110 năm ngày sinh họa sĩ Cát Tường, kể lại chiếc áo dài Le Mur

“Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước”

(Họa sĩ Cát Tường)

Ngày Tết các bà, các cô thường “diện” chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử đất nước, chiếc áo dài vẫn luôn là hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt. Người Tàu cón “sườn xám”, người Nhật có “kimono”, người Hàn có “hanbok”… thì chúng ta có “Tà Áo Dài”! Ngược dòng lịch sử, vào năm 1934, trên tờ Phong Hóa bỗng xuất hiện một loạt bài “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” bàn về y phục phụ nữ, với những lời lẽ hết sức táo bạo của họa sĩ Cát Tường (1912-1946):

“Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dùng để che mưa nắng, nóng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái sang cái đẹp của nó làm gì. Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ cũng đủ hiểu.

“Y phục của người các nước Âu Mỹ không những rất gọn gàng, hợp với khí hậu xứ họ mà kiểu mẫu lại rất nhiều và rất đẹp. Như thế đủ tỏ rằng họ có một cái trình độ trí thức rất cao, một nền văn minh rất rõ rệt và luôn luôn tiến bộ. Y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật. Tuy rằng vài năm gần đây cũng có một vài phần sửa đổi, chẳng qua chỉ ở mấy cái mầu sắc sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài còn thì vẫn kiểu áo lòe xòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy.

“Cần sửa đổi dần: Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự… cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”.

Họa sĩ Cát Tường

Họa sĩ Cát Tường cùng với nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” là những người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. “Le Mur” là kiểu áo dài cách tân đầu tiên họa sĩ Cát Tường tung ra, được lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen… Về màu sắc, những màu “tối” như thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, được kết hợp với chiếc quần trắng.

(Ảnh: History/Universal Images Group/Getty Images)
Nam Phương Hoàng hậu (1913-1963) – ảnh: Albin Guillot/Roger Viollet/Getty Images
Bà Trần Lệ Xuân (ảnh: History/Universal Images Group/Getty Images)

Cát Tường tên thật là Nguyễn Cát Tường, trong tiếng Pháp “le mur” là bức tường nên ông “nửa đùa, nửa thật” lấy bút hiệu là “Le Mur”. Nguyễn Cát Tường sinh năm 1912 ở Sơn Tây, đến năm 1928 trúng tuyển vào khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp năm 1933. Cùng với nhóm “Tự lực Văn đoàn”, ông chủ trương đổi mới y phục, thông qua y phục mang lại tự do cho phụ nữ với lý luận:

“Muốn để các bạn khỏi mất thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là thừa và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì, tôi xin hỏi? Ðể che cổ ư? Thì nó nhỏ xíu thế kia, che thế nào đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… Nó khó chịu và bất tiện lắm không? Mà người ta không dám co tay vào, ruổi tay ra thì mất hết vẻ tự nhiên, mềm mại, yểu điệu của trời đất phú riêng cho các phụ nữ không? Không những thế, các kiểu áo của các bạn nó lại còn kỳ dị lắm nữa.

“Nếu các nhà mỹ thuật Âu Mỹ qua xứ ta, chẳng may lần đầu mà được thấy những bộ áo của các bạn, tôi dám chắc họ phải ngạc nhiên mà buột mồm kêu: “Ố là là…” (nếu họ là người Pháp). Phải, họ lấy làm lạ là phải vì phụ nữ nhà Nam sống trong thế kỷ thứ hai mươi này mà còn giữ những bộ quần áo lôi thôi, lốc thốc như thế ư? Sở dĩ tôi cho hơi chật ở chỗ bụng là vì tôi muốn phân biệt rõ ràng phần ngực với phần bụng. Trái hẳn với ý tưởng của một vài nhà đạo đức Việt Nam, người Tây Âu đều cho bộ ngực cần nhất cho nhan sắc phụ nữ. Một người con gái đẹp mà “không có ngực,” nghĩa là ngực lép kẹp như chiếc đồng hồ Oméga – thì không thể nào gọi là một người đẹp hoàn toàn được…

“Có người khi trông thấy một thiếu phụ có bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng, là lẳng lơ. Ðối với người đó nếu ta đem ý tưởng Âu Tây, tinh thần mỹ thuật ra giảng, chắc họ không khi nào chịu hiểu. Họ có biết đâu rằng chính người mình cũng hay dùng câu: “thắt đáy lưng ong” để tả một người con gái đẹp?”.

Thiếu nữ Sài Gòn và áo dài, 1956 (ảnh: Three Lions/Getty Images)

Từ áo tứ thân đổi sang áo dài Le Mur không phải là được mọi phụ nữ ủng hộ, kể cả nam giới. Ở Huế thời ấy có bài Vè mốt áo:

Vè vẻ vè ve

Nghe vè mốt áo

Bận áo lơ-muya

Đi giày cao gót

Xách bót tơ phơi

Che dù cánh dơi

Đi chơi Cụ Ngáo

Ăn cháo không tiền

Cởi liền lơ-muya

Dĩ nhiên lớp trí thức tân thời thì lại hết lời khen ngợi ông Cát Tường và chiếc áo dài Le Mur hay còn được viết là “Lemur”. Như thế, người ta mặc nhiên công nhận họa sĩ Cát Tường là người “khai sinh ra chiếc áo dài Việt Nam Tân thời như ta thấy ngày nay. Những năm tiếp theo, ông còn giới thiệu các kiểu y phục tân thời khác như áo hở cổ, quần ống loe, lại hợp tác với bạn mình là ông chủ hãng dệt Cự Chung sản xuất áo tắm, xu chiêng v.v…

Phụ nữ Sài Gòn và áo dài, 1956 (ảnh: Keystone-France/Gamma-Rapho/Getty Images)

Dù được khen hay bị chê, họa sĩ Cát Tường cũng đã trở nên cực kỳ nổi tiếng. Nổi tiếng đến độ, nếu các bạn còn nhớ, trong tác phẩm “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng có một nhà tạo mốt tên là ông “Týp-phờ-nờ” hay nôm na là “Tôi yêu phụ nữ” (TYPN)! Quả thật Cát Tường là một “nhà cách tân trang phục phụ nữ tài ba” nhưng theo Nguyễn Tất Đạt, con trai họa sĩ, ông lại là một người vắn số:

“Hôm đó là ngày 17 tháng 12 năm 1946. Buổi sáng ấy tại cái sân này bố tôi đã mang chị em chúng tôi ra đây để làm mấy động tác thể dục. Trưa hôm ấy, theo lời kể của mẹ tôi, bố tôi với ba người nữa là ông Tôn Thất Định, Phạm Giao và anh Hạt – người lão bộc của gia đình cụ Phạm – trở lại Hà Nội. Bố tôi về Hà Nội thăm nhà và để lấy thêm tiền cho mẹ tôi. Anh Hạt sau khi trở về Tràng Cát có kể lại rằng: Khi về gần tới nhà thì anh Hạt đi sau ba người kia một quãng ngắn. Đến đầu phố Hàng Bông anh Hạt trông thấy ba người đi trước bị toán an ninh thành phố chặn lại, sau đó cả ba người bị bắt. Anh Hạt lùi lại phía sau và thoát được”.

Trong tình hình nhiễu nhương của thời kỳ 1946 giữa Việt Minh và Quốc dân đảng, họa sĩ Cát Tường mất tích từ đó, mặc dù Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã có lần khuyên ông phải cẩn thận. Cuộc đời của một họa sĩ tài hoa kết thúc khi ông mới 35 tuổi!

Ảnh: Pexels
woman-g66f425513_1920
woman-g0a3200484_1920

Chiếc áo dài mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi kể từ thời “Le Mur” của họa sĩ Cát Tường. Cách tân quan trọng nhất kỹ thuật may khi ráp tay áo mà giới chuyên môn gọi là “raglan”, có tác dụng hạn chế những nếp nhăn ở vai và nách áo. Rồi lại đến thời kỳ “mini-raglan”, rút ngắn chiều dài của tà áo để chạy theo phong trào”mini-jupe”. Kiểu này thường thích hợp với sự trẻ trung của người mặc và gần đây nhất có những “biến tướng” mà nhiều người không chấp nhận vì đó không còn “thướt tha” như áo dài nguyên thủy.

Cuối thập niên 1960, nhà may Thanh Khánh ở Đa Kao đưa ra những mẫu hàng thêu hoa lá cành để may áo dài. Kế đến, tiệm Saigon Souvenirs khu Thương xá Tax Sài Gòn lăng xê những mẫu hàng vừa vẽ vừa thêu trên lụa rất quý phái, lịch sự. Ba nhà may nổi tiếng tại Sài Gòn trước 1975 đã ra nước ngoài làm ăn: nhà may Thanh Khánh mở tại Paris, nhà may Dung Đa Kao và nhà may Thiết Lập Pasteur mở tại Mỹ.

pexels-eric-do-3675699
pexels-anna-tarazevich-7216805

Trước năm 1975, tôi từng sống tại số 158 Cống Quỳnh, tức đường D’Arass cũ. Đây là tiệm có tên Đức Thành, một cửa hàng gia đình của người bà con bên ngoại. Kinh doanh chính là sửa máy may nhưng cũng có dịch vụ may áo dài vì tiệm đối diện với trường Hưng Đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Phú. Khách quen của tiệm may là những cô nữ sinh, ngoài ra còn có những “khách ruột” trong đó có cả giới nghệ sĩ, mệnh phụ phu nhân…

Ảnh: Pexels

Một đặc điểm ít người để ý đến là mỗi chiếc áo dài chỉ may riêng cho chủ nhân của nó và phải trải qua giai đoạn thử áo để chỉnh sửa trước khi hoàn chỉnh. Mặc áo dài của người khác thế nào cũng lộ ra những chi tiết không chính xác về ni tấc của vòng ngực, vòng eo. Áo dài cũng kén người mặc. Ốm quá hay mập quá khi mặc áo dài đều “thất bại” vì áo càng ôm càng… phản chủ!

Nhân dịp Xuân về bỗng nhớ cảnh đi may áo dài của các bà, các cô chuẩn bị đón Tết. Ngày Xuân già trẻ, lớn bé đều thích mặc áo mới. Riêng với phụ nữ, chiếc áo dài đón Xuân sẽ làm cho ngày Tết thêm bội phần thi vị!

Ảnh trong bài: Pixabay và Pexels

Nguyễn Ngọc Chính / Saigon Nhỏ

Bất kể nam hay nữ, ăn 1 tép tỏi vào buổi sáng, 5 điều tốt đẹp sẽ “tìm đến” bạn, điều thứ 3 chắc chắn 100% mọi người muốn có

Bất kể nam hay nữ, ăn 1 tép tỏi vào buổi sáng, 5 điều tốt đẹp sẽ "tìm đến" bạn, điều thứ 3 chắc chắn 100% mọi người muốn có
Đối với những người biết giữ gìn sức khỏe thì tỏi là thực phẩm thuộc top đầu trong danh sách thực phẩm ăn hàng ngày.

Nhắc đến tỏi chắc hẳn mọi người đều rất quen thuộc. Loại gia vị rất phổ biến trong cuộc sống này có vị tương đối cay và mùi khá khó chịu. Nhiều người không thích ăn tỏi vì sau khi ăn sẽ có mùi hôi trong miệng, khiến người ăn cảm thấy rất xấu hổ.

Tác dụng của tỏi đối với sức khỏe là rất tốt. Bất kể giới tính nào, nếu bạn ăn một tép tỏi vào buổi sáng, bạn có thể nhận được 5 lợi ích này.

Bất kể nam hay nữ, ăn 1 tép tỏi vào buổi sáng, 5 điều tốt đẹp sẽ tìm đến bạn, điều thứ 3 chắc chắn 100% mọi người muốn có - Ảnh 1.
1. Chống viêm và kháng khuẩn

Tỏi rất giàu sunfua có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt. Vì vậy, nếu bảo vệ cơ thể khỏi bị viêm nhiễm, bạn có thể ăn một tép tỏi lúc bụng đói vào mỗi buổi sáng khi ngủ dậy. Điều này có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong cơ thể và có tác dụng rất tốt đối với làm giảm các chứng viêm khác nhau.

Đối với phụ nữ, thường xuyên ăn một ít tỏi, đặc biệt là tỏi sống có tác dụng tiêu viêm, khử trùng hiệu quả, có tác dụng giảm đau hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa rất tốt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bạn mắc các bệnh về đường tiêu hóa thì không nên ăn vì tỏi có thể gây kích thích dạ dày, khiến tình trạng viêm dạ dày thêm trầm trọng.

2. Giảm nguy cơ phát triển ung thư

Trong những năm gần đây, xung quanh chúng ta ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư. Thực tế, căn bệnh nan y đe dọa tính mạng này liên quan rất nhiều đến hành vi và thói quen ăn uống không tốt hàng ngày của chúng ta.

Buổi sáng, bạn có thể ăn một tép tỏi (trong bữa sáng) để thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, bài tiết chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể kịp thời. Nhờ đó cũng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm đáng kể khả năng mắc bệnh ung thư.

Bất kể nam hay nữ, ăn 1 tép tỏi vào buổi sáng, 5 điều tốt đẹp sẽ tìm đến bạn, điều thứ 3 chắc chắn 100% mọi người muốn có - Ảnh 2.
3. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Với mức sống của con người ngày càng được nâng cao thì xung quanh chúng ta ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh mãn tính, tiểu đường là một trong số đó. Bệnh tiểu đường có mối quan hệ rất lớn với chế độ ăn uống của chúng ta.

Thế nhưng, bạn có thể kiểm soát đường huyết trong máu bằng cách ăn một tép tỏi vào buổi sáng. Tỏi rất giàu nguyên tố vi lượng, có thể giúp thúc đẩy quá trình bài tiết insulin trong cơ thể, thúc đẩy quá trình phân hủy và tiêu thụ đường. Nhờ đó sẽ kiểm soát nồng độ đường trong máu ở mức hợp lý phạm vi, có thể ngăn ngừa tốt bệnh tiểu đường xuất hiện.

4. Phòng ngừa hiệu quả các bệnh tim mạch , mạch máu não

Mặc dù điều kiện sống ngày càng được cải thiện và điều kiện y tế ngày càng được cải thiện nhưng do con người ngày càng có nhiều thói quen xấu nên tỷ lệ mắc bệnh tim cũng ngày càng gia tăng theo từng năm.

Trên thực tế, đối với người dân ngày nay, dù là người già hay trẻ nhỏ, nam hay nữ giới, thường xuyên ăn một tép tỏi mỗi ngày có thể làm giảm lượng cholesterol một cách hiệu quả. Do vậy có thể làm loãng độ nhớt của máu, có lợi cho sức khỏe mạch máu và có thể ngăn ngừa hiệu quả các bệnh tim mạch và mạch máu não.

Hơn nữa, tỏi còn được biết đến như một loại thuốc chống huyết khối tự nhiên, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim ở một mức độ nhất định.

Bất kể nam hay nữ, ăn 1 tép tỏi vào buổi sáng, 5 điều tốt đẹp sẽ tìm đến bạn, điều thứ 3 chắc chắn 100% mọi người muốn có - Ảnh 3.
5. Làm chậm quá trình lão hóa

Ăn tỏi thường xuyên có thể giúp cơ thể làm chậm quá trình lão hóa. Tỏi có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tác dụng chống oxy hóa còn tốt hơn cả nhân sâm. Tiêu thụ thường xuyên có thể giúp loại bỏ các gốc oxy tự do trong cơ thể một cách hiệu quả và trì hoãn tốc độ lão hóa oxy hóa của tế bào.

Thận trọng khi ăn tỏi

Ăn nhiều tỏi ảnh hưởng đến tiêu hoá: Tỏi tuy tốt cho sức khỏe nhưng chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Đây rõ ràng là thực phẩm có tính kích thích, nếu ăn quá nhiều tỏi sẽ gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Nếu ăn tỏi lúc đói sẽ dễ gây kích ứng dạ dày và ruột vì chất allicin có trong tỏi rất cay và nồng, gây co thắt dạ dày và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa bình thường của dạ dày và ruột.

Ngoài ra sau khi ăn quá nhiều tỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến mắt: Người ăn quá nhiều tỏi trong thời gian dài dễ mắc các triệu chứng như giảm thị lực, ù tai, khô miệng, giảm trí nhớ. Dân gian cũng có câu “tỏi có lợi nhưng chỉ hại mắt”. Ngoài tỏi, không nên dùng quá nhiều thực phẩm cay, kích thích như hành tây, hành lá, gừng, ớt… trong thời gian dài, nhất là đối với những người đang điều trị bệnh về mắt.

Ăn nhiều tỏi cũng có thể gây tiêu chảy: Vì tỏi là một chất cay nên sau khi ăn nhiều tỏi sẽ dễ kích thích thành ruột do chứa nhiều allicin, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu ở thành ruột. Liên tục ăn nhiều tỏi sẽ dẫn đến phù nề thành ruột, nhiều dịch từ các mô trong cơ thể đổ vào thành ruột dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Người bị tiêu chảy, đặc biệt những người yếu bụng, tiêu chảy nên tránh ăn tỏi.

Theo T.T / Pháp luật và bạn đọc

Bức ảnh thay đổi số phận

Bức ảnh hai cha con bé Mustafa của nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan (Twitter Mehmet Aslan)

Hôm nay, 21 Tháng Một 2022, gia đình Munzir al-Nazzal đã đến Ý, cùng đứa con trai Mustafa của họ. Hai cha con Munzir al-Nazzal và Mustafa từng gây bàng hoàng thế giới khi họ xuất hiện trong tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan. Bức ảnh gây xúc động đã đoạt giải Siena International Photo Awards 2021.

Khi vừa được tung ra, bức ảnh gây sốc đã lập tức xuất hiện trên loạt tờ báo Ý và sau đó lan khắp thế giới. Sống tại Syria, Munzir al-Nazzal phải vật lộn mưu sinh từ sau khi anh bị thương trong một vụ đánh bom ở một khu chợ. Cuộc nội chiến kinh hoàng ở Syria đã khiến vô số thường dân thiệt mạng và nhiều người khác phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Điều làm cho al-Nazzal lo lắng nhất không phải là cái chân bị cưa của mình mà là tương lai của đứa con trai 5 tuổi Mustafa. Thế là vợ chồng al-Nazzal đưa con sang Thổ. Cháu sinh ra đã không có tay chân. Nhiếp ảnh gia Mehmet Aslan gặp cha con al-Nazzal tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria.

Không dừng lại ở việc gây cảm xúc với tấm ảnh độc đáo của Mehmet Aslan, ban tổ chức Siena International Photo đã liên lạc với giới ngoại giao, bệnh viện, tổ chức y tế, các cơ quan từ thiện, tổ chức tôn giáo… để bằng mọi giá giúp gia đình al-Nazzal. Luca Venturi, người sáng lập Siena International Photo, tận dụng tất cả mối quen biết để không chỉ đưa gia đình al-Nazzal thoát khỏi trại tỵ nạn Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đưa họ sang Ý. Cuối cùng, vào một ngày Tháng Một 2022, gia đình al-Nazzal được thông báo rằng visa của họ đã được chuẩn duyệt. Cả nhà al-Nazzal òa khóc vì vui mừng.

Bé Mustafa chào đời với cơ thể khuyết tật do ảnh hưởng từ các loại thuốc mà mẹ cậu dùng khi mang thai. Lúc đó người mẹ suy yếu do bị nhiễm khí độc trong thời gian sống ở vùng giao tranh tàn khốc tại Syria. Với tình trạng của Mustafa, cậu phải được điều trị lâu dài và tốn kém. Hiện thời đi đâu Mustafa cũng được bố cõng và một trong những cô chị của cậu phải giúp nâng khi Mustafa “đi” quanh quẩn trong nhà.

Hai cha con bé Mustafa (Twitter Mehmet Aslan)

New York Times (ngày 21-1-2022) cho biết, các chuyên gia chân tay giả ở Ý sẽ gặp Mustafa và người cha vào những tuần tới để thiết kế bộ chi nhân tạo cho cậu. Munzir al-Nazzal cũng sẽ được lắp chân giả. Gregorio Teti, giám đốc cơ sở y tế Centro Protesi Inail, ở Vigorso di Budrio, miền Bắc nước Ý, cho biết, người cha có thể phục hồi hầu hết khả năng vận động trong vài tuần sau khi được lắp chi giả. Đối với Mustafa, tiến trình dĩ nhiên lâu hơn, đầu tiên là gắn vài bộ phận giả đơn giản ở chi trên; sau đó, người ta sẽ thiết kế chi giả quanh hông Mustafa. Sau này khi Mustafa lớn, các bộ phận giả sẽ được điều chỉnh để phù hợp với cơ thể. Nghiên cứu cho thấy những trường hợp như Mustafa có thể tự lái xe hơi…

Anna Ferretti, người phụ trách chi nhánh Caritas (tổ chức Công giáo nổi tiếng thế giới với những hoạt động từ thiện) tại Siena, cho biết, Caritas đang cấp chỗ ở tạm cho gia đình bé Mustafa ở ngoại ô Siena và sẽ trang trải các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ trong một năm. Bà Anna Ferretti cho biết thêm, vài gia đình Syria định cư ở Siena nhiều năm trước đã cam kết giúp năm thành viên gia đình bé Mustafa làm quen với cuộc sống mới. Kể từ năm 2016, Cộng đồng Sant’Egidio, một tổ chức từ thiện Công giáo, cùng với các nhà thờ Tin Lành khác ở Ý, đã giúp đưa hơn 4,300 người tị nạn đến Ý từ các trại tị nạn ở Lebanon, Ethiopia, Hy Lạp và Libya.

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ

COVID-19, tương lai sáng sủa hay ảm đạm?

Minh hoạ: Viki Mohamad/Unsplash

Tiến sĩ George Rutherford, nhà dịch tễ học tại Đại học California ở San Francisco, nhận định: “Vẫn chưa rõ điều gì xảy ra tiếp theo. Có thể chỉ như Alpha và Beta nhưng cũng có thể nguy hiểm như Delta và Omicron. Lấy ví dụ, virus cúm H1N1 là mới khi nó gây ra một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1918, lây nhiễm cho một phần ba dân số thế giới và giết chết 50 triệu người. Cuối cùng, đại dịch đó cũng kết thúc, nhưng virus cúm vẫn ở với chúng ta đến ngày nay”.

Tiêm mấy mũi mới là tiêm đầy đủ?

Ba nghiên cứu qui mô mới do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tài trợ đã nêu bật tầm quan trọng của mũi tiêm tăng cường để cung cấp sự bảo vệ tốt nhất chống lại biến thể Omicron cho cơ thể. Đây là các dữ liệu đầu tiên thu thập trong thực tế về tác dụng của mũi tăng cường để chống lại Omicron, hiện đã chiếm hơn 99% số nhiễm coronavirus ở Mỹ.

Kết quả nghiên cứu trên hàng triệu ca nhiễm, hàng trăm ngàn lượt đến các phòng cấp cứu và trung tâm chăm sóc khẩn cấp, và hàng chục ngàn trường hợp nhập viện ở người lớn vừa được công bố trong “Báo cáo Hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong” (Morbidity and Mortality Weekly Report-MMWR) của CDC vào ngày 21 Tháng Một. Báo cáo đã làm sống lại câu hỏi: “Liệu những người chỉ tiêm hai liều vaccine có còn được xem là “đã tiêm chủng đầy đủ” hay không?”.

Tiến sĩ William Schaffner, cố vấn vaccine kỳ cựu tại CDC (không tham gia nghiên cứu) nêu ý kiến: “Tôi nghĩ chúng ta phải xác định lại: Tiêm chủng đầy đủ phải là 3 liều”. Nghiên cứu thứ nhất trên gần 88,000 người nhập viện tại 10 tiểu bang cho thấy mũi tăng cường hiệu quả đến 90% trong việc ngăn người nhiễm coronavirus nhập viện trong Tháng Mười Hai và Tháng Một lúc Omicron là biến thể chiếm ưu thế. Trong khi đó, sau 6 tháng tiêm mũi hai, hiệu quả chỉ còn 57%.

Điều tra hơn 200,000 lượt bệnh nhân đến khám ở 10 tiểu bang cho thấy mũi tăng cường hiệu quả đến 82% trong việc giúp người nhiễm không phải đến phòng cấp cứu hay trung tâm chăm sóc khẩn cấp. Trong khi đó, việc tiêm hai mũi chỉ đạt hiệu quả 38% trong việc ngăn chặn bệnh có triệu chứng phải đi khám. Schaffner nhận định: “Theo tôi, liều thứ ba thực sự mang lại sự bảo vệ vững chắc, tốt nhất”. Nghiên cứu thứ hai, cũng được công bố trên MMWR vào ngày 21 Tháng Một, kết luận: “Những người được tiêm ba mũi ít có khả năng nhiễm Omicron hơn”.

Minh hoạ: Matthew Waring/Unsplash

Xem xét dữ liệu từ 25 sở y tế tiểu bang và địa phương, nhóm nghiên cứu phát hiện trong số những người được tiêm mũi tăng cường, trung bình có 149/100,000 người bị nhiễm coronavirus mỗi tuần trong khi những người chỉ tiêm hai mũi là 255/100,000 người. Nghiên cứu thứ ba, công bố trên tạp chí y khoa JAMA, cho thấy “Tiêm mũi tăng cường giúp người nhiễm Omicron không phát ra triệu chứng”.

Dữ liệu thu thập từ hơn 13,000 ca nhiễm Omicron ở Mỹ cho thấy tỷ lệ người tiêm mũi ba có triệu chứng thấp hơn 66% so với những người chỉ được tiêm hai mũi. Cả ba nghiên cứu đều đưa ra kết luận vững chắc: Những người không tiêm vaccine dễ bị mắc Covid-19 nhất!”. Theo CDC, một người được xem đã tiêm chủng Covid-19 đầy đủ sau khi nhận được hai liều vaccine mRNA chính (moderna và Pfizer) được 2 tuần (vaccine Johnson & Johnson là 1 liều). Liều tăng cường được khuyến nghị cho mọi người từ 12 tuổi trở lên sau năm tháng tiêm xong hai mũi chính.

Theo dữ liệu của CDC, chỉ có khoảng 1/4 tổng dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ theo định nghĩa mới và gần 20% đủ điều kiện tiêm phòng (chưa kể thành phần dân số từ 5 tuổi trở lên) chưa tiêm bất kỳ liều vaccine Covid-19 nào! Hãy hình dung một tương lai không xa khi bạn có thể đặt chuyến du lịch Hè đến Ý mà không cần mang khẩu trang để chụp ảnh.

Nhưng 25 đại dịch tháng đã trôi qua, việc quên đi coronavirus, dù chỉ một chút nghe vẫn khá viễn vông. Nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng đã xuất hiện “dấu chấm hết Covid” trong tầm nhìn. Có lẽ họ đúng, thậm chí triển vọng này có thể xảy ra vào năm 2022. “Tôi nghĩ nếu làm đúng, chúng ta sẽ có một năm 2022 không bị chi phối cuộc sống quá nhiều” – Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc CDC dưới thời Tổng thống Obama và hiện là Giám đốc điều hành và Chủ tịch của tổ chức Resolve to Save Lives nhận định.

Hy vọng nhưng lạc quan thận trọng

Vậy thì, phần tiếp theo của đại dịch sẽ trông thế nào và khi nào nó sẽ đến? Tiến sĩ Yvonne Maldonado, nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Stanford Medicine và tại một số cơ quan liên bang đã cố gắng trả lời câu hỏi. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không biết chính xác điều gì sắp xảy ra. Không ai trong chúng tôi thực sự đoán trước được Omicron!”. Có những mô hình bệnh tật và bài học từ các trận đại dịch trong quá khứ, nhưng cách mà biến thể Omicron lây nhiễm cao xuất hiện có nghĩa là “quả cầu pha lê tiên đoán” của các nhà khoa học sẽ khá… mơ hồ!

Theo dữ liệu của Johns Hopkins, tính đến ngày 20 Tháng Một, số ca nhiễm giảm trên 10% so với tuần trước ở 14 tiểu bang. Nhưng tại 26 tiểu bang khác ​​số ca nhiễm tăng hơn10%! Omicron dường như đã đạt đỉnh điểm ở các khu vực biến thể này xuất hiện đầu tiên như Boston và New York, nhưng nó vẫn hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở các vùng khác của đất nước. Ví dụ, ở tiểu bang Georgia, các quan chức y tế của thành phố Atlanta cảnh báo, các bệnh viện đang quá tải. Với rất nhiều nhân viên y tế bị nhiễm, Lực lượng Vệ binh Quốc gia phải lấp đầy khoảng trống ở các tiểu bang như Minnesota.

Minh hoạ: Omar Elsharawy/Unsplash

Thống đốc tiểu bang Louisiana John Bel Edwards cho biết số lượng ca bệnh, nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng chưa từng có tại tiểu bang này. Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã nhìn thấy “tia hy vọng” từ những gì đã diễn ra ở Nam Phi, nơi phát sinh Omicron.

Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra biến thể này vào Tháng Mười Một, đạt đến đỉnh điểm không lâu sau đó rồi giảm nhanh. Ở Anh cũng vậy, nên thế giới cũng sẽ như thế! Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, đồng thời là giáo sư lâm sàng danh dự tại Đại học California, Trường Y tế Công cộng Berkeley nhận định: “Vào khoảng giữa Tháng Hai chúng ta sẽ bắt đầu thấy mọi thứ sẽ tốt lên”.

Theo nhiều chuyên gia, nếu đợt tăng đột biến Omicron tắt ngấm sớm, sẽ có một “khoảng thời gian yên tĩnh” sau nó. Swartzberg tin rằng từ Tháng Ba đến mùa Xuân hoặc sang mùa Hè, tình hình sẽ giống năm ngoái, với số ca nhiễm tiếp tục giảm. “Tinh thần lạc quan đang xuất hiện để chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn trong cuộc sống – ông nói – Theo tôi, Tháng Năm hoặc Tháng Sáu sẽ sáng sủa thực sự”.

Một phần sự lạc quan của Swartzberg bắt nguồn từ thực tế là sẽ có một dân số miễn dịch lớn hơn nhiều khi ngày càng có nhiều người được tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường, và khỏi bệnh. “Nói chung, mức độ miễn dịch trong dân số Mỹ sẽ cao hơn nhiều so với trước khi có Omicron, điều đó sẽ giúp chúng ta không chỉ sống chung với Omicron, Delta nếu chúng vẫn còn lưu hành, mà còn với bất kỳ biến thể mới nào – Swartzberg nói – Mức độ đến đâu sẽ phụ thuộc vào sự có sẵn của các loại thuốc điều trị vì coronavirus sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn”.

Maldonado bổ sung: “Tôi dự đoán một phiên bản khác của coronavirus sẽ quay trở lại. Các biến thể tiếp theo có thể lây nhanh bằng, thậm chí cao hơn Omicron với các triệu chứng nghiêm trọng nhưng cũng có thể không gây ra triệu chứng nào cả”.

Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ

Vì sao cái ác lên ngôi ở Việt Nam?

Cải cách ruộng đất ngày xưa

Tin tức dồn dập về các vụ giết người tàn bạo ở Việt Nam gần đây khiến người đọc tức thở. Nhiều người không tin được trong thời đại văn minh lại còn diễn ra những chuyện giết người, hành hình theo kiểu trung cổ như đóng đinh vào đầu. Đáng sợ nhất, hầu hết nạn nhân là con cái, là người thân của thủ phạm, nhiều nạn nhân là trẻ em không dám và không thể phản kháng. Vì sao tội ác lan tràn như vậy?

Vụ mới nhất là một nữ sinh đại học ở Bà Rịa-Vũng Tàu đầu độc cha ruột rồi đổ xi măng giấu xác. Trước đó vài hôm, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, có vụ tên Nguyễn Trung Huyên, 30 tuổi, đóng chín cây đinh vào đầu bé ĐNA, 3 tuổi, là con riêng của tình nhân Nguyễn Thị Luyến; sau khi đã ba lần bạo hành cháu bé đến mức phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Những tội ác này xảy ra giữa lúc công luận chưa hết bàng hoàng trước vụ cháu Vân An (8 tuổi) ở Sài Gòn, bị tình nhân của cha là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) đánh đến chết, cùng với sự tòng phạm của cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái.

Đây mới chỉ là những vụ gần nhất, gây rúng động dư luận vì được báo chí tường thuật cặn kẽ; còn rất nhiều những vụ tương tự nhưng ít được nói tới. Chỉ cần vào Google tìm cụm từ “bạo hành trẻ em” ta sẽ có ngay 42 triệu kết quả trong vòng 0.48 giây đồng hồ.

Người đọc bàng hoàng, phẫn nộ vì sự tàn bạo dã man của những kẻ thủ ác đối với những người ruột thịt của mình; có người gọi bọn chúng là “ác quỷ hiện hình.” Các nhà văn – vốn nhạy cảm trước những thảm cảnh xã hội – lập tức lên tiếng. Nhà văn Nguyễn Một ở Sài Gòn than thở: “Tôi cứ tưởng tượng quỷ dữ đầu trâu mặt ngựa, hóa ra nó mang gương mặt con người khi hiện hình đóng đinh vào đầu đứa trẻ. Tôi bẻ bút..!”

Rất nhiều người lên mạng xã hội đòi loại bỏ những kẻ thủ ác ra khỏi xã hội để chúng không còn tác oai tác quái được nữa, và cũng để ngăn chặn những tội ác tương tự trong tương lai. Nhưng trừng phat, kể cả bằng án tử hình, cũng chỉ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ và thường không có nhiều tác dụng răn đe. Cái cần suy nghĩ là, do đâu mà những kẻ vô nhân tính này – khi sinh ra cũng là người như chúng ta, thậm chí có kẻ còn được học cao, giàu có và có địa vị xã hội – đã trở thành quỷ dữ như vậy. Nếu không nhận ra và giải quyết tận gốc thì hiện tượng bạo hành, giết người dã man sẽ tiếp tục diễn ra và không ai có thể sống yên bình.

***

Mạnh Tử – nhà triết học lớn của Trung Hoa thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên, một trong những ông tổ của Nho Giáo – cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện,” bản tính tự nhiên của con người là hiền lành; cái ác là do giáo dục, do môi trường sống tạo nên. Mẫu thân của ông Mạnh, lúc đầu sống gần chợ, sau phải dời nhà đi nơi khác vì không muốn con tiêm nhiễm thói hư tật xấu của nơi buôn bán lọc lừa.

Theo cách hiểu như vậy, nền giáo dục Việt Nam đã thất bại hoàn toàn trong việc chuẩn bị cho trẻ em lớn lên thành con người nhân hậu; thậm chí đã là một tác nhân chính nuôi dưỡng và tôn vinh cái xấu, cái ác. Những hành vi độc ác mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, có thể nói không sợ quá lời, chỉ là những hậu quả sinh ra từ một nền giáo dục và một môi trường xã hội đã suy đồi tới tận cùng.

Nền giáo dục Cộng Sản đặt nền tảng trên lòng thù hận, coi hận thù là động lực tâm lý đầu tiên để dẫn tới đấu tranh cách mạng (?). Nếu có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu nội dung giáo dục trong nhà trường Việt Nam, sẽ dễ dàng nhận ra quan điểm “đấu tranh” thấm nhuần trong mọi cấp lớp, mọi bài giảng trong các môn học về xã hội. “Sống là tranh đấu!” Bài quốc ca mà học sinh phải hát khi chào cờ đầy hình ảnh khát máu: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đường vinh quang xây xác quân thù…”

Lịch sử của dân tộc bị đơn giản hóa, không còn là lịch sử vận động của nền văn minh mà chỉ là một chuỗi những cuộc chiến tranh chống xâm lược với những trận đánh đẫm máu; kho tàng văn chương Việt Nam không có gì khác hơn là những tác phẩm biểu hiện lòng căm thù của nhân dân lao động bị bóc lột đối với bọn phong kiến, địa chủ và cường hào ác bá. Ngay cả “Đoạn Trường Tân Thanh,” hay “Truyện Kiều” – tác phẩm văn chương lớn nhất thời cận đại – cũng bị giải thích là “lời tố cáo” chế độ phong kiến bất nhân, đại diện bởi những Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư… chà đạp lên những số phận tài sắc như Thúy Kiều…

Phần lớn môn lịch sử trong nhà trường hiện nay là lịch sử “đấu tranh cách mạng, xóa bỏ thực dân phong kiến” của đảng Cộng Sản Việt Nam với những “anh hùng” bịa đặt hoặc bóp méo, những trận chiến núi xương sông máu; toàn bộ cái gọi là “văn học cách mạng” mà học sinh phải học phải thi chỉ tập trung vẽ ra cái gọi là tội ác dã man của kẻ thù đối lập với tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Cộng Sản.

Với lá đảng kỳ in hình búa liềm, đảng Cộng Sản chỉ đề cao “bạo lực cách mạng.” Không có gì khác. Không có bóng dáng của lòng nhân. Tình yêu, tình đồng loại giữa con người và con người gần như không được đề cập tới trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Thứ tình cảm mà đảng muốn học sinh thấm nhuần chỉ là “tình đồng chí.”

Tôi nhớ đầu thập niên 1980, chính phủ CSVN muốn “cải cách” giáo dục tiểu học; những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa muốn thay thế những bài giảng sắt máu hận thù bằng những câu chuyện ca ngợi tình nghĩa gia đình giữa ông bà, cha mẹ, con cái, bạn hữu, hàng xóm láng giềng… nhưng đáng buồn là sau thời gian nghiên cứu, họ không tìm ra những tác phẩm có nội dung như vậy trong “văn học cách mạng.”

Nhóm biên soạn đề nghị lấy chuyện Lưu Bình-Dương Lễ từ kho tàng cổ tích đưa vào giảng dạy để giáo dục học sinh tiểu học về tình bạn, trong đó Dương Lễ vì tình nghĩa sâu nặng với bạn mà bí mật cho vợ là nàng Châu Long đến giúp đỡ, khuyên nhủ Lưu Bình chí thú học hành, sau này đỗ đạt thành người. Tuy nhiên, đề nghị của nhóm biên soạn đã bị ông Lê Duẩn – khi ấy là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam – bác bỏ với lý do câu chuyện này trái ngược với quan niệm của đảng về người phụ nữ! Cho đến nay, trong chương trình tiểu học dường như vẫn chưa có bài giảng nào về tình bạn – một tình cảm căn bản của con người.

***

Giáo dục nuôi dưỡng lòng căm thù, nhưng giáo dục chỉ là một bộ phận, một mảnh trong toàn bộ hệ ý thức Cộng Sản chủ nghĩa được thực thi từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước. Cốt lõi của hệ tư tưởng Cộng Sản là học thuyết đấu tranh giai cấp – cuộc chiến triền miên giữa người giàu và người nghèo, giới chủ và thợ thuyền, địa chủ và tá điền, người dân bị áp bức và tầng lớp thống trị thực dân phong kiến bóc lột.

Cuộc đấu tranh, theo quan điểm của Lenin, tất nhiên sẽ dẫn tới chiến thắng của “giai cấp vô sản;” người vô sản sẽ giành được quyền cai trị xã hội, sẽ sử dụng “chuyên chính vô sản” để trấn áp các giai cấp thù địch, xây dựng một “xã hội mới không có người bóc lột người.”

Nhưng đó là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ – cho đến cuối thế kỷ 21 này không biết có đạt được không, như lời ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam. Một điều kiện quan trọng: “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa,” tức là phải có những thế hệ người Việt biết căm thù và đấu tranh, biết tôn thờ và hy sinh cho đảng.

Bên ngoài cánh cổng trường, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra liên tục, nhiều khi đẫm máu, tác động không ít đến tư tưởng và tình cảm của con người. Cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 ở miền Bắc phá hủy hoàn toàn nền móng đạo đức của xã hội Việt Nam khi con trùm quần lên đầu cha, vợ đấu tố chồng, hàng xóm láng giềng vu cáo hãm hại nhau theo chỉ đạo của đảng. Rồi cải tạo công thương nghiệp, công hữu hóa tư liệu sản xuất hủy hoại cơ sở kinh tế của xã hội, buộc con người dính chặt vào cơ chế bao cấp “sổ gạo, tem phiếu” của nhà nước Cộng Sản, rồi trấn áp “bọn phản cách mạng” trong các vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, rồi các chiến dịch tuyên truyền căm thù “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”… tất cả đều gieo vào tâm lý người dân một lòng căm thù sục sôi, từ đó động viên họ đi vào chiến trường miền Nam, chiến đấu và hy sinh cho tham vọng quyền lực của đảng và các quan thầy ở Liên Xô, Trung Quốc.

Những chiến lược chiến thuật đấu tranh tàn bạo đó được lặp lại khi Cộng Sản chiếm được miền Nam năm 1975 và kéo dài đến tận bây giờ, khi đảng Cộng Sản không ngừng đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa mà họ vu vào tội chống đảng, chống chính quyền. Điều khó hiểu là ngay cả những người xuống đường biểu tình biểu thị tình yêu nước trước hành vi xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc, tưởng niệm các tử sĩ đã ngã xuống trong các trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, biên giới phía Bắc 1979… cũng bị các lực lượng an ninh của chế độ đánh đập dã man, bị coi như kẻ thù cần phải tiêu diệt!

Xã hội tự do, nền giáo dục “nhân bản, dân tộc, khai phóng” của miền Nam vĩnh viễn đóng lại từ sau ngày thất thủ Sài Gòn Tháng Tư, 1975, thay bằng nỗi hận thù, cưỡng đoạt, đàn áp và giả dối. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tìm đường sống giữa hai bờ sinh tử; hàng triệu người khác vẫn đang tìm cách ra đi vì không thể có cuộc sống yên bình trong một xã hội thiếu vắng tình nhân ái.

***

Trở lại những câu chuyện bạo hành tàn ác ở trên, nhiều người lý rằng các cháu bé bị ngược đãi chẳng qua chỉ vì cha mẹ ly hôn, “là nạn nhân trực tiếp và đầu tiên của các cuộc hôn nhân tan vỡ” như lời Trung Tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, nói với báo Tuổi Trẻ. Có thể gia đình tan vỡ là một lý do, nhưng không giải thích được hiện tượng con giết cha ruột, hay cảnh sát đánh nghi phạm đến tàn tật như trường hợp anh Lê Chí Thành, một cựu đại úy cảnh sát rất khỏe mạnh, chỉ sau mấy tháng tạm giam với tội chống người thi hành công vụ bỗng thành phế nhân, đôi chân bị liệt do bị các đồng đội cũ tra tấn, hay trường hợp các thanh niên đi lính nghĩa vụ bị cấp trên đánh chết như Nguyễn Văn Thiên ở Gia Lai, Trần Đức Đô ở Bắc Ninh và Hoàng Bá Mạnh ở Hải Dương mà truyền thông đưa tin gần đây.

Có người quan niệm cái ác thời nào cũng có nhưng ngày nay truyền thông phát triển, nên cái ác cái xấu của người Việt mới bị phơi bày trên báo đài, mạng xã hội. Nhưng những người có tuổi, trải đời thì hầu như đều nhận định xã hội ngày nay đã suy đồi tới mức thê thảm so với ngày xưa; giềng mối văn hóa đạo đức đã sụp đổ khó mà cứu vãn nổi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau – cây bút được hâm mộ nhất ở trong nước hiện nay – than thở dường như con người đã tiến hóa quá xa từ con thú để bây giờ quay ngược lại, từ người xuống thành con thú!…

Cũng có người cho rằng xã hội nào cũng có người hiền kẻ ác; ngay cả xứ văn minh giàu có như Mỹ thỉnh thoảng cũng có chuyện học sinh xách súng vào trường học thảm sát thầy cô giáo và bạn bè đó thôi; đâu có thể nói giáo dục của Mỹ đề cao bạo lực. Quả thật bạo lực hay tội ác thì xã hội nào cũng có vì loài người vẫn chưa phải là thần thánh. Nhưng nên phân biệt hành vi giết người lúc bốc đồng của một số cá nhân có thể có vấn đề về tâm lý với hiện tượng thủ ác có tính hệ thống, phổ biến và được “tôn vinh” bởi một thế lực cầm quyền đề cao bạo lực, đàn áp thay cho đối thoại và bao dung.

Trong lúc các vụ án bạo hành trẻ em gây chấn động công luận trong nước, người ta không khỏi ngạc nhiên và bất bình khi thấy nhà cầm quyền Cộng Sản trao Huy Chương Bạc cho diễn viên Hồng Quang Minh, tức Minh Béo – kẻ đã phạm tội “ấu dâm,” “lạm dụng tình dục” và bị tù giam ở Mỹ cách đây chưa lâu. Một tòa án ở Thủ Đức mới đây tuyên phạt Lê Duy Hiến, 74 tuổi, đảng viên đảng Cộng Sản, cựu sĩ quan cấp tá trong quân đội, phạm tội dụ dỗ bé gái 13 tuổi vào nhà để quan hệ tình dục làm bé gái này mang thai, mức án chỉ bốn năm tù do bị cáo “có công cách mạng.” Nên để ý ở các nước văn minh, ấu dâm là trọng tội đại hình, kẻ thủ ác không chỉ bị án tù dài mà còn bị cả xã hội ghê tởm.

Những ví dụ kể trên cho thấy, đảng Cộng Sản cầm quyền đang dung túng cái ác, lũng đoạn xã hội bằng một hệ thống sâu rộng, từ giáo dục đến luật pháp, chỉ để phục vụ cho việc duy trì quyền lực tuyệt đối của họ, cho dù phải đẩy xã hội tới bờ vực nguy hiểm. Lâu dần hệ thống đó bào mòn căn tính thiện lương của con người, thủ tiêu lòng nhân ái, làm gia tăng tính man rợ mà những tội ác đang diễn ra ngày càng nhiều là hậu quả nhãn tiền, không thể tránh né được. Cho dù ngày mai chế độ Cộng Sản sụp đổ, một thể chế chính trị khác thay thế thì chưa chắc cái ác sẽ bị tiêu trừ, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhưng con đường đi tới một tương lai yên bình đòi hỏi phải thay đổi tận gốc cái thể chế chính trị dung dưỡng và tôn vinh cái ác. .

Hiếu Chân / Việt-Studies