân kết thúc Hội nghị Trung ương 12.

Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14/5 để bàn về tiêu chuẩn, cơ cấu và cách thức tuyển chọn nhân sự cho dàn lãnh đạo mới cho Đảng Cộng sản tại Đại hội thứ 13 của Đảng dự trù sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.

Như thường lệ, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam không cho biết gì nhiều về những gì được các ủy viên trung ương bàn thảo sau cánh cửa khép kín ngoài nhắc lại những tiêu chuẩn thường nghe như ‘bản lĩnh chính trị vững vàng, không tham nhũng, không tham vọng quyền lực, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có trí tuệ, tầm nhìn…’

Ai sẽ ở lại?

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nguyên tắc sắp xếp nhân sự của Đảng Cộng sản từ trước đến nay và thành phần của Bộ Chính trị đương nhiệm cũng như hoạt động của một số nhân vật nổi bật trong thời gian qua, các nhà quan sát có thể đưa ra những dự đoán sát với thực tế.

Trước hết, bốn vị trí cao nhất – Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội vốn thường được gọi là ‘tứ trụ’ – phải nằm trong số các ủy viên Bộ chính trị hiện thời mà vẫn còn trụ lại trong Bộ Chính trị mới.

Thứ hai, giới hạn tuổi tác không cho phép Ủy viên Bộ Chính trị ở lại một nhiệm kỳ nữa nếu đã quá 65 tuổi ngoại trừ trường hợp đặc biệt. Ngoại lệ này từng đã giúp cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Đại hội 12 khi ông đã quá tuổi.

Ngoài ra, vấn đề sức khỏe hay có bị kỷ luật hay không cũng là những nhân tố quyết định một ủy viên Bộ Chính trị nào đó có trụ lại được hay không.

Trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị sau 5 năm chỉ còn lại 15 người sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng ngồi tù, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh lâm bệnh và cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bị kỷ luật (ông Hải vẫn chưa bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị).

Xét về tuổi tác thì các vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Ngô Xuân Lịch, Tòng Thị Phóng, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng đều sẽ phải về hưu.

Như vậy chỉ còn 7 người đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh các vị trí trong tứ trụ, bao gồm: Bộ trưởng Công an Tô Lâm (1957), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (1958), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (1959), Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (1958), Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ (1957), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (1961) và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (1970).

Ngoại lệ cho ai?

Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí trong nước thì Hội nghị trung ương vừa bế mạc cho biết ‘sẽ có ngoại lệ’ về tuổi tác dành cho trường hợp đặc biệt giống như trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2016.

Trao đổi với VOA từ Úc, ông Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, người chuyên theo dõi tình hình Việt Nam trong nhiều năm, nhận định rằng ngoại lệ này sẽ được trao cho ông Trần Quốc Vượng, người đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí Tổng bí thư.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, đến năm 2021 sẽ được 68 tuổi, tức là quá tuổi quy định để ở lại Bộ Chính trị. Nếu ông có trở thành Tổng bí thư thì với tuổi tác đó nhiều khả năng ông Vượng cũng không thể làm hai nhiệm kỳ.

Về khả năng Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Quốc hội Ngân được trao ngoại lệ như ông Vượng, nhất là khi cả hai vị này đều mới làm một nhiệm kỳ (các thủ tướng trước ông Phúc như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đều làm hai nhiệm kỳ), GS Thayer cho rằng theo tiền lệ lâu nay của Đảng thì ngoại lệ ‘chỉ dành cho tổng bí thư mà thôi’.

“Tôi không thể nói là không thể có, nhưng chưa bao giờ có tiền lệ cho việc này,” ông nói nhưng cũng lưu ý rằng thẩm quyền để quyết định ngoại lệ cho ai ‘thuộc về Ban chấp hành Trung ương’.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu cả ông Phúc và bà Ngân cùng ở lại thì Bộ Chính trị cũ sẽ có đến 10 người ở lại. Khi đó số người mới được bầu vào (có thể từ 7-9 người) sẽ ít hơn con số ở lại. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lớn về thế hệ ở những khóa sau khi những người lớn tuổi về hưu hết. Do đó, GS Thayer cho rằng khả năng này ‘khó xảy ra’.

“Ông Phúc lúc đầu có loạng choạng về vụ thải độc của Formosa ở các tỉnh miền Trung, nhưng ông ấy khôi phục lại vị thế và làm rất tốt trong dịch Covid-19. Bà Ngân cũng làm rất tốt trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Bà ấy là một trong hai người được tín nhiệm nhiều nhất khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm,” GS Thayer phân tích.

“Họ không thể làm nhiều hơn hai nhiệm kỳ, nhưng có thêm nhiệm kỳ thứ hai không phải là chuyện đương nhiên. Yêu cầu tuổi tác có thể là bất lợi cho họ.”

Về khả năng ông Phúc và bà Ngân có được ngoại lệ hay không nếu như được xem là ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư cùng với ông Vượng, ông Thayer cho rằng không có khả năng vì cả sự nghiệp chính trị của ông Phúc và bà Ngân đều đi lên từ bộ máy chính quyền chứ không phải bộ máy Đảng như ông Vượng.

“Ông Phúc cả đời làm trong bộ máy chính phủ từ lãnh đạo địa phương ở Quảng Nam được cất nhắc vào chính phủ trung ương nên ông ấy không có kinh nghiệm hay thành phần ủng hộ trong Đảng,” ông phân tích. “Bà Ngân cũng bị giới hạn. Bà ấy từng là thứ trưởng Bộ Tài Chính và thứ trưởng Bộ Thương mại trong Chính phủ. Bà ấy làm việc rất lâu trong Quốc hội nhưng bà ấy là phụ nữ lại là người miền Nam. Đã có lập luận cho rằng Tổng bí thư phải là người miền Bắc. Ngoài ra, Việt Nam đã chuẩn bị cho một phụ nữ làm lãnh đạo chưa?”

Về ông Trần Quốc Vượng, GS Carl Thayer đánh giá: “Ông ấy là người trong Đảng. Nền tảng của ông ấy là hệ thống Đảng. Ông ấy đã là cánh tay mặt của ông Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng và ông ấy có sự ủng hộ trong Đảng.”

Tam trụ còn lại

Như vậy, theo ông Thayer, ngoài ông Vượng khó ai cạnh tranh được trong vai trò Tổng bí thư, ‘tam trụ’ còn lại sẽ đến từ 7 ủy viên Bộ Chính trị sẽ tiếp tục tại vị trong khóa mới.

Về chức Thủ tướng Chính phủ, ông cho rằng ‘phải là người có nền tảng làm việc và hiểu biết về kinh tế vững vàng’. Do đó, các ông, bà như Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh hay Trương Thị Mai đều không phải là ứng viên phù hợp.

Do đó, chỉ có hai người có thể cạnh tranh chức Thủ tướng là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Ông Bình từng nằm trong Chính phủ với vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong khi ông Huệ từng là Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương rồi phó Thủ tướng. Ông Thayer lưu ý rằng do đã từng là phó Thủ tướng nên ông Huệ là người có khả năng nhất trở thành Thủ tướng mới của Việt Nam.

Về chức chủ tịch Quốc hội, ông Thayer cho rằng sẽ có người đang làm từ bên đảng chuyển qua làm Quốc hội, hoặc là Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, hoặc là Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên, ông Thayer nghiêng về khả năng bà Mai được chọn hơn vì yếu tố về giới. “Nếu chúng ta nghe những gì Đảng bàn luận thì họ đang nói về ưu tiên cho phụ nữ, dân tộc thiểu số trong Ban chấp hành trung ương cũng như trong các vị trí lãnh đạo,” ông lưu ý.

Về chức chủ tịch nước, vốn đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thâu tóm sau khi ông Trần Đại Quang từ trần giữa chừng, vị giáo sư này cho rằng ‘khó đoán’ nhưng ông chỉ ra hai cái tên tiềm năng là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ông lưu ý rằng cố Chủ tịch Trần Đại Quang cũng từng đi lên từ Bộ trưởng Công an, trong khi ông Phạm Bình Minh ‘làm tốt vai trò Ngoại trưởng’ nhưng ‘toàn bộ sự nghiệp của ông ấy chỉ gói gọn trong lĩnh vực ngoại giao’.

“Chủ tịch nước sẽ là một vị trí hoàn toàn mới mẻ đối với ông Phạm Bình Minh,” ông nhận xét nhưng cũng lưu ý rằng đã có trường hợp như ông Trần Đức Lương, vốn chuyên môn là nhà địa chất, sau cũng trở thành Chủ tịch nước.

Bộ Chính trị

Bình luận về những ai có khả năng sẽ vào được Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa 13, ông Thayer lưu ý rằng nếu giữ nguyên con số 19 thì sẽ phải bầu thêm 11 ủy viên Bộ Chính trị mới (trừ 7 người cũ ở lại và một trường hợp ngoại lệ là ông Trần Quốc Vượng).

Tuy nhiên, ông cho rằng theo quy tắc của Đảng Cộng sản lâu nay, thì các ủy viên Bộ Chính trị thường đến từ ‘cái nôi đào tạo’ là Ban bí thư. Do đó, ứng viên hàng đầu hiện nay là các Bí thư Trung ương Đảng.

Ngoài ra, ba vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Công an nếu bỏ trống do các vị đương nhiệm cất nhắc lên tứ trụ hoặc về hưu thì sẽ có các ủy viên bộ chính trị mới đến từ các bộ này để đảm nhiệm chức bộ trưởng. Hơn nữa, sẽ có thêm hai ủy viên bộ chính trị đảm nhiệm bí thư Thành ủy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thay cho các ông Vương Đình Huệ (nhiều khả năng lên làm Thủ tướng) và Nguyễn Thiện Nhân (về hưu).

Do đó, GS Carlyle Thayer chỉ ra một số ứng viên tiềm năng cho Bộ Chính trị là: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người mà ông đánh giá là ‘làm xuất sắc trong chống dịch Covid-19’, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Xuân Thắng và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội.

Đại tướng Cường rất có khả năng lên làm Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp thay ông Ngô Xuân Lịch, ông Thayer nhận định, vì đã có tiền lệ là ông Lịch cũng từng đi lên từ vị trí chủ nhiệm tổng cục chính trị.

Ngoài ban bí thư, bên Chính phủ, Quốc hội và các ban của Đảng cũng sẽ có người vào Bộ Chính trị, ông nói thêm.

Khi được hỏi về tầm chi phối của ông Nguyễn Phú Trọng về vấn đề nhân sự tại Đại hội 13, ông Thayer nói ‘ông Trọng sẽ đóng vai trò rất lớn và tích cực’.

“Ông ấy có thể có quyền phủ quyết (đối với các lựa chọn nhân sự),” ông Thayer nói. “Tức là ông ấy có thể cho ai đó xuống nếu tìm được người khác thay thế.”

“Vào lúc này ông Trọng không thể chi phối hoàn toàn nhưng ông ấy là người cao hơn hết trong nhóm đồng đẳng (first among equals). Ông ấy đã có thể bồi dưỡng người kế nhiệm (Trần Quốc Vượng) mặc dù rõ ràng là mọi việc còn cần phải được Ban chấp hành trung ương phê chuẩn,” ông phân tích.

Nếu quy mô của Bộ Chính trị mới cần nhiều người thì ông Trọng có nhiều không gian hơn để vận động, còn nếu Bộ Chính trị mới nhỏ hơn thì ông Trọng sẽ phải có nhượng bộ. “Ông ấy có thể nhượng bộ về nhân sự Bộ Chính trị để đổi lại những người ông ấy lựa chọn có thể nắm giữ những vị trí chủ chốt,” ông nói thêm.

Theo VOA

Chiêu bài kinh doanh của Trung Quốc ‘1 vốn 6 lời’ thông qua BRI và WB

Lãi suất cho các khoản vay của dự án Vành đai – Con đường có thể lên tới ‘6% đối với các nước nghèo đang phải vật lộn’ với Covid-19, trong khi Trung Quốc là con nợ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới với mức lãi suất chỉ 1%. Trung Quốc lợi dụng tốt nguồn vốn giá rẻ từ các nước phát triển để cho vay kiếm lời cao tới các nước đang phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát địa chính trị và lan tỏa nền kinh tế tham nhũng khắp toàn cầu…

Giữa đống đổ nát tâm lý của cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán (Covid-19), các đối tác của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) đang rơi vào “bẫy nợ” sớm hơn nhiều so với thời gian tạo “bẫy nợ” của sáng kiến này. Bản thân các quốc gia dính líu với BRI bình thường đã phải hứng chịu khoản vay có rủi ro cao và có nguy cơ sập bẫy nợ với Bắc Kinh sau 5 – 10 năm. Tuy nhiên, virus viêm phổi Vũ Hán đã rút ngắn thời gian chờ đợi này ngay khi các dự án BRI còn dang dở và chính quyền các nước đang túng thiếu tiền mặt chống lại sự bùng phát của chủng virus mới gây chết người. Điều đáng buồn hơn là nguồn tiền để Trung Quốc kiếm lời từ các nước nghèo lại đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) – được tài trợ bởi các nền kinh tế phát triển…

Các nước nghèo dính líu với BRI chịu thiệt đơn thiệt kép trong đại dịch

“Các nước nghèo, đồng nội tệ bị mất giá, dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi biên giới, chi phí y tế ngày một lớn khủng khiếp, không có khả năng trả nợ BRI cho Trung Quốc”, Benn Steil và Benjamin Della Rocca, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại New York, cho biết vào tuần trước.

“Mặc dù các nhà bình luận từ lâu đã ví BRI với Kế hoạch Marshall cho các quốc gia đang phát triển, hai sáng kiến ​​này không thể khác biệt quá lớn. Quy mô tài chính có thể tương đương (viện trợ Marshall của Hoa Kỳ trị giá khoảng 145 tỷ USD hiện nay), nhưng sự tương đồng chỉ nằm ở các con số [mà không phải ở bản chất]”, hai chuyên gia này cho biết.

“Viện trợ của Marshall đều là các khoản tài trợ, trong khi quỹ của BRI – có lẽ khoảng 135 tỷ USD – gần như toàn bộ là các khoản nợ”, Steil và Rocca đã viết trong một bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs, có tựa đề Nợ Trung Quốc có thể khiến thị trường mới nổi nổ tung.

Được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 trong sự phô trương ầm ĩ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD này đã trở thành một phần mở rộng trong tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Trung tâm của chương trình là một mạng lưới các đường cao tốc, được ví như ‘Con đường tơ lụa mới’, kết nối Trung Quốc với 70 quốc gia và 4,4 tỷ người trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu trong một mê cung của cơ sở hạ tầng và các dự án công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD.

Mặc dù dự án này rất lớn nhưng nó cũng là một đề tài gây tranh cãi. Năm 2018, Asia Times đã đưa tin về các rủi ro liên quan đến BRI.

‘Khủng hoảng nợ’ từ các dự án dở dang, lãi suất cao của BRI

Một nghiên cứu mang tên Nghiên cứu ẩn ý nợ của Sáng kiến ​​Vành đai – Con đường, được Trung tâm Phát triển Toàn cầu phát hành năm 2018, tiết lộ rằng có 23 quốc gia có xu hướng gặp “khủng hoảng nợ” do tham gia vào sáng kiến BRI với Trung Quốc. Trong đó, các nền kinh tế Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan được phân loại thuộc nhóm “rủi ro cao”.

“Ví dụ như năm 2017, Pakistan đã vay ít nhất 21 tỷ USD từ Trung Quốc, số tiền này tương đương với 7% GDP của nước này. Nam Phi đã vay khoảng 14 tỷ USD, tương đương 4% GDP. Cả hai quốc gia, giống như nhiều quốc gia khác, nợ Trung Quốc nhiều hơn so với nợ Ngân hàng Thế giới”, Steil và Rocca xác nhận vào tuần trước.

“Các quốc gia khác còn nợ Trung Quốc nhiều hơn khi tính theo phần trăm GDP. Chúng tôi ước tính đến năm 2017, các khoản nợ của Djibouti đối với Trung Quốc chiếm tới 80% GDP của họ; còn khoản nợ của Ethiopia chiếm tới gần 20% GDP. Và Kyrgyzstan, một trong những quốc gia đầu tiên nhận được quỹ coronavirus của IMF, đã nợ Trung Quốc hơn 40% GDP”, họ nói thêm.

Tình hình tiếp tục xấu đi. Sau đó, một báo cáo được xuất bản bởi các học giả Harvard là Sam Parker và Gabrielle Chefitz vào năm 2018 đã minh chứng cho những nguy hiểm tiềm ẩn. Họ cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tác động của những gì được coi là cho vay giá rẻ, gọi đó là “ngoại giao sách nợ”.

Gánh nặng nợ tăng gấp bội do virus viêm phổi Vũ Hán

“Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã cung cấp gần một nửa số khoản vay mới cho các quốc gia được coi là có nguy cơ vỡ nợ cao. Khoản nợ đó hiện đang làm ‘nghẹt thở’ các quốc gia đang phát triển khi họ phải vật lộn để chống lại một đại dịch tàn khốc”, Steil và Rocca cho biết.

“Đối mặt với mối đe dọa hủy hoại tài chính, các nước nghèo đã chuyển sang các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới”, họ nói thêm.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã dứt khoát bác bỏ chỉ trích về rủi ro từ dự án BRI với Trung Quốc, và thậm chí cho rằng các dự án này mang lại cơ hội “phát triển bền vững” cho các nền kinh tế châu Phi. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng chia sẻ với giới truyền thông rằng: “BRI không phải là một cái bẫy nợ mà một số quốc gia có thể rơi vào, mà là một miếng bánh kinh tế có lợi cho người dân địa phương. Nó không phải là một công cụ địa chính trị, mà là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ sự phát triển”. 

Đây là cách tiếp cận chính thức của Bắc Kinh kể từ khi BRI được triển khai. Nhưng các số liệu thống kê không chứng minh được những gì Bắc Kinh nói là về BRI là đáng tin cậy, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển vừa phải vật lộn với virus vừa phải tìm kiếm nguồn tiền trả gánh nặng nợ gốc, lãi gốc khổng lồ từ các dự án BRI dở dang mà họ đã dính líu vào bởi tin tưởng Trung Quốc. Đã đến lúc Bắc Kinh cần nghiêm túc trả lời các câu hỏi có liên quan tới sáng kiến BRI quá nhiều tiếng xấu của mình.

Steil và Rocca, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nghiên cứu sâu vào các thỏa thuận tài chính giữa Trung Quốc và chính phủ các nước tham gia BRI và đã đưa ra một số con số đáng kinh ngạc:

  • Lãi suất cho các khoản vay các dự án BRI không hề dễ chịu như Bắc Kinh tuyên truyền, có thể từ 4% đến 6%/năm;
  • Mức lãi suất này cao hơn ba điểm phần trăm so với ‘chi phí vốn của chính các ngân hàng thương mại Trung Quốc’;
  • Đặt trong so sánh, Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập thấp vay với lãi suất chỉ hơn 1%.

Trung Quốc vay vốn từ Ngân hàng Thế giới với lãi suất chỉ hơn 1%/năm và cho các nước nghèo vay lại qua BRI với lãi suất 4-6%/năm

“Trên thực tế, bản thân Trung Quốc chính là một trong những người đi vay lớn nhất của Ngân hàng Thế giới, với 16 tỷ USD dư nợ; nước này đang vay mượn giá rẻ một cách có hiệu quả từ các nước phát triển và cho vay lại, thông qua BRI, với một mức giá cao hơn đáng kể”, Steil và Rocca cho biết.

“Thay vì thêm vào tai ương của các nước [trong đại dịch Covid-19], Trung Quốc nên làm những việc trong phần của mình để giúp đưa các quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nó có thể bắt đầu bằng cách tuyên bố một lệnh hoãn trả nợ đối với các khoản vay BRI cho đến ít nhất là giữa năm 2021”, họ nói thêm.

Trở lại năm 2018, Chủ tịch Tập đã vẽ một bức tranh hoàn toàn khác. Ông gọi chương trình mơ ước của mình là “rộng mở” và “toàn diện”, khi ông tiết lộ một hình ảnh mới sáng sủa cho một kỷ nguyên tươi sáng của “sự hợp tác”.

“Vành đai và Con đường là một sáng kiến ​​hợp tác kinh tế, không phải là một liên minh địa chính trị hay quân sự. Nó là một quá trình mở và toàn diện, và không phải để tạo ra các vòng tròn độc quyền hay là một câu lạc bộ Trung Quốc”, ông Tập nói trong một bài phát biểu quan trọng ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đối với nhiều thành viên của BRI, đây quả thực là một “câu lạc bộ Trung Quốc”, nơi mà các khoản nợ không chỉ đơn giản là gánh nặng quốc gia mà còn là con bài để Trung Quốc mặc cả chính trị, tài nguyên, kiểm soát và lan tỏa nền kinh tế tham nhũng, hủy hoại môi trường tới mọi ngóc ngách mà nó đi qua.

Trung Quốc “lũng đoạn” Ngân hàng Thế giới (WB) như thế nào? 

Đến lúc này, tất cả chúng ta buộc phải đặt câu hỏi cơ bản nhất: tại sao các nước phát triển lại để Trung Quốc lợi dụng nguồn vốn của họ thông qua WB để kiếm tiền và khống chế phần đa thế giới bằng BRI? 

Câu trả lời là Trung Quốc đã thực sự thành công trong việc “lũng đoạn” Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hiệp Quốc, trong đó có WB. Đây là lý do khiến Trung Quốc có thể trở thành người đi vay lớn nhất của WB với dư nợ lên tới 16 tỷ USD. Trung Quốc đã dùng nguồn tiền giá rẻ này để thao túng phần còn lại của thế giới thông qua việc trở thành chủ nợ lớn nhất của thế giới.

Ông Peter Navarro, giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất của Nhà Trắng, nói rằng: “Trong thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hoạt động rất, rất tích cực để cố gắng kiểm soát các tổ chức thuộc LHQ bằng cách đưa người của họ lên các vị trí lãnh đạo cao nhất. Tất nhiên ĐCSTQ cũng sử dụng những người đại diện kiểu như Tổng giám đốc WHO Tedros, đại diện thuộc địa… để gây ảnh hưởng và thao túng các tổ chức khác. Chính phủ ĐCSTQ đã kiểm soát 5 trong số 15 cơ quan chuyên môn”.

Theo báo cáo, có 15 cơ quan chuyên môn tại LHQ, 5 trong số đó là do ĐCSTQ kiểm soát hoàn toàn, đó là: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế LHQ (ITU), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Ngoài ra, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đảm nhiệm các vị trí cao trong các tổ chức quốc tế còn có: Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Dương Thiếu Lâm (Yang Shaolin); Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Dịch Tiểu Hoài (Yi Xiaohuai); Tổng Thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Lâm Kiến Hải (Lin Jianhai) và Phó chủ tịch Trương Đào (Zhang Tao); Phó Tổng thư ký Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Vương Bân Dĩnh (Wang Binying); và Trợ lý Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Trương Văn Kiến (Zhang Wenjian).

Đầu tháng Tư năm nay, đại diện ngoại giao của ĐCSTQ đã trở thành thành viên của Nhóm tư vấn Hội đồng Nhân quyền LHQ. ĐCSTQ, Cuba và các quốc gia có hồ sơ nhân quyền kém đã kiểm soát Hội đồng Nhân quyền. Một thực tế không thể chối cãi là các ủy ban đặc biệt của LHQ đã rơi vào tay ĐCSTQ.

Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với WHO – một tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hiệp Quốc – đã thổi bùng dịch bệnh toàn cầu. Do vậy, không khó để hiểu “sự lũng đoạn” của Trung Quốc trong nội bộ của WB đã giúp chính quyền nước này dịch chuyển dòng vốn ưu đãi giá rẻ một cách bất công bằng – đáng lẽ để dành cho các nước nghèo – về Trung Quốc và sử dụng nó để kiếm tiền và thao túng phần còn lại của thế giới, thay đổi bản đồ chính trị, địa chính trị toàn cầu.

Thanh Hương – Trà Nguyễn (Theo Asia Times)