10 bể bơi tự nhiên đẹp nhất thế giới

Australia nổi tiếng với các bể bơi tự nhiên ở biển Greenly, Mona Vale, Bondi Iceberg còn đến Mexico du khách đừng bỏ qua Ik Kil cenote.5

Bể bơi tự nhiên ở biển Greenly, Australia

Ở miền nam Australia, bể bơi tự nhiên có màu nước xanh trong như ở vùng đầm phá này hình thành nhờ vô số các khối đá bao quanh. Khách được bơi lội tự do mà không sợ quá sâu hay quá nông, dù bơi ở nước biển nhưng an toàn hơn vì xa vùng sóng lớn, tránh được các đám khách chơi lướt sóng. Ảnh: All about adventure

Mona Vale, Australia

Một trong những thiên đường của khách mê bể bơi tự nhiên ở Australia là Mona Vale, nằm ở phía bắc Sydney. Đây là một bể bơi được quây lại ngay mũi đất phía bắc bờ biển Mona Vale, dài khoảng 30 m, bên cạnh còn có bể nhỏ cho trẻ em và bao quanh là những con sóng lớn vỗ bờ. Ảnh: vradenburg

Bondi Iceberg, Australia

Cách Sydney 15 phút lái xe và nằm ở bờ biển phía đông nam giáp biển Tasman là bể bơi Bondi Iceberg. Địa điểm có một bể bơi công cộng dài cỡ 50 m, dùng nước biển tự nhiên đã tồn tại hơn một thế kỷ giờ đây có thêm bể cho trẻ em, quán bar và bãi biển nhỏ để khách thư giãn. Khách bơi lội ở đây được trải nghiệm cảm giác mạnh với những con sóng lớn liên tục đập vào bể. Ảnh: Lonelyplanet

La Grotta della Poesia, Italy

Ở Roca Vecchia có một bể bơi tự nhiên La Grotta della Poesia, hay còn gọi là “Hang Thơ” do từng có truyền thuyết kể về một hoàng tử rất thích tắm ở vùng nước này là người mê làm thơ. Nằm cách thành phố Lecce khoảng 30 phút di chuyển, La Grotta della Poesia nổi bật với màu nước xanh trong vắt của biển Adriatic, là điểm đến lý tưởng để giải nhiệt mùa hè. Ảnh: Cammini d’Italia

To Sua Ocean Trench, đảo Upolu, Samoa

Nằm ở giữa Hawaii, Mỹ và New Zealand, quốc đảo Samoa có vô số bãi biển, vịnh đầm nhưng không nơi nào đặc biệt như To Sua Ocean Trench. Đây là một bể bơi tự nhiên hình thành từ một hố sâu 30 m ở đảo Upolu. Để xuống bể bơi khách thường phải leo xuống bằng thang, nhiều người mạo hiểm có thể leo giữa thang nhảy xuống để bơi lặn. Photo: David KirklandVideo Player is loading.ReplayCurrent Time 0:37/Duration 0:37Loaded: 0%Progress: 0%UnmuteFullscreen

Blue Lagoon, Iceland

Blue Lagoon là một trong những điểm du lịch và là khu spa nước nóng thu hút nhiều khách nhất ở Iceland. Hồ nằm ở Grindavik thuộc bán đảo Reykjanes, miền tây nam Iceland. Nước ở Blue Lagoon nóng lên tự nhiên do dòng dung nham chảy ngầm dưới lòng đất, rất giàu khoáng chất như silicat và lưu huỳnh nên tắm ở đây có thể giúp con người tránh được một số bệnh ngoài da. Video: Blue Lagoon Iceland

Ik Kil cenote, Mexico

Nằm ở bán đảo Yucatan, bể bơi tự nhiên này hình thành từ một hố sụt nằm trong Vườn quốc gia địa chất Ik Kil, cách Chicken Itza không xa. Bể bơi sâu 40 m và bao quanh là hệ thực vật chủ yếu cây dây leo nhiệt đới rất xanh mát. Ảnh: Travel with new eyes

Bể bơi tự nhiên ở đảo Maré, New Caledonia, Pháp

Nằm trên đảo Maré, thuộc quần đảo New Caledonia, nam Thái Bình Dương có một bể bơi tự nhiên được gọi là Natural Aquarium vì môi trường như một bể thủy sinh khổng lồ. Đến đây du khách được bơi lội tự do theo những đàn cá nhiều màu và cả các rạn san hô hiếm có. Ảnh: New Caledonia

Termas de Polques, Sol de Mañana, Bolivia

Cánh đồng Sol del Mañana ở tỉnh Sud Lipez là điểm đến có địa hình địa chất kỳ lạ do phủ đầy các mạch nước ngầm, ao bùn và lỗ phun khí trên diện tích hơn 10 km2. Ngoài khám phá, chụp hình du khách còn được thư giãn trong các bể nước nóng tự nhiên tên là Termas de Polques với nhiệt độ tới 40 độ C. Ảnh: squigglemoose

Bể bơi tự nhiên ở biển Magpupungko, Siargao, Philippines

Một trong những nơi được du khách check-in nhiều nhất trên Instagram khi đến Siargao là bể bơi tự nhiên ở biển Magpupungko. Tới đây khách được ngâm mình trong làn nước xanh màu ngọc bích quyến rũ bao quanh là những khối đá khổng lồ nằm sát bờ biển. Ảnh: Coastal Campaign

Khánh Trần (Theo Vogue, RD)

THẰNG MÕ

Annamite town crier. Upper-Tonkin, in 1902 – Thằng Mõ Annam tại miền thượng du Bắc Kỳ

Nguyễn Văn Sự & Nguyễn Xuân Diện
Tạp chí Xưa và Nay số 2 – 1995, trang 23. 
Trong cộng đồng làng xã Việt Nam thời trước có một nhân vật đáng để ý song bấy lâu nay chưa được nghiên cứu nhiều – đó là nhân vật mõ làng. Bài viết này thử tìm hiểu về nhân vật mõ làng dưới một số khía cạnh, nhằm góp vào công cuộc nghiên cứu nông thôn Việt Nam trong lịch sử.

Về thời điểm xuất hiện: Hiện chưa tìm được tư liệu thành văn nào, có tính chất hành chính quốc gia, là lệnh chỉ của vua chúa cho các làng xã có mõ, qui định về chức phận và phạm vi hoạt động của mõ làng. Nhưng có hai tư liệu rất quan trọng giúp “xác định niên đại” của nhân vật này là: “Hồng Đức quốc âm thi tập” và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập (ở phần Phụ lục) có bài Thằng Mõ. Bài thơ này đã được các cụ Phan Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên khẳng định không phải là của Lê Thánh Tông, mà của người đời sau. Nhưng theo chúng tôi nếu không phải là của Lê Thánh Tông thì cũng là sáng tác của người thế kỷ XV chứ không thể sớm hoặc muộn hơn. Mẹ Đốp trong chèo cổ Quan Âm Thị Kính là một vợ mõ, và vở chèo này ra đời vào thế kỷ XV là điều đã được các nhà nghiên cứu khẳng định.

Hai tư liệu này cho phép khẳng định nhân vật mõ ra đời trước khi nó được đưa vào văn học rất lâu. Vì rằng, nhân vật mõ ở đây không còn là kết quả của phản ánh bình thường, mà nó đã trở thành một ấn tượng đã quá quen thuộc và đáng ca ngợi (đó cũng là cảm hứng chủ đạo của tác giả khi viết bài thơ, trong Hồng Đức Quốc âm thi tập). Và hơn thế, hình tượng thằng mõ còn được quần chúng lựa chọn để bộc lộ gửi gắm khát vọng tự do của mình (chèo cổ Quan Âm Thị Kính). Có thể nói nhân vật mõ gắn liền với cái đình làng.

Những đặc trưng của nghề mõ:

Trước hết mõ làng là người truyền tin (mang thông tin, truyền thông) trong xã hội phong kiến; khi mà phương tiện thông tin đại chúng còn chưa phát triển. Khác với gia nô, tá điền – những người làm cho cá nhân một ông chủ hoặc vài ông chủ nhất định, mõ không phải là của riêng ai, mà là của cả làng, gánh trách nhiệm mà cả làng giao phó, ta tạm gọi họ là công xã nô. Mõ không phải là người canh tác thuê cho một gia đình như điền nô, không lĩnh ruộng cấy rồi nộp tô như tá điền cũng không phục vụ dịch vụ cho một gia đình như gia nô. Mõ là người lao động, nhưng lao động của mõ là lao động dịch vụ chứ không phải là lao động sản xuất. Và do vậy mõ không liên quan nhiều và trức tiếp tới vấn đề ruộng đất và công cụ lao động.

Phục vụ của mõ không phải chỉ là lý trưởng cùng các chức dịch trong làng xã, mà là cả cộng đồng làng xã. Khi làng vào đám, cả gia đình mõ được huy động ra “việc làng”. Khi chia phần, dân làng chia cho mõ một cỗ riêng, nếu ăn không hết thì màng về…

Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp giữa các phe, giáp trong làng xã. Lý trưởng họ này đổ, lý trưởng họ khác sẽ thay thế, nhưng vẫn cần đến mõ và không hề vì thế mà thay cả mõ. Do “gần gũi” các chức dịch, mõ biết nội tình các cuộc tranh giành giữa các ca nhân hay dòng họ, nhưng mõ không ủng hộ một cá nhân hay phe cánh nào. Mõ không tham gia các hành động bạo lực của chức dịch đối với các phần tử gây rối hay những người chậm thuế ( việc ấy đã có lính lệ làm).

Tóm lại mõ không có hành vi tiêu cực trong đời sống cộng đồng. Trường hợp mõ bị lợi dụng là có, nhưng không phải là nhiều.

Người làm mõ bị dân làng khinh rẻ, xa lánh, nhưng không ai căm ghét như là đối với bọn trộm cắp, lưu manh, và cũng không ai muốn dây vào họ. Con cái mõ không được phép đi học, cũng không ai giao du, kết thân với mõ. Con trai, con gái của những người làm mõ phải lấy chồng thiên hạ và cũng chỉ lấy con nhà mõ, cho dù các chàng trai cô gái ấy đẹp trai, xinh xắn, do không phải lam lũ vất vả, lại khéo ăn khéo nối. Vô hình chung, nghề mõ trở thành nghề cha truyền con nối. Có họ làm mõ, cũng có cả làng làm mõ.

Thời điểm nghề mõ ra đời, cùng đặc trưng của nó cho phép khẳng định, tổ chức làng xã ở Việt Nam, chủ yếu là miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ lúc đó đã đạt được một sự ổn định nhất định về cơ cấu. Những làng quá nghèo, hoặc làng nào mới lập thì cũng không có mõ. Và, mõ cũng chỉ có ở cấp làng (xã) chứ không có mõ xóm, mõ tổng hay huyện, phủ , tỉnh (trấn, xứ).

Trong xã hội cũ, mõ bị thành kiến rất nặng nề. Họ là dân ngụ cư, thường ở rìa làng (cho dù họ có tiền thì cũng không thể được mua mảnh đất cao ráo ở sâu trong làng).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật nhào cả ngàn năm của chế độ phong kiến, nghề mõ đã trở thành quá khứ. Nhiều mõ đổi nghề, sống bình thường bên cạnh những người dân khác trong làng, thành kiến của dân làng có giảm, nhưng không phải là tan biến. Con cháu họ có tham gia công tác, đi học, nhưng bạn bè cũng ít gần: bản thân họ lại mặc cảm, tự ti, nên học không giỏi, ảnh hưởng uy tín rất hạn hẹp nên thành đạt ít. Thời tạm chiếm, ở những vùng địch lập tề, cũng có khôi phục nghề mõ.

Đến khi cải cách ruộng đất, nhiều mõ được giao công tác, chia ruộng đất, nhà cửa , trâu bò, nông cụ, nhưng số biết làm ăn thì rất it. Họ thường bỏ làng ra thành phố; lên miền ngược làm đủ mọi nghề và khá vất vả vì không quen lao động chân tay và mặc cảm khá nặng. Họ thường giấu kín tung tích và ngại tiếp xúc cùng nhưng ai biết gốc gác của mình.

Nghề mõ, và người làm mõ có lẽ là sản phẩm đặc thù của chế độ công xã nông thôn Việt Nam mà chủ yếu là ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Xung quanh nhân vật mõ và nghề mõ chắc còn nhiều vấn đề, chúng tôi thiết tưởng rằng cũng rất đáng được các nhà sử học, dân tộc học, xã hội học quan tâm nghiên cứu, trong sự nghiên cứu về nông thôn Việt Nam trong lịch sử nói chung.
*Xin cảm ơn bạn Hà Thiên Hương đã gõ lại giúp bài này.

Theo Tễu Blog

THANH HOÁ XÂY TƯỢNG ĐÀI GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

Theo thông tin từ Báo Chính Phủ và Báo Thanh Hoá, quý 3 năm nay, tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ khởi công xây dựng công trình có tên “Con tàu tập kết”. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói: công trình này “mang nhiều ý nghĩa, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn giúp giáo dục các thế hệ sau này về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc. Đặc biệt, công trình còn nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết”. Việc xây dựng tượng đài này có tổng kinh phí phê duyệt ban đầu là 290 tỉ đồng, sau vì khó khan nên giảm xuống còn 255 tỉ trên một diện tích 32 ha. Dù một phần kinh phí là xã hội hoá nhưng đó vẫn là nguồn lực quốc gia, không thể không trăn trở trước sự kiện này.
Nhắc lại bối cảnh lịch sử một chút. Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, theo đó: Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến (Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5 năm 1955. Từ điều khoản này, trong khoảng thời gian 1954-1955, dân của 2 miền đã tiến hành một cuộc di cư “vĩ đại”. Có khoảng 1 triệu người miền Bắc đã vào Nam và (chỉ) có khoảng dưới 200 ngàn người miền Nam tập kết ra Bắc (tức bằng khoảng 1/5 dân Bắc vào Nam).

Việc xây dựng tượng đài này, theo lời phó thủ tướng là có ý nghĩa lớn như đã dẫn. Tuy nhiên, xét về quy mô, rõ ràng người Bắc đã vào Nam nhiều hơn gấp khoảng 5 lần chiều ngược lại. Vậy đâu là cơ sở cho tính chính đáng của việc khẳng định ý nghĩa trên? Người Nam ra bắc thì thể hiện tinh thần đoàn kết, còn người Bắc vào Nam thì nói lên điều gì? Ghi nhận ý nghĩa tốt đẹp của cuộc di cư này thì có cần ghi nhận cả những thất bại, nỗi buồn và sự chia rẽ của chiều di cư ngược lại? 

Thiết nghĩ, đất nước ta đang cần hàn gắn, nhất là hàn gắn lòng người hai miền khi mà sau gần nửa thế kỷ lại vẫn còn ngổn ngang đến thế. Tôn vinh những người từ Nam ra Bắc lúc này có phải là hợp tình hợp lý; hay chỉ gây thêm nỗi bất hòa? Quan điểm cá nhân của tôi là, công trình ấy không có tác dụng trọng việc mang đến việc hòa hợp, hòa giải mà chỉ khiến những người đồng bào thuộc chế độ cũ thêm mặc cảm và cách lòng.

Hiện nay, người Thanh Hóa và miền Bắc nói chung vẫn đang tiếp tục di cư vào phía Nam do điều kiện kinh tế địa khó khăn. Việc đầu tư vào tượng đài trăm tỉ này nếu để tạo công ăn việc làm cho người dân hay làm các công trình phúc lợi an sinh để giữ người dân ở lại mảnh đất quê hương mà an cư lạc nghiệp có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Đó là chưa kể, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, người dân mất việc, đời sống khó khăn, nỗi lo cơm áo đè nặng mà nhà nước lại quyết định xây một công trình không thật sự cấp thiết như thế thì thử hỏi tính chính đáng của nó là gì? Cần giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt, cứu dân như cứu lửa, sao có thể vô tâm mà làm những việc phi thực tế như vậy trong lúc này. Giữa lúc chính phủ đang kêu gọi dân “đóng góp” xây dựng quỹ vaccine phòng covid vì ngân khố không đáp ứng được, thì việc bỏ tiền xây tượng đài lại càng bất nhẫn và vô lý hơn nữa.

Đó là lại chưa kể Thanh hóa vừa trải qua một cơn sốt đất dữ dội. Trong khi quỹ đất ở và đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, thì việc bỏ ra một lúc 32 ha đất thành phố để làm tượng đại lại càng không thể biện minh và hợp lòng dân được. Bằng chứng là, sau khi đăng tải thông tin vài tiếng, Báo Thanh Hóa đã phải gỡ bài vì vấp phải sự phản đối của dư luận. Một công trình nhân danh nhu cầu và ý nghĩa văn hóa cho người dân, nhưng ngay lập tức lại nhận về sự phản ứng tiêu cực của chính nhân dân thì có nghĩa nó đã thất bại trong chính lý do cho sự có mặt của mình. Gỡ bài không phải là biện pháp, cần lắng nghe ý kiến của nhân dân mới là điều cần làm. Đọng thái gỡ bài này chứng tỏ những người có trách nhiệm đã nghe thấy tiếng nói của dân, và nghe rất rõ; nhưng (có thể) nó lại cũng chứng tỏ người ta đang không thật sự muốn làm theo nguyện vọng của dân.

Không có tượng đài nào bằng an sinh của dân chúng, không có ý nghĩa nào bằng việc hàn gắn lòng người, và không có gì cần thiết bằng việc ổn định đời sống cho dân. Đó là chức năng của một nhà nước phụng sự. Xây tượng đài, trước tiên cần nghĩ tới việc dân cần gì. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về tượng đài, cổng chào rồi: kém chất lượng, xuống cấp nhanh chóng, xấu xí, vô ích, tham nhũng, rút ruột, hoang tàn, lợi ích nhóm v.v..

Dân đang lâm đại nạn giữa cơn dịch dã, và cần một chính quyền phụ sự “vì dân” hơn bao giờ hết. Lúc này là cơ hội tốt nhất để chính quyền gây dựng niềm tin với một dân chúng vốn đã bị xói mòn niềm tin chứ không phải lại gây nên nỗi thất vọng hoàn toàn bằng những quyết sách không hợp nhân tâm như thế.

Lòng dân mới là nơi cần đặt tượng đài, tượng đài của niềm tin vào chính quyền. Mà để dựng lên được cái tượng đài ấy thì lại rất cần ngưng lại những tượng đài tiền tỉ bên ngoài kia.

Thái Hạo  / Tễu Blog

Đảng Cộng Sản tròn 100 tuổi, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?

Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 01/07/2021, mừng 100 năm tuổi và bắt đầu một thế kỷ thứ hai dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, người đã áp đặt một cách thức điều hành đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc học, Marc Julien, trên tạp chí Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021) đặt câu hỏi : Vào lúc những thách thức từ nội bộ và bên ngoài ngày một lớn, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?
Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông là điều không ai phủ nhận. Lên cầm quyền trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực gay gắt (với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang), Tập Cận Bình buộc phải tập trung mọi nỗ lực để củng cố quyền lực và khẳng định thế mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ ngày đầu lên nắm quyền năm 2012. Điều này được thể hiện rõ qua 3 đặc điểm trong cách thức điều hành của ông Tập Cận Bình.

Bộ máy an ninh : Công cụ kiểm soát Đảng

Thứ nhất là khái niệm « an ninh quốc gia ». Để kiểm soát, Đảng cần phải quản lý được bộ máy an ninh. Khái niệm « an ninh quốc gia » vì vậy mà được phát triển nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi hình thức đe dọa cổ điển và không cổ điển, cho đến kinh tế, văn hóa và ý thức hệ, đến từ bên ngoài lẫn bên trong đất nước.
Để củng cố quyền kiểm soát Đảng, một mặt, Tập Cận Bình năm 2014 cho thành lập Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Trung Ương (CNSC) – cơ quan điều hành các ủy ban và cơ quan chuyên trách an ninh của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, ông tiến hành cải cách rộng lớn Quân Ủy Trung Ương (CMC), cơ quan lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân (APL) tối cao. Cả hai cơ quan này đều do đích thân Tập Cận Bình chủ trì.
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy có xu hướng quân sự hóa các lực lượng an ninh nội địa tại Trung Quốc, như công an vũ trang nhân dân, lực lượng bán quân sự an ninh nội địa…
Thứ hai, với Tập Cận Bình, cần phải chấn chỉnh lại nền kỷ luật và ý thức hệ, vốn dĩ là hai mặt của một vấn đề. Một nền kỷ luật nghiêm ngặt cho phép áp dụng đúng đắn ý thức hệ, trong khi đó, ý thức hệ biện minh cho nền kỷ luật do quyền lực đòi hỏi. Để thiết lập kỷ luật, Tập Cận Bình có trong tay công cụ đáng gờm là Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương Đảng, cho phép tiệt trừ mọi đối thủ tiềm tàng, bằng các chiến dịch chống tham nhũng « diệt ruồi và hổ ».

Viết lại lịch sử

Để nâng cao ý thức hệ, Tập Cận Bình cho phát huy hết công suất cỗ máy tuyên truyền, kêu gọi « gia nhập nghiêm túc đường hướng của Đảng ». Ông không ngần ngại sử dụng lại khẩu hiệu thời Mao Trạch Đông : « Đảng, Nhà nước, quân đội, xã hội và đại học, Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung, Đảng lãnh đạo tất ! »
Thế nên, lịch sử của Đảng cũng phải được viết lại, phải được đánh bóng. Những giai đoạn đen tối như cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) hay vụ thảm sát Thiên An Môn (1989)… cũng chỉ được nói phớt qua, bị cấm đoán hay được biện minh là một nỗ lực chống tham nhũng và những đặc quyền. Phần lớn lịch sử đảng dành nói về công trạng của Tập Cận Bình, được coi là người kế thừa Mao có một tầm nhìn tích cực.
Chỉ có điều hệ quả của việc tái khẳng định sức mạnh siêu việt của Đảng và phổ biến khái niệm an ninh quốc gia của ông Tập Cận Bình đã dẫn đến trạng thái củng cố hơn nữa chủ nghĩa chuyên chế và kiểm soát xã hội, mà hai nạn nhân chính lại là khu tự trị Tân Cương và đặc khu kinh tế Hồng Kông, siết chặt kiểm soát tôn giáo, văn hóa, sắc tộc và các quyền tự do cơ bản.

Phiêu lưu ngoại giao

Trên phương diện đối ngoại, Bắc Kinh ngày càng có thái độ xác quyết và hung hăng, không ngần ngại dùng vũ lực để đe dọa các nước láng giềng tại châu Á. Với phương Tây, mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng khi tiến hành một nền ngoại giao « chiến lang ». Trung Quốc giờ cũng không còn do dự khi đáp trả các biện pháp trừng phạt của châu Âu hay trừng phạt kinh tế những nước nào làm phật lòng mình. Khi tỏ thái độ tự tin, đảng Cộng Sản Trung Quốc chứng tỏ sẵn sàng đối mặt với bất kể cuộc khủng hoảng nào, chống lại bất kỳ đối thủ nào.
Cuối cùng, tác giả kết luận, đảng Cộng Sản Trung Quốc lớn mạnh, nhưng rủi ro cũng tăng theo trên nhiều mặt : dân số, bất bình đẳng xã hội, sinh thái, kinh tế, đối đầu với Mỹ và các rủi ro xung đột khu vực. Tập Cận Bình đã thâu tóm thành công quyền lực, nhưng tham vọng hoàn thành « giấc mơ một nước Trung Hoa hồi sinh » của ông có nguy cơ gây ra những rạn nứt mới trong lòng đảng Cộng Sản. Và nhất là vì Trung Quốc chọn đi theo con đường chủ nghĩa chuyên chế, nên sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự cũng đáng lo như chính những điểm yếu của nước này !

Minh Anh / RFI

Sự khủng hoảng tâm lý xã hội theo cách nhìn của S.Freud

Thưa các bạn, bài này tôi viết năm 2019, dựa vào trí nhớ và những trải nghiệm cá nhân. Nay đọc cuốn “FREUD trong 60 phút”, được nhà Tâm lý học Hoàng Lan Anh, ở Đức, dịch giả của cuốn sách này tặng, thấy có đôi chỗ cần chính xác hoá, bổ sung. Vậy xin đăng lại.
Từ vụ người đàn ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sáng ngày 01/9/2019, dùng dao chém chết 05 người trong gia đình người em ruột (1), đã dấy lên nhiều câu hỏi và cũng đã có những bài viết phân tích nguyên nhân từ các góc độ khác nhau (2). Bài viết này góp thêm góc nhìn Tâm lý học theo S. Freud, để thấy tình trạng chung của xã hội, mà vụ án trên chỉ là một trường hợp điển hình.

1. SƠ LƯỢC VỀ TÂM LÝ HỌC FREUD (Phân tâm học)

Sigmund Freud, nhà Tâm lý học nổi tiếng người Áo (1856 – 1939) quan niệm rằng, tâm lý con người được cấu trúc bởi một số yếu tố và có cơ chế chi phối lẫn nhau, đồng thời luôn chịu tác động từ xã hội, nếu không giữ được cân bằng sẽ làm rối loạn cơ cấu bên trong và dẫn đến những lời nói, hành động sai lệch, bệnh hoạn, thậm chí điên loạn…
Theo Freud tầng sâu thẳm của tâm lý con người là VÔ THỨC, trong đó bao gồm những BẢN NĂNG (sinh tồn, dục năng, khoái cảm, ước muốn, sợ hãi, hung hãn…) và nhiều cái HỮU THỨC bị chìm vào vô thức (những thèm muốn, mong ước, đau khổ, hận thù, tội lỗi, mặc cảm, thành kiến, định kiến, niềm tin …), những trải nghiệm đó tưởng đã quên đi, đã dẹp bỏ… nhưng thực ra nó lẩn vào vô thức, hoà trộn vào nhau trong “cái thùng vô thức hỗn độn” và sẽ bùng lên trong những tình huống nhất định. Chính cái “vạc táp pí lù” những bản năng sôi sục cùng với những cái “chốt cắm” trong Tiềm thức mới là động lực chính, thúc đẩy người ta nói năng, hành động hăng nhất…
Trong Phật pháp thì gọi cái “thùng” vô thức này là những Tham, Sân, Si, Ngã chấp…thúc đẩy người ta hành động VÔ MINH (có cả Vô thức, Vô minh tập thể). Khác với các Triết học Duy lý (trong đó có chủ nghĩa Mac – Lê), Freud coi thế giới Vô thức mới thực sự chi phối một cách tự nhiên, thường xuyên, bền vững, cấp thiết nhất đối với đời sống tâm lý mỗi cá nhân và xã hội. Nhưng để biện minh cho những hành động vô thức đó, người ta nguỵ biện bằng duy lý…

Để có thể hình dung hoạt động tâm lý của con người, Freud đã đưa ra một cấu trúc và cơ chế tâm lý như sau:
Tâm lý trong con người ta có 3 khối :
– Cái NÓ (bản năng, vô thức);- Cái TÔI (tự ý thức) và- Cái SIÊU TÔI (lương tri).
Ba khối này hoạt động theo những nguyên tắc khác nhau :
– Cái NÓ đòi hỏi thoả mãn những nhu cầu đem lại khoái lạc, mà lòng ham muốn những khoái lạc là vô cùng tận (ăn, uống, tình dục, của cải, quyền lực, lạc thú, ham sống, ích kỷ …); được thỏa mãn thì khoái chí, càng thèm khát, muốn duy trì, tận hưởng; bị ngăn chặn thì bức xúc, uất hận, muốn tiêu diệt kẻ cản phá… Cái NÓ có sẵn trong con người từ lúc lọt lòng (bú mẹ ngon lành thì thỏa mãn, miệng cười, mắt lim dim; bú không đủ sữa thì cằn nhằn, hờn dỗi, …). Cứ thế cái NÓ ngày càng nẩy nở, sinh sôi thành con ngựa bất kham trong người mình…
Freud còn cho rằng hạt nhân của Cái NÓ là Libido (Dâm năng/Dục năng); Libido là tổng thể năng lượng dục tính của cái NÓ, là nguồn năng lượng sôi sục thúc đẩy mãnh liệt nhất, cấp thiết nhất những ước muốn, khát khao của con người.
– Cái SIÊU TÔI 

lại có chức năng kiểm duyệt, cấm đoán Cái NÓ. Đó là những phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, pháp luật, kỷ luật, tín điều, lý tưởng … được tiếp thu từ giáo dục gia đình, nhà trường, cộng đồng, đoàn thể xã hội, trở thành niềm tin, thành giá trị, LƯƠNG TRI của cá nhân.
Cái Siêu Tôi càng rõ ràng, bền vững bao nhiêu thì khả năng kiểm duyệt Cái NÓ càng hiệu quả bấy nhiêu.
– Cái TÔI ở giữa có chức năng điều chỉnh, cân bằng đời sống tâm lý của cá nhân. Cái TÔI luôn bị Cái NÓ thúc giục đòi thỏa mãn, tận hưởng; nhưng lại bị Cái Siêu Tôi soi xét, kiểm duyệt, cấm đoán … nên Cái TÔI phải hoạt động theo nguyên tắc thực tế. Nghĩa là nó phải tỉnh táo, tự ý thức, xem xét tình hình thực tế để thỏa mãn Cái NÓ sao cho chừng mực, hợp thời, hợp cảnh, phù hợp với yêu cầu của Cái Siêu Tôi và con mắt xã hội nhìn vào. Vì vậy Cái TÔI nhiều khi rất khốn khổ trước ba sức ép của Cái NÓ, Cái SIÊU TÔI và Áp lực Xã hội, mà Freud gọi là “ba bạo chúa”.
Freud cho rằng, khi Cái TÔI chịu sức ép quá căng thẳng giữa Cái NÓ, Cái SIÊU TÔI và áp lực xã hội, sẽ có những xung đột dẫn đến bị rối nhiễu tâm lý, sinh ra BỆNH TÂM THẦN (Ảo giác, Bi quan, Lo âu, Sợ hãi, hay Tức giận, Đa nghi, Hung hăng, Khó tập trung tâm trí, Hoang tưởng, Xa lánh mọi người, Ý nghĩ kỳ lạ, Kích động, Nghiện ngập, Trầm cảm, Lãnh cảm, Tuyệt vọng, Tự sát …), hay BỆNH THẦN KINH (Căng thẳng mãn tính, Đau đầu kéo dài, Giảm trí nhớ, Lú lẫn, Mất ngủ, Cuồng loạn (Hysteri), Sa sút trí tuệ, …).
Nhưng trước sức ép, Cái NÓ không được thỏa mãn trong thực tế, sẽ có thể thỏa mãn trong giấc mơ hay dồn năng lượng vào THĂNG HOA trong hoạt động tôn giáo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, thể thao… đem lại nhiều thành tựu, mà tác giả gửi những niềm đam mê, khát vọng của mình vào trong đó.
Người nào chiều theo Cái NÓ để thỏa mãn, tận hưởng, bất chấp cái SIÊU Tôi và Thực tế xã hội, sẽ tha hóa nhân tính (Vua cũng thành “Vua Quỷ”, “Vua Lợn”…).
Người nào Cái TÔI quá yếu, bị bóp nghẹt quy phục Cái SIÊU TÔI tuyệt đối (hoặc tự nguyện đi theo) có thể dẫn đến “diệt dục”, hoặc phải che đậy, dối trá thoả mãn Cái NÓ một cách lén lút, vụng trộm, trá hình…
Tóm lại, khi các giá trị văn hóa, đạo đức, pháp luật của xã hội bị đảo lộn sẽ khiến Cái SIÊU TÔI trong mỗi con người rối nhiễu, mất hiệu lực kiểm soát; Cái TÔI tự ý thức vốn nhỏ bé không điều khiển nổi Cái NÓ khi trở thành “con ngựa bất kham”; hành động theo bản năng và những cái “chốt” từ tiềm thức bị dồn nén, bùng lên trong những tình huống không còn sợ sự kiểm soát, thì con người sẽ rất hoang dã, đầy thú tính…
Khi cái SIÊU TÔI (lương tri) tan rã thì Cái TÔI nhỏ nhoi chỉ còn đồng loã, nguỵ biện cho cái NÓ thoả mãn tối đa lòng tham muốn; nhất là khi ap lực xã hội bất lực, mà lại có những thế lực khuyến khích, bảo kê cho Cái NÓ được tác oai, tác quái thì thật khủng khiếp.

2. THỬ PHÂN TÍCH THỰC TẾ

Vận dụng quan điểm của Freud nhìn vào thực tế xã hội ta, sẽ có thể cắt nghĩa nguyên nhân của nhiều hiện tượng…

2.1. Tại sao có nhiều người sống ung dung, tự tại?

Trong cái xã hội tuy hỗn tạp hiện nay, nhưng nhiều người đã tạm ổn về cái ăn, mặc, ở…, mà những người này giữ được cân bằng tâm lý giữa ba khối nói trên thì sẽ khỏe mạnh, thân tâm an lạc. Đó là Cái TÔI Tự ý thức trưởng thành, chủ động điều tiết thỏa mãn Cái NÓ hợp lý và hòa hợp với Cái SIÊU TÔI vững vàng, ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều bởi các Tác động Xã hội…
Có nhiều người sống cân bằng tâm lý như vậy thì cộng đồng xã hội sẽ an bình, lành mạnh…

2.2. Sao Nhà văn Nguyễn Khải lại “đi tìm CÁI TÔI đã mất”?

Những chiến sĩ cách mạng trước 1945 là những người phi thường, Cái SIÊU Tôi (lý tưởng, niềm tin, chủ nghĩa) lớn đến mức cái TÔI bị nhập luôn vào đó; Cái NÓ bị kiểm soát đến mức không sợ tù đày, tra tấn, cả cái chết… Bài “con cá, chột nưa” của Tố Hữu cho thấy điều đó.
Khi những người cách mạng giành được chính quyền, quyết tâm xây dựng đất nước theo những cái SIÊU TÔI mà họ nung nấu, và muốn tất cả những người đồng đảng thậm chí cả toàn dân phải như họ!
Những người tham gia cuộc Cách mạng 1945 như thế hệ Nguyễn Khải hình thành nên Cái SIÊU TÔI rất to lớn, mạnh mẽ (đó là lý tưởng, chủ nghĩa Mac – Lê, điều lệ Đảng, Lập trường giai cấp, kỷ luật của tập thể…) những cái đó tràn ngập vào ngự trị trong Cái SIÊU TÔI), nó trở thành cái “vòng kim cô” xiết chặt lấy Cái TÔI. Cái TÔI trở nên nhỏ bé, yếu đuối, chỉ biết phục tùng Cái SIÊU Tôi và áp lực tập thể, để bóp nghẹt Cái NÓ…
Thời kháng chiến chín năm, Nguyễn Đình Thi có câu thơ “Hành quân những đêm dài nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”… cũng bị kiểm điểm; Hữu Loan có bài thơ “Màu tím hoa sim” xót thương người vợ trẻ chết ở hậu phương, đã bị kỷ luật nặng nề… Ai có biểu hiện muốn ăn ngon, mặc đẹp, muốn yêu đương lãng mạn, sống có cá tính… lập tức bị phê phán là “lối sống tiểu tư sản”, “cá nhân chủ nghĩa”, “cầu an, hưởng lạc”, “ham sống, sợ chết” … Cái TÔI phải “thành khẩn tự phê”, tự kết tội mình, tự phủ định mình trước áp lực tập thể.
Sau 1954, một số văn nghệ sĩ đòi cho Cái TÔI được tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, cá tính được tôn trọng …liền bị quy theo nhóm Nhân Văn – Giai phẩm, là “thoái hoá, biến chất”, “phản động”, bị đấu tố đánh “dập đầu” những Cái TÔI dám vượt ra ngoài “Cái SIÊU TÔI tập thể”… Nỗi sợ hãi làm Cái TÔI đã teo tóp, giờ càng co rúm lại, tội nghiệp!
Đến cải cách ruộng đất, các cuộc đấu tố càng tiêu diệt những ai dám lên án cái ác, bênh vực người oan sai… Cái TÔI của con người càng bẹp dí, nhỏ nhoi, hèn hạ, chỉ biết phục tùng và lén lút cho Cái Nó (vốn cũng bị dồn ép teo tóp) được thỏa mãn ngụy trang, vụng trộm… Cũng cần nói rằng, những trải nghiệm sợ hãi, ẳn ức, oan nghiệt, những định kiến, niềm tin Hữu thức … không mất đi mà chìm vào vô thức, vẫn ám ảnh, đe dọa Cái TÔI tội nghiệp (có người đêm ngủ còn nằm mê bị đấu tố, sợ hãi toát mồ hôi)…
Cho nên nhà văn Nguyễn Tuân vốn nổi tiếng có cá tính cũng phải nói “tớ còn sống là do biết SỢ”!; Nhạc sĩ Tô Hải sau này viết hồi ký, gọi mình là “Một thằng hèn”; Nguyễn Khải thì viết “Đi tìm Cái TÔI đã mất”!… Nhiều lắm, cả một thế hệ chịu đựng Cái Tôi khốn khổ, khốn nạn trước sự kiểm duyệt khốc liệt của Cái SIÊU TÔI tập thể và Áp lực “phong trào quần chúng”… Còn “quần chúng nhân dân” thì Cái TÔI càng nhỏ bé, tội nghiệp chỉ biết phục tùng Cái SIÊU Tôi mơ hồ và thỏa mãn Cái NÓ nhờ bao cấp ban phát của Nhà nước, hoặc trong sự vụng trộm, lén lút, che đậy bằng sự dối trá của Cái TÔI hèn hạ…
Mãi sau này, Nguyễn Khải (và rất nhiều người thế hệ của ông) mới “ngộ ra”, đau đớn, xót xa, đi tìm lại Cái TÔI của mình đã mất!

2.3. Tại sao tầng lớp đặc quyền đặc lợi ngày nay lại tham nhũng, ăn chơi sa đọa đến thế?

Sau “Đổi mới”, 1986, khi TBT Nguyễn Văn Linh tuyên bố “Hãy tự cứu mình, trước khi Trời cứu”, tức là thú nhận Đảng đã bất lực, mất thiêng… Tiếp đó Liên xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ thì toàn bộ các thứ chủ nghĩa, lý tưởng, lập trường, Điều lệ Đảng… bị tan rã trong Cái SIÊU Tôi; pháp luật lại bị kẻ có quyền, có tiền thao túng; các giá trị đạo đức, văn hóa của gia đình, nhà trường, nhà chùa, cộng đồng, xã hội bị đảo lộn, “bung”, “toang” hết… Cái SIÊU TÔI phân hoá, rối lọan, mong manh; Cái TÔI được “cởi trói” khỏi cái SIÊU Tôi, được “tự do” muốn làm gì thì làm! Ta thấy xuất hiện rất nhiều “Chí phèo”!… Áp lực từ Xã hội chỉ còn SỢ mỗi công an. “mua” được CA nữa là hết sợ….
Vậy là Cái NÓ bị o ép, dồn nén bao tháng ngày, chưa bao giờ có cơ hội bung hết ra để thỏa mãn sự thèm khát bấy lâu, như thời nay! Cái NÓ tha hồ sôi sục, ham hố, tranh thủ thỏa mãn, tận hưởng tối đa (ăn, ngủ, đụ cho thật đã, vơ vét càng nhiều càng tốt, “ăn không chừa thứ gì”)!…
Thực ra những lý luận Cộng sản cao siêu chỉ dành cho các triết gia, trí thức kinh viện, còn những người thừa hành chủ yếu bị thúc đẩy bởi “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” (Quốc tế ca) bởi “quyền lợi giai cấp”, “Thoả mãn bần cố nông”, hay mơ ước “Hưởng theo nhu cầu”… Tất cả những cái đó xét cho cùng, đối với người thường, đều nhằm vào thỏa mãn CÁI NÓ. Bao nhiêu lời rao giảng đạo đức, lý tưởng cách mạng, “Học tập, làm theo”… chỉ như nước đổ đầu vịt. Cái chủ yếu thúc đẩy họ suy nghĩ, hành động là cái “thùng vô thức sôi sục ngày đêm”, là Libido được buông thả, thỏa mãn tối đa.
Nhìn vào xe hơi, nhà lầu, những bữa nhậu hàng tỉ đồng hay lối sống sa đoạ của hàng ngũ quan chức tha hoá thì biết. Thực ra Cái TÔI của họ rất nhỏ bé, khi được Cái SIÊU TÔI thả lỏng thì bị nhập vào Cái Nó đang sôi sục thúc đẩy, sai khiến, mới phát tác ra kinh khủng như vậy.
Ngay một đại tá, giảng viên cao cấp, cũng giảng bài cho trí thức rằng, bảo vệ chế độ là bảo vệ cái sổ hưu của các đồng chí! (Tức bảo vệ cái dạ dầy, cái phần NÓ, chứ có lý tưởng gì đâu)!
Cái NÓ trong họ được kích thích, khuếch đại lớn đến mức kỳ lạ. Bản năng ham sống, sợ chết, sợ mất của cải và tất cả những gì thuộc về mình, đã khiến họ “Hèn với giặc, ác với Dân”. Họ hèn với giặc vì muốn được sống, được bảo toàn mọi thứ. Họ ác với Dân vì thói ich kỷ và bản năng xâm kích, muốn tiêu diệt những gì cản trở sự thỏa mãn đang hiện hữu của họ và sợ mất những gì họ đã có. Họ hành động chủ yếu không phải vì Cái TÔI tự ý thức mà chỉ vị nỗi SỢ: sợ giặc, sợ “vào lò” khi phe nhóm mình yếu thế; sợ sự thật bị phanh phui, sợ dân nổi giận, lên án, trừng phạt… Cái TÔI trong họ thực ra rất “khốn khổ, khốn nạn”, phải diễn kịch, dối trá, đeo nhiều mặt nạ; phải gồng mình lên hù dọa, phải che giấu sự thật (mãi có dám công khai tài sản đâu), nên nói năng, hành động bất nhất … Chắc có nhiều người trong đó bị rối nhiễu tâm lý, bị bệnh Tâm thần… Thì đấy, nhiều người nói nhảm nhí, khối anh vào bệnh viện tâm thần, tự tử hoặc sát hại nhau bằng “cái chết đúng quy trình” …
Đáng chú ý là bệnh hoang tưởng, khi cái TÔI nhập vào cái SIÊU TÔI với những “lý tưởng”, “ước vọng” viển vông, sinh ra bệnh “vĩ cuồng”, suy nghĩ, nói năng, hành động không theo thực tế mà theo tưởng tượng chủ quan…
Lại có những người chỉ biết “ăn mày dĩ vãng”, sống với những định kiến, thành kiến đã “cắm chốt” trong tiềm thức, nên mở mồm nói ra như cụ Khôt-ta-bit. Những người đó sống mà như đã chết từ quá khứ! Thật đáng thương. Nguy hiểm nhất là đám gian manh, tàn ác do bản năng xâm kích được kích hoạt mà súng trong tay họ, lại được bảo kê, không sợ bị trừng phạt…

2.4. Tại sao đạo đức xã hội xuống cấp, cái ác hoành hành?

Đến đây ta thấy rõ thực trạng xã hội hiện nay: Các thiết chế xã hội đều biến dạng, tha hóa, xa rời bản chất, chức năng vốn có của nó (từ gia đình, nhà trường, nhà chùa, các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp…) đều ít hiệu lực để hình thành nên Cái SIÊU TÔI đúng đắn, mạnh mẽ, ổn định; trong khi đó Cái TÔI tự ý thức của dân ta vốn đã ấu trĩ (“dân hai nhăm triệu, ai người lớn”…, Tản Đà, 1926), lại bao lâu nay bị kiểm duyệt, dồn nén làm cho teo tóp, co rúm lại ngay từ trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên đến giáo sư, tiến sĩ, quan chức… nên Cái NÓ được dịp thả cửa hoành hành. Lại thêm đua theo bầy đàn: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “cả làng cùng toét (mắt) chứ mình gì tôi”… Ở đâu cũng đầy rẫy những hành vi “tiêu cực”: gian dối, hàng giả, đưa “phong bì”, nhận “phong bì”, chửi bậy, làm bậy, đua nhau ăn nhậu vô độ, “nhà nghỉ” như nấm, các ổ mại dâm trá hình, các điểm xài ma túy ở khắp nơi… Tất cả cho thấy xã hội này đang kích hoạt và không kiểm soát được (bắt cóc bỏ đĩa) các hiện tương “tiêu cực”, nên Cái NÓ tha hồ hoành hành. Bản năng sex trỗi dậy khiến những vụ loạn luân, ấu dâm, xâm hại tình dục… diễn ra đáng sợ; Bản năng xâm kích được kích hoạt ở các băng nhóm xã hội đen bởi được thuê tiền; ở các nhân viên công lực vì được bảo kê; ở giới trẻ vì hiếu thắng, trả thù… Đặc biệt những hành vi giết người thân như trường hợp Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng là do nhiều ẩn ức bị dồn nén trong vô thức có khi từ thơ bé, tích tụ lại và bị kích hoạt, bùng phát trong tình cảnh Cái TÔI ý thức biến dạng, Cái SIÊU TÔI hoàn toàn tan rã, cái sợ áp lực xã hội cũng hết…
Nên nhớ “thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%”…(3). Nhưng mỗi cá nhân và toàn xã hội hầu như không quan tâm đến vấn đề Sức khỏe tâm thần. Đây là một nguy cơ xã hội đáng lo ngại.

2.5. Tại sao người Việt ít có công trình nghiên cứu, sáng tạo lớn?

Không kể hơn 40 năm chiến tranh liên miên (1945 – 1989) bao nhiêu nguồn lực dồn vào đấy hết, còn sức đâu mà nghiên cứu, sáng tạo ra những giá trị lớn lao đáng kể.
Những năm hòa bình, toàn dân cũng chỉ tập trung vào vật lộn kiếm miếng ăn, cái mặc, làm cái nhà, lo cho con ăn học, chạy chữa bệnh tật và đặc biệt dồn tâm trí vào chống chọi với đủ loại Thiên tai và Nhân tai để tồn tại, còn đâu nguồn lực cho nghiên cứu, sáng tạo… Lại còn cái “vòng kim cô” luôn siết chặt. Những trường hợp có công trình nghiên cứu khoa học hay sáng tạo nghệ thuật có giá trị lớn là của hiếm.
Mặt khác lối sống của đa số người Việt hiện nay có lẽ không còn chỗ cho Libido thăng hoa! Quanh năm, suốt tháng, họ làm việc hối hả tối ngày, nhậu nhẹt, ăn chơi lu bù, họp hành liên miên đến đờ đẫn, còn đâu Libido tích tụ, dồn nén năng lượng để Thăng hoa? Sinh viên ở nội trú, vào những năm 1980 đã tổng kết: “ăn ở như Tù, nói như Lãnh tụ”! Nói như lãnh tụ là Cái TÔI ý thức không có tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, mà nói theo áp đặt của cái SIÊU TÔI mà thôi.
Có chăng chỉ các cầu thủ, vận động viên, trước những giải đấu quan trọng, họ mới bị “cấm trại”, để tích tụ năng lượng cho Libido thăng hoa khi vào trận đấu…

2.6. Làm sao cho con người lành mạnh, xã hội văn minh?

Lý tưởng nhất, là tất cả các thiết chế xã hội phải trở về đúng với bản chất, chức năng của nó và mỗi một con người có được Cái TÔI khỏe mạnh, ý thức rõ tự do và trách nhiệm. Đó là:
– Đảng cầm quyền hoạt động công khai, minh bạch, được kiểm soát theo pháp luật, bình đẳng với các tổ chức xã hội khác, cấm độc tài, toàn trị, siêu quyền lực, để không áp đặt Cái SIÊU TÔI tập thể lên toàn xã hội (ai vượt ra cái “vòng kim cô” thì bị quy là “tự diễn biến”, “suy thoái”, “bất hảo’, “phản động”…). Bắt cả trẻ em ngay từ thơ bé không được là chính mình, mà phải phấn đấu theo một mẫu hình “siêu nhân” là tội ác!
– Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải độc lập để Pháp luật được thượng tôn, Công lý được hiện hữu, để khi gặp vấn đề bất công, xung đột, người dân sẽ đi khiếu kiện và tin vào Công lý… chứ không đem gậy gộc, dao kiếm, súng đạn ra giải quyết với nhau;
– Chính quyền làm đúng chức năng của nó, sinh ra là để phục vụ Dân chứ không phải để cai trị Dân, hành Dân, “ăn của Dân không chừa thứ gì”;
– Gia đình, nhà trường, nhà chùa…. trở về đúng bản chất của mình. Đó là nơi giáo dục những giá trị nhân bản, đạo đức truyền thống, Giá trị phổ quát, gieo những niềm tin Chân, Thiện, Mỹ nơi con người ngay từ thơ bé cho tới khi trưởng thành…;
– Các Hội, Đoàn, tố chức xã hội… phải là nơi tự nguyện tham gia của những người cùng chí hướng, cùng sở thích, hứng thú; kích thích, hỗ trợ nhau thăng hoa trong các hoạt động vui thích và sáng tạo (chứ không phải là nhóm lợi ích ăn chia, hay công cụ để bóp nghẹt Cái TÔI của các thành viên…);
– Các cá nhân được tôn trọng, ngay từ trẻ vườn trẻ, mẫu giáo trở lên, được quyền tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do hành động trên cơ sở những chuẩn mực xã hội công minh. Ngay từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, khi con người được tự do như vậy, Cái TÔI sẽ lớn mạnh, tự ý thức phát triển, biết LÀM CHỦ BẢN THÂN thì trách nhiệm xã hội sẽ cao và năng lực tự điều chỉnh hành vi, kiểm soát Cái NÓ một cách hợp lý, hiệu quả, đời sống tâm lý sẽ cân bằng hơn…Freud gọi là “Cái NÓ trở thành Cái TÔI”, nghĩa là hệ thống nhu cầu được nằm trong Cái TÔI ý thức…
– Cái TÔI tự ý thức trưởng thành thì trong xã hội, tự do của người này không cản trở tự do của những người khác, xã hội sẽ lành mạnh, mới thực sự ổn định, phát triển bền vững, hướng đến dân chủ, văn minh…
– Xã hội nào cũng có một tỉ lệ những người rối nhiễu tâm lý, bệnh hoạn, trộm cướp, bạo hành, xả súng giết người … nhưng xã hội đó không bị rối loạn các giá trị đạo đức, pháp luật… thì sẽ không bị xuống cấp như xã hội ta hiện nay.
Thưa các bạn, đây là tôi dùng quan điểm của S. Freud để phân tích một số hiện tượng ở xã hội ta, nó có thể méo mó, nhưng là để góp thêm vào cách nhìn xã hội đa chiều. Rất mong các bạn có cái nhìn theo quan điểm khác (chẳng hạn Mac- Lê), tranh luận, phê phán một cách xây dựng, giúp cho vấn đề được sáng tỏ hơn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội.
Chú thích :
1. (https://tintuconline.com.vn/…/loi-khai-lanh-lung-cua…).
2. ttps://www.facebook.com/thongdongoc
3. https://www.google.com/search…
06/9/2019 – 26/6/2020
Macj văn Trang / Nguồn : BVN

Khám phá làng cổ Phước Tích nổi tiếng của xứ Huế

Nét đặc trưng chủ yếu và cũng là nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của làng cổ Phước Tích là quy hoạch không gian kiến trúc, được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau.

Nằm ở thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai được công nhận là Di tích quốc gia của Việt Nam (làng đầu tiên là làng Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội).

Theo sử sách, làng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỉ 15, khi nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam.

Lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng (Hoàng là tên dòng họ khai canh, Giang là vùng gần với sông nước).

Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Với ước mong đó, các thế hệ dân cư của làng đã tiếp nối truyền thống ông cha lao động sáng tạo xây dựng cho mình một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, như cảnh quan kiến trúc của làng mang đậm triết lí phương Đông, như văn hóa làng nghề, dòng họ, xóm, phe và đặc biệt là hệ thống kiến trúc cổ.

Nét đặc trưng chủ yếu và cũng là nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của làng là quy hoạch không gian kiến trúc, được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau.

Trong tổng số 117 nóc nhà của làng, hiện còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường 3 gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Trong đó có 12 nhà rường của các gia đình được xếp vào loại có giá trị đặc biệt.

Điều lí thú là các ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích liên kết với nhau, chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng chè tàu xanh, thẳng.

Mặt khác, do ở cạnh làng mộc cổ truyền Mỹ Xuyên, nên Phước Tích được thừa hưởng nghệ thuật độc đáo của điêu khắc kiến trúc, chạm trổ trên các bộ khung gỗ của ngôi nhà, càng làm đậm nét tính chất dân gian mang đầy đủ bản sắc.

Ngoài những ngôi nhà rường, làng còn có hàng chục công trình thờ tự mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là Miếu Bà hay miếu Cây Thị, một ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng của làng. Tên gọi của miếu bắt nguồn từ việc bên cạnh miếu có một cây thị cổ thụ, tương truyền đã một nghìn năm tuổi.

Một công trình đáng chú ý khác là miếu Đôi độc đáo nằm ở đầu làng. Đây là hai ngôi miếu giống hệt nhau, bên tả thờ Đào Nghệ (Bổn Nghệ), bên hữu thờ Khai Canh, hai ông tổ nghề gốm của làng.

Ngoài ra còn nhiều công trình giá trị như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế, miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang, đền Văn Thánh và nhiều lăng mộ của ông tổ các dòng họ.

Hệ thống đường sá, cây xanh của làng nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động, mang sức sống của một vùng sinh thái độc đáo, kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.

KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống”.

Bên cạnh những di sản kiến trúc độc đáo, làng cổ Phước Tích còn được biết đến với nghề gốm cổ truyền đặc sắc.

Nghề gốm của làng được lưu danh sử sách với một sản phẩm đặc biệt được sản xuất để cống nạp cho các triều đại nhà Nguyễn. Đó là “om ngự”, một loại om đất được làm riêng để nấu cơm từ gạo An Cựu cho vua ăn.

Ngày nay, trải qua nhiều thời kỳ, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng của miền đất Thuận Hóa.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Hệ miễn dịch sẽ ra sao nếu chúng ta ngủ không đủ giấc?

Mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ khiến hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu.

Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bị cúm. Thật khốn khổ, phải không nào? Chảy nước mũi, nhức xương, đau họng, ho nhiều và hoàn toàn không có năng lượng. Bạn có lẽ chỉ muốn cuộn mình trên giường và ngủ. Mà đó cũng là điều bạn nên làm.

Chính cơ thể bạn còn đang cố ngủ ngon vào lúc này nữa mà. Đó là do có một sự kết hợp mật thiết và hai chiều tồn tại giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch của bạn.

Giấc ngủ chiến đấu chống lại sự nhiễm trùng và bệnh tật bằng cách triển khai mọi loại vũ khí trong kho vũ khí miễn dịch của bạn, che chắn cho bạn bằng sự bảo vệ miễn dịch.

Khi bạn ngã bệnh, hệ miễn dịch tích cực kích thích hệ thống giấc ngủ, đòi hỏi cơ thể nằm nghỉ trên giường nhiều hơn để giúp củng cố nỗ lực “chiến đấu”.

Việc giảm lượng giấc ngủ dù chỉ một đêm duy nhất cũng khiến cho bộ quần áo vô hình của khả năng mau hồi phục miễn dịch đó bị loại bỏ thô bạo khỏi cơ thể bạn.

Việc thiếu đầu dò trực tràng để đo thân nhiệt trung tâm ở một số nghiên cứu giấc ngủ cụ thể đã khiến người đồng nghiệp tốt tính của tôi, tiến sĩ Aric Prather tại Đại học California, San Francisco, phải thực hiện một trong những thí nghiệm giấc ngủ tồi tệ nhất mà tôi được biết.

Ông đã đo giấc ngủ của hơn 150 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh trong một tuần bằng cách sử dụng thiết bị đeo đồng hồ đeo tay. Sau đó, ông cách ly họ, rồi tiến hành xịt thẳng vào mũi họ một liều vừa phải vi-rút gây cúm, hoặc vi-rút cảm lạnh thông thường còn sống.Sách Sao chúng ta lại ngủ. Ảnh: Hải Đăng Books.

Sach sao chung ta lai ngu anh 1
Sách Sao chúng ta lại ngủ. Ảnh: Hải Đăng Books.

[…]

Ông không chỉ đánh giá mức độ phản ứng miễn dịch bằng cách lấy mẫu máu và nước bọt thường xuyên, mà còn thu thập gần như tất cả các dịch nhầy mũi được tạo ra từ những người tham gia.

Prather đã để những người tham gia thường xuyên hỉ mũi của họ, và mỗi giọt sản phẩm đó đều được đóng gói, gắn thẻ, cân đo và phân tích miệt mài bởi đội ngũ nghiên cứu của ông.

Sử dụng những phép đo này – các kháng thể miễn dịch trong máu và nước bọt, cùng số lượng trung bình của nước nhầy ở mũi được những người tham gia thải ra – Prather có thể xác định liệu một người có bị cảm lạnh thật khách quan hay không.

Prather đã chia tách những người tham gia thành bốn nhóm nhỏ dựa trên lượng giấc ngủ mà họ có được trong 1 tuần trước khi tiếp xúc với vi-rút cảm lạnh thông thường: Ngủ dưới 5 tiếng, ngủ 5 – 6 tiếng, ngủ 6 – 7 tiếng và ngủ từ 7 tiếng trở lên. Có một mối quan hệ rõ ràng, tuyến tính với tỉ lệ nhiễm trùng.

Giấc ngủ mà một người có được trong tuần trước khi đối mặt với các vi-rút cảm lạnh thông thường tích cực càng ít thì khả năng họ bị nhiễm vi-rút và bị cảm lạnh càng lớn. Ở những người ngủ trung bình 5 tiếng, tỉ lệ nhiễm bệnh là gần 50%. Ở những người ngủ từ 7 tiếng trở lên trong một đêm vào tuần trước đó, tỉ lệ nhiễm bệnh chỉ có 18%.

Sach sao chung ta lai ngu anh 2
Ngủ không đủ giấc sẽ khiến hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu.

[…]

Thực tế là không cần tới nhiều đêm ngủ ít trước khi cơ thể bị suy yếu miễn dịch và ở đây, vấn đề ung thư trở nên có liên quan.

Các tế bào tiêu diệt tự nhiên (bạch huyết bào hay tế bào bạch cầu) là một đội ngũ tinh nhuệ và hùng mạnh bên trong hàng ngũ hệ miễn dịch của bạn.

Hãy suy nghĩ về các tế bào tiêu diệt tự nhiên này như những nhân viên dịch vụ bí mật của cơ thể bạn, công việc của chúng là xác định các yếu tố từ ngoài vào nguy hiểm và loại bỏ chúng – kiểu 007, nếu bạn muốn gọi như vậy.

Một trong những thực thể từ ngoài vào như vậy mà các tế bào tiêu diệt tự nhiên sẽ nhắm tới là những tế bào u ác tính (ung thư).

Các tế bào tiêu diệt tự nhiên sẽ khoan một lỗ thật hiệu quả ở bề mặt bên ngoài của các tế bào ung thư này và tiêm vào một loại protein có thể phá hủy khối u ác tính. Do đó, những gì bạn muốn là một bộ tế bào miễn dịch hùng dũng như James Bond ở mọi thời điểm. Song đó chính xác là những gì bạn không có được khi ngủ quá ít.

Tiến sĩ Michael Irwin tại Đại học California, Los Angeles, đã thực hiện các nghiên cứu mang tính bước ngoặt tiết lộ rằng chỉ cần một liều ngắn giấc ngủ ít có thể ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch chống ung thư của bạn nhanh chóng và toàn diện như thế nào.

Kiểm tra những người đàn ông trẻ khỏe mạnh, Irwin đã chứng minh rằng một đêm ngủ 4 tiếng – như đi ngủ lúc 3 giờ sáng và thức dậy lúc 7 giờ sáng – cuốn trôi 70% các tế bào tiêu diệt tự nhiên lưu thông trong hệ miễn dịch so với giấc ngủ đủ 8 tiếng.

Nghĩa là bạn đang tự thấy mình đối mặt với tình trạng thiếu hụt miễn dịch đáng kể và điều đó xảy ra nhanh chóng, sau một “đêm tồi tệ” thực sự về giấc ngủ.

Bạn có thể tưởng tượng rõ tình trạng kho vũ khí miễn dịch chống ung thư của bạn bị tàn phá sau một tuần thiếu ngủ, huống hồ tận một tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Sachs hay / Zing

GIÉC MANH TẢN MẠN KÝ

Trích “Đông Âu Anh Hùng Truyện”
của Nam Nguyen

Nước Đức bắt đầu bước vào đợt lockdown thứ 2 của năm Covid đệ nhất. Đường phố vắng tanh, xe cộ thưa thớt. Quảng trường Alexander platz ở trung tâm thủ đô Berlin tối om như Hà Nội thời đun bếp trấu. Số người chết trong vòng 24 giờ đồng hồ lên tới gần nghìn, giường cấp cứu trên toàn quốc cũng chỉ còn hơn 5000 cái (so với Đức thế là hết cực nhanh). Mang tiếng là ông tổ của máy thở mà giờ đây hãng Draeger cũng thúc thủ với lượng đơn hàng khổng lồ từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đưa tin, có bệnh viện đã phải tính đến biện pháp chọn lựa để ai sống và ai sẽ phải chết. Dĩ nhiên thiệt thòi sẽ rơi vào nhóm có bệnh nền và người già, những nhóm mà khả năng cống hiến không còn nữa. Người Việt chắc sẽ chấp hành lệnh phong tỏa lần này nghiêm túc hơn. Lần light lockdown cách đây hơn tháng, cảnh sát đã bắt một sòng bạc của người Việt, phạt 12 con bạc không sợ Covid mỗi chú 2500 Euro. Riêng chú chủ tiệm, ăn cái hoá đơn 25000 “OI” và đóng cửa luôn. Sau đó là vụ phi hành đoàn 41 anh chị Karaoke kiêm bay lắc bị hàng xóm báo cảnh sát bắt quả tang. (Báo cảnh sát được tiền thưởng, tội gì không báo??? Ở Việt Nam mà treo thưởng kiểu đó thì có đến F 35 tàng hình của Mỹ bố mày còn tìm ra chứ đừng nói là F1, F2…). Đợt này chính phủ cũng hào phóng. Bỏ ra hơn 2 tỉ Euro mua khẩu trang phát miễn phí cho dân chúng. Ông nào cứ 60 đổ lên, chỉ việc cầm chứng minh thư hoặc thẻ bảo hiểm y tế. ra hiệu thuốc gần nhất là được lĩnh 03 cái khẩu trang FFP2 không mất tiền. Nghĩ đi nghĩ lại, ở nhà là sướng nhất. Đèo mẹ, nhìn mấy thằng em ngồi bún đậu, mắm tôm vỉa hè thèm nhỏ dãi mà không về được. Chuyến bay thương mại thì không có, còn bay giải cứu càng không đến lượt, đơn giản nó không dành cho người định cư tại đây. Đây là tâm trạng của không ít người Việt tại Đức trong những ngày u ám này.

Tàu Cap Anamur

Người Việt ở Đức trước ngày thống nhất nước Đức năm 1990 chia làm hai thành phần. Thành phần ở phía Tây thuộc CHLB Đức và phần phía Đông thuộc CHDC Đức. Phía Tây, vì chính quyền Việt Nam cộng hoà có quan hệ ngoại giao với nhà nước CHLB Đức nên có trao đổi sinh viên. Số này học hành đang ngon trớn thì đùng một cái, xe tăng của anh Thận hay Tụy gì đấy đâm đổ mẹ cổng dinh Độc lập. Anh chị em sinh viên Sài Gòn nghiễm nhiên trở thành đám người vô thừa nhận, dù rằng trong huyết quản vẫn có hồng cầu của Lạc Long Quân. Họ được nhà nước CHLB Đức cấp quyền cư trú và trở thành lứa trí thức khá thành đạt sau này.

Sau 1975, đến lượt anh chị em miền Nam, hoặc né vụ đi cải tạo, hoặc hút Salem, Quân tiếp vụ quen rồi, giờ hóp má rít thuốc rê không chịu nổi, đành học anh Ba của bên thắng cuộc tìm đường vượt biển, mong làm lại cuộc đời ở xứ nào cũng được, trừ đất nước hình rươi. Số người bỏ xác lại trong lòng biển Đông không phải ít, cũng vì tàu bé, tài công tồi, tham chở nhiều người và dự trữ lương thực nước uống không đủ. Đó là chưa kể đến nạn cướp biển Thái Lan, Mã Lai. Tụi này là ông tổ của cướp, giết, hiếp.

Cũng trong thời kỳ này nổi lên con tàu huyền thoại Cap Anamur của CHLB Đức trên biển Đông, ân nhân của nhiều thế hệ thuyền nhân Việt tại Đức. Từ tháng 8 năm 1975 đến 1982 thuyền trưởng Rupert Neudeck và thuỷ thủ đoàn đã cứu được 9500 người vượt biển gặp nạn và chăm sóc y tế trên tàu cho 35000 người Việt. Chính phủ CHLB Đức đã nhận tổng cộng hơn 30 nghìn thuyền nhân từ các trại cấm ở khu vực Đông Nam Á và cho phép họ định cư tại Đức, tạo ra thế    hệ Việt kiều đầu tiên tại đây.

Phía Bắc Việt Nam, tức Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng không kém. Mở đầu cho thế hệ người Việt  miền Bắc đặt chân lên nước Đức phải kể đến 350 thiếu sinh quân (die Kinder von Onkel Ho) được ông Hồ Chí Minh đưa sang học tập tại Moritzburg thuộc bang Sachsen ngày nay.

Bác Hồ thăm thiếu nhi Việt Nam tại DDR năm 1957

Trong số Moritzburger này nổi lên tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tốt nghiệp trường Leuna-Merseburg năm 1967, sau này trở thành thư ký và trợ lý cho nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh. Năm 1992, người viết bài này có dịp tháp tùng ông Doanh đi chơi hội bia Oktoberfest tại Munich. Đi hội bia nhưng thấy có quầy vang bên ngoài, ông vào uống thử. Ông chủ tiệm thấy một tay mắt híp, uống vang có vẻ sành điệu nên tò mò hỏi, ông từ đâu đến? Tôi từ Việt Nam. (Thời đó ở Việt Nam có nút lá chuối uống là như Tết, nói gì đến cái loại phải xoáy xoáy, vặn vặn). Tay bán vang đố, giờ tôi mời ông một cốc vang, ông nói đúng tên vùng sản xuất và niên kỷ của chai vang này, tôi mời ông và cu cậu đi theo này uống say thì thôi. Vang rót ra, cụ hít, ngửi rồi cho vào miệng súc nhẹ vài vòng. Phán một câu xanh rờn, vang vùng X, đóng chai tầm năm Y. Chủ tiệm lùi mấy bước lạy như tế sao. Đúng là bợm phải trả lại tiền.

Ông Nguyễn Thiện Nhân – ngôi sao DDR bắt đầu hạ cánh

Ông Vũ Huy Hoàng đang gặp đại nạn

Anh Bình “Thí” án treo hú vía, thực ra cũng hơi oan cho bác ấy…

Dân du học Đức sau này trở về Việt Nam vào các bộ ngành nhiều. Song thành nhân cũng có mà thành phạm nhân cũng không hiếm. Điển hình là Nguyễn Thiện Nhân, học Đại học kỹ thuật Magdeburg từ 1972, đến 1979 làm tiếp Phó tiến sỹ. Đây có lẽ là người duy nhất từ Đức trở về leo lên đến tầng lớp chóp bu tại Việt Nam. Anh Vũ Huy Hoàng, học Đại học Mỏ-Luyện kim Freiberg từ 1970-1975. Về nước anh cũng leo đến chức Bộ trưởng Công thương. Khổ cái, anh học Mỏ nên khai thác sâu quá, chạm tầng cháy nổ nên cuối đời hạ cánh trúng phải ổ gà.

Tờ “trăm” tiền Đông Đức

 Đến thập kỷ 80, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động. Chủ yếu là sang Nga, Tiệp khắc, Bungari và Đông Đức. Tại Đức, lúc cao trào có đến 80.000 lao động Việt Nam sang làm việc, được đi Đức coi như “trúng quả”. Lứa đầu sang quãng đầu 1980. Họ sống theo các đội. Đội dệt may, đội cơ khí, điện tử, máy nông nghiệp, ô tô… Làm theo ca kíp, ở nhà tập thể. Đội nào có cả nam lẫn nữ coi như trúng số độc đắc. Đa phần là đội nam riêng, nữ riêng. Muốn thoát khỏi kiếp quay tay lấy may, mấy con đực chỉ còn cách dành ngày nghỉ hoặc cuối tuần đến với con cái. Phòng 4 cô, thêm 4 anh, căng ri-đô lên cũng thành buồng hạnh phúc. Kêu la, giãy giụa nghe chung, chẳng phân biệt vùng miền. Mà khi màn đêm xuống rồi, tiếng rên ở bờ nào của sông Hiền Lương mà chẳng giống nhau?

Lao động hợp tác tại DDR những năm 1980

Đồng lương của lao động hợp tác tại Đức ở mức trung bình. Họ nhận từ 800 DDR – Mark, gọi là Ostmark, đến 1200-1400 cho công việc của mình. Nếu làm thêm giờ và có tiền độc hại, thu nhập có thể còn cao hơn.

 Tính mặt bằng giá cả, 10 Mark 1 kg thịt lợn hoặc thịt bò, chai bia 65 xu hay chai rượu tầm 14 Mark, đồng lương này đủ tiêu xài. Nhưng ai cũng có gánh nặng ở quê nhà, nhất là ở thập niên 80, Việt Nam ở đỉnh của khó khăn. Tích cóp độ 3, 4 tháng là mua được cái Mô- kích, chiếc xe đạp Mifa giá bán ở cửa hàng cũng chỉ ngoài đôi trăm. Tháng nào ở bưu điện cũng thấy người Việt xếp hàng gửi hàng về. Xe đạp tháo rời, lấy chăn len cuộn vào, khâu lại như cây đàn. Tây không biết cứ trầm trồ khen, tụi mày đánh nhau đã giỏi, thắng cả Mỹ mà lại còn yêu âm nhạc thế.

Xe đạp Mifa nữ

Nhưng bóp mồm, bóp miệng mãi trong khi cám dỗ đầy ngoài phố. Nào là râu ngô mơn mởn, nào là sàn nhảy, rượu ngon, quần áo mốt…. ai chịu được. Thế là phải đi buôn lậu.

Khởi đầu là vài cái băng cát sét, mấy cái đài 2 cửa băng, 1 thu 1 phát. Sau đó đến nghề may quần áo bò. Thằng nào cũng “chân tươi, chân héo” vì đạp máy khâu. Sau đó đổ thuốc tím vào mài trong bồn tắm biến thành bò mài. Bài hát thịnh hành nhất thời  đó là “Những đồi hoa sim” vì chết lòng các thợ may ở câu “tím chiều hoang biền biệt”. Ông nào trong túi áo cũng có cái thước dây,  gặp “gà” là quăng ra lấy    số đo. Chẳng qua lò may 10 hay trường lớp nào, vào đũng quần cho Tây mặc thử thấy “chuông mõ” đùn   ra như hai cái bánh bao, vẫn gật gù, “mày mặc vừa  đáo để”!

Đến năm 1987-1988 các cửa hàng đồ cũ của DDR đồng loạt nhận mua máy tính để bàn. Đông Đức của đáng tội cũng sản xuất Computer, nếu nhớ không nhầm là của Robotron. Song máy to như cái chạn để bát ở quê, tốc độ sánh với rùa còn không nổi. Các công sở cũng cần cải tiến cách lưu trữ. Nhà nước kẹt cái là không có ngoại tệ nên cửa nhập chính thống coi như tịt, phó mặc cho tụi buôn lậu đưa hàng tiểu ngạch vào bán chui. Đây là thời kỳ hoàng kim của người Việt    ở DDR. Một bộ Computer loại vớ vẩn như Schneider 1512, có monitor, bàn phím, chuột và thêm cái máy in mua vào có 28-30000 Ostmark. Bán cho Tây thu về 65000. Giá USD chỉ 1:10. Bán xong giàn máy quy ra đô được ngay 3000 – ba chục “tờ”. Suôn sẻ tuần bán 3 bộ làm được căn nhà mặt phố ở Hà Nội. Đến cái Hard Disk sức chứa có 64 KB (xin nhắc lại là 64 KB) bán cũng lời 5, 6 nghìn!

Simson – đồ chơi tốt nhất của thanh niên Đông Đức xưa…

Cơn mưa vàng này kéo dài gần năm trời, làm thay đổi biết bao số phận và cũng khiến nhiều căn nhà mặt tiền ở Thủ đô rơi vào tay người… Hà “lội”. Trong số các anh tài ăn theo cơn bão này có thể kể đến Thái “còm”, Dương “con”…, những người sau này dựng lên vũ trường New Century ở Tràng Thi, Hà Nội đình đám một thời. Xe Simson được mua về, tính theo diện tích chứ không tính xe. Ví dụ, thằng A có một sân bóng chuyền xe máy thì làng biết A là “tay to” rồi. Đến cuối 1988 “cơn mưa vàng” lắng xuống, các thế hệ cộng “mốc” hồi hương dần. Lứa sang tiếp quản là lớp bộ   đội phục viên, xuất ngũ, thanh niên xung phong…v.v. Lứa này bạo dạn hơn hẳn các lứa trước, sinh hoạt cũng thoáng đãng hơn lớp cũ, nhất là trong khoản “trai gái, cái đực”. Lượng thuốc tránh thai tiêu thụ trong các nhà tập thể của người Việt bóp chết số liều Aspirin hoặc Paracetamol người dân Đông Đức mua tại các hiệu thuốc. Không khí hoan lạc tràn ngập vì trai đã tìm được chỗ chuyên ngồi đái, gái vớ được gậy bóng chày, khác hẳn thời khổ hạnh, ngủ với nhau đánh cái rắm to cũng sợ đội trưởng biết.

Gorbachev bảo Honecker:

“Ai đến muộn sẽ bị cuộc đời trừng phạt!” Y rằng…!

Năm 1989 là một năm đầy biến cố với CHDC Đức. Số người Đức đi sang Tiệp Khắc du lịch sau đó chạy vào Đại sứ quán Tây Đức xin tị nạn tăng vọt. Trong nước các tổ chức đòi nhân quyền, dân chủ tiến hành biểu tình bắt đầu từ thành phố Leipzig. Phong trào sau đó lan rộng ra toàn quốc. Tối thứ hai hàng tuần, già   trẻ lớn bé đều đổ xuống đường biểu tình. Cảnh sát ban đầu còn cố gắng giải tán những nhóm tụ họp nhỏ, sau bất lực trước lượng người tham gia hùng hậu. Lác đác đã có những phát ngôn đòi quyền tự do đi lại, thậm chí đòi thống nhất nước Đức. Hình ảnh một Thiên An Môn giữa lòng CHDC Đức đã hiển hiện.

Lần Quốc khánh Đức năm đó, Gorbachev từ Nga sang dự. Bắt tay Honecker (Tổng bí thư Đảng xã hội thống nhất Đức), Gorbachev nói một câu như lời tiên đoán cho số phận của ông Tổng cũng như nhà nước 40 tuổi đời của ông “kẻ nào đến muộn, kẻ đó sẽ bị lịch sử trừng phạt”. Sau đó Hungary tháo gỡ hàng rào biên giới với Áo. Rumania thì chơi hẳn luật rừng, lôi vợ chồng Ceaucescu ra chế thành tổ ong sau mấy loạt AK. Ngày 9.11.1989, Đông Berlin mở cửa biên giới với Tây Berlin. Bức tường Berlin, cái mà thế giới tư bản gọi là “bức tường ô nhục” đã sụp đổ trong đúng một đêm. Người Đức đã trả giá trong 2 thế chiến bằng nhiều triệu sinh mạng. Lần này, họ tỉnh táo hơn, lí trí hơn và mọi chuyện đã diễn ra trong hoà bình.

Sau những ngày hân hoan, thực trạng của đất nước Đức XHCN dần được phơi bày. Hàng hoá không còn trao đổi trong khối Hiệp định chung được vì ông anh cả, con gấu Nga cũng trúng thương, nằm chờ thợ săn đến lấy mật. Các nước trong phe XHCN còn đang lo giữ lấy nóc nhà của mình. Thị trường tư bản lại không chấp nhận các sản phẩm công nghiệp của Đông Đức vì chúng không đạt tiêu chuẩn. Nông sản cũng ế vì khâu bảo quản và chế biến quá kém. Rồi cái gì phải đến cũng đến. CHDC Đức phải chấp nhận dùng đồng D-Mark của CHLB Đức, đồng nghĩa với việc chấp nhận sáp nhập phần lãnh thổ của mình vào Tây Đức.

Người Việt nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của cuộc thống nhất này. Xí nghiệp, nhà máy đóng cửa hàng loạt, không có lương. Chính phủ chu cấp cho một thời gian rồi bố trí cho lực lượng thợ khách hồi hương. Mỗi người nhận 3000 D-Mark tiền bồi thường và lên máy bay về nước. Số ở lại tự bươn chải, mưu sinh. Bắt đầu từ đây người Việt “xuống đường” chinh chiến, mở đầu cho một thời kỳ gian lao, đẫm mồ hôi, nước mắt  và cả máu.

Về nước 1991

Đầu thập kỷ 90, các chợ giời mọc lên như nấm sau mưa ở Đông Đức. Chợ nào cũng có vài bóng đầu đen, có nơi con cháu Hùng King làm hẳn một khu lớn. Dân Đông Đức cũ thiếu thốn đủ thứ, tiền lại mới được đổi, để trong nhà nóng như có hoả hoạn. Vậy là đem ra tiêu. Hàng hoá thời kỳ này chỉ là băng đĩa của các ban nhạc chuyên hát Schlager (một dạng bô-lê-rô trong âm nhạc Đức), quần áo, khăn trải bàn, đồ điện tử gia dụng rẻ tiền. Nguồn hàng chẳng phải đi đâu xa, dân Dresden chỉ chạy hơn 200 km sang đến West Berlin, lượn qua mấy khu phố Thổ, đong lấy một xe đủ chủng loại hàng. Hôm sau bày ra sạp, kiểu gì cũng có đôi nghìn tiền lời. Chợ có cái mở thứ 2,4,5 cái mở 3,5,7. Cứ thế sắp xếp lịch đi, không nghỉ ngày nào. Ra chợ cứ thấy sạp hàng nào màu sắc như cầu vồng, hàng hoá cái trên bàn, cái dưới đất và người bán hàng tròn xoe như con lật đật vì mặc 2, 3 lớp áo khoác thì đích thị đó là quầy của dân Giao Chỉ. Phơi nắng sương suốt ngày, về sau đây là nguồn cơn của lớp người Việt phải chung sống với máy chạy thận và thuốc trợ tim. Ở thủ đô Berlin, nghề đi chợ cũng thịnh hành. Song tại đây có một nguồn béo bở do người Nga, gồm cả lực lượng lính Nga đồn trú cung cấp: thuốc lá. Buôn thuốc lá lãi cao. Đêm đêm trên các cánh rừng quanh Berlin, cảnh buôn thuốc giữa người Nga và người Việt thật sôi nổi. Nhiều vốn thì làm cái Minivan cũ, nhét lên 2000 tút Marlboro, West gì đó. Chạy về tới nhà tập thể, sang tay cho lực lượng bán lẻ ngay và luôn cũng được hơn nghìn D-Mark. Còn người bán lẻ, phải phơi mình dưới nắng mưa, băng tuyết được hưởng số lãi cao hơn. Trung bình một bao thuốc mang lại cho người bán lẻ 1,5 đến 2 đồng DM.

Người Việt đứng đầy các ngã tư, ngã năm . Cứ đến đợt đèn đỏ, các phương tiện giao thông dừng là họ lao ra chào mời thuốc lá, cách tiếp thị so với lớp tiền bối phe vé ở rạp Tháng 8 Hà Nội bạo dạn gấp bội phần. Buôn thuốc lá lãi suất cao nhưng hiểm nguy không ít. Đầu tiên là hải quan và cảnh sát bắt, tịch thu thuốc, nhốt vào đồn lấy vân tay, sau đó phạt khá nặng. Cái này người Việt điếc vì họ tâm niệm lúc đó, mình có ăn đời ở kiếp ở cái xứ băng giá này đâu mà tính xa? Cố cày lấy vài chục cây vàng rồi khăn gói hồi hương, tậu con vợ, xây quả nhà là mỹ mãn rồi. Khổ cái tiền vào nhiều ham, sau có đến một, hai trăm cây vẫn chép miệng “một đời ta muôn vàn đời nó”, tội gì không mần tiếp. Về sớm sau này thằng đồng hương cùng xã về xây nhà to hơn thì nỏ biết nói với cha mạ ra răng. Có buôn lậu sẽ có cạnh tranh, mà là cạnh tranh không lành mạnh, đi kèm với bạo lực. Khởi đầu là mấy tay du côn tụ họp lại đi bắt người bán thuốc, bán xôi chè, bún phở trong các khu nhà tập thể đóng tiền bảo kê. Vì muốn yên thân, những người buôn bán này chấp nhận nộp tiền. Sau thấy dễ nuốt, mấy tay “bộ đội” này tiến đến yêu cầu cao hơn, bắn đóng hụi chết cho những địa điểm người bán thuốc lậu vẫn đứng hoạt động. Đó có thể là cửa một cái siêu thị, một cái ngã tư, ngã năm sầm uất, miễn có nhiều người qua lại . Tiền bảo kê này dựa vào doanh số của khu vực đó. Ngày bán được nhiều sẽ đóng nhiều và ngược lại.

Bán thuốc hay bị bắt – số lượng nhỏ thì “vô tư đi”…

Trong số bộ đội làm nghề này nổi lên Nam “Động” và Tuấn “Hà Nội”. Kiếm tiền dễ, thấy bà con hiền lành dễ bắt nạt, mấy chú này bắt đầu làm càn. Đấm đá, chửi bới, trấn lột xảy ra như cơm bữa. Tức nước tất phải vỡ bờ, bà con tiểu thương (gọi thế cho nó lành mạnh) kiến nghị lên một số cốt cán người miền Trung đề nghị giúp dẹp đám thảo khấu đang tác oai tác quái này. Số cốt cán đa phần là những bộ đội phục viên, cựu công an cũng đang lêu lổng, đôi lúc cũng bị đám “bộ đội” Bắc kỳ đà cản mũi trong làm ăn. Nhóm này đứng lên lập hội Từ thiện, mục đích ban đầu cũng trong sáng như thời Xô viết Nghệ Tĩnh là đòi lại công bằng cho quảng đại quần chúng.

Vào một ngày đẹp trời, Nam “Động” vừa khệnh khạng xuống xe trước cửa một khu tập thể của người Việt ở Berlin thì bị bốn bàn tay cứng như thép khoá chặt hai bên. Một cú lê xiên thẳng vào bụng. Nam rũ xuống và bị kéo lê lên tầng hai khu nhà. Tại đây đã có một Thạch Sanh cầm rìu chờ sẵn. Một cú bổ của gã tiều phu này chẻ đôi phật thủ của tay giang hồ xóm, Nam giãy được mấy cái trên đống đậu Mơ nhầy nhụa rồi hồn du địa phủ.

Mấy hôm sau, đến ku Tuấn “Hà Nội” ăn trọn băng đạn AK lúc ngồi trong ô tô. Hai vụ này làm rúng động phe Hắc đạo Bắc kỳ. Mất cả đại đội trưởng lẫn chính trị viên trong tích tắc, phe Bắc kỳ tan rã và phía miền Trung lên ngôi. Bộ đội Bắc dạt về các tỉnh mai danh ẩn tích, nín thờ chờ thời. Berlin rơi hoàn toàn vào tay quân khu Bốn.

Gehrensee – một trong những nơi người Việt sống co cụm

Thiên hạ đã tưởng thế là thái bình đã trở lại, Bắc Trung Nam lại cùng ca bài như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Nhưng khi đã có “quyền bính” trong tay, người Việt đánh mất mình cũng nhanh như lúc tạo dựng tên tuổi. Băng miền Trung quay ra cắn xé, tranh giành lãnh địa làm ăn và phân hoá. Có đội thuộc Quảng Bình, đội Nghệ An, Hà Tĩnh. Rồi trong cùng một tỉnh cũng phân biệt đội Vinh, đội Thanh Chương… Đến bố ông Đinh Bộ Lĩnh sống dậy cũng không thể mời các hội này ngồi cùng mâm uống chén rượu kể cả vào ngày Quốc Khánh.

 Các băng nhóm miền Trung thống trị Berlin trong một thời gian khá dài. Những gương mặt tiêu biểu có thể kể đến Vân “bụng” (vụ Vân bụng bị hạ thủ đến giờ vẫn là một ẩn số), Tịu “híp”, Trị “bờm”, Hà “lì”… Sẵn tiền mua vũ khí (súng quân đội Nga bán ở chợ   đen như bán rau), em út từ quê sang tị nạn đông, cứ  vài chục người là lập thành băng, tha hồ tung hoành. Nhưng để nói đến mức độ tàn bạo chắc không ai qua được Lê Duy Bảo với biệt danh Ngọc Thiện. Sang Đức năm 1993, chỉ một thời gian sau băng Ngọc Thiện đã thâu tóm 2/3 thị trường thuốc lá lậu của người Việt tại Berlin. Đỉnh điểm là vụ hành quyết 6 người Việt trong một căn chung cư tại quận Marzahn. Tất cả đều bị bịt mắt và bắn vào đầu.

Vụ án này làm rúng động truyền thông và tốn không ít giấy mực của báo giới. Bắn giết trong cộng đồng người Việt là chuyện thường nhật. Đi karaoke, nhìn thằng bàn bên ngứa mắt, lôi ra cửa bắn. Đá bóng ở sân trại tị nạn, va chạm nhau, lập tức bỏ bóng… bắn người. Các sát thủ Việt học hỏi phim ảnh Hồng Kông quá nhiều, lúc hành quyết thường có những hành động kiểu Châu Nhuận Phát. Thế nên mới có vụ, chợ đang họp đông, một chú Việt Nam lê khẩu AK dài hơn người ra làm một tràng thị uy. Không dùng hàng nóng bao giờ, súng giật chú ngã lăn quay trên bãi cỏ. Rồi vụ năm chú đuổi bắn một chú như phim hành động. Đối phương ngã rồi, có chú còn tiến đến làm thêm phát vào đầu, coi như chốt hạ.

Sau vụ Ngọc Thiện, cảnh sát liên bang vào cuộc vì dư luận quá phẫn nộ. Cảnh sát  lập hẳn chuyên án về băng đảng người Việt gọi là Soko Vietnam. Các cuộc truy quét diễn ra rầm rộ, các nhân chứng được triệu tập. Có trường hợp công tố viện chấp nhận thay đổi danh tính, nhân thân, cấp quyền cư trú cho nhân chứng để họ mạnh dạn khai ra hung thủ. Côn đồ người Việt thật ra mới ở đẳng cấp lưu manh, sánh sao được với “phia” Nga, Ý. Bắt cho vài chục chú, giã mỗi chú 1,2 án chung thân. Thế là khai hết, đổ tội cho nhau, miễn thân mình thoát cảnh ngục tù. Các băng nhóm tan rã nhanh hơn vụ Cần Vương của cụ Phan!

Trung tâm Đồng Xuân -Berlin

Cũng từ giai đoạn này, nước Đức nới lỏng quy chế định cư cho người Việt. Miễn có nhà cửa đủ rộng, thu nhập đủ sống là được cấp phép cư trú. Có giấy tờ rồi, không còn là công dân hạng ba nữa, người Việt bước vào thương trường với tư cách khác. Nhiều người lập công ty, đưa hàng dệt may, thực phẩm từ Việt Nam sang bán. Hàng quay về ban đầu là xe IFA, máy móc, thiết bị cũ, sau đó đến hàng tiêu dùng, thiết bị cao cấp hơn. Học theo gương các “soái” Nga, Ba Lan,    người Việt tại Đức cũng mở chợ đầu mối, chuyên bán buôn. Có thể kể đến Vina Center ở Dresden của Dũng “con”, chợ Đồng Xuân của anh em Hiền “râu” tại Leipzig, chợ “Rhin 139” của chị Thắng. Mỗi chợ có từ vài chục đến tầm trăm quầy giao hàng. Nếu so với chợ Vòm bên Mát hoặc chợ sân vận động ở bên Vác thì quy mô kém xa. Dẫu sao người Việt đã bắt đầu có sân chơi riêng.

Từ chỗ phải đặt hàng hoặc mua lại từ Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, người Việt ở Đức đã mở xưởng may ở Việt Nam, tự thiết kế mẫu mã, chủ động tìm nguồn nguyên vật liệu để mở rộng sản xuất. Có những xưởng may ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định tạo ra công ăn, việc làm cho hàng nghìn người lao động. Hàng hoá tràn ngập trong các khu giao hàng. Đây cũng là lúc các đầu mối đưa hàng từ Ba Lan, Hungary… vào Đức bùng nổ. Điển hình là anh em Quân-Trường-Sơn tại Ba Lan (mà TSQ ở Hà Nội dân bất động sản nghe cũng thấy quen quen đấy). Ba anh em nhà này đã biến hoá hàng nghìn container hàng dệt may xuất xứ Việt Nam thành hàng Ba Lan (được ưu đãi thuế) tuồn vào Đức. Thế nên đã có vụ hải quan Đức bắt được nhiều công hàng nghi vấn có xuất xứ ngoài châu Âu. Kiểm tra, giám định chán không xác định được nguồn gốc. Chỉ đến khi họ đem mảnh giấy lót phía trong phần thêu của áo len đi dịch mới biết đó là xã luận báo Nhân dân của đảng cộng sản Việt Nam thì mọi việc mới vỡ lở.

Bước vào thế kỷ 21, mô hình kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Đức có thêm nghề mới: nghề làm móng – Nail. Người đưa nghề này vào Đức nghe thiên hạ đồn là Sơn Nail, một Việt kiều Mỹ. Đây được coi là ông tổ tạo ra nghề mài giũa cho hàng chục nghìn người đã và đang hành nghề khắp các hang cùng, ngõ hẻm ở Đức quốc xã. Người người cầm giũa, nhà nhà quét Gel. Có những ông nghề chính từ xưa đến nay là đi dán băng dính vào mồm thiên hạ (cướp), bẻ khoá, cậy cửa, nay cũng đi nâng niu bàn tay, bàn chân người Đức kiếm tiền. Từ chỗ chỉ làm móng, một số người thức thời chuyển sang buôn vật tư nghề nail và cũng tạo dựng nên tên tuổi như Cường Maika, Hà Nail, Luỹ Nhàn….

Quán Việt ở Berlin

Nhưng nghề làm người Việt có tiếng tăm trên nước Đức lại là nghề hàng ăn. Trước năm 2000, các quầy bán đồ ăn của người Việt chủ yếu bán mấy món cơm rang, mỳ xào theo dạng ăn nhanh. Lác đác có người mở quán thì cũng theo mô hình Tàu, nghĩa là đèn lồng treo cao, câu đối, long ly quy phượng, sư tử chầu ngoài cửa tiệm như sở thú. Sau đó người Việt tiến tới mở các chuỗi hàng ăn nhanh tại khắp các siêu thị lớn, nhà ga trên nước Đức.

Tiên phong cho trào lưu này phải kể đến Asia Goumet của chị Tâm “Koch”, sau này để lại cho vợ chồng con gái là Trà Thảo tiếp quản. Lúc đỉnh cao, gia đình chị Tâm có đến 80-90 quầy nằm ở những vị trí đắc địa nhất. Doanh số quầy này bù quầy kia cũng khoảng 3-4 nghìn Euro/quầy một ngày. Tiếp bước theo gia đình bà Tâm là vợ chồng Hùng Xuân với thương hiệu Asia Hung, số quầy và  doanh  thu cũng ngang ngửa. Có thể kể đến một vài tên tuổi khác như Thăng Long, Hùng Haiky, Cocos…

Sau làn sóng tiệm ăn nhanh, được sự tiếp sức của làn sóng du lịch của người Đức đến Việt Nam, chắp cánh bởi đường bay thẳng Hanoi-Frankfurt, HCMC-Frankfurt của Vietnam Airlines, người Đức đã biết đến nền ẩm thực “nói không với dầu hào” của con dân nước Việt. Đồ  ăn Việt tươi, nhiều rau và chủ yếu xào nấu trực tiếp. “Bóp chết” đồ ăn Tàu ở món nước mắm làm nên mùi vị đặc trưng, người Việt cũng thiết kế quán tiệm thật gần gũi với thiên nhiên, tận dụng tre, nứa trong thiết kế không gian bán hàng. Quán Việt mở ra với tốc độ chóng mặt, khách đông nườm nượp.

Nói đến Sushi, ai cũng hình dung ra một ông như Samurai đứng sau quầy múa dao, chạy bàn là mấy Kimono lả lướt. Thưa, hình ảnh đó Diễm rồi. Quán Sushi tại Berlin giờ nằm trong tay người Việt. Cũng vung dao chém miếng Sashimi thành thục như đàn anh ở Tokyo nhưng mồm vẫn điện thoại báo con đề về Hà Nội. Cá hồi, cá ngừ đại dương, cá tuyết cũng không còn là món hàng độc quyền của mấy ông Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả Đức. Công ty Le Seafood của Sơn “lim” đã phủ hàng kín Berlin. Xe giao hàng chạy như ong vỡ tổ.

Đào Minh Quang đang ký kết chương trình từ thiện

Cũng không có những cuộc dịch chuyển ngoạn mục về Việt Nam như anh Vượng Vin hoặc chí ít như anh Thân “địa chủ” chợ “Sân vận động”. Nước Đức chia đều cho số đông. Ai cũng có công ăn, việc làm. Nếu có chí, chăm chỉ thì có cuộc sống đủ đầy. Cái hay và cái dở của nước Đức nằm ở khâu phúc lợi xã hội. Ở đây không ai phải khúm núm trước một ông soái nào cả. Ông trả lương tử tế, tôi phục vụ ông. Bầy nhầy tôi lượn, việc đầy ngoài đường. Nhỡ có đau ốm, bệnh tật đã có bảo hiểm lo, thiếu tiền nhà thì xin trợ cấp xã hội. Trẻ con đi học không phải trả xu nào, cũng không có ngày 20/11 để bố mẹ đến xếp hàng ở cửa nhà thày cô. Hết giờ làm, đi nhậu có gặp sếp cũng chỉ Hello là xong. Sếp nhiều tiền dùng bò Kobe chiêu với Macallan thì lính cũng đủ tiền làm chai John đỏ với nồi chép om dưa. Cái dở của việc nhà nước bao cấp là nó làm cho người ta ù lì hơn, AQ hơn và kém năng động. Kiểu, kệ bố mày, mày cứ lo thân mày đi, tao đã có nhà nước lo.

Biểu tình trước cửa ĐSQ Trung Quốc tại Berlin

Bố mẹ Việt giống nhau ở đoạn nuôi dạy con cái. Ở Việt Nam thế nào thì ở Đức cũng vậy. Người Việt luôn đốc thúc con cái học hành, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ kế tục, đúng tinh thần con hơn cha nhà có phúc của ông bà để lại. Thế hệ 2 và 3 ở Đức đã có chỗ đứng trong xã hội. Nhiều tiến sỹ trẻ, thậm chí có hàm giáo sư đã xuất hiện. Vài nơi, người gốc Việt đã tham gia chính trường. Tất nhiên không tính đến ông Roessler, cựu chủ tịch đảng FDP, kiêm phó thủ tướng Đức vì ông này ăn khoai tây và Doener là chủ yếu, cội rễ bong tróc từ lâu rồi. Lứa trẻ cũng có định hướng riêng. Có người phàn nàn, em chuẩn bị 200 ngàn Euro cho con để nó mở quán, kiếm tiền cho nhanh. Ai ngờ nó bảo, quán con không cần, nếu bố cho con vay, con sẽ sang Anh làm tiến sỹ, sau này ra làm việc, chỉ 3, 4 năm con gửi lại bố. Kể cả trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, lứa trẻ gốc Việt cũng đóng góp nhiều gương mặt.

Tản mạn về nước Đức trước thềm Noel như vậy đã. Sẽ có dịp quay lại với nước Đức kỹ lưỡng hơn cùng bạn đọc. Covid 19 lại có biến thể mới, lịch tiêm chủng bắt đầu từ ngày 27.12.2020. Già tiêm trước, trẻ tiêm sau. Lứa người Việt đạt mức xưa nay hiếm ở Đức cũng chỉ như lá mùa thu. Đa phần còn trong lứa tuổi sung sức, còn phải bươn chải. Lúc dịch giã này, đã là người Việt thì dù uống nước sông Đuống hay nước sông Elbe, câu đầu tiên chúc nhau vẫn là “vạn sự an lành!”.

Chúc mừng năm mới 2021!

CHUYỆN CŨ VỀ “NEW”

Giới thiệu sách: Tập 4 “Người Đông Âu về Đông Anh”

Nước Đức ngày nay cũng có những người giàu. Hùng “Asia”, Tâm “Koch” rồi Hiền “râu” chủ chợ Đồng Xuân. Số người này đều là triệu phú lớn. Tất nhiên không thể so sánh với các “đại nguyên soái” ở Nga, Ba Lan. ..vì đặc thù xã hội. Phúc lợi xã hội cao, ai cũng đủ cơm ăn áo mặc. Không có kiểu một người nói vạn người nghe như bên mấy nước Đông Âu. Họ chỉ âm thầm gây dựng. Cũng có vài nhân vật đầu tư sớm vào bất động sản Việt Nam và có cỡ 100 triệu USD. Con số này so với anh Vượng là “muỗi”. Cái muốn nói đến là một vài nhân vật từ thời DDR đã có tiếng, trở về Việt Nam cũng ba chìm bẩy nổi chín lênh đênh mà vẫn có chỗ đứng riêng…

Ở Việt Nam, nhiều người biết đến vũ trường New Century lừng lẫy một thời. Nhưng chắc ít người biết là hai ông chủ của cái sàn đình đám này lại từ Đông Đức trở về. Đó là Thái “còm” và Dương “con”. Thái và Dương sang Đức năm 1982. Thuở ấy Đông Đức khá là hào nhoáng so với xứ Đông Dương đang trên bờ vực thẳm. Cả 2 đều là dân xuất khẩu lao động. Thái về Coswig cạnh Dresden. Đội trưởng là Liêm “gù”, em ruột đại gia Dũng “tăm” (VIT) bây giờ. Thái bắt đầu sự nghiệp buôn lậu bằng nghề đổi USD. Nơi giao dịch là quán bar Bastein tại Dresden. Nguồn cung là tụi sinh viên Algérie và Libya… Khách hàng chủ yếu là người Việt Nam và Ba Lan. Năm thì mười họa có ông chặt mía (Cuba ) ra đổi vài cắc …mua xà phòng Fa cho chị em Đông Đức cọ bím. Đến năm 1986 tại Đông Đức rộ lên trào lưu buôn computer từ West Berlin sang, bán lại cho các cửa hàng đồ cũ. (An und Verkauf ). Máy thuộc loại hàng chợ. Schneider 1512, 1640 Amiga… Một chiếc mua vào cỡ 30 nghìn Mark bán đi 65 nghìn. Tóm lại là siêu lợi nhuận. Cả thanh RAM (ngày ấy chỉ có 64 Kb và to như cái ngăn kéo) cũng được giá lắm. Cơn mưa vàng này Thái và Dương không bỏ qua…

(Trích đoạn trong “Người Đông Âu về Đông Anh”)

6 nỗi sợ hãi của ông Tập và 3 cuộc đào thoát của quan chức ĐCSTQ

Ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đến gần. Nhưng điều kỳ lạ là bầu không khí lại vô cùng căng thẳng, như thể một đại sự sắp xảy ra. Theo báo cáo, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch duy trì sự ổn định. Quảng trường Thiên An Môn và các khu vực lân cận đang ở trong tình trạng nửa thiết quân luật.

Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov/Shutterstock).
Thượng Hải, Gia Hưng, Tỉnh Cương Sơn, Tôn Nghĩa, Diên An, Tây Bách Pha, Bắc Kinh đã nhận được thông báo mới nhất từ ​​Bưu điện rằng tất cả chuyển phát nhanh tại 7 thành phố trên sẽ tạm ngưng. Máy bay không người lái bị cấm ở 9 quận của Bắc Kinh. Các mô hình bay, diều, khinh khí cầu, đèn trời và chim bồ câu ở quận Thông Châu, Thâm Quyến cũng bị cấm bay.

Cũng có một thông báo từ Chính quyền thành phố Bắc Kinh lan truyền trên Internet rằng họ sẽ thực hiện kiểm soát vô tuyến điện tại một số khu vực của Bắc Kinh vào ngày 1/7. Cư dân mạng cũng quay được cảnh hơn 200 chiếc xe buýt chở đầy lính tiến vào sân vận động Tổ chim (sân vận động quốc gia Bắc Kinh). Cư dân địa phương cho biết cảnh báo này là rất hiếm gặp kể từ khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực của mình.

Bà Thái Hà, một giáo sư đã nghỉ hưu của Trường Đảng Trung ương, viết trên Twitter rằng ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm thành lập và điều này giống như một thảm họa. ĐCSTQ có súng, có tiền và có camera giám sát công nghệ cao trong tay, muốn bắt ai thì bắt người nấy, muốn phong tước hiệu cho ai thì phong cho người nấy. Vậy thì họ đang sợ điều gì?

Nhưng nghĩ kỹ lại, vì sao ông Tập Cận Bình lại không sợ cho được.

Thứ nhất, sợ bị các quan viên mình bức hại trả thù. Hàng triệu quan chức ĐCSTQ đã bị hạ bệ vì tội danh tham nhũng, người thì nhảy lầu, kẻ thì uống thuốc độc, người lại đâm vào tàu hỏa, kẻ phải đi tù. Họ và người thân, bạn bè của họ lẽ nào sẽ không báo thù?

Thứ hai, sợ dân oan. Có hàng chục triệu người khiếu kiện ở Trung Quốc, và Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là thời điểm thích hợp để họ kêu oan. Mỗi chuyến viếng thăm, ông Tập Cận Bình đều được những người thỉnh nguyện ở nước ngoài ‘tiếp đón’, và trí nhớ của ông vẫn còn nguyên vẹn.

Thứ ba, sợ người dân trong xã hội trả thù. Trung Quốc không có tự do ngôn luận cũng như độc lập về tư pháp, người dân không thể tìm được chỗ để nói lý, và thường xuyên xảy ra các vụ trả thù xã hội.

Thứ tư, sợ bị ám sát bằng máy bay không người lái. ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để giám sát người dân. Nhưng họ cũng sợ rằng công nghệ cao sẽ gây tổn hại cho chính mình. Giờ đây, các thế lực thù địch ở nước ngoài binh hùng tướng mạnh, ông Tập sẽ không khỏi rùng mình khi nghĩ đến việc tướng Iran Soleimani bị chặt đầu bởi một tên lửa hình lưỡi dao.

Thứ năm, sợ bóng sợ gió. Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường từng người một đều gặp phải những kẻ hai mặt. Nói không chừng, tiệc mừng 100 năm lại trở thành ‘Hồng Môn Yến’ (đảo chính).

Thứ sáu, sợ binh lính có vũ trang. Trong số những kẻ này, ai biết được liệu có còn sót lại những kẻ nghịch tử như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Phòng Phong Huy, Trương Dương hay không. Nói tóm lại, nghĩ đến Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, ông Tập Cận Bình không khỏi cảm thấy âu lo.

Nhưng điều mà ông Tập Cận Bình thực sự e ngại không chỉ là những điều này, còn có những quan chức cấp cao đào tẩu mà Mỹ chưa công khai. Tất nhiên ông Tập Cận Bình biết mình là ai và sóng gió sắp ập đến. Nhiều người nói rằng Tập Cận Bình tham lam quyền lực và ông sẽ tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Nhưng ông Tập lại phàn nàn rằng có quá nhiều người muốn giết ông, ai có thể bảo vệ ông nếu ông không được bầu lại?

Không có gì lạ khi nói về vụ đào tẩu của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Trước đó, trong nội bộ ĐCSTQ đã có ông Cố Thuận Chương đào tẩu. Sau đó là ông Du Chấn Thanh, anh trai của ông Du Cường Thanh, Cục trưởng Cục Tình báo Bắc Mỹ lúc đó. Những vụ đào tẩu của các quan chức dưới cấp cục thì không đếm xuể. Tuy nhiên, trong số những quan chức cấp cao đào tẩu có thể giáng một đòn nặng nề vào ĐCSTQ chỉ có 3 người.

Kể chuyện giết cả nhà kẻ phản bội, ĐCSTQ muốn đe dọa người đào tẩu?

Đầu tiên, là vụ đào tẩu của Lâm Bưu
Ngày 13/9/1971 là một ngày đặc biệt đối với Trung Quốc. Vào ngày này, Lâm Bưu, đồng chí thân cận nhất của Mao Trạch Đông và người kế nhiệm của quốc gia, đã dẫn theo người vợ Diệp Quần và con trai Lâm Lập Quả, bỏ trốn trên chiếc phi cơ Đinh ba số 256. Sau đó máy bay bị rơi tại Chinggis, Mông Cổ, và họ đã thiệt mạng. Đây được gọi là “Sự cố ngày 13/9” trong lịch sử.

Ông Diêu Văn Nguyên cho biết trong hồi ký của mình rằng khi Mao Trạch Đông biết tin Lâm Bưu đã bỏ trốn khỏi Liên Xô bằng máy bay, ông ấy còn không tin. Mao Trạch Đông đã nhờ Chu Ân Lai tìm hiểu thêm. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ từ khi nhận được tin Lâm Bưu đã bỏ trốn bằng máy bay và lính canh không tìm thấy Lâm Bưu, khi Chu Ân Lai báo cáo lần thứ ba, Mao Trạch Đông vẫn bán tín bán nghi. Ông nói với các Ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại đó rằng: Lâm Bưu sợ tôi sẽ không thể giữ lại ông ấy nên đã rời đi.

Mao nhìn lên trần nhà thở dài và nói: “Cao thủ, quả là cao thủ! Ta đã bị ông ta lừa dối suốt 22 năm. Các ông đều bị lừa dối! Sau này không được tự cho mình là kẻ sáng suốt!”. Mao Trạch Đông cũng chỉ vào Chu Ân Lai và Giang Thanh và mắng rằng: “Một người là thủ tướng và một người là vợ tôi đều nâng phó chủ tịch lên cao như trời. Tôi cũng đã bị các người lừa dối”. Sau vụ Lâm Bưu, suốt một thời gian tinh thần của Mao Trạch Đông khá hoảng loạn. Ông ném đồ đạc, chửi bới mọi người, và đuổi các nhân viên xung quanh mình.

“Biên bản của Công trình ngày 1/5” mà sau đó Mao Trạch Đông đã chỉ định công bố thậm chí còn gây ngộ nhận cho người Trung Quốc. Lâm Lập Quả, con trai của Lâm Bưu, đã mô tả “vị lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông như thế này: “Ông ấy là một kẻ đa nghi và thích ngược đãi người khác. Triết lý trừng trị người khác của ông ta, một là không làm gì cả, hai là không dừng tay. Những người mà ông ấy muốn trừng trị, từng người một đều bị dồn vào chỗ chết thì ông ta mới dừng tay. Một khi đã đắc tội thì sẽ đắc tội đến cùng và còn vu oan giá họa cho người khác. Nói thẳng ra, từng người một bị xoay như chong chóng và gục ngã dưới tay ông ấy. Kỳ thực họ đều là những con dê thế tội của ông ta.”

Đinh Khải Văn, một chuyên gia về lịch sử Cách mạng Văn hóa, chỉ ra rằng “Sự kiện 13/9” đã làm gián đoạn quá trình trừng trị thuộc hạ của Mao Trạch Đông, phá vỡ huyền thoại về Mao và đưa Cách mạng Văn hóa của Mao vào ngõ cụt.

Sau “Sự kiện 13/9”, Mao Trạch Đông phải xem xét lại chiến lược Cách mạng Văn hóa, giải phóng một lượng lớn cán bộ kỳ cựu, bổ nhiệm lại Đặng Tiểu Bình và những người khác, nhằm gieo mầm cho sự trở lại hoàn toàn của Cách mạng Văn hóa. Một số nhận xét cho rằng: “Cuộc đào tẩu của Lâm Bưu đã gây ra một phong trào giải phóng tư tưởng rộng khắp tại Trung Quốc. Mọi người bắt đầu nghi ngờ Mao, nghi ngờ tư tưởng của Mao, nghi ngờ hành vi của Mao, và nghi ngờ tư cách của Mao.”

Khác biệt trong di ngôn lúc lâm chung của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông
Thứ hai là vụ đào tẩu của Vương Lập Quân
Bạc Hy Lai đã từng là một nhân vật đình đám, rất có khả năng trở thành thành viên của Ủy ban thường vụ và cuối cùng thống trị thế giới, nhưng lại thân bại danh liệt khi đang ở đỉnh cao của quyền lực! Không chỉ thân bại danh liệt, bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai cũng bị kết án tử hình treo, và con trai Bạc Qua Qua cũng lưu lạc tại nước ngoài.

Sự thất bại của Bạc Hy Lai có liên quan mật thiết đến việc Vương Lập Quân đào tẩu. Vương Lập Quân đã nói trực tiếp với Bạc Hy Lai vào tháng 1/2012 rằng anh ta có bằng chứng về việc bà Cốc Khai Lai đã giết doanh nhân Neil Heywood. Sau khi nghe điều này, Bạc Hy Lai đã rất tức giận và tát Vương. Cái tát này khiến Vương Lập Quân cuối cùng cũng rút khỏi ‘chiến xa’ của Bạc Hy Lai. Ngày 6/2, anh ta đã bỏ trốn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, cách đó 300 km.

Nhìn lại con đường thành bại của Bạc Hy Lai, cần phải nói rằng Bạc Hy Lai đã nhìn thấy những vấn đề xã hội nghiêm trọng do 30 năm cải cách và mở cửa mang lại, như nạn tham nhũng, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Vậy nên ông ta muốn mượn oai hùm của Mao Trạch Đông để diễn một vở kịch lớn. Mục đích của ông ta là xóa bỏ địa vị thái tử của ông Tập Cận Bình và thay thế bằng một thế hệ tiểu yêu mới.

Mặc dù Bạc Hy Lai có cả sự ủng hộ của bè phái Mao Trạch Đông và lại mang huyết thống thế hệ đỏ thứ hai, cũng như sự ủng hộ trong nội bộ của Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, nhưng đáng tiếc là ông ta đã lạc vào đường tà, đi lệch khỏi giá trị phổ quát của nhân loại.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng trường hợp của Bạc Hy Lai một lần nữa nói với mọi người rằng chừng nào các chính trị gia không tuân theo xu thế chung, họ chắc chắn sẽ thất bại. Dẫu thành công nhất thời, thì cuối cùng chắc chắn họ vẫn sẽ thất bại. Trên khắp thế giới, các nhà độc tài ngang ngược và bất khả chiến bại như Hitler, Mussolini, Saddam Hussein và Gaddafi cuối cùng đều bị các xu thế lịch sử vứt bỏ.

Cuộc đào tẩu của Vương Lập Quân đã mở ra bức màn đen về cuộc đấu tranh quyền lực sinh tử trong nội bộ ĐCSTQ. Những chiến dịch ‘hát đỏ đánh đen’ (hát nhạc cách mạng, đánh đổ các thế lực đen tối) “lý tưởng cách mạng cao hơn trời” chẳng qua chỉ là thủ đoạn của những kẻ cuồng chính trị, nhằm đánh lừa người dân mà thôi.

Thứ ba là vụ các quan chức cấp cao đào tẩu sang Mỹ
Gần đây, Tucker Carlson, người dẫn chương trình đài “Fox News” của Mỹ, tuyên bố trong chương trình rằng cộng đồng tình báo Mỹ đã tiết lộ một “người đào tẩu cấp cao nhất của Trung Quốc” trong lịch sử đã đến Mỹ và hợp tác với Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) trong 3 tháng. Mỹ tiết lộ về “chương trình vũ khí đặc biệt” của Trung Quốc, trong đó có “chương trình vũ khí sinh học.” Cơ quan Tình báo Quốc phòng không báo cáo kẻ đào tẩu, nhưng giữ bí mật trong nội bộ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Quốc gia.

Được biết, kẻ đào tẩu là ông Đổng Kinh Vĩ, Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ. Tuy nhiên, ngày 18/6, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã gửi một thông điệp nhằm “bác bỏ tin đồn.” Bất kể người này có phải là ông Đổng Kinh Vĩ hay không, dựa trên các báo cáo từ nhiều kênh truyền thông Mỹ, có một sự thật là các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã mang thông tin tuyệt mật liên quan đến “virus corona mới” đào tẩu sang Hoa Kỳ.

Khi ĐCSTQ che giấu dịch, một trận đại dịch đã lây lan từ Vũ Hán ra toàn thế giới. Tính đến ngày 21/6/2021, 179 triệu người đã nhiễm bệnh và 3,88 triệu người đã chết tại 192 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, virus biến thể Delta của Ấn Độ đã lây lan đến hơn 80 quốc gia và khu vực. Nhiều người có thể bị nhiễm hoặc tử vong trong tương lai.

Theo nội dung mà Fox News tiết lộ, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã tiết lộ với Hoa Kỳ về “chương trình vũ khí đặc biệt” của Trung Quốc, gồm cả “chương trình vũ khí sinh học”. Viện Y tế Quân đội Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm xác nhận với Cơ quan Tình báo Quốc phòng rằng thông tin do những người Trung Quốc đào tẩu cung cấp “mang tính kỹ thuật rất cao”.

Nếu thông tin tình báo của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ có thể chứng minh rằng virus viêm phổi Vũ Hán có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, thậm chí chiến tranh sẽ có thể nổ ra. Đây sẽ là một thảm họa đối với ĐCSTQ. Ngay cả khi không thể chứng minh được rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì tội ác của ĐCSTQ trong việc che giấu dịch bệnh và bí mật nghiên cứu vũ khí sinh học sau khi dịch bùng phát là không thể phủ nhận.

Bình luận viên Lương Kinh chỉ ra rằng liên kết chuỗi sự kiện thời sự lớn gần đây, ông tin nhiều người sẽ thấy rằng diễn biến của tình hình có thể sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều so với dự kiến. Logic chung có thể là thế này: Thông tin tình báo do những nhân vật quan trọng đào tẩu khỏi ĐCSTQ mang lại, đã gây chấn động nghiêm trọng cho Hoa Kỳ. Việc này sẽ khiến Hoa Kỳ nhận ra rằng mối nguy hiểm mà ông Tập Cận Bình mang lại cho Hoa Kỳ và trật tự thế giới không chỉ vượt khỏi đánh giá ban đầu, mà còn cấp thiết hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất là khi đối mặt với tình báo mới, Hoa Kỳ không còn có thể đối phó với thuyết virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm như một nhận định có khả năng thấp. Hễ Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn trong việc truy xuất nguồn gốc virus, điều này chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện trước đó.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả là bị thế giới cô lập nếu từ chối cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus. Ý nghĩa quan trọng nhất của cảnh báo này là, Hoa Kỳ hoàn toàn hiểu rằng ông Tập Cận Bình không thể chấp nhận một cuộc điều tra quốc tế thực sự. Họ cũng biết tại sao ông Tập Cận Bình lại từ chối một cuộc điều tra quốc tế.

Tổng kết lại, trong lịch sử 100 năm của ĐCSTQ, vô số cán bộ, đảng viên đã bỏ nơi hắc ám về nơi tươi sáng. Nhưng có 3 vụ đào tẩu thực sự đã giáng một đòn nặng nề vào ĐCSTQ. Cuộc đào tẩu đầu tiên của Lâm Bưu, sự kiện “ngày 13/9”, đã làm phá sản cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng, đồng thời đánh thức vô số người Trung Quốc về mặt chính trị, đặt nền móng cho công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc.

Cuộc đào tẩu lần thứ hai của Vương Lập Quân đã khiến mô hình Trùng Khánh của Bạc Hy Lai bị phá sản và phơi bày nền chính trị đảng phái của ĐCSTQ ra thế giới.

Vụ đào tẩu lần thứ ba của một quan chức cấp cao của ĐCSTQ xảy ra trong thời kỳ thế giới phương Tây đang thức tỉnh. Chủ nghĩa toàn trị của ông Tập Cận Bình đã gặp phải một trở ngại lớn. Nếu việc truy tìm nguồn gốc của virus Vũ Hán được xác minh là do rò rỉ từ Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán và ĐCSTQ đã nghiên cứu vũ khí sinh học, thì điều này sẽ tạo ra một làn sóng khiển trách quốc tế và thậm chí là chiến tranh. Hiện nay, Liên minh Dân chủ Phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tập hợp lại, nhưng Trung Quốc hiếu chiến đã lâm vào tình cảnh bi đát bị cô lập và bất lực.

Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Ảnh đẹp mê mẩn về Huế, Đà Nẵng năm 1967 của Winfield Parks

Những khung hình tuyệt đẹp về Huế và Đà Nẵng năm 1967 do tay máy người Mỹ Winfield Parks thực hiện sẽ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Ảnh đẹp mê mẩn về Huế, Đà Nẵng năm 1967 của Winfield Parks

Toàn cảnh kinh thành Huế năm 1967 nhìn từ máy bay. Vùng đất hình đa giác phía dưới là đồn Mang Cá.

Bình minh trên sông Hương.

Một góc sông Hương nhìn từ máy bay với chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền.

Hai thiếu nữ áo dài trên ghềnh đá sông Hương.

Lăng vua Minh Mạng nhìn từ máy bay.

Sương sớm trên cánh đồng ở Huế.

Đà Nẵng năm 1967 nhìn từ ngoài biển.

Đôi ủng mới tinh và bếp dầu của lính Mỹ được bày bán trên vỉa hè đường phố Đà Nẵng.

Vùng nông thôn Đà Nẵng nhìn từ máy bay.

Theo Red Vietnam