Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại

QUẬN HOÀN KIẾM (HÀ NỘI) CÓ DIỆN TÍCH KHIÊM TỐN NHƯNG LẠI LÀ KHU VỰC SẦM UẤT, PHÁT TRIỂN VÀ ĐẮT ĐỎ BẬC NHẤT THỦ ĐÔ.
Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 1.

Quận Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Thủ đô khi có diện tích 5,29 km2, còn nhỏ hơn diện tích hồ Tây (5,3 km2). Tuy vậy, năm 2021, quận thu ngân sách của quận lên đến 14.008 tỷ đồng, bằng 7 tỉnh thu ngân sách thấp nhất cộng lại (Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 2.

Quận Hoàn Kiếm được thành lập vào ngày 31/5/1961 theo chủ trương mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II. Đến hết năm 2019, quận có dân số khoảng 162.000 người. Mật độ dân số lên tới hơn 30.600 người/km2, gấp gần 13 lần mật độ dân số trung bình của Hà Nội. (Ảnh: HanoiFlycam)

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 3.

Với vai trò trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, dịch vụ, quận Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội. Khu vực này luôn tập trung đông đảo người dân vào mỗi dịp đặc biệt, lễ, Tết, tạo thành thú vui “lên bờ Hồ” nổi tiếng.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 4.

Tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, quận Hoàn Kiếm sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và công trình kiến trúc nổi bật. Nhiều Bộ, Sở, Ban, ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước đã tập trung xây dựng trụ sở tại đây. Ngoài ra còn có trụ sở của nhiều Đại sứ quán, đơn vị quản lý hành chính – chính trị – xã hội – tôn giáo.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng cũng chọn quận Hoàn Kiếm là “đầu não” giao dịch kinh tế. Nơi đây có trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV…

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 6.

Quận Hoàn Kiếm cũng là nơi có giá đất cao nhất Hà Nội. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của thành phố thì giá đất cao nhất tại đây là gần 188 triệu đồng/m2; còn trên các trang rao vặt, mua bán bất động sản thì con số có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng/m2.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 7.

Quận Hoàn Kiếm đề cao việc bảo tồn di sản, đặc biệt là kiến trúc nhà ở thuộc 36 tuyến phố cổ. Không gian xưa cũ kết hợp với nhịp sống hiện đại chính là cầu nối quá khứ – hiện tại, để người dân và du khách hiểu hơn về thủ đô nghìn năm văn hiến.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 8.

Quận trung tâm này có 190 điểm di tích lịch sử văn hoá và di tích cách mạng – kháng chiến, các công trình kiến trúc văn hoá có giá trị, trong đó 81 điểm đã được xếp hạng và gắn biển; tiêu biểu như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, khu phố Pháp… Các công trình này thường xuyên được quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 9.

Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm còn có những công trình văn hoá lớn như con đường gốm sứ dài nhất thế giới dài 3,85 km được hoàn thành để chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 10.

Sau thời gian chững lại vì dịch Covid-19, quận Hoàn Kiếm tiếp tục khai thác các không gian sáng tạo mang tính điểm nhấn, thương hiệu từ ngày 18/3/2022 gồm: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố sách 19/12, phố bích họa phố Phùng Hưng, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân… Ảnh: Thuý Hà.

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 11.

Có vị trí trung tâm, nhiều di tích lịch sử, văn hoá nên ngành du lịch ở quận Hoàn Kiếm rất phát triển. Trong thời kỳ đỉnh cao trước dịch Covid-19, quận có tới 157 công ty lữ hành đang hoạt động; 464 khách sạn, cơ sở lưu trú với 10.846 phòng (trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao).

Quận nhỏ nhất Thủ đô nhưng thu ngân sách bằng 7 tỉnh cộng lại - Ảnh 12.

Bên cạnh đó, với bề dày truyền thống của 36 phố phường, quận Hoàn Kiếm có nhiều thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ với các chợ truyền thống nổi tiếng và các trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ hoa Quảng Bá, Tràng Tiền Plaza… Năm 2019, tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm đến 98,04% cơ cấu kinh tế của quận.

Theo Tổ Quốc

Những chuyện bên lề của văn học Sài Gòn

VHSG- Dù đóng rất nhiều vai phản diện nhưng ấn tượng nhất mà Hai Nhất để lại với khán giả là vai kẻ phản bội Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân).

Hai Nhất tên thật là Nguyễn Mai A quê ở Ninh Bình. Năm 1969 đi bộ đội và đóng quân tại Hải Phòng, Hai Nhất có sở thích đam mê văn nghệ nên được phân công vào đội văn nghệ của đơn vị. Năm 1978 ra quân, về quê nhưng cuộc sống khó khăn khiến 2 vợ chồng Hai Nhất bồng bế con cái vào Nam lập nghiệp.

Hai Nhất (Vai Ba Cẩn) trong “Biệt động Sài Gòn”

Tại Sài Gòn, vợ thuê nhà mở quán buôn bán vặt kiếm sống còn Hai Nhất lang thang đi xin việc làm. Trong một lần đến Hãng phim Giải Phóng, tình cờ gặp đạo diễn Hồng Sến (cố NSND Hồng Sến). Thấy Hai Nhất phù hợp với vai mình đang tìm kiếm, Hồng Sến đã hỏi: “Đang kiếm việc làm à? Có muốn làm diễn viên không?”. Thế là Hai Nhất đi đóng phim.

Hai Nhất kể từ bộ phim đầu tiên ông tham gia là Mùa nước nổi, đạo diễn Hồng Sến đã cho ông vào vai tên viên đồn trưởng Phi – một kẻ gian ác nhưng lại hèn nhát. Mùa nước nổi sau đó đã đạt nhiều giải thưởng, trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt.

Thành công ban đầu của Hai Nhất trong Mùa nước nổi đã khiến cho nhiều đạo diễn khi lựa chọn những vai phản diện đều nghĩ tới ông. Từ tướng cướp Ba Hổ (Kiếp lênh đênh) cho tới ông Trùm (Kẻ giấu mặt); Tên cướp Hổ Thẹo (SBC)… Dù đóng rất nhiều vai phản diện nhưng ấn tượng nhất mà Hai Nhất để lại với khán giả là vai Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân). Một kẻ hèn nhát, ham hưởng thụ để rồi phản bội lại đồng chí đống đội, bán mình cho kẻ địch và cuối cùng phải nhận cái chết đau đớn… Với gương mặt dữ dằn và ánh mắt luôn láo liên, gian xảo… Hai Nhất đã thực sự làm lên một vai diễn phản diện đúng nghĩa.

Điều khá thú vị với Hai Nhất là các đạo diễn luôn chọn ông vào những vai diễn phản diện dữ dằn, nhưng ngoài đời Hai Nhất lại là người hiền lành ít nói. Dù khuôn mặt râu ria hung tợn, nhưng mỗi khi gặp ông người đối diện có thể nhận ra chất nghệ sỹ của ông có trong đôi mắt: Nó luôn sáng và sắc xảo. Có lẽ chính vì thế nên khi vào vai diễn, đôi mắt đã giúp cho ông thể hiện thành công nhân vật cần thể hiện.

Nhưng năm đầu thập kỷ 90, khi điện ảnh Việt Nam chuyển mình, Hai Nhất là người đầu tiên lập hãnh phim tư nhân mang tên Nhất Phương. Tuy nhiên, các bộ phim do hãng phim Nhất Phương sản xuất như Con thuyền bị đánh đắm, Đi qua lời nguyền, Nụ hôn…lại hướng tới chất lượng nên đã bị các bộ phim “mỳ ăn liền” thời đó đánh bại về doanh thu. Sau mấy bộ phim thất bại, Hai Nhất đã bỏ làm phim, quay về vị trí diễn viên quen thuộc.

Ánh mắt sắc xảo của “ông trùm” Bảy Xoài 

Năm 2010, đạo diễn Long Vân tiếp tục làm bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn và ông lại nhớ tới Ba Cẩn ngày nào. Lần này, tiếp tục vào với ông trùm xã hội đen tàn ác Bảy Xoài, Hai Nhất thừa nhận khó hơn là vai Ba Cẩn ngày trước. “Ba Cẩn chỉ là một tên lộ rõ bản chất ham sống sợ chết, sẵn sàng bán đứng đồng đội để mưu lợi. Còn Bảy Xoài, sự tàn ác không thể hiện ra rõ rệt mà nó ẩn khuất sau từng câu nói, từng ánh mắt tưởng chừng rất lịch sự, nho nhã”, ông nói.

Với hơn 30 năm làm nghề, Hai Nhất đã lựa chọn lối diễn xuất bằng ánh mắt. Tất cả sự xảo quyệt, gian ác, và lạnh lùng của ông trùm Bảy Xoài dồn vào đôi mắt đã được người nghệ sĩ này lột tả hết sức sắc xảo, làm nên thành công của bộ phim. Bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn đã giải Cánh diều Bạc ở thể loại phim truyền hình tại liên hoan phim Cánh diều Vàng 2011. Riêng ông trùm Bảy Xoài được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 diễn ra năm 2011.

Tháng 8.2019, diễn viên Hai Nhất mới được nhận danh hiệu NSƯT khi đã bước qua tuổi 70. So với nhiều người trong nghề thì danh hiệu đến với ông khá muộn màng dù ông có tới gần 40 năm gắn bó với điện ảnh, để lại những vai diễn ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

Giải thích vì lý do tại sao danh hiệu lại tới muộn như thế, Hai Nhất cười, nói đùa: “Có lẽ tại tôi thường vào vai nhân vật phản diện nên bị ghét cũng nên”.

Sau dấu ấn với “ông trùm Bảy Xoài”, Hai Nhất ít nhận lời đóng phim vì lý do sức khoẻ. “Ông trùm”, “Kẻ phản bội”.. một thời giờ vui thú điền viên bên con cháu. Ông bảo cũng thèm làm nghề lắm nhưng sức khoẻ không như trước nên phải lựa chọn vai diễn.

Dịp 30.4.2020, xem lại vai diễn của mình và đồng nghiệp trong Biệt động Sài Gòn, Hai Nhất bảo: “Ngày đó chúng tôi vất vả, nhưng khi tiếp xúc với những chiến sỹ biệt động thực sự và nghe họ kể, chúng tôi mới thấy mình chỉ khắc hoạ được một phần nào đó rất nhỏ về những chiến công của họ. Nếu có điều kiện để làm lại, chúng tôi tin sẽ còn làm tốt hơn nữa để xứng với chiến công mà các chiến sỹ biệt động đã làm nên”.

TRỌNG THỊNH / Theo TPO

4 đạo lý sau 30 tuổi mới bàng hoàng ngộ ra

4 đạo lý sau 30 tuổi mới bàng hoàng ngộ ra
Cuộc sống dù có nhiều chông gai đến đâu, chúng ta cũng phải chăm sóc cơ thể thật tốt, kiềm chế tính nóng nảy, luôn tử tế và quản lý thời gian thật tốt.

Trên mạng có một câu nói như này: “Bạn phải học cách tự trưởng thành và tự trau dồi bản thân, đường đời sẽ hoàn hảo hơn nếu bạn tự mình bước đi”.

Cuộc đời mỗi người đều sẽ có những lúc thăng trầm. Nhưng dù hoàn cảnh ra sao, hãy luôn giữ gìn cho tốt cả “lớp gỗ” và “nước sơn” của mình.

Chăm sóc cơ thể, tu dưỡng nhân phẩm, quản lý tốt cảm xúc và thời gian thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc.

01

Chăm sóc tốt cơ thể chính là đang kiếm tiền

Nhà văn nước ngoài có tên Zhou Guoping nói: “Nếu bạn có một cơ thể khỏe mạnh và một tâm hồn bình yên, bạn hạnh phúc, và bạn là một người vui vẻ”.

Đời người chỉ có hai thứ có thể “trả thù” lại bạn, một là những ngày tháng sống thiếu cố gắng, hai là đau đớn do không biết nâng niu cơ thể.

Một cư dân mạng tên P. đã từng chia sẻ một câu chuyện về bố của mình.

Bố của P. là một người nông dân, cả đời gắn mình với ruộng vườn.

Ngoài công việc đồng áng, ông cũng thường ra ngoài làm thêm một vài công việc tay chân khác.

P. khi ấy đang đi học đại học ở trên thành phố lớn, bố P. muốn kiếm nhiều tiền hơn để có thể dành ra được nhiều tiền hơn cho con.

Tuy nhiên, do lao động thể lực quá sức trong thời gian dài, ông thường xuyên cảm thấy tức ngực và khó thở.

Biết chuyện, P. không cho phép bố ra ngoài làm thêm việc nữa, đồng thời nói với bố:

“Giờ con đang làm việc bán thời gian và cả công việc làm gia sư vào cuối tuần và ngày lễ, con có thể tự trang trải học phí và sinh hoạt, con còn có thể thể tiết kiệm được một khoản.

Hơn nữa, chuyên ngành mà con đang học sau này cũng rất dễ tìm việc, thu nhập đủ để bản thân có chỗ đứng tại thành phố.

Tới lúc đó, con đón bố về ở cùng, bố sẽ không còn phải vất vả nữa”.

Nghe những lời này, người cha cảm thấy công sức của mình bao nhiêu năm không vô ích, trong lòng rất cảm động, nhưng ông vẫn muốn giúp đỡ con trai mình.

Hết nghỉ hè, P. vừa quay lại trường, thì bố P. lại giấu con đi làm thêm.

Sau một lần tăng ca làm việc, bố P. do làm việc quá sức phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim.

Nhìn vào hóa đơn, người bố bàng hoàng nhận ra rằng đi làm cật lực cả tháng cũng không đủ cho tiền viện phí một ngày…

Đừng bao giờ xem nhẹ cơ thể của mình, làm việc quá sức, sau cùng sẽ chỉ khiến bạn hối hận mà thôi.

Schopenhauer từng nói: “Sai lầm lớn nhất mà một người có thể mắc phải là đánh đổi sức khỏe của mình để lấy những thứ khác”.

Sức khỏe là nền tảng của mọi thứ, không có sức khỏe, mọi thứ đều là con số không.

Chăm sóc cơ thể thật tốt, cũng chính là đang kiếm tiền.

4 đạo lý sau 30 tuổi mới bàng hoàng ngộ ra - Ảnh 1.

(Minh họa: Caribay)

02

Quản lý tốt cảm xúc, cuộc sống bớt phiền phức

Rất đồng ý với một câu nói rằng: “Nổi nóng là bản năng, quản lý tốt được nó là kỹ năng. Đằng sau sự nóng nảy luôn là một cái giá phải trả”.

Mất bình tĩnh không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể gây ra nhiều rắc rối cho chính bản thân.

Chỉ những người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình, mới có thể kiểm soát được vận mệnh của chính mình.

Tôi từng đọc được một mẩu tin: Một nhân viên giao đồ ăn trong phút chốc mất kiểm soát vì lỡ thang máy nên đã liên tục dùng chân đạp vào thang máy.

Quản lý tòa nhà sau đó đã báo cáo vụ việc, cảnh sát tìm thấy người nhân viên giao hàng đó bằng cách truy xuất video giám sát.

Hỏi ra mới biết lý do là do bữa cơm anh ấy giao trễ giờ đã lâu, dù đã chạy rất nhanh nhưng vẫn lỡ thang máy, sợ khách đợi không được mà đánh giá không tốt nên nhất thời tức giận mới làm ra chuyện như vậy.

Sau đó, người nhân viên giao hàng đã xin lỗi quản lý tòa nhà và bồi thường một số tiền cho họ.

Chỉ vì nóng giận nhất thời mà làm ra chuyện không nên, mất mười ngày lương, suýt nữa bị giam giữ tại đồn.

Nóng nảy vốn là bản năng của con người, nhưng nếu bạn không biết quản lý nó, cứ tùy ý trút bỏ, bạn sẽ chỉ tự chuốc lấy phiền phức mà thôi.

Cả giận thì mất khôn, quản lý tốt cảm xúc, chính là đang bớt đi chút phiền phức cho cuộc sống.

Suy cho cùng, chỉ khi bình tĩnh, con người ta mới có thể suy nghĩ đúng đắn, và chỉ những người biết quản lý cảm xúc của mình một cách thích hợp, mới có thể thuận buồm xuôi gió hơn.

4 đạo lý sau 30 tuổi mới bàng hoàng ngộ ra - Ảnh 2.

(Minh họa: Caribay)

03

Tử tế là một tài sản quý giá

Nhà soạn kịch người Hy Lạp, Menander nói: “Người tử tế tự có ánh sáng của riêng mình, dù đi đến đâu, họ cũng sẽ luôn tỏa sáng”.

Mây tầng nào gặp mây tầng đó, người tử tế sẽ luôn gặp được người thiện lương.

Trong bộ phim nước ngoài có tên “Nhân thế gian”, nhân vật nam chính là con út trong một gia đình có ba anh chị em, anh là người có học vấn thấp nhất trong ba người, nhưng lại là một người tốt bụng, tử tế.

Một lần, trước cửa nhà tắm công cộng, anh gặp một bà lão bị trượt chân.

Thời điểm đó, nhiệt độ hơn âm 30 độ, gió lạnh thấu xương, anh không suy nghĩ nhiều, lập tức cởi áo khoác ngoài ra mặc cho bà cụ, rồi lập tức đưa bà tới bệnh viện.

Không ngờ, bà lão được anh cứu lại chính là vợ của một bí thư đã nghỉ hưu.

Để cảm ơn anh, bí thư mời anh đến nhà ăn tối, cũng kể từ đó, vị bí thư thường xuyên giúp đỡ anh trong mọi chuyện.

Vị bí thư cũng thường khuyến khích anh không nên vì học vấn mà đánh giá thấp bản thân, thay vào đó, hãy học hỏi thêm kiến ​​thức.

Chính nhờ những lời khích lệ của vị bí thư mà anh có thêm rất nhiều động lực, luôn dùng thời gian rảnh rỗi để đọc và nghiên cứu thêm.

Sau đó, trong một buổi biểu diễn trong nhà máy nơi anh làm việc, tài năng của anh đã “có đất diễn”. Phần thể hiện của anh ngày hôm đó được một biên tập viên của một nhà xuất bản phát hiện, người này đã ngay lập tức mời anh tới làm việc ở nhà xuất bản. Kể từ đó, cuộc đời anh bước sang một trang hoàn toàn mới, công việc nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn, anh cũng đã hoàn thành ước mơ mua được nhà cho cha mẹ, điều mà anh không dám nghĩ tới khi còn làm việc trong nhà máy.

Ở hiền gặp lành, câu nói này chưa bao giờ sai.

Một MC từng nói: “Mỗi viên kẹo ngọt bạn cho đi đều sẽ tới nơi mà nó cần tới. Thực ra, trái đất là hình tròn, những điều tốt đẹp mà bạn làm, sau cùng, sẽ trở lại với bạn”.

Của cải lớn nhất của một người không bao giờ là tiền bạc hay vật chất, mà là một trái tim nhân hậu và một tư cách đạo đức tốt.

Nhân phẩm chính là phúc khí.

Bất kể làm gì, chỉ cần nhân phẩm đoan chính, bạn nhất định sẽ chiến thắng.

04

Quản lý tốt thời gian là đang tạo nền tảng cho tương lai

Lỗ Tấn từng nói: “Nếu một người có thể dùng 10 năm để chuyên tâm cho một việc, họ nhất định sẽ trở thành chuyên gia ở lĩnh vực đó”.

Bạn sống một ngày của mình như nào, bạn sống cả đời mình như vậy.

Nếu bạn dành thời gian chỉ để ăn uống, chơi bời, bạn sẽ lãng phí cuộc đời; nếu bạn dành thời gian cho việc học tập và làm việc, chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều phần thưởng.

4 đạo lý sau 30 tuổi mới bàng hoàng ngộ ra - Ảnh 3.

(Minh họa: Caribay)

Dương tốt nghiệp đại học top của cả nước, năng lực tốt, nhưng có một khuyết điểm là cẩu thả trong công việc.

Một lần, công ty nhận được một dự án lớn, và giao cho Dương quản lý.

Kế hoạch ban đầu dự kiến ​​sẽ được giao muộn nhất là vào thứ Tư, khách hàng đã gửi email cho Dương từ vài ngày trước nhưng Dương vẫn đủng đỉnh rồi lảng tránh với lý do là chưa đến hạn. Tới thứ Tư cũng vẫn trì hoãn tới tận giờ tan làm mới nộp phương án.

Khách hàng rất tức giận, cho rằng Dương có thái độ làm việc kém và cực kỳ thiếu chuyên nghiệp nên đã hủy hợp tác.

Đối với dự án này, công ty đầu tư nhiều nhân lực, vật lực, kết quả lại bị hủy bỏ, điều này khiến lãnh đạo rất bức xúc.

Vài ngày sau, Dương cũng bị công ty sa thải.

Những người không có ý thức về thời gian, không biết ưu tiên và luôn trì hoãn, thường sẽ không nên được việc lớn.

Khi bạn lãng phí thời gian, thời gian cũng sẽ đáp lại bạn với một cái giá thích đáng.

Thời gian không chờ đợi một ai, chỉ bằng cách quản lý thời gian tốt, bạn mới có thể kiểm soát được tương lai của mình.

Tạm kết

Yang Jiang, một nhà văn Trung Quốc, từng nói: “Cuộc sống vốn khó khăn, còn chúng ta, cần không ngừng trau dồi và hoàn thiện bản thân trong suốt cuộc đời của mình”.

Thế giới người lớn luôn tồn tại quá nhiều nỗi buồn và sự bất lực.

Nhưng dù cuộc sống có chông gai đến đâu, chúng ta cũng phải chăm sóc cơ thể, kiềm chế tính nóng nảy, giữ tấm lòng lương thiện và quản lý thời gian thật tốt.

Cuộc sống hạnh phúc, nằm trong tay chính bạn!

Như Quỳnh / Shoha

Thấy gì từ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc?

Như tin đã đưa, Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh hôm Chủ Nhật 16 tháng Mười và sẽ kéo dài tới ngày 22 tháng Mười. Đại hội không chỉ sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của đất nước 1.4 tỷ dân mà còn có ảnh hưởng tới cục diện của cả thế giới.

Tập Cận Bình – tân hoàng đế

Trọng tâm của đại hội, theo nhận định của giới quan sát, là trao cho ông Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ và giới hạn tuổi tác của giới lãnh đạo Trung Quốc. Đến tháng Ba năm sau, Quốc Hội bù nhìn dự kiến sẽ bầu ông Tập làm Chủ tịch nước Trung Quốc thêm nhiệm kỳ thứ ba. Cùng với chức Chủ tịch Quân ủy trung ương – tương đương tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc – ông Tập sẽ thực sự trở thành một “hoàng đế” có uy quyền tuyệt đối đối với 1.4 tỷ dân Trung Hoa, sánh ngang với Mao Trạch Đông và các ông vua thời phong kiến, vượt qua những người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân và cả Đặng Tiểu Bình. Mười năm cầm quyền vừa qua, ông Tập đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực cá nhân mà đại hội hôm nay là kết quả. Ông ta sẽ làm gì với uy quyền tột bực đó?

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội đọc trước 2,296 đại biểu đại diện cho 96 triệu đảng viên ĐCSTQ và được truyền hình trực tiếp ra cả nước, ông Tập tập trung ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì ổn định xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân, chống đại dịch COVID và kiểm soát tình hình ở Hồng Kông. Ông lờ đi những thất bại và sai lầm của Trung Quốc về kinh tế và đối ngoại.

An ninh – mối hoang tưởng của Tập

Trong bài diễn văn dài chưa tới hai tiếng đồng hồ – được cho là ngắn gọn so với bài diễn văn ba giờ rưỡi ông đọc khi khai mạc đại hội 19 ĐCSTQ năm 2017 – ông Tập đã 89 lần nói tới khái niệm “an ninh”, cho thấy ưu tiên chính sách lớn nhất của ông và ĐCSTQ là bảo vệ an ninh quốc gia; bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm các chuỗi cung ứng, cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai và bảo vệ thông tin cá nhân.

Ông Tập cam kết sẽ đẩy nhanh việc xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới và củng cố năng lực xây dựng một khả năng răn đe chiến lược dù không có dấu hiệu nào cho thấy có quốc gia nào dám đe dọa Trung Quốc. Vậy thì việc xây dựng quân đội “đẳng cấp thế giới” để làm gì ngoài mục đích mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh qua các chiến dịch đe dọa và trấn áp các nước láng giềng, thâu tóm Đài Loan, mở rộng lãnh thổ và xa hơn là đánh bại quân đội Hoa Kỳ, giành vị thế bá chủ thế giới trong một cuộc xung đột kiểu “bẫy Thucydides”? 

Đại biểu quân đội Trung Quốc tham dự đại hội ĐCSTQ hôm 16 tháng Mười 2022 tại Bắc Kinh. Ảnh Kevin Frayer/Getty Images.

Về Đài Loan,  ông Tập nói, “Chúng tôi kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.” Các đại biểu đã đáp lại bài diễn văn của ông bằng những tràng pháo tay vang dội.

Nhà nghiên cứu Alfred Wu của trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, do kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, ông Tập đang cố chuyển căn cứ cho tính chính danh cầm quyền của ĐCSTQ từ tăng trưởng kinh tế sang bảo vệ an ninh. “Thông điệp của ông Tập là Trung Quốc đang đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, cứ như đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và ông ta là vị cứu tinh. Với thông điệp đó, Tập có thể quy tụ mọi người đoàn kết quanh ông ta,” giáo sư Wu nói.

Một đường lối kinh tế đầy mâu thuẫn

Trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, bài diễn văn của Tập cho thấy đường lối của Trung Quốc không có sự thay đổi quan trọng nào mà là sự đảo ngược những chính sách cải cách đặt ra dưới thời Đặng Tiểu Bình. Khái niệm “cải cách” được ông Tập nói tới 48 lần, ít hơn so với 68 lần trong bài diễn văn tại đại hội trước.

ĐCSTQ sẽ tiếp tục đưa đất nước vào con đường chuyên chế toàn trị, đẩy mạnh việc kiểm soát xã hội, kiểm soát nền kinh tế nhân danh “thịnh vượng chung”, thực hiện một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn. 

Về kinh tế, thông điệp của Tập có nhiều mâu thuẫn. “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao… củng cố và phát triển mạnh hệ thống công hữu, khuyến khích và ủng hộ mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân, trao toàn quyền cho vai trò quyết định cho thị trường trong việc phân phối nguồn lực và gia tăng vai trò của chính phủ”.

Thực tế mười năm cầm quyền vừa qua của Tập cho thấy, dù vẫn nói những lời chót lưỡi đầu môi về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, ĐCSTQ thực tế vẫn ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước, lập ra những “nhà vô địch quốc gia” trong các ngành công nghiệp và trấn áp những công ty tư nhân lớn có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống xã hội. Hậu quả là hiện kinh tế Trung Quốc đã chậm đáng kể, tăng trưởng năm nay ở mức dưới 3%/năm so với mức 7.86% khi Tập lên cầm quyền năm 2012. Hàng loạt công ty đa quốc đang lần lượt rời khỏi Trung Quốc.

Người thiểu số dân tộc Miêu ở tỉnh Quý Châu được huy động tập trung xem tường thuật cảnh ông Tập đọc diễn văn khai mạc đại hội 20 của ĐCSTQ hôm 16 Tháng Mười 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images.

Thù địch với thế giới

Về đối ngoại, Trung Quốc vẫn là một cường quốc có triển vọng bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới, nhưng những chính sách của ông Tập như đại dự án “Vành Đai và Con Đường” biến thành một thứ bẫy nợ, chính sách ngoại giao hung hăng, chính sách bành trướng lãnh thổ, đe dọa các nước láng giềng, và lập trường ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, khiến nhiều nước lo ngại. Một liên minh các đối thủ của Trung Quốc đã hình thành và ngày càng mở rộng.

Thất bại ngoại giao lớn nhất trong mười năm qua của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc. 

Sự thù địch đó không chỉ do xung đột về quyền lợi quốc gia mà sâu xa hơn là từ chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, từ quan niệm của Tập rằng thể chế chính trị độc tài của ĐCSTQ thì tốt hơn so với thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây. Tập buộc các doanh nghiệp tư nhân phải lập chi bộ ĐCSTQ, củng cố “tường lửa” trên không gian mạng để ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp xúc với thế giới bên ngoài; siết chặt tự do ngôn luận ở trong nước nhưng đồng thời đổ rất nhiều tiền bạc và nhân lực để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc ra thế giới. 

Tập thường tuyên bố: “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn.” và ra sức quảng bá mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” đó sang các nước đang phát triển thông qua các hình thức viện trợ, đầu tư và mua chuộc. Công cuộc xây dựng quân đội, nỗi hoang tưởng về an ninh quốc gia và tham vọng bá chủ thế giới của Tập tất nhiên sẽ xung đột với Mỹ – quốc gia đang nỗ lực duy trì cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã là nền tảng cho sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của thế giới trong hơn bảy mươi năm qua.

Mối lo của Việt Nam

Với Việt Nam, Tập Cận Bình và ĐCSTQ sẽ mang lại một số cơ hội nhưng thách thức vẫn là chính. Nhiều công ty đa quốc rời khỏi Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giúp mang lại công việc làm và tăng giá trị xuất cảng. Đó là chuyện đang diễn ra.

Nhưng tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tập Cận Bình sẽ dẫn tới nhiều vụ va chạm về chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục bị chèn ép và không loại trừ khả năng Trung Quốc “tiên hạ thủ” ở Trường Sa để gây sức ép buộc Việt Nam phải thần phục “thiên triều” Trung Quốc, xa rời ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây.

Cả hai yếu tố đó sẽ đẩy đảng Cộng sản Việt Nam vào con đường gắn bó ngày càng chặt chẽ với ĐCSTQ, trấn áp tự do nhân quyền của người dân trong nước và đứng hẳn vào phe độc tài trong cuộc đối đầu địa chính trị quốc tế hiện nay. Đó là điều bất hạnh cho dân tộc, là lực cản cho tương lai tiến hóa của đất nước; hết sức đáng lo ngại.  

Theo Saigon nhỏ

Tập Cận Bình cũng là tù nhân của Đảng Cộng sản

Trong mắt người phương Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ giống như hóa thân của chế độ độc tài độc nhân trị. Quan điểm ấy có lý do chính đáng.

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tới nay, ông xóa bỏ cơ chế chia sẻ quyền lực giữa các phe phái trong Đảng, biến một trong những tổ chức chính trị lớn nhất thế giới thành một khối thống nhất. Tại bất cứ nơi nào cũng có thể thấy lời nói, tư tưởng và hình ảnh của ông. Trong một bài phát biểu năm 2016, ông sử dụng các từ ngữ của Mao Trạch Đông, nói ĐCSTQ đang lãnh đạo “Đông Tây Nam Bắc Trung” của Trung Quốc. Có lẽ ông dùng câu nói này để nói về chính mình.

Hiện nay Tập Cận Bình đã chuẩn bị xong xuôi, tại Đại hội lần thứ 20 ĐCSTQ khai mạc vào ngày 16/10/2022, ông sẽ nhận được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba trong vai trò nhà lãnh đạo tối cao.

Việc ông có thể tập trung nhiều quyền lực như thế mà không bị thách thức là điều chưa từng có tiền lệ, thậm chí khó chấp nhận đối với một số người. Người ta có lý do để cho rằng Trung Quốc quá phức tạp, quá rộng lớn, đồng thời quá tư bản chủ nghĩa, khiến nước này khó tránh được một hình thức đa nguyên chính trị nào đó. Mạng xã hội, giai cấp trung lưu không ngừng phát triển và sự hiện đại hóa nói chung chắc hẳn sẽ đưa xã hội đi theo hướng ấy. Thế nhưng, Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc đi theo hướng ngược lại, và dường như còn có thể vươn xúc tu của mình ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Nhưng làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra tương đối dễ dàng mà không có đổ máu như vậy? Chuyện này chắc hẳn không thể chỉ dựa vào ý tưởng kỳ lạ đột phát từ một cá nhân.

Cho dù mọi sự chú ý đều tập trung vào một cá nhân Tập Cận Bình, nhưng xét cho cùng thì cuộc đời, sứ mệnh và tư tưởng chính trị của ông đều không thuộc về cá nhân ông, mà là thuộc về ĐCSTQ. Đúng là có một nhà độc tài đang thống trị Trung Quốc đương đại, nhưng người cai trị chính là ĐCSTQ mà Tập Cận Bình đang phục vụ, chứ không phải là cá nhân ông. Hơn nữa, cũng như những người khác, ông bị chính đảng ấy bắt làm tù nhân theo một phương thức kỳ lạ nào đó.

Địa vị của Tập Cận Bình trong lịch sử Trung Quốc phụ thuộc vào việc ông có thể đảm bảo sự thống trị của ĐCSTQ sau khi ông nghỉ hưu sẽ kéo dài bao lâu, chỉ có như vậy thì ĐCSTQ mới thực hiện được mục tiêu căn bản của họ:  phục hưng đất nước vĩ đại phù hợp với tên gọi có từ thời cổ của nó – “Trung Quốc”, tức “Trung tâm thế giới”.

Trong thế kỷ 19 và 20,  Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây cướp đoạt, năm 1912 đế chế Trung Quốc sụp đổ rồi bị Nhật Bản xâm lược. Kể từ đó tới nay, Trung Quốc thường xuyên tiến hành chuẩn bị sứ mệnh kể trên. ĐCSTQ giải quyết được vấn đề đất nước bị chia cắt. Quyền lực của Tập Cận Bình xuất phát từ mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của ĐCSTQ: rửa sạch những nỗi nhục trong quá khứ, phục hồi sức mạnh quốc gia, thu hồi các lãnh thổ “để mất” như Đài Loan. Có lẽ chủ nghĩa phục thù là sức mạnh thúc đẩy Tổng thống Nga Putin, nhưng đối với Trung Quốc thì chủ nghĩa đó là con đường sống.

Tập Cận Bình là con trai Tập Trọng Huân, một nhà lãnh đạo lớp trước của ĐCSTQ, ông học được từ cha mình một bài học: Cho dù Đảng đối xử với mình thế nào thì mình vẫn phải giữ được niềm tin đối với Đảng.

Tập Trọng Huân từng bị thanh trừng trong thời kỳ Mao Trạch Đông, bị giam lỏng nhiều năm, cho tới khi Mao Trạch Đông qua đời mới được phục hồi. Trong thời gian cách mạng văn hóa, Hồng Vệ Binh khám nhà Tập Trọng Huân; một người chị của Tập Cận Bình bị chết trong loạn lạc. Mọi người trong gia đình họ Tập bị đưa ra các cuộc họp đấu tố, bị công kích cá nhân. Mẹ Tập Cận Bình còn bị buộc tố cáo Tập Cận Bình. Về sau, Tập Cận Bình hưởng ứng lời kêu gọi “Học tập nông dân” của Mao Trạch Đông, xuống nông thôn sống 7 năm.

Quãng đời ấy làm cho Tập Cận Bình trở nên kiên cường, cũng làm ông kiên định niềm tin của mình. Một báo cáo mật năm 2009 của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết: Một người bạn trong thời kỳ khó khăn ấy của Tập Cận Bình nhớ lại rằng Tập Cận Bình hồi trẻ có hình ảnh một người tràn đầy niềm tin vào vận mệnh của mình. Là thành viên của nhóm “Thái tử đảng”, ông coi việc lãnh đạo ĐCSTQ là quyền lợi sinh ra đã có của mình, phải “tập trung toàn bộ sức chú ý vào việc đó”. Người bạn ấy nói, Tập Cận Bình tin tưởng sâu sắc rằng chỉ ĐCSTQ mới có thể thực hiện được sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc, ông không bị các lợi ích vật chất làm xói mòn. Vấn đề là ở chỗ liệu ông có thể chống lại được cảm giác say sưa do quyền lực mang lại hay không.

Năm 2012, khi Tập Cận Bình đảm nhiệm chức Tổng Bí thư ĐCSTQ, lúc này Trung Quốc đã hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng đã xuất hiện các vấn đề mới. Mười năm dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào là mười năm lỡ mất cơ hội, dường như ĐCSTQ quên mất sứ mệnh vĩ đại phục hưng dân tộc. Các quan chức địa phương tham nhũng như những tiểu bạo chúa thống trị địa bàn của mình, các biện pháp áp bức tàn khốc, nạn tham nhũng trắng trợn, điều kiện lao động tồi tệ, vấn đề ô nhiễm nặng nề đã dẫn đến sự phản kháng gay gắt.

Trong mấy năm đầu sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình tập trung lực lượng làm phong trào chống tham nhũng, nhưng phong trào này thường hay bị bên ngoài coi là cái cớ để tiêu diệt đối thủ. Tuy vậy, mục đích chính của ông là thay đổi ĐCSTQ, làm cho nó trở nên có hiệu quả cao hơn, khôi phục hình ảnh của ĐCSTQ.

Có điều đáng chú ý là hầu như Tập Cận Bình chưa gặp bất cứ trở lực lớn nào. Cho dù Mao Trạch Đông làm người ta kính trọng và sợ hãi, nhưng từng có người phản đối chính sách không tưởng mang tính phá hủy lớn của Mao. Công cuộc cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình từng gặp lực cản, Giang Trạch Dân không thể không ứng phó với các thế lực muốn tiến hành cải cách lớn hơn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ngoại trừ những tin đồn về sự bất mãn nội bộ thỉnh thoảng tung ra và một số lời phê bình đến từ tầng lớp thấp, hầu như trong Đảng không có bất cứ ý kiến phản đối nào.

Nguyên nhân một phần là sức mạnh của sứ mệnh chủ nghĩa dân tộc. Sức hút của chủ nghĩa dân tộc đối với công dân Trung Quốc vượt xa khái niệm trừu tượng của chủ nghĩa Mác Lê. Tình cảm tự hào yêu nước thể hiện trong thời gian Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh hồi tháng Hai năm nay là tình cảm chân thành. Khi Mỹ và các nước khác đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19, do lòng tự tôn bị tổn thương, người Trung Quốc từ đáy lòng tỏ ra tức giận. Ngay cả những người Trung Quốc chán ghét sự cai trị của ĐCSTQ cũng vẫn rất yêu đất nước mình.

Vận may của Tập Cận Bình là ông có thể vươn lên dựa vào nền tảng tiến trình do các vị tiền bối thực hiện. Nhưng ông cũng có bản lĩnh của mình. Mọi người từng cho rằng Internet sẽ đe dọa sự cai trị chuyên chế tập trung hóa, thế nhưng Chính phủ Tập Cận Bình bằng cách sử dụng các biện pháp như thuật toán, công nghệ nhận diện và giám sát điện tử quy mô lớn, đã bảo vệ được quyền lực của ĐCSTQ trên phạm vi rộng lớn hơn. Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, Trung Quốc từng là quốc gia lạc hậu về kỹ thuật, nhưng hiện nay là quốc gia chuyên chế có kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.

Phong cách cứng rắn được mọi người chú ý của Tập Cận Bình không hoàn toàn là mục tiêu, dã tâm hoặc giá trị bản ngã của cá nhân ông (mặc dầu có thể ông chắc chắn có những cái đó). Trung Quốc đã lớn mạnh trở lại; trách nhiệm duy nhất của Tập Cận Bình là không làm hỏng sự nghiệp ấy. Đây là lý do vì sao ban lãnh đạo của ông không muốn gặp rủi ro, đã đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến. Sự trấn áp có hệ thống ở Tân Cương là biểu hiện cực đoan nhất niềm say mê giữ ổn định của ông, thậm chí bất chấp sự phê bình của quốc tế và rủi ro trong nước chịu đau khổ. Chính sách “Zero Covid” không chút thỏa hiệp của ông cũng xuất phát từ nguyên nhân đó.

Những điều kể trên cùng với các ví dụ về thi hành kỷ luật và kiểm soát khác giống như mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy, phát ra để chuẩn bị cho trận kịch chiến cuối nhằm giành được thắng lợi cuối cùng: thực hiện sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc, thậm chí có lẽ sẽ có ngày vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tập Cận Bình và các đồng sự trong Đảng hiểu rằng chỉ một sai lầm là có thể làm hỏng tất cả.

Dĩ nhiên Tập Cận Bình cũng có ngày sẽ không cầm quyền nữa. Nhưng phẩm chất đặc biệt trong sự lãnh đạo của ông – xây dựng hình ảnh công chúng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm, giữ cho nó tránh được mọi sự đe dọa, và tập trung tinh thần sức lực vào việc làm cho Trung Quốc trở nên lớn mạnh, được tôn trọng, thậm chí làm mọi người sợ hãi – sẽ tiếp tục tồn tại. ĐCSTQ đã đầu tư quá nhiều công sức vào mục tiêu to lớn này.

Kerry Brown là giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College, London, cựu quan chức ngoại giao Anh, và là tác giả của một số cuốn sách viết về chính trị Trung Quốc, trong đó có cuốn “The World According to Xi.”

Nguyễn Hải Hoành biên dịch, có tham khảo bản tiếng Trung của New York Times

Nguồn: Kerry Brown, “Xi Jinping Is a Captive of the Communist Party Too”, New York Times, 10/10/2022.