Dương Tử Thành thực hiện
Một cuốn tiểu thuyết khôn giống nhũng gì người ta vẫn hình dung về…tiểu thuyết của tác giả Dặng Thân vừa ra mắt bạn đọc.Với “3.3.3.9 [ Những mảnh hồn trần ]”,Đặng Thân cho biết, anh chỉ muốn chứng minh :Viết tiểu thuyế rất dễ.
– Với anh, khi bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết thì điều gì là quan trọng nhất?
– Một vài ý nghĩ gây hưng phấn. Sáu tháng hay một năm sau mà ý nghĩ ấy vẫn ám ảnh thì chắc rằng đó là cuốn sách phải viết.
– Ở “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]” người đọc thấy Đặng Thân đã rất nỗ lực trong việc cách tân, anh muốn trình một cách viết tiểu thuyết mới hay điều gì khác?
– Gốc của vấn đề là tôi chưa từng muốn viết một cuốn sách nào giống ở đâu cả. Nếu tất cả đều cách tân thì chắc rằng tôi sẽ viết kiểu cổ đại. Xin lỗi, câu trả lời ấy tuy nghiêm túc mà cũng có thể như đùa. Có một sự thật là tôi có mong muốn chứng minh âm thầm: viết tiểu thuyết dễ lắm các bạn ạ. Hãy viết về bất cứ cái gì bạn thích. Nếu các bạn thích đọc quyển sách này thì chắc rằng bạn sẽ viết được ngay. Tôi tin là ai cũng viết được tiểu thuyết, nếu muốn viết.
– Với cách kể nhiều ngôi, cách sắp đặt và bầy binh bố trận của sân khấu, tác giả như một vị đạo diễn và chính tác giả cũng là một diễn viên… như vậy liệu có quá tham lam?
– Tôi biết trên thế giới và cả ở Việt Nam có những đạo diễn luôn kiêm diễn viên. Anh hãy tìm câu trả lời từ họ xem sao. Còn về cái sự tham lam thì cũng có lúc tôi thấy mình vô đối.
– Tính tương tác là điểm nổi bật mà tác giả “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]” hướng đến, anh nghĩ thế nào về yếu tố này trong đời sống văn học hiện nay?
– Cực kỳ quan trọng. Trong đời sống văn học hiện nay có quá nhiều cuốn sách không tương tác với bạn đọc và đời sống, việc ấy đẩy sách xa khỏi người. Tương tác thì văn học mới giúp con người sống thăng hoa, con người mới đẩy văn học “lên ngôi”.
– Ở “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]”, người đọc cảm thấy trong tiểu thuyết của anh có đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, và rồi trước quá nhiều thông điệp, họ không biết anh định nói điều gì?
– Tôi định đưa ra nhiều thông điệp, đó là câu trả lời rồi.
– Anh chủ định xây dựng “3.3.3.9” thành “ngôi nhà có nhiều cửa sổ”?
– Đó chính là một phát hiện của anh.
– Theo anh, điểm khác biệt giữa một cuốn tiểu thuyết lưu hành trên mạng với một cuốn tiểu thuyết “giấy trắng mực đen” là gì?
– Cuốn sách trên mạng không được người đọc sờ mó và ngửi. Sách in thì khi đi xa không mang theo được nhiều, lại tốn chỗ.
– Những comment của bạn đọc khi anh post từng phần của tiểu thuyết chia sẻ lên blog và sau này được đưa vào sách có ý nghĩa thế nào đối với tác giả?
– Trước hết, đó là phản ánh trung thực nhất về nhận thức và cảm xúc của những người đọc đương thời nhiệt thành nhất. Thứ hai, tôi tri ân họ nên tôi thấy trách nhiệm phải đưa vào sách. Tôi không muốn lời của những độc giả đích thực bị trôi theo sóng nước như công lao dã tràng. Vả lại, rõ ràng diễn đàn của các comment đã tạo ra một kênh thông tin sinh động, không dễ gì một nhà văn có thể tưởng tượng ra được. Nó tạo ra “cõi thực” trong “cõi hư cấu”. Và đó cũng như một nhịp nghỉ thư giãn trước khi người đọc đọc tiếp chương sau của cuốn sách được coi là khá “nặng”.
– Những độc giả quan tâm và có phản ứng tích cực với “3.3.3.9″ của anh là người trong nước hay người Việt ở nước ngoài?
– Phần lớn họ là người trong nước. Chắc rằng không ai ngờ trong nước ta đang có những độc giả “khủng khiếp”. Họ rất trẻ mà đã rất thạo ngoại ngữ và đọc thiên kinh vạn quyển. Tôi học từ họ nhiều. Sự cổ vũ mãnh liệt của họ làm tăng nhiệt huyết cho người viết ghê gớm. Tôi tin ở lớp người trẻ giàu tri thức ấy, họ sẽ làm thay đổi văn hóa đọc.
– Một mớ thông tin, tư liệu khổng lồ được anh “tiêu” không tiếc tay khiến cho người đọc choáng ngợp và thầm phục cái sự đọc và trí nhớ siêu phàm của tác giả, nhưng rồi họ cũng băn khoăn tự hỏi, không biết Đặng Thân tiêu pha theo cách của một triệu phú hay của một… trọc phú?
– Sự thật nói rõ hơn lý sự: hiện nay tôi còn dăm bản thảo chưa in (cái nào cũng nhiều “thông tin” hơn cái “này”), và ít nhất dăm cái nữa còn đang ở trong “lọ mực”. Thực ra trí nhớ tôi hiện nay không tốt lắm, có lẽ các con chữ tự chúng có đời sống độc lập, và tự phát triển. Tại sao chúng phát triển trong tôi thì cũng chưa rõ.
– Anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết?
– Tôi không có quan niệm gì. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là tiểu thuyết thì dài, cho nên đây là đất để trình diễn mọi chiều kích của trí tưởng tượng một cách dài hơi nhất, vô biên nhất, “lắm lời” nhất, ngóc ngách nhất.
– Viết xong “3.3.3.9” anh có thấy hài lòng?
– Vâng, rất hài lòng khi vừa viết xong. Bây giờ đã sau ba năm rưỡi, tôi đã mất hài lòng không ít.
– Anh sẽ vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết theo “phong cách Đặng Thân” chứ?
– Tôi còn chưa rõ cái phong cách ấy lắm. Tôi vẫn đang viết, nhưng cũng có thể sẽ không viết nữa. Tóm lại là tôi không nghĩ gì đến ngày mai cả.
Đặng Thân hiện dạy học tại Hà Nội. Anh có nhiều sáng tác bằng tiếng Anh đã được xuất bản tại Mỹ, một số tác phẩm của anh được in trên các tạp chí văn học như Wordbridge, The Writers Post, Beehive hay trong tuyển tập Blank Verse. Đặng Thân có lối viết độc đáo trong nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và tiểu luận. Tháng 12/2008, Đặng Thân cho ra mắt tác phẩm Ma Net gồm 12 truyện ngắn, trước đó một số truyện đã được tác giả đưa lên blog và các tạp chí mạng trước khi xuất bản. Ma Net đã nhận được nhiều quan tâm từ độc giả và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như những bình luận nhiều chiều của các nhà chuyên môn. |
@E-Van