Chợ nổi qua lăng kính của du khách Tây

CẦN THƠ

Yêu thích những khu chợ nhộn nhịp trên sông, Sebastian Hanke đã ghi lại những hình ảnh sinh động, chân thực qua góc chụp trên cao.

Nhiếp ảnh gia Sebastian Hanke mang 2 dòng máu Đức – Mexico đã có chuyến thăm thành phố miền Tây, vào những ngày đầu năm 2020.

Sebastian chia sẻ, ngồi ghe quanh các kênh, rạch tham quan chợ nổi là một trải nghiệm độc đáo. “Cuộc sống trên sông vô cùng sôi động và náo nhiệt, nhất là khi sáng sớm. Tôi đã rất thích thú để xem bằng cách nào con sông có thể trở thành một khu chợ nhộn nhịp với tiểu thương từ khắp nơi kéo đến”, anh nói.

Nằm trên sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng và Phong Điền là tụ điểm của hàng trăm ghe, thuyền đến đây buôn bán mỗi ngày. Đây cũng là một trong những văn hóa đặc trưng của vùng sông nước, thu hút du khách tham quan.

Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km và mất 30 phút di chuyển bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Chợ Phong Điền cách thành phố khoảng 17 km về hướng đông nam. Từ chợ Cái Răng, bạn có thể thuê ghe để đến thẳng chợ Phong Điền.

Các con sông có vai trò thiết yếu trong cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng kết nối các thành phố, làng mạc, thị trấn, cho phép người dân di chuyển và mua bán dễ dàng hơn.

Ở đây, ghe và thuyền là phương tiện để vận chuyển hàng hóa và di chuyển. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, chủ yếu là các loại hoa quả.

Trên mũi ghe, những cây sào đóng vai trò là biển giới thiệu. Nhìn các loại thực phẩm được treo trên đây, bạn có thể biết ghe đang cung cấp, bán sản phẩm nào.

Mỗi chiếc ghe là một cửa hàng di động. Không chỉ mua bán thực phẩm, bạn có thể trải nghiệm ẩm thực ngay trên sông với nhiều hàng quán trên ghe, thuyền.

Không bàn ghế cầu kỳ, người đi chợ vẫn có thể thưởng thức những món ăn dân dã.

Chợ nổi thường họp từ 5h, nhộp nhịp nhất khi mặt trời lên lúc 5h30 – 6h rồi vãn dần từ 8h. Du khách thường đến đây từ sáng sớm để đón bình minh và cảm nhận hơi thở cuộc sống sông nước của người dân miền Tây.

Sebastian cho biết, chợ nổi là một trong những địa điểm ấn tượng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của anh. Anh cũng rất thích thú với những món ăn ngon và ấn tượng với sự thân thiện, dễ mến của người dân nơi đây.

Trung Nghĩa

Ảnh: Sebastian Hanke / Zing

Quan điểm tình yêu của triết gia nổi tiếng

Các triết gia nổi tiếng nhất là những người luôn chiêm nghiệm về các câu hỏi xung quanh cuộc nhân sinh. Và tình yêu cũng là một trong những vấn đề như vậy.1. Lev Tolstoy: “Tình yêu không hiện hữu. Chỉ hiện hữu nhu cầu sinh lý về cơ thể và nhu cầu thuần lý về một người bạn đời”. Lev Tolstoy, vị triết gia và nhà văn lớn của nước Nga đã dành cả tuổi thanh xuân để yêu đương. Cuối cùng, khi đã kết hôn, ông lại làm tổn thương người phụ nữ ấy khá nhiều. Chỉ tới cuối đời khi để lại dòng thư cuối cùng ông mới thừa nhận mình yêu bà.

tinh yeu anh 1
1. Lev Tolstoy: “Tình yêu không hiện hữu. Chỉ hiện hữu nhu cầu sinh lý về cơ thể và nhu cầu thuần lý về một người bạn đời”. Lev Tolstoy, vị triết gia và nhà văn lớn của nước Nga đã dành cả tuổi thanh xuân để yêu đương. Cuối cùng, khi đã kết hôn, ông lại làm tổn thương người phụ nữ ấy khá nhiều. Chỉ tới cuối đời khi để lại dòng thư cuối cùng ông mới thừa nhận mình yêu bà.
tinh yeu anh 2
2. Ayn Rand: “Để nói câu “Tôi yêu anh” trước hết người ta phải biết cách nói “tôi” thế nào đã”. Tác giả của Suối nguồn cho rằng để yêu được người khác, họ phải yêu chính mình trước đã. Cuộc hôn nhân cũng như tình trường phức tạp của Ayn Rand càng cho thấy rõ ràng quan điểm ấy. Ayn có một người tình trẻ nhưng bất chấp điều đó, bà vẫn muốn chồng chịu đựng cuộc hôn nhân này.
tinh yeu anh 3
3. Albert Camus: “Sự lôi cuốn, hôn nhân, và sự chung thủy, trở thành những từ đồng nghĩa với sự trói buộc”. Vị triết gia người Pháp Albert Camus nổi tiếng với triết học về sự phi lý. Ông cho cuộc sống này là vô nghĩa vì cái chết là không thể tránh được. Nhiều người cho rằng Albert Camus đã có những quan niệm tiêu cực về tình yêu sau cuộc hôn nhân thất bại với người vợ đầu tiên.
tinh yeu anh 4
4. Fyodor Dostoyevsky: “Tình yêu trong đời thực là một điều phũ phàng và kinh khủng, so với tình yêu trong mộng tưởng.” Nhà văn vĩ đại với tư tưởng hiện sinh của thế kỷ 20 Fyodor Dostoyevsky cũng không tránh khỏi những mối tình bi đát.
tinh yeu anh 5
5. Jean-Jacques Rousseau: “Tình yêu đích thực là cái gì nếu nó không phải là ảo tưởng? Nếu chúng ta thấy điều ta yêu đúng như chân tướng của nó, thì sẽ không còn tình yêu trên trái đất nữa”. Dù có những câu nói rất chí lý về tình yêu, những sáng tác tuyệt vời về đôi lứa, cuộc đời của vị triết gia Pháp lại đi ngược với những gì mà ông đề cập.
tinh yeu anh 6
6. Jean-Paul Sartre: “Dĩ nhiên, có những phụ nữ xấu, nhưng tôi thích những phụ nữ xinh đẹp hơn”. Triết gia hiện sinh chủ nghĩa của Pháp Jean-Paul Sartre thích tự gọi mình là “Don Juan trong giới văn chương”. Nhưng từ thuở đi học, ông đã bị các cô gái khước từ và thậm chí là từng hủy hôn.
Na Y / Zing

Milton Friedman và tư duy kinh tế học đương đại

Có thể nói, không có một nhà kinh tế học nào khác kể từ thời của Keynes định hình lại cách nghĩ về kinh tế học như Milton Friedman (1912-2006). Bằng phạm vi của những chủ đề và tầm quan trọng trong những ý tưởng của ông, Friedman không những đã đặt nền tảng cho kinh tế học đương thời mà ông còn xây dựng nó trở nên vững chắc.

Milton Friedman và tư duy kinh tế học đương đại

Milton Friedman sinh ngày 31/7/1912 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông là con út, và là con trai duy nhất trong gia đình 4 con của bà Sarah Ethel (Landau) và ông Jeno Saul Friedman. Bố mẹ ông sinh ở Carpatho-Runthenia (sau trở thành một tỉnh của Áo – Hung; rồi thành một phần của Czechoslovakia , rồi lại thành một tỉnh của Liên Xô cũ). Họ di cư sang Mỹ lúc còn trẻ, gặp nhau ở New York. Khi ông được 1 tuổi, bố mẹ ông chuyển đến Rahway, New Jersey, một thị trấn nhỏ nằm cách thành phố New York khoảng 20km. Ở đó, mẹ ông mở một cửa hàng bán hàng khô, bố ông tham gia vào một công việc đầu cơ mạo hiểm, đây là một công việc mà tỷ lệ thất bại rất lớn và ông cũng là một trong số đó. Thu nhập gia đình ít mà độ rủi ro cao; thâm hụt tài chính trong gia đình xảy ra như cơm bữa. Tuy thường xuyên không đủ ăn nhưng không khí gia đình vẫn đầm ấm.

Ông được học bổng vào đại học Rutgets (hồi đó, nó là một trường tư nhỏ và vượt trội hơn các trường khác, nhận được một khoản tài trợ nhỏ của bang New Jersey, được biết đến như là một khoản học bổng). Ông tốt nghiệp Đại học Rutgets năm 1932, phần còn lại của học phí, ông kiếm được bằng cách làm nhân viên chạy giấy, nhân viên ở một cửa hàng nhỏ, đầu cơ liều lĩnh vào một số công ty và khoản làm thêm hè. Đầu tiên, ông theo học ngành Toán, định trở thành chuyên viên tính toán rủi ro. Ông đã làm một số bài thi về môn này, đỗ có, trượt cũng có. Tuy nhiên, ông trở nên quan tâm đến Kinh tế học, và thậm chí kết thúc khoá học với cả hai bằng.

Trong ngành Kinh tế học, ông có cơ may được hai người đàn ông ưu tú giúp đỡ, đó là Arthur F. Burns, sau này dạy trường Rutgers khi ông đang làm luận án Tiến sỹ tại Columbia; và Homer Jones, tốt nghiệp và dạy tại trường Đại học Chicago. Arthur Burns định hình cho sự hiểu biết của ông trong nghiên cứu môn Kinh tế học, giới thiệu cho ông những tiêu chuẩn khoa học cao nhất, và trở thành người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông sau này. Homer Jones giới thiệu cho ông những học thuyết kinh tế chính xác, làm cho môn Kinh tế học trở nên thú vị và xác đáng, và khuyến khích ông tiếp tục nghiên cứu cho đến khi tốt nghiệp đại học. Nhờ sự tiến cử của Arthur Burns, khoa Kinh tế học của trường đại học Chicago đã trao cho ông một xuất học bổng. Cùng lúc này, ông lại có một xuất học bổng của trường đại học Brown cho môn Toán học ứng dụng, nhưng ông đã quyết định giành cuộc đời mình cho Kinh tế học. Arthur Burns và Homer Jones ngày nay vẫn là những người bạn thân thuộc và được ông quý trọng nhất.

Mặc dù năm 1932-1933, năm đầu học tại Đại học Tổng hợp Chicago là năm khó khăn nhất đối với ông, nhưng nó vẫn mở ra một thế giới mới. Jacob Viner, Frank Knight, Henry Schultz, Lloyd Mints, Henry Simons và một nhóm sinh viên đã tốt nghiệp xuất sắc từ khắp nơi trên trái đất giới thiệu ông với toàn thế giới và tạo ra một bầu không khí sôi nổi theo kiểu mà ông chưa bao giờ thấy. Ông không bao giờ tìm lại được không khí này nữa. Năm 1933, ông nhận được bằng thạc sỹ kinh tế.

Về phía Milton Friedman, sự kiện quan trọng nhất đối với ông của năm này là ông gặp một người phụ nữ đã “hạ gục” ông, đó là Rose Director. Họ cưới nhau sau đó 6 năm, khi sự lo lắng về nơi ăn chốn ở đã bị xua tan và sau đó, họ sống rất hạnh phúc. Rose như một đối tác của ông trong mọi nghiên cứu từ lúc đó.

Nhờ vào tình bạn của Henry Schultz với Harold Hotelling, năm sau ông nhận được học bổng của trường Đại học Columbia . Năm học ở trường Columbia đã mở ra cho ông một chân trời mới. Harold Hotelling làm thống kê những học thuyết kinh tế của Jacob Viner: toàn bộ học thuyết là một khối thống nhất, logic với nhau, không sắp xếp như công thức trong cuốn sách dạy nấu ăn. Ông cũng giới thiệu Friedman môn toán kinh tế chính xác. Wesley C. Mitchell, John M. Clark và những người khác hướng ông theo kinh nghiệm và quan điểm về lý thuyết kinh tế khác xa với quan điểm kinh tế được dạy ở trường đại học Chicago. Ở đây cũng có một nhóm nghiên cứu sinh đặc biệt làm giáo viên rất hiệu quả.

Sau năm học ở trường Columbia, ông quay trở lại trường Chicago, bỏ ra 1 năm để hỗ trợ nghiên cứu của Henry Schultz, người mà sau này đã hoàn thành tác phẩm kinh điển của ông, “Nguyên lý và thước đo nhu cầu” (The theory and measurement of demand). Cũng vậy, Friedman có tình bạn bền vững với 2 nghiên cứu sinh, đó là George J. Stigler và W. Allen Wallis.

Allen là người đầu tiên đến với Chính sách Kinh tế xã hội mới ở Washington. Friedman theo chân ông và vào mùa hè năm 1935, làm việc ở Uỷ ban Nguồn lực quốc gia, chuyên nghiên cứu, phác thảo về ngân sách tiêu dùng. Đây là một trong hai yếu tố chủ yếu hợp thành cuốn sách sau này của ông mang tên: “Lý thuyết về chức năng của tiêu dùng” (Theory of the Consumption Function).

Từ năm 1941 đến 1943, tại cục dự trữ quốc gia, ông làm về chính sách thuế thời chiến, và năm 1943 đến 1945, tại trường đại học Columbia, trong một nhóm do Harold Hotelling và W. Allen Wallis lãnh đạo, ông làm người tính toán thống kê những mẫu thiết kế vũ khí, chiến lược chiến đấu và những thí nghiệm trong luyện kim. Khối lượng công việc thống kê toán của ông lên đến đỉnh điểm vào ngày chiến thắng phát xít Đức năm 1945.

Năm 1945, ông tham gia vào George Stigler tại Đại học Minnesota. Sau một năm ở đây, ông nhận lời vào dạy môn lý thuyết kinh tế tại đại học Chicago , một vị trí được Jacob Viners thành lập đầu tiên tại trường đại học Princeton . Ông giảng dạy ở đây cho đến lúc về hưu. Cùng thời gian đó, Arthur Burns, sau này là giám đốc nghiên cứu thuộc Hiệp hội kinh tế Mỹ thuyết phục ông làm thành viên Hiệp hội chịu trách nhiệm nghiên cứu về vai trò của tiền tệ trong kinh doanh.

Năm 1946, ông nhận bằng Tiến sỹ của trường đại học Columbia. Sự kết hợp của Trường đại học Chicago và Hiệp hội kinh tế mang lại hiệu quả rất lớn. Ở trường đại học Chicago, ông thành lập một “Khoa Tiền tệ và Ngân hàng”, nơi cho phép tích luỹ nhiều nghiên cứu về tiền tệ của nhiều người hơn là dự án của một người đơn lẻ. Ông có cơ may được làm việc với một số thành viên của hội này mà ông có thể tự hào phát biểu rằng trong đó bao gồm tất cả những người cộng tác hàng đầu về nghiên cứu tiền tệ như là sự phát triển nổi bật trong ngành khoa học 2 thập kỷ trước. Tại Hiệp hội kinh tế, ông nhận được sự giúp đỡ của Anna J. Schwartz, người rất hiểu biết về lịch sử kinh tế, và rất chịu khó chú ý vào từng chi tiết nhỏ, bổ sung cho những định hướng trong lý thuyết của ông. Công việc của ông về lịch sử và thống kê tiền tệ đã bổ sung cho cả kinh nghiệm nghiên cứu lẫn phát triển lý thuyết của ông trong hiệp hội tại trường đại học Chicago.

Mùa thu năm 1950, ông đi Paris trong vòng 3 tháng để làm đại diện của chính phủ Mỹ cố vấn về quản lý kế hoạch Marshall. Nhiệm vụ chính của ông là nghiên cứu kế hoạch Schuman, dự báo thị trường chung. Đó là nguồn gốc cho sự quan tâm của ông về thả nổi tỷ giá hối đoái. Một tác phẩm của ông về vấn đề này là “Vấn đề về tỷ giá hối đoái linh hoạt” (The case for flexible exchange rates).

Năm 1951, ông đạt được huy chương John Bates Clark cho thành tựu nổi bật của các nhà kinh tế tuổi dưới 40. Một bước ngoặt của ông vào năm 1957, cuốn sách “Lý thuyết về chức năng tiêu dùng” (A theory of the comsumption function) đã đưa ra ý kiến của những người ủng hộ học thuyết của Keynes rằng cá nhân và hộ gia đình điều chỉnh mức chi tiêu cho tiêu dùng của họ để phản ánh thu nhập hiện thời. Friedman chỉ ra rằng tiêu dùng hàng năm của mọi người là thứ mà mọi người mong muốn kiếm ra.

Đầu thập kỷ 60, ông gia tăng sự quan tâm cho công chúng, năm 1964, ông phụng sự cho Thượng nghị sỹ Goldwater với tư cách là cố vấn kinh tế khi ông không thành công lúc tranh chức tổng thống, và năm 1968, ông là một thành viên trong Ban cố vấn kinh tế cho việc tìm kiếm thành công trong việc tranh cử tổng thống của Richard Nixon.

Năm 1960, ông viết cuốn “Chương trình ổn định tiền tệ” (A program for monetary stabitity). Năm 1962, ông viết cuốn “Lý thuyết về giá cả: bài viết tạm thời” (Price theory: a provisional text) và cuốn “Tư bản và tự do” (Capitalism and freedom) – cuốn sách này ông viết cùng vợ mình, Rose D. Friedman. Trong cuốn sách này, ông đưa ra nghiên cứu của mình về kinh tế thị trường từ cao xuống thấp. Ông tranh luận rằng, giữa mọi vật khác, một người lính tình nguyện, thả nổi tỷ giá hối đoái, bãi bỏ bằng tiến sỹ, phủ nhận thuế thu nhập, và bỏ giáo dục. (Friedman chống đối tích cực với nhóm đặc biệt của quân đội: đã một lần ông tuyên bố rằng nhóm này chỉ phục vụ cho một cá nhân trong Quốc hội). Mặc dù sách của ông bán không chạy lắm, rất nhiều người trẻ tuổi đã đọc vì qua nó, họ được tiếp thêm kiến thức để học kinh tế học. Ý tưởng của ông được cả thế giới biết đến với cuốn “Tự do lựa chọn” (Free to choose) mà vợ ông là đồng tác giả. Đây là cuốn sách bán chạy nhất vào năm 1980, được viết cùng với xê-ri phóng sự trên TV trong Hệ thống truyền thông công cộng. Cuốn sách làm tên tuổi Milton Friedman trở nên quen thuộc với mọi người.

Mặc dầu ông có nhiều tác phẩm viết về thuyết giá cả – học thuyết giải thích giá tác động thế nào đến thị trường cá nhân – Friedman được coi như là người thiết lập nên chính sách tiền tệ. Thách thức Keynes và phần lớn những lý thuyết đã được thiết lập trong thời gian đó, Friedman trưng ra bằng chứng phản lại lý thuyến về số lượng của tiền tệ – lý thuyết này phát biểu rằng giá cả không phụ thuộcvào sức cung tiền. Trong tác phẩm “Nghiên cứu lý thuyết về số lượng tiền tệ” (Studies in the quantity of money), xuất bản năm 1956, Friedman nói rằng trong dài hạn, việc tăng cung tiền đẩy giá tăng lên nhưng tác động rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sản phẩm. Trong ngắn hạn, ông phản bác, việc tăng cung tiền dẫn đến tăng thất nghiệp và sản phẩm, và giảm cung tiền sẽ ảnh hưởng ngược lại.

Giải pháp của Friedman cho vấn đề lạm phát và dao động trong ngắn hạn của thất nghiệp và GNP thực được gọi là quy luật cung tiền. Nếu Cục dự trữ quốc gia yêu cầu tăng cung tiền cùng tỷ lệ với mức tăng GNP thực, lạm phát sẽ biến mất. Chính sách tiền tệ của Friedman đã được đặt lên hàng đầu khi năm 1963, ông và đồng tác giả Anna Schwartz tung ra tác phẩm “Lịch sử tiền tệ của Mỹ, 1867 – 1960” (Monetary history of the United States, 1867 – 1960). Cuốn sách đã nói rằng Đại suy thoái là kết quả của những quan điểm không đúng về chính sách tiền tệ của Cục dự trữ quốc gia. Tác giả đã đệ trình những quan điểm trên qua một bản thảo chưa được in ra, Cục dự trữ quốc gia phản ứng lại trong nội bộ với những quan điểm phê phán dài dòng. Sự phân hoá trong nội bộ còn thể hiện ở chỗ những thành viên của Cục điều tra liên bang không công bố tiếp biên bản cuộc họp ra công chúng. Thêm nữa, họ còn nhờ một người chống lại lịch sử (Elmus R. Wicker) viết một bài với hy vọng sẽ bôi xấu lịch sử tiền tệ.

Mặc dù rất nhiều nhà kinh tế học không đồng ý với ý kiến của Friedman về chính sách tiền tệ, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng nhất định trong nghề nghiệp. Một tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm là ảnh hưởng của nó làm thay đổi trong cách đối xử của chính sách tiền tệ được viết trong cuốn “Kinh tế học” – một cuốn sách bán chạy nhất năm đó- của một người ủng hộ học thuyết của Keynes là Paul Samuelson. Trong cuốn xuất bản năm 1948, Samuelson đã viết một cách tuỳ tiện rằng “một vài nhà kinh tế học coi chính sách tiền tệ của Cục dự trữ quốc gia như là một liều thuốc trị bách bệnh để điều chỉnh chu kỳ kinh doanh”. Nhưng năm 1967, Samuelson lại nói rằng chính sách tiền tệ có “tầm quan trọng” đối với tiêu dùng. Và trong cuốn sách xuất bản năm 1985, đồng tác giả với William Nordhaus ở đại học Yale lại viết “Tiền tệ là công cụ quan trọng và hữu hiệu nhất của những người làm ra chính sách kinh tế vĩ mô” và thêm rằng “đây là thành phần quan trọng nhất” trong việc hình thành chính sách.

Trong năm 1963, ông cũng viết tác phẩm “Lạm phát, nguyên nhân và hậu quả” (Inflation: Cause and Consequences). Năm 1966, ông bắt đầu viết một mục về tình hình thời sự kinh tế cho tạp chí Newsweek, luân phiên 3 tuần một lần cùng Paul Samuelson và Herry Wallich. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ là việc phụ. Ông vẫn khăng khăng từ chối một công việc lâu dài ở Washington . Vấn đề trên hết được ông quan tâm vẫn là cống hiến cho khoa học.

Trong những năm sau đó, từ 1968 đến 1984, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm khác có tầm ảnh hưởng rất rộng rãi đến nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Theo SAGA.VN

7 điều ngu muội trong ứng dụng phong thuỷ tại Việt Nam

Nhiều người đã đặt cược cả sự nghiệp vào những lời khuyên của “thầy phong thủy” nhưng không hề có bất cứ cam kết gì về hiệu quả công việc, đúng sai đều mang tính may rủi, kiểu “phúc chủ, lộc thầy”.

1. Không xác định rõ mục đích sử dụng

Mọi vấn đề, mọi giải pháp đều có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nên khi quyết định phương án hoặc giải pháp cho một công trình thì cần phải xác định rõ mục đích sử dụng của công trình đó.

Ví dụ mục đích nhà để ở sẽ phải quy hoạch khác với nơi công sở, văn phòng kinh doanh; nơi kinh doanh hàng chợ sẽ khác với nơi kinh doanh hàng cao cấp; nơi công quyền sẽ khác với công ty tài chính. Vì nhà ở cần sức khỏe, gia đình, công ty kinh doanh ưu tiên nhiều tiền, nơi công sở ưu tiên quyền lực.

Khi thiết kế nơi công quyền cần sắp đặt đề cao sự tôn nghiêm, nơi kinh doanh cần ưu tiên những thiết kế năng động, nhộn nhịp. Có như vậy mới tránh được trường hợp: vấn đề cần ưu tiên thì không đạt được, vấn đề không ưu tiên thì lại dư thừa.

Nơi công quyền thì tạp loạn, nơi kinh doanh thì lại quá tôn nghiêm và khi đó tất nơi kinh doanh sẽ thua lỗ vì vắng khách, nơi công quyền sẽ đổ vỡ vì tiêu cực.

2. Không ưu tiên cái lớn

Hiện nay quan niệm về phong thủy trong cuộc sống đa phần chỉ quan tâm đến hướng phù hợp với tuổi và các biện pháp trấn yểm, mà không ưu tiên những nguyên tắc quan trọng hơn, như vị trí địa lý, hình thái tổng thể – “nhất vị nhị hướng”.

Ví dụ, cho dù nhân viên có ngồi xoay hướng tốt đến mấy thì cũng không bằng giám đốc ngồi hướng xấu trong phòng riêng; hoặc cũng là biệt thự nhưng biệt thự ở thành phố sẽ khác biệt thự ở nông thôn; hoặc hình thái trang trí mặt tiền hoặc mái nhọn tam giác luôn là sự lựa chọn cho đại đa số những cơ quan tư pháp, hành pháp như công an, tòa án; hình thái vuông vắn cân đối luôn là sự lựa chọn cho đền đài, nhà tưởng niệm, cho dù bất cứ xoay hướng nào.

Nếu ví phong thủy như một cái cây thì mỗi một yếu tố sẽ có vai trò khác nhau. Vị trí địa lý (môi trường – cảnh quan) là yếu tố quan trọng nhất, nó giống như gốc cây.

Hình thái công trình (thiết kế kiến trúc) là yếu tố quan trọng thứ 2, giống như thân của một cái cây.

Các hình thức trấn yểm (cách tổ chức bày trí đồ vật trong không gian) là yếu tố quan trọng thứ 3, có tác dụng điều chỉnh những giá trị của địa hình hoặc hình thái kiến trúc, giống như cành, nhánh của cây.

Phương hướng là yếu tố quan trọng thứ 4, cho biết tố chất đặc trưng tiềm tàng của một công trình trong một giai đoạn nhất định, giống như ngọn cây.

Vậy nên cho dù ngôi nhà hướng tốt hay hướng xấu thì ở trung tâm TP.HCM vẫn có giá hơn ở Kiên Giang, Bến Tre. Hoặc một tòa nhà văn phòng có vị trí địa lý đẹp, kiến trúc phù hợp thì dù xoay hướng nào, bày trí đồ đạc trấn yểm ra sao thì cũng vẫn sẽ phát triển. Giống như cái cây dù có ngọn cao hay ngọn thấp nó cũng vẫn sống khỏe, thậm chí sau khi gẫy mọc ngọn khác còn cao hơn nếu như có gốc rễ tốt, thân cành tốt.

Vì vậy đối với mỗi công trình hay vấn đề của từng cá nhân thì đều phải ưu tiên tiêu chí từ lớn đến nhỏ, từ tổng quan đến chi tiết, ưu tiên vị trí rồi mới đến phương hướng.

3. Không phân biệt đúng giữa phong thủy và những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh…

Nhiều người đang nhầm lẫn giữa phong thủy và tâm linh, mê tín dị đoan như cúng bái, âm binh, bùa chú, đồng cốt hoặc ghán ghép phong thủy vào đủ thứ lĩnh vực không phải là ứng dụng của phong thủy như chọn sim số theo phong thủy, chọn tên theo phong thủy…

Hoặc hiểu sai về giá trị của phong thủy khi lưu truyền những tổng kết kiểu như “nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ phúc đức”, “mệnh ảnh hưởng 30%, vận 30%, phong thủy 30%”…

4. Cố chấp theo một định hướng

Một môi trường sống cũng như một con người, luôn thay đổi, chỉ có khác nhau về mức độ và thời gian.

Ví dụ với thế đất lớn như thành phố, thủ đô, đền đài miếu mạo thì sự bền vững có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm, còn với những thế đất nhỏ như công trình nhà ở thì có thể chỉ sau vài năm hoặc vài chục năm môi trường lại có sự biến đổi, tùy theo sự biến động của vỏ Trái đất hoặc môi trường xung quanh mà sự biến đổi đó có thể làm cho giá trị công trình xấu đi hoặc tốt hơn.

Ví dụ sự thịnh suy của một công trình có thể bị ảnh hưởng khi thay đổi nội thất trong nhà, hoặc nhà bên cạnh có sự thay đổi, đường giao thông phía trước mở rộng…

Mặc dù vậy nhiều người vẫn cho rằng một công trình chỉ cần thiết kế một lần là xong mà không hiểu rằng ngày hôm nay mô hình này tuy rất hợp nhưng một ngày nào đó có thể chỉ cần một sự thay đổi thì mọi việc sẽ khác.

Do cố chấp và không hiểu nguyên lý nên hệ quả là cả người sử dụng dịch vụ lẫn người cung cấp dịch vụ tư vấn phong thủy thường có tư duy nhất thời khi giải quyết vấn đề.

5. “Sùng ngoại” quá mức

Người Việt Nam do môi trường sống hạn hẹp nên tư tưởng thường có xu hướng “hướng ngoại”, tôn sùng, coi trọng “hàng ngoại” mà quên là hàng ngoại thì cũng có năm bảy loại, có thứ rất tốt như hàng Nhật nhưng có thứ chất lượng cũng rất kém không bằng một phần của hàng trong nước như hàng gia công của Trung Quốc, thậm chí còn độc hại.

Trong lĩnh vực phong thủy cũng vậy. Các quy luật vận động không thuộc về bất cứ sự sở hữu nào, mà tồn tại khách quan, do đó bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào cũng có thể nhận biết được miễn là có năng lực.

6. Không hiểu đúng giá trị phong thủy

Hiện nay có nhiều người tin vào quyền năng của phong thủy và khi có điều kiện thường tham vấn ý kiến “thầy phong thủy” về những quyết định quan trọng liên quan đến sự nghiệp, cuộc sống. Thậm chí là đặt cược cả doanh nghiệp chung và sự nghiệp riêng vào những giải pháp của phong thủy.

Nhưng ngoại trừ một số ít thực sự hiểu giá trị của phong thủy, còn lại phần lớn chỉ là niềm tin cảm tính. Vì vậy dẫn đến việc ứng xử với các chuyên gia tư vấn phong thủy phần lớn là theo kiểu “tùy tâm”, hoặc nếu không được miễn phí thì càng rẻ càng tốt, điều này đi ngược với nguyên tắc “có thực mới vực được đạo” và “cái gì dễ có được thì cũng dễ bỏ” (vì dễ dàng có được giải pháp nên người ta cũng coi thường những giải pháp đó mà không thực hiện một cách nhanh chóng, triệt để).

Hệ quả là có thể phần lớn chất lượng các dịch vụ phong thủy được cung cấp cũng chỉ mang tính chất “tùy tâm”.

7. Đặt cược vào “phong thuỷ niềm tin”

Kinh tế phát triển, xã hội đã hình thành nhu cầu sử dụng dịch vụ phong thủy giống như một trào lưu của xu hướng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Dẫn đến việc, ai cũng có thể gắn danh chuyên gia phong thủy miễn là làm cho người khác tin.

Nhiều người đã đặt cược cả sự nghiệp vào những lời khuyên của “thầy phong thủy” nhưng không hề có bất cứ cam kết gì về hiệu quả công việc, đúng sai đều mang tính may rủi, kiểu “phúc chủ, lộc thầy”. Người sử dụng dịch vụ dựa trên niềm tin, người cung cấp dịch vụ cũng dựa trên niềm tin nên không có sự cam kết trách nhiệm.

Hiện nay phong thủy tuy chưa được coi là một ngành nghề chính thống và có chế tài của pháp luật. Nhưng bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng nên có hợp đồng cam kết trách nhiệm, đó là biểu hiện của xã hội văn minh. Hợp đồng thỏa thuận sẽ hạn chế được những thiếu sót trong công việc, gắn kết trách nhiệm của các bên và đặc biệt là nâng cao tính chuyên nghiệp của hai chữ “phong thủy”, vì người tư vấn chỉ dám nhận việc khi thấy có thể làm được, còn nếu chỉ dựa vào sự may rủi thì sẽ không dám nhận.

Sự tồn tại của “phong thủy niềm tin” trong nhiều năm qua là một nghịch lý, vì một dịch vụ đắt đỏ và có giá trị ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của từng cá nhân nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung nhưng lại phát triển một cách tạp loạn, không phải nộp thuế và cũng không hề có bất cứ sự quản lý hay cam kết trách nhiệm nào.

Việc “phong thủy niềm tin” tham gia vào việc kiến tạo môi trường sống, môi trường làm việc đã khiến cho không chỉ cá nhân, gia đình đã phải trả giá, mà nhiều trường hợp hàng nghìn người chưa từng biết thế nào là phong thủy cũng đã bị ảnh hưởng liên đới khi lãnh đạo sai lầm do “phong thủy niềm tin”.

Nên, đã đến lúc cần phải nghiêm túc định dạng lại vấn đề phát triển của lĩnh vực phong thủy. Môi trường ra sao, con người sẽ như vậy. Nếu coi mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi một vùng quy hoạch là một bộ phận cơ thể của đất nước thì khi càng nhiều công trình xây dựng không hợp lý cũng có nghĩa là sự phát triển chung của đất nước sẽ còn bị kìm hãm.

Theo BIZLIVE.VN

Đâu là ‘mẫu số chung’ của giới siêu giàu tại Việt Nam?

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Giới siêu giàu ở Việt Nam đang cho thấy những chuyển biến trong xã hội nước này

Giới siêu giàu ở Việt Nam có thể được phân chia thành ba nhóm nếu tính theo con đường, lĩnh vực làm giàu của họ, mặc dù sự đa dạng đó, giới này thể hiện đã chia sẻ một ‘mẫu số chung,’ một nhà quan sát kinh tế, xã hội Việt Nam từ Hà Nội nói với BBC.

Vẫn theo ý kiến này, cái nhìn của cộng đồng tại Việt Nam với giới này còn khá mâu thuẫn, một mặt có sự ‘khâm phục’, ‘mê mẩn’ sự giàu có của họ, nhưng mặt khác lại có sự ‘căm hận’, ‘đố kỵ tiềm ẩn’, chỉ chờ cơ hội để bộc lộ một cách đáng sợ, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC hôm thứ Hai.

Tuy nhiên, vẫn theo nhà quan sát này, người từng có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy ở các Đại học tại Việt Nam về thương mại, ngoại thương, những người làm giàu hợp pháp nếu làm lợi cho xã hội là điều đáng hoan nghênh.

Độ tuổi khá cao, ngành nghề còn ‘bảo thủ’
Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đang tiếp tục được đảng Cộng sản lãnh đạo định hướng đi lên Chủ nghĩa Xã hội

Trước hết, nhận diện giới siêu giàu tại Việt Nam hiện nay, từ Hà Nội hôm 31/5/2021, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC News Tiếng Việt:

“Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) năm 2021 vừa được hãng tư vấn Knight Frank công bố, thì số lượng cá nhân siêu giàu – sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD – tại Việt Nam năm 2020 là 390 người, giảm từ 405 người của năm trước; 6 người giàu nhất Việt Nam sở hữu gần 17 tỷ USD.

“Dẫn đầu danh sách này là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 344 với 7,3 tỷ USD. Đây là năm thứ chín liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes. Năm ngoái, doanh nhân kinh doanh đa ngành này xếp hạng 286 với tài sản 5,6 tỷ USD.

“Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD) và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,2 tỷ USD). Ba tỷ phú còn lại của Việt Nam là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD).

Khi được hỏi đâu là đặc điểm nổi bật của giới này nếu thử phác họa chân dung họ, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói:

“Trong số 6 tỷ phú của Việt Nam, có 4 người khởi nghiệp tại Đông Âu gồm ông Vượng, bà Thảo, ông Quang và ông Hùng Anh. Tổng tài sản của sáu người này đạt gần 17 tỷ USD, với độ tuổi trung bình là 55.

“Ông Trần Bá Dương là người Huế, lập nghiệp từ ngành ô tô, còn ông Trần Đình Long là người Hà Nội, lập nghiệp từ ngành sắt thép. Tất cả đều có bằng cử nhân đại học, ông Nguyễn Đăng Quang thậm chí là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov và Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.

“Nếu so sánh họ với giới này nước ngoài và khu vực, thì tuổi của họ khá cao (55) và ngành nghề kinh doanh khá bảo thủ. Nhìn qua Trung Quốc, Hàn Quốc v.v…, nhiều tỷ phú làm giàu nhờ các ngành công nghệ cao, Internet… trong khi với Việt Nam lại là bất động sản, sắt thép, xe hơi trong khi học vấn của tỷ phú Việt Nam có vẻ cao hơn.”

Phân loại con đường và mẫu số chung?
Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Tỷ phú Trịnh Văn Quyết và Bộ trường Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể tại lễ cắt băng khai trương hãng Bamboo Airways do ông Quyết làm chủ sở hữu, tại Nội Bài, Hà Nội, hôm 16/01/2019

Theo nhà quan sát này, giới siêu giàu tại Việt Nam có thể được phân loại thành ba nhóm, nếu nhìn vào con đường, quy mô, cách thức và tầm vóc làm giàu của họ, nhưng tựu lại họ có một mẫu số chung:

“Có một nhóm người làm giàu từ Đông Âu, lợi dụng lúc chuyển đổi kinh tế ở những quốc gia đó để thu gom lượng tư bản đầu tiên.

“Nhóm thứ hai làm giàu từ đất đai như với ông Đào Hồng Tuyển, như ông Lê Viết Lam Sun Group hay ông Trịnh Văn Quyết FLC.

“Và nhóm thứ ba làm giàu từ những dịch vụ, mặt hàng thiết yếu như du lịch, hàng không, ngân hàng v.v…

“Nhưng theo tôi, mẫu số chung là đều thu gom tư bản trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi, dựa trên quan hệ với quan chức để có được lợi thế làm giàu.”

Trước câu hỏi có thể nói gì về môi trường mà giới những người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đang làm ăn và trở nên thành đạt, liêu đó có ph là một xã hội Tư bản Chủ nghĩa hay xã hội XHCN hay không, hay là một kết hợp, lai ghép hoặc thế nào, bà Nguyễn Hoàng Ánh đáp:

“Việt Nam chỉ còn Xã hội Chủ nghĩa về mặt lý thuyết, hiện tại là xã hội tư bản nhưng là tư bản hoang dã vì không có pháp trị, mà người ta tận dụng khe hở để làm giàu.

“Nếu bạn đặt ra câu hỏi những người giàu này và cách thức họ làm giàu thể hiện, phản ánh gì về xã hội mà họ đang sống ở Việt Nam, thì tôi cho rằng cách thức họ làm giàu thể hiện ra từ lối sống của họ.

“Cũng như ở Nga có người Nga mới, Trung Quốc có trọc phú đi khắp thế giới để tiêu tiền, nhà giàu mới nổi ở Pháp được văn hào Molière mô tả từ thế kỷ 17, lối sống phô trương của họ thể hiện khắp mọi nơi.

“Có điều khác với mô tả của Molière, tư sản Pháp thời đó kiếm tiền chính đáng nên dù không biết cách tiêu nhưng không quá phung phí; còn người giàu mới ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam kiếm tiền quá dễ nên rất hoang phí.

“Ông Lê Kiên Thành, con của cố Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn từng nói: “Bạn tôi bảo trước kia cứ tưởng 1triệu USD là ghê lắm…” tức là với rất nhiều người 1 triệu đôla chẳng là gì! Báo chí từng đăng tin một phu nhân quan chức trả đến 1,5 triệu USD cho trường luyện thi cho con mình vào Đại học ở Mỹ, làm đến người Mỹ cũng choáng váng.

“Cách sống đó thể hiện một xã hội không minh bạch, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, thiếu hụt giá trị sống lành mạnh, tiềm ẩn nhiều bất ổn đáng ngại.”

Đóng góp gì và được xã hội, chính quyền nhìn nhận ra sao?
Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Một khách sạn nạm vàng tại Việt Nam được khai trương vào tháng 7/2020 ở Hà Nội

Khi được hỏi giới siêu giàu ở Việt Nam đóng góp thế nào cho xã hội, họ được xã hội, cộng đồng nhìn nhận ra sao, giới cầm quyền đối xử thế nào và quan hệ của họ với chính quyền, chế độ ra sao, bà Nguyễn Hoàng Ánh đáp:

“Chưa có thông tin nào là người giàu ở Việt Nam trốn thuế, nhưng luật pháp có quá nhiều kẽ hở nên không loại trừ việc có trốn thuế. Họ có đóng góp từ thiện nhưng vẫn là từ thiện cứu trợ (charity) khi được kêu gọi, chưa có từ thiện phát triển (philantrophy).

“Cái nhìn của cộng đồng khá mâu thuẫn, một mặt đám đông mê mẩn sự giàu có của họ, khâm phục họ nhưng mặt khác lại có sự căm hận, đố kỵ tiềm ẩn, chỉ chờ cơ hội để bộc lộ nên rất đáng sợ.

“Chính quyền cũng để họ làm giàu nếu có quan hệ tốt và không can thiệp vào quyền lực của lãnh đạo nhưng sẽ luôn có sự kiểm soát khi có ảnh hưởng đến thế lực nào đó, như trường hợp Bầu Kiên và nhiều người khác.”

Về tương lai của tầng lớp giàu và siêu giàu ở Việt Nam trong tương lai chung của đất nước và khi được hỏi có thể có điều gì như một thông điệp với tầng lớp này, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói:

“Cá nhân tôi hoan nghênh những người làm giàu hợp pháp nếu họ làm lợi cho xã hội. Nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nga thì ta có thể hy vọng những thế hệ người giàu sau sẽ làm giàu nhờ chất xám nhiều hơn, nhờ được học hành, có tích luỹ của gia đình.

“Việt Nam có câu: học chữ chỉ cần một đời, học ăn cần hai đời còn học chơi thì cần ba đời. Làm giàu thì một đời là đủ, nhưng muốn sang, muốn có văn hoá thì cần tới 2-3 đời.

“Do truyền thống hiếu học, người giàu Việt Nam thường đầu tư cho con học hành, ta bắt đầu có thể thấy một số F2 (thế hệ hai) nhà giàu hay con quan chức Việt Nam (người Trung Quốc gọi là phú nhị đại hay quan nhị đại) có học vấn và có khả năng làm giàu văn minh, đóng góp cho XH nhiều hơn.

“Nhưng cũng không ít nhà giàu quá tham lam và chiều chuộng con, vơ vét khắp nơi để rồi của thiên trả địa, con họ lại phá hết. Hy vọng người giàu hãy hiểu đóng góp cho xã hội chính là di sản tốt nhất họ để lại cho con cái mình,” bà Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC.

Theo BBC