Với mục đích hướng về nguồn cội, bảo tồn giá trị truyền thống, không gian ngày Tết của người Việt Nam xưa được tái hiện theo phong cách đặc biệt và chân thật tại trung tâm phố cổ Hà Nội.
Chủ đề “Tết Việt – Tết phố xuân Nhâm Dần 2022” đã được khai mạc sáng 28/1 tức 26 tháng Chạp (Âm lịch) tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà nội 50 Đào Duy Từ.
Tại đây, không gian Tết của người Việt Nam xưa được tái hiện chân thực với đầy trong không gian truyền thống với nhiều đồ vật cổ. Trong ảnh là ngôi nhà 3 gian điển hình của vùng Bắc Bộ.
Các nghi thức, tập quán, trang phục trong ngày Tết cổ truyền được tái hiện sinh động. Đó chính là nét đẹp văn hóa truyền thống mà đơn vị tổ chức muốn đem đến cho người dân trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Một ban thờ với những đồ cúng, đồ lễ ngày Tết đầy đủ.
Mâm ngũ quả truyền thống với: Bưởi, chuối xanh, quýt, thanh long, quả phật thủ , quả trứng gà (lekima)…
Trong buổi sáng 28/1 tại không gian Tết Việt cũng khai mạc một triển lãm trưng bày tranh Hổ – Nhâm Dần 2022 của nhóm các họa sỹ Hà Nội.
Loạt tranh hổ tại triển lãm của các họa sỹ.
Một số hình tượng hổ đặc trưng qua tranh của các họa sỹ.
Ngoài triển lãm tranh hổ, còn nhiều hoạt động văn hóa khác cũng được tổ chức trong dịp Tết như: Lễ cáo yết Thành Hoàng; Lễ dựng cây nêu; Gói luộc bánh chưng trong không gian bếp truyền thống của người Hà Nội…
Tái hiện các nghi lễ trong ngày Tết của người Việt xưa.
Đây là chuỗi các sự kiện văn hóa ý nghĩa được tổ chức dịp xuân Nhâm Dần 2022 để quảng bá, giới thiệu hình ảnh truyền thống lâu đời với người dân và du khách.
Ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt Nam là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân.
Tìm về truyền thuyết Táo Quân
Theo Truyền thuyết Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép cụ thể, chi tiết hơn như sau:
Có người tên Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống với nhau đã lâu nhưng không có con, nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi, bèn đi tìm vợ, nhưng tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể mọi chuyện cho nhau nghe và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng vợ.
Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một công việc:
– Phạm Lang làm thổ công, trông coi việc bếp. Danh hiệu là: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân. – Trọng Cao làm thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu là: Thổ địa long mạnh tôn thần. – Thị Nhi làm thổ kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu là: Ngũ phương ngũ thổ phúc đức thánh thần.
Trong bếp ngày xưa, thường có ba ông đầu rau-tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn kia. Nhân dân có tục lệ thờ 2 ông 1 bà và ngày 23 tháng chạp hàng năm làm lễ Táo Quân, tế ông Công, ông Táo lên chầu trời… Đây được coi là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa, một phong tục có từ lâu đời.
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày vua bếp lên chầu trời để tâu việc việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, vị trí của bếp rất quan trọng. Bếp là biểu tượng của một gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng. Người ta thường có câu “bếp luôn đỏ lửa” để nói về sự đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình. Việc cúng Táo quân cũng nhằm bày tỏ sự tri ân với vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn với gia đình mình.
Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn và 3 con cá làm “ngựa” để Táo quân lên chầu trời.
Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.
Hiểu đúng bản chất của tục cúng ông Công, ông Táo để có cách ứng xử với truyền thống văn hoá phù hợp, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh, vừa giáo dục việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống và hướng con người chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, là hết sức cần thiết.
Tục cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Trong suốt một năm, mọi người đều cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, sống hoà thuận, đầm ấm…
Trong những lời cầu khấn với thần linh gói trọn những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và đất nước trong mùa xuân mới. Đây là động lực thúc đẩy mọi người ngày càng phấn đấu, nỗ lực để dân giàu, nước mạnh.
Theo phong tục của người Việt, ngày 23 Tháng Chạp được tính là thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán.
Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Cá chép về trời
Sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, những đồ vàng mã như: mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy, sẽ được đốt cùng với bài vị cũ, hoặc nếu là cá chép còn sống được thả xuống ao, sông, cá sẽ hóa rồng để ông Táo cưỡi lên chầu trời. Bài vị ở bàn thờ thổ công thường ghi: Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, thổ địa long mạch tôn thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần.
Với những gia đình có trẻ em, người dân còn cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Để Táo Quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người dân cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá hóa long nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Tại miền Trung, người dân cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam giản dị hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo mỗi gia đình, ngoài các lễ vật chính, có thể làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn ông Táo.
Thờ cúng Táo Quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt và bình yên.
Xe hơi bay (ô tô bay) đã được phép cất cánh, nhưng muốn lái nó bạn sẽ cần có bằng phi công chính hiệu! Đột phá mới của xe hơi bay Các nhà phát triển xe hơi bay cho biết, mới đây, một chiếc xe hơi có thể biến hình thành chiếc máy bay nhỏ đã vượt qua các cuộc thử nghiệm bay thú vị tại đất nước Slovakia. Theo Klein Vision, sau khi hoàn thành 70 giờ “thử nghiệm bay nghiêm ngặt” công ty chế tạo ra phương tiện bay biến hình hai chế độ có tên “AirCar” này đã được Cơ quan Giao thông Slovakia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông. Trong một thông cáo báo chí vào đầu tuần, công ty cho biết các chuyến bay thử nghiệm, gồm hơn 200 lần cất cánh và hạ cánh, đều đáp ứng dầy đủ các tiêu chuẩn bay của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA). Từ Tháng Sáu, 2021 chiếc xe hơi bay đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm bay dài đầu tiên 35 phút giữa hai sân bay ở Nitra và thủ đô Bratislava của Slovakia. Sau khi hạ cánh, máy bay chuyển lại thành xe hơi và lái vào trung tâm thành phố như xe hơi bình thường.AirCar. Ảnh: Nairametrics
Thông báo của công ty nhấn mạnh: “Các chuyến bay thử nghiệm đầy thử thách với mọi thao tác bay và hiệu suất theo yêu cầu. Kết quả đã chứng minh được sự ổn định động và tĩnh một cách đáng kinh ngạc trong mọi chế độ bay bắt buộc”. Người phát ngôn của công ty nói thêm là phải có giấy phép phi công để lái phương tiện “lai” (hybrid) này nhưng ông hy vọng AirCar sẽ có mặt trên thị trường trong 12 tháng tới.
Tham gia nghiên cứu sản xuất xe hơi bay là một nhóm gồm tám chuyên gia. Họ đã bỏ ra hơn 100,000 giờ để chuyển đổi các khái niệm thiết kế trên giấy thành mô hình toán “giả lập” trước khi sản xuất nguyên mẫu đầu tiên. “AirCar sử dụng động cơ BMW 1.6L mạnh và chạy bằng “nhiên liệu được bán tại bất kỳ trạm xăng nào. Nó có thể bay ở độ cao tối đa 5,400 mét” – Anton Zajac, đồng sáng lập Klein Vision nêu rõ.
Phi công thử nghiệm Stefan Klein, người đóng góp nhiều vào dự án AirCar và là trưởng nhóm phát triển tuyên bố một cách tự tin: “Giấy chứng nhận được trao cho AirCar đã mở ra cánh cửa cho việc sản xuất hàng loạt xe hơi bay an toàn và hiệu năng cao”. Ông Kyriakos Kourousis, phụ trách đội chuyên gia bảo dưỡng và kiểm soát hàng không của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, nhận định: “Đây không phải là lần đầu tiên các loại phương tiện bay tương tự được chứng nhận, mà trước đó đã có với qui mô khác nhau. Nhưng quan trọng hơn là sau giấy chứng nhận sẽ có tiến triển gì thêm để chúng ta sớm thấy những chiếc xe bay đủ sức tiếp cận thị trường và được người mua chọn. Nếu đúng như thế, xe hơi bay sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, các công ty mới và sẽ thêm có thêm môi trường ứng dụng cho nhiều công nghệ mới”.
“FlyingCar”. Ảnh: STIRworld
Kourousis nói thêm: “Việc lựa chọn động cơ đốt trong cho hệ thống đẩy của xe hơi bay là dựa vào một công nghệ đã được chứng minh. Nhưng tác động môi trường có thể rất lớn nếu phương tiện di chuyển này phổ biến, đặc biệt là trong môi trường đô thị. Vì vậy, tôi tin chúng ta sẽ sớm chế tạo các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc ít nhất là hybrid trong tương lai gần để góp phần bảo vệ môi trường Trái đất, và một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy các phương tiện bay như AirCar có thể dùng thay thế trực thăng”.
Không chỉ có AirCar
Trong số các phương tiện bay khác đang được phát triển có PAL-V Liberty, một con quay hồi chuyển (gyroplane) trên không nhưng có thể hoạt động cả trên đường do công ty PAL-V trụ sở tại Hà Lan phát minh. Theo trang web của công ty, chiếc xe đã được cấp đầy đủ giấy chứng nhận, nhưng vẫn chưa hoàn thành giai đoạn biểu diễn “compliance demonstration” theo yêu cầu để có thể sản xuất.
Tương tự, Tháng Một, 2021, phương tiện bay Transition của công ty Terrafugia có trụ sở tại Mỹ đã được Cơ quan Không lưu Mỹ (FAA) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với loại máy bay thể thao hạng nhẹ đặc biệt (LSA). Transition cho phép người dùng lái hoặc bay.
SkyDrive SD-03. Ảnh: Robbreport.com
Tháng Chín, 2020, công ty Nhật Bản Sky Drive Inc công bố lái thử thành công chiếc xe hơi bay mẫu tại Bãi thử nghiệm Toyota, một trong những bãi thử nghiệm xe hơi lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên công chúng được xem trình diễn xe hơi bay tại Nhật Bản. Chiếc xe mang tên SD-03, có một phi công, cất cánh và bay vòng quanh cánh đồng trong 4 phút. Giám đốc điều hành Tomohiro Fukuzawa nói: “Chúng tôi rất vui mừng trước thành công và mục tiêu sắp tới là thương mại hóa phương tiện di chuyển này vì chúng thuận tiện, an toàn cả trên bầu trời lẫn mặt đất”. SD-03 là máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng nhỏ nhất thế giới. Nó chiếm không gian bằng hai chiếc xe hơi đậu liền kề. Xe có tám động cơ để dễ xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
Giám đốc thiết kế Takumi Yamamot nhận định: “Khi thiết kế một loại phương tiện giao thông mới như xe bay, chúng tôi nghĩ đến tương lai và tiến bộ công nghệ phục vụ đi lại của mọi người”. Công ty hy vọng sẽ biến chiếc xe bay trở thành một phần của cuộc sống bình thường chứ không chỉ là một sản phẩm trình diễn. Trong tương lai sẽ còn nhiều chuyến bay thử nghiệm hơn trong các điều kiện khác nhau, cả trên đường phố ngoại ô để đánh giá độ an toàn và công nghệ của phương tiện. Công ty hy vọng chiếc xe bay sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2023 nhưng chưa công bố giá bán.
Tập Cận Bình tìm cách dập tắt cuộc nổi dậy trong nội bộ
Phóng viên của chúng tôi
Một phe phái liên kết với một cựu quan chức cảnh sát cấp cao bị thất sủng của Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa đối với Chủ tịch Tập Cận Bình nghiêm trọng đến mức Bộ Công an Trung Quốc phải thành lập một đội để triệt hạ. Theo mức độ khẩn cấp mà Bộ Công an tìm cách ngăn chặn cuộc nổi loạn, phe phái này có thể đang âm mưu một cuộc đảo chính chống lại ông Tập.
Cựu quan chức này là Tôn Lập Quân (Sun Lijun), từng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Trước khi bị ngã ngựa vào khoảng tháng Tư năm 2020, Tôn là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát lãnh thổ Hồng Kông khi thành phố này rung chuyển với các cuộc biểu tình năm 2019 và 2020. Người ta tin rằng, ông Tôn là kẻ chịu trách nhiệm bắt cóc và chuyển đến Trung Quốc lục địa năm người có liên quan đến một tiệm sách bất đồng chính kiến ở Hồng Kông năm 2015 và 2016.
Mặc dù Tôn đã bị giam từ năm 2020, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để “xóa bỏ ảnh hưởng độc hại của phe chính trị của Tôn Lập Quân”, Bộ này công bố trong cuộc họp riêng với tổ công tác vào ngày 24 tháng Giêng.
Mặc dù ông Tập tỏ ra là người không thể bị tấn công, là người thâu tóm nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, rõ ràng ông đang xem xét vấn đề rất nghiêm túc. Ông Tập đã tạo ra sự phản kháng đáng kể trong bộ máy hành chính Trung Quốc với chiến dịch chống tham nhũng kéo dài chín năm, bỏ tù hơn 120 quan chức cấp cao bao gồm các tướng lĩnh, giám đốc điều hành cấp cao của các công ty nhà nước và các cựu lãnh đạo cấp cao.
Trớ trêu thay, sự thù địch chống ông Tập sinh ra từ công cuộc đàn áp tham nhũng của ông có lẽ đang gây thêm bất an cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, người đã đẩy nhanh cường độ chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian gần đây. Vào ngày 26 tháng Giêng, trang web chính thức về chống tham nhũng của Trung Quốc thông báo Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cựu bí thư thành ủy Hàng Châu và Hà Hưng Tường (He Xingxiang), cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã bị khai trừ đảng vì tội tham nhũng, trong khi một số quan chức khác đang bị điều tra.
Bộ Công an Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của một phe phái trong bộ đang nổi dậy chống lại ông Tập và chia rẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông báo của bộ nói phe chính trị của Tôn “đã phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết của đảng, gây nguy hiểm nghiêm trọng an ninh chính trị của đảng và đất nước, làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng và sự nắm quyền của đảng, đồng thời cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường chính trị của bộ máy Công an.”
Một nhà tư vấn rủi ro nói với Asia Sentinel rằng trong vài tháng tới, một số quan chức công an, gồm cả các quan chức cấp cao, sẽ bị bắt giữ. Trong thông báo của mình, Bộ Công an đã yêu cầu các vụ, các cục khác nhau trong bộ thành lập các đội của riêng họ “càng sớm càng tốt” để đoàn kết loại bỏ phe liên kết với Tôn. Bộ đã ra lệnh cho các quan chức điều tra kỹ lưỡng mọi người và mọi vụ việc để loại trừ các rủi ro chính trị, và nếu họ không điều tra kỹ lưỡng, họ sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tính cấp thiết của lời kêu gọi này đặt ra câu hỏi liệu phe nổi dậy có đang âm mưu đảo chính sớm hay không.
Nhà tư vấn rủi ro giấu tên cho biết, đây là thông điệp gửi tới các quan chức không trung thành với ông Tập [bảo họ] phải đứng cùng phe với nhà lãnh đạo Trung Quốc nếu không sẽ phải chịu hậu quả.
Một nhà phân tích nói với Asia Sentinel: “Rõ ràng ông Tôn chỉ là một phần của một tổ chức lớn hơn nhiều, làm việc phối hợp để hạ gục ông Tập… Gần đây tôi được thông báo rằng một cuộc xung đột nội bộ nguy hiểm đang bùng phát,” nhà phân tích cho biết, đồng thời nói thêm rằng các thông báo đó đến từ “những người hoàn toàn riêng biệt”.
“Tôi cũng nghe nói những khoản tiền khổng lồ đang đổ ra khỏi Trung Quốc từ những quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp. Tiền bạc là kẻ nhát gan, luôn chạy trốn khỏi rắc rối. Sự kiện người Trung Quốc gia tăng nhịp độ đưa tiền bạc của họ ra khỏi nước là một điềm báo về những điều sắp xảy ra,” nhà phân tích giấu tên tiết lộ.
Trong thông báo của mình, Bộ Công an Trung Quốc đã kêu gọi các quan chức phải bảo đảm đại hội đảng lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay sẽ là một sự kiện không có rắc rối. Tại Đại hội lần này, ông Tập dự kiến sẽ tự ban cho mình nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với các tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra.
Nhà phân tích cho biết: “Cơ hội cho những kẻ thù của ông Tập ra tay đang bị thu hẹp dần, vì một khi đại hội tiếp theo kết thúc và Tập thể hiện sự thống trị của mình với tư cách là nhà lãnh đạo, ông ấy sẽ củng cố và có khả năng tăng cường các chính sách của mình”.
Tranh giành quyền lực
Một bài báo từ Jamestown Foundation, một think-tank bảo thủ có trụ sở tại Hoa Kỳ ngày 25 tháng Giêng nhận định: “Cuộc cạnh tranh phe phái và những cuộc cãi vã lẫn nhau trong đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 95 triệu đảng viên đã trở nên rõ ràng đến mức các cơ quan tuyên truyền thường thận trọng đã không còn ngần ngại phơi bày trước công chúng những chuyện xấu xa trong nội bộ”.
Các phe phái cạnh tranh bao gồm phe Thượng Hải, còn được gọi là Băng Thượng Hải, do cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) đứng đầu; phe Đoàn Thanh niên Cộng sản do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) đứng đầu, và phe Thái tử Đảng (gồm hậu duệ của các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc thế hệ thứ nhất) – là những người không đánh giá cao ông Tập và phản đối việc ông ta tăng thêm nhiệm kỳ tại đại hội đảng lần thứ 20.
Bài báo được viết bởi Lâm Lập Quả (Willy Wo-Lap Lam), một thành viên cấp cao của Jamestown.
Bài báo của Jamestown Foundation còn cho biết một bài báo trong số tháng Mười Hai năm 2021 của Tạp chí Giám sát và Kỷ luật Trung Quốc chính thức có tiêu đề “Đảng đã trở nên mạnh mẽ hơn thông qua huấn luyện cách mạng” đã thú nhận một cách thành thực rằng có một sự phản kháng cấp độ cao trong các phe phái khác nhau của ĐCSTQ. “Có những cán bộ tự cao… công khai bày tỏ quan điểm trái với [các cơ quan trung ương đảng]…. Một số cán bộ không chịu chấp hành mệnh lệnh”, bài báo trên Tạp chí cho biết.
Ông Lâm viết bằng chứng của cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt nhất của ông Tập với các đối thủ là việc ông thanh trừng bộ máy chính trị và luật pháp, trong đó có Bộ Công an. Ở bề mặt, ông Tập có vẻ như đã giành được chiến thắng hồi đầu tháng này, sau khi cài cắm được một tay chân lâu năm của ông là Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong) làm Bí thư Đảng ủy kiêm Thứ trưởng Bộ Công an, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công an vẫn là Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), “người hầu như không được ông Tập yêu thích”.
Hơn nữa, một số quan chức từ trung cấp đến cao cấp của ngành nội chính Trung Quốc vẫn trung thành với Bộ trưởng Triệu, bao gồm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) và người tiền nhiệm của Quách là Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), ông Lâm nói thêm. Ủy ban chính trị và pháp lý trung ương giám sát tất cả các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc bao gồm cả Bộ Công an.
Triệu, Quách và Mạnh được coi là những thành viên quan trọng của Băng Thượng Hải và có liên hệ mật thiết với các lãnh đạo hàng đầu của Băng Thượng Hải như cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, ông Lâm viết.
Vào ngày 2 tháng Mười năm 2021, Asia Sentinel đưa tin ông Tôn liên minh với Băng Thượng Hải, tổ chức đang tìm cách lật đổ ông Tập. Tôn đã bị điều tra vào tháng Tư năm 2020. Vào ngày 13 tháng Giêng vừa qua, trang web chống tham nhũng chính thức của Trung Quốc thông báo Tôn đã bị buộc tội nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu súng trái phép. Cáo buộc thao túng thị trường được cho là chỉ ra vai trò của ông ta đối với sự sụt giảm mạnh trên các sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông trong nửa cuối năm 2015. Điều này cho thấy Tôn là một phần của tổ chức, bởi vì một cảnh sát có rất ít chuyên môn tài chính, một mình ông ta không thể làm chao đảo thị trường. Cáo buộc sở hữu súng bất hợp pháp cho thấy có khả năng Tôn đã âm mưu thực hiện các hành vi bạo lực.
Một giáo sư giấu tên cho biết, nhiều quan chức cấp trung và cấp cao ở Trung Quốc, dù thuộc ngành cảnh sát hay không, đều có kho vũ khí lớn trong nhà và nhiều người trong số họ thậm chí còn có “quân đội riêng”.
Vào ngày 15 tháng Giêng, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát sóng tập đầu tiên của bộ phim tài liệu truyền hình gồm năm phần về tham nhũng có tựa đề “Không Dung Thứ”. Tập đầu tiên có cảnh Tôn thú nhận đã nhận hối lộ và thành lập một nhóm chính trị; điều này thật buồn cười vì thông thường các quan chức cảnh sát cao cấp như Tôn mới là người đứng ra sắp xếp các cuộc thú tội công khai. Tập phim đó cũng nêu tên các cựu quan chức cảnh sát cấp cao đã bị hạ bệ vì tội tham nhũng, như Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu Thứ trưởng Bộ Công an và cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Cung Đạo An (Gong Dao’an), cựu Giám đốc Công an Thượng Hải.
Bộ phim tài liệu đã bỏ sót một phần quan trọng: Tôn từng làm thư ký cho Mạnh Kiến Trụ sau khi người này trở thành Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2007, nhà báo Vương Hướng Vĩ (Wang Xiangwei) đã viết như vậy trong một chuyên mục của tờ South China Morning Post vào ngày 22 tháng Giêng. Sự nghiệp và ảnh hưởng của Tôn phát triển nhanh nhất giữa năm 2012 và 2017 khi Mạnh là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc phụ trách luật pháp và trật tự, Vương viết thêm. Vương chính là cựu tổng biên tập của tờ báo Hồng Kông này.
Vị giáo sư ẩn danh cho biết trong vài năm qua, ông Tập đã cách chức bốn thứ trưởng Bộ Công an, bao gồm cả Tôn. “Nhưng có nghi ngờ rằng các cán bộ cấp cao hơn trong chuỗi chỉ huy an ninh chính trị và Phe Thượng Hải có thể là chủ mưu thực sự.”
Một số nguồn tin ở Trung Quốc lục địa từ chối bình luận về tình hình chính trị ở Bắc Kinh. Nhà tư vấn rủi ro giải thích rằng họ quá sợ hãi không dám lên tiếng vì tình hình hiện tại đang biến động mạnh và điều gì đó đầy kịch tính có thể xảy ra trong tương lai gần.
Giống như trẻ con sau những ngày Tết lại hớn hở ngồi đếm những đồng tiền lì-xì, nhà nước Việt Nam mỗi độ xuân về lại hí hửng tính toán những đồng tiền “kiều hối” nhận được trong năm, xem tăng bao nhiêu phần trăm. Và hoan hỉ loan báo cho công chúng biết, cứ như đó là một thành tích của chính quyền, cần được biểu dương. Vậy nhưng, dưới mắt nhà cầm quyền Hà Nội, những người gửi tiền về chỉ là những con bò sữa, đang được vắt sữa bằng mọi thủ đoạn.
Truyền thông cho biết, hôm 22 Tháng Giêng, trong buổi liên hoan “Xuân Quê Hương 2022” dành cho kiều bào ở nước ngoài về quê ăn tết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ, lượng kiều hối năm 2021 tiếp tục tăng, với tổng số đạt gần $14 tỷ. Ông đồng thời cho rằng “đó là tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà.” Trong cơn xúc động, ông Phúc đọc hai câu “vè”: “Mỗi năm Tết đến Xuân về. Quê hương đất mẹ đề huề mong con.” (!)
Theo thông tin của đài Á Châu Tự Do, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ước tính ở mức $18.1 tỷ, cao hơn mức $17.2 tỷ năm 2020. Triển vọng kiều hối năm 2022 sẽ còn tăng cao hơn nữa, một phần nhờ ở các nước có đông người Việt Nam tình hình dịch COVID-19 đã căn bản được kiểm soát, các nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.
Kiều hối (remittance) về Việt Nam có hai nguồn chính: Một là từ cộng đồng hơn 5.3 triệu người Việt Nam định cư ở các nước phát triển Bắc Mỹ, Úc và châu Âu, hai là từ lực lượng người lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm thuê ở Nam Hàn, Đài Loan, các nước Trung Đông và cả châu Phi. Không có số liệu chính thức về số người ra ngoại quốc làm thuê, mà chính quyền trong nước gọi là “xuất khẩu lao động”, nhưng một số nguồn tin cho biết, có khoảng vài ba triệu người. Kiều hối từ cộng đồng người Việt định cư có thể lớn hơn nhiều lần so với từ nguồn xuất khẩu lao động, do điều kiện kinh tế tài chính khác nhau giữa hai thành phần này; nhưng dù từ nguồn nào thì dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn tăng đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước. Đáng chú ý là trong hai năm dịch COVID-19, kinh tế các nước bị đình đốn nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng mạnh như số liệu nêu trên cho thấy.
Quan sát hiện tượng này, chúng tôi thấy trong thời gian đại dịch, người Việt định cư ở Hoa Kỳ gửi tiền, gửi quà cho thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn thời trước đại dịch. Điều đó một phần do thông cảm với người thân trong nước đang khốn đốn, mất việc, mất thu nhập vì các biện pháp phong tỏa, phòng dịch một cách cực đoan của nhà cầm quyền, do hỗ trợ các tổ chức từ thiện ở trong nước; một phần vì trong thời gian dịch bệnh người định cư ở nước ngoài không về Việt Nam được nên không trực tiếp về thì gửi tiền và hàng để biểu lộ tình cảm. Ở Mỹ, các công ty làm dịch vụ gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam cho biết lượng tiền và hàng gửi tăng gấp rưỡi so với năm trước. Có không ít người dành dụm những đồng tiền được chính phủ Mỹ trợ cấp cho người nghèo trong thời gian đại dịch để gửi về giúp thân nhân ở trong nước.
Cũng như những năm trước, hàng chục tỷ đô la kiều hối là một nguồn tài chính quan trọng, giúp tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán của chính quyền Việt Nam và duy trì tỷ giá hối đoái.
Từ thân phận đau thương của “lao động xuất khẩu”…
Thế nhưng điều kỳ lạ là, tuy hoan hỉ với dòng tiền kiều hối, chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ trước tình cảnh bi thảm của người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và tìm cách trục lợi từ nguyện vọng về quê của hàng trăm ngàn người Việt định cư.
Tình trạng “xuất khẩu lao động” rồi đem con bỏ xứ người, không bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của họ kéo dài đã nhiều năm. Công luận quốc tế đang rất nóng vụ hàng trăm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cho công ty Trung Quốc ở Serbia. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong tuyên bố đưa ra hôm 21 Tháng Giêng 2022, cáo buộc có hàng trăm công nhân Việt Nam bị bán sang Serbia để làm việc cho các công ty Trung Quốc, hiện đang kêu cứu vì phải sống và làm việc trong các điều kiện tồi tệ.
Từ cuối Tháng Mười Một năm ngoái, các hãng tin quốc tế đã tường thuật việc có khoảng 500 công nhân Việt Nam – tham gia xây dựng một nhà máy lớn của hãng lốp xe Trung Quốc Shandong Linglong Tyre ở thành phố Zrenjanin, miền Bắc của Serbia – đang phải sống trong các khu nhà tạm không có máy sưởi và nước ấm, bị đói khát, không có tiền và cũng không được giúp đỡ. Nhưng đến nay chính phủ Việt Nam hầu như không quan tâm. “Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Một người phát ngôn của bộ hồi Tháng Mười Một nói rằng các cán bộ phía Việt Nam không được báo cáo gì về “bạo lực và quấy rối” tại nhà máy của Trung Quốc”, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho biết.
Trước đó công luận cũng bàng hoàng trước việc hàng trăm người Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ, cả trẻ em gái dưới 16 tuổi, bị bán đi làm người giúp việc nhà ở Saudi Arabia, một nước Hồi giáo khét tiếng khắc nghiệt với phụ nữ. Ở đó họ bị hành hạ, bị ngược đãi, bị bỏ đói, bệnh tật không được chữa trị, xin hồi hương không được hỗ trợ và bé H Xuân Siu (người Gia Rai ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã chết tức tưởi trước khi được lên máy bay về nhà! Chính quyền Việt Nam vẫn không hề có biện pháp chấn chỉnh các công ty xuất khẩu lao động đã đem con bỏ chợ như vậy bất chấp yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
… đến những thủ đoạn trục lợi trâng tráo
Với người Việt định cư ở nước ngoài hoặc người Việt ra nước ngoài học tập, làm việc, thăm thân nhân rồi bị kẹt lại vì đại dịch, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam cũng không tử tế gì. Lợi dụng lúc tình hình căng thẳng do dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền ra lệnh cấm các chuyến bay đến và đặt yêu cầu “cách ly” triệt để; con đường về nhà của những người Việt ở nước ngoài bị cắt đứt.
Khách quan mà nói, nhiều quốc gia khác cũng hạn chế tối đa việc nhập cảnh để ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus, không riêng gì Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh chống dịch, các nước vẫn để mở cánh cửa cho công dân và thường trú nhân của họ từ nước ngoài trở về, có biện pháp theo dõi, truy vết và buộc cách ly tại nhà. Suy cho cùng, quyền trở về nhà với gia đình, với người thân là một quyền tự do, là nhân quyền thiêng liêng. Chỉ có Việt Nam – và Trung Quốc – thực hiện việc cấm cửa với cả công dân của mình và bắt buộc cách ly tại những cơ sở tập trung bất chấp người về có mắc bệnh hay không.
Gặp phải sự phản kháng của dư luận, nhà cầm quyền đã phải tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, mà hành khách phải mua “combo” trọn gói từ giá vé máy bay đến chi phí kiểm tra y tế và chi phí cách ly tập trung. Tuy được quảng bá rầm rộ là một “hoạt động nhân đạo” nhưng thực tế, những chuyến bay “giải cứu” này có giá trên trời, từ hơn $2,000 đến $5,000 mỗi hành khách, tức là cao gấp bốn đến tám lần mức giá vé máy bay thông thường. Để được “giải cứu”, người về còn phải trải qua rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và phi lý, chẳng hạn như phải xin được giấy đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi mình về, phải tới đại sứ quán xin xác nhận bản sao thẻ tiêm chủng, phải ghi danh với cơ quan ngoại giao và chờ đợi được sắp xếp chuyến bay.
Nản lòng với cung cách làm việc của chính quyền và không muốn bị bóc lột vô lý, hàng vạn người đã phải bay vòng về Cambodia rồi từ đó tìm cách nhập cảnh Việt Nam bằng đường bộ. Một cái vé máy bay của hãng Singapore Airlines từ California về Phnom Penh, Cambodia giá chỉ $650, trong khi giá vé “giải cứu” của Vietnam Airlines từ California về Sài Gòn thấp nhất là $1,850 – so sánh như thế để thấy chính quyền và công ty trong nước thông đồng với nhau để ăn trên lưng “kiều bào” như thế nào.
Ngay cả khi chính quyền đã công bố cho mở lại đường bay quốc tế thì tình trạng trục lợi vẫn tiếp diễn: Giá vé từ nước ngoài về Việt Nam vẫn cao gấp hai, ba lần giá vé từ Việt Nam ra đi trên cùng tuyến đường. Ở đây lợi dụng tâm lý sốt ruột mong về nhà của người Việt xa quê, các hãng hàng không Việt Nam đã chặt chém không thương tiếc.
Xem ra, dù thường xuyên ca ngợi người Việt xa quê định cư hoặc làm việc ở nước ngoài là “khúc ruột ngàn dặm” rất thân thương nhưng cái mà nhà cầm quyền Hà Nội nhắm tới chỉ là túi tiền của họ, là những triệu những tỷ đôla kiều hối để chính quyền hoan hỉ khoe khoang mỗi dịp cuối năm.
Họ không biết và chẳng thèm biết những đồng tiền đó là mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của những người tha phương chắt bóp dành dụm gửi về giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương. Nhà cầm quyền lẽ ra phải đối đãi với những người Việt ở nước ngoài – nguồn tạo ra dòng tiền “kiều hối” liên tục đổ về, năm sau cao hơn năm trước – một cách tử tế và trân trọng chứ không thể khinh rẻ họ, coi họ là những con bò sữa để tha hồ bóc lột bằng những thủ đoạn và mánh khóe.