Du khách có thể chọn nghỉ ở các khu biệt lập nằm trên cồn giữa sông Tiền, sông Hậu hay lưng chừng núi ở miền Tây.
Victoria Núi Sam Lodge cách chợ Châu Đốc khoảng 10 km, tọa lạc ngay trên núi Sam. Nơi này nổi tiếng với bể bơi ngoài trời có tầm nhìn cánh đồng lúa. Các phòng nghỉ được thiết kế dạng bungalow, xây bằng tường gạch, mái ngói.
Nghỉ ngơi tại đây bạn sẽ được đắm mình trong thiên nhiên xanh mát lưng chừng núi Sam. Giường có màn trang trí, sàn lát gạch mát mẻ và đồ nội thất bằng gỗ. Giá phòng hiện từ 1,2 triệu/đêm.
Azerai Cần Thơ – resort nằm biệt lập trên Cồn Ấu, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cách sân bay Cần Thơ khoảng 12 km và bến Ninh Kiều chừng 1,2 km. Điểm lưu trú này có tổng cộng 60 phòng và 5 villa, là các bungalow được thiết kế rải rác trên cồn. Ảnh: Di Vỹ
Các phòng nghỉ tại đây rộng khoảng 35 m2, được thiết kế giống nhau với hướng nhìn ra vườn, hồ hoặc sông. Trang trí phòng ngủ có sự kết hợp hài hoà giữa phong cách truyền thống và hiện đại, mang sắc màu nhẹ nhàng, trung tính. Giá phòng mỗi đêm từ 5 triệu đồng.
Victoria Can Tho Resort nằm cách bến Ninh Kiều chưa tới 2 km, bao quanh là những vườn cây xanh mát bên bờ sông Hậu thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Khu nghỉ dưỡng có 92 phòng, diện tích từ 28 đến 63 m2 với ban công riêng, tầm nhìn hướng vườn, hồ bơi hoặc nhìn thẳng ra sông Hậu. Các phòng đều được thiết kế tiện nghi, thoáng mát, nội thất mang tông chủ đạo là vàng và nâu đất mang lại cảm giác ấm cúng, nhẹ nhàng. Giá phòng từ 1,5 triệu đồng/đêm.
Can Tho Ecolodge là khu nghỉ dưỡng sinh thái nằm cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 7 km, cạnh một con rạch nhỏ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng. Tổng diện tích hơn 2,7 ha, có 48 phòng nghỉ được thiết kế đậm phong cách địa phương, với những mái cọ, tường dừa, gỗ đước hòa mình vào thiên nhiên, mang đến cảm giác ấm áp và gần gũi.
Khu nghỉ có nội thất được làm thủ công tỉ mỉ từ chất liệu gỗ đước, phòng rộng và vật dụng bố trí gọn gàng. Các phòng nghỉ đều có ban công dẫn xuống một khu vườn yên tĩnh để khách ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên ngập tràn cây xanh. Giá phòng tại đây từ 2,2 triệu đồng/đêm.
The Island Lodge Thoi Son là khu nghỉ dưỡng riêng tư nằm trên cù lao Thới Sơn giữa dòng sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nơi này có 12 phòng nghỉ với diện tích từ 34 m2/phòng. Khu nghỉ dưỡng được bao quanh bởi cây cối thiên nhiên, có hồ bơi lớn ngoài trời, tầm nhìn bao trọn, đón gió mát từ sông Tiền.
Giá phòng tại đây từ 4,9 triệu đồng/đêm. Phòng nghỉ mang tông chủ đạo là sắc trắng tinh khôi từ màn, đệm, giường, gối… nền cũng được lót gạch với họa tiết màu sáng. Điểm nhấn xen kẽ trong căn phòng là màu nâu trầm của bàn ghế tre, mái lá…
Ben Tre Riverside Resort cách TP HCM 2 giờ di chuyển bằng ôtô. Đây là khu nghỉ dưỡng 4 sao đầu tiên của tỉnh Bến Tre, nằm trên đường Nguyễn Văn Tư, phường 7, được xây dựng trên nền đất của bến phà Hàm Luông ngày xưa và mặt hướng sông, với gần 80 phòng và hồ bơi lớn ngoài trời.
Trang thiết bị trong resort được làm từ dừa, một hình ảnh thân thuộc gắn liền với Bến Tre. Ngoài ra, vật dụng trong phòng cũng được tô điểm bằng tông màu xanh lá, gợi nhớ miền Tây trù phú với những cánh đồng rộng lớn, những rừng dừa bạt ngàn. Dịp Tết này, resort có combo trọn gói giá từ 1,29 triệu đồng/khách, bao gồm đêm nghỉ, 3 bữa ăn và tour ngắm hoa hướng dương rực nắng.
Nước Pháp đã bắt đầu một năm đầy các sự kiện nhằm kỷ niệm 400 năm của Molière, kịch tác giả nổi tiếng nhất của quốc gia này – và của cả thế giới – về nghệ thuật châm biếm và sân khấu.
Molière hiện vẫn là tượng đài của văn hóa Pháp giống như Shakespeare đối với văn hóa Anh. Và, khi người Pháp nói tiếng mẹ đẻ, nó được ví như “ngôn ngữ của Molière”.
Từ bỏ cảnh giàu sang để đến với sân khấu kịch
Molière sinh ở Paris, là con trai cả trong một gia đình làm thợ của triều đình rất lâu đời. Được rửa tội vào ngày 15/1/1622 và có thể được sinh ra trước đó 1-2 ngày, ông tên thật là Jean-Baptiste Poquelin. Cho đến nay người ta vẫn không biết nguồn gốc nghệ danh của ông (Molière dùng để chỉ một mỏ đá) cũng như ngày sinh của ông khi hiện chỉ còn giấy chứng nhận rửa tội được phát hiện vào năm 1820.
Lên 10 tuổi, ông mồ côi mẹ. Molière học ở Jesuit Clermont College (nay là Lycée Louis-le-Grand), chủ yếu bằng tiếng Latin, trong một môi trường học thuật nghiêm ngặt và lần đầu tiên được nếm trải cuộc sống trên sân khấu. Molière được thừa hưởng cuộc sống sung túc từ cha mình – vốn được nhà vua sủng ái – nhưng lại theo đuổi nghiệp diễn. Việc này đã gây ra cho cha ông nhiều rắc rối, trong đó có việc buộc phải tìm cách đưa con trai mình ra khỏi tù sau khi Nhà hát đầu tiên của Molière – Illustre Théâtre – lâm vào cảnh nợ nần.
Chân dung nhà soạn kịch Molière.
Molière bỏ trốn khỏi Paris năm 23 tuổi, cùng với một số người đi về biểu diễn ở tỉnh lẻ ở nước Pháp suốt 13 năm. Để cạnh tranh với những đoàn kịch của Italy, Molière bắt đầu sáng tác những vở kịch cho đoàn của mình, dựa vào những lúc thâm nhập vào từng ngóc ngách của nước Pháp trong đời thường. Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên L’étourdi (Gàn dở) và năm sau viết vở Le dépit amoureux (Bất hòa của tình yêu). Đến năm 1658 đoàn kịch của Molière trở thành đoàn kịch nổi tiếng nhất ở các tỉnh. Được sự ủng hộ của nhiều bá tước, trong số này có cả Quận công Philippe – em trai của vua Louis XIV – đoàn kịch của ông được mời biểu diễn ở Louvre và đã gây được tiếng vang. Sau đó đoàn kịch của Molière thường xuyên được biểu diễn ở nhà hát Bourbon.
Từ đây, Molière đoạn tuyệt với bi kịch và chỉ cho ra đời những vở hài kịch. Ông trực tiếp phanh phui thói xấu của xã hội thượng lưu Pháp, được đông đảo công chúng ủng hộ. Thành công đã giúp đưa Molière trở lại Paris và gây được thiện cảm với vị vua trẻ, Louis XIV, người sau đó trở thành nhà bảo trợ đắc lực khi nhà soạn kịch luôn phải đối mặt với những trận chiến liên tục từ giới quý tộc.
Con tem mang chân dung Molière được phát hành nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh nhà soạn kịch.
Bậc thầy của tiếng cười sâu cay
Molière đã viết rất nhiều vở kịch hay trước Cách mạng Pháp, vào thời điểm mà quyền lực của nhà vua và nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong các vở kịch của ông, vẫn thường xuyên được trình diễn cho đến ngày nay, nhà soạn kịch đã thách thức những nhân vật quyền lực như nhà thờ, quý tộc và thậm chí cả thần chết – nhưng luôn thông qua sức mạnh của tiếng cười.
Những câu nói trong các vở kịch của ông khiến khán giả cười suốt hàng thế kỷ, cho đến tận ngày nay, mà trong đó vở Tartuffe, ou l’Imposteur đã trở thành vụ scandal làm rung chuyển Versailles. Vở kịch kể về Tartuffe, một kẻ lừa đảo tự thể hiện mình là một người rất ngoan đạo, thâm nhập vào gia đình Orgon thông qua những lời tâng bốc và dối trá.
Tartuffe, ou l’Imposteur đã khiến Molière gặp nhiều rắc rối. Vở kịch này được công diễn 12/5/1664, tại Versailles. Vào thời điểm đó, nhà viết kịch đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, làm việc tại triều đình của vua Louis XIV. Tuy nhiên, việc xây dựng một kẻ lừa đảo gắn mác tôn giáo và sự phê phán quyền lực của Giáo hội đã khiến tác phẩm bị cấm trình diễn. Trong 5 năm sau đó, Molière đã đấu tranh để vở kịch của mình được trình diễn trở lại và cuối cùng ông đã thành công vào năm 1669 – sau khi có những thay đổi đáng kể đối với kịch bản. (Năm nay, Comedie Francaise lần đầu tiên trình diễn phiên bản không bị kiểm duyệt từ năm 1664).
Một lý do giải thích cho sự nổi tiếng lâu dài của Molière có thể là các tác phẩm của ông luôn đậm tính hài hước nhưng thâm thúy. Một ví dụ như vậy là Dom Juan ou le Festin de Pierre (Don Juan – 1665), được Moliere viết ngay sau khi Tartuffe bị cấm. Câu chuyện tập trung vào Don Juan, lấy nguyên mẫu từ một kẻ lăng nhăng ở châu Âu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà văn. Trong vở kịch, Don Juan đang chạy trốn sau khi thuyết phục Donna Elvira phá bỏ lời thề tôn giáo của mình nhưng sau đó từ chối kết hôn với cô. Khi được yêu cầu đưa ra lời tuyên xưng đức tin, anh ta chỉ trả lời đơn giản “2 với 2 là 4”.
Don Juan của Molière không chỉ là một kẻ luôn mồi chài phụ nữ mà còn là một kẻ tự do trong suy nghĩ. Thay vì từ chối thú vui xác thịt anh ta lại từ chối giáo điều và các bí tích của giáo hội nhưng thích logic và khoa học. Với Molière, hài kịch là công việc kinh doanh nghiêm túc và là cách để phản ánh xã hội. Có lẽ không ngạc nhiên khi Don Juan cũng bị cấm diễn chỉ sau một vài buổi biểu diễn.
Chỉ 2 năm sau khi Tartuffe bị cấm, Molière đã viết vở hài kịch Le Misanthrope ou l’Atrabilaire amoureux (Người tình cuồng nhiệt – 1666) được Louis XIV trả tiền. Giống như Don Juan, nhân vật chính trong vở kịch này là một kẻ ngoại đạo – Alceste – thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng từ chối tham gia các nghi lễ của triều đình. Anh hướng tới sự trung thực, luôn nói sự thật và từ chối xu nịnh hay lừa dối người khác. Một mặt, Alceste là một kẻ lầm lạc, coi thường loài người, nhưng mặt khác, anh lại vô cùng tin tưởng vào tình yêu. Kiểu tương phản này là điều khiến các nhân vật của Molière trở nên mạnh mẽ, vì họ là hiện thân của hài kịch, bi kịch và có chiều sâu.
Cảnh trong vở “Le malade Imaginaire” (Người bệnh tưởng) đang được trình diễn tại Pháp.
Gục chết trên sân khấu
Molière thường xuyên phải đối mặt với những lời đe dọa, nhưng nhà soạn kịch không bao giờ để điều đó làm hỏng óc hài hước của mình. Giống như Shakespeare, Molière thể hiện sự hài hước bằng cách quan sát và nhấn mạnh sự điên rồ của con người. Ông cho thấy rằng việc cười nhạo những khiếm khuyết của chính mình cũng có thể giúp chúng ta chịu đựng những hành vi xấu của đồng loại.
Vở kịch cuối cùng của Molière – Le malade Imaginaire (Người bệnh tưởng) kể về một ông già tên Argan, người tưởng tượng ra tất cả bệnh tật của mình và đã bị một bác sĩ lừa đảo lợi dụng. Vở kịch này lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 10/2/1673, với tác giả đóng vai chính – như thường thấy ở các vở kịch trước của ông. 7 ngày sau, ở buổi biểu diễn thứ 4, Molière đã bị một cơn ho và xuất huyết khi đóng vai người bệnh tưởng Argan (ông vốn đã mắc bệnh lao) và mất vài giờ sau đó.
“Không thể không nhìn thấy bóng của nhà viết kịch đang hấp hối thấp thoáng trong nhân vật Argan, người trong nỗi bất hạnh của chính mình đã chọn cách làm cho chúng ta nở nụ cười” – theo văn bản giới thiệu của Comedie Francaise, nơi đang dàn dựng vở kịch để trình diễn trong năm nay.
Molière qua đời không để lại dấu vết gì về cuộc sống cá nhân của mình: không có nhật ký, thư từ hay thậm chí ghi chú về công việc. 4 người con của ông đã đánh mất các bản thảo của ông. Dù vậy, di sản của Molière vẫn được vinh danh trong 400 năm sau, nhất là giữa sự u ám của bệnh dịch như hiện tại.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 400 năm ngày sinh Molière
Nhiều lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức ở những nơi đánh dấu cuộc đời của Molière với tư cách là một diễn viên, giám đốc nhà hát và nhà viết kịch. Quan trọng nhất, một số vở kịch nổi tiếng nhất của ông sẽ được trình diễn tại Comedie-Francaise – nhà hát nhà nước duy nhất của Pháp có đoàn kịch riêng do Vua Louis XIV sáng lập vào năm 1680.
Thêm nữa, các vở kịch của ông sẽ được trình diễn tại Đài tưởng niệm Molière ở Paris cho đến tháng 7, bắt đầu từ hôm 15/1 với phiên bản gốc của Tartuffe, ou l’Imposteur – vở kịch được coi là đã tạo ra “hài kịch của cách cư xử” khi châm biếm những thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu. Tiếp sau đó, các vở kịch L’Avare (Lão hà tiện) và Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang) sẽ tiếp tục được trình diễn tại Comedie-Francaise.
Tại Pezenas, phía Tây Nam nước Pháp, sẽ có một bức tượng khác được khánh thành. Đây là nơi Molière đã ở lại nhiều lần trong những năm đầu sự nghiệp. Trong khi đó, trung tâm quốc gia về trang phục sân khấu của CNCS tại Moulin, miền Trung nước Pháp, sẽ mở một cuộc triển lãm “Molière in costume” vào cuối tháng Năm. Còn Nhà hát Opera Paris sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với “Moliere in Music” từ tháng 9. Bên cạnh đó, con tem chính thức in hình Moliere được phát hành trên toàn nước Pháp.
Châu Âu từ sau thế kỷ 16, đã gây dựng nên một đỉnh cao văn hóa, đáng để người châu Á chúng ta tham khảo và cảm nhận một cách sâu sắc, song mù quáng theo đuổi một dạng văn hóa bá quyền phương Tây, máy móc bê nguyên tư tưởng, văn hóa phương Tây về, thì đó chắc chắn không phải là một cách làm trí tuệ.
Hàn Thiếu Công (Han Siao Gong), một trong những tiểu thuyết gia Trung Quốc đương thời được biết đến nhiều nhất ở châu Âu, giải thích vì sao ông coi văn học là vũ khí của kẻ yếu trong bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Tia Sáng.
Nhà văn Hàn Thiếu Công sinh năm 1953 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là một trong những tiểu thuyết gia Trung Quốc đương thời được biết đến nhiều nhất ở châu Âu. Không chỉ tiếp thu những đổi mới trong quan niệm và bút pháp tiểu thuyết hiện đại của phương Tây, ông còn là người biết khai thác những hình mẫu văn chương sáng tạo để khắc họa sâu sắc, đầy tính ám ảnh và nhân văn, chặng đường lịch sử đau thương mà dân tộc mình vừa trải qua.
Hàn Thiếu Công đã đoạt Giải thưởng Truyện ngắn xuất sắc nhất năm 1980-1981, Giải Tiểu thuyết hay nhất Đài Loan 1998 của China Times, Giải Nhà văn kiệt xuất nhất Trung Quốc 2006 với tập tản văn Sông Nam núi Bắc, và Huy chương Hiệp sĩ văn hoá do Bộ văn hoá Pháp trao tặng năm 2002. Các tiểu thuyết của ông đã được in ở Việt Nam: Bố bố bố, Nữ nữ nữ, Từ điển Mã Kiều, Báo cáo chính phủ.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với Hàn Thiếu Công xung quanh các vấn đề của nghề viết.
– Xin chào nhà văn, xin hỏi thăm sức khỏe của ông và gửi lời chúc tốt lành tới ông cùng toàn thể gia đình. Thưa nhà văn, ông có thể cho bạn đọc Việt Nam biết một vài cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của ông về nghề văn được không? Trong đời viết của mình, đã bao giờ ông phải tiếc (hối tiếc) vì mình làm nghề nhà văn chưa?
– Tôi có lúc đã từng nghĩ, làm một kiến trúc sư hay một bác sĩ liệu có tốt hơn không? Những công việc ấy liệu có thực tế đối với xã hội hơn không? Song những câu hỏi mang tính giả thiết ấy chẳng có ý nghĩa gì mấy. Hồi Cách mạng Văn hóa, tôi và các bạn cùng lớp xuống quê làm nông dân, bấy giờ các trường đại học trong cả nước đều đóng cửa, tôi không thể nào trở thành một kiến trúc sư hay một bác sĩ được.
Văn học là một sự lựa chọn với vốn liếng thấp nhất khi tự học ở dưới quê, điều này cũng đã quyết định cuộc sống mưu sinh của tôi sau này. Đương nhiên, như vậy cũng đâu có gì xấu nhỉ? So với các công việc khác, việc viết văn rất mệt, bởi dường như mỗi một tác phẩm đều bắt đầu từ con số O, nó khác với việc nướng bánh hay vá giày, chỉ cần học được cách làm là có thể làm đi làm lại cả đời.
Việc viết văn cực kỳ rủi ro, bởi một người có trí tuệ hay không, có thành khẩn hay không, thường thì đặt bút xuống là bộc lộ ra hết, rất khó che giấu được bản thân mình bằng những thủ đoạn mang tính kỹ thuật. Xét từ ý nghĩa này, sự thi đua trong văn học, nói cho rốt ráo, chính là sự thi đua những tố chất tổng hợp trong nhân cách, và là thử thách lớn đối với tâm hồn. Tôi không may đã đi được nửa đường, thôi đành gắng gỏi đi tiếp vậy.
– Thế hệ nhà văn Trung Quốc sinh ra và trưởng thành trong những năm 1950 như Hàn Thiếu Công, Lý Nhuệ, Vương An Ức, Tô Đồng, Dư Hoa, Vương Sóc, Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Hân Nhiên, Trì Lợi… sớm được tiếp xúc với tư tưởng cũng như nghệ thuật phương Tây thế kỷ 20, được “mở cửa” và “khai phóng” (chữ của ông Đặng Tiểu Bình). Nhưng xin hỏi cá nhân ông, cho đến thời điểm này, ông có còn cảm nhận thấy một áp lực bất kỳ nào đó đối với việc tự do sáng tác theo trái tim và khối óc, chỉ của bản thân, hay không?
– Hồi tôi mới bắt đầu viết lách, có rất nhiều mảng cấm chính trị. Nhưng từ đó đến giờ, phải nói rằng nghề viết càng ngày càng tự do hơn, song tôi không hề kỳ vọng vào một sự tự do hoàn toàn, ví như áp lực chính trị giảm xuống, thì áp lực thị trường lại có thể sẽ tăng lên, trong khi áp lực của đạo đức chính thống sẽ vĩnh viễn tồn tại. Không khó lý giải, vì sao các bạn đồng nghiệp quốc tế của tôi đều có rất nhiều oán thán, họ không hài lòng chút nào đối với môi trường xuất bản của họ. Song chướng ngại lớn nhất của nhà văn, thực ra lại xuất phát từ bản thân mình, chứ không phải đến từ phía ngoài.
Mấy năm trước, tôi có một bài viết vì “nhạy cảm” nên gặp nhiều trắc trở trong nước, sau đành phải đem ra nước ngoài đăng, song mấy năm sau, các phương tiện truyền thông trong nước cũng đều cho đăng cả, đây là một cách đi đường vòng, đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại và nhanh trí hơn một chút. Ngược lại, có một số bạn đồng nghiệp than thở với tôi về những hạn chế trong phạm vi chính trị, tôi thường khuyên họ rằng: Hãy đưa tôi tác phẩm mang tính thiên tài của anh! Tôi giúp anh đem ra nước ngoài xuất bản, anh thấy thế nào? Vấn đề đặt ra là: Anh có tác phẩm như vậy không? Nếu anh không đưa ra được tác phẩm như vậy, lời oán thán của anh phải chăng sẽ khiến người nghe cảm thấy nghi ngờ?
– Các nhà văn Trung Quốc đã viết rất hay về bài học lịch sử, bài học con người, trải qua thời kỳ đen tối của đất nước Trung Quốc, để thành thật báo cáo lại cho nhân dân những được và mất về mặt văn hóa, về giá trị tư tưởng – đời sống của một thời đoạn lịch sử vừa qua. Nhưng những vấn đề đặc thù của tinh thần con người, như tình yêu, suy tưởng, tôn giáo, ẩn ức (mà ở đây tôi nhấn mạnh, những vấn đề đó không phải là sản phẩm trực tiếp của đời sống xã hội), thì dường như chưa được văn học theo đuổi một cách sâu sắc lắm. Nhận định như vậy liệu có chính xác không, thưa ông?
– Hiện nay các tác phẩm viết về đề tài tình yêu, tình dục rất nhiều. Có vị chủ biên một tờ tạp chí, từng nói với tôi: trong đống bản thảo ông ấy nhận được, đến 80% nhà văn nam viết về đề tài ngoại tình, 80% nhà văn nữ viết về đề tài ly hôn, tác phẩm văn học dường như trở thành bộ bách khoa thư phòng the không hơn không kém. Song, tôi có một cách nhìn tương đối gần gụi với bạn, đó là: sự khai thác những vấn đề tinh thần con người của rất nhiều nhà văn Trung Quốc đều chưa đủ sâu và rộng.
Truy tìm nguyên nhân, có thể thấy người Trung Quốc, đặc biệt là những cư dân sống trong vùng văn hóa Hán, tự xưa tới giờ đều thiếu truyền thống tôn giáo, họ không mấy quan tâm tới vấn đề tận cùng của sự sống, có khi dễ bị trượt dốc theo chiều hướng thực dụng phàm tục. Một mặt khác, có rất nhiều nhà văn, tầm nhìn và tri thức đều tương đối hẹp, hàm thụ văn hóa cũng không đủ, thành thử họ bị Cách mạng hóa, thị trường hóa một cách cấp tiến, hoặc giả trở thành những kẻ theo chủ nghĩa cực quyền hay chủ nghĩa bái kim. Cả hai phương diện đó đều hủy diệt văn hóa, khiến những nhà văn này từ đầu chí cuối hấp thụ nguồn dinh dưỡng không tốt, đó cũng là một vấn đề nghiêm trọng.
– Các tác phẩm của ông được xuất bản bằng tiếng Việt: Từ điển Mã kiều, Bố Bố Bố, Nữ Nữ Nữ, Báo cáo chính phủ… đều khắc họa thảm cảnh về đời sống vật chất và tinh thần, nhất là thảm cảnh về tinh thần mà nhân dân Trung Quốc đã phải chịu đựng trong thời kỳ đen tối. Đó là nỗi đau khổ bị bỏ rơi, bị hạ nhục, đánh mất sự nhận thức về bản thể, bị lôi kéo vào dòng xoáy của những bất công, phi lý, cuối cùng gánh chịu một đời sống bất thành nhân. Xin lỗi ông nếu tôi nhận xét như vậy là quá khắc nghiệt. Nhưng người dân thường, dù ở thời đại nào, cũng rất dễ bị rơi vào thảm cảnh đó, ông có nghĩ như vậy không?
– Các tác gia tuy đều đưa dấu ấn cá nhân vào trong các tác phẩm, song xuất phát từ nơi nhạy cảm nhất của lương tri, ai cũng đều đứng về phía kẻ yếu, những kẻ bị sát hại, bị hạ nhục, bị áp bức… Điều này giống như Hegel đã nói: Đạo đức là vũ khí của kẻ yếu. Hoặc chúng ta cũng có thể nói rằng: Văn học là vũ khí của kẻ yếu. Song điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải đánh bóng kẻ yếu hay thần thánh hóa nhân dân. Sự phê phán có trọng lượng nhất, không cần đến lời nói dối. Nếu như chúng ta còn cần phải viện vào lời nói dối, viện vào sự đánh bóng kẻ yếu hay sự thần thánh hóa nhân dân để phê phán cường quyền, thì chứng tỏ sự phê phán này còn thiếu trọng lượng. Thế giới có tiến bộ không? Đương nhiên là có! Đặc biệt là về phương diện kinh tế và kỹ thuật. Song xét về phương diện giá trị đạo đức thì loài người cũng đừng quá viễn tưởng về một địa đàng trần gian, đừng tưởng rằng tai nạn đã vĩnh viễn trở thành lịch sử. Có một câu nói của người xưa mà các tác gia hiện nay có lẽ nên cảm nhận nó một cách rốt ráo nhất, đó là ‘Đức Phật đêm trường, lệ chẳng khô’.
– Cũng rất dễ nhận ra rằng, trong các tác phẩm của mình, ông sử dụng thủ pháp (nghệ thuật) tượng trưng và siêu thực là chính yếu, để xây dựng các hình tượng văn học. Vì vậy, khi đọc tác phẩm của ông, chúng ta cũng phải giải mã các hình tượng bằng nghệ thuật tượng trưng và siêu thực. Hình tượng cậu bé tật nguyền trong truyện Bố Bố Bố, hay bà cô sống trong cũi trong truyện Nữ Nữ Nữ, hình tượng hai làng giao chiến với nhau rồi ăn xác chết của đối phương, hay hình tượng đám khởi nghĩa nông dân ở huyện Mã Kiều, đều hoàn toàn hoặc có phần, là hình tượng tượng trưng cho con người, nói chung. Ông có bị ám ảnh bởi sự tật nguyền về mặt tinh thần ở con người hay không? Ông có ý nguyện tiếp tục đào sâu về chủ đề này trong các sáng tác sắp tới hay không?
– Tôi từng viết một số tác phẩm tả thực, như Báo cáo chính phủ chẳng hạn; cũng từng viết một số tác phẩm tả ý, hoặc giả dùng theo khái niệm của phương Tây thì gọi đó là chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa biểu hiện, ví như tác phẩm Bố bố bố vân vân… Viết theo kiểu nào, theo phong cách nào, điều này quyết định ở tư liệu nằm trong tay nhà văn và hứng thú thẩm mỹ của nhà văn lúc đó, cũng giống như đàn nhị thì rõ chẳng thích hợp dùng để diễn tấu nhạc Beethoven, lối hát Rock cũng rõ chẳng thể thích hợp dùng để diễn xướng thơ cổ. Tác phẩm hay nhất, luôn luôn là tác phẩm mà trong đó hình thức chính là nội dung, nội dung chính là hình thức, tuy hai mà lại là một, cũng giống như quan hệ của cây đèn và ánh sáng phát ra từ nó.
Đương nhiên, tôi vẫn ưa chuộng một số tiểu thuyết có tính chất ngụ ngôn, những dòng tự sự vừa “giống”, lại vừa “không giống” với cuộc sống hiện thực. Trong tương lai, nếu có thể, tôi sẵn lòng cố gắng để làm phương diện này.
– Ông có đọc và thích thú với các tác giả – tác phẩm văn học của phương Tây hay không? Xin ông cho vài ví dụ. Còn với các nhà văn bậc tiền bối của Trung Quốc thì sao? Ông thích phong cách viết của những nhà văn nào?
– Tôi thích nhà văn Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky của Nga; Victor Hugo, Maupassant của Pháp; Kafka của Czech… Bản thân tôi từng dịch tác phẩm của Doris Lessing, tác gia người Anh; Milan Kundera, tác gia người Pháp; Fernando Pessoa, tác gia người Bồ Đào Nha… Tôi nghĩ nhà văn và độc giả Trung Quốc nên tìm hiểu những thành quả văn học này của phương Tây. Còn như các tác gia Trung Quốc tiền bối, thì tôi tương đối thích Tô Đông Pha thời Tống, cũng thích Lỗ Tấn và Thẩm Tùng Văn thời hiện đại.
– Ông là nhà văn Trung Quốc được biết đến nhiều ở phương Tây, được tặng Huân chương Hiệp sĩ văn hóa của nước Pháp. Nhưng riêng cá nhân ông có cảm thấy gần gũi với những giá trị văn hóa phương Tây hay không, và cụ thể như thế nào? Ông thích nhà tư tưởng nào của phương Đông?
– Văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây đều có sở trường sở đoản, vả lại nền văn hóa nào cũng đều là một thể hỗn hợp, tạp giao, ví như văn hóa phương Tây từng hấp thụ các nhân tố văn hóa vốn không phải của phương Tây, như Cơ đốc giáo (Trung Đông), số học (Ả Rập và Ấn Độ), chế độ khoa cử (Trung Quốc) v.v… chứ không phải là một nền văn hóa thuần chủng cao độ. Bởi vậy, một con người đương đại cần thiết phải giữ một thái độ dung hòa đối với văn hóa của các dân tộc trên thế giới, không cần thiết phải đắn đo với những bài toán kiểu như đem phương Đông ra tỉ thí với phương Tây thì sẽ ra sao.
Năm 1985, tôi có đăng bài viết Gốc của văn học, kêu gọi những người đồng nghiệp coi trọng truyền thống văn hóa của dân tộc mình, nhưng cũng đúng năm đó, tôi học tiếng Anh ở một trường đại học, đồng thời bắt đầu công việc phiên dịch của mình. Tôi xưa nay rất thích Khổng Tử, Lão Tử và Phật giáo Đại thừa, song điều này không có nghĩa là tôi sẽ bài xích trí tuệ của Aristotle, Plato, Kant, Nietzsche…
Châu Âu từ sau thế kỷ 16, đã gây dựng nên một đỉnh cao văn hóa, đáng để người châu Á chúng ta tham khảo và cảm nhận một cách sâu sắc, song mù quáng theo đuổi một dạng văn hóa bá quyền phương Tây, máy móc bê nguyên tư tưởng, văn hóa phương Tây về, thì đó chắc chắn không phải là một cách làm trí tuệ, nó cũng đi ngược lại với điều cốt tủy tối quan trọng trong nền văn hóa và tư tưởng phương Tây, đó là tinh thần sáng tạo. Nói một cách khác, chính bởi học phương Tây, cho nên cần phải dũng cảm vượt qua phương Tây. Đây cũng chính là một bài toán quan trọng đặt ra trước mắt giới trí thức châu Á chúng ta.
– Xin cảm ơn nhà văn về những câu trả lời rất thú vị và sắc bén. Kính mời ông một dịp gần đây ghé qua Việt Nam chơi, thăm thú phong cảnh, uống trà và đàm đạo chuyện văn chương nhiều hơn nữa.
Từ phải, Tạ Tỵ, Phạm Đình Chương, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo trong một buổi họp mặt trước 1975 ở Sài Gòn. [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ]
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn!Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời!Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
**
Trái, Tạ Tỵ 31 tuổi, sau 4 năm theo kháng chiến chống Pháp và về thành (Hà Nội, 1952); giữa, Thiếu Tá Tạ Tỵ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà; phải, chân dung Tạ Tỵ năm 2000. Sau 1975, ông đã phải đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm ông đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết”. [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ, photo by Phạm Phú Minh, Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1985]
TIỂU SỬ
Theo Wikipedia, phiên bản tiếng Việt:
Tạ Tỵ là bút danh, Tạ Văn Tỵ là tên thật, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội, nhưng trên giấy khai sinh lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn một năm. Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương / École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm.
Năm 1941, ở tuổi 20, do đoạt một giải thưởng tranh của nhà trường, Tạ Tỵ được đến thăm kinh đô Huế.
Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng dấu ấn Hội hoạ của ông không phải là những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng / Abstrait của hội hoạ Việt Nam.
Và cũng năm 1943, sau khi vừa tốt nghiệp, Tạ Tỵ đoạt ngay một giải thưởng với bức tranh“Mùa Hạ” (tân ấn tượng / néo-impressionnisme) được giải thưởng tại phòng Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) “vì có một phương pháp diễn tả theo khuynh hướng mới, tuy chưa hẳn là lập thể, nhưng các hình thể đã được biến cải theo sở thích riêng.” [1]
Năm 1946, trong cuộc triển lãm Hội hoạ Tháng Tám tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, với số lượng tác phẩm đông đảo, Tạ Tỵ đã tham dự với bức tranh sơn mài “Hoa Đăng” (siêu thực / surréalisme) được Hiệp Hội Báo Chí VN trao giải, nhưng tiền thưởng chưa lãnh thì ngay sau đó chiến tranh toàn quốc bùng nổ. [1]
Tác phẩm “Hoa Đăng” sơn mài (siêu thực / surrealisme) của Tạ Tỵ trong cuộc triển lãm Tháng Tám 1946 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, được Hiệp Hội Báo Chí Việt Nam trao giải thưởng.
Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Tạ Tỵ đã cùng với nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, hăng hái tham gia mặt trận kháng chiến chống Pháp và ông là giáo sư dạy Mỹ thuật đầu tiên trong Liên Khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.
Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ năm 1947, giai đoạn theo kháng chiến trong Liên Khu Ba.
Năm 1948, trong một hội nghị Văn Hoá Văn Nghệ, Trường Chinh đã mạnh mẽ lên án: “Chủ nghĩa Lập Thể, Siêu Thực, Đa Đa là những cái nấm độc trên cái thân thể mục ruỗng của nền văn hoá đế quốc.” [Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, 1948].
Tháng Năm 1950, sau bốn năm đi theo kháng chiến, thấy rõ bộ mặt thật của Việt Minh, cùng với cách suy nghĩ không hợp với họ, Tạ Tỵ đã cùng nhiều văn nghệ sĩ khác như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Duy, Tam Lang Vũ Đình Chí, Hoàng Công Khanh đã dứt khoát từ bỏ khu chiến để trở về Hà Nội.
Từ đầu thập niên 1950, trở về với nếp sống văn hoá Hà Nội 36 phố phường với Năm Cửa Ô, Tạ Tỵ đã mạnh mẽ đi tiếp con đường sáng tạo với tự do đi tìm cái mới; ngoài vẽ tranh, vẽ ký / biếm hoạ chân dung (caricatures) các văn nghệ sĩ, ông còn cầm bút sáng tác: truyện, thơ, kịch, bút ký, viết nhận định văn học, trình bày sách báo… chứng tỏ Tạ Tỵ là một tài năng rất đa diện.
Năm 1951, ông mở cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Hội Hoạ Hiện Đại tại Hà Nội, trưng bày 60 bức tranh Lập thể.
*
Trái, “Đàn bà” còn có tên là “Cô đơn”, phải, “Vàng và Tím” là hai tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ, 1951 – Tạ Tỵ gọi đó là chiều thứ tư (4ème dimension), chiều động trong kỹ thuật tạo hình. [1]
Năm 1953, Tạ Tỵ nhận được lệnh động viên, ông phải tạm xa Hà Nội và gia đình để vào Nam, gia nhập Khoá 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và ra trường với cấp bậc thiếu uý. Ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà tại Tổng Cục Chiến tranh Chính trị cho tới khi giải ngũ, với cấp bậc sau cùng là Trung Tá.
Năm 1956, Tạ Tỵ triển lãm cá nhân lần thứ hai với 50 hoạ phẩm lập thể, tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn, nhưng là lần đầu tiên ở miền Nam, được đánh giá là thành công cả về nghệ thuật cũng như tài chánh.
Trong tập sách mỏng giới thiệu cuộc triển lãm (ngày 8/8/1956), Tạ Tỵ viết: “Mời bạn hãy vào – Cửa vườn tôi đã mở sau 5 năm trời khép kín – vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong suy nghĩ, trong dằn vặt, trong giận hờn để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại và thêu dệt bằng tin tưởng, tạo thành một thế giới của hình thể, của sắc màu, qua bức tường vách ngăn của lý trí và rung động…” [5]
“Nhịp Calypso” (1960), tranh lập thể sơn dầu trên canvas, sưu tập của Mặc Đỗ, bức tranh đã phải bỏ lại khi Mặc Đỗ âm thầm di tản khỏi Sài Gòn ngày 29/04/1975.
Tuy là họa sĩ Việt Nam tiên phong và thành công trong Hội Hoạ Lập Thể, nhưng ông vẫn luôn luôn có ý hướng đi tìm cái mới, từ thập niên 1960, Tạ Tỵ đã chuyển hướng sang tranh Trừu Tượng.
Năm 1961, ông triển lãm cá nhân lần thứ hai với 60 bức tranh trừu tượng và lập thể cũng tại Phòng Thông Tin Đô Thành Sài Gòn. Đánh dấu một bước thành công sáng tạo mới của Tạ Tỵ.
TẠ TỴ: TẠI SAO LẬP THỂ
Trong một Hồi ký viết ở hải ngoạiNhững Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi [Nxb Thằng Mõ 1990], Tạ Tỵ đã giải thích do cơ duyên nào mà anh đi vào Hội Hoạ Lập Thể:
“Tôi bẩm sinh là một con người thích tiến bộ, thích cái gì mới. Khi còn học ở trường Mỹ Thuật, tôi không mấy thích lối vẽ chân phương theo quy luật của nhà trường bắt buộc. Tôi thường đến thư viện mượn sách đọc, lẽ dĩ nhiên, loại sách thuộc về mỹ thuật. Tôi mê các tác phẩm của Van Gogh, Gauguin và Matisse. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu mỹ thuật tạo hình ở mỗi tác giả. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy các nhà danh hoạ trên vẫn phải dựa vào thiên nhiên và sự vật cũng như con người để tạo dựng tác phẩm. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu các hoạ phái khác nhau như Siêu Thực, DaDa và Lập Thể. Tôi thích trường phái Lập Thể qua các tác phẩm của G. Braque hơn là Picasso. Tôi mê chiều thứ tư (4ème dimension) của hoạ phái này – mà Tạ Tỵ gọi đó là chiều động trong kỹ thuật tạo hình, vì nó làm cho tác phẩm trở nên sống động, chứ không trơ trơ như các hoạ phái khác.”[1]
TẠ TỴ: TẠI SAO TRỪU TƯỢNG
Trả lời Nguiễn Ngu Í Bách Khoa [Báo Bách Khoa, số 131, ngày 15-6-1962]:
“Hội hoạ Việt Nam hiện có nhiều xu hướng từ Ấn tượng tới Trừu tượng, nhưng tất cả đang ở giai đoạn tìm tòi và khai thác. Riêng tôi, từ 18 năm nay đã chọn con đường Hội hoạ mới. Tôi đã đi qua trường phái Ấn tượng, Tân Ấn tượng, Lập thể, Siêu thực và trong 6 năm gần đây tôi vẽ tranh Trừu tượng…
Sự nhầm lẫn và cũng là điều tai hại cho Nghệ thuật Hội hoạ là mỗi người yêu hội hoạ khi đặt chân vào phòng Triển lãm Hội hoạ Mới, hoặc đứng trước hoạ phẩm Trừu tượng, đều cố tìm xem hoạ sĩ vẽ cái gì, “nói” gì ở trong kích thước đó? Sự băn khoăn thắc mắc này nhiều khi gây khó chịu đến độ trầm trọng nếu người thưởng ngoạn không kiên tâm tìm hiểu.
Nhưng đứng trước một hoạ phẩm Trừu tượng dù cho người thưởng ngoạn có kiên tâm, thiện chí đến đâu, nếu không biết qua về kỹ thuật Tạo Hình do kinh nghiệm hoặc sách vở, báo chí chuyên môn về Hội hoạ, cũng đành lắc đầu chán nản trước bức trường thành cao vút ngăn đôi thông cảm. Sự kiện ấy có, vì chúng ta quen nhìn Hội họa với quan niệm thưởng ngoạn cũ. Hôm nay quan niệm về cái đẹp đã đổi khác, lẽ dĩ nhiên cái nhìn cũng phải thay đổi. Hôm nay đứng trước một hoạ phẩm trừu tượng, người thưởng ngoạn không nên và không bao giờ nên tìm hiểu hoạ sĩ đã vẽ gì trong kích thước đó, mà chỉ nên tìm hiểu mình đã nghĩ gì về tác phẩm trước mắt mình? Cảm giác đầu tiên nào đã đột nhập vào trí não mình để bắt nguồn cho rung động.
Những màu sắc và hình thể kia có phải là những dấu hiệu của riêng mình đã in vào tiềm thức? Người hoạ sĩ không có lý do để hiện diện trong tác phẩm thuộc loại Trừu tượng, trừ cái tên ký ở góc tranh. Cái tên này cũng chỉ được dùng như một thứ nhãn hiệu, vì trong lúc sáng tạo, chính hoạ sĩ cũng là kẻ thưởng ngoạn có “quyền ưu tiên” vì họ có kỹ thuật, thế thôi. Trong Nghệ thuật Hội hoạ hiện tại, không ai có quyền bắt ai lệ thuộc vào ý nghĩ, vào kỹ thuật tạo hình do cá nhân đảm nhiệm. Mỗi người tự tìm lấy sự say mê của mình trong từng kích thước nhất định.”[2]
**
Nguiễn Ngu Í phỏng vấn Tạ Tỵ trên báo Bách Khoa số 131, ngày 15-6-1962, từ trái, bìa và hai trang báo Bách Khoa số 131; phải, chân dung nhà văn nhà báo Nguiễn Ngu Í, người thực hiện đợt phỏng vấn về Quan Niệm Hội Hoạ của khoảng 40 hoạ sĩ Việt Nam.
Năm 1966, dự định trưng bày lần thứ ba tại Sài Gòn 50 hoạ phẩm Trừu tượng mới nhất nhưng không thành. Năm 1971, Tạ Tỵ lại dự định tổ chức phòng triển lãm tranh gồm 50 chân dung văn nghệ sĩ miền Nam nhưng rồi cũng dở dang do tình hình chiến sự sôi động lúc đó.
Và gần như theo chu kỳ, cứ mỗi 5 năm, Tạ Tỵ mới triển lãm một lần: 1951, 1956, 1961, 1966, 1971… Khi trao đổi với nhà văn Nguiễn Ngu Í, hoạ sĩ Tạ Tỵ giải thích:
“Sở dĩ tôi phải để một thời gian lâu như thế như anh biết những thì giờ tốt đẹp nhất trong một ngày để sáng tác tôi không được sử dụng, tôi chỉ còn làm việc quanh năm với ánh đèn, với muỗi [Tạ Tỵ vẫn còn làm việc toàn thời gian trong quân ngũ quân lực VNCH – ghi chú của người viết]; vả lại muốn mỗi phòng triển lãm của tôi ít nhất phải ghi lại trong tâm người thưởng ngoạn một chút kỷ niệm về sự cố gắng của cá nhân trong phạm vi Nghệ thuật. Muốn thâu được kết quả ấy, yếu tố thời gian là yếu tố quyết định.” [2]
Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam với một phong cách rất độc đáo, anh nhạy bén bắt được cái thần ở từng khuôn mặt, và đây là một lãnh vực tài hoa khác của Tạ Tỵ mà chưa ai sánh được.
**
Chân dung văn nghệ sĩ qua nét vẽ Tạ Tỵ, từ trái trên Mặc Đỗ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền; từ trái dưới Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu [nguồn: từ album gia đình Tạ Tỵ]. Đây cũng là sáu chân dung có trong Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá của Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Press xuất bản 2017.
Tác phẩm của Tạ Tỵ còn được trưng bày tại các bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris.
Bức tranh “Đàn bà” còn có tên là “Cô đơn” (1951) được nhà Sotheby’s đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với giá khá cao 19.550 Singapore dollars. Trong catalogue của Sotheby’s đã nhận xét bức tranh: “Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật ngay vào ngay trung tâm bức tranh, những hình thể kỷ hà, chẳng hạn như việc xử lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục này tạo thành một bức tranh Lập Thể độc đáo.”
Bức Mùa hè đỏ lửa ( 1972, 350 x 170 cm), tranh sơn dầu, phong cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Sài Gòn từ năm 1998. Khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam 2003, bức tranh được đổi tênCất Cánh. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo tàng này.
Từ phải, Tạ Tỵ, Phạm Đình Chương, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo trong một buổi họp mặt trước 1975 ở Sài Gòn. [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ]
TẠ TỴ: TẠI SAO VIẾT
Trả lời câu hỏi ấy trên tạp chí Hợp Lưu (số 32, Xuân Đinh Sửu 1997, trang 216), khi Tạ Tỵ đã ở tuổi 76, ông tâm sự:
“Tôi sinh ra đời, hình như định mệnh đã an bài, bởi vậy tất cả những gì tôi làm ra đều có bàn tay của định mệnh dính vào.Lúc còn trẻ tôi yêu tất cả những thứ gì thuộc về văn chương nghệ thuật, nhưng tôi mê kéo vĩ cầm hơn cả. Vào năm 1936-37 gì đó, tôi được nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Anh chơi bản Danse Macabre với tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu. Tất cả nhà hát đều yên lặng để thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của hai nhạc sĩ trứ danh nhất của đất Thăng Long thời đó. Tôi về nhà xin Mẹ tiền mua cây đàn và quyển Mazas, là cuốn sách học kéo violon vỡ lòng. Tôi học kéo đàn song song với học vẽ ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vì mê học nhạc nên tôi quen với cố nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Sau mấy năm học thấy không có tiến bộ, tôi bỏ đàn, chuyên về vẽ…
Còn một trở ngại to lớn nữa là người họa sĩ chỉ vẽ tấm tranh duy nhất, nếu bán đi, người họa sĩ không còn gì ngoài tấm ảnh chụp giữ làm kỷ niệm. Vì nhìn thấy cái thế “yếu” của hội họa, vả lại, cuộc sống trong chiến tranh có rất nhiều sự việc tác động mạnh và sâu đậm trong tâm cảm mà hội họa bất lực, không thể nói bằng màu sắc được. Do đó, tôi phải nhờ tới văn chương cũng như thi ca để bày tỏ lập trường, cùng thái độ sống trước tập thể, trước xã hội.
Biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương do chiến tranh gây ra. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã lên đường và cũng có bao nhiêu vòng khăn tang đã quấn ngang đầu, bao nhiêu tiếng khóc than vật vã, với đôi tay bé nhỏ xanh xao của người góa phụ, ôm lấy chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ với vòng hoa cườm có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, nhưng tôi được biết, trong chiếc quan tài đó chỉ có chiếc bọc nylon ôm gọn thây người chiến sĩ đã nát bấy vì pháo địch, chỉ còn lại một đống thịt xương bầy nhầy với chiếc thẻ bài lẫn lộn trong vũng máu đông đặc vì được cất kỹ trong ô kéo của căn phòng chứa xác cực lạnh. Ngay cạnh đó, một đứa nhỏ chừng ba tuổi gầy ốm đứng nhìn ngơ ngác!
Còn biết bao nhiêu cuộc tình tan tác như những chiếc bong bóng thổi bằng bọt xà bông. Đại lộ kinh hoàng còn đó. Xác những chiếc xe tăng của Trung Cộng, của Liên Xô, của Mỹ còn nằm rải rác dọc theo đường số 1 như những con quái vật thời tiền sử và còn nhiều, nhiều nữa những dấu ấn của chiến tranh cần phải nói ra, nhưng hội họa quả tình bất lực trước vấn đề này. Chỉ có văn chương mới đủ sức khai quật những oan khuất chìm ở đáy sâu tâm cảm.” [1]
VĂN HỌC:
– Đã cộng tác với các tạp chí văn học tại miền Bắc và miền Nam từ năm 1950 đến 30-4-1975: Thế Kỷ, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Bách Khoa và Tin Văn, và sau 1975: Thế Kỷ 21 tại Hoa Kỳ.
Những Tác Phẩm Đã Xuất Bản Tại Miền Namtrước 1975
Những Viên Sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962
Yêu Và Thù, tập truyện, Phạm Quang Khai, 1970
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, nhận định văn học, Nam Chi Tùng Thư 1970.
Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, văn sử học, 1971
Cho Cuộc Đời, thơ, Khai Phóng, 1971
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối, 1972, Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1991
Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản, 1972
Ý Nghĩ, tạp văn, Khai Phóng, 1974.
***
Những Tác Phẩm Tạ Tỵ đã Xuất Bản Tại Miền Nam trước 1975, trên từ trái, Những viên sỏi, tập truyện, Nam Chi Tùng Thư, 1962. Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, văn sử học, 1971. Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, nhận định văn học, Lá Bối, 1972. Bao Giờ, tập truyện, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản 1972. Riêng tác phẩm Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn, đã được nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam tái bản tại Hà Nội năm 1996, nhưng họ đã tuỳ tiện biên tập, cắt bỏ khuôn mặt văn nghệ Mai Thảo ra khỏi cuốn sách, thay vào Trịnh Công Sơn, mà không hề có phép của Tạ Tỵ. [tư liệu của Thành Tôn]
Những Tác Phẩm Xuất Bản Tại Hoa Kỳ
Đáy Địa Ngục, hồi ký cải tạo, Cơ Sở Thằng Mõ, 1985
Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, hồi ký, Thằng Mõ, 1990
Xóm Nhà Tôi, tập truyện viết trong những ngày tháng lưu vong nơi đất khách, Nxb Xuân Thu, 1992
Mây Bay, thi phẩm, Miền Nam xuất bản, 1996
**
Những cuốn sách của Tạ Tỵ xuất bản ở hải ngoại, từ trái, Đáy Địa Ngục, Xóm Nhà Tôi, Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi. [tư liệu Thành Tôn]
**
Từ trái, Một Chuyến Ngao Du, truyện, nhà xuất bản Xuân Thu, California 2000, với thủ bút đề tặng của tác giả. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Thơ Tạ Tỵ
Thương về năm cửa Ô xưa
Tôi đứng bên này vỹ tuyến Thương về năm cửa Ô xưa Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối Đê cao hun hút chợ Dừa Cầu Rền mưa dầm lầy lội Gió về đã buốt lòng chưa? Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ Nhị Hà lấp lánh sao thưa Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ Nhớ nhung biết mấy cho vừa… Cửa Ô ơi, cửa Ô Năm ngả đường đất nước Trôi từ vạn nẻo sông hồ Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!… Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người Tê tái tiếng cười Từng cánh hoa đời khép lại Thương về năm cửa Ô xưa!
Tạ Tỵ được giải ngũ vào tháng 6 năm 1974 theo quy chế sau 21 năm công vụ, ở tuổi 53, vẫn còn khoẻ mạnh, đang ở cái tuổi chín muồi của sáng tạo. Anh rất vui với ý nghĩ rằng từ nay sẽ có thời gian để phụng sự nghệ thuật. Nhưng rồi ngày 30/4/1975 đổ ập đến, tất cả mọi dự án về nghệ thuật đều tan biến. Đã thế, cho dù đã giải ngũ, anh vẫn bị bắt đi tù cải tạo. Cùng với bao nhiêu đồng đội và thế hệ văn nghệ sĩ miền Nam, anh đã bị đày ải trong những nhà tù từ Nam ra Bắc, rồi nhà tù lớn là một đất nước Việt Nam CS, tổng cộng 6 năm (1975-1981), nhưng may mắn sống sót, trong khi đó nhiều đồng đội cùng với các nhà văn nhà báo miền Nam bạn anh thì đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường.
Vào đầu năm 1981, Tạ Tỵ được tha về với tấm thân tàn ma dại, tóc bạc răng long. Và nơi chương cuối cuốn hồi ký Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi, xuất bản tại Hoa Kỳ (1990), Tạ Tỵ viết: “Trước khi đi tù cải tạo tôi cân được 62 kg, khi ra tù chỉ còn đúng 35 kg. Tôi gầy như bộ xương biết đi. Răng rụng gần hết, còn vài cái kể như vô dụng trong vấn đề ăn uống. Trong tờ “Giấy Ra Trại”, Cộng sản ghi lý do: “Quá già yếu, không còn đủ sức lao động”! Họ tha và tin rằng, thế nào tôi cũng chết, có thể trên đường về, và có thể gặp vợ con rồi xuống đất !” Nhưng rồi Tạ Tỵ vẫn sống sót. [1]
Tạ Tỵ là bạn thân thiết với Lê Ngộ Châu từ hồi báo Bách Khoa, nên hai người vẫn gặp nhau luôn. “Khi mới được tha về, Lê Ngộ Châu bảo tôi phải đi chụp gấp tấm ảnh làm kỷ niệm, kẻo sau này, nhờ dinh dưỡng cậu khác đi làm sao có được cái hình hài này? Tôi nghe lời, hôm sau đến tiệm hình chụp một tấm. Mấy bữa sau, khi nhìn mình qua tấm ảnh, chính tôi cũng không nhận ra! Sao tiều tụy như vậy được? Anh chị Châu làm bữa cơm thịnh soạn mời tôi, gọi là bữa cơm “Mừng Người Về Từ Cõi Chết.”[1]
Sau một thời gian ra tù, được sự chăm sóc tích cực của gia đình, sức khoẻ của anh dần hồi phục. Tạ Tỵ vẫn nuôi ý chí đi tìm tự do. Chuyến vượt biên đầu tiên, vào đầu năm 1982, mới xuống tới Bạc Liêu bị đổ bể may kịp quay về mà không bị bắt lại vào tù. Phải đến giữa năm 1982, cũng là lần vượt biên thứ hai, Tạ Ty cùng gia đình đã xuống được một chiếc ghe mong manh chật ních người, ra khơi ngày 12/6/1982, lênh đênh trên biển đúng bảy ngày, đến ngày 19/6/1982 được tàu dầu Anh quốc vớt đưa vào đảo Pulau Bidong, Malaysia. Từ đó Tạ Tỵ bắt đầu cuộc đời tỵ nạn ở tuổi 61.[1]
ĐÁY ĐỊA NGỤC: HỒI KÝ VIẾT TRÊN ĐẢO
Ngay từ ngày đặt chân lên đảo, Tạ Tỵ đã cầm bút ghi lại kinh nghiệm những năm tù đày kinh hoàng mà anh và các đồng đội vừa trải qua. Cuốn Hồi ký Đáy Địa Ngục, dày 678 trang được khởi viết ngày 25/9/1982 và viết xong ngày 15/12/1982 tại trại Tỵ Nạn chuyển tiếp Sungai Besi, Malaysia, được Nxb Thằng Mõ, California xuất bản năm 1985 và tái bản một năm sau đó. Ngay trang mở đầu cuốn Hồi ký, Tạ Tỵ viết:
Cuốn “Đáy Địa Ngục” được thực hiện trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, giữa những tiếng ồn ào, sinh động của một trại Tỵ Nạn trên vùng đất Mã Lai… Khoảng thời gian, từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, tính đến hôm nay, mới gần 8 năm. Quả thực không lâu so với cuộc luân hành miên viễn của thời gian, nhưng đích thực, đó là một chuỗi đau thương đan kết bằng máu và nước mắt của mỗi con người Việt Nam đã và đang sống trong một bối cảnh vô cùng khốn khổ trực diện với một chế độ mình không ưa thích, không muốn phục vụ, vẫn phải làm như nhiệt tình, thành khẩn!
Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam là một nhà tù lớn, bên trong nó, có rất nhiều nhà tù nhỏ, được quây kín sau dãy Trường Sơn trùng điệp, sau những lũy tre dày đặc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không một ký giả nào thuộc Thế Giới Tự Do, kể cả các ký giả thuộc các nước Cộng sản anh em, được “tham quan” những vùng đất cấm đó. Đối với Cộng sản, cái gì cũng được giữ bí mật tối đa, cái gì cũng được che giấu bằng dối trá, lừa bịp!
Tôi đã trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo, từ Nam ra Bắc. Tôi đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…
Người tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên “tấm thảm lương tri nhân loại”. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với họ, buổi sớm mai khi thức dậy, sau một đêm trằn trọc với ác mộng và muỗi rệp! Họ “ăn không đủ no, đói không đủ chết”, nên lúc nào miếng ăn cũng ám ảnh, giày vò họ, làm khổ sở, ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, không mùa nào họ có thể tìm thấy chút gì để tạo nên nguồn hy vọng. Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà tù trên Thế Giới!
… “Nhưng trang sử đã lật. Cái gì qua, phải qua. Nó là bài học vô cùng quý giá, miễn rằng bài học này đừng bao giờ ôn / lặp lại trong ngày mai.” [1] [hết trích dẫn]
Tạ Tỵ đã đặt chân tới Mỹ với tập bản thảo hồi ký Đáy Địa Ngục vừa được viết xong.
Tạ Tỵ và các thân hữu ở Little Saigon, hàng ngồi từ phải: Tạ Tỵ, Ngô Bảo; hàng đứng từ trái: Thanh Chương, Phan Diên, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Văn Định. [photo by Phạm Phú Minh, do Phạm Quốc Bảo nhận diện]
RA MẮT TUYỂN TẬP VĂN – THƠ – HOẠ TẠ TỴ 2001
Trong khoảng thời gian 21 năm sống tại California Hoa Kỳ, khi thì San Diego, khi thành phố Garden Grove, Tạ Tỵ tiếp tục sáng tác vẽ và viết; ông hoàn tất được một số tranh với phong cách trừu tượng và một số tác phẩm viết và xuất bản ở hải ngoại.
Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ của Tạ Tỵ là cuốn sách cuối cùng được xuất bản và ra mắt tại Hoa Kỳ. Sách gồm bốn tập truyện: Những Viên Sỏi,Yêu và Thù, Bao Giờ, Xóm Cũ, và một tập thơ Mây Bay, đặc biệt có 12 phụ bản màu: gồm 6 bức tranh Sơn Dầu Trừu Tượng, tất cả được vẽ tại Hoa Kỳ và 6 Ký hoạ Bột màu / Gouache các Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ.
*
Buổi ra mắt sách Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ Tạ Tỵ (2001) tại quán cà phê Factory rất đặc biệt và cực kỳ đơn giản của “lão ông Tạ Tỵ” ở tuổi 80 Quận Cam, Thủ đô Tỵ nạn – Little Saigon. [photo by Phạm Phú Minh]
*
Ký hoạ chân dung Văn Nghệ Sĩ của Tạ Tỵ; trái, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Gouache 19” x 24”; phải, nhà văn, nhà báo, học giả Hồ Hữu Tường, Gouache 19” x 24”. Sau 1975, cả hai bị Cộng sản bắt đi tù cải tạo, và khi vừa ra tù chỉ vài ngày sau đó thì chết, Vũ Hoàng Chương (6/9/1976) và Hồ Hữu Tường (26/6/1980). [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
**
Những bức tranh sơn dầu rất đẹp được vẽ tại hải ngoại theo phong cách trừu tượng của Tạ Tỵ, với bút pháp và màu sắc thật mạnh mẽ; trái, Trôi giạt, trừu tượng, sơn dầu 48” x 72” (1984); phải, Cơn Giận của Thượng Đế, trừu tượng, sơn dầu 48” x 72” (1985) [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
*
Trái, Ngày Hạ, trừu tượng sơn dầu 48” x 72” (1986); phải, Tạ Tỵ đứng trước bức tranh Những Mảnh Đời Tỵ Nạn, sơn dầu 48” x 60” (1995); có thể coi như bức tranh trừu tượng cuối đời của Tạ Tỵ. [nguồn: Tuyển Tập Tạ Tỵ 2001]
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ:
HOẠ SĨ TẠ TỴ VÀ GIẤC MỘNG CON NĂM 2000
Từ trước 1975, tôi đã được xem tranh, đọc thơ văn và cả sách nhận định văn học của Tạ Tỵ (Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, Nam Chi Tùng Thư Sài Gòn 1970, Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Lá Bối Sài Gòn 1972), và không thể quên các caricatures chân dung văn nghệ sĩ được Tạ Tỵ phác thảo với những đường nét hết sức độc đáo.
Nhưng tôi chỉ thực sự được quen anh Tạ Tỵ trên đất Mỹ từ những năm 1980, khi cả hai cùng một lứa bên trời lận đận, trong hoàn cảnh tỵ nạn sau những năm tháng tù đày. Tạ Tỵ cùng thế hệ với Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng… Về tuổi tác Tạ Tỵ hơn tôi một thế hệ, đúng 20 năm nhưng tâm hồn thì trẻ trung, và cả khiêm cung, nên trong giao tiếp tôi vẫn gọi Tạ Tỵ là anh.
*
Tác phẩm Mùa hè đỏ lửa 1972, (350 x 170 cm), vẽ theo phong cách trừu tượng, hiện treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Sài Gòn từ năm 1998. Khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam 2003, bức tranh được đổi tên Cất Cánh, đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của bảo tàng thành phố. [hình chụp tại Sài Gòn tháng 11/2019, tư liệu Ngô Thế Vinh]
Rồi Tạ Tỵ đã có dịp đọc “Giấc Mộng Con năm 2000” và anh nồng nhiệt chia sẻ với tôi về dự án một Công viên Văn hóa Việt Namở hải ngoại mà anh gọi đó là Giấc Mộng Lớn.
…
GIẤC MỘNG CON NĂM 2000
CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM. Người đàn ông nông dân ấy gốc lính cũ, hai mươi năm sau đã bước vào tuổi trung niên, chưa tới tuổi năm mươi nhưng cuộc sống lao động lam lũ khiến anh ta trông xanh xao và già sọm. Anh mất một bàn chân trái khi đã mãn lính do đạp phải mìn ngay trên ruộng nhà. Không cần là bác sĩ cũng biết là anh ta mang trên người đủ thứ bệnh tật: thiếu ăn suy dinh dưỡng, sốt rét kinh niên và thiếu máu. Tất cả sinh lực và nhân cách của anh là nơi đôi mắt sáng tuy hơi buồn nhưng luôn luôn nhìn thẳng vào mặt người đối diện. Hôm nay anh tới đây vì một lý do khác. Một mảng đen bầm nơi lưng không đau rỉ nước vàng từ bấy lâu, trị cách gì cũng không hết. Chầu chực lên trạm y tế huyện được y sĩ cách mạng cho ít viên thuốc tây, rồi đến thầy đông y cho bốc thuốc nam và cả châm cứu nữa mà bệnh thì vẫn không chuyển trong khi người anh cứ gầy rốc ra. Nay nghe có đoàn y tế thiện nguyện ở ngoại quốc về, anh cũng muốn tới thử coi, biết đâu anh lại được gặp ông thầy cũ – người y sĩ trưởng của anh năm nào. Và rồi anh chỉ gặp toàn những khuôn mặt trẻ lạ, nhưnganh vẫn cứ đưa lưng ra cho người ta khám. Một tiếng ồ rất đỗi kinh ngạc của cả toán. Tim người bác sĩ trẻ trưởng đoàn như lạc một nhịp. Không cần một chẩn đoán phứctạp, Toản nhận ra ngay đây là một dạng ung thư mêlanin ác tính – malignant melanoma, chắc chắn với di căn đã tràn lan. Dĩ nhiên căn bệnh có thể trị khỏi nếu phát hiện sớm; nhưng trường hợp này cho dù với phương tiện tiên tiến nhất trên đất Mỹ cũng đành bó tay. Chẳng phải là người bệnh mà là người thầy thuốc trẻ nói giọng buồn bã: Ông tới trễ quá, lẽ ra bệnh có thể trị khỏi… Bệnh nhân không tỏ vẻ bối rối, anh vẫn nhìn thẳng vào mặt người thầy thuốc, ánh mắt tím thẫm xuống vừa giận dữ vừa nghiêm khắc: Tới trễ? Chỉ có bác sĩ các ông là Những Người Tới Trễ chứ tôi cũng như mọi người dân vẫn ở đây từ bao giờ… Dứt khoát không chờ đợi một điều gì thêm ở đám thầy thuốc xa lạ ấy, anh quay lưng bước ra khập khễnh trên đôi nạng tre mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước, khắc khổ cam chịu và vẫn can trường như một người lính thuở nào.
*
Hội nghị Y sĩ Thế giới lần thứ 5 sẽ là một Đại hội Y Nha Dược. Với Chính đó là một tin vui biểu hiện sức mạnh đoàn kết của ngành y ở hải ngoại. Buổi họp cuối cùng ở Palo Alto kết thúc quá nửa khuya, sáng hôm sau như thói quen của người có tuổi, Chính vẫn dậy rất sớm chuẩn bị cho một ngày đi Las Vegas thăm con. Chỉ còn mấy tháng nữa Toản — đứa con trai lớn của Chính, hoàn tất bốn năm Thường trú Giải phẫu tổng quát. Sau đó nó sẽ đi New York học tiếp thêm bốn năm về giải phẫu bổ hình, một ngành mà đã có lần Toản cho là một số các bác bạn của bố đã tha hóa — prostitution of plastic surgery, biến thành kỹ nghệ sửa sắc đẹp nâng mũi đệm mông. Toản khỏe mạnh, cao lớn hơn bố, sống như một thanh niên sinh đẻ ở Mỹ, rất năng động xông xáo trong công việc cũng như giải trí vui chơi; suy nghĩ và hành động đơn giản. Không phải chỉ cách suy nghĩ mà cách đặt vấn đề của tụi nó cũng khác xa với thế hệ của Chính. Sinh đẻ ở Việt Nam sống ở nước ngoài, là công dân hạng nhất hay hạng hai, chưa bao giờ là một “issue” đối với nó.
Tuy chỉ có một ngày để cho hai bố con gặp nhau hàn huyên, nhưng Toản vẫn lái xe đưa bố lên một khu trượt tuyết rất xa khu giải trí Las Vegas. Toản tâm sự với bố là không phải tình cờ mà nó chọn đi về chuyên khoa bổ hình mà chủ yếu là phẫu thuật bàn tay. Chẳng phải chỉ vì Toản có tâm hồn nghệ sĩ, là tay chơi guitare classique có hạng mà nó biết quý bàn tay của nó. Với Toản chức năng đôi bàn tay là một biểu tượng vô cùng quý giá của cuộc sống lao động và nghệ thuật. Khác với bố và các bạn đồng lứa, Toản may mắn được trời cho đôi bàn tay vàng. Ông giáo sư dạy Toản đã phải thốt ra như vậy. Trong mọi trường hợp từ thông thường tới những “cas” mổ đầy thử thách, qua từng nét rạch đường cắt rất tiết kiệm, trường hợp nào cũng được đánh giá như là đạt tới mức nghệ thuật — “state of art”. Từ lâu Toản đã bị thuyết phục bởi tên của một bác sĩ chỉnh hình Anh Paul Brand, phục vụ tại Ấn Độ, người mà không phải chỉ với tài năng mà còn cả với niềm tin và sự tận tụy can đảm đã có nhiều cống hiến to lớn trong lãnh vực phẫu thuật phục hồi bàn tay cho người bệnh Hansen, đem lại hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên khắp thế giới. Toản đã thích thú theo dõi các công trình của Brand trong suốt bốn thập niên qua. Gần đây Toản cũng đã vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được đọc một cuốn sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại của một linh mục nói về thực trạng bi thảm của những trại cùi ở quê nhà nhất là ở miền Bắc. Toản tâm niệm sẽ không phải Brand hay một bác sĩ ngoại quốc nào khác mà chính Toản và các bạn sẽ là thành viên của Chiến dịch Phục hồi Hy vọng — Mission Restore Hope. Toản mơ một giấc mơ năm 2000, bệnh Hansen không còn là vấn đề y tế công cộng nơi quê nhà.
Toản tâm sự với bố là gần đây đã liên tiếp nhận được những thư và các cú điện thoại mời mọc từ Colorado, Boston, Houston để về làm việc tại Á châu, ưu tiên là ở Việt Nam với những điều kiện hết sức hấp dẫn: lương khởi đầu 6 digits nghĩa là trên trăm ngàn đô la một năm, đi kèm theo bao nhiêu những bảo đảm quyền lợi khác kể cả không phải đóng thuế khi làm việc ở hải ngoại. Toản có thái độ dứt khoát: nếu chỉ vì mục đích làm giàu, con chẳng cần phải trở về Việt Nam. Họ cũng cho con biết đã có những phái đoàn Bác sĩ Mỹ gốc Việt, không phải chỉ có nhóm lớn tiếng ồn ào như Lê Hoàng Bảo Long mà còn những toán khác “có đầu óc hơn” âm thầm lặng lẽ đi về chuẩn bị cho mạng lưới y tế thị trường này. Cơ sở đầu tiên sẽ là bệnh viện Thống Nhất, sẽ được tân trang và upgrade đúng tiêu chuẩn Mỹ và bác sĩ hoàn toàn được đào tạo tại Mỹ. Không có gì thay đổi là bệnh viện ấy vẫn ưu tiên điều trị cho các cán bộ cao cấp. Chỉ có khác và “đổi mới” cho phù hợp với kinh tế thị trường, đây còn là nơi chữa trị cho khách ngoại quốc có bảo hiểm giàu tiền bạc thuộc bốn biển năm châu. Nam Triều Tiên có, Tàu Đài Loan có, Tàu Hồng Kông có, Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, có đủ cả. Làm sao bảo đảm sức khỏe cho họ với tiêu chuẩn cao nhất để họ yên tâm khai thác làm ăn và cả hưởng thụ trên khắp ngõ ngách của Việt Nam từ ải Nam quan cho đến mũi Cà Mau. Và đây cũng là món lợi nhuận béo bở không phải chỉ có các hãng bảo hiểm Mỹ đang muốn nhảy vào mà phải kể tới đám bác sĩ Mỹ gốc Việt cũng đang nao nức rất muốn “về giúp Việt Nam”. Chưa qua tuổi 30, Toản suy nghĩ trong sáng độc lập và tự tin trên bước đường dấn thân của nó. Không hẳn là Chính đã đồng ý, nhưng lại rất hiểu tính cứng cỏi độc lập của con, Chính không muốn có lần đụng độ thứ hai giữa hai bố con. Chính tạm yên tâm khi thấy con mình cho dù với chọn lựa nào cũng thôi thúc bởi những động lực trong sáng, nó không thể lẫn vào đám người cơ hội. Và theo một nghĩa nào đó, Chính thấy hơi ganh tỵ với tuổi trẻ và sự cả tin đến trong suốt của con; rồi cho đó như một ý nghĩ kỳ quái anh lắc đầu tự mỉm cười khi một mình lái xe đổ dốc trên con đường về…
Hơn một lần viếng thăm Cali, nhưng mỗi chuyến đi đều đem lại cho Chính những cảm tưởng đổi mới của những cộng đồng Việt Nam rất sinh động. Thay vì chỉ hơn một giờ bay, Chính đã quyết định thuê một chiếc xe của hãng Hertz từ phi trường, đích thân lái từ Palo Alto về tới Little Saigon. Chuyến đi hướng về một thành phố trẻ trung của tương lai nhưng cũng lại là một cuộc hành trình ngược về quá khứ nhìn lại khoảng thời gian đã mất. Anh nghĩ cho dù trong bối cảnh lạnh lùng của thực tế chính trị, đương đầu với những vấn đề của Việt Nam tương lai ở ngưỡng cửa thế kỷ 21, không phải chỉ có vận dụng bộ óc mà phải là sự hoà hợp với rung động của con tim. Quỷ dữ không chỉ là bóng ma cộng sản mà ngay chính cõi lòng sao vẫn cứ chai đá của chúng ta.
Tuy chỉ là câu nói đùa của Thiện nhưng sao vẫn cứ ám ảnh Chính mãi. Rằng nếu có tên quá khích điên khùng bắn chết Lê Hoàng Bảo Long, chắc Little Saigon sẽ buồn bã biết chừng nào. Chắc rồi cũng phải tìm cho ra một Lê Hoàng Bảo Long thứ hai. Không có chống cộng thì còn đâu là sự sinh động của Little Saigon. Chỉ có điều cộng sản thì ẩn hiện, lúc nào mục tiêu cũng di động và xảo quyệt, vô hình trung bọn chúng đã khiến các tay xạ thủ chống cộng cũng di chuyển để rồi tự nguyện sắp theo đội hình vòng tròn tự lúc nào và dĩ nhiên ngay từ loạt súng đầu tiên tổn thất có thể kiểm kê được là nơi chính các đồng bạn… Chính có dự định sẽ gặp Thiện — tác giả của Project 2000, nhằm kết hợp toàn y giới ở hải ngoại mà Chính cho là táo bạo và hấp dẫn với quan niệm “vận dụng và chuyển hoá tài lực của thế giới thành tài lực của Việt Nam, khai thông những hưng thịnh của thế giới chuyển đổ về quê hương, thực hiện vận mạng Việt Nam bằng những phương tiện của thế giới”… Dự trù hình thành một tổ hợp vô vị lợi, mỗi y nha dược sĩ đóng 2000 Mỹ kim như một phần khấu trừ thuế rất nhỏ trong phần thuế khóa rất lớn mà họ đóng góp hàng năm trên các vùng đất tạm dung đang cưu mang họ, thì với một ngàn người tham gia số tiền hành sự đã lên đến hai triệu đô la tiền mặt, với tiềm năng ấy thì không có việc gì mà Hội y nha dược Thế giới không làm được, từ đáp ứng tức thời như cứu trợ đồng bào nạn nhân trong bạo loạn ở Los Angeles, nạn nhân bão lụt thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long, đến các công trình dài hạn như xây dựng Convention Center – Nhà Văn hoá Công viên Việt Nam cạnh thủ đô Little Sài gòn, tham gia dứt điểm một dự án y tế của OMS thanh toán bệnh Hansen ở Việt Nam vào năm 2000… Chính thấy rằng chỉ ngay trong trái tim Tiểu Sài Gòn ấy giữa đa số thầm lặng đã có biết bao nhiêu người có lòng có cái tâm thành: ông Đại tá chỉ huy đơn vị cũ với thành tích 14 năm tù mới sang được tới Mỹ trong tình trạng sức khỏe suy kiệt chẳng biết lo thân đã ngồi viết ngay thư đầu tiên liên lạc với Chính yêu cầu anh với uy tín sẵn có giúp ông vận động dựng lại được bức tượng Thương Tiếc để mọi người không quên những người lính đã chết. Tiến người bạn đồng môn, gốc tráng sinh Bạch Mã chỉ có hai niềm say mê: phục hồi phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại cho giới trẻ và thiết lập một bệnh viện Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ. Nguyễn lớp đàn anh của Chính, tuổi ngót 60 rồi mà vẫn còn độc thân, vẫn bền bỉ trong bấy nhiêu năm liền là người bạn thiết tận tụy của thuyền nhân và cũng là thầy thuốc miễn phí của giới văn nghệ sĩ các gia đình H.O. Liên một bác sĩ muộn màng mới từ đảo qua đang sống mái ngày đêm đèn sách để trở lại hành nghề nhưng vẫn tích cực mơ ước thực hiện một tượng đài vĩ đại Mẹ Bồng Con lao vào đại dương theo nước non ngàn dặm ra đi — biểu tượng cho một cuộc di dân khổng lồ của hai triệu người Việt đi khai sinh một siêu Việt Nam trong lòng thế giới… Và còn biết bao nhiêu, bao nhiêu những điển hình và ý nghĩ tốt đẹp khác nữa, vậy mà — Chính tự hỏi, tại sao anh và các bạn vẫn lạc nhau trong bóng đêm của “kiêu khí, đố kỵ và mê chướng”, lại vẫn theo ngôn từ của Thiện.
Bao nhiêu chục năm rồi, Chính vẫn là con người trăn trở, vẫn là trí thức chứng nhân của những bi kịch của một thời nhiễu nhương và lừa dối hào nhoáng. Giữa rất nhiều ồn ào và tiếng động của ngôn từ sa đọa và những thực tế chính trị giả dối, nhiều lúc Chính cũng muốn tĩnh lặng, từ bỏ những suy nghĩ khúc mắc, chỉ làm khổ chính anh và cảm tưởng như cũng chẳng ích gì cho ai; nhưng như vậy thì anh đâu còn là Chính nữa. Trước sau anh vẫn là anh, con người của xác tín. Dùng ngôn từ của điện toán, thì con người anh đã được thảo chương –– programmed, chẳng thể nào mà nói đến chuyện đổi thay, chỉ có thể anh sẽ nhạy cảm hơn, chấp nhận đối thoại với những khác biệt mà anh tin rằng vẫn có thể có đoàn kết, cho dù đó là một liên kết nhiều màu sắc — rainbow coalition, và theo anh sự đa dạng chính là chất men của sáng tạo. Anh hiểu rằng số người còn theo và ủng hộ anh ngày càng ít đi. Không ra mặt chống anh nhưng họ tách ra và mỗi người chọn đi theo hướng riêng của họ. Riêng anh chắc hẳn rằng trong suốt phần cuộc đời còn lại, anh sẽ vẫn cứ đi trên con đường thẳng băng đã vạch ra cho dù quạnh quẽ. Sự mau quên và thỏa hiệp của những người Việt hải ngoại — mà anh cho là thương tổn tới nhân cách chính trị và quyền tỵ nạn của họ, cộng thêm với sự vui mừng quá độ của người dân trong nước trước những điều được gọi là “đổi mới” chỉ làm cho anh thêm đau lòng. Rồi ra ai thì cũng tìm cách thích nghi để mà tồn tại, cuộc sống ngồn ngộn bản năng thì vẫn cứ dễ dàng thay da đổi màu và bừng bừng đi tới. Số rất ít người cứng rắn nguyên tắc và nhất quán như anh hình như đang có nguy cơ trở thành một chủng loại hiếm hoi sắp bị tiêu diệt — endangered species. Chính còn lại bà mẹ già bên Việt Nam, mái tóc đã trắng bạc như sương. Anh mơ một giấc mơ đơn giản, cũng chỉ mong đất nước thanh bình để kịp về thăm mẹ, về thăm ngôi làng cũ, ngắm đàn trẻ thơ nô đùa nơi sân trường làng, và hạnh phúc biết bao nhiêu khi được trở lại khám bệnh chăm sóc cho những nông dân thân thuộc bao giờ cũng đôn hậu và chất phác mà y phí có khi chỉ là một nải chuối, ít trái cây hay mấy hột gà tươi. Ước mơ có gì là cao xa đâu nhưng sao vẫn ở ngoài tầm tay và có vẻ như còn rất xa vời. Bởi vì anh vẫn dứt khoát tự nhủ lòng mình anh sẽ không thể và không bao giờ trở lại quê hương như một kẻ bàng quan, một khách du lịch hay tệ hơn nữa như một tên mại bản với xênh xang áo gấm về làng. Mặc dầu rất muốn gặp mẹ nhưng anh vẫn không thể nào về với tâm cảnh và ngoại cảnh bây giờ.
Kể từ giữa thập niên 70, cùng với sự sụp đổ của miền Nam, là một làn sóng ồ ạt dân tỵ nạn Đông Dương rải ra khắp nước Mỹ, nhưng đông đảo nhất vẫn là tiểu bang Cali. Khó khăn của những người tới sớm không phải là ít. Từ ngoài các căn cứ Pendleton, Fort Chaffee không phải chỉ có những bảo trợ người Mỹ giàu lòng bác ái tới giúp đỡ họ mà cả không thiếu những người điạ phương kỳ thị thù ghét trù ẻo và muốn đuổi họ về nước. “We Don’t Want them, May They Catch Pneumonia And Die…”. Và trong đám người tỵ nạn ấy đã có các đồng nghiệp của Chính. Cho tới nay con số bác sĩ Việt Nam lên tới 2000 chỉ riêng ở Mỹ, chưa kể một số không ít khác sống ở Canada, Pháp và Úc châu và một số nước khác. Hơn 2500 bác sĩ trên tổng số 3000 của toàn miền Nam đã thoát ra khỏi xứ, không khác một cuộc tổng đình công của toàn ngành y tế, liên tục kéo dài từ 75 tới nay. Chính cũng biết rất rõ anh là một trong số ít người đã vận động và lãnh đạo một cách có hiệu quả cuộc đình công dài bất tận một cách không tiền khoáng hậu ấy.
Chính sẽ lần lượt ghé thăm: San Jose thung lũng điện tử hoa vàng, Los Angeles thành phố thiên thần nhưng lại sắp kết nghĩa với thành phố mang tên Hồ Chí Minh, Orange thủ đô tỵ nạn chống cộng với Sài Gòn Nhỏ và San Diego nơi nổi tiếng khí hậu tốt nhất thế giới – đều là những nơi có đông đảo người Việt, và con số ấy tiếp tục gia tăng không phải chỉ bởi những người mới tới; mà còn do hiện tượng “di dân lần thứ hai” của những người Việt đã tới sinh sống ở những tiểu bang khác, cuối cùng rồi cũng lựa chọn trở về Cali nơi có nắng ấm, có khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam như ở Đà lạt, họ nói với nhau như thế.
Tiêu chuẩn hoá, đó là đặc tính rất Mỹ. Thành phố lớn nhỏ nào ở Mỹ thì cũng rất giống nhau, với những trạm xăng, các siêu thị và những tiệm fast food McDonald’s. Đi vào những phố chợ Việt Nam sầm uất ngay trên đường Bolsa là thấy những tiệm phở, các siêu thị lớn nhỏ, phòng mạch bác sĩ, hiệu thuốc tây, các văn phòng luật sư và dĩ nhiên cả những tòa báo.
Các đồng nghiệp của Chính đã có mặt ngay từ đầu trong số đông đảo những người tới sớm. Họ biểu tượng cho một tập thể trí thức khoa bảng, được sự giúp đỡ của chương trình tỵ nạn như mọi người, đa số đã mau chóng trở lại hành nghề trong những điều kiện hết sức thuận lợi. Sau đó phải chi ai cũng có trí nhớ tốt về những cảm xúc đầu tiên khi dứt bỏ hết mọi thứ bất kể sống chết ra đi. Chính còn nhớ như in về những ngày ở trên đảo, Ngạn đã nhiều lần tâm sự là chỉ mong có ngày đặt chân tới Mỹ. Anh chẳng bao giờ còn mơ ước tới một nơi nào xa hơn nữa, cũng chẳng hề có cao vọng trở lại nghề cũ. Mà hạnh phúc, nếu có, là được hít thở không khí tự do, được sống như một con người và được khởi sự lại từ đầu, gây dựng mái gia đình bằng sức lao động của tay chân, hy sinh cho tương lai thế hệ những đứa con. Nhưng sự thể lại tốt hơn với mong đợi, chính Ngạn bằng trí thông minh nghị lực làm việc và dĩ nhiên cả may mắn nữa, chỉ trong một thời gian ngắn anh là một trong số những người trở lại hành nghề rất sớm. Là bác sĩ ở Mỹ có nghĩa là đã thuộc vào thành phần xã hội trung lưu trên cao, địa vị hoàn cảnh của họ là ước mơ ngay cả đối với rất nhiều người dân Mỹ bản xứ. Nhưng Ngạn và một số người khác đã không dừng lại ở đó. Và điều gì phải đến đã đến. Hậu quả là một cuộc ruồng bố được mệnh danh là “gian lận y tế lớn nhất trong lịch sử tiểu bang Cali”. Để trở thành tin tức hàng đầu nơi trang nhất của báo chí và các đài truyền hình khắp nước Mỹ. Mới chín năm từ ngày sụp đổ cả miền Nam đang còn là một cơn ác mộng chưa nguôi, biến cố tháng Hai 1984 là một cơn mộng dữ thứ hai nhưng với bản chất hoàn toàn khác. Chưa bao giờ hai chữ Việt Nam lại được nhắc tới nhiều như thế trong suốt tuần lễ. Cũng chưa bao giờ quá khứ bị đối xử tàn nhẫn đến như thế. Cảnh tượng hàng loạt bác sĩ dược sĩ trong đó có Ngạn bị các cảnh sát sắc phục còng tay ngoài đường, bêu trước nắng gió đã bị báo chí Tivi Mỹ khai thác triệt để. Ai cũng cảm thấy bị thiệt hại về mặt thanh danh, cộng thêm với những cảm giác bất an và sợ hãi. Rõ ràng sau đó đã có một làn sóng nguyền rủa của người dân bản xứ nhắm chung vào người Việt tỵ nạn. Trong các xưởng hãng, bọn sỗ sàng trực tiếp thì xách mé gọi các đồng nghiệp Việt Nam là đồ ăn cắp, hoặc gián tiếp hơn họ cắt những bản tin với hình ảnh đăng trên báo Mỹ đem dán lên tường chỗ có đông các công nhân Việt Nam làm việc. Những người dân Việt bình thường lương thiện, tới Mỹ với hai bàn tay trắng, đang tạo dựng lại cuộc sống từ bước đầu số không, bằng tất cả ý chí và lao động cần mẫn của đôi bàn tay, nay bỗng dưng trở thành nạn nhân oan khiên của kỳ thị và cả khinh bỉ. Có người uất ức quá đã phải la lên: hỡi các ông trí thức khoa bảng ơi, ngay từ trong nước bao giờ và ở đâu thì các ông cũng là người sung sướng, sao các ông không có mặt ở đây để nhận lãnh sự nhục nhã này… Chuyện xảy ra đã hơn mười năm rồi mà vẫn tưởng như mới hôm qua, như một flashback nặng nề diễn ra trong đầu óc Chính. Hiện giờ anh cố chủ động thoát ra khỏi những ngưng đọng của ký ức về một giai đoạn bi ai quá khứ. Đưa tay bấm nút tự động hạ mở kính xe, gió biển thổi cuộn vào trong lòng xe vỗ phần phật. Trời xanh biển xanh, vẫn màu xanh thiên thanh ấy, có gì khác nhau đâu giữa hai bờ đại dương này. Khổ hải vượng dương, hồi đầu thị ngạn. Ở đâu thì nỗi khổ cũng mênh mông, nhìn lại chẳng thấy đâu là bờ. Con đường 101 dọc theo bờ biển Thái Bình dương lúc này lại gợi nhớ Quốc lộ 1 bên kia đại dương trên đất nước thân yêu của chàng. Vẫn những giọt nước ấy là nước mắt và làm nên biển cả, những dải cát sáng long lanh như thủy tinh, những ruộng muối trắng, những hàng dừa xanh. Quê hương của trí nhớ đó sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu nếu không có những khúc phim hồi tưởng của “dọc đường số 1”, của “đại lộ kinh hoàng”, của “những dải cát thấm máu” ở những ngày cuối tháng Ba 1975.
Little Saigon vẫn được coi là thủ đô của những người Việt tỵ nạn. Theo nghĩa nào đó là một Sài Gòn nối dài. Nếu khảo sát về địa dư chí, thì như một điều trớ trêu của lịch sử, tên người Việt Nam đầu tiên đến ở quận Cam rất sớm này lại là một người Việt xấu xí — có tên là Phạm Xuân Ẩn, một đảng viên cộng sản. Bề ngoài anh ta là một ký giả của tuần báo Times trong suốt 10 năm, nhưng điều mà không ai được biết là từ lâu anh vốn là một điệp viên cao cấp của Hà Nội. Ẩn đã từng được học bổng của Bộ Ngoại giao đi du học tại Mỹ vào cuối những năm 50, học xong Ẩn đi tham quan khắp nước Mỹ rồi trở về sống ở quận Cam; sau đó trở lại Sài Gòn làm cho hãng thông tấn Reuters của Anh, rồi tuần báo Times của Mỹ cho tới những ngày cuối của miền Nam. Mãi sau này người ta mới được biết Ẩn đã gia nhập phong trào Việt Minh rất sớm từ những năm 40, khởi từ vai trò một giao liên chẳng có gì là quan trọng để rồi cuối cùng trở thành một điệp viên chiến lược qua mắt được bao nhiêu mạng lưới CIA với danh hiệu phóng viên rất an toàn của một tờ báo Mỹ uy tín… Hiện giờ đã có tới khoảng ba trăm ngàn người Việt đang chiếm chỗ của Ẩn trước kia. Còn riêng Ẩn thì lại đang sống lặng lẽ ở Sài Gòn, tiếp tục là chứng nhân cho cuộc cách mạng thất bại mà Ẩn đã trung thành và toàn tâm phục vụ trong suốt hơn 40 năm. Trở về với thực tại của quận Cam hôm nay, nếu Ẩn có dịp trở lại đây chắc cũng chẳng thể nào nhận ra chốn cũ. Biến từ một khu phố chết với những vườn cam xác xơ, nay trở thành một Sài Gòn Nhỏ trẻ trung và sầm uất. Con em của những người Việt mới tới, ngay từ thế hệ di dân thứ nhất đã rất thành công trong học vấn và nâng tiêu chuẩn giáo dục địa phương cao thêm một bước mới. Chúng tốt nghiệp từ đủ khắp các ngành. Hơn cả giấc mộng Đông Du, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy hai thập niên, nước Việt Nam tương lai có cả một đội ngũ chuyên viên tài ba để có thể trải ra cùng khắp.
Trong kiếp sống lưu dân, chưa làm được gì trực tiếp cho quê hương nhưng Chính vẫn có thể mơ một Giấc Mộng Con Năm 2000. Trải qua bao nhiêu hội nghị, Chính có cảm tưởng anh và các bạn vẫn như những người không nhà cho dù các nơi tạm trú đều là những đệ nhất khách sạn không dưới bốn sao. Chuyến đi thực tế này, dự định rằng là bước khởi đầu vận động hình thành không phải chỉ là một mái nhà cho hội y sĩ, mà bao quát hơn là một convention center, một toà Nhà Văn hoá, một Viện Bảo tàng, một Công viên Việt Nam. Đó phải là công trình biểu tượng có tầm vóc, sẽ được thực hiện ưu tiên qua từng giai đoạn. Nếu nghĩ rằng ngôi Đình là biểu tượng cho cái thiện của làng, thì khu Công viên Văn hoá ấy là biểu tượng cho cái gốc tốt đẹp không thể thiếu của các thế hệ di dân Việt Nam từ những ngày đầu đặt chân tới lục địa mới của cơ hội này. Nó sẽ như một mẫu số chung rộng rãi cho một cộng đồng hải ngoại đang rất phân hóa, giúp đám trẻ hãnh tiến hướng Việt tìm lại được cái căn cước đích thực của tụi nó. Dự phỏng rằng Công viên Văn hóa sẽ được thiết lập trong vùng tây nam Hoa kỳ, tọa lạc trên một diện tích rộng lớn phía bờ nam của xa lộ 22 và 405 tiếp giáp với khu Little Saigon. Đó là nơi có khả năng giới thiệu một cách sinh động những nét đặc thù của văn hóa Việt qua những bước tái thể hiện các giai đoạn lịch sử hào hùng và cả bi thảm của dân tộc Việt từ buổi sơ khai lập quốc. Đây không phải thuần chỉ là công trình của một Uỷ ban Đặc nhiệm, gồm tập hợp những tinh hoa trí tuệ của mọi ngành sinh hoạt. Đó phải là một công trình của toàn thể những người Việt tự do ở hải ngọai, không phân biệt màu sắc cá nhân phe nhóm. Bước khởi đầu đơn giản chỉ một đô la cho mỗi đầu người mỗi năm, thì chúng ta đã có hơn một triệu Mỹ kim cộng thêm với hai triệu Mỹ kim nữa của Hội y nha dược, Hội chuyên gia và các giới doanh thương. Sẽ không phải là nhỏ với ba triệu đô la mỗi năm để làm nền móng khởi đầu cho Dự Án 2000 ấy. Ngũ niên đầu là giai đoạn sở hữu một khu đất đủ lớn cho nhu cầu quy hoạch Công viên Văn hoá với một convention center là công trình xây cất đầu tiên: đó như một cái nôi cho sinh hoạt cộng đồng văn hoá và nghệ thuật. Chính cứ vẫn phải nghe một điệp khúc đến nhàm chán rằng người Việt Nam không đủ khả năng tạo dựng những công trình lớn có tầm vóc. Viện cớ rằng do những cuộc chiến tranh tàn phá lại cộng thêm với khí hậu ẩm mục của một Á châu nhiệt đới gió mùa, đã không cho phép tồn tại một công trình nhân tạo lớn lao nào. Nhưng bây giờ là trên đất nước Mỹ và Chính muốn chứng minh điều đó không đúng. Yếu tố chính vẫn là con người. Làm sao có được một giấc mơ đáng gọi là giấc mơ. Để rồi cái cần thiết là chất xi măng hàn gắn và nối kết những đổ vỡ trong lòng… Chính đã hơn một lần chứng tỏ khả năng lãnh đạo một tập thể trí tuệ nhất quán không làm gì trong suốt hai thập niên qua; bây giờ thì anh đang đứng trước một thử thách ngược lại, vận dụng sức mạnh cũng của tập thể ấy để phải làm một cái gì nếu không phải ở trong nước thì cũng ở hải ngoại, trong một kế hoạch ngũ niên cuối cùng của thế kỷ trước khi bước sang thế kỷ 21. Một ngũ niên có ý nghĩa của kế hoạch và hành động thay vì buông xuôi.
Chỉ qua một vài bước thăm dò, Chính cảm nhận được ngay rằng quả là dễ dàng để mà đồng ý với nhau khỏi phải làm gì. Nhưng vấn đề bỗng trở nên phức tạp hơn nhiều khi bước vào một dự án cụ thể đòi hỏi sự tham gia và đóng góp của mỗi người, kéo theo bao nhiêu câu hỏi “tại sao và bởi vì” từ ngay chính những người bạn tưởng là đã rất thân thiết của anh đã cùng đi với nhau suốt một chặng đường. Hội nghị Palo Alto sẽ là một trắc nghiệm thách đố không phải của riêng anh mà là của toàn thể y giới Việt Nam hải ngoại.
Thay vì đứng ngoài bàng quan, hội Y sĩ Thế giới sẽ tiên phong trực tiếp tham gia ngay từ bước đầu hình thành Công viên Văn hoá ấy. Đó là một chuẩn bị thao dượt, như một ấn bản gốc cho mô hình của Viện Bảo tàng Chiến tranh Việt Nam của ISAW. Người Mỹ có dự án ISAW (Institute for the Study of American Wars) thiết lập một Quảng trường Hào hùng tại Maryland gồm một chuỗi viện bảo tàng liên quan tới bảy cuộc chiến tranh, mà người Mỹ đã trực tiếp can dự kể từ ngày lập quốc. Dĩ nhiên trong đó có chiến tranh Việt Nam, cũng là cuộc chiến tranh duy nhất có chính nghĩa mà miền Nam Việt Nam và Mỹ đã bị thua. Cung cấp dữ kiện đi tìm đáp số cho những câu hỏi vấn nạn tại sao sẽ phải là nội dung của viện bảo tàng tương lai này. Hai triệu người thoát ra khỏi nước bằng một cuộc di dân vĩ đại, họ không thể chấp nhận cuộc thất trận lần thứ hai khác lâu dài và vĩnh viễn tại Valor Park với lặp lại những gian dối lịch sử cũng vẫn do người cộng sản chủ động sắp xếp. Không phải chỉ là vấn đề ai thắng ai; nhưng đó là nhân cách chính trị của hai triệu người di dân tỵ nạn đang phấn đấu cho một thể chế chính trị tự do nơi quê nhà. Và Chính quan niệm những bước hình thành khâu Viện Bảo tàng Việt Nam tại ISAW phải được khởi đầu từ dự án khu Công viên Văn hoá Việt Nam năm 2000 ngay giữa thủ đô tỵ nạn. Đó là một phác thảo và chọn lọc tất cả các hình ảnh tài liệu và chứng tích của các giai đoạn Việt Nam tranh đấu sử. Đó là nơi giúp thế hệ trẻ hướng Việt tìm lại khoảng thời gian đã mất, giúp chúng hiểu được tại sao chúng lại hiện diện trên lục địa mới này.
Giữa hai bố con Chính đang âm thầm diễn ra tranh chấp về trận địa của những giấc mơ. Giấc mơ của Toản thì xa hàng vạn dặm mãi tận bên quê nhà. Giấc mơ nào là không thể được, bên trong hay bên ngoài? Hiện thực của giấc mơ nào đi nữa không phải chỉ do hùng tâm của một người mà là ý chí của cả một tập thể cùng nhìn về một hướng, cùng trông đợi và ước ao niềm vui của sự thành tựu. Riêng Chính thì đang ao ước không phải để có một ngôi đền thờ phụng, mà là một mái ấm của Trăm Họ Trăm Con, nơi ấy sưu tập và lưu trữ những giá trị của quá khứ, nơi hội tụ diễn ra sức sống sinh động của hiện tại, và là một điểm tựa thách đố hướng về tương lai, chốn hành hương cho mỗi người Việt Nam đang sống bất cứ ở đâu trong lòng của thế giới. NGÔ THẾ VINH – Little Saigon, 01/1995
…
Trái, thư viết ngày 1/2/1995; phải, nhà văn Ngô Thế Vinh nhìn bởi Tạ Tỵ Garden Grove, California, Jan 1996. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Trong một thư riêng gửi đi từ Garden Grove ngày 1/2/1995, anh Tạ Tỵ viết:
Anh Ngô Thế Vinh,
Trước hết, nhân dịp đầu năm mới Ất Hợi, tôi xin gửi đến anh cũng như gia đình, một năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiều may mắn, sau, xin chân thành cám ơn anh đã có lòng quý mến mà gửi cho tập bản thảo “Giấc mộng LỚN năm 2000”.
“Tôi chia sẻ rất nhiều với anh về những điều anh viết, dù rằng tuổi tôi đã cao, cái sự “nhìn thấy những điều mình mơ ước” chắc cũng khó mà thực hiện, nhưng đó cũng chẳng sao, vì tất cả đều cho mai sau và cái “mai sau” đó so với sự luân chuyển của thời gian cũng như lịch sử nó chẳng đáng gì. Ngọn lửa đã nhúm lên rồi, chỉ cần có thêm nhiều nguyên liệu tạo nên sự bùng cháytrường kỳ trong lòng mỗi người tỵ nạn có tâm huyết, bất luận trí thức hay bình dân. Mong lắm thay!Hy vọng, hy vọng và hy vọng! Mong anh đừng bao giờ để có người nói: “Các ông là những người đến muộn.”
Anh Tạ Tỵ cũng đã hào hứng hứa hẹn, là khi Công Viên Văn Hoá ấy hình thành, anh sẽ tặng bộ sưu tập tranh quý giá của anh, cùng với một bức tranh tường Mural 5m x 3m “Gửi Cho Thế Hệ Mai Sau”.
*
Trái, thư viết ngày 29/2/2000: Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải luỵ phà!…; phải, thư viết ngày 27/7/2000: Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình? Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời [tư liệu Ngô Thế Vinh]
San Diego, Feb 29, 2000
Thân gửi Anh Ngô Thế Vinh,
Rất cám ơn anh đã gửi cho 2 số báo Đi Tới. Nhìn qua, tuy chưa đọc nhưng đã thấy rất có giá trị về phương diện Sử học và Địa lý. Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà!…
Hôm nào rảnh rỗi mời anh xuống dưới San Diego, anh em mình tiếp nối giấc mơ café, ngồi nhìn ra biển, ở một quán nào đó chưa biết! Riêng anh, luôn luôn khoẻ mạnh, viết nhiều. Tạ Tỵ
Nhưng rồi, khá bất ngờ vào ngày 27/7/2000 từ San Diego cũng trong một thư riêng khác anh Tạ Tỵ cho biết quyết định sẽ về sống ở Việt Nam.
San Diego, July 27, 2000
Thân gửi Anh Ngô Thế Vinh,
Trước hết, xin gửi nơi đây lời cầu chúc anh cùng gia đình luôn luôn an mạnh.
Sau, xin báo tin để anh được biết đến tháng 10 này [năm 2000], chúng tôi sẽ về Việt Nam để sống… chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết trước cái gì sẽ xảy ra cho đời mình? Nhưng dù sao tôi cũng muốn được an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Nếu có dịp nào, anh gặp anh Bùi Khiết, anh cho tôi gửi lời thăm anh ấy. Anh Khiết là người bạn tốt, rất tốt với tôi. Chúc anh sáng tác được nhiều tác phẩm hay để đời thế là tôi vui rồi. Về Việt Nam, tôi vĩnh viễn rửa tay gác bút, chờ ngày đi vào cõi Hư Không. Nhớ các anh lắm. Tạ Tỵ
Dù anh Tạ Tỵ đã có quyết định về sống ở Việt Nam từ tháng 7 năm 2000, nhưng rồi lần lữa thêm 3 năm nữa vì lý do sức khoẻ và chăm sóc y tế. Tới năm 2003, sau khi vợ anh mất, Tạ Tỵ đã một mình âm thầm trở về Sài Gòn, sống những tháng ngày cuối đời, cũng vẫn trong căn nhà cũ, cùng với gia đình người con gái út Tạ Thuỳ Châu.
Chỉ một năm sau, anh Tạ Tỵ mất, ngày 24 tháng 8 năm 2004, hưởng thọ 83 tuổi. Bạn bè văn nghệ cũ còn ở lại Sài Gòn đều tới tiễn đưa anh. Đặc biệt có thêm một vòng hoa viếng của Đinh Cường từ Mỹ, do Dương Nghiễm Mậu – cũng là người anh em cột chèo với Đinh Cường đại diện đem tới.
Anh Tạ Tỵ đã toại nguyện, anh được an nghỉ nơi quê nhà, “tấm thân tứ đại” của anh được hỏa táng để trở về với cát bụi, nhưng tên tuổi Tạ Tỵ và các tác phẩm của anh thì vẫn trường tồn trong suốt dòng chảy của văn hóa dân tộc.
CON CÁ HỒI VỀ NGUỒN
Tạ Tỵ là hình ảnh con cá Hồi dũng mãnh sau những tháng năm vẫy vùng ngoài đại dương, đến cuối đời sức cùng lực kiệt, vẫn với một bộ nhớ không suy suyển, để từ biển rộng trở lại con sông dài, bất chấp những ghềnh thác, chỉ để được trở về nguồn – nơi mảnh đất có tên gọi rất thiêng liêng là Việt Nam, nơi anh đã được sinh ra và lớn lên, nơi vẫn còn đó những con người đã từng đày ải anh tới “đáy địa ngục” nhưng rồi bất kể những gì có thể xảy ra cho anh, con cá hồi Tạ Tỵ cũng đã trở về nơi quê hương cội nguồn.
*
Tạ Tỵ là hình ảnh con cá Hồi sau những tháng năm vùng vẫy ngoài đại dương, đến cuối đời sức cùng lực kiệt, vẫn với một bộ nhớ không suy suyển, đã bất chấp những ghềnh thác, để từ biển rộng trở lại con sông dài, chỉ để được trở về nguồn.
NGÔ THẾ VINH / VOA 100 năm sinh [1921-2021] Và ngày giỗ thứ 17 của Tạ Tỵ [24/08/2004 – 24/08/2021]
Lúc bốn giờ sáng tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, một phụ nữ tự xưng là Nguyễn đã cố gắng để không đánh thức đứa con trai sơ sinh. Cô đang có một bài thi trực tuyến môn Kinh Doanh Căn Bản ở Úc, phải làm trong một giờ nữa – không phải buổi thi của cô, chỉ là bài kiểm tra cuối khóa mà cô được thuê làm. Trong một giờ, một người lạ sẽ sao chép các câu hỏi của đề thi vào một văn bản Google Doc và gửi cho cô. Nguyễn có hai tiếng rưỡi để làm bài và gửi lại câu trả lời.
Nguyễn là một người trong đội quân viết thuê (ghostwriters) đang biến trò gian lận học thuật thành một ngành kinh doanh lớn ở Việt Nam, vượt xa những hành vi gian lận và hối lộ thông thường. Và nhờ phép thuật điện tử của internet, gian lận học thuật đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, không chỉ đến Úc mà còn tới Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và nhiều nơi khác, nơi sinh viên và học giả thích móc ví trả tiền hơn là chong đèn học tập, nơi sinh viên yếu kỹ năng ngôn ngữ nhưng có cha mẹ giàu.
Thuê người khác viết hộ một bài báo hoặc một luận án sao cho có vẻ thực là chuyện dễ và gần như ăn chắc, nhưng không hề rẻ. Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin thị trường “mua bán chất xám” sôi động chưa từng thấy. Có thông tin rằng những người đã tốt nghiệp tiến sĩ nhưng khó kiếm sống bằng công việc của nhà nghiên cứu tại các cơ sở công lập đang ngày càng chuyển sang nghề viết thuê. Khách hàng sẽ trả từ 1.400 đến 9.000 đô la Mỹ cho một bài báo được đăng trên một tạp chí học thuật.
Tất nhiên, gian lận không phải chỉ có ở Việt Nam. Tôi thường nghe nói rằng “Ồ, ở Trung Quốc còn tệ hơn nhiều.” Một đồng nghiệp đã chia sẻ cách một người viết thuê ở Singapore bảo vệ chi tiết “nghề nghiệp” của anh ta. Một người bạn ở châu Âu viết rằng “lừa đảo có tổ chức… đặc biệt mạnh ở Trung Đông/Tây Á.”
Nhưng một phần của hiện tượng này là do văn hóa. Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, sinh viên châu Á chỉ đơn giản không coi hành vi đạo văn (plagiarism) là điều không thể chấp nhận được. Như một bài báo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã chỉ ra, chuyện quá thường xuyên là sinh viên đến Hoa Kỳ học tập mà không hiểu gì về đạo văn và cách tránh sử dụng tác phẩm của người khác. Theo Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục WholeRen, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc bị trục xuất vì không trung thực trong học tập và đạo văn đã tăng lên hàng năm, đạt 33,5% vào năm 2017.
Cô Nguyễn đã đọc lướt qua sách giáo khoa và tất cả các slide mà học sinh gửi cho cô qua người đại diện trên mạng trực tuyến của cô. Vì thời gian gấp rút nên cô được trả tiền gần gấp đôi mức thông thường. Khách hàng còn hứa sẽ có thêm tiền thưởng nếu anh ta đạt 75/100 điểm trở lên.
“Tôi thậm chí còn căng thẳng hơn là khi tôi thi đại học vào 10 năm trước,” cô Nguyễn nói.
Viết thuê chuyên nghiệp là một công việc linh hoạt về thời gian. Cuối ngày hôm đó, cô Nguyễn sẽ phân tích một vở kịch của Anh dài 2.500 từ cho một sinh viên chuyên ngành văn chương Anh tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Cái khó của cô là phải làm bài với năm “phiên bản” khác nhau cho năm khách hàng trong cùng một lớp. Giúp các sinh viên kém đạt được điểm cao hiện là nguồn thu nhập chính của cô Nguyễn. Cô nhận đơn đặt hàng qua email từ nhiều đại lý khác nhau mà cô chưa từng gặp mặt.
Cô Nguyễn tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2013. Sáu năm sau, khi mang thai đứa con thứ hai và cần thêm thu nhập, cô nhớ tới một người bạn cùng lớp đại học đã quảng cáo cho nghề “gia sư dạy viết”. Dù cô hình dung mình chỉ giúp đỡ các sinh viên đang khó khăn bằng việc chỉnh sửa bài làm của họ, hoặc chỉ làm gia sư trực tuyến, cô biết rằng bạn học cũ của cô là người trung gian giữa các đại lý nhận đơn đặt hàng của sinh viên và người viết thuê.
Nguyễn hiện làm việc cho vài đại lý khác nhau. Có ngày cô viết đến 5.000 từ tiếng Anh. Mặc dù không tiết lộ thu nhập từ nghề viết thuê, Nguyễn khẳng định việc “gian lận theo hợp đồng” (contract cheaters) thì ít căng thẳng hơn và được trả lương cao hơn so với công việc hành chính từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều mà cô làm trước đây.
Trên các mạng chuyên nghiệp hoặc các nhóm Facebook, các đại lý tìm kiếm những kẻ gian lận theo hợp đồng dưới chiêu bài hỗ trợ làm bài (assignment support) với lời hứa về làm việc hoàn toàn từ xa, tiền lương tiền thưởng cao và có cơ hội trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Có lần cô Nguyễn đóng giả làm một khách hàng tiềm năng để hỏi cái giá thực của một bài báo. Cô kết luận: “Mặc dù các đại lý lấy 30% phí, hoặc đôi khi hơn thế nữa, nhưng số tiền là quá cao khiến tôi không thể bỏ qua.”
Phần lớn khách hàng là những người ghi danh theo học chương trình tiên tiến, được gọi là “nâng cao” ở Việt Nam với mức học phí cao hơn nhiều so với các trường đại học nhà nước, học theo giáo trình nước ngoài, có giáo viên nước ngoài và chủ yếu dạy bằng tiếng Anh. Các khách hàng khác bao gồm sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Úc và học sinh Việt Nam tại các trường trung học Bắc Mỹ.
Du học Mỹ trước hết
Hưng khởi nghiệp với nghề viết thuê trong thời gian du học ở Mỹ và sau đó về Việt Nam, thành lập công ty viết thuê của riêng mình trên nền tảng Facebook cách đây 10 năm. Trung bình mỗi tháng anh nhận được 100 đơn đặt hàng. Đôi khi anh hợp tác với các đại lý khác để không mất bất kỳ khách hàng nào. Theo anh, hầu hết các đơn đặt hàng đều đến từ những khách hàng quen thuộc. Một số yêu cầu làm bài tập cho cả học kỳ cho một hoặc nhiều môn học.
“Sau lần đặt hàng đầu tiên, các khách hàng đó thường quay lại nhiều lần cho đến khi họ tốt nghiệp,” Hưng nói. Anh đang tự mình làm luận án cao học quản trị kinh doanh (MBA) do một sinh viên Việt Nam tại Đài Loan đặt hàng; anh làm mọi việc từ đề xuất nghiên cứu đến bản văn cuối cùng. Đây là nhiệm vụ cuối cùng của anh cho một khách hàng đã thuê dịch vụ của anh suốt bốn năm qua. Hưng cho biết khách hàng thậm chí còn giao tài khoản email cho anh để anh có thể trao đổi trực tiếp với người hướng dẫn của cậu ta.
“Tôi sắp đưa bản tiếng Anh trang web của mình lên Facebook,” Hưng nói thêm và cho biết cơ sở khách hàng của anh đã được mở rộng qua phương thức truyền miệng. Anh đã nhận được bốn đơn đặt hàng từ các sinh viên Trung Quốc.
Với vai trò là đại lý, Hưng đặt giá tùy thuộc vào mức quen thuộc của khách hàng, quốc tịch của họ, mức độ khẩn cấp và khó khăn của công việc, và tùy vào việc có sẵn hay không những người viết thuê có năng lực hoàn thành công việc một cách tỉ mỉ và đúng hạn. “Một bài tập về chính trị quốc tế chắc chắn tốn nhiều tiền hơn một bài luận về tiếp thị”, Hưng nói. Hầu hết những người viết và cộng tác viên của anh đều có kiến thức về tài chính và kinh doanh, những chuyên ngành rất được sinh viên Việt Nam ưa chuộng.
Hưng chỉ giao nhiệm vụ cho cộng tác viên khi các thành viên nòng cốt không đáp ứng kịp nhu cầu. Anh có biện pháp khen thưởng những cây bút viết thuê giành được điểm cao cho khách hàng và hoàn thành nhiều bài tập. Những người viết mà khách hàng không thành công sẽ nhận được ít đơn đặt hàng hơn hoặc được trả ít tiền hơn.
Đại lý giao việc cho cô Nguyễn nói thực với cô rằng cô phải cạnh tranh với những người viết thuê khác đang làm việc cho công ty của ông ta. Họ chuyển đơn đặt hàng của khách cho tất cả các cây bút; người đầu tiên trả lời và xác nhận có khả năng thực hiện sẽ được chọn.
Người viết thuê hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Họ phải duy trì kết nối thường xuyên để nhận đơn đặt hàng mới và sẵn sàng sửa bài tập cho khách hàng cũ, theo ý kiến phản hồi của giáo viên của khách hàng hoặc yêu cầu của chính khách hàng. Đơn đặt hàng được coi là chưa hoàn thành cho đến khi khách hàng nhận được điểm số.
“Các đại lý không bao giờ đứng về phía người viết. Họ sợ bị giáp mặt khách hàng trên mạng trực tuyến và mất lượng khách hàng của mình,” cô Nguyễn nói.
Đôi khi khách hàng giả vờ thất bại để đòi lại tiền. Cô Nguyễn kể, có lần cô ấy viết một bài tập về phát triển giáo dục ban đầu cho trẻ. Công việc đòi hỏi cô phải đọc và nghiên cứu rất nhiều. Khách hàng của cô từ chối bài làm, nói rằng nó không đạt yêu cầu và đòi lấy lại tiền. Đại lý của Nguyễn đã nhanh chóng hoàn tiền đầy đủ. Vài tháng sau, một khách hàng khác từ cùng trường đại học đã yêu cầu một công việc giống như vậy. Cô Nguyễn đưa cho họ cái bài làm đã bị từ chối. Ngay sau đó, sự việc hóa ra là người khách hàng cũ, người đã được hoàn lại tiền, trên thực tế đã nộp cái bài làm do cô Nguyễn viết. Sau đó, khi đại diện của cô Nguyễn tiếp cận với người khách hàng gian xảo, anh phát hiện ra rằng tài khoản email của người đó đã bị xóa.
Việc sinh viên nước ngoài dựa vào người viết thuê được cho là tràn lan ở các trường đại học Úc. Kathryn Powley, người quản lý quan hệ truyền thông tại Đại học La Trobe ở Melbourne cho biết tất cả sinh viên mới nhập học – bao gồm cả sinh viên quốc tế – đều phải hoàn thành khóa đào tạo về tính liêm chính trong học tập và thường xuyên được nhắc nhở về những rủi ro liên quan đến gian lận dưới mọi hình thức. “Bài làm thuê theo hợp đồng có thể được xác định bằng cách đánh giá sự khác biệt về phong cách hoặc năng lực [của sinh viên], hoặc bằng cách phát hiện các bài làm, luận văn được sử dụng lại”, cô Kathryn nói.
Cô Nguyễn thừa nhận đã được hưởng lợi về mặt trí tuệ từ công việc viết thuê có lợi nhuận cao và rủi ro thấp của mình. “Công việc đó cho tôi nhiều cái nhìn sâu sắc vào các hệ thống giáo dục khác biệt rất nhiều so với Việt Nam. Khi còn học đại học, tôi chưa bao giờ được dạy cách tạo danh sách tài liệu tham khảo hoặc cách trích dẫn một bài báo. Tôi chỉ cắt-dán các tài liệu hoặc diễn đạt lại mà không biết rằng mình đang thực sự phạm tội đạo văn. Bây giờ, viết thuê cho khách hàng, tôi phải đảm bảo rằng ‘chỉ số giống nhau’ không được quá 15%,” cô Nguyễn nói.
Nguyễn thích các bài tập đa phương tiện hơn. Các bản trình bày bằng video hoặc trình chiếu Powerpoint không bị kiểm tra tự động xem có đạo văn hay không, vốn là cách kiểm tra chuẩn mực ở các trường đại học Úc, nơi hầu hết khách hàng của cô đang theo học. Cô tuyên bố cô không có bất kỳ sự e ngại nào về mặt đạo đức đối với công việc viết thuê bài làm cho sinh viên. Cô nói cô sẽ tiếp tục làm việc đó cho đến khi tìm được một công việc toàn thời gian được trả lương cao hơn. Suy cho cùng, điều đó không có gì mới; cô đã thấy gian lận trong học tập ngay từ khi cô bước chân vào trường đại học.
Các trường trung học và đại học của Việt Nam tràn ngập nạn đạo văn dưới mọi hình thức. Câu nói “học thật, bằng giả” chỉ những người vượt qua gánh nặng điểm kém bằng cách xuất trình bằng cấp giả mạo khi đi xin việc, trong khi “học giả, bằng thật” ám chỉ văn bằng thật nhưng có được bằng cách ghi danh theo học nhưng thường xuyên trả tiền để các tay viết thuê làm bài tập, viết luận văn thay cho mình.
Đạo văn đầy rẫy trong giới quan chức
Báo chí Việt Nam thường đưa tin về tình trạng các quan chức cấp cao và học giả đạo văn và bị phanh phui. Năm 2018, hàng trăm sinh viên tố cáo ông Viện trưởng Viện Ngôn Ngữ học Nguyễn Đức Tồn đạo văn. Họ nói ông ta đã xuất bản một cuốn sách bao gồm các bài làm của sinh viên như là tác phẩm riêng của ông và còn buộc tội chính những sinh viên đó khi họ trích dẫn sách ấy mà không ghi công xứng đáng cho ông. Dù vậy, Tồn vẫn được phong hàm giáo sư thực thụ, không phải vì tài năng nghiên cứu mà vì “nhân đạo và lòng vị tha”. Mặc dù các đồng sự của ông đã gửi một lá thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ nhưng Tồn chỉ bị phạt chấm dứt hợp đồng với Viện.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sẽ quyết định một số ít may mắn nào sẽ trúng tuyển vào các trường đại học công lập. Đó là một quy trình được bảo vệ chặt chẽ, nhưng trong năm 2018, khoảng 347 bài thi ở ba tỉnh biên giới phía Bắc đã bị phát hiện là giả mạo, gây ra một vụ náo động lớn. Mười một quan chức Bộ Giáo dục đã bị bắt.
Cũng trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã bị Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng của Đại học Toulouse (Pháp) tố cáo đạo văn và trích dẫn giả mạo. Tiến sĩ Dũng đã gửi một bản báo cáo dài 10 trang lên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam. Báo cáo lan truyền trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi Bộ trưởng Nhạ từ chức.
Cuối năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc Bùi Văn Cường bị một giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng tố cáo đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông ta. Sau đó, thay vì chuyển vấn đề đến một nhóm chuyên gia độc lập xem xét, một bộ phận của Trung ương Đảng đã bác bỏ lời cáo buộc là hoàn toàn vô căn cứ. Bùi Văn Cường sau đó được thăng chức. Trong khi đó, người tố cáo Cường được cho là đã gửi khoảng 200 lá thư tố cáo ông ta đến các cơ quan thông tấn và báo chí. Đầu tháng này, anh ta bị bắt vì tội phỉ báng.
Nói chung, công chúng Việt Nam nghe những chuyện này và chỉ nhún vai. Trong lĩnh vực giáo dục cũng như các lĩnh vực khác, những vụ lùm xùm như vậy là những chuyện thường ngày quá quen thuộc.