Gia đình hạnh phúc của cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên

Để tự do lựa chọn hạnh phúc, bà Ngọc từ chối hôn nhân do gia đình sắp đặt, quyết tâm “tìm người tài đức mới trao thân gửi phận”, cho đến khi gặp được Giáo sư Nguyễn Văn Huyên.

Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên tại vị 29 năm (từ năm 1946 đến 1975). Ông là người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Hơn 400 hiện vật trưng bày tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, do con cháu ông mở tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) thể hiện dấu ấn cuộc đời vị bộ trưởng cũng như tổ ấm hạnh phúc của ông. Đằng sau thành công của ông có hình bóng người vợ Vi Kim Ngọc và câu chuyện tình hạnh phúc.

Bà Vi Kim Ngọc là con gái của ông Vi Văn Định, tổng đốc Thái Bình. Bà nổi tiếng xinh đẹp lại am hiểu cầm, kỳ, thi, họa. Một bài báo năm 1936 ghi lại: “Cô Kim Ngọc và cô Kim Phú, hai ngôi sao sáng của phiên chợ Thái Bình không dự thi sắc đẹp”.

Năm 1935 ông Huyên du học ở Pháp về, từ chối làm quan, chỉ đi dạy học. Ông trở thành giáo sư dạy Sử – Địa ở trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Hai người gặp nhau qua sự giới thiệu của một người bạn, cũng là trí thức Tây học. Họ kết hôn năm 1936. Thời bấy giờ, hôn nhân dựa trên tình yêu còn chưa phổ biến, bà Kim Ngọc khi mới 13 tuổi đã được hứa hôn với một gia đình môn đăng hộ đối. Để có được tình yêu của mình, tiểu thư Kim Ngọc tuổi 16 đã dám đấu tranh với cha mình là quan tổng đốc một tỉnh để hủy hôn ước. Bà đòi bằng được tự do để theo đuổi ước mơ “chọn người tài đức để trao gửi thân, nếu không gặp được đấng nam nhi hào hùng thì thà ở một mình suốt đời”.

“Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh quyết chọn được người tài mới dám trao gửi thân… Thế là em đã được toại nguyện”, nhật ký của bà Kim Ngọc viết. Câu chuyện từ chối hôn nhân do gia đình sắp đặt của bà minh chứng cho một xã hội đang vận động mạnh vào những năm 1930, khi “làn gió mới” phương Tây đã thấm vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân. Ngay cả cha bà Ngọc – một quan tổng đốc cũng đã đồng ý trả lễ hứa hôn trong 3 năm theo truyền thống, để con gái được tự chọn người yêu.

Chú rể Nguyễn Văn Huyên, cô dâu Vi Kim Ngọc cùng hai bên họ hàng. Ngày vui của ông bà là đám cưới lớn thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

“Khi mẹ có thai lần đầu, cha mẹ vừa mừng vừa lo, cha chăm sóc mẹ từng ly từng tý”, nhật ký của bà Kim Ngọc kể về lần mang thai con gái Nữ Hạnh.

Bà Kim Ngọc cùng con gái Nữ Hạnh năm 1938. Những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình đều được ông Huyên tự tay chụp lại. 

Nhiều người tiếp xúc với bà Ngọc đều có chung nhận xét rằng bà xuất thân lá ngọc cành vàng, lại là phu nhân của bộ trưởng, nhưng rất bình dân, giản dị, không hề thể hiện tầng lớp của mình.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông Huyên khi ấy là Bộ trưởng Giáo dục, lo di tản cơ quan Bộ lên chiến khu Việt Bắc. Thời kháng chiến, giây phút vợ chồng ông cùng 4 người con được đoàn tụ rất hiếm hoi. Chăm lo công việc của ngành, bộ trưởng Huyên thường đạp xe từ chiến khu đi khắp các nơi để làm việc. Ông vắng nhà thường xuyên, việc nuôi dạy các con chủ yếu do bà Ngọc đảm nhận.

Suốt 9 năm kháng chiến, cả gia đình ông và các gia đình bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn ở bên nhau, khi Phú Thọ, lúc Tuyên Quang. Từ trái sang là 7 đứa trẻ của ba gia đình kháng chiến: Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Hồ Thể Lan (đứng sau), Hồ Đắc Thuyên, Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hạnh… sau này đều trở thành những tài năng có nhiều đóng góp cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của ông Huyên, chia sẻ: “Cha không bao giờ áp đặt tương lai cho con cái mà luôn để cho các con tự lựa chọn điều mình thích. Ông chỉ khuyên chúng tôi độc lập suy nghĩ, làm việc gì cũng phải đào thật sâu thì mới có niềm say mê, từ đó mới thành quả có ích cho mình và cho xã hội. Tấm gương của cha mẹ đều giúp chị em chúng tôi hình thành nhân cách”. Cả bốn người con Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Nguyễn Văn Huy đều thành danh trên con đường đi riêng của mình.

Ông Huyên chơi cùng các cháu ngoại. Trong số các con cháu của ông có nhiều người cống hiến lớn cho xã hội, như con rể là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cháu ngoại Nguyễn Lân Hiếu… Ngoài ra, người chị cả của ông tên Nguyễn Thị Mão (vợ ông Phan Kế Toại) là nữ giáo viên dạy toán đầu tiên của Hà Nội. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời ngày 19/10/1975 khi sang Đức làm phẫu thuật. 58 ngày sau khi ông mất, bà Ngọc viết di chúc dặn dò con cháu chuyện mai sau. Bà viết: “Mẹ nghĩ dù sao cũng để vài ý nghĩ cho các con, các cháu để làm lưu niệm. Để các con nhớ cha, nhớ mẹ, đọc lên ý nghĩ của người mẹ suốt 40 năm sống bên cha các con, chỉ một lòng xây đắp tổ ấm của gia đình ta ngày ngày tươi đẹp, ngày ngày rực rỡ, ngày ngày đắp thêm, vun thêm hạnh phúc tuyệt vời…”. 13 năm sau ngày bà mất, các con bà mới thấy được di chúc trên.

Khi về với bộ trưởng Huyên ở thế giới bên kia, bà để lại nhiều cuốn nhật ký về chồng, con cháu. Mỗi cuốn là một tác phẩm với các hình ảnh của chính bà. Bà cũng lưu giữ lại các tài liệu khi làm kỹ thuật viên bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, thư từ, tài liệu của ông. Tất cả kỷ vật trên đều được lưu giữ, tập hợp tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. “Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố. Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình. Hơn 400 hiện vật trong bảo tàng không chỉ kể lại câu chuyện của hai người mà còn kể về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả những thời kỳ lịch sử của đất nước”, tiến sĩ Huy chia sẻ.

Hoàng Phương / VN Express

Pha chanh leo vừa ngon lại giúp đẹp da: Đây là 5 cách kết hợp để làm nên món sinh tố chanh leo đẳng cấp

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho chị em 5 cách làm sinh tố chanh leo, vừa để giải nhiệt vào mùa hè nóng bức, vừa để làm đẹp từ trong ra ngoài. Chanh leo đang vào mùa, vừa rẻ vừa không lo có thuốc nên bạn cứ thoải mái mua mà không cần e dè.

Số lượng nguyên liệu mà chúng tôi gợi ý trong bài viết này phù hợp cho các gia đình 2-3 người. Tùy vào số lượng người uống mà chị em có thể thay đổi lượng nguyên liệu nhé!

1. Cách làm sinh tố chanh leo, chuối
Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 1.
Sinh tố chanh leo, chuối (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu: 2 quả chanh leo, 2 quả chuối, 1 hộp sữa chua không đường/ít đường, 200ml sữa tươi không đường.

Cách làm: Chanh leo cắt đôi, vét lấy phần hạt và nước. Chuối bóc vỏ và cắt thành từng miếng. Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn.


2. Cách làm sinh tố chanh leo, xoài
Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 3.
Sinh tố chanh leo, xoài (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu: 2 quả chanh leo, 1 quả xoài chín, 200ml sữa tươi không đường, 1 hộp sữa chua không đường/ít đường.

Cách làm: Xoài gọt vỏ, bỏ hạt và cắt thành từng miếng. Chanh leo bổ đôi, vét lấy phần hạt và nước. Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn.


3. Cách làm sinh tố chanh leo, cam và việt quất
Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 5.
Sinh tố chanh leo, cam và việt quất (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu: 100gr việt quất, 1 quả cam, 2 quả chanh leo, 10gr cream cheese.

Cách làm: Đầu tiên, bạn vắt lấy nước 1 quả cam. Chanh leo bổ đôi và vét lấy phần hạt và nước. Việt quất rửa sạch, để ráo. Cuối cùng, cho tất cả các nguyên liệu gồm nước cam, nước cốt chanh leo, việt quất và cream cheese vào máy và xay nhuyễn.


4. Cách làm sinh tố chanh leo, sữa
Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 7.
Sinh tố chanh leo, sữa (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu: 4 quả chanh leo, 30ml sữa đặc, 200ml sữa tươi không đường.

Cách làm: Chanh leo bổ đôi, vét lấy phần hạt và nước rồi cho vào máy xay cùng các nguyên liệu còn lại, xay thật nhuyễn.


5. Cách làm sinh tố chanh leo, dừa tươi
Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 9.
Sinh tố chanh leo, dừa (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu: 50gr dừa tươi, 4 quả chanh leo, 250ml nước dừa tươi.

Cách làm: Chanh leo bổ đôi, vét lấy phần nước cốt và hạt. Dừa tươi bào nhỏ. Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay và xay nhuyễn.


Làm sinh tố chanh leo có cần bỏ hạt không?

Nhiều người vẫn lấn bấn và thắc mắc khi làm sinh tố chanh leo, có cần bỏ hạt hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Bạn hãy xay cả hạt chanh leo và uống luôn nhé, bởi hạt chanh leo cũng có nhiều tác dụng rất tốt với cơ thể:

– Giảm huyết áp;

– Duy trì sự vững chắc của xương;

– Cải thiện quá trình trao đổi chất;

– Duy trì nhu động ruột;

– Ngăn ngừa nhiễm nấm

Trên đây là cách làm 5 món sinh tố chanh leo, đơn giản nhưng thành phẩm đảm bảo sẽ khiến cả gia đình hài lòng. Nếu muốn uống lạnh, bạn có thể cho thêm 1-2 viên đá vào và xay cùng, hoặc sau khi xay xong, để ly sinh tố vào tủ lạnh khoảng 15 phút là được.

Với các chị em đang muốn giảm cân, chúng tôi khuyên bạn không nên uống quá nhiều sinh tố chanh leo sữa (công thức số 3) vì sữa đặc có thể phá hỏng quá trình kiêng khem của bạn đấy!

Một vài công dụng của chanh leo tới sức khỏe mà có thể bạn chưa biết

1. Làm đẹp da

Chanh leo là loại quả cung cấp nguồn vitamin A dồi dào – một dưỡng chất đặc biệt có lợi giúp làm đẹp cho da. Các chất chống oxy hóa khác trong chanh dây như vitamin C, riboflavin và carotene cũng giúp tăng cường sức khỏe của da, giúp bạn đẩy lùi các dấu hiệu của lão hóa.

2. Giảm stress, hỗ trợ giấc ngủ

Kali và folate trong chanh leo có thể cải thiện sức khỏe của não bộ và làm giảm tình trạng stress và lo âu. Trong đó, kali có công dụng giúp điều tiết lưu lượng máu và tăng cường nhận thức, còn folate có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer và suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, chanh leo còn đặc biệt có lợi cho người bị mất ngủ hoặc bị chứng rối loạn giấc ngủ. Hợp chất alkaloids có trong chanh leo có thể giúp tĩnh tâm, an thần, giảm bớt bồn chồn lo âu và làm cho giấc ngủ sâu hơn.

Mùa của chanh leo đã đến và đây là 5 cách làm sinh tố chanh leo giúp chị em đẹp từ trong ra ngoài! - Ảnh 11.
Chanh leo
3. Hỗ trợ giảm cân

Chanh leo là một trong những trái cây lý tưởng để chị em thêm vào thực đơn giảm cân vì chúng có ít calo, chất béo và natri. Mỗi 100gr chanh leo chỉ có 97 calo cùng hàm lượng chất xơ cao sẽ nhanh làm đầy dạ dày của bạn và giảm cảm giác thèm ăn một cách đáng kể.

Hơn nữa, một ly nước với 25gr chanh leo có chứa khoảng 2gr chất xơ và phần lớn là chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan trong phần ruột và vỏ chanh dây có thể hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng, giúp cải thiện nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và giảm lượng cholesterol.

Tuy chanh leo có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn không nên uống quá 2 cốc nước/sinh tố chanh leo mỗi ngày để tránh gây tác dụng phụ, không tốt cho cơ thể. Bạn cũng không nên uống chanh dây nếu bị đau dạ dày hay lúc đói bụng.

Cây Sống Đời Cùng Những Điểm Tuyệt Vời Nhất Mà Bạn Chưa Biết

1. Cây sống đời là gì?

Cây sống đời có tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers, còn có một tên gọi dân gian khác là cây lá bỏng, là loại cây thực vật thân thảo và phân nhánh. Cây có thể cao tối đa 1m, thân tròn nhẵn màu tím tía hoặc màu xanh.

Loại cây này phát triển ở những nơi có ánh sáng mạnh. Ở Việt Nam, nó còn được gọi với nhiều tên khác nhau như cây lá bỏng, trường sinh, diệp sinh căn, đả bất tử.

2. Các loại cây sống đời

Ở Việt Nam, cây sống đời có nhiều giống khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là các loại cây sau:

– Sống đời ta: Còn được gọi là cây bỏng ta, bông lồng đèn

-Đà Lạt: Được trồng tại Đà Lạt, các cánh bông trổ lồng đèn, các lá nguyên kích thước lớn.

– Cây sống đời đỏ: Cánh hoa có màu đỏ thẫm, bông nhuyễn. Cây thường ra hoa vào đúng dịp tết ở Việt Nam.

– Cây sống đời 5 màu: Là cây có bông nhuyễn, có đa dạng 5 màu sắc khác nhau. Hoa thường trổ đúng dịp tết cổ truyền nên được trồng vào các chậu nhỏ để chưng Tết.

3. Lợi ích trong phong thủy

Cây sống đời là loại cây nhỏ nhắn nhưng lại có sức sống bền bỉ, khi lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con tượng trưng cho sự trường thọ, trường tồn theo thời gian. Do đó, cây thường được trồng khắp nơi để làm cây cảnh và là một món quà tặng dễ thương như một sự may mắn vào các dịp lễ, Tết.

Đối với gia đình, khi đặt chậu cây trong nhà như một lời cầu mong cho gia đình luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Ngoài ra, loại cây này còn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong gia đình.

Đối với bạn bè, cây tượng trưng cho tình bạn chân thành, luôn gắn kết bền vững. Cây còn thích hợp cho chủ nhân đặt trên bàn làm việc bởi cây không cần quá nhiều thời gian chăm sóc cũng như tượng trưng cho ý chí vươn lên, kích thích tinh thần phấn chấn trong công việc.

4. Lợi ích cho sức khỏe
4.1. Chữa đau xương khớp

Khi bị đau nhức xương khớp, đau lưng,…  bạn có thể dùng lá cây làm nóng và đắp lên vùng bị đau. Nếu như bạn cần di chuyển ra ngoài, có thể dùng khăn vải quấn cố định lá vào vùng xương bị tổn thương. 

4.2 Kích sữa cho mẹ bỉm

Ít ai biết, lá cây có tác dụng làm kích thích sữa của người mẹ sau khi mới sinh hoặc đang trong thời gian cho con bú mà ít sữa hay tắc sữa. Mẹ sau sinh có thể nhai hoặc xay lấy nước hoặc ăn cả lá hay nấu canh, dùng mỗi ngày để tránh sự mất sữa và giúp cho bé hấp thu được nguồn dinh dưỡng chất lượng từ sữa mẹ.

4.3 Cải thiện tình trạng viêm họng

Cây sống đời có tác dụng chưa viêm họng rất tốt mà không cần đến kháng sinh. Cách làm là lấy lá tươi rửa sạch sẽ, có thể nhai sống lá, có thể ăn cả bã nếu không thì nuốt lấy nước. Thực hiện nhiều lần trong ngày. Duy trì khoảng 2 đến 3 ngày là có thể dứt điểm bệnh hiệu quả.

Bài viết trên là những chia sẻ về điểm tuyệt vời nhất mà cây sống đời sở hữu. Tuy nhiên, các cách trên chỉ nên áp dụng với tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ, nếu bệnh ở mức độ phức tạp hơn bạn nên kết hợp theo liệu pháp của các bác sĩ chuyên gia để tăng thêm hiệu quả chữa trị. Mong rằng đây sẽ là thông tin hữu ích cho các bạn đọc. 

Theo Ẩm thực bốn mùa

Đọc bài “Tụng Lỗ Tấn” của Phan Khôi lại nghĩ đến cái xấu ở Việt Nam hiện nay

phan khoi

   Ông Phan Khôi(1887-1959) khi mới lớn lên đã theo đòi nghiệp bút nghiên, thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh cùng sách của Bách gia chư tử. Ông đã khăn gói lều chõng đi thi Hương và đỗ Tú tài Hán học năm 1906. Ông và một số nhà Nho nhận thấy: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Chữ Nho – Trần Tế Xương), do đó ông đã “Vứt bút lông đi, giắt bút chì!” và theo đuổi nền Tây học. Ông đã tham gia làng báo và sau năm 1945 tham gia phong trào Việt Minh.

   Tháng 10/1956 trước khi báo Nhân văn do ông Phan Khôi làm Chủ nhiệm bị cộng sản cho đình bản ít lâu. Hội Văn nghệ Việt Nam cử ông Phan Khôi sang Bắc Kinh dự Đại hội Kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn từ trần. Cùng đi có Tế Hanh. Tại lễ Kỷ niệm, ông Phan Khôi đã có bài phát biểu mang tên “Tụng Lỗ Tấn”: “Phản Khổng tử ‘bất vi dĩ thậm’[1]/ ‘Đả lạc thủy cẩu’[2], ‘bất khoan thứ thùy’[3]/ Phản Da tô ‘ái địch như hữu’[4]/ Nguy nguy hồ Lỗ Tấn ‘vô sản đích thánh nhân’[5]/ Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu/ Ngã độc công thư tạp niên/Hận bất tương kiến công tử tiền/ Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền/ Đắc kiến công tử hậu tân Trung Quốc đích thiên!”

   Dịch nghĩa bài “Ca tụng Lỗ Tấn” : Bác lời Khổng tử “không nên làm điều thái quá!”/Ông chủ trương “đánh chó phải đánh cả khi nó đã rơi xuống nước”, “không dung tha kẻ thù nào”/Chống lại lời dạy của Chúa Da tô “phải yêu kẻ thù như bạn”/ Vòi vọi như núi cao, Lỗ Tấn là ông thánh của giai cấp vô sản/ Tôi tin lời xưng tụng ấy không hề sai lầm/ Đã ba mươi năm nay tôi đọc sách của ông/Giận mình chẳng được một lần gặp ông trước lúc ông mất/ May mà trước lúc tôi xuôi tay nhắm mắt/ Còn được thấy bầu trời nước Trung Hoa mới của ông.

   Dịch thơ lục bát: “Bác lời Khổng tử khuyên can/ Làm chi thái quá để mang tiếng đời/ Đánh chó chớ đánh nửa vời/ Phải dìm cho chết dẫu rơi ao tù/ Không khoan dung lũ nghịch thù/ Đừng như Đức Chúa Giê su dạy đời/ Non cao chất ngất lưng trời/ Thánh nhân vô sản như lời tụng ca/ Tin người xưng tụng chẳng ngoa/ Ba mươi năm ấy tôi đà đọc ông/ Gặp ông mong được thành không/ Vãn niên may thấy cờ hồng Trung Hoa”[6]

   Ông Phan Khôi từ một nhà Nho chân chính đã khước từ học thuyết nhân bản nhã nhặn của Khổng tử để quảng bá cho một học thuyết duy lý hung hăng của phương Tây: “Đả lạc thủy cẩu”, “bất khoan thứ thùy”.

   Cụ Trần Trọng Kim cũng xuất thân từ gia đình Nho học nhưng cụ lại nhận ra bản chất của học thuyết duy lý hung hăng: “Về đường thực tế, cái đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người Cộng sản cho cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người giác ngộ, ai không tin là người mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập một xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản”[7].

    Với chủ trương “cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả” cho nên mới có chính sách “đấu tố”. Qua ký ức của nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã kể lại việc đấu tố : “Bố tôi bị quy lên địa chủ, bị nhốt chuồng trâu, chờ ngày đấu tố (…). Cùng với các ông đội, bà đội trên cử xuống, hai ông Chi và Bính (hai anh em ruột) trước kia làm nghề ăn trộm giờ là cốt cán trong cuộc đấu tố, đêm đêm đi vận động người tố điêu địa chủ: rằng vợ phải đấu tố chồng, con phải đấu tố cha mẹ, anh em phải đấu tố nhau, con dâu phải tố bố chồng hãm hiếp mình, Phật tử nữ phải đấu tố nhà sư, vu cho sư cưỡng hiếp mình thì mới dễ xử bắn sư…

   “Bọn thiếu nhi, thiếu niên chúng tôi con địa chủ cũng được hai ông Chi, Bính quán triệt trước, rằng các cháu chịu khó đấu tố bố mình đi thì bố mới được thả về, bằng không đội bắn bỏ đừng khóc…Tin vào hai ông thần đấu tố ở làng và các ông bà đội, mấy đứa con địa chủ chúng tôi chấp nhận đấu tố bố mình trước đội thiếu nhi thiếu niên theo kịch bản tố điêu của cấp trên để hòng cứu bố khỏi bị bắn. Để việc đấu tố bố tôi sáng mai tốt đẹp theo ý của ông đội, họ tổ chức cho các con địa chủ đấu tố bố mình tối hôm trước…”[8].

    Cái ác ở Việt Nam hiện nay tràn đầy, khiến ông Lê KiênThành (con của Lê Duẩn) trăn trở: “Có thể con người Việt Nam hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đã biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này”

   Ông Lê Kiên Thành phỏng đoán (vì không dám quả quyết) rằng: “Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người Việt Nam phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác bóc lột từ ngoại bang. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta ác hơn ngày xưa?”[9].

   Thời phong kiến con cháu mà “đấu tố” ông bà, cha mẹ là phạm vào tội bất hiếu. Bộ luật Hồng Đức quy định con cháu có nghĩa vụ không được kiện cáo ông bà cha mẹ (điều 511), có nghĩa vụ che giấu tội cho ông bà cha mẹ (điều 9 và 504) ngoại trừ trường hợp ông bà cha mẹ phạm các tội mưu phản, mưu đại nghịch…thì con cháu được phép tố cáo.

   Trong Luận ngữ có mẩu đối thoại giữa Diệp công và Khổng tử: Diệp công ngữ Khổng tử viết: “Ngô đảng hữu trực cung giả: kỳ phụ nhương dương, nhi tử chứng chi”. Khổng tử viết: “Ngô đảng chi trực giả, dị ư thị: phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ”(Ông Diệp công nói với Khổng tử rằng: “Ở xóm tôi, có người giữ phép thẳng rất mực, như cha ăn trộm dê, thì con đứng ra làm chứng khai thật”. Khổng tử nói rằng: “Ở xóm ta người ngay thẳng cư xử có khác: Cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha; tình ngay thẳng vẫn ngụ trong đó vậy”(Luận ngữ Tử Lộ XIII, 18).

   Học thuyết Nho giáo đề cao chữ “Nhân”, bởi “Nhân” là đầu các điều thiện. Nếu Phan Khôi hoặc những người lãnh đạo thời ấy hết lòng quảng bá đức “Nhân” trong học thuyết Nho giáo, đừng chạy theo học thuyết duy lý hung hăng của phương Tây thì tôi tin chắc cái ác sẽ không xảy ra như hiện nay: “Giết nhau vì tiền, giết nhau vì tình, giết nhau vì đất đai, giết nhau vì chút quyền lợi nhỏ, và cả giết nhau chẳng do duyên cớ nào cả. Thậm chí, một cái nhìn bị cho là ‘nhìn đểu’ cũng dễ dàng rước lấy cái chết thảm cho người nhì đằng sau cái hả hê của ‘người bị nhìn’ đã ‘dứt điểm’ được ‘kẻ nhìn đểu’[10].

   Tại sao hiện nay xã hội Việt Nam lại ác hơn ngày xưa? Từ ngàn xưa Kinh Dịch đã có câu giải đáp: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo biện dã” (Tôi giết vua, con giết cha, không ở trong một sớm một chiều, nguyên do dần dần mà đến, bởi những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy không biết lo liệu phòng bị sớm).

    Trong tác phẩm “Lịch sử văn minh Trung Hoa” nhà nghiên cứu Will Durant đã nuối tiếc cho dân tộc Trung Hoa là đã từ bỏ một học thuyết nhân bản nhã nhặn của ông cha để chạy theo một học thuyết duy lý hung hăng của phương Tây.

Nguyễn Văn Nghệ / Theo Nghiên cứu Lịch sử

Sau 46 năm nhìn lại, ai thắng ai bại?

Chợ Bến Thành 100 tuổi - Kinh doanh
Chợ Bến Thành 100 năm trước.

Biến cố 30-4-1975 tính tới nay đã 46 năm, với quãng thời gian dài đó, thiết tưởng đã quá đủ để người Việt chúng ta biết rõ hơn được ai thắng ai bại trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, giữa miền Nam Việt Nam (MNVN) hay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và miền Bắc Việt Nam (MBVN) hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Trước khi đi sâu vào chi tiết thiết nghĩ ta cần phải chính danh cuộc chiến vì danh có chính thì ngôn mới thuận.

* Có nhiều người cho rằng đây là một cuộc NỘI CHIẾN, tương tự như cuộc nội chiến vào thế kỷ 17 giữa Nhà Nguyễn còn gọi là Đàng Trong và Nhà Trịnh còn gọi là Đàng Ngoài.

* Nhiều người khác cho rằng cuộc chiến tranh giữa Nam và Bắc Việt Nam từ 1955 tới 1975, không hẳn là nội chiến, vì trong cuộc chiến tranh này, sự “tác động” từ thế giới bên ngoài, Thế Giới Tự Do (TGTD) và Thế Giới Cộng Sản (TGCS). Hai thế lực tuy là bên ngoài, song đã đóng một vai trò quan trọng. Vì thế mà họ gọi là cuộc chiến tranh ỦY NHIỆM. VNCH được ủy nhiệm bởi TGTD và VNDCCH được ủy nhiệm bởi TGCS.

* Lại cũng có rất nhiều người khác nghĩ rằng cả hai “định nghĩa” trên đây đều không sát với thực tế, nên cho rằng cuộc chiến tranh giữa VNDCCH và VNCH là cuộc NỘI CHIẾN do Ý THỨC HỆ. Một bên mang Ý Thức Hệ Cộng Sản (Communist Ideology) và một bên mang Ý Thức Hệ Chống Cộng Sản (Anti-Communist Ideology).

* Bên Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN (YTH-CS) thì tin rằng, CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN (CNCS) là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và chỉ có CNCS mới có thể giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự kìm kẹp và bóc lột của các đế quốc tư bản, và tạo cơ hội cho nhân dân Việt Nam sánh vai cùng nhân dân các nước trên thế giới, tiến vào THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG (TGĐĐ). Theo lý thuyết cộng sản, TGĐĐ là thiên đường hạ giới, nơi đây không ranh giới quốc gia và dân tộc, không có người bóc lột người, và mọi người làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu.

* Bên Ý THỨC HỆ CHỐNG CỘNG SẢN (YTH-CCS) tin rằng, CNCS là một chủ nghĩa không tưởng, nó được hình thành từ đầu óc của những kẻ không bình thường, và cũng chỉ có những người Việt đọc mà không hiểu mới tin rằng chủ nghĩa này sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.

* Bên YTH-CCS tin rằng, nếu không chống lại CNCS thì đất nước này sẽ mãi mãi đói nghèo và dân tộc này sẽ mãi mãi chìm đắm trong tăm tối triền miên.

* Quan điểm thứ ba được nhiều người cho là hợp lý hơn cả và một khi đã thừa nhận điều này thì người ta phải thừa nhận các hệ quả tất yếu của nó. Dưới đây là những hệ quả của cuộc chiến tranh Ý THỨC HỆ giữa VNCH và VNDCCH:

– Ngày 30-4-1975, không phải là ngày kết thúc toàn diện cuộc chiến, mà chỉ là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh bằng vũ khí hay bạo động, song một cuộc chiến tranh khác không vũ khí hay bất bạo động lại bắt đầu.

– Với ngày 30-4-1975, người ta không chối cãi được rằng, trong giai đoạn chiến tranh vũ khí, Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa (QCC-VNCH) đã thất bại nặng nề. Nguyên nhân của sự thất bại, không phải vì họ hèn nhát, mà vì một lý do đơn giản và dễ hiểu là vũ khí của họ bị cạn kiệt do sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ. Trong một cuộc chiến tranh bằng vũ khí, tất nhiên vũ khí đóng vai trò quan trọng trong việc thắng hay bại của mỗi bên. Khi cuộc chiến bước vào một giai đoạn quyết định, VNDCCH được đồng minh Liên Xô và Trung Cộng viện trợ vũ khí vô cùng dồi dào, còn bên VNCH lại bị đồng minh Hoa Kỳ cắt bỏ hoàn toàn. Do đó việc thất bại của VNCH trong giai đoạn này là một điều không thể tránh.

– Một điểm quan trọng trong cuộc chiến tranh YTH là, người ta không thể lấy dân số cư trú trong các quận huyện mà mỗi bên chiếm được làm tiêu chuẩn để thắng bại, mà phải dùng tiêu chuẩn khác, là lòng người hay lòng dân đối với mỗi bên để quyết định thắng, ai bại.

* Để có được một quyết định khách quan và trung thực ai thắng và ai bại trong cuộc chiến tranh YTH giữa VNCH và VNDCCH, điều quan trọng là người ta cần phải làm là tìm hiểu xem lòng người hay lòng dân của người dân miền Nam cũng như của người dân miền Bắc đối với VNCH và VNDCCH như thế nào trước cũng như sau tháng Tư 1975. Dưới đây là những tiểu mục mà ta cần phải kinh qua:

I- Lòng người dân MNVN đối với VNCH trước tháng 4-1975:

Theo sự ước tính của nhiều người thì ở MNVN trước tháng 4-1975 chỉ có khoảng 50% dân chúng đã tích cực hỗ trợ QCC-VNCH trong việc chống lại CSMB, khoảng 30% hầu như thờ ơ với công việc này, và khoảng 20% hoặc ngấm ngầm hoặc công khai tiếp tay cho CSMB đánh phá VNCH.

II- Lòng người dân MNVN đối với CSMB sau tháng 4-1975:

Sau khi đã chiếm được miền Nam bằng một cuộc chiến tranh bạo lực, ngoài việc dồn QCC-VNCH vào các trại tù cải tạo, CSMB còn cho thực thi ngay những gì mà họ đã và đang thực thi ở miền Bắc, với mục đích là để nâng cao trình độ “thấp kém” về mặt dân trí và “lạc hậu” về mặt xã hội của nhân dân miền Nam cho ngang bằng với trình độ “ưu việt” về mặt dân trí và “tiên tiến” về mặt xã hội của nhân dân miền Bắc. Chỉ ít tháng sau tháng 4-1975, dân chúng miền Nam được “ưu ái” cho học tập về đường lối và chính sách của đảng CSVN, đồng thời được “cho phép” tham gia vào việc thực thi những biện pháp “siêu việt” để cải thiện xã hội tư bản thối nát miền Nam dưới những hình thức như đổi tiền, đánh tư sản, cưỡng bách đi vùng kinh tế mới v.v…, làm cho người dân miền Nam chẳng những “sáng mắt” mà còn “sáng lòng” để nhận ra được rằng:

– Lời nói của TT Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”, mà trước đây họ nghĩ đó chỉ là những lời lẽ tuyên truyến bôi bẩn đối phương. Song sau ngày 30-4, họ đã nhận thấy đó là sự thật 100%.

– QCC-VNCH đã chiến đấu chống lại CSMB trong 20 năm không phải là đánh thuê cho Mỹ như Việt Cộng đã tuyên truyền xuyên tạc, mà là để bảo vệ cho nhân dân miền Nam được sống trong tự do, no ấm, có nhân phẩm và nhân quyền. Chính CSMB mới là kẻ đánh thuê thật sự cho đế quốc như Tổng bí thư Lê Duẩn đã long trọng xác nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.

– Cộng Sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam không phải là để giải phóng nhân dân miền Nam thoát khỏi đàn áp và bóc lột của “Mỹ Ngụy” như chúng đã rêu rao, mà là để áp đặt lên đầu họ một chế độ độc tài đảng trị. Sống dưới chế độ này người dân miền Nam hoàn toàn mất hết tự do, không có nhân phẩm và chẳng có nhân quyền.

– Trước năm 1975 một số không nhỏ dân chúng miền Nam, vì bị tuyên truyền móc nối nên lầm tưởng bọn cộng sản là người yêu nước thương nòi, do đó đã lén lút nuôi dưỡng chúng trong nhà, tiếp tế và tiếp tay cho chúng đánh phá VNCH.

– Sau ngày 30-4-1975 chính những tên cộng sản này đã cướp đất đai và nhà cửa của họ. Dưới đây là một trường hợp điển hình:

Trong vụ giải tỏa khu đất gần chợ Tuyên Nhơn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, một toán cán bộ của thị trấn Thạnh Hóa thay mặt cho chính quyền địa phương đã tới nơi cư trú của gia đình ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thi Kim Hương vào ngày 13-4-2015, để thông báo lệnh giải tỏa. Trước mặt đám cán bộ này, bà Mai Thị Kim Hương đã thẳng thừng nói như tát nước vào mặt đám cán bộ rằng: “Ngày xưa gia đình nhà tao lầm đường lạc lối, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Bây giờ để cộng sản cướp đất cướp nhà tao…. Bây giờ bốn mươi năm rồi… tao quyết tâm tiêu diệt cộng sản…”.

– Khi đã nhận ra được bộ mặt thật của đảng CSVN chỉ là tay sai của đế quốc Nga-Tàu, không thể tiếp tục chung sống với chúng được nữa, nên người dân miền Nam đổ xô nhau đi tìm đường vượt biên, từ thành thị đến thôn quê, từ hang cùng đến ngõ hẻm, đâu đâu người ta cũng thấy dân chúng túm năm, tụm ba thì thầm tính chuyện vượt biên. Người chọn đường biển, kẻ chọn đường bộ, dù biết rằng đường nào cũng nguy hiểm cả và tỷ lệ đến được bến bờ tự do chỉ độ 50%, phần còn lại là bị đắm tàu, bị cướp biển Thái Lan giết, hoặc bị nhà cầm quyền CS cầm tù, song họ không hề sờn lòng và chùn bước.

III- Lòng dân miền Bắc đối với CSMB và VNCH sau tháng 4-1975:

Nhờ vào việc thất bại của VNCH vào ngày 30-4-1975 mà người dân miền Bắc cũng đã sáng mắt và sáng lòng để nhận ra được rằng họ đã bị ông Hồ và đảng CSVN lừa gạt và bịp bợm vô cùng cay đắng. Những lời dạy bảo nhân dân miền Bắc của ông Hồ và của đảng CSVN về miền Nam chỉ là những lời lẽ tuyên truyền láo khoét để khai thác lòng yêu nước của họ và thúc đẩy họ lao đầu vào miền Nam chém giết đồng bào ruột thịt, mà thực chất chỉ là đánh thuê cho Liên Xô và Trung Cộng. Dưới đây là những dẫn chứng điển hình:

1- Nhà thơ Phan Huy:

Phan Huy là một nhà thơ khá nổi tiếng của miền Bắc. Theo ông thì trước ngày 30-4-1975, người dân ở trên vĩ tuyến 17 bị đảng CSVN bịp bợm đến nỗi:

 “…chẳng biết gì ngoài bác, đảng kính yêu

Xã hội sơ khai tẩy não một chiều

Con người nói năng như chim vẹt

Mở miệng ra là: ‘Nhờ ơn Bác và Đảng

Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh”

Trong bài thơ có tựa đề là Tâm sự một đảng viên, ông Phan Huy cũng đã cho biết là người dân miền Bắc nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy bác và đảng vĩ đại và trong cái khung trời bít bùng người dân đã được bác và đảng nhồi nhét và dạy bảo:

“Rằng tại Miền Nam, ngụy quyền bách hại

Dìm nhân dân dưới áp bức bạo tàn

Khắp nơi nơi cảnh đói rách cơ hàn

Đang rên siết kêu than cần giải phóng”

Sau ngày 30-4-1975, Phan Huy có cơ hội bước chân vào miền Nam, ông nhận ra rằng, cuộc sống của người dân miền Nam hoàn toàn khác với những lời dạy bảo dối trá của bác và đảng, khiến niềm tin của ông vào Bác và Đảng sụp đổ hoàn toàn:

“Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng

Nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin

Khi điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình

Trước thành phố tự do và nhân bản.”

2- Nhà thơ Thái Bá Tân:

Ông Thái Bá Tân, một thi sĩ nổi tiếng của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, cũng phải thừa nhận là Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã nói rất đúng về người CSVN:

“Tôi không biết ông Thiệu

Yêu mến lại càng không

Nhưng buộc lòng phải thừa nhận

Rằng ông ấy nói đúng

Thời còn ở miền Nam

‘Đừng nghe cộng sản nói

Hãy xem cộng sản làm’”

3- Nhà văn Dương Thu Hương:

– Bà Dương Thu Hương là nhà văn nổi tiếng của miền Bắc hay của VNDCCH. Theo bà Hương thì: “Ở miền Bắc tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người”.

4- Thư của một cựu “giải phóng quân” VNDCCH gửi cho một cựu “ngụy quân” VNCH:

Ngay trong phần đầu của lá thư anh “cựu giải phóng quân” đã trân trọng thông báo cho anh “cựu ngụy quân” biết là hiện tại anh ta đang tự giác và tự nguyện “tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc” trên con đường “Ngụy Quân Hóa và Mỹ Cút Hóa”. Anh CGPQ cũng đã dí dỏm giải thích về lý do tại sao anh ta đã và đang làm một việc ngược đời như thế:

Ngụy quân hóa vì cái gì của Ngụy tôi cũng thích, như nhạc Ngụy, sách Ngụy, nói chung là thượng vàng hạ cám gì của Ngụy đều… hiện đại. Mỹ-cút hóa là con cháu tôi bây giờ học tiếng Mỹ thay vì tiếng Nga, như đảng đã bái bai Kinh Tế Tập Trung đói meo chạy theo Kinh Tế Thị Trường béo bở, bỏ đồng Rúp ông Liên Xô để úp mặt vào đồng Đô đế quốc. Mỹ-cút hóa vì con gái rượu của Thủ tướng Dũng thiếu gì con trai của các nhà lão thành Cách Mạng gạ gẫm cưa kéo mà cứ một hai “em chả, em chả”, cứ nằng nặc đòi lấy bằng được thằng con Ngụy đã cút theo Mỹ ngày Mỹ cút; Mỹ-cút hóa đến nỗi mấy đứa cháu tôi bây giờ mừng sinh nhật cũng hát bài Hép-Pi-Bớt-Đê (Happy Birthday), hễ mở miệng là Ô Kê Ô Gà! Ra phố thì cứ đòi uống Cô Ca, ăn thì Mạc-Đá-Nồ (McDonald), Bơ-Gơ-Kinh (Burger King), Ken-Tơ-Ky-Phờ-Rai-Trích-Cần (Kentucky Fried Chicken)…, con quan CS chỉ toàn muốn du học Mỹ Tư Bản…”. 

5- Châu Hiền Lý (bộ đội tập kết 1954):

Trong một bài viết có nhan đề Cả Nước Đã Bị Lừa được viết vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày “giải phóng miền Nam”, ông Châu Hiền Lý đã nhận định về “chiến thắng 30 tháng 4” của đảng cộng sản Việt Nam như sau:

“Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc”.

Tiếp theo đó ông Lý dã nêu ra một loạt câu hỏi để người đọc nhìn lại và suy ngẫm, rồi tự trả lời, xem sau hơn nửa thế kỷ chủ nghĩa cộng sản được thực thi ở Việt Nam có phải là một chủ nghĩa tốt đẹp không? Nếu chủ nghĩa cộng sản thật sự tốt đẹp thì tại sao:

– Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam?

–  Sau năm 1975, tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp?

– Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông?

– Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị?

– Tại sao đàn ông của các nước tư bản Châu Á có thể đến Việt Nam để chọn vợ như người ta đi mua một món hàng?

– Tại sao Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ?

– Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn?

 – Tại sao nước ta ngày nay phải quay trở lại với kinh tế thị trường, phải đi làm công cho các nước tư bản?

 – Tại sao các lãnh tụ CS lại gởi con đi du học tại các nước tư bản thù nghịch?”

Gần cuối bài Cả nước đã bị lừa, ông Lý viết:

“Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà kết luận: “Tất cả đều là lừa bịp!”. Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ… đồ đểu! Vết nhơ muôn đời của nhân loại”.

6- Ca dao dân gian:

Sau năm 1975 có một câu ca dao nghe rất thấm thía, vì đã nói lên được lòng người dân Việt Nam đối với đảng Cộng sản. Họ mong muốn có một trận dịch đảng giết càng nhiều đảng viên của đảng này càng tốt:

Dịch heo lại đến dịch gà

Bao giờ dịch Đảng cho bà con vui

Kết luận:

Trên đây là những gì mà người ta đã cân đo đong đếm được về lòng người của người dân miền Nam cũng như của người dân miền Bắc đối với Cộng Hòa Miền Nam và Cộng Sản Miền Bắc trước và sau tháng 4-1975. Hơn 500 năm trước Tây Lịch, Tôn Tử (545-470 TCN), một thiên tài quân sự Trung Hoa, đã nói: “Chiếm được thành quách mà không chiếm lòng người thì cũng kể là thất bại”. Dùng câu này như một lăng kính soi rọi vào cuộc chiến tranh YTH giữa VNCH và VNDCCH, người ta không thể có được một kết luận nào khác hơn là: CSMB tuy đã chiếm được đất đai miền Nam song không hề chiếm được lòng người miền Nam, nên là kẻ bại trong cuộc chiến tranh YTH này.

Tháng Tư 2021 / Huy Vũ /SGN