Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé

Áp dụng quy tắc 50/30/20, cặp vợ chồng 9X mua căn hộ 3,7 tỷ đồng chỉ cần vay 20%: Đầu tư cho cuộc sống cũng là một hình thức đầu tư có lãi
Với tư duy ban đầu dành tiền để đầu tư thay vì mua nhà, cặp vợ chồng 9X lựa chọn căn hộ để thuê. Tuy nhiên tình cờ gặp được căn hộ vừa ý, cả 2 vợ chồng đã quyết định xuống tiền trong “phút mốt” khi chỉ cần vay thêm của ngân hàng 20%.
Quyết định phá bỏ tường ngăn cách giữa các phòng bên trong căn hộ giúp đem tới một không gian vui chơi rộng rãi, thoải mái cho các bé.

Với những gia đình đang nuôi con nhỏ thì việc giữ cho không gian sống luôn gọn gàng thôi cũng là vấn đề nan giải. Ấy vậy mà, với căn hộ của bà mẹ họ Tương tại Hàng Châu (Trung Quốc) này, bạn chẳng những thấy mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp mà không gian sống còn vô cùng đẹp.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 1.

Điều khiến bạn thêm yêu thích thiết kế của căn hộ này hơn cả chính là có 1 không gian vui chơi rộng rãi cho bé. Để làm được điều này, chị Tương – bà mẹ 2 con, chủ nhân của căn hộ đã cho phá bỏ đi những bức tường ngăn cách giữa các phòng. Kết quả đạt được như thế nào thì hãy cùng tham khảo bên dưới nhé.

Ban đầu, phòng khách, phòng ăn và nhà bếp đều có thiết kế khép kín. Điều này không chỉ chia nhỏ diện tích căn hộ mà còn hạn chế việc di chuyển giữa các phòng. Sau khi những bức tường được phá bỏ, không gian sinh hoạt rộng rãi mang tới nhiều tiện ích cho gia đình. Nhất là các bé có được không gian vui chơi thoải mái hơn.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 2.

Bỏ những bức tường, hệ thống ánh sáng và thông gió trong căn hộ cũng trở nên tuyệt vời hơn. Bạn có thể cảm nhận được điều đó ngay từ căn phòng khách của gia đình.

Thảm trải sàn vải dệt kết hợp với ghế mây mang đến cảm giác thư thái cho căn phòng. Các bé có thể ngồi chơi đùa trên thảm một cách thoải mái.

Ghế sofa vải nỉ màu xanh lá và tủ trang trí cửa thủy tinh mang đến vẻ đẹp lãng mạn cho căn phòng. Bên cạnh đó, chiếc đèn sàn kiểu dáng cổ điển rất phù hợp với không gian phòng khách cũng được gia chủ khéo léo đặt trang trí tại đây.

Khu vực giữa phòng khách và phòng ăn được tận dụng tạo thành không gian lưu trữ. Đồ uống, bánh kẹo và và 1 vài món ăn vặt đều được giấu bên dưới bàn. Để tạo sự khác biệt, tăng thêm nét lãng mạn, một tấm rèm bằng ren được dùng thay thế cho cánh cửa.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 3.

Thiết kế mở và cửa kính ban công giúp cho không gian bếp và phòng ăn được thông thoáng hơn và luôn ngập tràn ánh sáng vào ban ngày.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 4.

Bộ bàn ăn đơn giản bằng đá cẩm thạch đen trắng trang nhã được đặt tại giữa phòng. Đi cùng với đó là ghế mây đan mang phong cách hoài cổ.

Đáng chú ý nhất là bức tường cạnh bàn ăn được ốp bằng gỗ tự nhiên chạm khắc bề mặt họa tiết nổi. Không chỉ khéo léo trung hòa với bức tường trắng lớn, nó còn khiến không gian phòng ăn trở nên đẳng cấp hơn.

Ngồi tại bàn ăn, bạn vẫn có thể theo dõi những gì diễn ra bên trong nhà bếp. Tương tự vậy, ngay cả khi đang nấu ăn, bà mẹ 2 con vẫn có thể để mắt đến các bé đang vui đùa tại không gian sinh hoạt chung.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 5.

Giữa các khu vực bên trong nhà bếp có sự chênh lệch về chiều cao bàn bếp. Sự chênh lệch này mang lại nhiều tiện dụng hơn cho người dùng. Bạn không cần phải cúi người khi rửa hay thái rau củ. Đồng thời, mặt bàn bếp thấp cũng giúp bạn không cảm thấy mỏi tay trong quá trình nấu nướng.

Mặt bàn bếp đều được làm bằng đá cẩm thạch trắng tinh khiết, chịu nhiệt tốt và rất dễ lau chùi. Những chiếc kệ gỗ gắn tường phụ kiện kim loại bằng đồng cung cấp thêm không gian lưu trữ trong nhà bếp. Tổng thể mang đến 1 góc bếp có vẻ đẹp bình dị, thân thương.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 6.

So với không gian sinh hoạt chung, màu tổng thể của phòng ngủ tối hơn đôi chút. Nội thất và phụ kiện nhẹ nhàng mang hơi hướng cổ điển. Toàn bộ tường phòng ngủ được sơn màu be kết hợp với rèm cửa màu hồng tím và nội thất gỗ tự nhiên khiến bầu không khí ấm cúng, ngọt ngào bao trùm căn phòng.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 7.

Không gian phòng tắm sử dụng tông màu tươi sáng, tự nhiên. Sàn nhà được lát gạch kẻ sọc xanh đồng bộ với màu sơn tủ tạo nên không gian nhẹ nhàng. Cùng với đó, phụ kiện kim loại màu đồng giúp tôn lên nét hoài cổ của căn phòng tắm.

Hốc tường được tận dụng làm không gian lưu trữ tiết kiệm diện tích, vô cùng tiện lợi.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 8.

Khu vực tắm rửa được tách riêng biệt. Nhờ có cửa sổ bên cạnh mà phòng tắm luôn tràn ngập ánh sáng, khiến người dùng sảng khoái hơn. Việc lựa chọn sử dụng gạch ốp vân gỗ cũng nhằm mục đích mang lại sự thoải mái, dễ chịu trong quá trình sử dụng.

Phòng của bé được thiết kế với gam màu tươi sáng. Ngoài giường ngủ, trong phòng không thể thiếu được bàn học. Chiếc bàn đa chức năng cho phép tùy chỉnh chỗ ngồi để phù hợp với chiều cao của trẻ qua từng thời kỳ phát triển. Ngoài ra, trong phòng còn có thêm hệ thống tủ lưu trữ đủ lớn để chứa tất cả đồ chơi và sách vở của bé.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 9.

Phòng làm việc lại nhà của gia chủ là một không gian dễ gây chú ý. Nó nằm ngay cạnh bên phòng khách, được thiết kế mang phong cách Pháp lãng mạn, cổ điển.

Thiết kế cửa phòng làm việc cũng rất đặc biệt. Cánh cửa dạng xếp di động. Người dùng có thể đóng lại khi có nhu cầu tập trung làm việc trong một không gian yên tĩnh, khép kín. Vào những lúc khác, cánh cửa được mở và xếp gọn khiến không gian khu vực sinh hoạt chung rộng mở hơn.

Căn hộ có thiết kế hướng Nam, ban công luôn có nhiều ánh sáng, thích hợp để trồng cây. Với tổng diện tích khoảng 10m², ban công được gia chủ khéo léo quy hoạch vừa là khu vườn nhỏ vừa có không gian ngồi nghỉ ngơi, thư giãn.

Bà mẹ 2 con quyết đập thông 3 phòng để có thêm không gian vui đùa cho bé - Ảnh 10.

Theo Home.ifeng / Theo Nhật Anh / Phụ nữ Việt Nam

Truyện ngắn Ferdinand von Schirach: Giải phẫu

Gã hình dung ra nàng sợ hãi ra sao. Những con vật bị gã giết cũng sợ. Gã tận mắt chứng kiến. Ngay trước khi chết chúng có mùi khác.

Gã ngồi trong xe. Chợp mắt một lát, không ngủ sâu, chỉ thiếp đi vài giây không mộng mị. Gã đợi và uống từ chai rượu mạnh vừa mua trong siêu thị. Gió quạt cát lên thành xe. Ở đây chỗ nào cũng cát, ẩn mấy phân dưới cỏ. Gã quen lắm, gã lớn lên ở đây mà. Một lúc nào đó nàng sẽ rời khỏi nhà và đi bộ tới bến xe buýt. Có thể nàng sẽ lại mặc áo dài, mỏng tang, đẹp nhất là cái có in hoa vàng và xanh.

Gã nhớ lại lúc bắt chuyện với nàng. Nhớ gương mặt nàng, nhớ làn da nàng dưới áo dài và dáng nàng cao lớn, kiều diễm. Nàng hầu như không nhìn hắn. Gã hỏi nàng có thích uống chút gì đó. Gã không chắc nàng có hiểu lời gã không. Nàng cười nhạo hắn. “Anh không phải kiểu em thích”, nàng hét lên để át tiếng nhạc ầm ĩ. “Rất tiếc”, nàng nói với theo. Gã nhún vai, cứ như chẳng mảy may bận tâm. Và cười nhăn nhở. Biết làm gì khác. Rồi gã quay trở lại bàn mình.

Hôm nay nàng sẽ không cười nhạo gã. Nàng sẽ làm những gì gã muốn. Gã sẽ sở hữu nàng. Gã hình dung ra nàng sợ hãi ra sao. Những con vật bị gã giết cũng sợ. Gã tận mắt chứng kiến. Ngay trước khi chết chúng có mùi khác. Những con vật càng lớn thì càng biết sợ. Chim chóc thì chán, chó mèo thì hợp hơn, chúng cảm nhận được cái chết cận kề. Nhưng thú vật không biết nói. Còn nàng biết. Quan trọng là phải làm chầm chậm để càng thưởng thức được nhiều càng tốt. Đó mới là vấn đề. Không được nhanh quá. Nếu gã bị kích động mạnh thì sẽ hỏng việc. Như ở con mèo đầu tiên, ngay lúc cắt tai nó thì gã đã không ghìm nổi và vung dao quá sớm, đâm lia lịa bừa bãi vào người nó.

Các dụng cụ giải phẫu đắt tiền nhưng đủ bộ, từ kéo cộng lực để cắt xương, dao tách xương đầu, dao lóc sụn, ống thông sọ. Gã đặt mua trên mạng. Gã gần thuộc lòng bản đồ giải phẫu cơ thể người. Gã đã ghi hết vào nhật ký, từ lần gặp đầu tiên ở vũ trường cho đến hôm nay. Gã đã lén chụp hình nàng và cắt ghép mặt nàng lên hình người khiêu dâm. Gã vẽ những đường mà gã sẽ rạch. Với những đường chấm chấm như trong bản đồ giải phẫu.

Nàng bước ra khỏi cửa, gã vào tư thế sẵn sàng. Khi nàng đóng cửa vườn sau lưng, gã xuống xe. Đây sẽ là công đoạn khó nhất. Gã sẽ phải ép nàng đi theo, nàng không được kêu. Gã đã viết ra mọi phương án khác nhau. Các ghi chép, các bức ảnh của nàng, hình các con vật bị giết và hàng trăm thước phim máu me rùng rợn – sau này cảnh sát sẽ tìm thấy dưới tầng hầm nhà cha mẹ gã. Các điều tra viên đã khám nhà sau khi tìm được cuốn nhật ký và bộ đồ giải phẫu trong ôtô của gã. Dưới tầng hầm gã còn có một phòng thí nghiệm hóa học nho nhỏ – các thử nghiệm tự chế thuốc mê của gã không thành.

Chiếc Mercedes đâm vào bên phải người gã khi gã trèo khỏi xe. Gã bị hất tung qua capô, đập đầu vào kính chắn gió và rơi xuống phía trái xe. Trên đường tới bệnh viện gã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi hăm mốt.

Tôi là luật sư bào chữa cho người lái chiếc Mercedes. Ông ta bị kết án mười tám tháng tù treo vì sơ ý gây chết người.

FERDINAND VON SCHIRACH – LÊ QUANG dịch

____________________________

Nhà văn Ferdinand von Schirach. Ảnh: DPA

Ferdinand von Schirach, Đức, sinh năm 1964 ở Munich, là một luật sư hình sự viết văn, kịch bản phim và sân khấu, nổi tiếng từ khi đại diện pháp lý cho một nhân viên tình báo Tây Đức, một Ủy viên Bộ Chính trị và lính biên phòng Đông Đức từng bắn vào người vượt tường Berlin.

Ở tuổi 45 ông mới bước vào địa hạt văn chương và ngay lập tức được coi là “một may mắn lớn của giới cầm bút ở Đức” (FOCUS) với kiến thức và kinh nghiệm sống vượt lên khỏi những gì câu chữ có thể thể hiện. Tờ SPIEGEL gọi ông là “người kể chuyện  có tầm vóc cao cả”. DAILY TELEGRAPH khâm phục ông như “một trong những giọng văn sắc sảo nhất của văn học châu Âu”. INDEPENDENT không ngần ngại nhìn thấy trong giọng kể của von Schrach “bóng dáng của Kleist và Kafka”.

Đọc nhiều tác phẩm của ông, ta sẽ thấy một nét hiếm hoi của các nhà văn đương đại: von Schirach không có một chút nào cái Tôi ái kỷ vô độ vốn làm cho nhiều cuốn sách trở nên vô hồn.

Chùm truyện ngắn dưới đây thể hiện một góc rất nhỏ trong gia tài văn chương lớn của ông: ghi chép từ những vụ bào chữa mà văn phòng luật Ferdinand von Schirach đảm nhận. Khác với những ký sự pháp đình thông thường, tài năng và đức độ của ông cho người đọc thấy – cho dù các hành vi phạm tội thoạt tiên hiện ra ghê rợn đến đâu – con người vẫn là con người, như tờ LIBÉRATION nhận xét.

Tác phẩm của Ferdinand von Schirach cho đến nay đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.

Theo Tuổi Trẻ cuối tuần

Thần đồng 10 tuổi gây sốt.Thu về 5 tỷ đồng chỉ bằng một bức vẽ, được nhiều người nổi tiếng săn tìm

Nếu nhìn một đứa trẻ cầm bút lông và vẽ phác thảo trên những tờ giấy trắng, nhiều người sẽ nghĩ rằng bức vẽ đó không nên được đưa vào phòng trưng bày. Tuy nhiên, những bức tranh của cậu bé 10 tuổi này thì khác.

Thần đồng hội hoạ 10 tuổi được nhiều người nổi tiếng săn tìm

Công chúng yêu thích nghệ thuật đương đại đang được chứng kiến rất nhiều tài năng có tuổi đời rất trẻ. Tuy nhiên thật khó để tìm ra người được giới chuyên môn đánh giá cao như cậu bé Andres Valencia khi chỉ mới 10 tuổi.

Sau khi tham sự Tuần lễ Nghệ thuật Miami (Miami Art Week) diễn ra tại Miami, Mỹ vào năm 2021, cậu bé 10 tuổi Andres Valencia trở thành hiện tượng gây sốt. Andres Valencia được đánh giá là thần đồng hội hoạ.

Hiện tại, tranh của Andres Valencia đang được nhiều nhân vật nổi tiếng và giàu có tìm mua, bao gồm cả các chuyên gia tài chính và ngôi sao giải trí.

Nữ diễn viên Sofia Vergara là ngôi sao mới nhất vừa mua tranh của cậu bé, nam diễn viên Channing Tatum cũng ghé thăm gian trưng bày của Andres tại Tuần lễ Nghệ thuật Miami. Giám đốc âm nhạc Tommy Mottola, “nữ cường” ngành bất động sản ở Mỹ cũng là khách hàng của hoạ sĩ nhí.

Ông Nick Korniloff, giám đốc điều hành của sự kiện Miami Art Week cho hay: “Tôi đã hoạt động trong thế giới mỹ thuật gần 30 năm, tôi chưa từng thấy ai còn ít tuổi mà tài năng như cậu bé này. Thần đồng hội họa đích thực chính là Andres Valencia”.

Thần đồng 10 tuổi gây sốt, kiếm tiền như nước: Thu về 5 tỷ đồng chỉ bằng một bức vẽ, được nhiều người nổi tiếng săn tìm - Ảnh 1.

Cậu bé 10 tuổi Andres Valencia được đánh giá là thần đồng hội họa

Tại tuần lễ Nghệ thuật Miami, Valencia đã bán được 17 bức tranh trưng bày. Giá mỗi bức dao động 5.000-20.000 USD (119-477 triệu đồng).

Vào tháng 6 vừa qua, cậu bé cũng tổ chức một triển lãm cá nhân tại phòng tranh Chase Contemporary, SOHO. Điều ngạc nhiên là tất cả 35 tác phẩm của cậu bé đã được bán hết với mức giá dao động 50.000-125.000 USD.

Trước đó, hoạ sĩ nhí này còn có những bức tranh được bán với giá 159.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) tại một cuộc đấu giá Phillip de Pury ở Hồng Kông (Trung Quốc) và một bức khác đạt 230.000 USD (khoảng 5,4 tỷ đồng) ở buổi từ thiện Capri (Italy).

Thần đồng 10 tuổi gây sốt, kiếm tiền như nước: Thu về 5 tỷ đồng chỉ bằng một bức vẽ, được nhiều người nổi tiếng săn tìm - Ảnh 2.

Andres hiện là họa sĩ ít tuổi nhất từng tham gia Tuần lễ Nghệ thuật Miami

“Cháu rất vui vì có thể làm cho mọi người hài lòng về những tác phẩm của mình. Và tất nhiên họ có thể sử dụng bức tranh để treo trong nhà của mình”, Valencia chia sẻ với New York Times khi đang đứng cạnh tác phẩm The Professor của mình.

Theo lời giới thiệu của hoạ sĩ nhí, bức tranh được vẽ bằng chất liệu acrylic và sơn dầu, cao khoảng 1,5m – bằng chính chiều cao của cậu bé. Valencia cho biết bức tranh này được thực hiện từ năm 8 tuổi.

Sớm bộc lộ tài năng từ năm 4 tuổi

Cậu bé Andres Valencia sinh ra tại thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Cha của cậu là một luật sư, mẹ của cậu là một chuyên gia chế tác đá quý. Họ nhận ra con mình có năng khiếu hội hoạ từ khi cậu bé mới chỉ 4 tuổi.

Mỗi ngày Andres đều dành thời gian vẽ tranh: “Cháu vẽ từng chút một, mỗi lượt vẽ cháu chỉ dành ra khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, sau đó, cháu đi làm việc khác. Cháu sẽ vẽ tiếp vào ngày hôm sau và cứ thế thêm dần những chi tiết mới vào bức tranh”.

Thần đồng 10 tuổi gây sốt, kiếm tiền như nước: Thu về 5 tỷ đồng chỉ bằng một bức vẽ, được nhiều người nổi tiếng săn tìm - Ảnh 3.

Tài năng của Andres Valencia được phát hiện khi cậu mới lên 4 tuổi

Trong lĩnh vực hội hoạ, cậu bé hâm mộ những hoạ sĩ nổi tiếng như Picasso, Modigliani, Dali, George Condo và Basquiat. Cậu bé cũng thích nghe nhạc của Jimi Hendrix, The Beatles, Freddie Mercury và Michael Jackson trong khi vẽ tranh. Cậu thức muộn nhất là tới 11 giờ đêm.

Andres cũng thích xem phim hành động và vẫn thường chơi với các bạn bè cùng trang lứa sau giờ học ở trường. Bên cạnh sự nghiệp hội họa và những cuộc phỏng vấn khiến Andres có cuộc sống khác biệt so với các bạn cùng tuổi, cha mẹ vẫn luôn cố gắng để cậu có một tuổi thơ bình thường nhất có thể. Cậu vẫn rất hứng thú mỗi khi được cha mẹ đưa tới cửa hàng mua đồ chơi mới.

Thần đồng 10 tuổi gây sốt, kiếm tiền như nước: Thu về 5 tỷ đồng chỉ bằng một bức vẽ, được nhiều người nổi tiếng săn tìm - Ảnh 4.

Một chi tiết trong bức tranh được cậu bé hoàn thành trong vòng chưa đầy 10 phút

Cha mẹ đã nhìn ra tài năng của Andres từ sớm và nuôi dưỡng tài năng ấy bằng cách mua cho cậu nhiều màu vẽ, cọ vẽ, vải vẽ… Andres là một cậu bé có sự trưởng thành sớm ngay cả trong cách hành xử.

Cậu có thể trực tiếp trả lời phỏng vấn và đưa ra rõ ràng những thông tin, ý kiến, nhận định… Ở nhà, mỗi khi vẽ xong, cậu luôn tự mình dọn dẹp mọi thứ gọn gàng.

Với sự tự tin về năng khiếu hội hoạ của mình, Valencia đã có những bước phát triển nhanh chóng. Từ những bức vẽ màu nước giá 20 USD được bán cho người thân, giờ đây cậu bé đã khiến những khách hàng VIP phải sẵn sàng bỏ hàng nghìn USD để sở hữu các tác phẩm của mình.

Theo Nytimes / Đinh Anh / Nhịp sống thị trường

Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất?

Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất?
Ngành công nghệ có thể không có nhiều tỷ phú nhất, nhưng lại được đánh giá là ngành sẽ ‘thống trị’ trong tương lai.

Tiền không phải là lý do duy nhất để lựa chọn sự nghiệp, nhưng một khoản tiền lương lớn có thể khiến một công việc dù vất vả nhưng vẫn đáng giá, đặc biệt nếu nó giúp bạn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Để xác định những ngành nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất, Forbes đã có một cuộc khảo sát những người giàu nhất.

Các tỷ phú trên khắp thế giới làm giàu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách Forbes 400 những người giàu nhất ở Mỹ, rất dễ thấy các tỷ phú tập trung ở một số ngành nhất định.

Trên thực tế, gần một nửa trong số họ làm việc trong 2 ngành: tài chính và đầu tư hoặc công nghệ. Hai lĩnh vực này tiếp tục “thống trị” danh sách năm 2022.

Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất? - Ảnh 1.
Ngành tài chính đầu tư

Kiếm tiền cho người khác là cách tốt nhất để kiếm tiền cho chính mình. Các ông trùm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư chiếm 108 tỷ phú trong bảng xếp hạng năm 2022. Số lượng tỷ phú trong ngành này ghi nhận sự tăng lên so với năm 2021.

Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến ở đây là Charles Schwab, người thành lập công ty môi giới mang tên ông vào năm 1971, và Carl Icahn. Warren Buffett cũng là một trong những nhân vật không thể bỏ qua trong ngành này.

Khi 11 tuổi, Buffett đã bắt đầu cuộc đời đầu tư bằng cách mua cổ phiếu đầu tiên. Ông đã mua 3 cổ phiếu của công ty dầu khí Cities Service với giá khoảng 38 USD/cổ phiếu. Buffett cuối cùng đã bán với giá 40 USD, thu lợi nhuận 2 USD/cổ phiếu. Song ông đã rút ra bài học quan trọng về sự kiên nhẫn khi giá sau đó tăng vọt lên 200 USD/cổ phiếu.

Sau khi làm việc cho công ty đầu tư của người thầy – nhà kinh tế học Benjamin Graham, Buffett thành lập công ty đầu tư chuyên nghiệp đầu tiên là Buffett Partnership, Ltd vào năm 1956. Lúc này, Buffett mới 26 tuổi. Ông thành lập công ty với 100 USD tiền riêng và khoảng 105.000 USD tổng cộng từ 7 đối tác đầu tư, bao gồm chị gái Doris và dì Alice, cũng như bố vợ của ông.

Năm 1986, khi Warren Buffett 56 tuổi, ông trở thành tỷ phú nhờ giá trị cổ phiếu Berkshire-Hathaway. Bởi mức lương của ông với công ty khi làm chủ tịch chỉ là 50.000 USD vào thời điểm đó.

Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất? - Ảnh 2.

Tỷ phú Warren Buffett. Ảnh: Money

Câu chuyện của “nhà tiên tri xứ Omaha” chỉ là một trong rất nhiều trải nghiệm làm giàu trong ngành tài chính đầu tư.

Nhìn chung, nhu cầu về đầu tư đang ngày càng tăng. Nhiều người muốn đầu tư tài chính để quản lý tài sản hiệu quả, tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng sống… Bên cạnh đó, các công ty muốn tham gia đầu tư tài chính cũng phải có được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, am hiểu thị trường.

Ngành công nghệ

Ngành phổ biến thứ hai trong số 400 thành viên của Forbes là công nghệ, với 65 tỷ phú. Những cái tên nổi bật nhất trong ngành này có thể kể đến Jeff Bezos, Bill Gates, Oracle Larry Ellison, Larry Page và Sergey Brin… Các tỷ phú công nghệ đáng chú ý khác bao gồm Melinda French Gates, vợ cũ của Bill Gates và MacKenzie Scott, vợ cũ của Jeff Bezos.

Nhiều người giàu nhất thế giới kiếm được hàng tỷ USD nhờ lĩnh vực công nghệ và công nghệ cũng là ngành có nhiều tỷ phú trẻ nhất.

Jeff Bezos là cựu sinh viên của trường Princeton, ông học ngành khoa học máy tính. Vào năm 1994 nhận thấy sự phát triển của internet, Jeff Bezos đã nghỉ việc ở D.E. Shaw để khởi nghiệp. Ông bắt đầu bằng cách lập ra những mặt hàng dễ bán qua mạng. Mặc hàng đầu tiên ông nhắm đến là sách báo. Đó là những ngày đầu tiên Amazon ra đời.

Theo Bloomberg Billionaires Index, Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon hiện là tỷ phú giàu thứ hai thế giới với khối tài trị giá 138 tỷ USD – nhiều hơn 3 tỷ USD so với doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani.

Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất? - Ảnh 3.

Jeff Bezos. Ảnh: Washingtonian

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, ông chủ Adani Group lần đầu tiên vượt qua Jeff Bezos để đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Bloomberg với khối tài sản gần 147 tỷ USD. Đây cũng là thành tích ấn tượng nhất mà một tỷ phú châu Á đạt được.

Công nghệ thông tin được mệnh danh “vua của các ngành”. Trước đà phục hồi và tăng tốc trở lại của nền kinh tế nhờ chuyển đổi số và đổi mới sản phẩm, các tài năng công nghệ có tay nghề cao sẽ dẫn đến cuộc chiến cạnh tranh nhân lực gay cấn nhất dành cho các công ty công nghệ.

Theo thống kê, có tới 89% nhân sự công nghệ thông tin nhảy việc vì “lương cao hơn”, trở thành nguyên nhân các doanh nghiệp liên tục đưa ra chế độ đãi ngộ, phúc lợi hậu hĩnh nhằm mời gọi và “giữ chân” người tài…

Gần như tất cả 10 ngành phổ biến nhất trong danh sách Forbes 400 2022 đều nằm trong Top 10 năm ngoái. Duy nhất có một ngoại lệ là ngành dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ đã thay thế chăm sóc sức khỏe để góp tên trong danh sách năm nay

Thùy Anh / Phụ nữ Việt Nam

Ít nhất 200.000 người Nga đã rời đất nước sau lệnh động viên của ông Putin

Ít nhất 200.000 người Nga đã nhanh chóng rời khỏi đất nước sau khi Tổng thống Putin phát lệnh động viên, đợt di cư đã gây ra tình trạng bất ổn ở các vùng biên giới và làm dấy lên lo ngại ở các nước láng giềng liên quan.

Hình ảnh ngày 25/9 cách thị trấn Vladikavkaz 25 km đông đảo đàn ông Nga mang theo hành lý đi qua một hàng dài xe mang biển số Nga để tiến về trạm kiểm soát biên giới Nizhniy Lars giữa Gruzia và Nga (AFP/Getty).

Tuy nhà chức trách Nga không công bố số liệu nhưng số liệu thống kê từ Gruzia, Kazakhstan và Liên minh châu Âu (EU) cho thấy quy mô “cuộc tháo chạy” này của người Nga. Con số ít nhất 200.000 có thể là đánh giá còn thấp vì còn những nước khác được người Nga ưa chuộng như Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ… chưa thấy công bố số lượng người Nga nhập cư.

Trên một con đường núi ở biên giới với Gruzia, hàng ngàn chiếc ô tô từ Nga xếp thành hàng dài nhiều cây số. Một lượng lớn đàn ông Nga đủ điều kiện tham gia quân dịch đã đổ xô đến vùng Caucasian bị quân đội của ông Putin xâm lược vào năm 2008 để bắt đầu cuộc trốn chạy.

Theo Bloomberg dẫn lời một người đàn ông Nga có tên Vladimir (30 tuổi) cho hay anh mang theo đứa con út đến Larsi – Georgia vì lo ngại biên giới đóng cửa để dụng binh, trong khi vợ và con lớn của anh vẫn bị mắc kẹt trong hàng dài xe trước cửa khẩu.

Ilya (46 tuổi) yêu cầu không tiết lộ họ của mình. Anh cho biết anh và bạn bè đã lái xe hơn 30 giờ từ Moscow đến biên giới giữa Nga và nước Trung Á Kazakhstan. Khi đến nơi chỉ có khoảng 150 xe phía trước. Nhưng vì mỗi giờ các nhân viên biên phòng chỉ xử lý cho được khoảng 8 xe khiến cuối cùng họ phải lựa chọn đi bộ để vượt qua biên giới nhanh nhất có thể.

Hàng triệu người Nga đã choáng váng trước lệnh điều động của ông Putin vào tuần trước. Trước lúc đó họ hầu như không biết gì nhiều về cuộc xâm lược Ukraine đã kéo dài 7 tháng của Điện Kremlin.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết chỉ có 300.000 trong số 25 triệu quân dự bị của Nga sẽ được triệu tập, nhưng có thông tin nhiều người đàn ông lẽ ra được miễn trừ vẫn bị buộc nhập ngũ liên tục lan truyền khiến làn sóng người bỏ trốn khỏi Nga ngày càng lớn.

Số liệu của cảnh sát và quan chức biên giới ở một số nước cho thấy kể từ khi ông Putin tuyên bố lệnh nhập ngũ vào ngày 21/9, có 98.000 người Nga đã nhập cảnh vào Kazakhstan, 53.000 người đã nhập cảnh vào Gruzia. Đồng thời, khoảng 100.000 người đã rời hai nước này để tới các điểm đến khác.

EU báo cáo hôm thứ Ba (27/9) rằng 66.000 người Nga đã gia nhập cảnh vào khối này trong tuần qua, tăng 30% so với một tuần trước đó. Hầu hết họ vào Phần Lan và Estonia thông qua biên giới đất liền.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, nhà chức trách ở vùng Bắc Ossetia (trước là lãnh thổ của Gruzia nhưng bị Nga chiếm đóng) đã ra lệnh đóng cửa các con đường dẫn đến biên giới Gruzia, chỉ những xe đăng ký là cư dân địa phương hoặc xe quay trở lại Gruzia mới được phép cho qua.

Theo tiết lộ trước đó, gần 5000 xe hơi từ Nga đã xếp hàng dài ở biên giới để chờ vào Gruzia, sau đó có sĩ quan tuyển quân của Nga đến và đợi ở trạm kiểm soát để đưa ra thông báo nhập ngũ cho họ.

Trên mạng xã hội, người ta đăng tải rất nhiều hình ảnh hàng dài nam giới Nga chờ đợi tại sân bay chính của Moscow. Nhu cầu đột biến của công dân Nga bay đến các nước mà có thể nhập cảnh miễn thị thực khiến giá vé máy bay liên quan đã tăng vọt.
Vào thứ Năm (29/9), trang web du lịch đưa ra giá vé máy bay hạng phổ thông từ Moscow đến thủ đô Yerevan của Armenia và thủ đô Tbilisi của Georgia là 3000 USD, trong khi giá của một chuyến bay từ Yerevan đến Moscow chỉ khoảng 240 USD.

Có tin đồn rằng sau cuộc trưng cầu dân ý giả hôm thứ Ba ở những khu vực thuộc Ukraine bị Nga chiếm đóng, nhà chức trách Nga có thể đóng cửa biên giới và tuyển dụng nam giới đủ tuổi thành niên nhập ngũ. Việc này làm gia tăng xu thế hoảng loạn.

Hôm thứ Tư, một cổng thông tin của Chính phủ Nga thông báo rằng chính quyền Moscow sẽ không cấp hộ chiếu cho những người đàn ông nhận được văn bản nhập ngũ.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan cho biết ông có kế hoạch đàm phán với Nga về sự gia tăng người di cư nhằm “giải quyết vấn đề và bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta”.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga ủng hộ Điện Kremlin từ lâu đã thèm muốn miền bắc Kazakhstan – khu vực có đông người Nga sinh sống. Cuộc chiến của ông Putin đã làm gia tăng cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Á.

Ông Tokayev cho biết trong bình luận do văn phòng báo chí của ông đăng tải rằng hầu hết những người Nga đến Kazakhstan đều “buộc phải rời đi do tình hình vô vọng hiện tại. Chúng ta phải quan tâm họ và đảm bảo an toàn cho họ”.

Nhưng đồng thời, các nhóm đối lập ở Kazakhstan và Gruzia phản đối mạnh mẽ dòng người Nga này, lên án họ lúc trước là những tên thực dân và bây giờ tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh.
Tại Gruzia, nhiều người trên mạng xã hội đã so sánh làn sóng người Nga hiện tại đang tìm cách trốn tránh lệnh triệu tập với cảnh hàng loạt xe tăng Nga vượt qua biên giới trong cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008. Cuộc chiến đó dẫn đến việc Moscow chiếm 2 vùng lãnh thổ của Gruzia. Giống như Ukraine, Gruzia cũng mong muốn gia nhập NATO nhưng bị Nga phản đối.

Nhu cầu lưu trú tăng đột biến đã đẩy giá khách sạn và căn hộ cho thuê tại địa phương tăng cao. Giá nhà trọ đã tăng gấp đôi ở một số nơi, làm gia tăng căng thẳng giữa dòng người Nga và người dân địa phương đột ngột thấy lợi ích bản thân bị ảnh hưởng. Dù vậy, cũng có nhiều người đã giúp đỡ những người Nga buộc phải rời khỏi đất nước.

Quản lý rạp chiếu phim Dilara Mukhambetova nhận xét rằng ở thành phố Uralsk, bà thấy hàng trăm người mới đến đi lang thang trên đường trong mưa mà không tìm được chỗ nghỉ qua đêm. “Vì vậy tôi quyết định dùng rạp chiếu phim để cho một số người có được nơi cư trú an toàn”, bà nói. “Trong đêm đầu tiên có hơn 200 người đã ngủ trong rạp”.

Bộ trưởng Nội vụ Vakhtang Gomelauri của Gruzia cho biết số người vượt biên ở Larsi hôm thứ Hai đã tăng hơn gấp đôi so với ngày hôm trước, lên đến 11.000 người. Ông cũng đã lên tiếng trấn an trên Mtavari TV, cho biết chưa thấy điều gì “gây sốc”.

Nhưng các nhà hoạt động đối lập ở Gruzia tỏ ra không lạc quan như vậy. ông Giorgi Vashadze, một thành viên đối lập của Quốc hội Gruzia, nói về việc người Nga đến đất nước 4 triệu dân của họ: “Đây chẳng qua là cuộc thôn tính mà không có xe tăng. Việc này không thể tiếp tục được nữa”.

Anh Victor (23 tuổi), một nhân viên công nghệ thông tin đến từ Moscow, tiết lộ rằng sau một thời gian dài xếp hàng dài ở biên giới thì mẹ của anh đã thúc giục anh nhanh chóng đi bộ nhập cảnh Georgia để tránh nguy cơ bị gọi lên xe nhập ngũ, trong khi bà tiếp tục đợi trong xe. Anh nói: “Khi bắt đầu chiến tranh thì tôi cũng từng rời khỏi nước Nga, nhưng rồi tôi đã quay lại. Bây giờ tôi hối hận vì đã trở lại và tôi sẽ không bao giờ tái phạm nữa”.

Theo Cao Sam, Epoch Times / Trí thức VN

Người Nhật ghê gớm

Hình: Quân Nhật tiến vào Hải Phòng ngày 24/11/1940 (Nguồn: Corbis/Wikipedia)

Trong bài “Tản mạn trước đèn” đăng trên tuần báo Văn Nghệ Trẻ số 35, nhà văn Đỗ Chu có kể một chuyện như sau:
Trong đời, chị mới chỉ thấy người Nhật là ghê gớm. Ngày họ làm lễ giao nộp vũ khí cho quân đội Đồng Minh, chị có rủ mấy người bạn gái cùng đến xem. Bãi chợ Hôm đông chật người, có rất nhiều võ quan Tàu Tưởng. Lính Nhật đứng thành hàng thẳng tắp. Bại trận gì mà anh nào nom cũng sát khí đằng đằng. Viên quan Nhật thét lên mấy tiếng rợn người, đám lính của ông ta liền thét theo, rồi họ lần lượt bước lên quẳng súng làm thành mấy đống to như những đống củi. Đám Tàu Tưởng hoảng hồn, khi nghe tiếng thét thì cắm đầu bỏ chạy. Thành thử các chị đứng xem lại là người chứng kiến cảnh quân Nhật đầu hàng.”
Lính Quốc Dân Đảng Trung Quốc hèn như thế, còn lính của Mao Trạch Đông thì sao?
Trong bài “Bàn về văn hóa Trung Quốc” viết năm 1992, Thiếu tướng Không quân Trung Quốc Lưu Á Châu nhớ lại: Thượng tướng Trì Hạo Điền, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thời gian 1998-2003 có kể một chuyện như sau:
Trong thời kỳ chống Nhật tại vùng căn cứ địa Giao Đông [của Đảng Cộng sản Trung Quốc][hôm ấy] có bảy tám lính Nhật vác cờ mặt trời [tức quốc kỳ Nhật] đi càn quét, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết. Sói đuổi cừu mà!”
Trong bài báo đăng ngày 1/7/2015, Lưu Á Châu (năm ấy đã là Thượng tướng) viết:
Giới võ sĩ Nhật có truyền thống tôn trọng đối thủ vĩ đại. Khi quân Nhật đánh chiếm Lang Nha Sơn [núi Răng Sói], tận mắt nhìn thấy hành động 5 chiến sĩ Bát Lộ Quân [của ĐCSTQ] nhảy xuống vực núi [tự tử, không đầu hàng], họ xếp thành hàng ngũ tề chỉnh, nghe hiệu lệnh của sĩ quan, tất cả hướng về phía 5 tráng sĩ nhảy xuống vực cung kính cúi mình chào ba lần.”
Hồi ký của tướng Lý Mặc Am thuộc quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc, người được Tưởng Giới Thạch Tổng thống Chính phủ Quốc dân giao trọng trách chỉ huy tiếp nhận quân Nhật đầu hàng ở Trung Quốc có đoạn như sau:
Trên đường về nước, hàng binh Nhật hành quân như một đội quân chính quy. Khi họ nộp vũ khí, toàn bộ súng ống, xe cộ, dao kiếm đều lau sạch bóng. Bản danh sách quan, lính và xe cộ, ngựa, đạn dược, trang bị cá nhân kê khai đầy đủ, số liệu chi tiết, chính xác rõ ràng đến mức tôi có cảm giác không phải họ đầu hàng mà là làm thủ tục bàn giao quân đội cho ta …
Qua đó có thể thấy bộ mặt tinh thần của một dân tộc. Lúc ấy tôi nghĩ, người Nhật có kỷ luật nghiêm và hành động nhất trí đến thế, sau này nếu được lãnh đạo đúng, nhất định họ có thể phát huy tiềm lực vô hạn.”
Tiềm lực tinh thần vô hạn ấy bắt rễ từ một truyền thống xa xưa bám chặt ở tầng sâu thẳm trong lòng mỗi người dân Nhật. Khi cần đến nó sẽ biến thành sức mạnh to lớn có thể làm nên điều kỳ lạ về cả hai phía thiện và ác, tùy theo sự dẫn dắt.
Bọn quân phiệt Nhật đã giáo dục động viên binh lính của chúng phát huy tinh thần đó để phục vụ dã tâm xâm lược châu Á-Thái Bình Dương, khiến cho quân đội phát xít Nhật có sức chiến đấu cao, thời kỳ đầu chiến tranh hầu như đánh đâu được đấy.
Từ một phim tài liệu do đài truyền hình Trung Quốc chiếu, người ta thấy có một sự thật bi đát là trong chiến dịch Hoa Viên Khẩu hồi thập niên 1930, có tới hai trong nhiều sư đoàn lính Tưởng tham gia chiến dịch này đã bỏ trốn trước sức tấn công của hai sư đoàn quân Nhật. Lính Tưởng đông người lại trang bị toàn vũ khí Mỹ, không kém gì vũ khí Nhật. Quân Nhật là quân xâm lược hoàn toàn phi nghĩa, lại từ xa đến, số quân ít, thế mà lại thắng áp đảo quân Tưởng.
Tháng 7/1937, trước sức ép của quân đội Nhật xâm lược, Chính phủ Tưởng Giới Thạch bỏ thủ đô Nam Kinh chạy về nơi sơn cùng thủy tận Trùng Khánh và Côn Minh ở Tây Nam Trung Quốc, nơi có thể nhận viện trợ Mỹ qua đường Miến Điện và Việt Nam.
Lính Anh ở Hồng Công treo cờ trắng khi lính Nhật đến (25/12/1941). 90 nghìn lính Anh bảo vệ Singapore đầu hàng khi quân Nhật tấn công vào đây (15/2/1942). Quân đội Hà Lan bảo vệ thuộc địa Indonesia bị quân Nhật hất cẳng khỏi đảo quốc này từ tháng 3/1942. Philippines được một lực lượng lớn quân đội Mỹ bảo vệ và chiến đấu ác liệt nhưng cũng rơi vào tay Nhật từ tháng 4/1942. Cuối cùng Nhật chiếm toàn bộ vùng Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, nhằm cắt mạch tiếp tế từ Mỹ cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch qua đường Hải Phòng-Côn Minh, tháng 9/1940 Nhật đàm phán với Chính phủ Vichy của Pháp, đòi để Nhật đóng quân trên đất Đông Dương thuộc Pháp. Ngày 5/9, Nhật lập “Đông Dương phái khiển quân” để đưa vào đóng ở Đông Dương. Ngày 21/9, Pháp tuyên bố đồng ý để Nhật đóng 6.000 quân ở Bắc Kỳ, được sử dụng 4 sân bay, được chuyển 25 ngàn quân qua Bắc Kỳ vào Vân Nam, được sử dụng cảng Hải Phòng để vận chuyển một sư đoàn. Cho rằng Pháp đàm phán quá chậm chạp, ngày 22/9/1940, quân Nhật từ Quảng Tây tiến vào Đồng Đăng. Lính Pháp chống cự yếu ớt bỏ chạy về thị xã Lạng Sơn rồi chạy tuột về Hà Nội. Hải quân Nhật đổ bộ 4.500 lính và hơn một chục xe tăng lên cảng Hải Phòng, tước vũ khí quân Pháp tại Đồ Sơn. Ngày 26/9, Nhật chiếm sân bay Gia Lâm, một số điểm trên 2 tuyến đường sắt Hải Phòng-Lào Cai và Hà Nội-Đồng Đăng. Nhật ngang nhiên đóng 900 quân tại cảng Hải Phòng, 600 quân tại Hà Nội trước mũi quân đội Pháp. Trên thực tế, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đầu hàng, nhưng vì nhiều lý do Nhật chưa vội hất cẳng Pháp ngay, cho tới ngày 9/3/1945.
Từ đó trở đi, máy bay Nhật ở sân bay Gia Lâm thường xuyên bay sang Côn Minh ném bom nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế vũ khí Mỹ qua Miến Điện vào Trung Quốc. Chiến dịch dội bom này ác liệt tới mức Tưởng Giới Thạch suýt nữa định ngừng kháng chiến, quay sang điều đình với Nhật. May sao có Phi đội “Hổ Bay” (Flying Tigers) của các phi công tình nguyện Mỹ do tướng Claire Chennault chỉ huy sang giúp đánh đuổi máy bay Nhật nên mới xoay chuyển được tình thế.
Quân đội Đồng Minh Anh-Mỹ mới đầu cũng lúng túng và thiệt hại nặng, thua liểng xiểng. Không kể trận đánh úp Trân Châu Cảng, mà trong lần máy bay Nhật cất cánh từ Sài Gòn tấn công hạm đội Viễn Đông của Anh đóng căn cứ tại Singapore, ưu thế hoàn toàn thuộc về Nhật. Trận ấy Nhật đánh chìm chiếc thiết giáp hạm “Hoàng tử xứ Wales” (HMS Prince of Wales) hiện đại nhất của Anh, nổi tiếng thế giới vì từng được dùng làm nơi Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill ký Hiến chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) ngày 13/8/1941.
Tưởng Mỹ MacArthur, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, Thống chế quân đội Philippines vốn rất coi thường “bọn Nhật lùn” cũng nhận được một bài học đau xót. Ông đóng đại bản doanh tại Philippines cùng với các đơn vị lục quân và một hạm đội Mỹ. Mờ sáng ngày 8/12/1941, Nhật đánh úp Trân Châu Cảng. Biết tin ấy rồi mà MacArthur vẫn không chuẩn bị đối phó. Buổi trưa cùng ngày, khi thấy hơn 500 máy bay Nhật cất cánh từ Đài Loan ập tới dội bom, ông ta mới ngã ngửa người. Sân bay Clark bị ném bom liền hơn một giờ. 55 trong số 72 máy bay Mỹ tan xác. Hai ngày sau, đến lượt căn cứ hải quân Mỹ bị Nhật triệt hạ. Gần hết số máy bay Mỹ ở Philippines bị diệt trong một tuần, chỉ có vài máy bay ném bom B-17 kịp sơ tán sang Australia.
Hạm đội Mỹ phải rút khỏi Philippines. Vài tuần sau, Nhật đổ bộ lên đảo quốc này và ngày 2/1/1942 chiếm thủ đô Manila. Quân Mỹ về đảo Batan cố thủ. Nhưng chỉ sau 3 tháng bị Nhật tấn công, 75 nghìn lính Mỹ ở Batan đầu hàng; MacArthur chạy về Australia. Tiếp đó, Nhật chiếm toàn bộ Philippines cùng tất cả các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan và một số đảo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thời kỳ cuối chiến tranh, khi bị Mỹ đánh cho thua liểng xiểng, phát xít Nhật đã dùng cách đánh tự sát. Máy bay cảm tử, tàu ngầm tự sát, ngư lôi sống …, gây khó khăn rất lớn cho Mỹ, cho dù Nhật bị mất hơn 5.000 phi công cảm tử.
Khi 70 nghìn quân Mỹ tấn công đảo Saipan, 40 nghìn lính Nhật trên đảo đánh đến người cuối cùng. Thương binh Nhật nổ lựu đạn tự sát. Dân Nhật trên đảo dắt nhau nhảy từ vách núi cao xuống biển sâu, cha mẹ ôm con nhỏ lội ra biển cho tới khi ngập nước chết. Lính Mỹ mục kích cảnh đó đều ôm mặt khóc, mất hết tinh thần chiến đấu. Tướng Nhật chỉ huy đảo không chịu đầu hàng mà tự bắn vào đầu – không như nguyên soái Đức Quốc xã Von Paulus dẫn đầu 91 nghìn lính Đức vác cờ trắng ra hàng Hồng quân Liên Xô tại chiến dịch Stalingrad ngày 31/3/1943.
Trận đổ bộ đảo Okinawa, 183 nghìn lính và 1.500 tàu chiến Mỹ tấn công hòn đảo có 70 nghìn lính Nhật cố thủ. Phải mất hai tháng Mỹ mới chiếm được đảo sau khi thương vong 48 nghìn quân và mất gần 400 tàu chiến do bị các phi công cảm tử kamikaze đánh chìm, đánh hỏng.
Cuối chiến tranh, Nhật có hơn 5.000 kamikaze, hàng trăm tàu ngầm và ngư lôi tự sát. Trước cách đánh liều chết ấy của Nhật, Tổng thống Mỹ Truman hiểu rằng nếu đổ bộ lên 4 đảo lớn chính quốc Nhật thì Mỹ sẽ phải chịu tổn thất cực lớn làm tiêu hao sinh lực và chưa chắc đã thắng địch. Kế hoạch Chiến dịch Coronet (Operation Coronet) chiếm nước Nhật do các tướng Mỹ trình lên Truman dự kiến thương vong mỗi bên Mỹ, Nhật là 1,2 triệu quân. Cuối cùng Truman buộc phải quyết định dùng bom nguyên tử san bằng hai thành phố nhỏ của Nhật để dọa cho Nhật Hoàng sợ mà đầu hàng. Truman thừa biết nếu vua Nhật không ra lệnh hạ vũ khí thì nước Nhật sẽ đánh đến người cuối cùng.
30 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, người ta tình cờ tìm thấy một lính Nhật trong rừng sâu ở Philippines. Đó là Trung úy Onoda, kẻ duy nhất sống sót của một đơn vị lính Nhật bị quân Mỹ tấn công năm 1945, người lính Nhật cuối cùng đầu hàng.
Vì tin rằng “Đại Nhật Bản không bao giờ bại trận”, Onoda trốn vào rừng sống một mình, ăn trái cây, ăn sống côn trùng và muông thú 30 năm trời, chờ ngày nước Nhật thắng lợi, chứ không nghe lời gọi hàng của lính Mỹ. Năm 1975, khi được du khách Nhật phát hiện và nói cho biết Nhật đã đầu hàng, Onoda khăng khăng không tin và nhất định ở lại trong rừng không về. Chính phủ Nhật phải cử viên chỉ huy đơn vị cũ của Onoda sang tận nơi tổ chức nghi thức cho Onoda nghe cấp trên đọc lệnh đầu hàng. Sau đó mọi người thuyết phục mãi, Onoda mới chịu rời bỏ niềm tin “Nhật Bản bất bại” để trở về quê nhà.
Tổng kết Thế chiến II, người ta thấy quân đội Nhật có hiệu suất chiến đấu cao nhất. Quân đội Nhật sử dụng 21 triệu lượt người (Đức 40 triệu), chế tạo 3,4 nghìn xe tăng (Đức 47 nghìn), 134 nghìn tấn tàu chiến (Đức 905 nghìn tấn), 74 nghìn máy bay (Đức 100 nghìn). Số thương vong của lính Nhật là 1,7 triệu người (Đức 3,25 triệu người). Tuy rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng qua đó cũng đủ thấy người Nhật thật là ghê gớm!
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành / Nghiên cứu Quốc tế