Vaclav Havel, biểu tượng đấu tranh nhân quyền tại Đông Âu, qua đời

Theo tin của Ðài Truyền hình Quốc gia Czech, Vaclav Havel, nhà soạn kịch, nhà hoạt động nhân quyền có tầm ảnh hưởng lớn lao trên thế giới, cựu tổng thống Tiệp Khắc, cựu tổng thống Cộng hòa Czech, đã từ trần vào Chủ nhật 18-12-2011, hưởng thọ 75 tuổi.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình:
Từ nhiều năm nay, sức khỏe của Havel đã suy giảm. Trong vòng nửa năm gần đây, hầu như ông phải hoãn mọi kế hoạch. Cách đây một tuần, ông xuất hiện lần cuối trước công luận, trong dịp gặp gỡ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tại Praha.
 Václav Havel là kiến trúc sư của những sự kiện trọng đại thập niên 70 và 80 thế kỷ trước tại Tiệp Khắc, dẫn đến Cuộc cách mạng nhung 1989, đưa Tiệp Khắc trở thành một quốc gia dân chủ đa nguyên. Hiến chương 77, hay “Vài câu” 1989 là những chặng chói lọi trong sự nghiệp chính trị và xã hội của ông, nâng ông lên tầm đứng đầu của đội ngũ những trí thức yêu nước và có tầm nhìn xa của quốc gia này.

* Ông Vaclav Havel sau khi được bầu làm tổng thống Tiệp Khắc, 29/12/1989 REUTERS
Cách đây 2 năm, trong phiên họp của Nghị viện châu Âu, khi các dân biểu hồi tưởng lại các sự kiện của “Mùa thu Ðông Âu” hai thập niên trước, ông Jerzy Buzek, cựu thủ tướng Ba Lan, chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã tôn vinh Václav Havel là “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền”.

 Ông Buzek có nói thêm rằng, “chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh đổ bởi những con người bình thường: những nhà văn, công nhân, viện sĩ, tức hàng triệu người sống sau Bức màn sắt và không bao giờ chấp nhận sự áp bức”.
 Những nhận định của ông Buzek đặc biệt đúng với trường hợp Vaclav Havel, một nhân vật kỳ vĩ của Tiệp Khắc thế kỷ XX. Không đơn thuần là một nhà ly khai, rồi một chính khách lớn, ông là sự tổng hòa những nét tinh hoa của một trí thức Đông Âu: yêu tự do và công bằng xã hội, sự minh triết trong các vấn đề lớn lao và trong cuộc sống hàng ngày.
 Cuộc đời của Havel rất điển hình cho hình mẫu một trí thức vùng Đông Trung Âu với những hệ lụy của lịch sử. Ra đời trong một gia đình khá giả, nên tại nước Tiệp Khắc cộng sản, ông không được vào đại học vì lý lịch “tư sản”. Vừa làm trợ lý trong một phòng thí nghiệm, vừa lái taxi, ông vẫn cố theo học Đại học Kỹ thuật Prague hệ buổi tối.
 Từ năm 1960, ông làm việc tại một nhà hát và được diễn vở kịch đầu tiên năm 1963. Trong thời gian ấy, ông đã không giấu giếm quan điểm Tiệp Khắc phải trở về với những truyền thống dân chủ và tự do giữa hai cuộc Thế chiến.
 Sau thất bại của Mùa xuân Praha 1968, ông bị cấm viết và phải kiếm sống bằng lao động chân tay. Trở thành một nhân vật ly khai, phát ngôn viên của Hiến chương 77, ông bị tù 5 năm rưỡi.
 Trong các biến cố 1989, ông là người phát ngôn của phe dân chủ và đấu tranh cho quyền con người ở Tiệp Khắc, và có vai trò hàng đầu trong Cách mạng nhung.
Là tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc, và Cộng hòa Czech dân chủ sau năm 1990, nhưng Vaclav Havel vẫn giữ những quan điểm về công bằng xã hội của mình, và phản đối việc tư bản hóa rừng rú trong nền kinh tế Đông Âu.
 Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà tư tưởng với tác phẩm nổi tiếng “Quyền lực của không quyền lực” viết năm 1978, một tiểu luận có tầm ảnh hưởng lớn lao đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự mà ông vừa là lý thuyết gia, vừa là một tác nhân tích cực với hoạt động trong Hiến chương 77 và Diễn đàn Dân sự sau này.
 Cái vĩ đại của Havel là không chỉ mô tả cơ chế của hệ thống cộng sản tại Đông Âu mà ông gọi bằng cái tên “hậu toàn trị”, mà Vaclav Havel còn chỉ ra sự tàn lụi tất yếu của nó, khi ý thức công dân của mỗi người dân đưọc nâng cao và thể hiện để đòi chính quyền phải thực hiện những quyền lợi và nhu cầu cá nhân và xã hội của họ.
 Được coi như lương tâm và đạo đức xã hội của đất nước, uy tín cá nhân của Vaclav Havel đã góp phần đáng kể để Cộng hòa Czech có được thiện cảm và vai trò trên trường quốc tế. Đồng thời, ông cũng có vai trò rất lớn trong việc tạo dựng một hình mẫu mới của nền văn hóa và tư tưởng Liên Hiệp Châu Âu, trong đó, những tinh hoa Cộng hòa Czech và các quốc gia Đông – Trung Âu được để tâm và đánh giá đúng mực.
 Trong hơn một thập niên cuối đời, khi không còn tham gia tích cực trên chính trường, Vaclav Havel vẫn là gương mặt nhân sĩ rất nổi tiếng của thế giới, luôn hướng sự quan tâm vào những vấn đề nhân quyền mang tính toàn cầu, và là người bảo vệ, bênh vực, nói lên tiếng nói của những nạn nhân các thể chế độc tài, toàn trị và quân phiệt.
 Chắc chắn, ông sẽ đi vào lịch sử thế giới như một trong những cái tên sáng giá nhất và đáng trân trọng của thế kỷ XX đầy khói lửa chinh chiến, biến động và khổ đau.
Hoàng Nguyễn / Trọng Nghĩa
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20111218-vaclav-havel-bieu-tuong-cho-cuoc-dau-tranh-nhan-quyen-tai-dong-au-da-qua-doi

Gia đình họ Kim bí ẩn

GIA TỘC ÔNG KIM JONG-IL

Gia tộc ông Kim Jong-il

Kim Jong-il

Ông Kim Jong-il là một trong những lãnh tụ bí ẩn nhất thế giới.

Ông Kim Jong-il

Những câu chuyện kể từ các nhân vật bất đồng chính kiến và những người đã từng trợ lý cho ông vẽ nên hình ảnh một người ham quyền và tính khí bất thường, một người để dân chết đói trong khi vui thú với nữ văn công và uống rượu cognac.

Nhưng một bức tranh khác được vẽ ra bởi bà Sung Hae-rim, người chị em gái của một trong những người từng là bạn đời của ông Kim Jong-il viết trong hồi ký của mình mang tên The Wisteria House.

Bà miêu tả ông là một người cha toàn tâm toàn ý, một người nhạy cảm và hấp dẫn mặc dù bà công nhận rằng những người thân cận nhất cũng luôn khiếp sợ ông.

Truyền thông Bắc Hàn mô tả ông là người anh hùng của dân tộc. Ngày vợ của ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập ra đất nước Bắc Hàn, sinh ra Kim Jong-il cũng là ngày trời hiện hai vòng cầu vồng và một vì sao sáng.

Ông dường như có vẻ yếu đi trong những lần xuất hiện trước công chúng gần đây sau khi có tin ông bị đột quỵ vào tháng Tám năm 2008.

Đọc thêm về Tiểu sử ông Kim Jong-il

Kim Jong-un

Ông Kim Jong-un, người con trai thứ hai của ông Kim Jong-il với người vợ thứ ba đã quá cố, bà Ko Yong-hui, được chính phủ Bình Nhưỡng chọn là “người kế tục vĩ đại”.

Ông Kim Jong-un

Cũng giống các anh mình, ông đã được cho đi học ở nước ngoài.

Một đầu bếp người Nhật làm cho ông Kim Jong-il 13 năm (cho tới năm 2001) cho biết ông Kim Jong-un “giống cha ở mọi điểm kể cả dáng người”.

Các lời đồn đoán rằng ông đã được chuẩn bị để kế tục cha mình bắt đầu lan nhiều năm nay

Nhưng Kim Jong-un là một thanh niên trẻ, thiếu kinh nghiệm và chưa được thử thách, người không có được quyền chính đáng về mặt chính trị ngoại trừ vị trí là con trai của ông Kim Jong-il.

Ông thừa hưởng một đất nước có vũ khí hạt nhân nhưng đầy các vấn đề vô cùng khó khăn: kinh tế gần như đổ vỡ, nạn đói lan tràn và các mối quan hệ căng thẳng với Bắc Hàn và Hoa Kỳ.

 Đọc thêm về ông Kim Jong-un

Kim Kyung-hee

Người phụ nữ 64 tuổi này là em gái của ông Kim Jong-il, và là vợ của nhân vật đầy quyền lực vào hàng thứ hai tại Bắc Hàn, ông Chang Song-taek.

Bà Kim Kyung-hee

Ông Kim Jong-il đã từng nói rằng “mọi người nên trung thành như bà Kim Kyung-hee” và ông đòi hỏi bà phải được đối xử với sự kính trọng, theo lời kể của những người bỏ trốn khỏi Bắc Hàn.

Bà nắm giữ những vị trí quan trọng trong Đảng Lao Động Triều Tiên, và là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bà được thăng chức Đại tướng và điều đó khiến bà Kim Kyung-hee trở thành người phụ nữ Bắc Hàn đầu tiên lên tới vị trí này. Tên bà được đặt trong danh sách còn đứng trên cả ông Kim Jong-un, báo chí nhà nước đưa tin.

Các phân tích gia nói rằng bà Kim Kyung-hee có thể được đặt vào vị trí trông coi việc chuyển giao từ anh trai sang cho người cháu và có thể là người bảo trợ cho cháu trong thời gian ông nắm quyền.

Có đồn đoán từ trước rằng có thể xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực sau khi ông Kim Jog-il qua đời, với một số phân tích gia cho rằng bà có thể sẽ tìm cách nắm quyền.

Chang Song-taek

Ông Chang Song-taek

Người em rể của ông Kim Jong-il được xem là một trong những người thân tín nhất của ông. Hồi năm ngoái ông được đề bạt vào Quân ủy Trung ương, cơ quan quân đội cao cấp nhất và là trung tâm quyền lực.

Những người bỏ chạy khỏi Bắc Hàn có vị trí cao trong chính quyền đã miêu tả ông là “nhân vật số hai tại Bắc Hàn”. Các nhà bình luận nói có thể trên thực tế ông là người nắm quyền khi ông Kim Jong-il bị ốm.

Người đàn ông 64 tuổi này được đánh giá là một trong những nhà kiến tạo về việc nối nghiệp, và ông Kim Jong-un sẽ cần sự hỗ trợ của ông để bảo đảm sự trung thành của các Đảng viên và quân đội.

Kim Jong-nam

Ông Kim Jong-nam, 39 tuổi, là con trai cả của ông Kim Jong-il.

Bà Sung Hae-rang, em gái bà Sung Hae-rim, mẹ ông Kim Jong-nam, đã viết trong hồi ký của mình rằng ông Kim Jong-il đặc biệt yêu quý ông Kim Jong-nam và rất đau lòng khi phải xa con trai.

Cũng giống mấy người em cùng cha khác mẹ của mình, ông Kim Jong-nam học tại một trường quốc tế ở Thụy Sĩ.

Ông Kim Jong-nam

Cơ hội nối nghiệp của ông dường như đã bị tiêu hủy vào năm 2001 khi các viên chức Nhật bắt quả tang ông tìm cách lén nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả. Ông giải thích ông định vào Nhật để tới khu vui chơi giải trí Disneyland ở Tokyo.

Một số phân tích gia lập luận rằng ông có thể đã được cha tha thứ vì chế độ cũng có tiền lệ phục hồi các nhân vật bị thất sủng sau một thời gian hối lỗi.

Truyền thống Nho giáo cũng luôn chuộng con trai cả.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi khi sang Trung Quốc vào năm ngoái, ông Kim Jong-nam cho biết ông đã “không quan tâm” tới chuyện kế vị cha.

Khi các phóng viên hỏi liệu người em trai cùng cha khác mẹ của ông có thể lên nắm quyền không, ông đáp: “Không ai có thể nói chắc chắn và chỉ có cha mới là người sẽ quyết định.”

Kim Jong-chul

Ông Kim Jong-chul, 29 tuổi, học tại một trường quốc tế ở Thụy Sĩ. Ông làm việc ở Bộ tuyên truyền.

Ông Kim Jong-chul

Mẹ ông, bà Ko Yong-hui, được nói từng là vợ lẽ rất được lãnh tụ Bắc Hàn yêu quí.

Tuy nhiên, ông Kenji Fujimoto, bút danh của một người đầu bếp Nhật đã từng phục vụ ông Kim Jong-il 13 năm, thì viết rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn xem người con trai thứ hai là “không được tích sự gì vì ông giống như một cô gái vậy”.

Kim Sul-song

Bà Kim Sul-song, 36 tuổi, là con gái của ông Kim Jong-il với người vợ đầu, bà Kim Young-sook.

Tin tức nói rằng bà làm việc trong Bộ Tuyên truyền, chịu trách nhiệm về các vấn đề văn thư.

Một tin từ Nam Hàn nói rằng bà cũng từng là thư ký cho cha mình.

Cuộc đời và sự nghiệp Kim Jong-il

BBC nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp Kim Jong-il, người được cho là lãnh đạo ẩn dật và bí hiểm nhất thế giới.

Kim Jong-il được nhân dân Bắc Hàn gọi là Lãnh tụ Kính mến

Là vị lãnh đạo cộng sản duy nhất theo kiểu cha truyền con nối, ông Kim bị chỉ trích nhiều về các vi phạm nhân quyền ở trong nước cũng như về đe dọa cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực qua việc ông theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và thử hỏa tiễn tầm xa.

Khi lên kế nhiệm cha là Kim Il-sung (tiếng Việt còn gọi là Kim Nhật Thành), vào năm 1994, thế giới chưa biết nhiều về Kim Jong-il. Cho tới lúc đó, ông còn ít xuất hiện trước công chúng.

Tuy nhiên, đã có tin chính ông ra lệnh bắn hạ một chiếc máy bay của Nam Hàn vào năm 1987.

Báo chí Hàn Quốc mô tả ông Kim như một người hào nhoáng, một tay chơi với mái tóc bồng và giày đế cao để trông có vẻ đường bệ hơn.

Nhiều bằng chứng cho thấy thực ra ông Kim chắc không ngớ ngẩn như các phương tiện truyền thông Nam Hàn thích dựng lên, tuy tính thích ăn ngon mặc đẹp thì có lẽ là đúng.

Konstantin Pulikovsky, một nhân viên chính phủ Nga được phân công tháp tùng ông Kim trong chuyến thăm Nga bằng tàu lửa của ông, nói người ta chuyển tôm hùm sống bằng phi cơ tới cho vị lãnh tụ Bắc Hàn này mỗi ngày và ông ăn cơm bằng đũa bạc.

Bản thân ông Pulikovsky được lãnh tụ Kim mời uống sâm panh, vây quanh là một đội ngũ nhân viên nữ “đẹp và thông minh tuyệt trần đời”.

Ông Kim Jong-il được nói đã uống cạn 10 cốc rượu vang trong cuộc gặp lịch sử năm 2000 với Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae-jung. Ông còn được cho là thích rượu cô nhắc Hennessy VSOP.

Thần tượng dân tộc

Những người đã từng tiếp xúc với ông nói ông Kim là người biết nhiều thông tin và theo dõi tình hình quốc tế một cách chặt chẽ.

Một số người cho ông là biết cách điều khiển người khác, và sẵn sàng mạo hiểm để duy trì quyền lực.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright nói ông Kim Jong-il “rất uy quyền”.

Tại Bắc Triều Tiên, ông được coi như một anh hùng, và được nhân dân coi như thần thánh theo đúng kiểu lãnh đạo chuyên chế.

Sử sách Bắc Hàn ghi rằng ông được sinh ra trong một túp lều và khi ông ra đời, trên bầu trời hiện ra chiếc cầu vồng rực rỡ cùng một ngôi sao chói sáng.

Báo chí Bắc Hàn thì nói ông viết sáu vở nhạc kịch trong vòng hai năm, và đã thiết kế một trong các địa chỉ nổi danh nhất Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nước ngoài thì ông Kim sinh ra gần thành phố Khabarovsk của Nga khi cha ông lúc đó đang lãnh đạo phong trào dân quân dưới sự hỗ trợ của quân đội Xô viết.

Ông Kim Jong-il và cựu Tổng thống Mỹ Bill ClintonKim Jong-il đã có một số động tác mở quan hệ với Hàn Quốc và phương Tây

Sau đó ông Kim trải qua thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên ở Trung Quốc.

Giống như các nhân vật lãnh đạo cao cấp khác ở Bắc Triều Tiên, ông học trường đại học mang tên cha ông.

Năm 1975, ông được phong danh hiệu Lãnh tụ Kính mến, và 5 năm sau đó ông gia nhập Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, chuyên trách văn hóa nghệ thuật.

Vào năm 1978, ông ra lệnh bắt cóc đạo diễn Nam Hàn Shin Sang-ok và vợ ông này, diễn viên Choi Eun-hee.

Hai người bị xa cách nhau tới 5 năm rồi được tụ họp trong một bữa tiệc mừng.

Sau này họ kể lại rằng ông Kim đã xin lỗi về vụ bắt cóc và đề nghị hai người này làm phim cho ông. Cặp vợ chồng đạo diễn Shin làm tổng cộng bảy phim trước khi đào tẩu sang phương Tây năm 1986.

Ông Kim Jong-il yêu điện ảnh tới mức cuồng tín. Ông được nói sưu tầm tới 20.000 bộ phim Hollywood và thậm chí còn viết một cuốn sách về điện ảnh. Người ta đồn rằng cô đào Elizabeth Taylor là diễn viên được ông yêu thích nhất.

Ông cũng đã tới thăm xưởng phim nhà nước hàng trăm lần, và đã sản xuất một bộ phim dài 100 tập nói về lịch sử Bắc Triều Tiên.

Đói kém

Năm 1991, ông Kim Jong-il được bầu làm tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng việc này được thực hiện nhằm đối phó với các nỗ lực ngăn chặn ông đề cử người kế nhiệm.

Lúc đó nền kinh tế tập trung của Bắc Hàn đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, theo sau sự sụp đổ của Liên Xô, bạn hàng thương mại chủ chốt của Bắc Triều Tiên.

Giao thương ngừng trệ, trong nước bắt đầu thiếu nhiên liệu để chạy máy và hoạt động công sở.

Thiên tai dẫn tới mất mùa, và có tin hàng trăm nghìn người đã chết vì nạn đói. Chính quyền đã làm hết sức để dập tan các mầm mống bạo động.

Tình trạng này tiếp diễn cho tới khi ông Kim lên nhậm chức sau cái chết của cha ông vào năm 1994. Kim Jong-il đã giúp giảm nhẹ khủng hoảng bằng cách kêu gọi trợ giúp của nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.

Ông đã thăm viếng Trung Quốc một vài lần, và tỏ ra quan tâm tìm hiểu việc Trung Quốc áp dụng các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường như thế nào.

Sau khi ông Kim thăm Bắc Kinh và Thượng Hải trong hai năm 2000 và 2001, Bắc Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm kinh tế cá thể trên diện hẹp.

Ông cũng có một số hành động nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Tháng Sáu 2000, ông gặp lãnh đạo Nam Hàn Kim Dae-jung trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ cuộc chiến Triều Tiên năm 1953, vốn đã chia đôi hai miền Nam Bắc.

Thành tựu chính của hội nghị này là tăng cường trao đổi giữa hai bên, cho phép các gia đình được sum họp định kỳ.

Tin ông Kim qua đời gây sững sờ cho toàn dân

Hơn một triệu người Triều Tiên ở cả hai miền đã bị chia cắt sau cuộc chiến.

Thử hỏa tiễn

Tháng Tám 2008, một bản tin đăng trên một tờ báo của Nhật Bản loan tin ông Kim Jong-il đã chết từ năm 2003 và các lần xuất hiện của ông trước công chúng đều do người đóng thế thể hiện.

Một tháng sau đó, các nguồn tin tình báo Mỹ nói ông Kim bị đột quỵ và không thể tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh.

Để bác bỏ các tin đồn, Bắc Triều Tiên đã tung ra cuốn video vào tháng 4/2009, trong đó chiếu hình ông Kim thăm các nhà máy ở trong nước vào tháng 11 và 12/2008.

Tháng 8/2009 ông xuất hiện trở lại khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Bắc Hàn để can thiệp trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị bắt khi đột nhập trái phép vào Bắc Triều Tiên hồi tháng Ba.

Sau khi gặp ông Clinton, ông Kim Jong-il đã đồng ý thả hai nữ nhà báo trên và cho họ về Mỹ.

Sự trung thành của Kim Jong-il đối với tầm nhìn chủ nghĩa Marxist-Leninist của cha ông là điều cơ bản nhất.

Ông kiên trì thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân cho dù bị quốc tế phản đối. Ông cũng kiên quyết phát triển và thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa với tầm che phủ vươn tới các thành phố của Hoa Kỳ.

Tất cả những điều đó khiến Kim Jong-il bị thế giới coi như một người liều lĩnh và độc đoán, còn đất nước Bắc Triều Tiên thì bị cô lập và xa lánh.

Ngày 17/12/2011 ông Kim qua đời ở tuổi 69.

Dân Bắc Hàn khóc thương khi nghe tin ông Kim qua đời