Những con đường lý tưởng dành cho hội mê xe đạp ở Hanoi khi tiết trời sang thu.

Những con đường thoáng đãng, rợp bóng cây xanh trở thành nơi đạp xe, tập thể dục, hít thở không khí trong lành lý tưởng với người dân Thủ đô.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 1.

Là một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội, đường Phan Đình Phùng (Ba Đình) dài khoảng 1,5km với hai hàng cây sấu rợp bóng mát. Đây luôn là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch tham quan. Buổi sáng, đạp xe trên con đường này, không chỉ tận hưởng không khí trong lành, bạn còn có thể ngắm nhìn rất nhiều biệt thự cổ được xây từ thời Pháp thuộc, cùng các công trình nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 2.

Con đường bao quanh hồ Tây cũng là điểm đạp xe lý tưởng mỗi buổi sáng sớm hay chiều tà. Với khoảng 17km đường ven hồ, người đi xe đạp có thể dừng lại bất cứ đâu ngắm nhìn, tận hưởng khung cảnh thơ mộng nơi đây.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 3.

Không khó để bắt gặp những chiếc xe đạp đủ màu sắc thong dong trên những con đường quanh hồ. Từ trẻ em, thanh niên đến người già, ai cũng đều tìm được niềm vui từ những vòng quay chậm rãi.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 4.

Sớm mùa thu, xách xe đạp một vòng quanh hồ Tây, băng qua những con đường, hít hà hương hương hoa sữa, cảm nhận làn gió thu phả lên từ mặt hồ bao la đã trở thành thú vui của nhiều người.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 5.

Mỗi buổi sáng sớm, đường Thanh Niên (Ba Đình) luôn tấp nập người đạp xe. Người nối người, từng tốp một như giải đua xe đạp cấp thành phố. Duy trì thói quen đạp xe từ sau dịch Covid-19, chị Mỹ Dung (Cầu Giấy) chia sẻ: “Đạp xe không chỉ là hoạt động thể dục thể thao mà còn là cơ hội để tôi khám phá vẻ đẹp của Hà Nội. Cảm giác sáng sớm đạp xe trên phố rất sảng khoái, không khí vừa trong lành lại không phải chịu cảnh tắc đường. Đây cũng là cách tôi nạp lại năng lượng, sau một tuần làm việc căng thẳng”.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 6.

Là một trong những “chứng nhân” lịch sử – cầu Long Biên cũng là địa điểm lý tưởng để đạp xe vào mỗi buổi sáng. Đạp xe trên cây cầu hơn trăm năm tuổi này, thỉnh thoảng bạn sẽ phải giật mình vì đoàn tàu hỏa xình xịch chạy qua trước mặt, làm rung chuyển thân cầu.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 7.

Ngày nay, nhiều người có thói quen dậy sớm đạp vài vòng xe tập thể dục, sau đó tạt qua quán quen kết thúc buổi tập bằng tô bún thang thơm lừng. Ngày mới bắt đầu đầy hứng khởi.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 8.

Từng tốp, từng tốp người đạp xe kèm theo đủ những câu chuyện trên trời dưới biển, những tiếng cười giòn tan, trong trẻo phả vào trong gió thu. Trên cầu, không ít người dừng xe, tìm những góc đẹp, check-in sáng sớm để lưu giữ kỷ niệm.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 9.

Sáng nào cũng thong dong đạp xe từ Nguyễn Xiển lên hồ Gươm, dạo một vòng quanh hồ rồi ngồi tám chuyện với bạn, bà Bùi Mây (Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi đã duy trì thói quen đạp xe buổi sáng từ nhiều năm nay. Đạp xe giúp tôi thấy khỏe mạnh, yêu đời hơn. Hơn hết, đi xe đạp giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng khói bụi từ các phương tiện giao thông thải ra. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có làn đường riêng dành cho xe đạp, giúp việc tham gia giao thông thuận tiện và an toàn hơn”.

Những con đường lý tưởng dành cho hội mê đạp xe ở Hà Nội khi tiết trời sang thu - Ảnh 10.

Việc thiếu thốn điểm vui chơi, thể dục thể thao khiến nhiều người bày tỏ mong muốn, làn đường dành cho người đi xe đạp sớm được thực hiện. Trong tương lai không xa, khi thành phố triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì việc thúc đẩy người dân đi bộ, đi xe đạp, hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng là điều cần thiết.

Shoha VN

Nhớ thi sĩ Tế Hanh: Sống chậm, nghĩ nhanh, nói ngắn

Tôi có may mắn, thời nhà thơ Tế Hanh còn khỏe, tuy mắt đã mờ, nhưng hồn ông vẫn trong sáng, ngây thơ như thuở còn trai, tôi chơi thân với ông như một người em cùng quê Quảng Ngãi. Chúng tôi cùng yêu thơ và có sự ngưỡng mộ đặc biệt với thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ Pháp.

Tế Hanh (1921 – 2009) thời chưa đau mắt nặng, ông rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ Việt Nam đọc và dịch thơ Tây nhiều nhất. Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên. Và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu.

Nhà thơ Tế Hanh (1921 – 2009)

Uyên bác và thật thà

Có lần, cách đây đã hơn mấy chục năm, trong dịp về Quy Nhơn thời bao cấp, Tế Hanh nói với tôi: “Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp”.

Tôi hỏi ông thích ai trong số những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: “Mình thích Louis Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Paul Éluard. Thơ ông trong veo, nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ René Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát-xít, nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint-John-Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích André Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích…”.

Giọng Tế Hanh khá chậm, những câu nhận xét về thơ của ông khá ngắn gọn, nhưng đầy hình ảnh. Tôi nghe như nuốt từng lời của ông. Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao… rất nhiều. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.

Nếu bạn đã từng gặp Tế Hanh, bạn sẽ cảm nhận rất rõ, sống chậm là như thế nào. Giọng nói của Tế Hanh khá rủ rỉ, đặc chất giọng Quảng Ngãi, nhưng nghe vẫn rõ ràng. Mắt kém, dĩ nhiên mọi cử động của ông đều chậm, nhưng đó là cái chậm có nhịp điệu, một tiết nhịp slow trong âm nhạc. Tế Hanh nói chậm, nhưng qua đoạn nhận xét về những nhà thơ Pháp mà tôi vừa dẫn, thì suy nghĩ của ông nhanh và rất chuẩn, đó là những nhận xét của cá nhân ông, nhưng phù hợp với thơ của từng nhà thơ Pháp lỗi lạc mà ông yêu thích.

Sống chậm là như thế chăng? Nếu sống chậm là thế, tôi cũng rất thích sống chậm. Dù tôi là người nói nhanh, hài hước và nhiều khi hơi bỗ bã. Giọng nói của tôi do xã hội đào luyện, nên tôi thường găm vào giọng nói ấy một nụ cười. Sống chậm như Tế Hanh, thật sự là rất thú vị.

Giữ được nhịp làm thơ như khi làm bếp

Có lần tôi hỏi thi sĩ Ý Nhi, chị sống nhanh hay chậm? Ý Nhi vui vẻ trả lời: “Tôi cũng chẳng biết nữa. Cứ suốt ngày đi chợ, nấu ăn, phục vụ chồng đau ốm”. (PGS Nguyễn Lộc, chồng chị Ý Nhi, đã mấy lần bị đột quỵ…).

Hôm rồi, nhạc sĩ Thế Bảo tới thăm, đúng vào lúc tôi mệt, đi lại quá chậm, chỉ giọng nói còn bình thường, tai nghe vẫn tốt, anh ấy nói: “Bà Ý Nhi chăm ông Nguyễn Lộc chu đáo lắm, vậy mà suốt ngày bận rộn, bà ấy lại khỏe ra”. Hóa ra là vậy. Làm việc nhanh, sống chậm như chị Ý Nhi, vất vả chăm chồng, người lại khỏe ra. Hay thật đấy!

Trong triết lý về sống chậm, hình như người ta quên nói thêm một điều: Sống chậm không có nghĩa là ngồi không. Sống chậm vẫn làm việc hàng ngày, dù tốc độ làm việc của mình, do sức khỏe quy định, có thể không nhanh. Nhưng làm việc đều, tự nhiên mình có cảm giác khỏe, ít nhất là khỏe trong tâm trí. Làm việc đều, sẽ có kết quả tốt, dù là nhà thơ nổi tiếng như chị Ý Nhi, thì việc bếp núc, chăm chồng ở nhà có khác với chuyện làm thơ, nhưng chị đã chăm chú vào mọi việc như nhau, thì khi làm thơ, chị vẫn giữ được nhịp tâm hồn như khi làm bếp. Và các nhà thơ trẻ nên biết, giữ được nhịp làm thơ như khi làm bếp, thì thơ không dở đâu!

Về lý thuyết, thì làm thơ hoặc làm bếp cũng là hoạt động giải tỏa. Nhà thơ Tế Hanh có lần nói với tôi, khi đi ngoài được, giải quyết tạm thời “vấn nạn táo bón”, ông đã làm được bài thơ về chuyện này. Thơ thuộc về số phận con người mà, những gì liên quan tới số phận người làm thơ thì đều liên quan tới thơ cả. Khả năng giải tỏa của thơ là rất cao. Ngay Saddam Hussein – “nhà độc tài” khét tiếng theo cáo buộc phương Tây – trước khi bị đặc nhiệm Mỹ bắt và đưa lên giá treo cổ tại một điểm thi hành án bí mật ở thủ đô Baghdad (Iraq), ông còn làm được thơ, dĩ nhiên là thơ về chính số phận của mình. Có thể cả đời ông tổng thống này không hề quan tâm đến thơ, nhưng trước khi chết, ông lại làm thơ. Đủ biết, thơ gắn với số phận con người tới mức độ nào.

Thật khó có nhà thơ Việt Nam nào sống chậm một cách tuyệt đối tới 10 năm như Tế Hanh, khi ông bị đột qụy rất nặng và phải sống thực vật cả 10 năm cuối đời. Tôi từng viết, trong 10 năm ấy, Tế Hanh đã lặng lẽ trò chuyện với dòng sông của đời mình. Nhưng không chỉ khi đột qụy nặng thì ông mới sống chậm, mà từ thời trai trẻ, dù bôn ba nhiều nơi, làm nhiều việc, gặp nhiều người, đọc nhiều, viết nhiều, dịch nhiều… thì tinh thần sống chậm đã thành cốt cách. Và sau khi ông mất, thơ ông vẫn trôi chảy nhẹ nhàng nhưng không ngừng nghỉ trong lòng những người yêu thơ.

Năm 2021, khi một tờ báo mạng đặt tôi bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tế Hanh, thì bài viết của tôi về thơ Tế Hanh nhận được rất nhiều bình luận, trong đó ai cũng viết mình từng thuộc thơ Tế Hanh ở nhiều giai đoạn của cuộc đời, đến nay vẫn còn nhớ. Họ trích thuộc lòng từng đoạn thơ Tế Hanh, khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi đã nói điều này với nhiều người, rằng có quá ít nhà thơ Việt Nam đương đại nhận được lòng yêu mến thơ mình như Tế Hanh, một người sống chậm, nghĩ nhanh, nói ngắn và ít nói như ông.

***

“Một người tinh lắm”

Trong Thi nhân Việt Nam (năm 1942) Hoài Thanh – Hoài Chân viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…”.

Tế Hanh qua đời vào ngày 16.7.2009 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh xuất huyết não.

***

Một làng thương nhớ

Làng ấy, buồn ủ rũ một bên sông

Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng

Thuở phong lưu, sắc đời đầy tươi sáng

Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn

Dưới trời xanh, soi biếc cả tâm hồn

Dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi

Đi hái lá, buổi chiều về cô gái

Vẳng lời ca ân ái khúc xuân tình

Tiếng chim ca nô nức với bình minh

Người thôn nữ thấy lòng như lụa mướt

Tay đưa thoi, ngồi dệt tình mơ ước

Đời thanh bình mây gió giục yêu đương

Đôi chàng trai lơ đãng để tơ vương

Đem tâm sự gửi vào giây chỉ mộng

Và con sông tưng bừng theo nhịp sống

Cũng rộn ràng lộng bóng những Tây Thi…

Nhưng một hồi tơ lụa phải ra đi

Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa

Vắng bóng kẻ sớm chiều đi hái lá

Dáng dâu mềm lả lướt đã nhường cho

Vẻ nặng nề không sắc của khoai ngô

Cỏ từ đây hắt hiu niềm nhớ tiếc

Những đôi lứa bỗng nhiên đành vĩnh biệt

Thôi còn đâu tha thiết với đường tơ

Việc hàng ngày vất vả, quá thô sơ

Đời lam lũ lấy gì thơ với mộng

Trước khung cửi nằm im chờ nhện đóng

Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương

Bao trái tim góa bụa giữa tầm thường

Một thế hệ hao mòn trong lặng lẽ

Cho đến nỗi cháu nghe bà kể lể

Hạnh phúc xưa như thể chuyện hoang đường

Chỉ làng buồn còn giữ một màu tang

Và đất nhớ võ vàng mơ ước cũ

Và con sông âm thầm trong nước ngủ

Vẻ mồ côi của một xứ buồn tênh.

(1942)

Tế Hanh

THANH THẢO / Theo Thể Thao Văn Hóa

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: 30 năm với Thúy Nga Paris và ‘vì sao chưa về Việt Nam’

Trả lời BBC News Tiếng Việt sau khi tới Bangkok, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nói về những dự định sau khi ông từ giã Thúy Nga Paris, bao gồm liệu ông sẽ về Việt Nam hay không.

Hôm 12/10/2022, ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho BBC biết người nghệ sĩ thì không thể tránh khỏi những hiểu lầm hay phán xét chủ quan.

Sau đây là phần II cuộc phỏng vấn do hai nhà báo Nguyễn Giang (qua điện thoại từ London) và Thương Lê (tại Bangkok) thực hiện:

BBC: Ông có thể chia sẻ với BBC những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm MC cho Paris By Night?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Cái khó khăn thì thật sự là khó khăn chung của cộng đồng. Đó là hay có những sự hiểu lầm trong cộng đồng giữa những người có tên tuổi, ví dụ như cá nhân Nguyễn Ngọc Ngạn rồi Khánh Ly và nhiều người khác…

Cộng đồng hay có sự hiểu lầm rồi phán xét chủ quan của từng người hoặc từng nhóm. Hoặc đôi khi điều mình làm, tôi lấy ví dụ một lần tôi sang Berlin, Đức với một số ca sĩ trong trung tâm Asia thì những người đó lại muốn phổ biến một số những bản nhạc mà họ cho là cần phổ biến.

Nhưng lại có một số người trong cộng đồng người Việt ở bên đó lại chống, cho rằng không nên làm văn nghệ với phía Bá Linh, trong đại đa số những người từ miền Bắc. Những cái đó là những cái khó tránh khỏi va chạm trong cộng đồng. Bởi vì cộng đồng Việt Nam mình chưa bao giờ có sự đồng nhất về mặt chính trị. Về suy nghĩ thì có thể là giống nhau nhưng cách thức để thực hiện suy nghĩ của mỗi người là khác nhau.

Tôi cho rằng cái khó khăn nhất đôi khi xảy ra đối với những người làm văn nghệ như tôi là sự va chạm trong cộng đồng mà mình không muốn nhưng không làm cách nào để tránh được.

‘Việc tôi không về không phải 100% là chính trị’
Nguyễn Ngọc Ngạn
Chụp lại hình ảnh,Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: ‘Show chia tay 134 tại Bangkok tuần này xúc động và vất vả nhất của Thúy Nga Paris’

BBC: Thưa ông, ông có thể nói về câu chuyện ông không được về hay không muốn về khi ở Việt Nam còn nhiều vấn đề không thoải mái cho người nghệ sĩ yêu tự do?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Thật sự tôi chưa xin giấy phép về Việt Nam bao giờ. Chỉ có một số các bầu sô tư nhân thì sau khi đại đa số các nghệ sĩ nổi tiếng đã về nước rồi, chẳng hạn như Kỳ Duyên, Khánh Ly, Quang Lê, Chế Linh. Thì sau khi những người đó đã mở đường về thì những bầu sô tư nhân đã liên lạc với tôi rất là tha thiết.

Và một lần tôi trình diễn tại Campuchia thì họ từ Hà Nội bay thẳng sang Campuchia gặp tôi, mời tôi về, và thậm chí có những bầu sô họ còn viết hợp đồng để chuyển đưa sang cho tôi. Nếu tôi nhận lời thì họ bắt đầu thủ tục xin giấy phép. Nhưng mà tôi chưa có ý định đó. Nói thật sự ra thì vấn đề chính trị không nặng nề lắm. Từ khi Việt Nam đổi mới sang cơ chế thị trường, thì cái nhìn của tôi và rất nhiều người ở hải ngoại đối với Việt Nam khác đi rồi. Không phải Việt Nam thời bao cấp nữa, mà là cơ chế thị trường, tức là đi vào quỹ đạo toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, thì vấn đề không khắt khe.

Tôi thì đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều cho nên đầu tôi cởi mở, chứ không phải cố chấp, cứ thấy chữ cộng sản là cứ chống. Không phải thế. Cộng sản của thời bao cấp khác, cộng sản của thời cơ chế thị trường, tức hội nhập vào đặc trưng thế giới tự do, thế giới tư bản thì khác nhau xa lắm. Nhưng việc tôi không về không phải 100% là chính trị, mà tôi cảm thấy tôi không muốn về thôi. Cho nên là BBC hỏi là tôi có trở ngại gì trong nước thì tôi không biết tôi không hề có ý định hay chưa hề nộp đơn để xin visa nên tôi không biết phản ứng trong nước thế nào.

Nhưng mà tôi nghĩ là không có trở ngại gì là vì khi ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và chủ nhiệm người Việt tại nước ngoài thì khi ông sang Canada thì Đại sứ quán Canada ở Ottawa có phone [gọi điện thoại] cho tôi vào buổi chiều bốn lần, rồi Tổng lãnh sự tại San Francisco cũng có phone [gọi điện thoại] cho tôi chiều hôm đó. Rồi ông Tô Văn Lai phone [gọi điện thoại] cho tôi từ bên California nói, “Em Ngạn ơi, đại sứ quán ở Washington muốn nói chuyện với em”. Thì tôi chỉ nói với ông Lai là “Anh ơi, anh cám ơn họ dùm tôi, nhưng mà tôi không có ý định về Việt Nam. Nhưng mà ông Tô Văn Lai nói với tôi một câu ngắn nhưng mà lần duy nhất là, “Mỗi người có một hướng đi cho mình. Thôi em đã chọn con đường đó thì anh tôn trọng quyết định của em”. Đó là lời ông Tô Văn Lai nói với tôi.

Trong một buổi chiều, mà đại sứ quán ở Canada phone cho tôi bốn lần, tổng lãnh sự tại San Francisco phone, và ông Tô Văn Lai nhận được một điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam ở Washington và phone cho tôi. Thì tôi nghĩ là một khi đại sứ quán đã liên lạc với tôi có nghĩa là việc tôi về nước là không trở ngại rồi. Trở ngại thì họ gọi tôi làm cái gì. Cũng như tôi nói rồi, tôi không có ý định về Việt Nam hay là chưa có ý định về Việt Nam. Đơn giản là như vậy.

‘Phép vua thua lệ làng’
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
Chụp lại hình ảnh,Một hình tư liệu: nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

BBC: Hiện nay chính sách kiểm duyệt văn hoá của nhà nước ở Việt Nam, một số họa sĩ thì bị hủy tranh, một số show diễn của bà Khánh Ly thì bị hủy. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi thì nghĩ một cách đơn giản. Tức là từ đầu khi tôi còn ở trong nước 3 năm trước khi vượt biển, tôi đã có một suy nghĩ mà sau này tôi vẫn thấy suy nghĩ đó của tôi là đúng, có thể là chủ quan là lãnh đạo trong nước không đồng nhất. Thí dụ Bộ Văn hóa Thông tin có thể cho phép, nhưng bộ Công an lại không cho phép. Thí dụ tôi nói trường hợp Chế Linh trước đây về nước thì gặp thẳng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có giấy phép trình diễn đàng hoàng, diễn khắp nơi nhưng vào đến Sài Gòn thì công an không cho trình diễn. Nó như một hình thức là “phép vua thua lệ làng”.

Ở những nước tự do như bên Mỹ, bên Anh, bên Pháp thì không gặp trường hợp đó. Cơ quan nào cấp giấy phép là xong rồi chứ không thể nào mà Bộ Văn hóa Thông tin cho trình diễn mà Bộ Công an không cho, thì cái giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin kia nó trở thành một tờ giấy không có giá trị, và họ làm như vậy họ không cảm thấy rằng người này dẫm lên quyền hạn của người khác. Đó là cái mà tôi nhìn thấy ở trong nước như thế.

Còn chuyện như Khánh Ly hát bài Gia tài của mẹ thì mơ hồ quá. Bởi vì câu hát “bao nhiêu năm nội chiến từng ngày”, câu đó thì ngày xưa miền Nam Việt Nam, thời của chúng tôi Việt Nam Cộng hòa thì cũng không bằng lòng câu đó. Mà đến bây giờ thì phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại cũng không bằng lòng câu đó.

Nhưng đó chỉ là một câu hát của một người nghệ sĩ, người ta không cần phải có những lý luận sâu xa, người ta chỉ thấy là miền Bắc miền Nam đánh nhau thì gọi là nội chiến. Đó là một chữ có tính tượng trưng nhưng không thể vì cái chữ đó mà cấm cái bài hát đó. Thành thử ra tôi thấy trong nước lãnh đạo không đồng nhất về tư tưởng.

Dành thời gian cho gia đình
Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn và gia đình
Chụp lại hình ảnh,Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn (giữa) cùng phu nhân – bà Trần Ngọc Diệp và con trai John Dinh Nguyen

BBC: Kế hoạch của ông sau khi nghỉ làm MC cho Paris By Night là gì? Ông có ưu tiên gì không?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Hiện bây giờ thì không có kế hoạch gì ngoài về nhà phụ vợ đi chợ nấu cơm. Tại vì phải nói một cách chân tình là trong 30 năm làm văn nghệ thì gần như cuối tuần nào cũng vắng nhà, đi show không nơi này thì nơi khác, gần như cũng thấy có một món nợ nho nhỏ đối với gia đình là cứ cuối tuần thì đi vắng.

Và ngay cả ở địa phương bạn bè thân hữu, những người quen hễ có tiệc tùng có đám cưới hay gì thì cũng chẳng dự được vì cứ cuối tuần là mình phải bay đi xa làm show. Bây giờ mình nghỉ là để về nhà trả cái nợ với gia đình, chở bà xã đi chợ rồi nấu cơm, làm vườn thôi, chứ hoàn toàn không có một kế hoạch gì.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
Chụp lại hình ảnh,Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Còn chuyện như Khánh Ly hát bài Gia tài của mẹ thì mơ hồ quá”

Theo BBC

Liệu vũ khí hạt nhân chiến thuật có được dùng ở Ukraine?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ dùng tất cả các phương tiện hiện có nhằm bảo vệ vùng lãnh thổ của mình, trong đó có các khu vực tại Ukraine mới sáp nhập thời gian gần đây. Tờ Al Jazeera đã đưa ra nhận định về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Mặc dù không có định nghĩa chung, nhưng vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có đặc trưng riêng về kích thước, tầm bắn hoặc cách sử dụng.

Loại vũ khí này thường mạnh hơn nhiều lần so với bom thông thường, gây ra bụi phóng xạ và khiến người tử vong không chỉ trong vụ nổ. Thế giới chưa nhất trí được quy mô nào thì được gọi là vũ khí chiến thuật.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường được gọi là vũ khí phi chiến lược, trái ngược với vũ khí chiến lược. Quân đội Mỹ định nghĩa vũ khí chiến lược là vũ khí nhắm mục tiêu vào năng lực gây chiến và ý chí gây chiến của kẻ thù, trong đó có các hệ thống sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc cũng như các mục tiêu khác.

Trong khi đó, vũ khí chiến thuật là để thực hiện các mục tiêu quân sự hạn chế hơn và tức thời hơn nhằm giành chiến thắng trong một trận chiến. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả vũ khí có đương lượng nổ thấp hơn.

Vũ khí chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa, bom thả từ trên không, hoặc thậm chí đạn pháo có tầm bắn tương đối ngắn, kém xa so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bay hàng nghìn km và đánh trúng mục tiêu trên khắp các đại dương.

Nhà phân tích quốc phòng Alex Gatopoulos làm việc tại Al Jazeera cho biết: “Đầu đạn hạt nhân chiến thuật giúp các chỉ huy quân sự linh hoạt hơn trên chiến trường. Vào giữa những năm 1950, khi thế giới chế tạo và thử nghiệm các loại bom nhiệt hạch mạnh hơn, các nhà hoạch định quân sự cho rằng vũ khí nhỏ hơn với tầm bắn ngắn hơn sẽ hữu ích hơn trong các tình huống ‘chiến thuật’. Đầu đạn hiện đại có đương lượng nổ có thể thay đổi, có nghĩa là người điều khiển có thể chỉ định sức nổ và vũ khí chiến thuật sẽ có sức mạnh từ 1 kiloton đến 50 kiloton. Về quy mô, loại vũ khí đã phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản có đương lượng nổ khoảng 15 kiloton. Một kiloton có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT”.

Nhiều cường quốc hạt nhân trên thế giới có các vũ khí đương lượng nổ thấp hoặc được sử dụng trên chiến trường. Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga đều có thể khiến Nga đáp trả bằng hạt nhân.

Ông nói Mỹ đã đặt ra một tiền lệ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945. Mỹ có khoảng 230 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong đó có khoảng 100 quả bom B61 được triển khai cùng máy bay ở châu Âu. Mới đây, Triều Tiên cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa để mô phỏng tình huống dội vũ khí hạt nhân chiến thuật xuống Hàn Quốc. Các chuyên gia nhận định rằng nếu Triều Tiên nối lại thử hạt nhân, vụ thử có thể có các đầu đạn nhỏ hơn được phát triển dành cho chiến trường.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có được dùng ở Ukraine?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật đã không còn là một phần của tư duy chiến lược kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Nhưng theo ông Gatopoulos, hầu hết các tính toán xem Mỹ và Nga sẽ phản ứng thế nào đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân lại bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh và thế cân bằng lực lượng mong manh vốn giúp thế giới an toàn nhưng luôn trong tâm trạng sợ hãi.

Các nhà phân tích cho rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để củng cố vị thế cường quốc có thể sẽ tăng lên trong một số trường hợp nào đó tại Ukraine.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng những bình luận về khả năng Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine chỉ là tưởng tượng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 13/10, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexander Venediktov cho biết các quan chức Nga chưa từng công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, quốc gia này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu kẻ thù sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để đối phó với Nga và các đồng minh; nếu Nga có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh; nếu chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Nga.

Cuối cùng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu quốc gia phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí thông thường.

Phan Anh / Trí thức VN

“Đại vương” Tập Cận Bình trên đỉnh cao quyền lực, cơ hội và thách thức

Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh như một ông vua quyền lực nhất Trung Quốc thời hiện đại (ảnh: Andrea Verdelli/Getty Images)

Khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình kế thừa một đất nước đứng giữa ngã ba đường. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc (TQ) dường như là một cường quốc đang trỗi dậy “không thể ngăn cản được”. TQ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vẫn “mê sảng” trong ánh hào quang rực rỡ của Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008.

Nhưng sâu trong những bức tường cao của Trung Nam Hải, nơi Tập khi còn nhỏ thường đến thăm người cha đã quá cố là ông Tập Trọng Huân, một phó thủ tướng có tư tưởng tự do, nhà lãnh đạo mới của TQ chứng kiến ​​một đất nước đang gặp khủng hoảng.

Tham nhũng tràn lan gây khó khăn cho Đảng Cộng sản (ĐCS) và tạo sự bất bình trong dân chúng, làm giảm tính hợp pháp của một chế độ mà cha của Tập đã giúp đưa lên nắm quyền. Khuyến khích làm giàu trong nhiều thập niên cải cách kinh tế đã dẫn đến khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và làm xói mòn hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gây khủng hoảng niềm tin. Và khi Mùa xuân Ả-rập lật đổ các nhà độc tài ở Trung Đông, sự trỗi dậy của mạng xã hội ở TQ đã tạo ra sân chơi hiếm hoi để thể hiện những bất đồng chính kiến, kêu gọi công bằng xã hội và thay đổi thể chế chính trị. Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức rõ ràng này.

Sinh ra đã là “princeling” (thái tử đảng), thế hệ con cái những anh hùng cách mạng cha đẻ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Tập tự xem mình là vị cứu tinh, được giao phó lèo lái đảng khỏi các mối đe dọa đối với sự tồn vong của nó. Nhưng thay vì đi theo con đường cải cách của cha mình, Tập đã chọn con đường khác: Kiểm soát hoàn toàn! Kết hợp kịch bản độc tài cũ và công nghệ giám sát mới, ông ta đã loại bỏ các đối thủ, siết chặt trật tự kinh tế, làm cho đảng có mặt khắp nơi (chính phủ, quân đội, xã hội và trường học…) và đưa chủ nghĩa sùng bái cá nhân vào cuộc sống hàng ngày.

Ông Tập cổ vũ mạnh mẽ “Giấc mơ TQ” về trẻ hóa đất nước, quảng bá tầm nhìn đầy cám dỗ: Khôi phục lại thời kỳ vinh quang trong quá khứ của TQ và giành lại vị trí xứng đáng trên thế giới. Mười năm trôi qua, TQ của Tập giàu có, mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời cũng độc tài, hướng nội và hoang tưởng hơn. TQ đã củng cố tầm ảnh hưởng quốc tế với cái giá là suy giảm mối quan hệ với phương Tây và nhiều nước láng giềng.

Tại Đại hội đảng bắt đầu vào Chủ nhật 16 Tháng Mười, Tập đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Đây cũng là lễ đăng quang của ông với tư cách là “nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TQ” kể từ Chủ tịch Mao Trạch Đông, mở đường cho khả năng cầm quyền suốt đời. Nhưng khi Tập phải vật lộn với suy thoái kinh tế nghiêm trọng và người dân ngày càng thất vọng với chính sách không khoan nhượng trong cuộc chiến Covid-19, căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh; cảm giác khủng hoảng trước ngày Tập lên nắm quyền vẫn tiếp tục ám ảnh và định hình sự cai trị của ông ta trong những năm tới, thậm chí nhiều thập niên tới.

Cơ cấu quyền lực của hệ thống đảng cai trị Trung Quốc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 ngày 16 Tháng Mười 2022 xác định vị trí quyền lực tối thượng của Tập Cận Bình (ảnh: Yasin Demirci/Anadolu Agency via Getty Images)

Vượt qua thách thức, củng cố quyền lực

Ngoi lên nấc thang quyền lực ở các tỉnh ven biển nhộn nhịp trong thời kỳ cải cách và mở cửa, Tập không thiếu kiến thức về nạn tham nhũng ở cấp địa phương. Nhưng sự lạm dụng quyền lực trắng trợn và những rạn nứt sâu sắc ở cấp cao nhất của ban lãnh đạo được phơi bày trong vụ bê bối của Bạc Hy Lai đã làm trầm trọng thêm cảm giác nguy hiểm của Tập đối với sự tồn vong của đảng. Tập bắt đầu phát động cuộc chiến tàn bạo và lâu dài nhất của đảng. Các cuộc thanh trừng quy mô của Tập không chỉ nhắm vào những kẻ tham nhũng mà còn nhắm vào những kẻ thù chính trị. Cuộc đàn áp đã giúp lập lại kỷ cương, xây dựng lòng trung thành và văn hóa sợ hãi, bóp nghẹt sự phản đối và giúp Tập tập trung thâu tóm quyền lực. Ông ta tự cho mình là người mạnh mẽ, dị ứng với quy tắc “tập thể” được cho là chỉ làm trầm trọng thêm chủ nghĩa bè phái dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).

Tập Cận Bình xây dựng hệ thống “triết học” cho riêng mình (Alex Chan Tsz Yuk/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Kết quả, chỉ trong bốn năm, Tập đã xác lập được vị thế là “trụ cột” của ban lãnh đạo đảng, đủ mạnh để yêu cầu 96 triệu đảng viên “thống nhất tư duy, ý chí và hành động” quanh ông ta. “Tập nghĩ rằng công cụ duy nhất để ông ta cai trị trong nước và gây thanh thế ở nước ngoài là một ĐCS thống nhất, mạnh mẽ và thực quyền. Vì vậy, ông ta xem việc đặt đảng dưới sự cai trị của mình là sứ mệnh – Richard McGregor tại Viện Lowy nhận định – Tập vừa củng cố bản thân, vừa củng cố phe nhóm như một phương tiện hỗ trợ cho mình”. Nhưng thống nhất đảng từ bên trong chỉ là một phần trong kế hoạch của Tập Cận Bình. Dưới thời Tập, đảng đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, thành lập lại các chi bộ cơ sở và lập ra các chi bộ mới tại các công ty tư nhân và nước ngoài.

Đảng siết chặt kiểm soát truyền thông, giáo dục, tôn giáo, văn hóa, bóp nghẹt xã hội dân sự và mở ra các cuộc đàn áp khắc nghiệt ở Tân Cương và Hong Kong. Tập cũng tăng cường quyền kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân từng sôi động. Cuộc đàn áp sâu rộng của ông ta đã buộc các trùm doanh nghiệp phải quì gối và xóa sổ hàng ngàn tỷ đôla giá trị thị trường khỏi các công ty TQ. Trong lĩnh vực trực tuyến, kiểm duyệt rộng rãi kèm trừng phạt đã đưa các phương tiện truyền thông xã hội vào khuôn phép theo mô hình mà Đảng mong muốn. Thay vì đóng vai trò xúc tác cho cải cách chính trị và xã hội, truyền thông trở thành cái loa tuyên truyền của đảng và là nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc.

Giấc mơ thành ác mộng

Nỗi ám ảnh phải kiểm soát hoàn toàn đất nước của Tập còn được hình thành bởi chấn thương sự sụp đổ của Liên Xô mà ông ta đã nhiều lần xem là “câu chuyện cảnh giác” cho ĐCS TQ. “Tại sao Liên Xô tan rã? Tại sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ? Một lý do quan trọng là lý tưởng và niềm tin bị lung lay” – Tập nhấn mạnh với các quan chức cấp cao trong một bài phát biểu vài tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo. Để giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin vào đảng, Tập đã thẳng tay đàn áp tôn giáo, củng cố lại hệ tư tưởng chủ nghĩa Marx và quảng bá “triết học” mang tên mình.

“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ cho kỷ nguyên mới” được ghi trong điều lệ đảng và nằm trong các bài phát biểu và cuộc họp của đảng. Nó cũng tràn ngập các bảng quảng cáo, trang nhất báo chí, màn hình rạp chiếu phim và được dạy trong các lớp học trên cả nước, cho cả trẻ em dưới 7 tuổi. Trung tâm của “Tư tưởng Tập Cận Bình” là khái niệm về giấc mơ “sự trẻ hóa vĩ đại đất nước TQ”, tầm nhìn được Tập công bố chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền. Kể từ đó, nó trở thành dấu ấn trong sự cai trị của ông ta, định hình nhiều chính sách của Tập cả trong lẫn ngoài nước.

_____________

Steve Tsang, Giám đốc Viện TQ tại Đại học SOAS (School of Oriental and African Studies), London:

“Tập xem việc đưa TQ đến miền đất hứa với sự trẻ hóa là sứ mệnh. Ông ta đắm chìm trong thần thoại lịch sử TQ, khi TQ là quốc gia và nền văn minh vĩ đại nhất thế giới. Phần còn lại của thế giới cần tôn trọng, ngưỡng mộ và làm theo sự lãnh đạo của TQ”.

_____________

Nhưng đối với những người khác, “Giấc mơ TQ” của Tập Cận Bình đã biến thành cơn ác mộng. Các nhóm thiểu số Hồi giáo bị bắt giam tùy tiện, bị cưỡng bức đồng hóa và bị kiểm soát chặt chẽ. Ở Hong Kong, những người ủng hộ dân chủ chứng kiến ​​sự tự do và hy vọng của họ bị bóp chết. Khắp đất nước, nhiều luật sư nhân quyền, nhà hoạt động, nhà báo, giáo sư, doanh nhân bị bỏ tù hoặc im lặng trong sợ hãi. Dưới mắt Tập, tất cả họ đều là mối đe dọa cho nhiệm vụ xây dựng một quốc gia thống nhất và vững mạnh nên phải dứt khoát xóa bỏ.

Càng ngày, ánh hào quang của “Giấc mơ TQ” càng lụi tàn đối với những người bình thường. Đó là các chuyên gia trẻ ngã quỵ trước áp lực căng thẳng, những người gửi tiền tiết kiệm cả đời vào các ngân hàng nông thôn nay mất trắng, những người mua nhà không thể trả các khoản thế chấp, các chủ doanh nghiệp phá sản, các công nhân bị sa thải và người dân bị đẩy đến bờ vực do phong toả Covid-19. Họ đang phải trả giá cho các chính sách của Tập. Những người vỡ mộng nhất đang tìm kiếm một lối thoát.

“Triết lý chạy” (run philosophy) đã trở thành từ thông dụng của TQ để nói về vấn nạn di cư để thoát khỏi điều mà một số người coi là tương lai diệt vong dưới sự cai trị của Tập. Tập Cận Bình nhiều lần kiêu hãnh nói: “TQ đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn”. Niềm tin này được củng cố bởi sự phân cực chính trị của Mỹ và màn tuyên truyền “mô hình chính trị ưu việt của TQ đã cho phép chúng ta chống lại Covid tốt hơn các nền dân chủ phương Tây”. Nhưng “triết học chạy” là sự bác bỏ hoàn toàn và cho thấy nhiều người TQ không còn niềm tin vào lời hứa của Tập sẽ làm cho TQ vĩ đại trở lại.

Bộ máy tuyên truyền của cộng sản Trung Quốc phủ sóng từ trong đến ngoài nước, với “nghệ thuật tuyên truyền” sặc mùi cộng sản thời Mao (ảnh: Isaac Wong/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Đối đầu với phương Tây, hợp tác với Nga

Nền tảng nuôi dưỡng “Giấc mơ TQ” của Tập là cảm giác căm phẫn cay đắng đối với phương Tây, bắt nguồn từ lòng tự ái “chủ nghĩa dân tộc” trước khi đảng nắm quyền, khi TQ phải chịu đựng “một thế kỷ nhục nhã” dưới tay các thế lực nước ngoài, bị xâm lược, chiếm đóng và làm cho suy yếu. “Các biện pháp của Mỹ chống lại ảnh hưởng gia tăng của TQ trong những năm gần đây chỉ làm tăng cảm giác bị các cường quốc phương Tây chèn ép – Richard McGregor nói – Tập hiểu điều đó và khai thác nó cho mục đích của riêng mình”.

Đứng trên đỉnh Thiên An Môn, hay Cổng Thiên Bình, lối vào chót vót của Tử Cấm Thành, Tập tuyên bố trước những tràng pháo tay vang dội từ đám đông: “Đất nước TQ sẽ không bao giờ còn bị các thế lực ngoại bang ức hiếp, áp bức hoặc khuất phục. Bất cứ ai dám thử, sẽ thấy đầu họ va vào một bức tường thép vĩ đại được rèn bởi hơn 1.4 tỷ người TQ”. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhiều lần cảnh báo chống lại sự “xâm nhập” của các giá trị phương Tây như dân chủ, tự do báo chí và tư pháp độc lập. Ông ta kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà thờ, phim ảnh và sách giáo khoa của phương Tây, tất cả đều được xem là “những phương tiện gây ảnh hưởng xấu của nước ngoài”.

Cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tàn bạo thời Tập Cận Bình – trong ảnh là một cuộc biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở London vào ngày 1 Tháng Mười 2022 (ảnh: Hesther Ng/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Dưới thời Tập, TQ công khai cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu với Hoa Kỳ, tận dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng địa chính trị. Mối quan hệ của TQ với phương Tây đang ở mức căng thẳng nhất kể từ những năm 1989 sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, và căng thẳng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh ủng hộ ngầm Moscow trong cuộc xâm lược Ukraine. Tập và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chia sẻ sự ngờ vực và thù địch sâu sắc đối với Mỹ, tố cáo Mỹ muốn kìm hãm TQ và Nga.

Hai lãnh đạo cùng chia sẻ tầm nhìn về một trật tự thế giới mới đáp ứng tốt hơn lợi ích quốc gia của họ và không còn bị phương Tây chi phối. Nhưng vẫn còn phải xem có bao nhiêu quốc gia sẵn sàng tham gia vào tầm nhìn đó khi nhận thức về TQ ngày càng tiêu cực hơn trong suốt thập niên nắm quyền của Tập ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, ở một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh bị nhiều nước láng giềng trong khu vực bác bỏ.

TQ bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng tranh chấp biển đảo với Nhật Bản và thỉnh thoảng lại xung đột biên giới đẫm máu với Ấn Độ. TQ cũng tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan, một nền dân chủ tự trị mà Tập thề sẽ “thống nhất” với đại lục. Về phần mình, Mỹ đã thức tỉnh trước cuộc cạnh tranh với TQ và đang làm việc với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng để tiến hành một loạt biện pháp chống Bắc Kinh, cả về địa chính trị, thương mại và công nghệ.

Lê Tây Sơn / Sagon Nhỏ