8 lý do giúp Rex Tillerson có thể trở thành Ngoại trưởng Mỹ xuất sắc

 

Rex Tillerson

                                                                       Rex Tillerson

Ông Trump vừa chính thức đề cử Rex Tillerson, chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobil, làm Ngoại trưởng Mỹ. Theo Forbes có 8 lý do cho thấy Rex Tillerson sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ thành công nhờ kinh nghiệm độc đáo.

Không giống như các Ngoại trưởng Mỹ gần đây, ông Tillerson không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Ông cũng không phải là chính trị gia, công chức, tướng quân hay học giả. Tuy nhiên, ông Tillerson có ưu điểm vượt trội nhờ kinh nghiệm 40 năm điều hành tập đoàn khổng lồ của Mỹ hoạt động toàn cầu và có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Theo Forbes, những kinh nghiệm vượt trội của ông Tillerson là:

1.Đàm phán với nhiều đối tác lớn

Ngoại trưởng Mỹ không cần phải đứng ra để đám phán nhưng phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán. Trong khi, Tillerson có bề dầy kinh nghiệm và thành tựu trong các cuộc đàm phán ở tất cả các lĩnh vực từ quyền sử dụng đất cho các vấn đề lao động và giao thông vận tải. Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn Exxon đã từng đàm phán với chính phủ trong và ngoài nước, và các tập đoàn quốc tế lớn.

2.Quản lý quy mô lớn

Ngoại trưởng Mỹ phải điều hành một tổ chức với ngân sách 65,9 tỷ USD có hoạt động phủ khắp các nước trên thế giới, bao gồm: dịch vụ visa, hỗ trợ người Mỹ ở nước ngoài, an ninh quốc gia, xúc tiến thương mại và ngoại giao cấp cao.

So với 1 chính trị gia, học giả hay nhà ngoại giao, ông Tillerson rõ ràng có ưu thế vượt trội với kinh nghiệm quản lý và điều hành 1 tổ chức lớn như tập đoàn Exxon. Đây là công ty toàn cầu trị giá 370 tỷ USD hoạt động tại 50 quốc gia trong các lĩnh vực như: dầu khí, xây dựng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, marketing, bán hàng và nguồn nhân lực.

3.Đối ngoại trong thế giới lãnh đạo

Hiện nay yêu cầu đối với 1 Ngoại trưởng Mỹ xuất sắc là đưa ra được giải pháp thiết thực đáp ứng các động cơ của các nhà lãnh đạo nước ngoài và thuyết phục họ hợp tác hoặc không chống đối với Mỹ.

Ông Tillerson có kinh nghiệm đối ngoại khi đại diện cho tập đoàn Exxon làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông hiểu rõ động cơ của các nhà lãnh đạo nước ngoài và có thể đáp ứng được những mối quan tâm của họ để thúc đẩy họ hợp tác với ông.

4.Thành công trong khu vực kinh tế tư nhân

Tillerson gia nhập tập đoàn Exxon vào năm 1975, và liên tục thăng tiến nhờ những đóng góp của mình. Exxon nằm trong số những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Tillerson có thể tiếp tục sự dẫn dắt thành công này khi làm Ngoại trưởng đại diện cho Mỹ trên thế giới.

5.Xung đột lợi ích

Mối quan ngại lớn nhất khi Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ là sự ràng buộc chặt chẽ giữa ông và tập đoàn Exxon bởi lợi ích cổ phần và vị trí quyền lực của ông tại công ty.

Tuy nhiên, đây không thực sự là vấn đề với 2 lý do. Thứ nhất, Mỹ thường bổ nhiệm giám đốc điều hành khu vực tư nhân vào các vị trí trong các phòng ban của liên bang. Ví dụ, các Bộ trưởng Tài chính thường đi lên từ phố Wall. Thứ hai, nếu hạn chế các lãnh đạo đến từ khu vực kinh tế tư nhân, Mỹ sẽ không khai thác được kinh nghiệm và tài năng của họ.

6.Quan hệ với lãnh đạo nước ngoài

Đây là yếu tố tích cực cần thiết đối với các nhà ngoại giao. Ví dụ gần đây của thống đốc bang Iowa, ông Terry E. Branstad vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Trung Quốc bởi vì ông là “người duy nhất thích hợp cho vị trí này nhờ vào mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Tập Cận Bình”, theo CNN.

Khi làm người đại diện cho tập đoàn Exxon, ông Tillerson cũng đã xây dựng được mối quan hệ với các nước, đặc biệt là nước Nga. Ông đã từng nhận 1 giải thưởng từ Tổng thống Putin và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nếu làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ đó nhưng với vai trò là người đại diện cho lợi ích của nước Mỹ.

7.Năng lượng và môi trường

Các nhà bảo vệ môi trường có thể sẽ phản đối chủ tịch của 1 công ty năng lượng được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu trong chính phủ. Nhưng Tillerson có thể tự tin chỉ ra vai trò dẫn đầu của tập đoàn Exxon trong ngành năng lượng thay thế hàng chục năm qua.

Thực tế, kinh nghiệm của Tillerson trong ngành công nghiệp năng lượng đặc biệt hữu ích. Ví dụ, ông biết sử dụng năng lượng để gây áp lực buộc Trung Quốc phải áp dụng các điều khoản công bằng thương mại.

8.Sự trung thành

Thượng viện Mỹ quan tâm nhiều nhất là trách nhiệm và lòng trung thành của một Ngoại trưởng với lợi ích của nước này. Lịch sử làm việc hơn 40 năm tại tập đoàn Exxon có thể chứng minh cho lòng trung thành của ông. Thực tế, ông đã điều hành một công ty được coi như xương sống giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 100 năm qua.

Kinh nghiệm điều hành một công ty đại chúng thành công nhất hoạt động trong ngành năng lượng là một nền tảng hữu ích cho việc dẫn dắt tổ chức ngoại giao quan trọng nhất của thế giới.

Ông Tillerson có thể sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao hiện thực: tiếp cận thế giới theo bản chất vốn có của nó và khiến nó thực sự chuyển động theo hướng mà Mỹ mong muốn. Hòa bình, thịnh vượng và lợi ích của nước Mỹ sẽ trở thành thước đo mới của ông về chính sách ngoại giao thành công.

Diệu Linh / daikynguyen

Cập nhận thông tin về tình trạng của Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già

Dân Làm Báo

Blogger Nguyễn Ngọc Già. Ảnh: internet

Blogger Nguyễn Ngọc Già. Ảnh: internet

Thời gian qua blogger Nguyễn Ngọc Già đã bị quản giáo trại giam cùm chân nhiều lần. Lần thứ nhất từ ngày 17/7/2016 đến ngày 24/7/2016. Lần thứ 2 từ ngày 9/8/2016 đến ngày 16/8/2016.

Nguyên nhân dẫn đến sự trả thù của các cai tù đối với anh là do anh đã yêu cầu cải thiện chế độ lao tù và vì thế anh bị cùm lần thứ nhất. Lần thứ hai, khi anh tố cáo hành vi phạm pháp, vi phạm nội quy và điều lệ công an nhân dân và đặc biệt tố cáo dấu hiệu ăn hối lộ của các cai tù là thiếu tá Lê Văn Yên – phó khu F trại Chí Hòa, trung tá Huỳnh Văn Hòa, thượng tá Nguyễn Văn Em, thượng tá Nguyễn Quang Quế, anh đã bị cùm thêm lần nữa.

Trước những sự việc này trưởng cai tù – giám thị trại giam Chí Hòa là đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn đã bao che, dung dưỡng cho thuộc cấp và còn làm công văn gửi tòa án “nhân dân” cấp cao vu cáo những hành động chính đáng của anh Nguyễn Ngọc Già là “chống phá Nhà Nước”.

Trong suốt 2 lần bị cùm 24/24 này anh bị biệt giam và nằm trên nền xi măng lạnh, rất bẩn thỉu với chỉ độc 1 quần đùi và áo thun. Tiểu tiện trong một cái xô để bên cạnh. Mỗi ngày chỉ ăn 2 nắm cơm nhỏ để tránh đại tiện. Anh đã không được đánh răng rửa mặt, không được tắm giặt.

Bên cạnh đó anh đã bị cắt thăm nuôi 2 tháng liên tục, bạn tù phải cho thức ăn để qua cơn đói.

Hậu quả của hành vi đày đọa tù nhân bởi các cai tù cộng sản đã dẫn đến tình trạng sức khỏe suy kiệt của anh. Anh Nguyễn Ngọc Già hiện đang bị những chứng ù tai, hoa mắt, tay chân bủn rủn, đau khớp gối, ghẻ lở và táo bón.

Đây không phải là những vi phạm riêng biệt xảy ra với blogger Nguyễn Ngọc Già của nhà nước Việt Nam đối với những cam kết trong công ước quốc tế về chống tra tấn. Nhiều tù nhân khác cũng bị ngược đãi, bị đối xử vô nhân đạo và phải lao động khổ sai. Mặc dù trong trại giam có gắn camera gọi là để theo dõi sinh hoạt của tù nhân lẫn cai tù nhưng tù nhân đã bị quản giáo lôi vào góc khuất để đánh hội đồng.

Trong khi đó, tình trạng gia đình của tù nhân nhân quyền (anh Nguyễn Ngọc Già xem mình là một Tù Nhân Nhân Quyền) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi anh bị bắt giam thì con trai anh qua đời vì tai nạn giao thông. Con chết, chồng bị tù oan nên vợ của anh đã bị khủng hoảng trầm trọng, bị ám ảnh nặng nề vì chồng bị bắt giam phi pháp và phải chứng kiến những hành vi côn đồ của công an khi bắt anh vào ngày 27/12/2014.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc đã bị bắt giam trái phép và bị kết án 3 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế bởi tòa phúc thẩm vào ngày 5/10/2016 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam“.

Trung ương đảng CSVN là ổ cung cấp ‘dịch vụ quan, tước’

Người Việt

Trụ sở Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, ổ của những vụ tuyển dụng-bổ nhiệm mờ ám. Hình: Tuổi Trẻ

Trụ sở Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, ổ của những vụ tuyển dụng-bổ nhiệm mờ ám. Hình: Tuổi Trẻ

HÀ NỘI (NV) – Những tình tiết mới nhất liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ cho thấy điều đó và giới lãnh đạo đảng CSVN tiếp tục im lặng.

Giới lãnh đạo đảng CSVN từng nhiều lần cam kết với dân chúng rằng họ sẽ thẳng tay dọn dẹp tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” (cách gọi “mua quan, bán tước”) trong hệ thống công quyền từ chính phủ cho tới chính quyền các tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã.

Tuy nhiên scandal về tuyển dụng, bổ nhiệm ở Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ cho thấy, tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” ở các cơ quan trực thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN còn trắng trợn và phổ biến hơn.

Bởi đảng CSVN lãnh đạo “cách mạng Việt Nam” một cách “toàn diện, tuyệt đối” nên “chạy chức, chạy quyền” từ đó sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn và lớn hơn.

Không phải tiền thì thứ gì khiến thế nào cũng… được?

Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ là cơ quan thay mặt Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong vụ Vũ Minh Hoàng, tin mới nhất cho biết, giới lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ không thể khẳng định, đương sự có phải là đảng viên hay không, đã vào đảng ngày nào và ở đâu, dù dương sự đã từng được đặc cách tuyển dụng làm “chuyên viên” rồi trở thành “vụ phó” tại một cơ quan của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN.

Một thành viên là lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ thú thật với báo giới rằng cơ quan này không hề có hồ sơ của đảng viên Vũ Minh Hoàng vì đương sự có đơn xin không sinh hoạt đảng tại đó. Thậm chí lý lịch trích ngang của đương sự do một cán bộ phụ trách tổ chức-hành chính của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ khai giùm để lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ duyệt, cho kịp hợp thức hóa hồ sơ bổ nhiệm chứ không cần thẩm tra.

Vũ Minh Hoàng khai vào đảng CSVN ngày 3 tháng 8 năm 2014 và không cho biết đã gia nhập đảng này ở đâu. Còn một văn bản do Ðảng Ủy đảng CSVN tại Nhật, nơi đương sự đang du học thì xác nhận đương sự gia nhập đảng CSVN ngày… 8 tháng 3 năm 2014 khi đang du học ở… Trung Quốc!

Vũ Minh Hoàng đang được xem là ví dụ mới nhất về sự lũng đoạn hệ thống công quyền tại Việt Nam của các băng nhóm.

Tháng 6 năm 2014, Ban Tổ Chức của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN đồng ý cho Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ tuyển dụng Vũ Minh Hoàng, quê ở Bắc Ninh, lúc đó mới 24 tuổi, đang du học tại Bỉ vào làm “chuyên viên” của Phòng Nghiên Cứu-Tổng Hợp.

Tuy đương sự ở ngoại quốc nhưng tháng 1 năm 2016, “chuyên viên” Vũ Minh Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm vụ phó Vụ Kinh Tế của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ. Ngay sau đó, Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ có văn bản “cho phép” Vũ Minh Hoàng đi Nhật học tiến sĩ.

Vũ Minh Hoàng chỉ có tên trong danh sách lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ chứ không đến đó làm việc. Vụ trưởng Vụ Kinh Tế của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, thú nhận ông ta không hề biết mình có một phụ tá tên Vũ Minh Hoàng. Nói cách khác, Hoàng là một Vụ phó “ma.”

Chuyện chưa ngừng ở đó, đúng 32 ngày sau khi được bổ nhiệm làm vụ phó Vụ Kinh Tế của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, Vũ Minh Hoàng được chủ tịch thành phố Cần Thơ “xin” đích danh để “tăng cường cho địa phương.”

Sau khi thủ tục “xin tăng cường nhân sự” hoàn tất, chính quyền thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ tiếp nhận, bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Ðầu Tư-Thương Mại và Hội Chợ Triển Lãm của Cần Thơ. Hoàng đến Cần Thơ dự lễ rồi… qua Nhật học tiếp.

Giữa tuần trước, truyền thông Việt Nam nêu thắc mắc về sự thăng tiến của Vũ Minh Hoàng. Câu chuyện lập tức trở thành một scandal. Cuối tuần, một phó ban của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ ký báo cáo gửi giới lãnh đạo đảng CSVN, khẳng định việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm “vụ phó” là “đúng qui trình” nhưng ngay sau đó có một phó ban khác ký thông báo… thu hồi báo cáo vừa kể.

Có bao nhiêu “Vũ Minh Hoàng”?

Hiện chỉ mới có một phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Ðầu Tư-Thương Mại và Hội Chợ Triển Lãm của Cần Thơ. Riêng giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn “ngậm tăm” về việc tuyển dụng-bổ nhiệm Hoàng làm “chuyên viên” rồi làm “vụ phó” một cơ quan thuộc thẩm quyền của mình. Giới này khó xử và khó nói có thể vì thể diện mà cũng có thể vì tay trót nhúng chàm.

Tại Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ không chỉ có Vũ Minh Hoàng. Báo chí Việt Nam vừa moi ra một trường hợp khác là Nguyễn Tiến Khoa.

Nguyễn Tiến Khoa sinh năm 1978, chưa rõ lai lịch. Cuối năm 2013, khi đang là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty Xây Dựng 8 thuộc tổng công ty Thăng Long thì Khoa xin vào làm “chuyên viên” tại Phòng Nghiên Cứu-Tổng Hợp của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ. Một năm sau, Khoa được bổ nhiệm làm phó phòng kiêm phó giám đốc nhà khách Tây Nam bộ. Nửa năm sau, Khoa được cất nhắc làm vụ phó Vụ Kinh Tế. Giữa năm nay, Khoa được điều động sang làm thư ký cho ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Từ 2010 đến 2015, ông Mẫn từng là bí thư Thành Ủy Cần Thơ.

Con đường mà Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Tiến Khoa đã đi giống hệt nhau. Với mớ bằng cấp đã thủ đắc được và với “kinh nghiệm” đã tích lũy từ các “chức vụ” đã đảm nhận trong đảng CSVN, những cá nhân này bước vào các vị trí lãnh đạo trong chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị quan trọng khác theo đúng những tiêu chí mà giới lãnh đạo đảng CSVN đặt định nhằm “qui hoạch” nhân sự lãnh đạo quốc gia. (G.Ð)

TPP đang chết hay chỉ trong tình trạng hôn mê?

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Dịch giả: Trần Văn Minh

Người dân Mỹ biểu tình phản đối TPP. Nguồn: internet

Người dân Mỹ biểu tình phản đối TPP. Nguồn: internet

Trump có thể sửa đổi TPP lại thành Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương của Trump

Hai tuần sau khi thắng cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa một đoạn phim lên YouTube, trong đó tuyên bố vào ngày đầu tiên nhậm chức, “Tôi sẽ đưa ra thông báo về ý định sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thảm họa tiềmtàng cho đất nước của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ đàm phán những thỏa thuận thương mại song phương công bằng để mang việc làm và công nghiệp trở lại đất Mỹ“.

Tuy nhiên, nếu không phải là ngày đầu tiên sau khi nhậm chức thì sẽ rất sớm, chính quyền của ông Trump sẽ phải đối phó với thực tế các mối quan hệ kinh tế và chiến lược thế giới. Ông đã từng lấy lại một phần các tuyên bố trong vận động tranh cử và có thể cũng sẽ phải suy nghĩ lại lập trường của mình về TPP.

Các giám đốc điều hành công ty Mỹ đang xếp hàng để thuyết phục chính quyền và Quốc hội mới về các cơ hội mà hiệp ước này đưa đến việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, những sản phẩm thể hiện công nghệ cạnh tranh nhất. Họ cũng sẽ cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng công nghệ thấp sẽ đẩy cao chi phí sinh hoạt, đặc biệt cho người nghèo ở Mỹ hơn.

Chắc chắn, NAFTA và các hiệp ước thương mại khác đã thay đổi môi trường kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sự khó khăn của hàng triệu người bị mất việc làm hãng xưởng và rớt khỏi tầng lớp trung lưu Mỹ không thể đổ lỗi cho sự thiếu vắng những cơ hội làm việc khác. “Nền kinh tế mới” cũng đòi hỏi nhiều công nhân, miễn là họ có trình độ công nghệ cao.

Ví dụ, trong cùng thời gian ở Mỹ, việc làm trong kỹ nghệ khai thác than đá sụt giảm, ngành công nghiệp khí đốt bùng nổ, nhờ vào kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến. Vấn đề nằm ở chỗ không đủ cách đào tạo lại các công nhân cũ về các kỹ năng mới. Washington và các nhà kinh tế thị trường tự do, mà Washington dựa vào, đã không tính toán đến những hậu quả chính trị của sự thay đổi cấu trúc sâu rộng về nền kinh tế của Mỹ. Cả Reagan, hay Clinton, hai [cha con] Bush lẫn Obama cũng không chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tái huấn luyện công nhân lao động thặng dư do những hiệp ước như NAFTA. Một chính quyền Trump thông minh có thể bước tới với sự thử thách đó.

Hơn nữa, Tổng thống Trump sẽ nói gì với các đối tác tiềm năng của chúng ta trong TPP? Nhật Bản, mới tuần rồi, đã phê chuẩn hiệp ước. Một số nước Châu Á khác đang cân nhắc làm điều giống như vậy. Ngoảnh mặt với Việt Nam hay Brunei là một chuyện, lờ đi Nhật Bản hay Úc, Singapore hay Hàn Quốc là một chuyện khác. Ông Trump nói rằng ông muốn các đồng minh của Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho sự phòng thủ của chính họ. Có thể họ sẽ không làm gì để theo ý Trump nếu ông, trong khi đó, lấy TPP khỏi bàn hội nghị.

Trump chắc chắn có thể tìm ra cách để hoàn thành một cuộc tái đàm phán TPP mang tính trình diễn. Vào cuối ngày, sau một vài điều chỉnh với sự đồng thuận, ông có thể tuyên bố chiến thắng. Ông có thể nói rằng các nhà đàm phán của ông đã loại bỏ những điều khoản chỉ làm lợi cho các công ty đa quốc gia trong sự thiệt thòi cho tầng lớp công nhân Mỹ. Và sau đó, nếu ông có suy nghĩ sâu, ông sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nhằm giải quyết khoảng cách ngày càng mở rộng giữa người giàu và người nghèo ở trong nước.

Ngay trước công du TT Obama vào tháng Năm, trong một bài viết cho trang Ba Sàm, tôi có nói rằng “Đất nước tôi cố gắng sống đúng theo những giá trị quốc gia đầy khát vọng và được nhiều người ngưỡng mộ. Trong lịch sử, Hoa Kỳ luôn là một quốc gia ‘đầy tham vọng’… Tuy nhiên, trong năm bầu cử nay, đặc biệt chúng tôi bị làm rối trí bởi các tranh luận nội bộ. Những người biết suy nghĩ lo rằng, chính trị Mỹ đã bị hỏng một cách vô vọng, rằng trung tâm chính trị đã rỗng đi và việc thỏa hiệp mang tính xây dựng đã trở thành chuyện gần như không thể có.

Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, ứng cử viên Dân chủ trung dung Hillary Clinton vẫn có khả năng chiến thắng…  Mỹ sẽ tồn tại. Chúng tôi đã qua được nhiều biến động chính trị-xã hội trước đây, và cuối cùng các tổ chức nhà nước của chúng tôi đã thích nghi với thực tế mới… Điều khác biệt bây giờ là có quá nhiều công dân đủ loại chưa được trang bị đủ để có thể vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế thế kỷ 21 của chúng ta. Họ phải đánh vật để tránh rơi khỏi tầng lớp trung lưu. Giải quyết nhu cầu của họ cũng phải nằm trên cao trong chương trình làm việc của tổng thống kế tiếp“.

Khi ngày bầu cử đến gần, tôi đã lo lắng bởi sự chối bỏ bất cẩn của bà Clinton về những người ủng hộ ông Trump là “một bầy những kẻ tồi tệ.” Tôi than thở về sự kém khả năng của bà trong việc đối đầu với sự giận dữ mà đối thủ của bà đang thổi lên. Hành động và lời nói của bà đã không gây ảnh hưởng tốt tại nơi tôi ở, phần “đỏ” (bảo thủ) nhất của tiểu bang rất “xanh” (tiến bộ). Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng một Donald Trump lỗ mãng, tự mãn và dốt nát không thể được bầu vào chức vụ cao nhất của quốc gia.

Vào tháng Năm, khi bạn bè Việt Nam ghi lại bầu không khí phấn khởi của chuyến công du được thực hiện xuất sắc của Obama đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tôi cảnh báo rằng TPP không được ưa chuộng nhiều ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ vẫn còn bị sa lầy ở Trung Đông, bất kể sự quan trọng thế nào trong việc tái triển khai sức mạnh hải quân để bảo đảm mối quan hệ ổn định và cùng tăng trưởng trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương đối với sự an ninh và cuộc sống của chính chúng tôi. Tôi đã nói thêm rằng nhận thức về Việt Nam như là một nhà nước độc tài toàn trị cứng nhắc sẽ đặt ra những giới hạn rất thực về sự sẵn lòng của công chúng Mỹ khi nghĩ tới sự can thiệp thiên về phía Hà Nội trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trong buổi bình minh u ám của ngày 9 tháng 11, suy tưởng về chính quyền Trump tương lai, tôi tự hỏi phải, chăng tôi hoặc bất kỳ người Mỹ nào vẫn còn có thể đứng ra để dạy đời các nước khác, về phước lành của dân chủ.

Vài hôm sau, tin nhắn đến từ các bạn bè Việt Nam. Cuộc bầu cử của Trump sẽ tác động thế nào đến thế đối tác đã trưởng thành của nước họ với Hoa Kỳ? Phải chăng Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giờ này đã chết?

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Lê Hồng Hiệp đã gửi cho tôi một đường dẫn tới một đoạn phim về sự đề cập đến Việt Nam của Trump trong vận động tranh cử. Trong đó, tổng thống đắc cử kể ra một danh sách các nước đã “lấy mất việc làm, sự giàu có của chúng ta,” kết thúc với một câu hoài nghi: “ngay cả Việt Nam!” TPP là “mối nguy hiểm lớn nhất,” Trump khẳng định. Nó “sẽ buộc công nhân Mỹ phải cạnh tranh trực tiếp với công nhân Việt Nam, một trong những nước có mức lương thấp nhất thế giới”.

Đúng vậy, chỉ trích TPP là điều phổ biến. Những người ủng hộ ông Bernie Sanders (tranh với Hillary Clinton được bổ nhiệm ứng cử viên Đảng Dân chủ) cũng ghét TPP. Hillary Clinton, có lẽ đánh giá TPP quá khó không thể giải thích, đã từ bỏ nó sau sự hỗ trợ ban đầu. Bị lạc trong dòng thác lũ của những đoạn âm thanh là niềm hy vọng về cuộc thảo luận hợp lý về nỗ lực quan trọng, cho dù không hoàn hảo, trong việc điều lệ hóa các quy tắc của thế kỷ 21 để quản lý thương mại giữa các quốc gia.

Giờ đây, với cuộc bầu cử đã được quyết định, cuộc thảo luận đó phải xảy ra. Sự chấp thuận của Thống đốc Tiểu bang Iowa, ông Terry Branstad để phục vụ trong chức vụ Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho thấy tổng thống mới sẵn sàng giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong 4 nhiệm kỳ làm giám đốc điều hành của tiểu bang Iowa, Branstad đã đầu tư rất nhiều sức lực trong việc tạo nên thị trường tốt cho nông phẩm của Iowa – và quả thật, sự quen biết với Chủ tịch Đảng Cộng sản Tập Cận Bình kể từ năm 1985, khi ông Tập chỉ là một quan chức ít được biết của tỉnh Hồ Bắc.

Phép thử thực sự về sự cam kết của Trump đối với thương mại – cho dù đả phá hay xây dựng – sẽ là sự lựa chọn đại diện thương mại Hoa Kỳ của ông, có nghĩa là, trưởng đoàn đàm phán. Các blogger ở Washington cho biết ông Trump đang xem xét cả hai nhà tự do thương mại Charles Boustany, một dân biểu Cộng hòa từ Louisiana, đồng sáng lập ủy ban “bạn của TPP,” và nhà điều hành cứng như đinh, Dan DiMicco, kẻ “hoài nghi thương mại sâu rộng”, người từ năm 2000 tới 2012 đã dẫn dắt Nucor, công ty thép lớn nhất và cạnh tranh nhất của nước Mỹ.

David Brown là nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và chuyên gia về Việt Nam, là người thường xuyên viết cho Asia Sentinel.

‘Việc bắt lãnh đạo ngân hàng chưa dừng ở ông Trần Phương Bình’

ngân hàng
Chuyên gia dự báo “còn nhiều ngân hàng bên bờ vực phá sản”

“Theo tôi, việc bắt giữ lãnh đạo ngân hàng chưa dừng lại tại ông Bình mà sẽ còn diễn ra với một số ông khác trong lĩnh vực này,” một chuyên gia tài chính từ Hà Nội bình luận với BBC về các vụ bắt người với cùng tội danh ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế’.

Cuối tuần qua, cựu Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng bốn đồng sự bị Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ.

Hôm 12/12, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an xác nhận ông Bình bị khởi tố tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’.

Tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng bị bắt và khởi tố vì ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng’.

Hôm 14/12, trả lời BBC từ Hà Nội, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: “Không riêng gì ông Bình và ngân hàng Đông Á mà còn nhiều ngân hàng khác đang trong tình trạng bên bờ vực phá sản vì nợ xấu và không đủ khả năng hoạt động theo luật về tổ chức tín dụng.”

“Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cố gắng duy trì hoạt động của những ngân hàng đó, cái nào bê bết quá thì tổ chức sáp nhập hoặc mua lại với giá 0 đồng.”

Đề cập về tội danh ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’, chuyên gia cho hay: “Việc các ngân hàng cho vay mà không nghiên cứu kỹ hồ sơ, rủi ro, cho những công ty sân sau vay thì tràn lan chứ không riêng gì một vài giám đốc ngân hàng bị bắt gần đây.”

Cựu tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình
Cựu tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình bị bắt hôm 10/12

‘Can thiệp’

“Việc một ngân hàng cho vay là vấn đề dân sự nhưng khi họ bất chấp quy định của pháp luật, cố ý gây thất thoát tiền của những chủ tài khoản tại ngân hàng thì công an phải điều tra để làm rõ có tính chất hình sự tới mức nào.”

“Trong vấn đề dân sự có yếu tố hình sự là vì vậy.”

Bắt giam, khởi tố cựu tổng giám đốc DongA Bank

‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị hình sự hóa’

Ông Thành cũng nói thêm: “Cả hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong cái nạn quản lý không theo quy định của pháp luật ngay từ những năm thiết lập ban đầu.”

“Hiện trong số hơn 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, một số cái đang không còn vốn điều lệ so với nợ xấu mà họ tạo ra nên không còn đủ an toàn để tiếp tục hoạt động.”

“Đáng lý phải cho nhiều ngân hàng phá sản nhưng chính phủ có những lý do này khác để không cho phép điều này xảy ra.”

“Thật ra chẳng có cơ sở pháp lý nào để Nhà nước can thiệp vào, để các ngân hàng ấy tiếp tục hoạt động tạo thêm nợ xấu rồi Nhà nước lại đứng ra mua lại.”

“Nhưng rồi Nhà nước có lãnh trách nhiệm về nợ xấu mà ngân hàng tạo ra hay không? Đó là cả vấn đề.”

“Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 500.000 tỷ đồng nợ xấu hiện bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 240.000 tỷ đồng, số còn lại thì các ngân hàng tự quản lý lấy nhưng rõ ràng là họ không thể làm được.”

Hồi tháng 12/2015, Phó cục trưởng C46 Nguyễn Trọng Long được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói số nợ xấu của ba ngân hàng 0 đồng (gồm GPBank, OceanBank và CBBank) và DongA Bank là “khoảng 50-70.000 tỷ đồng”.

bbc