Ngôi nhà mái hình cánh buồm sát bờ biển

NINH THUẬN – Phần mái của ngôi nhà được thiết kế theo hình cánh buồm no gió, phá vỡ sự đơn điệu của những mái nhà truyền thống.

Ngôi nhà mang tên Beach House cách bãi biển Phan Rang 100 m có diện tích đất 238 m2, diện tích xây dựng 100 m2.

Mong muốn của gia chủ là có không gian nghỉ ngơi cuối tuần thoáng đãng, gần biển để được nghe tiếng sóng vỗ và là nơi cho trẻ nhỏ chạy nhảy, nghịch cát, thứ mà cuộc sống hiện đại ngày dần thiếu.

Nhóm kiến trúc sư đã đưa phong cách Tropical (nhiệt đới) làm điểm nhấn cho ngôi nhà. Nội thất theo phong cách này sử dụng vật liệu tự nhiên, kết hợp với cây cỏ, hoa lá, mang lại sự thoải mái cho không gian sống.

Không muốn bị gò bó bởi những bức tường, ngôi nhà được ốp kính xung quanh để mọi người có thể ngắm cảnh đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Chỉ cần mở cửa, họ có thể tận hưởng gió và nắng biển ngay khi ở trong nhà.

Ngay từ khi lên thiết kế, kiến trúc sư đã lấy ý tưởng về con thuyền ra khơi với cánh diều no gió nhằm gợi lại ký ức tuổi thơ của gia chủ.

Từ hướng biển, mái nhà trông như cánh buồm căng tràn sức gió khi ra khơi. Nếu nhìn hướng xéo từ khu đốt lửa trại phía ngoài sân, mái nhà lại giống cánh diều hình thoi.

Ngôi nhà sử dụng mái sinh thái Onduline với khả năng cách nhiệt, cách âm tốt.

Biển Phan Rang gió rất lớn, kèm theo khí biển mang lượng muối lớn vào không khí, nên việc lựa chọn giữa ngói Fibro xi măng, tôn kẽm hay ngói truyền thống được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo kiến trúc sư, tôn dễ bị ăn mòn bởi gió biển, Fibro xi măng tuổi thọ không cao, còn ngói truyền thống lại nặng. Tấm lợp mái sinh thái Onduline khắc phục được những nhược điểm trên khi tuổi thọ cao, lại bền bỉ chịu được mọi thời tiết khắc nghiệt.

Vì ngôi nhà được thiết kế mở nên ánh sáng ban ngày được tận dụng triệt để. Để giảm cường độ nắng cũng như tránh cho nhiệt độ trong nhà tăng cao, cửa sổ và mái hiên sử dụng các thanh lam chắn nắng. Thanh lam được chế tạo từ những thanh tre có sẵn, phù hợp với tổng thể của ngôi nhà.

Trừ những trưa hè nắng gắt mới cần thêm quạt, trong nhà luôn mát mẻ bởi gió tự nhiên thông suốt. Vật liệu sử dụng đều cách nhiệt tốt cũng khiến bầu không khí trong nhà thoáng đãng, dễ chịu.

Khi màn đêm buông xuống, hệ thống đèn điện khiến ngôi nhà trông như một resort nghỉ dưỡng thực thụ.

Để tránh gây chói và mỏi mắt, hệ thống đèn trong nhà được bọc lại bởi những chiếc rọ cá tôm, tránh chiếu thẳng vào mắt.

Không chỉ có bề ngoài giống cánh buồm no gió, không gian bên trong nhà cũng gợi nhớ đến cuộc sống trên biển thông qua đồ trang trí.

Sau lưng bộ sofa là bốn chiếc mái chèo được chủ nhà tận dụng thành vật trang trí, gợi nhớ về tuổi thơ gắn liền với biển. Đèn chùm ở vị trí bàn ăn được đóng theo hình chiếc thuyền. Cửa sổ tròn kèm theo lam gỗ mô phỏng theo chiếc thuyền thúng, vừa có thể lấy sáng vừa đảm bảo không bị nắng gắt chiếu vào nhà.

Bên ngoài sân có sàn gỗ phục vụ cho những buổi tiệc ngoài trời như sinh nhật, hoặc rủ bạn bè câu cá rồi ngồi mở tiệc nhỏ. Hiên trước nhà cũng có bộ bàn ăn thô mộc phục vụ nhu cầu ăn uống hay tụ tập trò chuyện của các thành viên trong gia đình.

Toàn bộ gỗ trong công trình đều là gỗ tái chế, được sơn phủ làm mới, vừa đảm bảo sự thô mộc, vừa tiết kiệm chi phí.

Kiến trúc sư và chủ nhà hạn chế tối đa việc can thiệp vào thiên nhiên. Nhà xây một tầng lợp mái dốc đơn giản. Xung quanh không xây tường mà dựng hàng rào bằng gỗ, phía ngoài sân cây cối phát triển tự nhiên giống như đã tồn tại từ trước rất lâu.

Vì nhà sát biển, gió và hơi muối khiến cây trồng khó phát triển nên gia chủ chọn những loại cây dễ sống như hoa giấy, xương rồng, phi lao, dừa… cho hệ thống sân vườn. Ngoài thiết kế thoáng mát, cây xanh xung quanh nhà mang lại không gian yên tĩnh và thư giãn lý tưởng cho mọi người.

Ngôi nhà khi lên đèn nổi bật giữa bãi biển Phan Rang.

Từ xa nhìn về, màu vàng ấm áp của ánh đèn như muốn gợi lên sự sum tụ đoàn viên

Ngôi nhà được xây dựng trong 3 tháng. Tổng chi phí gần một tỷ đồng.

Trang Vy
Đơn vị thiết kế: Công ty TNHH kiến trúc xây dựng AQ / Kiến trúc sư chủ trì: Vũ Anh Quyền / Ảnh: Phan Huy Hồng Đức / Vietnam Express

Uống nước lá tía tô có tác dụng và tác hại đối với sức khỏe như thế nào?

Tía tô là một trong những loại cây thuốc dân gian lâu đời và được sử dụng rộng rãi nhất ở nước ta. Uống nước lá tía tô thường xuyên còn mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết đến.

Những lưu ý khi sử dụng lá tía tô

Tía tô là loài thực vật có tên khoa học là Perilla frutescens var. crispa. Đây là loài cây có thể sống quanh năm, dễ trồng, mọc xung quanh nơi chúng ta sinh sống. Tía tô là loài thân thảo, có vị hơi cay nồng, rễ có màu trắng. Nó thích hợp với nhiều loại đất, ưa ánh sáng và độ ẩm.

Các chất có trong 100g lá tía tô:
  • Năng lượng: 25 Kcal
  • Đạm: 2,9g
  • Tinh bột: 3,4g
  • Tro: 1000mg
  • Canxi: 170mg
  • Sắt: 3,2mg
  • Nước: 88,9g
  • Chất xơ: 3,6g
  • Phốt pho: 18,3mg
  • Vitamin C: 13mg
Tác dụng của nước lá tía tô với sức khỏe nhất định phải biết
1. Chống ngộ độc thức ăn

Đây là tác dụng của nước lá tía tô được người dân Việt Nam sử dụng nhiều trong sinh hoạt thường ngày. Từ ngộ độc rau củ quả cho đến ngộ độc hải sản hoàn toàn có thể uống nước lá tía tô để bài trừ đi phần nào độc tố trong cơ thể. Ngoài việc uống nước ép, bạn cũng có thể cho lá tía tô vào nấu cháo hoặc canh để giải độc cũng rất hiệu quả.

2. Chống oxy hóa cho cơ thể

Nhờ vào gốc Aldehyde có trong tía tô, đây là gốc có khả năng chống lại sự oxy hóa do các gốc tự do gây ra khi cơ thể đang bị thương.

Nếu bị nổi mề đay, bạn dùng nước tía tô để uống, đồng thời lấy bã lá đắp vào chỗ bị nổi mẩn ngứa.
Nếu bị nổi mề đay, bạn dùng nước tía tô để uống, đồng thời lấy bã lá đắp vào chỗ bị nổi mẩn ngứa.

3. Hỗ trợ điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa

Tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa khắp cơ thể không hề hiếm gặp, việc chữa trị khỏi tận gốc chứng bệnh này cũng gặp nhiều khó khăn. Để có thể giúp cho việc điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa thì bạn có thể sử dụng nước tía tô để uống, đồng thời lấy bã lá đắp vào chỗ bị nổi mẩn ngứa. Điều này sẽ giúp tình trạng ngứa ngáy của bạn giảm đáng kể.

4. Chữa sưng đau vùng vú ở phụ nữ

Cách làm cũng tương tự giống như chữa nổi mẩn ngứa mề đay. Bạn cũng vừa kết hợp với việc uống nước lá tía tô, vừa kết hợp đắp lá lên khu vực bị sưng đau sẽ rất hiệu quả.

5. Tác dụng chữa bệnh gout bằng lá tía tô

Uống nước lá tía tô có tác dụng gì trong điều trị bệnh gout ? Tía tô có tới 4 chất có thể làm giảm đi đáng kể enzym xanthin oxidase vốn là nguyên nhân hình thành acid uric trong máu và gây ra bệnh gout. Ngoài ra, nước lá tía tô còn giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn khi bị mắc bệnh, làm bệnh nhân dễ chịu hơn trong sinh hoạt.

6. Điều trị các chứng bệnh về dạ dày

2 hoạt chất có tên là glucosamine và tanin có trong tía tô có tác dụng chống viêm nhiễm, tăng cường khả năng làm lành vết thương và liền sẹo khi bạn gặp tổn thương về dạ dày.

7. Khả năng điều trị hen suyễn

Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. Họ đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: chỉ sau vài tuần uống nước lá tía tô, vấn đề về hen suyễn đã suy giảm đáng kể trên những bệnh nhân tham gia điều trị.

8. Hỗ trợ chống lại dị ứng và viêm nhiễm

Nhờ vào các hoạt chất có lợi có trong nước lá tía tô như Quercetin, Perilla, Luteolin, Acid Rosmarinic,… sẽ giúp ngăn chặn cực kỳ hiệu quả tình trạng dị ứng và viêm nhiễm đang xảy ra trong cơ thể của bạn.

9. Giúp phụ nữ ăn kiêng tốt hơn

Tinh dầu của tía tô có chứa Alpha linolenat cực kỳ tốt cho sức khỏe, nó giúp giảm đáng kể lượng cholesterol trong máu. Từ đó hỗ trợ các chị em giảm cân đáng kể và bảo vệ cho hệ tim mạch.

10. Tác dụng của lá tía tô với xương khớp

Uống nước lá tía tô sẽ giúp giảm đau và giảm đáng kể các triệu chứng nguy hiểm do bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như một số bệnh xương khớp khác gây ra cho cơ thể bạn.

11. Tác dụng của lá tía tô với da

Vậy uống nước lá tía tô có tác dụng gì trong làm đẹp cho các chị em. Ngoài việc lá tía tô đắp mặt hoặc có thể dùng xông mặt ra, việc uống nước lá tía tô sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc và giúp làn da đẹp hơn, ngăn ngừa mụn.

12. Điều trị các triệu chứng về ho

Uống nước lá tía tô kết hợp với bạc hà sẽ giúp long đờm, giảm sưng đau họng. Tuy nhiên chỉ nên dùng cách này khi mà tình trạng bệnh của bạn vẫn còn nhẹ, còn bị nặng hơn sẽ không mang lại nhiều tác dụng.

13. Tác dụng hạ sốt sốt bằng lá tía tô

Các bạn có thể thực hiện bài thuốc như sau:

  • Tía tô, trần bì, cát cánh, can khương, mộc hương, chỉ xác, bán hạ, tiền hồ mỗi loại 2g.
  • Cho tất cả mang đi sắc thành thuốc uống, sử dụng khi đang bị sốt để có thể giảm đáng kể các triệu chứng nguy hiểm.
14. Điều trị chứng cảm mạo

Để điều trị chứng cảm mạo thì có thể sử dụng tía tô dưới 3 cách:

  • Lá tía tô rửa sạch rồi mang đi nấu cùng với cháo để cho người bệnh ăn.
  • Dùng nước lá tía tô để xông toàn thân.
  • Uống nước lá tía tô khi còn nóng, uống xong nằm đắp kín chăn. Thích hợp cho người già và trẻ nhỏ.
15. Tác dụng an thai hiệu quả

Các bạn có thể sử dụng bài thuốc sau:

  • 20g tía tô kết hợp với ngải diệp, bạch truật, đương quy, hoài sơn, phục long can (16g mỗi loại); phòng sâm, cẩu tích, liên nhục, liên kiều, cam thảo (12g mỗi loại); 10g các loại đỗ trọng, sơn trà; sinh khương 3 lát; đại táo 5 quả.
  • Tất cả nguyên liệu mang lên sắc thuốc, mỗi ngày uống 1 thang.

Uống nước lá tía tô quá nhiều có thể khiến bạn bị tăng huyết áp.

Tác hại của lá tía tô nếu dùng quá nhiều
  • Uống nước lá tía tô quá nhiều trong một thời gian dài có thể khiến bạn bị tăng huyết áp và ảnh hưởng tới hệ tim mạch.
  • Việc tăng huyết áp cũng rất nguy hiểm nếu như bà bầu hoặc trẻ nhỏ sử dụng liên tục trong thời gian dài.
  • Xảy ra các phản ứng xấu với cơ thể trong trường hợp người dùng bị dị ứng với một số thành phần trong nước lá tía tô.
Cách nấu lá tía tô uống hàng ngày

Các bạn cần chuẩn bị nguyên liệu bao gồm:

  • Lá tía tô: khoảng 200g
  • Chanh tươi: 3 lát
  • Nước lọc: 2,5 lít

Lá tía tô đem đi rửa sạch sẽ, ngâm nước muối loãng trong khoảng 10 phút, sau đó vớt ra rồi để cho ráo nước. Đun sôi nước lọc ở trên, bỏ lá tía tô vào trong thêm 3 – 5 phút rồi tắt bếp. Cuối cùng, đợi khi nước nguội là các bạn có thể chiết ra chai thủy tinh rồi bỏ mấy lát chanh vào, sử dụng dần dần. Chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Lưu ý sử dụng và cách bảo quản nước lá tía tô
  • Tác dụng của uống nước lá tía tô thường khá chậm, vậy nên bạn cần hết sức kiên nhẫn thì mới mong khỏi bệnh.
  • Không nên uống quá nhiều bởi nó sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng và gây ra một số tác dụng phụ không tốt trên cơ thể.
  • Nên bảo quản nước lá tía tô trong tủ lạnh khi không dùng đến, tối đa 24 giờ đồng hồ. Bởi lẽ càng để lâu, các dưỡng chất trong nước lá tía tô sẽ bị mất đi tác dụng.
  • Nên uống nước lá tía tô trước khi ăn khoảng 30 phút sẽ cho hiệu quả cao nhất.
  • Trẻ em và phụ nữ mang thai có thể uống nước lá tía tô với liều lượng vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe.
Có nên uống nước ép lá tía tô trước khi tiêm vắc xin Covid-19?

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh vào bảo vệ bản thân khỏi Covid-19. Nhiều người truyền tai nhau về việc uống nước lá tía tô trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để giảm sốt và các tác dụng phụ, điều này liệu có đúng?

Theo bác sĩ gia đình Nguyễn Lê Thục Đoan (TP.HCM): “Việc uống nước tía tô trước khi tiêm vắc xin Covid-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay các tác dụng phụ. Điều quan trọng nhất là người dân cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi trước khi đi tiêm.

Tâm lý lo lắng, bồn chồn dễ khiến huyết áp tăng cao. Với trường hợp huyết áp cao, người đi tiêm phải ngồi nghỉ ngơi, sau đó tiến hành đo lại. Nếu huyết áp ổn định, chúng ta mới được tiêm. Trường hợp quá lo lắng khiến huyết áp không ổn định, người dân sẽ mất cơ hội được tiêm vắc xin. Ngoài ra, đi tiêm vắc xin, người dân phải tuân thủ 5K để tránh lây nhiễm”.

Theo khampha/vietnamnet

Điều gì khiến hoàng đế Pháp Napoleon thống lĩnh 60 vạn quân chinh phạt Nga?

Hoàng đế Pháp Napoleon, với tham vọng kiểm soát hoàn toàn châu Âu, đã thống lĩnh 600.000 quân chinh phạt đế quốc Nga năm 1812. Cuộc chiến chỉ kéo dài chưa đầy 6 tháng, nhưng gây ra thương vong nặng nề cho cả hai bên.

Sau khi lên nắm quyền năm 1799, hoàng đế Napoleon Bonaparte giành được một loạt thắng lợi quân sự, giúp kiểm soát hầu hết châu Âu.

Napoleon sáp nhập Bỉ, Hà Lan, kiểm soát các vùng lãnh thổ ngày nay thuộc Italia, Croatia và Đức, chi phối Thụy Sĩ, Ba Lan. Tây Ban Nha bị quân Pháp đánh bại, buộc phải đấu tranh du kích.

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng khiến cả châu Âu phải sợ hãi. Cách đây hơn 210 năm, châu Âu từng trải qua giai đoạn xung đột đầy bất ổn. Nổi bật nhất là cuộc chinh phạt đế quốc Nga của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte.

Chỉ có Anh do ưu thế về vị trí địa lý, nằm ngoài tầm kiểm soát của Napoleon. Năm 1806, Napoleon quyết định trừng phạt Anh bằng cách lập ra Hệ thống phong tỏa Lục địa, ngăn cấm các nước nằm trong lục địa châu Âu giao thương với Anh.

Sa hoàng Alexander không chấp nhận lệnh cấm của Napoleon, khiến hai bên phải giải quyết mâu thuẫn trên chiến trường. Trong trận Friedland năm 1807, đội quân của Napoleon đánh bại quân Nga. Sau trận này, Sa hoàng Nga Alexander I ký Hiệp ước Tilsit, ủng hộ Pháp trong chiến lược phong tỏa và trừng phạt Anh.

Nhưng đến cuối năm 1810, Sa hoàng Alexander I ngừng tuân thủ Hệ thống phong tỏa Lục địa, với lý do ảnh hưởng đến giao thương của Nga và tác động tiêu cực đến giá trị đồng rúp. Sa hoàng cũng tăng thuế với hàng hóa xa xỉ xuất xứ từ Pháp và từ chối để Napoleon kết hôn với thành viên hoàng gia Nga.

Napoleon và Alexander I cũng bất đồng về việc Pháp thành lập Công quốc Warszawa (nhà nước Ba Lan thân Napoleon) sát biên giới Nga.

Napoleon ban đầu coi Nga là đồng minh vì giữa Nga và Pháp không có tranh chấp hay xung đột lãnh thổ. Nhưng sau những mâu thuẫn liên tiếp, Napoleon quyết định cần phải dạy cho Alexander một bài học.

Trong cuộc chinh phạt Nga, Napoleon huy động khoảng 600.000 quân từ khắp nơi ở châu Âu. Ngày 24.6.1812, đội quân này vượt sông Neman bắt đầu tiến vào lãnh thổ đế quốc Nga. 

“Đó là đội quân có thành phần từ khắp nơi ở châu Âu, đa dạng nhất kể từ thời Thập Tự chinh”, Sutherland, giáo sư sử học đến từ Đại học Maryland (Mỹ), nói, theo History.

Các chuyên gia nhận định, nòng cốt của lực lượng này là 450.000 quân Pháp (Grande Armée), tổng binh lực vào khoảng 650.000 người.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Sa hoàng Alexander I có khoảng 488.000 quân, nhưng có lợi thế của phe phòng thủ và lực lượng dân quân đông đảo.

Nhà nghiên cứu Nga Mikhail Belizhev đưa ra nhận định về cuộc chiến: “Quy mô của cuộc chiến là vô cùng lớn. Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 17, chiến tranh xảy ra trên phạm vi lãnh thổ đế quốc Nga. Đây là một cú sốc thực sự đối với những người đương thời. Thủ đô Moscow từng rơi vào tay người Pháp, bị hủy hoại nặng nề và sự kiện này được coi là thảm họa quốc gia. Ước tính 1 triệu người Nga bỏ mạng trong cuộc chiến và hai năm sau đó, thiệt hại vật chất ước tính khoảng vài tỷ rúp”.

Mục tiêu của hoàng đế Napoleon là giành thắng lợi một cách nhanh chóng, buộc Sa hoàng Alexander I phải ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng quân Pháp tiến đến đâu, quân Nga rút lui đến đó, không quên phá hủy kho lương thực, đạn dược và các thiết bị có thể được quân địch sử dụng.

Napoleon khi đó vẫn tự tin, nói với các cố vấn: Ta sẽ một lần và mãi mãi đánh bại những kẻ phương Bắc này. Chúng phải bị trừng phạt để 252 năm nữa không can dự được vào công việc của một châu Âu văn minh”.

Đến giữa tháng 8, quân Nga rút lui khỏi Smolensk, thiêu rụi thành phố. Nông dân Nga trước khi rời đi cũng đốt phá mùa màng để lương thực không rơi vào tay quân Pháp.

Cuộc chinh phạt Nga năm 1812 là chiến dịch quân sự lớn nhất trong cuộc đời Napoleon.

David A. Bell, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton (Mỹ), tác giả cuốn sách về các cuộc chinh phạt của Napoleon ở châu Âu, cho biết: “Chiến lược vườn không nhà trống có tác động đáng kể trong việc loại bỏ nguồn lương thực hỗ trợ cuộc chiến của quân Pháp. Cái nóng mùa hè cũng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Nhiều binh lính Pháp mắc bệnh do côn trùng gây ra như sốt phát ban và các bệnh khác liên quan đến nước như kiết lỵ”.

Theo báo Nga RBTH, Michael Andreas Barclay de Tolly (1761-1818), sĩ quan gốc Scotland phục vụ trong hàng ngũ quân đội Nga, là người trực tiếp tham gia xây dựng chiến lược đối phó đại quân của Napoleon. Barclay và tướng Pyotr Bagration là tổng tư lệnh quân đội Nga khi Napoleon phát động cuộc chinh phạt.

Barclay đã đề ra kế hoạch “vườn không nhà trống”, rút lực lượng về miền trung Nga để tiêu hao nguồn lực của quân Pháp, khi phải tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

Barclay đánh giá, tuyến đường tiếp vận của Napoleon từ châu Âu sẽ trở nên quá dài, không đảm bảo tiếp tế đầy đủ cho đại quân tinh nhuệ của Pháp. Khi đó, quân Nga và lực lượng dân quân sẽ phản kích đẩy lùi đối phương.

Trong trận Smolensk, quân Nga kháng cự yếu ớt rồi rút lui. Người Nga chỉ thực sự giao tranh với quân Pháp vào ngày 7.9.1812, trong trận Borodino, cách Moscow khoảng 120km. Trong trận chiến đẫm máu đó, bộ binh của hai bên không ngừng lao vào nhau, trong khi pháo binh liên tục khai hỏa. Mỗi giây 3 tràng pháo và 7 loạt đạn của súng hỏa mai vang lên, khiến vô số binh sĩ của hai bên ngã xuống.

Trong ngày giao tranh thứ hai, quân Nga rút lui với thương vong khoảng 45.000 người, gấp đôi phía Pháp. Sau trận này, con đường tới Moscow của hoàng đế Napoleon đã rộng mở.

Bên phía Nga, Barclay là người thuyết phục Sa hoàng Alexander sơ tán toàn bộ quân đội và người dân khỏi Moscow.

Ngày 14.9.1812, quân Pháp tiến vào thủ đô Moscow, nhận ra thành phố không còn lại gì. Hầu hết người dân đã sơ tán, để lại rượu mạnh nhưng không hề có thức ăn.

Quân Pháp thỏa sức uống rượu và cướp bóc, trong khi hoàng đế Napoleon chờ Sa hoàng Alexander cử người tới xin cầu hòa. Sau một tháng chờ đợi ở Moscow, Napoleon đưa quân tiến sâu hơn về phía Kaluga nhưng bị quân Nga đánh chặn.

Thiếu lương thực trầm trọng và liên tục bị dân quân Nga đánh du kích, trong khi mùa đông lạnh giá sắp tới, Napoleon đành ra lệnh thu quân.

Đến lúc này, đại quân của Napoleon chỉ còn khoảng 100.000 người. Hành trình quay về Paris không hề dễ dàng vì đường về đi qua các khu vực đã bị quân Pháp san phẳng, không có cách nào để kiếm được lương thực.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi mùa đông đến sớm, với những đợt gió lạnh khiến nhiệt độ rơi xuống mức dưới 0 độ và tuyết rơi. Tình hình tồi tệ đến mức các binh lính Pháp phải làm mọi cách để giữ ấm, thậm chí chui vào xác động vật chết để nằm trong đó, theo History.

Cuối tháng 11.1812, quân Pháp may mắn thoát khỏi sự truy kích của người Nga, vượt qua sông Berezina (nay thuộc Belarus). “Từ đây, các binh sĩ Pháp được lệnh di chuyển tùy ý, tự mình quay về Paris”, Sheperd Paine, chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Napoleon ở Mỹ, nói.

Ngày 5.12.1812, Napoleon giao lại quyền chỉ huy cho tư lệnh Joachim Murat để vội quay về Paris, trước tin đồn có cuộc đảo chính xảy ra.

Sau thất bại lịch sử này, cán cân quyền lực ở châu Âu thay đổi hoàn toàn. Áo, Phổ và Thụy Điển liên minh với Nga và Anh trong chiến dịch chống lại Napoleon. Hoàng đế Pháp mặc dù vẫn xây dựng được một đội quân lên tới hàng chục vạn người, nhưng thiếu quân tinh nhuệ và thiếu ngựa chiến.

Napoleon giành được một số thắng lợi, nhưng bị liên quân Nga, Phổ và đồng minh đánh tới tận Paris vào tháng 3.1814. Napoleon phải sống lưu vong trên đảo Elba.

Năm 1815, Napoleon lại tái xuất nhưng bị liên quân Anh, Phổ đánh bại trong trận Waterloo nổi tiếng. Ngày 28.6.1815, Napoleon phải thoái vị lần hai, nhường ngôi lại ngôi vương cho vua Louis XVIII. Theo Hiệp ước Paris ký ngày 20.11.1815, Napoleon bị đưa đi lưu đày.

Người Anh giam giữ Napoleon trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương, cách bờ biển phía tây của châu Phi 1.870km, cẩn thận gửi quân đến đồn trú ở hai hòn đảo lân cận, đề phòng Napoleon tẩu thoát.

Napoleon sống trong điều kiện bị lưu đày, bị trầm cảm nghiêm trọng, đến năm 1821 thì qua đời ở tuổi 51.

ĐĂNG NGUYỄN (tổng hợp) / Văn VN

5 năm làm đủ vị trí ở Microsoft, chàng trai đổi được 5 bài học vô giá để sự nghiệp lên như “diều gặp gió”

Sau 5 năm làm việc tại Microsoft, đảm nhận 3 công việc, tham gia 15 hội nghị tại 6 quốc gia, cựu nhân viên này đa chia sẻ 5 bài học vô giá để có được thành công trong sự nghiệp.

Vào mùa hè năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan (Mỹ), Scott Shapiro chuyển đến Seattle để làm việc tại Microsoft với tư cách là thành viên của nhóm Marketing. Trong sự nghiệp của mình, anh đã có cơ hội được trải nghiệm đủ công việc khác nhau như khởi chạy tính năng Resume Assistant được vận hành bởi LinkedIn, Learning Tools về khả năng truy cập và tái thiết kế OneNote.

Dẫu hiện nay không còn làm việc tại Microsoft nhưng sau 5 năm, trải qua 3 công việc, dưới trướng 4 quản lý, tham gia 15 hội nghị ở 6 quốc gia cùng hàng tá email, cuộc họp, Scott nhận được 5 bài học giá trị để có được thành công trong con đường sự nghiệp của mình.

5 năm làm đủ vị trí ở Microsoft, chàng trai đổi được 5 bài học vô giá để sự nghiệp lên như diều gặp gió - Ảnh 1.
1. Bạn cần chịu trách nghiệm về sự nghiệp của mình

Hãy bắt đầu với một sự thật hiển nhiên: Không ai quan tâm đến sự nghiệp của bạn như bạn. Có thể bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong sự nghiệp của mình. Song bạn cần phải nhập cuộc và đặt mình vào công việc để tìm ra mong muốn đầu tiên của mình là gì. Để thực hiện được điều này bạn cần:

– Xác định mục tiêu: Bạn cần biết bản thân mình muốn đạt được điều gì và muốn học những kỹ năng nào.

– Chia sẻ những điều quan tâm: Hãy “bắt tay” với quản lý của bạn để tìm các dự án kéo dài và xây dựng các kỹ năng đó thông qua công việc khi có thể.

– Đặt ra những kỳ vọng rõ ràng: Bạn cần nói chuyện với quản lý về các yếu tốt giúp nhân viên thành công và cách thức để thăng tiến. Việc này cũng giống như khi bạn đi học, sẽ thật khó để bạn có thể đạt được điểm A+ mà không biết cách đánh giá, chấm điểm của giáo sư. Vì ngại hỏi nên nhiều người thường nghĩ rằng họ đang đi đúng hướng để được thăng chức và nhận thưởng theo sự đánh giá của bản thân. Tuy nhiên quan điểm của người quản lý mới là điều quan trọng.

– Biến công việc không thích thành đam mê: Hầu hết các công việc đảm nhận sau khi ra trường lúc đầu không phải là công việc mơ ước của bạn. Tuy nhiên, theo CEO của Microsoft, Satya Nadella, “Việc tìm ra một vài sự liên kết giữa cái mà bạn đam mê với nền tảng mà công ty cung cấp” sẽ là giải pháp cho vấn đề này. Hãy tìm ra điểm chung và phấn đấu hướng tới nó.

2. Luôn có nhiều hơn 1 cách để hoàn thành tốt công việc của mình

Mỗi công việc đều có một tổ hợp các trách nhiệm và kỳ vọng cốt lõi riêng, nhưng cách bạn tiếp cận những điều này có thể khác so với mọi người khi nắm giữ chức vụ và vị trí tương tự. Tuy vậy, tất cả chúng ta vẫn có thể làm tốt công việc của mình bằng cách:

– Phát huy thế mạnh: Xác định rõ ràng những việc bạn có thể làm tốt. Sau đó hãy tìm hiểu xem nhóm hay công ty của bạn đang cần gì và tập trung vào các điểm chung. Ví dụ, là một nhà tiếp thị sản phẩm, Scott thích hiểu rõ hơn các chi tiết kỹ thuật về cách sản phẩm hoạt động, trong khi những người khác lại tập trung vào các chiến dịch quảng cáo lớn. Tuy nhiên, cách tiếp cận nào rồi cũng sẽ dẫn tới thành công.

– Chia sẻ các ý tưởng: Mọi người khi bắt đầu sự nghiệp của mình thường tự hỏi “Khi nào tôi có thể trình bày ý tưởng của mình?” Kỳ thực, sẽ chẳng có ai nói cho bạn biết cả, thay vào đó, chính bạn phải tự tạo ra cơ hội để đưa ra các ý tưởng dù lớn hay nhỏ của mình để giúp công ty và khách hàng.

Bên cạnh đó, đừng quên trình bày thêm những thông tin hỗ trợ, củng cố cho quan điểm của bạn vì nó cho thấy bạn đã suy nghĩ kỹ càng về ý tưởng đó. Người quản lý đầu tiên của Scott từng nói với tôi rằng bạn không được trả lương để ngồi trả lời email, mà được trả tiền để suy nghĩ, và điều này đã tiếp thêm sức mạnh để anh lên tiếng.

– Biết được những đánh giá của người khác về bản thân: Hãy lắng nghe xem mọi người tại nơi làm việc nói gì về bạn để ý thức được về nơi bạn đang làm việc, lĩnh vực bạn muốn làm và những điều mà mọi người coi trọng ở bạn.

Ví dụ, mọi người đánh giá cao sự sẵn sàng của Scott vì việc không chấp nhận hiện trạng và điều này giúp anh loại bỏ được các yếu tố cản trở, những “hạt sạn” khi xem xét những cách tiếp cận vấn đề mới.

– Mỗi người làm việc theo cách khác nhau: Nếu bạn và quản lý cảm thấy những thói quen làm việc của bạn ổn thì đừng so sánh bản thân với người khác. Làm việc nhiều giờ hơn không đồng nghĩa với việc đạt năng suất cao hơn. Trong một thời gian dài, Scott đã phân vân liệu anh có đang làm sai hay không khi dành tối chủ nhật để xem “Last Week Tonight with John Oliver” thay vì chuẩn bị cho tuần làm việc mới nhưng thực sự đó mới là điều có hiệu quả với anh.

3. Sẵn sàng yêu cầu giúp đỡ

Khi biết và nhớ nhiều bao nhiêu thì bạn càng làm tốt công việc bấy nhiêu là một suy nghĩ sai lầm. Khi làm ở cấp cao hơn và đảm nhận nhiều công việc hơn bạn cần tới sự giúp đỡ của những đồng nghiệp để tạo nên thành quả.

– Tận dụng kiến thức chuyên môn của đồng đội: Mỗi thành viên trong nhóm hoặc quy trình làm việc đều có vai trò chính. Bạn cần đại diện và bao quát công việc chung nhưng không có nghĩa là phải biết hết tất cả những kiến thức chuyên môn đó. Việc hỏi ý kiến đồng nghiệp để giải quyết những câu hỏi khó ngoài chuyên môn là chuyện bình thường và đó là một phần của sự cộng tác.

5 năm làm đủ vị trí ở Microsoft, chàng trai đổi được 5 bài học vô giá để sự nghiệp lên như diều gặp gió - Ảnh 2.

– Đặt câu hỏi để giúp sắp xếp thứ tự ưu tiên: Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện một dự án hay công việc nào đó thì hãy hỏi người khác một vài câu hỏi cơ bản. Tùy vào cách họ trả lời, bạn sẽ biết được hai điều: thông tin chính bạn cần để bắt đầu và ý thức về những khó khăn mình đang gặp phải. Scott Shapiro cho biết khi bốn người trong nhóm của anh chuyển sang vị trí mới cùng một lúc thì một ngày vẫn có 24 giờ và điều này vẫn giúp anh tiếp tục làm tốt công việc của mình.

– Thảo luận về công việc của bạn: Xem xét các dự án của bạn ở những giai đoạn quan trọng với các bên liên quan và đồng nghiệp để nhận được sự phản hồi và đánh giá. Nhờ đó, bạn sẽ cải thiện được các ý tưởng của bản thân.

4. Xác định vấn đề, đưa ra giải pháp

Nếu gặp phải thất bại, đừng chỉ có xác định lỗi và biến nó thành vấn đề của người khác. Hãy tìm giải pháp để khắc phục những lỗi sai. Đó chính là thái độ mà tất cả mọi người cần có trong công việc. Để làm được điều này bạn cần lưu ý:

– Thiết lập bối cảnh và kỳ vọng: Hãy tóm gọn tình hình với quản lý và đưa ra những mong muốn của bạn. Bạn có cần sự trợ giúp lúc này không, dự đoán trước các yêu cầu trong tương lai? Bạn nên trình bày rõ ràng để quản lý có thể đặt sự ưu tiên cho việc đó. Theo Scott Shapiro, cách này đã hơn một lần giúp anh có được sự chấp thuận và bảo đảm từ quản lý trong khi anh vướng phải những sai lầm.

– Đưa ra giải pháp: Hãy đưa ra một quan điểm rõ ràng cùng các sự lựa chọn về bước đi tiếp theo để giải quyết vấn đề chứ đừng chỉ đơn thuần “vứt” thêm một vấn đề cho quản lý của bạn.

– Đừng khiến quản lý của bạn bất ngờ: Bạn có thể thấy sợ hãi khi phải nói với quản lý về vấn đề mà bạn gặp nhưng trì hoãn cũng không phải là cách giải quyết. Tùy thuộc vào mức độ cấp thiết và hoàn cảnh, bạn nên thực hiện từng bước để tự giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, bạn càng trì hoãn bao nhiêu, việc mà quản lý có thể thực hiện để giúp bạn giải quyết vấn đề hoặc giảm thiểu thiệt hại càng ít bấy nhiêu.

5. Tận dụng những cơ hội đặc biệt và duy nhất ở công ty của bạn

Đừng để các dự án hay công việc hàng ngày của bạn cuốn bạn đi. Hãy dành sự ưu tiên cho những phúc lợi thêm vào của công ty, dù đó là các diễn giả họ mời tới, chương trình giáo dục họ đưa ra hay các dự án toàn cầu.

– Dành ra thời gian: Nếu có việc gì đó đang xảy ra trong trường học, bạn hoàn toàn có thể ưu tiên việc đó nếu vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Hãy trao đổi với người đứng đầu và quản lý của bạn để giúp mọi người thấy thoải mái và thuận tiện hơn.

– Xây dựng điều đó trong kế hoạch của bạn: Một nhà quản lý tốt sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu nghề nghiệp của mình. Sau khi thống nhất được về những việc bạn muốn làm, hãy dựa vào công ty để thực hiện các việc đó, như tham gia các lớp học trực tuyến hay tình nguyện phát biểu trước mọi người.

– Sử dụng mạng lưới quan hệ của bạn: Hãy xin phép để theo dõi những người bạn muốn học hỏi nếu họ sở hữu một kỹ năng cụ thể mà bạn đang rèn luyện hoặc làm việc trong lĩnh vực bạn cảm thấy tò mò, hứng thú.

Theo Linkedin / Linh Anh /Trí thức VN

TS. Tạ Điền bàn về “thế lực xấu xa bí ẩn” phá hủy các đường ống Nord Stream

Cho đến nay, chưa có tổ chức hay quốc gia nào tuyên bố chịu trách nhiệm về việc gây ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Rốt cuộc là ai gây ra vụ nổ? Thế lực bí ẩn đằng sau là ai? Mục đích cuối cùng là gì? Phóng viên Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền, hiện đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, về vấn sự kiện này.

Hình ảnh đường ống Nord Stream 1 và 2. (Nguồn: dragancfm/ Shutterstock)
4 vụ nổ được lên kế hoạch có chủ ý và cẩn thận
Gần đây, một số phương tiện truyền thông nước ngoài dẫn thông tin của báo chí Nga rằng vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream “có thể là một vụ tấn công khủng bố cấp quốc gia”, cần sự hợp tác đa quốc gia để thực hiện điều tra. Tiến sĩ Tạ Điền cho biết: “Gần như cùng lúc, có 4 vụ nổ Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Một kênh truyền thông Đức cho biết, giới chức an ninh Đức tin rằng vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên này tương đương với vụ nổ của 500 kg thuốc nổ TNT và nó đồng thời xảy ra ở nhiều nơi, đó chắc chắn là một vụ nổ được lên kế hoạch kỹ lưỡng.”

Có không quá 10 quốc gia có khả năng này?
Có thông tin cho rằng vụ đánh bom đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream đã gây ra sự nghi ngờ và cáo buộc lẫn nhau giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga, và sự thù địch ngày càng gia tăng. Tiến sĩ Tạ Điền phân tích về vấn đề này và chỉ ra: “Vị trí vụ nổ này ở độ sâu gần 100 mét dưới nước, ở nơi sâu nhất của biển Baltic, chứ không phải ở nơi nông nhất, không chỉ đơn giản là khiến cho nổ tung, hoặc làm gián đoạn khiến nó không hoạt động. Nó khiến cho hệ thống đường ống hoàn toàn không thể vận hành. Hiện giờ nước biển đã vào trong đường ống, và rất nhanh nó sẽ bị ăn mòn, khi đó toàn bộ đường ống của hai tuyến về cơ bản có thể bị phá bỏ. Nếu đặt lại từ đầu hệ thống đường ống này, thì đó sẽ là một khoản đầu tư lớn nữa, hàng chục tỷ đô la đầu tư và có thể mất nhiều năm mới có thể hoàn thành được.

Tất nhiên, cả thế giới bây giờ đang suy đoán, một vụ nổ quy mô như thế này phải có sức mạnh của một quốc gia đứng sau, và với khả năng này, trên thế giới có lẽ không quá 10 quốc gia có thể tạo ra một vụ nổ như vậy.”

Ai là nạn nhân? Ai được lợi? Ai đã làm điều đó?
Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Tất nhiên chúng ta biết về vụ nổ này, có một số quốc gia có thể được hưởng lợi. Từ Na Uy đến Ba Lan, một đường ống mang tên Biển Baltic đã được khai thông gần đây, ngay tại thời điểm này, vì vậy có thể nói rằng Na Uy và Ba Lan hưởng lợi. Ukraine cũng có thể hưởng lợi.

Tuy nhiên, có rất nhiều quốc gia bị thiệt hại, hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên này chủ yếu cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức, Ý, châu Âu và các nước Tây Âu. Chúng ta biết rằng bây giờ đã là tháng 10, mùa đông đang đến, và châu Âu ngày càng lạnh hơn. Vì vậy năm nay, sẽ có vấn đề về sưởi ấm ở châu Âu, khí đốt tự nhiên cho công nghiệp, khí đốt tự nhiên cho hoạt động hóa chất và sưởi ấm cho người dân. Do đó, nó sẽ có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế và cư dân châu Âu.

Vì cuộc chiến Nga – Ukraine, nhiều người cho rằng Nga là nghi phạm của vụ đánh bom. Nhưng tôi nghĩ Nga không thể làm điều này, họ cũng không cần phải làm thế. Nếu họ muốn cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, chỉ cần đóng van, họ không cần phải làm nổ đường ống kiểu này, vì làm thế thì họ cũng bị tổn thất rất lớn, và họ hiện vẫn ở trong Chiến tranh Nga – Ukraine, có nhiều việc phải làm. Có nghĩa là Nga không có động cơ, không có lý do, đối với họ mà nói là không có lợi.

Có người nói là do Mỹ làm. Bởi vì một câu nói trước đó của Tổng thống Mỹ Biden đã bị ‘đào lại’. Chính là ngay trước cuộc chiến Nga – Ukraine, ông nói rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, Mỹ sẽ tìm cách trừng phạt Nga, sẽ chấm dứt Nord Stream 2. Các phóng viên truy vấn ông, làm thế nào ông có thể kết thúc Nord Stream 2? Ông Biden do dự, ông ấy nói dù sao chúng ta cũng có cách. Tuy nhiên ông ấy không nói cách nào cả. Tôi cho rằng biện pháp mà ông ấy nói chính là đánh vào Nga về mặt kinh tế. Tôi tin rằng ông ấy sẽ không đến nỗi cử quân nhân Hoa Kỳ, Hải quân và Thủy quân lục chiến thực hiện vụ nổ này. Đây là một tội ác chống lại loài người, việc này ông Biden không nên hoặc sẽ không dám làm. Vì vậy, cáo buộc đối với Mỹ có lẽ là không thực tế.

Người ta nói trên mạng rằng Ba Lan có một phó thủ tướng, dường như đang công khai cảm ơn Mỹ vì đã làm việc này. Nhưng điều này không thể được sử dụng như một bằng chứng. Ý mà tôi muốn nói là không có quá 10 quốc gia trên thế giới có năng lực thực hiện những vụ nổ như vậy, mặc dù một số quốc gia trong số 10 quốc gia đó có động cơ này, nhưng như tôi vừa phân tích, hầu như tất cả đều không thể thực hiện vụ nổ.”

Châu Âu đối mặt với mùa đông giá rét vì thiếu khí đốt? Vụ nổ này là một tội ác chống lại loài người
Một số cư dân mạng nhận xét hậu quả của vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ 11/9. Nó rất có thể dồn châu Âu vào chỗ chết, không chỉ người dân châu Âu khó vượt qua mùa đông này, mà các ngành công nghiệp châu Âu cũng chết hàng loạt. Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Điều đó có nghĩa là hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cư dân châu Âu hiện đang đối mặt với khả năng chết cóng vào mùa đông. Chúng ta không phải ở đây để  nói chuyện giật gân.

Trước sự cố này, chúng ta đã biết rằng giá năng lượng đã tăng gấp 10, 20 lần ở các nước châu Âu. Ví dụ, như nhà của một hộ gia đình, tiền điện hàng tháng cộng với tiền xăng là khoảng 200 đô la. Như vậy 10 lần của 200 đô la là 2.000 đô la, và 20 lần là 4.000 đô la. Đối với rất nhiều người mà nói thì con số này là không thể chi trả nổi.

Vì vậy, khi mọi người tuần hành ở rất nhiều nơi như Pháp, Đức, Ý, họ đã trực tiếp đốt hóa đơn khí đốt tự nhiên. Họ không trả nổi, họ không trả nữa. Nếu họ chỉ đốt và không trả tiền, các công ty khí đốt tự nhiên này chắc chắn sẽ ngừng kinh doanh. Trong lúc này,  Nord Stream 1 vẫn đang vận hành thì xảy ra sự cố lớn như vậy.

“Bây giờ Nord Stream 1 bị gián đoạn, và đã cắt đứt nguồn cung cho một số quốc gia lớn ở châu Âu, sẽ rất khó để sống qua mùa đông và mọi người sẽ chết cóng. Ngay cả Đức đã xóa bỏ nhà máy điện hạt nhân, giờ phải khởi động lại, các mỏ than lại đào than, thậm chí họ còn lên núi chặt cây để chuẩn bị cho mùa đông. Do đó, việc phá hủy đường ống Nord Stream tất nhiên là một tội ác chống lại loài người.”

Mục đích cuối cùng của một thế lực xấu xa bí ẩn – kích động chiến tranh thế giới, chiến tranh hạt nhân?
Tiến sĩ Tạ Điền nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có một lực lượng như vậy, chúng ta không biết nó là gì. Ví dụ, nó là lực lượng xấu xa hắc ám, lực lượng này mạnh lớn đến mức nào? Nó lớn đến mức có thể sử dụng nhiều tài nguyên hơn rất nhiều các quốc gia, chính là nó có thể có khả năng kiểm soát nhiều quốc gia lớn như vậy. Có thể nói nó là một tổ chức hoặc thể chế xuyên quốc gia, toàn thế giới, hoặc tổ chức hoặc cơ quan, hoặc đoàn thể nào đó. Nguồn lực của họ lớn đến mức nó có thể lập kế hoạch thành công như vụ nổ này, và cũng thành công không để lại dấu vết.

Vì sao nó làm vậy? Vì một khi cho nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở biển Baltic, cả thế giới, bao gồm cả Nga và Mỹ, đang phản đối nhau, sẽ đồn đoán và buộc tội lẫn nhau. Nga cũng đang điều tra, Mỹ cũng đang điều tra, EU cũng đang điều tra. Và tôi nghĩ mục tiêu lớn hơn của thế lực xấu xa này, thế lực hắc ám, là dẫn dắt các quốc gia chỉ trích lẫn nhau, thù địch, và thậm chí là một cuộc chiến tranh thế giới. Nếu điều này dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Tôi cảm thấy thậm chí không phải là không có khả năng kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Vì vậy, tôi nghĩ lực lượng này thực sự là một lực lượng chống lại loài người, hoặc một lực lượng tiêu diệt loài người. Đoàn thể này, tổ chức này, cơ quan này có năng lượng tương đối lớn, và mục đích của nó là kích động một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba để tiêu diệt con người.”

Mục tiêu tiếp theo – Internet cáp quang, cơ sở hạ tầng con người?
Tiến sĩ Tạ Điền phân tích thêm: “Tôi nghĩ một tổ chức mà có thể thực hiện một vụ nổ và phá hủy như vậy, thì cũng có khả năng phá hủy những thứ khác. Vì vậy, cựu Tổng thống Trump cũng đã đề cập đến điều này, và tôi nghĩ những gì ông ấy nói có lý. Chính là nói, dù là tập đoàn này cũng thế, tổ chức này cũng thế, nó hoàn toàn có khả năng phá hoại tuyến cáp điện và cáp quang xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Chúng ta biết rằng hiện nay nhân loại đều đang dựa vào Internet. Hoạt động bình thường của xã hội loài người hoàn toàn dựa vào Internet. Tất nhiên, vệ tinh là một phần của nó, nhưng hiện tại, một lượng lớn dữ liệu truyền tải là thông qua tuyến cáp quang ngầm dưới biển, giữa Bắc Mỹ và châu Âu, giữa Bắc Mỹ và châu Á, Bắc Mỹ và Úc. Tổng cộng, có thể có hàng chục hoặc hàng trăm đường cáp quang chính.

Cáp quang này rất dễ bị phá hoại. Những sợi cáp này chỉ nằm dưới đáy biển mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Trước đây đã có nhiều lần tàu đánh cá làm hỏng cáp quang. Nếu thực sự có người phá hoại nó, thì sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong tài chính, tư vấn, v.v. của thế giới, và đẩy thế giới vào hỗn loạn, chiến tranh, và thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Đây chắc chắn là một tội ác chống lại loài người.

“Ngoài ra, nó có thể tấn công các nhà máy lọc dầu, những doanh nghiệp nén khí tự nhiên và hệ thống thực phẩm. Chúng ta biết rằng ở Mỹ và Canada, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như vậy đã bị tấn công và thiêu rụi. Vì vậy, thế giới này đã thực sự xuất hiện một loại thế lực tà ác tấn công nhân loại chúng ta từ cơ sở hạ tầng, từ thức ăn đến năng lượng. Tôi nghĩ vấn đề này rất nghiêm trọng, tôi nghĩ nếu một ngày nào đó, khi bàn tay đen đằng sau nó bị phơi bày ra, cả thế giới sẽ rất kinh hoàng.”

Lý Tĩnh Nhữ
(Bài viết thể hiện quan điểm và lập trường của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền, được đăng trên Vision Times.)

TRI THỨC VN