Giàn cà chua nghìn quả của ‘nông dân sân thượng’

Trồng giống cà chua bạch tuộc leo giàn, những người làm vườn thành phố đang thu hoạch từ vài chục kg đến hàng tạ quả mỗi vụ.

Vụ Thu – Đông là thời điểm mong chờ của người làm vườn miền Bắc với nhiều loại rau trái. Vài năm gần đây, giống cà chua bạch tuộc của Nga và nhiều giống cà chua ngoại khác được đông đảo người trồng vì không chỉ sai quả, ăn ngon còn đẹp mắt.

Ở Lào Cai, giàn cà chua gồm 10 gốc của chị Hà Trương đang thu hút sự chú ý của cộng đồng trồng rau. Năm nay do thời tiết, nên người trồng cà chua mất mùa, đẩy giá cà chua lên cao. Bắt đầu vụ cà chua sớm hơn thường lệ, hiện giàn của chị Hà đã cho trái lúc lỉu, trong khi đa phần mọi người mới đang bắt đầu leo giàn.

Chỉ sau ba ngày đăng ảnh giàn cà chua lên trang cá nhân, bài viết của chị đã thu hút gần 700 bình luận, hầu hết đều tỏ ra ngạc nhiên, thích thú.

Mỗi vụ chị thu hoạch được hàng tạ các loại cà chua từ bạch tuộc, cà chua bi vàng, bi đỏ…

Đây là giàn cà chua bạch tuộc của chị Thương Huyền, ở Lào Cai.

Giàn lúc lỉu, cả nghìn trái, được chị Huyền trồng chỉ từ ba cây. Đặc điểm của giống cà chua này từ lúc chín tới thu hoạch có thể để hàng tháng trên giàn, vì thế giàn trở thành địa điểm “check-in” của những người yêu vườn tược.

Cùng với chị Hà Trương và Thương Huyền ở Lào Cai, chị Trịnh Hương ở Hà Nội là “nông dân sân thượng” nổi tiếng trong giới làm vườn miền Bắc. Bên cạnh các giống rau trái lạ mắt, cà chua bạch tuộc cũng được chị chinh phục.

Chị Hương trồng hai loại cà chua bạch thuộc dạng quả to và quả bi. Trong đó, loại bi được trồng vào hai thùng xốp kích thước 40 x 30 cm, cao khoảng 45 cm.

Cà chua bạch tuộc quả to có bộ rễ khủng nên trồng trong chậu càng to càng tốt. Khi thu hoạch quả xong, chị tiếp tục tỉa lá già, bón phân để cây ra nhánh mới. Đợt hai cây vẫn sai quả.

Chỉ với hai gốc, mỗi gốc chị có thể thu hoạch trên 300 quả.

Giàn cà chua của Nguyễn Mạnh Tùng, 28 tuổi, chủ nhân khu vườn như trang trại ở quận Đống Đa cũng khiến bao người trầm trồ.

Khu vườn trên sân thượng tầng hai của chị Tô Thúy Hoàn, ở Hải Phòng cũng được tô điểm với sáu cây cà chua bạch tuộc. Những chùm quả sai trĩu và chín đỏ rực thu hút nhiều người tới chụp ảnh.

Giàn cà chua như những chùm nho tròn xoe của chị Trúc Hòa, Đà Nẵng.

Chị trồng 30 gốc cà chua tại sân thượng 50 m2 trước nhà và thu được hơn một tạ quả. Ngoài nấu ăn và biếu, chị phải phải làm tương cà, ép nước uống và cấp đông để ăn dần.

Giàn cà chua bạch tuộc của anh Nguyễn Duy Linh ở TP HCM

Theo chị Trúc Hòa, các giống cà chua ngoại khó chăm sóc hơn giống Việt, giá khá cao, trung bình khoảng 20.000 đồng mỗi hạt giống. Nhưng một khi thành công chất lượng quả ngon và năng suất cao hơn. Giống này không chỉ yêu cầu nghiêm ngặt kỹ thuật đất, phân bón, thời vụ, thời tiết, mà chăm sóc suốt quá trình sinh trưởng cũng vô cùng phức tạp.

Như chị, từ lúc cây ra hoa bắt đầu tưới canxi, phân bò, trùn quế, phân dơi, dịch trứng, chuối, sữa, rắc thêm vỏ trứng vào gốc… Phòng bệnh cho cây cũng lắm gian nan. Ngoài phòng bệnh từ khâu làm đất hay tự chế các loại dung dịch để phun, chị còn trồng xen cúc vạn thọ quanh gốc cà chua vì rễ vạn thọ có rất nhiều kháng sinh có thể bảo vệ bộ rễ cà chua rất tốt. Chị cũng trồng sen cạn quanh chậu vì là khắc tinh của bọ phấn.

Sách Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận cây cà chua bạch tuộc ở công viên Epcot, thuộc Disney World Resort, Mỹ cho số lượng quả lớn nhất thế giới trong một năm, với 32.000 quả, tổng trọng lượng 522 kg. Cây cà chua này cao tới 6 m, rộng 3,6m.

Phan Dương / Vietnam Express / Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vua Hàm Nghi được đối đãi như thế nào ở nơi lưu đày?

Vua Hàm Nghi ở Algeria và tác phẩm hội hoạ của mình

Người tù bị lưu đày biệt xứ, vua Hàm Nghi, đã đến nước Algérie vào đầu năm 1889 và được viên toàn quyền Pháp tại xứ này cho trú ngụ tại một công thự mang tên là “Villa des Pins.” Trong một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp nhan đề Le Laos, trong chương “La Cour d’Annam en fuite dans la province,” tác giả có viết về Vua Hàm Nghi và ngôi biệt thự này như sau:

“Cựu Hoàng Hàm Nghi, ngày nay được mọi người gọi là “Hoàng Tử Xứ Annam”‘ cư ngụ tại Biệt thự Villa des Pins trong làng El Biar, trên những ngọn đồi rực rỡ Mustapha Thượng ở cách thủ đô Alger chừng vài cây số. Ông sống ở đây trong sự cô tịch, chỉ đón tiếp một vài người bạn thân tình mà có lẽ những cảm tình của họ đã giúp cho ông chịu đựng được những nỗi thống khổ khắt khe của cuộc sống lưu đày nơi xứ người. Có lẽ không ai mô tả được về vị hoàng tử này khéo hơn là nhà vẽ hoạ đồ nổi tiếng De Varigny trong một bài được đăng trên báo Le Temps vào tháng 12 năm 1894:

“Tấm danh thiếp mang hàng chữ “Hoàng Tử Annam”, chỉ có vậy thôi, nhưng đối với tôi thì mang thật nhiều ý nghiã vì qua một người bạn, ông ta đã chấp thuận đón tiếp tôi vào ngày hôm sau.

Rời Alger, chiếc xe hơi leo từ từ lên cao nguyên Sahel hướng về vùng đồi núi Mustapha Supérieur. Ngay khi chúng tôi lên đồi, nhìn về phiá trước, cảnh vật càng lúc càng mở rộng và đẹp lộng lẫy, nhìn về sau lưng, thành phố Alger màu trắng nổi bật lên giưã màu xanh của biển Điạ Trung Hải với những cánh buồm màu trắng tưạ như những đôi cánh của đàn chim hải âu đang cất cánh tung trời.

Khi đến làng El Biar, chiếc xe ngừng lại trước cổng sắt của một ngôi nhà mang tấm biển “Villa des Pins”. Một con đường nhỏ hai bên là hai rặng thông già chạy dài đến một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu mauresque (kiểu của người Maures ở Bắc Phi), một ngôi nhà đơn giản nhưng rộng rãi đằng sau một cái sân rộng đầy những luống hoa rất đẹp.

Đó là nơi mà Hàm Nghi, Hoàng Tử Xứ Annam đang sinh sống. Ông ta đã ở đó từ năm năm qua và dường như vào trạc 24 tuổi. Tuổi thật của ông ta, ông ta không thèm để ý đến hay là chỉ muốn cố tình giấu đi vì có ích lợi gì mà nhớ đến con số của những năm tháng lưu đày! Khi hỏi về thời thơ ấu, ông ta giữ im lặng, về thời trưởng thành thì thật là bi đát khi ông ta nghĩ đến thời gian khi mới còn là một thiếu niên trẻ tuổi, ông ta được thưà kế ngai vàng rồi chẳng bao lâu sau đó phải bôn đào qua khắp nẻo đường đất nước của ông đang bị xâm chiếm …

“Khi đặt chân xuống vùng đất Phi Châu thuộc Pháp này, một quốc gia mà cái tên ông ta cũng chưa hề được biết đến, ông ta đã từ chối không thèm học cái ngôn ngữ của những người đã giam cầm ông, ông đã tự giam mình trong một sự câm lặng kiên cường …”

Từ thái độ bất hợp tác ngay từ khi mới bị giặc Pháp bắt tại Quảng Bình vào năm 1888 đến việc không thèm học tiếng Pháp khi mới đến Algérie vào đầu năm 1889, Vua Hàm Nghi đã thay đổi lập trường vào khoảng một năm sau ngày đến Phi châu và bắt đầu học tiếng Pháp cũng như là giao tiếp với một số người địa phương. Cái nguyên nhân khiến cho Vua Hàm Nghi thay đổi thái độ có lẽ là do cái cử chỉ đầy tình người của một nhà qúy tộc Pháp, Nam Tước Alfred de Vialar, đã cởi chiếc áo choàng đang mặc để khoác lên vai nhà vua khi Nam Tước thấy ông đang run lên vì lạnh và cũng chính nhân vật này về sau đã mở đường cho nhà vua theo học về ngành hội hoạ.

Nam Tước Jules “Alfred” de Vialar là hậu duệ của vị nam tước đã đi tiền phong trong việc mở mang và khai thác thuộc địa Algérie cho nước Pháp và gia đình của ông được xem như là gia đình quý tộc, giàu có, danh vọng và có uy tín nhất tại Algérie, ông cũng là cháu ruột của bà Thánh Emilie de Vialar, người khai sáng “Dòng Nữ Tu St. Joseph of the Apparition”.

Vợ của Nam Tước là bà Berthe Alexandrine Patricot, con gái của một vị kỹ sư Cầu Cống (Ponts et Chausées) cũng là một nhân vật nổi tiếng tại xứ Algérie hồi thế kỷ thứ 19. Bà Nam Tước de Vialar lại là người giàu có, yêu văn chương, nghệ thuật và đã tổ chức những buổi sinh hoạt về văn học nghệ thuật, thể thao tại tư gia của ông bà và những buổi sinh hoạt đó được xem như là nơi thu hút hầu hết những danh nhân và thành phần thượng lưu trí thức của thủ đô Alger. Một trong những người nổi tiếng tại “salon” của bà Nam Tước De Vialar là Bà Hoàng Ranavalo, cựu Nữ Hoàng của Đảo quốc Madagascar cũng đang sống lưu vong tại Alger.

Một nhà nghiên cứu về Algérie cho biết rằng:

“Bà Nam Tước Alfred de Vialar là một người đàn bà thông minh, cương nghị và là một người bạn của giới văn học nghệ thuật. Bà được xem như là vị chủ tịch của xã hội thượng lưu tại Alger (la haute société algéroise) từ những năm đầu của nền Đệ Tam Cộng Hoà Pháp (từ 1870). Để có thể được mời tham dự vào những buổi họp mặt trong những salons của bà Nam Tước de Vialar, ngoài những người thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc thì những người khác ít nhất cũng phải thuộc thành phần trí thức, thậm chí có nhiều người đã phải học cho thuộc cả 12 thành quả của Hercules để được mời …”

Không rõ Vua Hàm Nghi bắt đầu được mời đến tham dự vào những buổi sinh hoạt tại nhà bà Nam Tước De Vialar từ bao giờ, tuy nhiên nhà văn Jules Roy cho biết sự hiện diện của nhà vua trong một cuộc họp mặt tại salon của bà Nam Tước như sau:

“… Ông Đại Tá chỉ cho tôi bà Hoàng Ranavalo phì nộn với gương mặt tròn như một vầng trăng màu cà phê sưã bao trùm bởi một nỗi buồn xa xứ, người ngồi trong im lặng bên cạnh bà là “Le Prince d’Annam” (Hoàng Tử Annam,) chính bản thân ông ta cũng là một kẻ bị lưu đày, người mảnh khảnh nhỏ bé, trên đầu đội một chiếc khăn (đóng) màu đen dường như đang run rẩy vì lạnh trong chiếc áo dài cũng màu đen và quần xa tanh màu trắng. Mối tình cảm sâu đậm giữa ông Hoàng Tử Xứ Annam với gia đình Nam Tước de Vialar có lẽ bắt nguồn từ một cử chỉ của Nam Tước khi ông đích thân cởi chiếc áo choàng đang mặc trên người để khoác lên đôi vai gầy của ông hoàng bị lưu đày đang run rẩy vì lạnh vào buổi sáng đầu tiên khi ông hoàng này mới đặt chân lên đất Algérie …

“Ông Hoàng Xứ Annam, gầy guộc như một cây sậy, nói về hội họa, nói về hoạ thất (atelier) tại ngôi biệt thự của ông ở làng El Biar …”

Một người khách quen thuộc có mặt gần như thường xuyên tại các buổi họp mặt của bà Nam Tước De Vialar là ông Louis Tirman, Toàn Quyền Pháp tại Algérie. Toàn Quyền Tirman là bạn thân của ông bà Nam Tước De Vialar cho nên đã đối xử với Hoàng Tử Xứ Annam, cũng là người được cả ông bà Nam Tước xem như là bạn, như là một vị khách quý tại thuộc điạ Algérie chứ không phải là một người tù bị lưu đày. Đó cũng là một trong những lý do mà Toàn Quyền Tirman đã dành cho Vua Hàm Nghi một biệt thự khang trang rộng rãi tại làng El Biar trong khu đồi núi sang trọng Mustapha Supérieur từ ngày nhà vua mới đặt chân đến Algérie vào năm 1890 cho đến ngày Ngài lập gia đình sau đó hơn 15 năm.

Theo tài liệu của Pháp thì Vua Hoàng Hàm Nghi bị áp giải đưa xuống Thuận An vào ngày 21 Tháng Mười Hai năm 1888 rồi xuống tàu Comète vào Sài Gòn. Ngày 12 Tháng Mười Hai năm đó, nhà vua lại bị đưa lên tàu Biên Hoà và đến Algérie vào ngày Chủ Nhật 13 Tháng Một năm 1889, có lẽ Ngài đã gặp Nam Tước Alfred de Vialar trong ngày này.

Sau khi đến Alger, Ngài được đưa về trọ tại khách sạn L’Hôtel de la Régence trong 10 ngày và Toàn Quyền Tirman đã tìm được toà biệt thự Villa des Pins, ở làng El Biar để cấp cho nhà vua. Sau đó, vào ngày 24 Tháng Một năm 1889, Toàn Quyền Tirman mời Vua Hàm Nghi đến tiếp kiến và dùng cơm gia đình tại Phủ Toàn Quyền. Lúc bấy giờ nhà vua chưa nói tiếng Pháp, chỉ nói chuyện qua người thông dịch là Trần Bình Thanh, tuy nhiên thái độ lịch sự và nhã nhặn của viên toàn quyền, nhân vật cao cấp nhất của chính quyền thực dân Pháp tại Algérie đã gây được cảm tình với nhà vua và có lẽ nhờ thế mà mối hận thù nung nấu trong lòng của Ngài đối với người Pháp tại đây cũng có phần giảm bớt.

Tuy nhiên trong vòng gần một năm trời, Ngài từ chối không thèm học tiếng Pháp vì cho rằng đó là ngôn ngữ của bọn cướp nước, do đó Ngài chỉ nói tiếng Việt với ba người được cử đi theo săn sóc cho Ngài, ăn cơm Việt Nam do người đầu bếp Việt Nam nấu và đặc biệt là trong suốt 55 năm sống lưu đày, Ngài luôn luôn để tóc búi “củ hành”, đội khăn đóng và mặc áo dài đen đúng theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam từ thế kỷ thứ 19.

(Theo tài liệu Hàm Nghi, một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài ba) / Saigon nhỏ

Thiên tình sử lằng nhằng nhất trong lịch sử Việt Nam

Hai cha con lấy hai chị em rồi 2 kẻ cựu thù lại trở thành anh em cọc chèo. Câu chuyện hôn nhân giữa Quang Trung, Nguyễn Ánh, Quang Toản, Ngọc Hân, Ngọc Bình có lẽ là thiên tình sử “lằng nhằng” nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thiên tình sử lằng nhằng nhất trong lịch sử Việt Nam

Hai cha con lấy hai chị em

Mối tình Ngọc Hân – Quang Trung lâu nay vẫn được xem là một mối tình đẹp: trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mối tình ấy có căn nguyên từ những diễn biến lịch sử chính trị dồn dập. Nửa cuối thế kỷ 18, ở hai miền Nam – Bắc nước ta, hai thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn sau 7 lần chiến tranh thôn tính nhau không thành đều sức cùng lực kiệt mà nhân dân thì lầm than cơ cực. Giữa lúc đó, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo nổi lên và đã mau chóng đánh tan thế lực họ Nguyễn ở Đàng trong.

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra đánh quân Trịnh và cũng rất nhanh chóng đè bẹp những đội quân chỉ quen ức hiếp dân chúng của họ Trịnh. Chúa Trịnh Tông chạy khỏi Thăng Long lên Sơn Tây nhưng bị dân chúng bắt giải về cho quân Tây Sơn. Nửa đường Tông tự tử. Vậy là kết thúc gần 200 cơ nghiệp họ Trịnh.

Với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, sau khi tiêu diệt chúa Trịnh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long yết kiến vua Lê để dâng sổ sách quân dân tỏ ý tôn phò. Cuốn sử Đại Nam liệt truyện chép rằng: “ Mùa thu tháng 7, ngày mồng 7, xin vua Lê thiết đại triều ở điện Kính Thiên. Huệ đem tướng sĩ từ cửa Đoan Môn vào làm lễ năm lạy ba lần cúi đầu, tự trình bày về nghĩa diệt họ Trịnh, đem sổ sách quân dân tiến trình và nghe lời xử đoán. Vua Lê nhận lấy, ban chiếu thư nhất thống ở ngoài cửa Đại Hưng. Ngày hôm sau, phong Huệ làm Nguyên súy dực chính phù vận, Uy quốc công”.

Ngay sau đó, Vua Lê lại theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Năm đó công chúa Ngọc Hân vừa tròn 16 tuổi. Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức 4/8/1786 Dương lịch). Mối tình của Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn thất nhà Lê nhằm tạo một sự ràng buộc bằng tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê.

Tuy nhiên, sau đó, cuộc tình này lại trở thành một thiên tình sử đẹp. Khi Nguyễn Huệ xưng Quang Trung hoàng đế để tiến ra Bắc đánh quân Thanh đã phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Đến khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng vẫn không quên cho người mang một cành đào cấp tốc đưa về Phú Xuân cho Ngọc Hân. Đặc biệt nhất, khi vua Quang Trung mất, Ngọc Hân đã viết nên tác phẩm Ai Tư Vãn bất hủ để khóc Quang Trung khiến cho mối tình của họ đi vào văn học.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như năm 1795 không có một cuộc hôn nhân thứ hai liên quan đến công chúa Ngọc Hân. Đó là đám cưới giữa công chúa Ngọc Bình với hoàng đế Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh tên là Nguyễn Quang Toản, là con của vua Quang Trung với hoàng hậu họ Phạm, người Bình Định. Còn công chúa Ngọc Bình là con gái thứ 23 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông. Mẹ công chúa Ngọc Bình là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, cùng làng với bà Nguyễn Thị Huyền – mẹ công chúa Ngọc Hân.

Hiện tại, về năm sinh của công chúa Ngọc Bình vẫn còn chưa sáng tỏ. Có thuyết nói rằng, công chúa Ngọc Bình sinh năm 1783, tức là bằng tuổi vua Cảnh Thịnh và kém Ngọc Hân đúng 12 tuổi. Tuy nhiên theo sách Mười tám vị công chúa Việt Nam thì Ngọc Bình sinh năm 1775, kém Ngọc Hân 4 tuổi và hơn Cảnh Thịnh đến 8 tuổi.

Con vua lại lấy hai chồng làm vua

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt họ cùng với Ngọc Hân và Quang Trung vào một mối quan hệ họ hàng vô cùng phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em lại vừa là mẹ chồng nàng dâu. Vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em cọc chèo.

Tuy nhiên, sự trớ trêu của lịch sử chưa dừng ở đó. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, ông lại góp mặt vào chuỗi quan hệ phức tạp này. Cuốn Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực soạn dưới thời Tự Đức có chép: “Năm Nhâm tuất, Gia Long năm đầu (1802)… Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua…Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…”.

Mặc dù nhiều quan lại can ngăn, nhưng say đắm trước nhan sắc của Ngọc Bình, vua Gia Long vẫn quyết định lấy bà làm phi. Nhà vua nói “Mọi thứ trong thiên hạ này có thứ già mà ta không lấy từ tay giặc”. Công chúa Ngọc Bình sinh cho vua Gia Long được 2 hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Bà mất năm 1810, khi tuổi đời còn khá trẻ.

Chuyện tình của Ngọc Bình với Gia Long được dân gian đặt thành câu vè: “Số đâu có số lạ lùng, con vua lại lấy hai chồng làm vua”. Trước đây người ta vẫn lầm lẫn câu vè này ám chỉ công chúa Ngọc Hân nhưng thời nay, bằng các dẫn chứng xác đáng hơn, ta xác nhận không phải. Tác giả Lê Nguyễn trong cuốn Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử dựa vào bài văn tế của Phan Huy Ích viết giúp vua Cảnh Thịnh hoàng hậu Ngọc Hân cùng với gia phả dòng họ Nguyễn ở Phù Ninh – Từ Sơn – Bắc Ninh (họ ngoại của công chúa Ngọc Hân) đã xác nhận công chúa Ngọc Hân mất từ năm 1799, do đó không thể lấy vua Gia Long được.

Theo KIẾN THỨC

Một cái nhìn về điều gọi là ‘bản sắc Sài Gòn’

Một phóng viên người Anh đi một vòng châu Á để viết loạt bài về sự phai lạt bản sắc của các siêu đô thị. Anh đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn.

Một cái nhìn về điều gọi là ‘bản sắc Sài Gòn’

Giống như nhiều khách trọ, Nick Van Mead ngồi bên cửa sổ, nheo mắt nhìn sông Sài Gòn trong nắng sớm. Người biên tập viên của The Guardian chỉ những tòa nhà cao nhất thành phố: “80% Sài Gòn được xây theo kiến trúc hiện đại và trông như bất cứ nơi nào của châu Á”.

So với Sài Gòn của hơn 10 năm trước anh tới, đang có rất nhiều thứ biến đô thị này trở nên bình thường đến nỗi người ta thậm chí sẽ đi khỏi mà không nghĩ gì về nó. Cá tính của thành phố đang mất đi cùng với hàng trăm tòa nhà cổ bị phá hủy cho các dự án bất động sản hiện đại.

Gần chỗ chúng tôi ngồi, chiếc tủ lạnh dán đầy magnet tôi tha ở các nơi về. Một mặt nạ thổ dân Bali, đĩa cơm cà ri nước dừa Malaysia, chiếc mở bia của Tiệp Khắc, mô hình xe tuk tuk trên đường phố Bangkok, vại bia đầy bọt của thành phố Munich ở Đức, tất nhiên Paris nhất định phải là tháp Eiffel hay Việt Nam là hai cô gái mặc áo dài.

Vị biên tập viên nhìn cái tủ lạnh và hỏi “điều đặc biệt nhất của Sài Gòn là gì? “À, thì dinh Độc Lập, Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nhà thờ Lớn, Bưu điện, đừng quên ăn phở, bánh mỳ, hủ tiếu, bún bò, cà phê sữa”. Rồi tôi dẫn Nick ra đường Tôn Đản, đoạn phố đẫm đầy mùi đủ loại món ăn.

Khi Nick đang cắm cúi với bát mỳ vịt tiềm sát lòng đường, tôi thao thao về “món ăn đường phố của nước tao”. Hai thanh niên đi xe máy rà sát quán. Người ngồi sau nhảy xuống, xán đến định cầm lấy quai ba lô của Nick đang để dưới chân bàn. Bỗng con gái bà chủ quán la lớn: “Mày, cút ngay, cút”. Chiếc muôi nhôm dài nửa mét múc nước lèo vung lên, đập túi bụi vào vai thằng cướp. “A”, tiếng la khác, bà mẹ tròn trịa đang bế cháu cách đó mấy bước lao đến.

Thấy tình hình không ổn, gã trai leo lên xe chạy mất. Nick há hốc mồm, mồ hôi lã chã nhỏ xuống bát mỳ còn mấy cọng rau cải. Tay anh vẫn cầm cái xương vịt. Bà già xé cái khăn ướt đưa cho anh, hất hàm: “Ăn đi, ăn đi”, cười như chưa từng có chuyện gì.

“Điều đặc biệt nhất của thành phố này là con người. Đó là bản sắc của Việt Nam”, Nick sau đó vẫn khen. Tôi cật vấn bản sắc theo ý anh là gì, “là điều để người nơi khác phân biệt người Sài Gòn với người Trung Quốc hay Bangkok, Singapore, với mọi thành phố khác trên trái đất này”.

Tính cách cư dân là một loại di sản không nhìn thấy. Người miền Nam theo Nick rất cởi mở, chân tình, tốt bụng. Họ lạc quan và tử tế, dễ chấp nhận thực tại chứ “không có nhiều đòi hỏi như ở nước tao”.

Tính cách cư dân chính là “bộ gene” của thành phố, làm nên bản sắc một đô thị, lôi kéo người ta đến đây hoặc nhớ về nó, nói đến nó. Anh ví dụ, người Mỹ thì xã giao giỏi, lúc nào cũng tươi cười, giả lả, giống ở Bangkok; người Anh đĩnh đạc, hơi lạnh nhưng thẳng; dân Pháp lúc nào cũng thân thiết như họ hàng, nhưng bắt tay vào việc thì không được thế. Tôi cảm thấy được an ủi vì trong cơn lốc kim tiền đang biến TP HCM thành Singapre hay Seoul, một thứ còn chưa mất, đó là tính cách người bản địa.

Một thành phố thực ra không khác một con người. Những ai xẹt qua một nơi để du lịch, check-in bằng con mắt “người xa lạ” khó mà nhận biết được cá tính thật của nó nếu không đào qua những tầng lớp sâu hơn dưới bề mặt cuộc sống. Đô thị nào cũng thế, với những căn nhà, ngõ hẻm, hàng cây, song cái hồn chính là chất sống thấm đẫm qua mỗi bước chân con người trong các ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, hẻm cháu hẻm chắt, hẻm “chút chít”.

Có biết bao tầng tầng lớp lớp những con sóng tư tưởng, niềm tin, khát vọng, mong muốn trong lòng một xã hội mà mùi vị, màu sắc của nó tinh vi đến nỗi, những người hời hợt mãi không bao giờ chạm tới. Ta sống ở đây, mưu sinh ở đây, suy tư, quan sát và lựa chọn. Ta biết cái hố ở góc đường, nếu trời mưa nhớ tránh ra kẻo ngã, buổi tối nhớ đóng cửa sổ để tránh tiếng karaoke và mùi khói nướng thịt bên kia đường.

Nhưng trong bài báo của Nick, xuất bản trên một trong những tờ báo tiếng Anh lớn nhất thế giới, đường Đồng Khởi – trái tim và thương hiệu văn hóa toàn cầu của Sài Gòn được mô tả là “đang trải qua một cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton”; điểm nhấn bên sông Sài Gòn là “một showroom với một siêu xe Lamborghini Huracan màu vàng tươi và 3 mẫu Bentley khác nhau”; “trung tâm lịch sử của thành phố đang được lấp đầy bởi những kiến trúc có thể nhìn thấy ở bất kỳ đâu tại châu Á”.

Tôi không thể hỏi Nick rằng có bao nhiêu người đã đọc bài viết đó. Nhưng có lẽ khá đông, đó dẫu sao cũng là The Guardian. Nó đã trở thành một biên bản quảng cáo du lịch tai tiếng.

Bản sắc cộng đồng dân cư tại các điểm đến được coi là một phần của tài nguyên du lịch, hay còn gọi là nhóm người làm dịch vụ gián tiếp. Những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách về sự hiếu khách, về đặc tính văn hóa, hành vi và phong tục tập quán địa phương trở thành hàng hóa đặc biệt và có giá trị trong ngành kinh tế này. Nó thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần của du khách: tìm hiểu, mở rộng nhận thức, tăng cường giao lưu, được tôn trọng, giao tiếp và thưởng thức. Hơn 90% các quyết định chi tiêu đến từ vùng Hạ đồi của não, nơi quyết định cảm xúc của con người.

Bạn chẳng khó khăn gì để tìm ra một bài báo nước ngoài ca ngợi tính cách người Việt Nam là điểm cộng của ngành du lịch. Trang Hubpages bầu chọn Việt Nam thuộc 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới năm 2013 bởi du khách đến đây “luôn phải ngỡ ngàng trước sự nhiệt tình hào phóng của người địa phương”.

Nhưng không khó để nhận ra rằng bản sắc đó – trong tư cách một loại tài nguyên – không nằm trong bản đồ quy hoạch nào. Các không gian sống “kiểu Sài Gòn” hay “kiểu Hà Nội” không được định nghĩa bởi ngành văn hóa, không được bảo tồn bởi ngành phát triển đô thị. Nó đang vật lộn với “cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton”. Chúng tôi đã nêu lên điều này tại chuyên mục Góc nhìn nhiều lần.

Khi những đường biên giới nhân tạo gần như mất hẳn trong ý niệm của con người, thế giới càng hiện đại, các quốc gia càng có nhu cầu khẳng định nét riêng của mình. Kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, nhưng văn hóa thì phải bản địa quyết liệt hơn nếu muốn tồn tại không lẫn lộn với loài người. Nếu không có bản sắc, văn hóa, cá tính cộng đồng như một “mã gene” riêng? Một thành phố, một quốc gia còn lại gì?

Trong mọi sự đánh giá và đề án phát triển, tính cách hào sảng, chân phương của người miền Nam; màu sắc, mùi vị, cá tính của nhịp sống trong lòng những đô thị phải là ưu tiên mềm của quốc gia và chính quyền thành phố ấy.

Một thành phố nên tự hào nếu có một showroom bày đến 3 mẫu Bentley khác nhau. Nhưng có một thứ cần tự hào hơn tất thảy, là cách sống của những cư dân. Liệu tính cách đó có cần một bản đồ quy hoạch riêng, hay sẽ tự phát huy được trong một thành phố “đồng phục” nhôm kính bê tông và điều hòa nhiệt độ?

Theo HỒNG PHÚC / VNEXPRESS (2019)

Nghe người Trung Quốc nói về thói xấu của chính mình

Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được.

Nghe người Trung Quốc nói về thói xấu của chính mình

Những nhận định về bản chất thật của người Trung Quốc thông qua bình luận, phân tích của một người Trung Quốc – nhà văn, nhà thơ, nhà báo kiêm sử gia Bá Dương.

Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy vẫn không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao?

Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp : Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.

Có người sẽ bảo: “Tự mình không xứng đáng, lại đi trách tổ tiên!”. Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi tiếng “Quần ma” (Những con ma) của Ibsen có kể chuyện hai vợ chồng mắc bệnh giang mai sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: “Con không uống thuốc này đâu! Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à!?”.

Trường hợp này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó? Chúng ta không phải trách bố mẹ, cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn hóa họ đã truyền lại cho chúng ta.

Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được.

Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ!

Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi.

Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp một trường đại học về chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Paris sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: “Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!” (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc).

Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi : “Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?” Cô ta đáp: “Làm sao nổi!”

Không những người nước ngoài thấy chúng ta là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn, loạn.

Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân.

Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: “Chúng tôi đang thì thầm với nhau”.

Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?

Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn. Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau.

Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc.

Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng.

Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch. Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật.

Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.

Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư.

Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi – nơi không cần quan hệ với người khác – thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Trung Quốc thu thập thông tin mạng xã hội Mỹ để định hình chính sách can thiệp

Các tài liệu từ cuộc điều tra của tờ The Washington Post cho thấy Trung Quốc đang thu thập hàng loạt dữ liệu về nước Mỹ và các nước phương Tây thông qua các mạng xã hội. Mục tiêu là phát hiện các xu hướng chính trị, xã hội để định hình chính sách can thiệp.

Mở rộng ra nước ngoài

Từ lâu, Trung Quốc đã duy trì một mạng lưới các dịch vụ giám sát dữ liệu (data surveillance services) của chính phủ trên toàn quốc (được gọi hoa mỹ là “phần mềm phân tích dư luận”). Chiến lược này ngày càng tinh vi những năm gần đây và được sử dụng để cảnh báo các quan chức chính phủ về những thông tin nguy hiểm về chính trị do người dùng trong nước phát tán trên mạng. Nay Trung Quốc đang chuyển một phần chính mạng lưới giám sát dữ liệu internet nội địa này ra bên ngoài lãnh thổ, chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây để khai thác các thông tin nhạy cảm trong thời gian thực trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter.

Cuộc điều tra mới nhất của tờ The Washington Post đã dựa trên hàng trăm người Trung Quốc đang làm việc trong các dự án, hợp đồng và công ty có liên quan đến vấn đề này ở Trung Quốc và nước ngoài. Hệ thống giám sát dữ liệu của Trung Quốc không còn đơn thuần nhắm vào người dùng internet và truyền thông trong nước mà theo các tài liệu đấu thầu và hợp đồng của hơn 300 dự án do chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau kể từ đầu năm 2020 cho thấy mạng lưới này còn được thiết kế để thu thập các dữ liệu “cần quan tâm” từ Twitter, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây khác.

Cuộc điều tra cho thấy truyền thông nhà nước, cơ quan tuyên truyền của Đảng, cảnh sát, quân đội và các cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc đang mua các hệ thống mới phức tạp hơn để thu thập dữ liệu. Đáng chú ý nhất là một phần mềm trị giá $320,000 chuyên khai thác Twitter và Facebook để thu thập thông tin về các nhà báo và học giả nước ngoài; một phần mềm tình báo của cảnh sát Bắc Kinh trị giá $216,000 để phân tích những bàn tán tại phương Tây về tình hình Hong Kong, Đài Loan; và một trung tâm mạng ở Tân Cương được trang bị hệ thống chuyên thu thập thông tin có nội dung bằng tiếng Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở hải ngoại. Đây là hệ thống trị giá $43,000 do cảnh sát quận Thương Nam (Shangnan), miền Trung Trung Quốc mua. Công ty Source Data Technology có trụ sở tại thành phố Thượng Hải trúng thầu cung cấp cho biết trên trang web của nó là “hệ thống sử dụng công nghệ phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) và khai thác dữ liệu lớn tiên tiến” để phủ sóng hơn 90% mạng xã hội ở Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng của Trung Quốc.

Đích nhắm chính là Mỹ và phương Tây

Một nhà phân tích ở Bắc Kinh từng làm việc cho một đơn vị hợp tác với Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc nhận định: “Hiện chúng tôi đã hiểu rõ hơn về mạng lưới ngầm của những người chống Trung Quốc, những kẻ phản động giấu tên”. Ông ta cho biết đã từng được giao nhiệm vụ soạn một báo cáo tổng hợp các thông tin thu thập được trên Twitter về mức độ lan truyền nội dung tiêu cực liên quan đến các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, kể cả thông tin chi tiết về từng học giả, chính trị gia và nhà báo có “vấn đề”.

Các mạng lưới giám sát internet là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm cải tiến nỗ lực tuyên truyền đối ngoại thông qua dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Thậm chí Trung Quốc còn có trung tâm cảnh báo được thiết kế để phát ra âm thanh cảnh báo trong thời gian thực về các âm mưu xâm hại lợi ích của Bắc Kinh. Mới đây, chính quyền Biden đã bày tỏ mối lo ngại về các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc có quan hệ với Quân đội Nhân dân Trung Hoa hoặc chuyên thu thập thông tin mạng xã hội.

Bà Mareike Ohlberg, một thành viên cấp cao Quỹ Marshall của Đức, chuyên gia nghiên cứu về dư luận xã hội tại Trung Quốc nhận định: “Hành động tình báo mạng xã hội của Trung Quốc thực sự cho thấy họ muốn tăng cường khả năng bảo vệ từ nước ngoài và chống lại cuộc chiến dư luận phát sinh từ nước ngoài”. Trong khi đó, Twitter và Facebook đều cấm thu thập dữ liệu tự động trên các dịch vụ của họ mà không được cho phép. Chính sách của Twitter cũng cấm thu thập dữ liệu để suy ra đảng phái chính trị hoặc nguồn gốc dân tộc và chủng tộc của người dùng. “Application Programming Interface (API) của chúng tôi chỉ cho phép truy cập theo thời gian thực vào dữ liệu công khai và các tweet, không phải thông tin cá nhân. Chúng tôi cấm sử dụng API để giám sát, theo dõi người dùng” – Katie Rosborough, người phát ngôn của Twitter, nói. Facebook không trả lời câu hỏi liệu họ có biết mình bị Trung Quốc giám sát hay không hoặc liệu các công ty, trường đại học, cơ quan và truyền thông nhà nước Trung Quốc có được phép thu thập dữ liệu trên Facebook hay không.

Các hệ thống phân tích ý kiến ​​công chúng là vũ khí hiệu quả để tăng cường bộ máy tuyên truyền và duy trì quyền kiểm soát đối với internet. Giám sát và thu thập dữ liệu mạng đã cho các quan chức cái nhìn sâu sắc về dư luận, một thách thức ở một quốc gia không tổ chức bầu cử công khai và không có truyền thông độc lập như Trung Quốc. Giám sát và phân tích dư luận là một chức năng quan trọng của cái mà Bắc Kinh gọi là “Hướng dẫn dư luận” để duy trì sự ủng hộ của công chúng thông qua tuyên truyền và kiểm duyệt.

Lần đầu tiên cụm từ “Hướng dẫn dư luận” được nói đến sau cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đi tìm những cách thức mới để đối phó với các thách thức quyền lực của Đảng. Kể từ đó, “Hướng dẫn dư luận” trở thành phần không thể thiếu trong kiến ​​trúc cơ bản của internet tại Trung Quốc, nơi người dùng phải khai báo ID tên thật và các dịch vụ internet được yêu cầu tuân thủ tuyệt đối luật pháp. Năm 2014, tờ China Daily do nhà nước hậu thuẫn cho biết có hơn hai triệu người đang làm công việc phân tích dư luận. Năm 2018, People’s Daily, một tờ báo chính thức khác tiết lộ ngành phân tích ý kiến ​​trực tuyến trị giá “hàng chục tỷ nhân dân tệ”, tương đương hàng tỷ đôla và đang tăng với tốc độ 50% mỗi năm. Hệ thống mạng lưới giám sát truyền thông xã hội nước ngoài phát triển vào thời điểm nhận thức toàn cầu về Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại.


Lê Tây Sơn
/ Saigon Nhỏ