
CHÀO NĂM MỚI !

GIA LAI Được ví như “nóc nhà” của tỉnh Gia Lai, đỉnh núi Kon Ka Kinh thuộc nhóm những Vườn di sản ASEAN với đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích hơn 42.000 ha, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km, phân bố ở 5 xã: Đăk Roong, Kroong, Kron Pne, huyện K’Bang; Hà Đông, huyện Đăk Đoa; Ayun, huyện Mang Yang.
Kon Ka Kinh cao 1.748 m là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku và được mệnh danh là “nóc nhà” của tỉnh Gia Lai.
Vườn Quốc gia có các kiểu rừng chính như: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn giao lá rộng – lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp – kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (diện tích nhỏ); kiểu phụ thứ sinh nhân tác (rừng kín lá rộng thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng le, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ…).
Chà vá chân xám hay Voọc chà vá, tên khoa học Pygathrix cinerea, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, Việt Nam. Số lượng của quần thể ước khoảng 550 – 700 con.
Năm 2016, Tổ chức Động Thực vật Hoang dã Quốc tế Fauna & Flora International – Chương trình tại Việt Nam đã công bố việc phát hiện quần thể 500 cá thể chà vá chân xám tại Tây Nguyên Việt Nam và nâng tổng số lượng loài này lên 1000.
Kon Ka Kinh chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21độ C đến 25 độ C.
Khu vực đỉnh Kon Ka Kinh chịu tác động của quy luật giảm nhiệt độ theo đai cao nên có nhiệt độ dưới 15 độ C. Tổng lượng mưa trung bình năm biến động từ 2.000 – 2.500 mm. Độ ẩm bình quân năm 80%.
Sả đầu nâu, tên khoa học Halcyon smyrnensis, một loài chim thuộc họ Sả. Loài này phân bố rộng rãi ở Á – Âu, phía đông khắp Nam Á đến philippines.
Trong phần lớn phạm vi phân bố, đây là loài định cư, dù nhiều quần thể có di cư khoảng ngắn. Nó được tìm thấy ở chỗ xa vùng nước nơi có nhiều con mồi gồm bò sát nhỏ, lưỡng cư, cua, gặm nhấm nhỏ và thậm chí cả chim khác.
7 loài chim như (khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu Kon Ka Kinh-loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thầy chùa đít đỏ).
Nhông hàng rào, tên khoa học Calotes versicolor, một loài thằn lằn được tìm thấy phân bố rộng rãi ở châu Á. Nó cũng được giới thiệu ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim (thuộc 11 bộ, 34 họ), 51 loài bò sát – lưỡng cư; 205 loài bướm thuộc 10 họ trong bộ cánh vây.
Cầy hương, tên khoa học Viverricula indica, một loài thuộc họ cầy, được tìm thấy trong khu vực Đông Nam Á. Chúng là các sinh vật sống trên mặt đất và chủ yếu sinh sống trong các khu vực rậm cỏ hay cây bụi thấp như nương rẫy ven suối.
Thác 95 cao trên 45 m là thác nước lớn và đẹp nhất trong Vườn Quốc gia. Ngoài ra có thác Nàng Tiên, thác Ba tầng…
Lực lượng bảo vệ rừng đi thực địa, đo đạc, xác định ranh giới vườn quốc gia.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, cán bộ công nhân viên bảo vệ rừng có nguồn thu nhập chính là tiền lương. Công việc áp lực cao, làm việc luân phiên ngày và đêm bất kể mưa bão để bảo vệ rừng… trong khi lương và các khoản phụ cấp còn thấp, không có ưu đãi nghề hoặc phụ cấp độc hại… nên đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn. “Nhiều cán bộ không chịu được áp lực phải xin nghỉ việc”, ông Thắng nói.
Làng Kon Bông, xã Đăk Rong, huyện K’bang nằm ở vùng đệm Vườn Quốc gia. Người dân Ba Na chủ yếu trồng lúa nước, chăn nuôi và tham gia bảo vệ rừng. Người dân thuộc 18 thôn, làng vùng đệm ở huyện K’bang, Đăk Đoa, Mang Yang đã nhận khoán 17.950 ha rừng.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện có 9 trạm quản lý bảo vệ rừng nằm rải rác ở các cửa ngõ vào rừng.
Trần Hoá /Ảnh: Nguyễn Ái Tâm / VN Express
Đó là một mối tình đẹp và cảm động, không thể phai nhạt dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng….
Ở mục Tiết Phụ trong quyển thứ 15 của sách An Nam Chí Lược, tác giả Lê Tắc đã kể lại câu chuyện tình của Vạn Xuân Thứ Phi. Đó là một mối tình đẹp và cảm động, dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng không thể làm mối tình ấy có chút mảy may suy suyển.
Vạn Xuân Phi vốn chỉ là cách gọi của Lê Tắc, bởi tác giả không nhớ rõ tên họ của bà là gì. Vạn Xuân là tên làng nơi cha mẹ bà sinh sống, nay Vạn Xuân thuộc địa phương nào của nước ta cũng chưa thể xác định được. Hiện mới chỉ biết Vạn Xuân Phi sống vào đầu thời Trần, khoảng thời trị vì của Hoàng Đế Trần Thái Tông (1226-1258) và Hoàng Đế Trần Thánh Tông (1258-1278).
Tuy là con nhà thường dân nhưng Vạn Xuân lại rất thanh nhã, hiền thục. Vạn Xuân cùng với Nho sĩ cùng làng là Tiêu Nhã từ sớm đã là một đôi thanh mai trúc mã. Hai gia đình cũng đồng ý sau này sẽ để cho hai trẻ nên duyên. Qua những tháng ngày gần gũi bên nhau, tình yêu của Vạn Xuân và Tiêu Nhã cũng lớn dần, ngày càng keo sơn thắm thiết.
Ở đời, danh tiếng thường mang lại vẻ vang cho con người, nhưng đôi khi, nó lại là khởi đầu của mối họa. Vạn Xuân thường ngày vẫn quấn quýt bên Tiêu Nhã mà không biết rằng tiếng tăm về cốt cách và dung mạo của nàng đã truyền đến tận Hoàng Cung. Hoàng đế nhà Trần muốn kiểm chứng lời đồn, đã tìm cách gặp Vạn Xuân và sau lần gặp ấy, Hoàng đế đã dứt khoát đón Vạn Xuân về cung. Đáng thương cho Vạn Xuân và Tiêu Nhã, đôi trẻ chỉ chờ ngày kết duyên thì phút chốc đã bị chia uyên rẽ thúy. Nhưng mệnh lệnh của Hoàng đế không thể cưỡng lại, Vạn Xuân chỉ biết gạt nước mắt chấp nhận sự an bài của số phận.
Sau khi nhập cung, Vạn Xuân được phong là Thứ Phi và được Hoàng đế rất mực yêu quý. Đã 10 năm trôi qua, Vạn Xuân luôn sống trong cảnh nhung lụa và sự sủng yêu của Hoàng đế. Nhưng đó cũng là quãng thời gian mà không lúc nào Vạn Xuân không nhớ nhung đến Tiêu Nhã. Trái tim của Vạn Xuân không thể dành thêm chỗ cho ai khác. Nhưng hậu cung với bên ngoài cách trở nghìn trùng, Vạn Xuân không có cách nào gặp lại người cũ. Bởi vậy, Vạn Xuân thường mang tâm trạng u uất và thường phải xin phép Hoàng đế cho ra ngoài cung để khuây khỏa. Hoàng đế thấy Thứ Phi của mình lúc nào cũng buồn rầu, đau bệnh thì không nén được thương cảm, sau cùng đã cho phép Vạn Xuân xuất cung, về ở hẳn nơi làng quê.
Về lại quê hương, Vạn Xuân không khỏi thất vọng khi Tiêu Nhã đã không còn ở đó. Dò la khắp nơi, Vạn Xuân mới hay rằng: Tiêu Nhã đã thi cử đỗ đạt và ra làm quan, hiện đang giữ chức An Phủ Sứ Lộ Thanh Hoa. Tiêu Nhã cũng đã lập gia đình được khá lâu.
Đã biết nơi trị nhậm của Tiêu Nhã, Vạn Xuân rất muốn đi gặp người xưa nhưng e như thế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của Tiêu Nhã nên Vạn Xuân chỉ biết ngậm ngùi ở lại quê hương, với mối tình dành cho Tiêu Nhã ngày thêm sâu đậm.
Về phần Tiêu Nhã, khi Vạn Xuân nhập cung, chàng rất đỗi đau xót. Ngày tháng trôi qua, tâm tình với Vạn Xuân vẫn như ngày nào nhưng biết không thể tái hợp được nữa, Tiêu Nhã đã quyết định thành gia lập thất. Làm An Phủ Sứ Thanh Hoa được một thời gian, Tiêu Nhã xin cáo quan về quê. Việc này xảy ra không lâu sau ngày Vạn Xuân trở về.
Hai người Vạn Xuân và Tiêu Nhã rất mừng vui khi gặp lại nhau. Dẫu vậy, cả hai không thể vượt quá giới hạn bởi dù sao Tiêu Nhã cũng đã có gia đình.
Bẵng đi một thời gian, người vợ của Tiêu Nhã qua đời. Lo hậu sự và để tang cho phu nhân xong xuôi, Tiêu Nhã đã tìm đến và kể hết nỗi niềm thương nhớ đối với Vạn Xuân. Tiêu Nhã muốn được nối lại duyên xưa với Vạn Xuân. Vạn Xuân cũng xúc động bày tỏ tấm chân tình của mình và nghẹn ngào đón nhận lời đề nghị của Tiêu Nhã. Thế là sau hơn 10 năm xa cách, cặp đôi này lại có dịp trùng phùng bên nhau.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 năm nữa lại qua đi. Cuộc sống của Vạn Xuân vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Bỗng một hôm, Tiêu Nhã đột ngột từ trần. Vạn Xuân suy sụp hẳn, ngày đêm ôm linh cữu chồng mà khóc. Sau khi chôn cất Tiêu Nhã, Vạn Xuân càng thấy trong lòng trống trải hơn. Ngày ngày Vạn Xuân vẫn tưởng nhớ đến Tiêu Nhã với tất cả nỗi nhớ nhung sầu muộn…
Nỗi buồn tột độ kéo dài khiến cơ thể Vạn Xuân ngày càng héo hon. Ba năm sau, Vạn Xuân qua đời. Lê Tắc cho biết, trước thiên tình sử và cái chết của Vạn Xuân, “người trong nước ai cũng thương”.
Theo KIẾN THỨC
Người nổi tiếng nhất trong gia tộc này là doanh nhân Lý Quí Trung, được biết đến với danh xưng “ông hoàng phở”.
Gia tộc Lý Quí nổi tiếng là một tập đoàn ẩm thực gia đình không ai có thể vượt qua được tại Việt Nam. Gia tộc này có những chuỗi nhà hàng, quán cà phê lâu đời như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Garden, Maxim’s Nam An, An Viên, Thanh Niên, Gloria Jean’s, Breadtalk…
Một trong những bức ảnh hiếm chụp gia đình quyền lực Lý Quí.
Điều đặc biệt nhất là gia tộc này xây dựng sự nghiệp của mình trên nền tảng tri thức, bắt đầu từ thế hệ nhà báo Chánh Trinh và vợ là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga với nhà hàng Thanh Niên ở trung tâm quận 1.
Còn người khiến gia tộc Lý Quí bành trướng, phát triển tên tuổi đến rộng rãi người Sài Gòn và quốc tế lại là doanh nhân Lý Quí Trung, thuộc thế hệ thứ hai. Ông Lý Quí Trung sinh năm 1966.
Doanh nhân Lý Quí Trung, người từng được mệnh danh “ông hoàng phở”.
Ông Trung từng có thời gian vất vả, trượt đại học tại Việt Nam và làm phục vụ ở khách sạn. Thời điểm đó, ông làm từ những việc nhỏ như lau nhà, dọn nhà vệ sinh cho đến trực điện thoại lễ tân.
Cơ duyên đến khi ông được một người khách nước ngoài là khách quen của khách sạn nâng đỡ, hỗ trợ bảo lãnh sang Úc du học năm 1990. Ông sang Úc theo học ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn tại đại học Western Sydney và tốt nghiệp 3 năm sau đó.
Ông học thêm bằng Thạc sĩ du lịch tại trường Đại học Griffith và lấy thêm bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ.
Năm 2009, ông được phong làm Giáo sư tại Đại học Griffith và trở thành người châu Á đầu tiên, trẻ tuổi nhất nhận danh hiệu đó tại ngôi trường này.
Năm 2016, ông Trung được đại học Western Sydney phong hàm giáo sư danh dự.
Ông Lý Quí Trung là người nổi tiếng nhất trong gia tộc siêu giàu ở Sài Gòn.
Khi làm việc ở Việt Nam, ông Lý Quí Trung không chỉ điều hành việc kinh doanh của gia tộc mà còn được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học như Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học RMIT…. Ông cũng là một tác giả sách, diễn giả trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Sự nghiệp kinh doanh của ông Lý Quí Trung cũng có nhiều dấu son chói lọi. Năm 1995, ông về Việt Nam, vực dậy một khách sạn lớn ở Sài Gòn đang trên bờ phá sản.
Sau đó, ông gom vốn thành lập tập đoàn An Nam Group và bắt đầu giấc mộng kinh doanh ẩm thực. Năm 2003, doanh nghiệp đầu tiên do ông Trung tự thành lập chính là chuỗi cửa hàng Phở 24.
Với niềm đam mê ẩm thực và yêu thích món phở “quốc hồn, quốc túy”, ông Lý Quí Trung không ngừng nỗ lực mở rộng và phủ sóng Phở 24 trên khắp Việt Nam và cả thế giới với hơn 60 cửa hàng có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Campuchia…
Đến năm 2011, việc kinh doanh Phở 24 sa sút, ông bán lại thương hiệu với giá 20 triệu đô. Sau đó, ông chuyển về Úc định cư và mở 2 nhà hàng ẩm thực Việt cao cấp tại Sydney.
Ông Lý Quí Trung cũng là chủ hệ thống RuNam cà phê và hệ thống nội thất Nhà Xinh một thời làm mưa làm gió ở các thành phố lớn.
Một góc của RuNam cà phê.
Công việc kinh doanh cùng gia tộc Lý Quí, dưới sự lãnh đạo của Lý Quí Trung và các thành viên khác, đã phát triển rực rỡ. Gia tộc này có mặt trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như ẩm thực, nghỉ dưỡng, thời trang và bất động sản. Giá trị của tập đoàn tư nhân của gia tộc Lý Quí được định giá lên tới hàng tỷ đô la.
Người nổi tiếng nhất thế hệ thứ ba của gia tộc Lý Quí là Lý Quí Khánh – nhà tạo mẫu, thiết kế thời trang, con trai của ông Lý Quí Trung.
Lý Quí Khánh gần đây cũng mở nhà hàng riêng kinh doanh. Khi Lý Quí Khánh mới 4 tuổi, cha mẹ anh đã ly hôn, mỗi người sống tại một nước. Lý Quí Khánh sống cùng bà nội và được nuôi dưỡng như quý tử của gia tộc.
NTK Lý Quí Khánh – “cậu ấm” của gia tộc Lý Quí.
Nhà thiết kế này được những người phụ nữ trong gia tộc nuông chiều. Bản thân anh cũng có cuộc sống xa hoa, hưởng thụ các dịch vụ thượng lưu như thường đi du lịch bằng máy bay hạng thương gia, ở khách sạn sang trọng bậc nhất và sử dụng nhiều hàng hiệu.
Những người khác trong gia đình cũng này đều toát lên vẻ sang trọng, thần thái và có điều kiện hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Bà nội của Lý Quí Khánh là một quý bà sành điệu, ăn mặc rất trẻ trung, hợp thời.
Bà nội của Lý Quí Khánh.
Theo nhiều nguồn tin, gia tộc Lý Quí sở hữu rất nhiều khối bất động sản sang trọng, đắt đỏ ở trung tâm thành phố, mỗi thành viên trong gia đình đều sống ở những căn penthouse, biệt thự bề thế.
Căn nhà bà nội Lý Quí Khánh thường xuyên ở cho rằng là một biệt phủ siêu rộng ở Bình Dương và vô cùng kín đáo. Nó rộng đến mức muốn đi từ cổng vào đến cửa nhà phải chạy xe vài cây số. Bên trong là một quần thể nghỉ dưỡng với vườn, vài bể bơi tiêu chuẩn.
Đây là nơi mà bạn bè, đối tác giới thượng lưu của gia tộc này hay lui tới để giao lưu.
Khung cảnh bên trong biệt phủ của gia tộc.
Theo Bích Chi / Pháp luật và Bạn đọc
Rừng nhiệt đới Amazon thường được miêu tả như một vùng đất bí ẩn bất khả xâm phạm. Amazon là ngôi nhà chung của những loài vật hoang dã như báo đốm hay trăn anaconda, cho đến hệ thực vật phong phú chưa từng được khám phá.
Nhưng thực tế thì khác xa cho với những gì người ta thường nghĩ về. Những chiếc xe tải lớn chạy qua những con đường đầy bụi bẩn. Cánh rừng rậm rạp hoang sơ chỉ còn trơ trọi những cây khẳng khiu và bị thay thể bởi những cánh đồng chăn thả gia súc và trồng đậu nành.
Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) tháng trước ước tính, từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, 13.235 km vuông rừng đã bị chặt phá. Đây là diện tích rừng lớn nhất bị mất vì nạn chặt phá rừng ở Brazil kể từ năm 2006.
Một khu rừng ở Brazil bị bao quanh bởi đất đai được khai phá để phục vụ trồng và sản xuất đậu nành. Ảnh: Alex Webb
Tại sao cây rừng Amazon biến mất?
Rừng nhiệt đới Amazon trải dài qua 9 quốc gia, nhưng khoảng 60% diện tích nằm ở Brazil. Theo tổ chức Greenpeace, 1/3 số vụ phá rừng ở Amazon có liên quan đến vấn đề “chiếm đất”, chủ yếu là do các nhà sản xuất thịt chặt phá cây để tạo không gian cho các trang trại chăn nuôi gia súc.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký cam kết quốc tế chấm dứt nạn phá từng vào năm 2030.
Tuy nhiên, nạn phá rừng ở Brazil đã gia tăng dưới thời ông Bolsonaro. Ông đã gây ra nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình vì khuyến khích các hoạt động như khai thác mỏ và nông nghiệp. Ông cũng bị chỉ trích vì nỗ lực thông qua luật cho phép phát triển thương mại trên khu vực đất được bảo vệ.
Luciana Gatti, một nhà khoa học khí hậu tại INPE, đã mô tả mức độ tàn phá rừng Amazon là “một cơn ác mộng”. Bà nói: “Hành động này thực sự điên rồ và tự huỷ hoại chính mình. Đây thực sự là cơn ác mộng đối với các nhà khoa học bởi vì chúng tôi cố gắng khuyên can rằng phá rừng là con đường đi ngược lại với nơi mà chúng ta cần đến, nhưng chúng tôi không được lắng nghe. Chúng tôi cần Amazon để duy trì lượng mưa, điều chỉnh nhiệt độ và hấp thụ CO2”.
Cơn “đói” của Trung Quốc gián tiếp thúc đẩy nạn phá rừng
Gatti cho biết những hoạt động phá rừng bất hợp pháp ở Amazon đang thúc đẩy tốc độ phá rừng hiện tại. Nhưng chính các quốc gia khác cũng đang gián tiếp tham gia vào việc phá rừng bằng cách nhập khẩu một số sản phẩm như gỗ, thịt bò và đậu nành từ Brazil.
Và khách hàng lớn nhất của Brazil hiện chính là Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới. Đậu nành là một trong những mắt xích yếu của Trung Quốc, vì thế nước này tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài. Đậu nành khi được nhập khẩu về sẽ dùng để cung cấp thức ăn nuôi đàn lợn khổng lồ của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc yêu thích thịt lợn đến nỗi chính quyền phải duy trì nguồn dự trữ thịt lợn chiến lược để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Nếu có thể, Trung Quốc sẽ tự trồng đậu nành. Nhưng để sản xuất 1 tấn đậu nành cần khoảng 1.500 tấn nước, điều mà quốc gia này không thể đáp ứng. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc vào đậu nành từ Mỹ. Nhưng sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, Trung Quốc đã chuyển hướng sang Brazil.
Theo nghiên cứu của Philip M. Fearnside, nhà sinh vật học và khoa học người Mỹ hoạt động nhiều năm tại Brazil, sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu đậu nành và thịt bò sang Trung Quốc là hai trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng Amazon ở Brazil.
Việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu đòi hỏi năng suất cao hơn trên mỗi hecta hoặc diện tích đất nhiều hơn. Với tính chất đất nhiệt đới nghèo dinh dưỡng của Brazil, cách nhanh nhất để nông dân tăng sản lượng là phá rừng.
Trên thực tế, việc trồng đậu nành không trực tiếp thúc đẩy nạn phá rừng ở Amazon. Amazon Soy Moratorium (ASM) là một thoả thuận giữa tổ chức Greenpeace, chính phủ Brazil và các doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm cam kết không mua đậu nành trồng trên “đất mới bị phá”.
Tuy nhiên các nhà thăm dò đã lợi dụng pháp quyền yếu kém và chính sách môi trường để tìm cách tiếp tục thu lợi nhuận. Đất rừng sau khi đã san bằng cây cối sẽ được dùng để chăn thả gia súc. Sau một vài năm dùng làm đồng cỏ, họ chuyển đổi đất sang trồng đậu nành. Như vậy, đất trồng đậu nành không còn là “đất mới bị phá” nữa.
Song song với đó, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư trực tiếp vào chuỗi cung ứng của Brazil để quốc gia Nam Mỹ này tăng cường xuất khẩu. Chính vì “đói” đậu nành, Trung Quốc khuyến khích các nhà thăm dò Brazil bắt kịp tốc độ xuất khẩu bằng cách san bằng rừng rậm nguyên sơ, đẩy nhanh nạn phá rừng.
Có những nguồn tác động môi trường khác của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như các công ty Trung Quốc mua đất nông nghiệp và rừng, nhập khẩu hàng hóa (ví dụ như gỗ và nhôm), cũng như tài trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Amazon như đường sắt và nhà máy xử lý khoáng sản.
Gatti cho biết vấn đề là đồng tiền của Brazil đang mất giá, vì vậy đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thịt bò, ngô hoặc đậu nành sẽ sinh lời hơn nhiều. Sau đó, họ sẽ phát triển quy mô trang trại của mình trên cánh rừng Amazon.
Một đồn điền đậu nành trong rừng nhiệt đới Amazon gần Santarem, Brazil. Ảnh: Ricardo Beliel, Getty Images.
Một tương lai “thảm hoạ”?
Năm 2019, ông Bolsonaro đã xung đột với các nhà lãnh đạo thế giới về việc xử lý đám cháy rừng khổng lồ hoành hành ở Amazon. Philip Fearnside, một nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Amazonia (INPA) cho biết tình hình tại Amazon tồi tệ hơn do nạn phá rừng và khai thác gỗ trái phép gia tăng.
Philip cho rằng hầu hết các đám cháy đều do con người gây ra. Một số người nói rằng nguyên nhân cháy rừng là do sét đánh. Nhưng Amazon là khu vực rừng nhiệt đới, khác với những rừng cây lá kim ở Bắc Mỹ, nơi thường xảy ra hiện tượng này.
Ông nói thêm rằng chính quyền tổng thống đương nhiệm đang cố gắng biến những gì bất hợp pháp trở thành hợp pháp. Trong một năm nhiệm kỳ còn lại của tổng thống Bolsonaro, tình trạng tàn phá rừng như hiện tại nếu không tăng lên thì cũng ở mức rất cao.
Nếu tốc độ tàn phá rừng này tiếp tục duy trì, Brazil đang phát thải khí nhà kính đáng kể và góp phần gây ra các hậu quả về khí hậu khác. Năm nay, Brazil đã trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng để lại hậu quả rất lớn. Điều này không do nạn phá rừng trực tiếp gây ra mà nó có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.
Khi lượng mưa giảm, Brazil thực sự sẽ phải đối mặt với thảm hoạ. Tất nhiên, Brazil sẽ là nạn nhân chính, nhưng các quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo CNBC, The Guardian, The Atlantic / Khánh Ly / Theo Doanh nghiệp và Tiếp thi
Thế giới sẽ ra sao trong năm 2022 khi đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở cả Mỹ và Trung Quốc, biên giới Nga – Ukraine ngày càng nóng lên,…?
Năm 2021, thế giới vẫn phải đương đầu với một đại dịch chưa có dấu hiệu chấm dứt. Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối đầu trong hầu hết lĩnh vực, cuộc cạnh tranh mà một số người đã so sánh với “Chiến tranh Lạnh”. Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, quân đội lật đổ chính phủ ở Myanmar, eo biển Đài Loan chứng kiến căng thẳng dâng cao và xung đột ở phía đông Ukraine trở nên nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014.
Liệu trong năm 2022, tình hình ở những điểm nóng này sẽ diễn biến thế nào? Dưới đây là một số dự đoán về bức tranh thế giới trong năm mới.
VIỄN CẢNH COVID-19 U ÁM
Đại dịch không “chết” hẳn, mà có thể chỉ lắng xuống. Đó có thể là viễn cảnh Covid-19 trong năm 2022. Những đợt bùng phát cục bộ, theo mùa được dự báo vẫn sẽ xảy ra, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ phủ vaccine thấp. Các chuyên gia dịch tễ vẫn cần theo dõi các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Song cho dù như vậy, trong những năm tới, khi Covid-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu như cúm hoặc cảm lạnh, cuộc sống ở hầu hết mọi nơi thế giới có thể sẽ trở lại bình thường, ít nhất là “bình thường mới”, theo tạp chí Economist.
Đằng sau triển vọng đó là cả thành công và thất bại. Thành công là rất nhiều người đã được tiêm chủng và ở mỗi giai đoạn diễn tiến của bệnh, các loại thuốc mới hiện nay đã có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Việc điều chế, cấp phép nhanh chóng nhiều loại vaccine và thuốc điều trị cho một căn bệnh mới là thành tựu rất lớn về mặt khoa học. Để so sánh, vaccine bại liệt mất đến 20 năm từ những thử nghiệm đầu tiên đến khi được cấp phép tại Mỹ.
Vào cuối năm 2021, chỉ hai năm sau khi SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định, thế giới đã sản xuất ra khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid mỗi tháng. Airfinity, một công ty dữ liệu khoa học đời sống, dự đoán rằng vào cuối tháng 6/2022, lượng vaccine Covid trên toàn thế giới sẽ là 25 tỷ liều. Nguồn cung có thể sẽ không còn là hạn chế.
Tuy nhiên, song song với thành công cũng có thất bại. Số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 tính đến nay theo số liệu chính thức là trên 4,3 triệu. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Economist, số người thực sự đã chết vì Covid-19 trên toàn cầu có thể cao hơn nhiều, lên đến 18,5 triệu người.
Và nhiều người hơn như vậy, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn sẽ không được bảo vệ bởi vaccine hoặc thuốc men cho dù đại dịch đã bước sang năm thứ ba. Một lý do khiến Covid-19 sẽ ít gây hại hơn trong tương lai là căn bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại trong quá khứ. Rất nhiều người được bảo vệ trước các biến chủng hiện tại của virus chỉ vì họ đã nhiễm bệnh. Thế giới đã phải trả cái giá rất đắt để có được khả năng miễn dịch này.
Thành công quá khứ cũng có thể sẽ bị đảo ngược trong tương lai vì virus liên tục đột biến, và càng lây lan nhiều thì khả năng xuất hiện một biến chủng mới càng lớn. Tuy nhiên, có thể hi vọng rằng, ngay cả khi Omicron và các biến chủng khác tấn công, chúng có thể không gây chết người nhiều hơn Delta. Ngoài ra, các phương pháp điều trị hiện tại có thể vẫn còn hiệu quả và vaccine có thể nhanh chóng được điều chỉnh để đối phó với các đột biến của virus.
Do đó, người ta có thể mắc Covid và chết vì cao tuổi hay có bệnh nền, hoặc do không được tiêm chủng hay không đủ tiền mua thuốc. Công bằng trong tiếp cận vaccine sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối khi nước giàu đã và đang tiếp tục tích trữ vaccine, khiến việc đưa vaccine đến những nơi nghèo nàn và hẻo lánh trở nên khó khăn.
BẦU CỬ GIỮA KỲ TẠI MỸ
Năm 2022 có thể là năm khó khăn với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đó không phải là đánh giá bi quan mà là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào hai đời tổng thống Mỹ gần nhất trước đó, cùng liên quan đến một câu chuyện: bầu cử giữa kỳ.
Cuộc chạy đua vào quốc hội Mỹ được tổ chức mỗi hai năm một lần để bầu lại toàn bộ hạ viện và một phần ba thượng viện. Những dấu hiệu hiện tại cho thấy Tổng thống Joe Biden có thể sẽ phải đi lại con đường không mấy dễ chịu của hai người tiền nhiệm – Donald Trump và Barack Obama – khi đảng của ông để mất quyền kiểm soát ở một trong hai viện quốc hội, thậm chí cả hai, sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11/2022. Điều này sẽ có nghĩa là những dự luật mà ông Biden thúc đẩy gần như sẽ bị chặn ở quốc hội, làm tê liệt chính quyền trong nửa chặng đường còn lại của nhiệm kỳ.
Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát ở cả hạ viện và thượng viện, với đa số rất mong manh. Trong khi ở hạ viện, phe Dân chủ giữ 221 ghế và phe Cộng hòa giữ 213 ghế thì ở thượng viện, cán cân là 50-50 với lá phiếu quyết định thế trận thuộc về Phó tổng thống Kamala Harris, người của đảng Dân chủ.
Bầu cử giữa kỳ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với chính đảng cầm quyền tại Mỹ. Kể từ năm 1942, các đảng cầm quyền đã mất ghế ở hạ viện trong 18/20 cuộc bầu cử giữa kỳ, trong đó có 15 cuộc bầu cử mà số ghế bị mất lên đến hai con số, theo SCMP. Kết quả tương tự đối với thượng viện, nơi các đảng cầm quyền để mất ghế tại 14 trong 20 cuộc bầu cử giữa kỳ. Chỉ hai lần kể từ năm 1938, đảng của tổng thống đương nhiệm tăng được số ghế ở hạ viện, và trong cả hai lần này, tỷ lệ ủng hộ dành cho tổng thống đều trên 60%
Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm đang là thách thức đối với ông Biden. Một thăm dò của Gallup hồi tháng 10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông Biden là 42%. Với kết quả này, ông xếp thứ hai (chỉ trên ông Trump) trong số 8 tổng thống Mỹ gần đây có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất sau 9 tháng nắm quyền. Covid-19, lạm phát và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được xem là những lý do khiến công chúng mất niềm tin vào ông Biden.
Con đường trở lại của ông Trump cũng có thể rõ ràng hơn trong 2022. Hiện tại, dường như chỉ có vấn đề sức khỏe mới có thể ngăn cản ông Trump tái tranh cử tổng thống, Economist nhận định. Bản thân cựu Tổng thống dường như cũng đã chuẩn bị nền tảng chính trị cho việc trở lại chính trường, thông qua tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2020 có gian lận khiến ông thua cuộc. Khoảng 80% cử tri Cộng hòa tin vào tuyên bố vô căn cứ của ông Trump – lý do khiến các nhà lập pháp đảng này dập tắt nỗ lực điều tra vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2020.
Các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trong nửa đầu năm 2022 sẽ là minh chứng cho vị thế của ông Trump trong đảng. Trong số 212 hạ nghị sĩ Cộng hòa, chỉ 10 người đã bỏ phiếu để luận tội ông Trump vì vụ bạo loạn, trong đó một người đã tuyên bố ý định từ bỏ chính trị vì bị đe dọa tính mạng. Chín người còn lại sẽ đối mặt với những đối thủ được ông Trump hậu thuẫn. Nếu đa số thua cuộc, kịch bản dường như có thể xảy ra, ông Trump sẽ có ảnh hưởng hơn nữa đối với đảng Cộng hòa.
ĐẠI HỘI 20 CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
Dự kiến cũng diễn ra trong tháng 11/2022 là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Đại hội 20). Đây là sự kiện đánh dấu một thập niên nắm quyền của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đồng thời hé lộ kế hoạch tương lai của ông. Liệu ông Tập sẽ nắm quyền thêm bao nhiêu năm nữa? Những điều đó sẽ chỉ rõ ràng khi đại hội bế mạc và ông Tập (hay một người kế nhiệm nào đó) dẫn đầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới ra mắt tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã từng bước củng cố vị thế, trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Từ năm 2016, ông đã được trao danh hiệu “hạt nhân lãnh đạo” của đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước được xóa bỏ vào năm 2018, cho ông cơ hội tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo cao nhất (trong khi chức tổng bí thư không có giới hạn nhiệm kỳ). Học thuyết chính trị mang tên ông được đưa vào cả hiến pháp và điều lệ đảng. Hồi tháng 11, Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua “nghị quyết về lịch sử”, văn kiện chỉ mới được ban hành hai lần trước đó trong thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Nghị quyết này đã xác lập vị thế của ông Tập như là nhà lãnh đạo đang đứng ở nút giao lịch sử, có trọng trách đưa Trung Quốc bắt kịp các nước phương Tây, thậm chí là vượt qua.
Đại hội đảng tại Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần. Sự kiện này, trong thời hiện đại, là dịp để tiến hành chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ giữa các thế hệ lãnh đạo. Theo thông lệ, những thay đổi nhân sự cấp cao như vậy thường được báo hiệu trước đó 5 năm. Sự báo hiệu này không xảy ra tại đại hội đảng năm 2017, vì vậy, giới quan sát chính trị hầu như đều chắc chắn rằng ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20.
Dù thế nào, đại hội tiếp theo sẽ được tận dụng để quảng bá tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh đa mặt trận với Mỹ, bao gồm vấn đề ý thức hệ. Tại Trung Quốc, ông Tập và các quan chức đang ngày càng nói nhiều hơn về những tiến bộ thể chế khi so sánh với nền dân chủ Mỹ, mà họ cho là được thể hiện rõ ràng nhất qua cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Tháng 11/2022 sẽ là cơ hội không thể tốt hơn khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra tại Mỹ.
Đồng thời, các quan chức ở Bắc Kinh luôn nhìn thấy những mối đe dọa, ngày càng không kiên nhẫn với bất kỳ chỉ trích nào của nước ngoài. Điều này góp phần củng cố vị thế của ông Tập. Mô tả về trật tự thế giới hiện tại, ông hay nói về “những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm”. Trong một thời điểm như vậy, Trung Quốc tin rằng duy trì sự ổn định của đội ngũ lãnh đạo cao nhất là điều rất quan trọng.
CHÂU Á TIẾP TỤC LÀ TÂM ĐIỂM
Từ Afghanistan đến Myanmar, từ Đài Loan đến Biển Đông, châu Á tiếp tục cho thấy đây sẽ là khu vực có tầm quan trọng địa chính trị, địa chiến lược hàng đầu thế giới trong năm 2022 và những năm tới.
Quân sự hóa ở các khu vực của châu Á đã là xu hướng ngày phát triển trong những năm qua, nhưng năm 2021 chứng kiến sự tăng tốc đáng chú ý ở Đông Á với việc Mỹ tiếp tục chiến lược “xoay trục” và việc tăng cường năng lực quân sự của các bên tại khu vực. Với việc Mỹ hoàn toàn rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cuối cùng đã trở thành khu vực trọng tâm của Mỹ, về mặt quân sự và chiến lược, với sự chú trọng đặc biệt dành cho Đông Á. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Pháp, Anh và Đức, đã tăng cường các hoạt động quân sự của họ tại châu Á. Những “người chơi” chính trong khu vực cũng đã hoạt động tích cực, chẳng hạn Nhật Bản đã củng cố Lực lượng Phòng vệ và dự kiến tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong những năm tới.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch biến Quân Giải phóng Nhân dân thành “lực lượng chiến đấu hiện đại” có thể cạnh tranh với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập quân đội năm 2027. Ngoài việc tự hào có lục quân và hải quân lớn nhất thế giới về số lượng binh lính và chiến hạm, Trung Quốc còn chứng tỏ sự tiến bộ đáng kể về công nghệ. Ví dụ, tàu sân bay mới nhất của họ, có thể hạ thủy vào quý đầu tiên của năm 2022, được cho là có công nghệ tiên tiến như bất kỳ đối thủ nào trong hạm đội Mỹ. Trung Quốc cũng đã tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.
Trong khi Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống trị thế giới, việc Trung Quốc tăng cường khả năng răn đe và quân sự có thể củng cố lòng tin của Bắc Kinh và khiến nước này phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sức ép và sự đe dọa đối với Đài Loan trong năm nay bằng cách điều số lượng máy bay kỷ lục đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, cũng như tăng cường luận điệu chiến tranh đối với hòn đảo này. Nếu căng thẳng leo thang, vấn đề Đài Loan có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng không mong muốn, thậm chí là xung đột quân sự.
Một số nhà phân tích phương Tây tranh luận về khả năng không thể tránh khỏi của một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy các nước cân bằng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc như là cách duy nhất để ngăn chặn xung đột vũ trang. Những người khác lo lắng về nguy cơ rằng việc tăng cường năng lực quân sự tại khu vực có thể dẫn đến tình thế “tiến thoái lưỡng nan về an ninh” – trong đó các quốc gia coi an ninh của họ là “trò chơi có tổng bằng không”, có thể đưa chiến tranh đến gần hơn.
Những điểm nóng khác của châu Á cần tiếp tục theo dõi trong năm 2022 không thể không nhắc tới là Myanmar và Afghanistan. Trong khi tại Myanmar, quân đội đã tiến hành chính biến lật đổ bà Aung San Suu Kyi, thì tại Afghanistan, Taliban trở lại nắm quyền sau khi quân đội Mỹ rút đi trong hỗn loạn.
Tại Myanmar, cả chính quyền quân sự và lực lượng kháng chiến đều quyết tâm giành ưu thế, nhưng cả hai vẫn ở thế giằng co. Không bên nào tỏ ra quan tâm đến việc ngồi vào bàn đàm phán thương lượng bất chấp những lời kêu gọi từ các quan chức và quan sát viên nước ngoài về một giải pháp hòa bình.
Gần như không ai nghi ngờ việc chính quyền quân sự sẽ cố gắng kéo dài thời gian nắm giữ quyền lực. Kể từ sau chính biến, chính quyền này đã có thể trụ vững bất chấp các lệnh trừng phạt có mục tiêu của các chính phủ phương Tây đối với các tập đoàn do quân đội kiểm soát. Mặc dù Thống tướng Min Aung Hlaing tuyên bố rằng cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 8/2023, nhưng cuộc bầu cử này được cho là sẽ không thể diễn ra một cách tự do và công bằng.
Nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra chủ yếu được giao cho ASEAN nhưng chưa tạo ra được đột phá nào, dù Myanmar không được mời tới một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10. Trong năm tới, với việc Campuchia là chủ tịch khối, việc đạt được đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Myanmar được dự báo có thể sẽ trở nên khó khăn.
Tại Afghanistan, sự sụp đổ của chính phủ dân cử là một trong những sự kiện chấn động nhất thế giới năm 2021. Việc Mỹ chấm dứt cuộc chiến 20 năm, tạo điều kiện cho tổ chức Taliban lên nắm quyền lần hai ở Kabul, đã khiến chính quyền Biden nhận về nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ các đồng minh châu Âu.
Một số đánh giá ban đầu cho rằng việc Mỹ rút quân có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi tạo ra không gian để Bắc Kinh mở rộng phạm vi “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh đối với Afghanistan không phải là đầu tư hay cơ sở hạ tầng, mà là an ninh. Họ muốn có sự đảm bảo từ chính phủ mới ở Kabul rằng các nhóm khủng bố sẽ không sử dụng lãnh thổ Afghanistan để lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công chống lại Trung Quốc.
Hiện tại, Taliban có vẻ đang kiểm soát được tình hình ở Afghanistan, ngoại trừ ở Panjshir, nơi phong trào kháng chiến chống Taliban vẫn tiếp diễn. Song đây có thể chỉ là sự yên ắng trước cơn bão, như những gì thường xảy ra từ trước đến nay tại Afghanistan. Gần như ngay lập tức sau khi nắm quyền, Taliban bắt đầu phân tán thành các trung tâm quyền lực đối đầu với nhau, một số cho thấy họ sẽ sẵn sàng hành động để phá hoại bất kỳ nỗ lực hòa bình nào. Vào lúc này, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy một năm đầy biến động khác ở Afghanistan.
CĂNG THẲNG NGA – UKRAINE
Ngay cả khi Tổng thống Biden đã ưu tiên cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu và xây dựng lại lòng tin, năm 2021 vẫn là một năm đáng lo ngại đối với an ninh ở biên giới phía đông của NATO. Phía Mỹ và NATO liên tục nhắc tới nguy cơ Nga hành động quân sự với Ukraine, khiến khu vực này rơi vào tình trạng mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Quan ngại về tình hình xung đột ở phía đông Ukraine đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Moscow đưa quân tới biên giới gần khu vực hồi tháng 4. Tình báo Mỹ mới đây nghi ngờ Nga hành động quân sự với Ukraine sớm nhất là vào đầu năm 2022. Trong khi đó, Nga bác bỏ đánh giá này, ngược lại cáo buộc NATO triển khai tên lửa tại Ukraine để có thể tấn công Moscow chỉ trong vài phút.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 7/12, ông Biden nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Washington đã chuẩn bị tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế thậm chí còn mạnh hơn những gì đã được ban hành sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tương tự, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Nhà Trắng sẵn sàng hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống phòng thủ, trong khi không nêu cụ thể sự hỗ trợ đó có thể bao gồm những gì.
Hiện tại, Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức đàm phán an ninh vào ngày 10/1 tại Geneva, Thụy Sĩ. Song không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên có thể thu hẹp khác biệt liên quan đến yêu cầu cốt lõi của Moscow rằng NATO phải chấm dứt quan hệ quân sự với Ukraine và Georgia, đồng thời hủy bỏ tuyên bố trước đây rằng cuối cùng hai nước này sẽ gia nhập liên minh.
Tin tức gần đây gợi ý rằng Tổng thống Biden có thể chuẩn bị đưa ra các nhượng bộ đối với Nga xoay quanh việc Ukraine xin gia nhập NATO. Song khả năng những vụ giao tranh bùng phát nhiều hơn trong năm 2022, đặc biệt là ở khu vực Donbas, vẫn còn cao, theo The Conversation.
Trong khi đó, vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược quốc phòng của Ukraine – chẳng hạn như thông qua việc Ankara bán máy bay không người lái cho Kiev gần đây – sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình giải quyết xung đột. Xét cho cùng, Moscow phản đối mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là từ NATO, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nhận thức của Moscow về tham vọng của phương Tây ở Ukraine, cùng với các cuộc tập trận quân sự của NATO ở Biển Đen, sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.
Đông Phong / Theo Economist, Conversation, Asiapacific / Dân Trí