Ngôi nhà như lồng đèn khổng lồ

TP HCMHệ lam bằng nhôm có thể đóng mở, tường gạch bông gió toàn bộ mặt tiền giúp ngôi nhà ống 49 m2 luôn thoáng mát, đủ ánh sáng, như chiếc lồng đèn mỗi tối

Nằm trong khu dân cư với mật độ đông đúc, ngôi nhà với diện tích 49 m2 ở quận Tân Phú mang đặc tính điển hình của nhà ống như mặt tiền hẹp, thiếu sáng.

Yêu cầu của gia chủ với kiến trúc sư là giải quyết nhu cầu sinh hoạt cho gia đình năm người, ba thế hệ đồng thời phải có nhiều nắng, cây xanh, không gian vui chơi và thư giãn cho cả gia đình.

Thiết kế đầu tiên các kiến trúc sư ứng dụng cho công trình này là hệ lam bằng nhôm nhẹ tạo nên lớp vỏ bọc bên ngoài, đóng mở được theo nhu cầu người sử dụng, khiến mặt tiền nhà như biết cử động.

Buổi sáng, hệ lam chắn bớt nắng, đỡ gây chói mắt và ảnh hưởng đến giấc ngủ của chủ nhà. Buổi tối, gia chủ không cần đóng hệ cửa kính lùa bên trong vẫn có gió mát và đảm bảo an toàn.

Thay vì xây tường đặc, mặt tiền nhà sử dụng gạch bông gió để che nắng nhưng vẫn đảm bảo thông gió tự nhiên cũng như tạo điểm nhấn trang trí.

Phong cách kiến trúc hiện đại mang hơi hướng nghỉ dưỡng được áp dụng trong thiết kế nhà.

Để không tốn diện tích cho hành lang, công trình được thiết kế lệch tầng, các phòng ngủ vì thế cũng được bố trí lệch nhau theo cấu trúc nhà. Trung tâm tầng trệt là một sân vườn rộng với mái kính di động trên mái để lấy sáng và thông gió cho không gian phía dưới.

Khu vườn giữa nhà là không gian nối giữa bếp và khách. Đứng ở đây, mọi ngăn cách về không gian dường như được xóa bỏ. Khoảng sinh hoạt chung ngập tràn ánh sáng và cây xanh này là nơi sum họp ưa thích của các thành viên trong gia đình. Giải pháp lấy sáng và gió từ việc tổ chức các khối không gian chức năng như vườn đệm giữa nhà, hệ kính di động trên mái, mảng tường thông gió mặt tiền và hệ cửa sổ… khiến ngôi nhà luôn ngập trong ánh sáng, gió mát

Ngay phía trên khu vườn trung tâm, thẳng với không gian thông tầng là một tấm lưới rộng 5 m2, với khả năng chịu lực tối đa 500 kg/m2, tạo cảm giác giống như một hồ nước lơ lửng giữa nhà.

Đây là nơi vui chơi, thư giãn cho bọn trẻ, cũng là nơi nằm đọc sách, ngắm trời mây vào những đêm trăng sáng. Vì được bố trí ngay khoảng thông tầng nên khi thư giãn tại đây, sẽ dễ dàng cảm nhận được luồng gió mát thổi từ dưới lên vào những ngày nóng bức. Đây chính là giải pháp cải thiện vi khí hậu cho cả ngôi nhà.

Tấm lưới cũng là giải pháp kiến trúc giúp nhà thông thoáng, đưa ánh sáng tự nhiên lan truyền qua các không gian. Bởi vậy, tất cả các phòng công năng đều được tiếp xúc với nắng gió và không khí bên ngoài.

Khu vực tầng 3 là khu vui chơi, giải trí cho gia đình.

Vì phía trên là hệ mái kính lớn, nhằm giảm bớt ánh sáng trực tiếp chiếu xuống gây hỏng nội thất, hệ thống thanh ngang bê tông cùng tường bông gió ngăn với phòng vui chơi tạo thành các tấm tản sáng, nhưng vẫn đảm bảo độ thông gió cần thiết.

Không muốn sân thượng khô cứng mà trở thành một nơi thư giãn, kiến trúc sư đã thiết kế một bồn tắm ngoài trời với mái làm bằng tre tự nhiên.

Bồn tắm đầy sắc xanh dung hòa giữa thiên nhiên, cảnh vật khiến gia chủ có được không gian thư giãn thoải mái như ở resort.

Với hệ lam bao quanh chuyển động theo ý muốn, tối đến, ngôi nhà như một chiếc lồng đèn khổng lồ, nổi bật giữa khu dân cư đông đúc.

Ngôi nhà hoàn thiện trong 4 tháng, tổng chi phí 1,5 tỷ đồng.

Hải Hiền
Thiết kế và thi công: LINK architecture
Ảnh: Minq Bui Photography

Truyện : Vụ mưu sát hoang đường

Abani là một nhà văn nổi tiếng ở một quốc gia châu Phi, ông đã xuất bản hàng chục cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học ở trong và ngoài nước nhưng ông vẫn không bằng lòng. Bước vào tuổi xế chiều, ông muốn để lại một tác phẩm nổi tiếng, làm rạng danh văn đàn thế giới.

Sau những ý tưởng tinh tế, một kế hoạch táo bạo dần hình thành trong đầu Abani. Để viết nên cảm xúc chân thật của một người sắp bị treo cổ, ông quyết định tìm cách trở thành tử tù để bản thân có được cảm giác thể nghiệm trước khi chết và sau đó sẽ viết một tác phẩm nổi tiếng lưu truyền cho hậu thế.  

Việc đầu tiên là ông lặng lẽ đưa bà vợ về quê dặn bà không được tiếp xúc với ai và không được xuất hiện trước công chúng, sau đó ông viết một bức thư cho người bạn cũ của mình là Tổng thống, ở mặt sau của phong bì ông viết một câu như thế này: “Xin đừng bóc nó ra trừ khi tôi bảo bạn làm như vậy”.

Tổng thống thường nhận được những kiệt tác từ Abani, vì vậy sau khi nhận được bức thư của ông, mặc dù hơi ngạc nhiên nhưng ông chỉ coi nó như một tác phẩm gì đó của Abani. Ông rất tôn trọng không mở ngay bức thư mà cẩn thận cất vào ngăn kéo có ghi dòng chữ “Tài liệu riêng”, rồi lại làm tiếp những việc khác mà ông đang cần làm..

Vụ mưu sát hoang đường -0
Minh họa: Lê Hùng

Bà Abani đã vắng nhà đã được mười ngày, sự mất tích bất thường của bà đã làm hàng xóm xôn xao bàn tán. Abani cũng trút bầu tâm sự với những người giúp việc của mình: “Phụ nữ, đặc biệt vợ tôi là những thứ vô dụng nên phải loại bỏ đi”. Ông ta biết những ẩn ý này sẽ làm mọi người nghĩ rằng đây là vụ mưu sát! Quả nhiên, những động tĩnh đáng ngờ trong nhà của Abani đã làm Cảnh sát nghi ngờ: Đúng, người đàn ông này chắc chắn đã sát hại vợ mình! Đồn Cảnh sát địa phương đã quyết định bắt giữ Abani và cử người đến khám xét nhà của ông ta. Họ tìm thấy một bộ quần áo dính máu của bà Abani và một số đồ trang sức chôn ở góc vườn.

Ngày hôm sau, tin tức lan truyền trên các tờ báo với tiêu đề: “Nhà văn nổi tiếng Abani bị buộc tội giết vợ, một chiếc áo khoác dính máu được tìm thấy ở trong vườn nhà ông ta!”. Ở đâu người ta cũng bàn luận sôi nổi về chuyện Abani giết vợ. 

Abani được đưa vào một phòng giam nhỏ tại đồn Cảnh sát nhưng ông lại cảm thấy rất thoải mái. Ông mừng thầm trong bụng vì kế hoạch của mình đang tiến triển rất thuận lợi, mình đang trải qua cuộc sống của một tù nhân và sắp tạo ra được một tác phẩm tuyệt vời, ông phấn khích đến mức đêm không thể nào ngủ được.

Khi thấy người lính gác nhìn mình bằng ánh mắt nghiêm khắc và nghi ngờ, ông cười thầm: “Đồ ngu, tôi vô tội!”. Nói tóm lại, khi những người ngưỡng mộ Abani đang lo toát mồ hôi cho số phận của ông thì ông lại bình yên trong phòng giam viết thư cho Tổng thống: “Thưa Tổng thống, vào giờ phút sinh tử này, xin mở lá thư tôi gửi cho ông lần trước …”. Như vậy, Abani yên tâm chờ đợi sự phán quyết của tòa án.  

Ngày tuyên án cuối cùng đã đến. Hôm đó, người dân đứng đông nghịt hai bên đường dẫn vào tòa án. Một lần nữa Abani lại cảm thấy buồn cười, ông ta đã quyết định thú nhận tội giết người tại tòa án, bởi vì “thú nhận trước tòa” sẽ là một cảnh rất thú vị được lưu truyền trong tương lai, vở kịch này phải được diễn thật tốt và đúng là ông ta đã thể hiện tốt, cuối cùng tòa án đã tuyên bố ông ta phạm tội giết người và kết án tử hình, ngày hành quyết được ấn định vào ngày hôm sau.

Kế hoạch đang diễn ra rất thuận lợi theo ý tưởng của Abani, lúc này ông cảm thấy mình không còn xa mục tiêu mà ông đang phấn đấu để trải qua những cảm giác cuối cùng của người tử tù. Ông trở lại phòng giam và nằm xuống chiếc giường cứng đờ, khi ông nhớ đến phần cuối cùng của toàn bộ kế hoạch – sáng mai lúc 8 giờ, quản giáo sẽ đến để nhắc nhở ông về việc thi hành án. 

Abani nghĩ: “Nên viết thư cho Tổng thống ngay bây giờ hay để đến tối?”. Sau một hồi suy nghĩ ông ta quyết định sẽ viết thư cho Tổng thống vào tối hôm nay. Sau khi lấy giấy và bút ông bắt đầu viết bức thư cho Tổng thống, nội dung là yêu cầu Tổng thống mở lá thư mà ông đã gửi cho Tổng thống vài tháng trước. Sau khi viết xong bức thư, ông yêu cầu lính canh gọi quản giáo đưa bức thư gửi cho Tổng thống, trên phong bì có dòng chữ “Khẩn cấp” và “Gửi Tổng thống”.

“Đây là vấn đề quan hệ đến sự sinh tử”, Abani nói với quản giáo, “Tôi hy vọng bức thư này có thể được trình lên Tổng thống ngay lập tức!”.

“Cái gì?”. Người quản giáo có chút không hài lòng nói, “Tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống này, tôi phải được xem trước khi gửi nó đi”.

Việc này làm cho Abani không ngờ tới, ông ta nổi giận đùng đùng nói: “Ông không cần phải đọc bức thư này. Trong thư của tôi chỉ có một câu thôi, đó là yêu cầu Tổng thống làm ngay một việc”.   

Người quản giáo rất không vui trở lại văn phòng – Một người sắp phải chết còn có thể làm gì nữa? Nghĩ đến vẻ mặt kiêu ngạo của Abani, ông ta càng tức giận, vì vậy ông ta bỏ lá thư vào ngăn kéo.

Cả đêm hôm đó, Abani không thể ngủ được, ông không rét mà run vì sự thờ ơ của người quản giáo với bức thư của mình: “Có gì sơ hở trong kế hoạch của mình không?  Nhỡ ra Tổng thống nhận được thư muộn thì sao? Không, không, không thể như thế được”. Abani có cả ngàn lý do để tin rằng kế hoạch của mình là không thể sai lầm sai sót. Nhìn chung, buổi tối hôm nay thật khó khăn đối với nhà văn vì ông ta lo lắng suốt cả đêm. 

Sáng sớm hôm sau, tiếng mở khóa cửa phòng giam làm Abani giật mình bật dậy. Ông chợt nhớ rằng trong bức thư đầu tiên gửi cho Tổng thống, ông đã yêu cầu Tổng thống hãy đến cứu mình ở phút cuối cùng: “Khi tôi đang ở trên giá treo cổ, hãy đến cứu tôi”.

Sáng sớm mặt trời đang mọc và thời tiết rất ấm áp, hai lính canh lặng lẽ hộ tống Abani đến nơi thi hành án. Khi vừa sải bước ngang qua chiếc sân rộng, đôi chân nhà văn bỗng mềm nhũn, yếu ớt như một đứa trẻ. Hai lính canh đã quen với tình huống này, họ nhanh chóng đưa tay ra xốc nách Abani dẫn ông đi đến nơi tên đao phủ đang đứng. Bên cạnh tên đao phủ là một quan cai ngục mà Abani không biết, xung quanh không có ai cả. Lúc này, đầu óc của Abani trở nên trống rỗng sau một đêm mất ngủ, khi cảm giác có người đang trói tay mình ông ta mới chợt bừng tỉnh.

Abani nói với giọng điệu bình tĩnh lạ thường: “Chờ một chút”.

Tất cả mọi người đều sững sờ và giật mình trước sự bình tĩnh lạ thường của Abani. Abani nói một cách hùng hồn: “Chắc các ông nhầm rồi, nên có một sứ giả của Tổng thống ở đây chứ?”.

Hai lính canh nhìn viên quan quản giáo, nhưng khuôn mặt của viên phó quản giáo rất vô cảm, thế là tên đao phủ bước tới và định bịt mắt phạm nhân sắp bị hành quyết bằng một tấm vải đen dày, nhưng hắn đã không thành công. Trong cơn hoảng loạn tột độ, Abani tuyệt vọng vùng vẫy định thoát khỏi đôi tay đang bị trói và hét lên: “Chờ một chút, đợi một chút, có sự nhầm lẫn rồi”.

Nhưng lính canh đã là những chuyên gia xử lý tình huống này, trong mắt họ, Abani đã là một xác chết, họ nhanh chóng trói chặt tay ông ta, và tên đao phủ cũng bịt mắt ông ta lại.

Nhà văn bị bất tỉnh không lâu tuy chỉ là phút chốc thôi nhưng khi tỉnh lại ông ta cảm thấy nó dài dằng dặc. Hai tay ông bị trói quặt ra sau, mắt bị bịt kín và bị dẫn đến một thế giới tối tăm vô định. Trên thực tế là ông ta bị đưa lên giá treo cổ, bây giờ ông ta giống như một con cừu non chờ bị giết thịt.

Tên đao phủ cuối cùng cũng đạp cái đệm dưới chân Abani ra, lúc này kim đồng hồ chỉ đúng con số 9. Khi cái thân thể nặng nề của Abani rơi xuống cái hố đen ngòm, từ trong cái hố vọng ra tiếng kêu khàn khàn của Abani: “Đợi một chút, đợi một chút!”…   

Vài ngày sau, khi Tổng thống biết Abani đã bị kết án tử hình vì tội giết người, ông mới sực nhớ bức thư mà Abani đã gửi cho mình đang để ở trong ngăn kéo tủ, khi mở ra xem ông đã bị choáng vì nội dung bức thư là lời giải thích cặn kẽ của Abani về “Vụ án giết người” hoang đường của ông!

“Chúa ơi!”, Tổng thống kinh ngạc thốt lên, “Sự việc đã đến nước này thì không thể để cho mọi người biết sự thật được nữa”. Tổng thống đã đốt bỏ bức thư…

Nguyễn Thiêm (dịch) / Albert Jack (Anh) / Văn nghệ CA

9 thực phẩm giúp giảm huyết áp

Huyết áp cao được coi như “kẻ giết người thầm lặng”. Nếu bạn có nguy cơ hoặc đang điều trị cao huyết áp, hãy sử dụng những thực phẩm dưới đây.

Quả kiwi

Quả kiwi chứa nhiều chất Lutein, một loại chất chống oxy hóa rất tốt. Vì vậy, những người huyết áp cao ăn 3 quả kiwi mỗi ngày sẽ có hiệu quả rất rõ rệt.

Dưa hấu

Theo một nghiên cứu mới của các nhà thực phẩm học từ ĐH Bang Florida (Mỹ), dưa hấu là vũ khí tự nhiên hữu hiệu chống lại hiện tượng tiền cao huyết áp, tiền thân bệnh tim mạch. Chúng là nguồn thực phẩm tự nhiên giàu L-citruline – một amino axit thiết yếu cần cho sự hình thành oxide nitric giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp khỏe mạnh. Ngoài lợi ích tim mạch của citrulline, dưa hấu cũng cung cấp nhiều vitamin A, B6, C, chất xơ, kali và lycopene (chất chống oxy hóa mạnh).

Táo gai

Táo gai là loại quả thường mọc trên núi, chứa nhiều vitamin, chất flavonoid – những chất chống oxy hóa tự nhiên hiệu quả, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp tim khỏe mạnh, lợi tiểu và giảm huyết áp cực tốt.

9 thực phẩm giúp giảm huyết áp
Hoa râm bụt

Theo một nghiên cứu của ĐH Tufts, uống trà hoa râm bụt mỗi ngày giúp hạ huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch cho những người có nguy cơ bị huyết áp cao. Trà hoa râm bụt có tác động làm giãn thành mạch máu, ngăn chặn enzyme chuyển hóa làm tăng huyết áp.

Chocolate đen

Chocolate đen chứa ít nhất 70% bột ca cao. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA), tiêu thụ khoảng 30 calo mỗi ngày (khoảng một thanh nhỏ hình vuông) chocolate đen sẽ giúp giảm huyết áp sau 18 tuần mà không tăng cân hoặc không gây tác dụng phụ khác.

Chuối

Chuối chứa nhiều kali và là loại thực phẩm giúp hạ huyết áp rất tốt. Hãy ăn một quả chuối vào buổi sáng hoặc buổi chiều cùng với hạnh nhân. Ngoài ra bạn có thể xắt chuối thành những miếng nhỏ, cho vào túi rồi để vào tủ lạnh để thưởng thức.

Tỏi

Tỏi chứa một hợp chất từ lưu huỳnh là allicin, có tác dụng tích cực trong bảo vệ, ngăn ngừa và chống lại các bệnh của hệ thống tim mạch như xơ vữa động mạch và cao huyết áp. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy ăn tỏi thường xuyên còn giúp cơ thể chống lại các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư kết tràng, ung thư thực quản…

Khoai lang tím

Ngoài tác dụng giảm cân, khoai lang tím còn có công dụng rất tốt trong điều trị huyết áp cao. Khi ăn khoai lang nên để cả vỏ nướng, luộc mà không nên chiên, rán để tránh làm giảm các thành phần oxy hóa trong khoai. Đặc biệt, không nên ăn khoai với bơ thực vật, nó sẽ làm mất tác dụng “bình ổn” huyết áp.

Nho khô

Lượng kali cao trong nho khô là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp giảm huyết áp. Nho khô được các bác sĩ khuyến nghị nên là một phần của chế độ ăn kiêng với tỷ lệ sợi cao, hàm lượng chất béo thấp, giúp giảm huyết áp.

Theo Vnexpress

Kế sách ‘hỗn thủy mạc ngư’ của Trung Quốc

Kế sách 'hỗn thủy mạc ngư' của Trung Quốc

Ông Tập Cận Bình (trái) và nhân vật số 2 Ban thường vụ Bộ Chính trị Lý Cường trong cuộc gặp báo giới vào ngày 23-10 – Ảnh: Reuters

Bên cạnh các nhiệm vụ đổi mới và trẻ hóa đội ngũ nhân sự chiến lược, Đại hội Đảng Cộng sản lần 20 của Trung Quốc (Đại hội 20) vừa qua đã hoàn thành quá trình thống nhất quan điểm toàn Đảng về thế giới quan mới.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 20, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã bổ sung khái niệm “dông tố nguy hiểm” bên cạnh “sóng to, gió lớn” khi đề cập đến các thách thức sắp tới của đất nước.

Những thông điệp và cách chọn lựa nhân sự của Đại hội 20 cho thấy kế sách “hỗn thủy mạc ngư” (đục nước bắt cá) của Bắc Kinh.

Từ thế giới quan “hỗn thủy”

Đây là một cách diễn giải đậm tính trực quan và thể hiện được các bước đi tuần tự của Trung Quốc từ giai đoạn “dò đá qua sông” những năm đầu cải cách – mở cửa những năm 1970, rồi lại trải qua thời kỳ “vượt dòng nước xiết” đẩy mạnh hội nhập quốc tế vào cuối thế kỷ 20, cho đến vị trí “giữa vùng biển sâu” khi phải đối mặt “sóng to” từ các vấn đề trong nước và “gió lớn” do các cường quốc bên ngoài gây ra trong hai thập niên đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, dù sao “sóng to” và “gió lớn” vẫn là những khái niệm có mức độ rủi ro trong tầm kiểm soát, còn “dông tố nguy hiểm” được nhắc đến lúc này nhiều khả năng cho thấy nhận thức về sự tồn tại những hiện tượng bên ngoài có thể gây chấn động lớn đến thế trận ổn định chiến lược của Trung Quốc.

Việc không nhắc lại quan điểm “tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc” trong văn bản dự thảo báo cáo của Đại hội 20 đi kèm với sự nhắc lại nhiều lần các diễn biến quốc tế “phức tạp”, “nghiêm trọng”, “chưa từng thấy”, thậm chí có cả “tình huống xấu nhất”… đã nhấn mạnh ý thức đề phòng cao độ các mối đe dọa đến từ bên ngoài.

Có thể thấy rõ chính “gió lớn” từ xu hướng xung đột tập hợp lực lượng giữa Mỹ và Nga sau cuộc chiến tranh Ukraine đã thúc đẩy các cơn “sóng to” khủng hoảng nội tại của Trung Quốc về tài chính, năng lượng và lương thực càng trở nên trầm trọng.

Trong đó, cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống ở khu vực bất động sản của Trung Quốc với các động thái rõ rệt từ các ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam cho đến “quả bom” Evergrande đã tạo nên các bong bóng tài chính khiến tổng nợ của Trung Quốc (gồm nợ chính phủ, nợ địa phương và nợ hộ gia đình) đã lên đến 270% GDP.

Hệ quả của cơn “sóng to” tài chính này đã tạo ra xu hướng nới lỏng các hạn chế kiểm soát thắt chặt với giới tài chính Mỹ đang đầu tư mở rộng vào Trung Quốc – một kịch bản nhiều rủi ro với chính phủ nước này.

Điển hình nhất là việc đồng ý cấp phép cho Tập đoàn Morgan Stanley tăng cổ phần từ 4,06 lên đến 94% trong công ty liên doanh môi giới ở Trung Quốc ngay sau khi phía Mỹ tuyên bố cân nhắc bỏ một phần thuế quan từ tháng

10-2021, hay sự chấp thuận thiết lập liên doanh giữa Goldman Sach với ngân hàng lớn nhất Trung Quốc – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ngay sau tuyên bố cân nhắc cắt giảm thuế quan của Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Yellen vào tháng 4-2022.

Cho đến trận đồ “mạc ngư”

Xác định được thế giới quan mới, ngay trong Đại hội 20, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung vào hai hướng ứng phó mang tính quyết đoán nhằm chèo lái đất nước vượt qua thời kỳ biến động:

Thứ nhất, củng cố đội ngũ có sự quyết tâm cao độ trong cạnh tranh nước lớn. Đại hội 20 đã cho thấy: (i) sự rời khỏi chính trường của một số ủy viên thường vụ Bộ Chính trị có đường lối ôn hòa với phương Tây như Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương hay Phó thủ tướng Lưu Hạc; (ii) nâng cao tiêu chí trung thành với mục tiêu “đấu tranh” với các lệnh phong tỏa, bao vây của phương Tây khi lựa chọn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức và dự khuyết.

Đây được xem là nền tảng quan trọng để tăng cường tối đa sức chiến đấu cũng như sự quyết đoán của Trung Quốc trong thế trận ứng phó cường độ cao với “chủ nghĩa bá quyền” mà Trung Quốc cho rằng nhiều nước lớn đang thúc đẩy.

Thứ hai, tranh thủ thế trận cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn để củng cố các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc.

Trong đó, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chiến lược “rút củi đáy nồi” khi tập trung vào các định hướng thao túng từng phần năng lực kinh tế – công nghệ của Đài Loan bằng cách tăng cường thị phần ảnh hưởng ở các cảng biển và nhóm công ty giữ công nghệ cốt lõi để hướng đến mục tiêu “thống nhất trong hòa bình”, nhằm hạn chế kịch bản gia tăng áp lực từ các nước lớn.

Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động ngoại giao đảng với 500 đảng phái và tổ chức chính trị trên thế giới nhằm củng cố thế trận ngoại giao với các đối tác thân thiện theo tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới như đã công bố trong cuộc họp báo lần thứ tư khi diễn ra Đại hội 20.

Đồng thời phát huy cao độ “sức mạnh diễn ngôn” trong tuyên truyền đối ngoại về “cộng đồng chung vận mệnh” nhằm đẩy mạnh quảng bá Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) với tư duy “cùng thắng” thay thế tư duy “thắng thua” mà nhóm các nước lớn đang thực hiện.

“Dông tố nguy hiểm” từ Mỹ?

Ngay trước thềm Đại hội 20, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực thi các chính sách gia tăng áp lực tối đa lên Trung Quốc, như việc ban hành các lệnh tăng cường hạn chế bán các công nghệ bán dẫn hàng đầu cho Bắc Kinh hoặc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới với sự định hình các chính sách gia tăng bao vây, phong tỏa nước này.

Điều này đã góp phần khuếch đại thêm ảnh hưởng từ các cơn “gió lớn” trong việc tạo ra chuỗi đứt gãy về nguồn cung thuộc chuỗi sản xuất toàn cầu thiết yếu của Trung Quốc – tác nhân sẽ sớm kiến tạo nên “dông tố nguy hiểm” với những thiệt hại mà Trung Quốc không thể lường trước.

Theo Tuổi Trẻ

Blog: Tập Cận Bình thắng thì ai thua?

Tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa qua, lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình đã phá bỏ mọi quy tắc để tại nhiệm. Liệu đây có phải “đại tiệc” của ông Tập và ĐCSTQ? Nhà văn Nghiêm Thuần Câu (NGAN, Shun-kau) tại Hồng Kông có bài nhận định thể hiện quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh chụp màn hình video)
Một người bạn hỏi, Tập Cận Bình đã thắng tại Đại hội 20, vậy ai thua? Nhìn bề ngoài cho thấy “phe Giang” [thân tín cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân] đã thua toàn diện. Thế nhưng, nếu các phe phái trong ĐCSTQ đều thấy triển vọng tương lai u ám nên đồng lòng đoàn kết để bảo vệ Đảng và lợi ích chung của nhóm quyền quý, họ thấy trong bối cảnh này phải trao cho Tập Cận Bình địa vị cao nhất mới có thể ứng phó được cuộc đấu tranh tàn khốc phía trước, nếu đúng như vậy thì Tập Cận Bình đã thắng, nhưng không đồng nghĩa có phe nào trong ĐCSTQ thua.

Đại hội 20 là chuyện nội bộ của ĐCSTQ, ai thắng ai thua không liên quan gì đến “thế lực nước ngoài”. Tập Cận Bình toàn thắng không có nghĩa là lợi ích của Mỹ và phương Tây bị tổn hại, nếu là người khác thì đối đầu giữa Trung Quốc và nước ngoài vẫn khó tránh khỏi. Trái lại, việc Tập Cận Bình tập trung quyền lực có thể giúp phương Tây đối phó với Trung Quốc dễ dàng hơn, do đó có thể nói các thế lực bên ngoài không vì vấn đề này mà thua thiệt.

Nhưng nhìn chung, chiến thắng của Tập Cận Bình có nghĩa là ĐCSTQ đã thua và người dân Trung Quốc cũng thua, vấn đề chỉ là tổn hại của người dân Trung Quốc là tạm thời nhưng thua cuộc của ĐCSTQ là cuối cùng.

Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình sẽ có một chế độ độc tài kiên cố hơn, quyền lực chính trị trong ĐCSTQ để kiềm chế Tập Cận Bình sẽ suy giảm, ĐCSTQ sẽ “phát triển” thành đảng phát-xít nhanh hơn. Có vấn đề gọi là “vật cùng tất biến”, trong xã hội hiện đại này, khi một đảng cầm quyền tự biến thành thế lực phát-xít khổng lồ, không bị hạn chế bởi bất kỳ thế lực chính trị nào và bản thân nó lại không thể tự kiềm chế [quyền lực của chính nó], trong trường hợp đó xu hướng tà ác của thế lực đó sẽ có đủ điều kiện để bành trướng không giới hạn, và triển vọng sẽ không thể tốt đẹp mà chỉ là tự hủy hoại sức mạnh từ bên trong nó, giống như Hitler và Stalin.

Chuyện ông Hồ Cẩm Đào bị đưa đi khỏi hiện trường tại Đại hội 20 khiến một số người cảm thương cho ông ấy, nhưng tôi không có cảm giác gì với ông Hồ cả. Hệ quả của ông ấy ngày hôm nay có phần do chính ông ấy tạo ra. Khi Hồ còn là Bí thư Tây Tạng đã đàn áp dã man những đòi hỏi chính trị của người dân Tây Tạng, sau khi vào Ban Chấp hành Trung ương, ông ta chưa bao giờ chùn tay kiểm soát những trí thức tự do, xu thế bành trướng quốc doanh (‘nước tiến dân lùi’) cũng được ông Hồ thúc đẩy, chính hệ thống an ninh duy trì trật tự xã hội [phi dân chủ] cũng được gia cố trong nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào. Ông ta tận tâm tận lực bảo vệ vị thế cai trị toàn trị của ĐCSTQ, vấn đề giao lại mọi quyền lực sau khi nghỉ hưu không phải điều ông ấy muốn, mà vì sức ép của ban nguyên lão trong Đảng.

Trên mạng xuất hiện một đoạn video về buổi lễ chia tay do Tập Cận Bình tổ chức sau khi Hồ Cẩm Đào thoái vị. Trong buổi lễ, Tập Cận Bình đã nói những lời tốt đẹp yêu thương chân thành dành cho Hồ và họ bắt tay nhau, thế nhưng vẻ mặt của Hồ không thấy có gì vui mừng khi phải giao lại quyền lực. Ông ta đã có công lớn vun đắp bóng ma toàn trị này, và bây giờ chính nó nuốt chửng ông ta. Đây là hệ quả ông ta tự chuốc lấy, có thể xem như nhân quả báo ứng.

Video đầy đủ quá trình ông Hồ Cẩm Đào được “mời” ra khỏi hội trường Đại hội 20
Chắc chắn quan điểm “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã kết thúc, cải cách và mở cửa đã kết thúc, kiểu lãnh đạo tập thể đã kết thúc, chế độ độc tài ĐCSTQ sẽ đạt đến đỉnh cao. Sau này, ĐCSTQ sẽ tăng cường đối đầu với phương Tây và đàn áp tàn bạo hơn phản kháng của người dân Trung Quốc, sẽ “không do dự” quay trở lại cuộc Cách mạng Văn hóa cực tả, đất nước Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành phiên bản bành trướng của Triều Tiên.

Nước Trung Quốc sẽ thế nào sau khi thành “phiên bản Triều Tiên” thì phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của người Trung Quốc. Sức chịu đựng của người Trung Quốc càng lỳ và càng quen, thì tuổi thọ của ĐCSTQ càng dài, ngược lại nếu người dân Trung Quốc không thể chịu đựng được nữa thì ĐCSTQ sẽ khó có tháng ngày tươi đẹp. Người dân Trung Quốc sẽ nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền toàn trị.

Điểm chí mạng của nhà độc tài là ông ta thường ảo tưởng quyền lực không gì lay chuyển của bản thân, nhưng hãy xem quyền uy “một tay che trời” của Mao Trạch Đông cuối cùng không bị đổ do tay kẻ khác, mà do chính tay ông ta. Một khi nhà độc tài đã lên đỉnh cao uy quyền thì xung quanh ông ta chỉ còn đám nô tài, còn kẻ độc tài thì lại không muốn nghe thấy tiếng nói đối lập, cũng không thể nghe được tiếng nói đối lập, vì vậy nhận thức và phán đoán của ông ta đầy cực đoan khiếm khuyết và có xu hướng tự hủy hoại, hành vi ông ta làm thường dẫn đến tổn hại cho chính bản thân.

Trong những năm cuối đời, Viên Thế Khải (1859 – 1916) tin dùng toàn những lời xu nịnh xung quanh và được lên ngôi, kết quả là chỉ trong 83 ngày ông phải tuyên bố bãi bỏ chế độ quân chủ. Lời trăn trối ân hận trước lúc lìa đời của Viên Thế Khải xem như ông còn chút lương tri: “Ta vốn không có tư tưởng quân chủ, được quốc dân giao phó nắm quyền, nhưng lại nhất thời mê muội gây hệ quả xấu ngày nay…”.

Tập Cận Bình đã thắng, nhưng chiến thắng này chắc chắn không phải là điều tốt đối với ông Tập. Từ đây, Tập Cận Bình sẽ đơn độc thao túng có thể dễ dàng đánh giá sai lầm nghiêm trọng hơn tình hình trong và ngoài nước, triết lý đấu tranh sẽ dễ lên cực đoan, đưa Trung Quốc vào hoàn cảnh tồi tệ hơn không thể sửa sai. Trong trường hợp đó, Tập Cận Bình không chỉ gây hại cho tương lai của Trung Quốc mà còn dẫn dắt ĐCSTQ vào con đường tự diệt. Cuối cùng, Tập Cận Bình có thể an lành sao? Tất nhiên không, vì vậy, chiến thắng của Tập Cận Bình chính là khởi đầu cho thất bại của ông ta.

20 năm trước, trong một buổi họp mặt của cựu học sinh trung học, có người hỏi tôi trong bữa tiệc rằng bạn có nghĩ ĐCSTQ sẽ sụp đổ không, ngay lập tức tôi trả lời: Nếu mọi người [Trung Quốc] muốn sụp đổ thì sẽ sụp đổ, và ngược lại sẽ không. Câu này dù hiển nhiên nhưng cũng khiến mọi người trầm tư. Có lẽ mọi người không bất ngờ gì đối với lời của tôi, mà bản thân mỗi người suy ngẫm xem mình có muốn ĐCSTQ sụp đổ không.

Vấn đề nằm ở chỗ câu hỏi chỉ đề cập đến kết quả “ĐCSTQ có sụp đổ không” mà không chỉ vào nguyên nhân “liệu ĐCSTQ có đáng tồn tại không”.

Việc nhà cầm quyền có đáng tồn tại không thì phải xem “tính chính danh” của họ: Có do dân bầu lên không, có được lòng dân không, có đại diện cho giá trị của cộng đồng dân tộc đó không?

Trước tiên hãy hỏi xem ĐCSTQ có tính hợp pháp để cai trị hay không, sau đó hỏi liệu việc cai trị đó có hợp lý hay không, liệu đó là vì sự ích kỷ của một Đảng phái hay vì lợi ích của toàn dân. Nếu cả tính hợp pháp và hợp lý đều không có, thì ĐCSTQ cần phải sụp đổ. Nhưng trước tiên, số đông cần suy nghĩ có muốn nó sụp đổ hay không rồi hãy nghĩ kịch bản nó sụp đổ!

Biểu ngữ chống ông Tập Cận Bình xuất hiện nhiều nơi ở Trung Quốc
Do đó, dù hành động của Bành Tái Chu (Peng Zaizhou) [treo biểu ngữ phản đối Tập] trên cầu Tứ Thông (Sitong) thật dũng cảm, nhưng số người Trung Quốc được như vậy còn quá ít. Gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ một video ghi lại cảnh hai cô gái đi trên đường cầm một biểu ngữ có nội dung “Không muốn, không muốn, không muốn”, khẩu hiệu chính là lối ghi tắt của khẩu hiệu mà Bành Tái Chu đã làm trên cầu Tứ Thông, có vài cô gái đi theo cùng rõ ràng họ là một nhóm với nhau.

Hai phụ nữ ở Thượng Hải giơ biểu ngữ phản đối hôm bế mạc Đại hội 20 ĐCSTQ
Kỳ lạ ở chỗ họ đều là con gái, đến một người đàn ông cũng không có, trong khi vài người dân xung quanh bàng quang ghi hình, nhưng không ai tham gia cùng. Ở trên một con phố bị kiểm soát chặt chẽ như vậy tại Thượng Hải mà có một nhóm phụ nữ liều mạng công khai tuyên bố nguyện vọng chính trị, thì có thể thấy rõ lòng dân đã quay lưng [với ĐCSTQ].

Vì vậy, nếu nói rằng Tập Cận Bình đã chiến thắng [tại Đại hội 20] thì nghĩa là ĐCSTQ đã thua, hệ quả cuối cùng là Tập Cận Bình còn thua thê thảm hơn.

Nghiêm Thuần Câu
(Bài viết được tác giả cho phép Vision Times đăng lại từ trang Facebook của ông).

Trí thức VN