Nhà ống dùng gạch đảo ngược để hút gió

TP HCM – Nhằm tạo sự thông thoáng nhưng vẫn kín đáo, gạch 4 lỗ được xoay dọc thay vì đặt ngang, hướng mặt lỗ ra ngoài để hút gió.

Ngôi nhà ba tầng diện tích 6×20 m ở phía tây TP HCM nhìn từ bên ngoài là một khối kiến trúc đơn giản. Mong muốn của gia chủ trước khi xây là có không gian sống hướng tới thiên nhiên, đem lại cảm giác bình yên và thư thái mỗi khi trở về.

Ngay từ mặt tiền, ngôi nhà đã tạo ấn tượng đặc biệt với gạch ống nguyên bản 4 lỗ được xoay dọc thay vì đặt ngang, thò mặt lỗ ra ngoài đường. Lỗ gạch này có kích thước phù hợp, tránh người ngoài nhìn vào bên trong, hạn chế tiếng ồn nhưng gió vẫn được lưu thông, giá thành lại khá rẻ.

Hệ thống tre trúc phủ trước mặt tiền nhà ngoài tác dụng lọc ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, điều hòa không khí, còn tạo điểm nhấn thị giác về sự mộc mạc và tính truyền thống.

Nội thất trong nhà có tông màu hòa quện giữa trắng, đen, tím và hồng. Không gian tầng trệt dành cho phòng khách, bếp ăn hoàn toàn mở, loại bỏ hết các bức tường ngăn cách, mang lại cho gia chủ cảm giác thoải mái, rộng rãi.

Điểm nhấn đặc biệt nhất của không gian này chính là hệ cầu thang 3 lớp gồm bậc thang ngăn kéo gỗ, bậc thang sắt và cuối cùng là thang bê tông màu phía trên cùng.

Hệ thang này khá đặc biệt khi lớp thang gỗ được nối dài để làm bệ đỡ cho ghế ngồi phòng khách. Lớp thang sắt được thiết kế theo dạng “cầu thang bay”, tức các bậc cầu thang nằm rời nhau, tạo điểm nhấn thị giác.

Trung chuyển giữa hai lớp thang ngăn kéo gỗ và thang sắt có một bậc bằng gỗ cùng màu với bàn ăn, được các kiến trúc sư sử dụng làm phần nối dài cho phần nội thất này. Việc chia màu sắc khác nhau cho các bậc thang nhằm tạo thêm sự sinh động, trẻ trung cho ngôi nhà vốn có bề ngoài thô mộc.

Ngay cạnh bếp có một khoảng xanh đến từ khu vườn nhỏ. Đây cũng là vị trí giếng trời của các tầng trên, nhằm đưa ánh sáng và gió tự nhiên vào trong nhà.

Mỗi đầu cầu thang được tích hợp với một kệ sách để biến chúng thành lan can, vừa tiết kiệm diện tích vừa tạo tính thẩm mỹ.

Hai giếng trời đảm bảo thông sáng, thông gió tự nhiên. Ánh sáng thiên nhiên từ trên cao luân chuyển vào bên trong nhà tạo cảm giác thông thoáng, nới rộng toàn bộ không gian.

Ngay phía dưới giếng trời ở tầng 2 là hệ thống phòng tập yoga, phòng xông hơi cùng một nhà vệ sinh nhỏ.

Phòng yoga được lát sàn gỗ, giếng trời phía trên cung cấp ánh sáng cũng như tạo sự đối lưu không khí. Căn phòng này còn được bố trí một bồn tắm nhỏ để gia chủ có thể thư giãn sau khi tập luyện xong.

Không gian đọc sách được bố trí với chiếc bàn bằng gỗ dài, nằm tại khu sinh hoạt chung, đối diện cầu thang lên tầng một. Trước bàn đọc sách là một giếng trời nhỏ, một nửa trồng cây xanh điều hòa không khí, một nửa để trống nhằm hút gió.

Kiến trúc sư cũng thay các bức tường bên hông giếng trời bằng gạch thông gió nhằm giúp thông gió chéo và tăng lượng ánh sáng lan tỏa khắp các không gian.

Phòng ngủ được xây dựng theo lối tối giản với tông màu đen, trắng, cùng hệ cửa lùa lớn để có thể nhìn ngắm trọn vẹn thiên nhiên bên ngoài.

Theo gia chủ, với kiểu thiết kế này, mỗi sáng thức dậy có thể nhìn thấy mảng cây xanh ngay từ giường ngủ. “Giống cảm giác như đi du lịch vậy”, chủ nhà chia sẻ.

Nhà vệ sinh được lót đá với phần tường hướng ra ngoài bằng gạch thông gió, tạo sự thông thoáng.

Bên ngoài ban công được trồng thêm trúc Nhật để đảm bảo sự riêng tư cho không gian.

Tầng ba được dành trọn làm sân thượng. Giếng trời sơn màu vàng sáng, tạo sự nổi bật, tràn đầy năng lượng.

Phần mái nhà phủ nhiều cây xanh có chức năng như một lớp đệm nhiệt, giúp làm mát không gian bên dưới.

Công trình thiết kế và hoàn thiện trong 8 tháng, tổng chi phí 6 tỷ đồng.

Trang Vy /Thiết kế: MM Home / Kiến trúc sư phụ trách: Phạm Thị Mỹ An / Ảnh: Hiroyuki Oki

Vietnam Express

Hàn Mặc Tử: Thiên thần bị đầy đọa


(Kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới, 1932-2022)

Quê Đồng Hới – Quảng Bình nhưng thi tài Hàn Mặc Tử chói sáng đỉnh điểm khi về sống ở Quy Nhơn – Bình Định những năm cuối cuộc đời ngắn ngủi. Có một thiên cơ giữa đất và người…

1.Từ tuổi học trò ở Quy Nhơn những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ thơ Hàn Mặc Tử và xem vết tích của ông để lại ở đất này là niềm tự hào và quyến rũ: Ngôi nhà tuổi thơ số 20 đường Khải Định (nay là ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Du); mái trường College ông dệt mộng đèn sách; thư viện nơi ông bươn bả với kiến thức kim cổ đông tây; bãi biển trăng và cát vàng mộng mị; những con đường rụt rè, những tình yêu; căn phòng thơ và bạn bè; xóm Tấn nơi lánh bệnh; nhà thương phong điều trị bệnh và ngôi mộ trên đồi Ghềnh Ráng…

Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940)

Lời bài hát “đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà…” đã ru chúng tôi vào một Quy Nhơn hoang sơ đẹp và buồn của mối tình thi sĩ và cái dốc Mộng Cầm đã trở thành địa danh nôn nao bổi hổi. Tôi có duyên may được gặp gỡ và trò chuyện với ba trong bốn nhà thơ lớn của nhóm “Bàn Thành tứ hữu” là Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên. Thông qua họ, tôi hiểu thêm về Hàn Mặc Tử trong lòng những người bạn của ông. Bây giờ trong cõi xa kia, bốn người bạn thân ở thành Đồ Bàn đã gặp lại nhau nơi cõi khác, chẳng chỉ “nửa đêm trăng tà” mà còn bất cứ lúc nào, như ngày xưa trẻ trung ở Quy Nhơn, trong những lần tìm đến nhau, thăng hoa trong thơ ca và tình bạn. Hàn Mặc Tử sinh ngày 12 tháng 8(âm, nhằm ngày 22/9/1912, mùa trăng, Chúa nhật, ngày của Chúa,…).

2. Hàn Mặc Tử không phải một tông đồ truyền giáo mà là “loài thi sĩ” đã xác lập định mệnh thơ với nguồn mạch của một thế giới tân kỳ, không phải đi rao giảng đức tin tôn giáo mà quán chiếu trời thơ như một sứ điệp của tình yêu cuộc sống hoàn vũ. Không phải là linh mục để thực hiện nghi thức bí tích, nhưng Hàn Mặc Tử vẫn là một kẻ chăn chiên chăn dắt tình yêu và gieo vào ân sủng thơ ca một mùi dầu thánh.

Tôi đã lặn lội trong âm thanh tuyệt diệu và mầu nhiệm những bài ca của Sa-lô-môn trong Kinh Thánh, tìm một nguồn gốc của sự vui vẻ thanh sạch và cao quý những nam nữ rất thanh khiết “như con hoàng dương hay là như con nai con ở trên các núi thuốc thơm” để quay về với đời và thơ Hàn Mặc Tử. Đó là một tình yêu tràn trề chảy qua vườn nho chín mọng, hoa tường vi trắng hồng, lai láng dưới răng, lưỡi, bầu vú, trong ngũ quan líu lo những mật ong và sữa. Khi người ta yêu nhau, có thể lắng nghe mọi âm thanh ngây ngất, nhìn mọi chi tiết đắm đuối của thân tâm trong bản giao hưởng thế giới tạo vật muôn trùng.

Hàn Mặc Tử, dưới góc độ nào đó, ở đầu thế kỷ XX phân thân trong hoàng đế Sa-lô-môn, trong kẻ lương nhân, và trong cả cô gái đồng trinh mà mấy nghìn năm rồi, thường hằng trong thánh ca bất tử: “Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng người. Vì ái tình chàng ngon hơn rượu. Danh chàng thơm như dầu đổ ra; Bởi cớ ấy các gái đồng trinh yêu mến chàng. Hãy kéo tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng, Vua đã dẫn tôi vào phòng Ngài. Chúng tôi sẽ vui mừng và khoái lạc nơi chàng. Các gái đồng trinh yêu mến chàng cách chánh trực”. Và bắt đầu một hành trình sáng tạo, Hàn đã lấy máu làm mực, lấy trăng làm giấy, kẻ lên đó những vần thơ khai phóng làm ngây ngất những tinh cầu: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ“.

Hàn Mặc Tử bày biện cuộc mình như một thánh lễ, giấy bút vào hành trình: “Mực lùa khí vị vô hồn chữ/ Văn hút hào quang ở miệng ra“. Dù khi hối hả (như một cái máy vi tính tiên tri mà thời Hàn chưa có): “Thơ chưa ra khỏi bút/ Giọt mực đã rụng rồi/ Lòng tôi chưa kịp nói/ Giấy đã toát mồ hôi” hay trầm tĩnh thức nhận “Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ/ Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ“, và niềm sám hối “Đời không có ngọc trong pho sách/ E chết khôi nguyên ở Phượng Trì” luôn luôn là nỗi ám ảnh để nhà thơ đi tìm châu báu trong trần gian: “Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm/ Còn mặt trời kia tợ khối vàng“. Thánh lễ của Hàn, từ cuộc khai tâm “Thuở ấy càn khôn mới dựng nên/ Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên/ Người thơ phong vận như thơ ấy/ Nào đã ra đời ngọc biết tên“, qua rửa tội “Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi/ Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng“, đến cuộc hòa minh: “Anh đứng cách xa hàng thế giới/ Lặng nhìn trong mộng miệng em cười/ Em cười anh cũng cười theo dọi/ Để nhắn hồn em đã tới nơi“, rồi ơn gọi: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/ Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang” cho tới tận cùng “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết/ Trải niềm đau trên trang giấy mong manh/ Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết/ Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” là thánh lễ của một kẻ tuẫn đạo để cứu rỗi. Điều này thuộc về định mệnh. Bầy chiên ngôn ngữ đã được quán triệt trong thể xác và linh hồn người thơ, và người thơ lộn trái thịt da cốt tủy ra trình bày dưới ánh sáng, theo một nhu cầu nội tại chân thực và thành kính. Hàn Mặc Tử đã tự thắp những vầng trăng trên thánh lễ, từ y phục: “Áo ta rách rưới trời không vá/ Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng” đến lương thực: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn” đến tiện nghi: “Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải” và trải nghiệm “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” nhưng cuối cùng vẫn chơi trên trăng với mục đích: “Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường thổi/ Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu/ Và để thoát ly ngoài thế giới…“. Tự gọi tên “Máu cuồng và Hồn điên“, Hàn Mặc Tử đã trải qua những cơn đau đớn giày vò về thể xác lẫn tinh thần, muốn thoát hồn ra ngoài xác thịt mà “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng“, một cự ly quán thế cả và thiên hạ để “Ràng rịt mãi cho tới ngày tận thế“. Đó là cuộc lữ hành lý tưởng của “loài thi sĩ” để tìm một nụ cười an lạc trong niềm đau cùng cực của một hình hài.

3.Nỗi cô độc của một thiên tài thơ ca là nỗi cô độc trong sum vầy, như đỉnh núi đột khởi giữa điệp trùng gò đống. Đời Hàn Mặc Tử luôn luôn hiện hữu song hành với thơ Hàn Mặc Tử, trong tình yêu của mọi người dành cho Hàn Mặc Tử suốt trăm năm nay. Và dù chưa có một thống kê xã hội học chính thức, tôi vẫn nhận thấy mộ Hàn Mặc Tử trở thành một trong những địa điểm hành hương được người mến mộ viếng thăm nhiều nhất trong số các nhà thơ Việt! Tôi đã đọc trong nước mắt của những vần thơ do khách đa tình sau mấy thế hệ viếng Hàn, nghe rào rạt sức sống của Hàn trong nguồn cảm hứng tinh khôi của họ, như dành cho người lương nhân trong Nhã Ca: “Vừa sớm mai, chúng ta sẽ thức dậy, Ði đến vườn nho, đặng xem thể nho có nứt đọt, Hoa có trổ, thạch lựu có nở bông chăng: Tại đó tôi sẽ tỏ ái tình tôi cho chàng. Trái phong già xông mùi thơm nó; Và tại cửa chúng ta có những thứ trái ngon mới và cũ; Hỡi lương nhân tôi, tôi đã để dành trái ấy cho chàng!“.

Chúng ta đều biết, ở Bình Định có vị anh hùng kiệt xuất Quang Trung – Nguyễn Huệ và cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trình bày thánh tích của một thiên tài. Thiên tài quân sự bách chiến bách thắng đã đưa một người nông dân lên ngôi hoàng đế, đưa những tấc sắt thành lưỡi gươm thiêng đại định thiên hạ. Tất nhiên, không ai đi so sánh 39 năm hiển hách huân nghiệp của một người bước lên ngai vàng với 28 năm của một dân đen dù dân đen ấy là một thiên tài thi ca mang tên Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nhà thơ đồng nghĩa với anh hùng văn hóa. Ai dám bảo đạo quân chữ nghĩa của Hàn Mặc Tử không phải được sinh thành bởi hương thơm và ánh sáng, không có khả năng chinh phục nụ cười nước mắt của thiên hạ trong nhiều thế kỷ tiếp theo.

Sự ngắn ngủi của đời họ là dồn nén của bùng nổ và nguồn cảm hứng thiên hạ dành cho họ sẽ không bao giờ vơi cạn. Thửa ruộng Hàn Mặc Tử, tòa nhà Hàn Mặc Tử, ngôi đền Hàn Mặc Tử sẽ làm cuộc giãi bày cho đến muôn sau, trong cuộc cứu rỗi thi ca thiên khởi, uyên nguyên, xa lạ với cuộc ma-ra-tông rượt đuổi trường phái, chủ thuyết, trào lưu, nắm chiếc đuôi khôn ngoan của cỗ xe ngựa triết học kinh viện. Cái đời thơ kỳ lạ ấy đã thực hiện sứ mệnh như một thiên thần bị đày đọa, đã đau khổ và yêu thương đến cùng cực khi trót một lần hẹn thề cùng cõi nhân gian

NGUYỄN THANH MỪNG / Văn học Saigon

Chạy bộ, ăn kiêng các kiểu vẫn khó giảm cân, khoa học nói vì bạn chưa biết điều này

Nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) được trình bày tại Hội nghị về béo phì châu Âu mới đây cho thấy giấc ngủ ngon và sâu sẽ như một chất xúc tác giúp giảm cân tốt hơn.

Chạy bộ, ăn kiêng các kiểu vẫn khó giảm cân, khoa học nói vì bạn chưa biết điều này - Ảnh 1.

Ít ngủ, ngủ kém sẽ dễ làm tăng cân – Ảnh: GULF NEWS

Theo nghiên cứu, khi ngủ ít, cơ thể chỉ giảm được 0,6kg mỡ, trong khi ngủ nhiều hơn có thể giảm trung bình được 1,4kg mỡ.

Ngủ ít, chỉ số BMI tăng cao

Trong nghiên cứu, 195 người béo phì, tuổi từ 18 đến 65, theo một chế độ ăn rất ít calo (800 calo/ngày), và cho thấy ít nhiều hiệu quả khi chỉ trong 8 tuần đầu, họ đã giảm trung bình 12% trọng lượng cơ thể.

Các tình nguyện viên được theo dõi trong suốt một năm. Khi ngủ, họ đeo một thiết bị có thể đánh giá được chất lượng giấc ngủ thông qua chỉ số Pittsburgh (PSQI).

Kết quả cho thấy ở những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, chỉ số khối cơ thể (BMI) được phát hiện tăng hơn 1,3 điểm sau một năm so với những người ngủ trên 6 tiếng.

BMI là chỉ số thông dụng, được dùng để nhận định một người ốm hay mập, tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét).

Với những người có giấc ngủ kém, chỉ số BMI cũng tăng 1,2 điểm sau một năm so với những người ngủ ngon.

Nhóm các nhà khoa học cho rằng số liệu trong suốt một năm qua cho thấy có mối liên hệ giữa ngủ ít, ngủ không ngon đến cân nặng.

Giáo sư Signe Torekov – Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng kém trước đây vẫn thường được biết sẽ tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao…

“Giờ đây chúng tôi thấy chất lượng giấc ngủ liên quan mật thiết đến việc duy trì công cuộc giảm cân . Nhiều người đã thất bại trong chuyện kiểm soát cân nặng vì ngủ không đủ giấc”, giáo sư Signe Torekov nói.

Giảm cân bằng… giấc ngủ

Chạy bộ, ăn kiêng các kiểu vẫn khó giảm cân, khoa học nói vì bạn chưa biết điều này - Ảnh 2.

Người ngủ ít hôm trước thường ăn nhiều hơn vào hôm sau – Ảnh: THE INDIAN EXPRESS

Trong một nghiên cứu trên tạp chí của Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học đã theo dõi một nhóm người ngủ không liền mạch. Một đêm họ ngủ 12 tiếng nhưng đêm sau họ thức trắng.

Kết quả từ bữa ăn sáng cho thấy khi thiếu ngủ, khả năng đốt calo giảm đi khoảng 7% so với ngủ đủ. Ngoài ra, khả năng tiêu hao calo trong ngày của những người này bị giảm tới 20%.

Riêng những phụ nữ ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi đêm sẽ ăn nhiều thêm 329 calo vào ngày hôm sau so với khi ngủ 8 giờ. Xu hướng này tương tự ở đàn ông, họ ăn nhiều hơn 263 calo vào những ngày ngủ kém.

Những lúc ngủ ít, cơ thể cũng chỉ giảm được 0,6kg mỡ, trong khi ngủ nhiều hơn có thể giảm trung bình được 1,4kg mỡ.

Nghiên cứu cho rằng ngủ quá ít sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone kích thích cơn thèm ăn và làm tăng quá trình sản xuất chất béo. Do đó, nếu không ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm, chứng thèm ăn do thiếu ngủ có thể là thách thức lớn cho những người muốn giảm cân.

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), hiện tại có hơn một phần ba số người trưởng thành ở Anh và Mỹ không thường xuyên ngủ đủ giấc, chủ yếu do áp lực cuộc sống.

Một phần tư thanh thiếu niên thừa cân được khảo sát cho thấy dường như họ không biết mình đang béo phì. Mặc dù hầu hết họ đều lo lắng về ảnh hưởng của cân nặng đối với sức khỏe trong tương lai, nhưng phần lớn đều không chú ý đến chuyện duy trì cân nặng hiện tại.

Giáo sư Torekov cho rằng ngày nay việc phổ biến các kiến thức về chứng béo phì rất quan trọng, để tránh nhiều căn bệnh không muốn sau này. “Bằng việc cải thiện giấc ngủ và tập luyện thể dục thường xuyên, công cuộc giảm cân của bạn sẽ đạt kết quả khả quan hơn”, giáo sư Torekov nói.

Theo Tuổi Trẻ

Ngôi làng nhỏ từ chỗ đói nghèo nay có tới 60 triệu phú: Bí quyết nằm ở đâu?

Ngôi làng nhỏ từ chỗ đói nghèo nay có tới 60 triệu phú: Bí quyết nằm ở đâu?
Có một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ không chỉ có 1 hay 2 triệu phú. Nơi ấy có 60 triệu phú.

Chào mừng đến với Hiware Bazar

Trước năm 1989, Hiware Bazar, nằm ở quận Ahmednagar của Maharashtra, cũng giống như bất kỳ ngôi làng nào khác ở Ấn Độ. Ngôi làng này thậm chí còn phải chịu cảnh đói nghèo và hạn hán vào năm 1972. Nhưng vào những năm 1990, số phận nơi đây đột nhiên thay đổi và trở nên giàu có nhờ một người đứng đầu có tên Popatrao Baguji Pawar.

Ngôi làng hiện có 60 triệu phú. Đoán xem họ là ai. Tất cả đều là nông dân!

Đúng vậy. Đằng sau câu chuyện đi lên từ nghèo khó vươn tới cuộc sống trù phú chính là hình bóng của người trưởng làng tâm huyết. Ông đã quyết định cần có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế – xã hội để phát triển hiệu quả. Ngôi làng 1.250 người này thực sự là một ví dụ điển hình cho việc con người có thể thay đổi số phận của mình nhờ sự chăm chỉ và quyết tâm.

Bên cạnh những khu chợ nhộn nhịp, những con đường sạch đẹp, những cánh đồng xanh tươi và vài ngôi nhà khang trang được trang bị đầy đủ tiện nghi, hiện đại, ngôi làng Hiware Bazar còn trở nên tuyệt vời hơn bởi những quy định bao gồm cấm phóng uế, thuốc lá, phá rừng, chăn thả gia súc, uống rượu,… Mỗi năm trôi qua, ngôi làng ngày càng phát triển tốt hơn và không bao giờ ngừng đi lên.

Sự khởi đầu của một cuộc cách mạng

Năm 1989, Popatrao Pawar được nhất trí bầu làm trưởng làng (sarpanch). Từ đó, ngôi làng đã “thay da đổi thịt” và đạt được những thành tựu to lớn.

Về cơ bản, Pawar ưu tiên việc chấm dứt mối nguy hại do hút thuốc và say rượu gây ra bằng cách đóng cửa tất cả các cửa hàng rượu bất hợp pháp trong làng. Sau đó, ông tuân theo lệnh cấm uống rượu và thuốc lá.

Tiếp theo, vì nơi đây không thường xuyên có mưa nên cần phải có sự phân chia tích trữ và sử dụng nước hợp lý. Tính đến điều này, Pawar đã sắp xếp một khoản vay và bắt đầu chương trình thu gom nước mưa, bảo tồn và quản lý rừng đầu nguồn trong làng.

 Ngôi làng nhỏ từ chỗ đói nghèo nay có tới 60 triệu phú: Bí quyết nằm ở đâu?  - Ảnh 1.

Với sự giúp đỡ từ dân làng cũng như ngân quỹ của chính quyền tiểu bang, ông đã cùng mọi người thành lập một số thuỷ vực, bao gồm 52 kè đất, 32 kè đá, đập chống lũ và bể lọc để chứa nước mưa. Ông thậm chí còn muốn chắc chắn rằng làng cũng cần phải trồng thêm hàng nghìn cây xanh. Kỹ thuật đầu nguồn ngày càng tiến bộ đã giúp dân làng tưới tiêu và thu hoạch được nhiều loại cây trồng khác nhau.

Từ chỗ chỉ có 90 giếng nước vào những năm 1990, ngôi làng nhỏ bé này hiện đã có khoảng 294 chiếc giếng. Trong vòng vài năm, nghề nông đã trở lại và phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Hơn nữa, làng cũng từ chối việc sử dụng các loại cây trồng cần nhiều nước, thay vào đó, họ tập trung nhiều hơn vào các loại đậu, rau, quả và hoa cần ít nước hơn để sinh trưởng.

‘Ngôi làng lý tưởng’ với những giải thưởng cao quý nhất

Ngày nay, dân làng tập trung nhiều vào chăn nuôi gia súc. Vào thế kỷ 20, có khoảng 33 gallon sữa được sản xuất mỗi ngày. Bước sang thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng đã vọt lên theo cấp số nhân với khoảng 880 gallon được sản xuất mỗi ngày.

Năm 1995, trong số 182 gia đình sống trong làng, có 168 gia đình nằm trong danh sách những hộ gia đình dưới mức nghèo đói. Hiện tại, con số ấy bằng 0.

Hiware Bazar còn có những thành tựu khác. Nhà nào cũng có nhà vệ sinh, trường học và hệ thống y tế được xây dựng, điện và nước chạy khắp làng.

Theo báo cáo, có 3 phụ nữ tham gia panchayat (hệ thống được thành lập bởi chính phủ để duy trì luật pháp và trật tự trong các ngôi làng hoặc thị trấn nhỏ). Panchayat của làng có 70 thành viên. Bên cạnh đó, mọi chi phí về giáo dục đều do chính ngôi làng này tự chi trả.

Ngôi làng thậm chí còn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Theo báo cáo, dân làng ở đây kiếm được trung bình 30.000 Rupee mỗi tháng. Trong số 235 gia đình hiện nay, có đến 60 gia đình là triệu phú.

 Ngôi làng nhỏ từ chỗ đói nghèo nay có tới 60 triệu phú: Bí quyết nằm ở đâu?  - Ảnh 3.

Chính phủ bang Maharashtra đã trao danh hiệu ‘Ngôi làng lý tưởng’ cho Hiware Bazar. Thủ tướng Narendra Modi đã vinh danh những công việc xuất sắc của trưởng làng cũng như người dân nơi đây.

Popatrao Pawar thậm chí đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của Chương trình Làng kiểu mẫu của Maharashtra. Ông có mong muốn tạo ra 100 ngôi làng tương tự như Hiware Bazar.

Những ngày tươi sáng đang chờ phía trước.

Tham khảo India Times

Tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt ở Trung Quốc năm 1972, và giờ cũng vậy

Bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản là một công việc rủi ro đối với tất cả những người liên quan.

Nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Nhật Bản nửa thế kỷ trước là một động thái cực kỳ rủi ro đối với tất cả những người tham gia, và đối với một vài trong số này, không chỉ sự nghiệp chính trị mà cả mạng sống của họ cũng bị đe dọa.

Tháng 09/1972, Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka bay tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau nhiều vòng đàm phán, Tanaka và Chu đã ký một tuyên bố chung vào ngày 29/09, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương.

Năm thập niên trôi qua, Akitane Kiuchi, 95 tuổi, thư ký của Tanaka, người đã cùng ông đến Trung Quốc, kể lại những cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó.

“Sau khi đàm phán kết thúc thành công, Tanaka muốn trở về Nhật Bản càng sớm càng tốt. Nhưng vì lý do nào đó, Thủ tướng Chu đã yêu cầu chúng tôi: ‘Hãy ghé lại Thượng Hải. Việc ông đến đó rất quan trọng.’ Vì vậy, chúng tôi quyết định đến Thượng Hải trước khi trở lại Nhật Bản,” Kiuchi nói trong một buổi lễ ở Tokyo vào ngày 29/09, nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

“Mãi sau này, chúng tôi mới biết Thượng Hải nằm dưới sự kiểm soát của Tứ nhân bang (Bè lũ bốn tên), những người như Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên,” Kiuchi nói. Tứ nhân bang đã dẫn đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, kéo dài từ năm 1966 đến năm 1976, và bao gồm cả vợ của Mao, Giang Thanh.

Kiuchi, người sau này trở thành Đại sứ Nhật Bản tại Pháp cho biết, “Tứ nhân bang chẳng hề quan tâm đến Thủ tướng Chu hay bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản.” Chu đã rất nỗ lực để thuyết phục họ rằng xây dựng quan hệ ngoại giao với Nhật Bản là điều đáng làm, Kiuchi nói.

Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka (phải), bắt tay Chủ tịch Mao Trạch Đông còn Thủ tướng Chu Ân Lai đứng cạnh. Cuộc gặp lịch sử diễn ra vào tháng 09/1972 trong phòng làm việc của Mao tại dinh thự Trung Nam Hải của ông gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. © Tân Hoa Xã/Kyodo

Tanaka đã đồng ý với yêu cầu của Chu, bước lên máy bay của Thủ tướng Trung Quốc để đến Thượng Hải. Tanaka và Chu đã được chào đón tại sân bay bởi Trương Xuân Kiều, một thành viên chủ chốt của Tứ nhân bang, khi đó đang là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng của thành phố, vị trí cao nhất ở địa phương. Chu đích thân giới thiệu Trương với Tanaka để thể hiện sự tôn trọng với đối thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc thuyết phục Trương và những kẻ thù chính trị khác chấp nhận quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Tối ngày 29/09, một buổi tiệc chiêu đãi đã được Ủy ban Cách mạng Thành phố Thượng Hải tổ chức. Tanaka, là một chính trị gia nhiệt thành, đã uống cạn mọi ly rượu Mao Đài mà những người chủ nhà Trung Quốc đưa cho mình. Đến cuối đêm, Thủ tướng Nhật say đến mức Chu phải cõng ông trên vai theo đúng nghĩa đen.

Nếu Tanaka không đến thăm Thượng Hải, Tứ nhân bang có thể sẽ tạo ra đủ thứ trở ngại, khiến quan hệ Trung-Nhật đi theo một hướng khác

Mao qua đời 4 năm sau đó, vào năm 1976, và do không còn người bảo trợ, Tứ nhân bang đã bị bắt giữ ngay lập tức. Trương phải nhận bản án tử hình – nhưng sau đó được giảm xuống tù chung thân.

Tứ nhân bang dẫn đầu Cách mạng Văn hóa 1966-1976, từ trái qua: Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, và Vương Hồng Văn. (Nguồn ảnh Kyodo và AP)

Trong các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, không ai biết được tương lai sẽ ra sao. Đằng sau hậu trường là rất nhiều trò chơi chính trị chết người. Giữa tháng 5 – tức bốn tháng trước khi Tanaka đến – xét nghiệm nước tiểu hàng tháng cho thấy Chu Ân Lai đã bị ung thư bàng quang.

Mao là người có quyền biết về kết quả chẩn đoán trước Chu, và cũng cần phải có sự chấp thuận của ông thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể nhận bất kỳ phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật nào. Theo cuốn Zhou Enlai: The Last Perfect Revolutionary (Chu Ân Lai: Nhà Cách mạng Hoàn hảo Cuối cùng), cuốn tiểu sử do Cao Văn Khiêm viết, Mao đã ra lệnh rằng Chu không được biết về căn bệnh ung thư của ông.

Chu là sếp của Mao trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Mao luôn quan ngại về sự nổi tiếng và năng lực của Thủ tướng. Chu trẻ hơn Mao 5 tuổi và đã trở thành nhân vật số 2 trong đảng sau cái chết của Lâm Bưu, người được chỉ định kế nhiệm Mao. Mao sợ rằng nếu Chu sống lâu hơn ông ta, những thành tựu của ông từ Cách mạng Văn hóa có thể bị đảo ngược.

Ngày 27/09, Mao gặp Tanaka trong căn phòng làm việc đầy sách của ông ta ở khu Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Rất có thể Chu, người ngồi bên cạnh ông, vẫn chưa hay biết về căn bệnh ung thư đang phát triển bên trong cơ thể mình. Nếu được điều trị kịp thời, ông có thể đã sống lâu hơn. Ông chết trước Mao tám tháng.

Trong khi đó, Tanaka đã đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào chuyến thăm Trung Quốc.

Makiko Tanaka, con gái của ông, đồng thời cũng là cựu Ngoại trưởng Nhật, gần đây đã phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ. Bà kể lại rằng vào buổi sáng Tanaka lên đường đến Bắc Kinh, ông nói với con gái, “Bố có thể bị đầu độc – bố thực sự đang liều mạng đấy.”

Tanaka thường cho Makiko đi cùng trong các chuyến đi nước ngoài, nhưng riêng dịp này ông lại để con gái ở nhà, vì rủi ro cá nhân mà ông tin là mình sẽ phải chịu.

Câu chuyện bí mật đằng sau quan hệ Trung-Nhật nửa thế kỷ trước đã nêu bật ba khía cạnh của các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc mà cho đến nay vẫn không thay đổi.

Thứ nhất, các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng có thể liên quan đến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng.

Thứ hai, Thượng Hải thường là chiến trường của các cuộc đấu đá nội bộ, trong đó những người thua cuộc bị thanh trừng không thương tiếc.

Thứ ba, ngay cả những người có quyền lực tuyệt đối cũng vẫn thường xuyên nghi ngờ cấp phó của họ.

Đến nay, ba khía cạnh này vẫn còn quan trọng, vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho đại hội toàn quốc của đảng, sẽ khai mạc ngày 16/10.

Trong những năm sau khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Trung-Nhật tiếp tục trở thành công cụ trong các cuộc tranh giành quyền lực của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone đến thăm đền Yasukuni vào tháng 04/1984.

Năm 1985, một thủ tướng Nhật Bản khác, Yasuhiro Nakasone, đã đến thăm Đền Yasukuni gây tranh cãi ở Tokyo, nơi chôn cất những người Nhật đã chết trong chiến tranh. Ông cũng đến thăm ngôi đền vào những dịp khác, nhưng ngày hôm đó đặc biệt nhạy cảm với Trung Quốc. Đó là ngày 15/08, ngày chiến tranh kết thúc, và Nakasone đến thăm đền với tư cách Thủ tướng Nhật, chứ không phải với tư cách cá nhân. Sự kiện này sau đó được sử dụng như một trong những lý do để thanh trừng Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, người có quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Tháng 09/2012, các cuộc biểu tình chống Nhật mạnh mẽ đã lan tràn khắp Trung Quốc, để phản ứng lại việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku. Chúng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có một khoảng trống quyền lực – khi đó Tập đang chuẩn bị kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, kẻ thù không đội trời chung của Tập, là người đứng đầu lực lượng công an và đứng sau các cuộc biểu tình, vốn do nhà nước tổ chức. Một số người tham gia biểu tình trên đường phố Bắc Kinh đã được huy động từ các vùng nông thôn lân cận, bao gồm cả huyện Cố An ở tỉnh Hà Bắc. Họ được trả thù lao hàng ngày và được nhận cơm hộp.

Trong khi đó, Thượng Hải vẫn là chiến trường hàng đầu của các cuộc tranh giành quyền lực. Khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị được bầu lại trong đại hội sắp tới, nhiều người đang chờ xem liệu Tập có bổ sung Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đồng thời là phụ tá thân cận của ông, vào danh sách bảy nhân vật hàng đầu hay không.

“Phe Thượng Hải” do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đứng đầu vẫn giữ được ảnh hưởng lớn trong chính giới Trung Quốc.

Lý Cường được xem là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua kế vị Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào mùa xuân năm 2023. Nhưng ông đã phải chịu một thất bại chính trị nặng nề khi Thượng Hải rơi vào hỗn loạn trong cuộc phong tỏa covid-19, điềm báo cho sự sụt giảm kinh tế gần đây của Trung Quốc.

Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập Cận Bình, nhưng ông đã bị chỉ trích nặng nề vì cách xử lý COVID-19 ở thành phố lớn này. © Reuters

Giữa Tập và nhân vật số 2 của ông, Lý Khắc Cường, tồn tại căng thẳng. Cho đến năm 2007, Lý vẫn được coi là người có khả năng cao nhất sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới được tiết lộ, Tập đứng ở vị trí thứ 6, còn Lý ở vị trí thứ 7.

Tập đã vươn lên để giành lấy chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo tiếp theo. Và cuộc ganh đua này vẫn tiếp tục tồn tại trong tâm trí Tập suốt 15 năm qua.

Trong giai đoạn khó khăn kinh tế gần đây, Lý cũng đã thu hút sự chú ý khi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì chính sách “cải cách và mở cửa.”

Giữa tháng 8, ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà, “thượng đỉnh mùa hè” thường niên của chính giới Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc, vị thủ tướng đã có một phát biểu khó hiểu trong chuyến thăm Thâm Quyến: “Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng.”

Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc luôn tỏ ra nghi ngờ nhân vật số 2 của mình, quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không phải ngoại lệ. © AFP / Jiji

Lý Khắc Cường có danh tiếng nhất định, và phải được xử lý cẩn thận. Liệu Tập có đề nghị Thủ tướng Lý thuyên chuyển vị trí, chẳng hạn như trở thành Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, hay không?

Quyết định này có thể giúp bình ổn tình hình, nhưng Tập cũng có thể dễ dàng buộc thủ tướng phải nghỉ hưu, và sẽ không có gì lạ nếu Tập loại Lý khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nếu Lý và một số ủy viên thường vụ khác cũng đang trong độ tuổi cuối 60 chịu nghỉ hưu, Tập sẽ có thể lấp đầy bộ chính trị với những phụ tá thân cận của mình.

Danh sách đó có thể bao gồm Trần Mẫn Nhĩ, Đinh Tiết Tường và Lý Cường. Trần là quan chức cấp cao nhất của Trùng Khánh, trong khi Đinh là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.

Tập đã củng cố quyền lực của mình đủ để thực hiện các thay đổi nhân sự theo ý muốn của ông. Bây giờ, việc cần làm là quyết định sẽ xử lý hai ông Lý – Lý Khắc Cường và Lý Cường – như thế nào.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s power struggles were ferocious in 1972 and remain so today,” Nikkei Asia, 06/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế