Sài Gòn từ trên cao

Thành phố hiện đại với những công trình biểu tượng, nhà cao tầng huyền ảo trong bình minh hay hoàng hôn qua góc chụp từ trên cao.

Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Vinhomes Tân Cảng lung linh trong bình minh. Nơi đây được ví như “thành phố thu nhỏ” ven sông Sài Gòn, với góc chụp từ quận Bình Thạnh hướng về phía trung tâm quận 2. Tòa nhà cao 81 tầng, cao 461,3 m, được lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống với hình dáng vươn lên mạnh mẽ.

Bức ảnh nằm trong bộ “Sài Gòn ngày nay” do nhiếp ảnh gia Trần Ngọc Dũng, hiện sống và làm việc tại TP HCM thực hiện. Tình yêu Sài Gòn cùng với niềm đam mê chụp ảnh từ trên cao đã truyền cảm hứng cho tác giả thực hiện bộ ảnh với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua bộ ảnh, tác giả chia sẻ đến độc giả về một Sài Gòn năng động và hiện đại, với những công trình tiêu biểu.

Bức ảnh chụp khoảng 18h ngày 1/5 trước trụ sở UBND TP HCM, số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển, mang tính biểu tượng và gắn liền với nhiều thế hệ công dân Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ năm 1898 – 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế.

Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu và khu vực xung quanh lúc lên đèn. Nhà thờ gần 140 năm tuổi tọa lạc tại quận 1, do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế, được xây dựng trong thời gian 1877 – 1879. Đến năm 1880, công trình chính thức khánh thành.

Đây một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, được khởi công trùng tu đầu năm 2018, đến nay một số hạng mục sửa chữa đã hoàn thành.

Với diện tích hơn 2.000 km2, diện mạo của thành phố có những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng đô thị.

Trong ảnh là phố đi bộ Nguyễn Huệ, có chiều dài 670 m, rộng 64 m nối liền từ trụ sở UBND TP HCM đến bến Bạch Đằng, có đài phun nước và hệ thống cây xanh. Trên tuyến đường này và khu vực xung quanh khi nhìn từ trên cao thấy các tòa nhà tiêu biểu. Đây cũng là con đường hoa nổi tiếng của thành phố vào dịp Tết Nguyên đán.

Hệ thống đường bộ của TP HCM dày đặc, trên 3.800 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 4.000 km. Trong ảnh là Công trường Mê Linh, quận 1, được ví như “trái tim” của khu bờ Tây sông Sài Gòn. Đây là nơi giao nhau 6 tuyến đường (từ trái qua) gồm Tôn Đức Thắng, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng và Thi Sách, xung quanh vòng xoay tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và ở giữa có một hồ nước nhân tạo đặt tượng Trần Hưng Đạo.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nằm bên bờ sông Sài Gòn, quận 2. Với hướng nhìn về phía trung tâm quận 1, có thể thấy tòa nhà Bitexco từ phía xa. Các công trình trong tu viện được xây dựng theo kiến trúc Pháp với màu sơn vàng và mái ngói đỏ đặc trưng. Năm 2019, công trình được UBND TP HCM xếp hạng di tích cấp thành phố.

Một góc cầu Phú Mỹ trong hoàng hôn. Đây là cầu dây văng hiện đại có 6 làn xe với chiều dài hơn 2.000 m, bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7, quận 9 thuộc đường vành đai ngoài của thành phố.

“Qua góc chụp từ trên cao, Sài Gòn mang vẻ đẹp riêng. Tôi thường lựa chọn góc chụp và canh thời tiết để có các tác phẩm đẹp về Sài Gòn”, tác giả cho biết.

Cầu Ông Lớn có chiều dài 372 m, nằm trên đại lộ hiện đại Nguyễn Văn Linh thuộc quận 7, bắc qua rạch Ông Lớn. Cây cầu có kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông, dễ dàng nhận ra với “chiếc áo khoác” màu đỏ đặc trưng, được xem là một trong những điểm nhấn của Sài Gòn sôi động, với khung cảnh lãng mạn nhờ cảnh quan sông nước xung quanh.

Cầu Phú Mỹ huyền ảo trong ánh đèn đêm. Cây cầu giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ngoài ra giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi đồng bằng sông Cửu Long, qua địa phận TP HCM được rút ngắn. Với dáng vẻ uy nghi, cây cầu được xem là biểu tượng của thành phố năng động và là nơi thu hút các nhiếp ảnh gia.

Cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng, nối quận 4 và quận 1, được xem là một trong số những cây cầu trọng yếu trên tuyến Đại lộ Đông Tây. Vào năm 2006, cầu này được xây mới có chiều dài gần 167 m, rộng 22 m, 4 làn xe, có dáng cong mềm mại và cách điệu, góp phần tạo nên điểm nhấn bên cạnh Bến Nhà Rồng.

Cầu Khánh Hội là nơi lý tưởng để đứng ngắm nhìn toàn cảnh Sài Gòn từ phía đông và chiêm ngưỡng những màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt vào các dịp lễ tết.

Bùng binh Phú Lâm, quận 6, giao nhau của 5 tuyến đường Hồng Bàng, Tân Hòa Đông, Bà Hom, Kinh Dương Vương và Nguyễn Văn Luông rực rỡ ánh đèn đêm từ các khối nhà cao tầng.

“Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, đẹp kỳ diệu trong bình minh, hoàng hôn và huyền ảo khi thành phố lên đèn. Nhịp sống thành phố năng động với những con người thân thương từ khắp nơi tập trung làm việc mang đến cho tôi tình yêu”, anh Dũng chia sẻ.

Trần Ngọc Dũng – Huỳnh Phương / VNExpress

Nhớ bậc thầy ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo

Năm nay kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Cao Xuân Hạo (1930-2007), nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục, dịch giả hàng đầu Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với những công trình nghiên cứu ngữ học vượt khỏi biên giới quốc gia, được đồng nghiệp quốc tế nể trọng. Đặc biệt, khả năng ngoại ngữ của ông được truyền tụng như tấm gương tự học hiếm có…

‘Lá thư đánh ghen’ 66 chữ Nam Phương Hoàng hậu gửi tình nhân của chồng

Dù đau khổ vì chồng trăng hoa, Nam Phương không một lời oán thán, bà chọn gửi lời cảm ơn. Chỉ vài lời dung dị, tinh tế nhưng cũng đủ khiến cho “người thứ ba” hiểu vị trí của mình.

Nam Phương (tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan) là thứ nữ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, là cháu ngoại của đại phú hào Lê Phát Đạt. Xứ Nam Kỳ thời đó có câu “nhứt Sỹ, nhì Phương” để nói về gia tộc giàu có. “Sỹ” chính là Huyện Sỹ Lê Phát Đạt.

Xinh đẹp, học thức, đức hạnh song Nam Phương Hoàng hậu lại có cuộc đời truân chuyên khi chồng là cựu hoàng Bảo Đại mải mê chạy theo ong bướm, để bà một mình lo lắng cho các con.

Đau khổ vì chồng trăng hoa song bà vẫn giữ niềm kiêu hãnh. Nam Phương Hoàng hậu từng gửi “người thứ 3” một lá thư, mà mãi tận sau này, vẫn được coi là thể hiện học thức lẫn cách hành xử tinh tế của vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

'La thu danh ghen' 66 chu Nam Phuong Hoang hau gui tinh nhan cua chong hinh anh 1 NPHH_Hinh_phan_11_1.jpg

Nam Phương Hoàng hậu ngày trẻ.

Cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu

Trong cuốn Bảo Đại vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (NXB Công an nhân dân, 2016), tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang cho rằng có nhiều giả thuyết về cuộc gặp gỡ của Hoàng hậu Nam Phương và Bảo Đại.

Có tài liệu nói lần đầu họ gặp nhau vào tháng 9/1932, khi đi cùng trên chuyến tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime khởi hành tại cảng Marseille từ Pháp về Việt Nam.

Lúc đó, cả hai vừa hoàn thành chương trình học tại Pháp. Chuyến tàu cập cảng Vũng Tàu, họ tạm chia tay, hẹn nhau tại Đà Lạt.

Sau nhiều lần gặp gỡ, tìm hiểu, Bảo Đại quyết định hỏi cưới Thị Lan bởi mến mộ vì tài sắc hơn người của người con gái miền Nam.

Bất chấp sự cách biệt về tôn giáo (Bảo Đại theo Phật Giáo còn Thị Lan theo Công giáo) cùng với sự cản ngăn gay gắt của gia đình phía nhà vua khi đó, hai người vẫn đến với nhau.

Đám cưới cử hành ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế). Khi đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan tròn 20. Cuộc hôn nhân của vị vua cuối cùng triều Nguyễn đi kèm với những thỏa thuận trước nay chưa từng có.

Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, không còn chuyện năm thê bảy thiếp như những vị vua xưa. Thứ hai, hoàng đế tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải được phong sau khi hoàng đế qua đời như xưa cũ. Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử.

Sau 10 năm chung sống hạnh phúc, Nam Phương Hoàng hậu sinh cho Bảo Đại 5 người con là Hoàng thái tử Bảo Long, 3 hoàng nữ Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và hoàng tử út Bảo Thăng.

Tháng ngày buồn khổ

Tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang viết trong Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng những ngày mật ngọt của Hoàng hậu Nam Phương kết thúc sau khi Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn.

Giọt lệ đầu tiên của Nam Phương được ông Phạm Khắc Hòe (nguyên tổng lý văn phòng của hoàng đế) chứng kiến trong ngày cựu hoàng Bảo Đại chia tay gia đình ra Hà Nội làm cố vấn theo lời mời của Chính phủ.

Vào 6h sáng 2/9/1945, ông Phạm Khắc Hòe cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đến cung An Định. Một lúc sau, Nam Phương trong sắc phục màu xanh da trời, từ trong nhà đi ra cùng các con.

Cựu hoàng “khóe mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa”.

Bà Nam Phương mở to mắt “nhìn theo như muốn níu ông chồng lại, nhưng ông này không quay lại”.

Ngay sau khi ra Hà Nội, Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Ông quan hệ kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với Mộng Điệp. Sau đó, ông công khai quan hệ với vũ nữ Lý Lệ Hà.

Trong thời gian đó, Nam Phương biết hết mọi chuyện.

Trong lần ông Nguyễn Khắc Hòe nhận lời đem thư của Bảo Đại về Cung An Định, bà đã hỏi về mối quan hệ của chồng với nhân tình với vẻ mặt đượm buồn và những giọt nước mắt.

“Tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý” – bà gặng hỏi khi nhận bức thư Bảo Đại gửi về Huế để xin tiền vợ.

Nhận câu hỏi bất ngờ, ông Nguyễn Khắc Hòe không biết trả lời sao, chỉ có thể nói vũ nữ kia là một người đàn bà đẹp, nhưng chữ “đức” hẳn nhiên là xấu. Ông khuyên Nam Phương Hoàng hậu nên ra Hà Nội để làm rõ chuyện và giải quyết vấn đề với cô Lý kia.

Dù rất muốn ra Bắc sum họp với chồng, hoàng hậu từ chối vì e ngại sẽ làm tốn kém thêm cho nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang nghèo, lo trăm chuyện và thêm nữa không muốn khiến cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó.

“Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”, bà đáp lời và gửi cho chồng số tiền ông yêu cầu.

Bức thư 66 chữ và niềm kiêu hãnh của hoàng hậu cuối cùng

Năm 1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh (Trung Quốc) nhưng khi công việc kết thúc, cựu hoàng nhất định không trở về nước. Ông cùng Lý Lệ Hà ở lại Hong Kong.

Lý Lệ Hà sau đó đã sang Trùng Khánh sống chung với Bảo Đại rồi 2 người xin đi tỵ nạn ở Hong Kong. Thời gian này, Nam Phương Hoàng hậu đã gửi riêng nhân tình của chồng một lá thư – thứ mà đến sau này người đời vẫn xem là màn “đánh ghen” thâm thúy của vị hoàng hậu cuối cùng.

“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”, bà viết.

'La thu danh ghen' 66 chu Nam Phuong Hoang hau gui tinh nhan cua chong hinh anh 4 HoanghauNamPhuongvoi5nguoicontailaudaiThorencthanhphoCannesPhapkhoang1950.jpg
Không cố gắng giành lại người đàn ông của mình, Nam Phương Hoàng hậu dành tình thương và sự chăm sóc cho các con.

Bức thư vỏn vẹn 66 từ nhưng hàm chứa rất nhiều điều. Dù đau khổ vì chồng trăng hoa, ong bướm, Nam Phương không một lời oán thán. Thay vì trách móc, bà chọn gửi lời cảm ơn. Chỉ vài lời dung dị, tinh tế nhưng cũng đủ khiến cho “người thứ 3” kia phải suy nghĩ về vị trí của mình.

Trước đây, bà không ra Hà Nội “đánh ghen”, đòi lại người đàn ông của mình. Chính sự kiêu hãnh của một người phụ nữ có học thức khiến bà chọn sự im lặng, không giành giật chồng bằng bất kỳ thủ đoạn nào.

Không rõ bức thư đã ảnh hưởng đến tâm lý của Lý Lệ Hà đến đâu nhưng nhiều năm sau đó, bà này đã gìn giữ bức thư như một kỷ vật rất quan trọng của cuộc đời. Lý Lệ Hà còn từng cho Bảo Đại xem lá thư chất chứa tâm tình của người vợ chính thất.

Còn về phần mình, Nam Phương Hoàng hậu chọn sống thầm lặng cùng mẹ chồng tại cung An Định, một lòng chăm lo cho các con. Năm 1947, bà đưa các con sang định cư ở Pháp và dành những ngày cuối đời nơi đất khách.

Đinh Phạm / Zing

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam

Trong lớp “hạt giống đỏ” học sinh miền Nam mà Bác Hồ đã gieo trồng có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 18 nguyên ủy viên TƯ, 3 Bí thư Tỉnh ủy, 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh.

Những năm đầu hòa bình được lập lại ở miền Bắc, mặc dù bộn bề nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến cán bộ, bộ đội và thiếu nhi, học sinh miền Nam.

Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta

Ngày 1/6/1955, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên được tổ chức ở nước ta sau hòa bình lập lại, Bác gửi thư cho “Các cháu và các cán bộ các trường miền Nam”. Bác viết rất thân mật, đầy tình nghĩa yêu thương: “Bác muốn đi thăm các cháu và các cô, các chú nhưng vì bận nhiều việc quá chưa đi được”.

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Ảnh tư liệu

Trong thư, Bác không chỉ ân cần căn dặn các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, đoàn kết mà còn  nhắc nhở các cô, chú cán bộ phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác.

Bác nhấn mạnh: “Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy. Sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở lại quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như về mọi mặt khác”.

Sự quan tâm lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học sinh miền Nam không chỉ thể hiện ở thư từ, công văn, chỉ thị mà còn biểu hiện qua từng việc làm cụ thể.

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Các thầy cô giáo trường học sinh miền Nam số 13. Ảnh tư liệu

Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán (ngay cả Tết 1969, trước khi Bác qua đời hơn nửa năm), Bác thường gọi điện sang Bộ Giáo dục, Ban Thống nhất hỏi han việc lo Tết cho các cháu về vật chất, về tinh thần ra sao.

Các cán bộ văn phòng Bác kể lại, trong lịch trình chúc Tết các địa phương, đơn vị, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường học sinh miền Nam. Bác nói: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”.

Bác gợi ý bà con miền Bắc đón các cháu về ăn Tết cho các cháu đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Mỗi khi đến thăm các trường học sinh miền Nam, Bác thường đi thẳng xuống bếp, nhà ở, nhà vệ sinh để xem việc ăn ở của các cháu ra sao…

Dịp Tết năm 1956, sau khi đến thăm Trại nhi đồng miền Nam, Bác gửi biếu trại 300 đồng tiền nhuận bút một bài báo của Bác. Cụ bà Nguyễn An Ninh quyết định dùng 150 đồng để ăn Tết, còn 150 đồng để tăng gia. Nghe tin trại đang chuẩn bị ao thả cá, Bác liền gửi thùng cá rô phi giống của Bác đang nuôi để biếu cô giáo và các cháu.

Từ đó trở đi, Tết nào, dù đi thăm và chúc Tết ở đâu, Bác cũng không quên đến thăm, chúc Tết hoặc gửi quà bánh tặng cho Trại nhi đồng miền Nam.

Ngày 30/5/1957, Bác đến thăm trường Học sinh miền Nam số 24 và trường Nhi đồng miền Nam tại Hải Phòng.

Khi đến trường Nhi đồng miền Nam, Bác đề nghị các giáo viên, phụ trách cho các cháu xếp ghế ngồi xung quanh Bác.

Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập, sức khỏe của các cháu, chụp ảnh chung và cùng liên hoan với các cháu.

Đặc biệt cảm động khi ra về Bác dặn các cán bộ, giáo viên: “Bác để ý thấy có hai, ba cháu còn đau mắt, các cô, các chú phải tra thuốc cho các cháu mau lành nhé”.

Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa

Với học sinh miền Nam học tại nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chăm lo, quan tâm, không chỉ qua những bức điện, bức thư thăm hỏi mà còn cả trong những chuyến thăm trường khi Bác sang nước ngoài công tác.

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Đội bóng đá lớp B6, học sinh miền Nam đấu giao hữu với đội bóng các thầy giáo Đức (1968). Ảnh tư liệu

Năm 1957, trên đường đi dự Đại hội 81 Đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Moskva và dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, Bác ghé vào khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để thăm cán bộ và học sinh Việt Nam đang học tập.

Trong buổi họp mặt đón Bác, câu đầu tiên Bác hỏi giám đốc là về số lượng học sinh nữ và học sinh miền Nam hiện đang theo học ở đây.

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình là những “hạt giống đỏ” trong lớp học sinh miền Nam. Trong ảnh: Ngày 8/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 65 năm trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: TTXVN

Giám đốc không nắm được số lượng cụ thể, Bác liền phê bình. Bác căn dặn cán bộ, nhân viên, các thầy cô giáo Việt Nam và chuyên gia nước ngoài cần nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong việc nuôi dạy các cháu học sinh miền Nam – vốn quý của đồng bào miền Nam và của cách mạng miền Nam.

Đối với các trường Nguyễn Văn Bé và Nguyễn Văn Trỗi đóng ở nước ngoài sau này, Bác luôn quan tâm, khi thì trực tiếp đến, khi thì cử người đến thăm hỏi và chăm sóc mọi mặt. Năm 1959, Bác Tôn thay mặt Bác Hồ đến thăm trường Học sinh miền Nam 28 ở Hà Nam và tặng nhà trường một số áo bông để cấp phát cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Hai (giáo viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) là một trong số học sinh miền Nam được gặp Bác. Trong hồi ký của mình, chị kể: Bác xoa đầu chúng tôi và nói: “Các cháu phải gắng học cho thật giỏi nghe. Ở miền Nam nhiều bạn cùng lứa tuổi như các cháu đã bị thất học. Quê hương đang rất cần những giáo viên tương lai như các cháu”.

6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng trưởng thành từ lớp học miền Nam
Ảnh: TTXVN

Ngày 14/6/1969, chỉ gần 3 tháng trước khi đi xa, Bác cho mời anh Nguyễn Phú Soại và chị Nguyễn Khánh Phương, hai cán bộ của Cơ quan đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hà Nội để hỏi về tình hình các cháu học sinh miền Nam vì Bác được báo cáo có một số cháu tiến bộ chậm.

Bác dặn hai anh chị rằng: “Nếu để tình hình này kéo dài thì ba má và gia đình các cháu đang chiến đấu ở miền Nam sẽ kém yên tâm”.

Như cảm nhận của chị Nguyễn Khánh Phương sau lần gặp Bác hôm ấy: “Khi ra về, qua vườn nhà Bác, tôi nhìn thấy cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Bác ngày ngày tự tay vun xới đã lớn lên, cao quá mái nhà đơn sơ của Bác. Tôi nhìn cây vú sữa mà nghĩ đến người ông trồng cây cho con cháu ăn quả. Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và Bác cũng không quên nhắc mọi người: “Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa”.

Bác nhắc: “Trồng cây nào tốt cây ấy”. Bác dặn các cụ già và các tỉnh chú ý “nhân giống cho miền Nam, trồng nhiều cây miền Nam trong vườn kết nghĩa”. Bác luôn nghĩ đến việc ươm hạt giống cách mạng cho miền Nam. Miền Nam trân trọng những hạt mầm của Bác.

Nhiều lãnh đạo trưởng thành từ lớp học miền Nam

Mới ngày nào một thế hệ học sinh miền Nam tuổi lên 9, lên 10, quần soọc, áo cánh, với chiếc ba lô, đôi dép cao su từ các vùng Khu 5, Nam Bộ, Tây Nguyên theo các chú bộ đội xuống tàu tập kết. Sau quá trình được Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc nuôi dạy, đã trưởng thành và góp sức không nhỏ vào công cuộc giải phóng quê nhà miền Nam, thống nhất đất nước.

Một số không nhỏ trong số các em đã trở lại miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

107 học sinh miền Nam trong số này đã anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu như các Anh hùng: Nguyễn Văn Bảy, Đồng Văn Đe, Lê Khương, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo Lê Đình Phụng… Có người bị bắt, cầm tù nhưng vẫn giữ vững khí tiết trung kiên.

Đến năm 1975, hơn 15.000 học sinh miền Nam được đào tạo qua bậc đại học và sau đại học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Phần lớn các “hạt giống đỏ” mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân miền Bắc gieo trồng ngày nào đã nẩy mầm thành những cây vạm vỡ, vững chắc.

Trong số này, có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 18 nguyên ủy viên TƯ Đảng, 3 Bí thư Tỉnh ủy; 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh…

Điển hình như nguyên Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh…

Nhiều học sinh miền Nam trở thành lãnh đạo cấp cao trong lực lượng công an, quân đội như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Trung tướng Bùi Quang Bền…

Trong số các “hạt giống đỏ” học sinh miền Nam còn có những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực; nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi như nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, NSND Tường Vi, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Đinh Xuân La, NSND Đàm Liên…

Đặc biệt, hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…

Ths Vũ Thị Kim Yến(Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu – Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

VNNet

Ông Trump đề cập khả năng ‘cắt đứt toàn bộ quan hệ’ với Trung Quốc

Thanh Danh

Tổng thống Trump chia sẻ ông rất thất vọng với Trung Quốc vì nước này không thể khống chế virus corona, cảnh báo đại dịch đang phủ bóng lên thỏa thuận thương mại hai nước.

Trả lời phỏng vấn với đài Fox Business Network, Tổng thống Donald Trump cho biết ông có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng “lúc này tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”.

Ông cho biết “rất thất vọng với Trung Quốc” vì nước này đã không khống chế được virus corona. Ông cảnh báo đại dịch có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1, được ký vào đầu năm nay.

“Họ đáng lẽ không được để chuyện này xảy ra. Tôi đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tuyệt vời và giờ tôi không cảm thấy nó giống như trước nữa. Mực còn chưa khô và dịch bệnh đã tràn đến”, ông cho biết.

Khi phóng viên Maria Bartiromo của Fox Business Network đặt vấn đề về các lựa chọn phản ứng của Mỹ, Tổng thống Trump đề cập đến khả năng “cắt đứt toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc.

“Có nhiều điều chúng ta có khả năng làm. Chúng ta có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ. Vậy nếu chúng ta làm như thế, điều gì sẽ xảy ra nữa? Chúng ta sẽ tiết kiệm đến 500 tỷ USD“, Tổng thống Trump chia sẻ nhưng không tiết lộ chi tiết con số này dựa trên cơ sở tính toán nào.

Ong Trump de cap kha nang 'cat dut toan bo quan he' voi Trung Quoc hinh anh 1 tong_thong_Donald_Trump.JPG
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters.

Trước đó, truyền thông nước Trung Quốc tiết lộ một số cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh đang kêu gọi mở đối thoại mới, có khả năng vô hiệu của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, theo Reuters. Tổng thống Trump đã tuyên bố ông không muốn đàm phán lại.

Thông điệp cứng rắn của Tổng thống Trump xuất hiện giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung leo thang căng thẳng xoay quanh vấn đề nguồn gốc đại dịch và cách Trung Quốc ứng phó virus corona trong giai đoạn đầu bùng phát. Đầu tháng 5, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố có “lượng bằng chứng đáng kể” cho thấy virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Ngày 12/5, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất một dự luật trao quyền cho Tổng thống Donald Trump trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không minh bạch về quá trình bùng phát của Covid-19.

Trong phần trao đổi được ghi hình ngày 13/5, Tổng thống Trump chủ yếu tập trung vào cách Trung Quốc ứng phó đại dịch hơn là những hoài nghi về nguồn gốc của virus corona.

“Chúng ta có nhiều thông tin và nó không tốt lành mấy. Dù nó (virus) đến từ phòng thí nghiệm hay đến từ dơi, tất cả đều xuất phát từ Trung Quốc, và đáng lẽ họ phải ngăn chặn nó. Đáng lẽ họ phải chặn được, ngay tại nguồn”, ông nhấn mạnh virus cuối cùng đã “vượt khỏi kiểm soát”.

@ Zing