Cơn đồng bóng Phạm Nhật Vượng, cấu trúc một thân hai đầu của chế độ toàn trị Việt Nam

Phạm Nhật Vượng là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện đang nổi đình đám. Thời còn trẻ ông Vượng được nhà nước cộng sản Việt Nam cho đi du học ở Liên Xô, đế quốc cộng sản vang bóng một thời, nay đã sụp đổ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của sự sụp đổ đó, ông Vượng cùng một số những người Việt lanh lẹ ở Liên Xô buôn bán kiếm lời và phất lên nhanh chóng. Nhóm người này sau đó tở thành những nhà tài phiệt trong xã hội tư bản cộng sản Việt Nam hiện nay.

Một người thạo tin trong giới quân đội Việt Nam chia sẻ với tôi rằng, ông Vượng trúng “quả” đầu tiên khi được tay trong giới chức chính quyền mớm cho một lô đất vàng tại trung tâm Hà Nội, sau đó bán lại lời rất nhiều, khi các công ty nước ngoài đổ xô vào Việt Nam tìm đất đai mở văn phòng.

Từ đó, cứ thế mà lên, ông Vượng cũng như các đại gia tài phiệt Việt Nam ăn nên làm ra nhờ vào đất đai, ở các thành thị cũng như khu công nghiệp. Dưới chiêu bài đất đai là “sở hữu toàn dân”, các tài phiệt này câu kết với các giới chức tham nhũng trong Đảng, mua đất (hay gom đất) với giá rẻ mạt từ số đất của nhà nước, hay của nông dân, sau đó phân lô, cho thuê, xây cao ốc văn phòng, chung cư “cao cấp”… rồi bán lại với giá rất mắc.

Khi các nhà tư bản nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, có hai khoản chi phí được xem là còn lại trên đất nước Việt Nam, đó là tiền lương họ trả cho công nhân (thực chất là nông dân lao động giản đơn) và tiền họ thuê đất. Số tiền họ thuê đất đa số chạy vào túi của những người như ông Vượng và các giới chức quan quyền.

Sau hơn 30 năm phát triển công nghiệp, có hai tầng lớp trục lợi nhiều nhất, đó là giới tư bản nước ngoài, đem lợi nhuận ra nước ngoài, và hệ thống chính trị Việt Nam, gồm hai phần, các tay tài phiệt như ông Vượng, và các quan chức cộng sản, có khi tài phiệt cũng là quan chức cộng sản.

Số của cải mà tầng lớp công nhân tích góp được không là bao nhiêu. Chỉ sau hơn một tháng bị dịch bệnh vào mùa Thu năm 2021, hàng triệu người bị đói, phải bỏ chạy tán loạn.

Nhóm nhân sự “kinh tế thị trường” kiểu Vượng này không sản xuất ra bao nhiêu giá trị thặng dư (added value) cho xã hội, mà họ chủ yếu làm giàu trên bất động sản, rồi sau đó khi thị trường chứng khoán thành lập, họ bắt đầu thao túng theo kiểu tiền đẻ ra tiền. Sản phẩm Vinfast thực chất chỉ là lắp ráp những món đồ làm ở nước ngoài, người thợ Việt Nam chỉ thêm vào được cái công siết ốc. Tình trạng “không sản xuất nổi một con ốc” của Việt Nam vẫn còn nguyên.

Đó chính là cấu trúc nhân sự của cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Đảng Cộng sản Việt Nam cổ xúy hiện nay. Vế đầu, kinh tế thị trường, chính là nhóm người như ông Vượng, vế sau, xã hội chủ nghĩa, do các quan chức cộng sản thủ vai. Nhóm người như ông Vượng, thực chất cũng xuất thân từ nhóm quan chức cộng sản, cho nên ta có thể nói, đó là cấu trúc một thân hai đầu của hệ thống Việt Nam hiện nay.

Cơ thể một thân hai đầu này lộ ra một cách trơ trẽn qua việc công ty của ông Vượng sai bảo các viên chức công an đàn áp người dân. Tại VinSchool, trường học của ông Vượng, khi phụ huynh than phiền về học phí, công an bèn mời lên làm việc. Một khách hàng than phiền về chất lượng xe hơi Vinfast, cũng bị công an mời đi làm việc ngay lập tức.

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, người dân Việt Nam chứng kiến một hiện tượng đồng bóng chưa từng có trong xã hội Việt Nam, từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cho đến nay. Ông Vượng tham gia triển lãm xe điện Vinfast ở Hoa Kỳ. Báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam “vỡ hòa” tung hô, nói là các đại công ty xe hơi thế giới liệu hồn trước Vinfast của ông Vượng!

Ông Vượng lập ra một quỹ tên là VinFuture, trao hàng triệu đô la cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Báo chí của Đảng lại “vỡ òa” so sánh VinFuture với giải… Nobel!

Nếu hai sự việc trơ trẽn sai bảo công an là để thị uy của cái đầu “thị trường”, thì cơn đồng bóng “vỡ òa” xe Vinfast và giải VinFuture là sự trang điểm cho cái đầu “xã hội chủ nghĩa”. Sự “vỡ òa” này có tác dụng kích thích một thứ chủ nghĩa dân tộc mù quáng của người Việt Nam, nhằm mang lại tính chính danh của chế độ hiện hành, nhất là sau vụ bê bối động trời Việt Á, vốn cũng có nguồn gốc từ cấu trúc một thân hai đầu của chế độ.

Với sự thống trị của “giai cấp mới” (từ của Milovan Djilas, từng là nhân vật số hai của Đảng Cộng sản Nam Tư) một thân hai đầu này, năng lực chế tạo thực sự của Việt Nam là trống rỗng. Gần 100 triệu người Việt sống vào hai nguồn chính: tài nguyên thiên nhiên trong đó bao gồm nền nông nghiệp lạc hậu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để khai thác sức lao động rẻ. Việt Nam đang dần biến thành một mắt xích cho chuỗi cung ứng toàn cầu ở những khâu rẻ nhất. Quê nhà Hà Tĩnh của ông Vượng là nơi xuất phát của đại đa số các “thùng nhân” tìm cách đổi đời ở trời Âu, bất chấp mọi rủi ro, kể cả đánh đổi mạng sống của mình.

Nói cho công bằng thì cũng có những người Việt trong nước làm giàu từ hoạt động sản xuất của cải, nhưng lớp này chỉ phát triển đến một mức độ giới hạn, tùy thuộc vào sự gắn bó của họ vào cấu trúc hai lớp “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nêu. Nếu họ không gắn bó nhiều, thì tới một mức độ nào đó họ phải chấm dứt, hoặc bị cấu trúc “một thân hai đầu” nuốt sống, hoặc… bỏ chạy ra nước ngoài. Tầng lớp trung lưu Việt Nam, có sức sống độc lập, vì thế không hình thành được.

Cơn đồng bóng Phạm Nhật Vượng cho thấy rất rõ Việt Nam đang là một “Đông Á bệnh phu”, với một năng lực sáng tạo trống rỗng, nhưng trí não hoang tưởng thì rất vĩ đại.

Jackhammer Nguyễn / Tiếng Dân

Phố Hàng Mã rực rỡ đón Tết Nhâm Dần

Các cửa hàng dọc theo phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trở nên nhộn nhịp, khi không gian phố cổ trầm lắng thường ngày trở nên rực sáng, với nhiều ánh đèn và các mặt hàng trang trí Tết đỏ thắm.

Những mặt hàng trang trí mang đậm nét truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam như câu đối đỏ, bánh, chữ thư pháp,… được các tiểu thương ở đây bày bán đa dạng với nhiều kích cỡ để khách hàng lựa chọn.

Ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này các tiểu thương đang tấp nập chuẩn bị các mặt hàng để kịp phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thành nhìn chung của các mặt hàng cao hơn so với các năm trước.

Chị Lâm Hồng cùng đồng nghiệp đi mua hoa đào về trang trí văn phòng công ty. Hồng chia sẻ: “Mình hỏi giá lẻ là 70 nghìn 1 cành đào trang trí, mua 10 cành trở lên thì chỉ còn 50 nghìn thôi, nhưng vẫn thấy hơi đắt. Ai biết mặc cả chắc sẽ mua được rẻ hơn”.

Đây cũng là dịp để các phụ huynh dẫn con em mình tới mua các món đồ chơi Tết, hiểu thêm về phong tục Tết cổ truyền của Việt Nam.

Không gian Tết rực rỡ tại Hàng Mã cũng thu hút các bạn trẻ tới chụp ảnh check-in ngoài việc mua sắm, tham quan.

Càng về chiều tối, lượng khách tới với phố Hàng Mã ngày một đông đúc hơn. Một tiểu thương tại đây cho biết, do dịch bệnh vẫn chưa kết thúc nên lượng khách thời điểm này so với các năm là ít hơn hẳn.

Sắc đỏ của các mặt hàng được bày bán tại phố Hàng Mã đã trở nên quen thuộc vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, màu đỏ như đem lại sự may mắn, niềm vui cho mọi người trong ngày lễ đặc biệt đã in sâu vào tâm trí người Việt bao đời qua.

(Theo Vân Hương/Dân Trí)

Cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ Nguyên Sa (1932-1998) – Tác giả Áo Lụa Hà Đông, Tháng 6 Trời Mưa…

Trong thi đàn Việt Nam, Nguyên Sa là một cái tên mang dấu ấn đặc biệt quan trọng, được nhiều người yêu mến và kính trọng bởi tài năng thơ ca thiên phú. Còn trong tân nhạc, Nguyên Sa cũng là cái tên quen thuộc khi rất nhiều bài thơ của ông đã được phổ thành những ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ yêu thích. Nhạc sĩ Song Ngọc là người đầu tiên phổ nhạc Nguyên Sa với ca khúc Tiễn Đưa, nhưng người nhạc sĩ nổi tiếng nhất với thơ Nguyên Sa là Ngô Thụy Miên với các bài hát quen thuộc: Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tháng 6 Trời Mưa. Ngoài ra còn có nhạc sĩ Anh bằng với Mai Tôi Đi, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm với Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết…

Dòng dõi danh gia vọng tộc

Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1/3/1932 trong một gia đình tri thức khá giả tại Hà Nội. Cha Nguyên Sa là ông Trần Văn Chi, một thương nhân, mẹ là bà Đoàn Thị Xuân. Nguyên Sa nguyên gốc là người Huế, ông cố là Thượng thư Trần Trạm, từng giữ tới chức Hiệp Tá Đại Học Sĩ (1 trong tứ trụ) dưới triều vua Tự Đức. Sau khi về hưu, ông cố Trần Trạm đưa cả gia đình về Hà Nội và phát triển gia nghiệp tại đây từ đời ông nội Nguyên Sa. Gia đình vốn theo đạo công giáo nên ngay từ nhỏ, Nguyên Sa đã được gửi theo học tại trường dòng Puginier, nay là trường THPT Việt Đức.

Cuộc kháng Pháp bùng nổ, trường dòng Puginer bị đóng cửa một thời gian, Nguyên Sa theo gia đình tản cư đi Hà Đông và tiếp tục theo học tại trường Văn Lang. Đến năm 1946, khi mới 14 tuổi, Nguyên Sa bị Việt Minh bắt giữ vì tội làm “Việt gian”.

Thi sĩ Nguyên Sa ở trên cùng

Tuy nhiên, theo hồi ký của Nguyên Sa, nguyên nhân là khi đó, cha ông đang làm việc trong ban kinh tài của Việt Minh. Vì lo sợ cha ông sẽ bỏ trốn nên họ đã giữ con trai để làm tin. Sau 8 tháng bị giam giữ, điều chuyển, Nguyên Sa được thả ra với lý do “bắt nhầm người”.

Năm 1948, cả gia đình Nguyên Sa trở về Hà Nội. Một năm sau, năm 1949, ông được gửi đi du học. Đến Pháp, Nguyên Sa bắt

đầu theo học lớp 11 tại trường trung học Coulommiers (Seine et Marne). Tuy nhiên, do tuổi trẻ ham chơi, lại xa gia đình không có người kèm cặp, Nguyên Sa liên tục bị ở lại lớp. Gia đình phải chuyển ông qua nhiều trường khác nhau xa Paris để được học tiếp, từ Coulommiers sang trường Rambouillet, rồi trường Provins. Năm 1953, sau hơn 4 năm đến Pháp, cuối cùng Nguyên Sa cũng lấy được bằng tú tài và đăng ký vào khoa Triết học tại Đại học Sorbonne. Cũng trong năm này, Nguyên Sa bắt đầu gặp gỡ, hẹn hò với vợ là bà Trịnh Thuý Nga. Ông sáng tác hai bài thơ đầu tay là Tôi Sẽ Sang Thăm Em và Tiễn Biệt.

Thi sĩ Nguyên Sa và bà Nga, hình chụp khi họ còn là học sinh ở Hà Nội

Sau khi hoàn thành chương trình học và nhận bằng cử nhân Triết Học vào cuối năm 1955, Nguyên Sa cùng vợ lên tàu trở về Việt Nam. Từ năm 1956, Nguyên Sa tham gia giảng dạy môn triết học tại trường trung học Chu Văn An ở Sài Gòn. Để lo kinh tế gia đình, ông còn dạy thêm cả môn Pháp văn và dạy Triết tư tại nhà. Một thời gian sau, Nguyên Sa được giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch mời về dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn cộng tác giảng dạy ở nhiều trường tư thục khác ở Sài Gòn như Văn Lang, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Nguyễn Bá Tòng, Võ Trường Toản,… và cùng với vợ mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.

Bà Nga khi là hiệu trưởng trường Văn Học ở Sài Gòn

Năm 1960, Nguyên Sa thành lập tạp chí văn học Hiện Đại, một trong 3 tờ tạp chí nổi tiếng hàng đầu tại miền Nam khi đó. Ngoài thời gian tham gia giảng dạy, ông còn viết bài cho tờ Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo, nhật báo Sống của Chu Tử, tờ Trình Bầy của Thế Nguyên,… Năm 1966, khi đang mải miết với các hoạt động giảng dạy, sáng tác, Nguyên Sa bị gọi nhập ngũ. Sau khi vào học tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ông được phân về làm việc tại cục quân nhu và giảng dạy tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử trong gần 10 năm từ năm 1967 đến 1975. Thời gian này, ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ, viết văn viết báo. Do có hai người con đang du học tại Pháp vào thời điểm tháng 4 năm 1975, nên cả gia đình Nguyên Sa đã quyết định đến Pháp để đoàn tụ với con. Ngày 24/4/1975, Nguyên Sa cùng vợ rời khỏi Việt Nam. Đến Pháp, hai vợ chồng Nguyên Sa cùng nhận được học bổng theo học lớp Cao học kinh tế tại Đại học Pháp. Thời gian này, ông cộng tác với nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh và nhà văn Trần Tam Tiệp thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Sau 3 năm ở Pháp và nhận bằng cao học kinh tế, năm 1978, Nguyên Sa chuyển đến Mỹ, sống tại California. Tại Mỹ, Nguyên Sa thành lập trung tâm băng nhạc Đời và các tờ báo, tạp chí phát hành trong giới kiều bào gồm tạp chí Đời, Phụ Nữ Việt Nam và tuần báo Dân Chúng. Ngày 18 tháng 4 năm 1998, thi sĩ Nguyên Sa qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.

Nguyên Sa là ai?

Có phải em mang trên áo bay Hai phần gió thổi, một phần mây Hay là em gói mây trong áo Rồi thở cho làn áo trắng bay? Thi sĩ Nguyên Sa bắt đầu sáng tác khi đã bước qua lứa tuổi học trò, nhưng những vần thơ của ông luôn khiến người nghe xao xuyến, bâng khuâng, tê lặng bởi vẻ đẹp hồn nhiên, tinh khôi của ngôn từ và hình ảnh. Trong cuốn Nguyên Sa Hồi Ký, ông bộc bạch:  “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”. Không chỉ là một nhà thơ, Nguyên Sa còn là một nhà báo, một giáo sư triết học, một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò Sài Gòn trước năm 1975. Từ lời bộc bạch trên, có vẻ như ông yêu nhất, thoả mãn nhất với con người thơ ca, lãng mạn trong mình. Bút danh Nguyên Sa có nghĩa là hạt cát nguyên thuỷ ban sơ, cái tên khiêm nhường này được ông sử dụng từ khi bắt đầu làm thơ vào năm 1953 tại Pháp, với lời giải thích rằng với ông khi đó, mọi thứ đều là khởi đầu, khởi đầu từ số 0, hoàn toàn chưa có gì.

Áo Lụa Hà Đông là 1 trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyên Sa, đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc

Sau này, khi viết báo, Nguyên Sa sử dụng thêm bút danh Hư Trúc. Hư Trúc là một trong 3 nhân vật chính nổi tiếng trong bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của tác giả Kim Dung, có ngoại hình xấu xí, tướng mạo thô kệch, mắt to mũi bự, tai vểnh miệng rộng, lông mày rậm rịch, trán dồ cao, tâm tính tốt bụng, hiền lành và thường làm theo bản năng. Giải thích cho sự lựa chọn này, Nguyên Sa nói rằng, Hư Trúc dù là một hoà thượng Thiếu Lâm, nhưng lại không phải là một người toàn tâm tu hành nghiêm khắc, mà là một con người có 2 bản ngã, hai cuộc đời. Ban ngày, Hư Trúc là người tu hành đạo hành, thuần thục, đầy ý thức nhưng khi đêm xuống, nhân vật này lại vô thức rơi vào những giấc mơ tình ái, hoan lạc đầy bản năng. Điều đó tương tự như đời sống của chính ông, một nhà thơ Nguyên Sa với những vần thơ bay bổng, lãng mạn, đầy tự do và một giáo sư triết học Trần Bích Lan (tên thật của Nguyên Sa) với những giáo điều, mô phạm, kỷ luật.

Sách triết do giáo sư Trần Bích Lan biên soạn

Như đã nói ở trên, Nguyên Sa bắt đầu sáng tác vào năm 1953, với hai bài thơ đầu tay là Tôi Sẽ Sang Thăm Em và Tiễn Biệt. Hầu hết các sáng tác trong thời gian ở tại Pháp của Nguyên Sa thời kỳ này đều là cảm hứng từ mối tình của ông với vợ là bà Trịnh Thuý Nga và nỗi buồn ly biệt sau khi tin tức về người cha đã qua đời ở Hà Nội được đưa tới. Đặc biệt nhất trong số đó bài thơ tên Nga dành tặng cô Nga với những vần thơ vô cùng hóm hỉnh, tinh nghịch và mới mẻ: Và em sẽ cười phải không em Em sẽ không buồn như một con chó ốm Như con mèo ngái ngủ trên tay anh Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình Để anh giận sao chả là nước biển… Từ năm 1956, sự trở về của Nguyên Sa từ Pháp với những vần thơ trong veo, lịm ngọt của ông đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ, phóng khoáng và tươi trẻ vào làng văn nghệ Sài Gòn. Thơ Nguyên Sa đặc biệt được yêu thích và truyền tay nhau trong giới học trò, sinh viên và cả tri thức trẻ. Nhà báo Mặc Lâm, một cây bút kỳ cựu của tờ RFA đã đưa ra những nhận định khá xác đáng về ảnh hưởng của thơ Nguyên Sa thời kỳ này:

Vợ chồng Nguyên Sa tại Pháp

“Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những dòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới. Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế ᴄhιến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

” Trở về Sài Gòn, ngoài thời gian dạy triết học, pháp văn, viết các tác phẩm lý luận triết học, luận lý học, tâm lý học… Nguyên Sa còn là một cây bút rất tích cực của làng văn nghệ. Ông làm thơ, viết văn, truyện, báo,… để xuất bản và đăng trên nhiều tờ báo lớn nhỏ khác nhau. Rất nhiều những bài thơ tình của Nguyên Sa được các nhạc sĩ lựa chọn để phổ nhạc và trở thành nhạc phẩm nổi tiếng, rất được yêu thích, có thể kể đến như: Mai Tôi Đi (Anh Bằng), Paris Có Gì Lạ Không Em (Ngô Thuỵ Miên), Tiễn Đưa (Song Ngọc phổ nhạc từ bài Tiễn Biệt), Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thuỵ Miên), Tuổi Mười Ba (Ngô Thuỵ Miên), Tình Khúc Tháng Sáu (Ngô Thuỵ Miên), Tháng Sáu Trời Mưa (Hoàng Thanh Tâm), Cần Thiết (Hoàng Thanh Tâm), Vết Sâu (Phạm Duy), Màu Kỷ Niệm (Phạm Đình Chương),.. Click để nghe Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông năm 1974 Có thể thấy những bài thơ của Nguyên Sa rất được các nhạc sĩ yêu thích, bởi ca từ giản dị, phóng khoáng, tự nhiên và giàu nhạc tính. Các nhạc sĩ khi phổ nhạc thường không phải sửa chữa câu từ quá nhiều, có thể bê nguyên cả đoạn thơ dài vào âm nhạc. Nhạc sĩ có nhiều “duyên nợ” nhất với thơ tình Nguyên Sa chính là nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, người viết tình ca ngọt ngào và bay bổng nhất trong âm nhạc Việt. Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự: “Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn giòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.” Giai đoạn sau năm 1975, từ những biến cố thời cuộc đưa đẩy, Nguyên Sa di cư đến Pháp, rồi đến Mỹ, cuộc sống xứ người với những lo toan thường trực đã khiến thơ Nguyên Sa trở nên đậm đà, nhiều trăn trở và suy tư hơn trước. Bút lực của Nguyên Sa dù vẫn rất dồi dào, phóng khoáng và tươi trẻ nhưng nhắc tới tên ông người ta vẫn chỉ nhớ tới những bài thơ tình học trò, những bài thơ đã đi vào âm nhạc, đã lưu dấu một thời ký ức xa xưa.

Vợ chồng thi sĩ Sa

Những tác phẩm đã xuất bản

Bạn đang sao chép nội dung của nhacxua.vn. Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn nhacxua.vn kèm theo link bài viết. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense

 Thơ Nguyên Sa (Tổ Hợp Gió, Sài Gòn, 1957); Thơ Nguyên Sa tập II (Đời, California, 1988); Tập III (Đời, 1995); tập IV (Đời, 1998); Thơ Nguyên Sa toàn tập (Đời, Nguyên2000) Truyện dài: Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ (Tạp chí Trình Bầy, Văn Học, Sài Gòn, 1972; Đời in lại ở Cali, không đề năm); Giấc mơ (ba tập, Đời, Cali, 1992, 1993, 1994) Truyện ngắn: Gõ đầu trẻ (Trình bầy, Sài Gòn, 1959), Mây bay đi (Tinh hoa miền Nam, 1967) Triết học và văn học: Quan điểm văn học và triết học (Nam Sơn, Sài Gòn, 1960); Descartes nhìn từ phương Đông (Trình bầy, 1966); Một bông hồng cho văn nghệ (Trình bầy, 1971); Một mình một ngựa (Trình bầy, 1971) Bút ký: Đông du ký Nhận định: Hai mươi khuôn mặt nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại (Đời, 1993) Sách giáo khoa: Luận lý học, Tâm lý học (Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1958) Hồi ký: Nguyên Sa hồi ký (Đời, 1998); Cuộc hành trình tên là lục bát (Đời, 1999) Niệm Quân (nhacxua.vn) biên soạn/ Nhạc xưa Vietnam

Nhờ đâu các ngôi sao TikTok kiếm được nhiều hơn minh tinh màn bạc và CEO?

Ảnh: Hello I’m Nik/Unsplash

Forbes (ngày 7-1-2022) cho biết, tổng doanh thu của bảy người trong số ngôi sao TikTok “hot” nhất thế giới hiện nay đã kiếm được tổng cộng $55.5 triệu trong năm 2021, tăng 200% so với năm 2020. Chỉ riêng Charli D’Amelio (17 tuổi), bắt đầu tham gia TikTok năm 2019, đã bỏ vào két sắt được $17.5 triệu vào năm 2021! Thật khó có thể tưởng tượng chỉ làm những video đơn giản có vẻ nhí nhố tào lao mà có thể kiếm được ngần ấy tiền.

Người đứng thứ nhì trong danh sách Forbes (thống kê doanh thu các ngôi sao TikTok) là Dixie (20 tuổi), cô chị của Charli D’Amelio, với thu nhập $10 triệu năm 2021. Để có thể hình dung, Wall Street Journal (ngày 13-1-2021) chỉ ra rằng, mức thu nhập trung bình của giám đốc điều hành các công ty thuộc S&P 500 là $13.4 triệu vào năm 2020 – ấy là đã cộng đủ thứ vào, từ tiền lương, phần thưởng cổ phiếu, đến tiền thưởng hàng năm… Với $17.5 triệu, Charli D’Amelio kiếm được nhiều hơn CEO của một số tập đoàn khổng lồ, chẳng hạn Darren Woods của Exxon Mobil ($15.6 triệu năm 2020), Kevin Johnson của Starbucks ($14.7 triệu), Ed Bastian của Delta Air Lines ($13.1 triệu) và Chris Kempczinski của McDonald’s ($10.8 triệu)…

Charli D’Amelio (trái) và Dixie D’Amelio (ảnh: Jason Mendez/Getty Images)

Bất luận việc giới hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang soi kỹ TikTok lẫn Instagram về những mặt trái xã hội của nó, vô số tập đoàn đã bơm tiền cho những ngôi sao TikTok để quảng cáo sản phẩm. Doanh thu của các ngôi sao TikTok chủ yếu đến từ nguồn này. Từ năm 2020, Dunkin’, công ty mẹ của chuỗi tiệm cà phê Dunkin’ và kem Baskin-Robbins, đã nhận ra sức ảnh hưởng đối với giới trẻ nói riêng và với thị trường nói chung của TikTok; và họ đã “mua” đứt cái tên Charli D’Amelio để đặt cho một loại thức uống của họ.

Đó là thức uống không phải được tạo ra mới để mang tên Charli D’Amelio. Nó đã được bán trước đó và đơn giản là người ta lấy tên ngôi sao TikTok Charli D’Amelio đặt cho nó. Tháng Năm 2021, chị em Dixie và Charli D’Amelio đã ký hợp đồng với thương hiệu Hollister của tập đoàn Abercrombie and Fitch Co để ra mắt thương hiệu quần áo Social Tourist. Abercrombie cho biết quảng cáo cho thương hiệu này được phát trên Hulu đã được xem 90 triệu lượt… Ngôi sao TikTok không thể không kể nữa là Addison Rae. Theo Forbes, cô kiếm được $8.5 triệu vào năm ngoái, nhỉnh hơn cả W. Craig Jelinek, Giám đốc điều hành của Costco!

Kể từ khi giới trẻ Mỹ bắt đầu “thiên di” ào ạt từ truyền hình sang các dịch vụ trực tuyến và truyền thông xã hội, các nhà quảng cáo đã chụp ngay xu hướng này, nơi người dùng có thể “tương tác” với quảng cáo thay vì nhấp chuột để tiếp cận đường link. Nhanh gọn, trực quan và có vẻ rất thực, rất đời thường. New York Times (ngày 21-12-2021) cho biết, “dân chơi” TikTok là thành phần Gen Z, nhóm đối tượng từ 18 đến 24 tuổi. Trung bình, họ xem hơn 233 TikTok mỗi ngày và dành thời gian trên ứng dụng này nhiều hơn 14% so với thành phần “thế hệ thiên niên kỷ – millennials; sinh vào giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000) hoặc thế hệ “Gen X” (sinh vào thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980). Trong thực tế, những bà mẹ “già” thuộc thế hệ “chị hai” thiên niên kỷ cũng khoái TikTok tít thò lò, với 48% có tài khoản TikTok; và những chị “lớn tuổi” từ 25-34 cũng bỏ ra trung bình 60 phút mỗi ngày để lên TikTok.

Abbie Herbert (TikTok)

Thoạt đầu chỉ post video nấu ăn, Maddison Peel, 22 tuổi, ở Hebron (Kentucky), bây giờ đã là ngôi sao TikTok. Mỗi tháng, Maddison Peel “làm chơi” cũng “ăn thiệt” từ $5,000-$10,000 – nhờ quảng cáo cho Heinz, Kroger và Walmart. Trước kia là nhân viên tại một cửa tiệm McDonald’s, nay Maddison Peel chỉ cần ngồi nhà, tỉ tê làm những video “dễ thương, nhí nhảnh” rồi chờ người ta chuyển tiền cho mình vào nhà băng. Tương tự Maddison Peel, Abbie Herbert, 25 tuổi ở Pittsburgh (Pennsylvania), dù chỉ mới tham gia TikTok vào đầu đại dịch nhưng nay đã nhanh chóng có được 10.6 triệu người theo dõi. Abbie Herbert đã làm việc với các nhà bán lẻ Pottery Barn, Alo Yoga, Amazon Prime và Walmart.

Maddison Peel (TikTok)

Với các công ty, mức độ hiệu quả của quảng cáo trên TikTok là điều rõ ràng. Những công ty đã chứng kiến doanh số tăng vọt từ những quảng cáo trên TikTok phải kể đến Elf (mỹ phẩm), Dr. Squatch (chăm sóc cá nhân), Chipotle (thức ăn nhanh), Oreo (bánh kẹo)… Bản thân TikTok cũng hốt bạc, có thể kiếm được $2.3 tỉ lợi nhuận trong năm 2021, tăng 67% so với năm 2020 – theo AdWeek (ngày 3-1-2022).

Riêng với các ngôi sao TikTok, chỉ từ một nền tảng mạng xã hội bình thường, bây giờ họ không chỉ nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, mà còn nhiều thứ khác. Cuộc đời họ nhanh chóng bước sang một ngả rẽ khác. Cách đây vài tháng, ngôi sao TikTok Addison Rae (21 tuổi) đã xuất hiện trong phim He’s All That. Khi được phát trên Netflix vào Tháng Tám 2021, phim này đã vọt lên hạng nhất Netflix tại 78 quốc gia. Một tháng sau, Netflix lập tức ký một hợp đồng mới với Rae cho một số dự án phim tiếp theo. Addison Rae còn ký hợp đồng với American Eagle, đối thủ cạnh tranh số một của Hollister (công ty đứng sau chị em nhà D’Amelio đề cập ở trên). Chưa hết, Addison Rae còn có thương hiệu sản phẩm trang điểm Item Beauty, hợp tác với Madeby Collective, cung cấp sản phẩm tại nhiều cửa hàng sang trọng trong đó có Sephora.

Như một minh tinh màn bạc, Addison Rae dự lễ People’s Choice Awards lần thứ 47 tại Santa Monica, California; ngày 7 Tháng Mười Hai 2021 (ảnh: Amy Sussman/Getty Images)

Trong không đầy một năm, Bella Poarch (24 tuổi, tên thật là Denarie B. Poarch) đã nổi tiếng nhanh hơn tốc độ hỏa tiễn xuyên lục địa. Hiện là ngôi sao TikTok có lượng người theo dõi đứng thứ ba thế giới (với 87 triệu người đăng ký theo dõi trên tài khoản của cô), Poarch bắt đầu được biết đến vào ngày 17 Tháng Tám 2020 khi cô hát nhái ca khúc Soph Aspin Send của ca sĩ rap người Anh Millie B. Clip này trở thành clip được xem nhiều nhất trên TikTok năm 2020!

Poarch sinh năm 1997 tại Philippines, hồi bé sống trong khu ổ chuột nghèo nàn, cho đến khi được một lính Mỹ nhận làm con nuôi và được đưa sang Mỹ và sống ở Texas. Poarch luôn yêu thích ca hát nhưng “ông già, bà già” (nuôi) không chịu. Sau khi học xong trung học, Poarch đi lính, làm thợ máy sửa trực thăng trong Hải quân Hoa Kỳ. Bốn năm sau, cô giải ngũ. Tháng Một 2020, cô lập tài khoản TikTok, post linh tinh này nọ cho vui. Tháng Tám cùng năm, cô trở thành ngôi sao. Bây giờ, Bella Poarch đã có thể kiếm được rất nhiều tiền, với những hợp đồng quảng cáo cho Google, Prada và Tinder. Tháng Năm, Poarch ra mắt đĩa đơn “Build a Bitch”, lọt lên hạng 56 trên bảng xếp hạng Billboard. Năm 2021, Bella Poarch bỏ túi được $5 triệu…

Bella Poarch dự buổi chiếu ra mắt phim ‘Eternals’ của Marvel Studios’; Los Angeles, California, ngày 18 Tháng Mười 2021 (ảnh: Emma McIntyre/WireImage)

Thế giới quả thật ngày càng kỳ lạ. Khó hiểu. Giờ đây, những người nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền không nhất thiết phải học nhiều hiểu rộng; sự nghiệp của họ không nhất thiết được xây dựng trên nền tảng học vị hay bằng cấp. Ngay cả minh tinh màn bạc cũng có khi lép vế hơn họ. TikTok, Facebook, Instagram, YouTube… đang tạo ra những mô hình sống kỳ lạ. Và chúng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mức gần như không ai có thể can thiệp.

Mỹ Anh / Saigon Nhỏ

Covid: Bộ xét nghiệm Việt Á từ góc nhìn an nguy của thể chế

Vietnam, Covid test

Việc sử dụng một cách ồ ạt bộ xét nghiệm Việt Á với nguồn gốc và chất lượng đáng ngờ chắc chắn đã đưa ra rất nhiều chẩn đoán sai.

Đấy là chưa nói đến việc nâng khống giá để bòn rút tiền của người dân.

Lợi dụng tình hình căng thẳng của đại dịch, bằng cách hối lộ và những thủ đoạn trái với luật pháp để trục lợi, gây tổn thất về sinh mạng và tiền của của dân là một tội ác rất lớn. Những kẻ gây ra tội ác này cần phải bị trừng trị một cách thích đáng.

Từ vụ án Việt Á

Hãy thử điểm lại những gì có liên quan đến vụ án Việt Á, trực tiếp hay gián tiếp tạo điều kiện để cái ác hình thành và phát tác:

– Chính sách ồ ạt ép người dân phải xét nghiệm Covid. Việc này lợi bất cấp hại, tập trung đông người mà tổ chức lộn xộn chính lại tạo ra kết quả ngược, tăng lây lan trong cộng đồng. Có lẽ không một quốc gia nào có cách làm như vậy. Chính như vậy đã “kích cầu”, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc lợi dụng dịch bệnh để làm tiền, trục lợi.

– Ngày 23/1/2020: Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

– Tháng 2/2020 Học viện Quân Y ký hợp đồng với Bộ Khoa học và công nghệ đề tài 19 tỷ nghiên cứu khoa học về bộ xét nghiệm thời hạn đến tháng 7 năm 2020, gia hạn đến tháng 10/2020. Tuy đề tài chưa nghiệm thu (dự kiến vào tháng 12/2021) nhưng ngày 3/3/2020, tức chỉ sau 1 tháng, đã được Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và bộ Y tế cấp phép sử dụng.

– Ngày 4/3/2020, đúng 1 ngày sau đó, Bộ Y tế vội vã cấp phép sử dụng cho bộ xét nghiệm Việt Á.

– Ngày 22/4/2020 và 26/4/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ liên tiếp đưa các thông tin sai sự thật về bộ xét nghiệm Việt Á: “Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit SARS-Cov-2 của Việt Nam” và “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được Tổ chức y tế chấp thuận”.

– Ngay ngày 2/7/2021, trong “Danh sách các sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-Cov-2” gửi các sở y tế địa phương và các bệnh viện trực thuộc Bộ y tế do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn ký, bộ xét nghiệm Việt Á được đưa lên vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu bộ xét nghiệm/tháng, giá 470.000 đồng/bộ xét nghiệm.

– Tháng 3/2021 công ty Việt Á được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 theo đề xuất của UBND thành phố HCM “do có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2”.

– Hàng loạt lãnh đạo các CDC địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã thông đồng, cấu kết với công ty Việt Á để nâng khống giá kit test Covid-19. Phan Quốc Việt, TGĐ công ty Việt Á khai đã chi hoa hồng 800 tỷ đồng “lót tay” để thu lợi 500 tỷ đồng.

– Xưởng sản xuất với qui mô hàng triệu bộ xét nghiệm của Việt Á rộng chỉ có 10m2.

– Từ tháng 9 đến tháng 12/2021 Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ xét nghiệm từ Trung Quốc.

‘Những điều trông thấy’

Như vậy, ta sẽ thấy:

  • Qui mô của vụ án rất lớn, cả về mức độ tác động xã hội lẫn sự dính líu của nhiều cơ quan nhà nước. Đây không còn đơn thuần là một vụ tham nhũng, nâng khống giá mà có dấu hiệu lũng đoạn nhà nước, dàn dựng một cách hệ thống, lớp lan bài bản gồm nhiều mắt xích:
  • hình thành chính sách để tạo thị trường,
  • lập đề tài khoa học bằng vốn nhà nước để tạo tính chính danh cho sản phẩm,
  • các cơ quan nhà nước đưa thông tin sai sự thật để tạo tính chính danh và quảng cáo cho sản phẩm,
  • qua truyền thông, thậm chí sử dụng cả biện pháp trao Huân chương lao động để quảng cáo cho chất lượng của sản phẩm, biện luận cho nhu cầu sử dụng cũng như giá thành cao của sản phẩm
  • qui mô nhà xưởng của công ty Việt Á rất nhỏ nên không thể cung cấp được hàng triệu bộ xét nghiệm mỗi tháng. Những bộ xét nghiệm này hoặc được nhập từ nước ngoài về rồi thay nhãn mác, hoặc được làm giả trong nước. Việc nhập số lượng lớn bộ xét nghiệm phải được sự thống nhất của cơ quan Hải quan. Việc làm hàng giả hay thay nhãn mác (bản chất vẫn là làm giả) với qui mô lớn phải được các cơ quan chức năng chống hàng giả bỏ sót, không truy cứu trách nhiệm.
  • Chuỗi mắt xích những việc làm này là để hình thị trường, tạo ra một cái áo khác đẹp và đưa hàng giả vào bắt dân phải sử dụng.
  • Qua lời khai nhận của Phan Quốc Việt về con số 800 tỷ lót tay và lợi nhuận thu về 500 tỷ phải chăng đây là “tỷ lệ vàng” 40/60 của luật ăn chia, “lại quả” trong các phi vụ tham nhũng ở Việt Nam?
An ninh quốc gia, an toàn thể chế

Nhưng điều quan trọng hơn muốn nói đây là vấn đề an ninh quốc gia, sự an toàn của thể chế.

Lịch sử hiện đại cho thấy hiểm họa an ninh quốc gia không chỉ đến từ bên ngoài mà còn tiểm ẩn bởi những nguy cơ bên trong. Không ít chế độ đã sụp đổ chính vì những mối hiểm họa xuất phát từ ngay trong lòng của nó.

Có một câu hỏi: Tại sao vụ Việt Á với qui mô như vậy lại có thể xảy ra, ai thực sự là người chủ mưu, đạo diễn chính trong vụ này?

Cả 2 câu trả lời cho câu hỏi này đều chứng tỏ hệ thống an ninh quốc gia có lỗ hổng nghiêm trọng.

Nếu câu trả lời là Phan Quốc Việt và công ty Việt Á chỉ bằng tiền hối lộ mà có thể thao túng được cả một hệ thống các cơ quan nhà nước thì chứng tỏ cái hệ thống chính quyền có vấn đề về an ninh rất lớn, mất khả năng tự bảo vệ trước sự tha hóa bởi đồng tiền.

Nhà nước có thể bỏ ra hàng tỷ ngoại tệ mua vũ khí, trang bị cho quân đội để phòng chống nguy cơ bên ngoài nhưng chỉ với 800 tỷ, một con số khá nhỏ mà có thể tác động, tạo ảnh hưởng đến như vậy thì là điều rất đáng lo.

Ngược lại, nếu đằng sau Việt Á có thế lực chống lưng, bảo kê thì tình hình cũng không kém tồi tệ. Chính quyền đã bị những nhóm vì lợi ích cá nhân thao túng một cách có hệ thống thì đây cũng chính là vấn đề an ninh nghiêm trọng.

Tiến sĩ Khoa học Boristo Nguyễn / Gửi cho BBC từ Moscow, Nga

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của Tiến sĩ Khoa học Boristo Nguyễn, Moscow, Nga

VinFuture và “VinLow”

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học. Ảnh: Giang Huy
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học. Ảnh: Giang Huy

Tối 20 Tháng Một: xem giải thưởng VinFuture tôn vinh những nhà khoa học thế giới. Sáng 21 Tháng Một: Cõi Facebook Việt làm thơ “Giáo sư Tiến sĩ đầy đàng/Làm kit chọt mũi đặt hàng China”!…

Xem xong chương trình truyền hình trực tiếp giải thưởng VinFuture, tôi hỏi anh tôi, một tiến sĩ vật lý, nghĩ gì về giải thưởng này? Ông cười và đáp: Ừm, thì cũng còn hơn tổ chức thi Hoa hậu Hoàn vũ! Phải nói rằng trong số các nhà tỷ phú Việt ở trong nước, Phạm Nhật Vượng có sự khác người. Ông ta không phải là tuýp người ưa xuất hiện, bô lô ba la trên truyền thông. Trong suốt mấy chục năm ròng, ông chỉ vài ba lần xuất hiện chính thức trên báo chí, và đều có mục đích cả chứ không có tờ báo nào “dắt” được ông ta. Thấy rất rõ, cái ông ta muốn là xây dựng mình thành hình ảnh tiêu biểu của một nhà tư sản dân tộc – làm giàu không chỉ để kiếm tiền, mà phải để lại những điều đáng tạc tượng cho Tổ quốc.

Rõ ràng, nếu so một gia tộc bà Tư Hường đánh bóng tên tuổi bằng việc bỏ tiền tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thì Phạm Nhật Vượng ở tầm cao hơn hẳn, với việc lập ra giải VinFuture tôn vinh khoa học. Những gì Vượng làm đều là những điều mang tính kinh bang tế thế. Cả nước kêu trời giáo dục, Vượng có ngay VinSchool và VinUni. Cả nước kêu ca y tế, dân nhà giàu phải chạy sang Singapore chữa bệnh, Vượng có ngay VinMec. Cả nước kêu về tình trạng hệ thống phân phối đang lọt vào tay nước ngoài, chèn ép người sản xuất trong nước, Vượng có ngay VinMart… Cứ thế, Vượng có VinSmart, có VinPearl, có đủ thứ, cho đến lúc có VinFast. Nhưng thử xem có Vin nào lãi? Không có, chỉ từ hòa đến thua, thậm chí thua đậm! Có ai biết Vượng đang nợ ngân hàng như chúa chổm? Nợ nhiều đến mức bây giờ chẳng ngân hàng nào dám cho Vượng vay cả. Có ai biết điều này? Báo chí biết hết. Không thể nói được thôi!

Dù thế nào, có một thứ duy nhất là Vượng thắng, thắng to, đó là VinHome! Chỉ VinHome đủ sức cứu hết tất cả. Và ở Việt Nam, cứ cái gì đụng tới home thì kèm theo đầy tiếng kêu oan của dân đen. Vì đã là home, làm bất động sản thì phải cấu kết với quan chức… Vượng đang muốn làm sạch đôi bàn tay nhuốm đất bằng những thứ sang trọng, mà mới nhất là VinFuture!

Thôi, đó là chuyện của Vượng ở cái đất nước còn lắm chuyện lạ kỳ. Nhiều lúc người ta cứ nói Vượng thế này thế kia, chứ có ai biết Vượng đau như thế nào khi phải tốn gần chục ngàn tỷ mà vẫn không cứu được em trai thoát án tù. Vượng cũng đau lắm, cũng ê ẩm lắm với cái thể chế ở Việt Nam. Thế nên, hãy thử nhìn đằng sau những vụ tung xe điện ra nước ngoài của Vượng là gì? Tiền của Vượng nằm bên ngoài hết rồi, đừng mơ hành hạ Vượng kiểu “làm thịt” bào đệ Nhật Vũ!

Thảm hại nhất là cái đám KOL (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Họ ra sức tung hê Vượng, nhất là vụ VinFuture. Nào là tạo cảm hứng nghiên cứu khoa học cho Việt Nam. Nào là giải thưởng hơn cả Nobel… Xin lỗi, chỉ nội cái việc đưa tin giải thưởng VinFuture phải gắn kèm với trị giá ba triệu đôla thì biết “trình” thế nào rồi. Tất cả chỉ có tiền. Cả một nền khoa học đang đứng bét thế giới, mà phải nói rằng câu bình bằng thơ của cư dân mạng là đủ lột tả hết bản chất của khoa học Việt Nam: Giáo sư Tiến sĩ đầy đàng/Làm kit chọt mũi đặt hàng China! Xin nhắc lại, năm 2020, toàn cầu có 275,900 đơn sáng chế, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 24 đơn, trong khi Trung Quốc có 68,720 đơn sáng chế!

Vì vậy, thôi thì mua danh bằng một giải thưởng như VinFuture dù sao nghe cũng sang hơn Hoa hậu Hoàn vũ. Chứ làm ơn đừng so với Nobel, làm ơn đừng ví chủ nhân VinFuture như là một người cha đỡ đầu cho nền khoa học Việt vốn một thời cũng đã có, nhưng bị phá toang trong nhiều năm bởi thói hám danh, tham lam vô độ của các quan chức Việt. Vượng tung tiền chơi xả láng là chuyện của Vượng. Có 10 cái giải VinFuture trong một thập niên nữa, nếu Vượng còn đủ “gân” chơi 10 năm liên tục, thì khoa học Việt vẫn chỉ ngụp lặn trong cái ao làng VinLow XHCN!

Theo Trường Huy / Saigon Nhỏ