Căn hộ chung cư… trong mơ

Căn hộ sang trọng này thuộc tòa nhà 100 11th, Avenue, thành phố New York. Đây là một trong những tòa nhà kính lớn tại New York. Không chỉ có vẻ ngoài tráng lệ mà nội thất bên trong còn rất hiện đại.

Hãy cùng chúng tôi tham quan một trong những căn hộ ở đây.

Căn hộ mà chúng ta sẽ ghé thăm là căn hộ 23A. Kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel là người thiết kế nội thất cho căn hộ này. Căn hộ rộng 409 m2 với 4 phòng ngủ và 3 phòng tắm. Từ trong căn hộ bạn có thể nhìn ra sông Hudson và tượng đài Nữ thần tự do.

Thiết kế tường kính cho phép ánh sáng chiếu vào bên trong căn hộ chính vì vậy mà bên trong căn hộ lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Ánh nắng mặt trời cộng thêm với nội thất màu trắng khiến giúp căn hộ trở nên rộng rãi và thoải mái hơn. Hiện nay, giá của căn hộ là 22 triệu USD.

Căn hộ này có ban công rất rộng.
Nhìn từ bên ngoài tòa nhà.
Đây là bản thiết kế của căn hộ 23A

Nhật Hạ
Theo Freshome

@TPO

EVN lỗ nặng, lương vẫn gần 30 triệu/tháng!

Mặc dù tình hình kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang thua lỗ nặng nề, nhưng mức lương mà nhân viên của Tập đoàn này được lĩnh vẫn lên tới gần 14 triệu đồng/tháng. Thậm chí, lương khối văn phòng cao gấp đôi, gần 30 triệu/tháng.
Đó là mức lương vừa được Kiểm toán Nhà nước đưa ra, sau khi hoàn tất báo cáo kiểm toán tình hình kinh doanh của EVN và đã được công bố rộng rãi.
 Theo Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
 Cũng theo Kiểm toán Nhà nước về cơ bản việc quản lý tiền lương của Tập đoàn theo đúng quy định. Tuy nhiên qua kiểm toán có tồn tại như, công tác xây dựng định biên và đơn giá tiền lương: Hệ thống định mức lao động tổng hợp (viết tắt là HTĐM) do Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lập vào năm 2008.
Hầu hết tại các đơn vị có số lao động thực tế sử dụng thấp hơn nhiều so với số lao động định biên kế hoạch và hầu hết hệ số cấp bậc bình quân của lao động thực tế tuyển dụng đều thấp hơn nhiều hệ số cấp bậc bình quân kế hoạch (được tính theo HTĐM ban hành năm 2008). Qua đó cho thấy HTĐM của EVN ban hành năm 2008 là chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Công ty mẹ thực hiện quyết toán tiền lương trên cơ sở Thông báo số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, theo đó quy định đơn giá tiền lương năm 2010 bằng 95% đơn giá tiền lương năm 2009.
Việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc Công ty mẹ Tập đoàn còn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị cụ thể: Thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, thu nhập bình quân Cơ quan Văn phòng (Công ty mẹ) cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung Công ty mẹ.
 Trước đó, tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN đã chia sẻ rằng thu nhập bình quân lao động trong ngành điện năm 2009 chỉ là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Với mức lương này ông cảm thấy “đau lòng” vì mức thu nhập này chỉ có thể sống được ở nông thôn, mà rất khó sống ở đô thị.

Boris Yeltsin Việt Nam – Trương Tấn Sang

 Theo tường trình từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đề ngày 10-9-2010, Wikileaks công bố, Đại sứ Michael Michalak đã tiên đoán kết quả Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 11 như sau: ”Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai ứng viên hàng đầu để thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”. Ông Michael Michalak nhận định: “Cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang không ai nhiệt tình với cải cách chính trị như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng mọi người đều biết họ là người thực dụng, chủ trương kinh tế thị trường và tán thành sự tăng tiến vững chắc trong mối quan hệ với Hoa Kỳ”. Theo ông cả hai đều sẽ không chịu rút lui, mà cũng không đấu đến cùng, nhưng nếu có một người bị buộc phải hy sinh tham vọng của mình, thì người đó sẽ là Trương Tấn Sang.
Vào tháng 9-2010, đánh giá ông Michalak là khá chính xác, khi ấy Tấn Sang đang thắng thế, dự án đường sắt cao tốc vừa bị Quốc Hội “từ chối”, lại đang bị chất vấn về vụ Vinashin thiếu tiền nguy cơ qụit nợ. Nhưng cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng xưa nay mang tiếng lú lẩn lại được đưa lên nắm chức Tổng Bí Thư. Trương Tấn Sang phải chấp nhận một vai trò được xem không có thực quyền: chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Bước sang 2011, Tấn Sang tiếp tục tấn công Tấn Dũng, nhờ đó chúng ta mới thấy rõ hơn những tranh chấp bên trong nội bộ đảng Cộng sản. Có người đóan rằng tham vọng của Tấn Sang là trong năm 2012 sẽ sửa lại Hiến Pháp để nắm cả Tổng Bí Thư lẫn Chủ Tịch nước đúng theo khuôn mẫu được Trung cộng áp dụng lâu nay. Vì qúa mong mỏi cách mạng, nhiều người còn kỳ vọng Tấn Sang sẽ trở Boris Yeltsin Việt Nam. Người viết đã gởi đến bạn đọc một lọat bài về nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, bài này xin duyệt xét nhân vật Trương Tấn Sang.
Điểm mạnh nhất của Tấn Sang là được tầng lớp “trí thức” xã hội chủ nghĩa nhiệt tình ủng hộ. Để bạn đọc có thể thấy rõ hơn người viết xin trích dẫn nguyên văn ông nghị Hoàng Hữu Phước, một thạc sĩ kinh doanh quốc tế, một một nghị viên cùng đơn vị bầu cử với ông Sang, một người trước Quốc Hội Cộng sản tuyên bố vì dân trí Việt Nam còn thấp nhà nước cộng sản không cần luật biểu tình, đã viết như sau:
Nguyên văn Nghị Phước viết về Nghị Sang
Ông Trương Tấn Sang là vị Tổng thống thứ 8 của nước Việt Nam thống nhất. Đây là điều ai cũng biết. Ở đây tôi nói về điều chưa ai từng nói đến, tức là về yếu điểm lạ kỳ của tất cả các vị lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất (sau 1975), từ tổng thống đến thủ tướng và các bộ trưởng. 

Nét chung thật kỳ lạ là tất cả các vị đều có cách nói chuyện chậm rải, đều đều, không khuyến khích được sự tập trung tỉnh táo của người nghe, nội dung vô thưởng vô phạt, cách lý giải na ná giống nhau, né tránh gai góc, kiêng kỵ dùng ngôn ngữ cử chỉ, hoàn toàn không giống bất kỳ vị tổng thống hay thủ tướng hay bộ trưởng nào tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tức những vị mà năng lực được thể hiện qua nhiều điểm trong đó nổi bật nhất là khả năng khẩu ngữ của thuật hùng biện, dù đó là Ông Chávez, Ông Fidel Castro, Ông Sarkozy, Bà Clinton, Ông Clinton, Bà Thatcher, Ông Berlusconi hay Ông Obama. 

Tiếng Việt có đặc điểm ưu việt duy nhất trong toàn bộ hệ ngôn ngữ của nhân loại là có âm điệu đa sắc, cực kỳ thuận lợi cho bất kỳ người Việt nào muốn trở thành nhà hùng biện. Tâm lý chung của người dân một nước là thích đón nghe những “thông điệp” của tổng thống nước mình không những vì bị cuốn hút bởi thuật hùng biện của tổng thống qua đó chứng kiến tài ba tư duy và tài nghệ thể hiện của tổng thống, mà còn vì muốn lắng nghe các kế sách cụ thể giải quyết cụ thể một hay những vấn đề cụ thể mà hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đã nảy sinh một cách cụ thể. Thực tế là các lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất đã không có tài hùng biện – hay tại bị vì bởi một “công thức áp đặt” sai lầm nào đó của một lối tư duy sai lầm nào đó cho rằng phải như thế như thế và như thế mới tỏ rõ vai trò người lúc nào cũng của dân, do dân và vì dân. Sai lầm vì chính phủ của “nhân dân” không phải là chính phủ “bình dân”, quân đội nhân dân không phải là quân đội ăn mặc giản dị xắn quần lên đầu gối, nón bằng chất liệu không chống đạn vốn không bao giờ được dùng bởi quân đội của phần còn lại của thế giới, để thành quân đội bình dân. 

Điều may mắn là Ông Trương Tấn Sang trở thành vị tổng thống đầu tiên có tài hùng biện đúng nghĩa mà điều dễ nhận thấy nhất là sự tập trung cao độ của người dân lắng nghe mỗi khi Ông phát biểu với sự phối hợp của ngữ điệu, ngôn ngữ cử chỉ, nội dung quyết đoán mang tính khẳng định mạnh mẽ, và làm rõ vấn đề cũng như khả năng hóa giải ngay tại chỗ những điều nhạy cảm do người dân – tức cử tri – nêu lên. Đó là sự thể hiện của người thực sự có quyền lực và trách nhiệm cá nhân. Ông Trương Tấn Sang là sự khởi đầu cho thời đại mới: thời của những lãnh đạo có thực quyền và có trách nhiệm… 
Tấn Sang Tìm Nhân Tài Hải Ngoại Giúp Nước 
Người ta đồn rằng Tấn Sang đang tìm kiếm nhân tài hải ngọai về giúp nước. Tin đồn này nói lên một thực trạng đang liên tục xẩy ra tại Việt Nam. Nhân tài không thiếu nhưng đều mất niềm tin vào hệ thống chính trị, đều chán ngán chế độ nên ca bài “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, tránh xa cả Tấn Sang lẫn Tấn Dũng. Đó là chưa kể người cộng sản luôn tuyên truyền dối trá mà nhân tài lại phải tôn trọng và luôn nói lên sự thực. Nên họ thường được chụp cho cái mũ phản động tiếp tay với thế lực thù địch. Cuối cùng Tấn Sang phải sử dụng những người như ông Nghị Hoàng Hữu Phước.
Nhưng nếu đọc kỹ lời nhận xét ông Phước về giới cầm quyền cộng sản thì nhận xét của ông quả thật chính xác. Không riêng gì tài “hùng biện”, về mọi mặt những người cầm quyền cộng sản thua xa những người lãnh đạo miền Nam. Câu tuyên bố của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Tấn Sang nói mà hãy nhìn kỹ những gì Tấn Sang làm” đã đi vào lòng người và đã trở thành kim chỉ nam cho chúng ta thường xuyên nhắc nhở nhau về những trò ma đầu của nhà cầm quyền Hà Nội.
Tấn Sang Tấn Dũng Ông Thiện Ông Ác 
Trong đoạn trích dẫn bên trên, nhận xét của ông Phước rất chính xác nên dễ được người nghe và người đọc ủng hộ. Ông dùng nó tạo sự chú ý để nịnh Tấn Sang như một “minh vương” tái thế. Khách quan nhận xét Tấn Sang cũng chẳng hơn gì những người cầm quyền cộng sản khác. Họ đều xuất thân một lò cộng sản, được đào tạo bài bản như nhau, lên được nhờ năng đỡ và vây cánh bên trong đảng. Họ hòan tòan không được người dân chọn lựa qua phổ thông đầu phiếu. Cho nên họ “rỗng” không phải chỉ về mặt hùng biện, mà họ “rỗng” về mọi mặt nhưng lại thích kêu to. Các “thùng rỗng kêu to” lại được cả một guồng máy tuyên truyền đánh bóng. Đánh bóng đến nỗi họ lầm tưởng họ đều là những minh quân tái thế của thời đại.
Cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang đều xuất thân từ miền Nam và đều được Võ văn Kiệt tận tình đỡ đầu. Tấn Sang còn có liên hệ gia đình với bên vợ của Tấn Dũng. Thế nên nhận xét của ông Đại sứ Michael Michalak là họ sẽ không đấu đến cùng. Nói rõ hơn họ là hai nhân vật trong một vở bi hài kịnh. Họ phải đóng kịch chỉ để xác nhận những sự thực mà mọi người chúng ta đều đã biết. Lúc Tấn Dũng đóng vai ác thì Tấn Sang lại đóng vai thiện khi thì ngược lại. Nhưng vai chính của vở tuồng vẫn là Tấn Dũng.
Nồi Canh Sâu 
Gần đây ông Sang tuyên bố: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”. Một bạn trẻ thuộc phái nữ tuổi 22 hiện đang sống tại Hà Nội, mang biệt danh Hoahongcogai89 viết như sau: “mà bây giờ có cả một đàn sâu hàng trăm con ở TW (trung ương) đảng, thì nồi canh của dân tộc trở nên thúi hoắc, ăn vào chết liền.” Người viết xin diễn ý lại nhẹ nhàng và chính xác hơn “con sâu làm rầu nồi canh mà đảng Cộng sản như một nồi canh sâu, đổ nồi canh sâu không đúng chỗ không khéo còn gây ô nhiễm môi trường”.
Ai cũng biết Tấn Sang tuyên bố như trên là để công khai đánh vào lời Tấn Dũng hứa hẹn “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.” Nói một đằng làm một nẻo chính Tấn Sang lại công khai đề nghị Tấn Dũng nhận lãnh thêm một nhiệm kỳ Thủ Tướng.
Tấn Sang chỉ giỏi hứa hẹn
Tấn Sang thường hứa hẹn với bà con “cử tri” nào là chính phủ sẽ ổn định lạm phát, sẽ cho tăng lương hay sẽ cấu trúc lại nền kinh tế quốc doanh… Nhưng lạm phát vẫn cao, tiền lương vẫn không đủ sống và nền kinh tế luôn đi vào khủng hỏang. Tội không phải chỉ tại Tấn Dũng kém tài, kém đức. Mà tội chính từ hệ thống chính trị cộng sản đã quá lỗi thời không thể sửa đổi. Hệ thống này đàn áp tiếng nói bất đồng, phá họai môi trường tài nguyên đất nước, vay mượn tiêu pha lãng phí mà không nâng cao được đời sống tinh thần và vật chất của người dân, đó là tội mà nhà cầm quyền cộng sản đều phải chịu trách nhiệm.
Trong cái hệ thống này Tấn Sang giữ vai trò chính trị vì thế trách nhiệm đương nhiên phải nặng hơn. Chưa thấy Tấn Sang nhận trách nhiệm, chỉ thấy ông ta hứa nhưng ngầm quy trách Tấn Dũng đã không hòan tất trách nhiệm đảng giao.
Ở các nước dân chủ bằng lá phiếu người dân sẽ trừng trị cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang để chọn ra những người xứng đáng hơn. Dưới chế độ cộng sản kẻ có tội vẫn không nhận trách nhiệm vì thế Việt Nam mới càng ngày càng tụt hậu. Trong bài viết tới người viết sẽ chia sẻ bạn đọc đề tài “Tấn Sang bảo thủ hơn Tấn Dũng”.
Tấn Sang Theo Đuôi Tấn Dũng
Bị Trung cộng chơi xấu lấn ép không cho khai thác tài nguyên trên thềm lục địa Việt Nam, thiếu tiền nuôi tập đoàn cộng sản, Tấn Dũng mới cho loan báo việc tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh. Nhờ thế Tấn Sang mới có cơ hội đi đây đi đó tuyên bố này nọ để không ít người cho rằng ông là Boris Yeltsin của Việt Nam. Thực ra mọi quyết định, mọi hành động của Tấn Sang và Tấn Dũng đều được sự đồng ý của đa số Bộ Chính Trị. Mà Tấn Dũng lại nắm Bộ Chính Trị nên Tấn Dũng luôn là người chủ động xuất chiêu.
Gần đây trước Quốc Hội, Tấn Dũng chính thức xác nhận quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa đã bị quân đội Trung cộng dùng quân sự chiếm đóng. Phía bên dưới Hội Trường cả Tấn Sang lẫn Phú Trọng đều vỗ tay tán thành lời tuyên bố. Điều này cho thấy đã có một sự thu xếp từ bên trong, người chủ động và đột phá từ bên trong chính là Tấn Dũng. Nếu Tấn Dũng không phải là người nắm Bộ Chính Trị, ông sẽ không đủ thực quyền làm việc trên.
Ngay sau đó Tấn Sang làm một chuyến công du các tỉnh biên giới phía Bắc, tới nhiều địa điểm như thác Bản Giốc để chụp hình quảng cáo. Lạ một điều đến giờ phút này những người cộng sản mới quan tâm đến những địa điểm đã mất vào tay giặc Tàu xâm lược như Hòang Sa, Trường Sa, Bản Giốc? Trên diễn đàn cá nhân, Nguyễn Tấn Dũng dám công khai tuyên bố chính sách của ông về Biển Đông là ngọai giao và quân sự. Ông nêu rõ việc làm cụ thể là “ký hợp đồng với Nga mua các tàu ngầm, máy bay chiến đấu Mic 29 và các loại vũ khí hạng nặng khác về trang bị cho Quân đội Việt Nam”.
Còn Tấn Sang thường chỉ tuyên bố chung chung không đi vào chi tiết theo kiểu chính trị và ngọai giao. Mà chính trị của đảng Cộng sản thì quá rõ “theo Tàu bán nước”. Còn ngọai giao cũng không lấy gì làm sáng sủa. Trước hội nghị thường niên Khối APEC, đầu tháng 11-2011, Trương Tấn Sang tỏ vẻ vồn vã với Tổng Thống Obama và công khai ngỏ lời cảm ơn Hoa Kỳ vì nước này quan tâm đến tranh chấp trên Biển Đông. Nghe đâu Trương Tấn Sang có tìm đến bắt tay Tổng Thống Hoa Kỳ Obama xin chụp hình nhưng ông Obama làm ngơ không đáp trả. Rất có thể tin đồn này là sự thật vì Tấn Sang vốn thích chụp hình nhưng không thấy bức hình nào bắt tay với Tổng Thống Obama. Và nếu đây là sự thật thì là một dấu hiệu chua chát cho Tấn Sang nói riêng và đảng Cộng sản nói chung.
Điều rõ nhất là Hoa Kỳ công khai tỏ thái độ lạnh nhạt luôn nhắc Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
Tập Cận Bình được người Việt đón tiếp
Ngay khi tin Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung cộng – Tập Cận Bình – sẽ sang Việt Nam vừa được loan báo thì Phong Trào Tòan Dân Cứu Nước đón ông bằng cách cho bốc cháy tòa tháp đôi tại Hà Nội. Phong Trào cho biết không thể tiếp tục đấu tranh ôn hòa bất bạo động với giặc Tàu và Việt gian bán nước. Cần đốt phá tạo nên “bất ổn chính trị”, để tạo điều kiện cho tòan dân đứng lên cứu quốc. Không biết thực hư ra sao nhưng đương nhiên công an hai đảng Cộng sản Việt Trung sẽ phải mất ăn mất ngủ để bảo vệ an ninh cho Tập Cận Bình.
Cô Trịnh Kim Tiến người mang nặng “thù nhà nợ nước” cũng đón Tập Cận Bình bằng một hình ảo đầy ý nghĩa. Cô đứng trướ cửa Tòa Đại Sứ Trung Cộng, đứng trên “cờ đỏ sao vàng” với dấu hiệu cắt cái lưỡi bò liếm ra biển Đông. Trên nóc tòa Đại Sứ là một hình ảnh tương tự. Trịnh Kim Tiến xứng đáng đại diện cho tiếng nói của giới trẻ Việt Nam Yêu Nước.
Ai Là Người Được Quan Thầy Trung Cộng Chiếu Cố?
Sau vụ tàu Trung cộng tấn công tàu Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Viện Trung cộng Đới Bỉnh Quốc loan báo sẽ sang thăm Việt Nam. Trong lần tiếp Đới Bỉnh Quốc, Nguyễn Tấn Dũng ăn mặc rập khuôn người đồng chí anh em. Hình ảnh được truyền đi khắp nơi và nhiều người cho biết Tấn Dũng trông không ra thể thống gì. Rồi trước báo giới ông phải bày tỏ tấm lòng “luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…”
Tấn Dũng đã chính thức tuyên bố Hòang Sa và nhiều đảo ở Trường Sa đã bị Trung cộng chiếm đóng. Lời tuyên bố của Tấn Dũng trái ngược với quan điểm Trung cộng cho rằng Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi. Chắc chắn Tập Cận Bình sẽ đặt vấn đề này với Tấn Dũng. Quan sát chuyến đi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hình tình đất nước.
Ai Đàn Áp Người Yêu Nước Biểu Tình?
Vì sợ Cách Mạng Hoa Lài cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang đều không muốn người dân biểu tình vì bất cứ lý do gì. Câu hỏi đặt ra là ai đã ra lệnh đàn áp người biểu tình ?
Trong lần biểu tình đầu tiên tại Sài Gòn số người tham dự rất cao có thể lên 7 ngàn người. Cuộc biểu tình lại rất uyển chuyển và như có tổ chức ngầm đứng đằng sau. Đến cuộc biểu tình thứ 2 thì công an Sài Gòn xuống tay đàn áp. Sau đó chỉ là những cuộc biểu tình thầm lặng. Trong khi tại Hà Nội các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn đến lần thứ 12.
Điều này chỉ rõ việc đàn áp bắt bớ người tùy thuộc vào công an thành phố (Sài Gòn hay Hà Nội). Trong một thời gian dài Trương Tấn Sang từng giữ các chức vụ cao cấp nhất Sài Gòn như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Hiện tại Tấn Sang là Đại Biểu khu vực Sài Gòn. Thế nên Sài Gòn thuộc khu vực ảnh hưởng lâu dài của Tấn Sang. Còn Tấn Dũng khu vực ảnh hưởng là tại miền Tây.
Giới chức của thành phố Hà Nội không ưa gì dân Nam Bộ, thế nhưng họ lại ghét Tấn Dũng vì thế Tấn Sang cũng phần nào được sự ủng hộ của Hà Nội. Cuộc biểu tình “Ủng Hộ Thủ Tướng Ra Luật Biểu Tình” đã bị dẹp từ bên trong và ngay lúc khởi phát cho thấy Tấn Sang chính là người ra lệnh hay ảnh hưởng đến việc đàn áp người biểu tình yêu nước.
Gorbachev – Boris Yeltsin 
Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang gặp khủng hoảng tòan diện như tình trạng đảng Cộng Sản Liên Sô hơn 20 năm về trước. Khi ấy Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng Sản Nga, là một người cộng sản cấp tiến. Ông muốn cải cách hệ thống chính trị để đảng Cộng Sản Liên Sô có thể tiếp tục duy trì độc đảng. Cuộc cải cách của ông không được sự ủng hộ của các đảng viên muốn có thay đổi thực sự. Những người muốn thay đổi thực sự đã ủng hộ Boris Yeltsin vận động quần chúng đứng lên lật đổ chế độ cộng sản. Chủ trương của Boris Yeltsin hết sức rõ ràng: “Cộng sản không bao giờ thay đổi. Chúng chỉ có thể bị thay thế”.
Trong trường hợp Việt Nam, Diễn biến hòa bình trong “Đảng”, Đấu Tranh Dân Chủ ở ngoài dân, sức ép vô lý của nhà cầm quyền Bắc Kinh và sự thay đổi chiến lược Hoa Kỳ là những yếu tố dẫn đến việc Tấn Sang và Tấn Dũng phải đóng kịch như ông Thiện ông ác.
Chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Tấn Sang là người có đầu óc canh tân “Đảng” như Gorbachev, nói gì đến việc thay đổi thể chế như Boris Yeltsin. Bài tới người viết sẽ chia sẻ cùng bạn đọc để thấy Tấn Sang còn bảo thủ hơn cả Tấn Dũng.
Trước đây mọi tin tức nội bộ Bộ Chính Trị đều được giữ kín. Ngay cả những cuộc thanh trừng hay giết nhau bên ngoài vẫn không hề biết đến. Mười năm trước cộng sản phải sử dụng hình thức tung tin như Tài liệu Tổng Cục 2 cho biết Tấn Sang là gián điệp cho Hoa Kỳ. Ngày nay họ phải công khai đấu đá tạo ra hình ảnh thiện ác trong Bộ Chính Trị. Vẫn biết họ đang đóng tuồng và vở tuồng càng ngày càng biến thành sự thực. Có tin đồn Nguyễn Phú Trọng bị bịnh tim và có thể chết bất cứ lúc nào hay có thể mất khả năng làm việc, tạo ra khủng hoảng nhân sự và cuộc đấu giữa ông thiện ông ác sẽ trở nên khốc liệt hơn. Sang năm 2012 chúng ta cần sáng suốt và chủ động để biến giả thành thật mang tự do dân chủ đến cho Việt Nam.
Nhân dịp cuối năm người viết xin gởi đến bạn đọc và gia đình một năm mới vạn sự như ý và chia sẻ ước mong tự do dân chủ sớm được thực hiện trên quê hương Việt Nam để nhà nhà muôn đời yên vui hạnh phúc.
Melbourne, Úc Đại Lợi
@Danlambao

Khẩn cấp làm người?

Nguyễn Gia Kiểng
“…Từ cuộc xét lại đau nhức nhưng phải có này một trật tự thế giới mới sẽ hình thành, đặt nền tảng các giá trị dân chủ nhân quyền và môi sinh. Các chế độ độc tài bạo ngược sẽ bị nhìn như chúng phải được nhìn: những quái thai…”

Lịch sử sẽ ghi nhận năm 2011 như là một năm rất khác thường, mở đầu một cách buồn nản và đen tối rồi kết thúc với đầy biến cố, thử thách và hy vọng.

Những gương mặt Ai Cập

Nó bắt đầu với thảm kịch nói lên sự nhục nhằn của người dân và sự vênh váo của các chế độ độc tài bạo ngược. Tại một thị trấn nhỏ không ai biết đến của nước Tunisia một thanh niên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp phải đi bán rau bị công an tát tai. Uất ức quá anh ta tự thiêu. Sinh viên xuống đường biểu tình và chính quyền Ben Ali thẳng tay đàn áp như thường lệ. Các chế độ độc tài Ả Rập tỏ ra rất vững vàng với các lãnh tụ giàu có ghê gớm và nắm chắc công an, quân đội. Trung Quốc được ca tụng như là một phép mầu kinh tế vì vẫn tăng trưởng mạnh mẽ như không hề có khủng hoảng toàn cầu. Tại Nga những thăm dò dư luận vẫn cho thấy Putin không những được tín nhiệm mà còn được ngưỡng mộ. Tại Việt Nam Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ đang bị bắt giam một cách tùy tiện chờ ra tòa lãnh án; cả hai sẽ bị xử những bản án rất nặng ngay sau đó; đàn áp chính trị đã gia tăng rõ rệt từ hơn một năm trước với những án tù hung bạo mà không gặp phản ứng đáng kể nào; đại hội 11 của Đảng Cộng Sản xác nhận quyền lực áp đảo của Nguyễn Tấn Dũng, người chủ trương đàn áp thẳng tay. Các chế độ độc tài xem ra vững chắc hơn bao giờ hết. Nhất là các nước dân chủ lớn lại đều khốn đốn trong khủng hoảng kinh tế. Những người dân chủ có mọi lý do để thất vọng.

Nhưng rồi một cách rất không ngờ Ben Ali bỏ chạy khỏi Tunisia, Mubarak bị truất phế và bị đem xét xử tại Ai Cập. Các chế độ al-Assad tại Syria và Abdallah Saleh tại Yemen khốn đốn. Các chế độ quân chủ chuyên chính Maroc và Jordan vội vã tự cải tổ để dân chủ hoá. Với một vận tốc kỷ lục khối Ả Rập chuyển hóa về dân chủ. Biến cố trọng đại này cần được nhận định đúng với ý nghĩa lịch sử của nó. Sau các chế độ quân chủ thần quyền, chủ nghĩa quốc gia sô vanh, rồi chủ nghĩa cộng sản, Hồi Giáo là trở ngại lớn cuối cùng trong cuộc hành trình của thế giới về dân chủ.

Như để tiếp nối Mùa Xuân Ả Râp, ngay gần chúng ta và một cách cũng bất ngờ không kém Miến Điện đột ngột phát động tiến trình dân chủ hóa.

Cuối năm đến lượt Trung Quốc và Nga, hai thành trì đồ sộ và kiên cố được coi là chỗ dựa của các chế độ độc tài, bắt đầu chao đảo.

Trái với mọi dự đoán, đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin đã chỉ được 49%, thay vì 65% bốn năm trước đây mặc dù những gian lận trắng trợn và chồng chất (số phiếu đếm được đã bằng 128% số cử tri mặc dù nhiều người đã tẩy chay). Nếu không nó chưa chắc đã được 30%. Một loạt biểu tình phản kháng rầm rộ đã nổ ra, ngay tại Petrograd, quê hương và sào huyệt của Putin. Thần tượng Putin đã sụp đổ. Putin có thễ vẫn sẽ được bầu làm tổng thống năm 2012 nhưng ông và chế độ của ông không còn có thể là chỗ dựa cho ai cả và có lẽ cũng không còn dám thách thức lương tâm thế giới để bảo vệ các chế độ bạo ngược anh em nữa. Còn Trung Quốc? Sự thực càng ngày càng được phơi bày. Biện minh duy nhất của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế, nhưng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ là một sự phá sản chưa tuyên bố. Người ta nể Trung Quốc vì số dự trữ ngoại tệ trên 2000 tỷ USD nhưng tổng số nợ không hy vọng đòi lại của các ngân hàng Trung Quốc có thể là 6000 tỷ hay nhiều hơn. Mỗi tỉnh của Trung Quốc đều là một nước Hy Lạp về mặt tài chính. Ngay cả những con số tăng trưởng sấp sỉ 10% của Trung Quốc có thể cũng chỉ là dối trá. Thực tế Trung Quốc không có 1350 triệu dân như hình ảnh thông thường; đó chỉ là một quốc gia với tối đa 100 triệu dân. Sức mạnh kinh tế của nó là khối 1250 triệu người nô lệ bị khai thác như những cỗ máy, phải làm việc đến kiệt sức và bị vất bỏ khi không còn sản xuất được. Chế độ này không thể sống khi khối người nô lệ nhận ra là họ cũng phải có quyền sống như những con người. Và họ đang ý thức được điều này nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại. Trung Quốc sắp lâm vào khủng hoảng, thậm chí bạo loạn, có thể ngay trong năm 2012 và sẽ không còn có thể là chỗ dựa cho một chế độ độc tài nào cả.

Năm 2011 đã là năm động đất và sóng thần đối với các chế độ độc tài.

Tuy vậy chúng ta chỉ có thể khẳng định năm 2012 sẽ là năm của một vận hội rất lớn cho cuộc vận động dân chủ sau khi giải tỏa hai lo âu.

Trước hết, thế giới đang khủng hoảng lớn, dân chủ và nhân quyền có thể không còn là những ưu tiên. Lo âu này tự nhiên nhưng không đúng. Một kịch bản đã trở thành quen thuộc: các thị trường chứng khoán xuống mạnh sau một tin xấu hay sau khi các định chế thẩm định (rating agency) bày tỏ sự quan ngại; các cấp lãnh đạo các nước lớn gặp nhau và đồng ý bơm thêm vài trăm tỷ USD vào sinh hoạt kinh tế; các thị trường chứng khoán phục hồi phần nào; cho đến khi một tin xấu khác đến, hoặc các chuyên gia nêu ra một lo âu khác v.v. Các hội nghị thượng đỉnh cũng đều giống nhau: chúng đều đi đến kết luận là phải thay đổi cơ cấu nhưng lại không đạt được tới đồng thuận về những biện pháp. Như vậy thì cuộc khủng hoảng này có nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Nó không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính bởi vì các biện pháp tài chính đã chỉ có tác dụng băng bó nhất thời. Nó cũng không hẳn là một cuộc khủng hoảng chính trị bởi vì người ta đã không thể đồng ý trên những thay đổi hiển nhiên. Thực tế nó là một cuộc khủng hoảng của các giá trị, như càng ngày người ta càng nhận ra. Người ta đã lơ là với các giá trị nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình và hợp tác và cho phát triển bền vững. Khủng hoảng giá trị tất nhiên đưa tới khủng hoảng chính trị bởi vì chế độ chính trị nào cũng được xây dựng trên một số giá trị. Đến lượt nó khủng hoảng chính trị tất nhiên đưa tới khủng hoảng kinh tế vì chính trị chi phối kinh tế.

Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ là hậu quả tự nhiên của chủ nghĩa thực tiễn (realism) đã ngự trị từ gần hai mươi năm qua. Năm 1992 Bill Clinton, một thanh niên trốn lính, thiếu cả kinh nghiệm lẫn đạo đức, đắc cử tổng thống Mỹ và thi hành triệt để chủ nghĩa thực tiễn mà ta có thể tóm tắt như sau: quyền lợi phải được được đặt lên trên hết và đặt ra trước hết; mỗi khi có xung đột giữa đạo đức và quyền lợi thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Khẩu hiệu của Clinton là “chỉ làm kinh tế” (economy, stupid!), nghĩa là bất chấp tư tưởng chính trị và các giá trị đạo đức. Clinton đã bình thường hóa quan hệ với các chế độ bạo ngược, đã chấp nhận để chúng tha hồ đàn áp đối lập dân chủ nhân danh ổn định, mặc sức bóc lột công nhân và hủy hoại môi trường để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ. Với sức mạnh áp đảo của Hoa Kỳ Clinton cũng đã áp đặt chọn lựa thực tiễn này lên mọi quốc gia. Hậu quả là các chế độ độc tài bạo ngược được củng cố, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới; các nước dân chủ nợ nần chồng chất vì nhập siêu, trong khi những cấp lãnh đạo như Clinton không thể áp đặt những cố gắng mà chỉ có một chọn lựa là chạy trốn về phía trước, nghĩa là tiếp tục khuyến khích tiêu thụ và thả lỏng tín dụng làm trầm trọng thêm sự thâm thủng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng. Obama khi lên cầm quyền cũng muốn tiếp tục, và còn muốn đẩy mạnh hơn, chủ nghĩa thực tiễn. Ông đã chỉ thay đổi thái độ phần nào sau khi rõ ràng là chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản. Đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó không thực tiễn. Nó sai.

Giai đoạn Clinton cũng là giai đoạn Jacques Chirac cầm quyền tại Pháp. Chirac là một chính trị gia chuyên nghiệp và cũng là mẫu người làm chính trị đáng ghét nhất, nghĩa là chỉ biết có danh vọng, quyền lực và quyền lợi. Chirac là nguyên thủ quốc gia phương Tây duy nhất công khai tuyên bố, và tuyên bố nhiều lần, rằng dân chủ không phù hợp với các nước chưa phát triển. Với Mỹ và Pháp, trong tay những người cầm quyền “thực tiễn” như thế làn sóng dân chủ thứ ba, sau khi đạt tới cao điểm năm 1989 với sự sụp đổ của bức tường Berlin và năm 1991 với sự giải thể của Liên Bang Xô Viết, đã khựng hẳn lại. Và các chế độ bạo ngược được một giai đoan thoải mái.

Để có một ý niệm về sự tồi tệ của Clinton và Chirac trong thập niên 1990 xin nhắc lại một thảm kịch. Năm 1995, chính quyền độc tài quân phiệt Abacha tại Nigeria đã bắt giam và sau đó đem treo cổ nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và môi trường bằng đường lối ôn hòa Saro Wiwa cùng với năm chí hữu của ông chỉ vì năm trước đó, 1994, ông được giải Right Livelihood, một giải thưởng được nhiều người coi là tương đương với giải Nobel về hòa bình, và trở thành một biểu tượng. Clinton đã không dám can thiệp và lên án vì lý do là nếu như thế Abacha sẽ hủy bỏ các hợp đồng dầu khí đã ký với Hoa Kỳ và chuyển cho nước Pháp của Jacques Chirac bởi vì Chirac không lên tiếng.

Chủ nghĩa thực tiễn đã là chỗ dựa lý thuyết của các chế độ độc tài hậu cộng sản mà đặc tính chung là trần trụi về mặt tư tưởng và cầu mong thế giới cũng không có tư tưởng chính trị. Cuộc khủng hoảng này đang buộc thế giới xét lại từ nền tảng, nó là một thành tố cốt lõi của làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang sống. Từ cuộc xét lại đau nhức nhưng phải có này một trật tự thế giới mới sẽ hình thành, đặt nền tảng các giá trị dân chủ nhân quyền và môi sinh. Các chế độ độc tài bạo ngược sẽ bị nhìn như chúng phải được nhìn: những quái thai.

Có nên sợ rằng Trung Quốc trong cơn bối rối sắp tới sẽ gây hấn với bên ngoài trong mục đích tạo đoàn kết bên trong và Việt Nam sẽ lâm nguy không?

Tôi nghĩ là không. Lịch sử dài của Trung Quốc cho thấy là Trung Quốc chỉ gây hấn với bên ngoài khi mạnh bên trong. Trong lịch sử Trung Quốc các cuộc chiến đều được phát động trong những giai đoạn cường thịnh. Lý do là vì các chế độ chuyên chính Trung Quốc đều không đặt nền tảng trên một tinh thần quốc gia quá khích, như chế độ Quốc Xã Đức chẳng hạn, mà trên quan hệ thống trị và đàn áp, vì thế các chính quyền Trung Quốc không có khả năng kích thích tinh thần dân tộc trong những lúc chao đảo. Chúng ta chỉ cần cảnh giác chứ không có lý do để lo sợ.

Nhưng chúng ta đã chuẩn bị chưa hay sẽ lại bỏ lỡ cơ hội một lần nữa?

Câu hỏi càng nhức nối vì nếu so sánh với sự dũng cảm của người Ả Rập tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen và nhất là Syria hiện nay thì phải nói là chúng ta quá bạc nhược. Cũng đừng quên là chính quyền cộng sản Việt Nam chưa hề phải đương đầu với một cuộc biểu tình đòi dân chủ đáng kể nào. Thua xa Miến Điện, chúng ta chưa có một tổ chức dân chủ nào được thế giới biết đến và ủng hộ. Tại sao?

Phải gạt bỏ thẳng thắn và dứt khoát lập luận cho rằng đó là vì dân trí ta thấp kém. So với Tunisia và Ai Cập dân trí Việt Nam còn cao hơn nhiều, như tôi đã có dịp nhận xét tại chỗ. Quần chúng nào bị áp bức cũng sẵn sàng đứng dậy nhưng cũng chỉ đứng dậy nếu được động viên và lãnh đạo. Và đây là công việc của trí thức. Trong lịch sử thế giới cận đại cuộc đấu tranh thay đổi chế độ nào cũng đều do trí thức chủ xướng. Tình trạng rã rượi hiện nay chỉ là do trí thức Việt Nam kém. Kém về ý chí đấu tranh lẫn kém về kiến thức chính trị và kém về kỹ thuật đấu tranh chính trị. Chúng ta vẫn còn thiếu một tầng lớp trí thức chính trị. Chúng ta không biết nhưng cũng không muốn học hỏi.

Đó là do một di sản văn hóa. Hãy thử tưởng tượng nếu được nghe kể chuyện một người suốt đời chỉ mơ ước được làm tay sai không điều kiên cho một ông chủ, để rồi lúc nào cũng sợ sệt vì có thể bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí bị giết vì bất cứ lý do gì, và cho rằng sống như thế là vinh quang. Chúng ta sẽ nghĩ gì? Chắc chắn là chúng ta sẽ kinh hoàng không thể tin có thể có những người mắc bệnh tâm thần nặng đến như thế. Nhưng đó chính là nhân sinh quan của ông cha chúng ta. Các khai quốc công thần, anh hùng hào kiệt mà chúng ta tôn thờ đều như thế cả. Trí thức Việt Nam đã tôn sùng mẫu người đó trong cả ngàn năm mà không thấy có gì bất ổn. Trí thức Việt Nam vẫn còn không bình thường. Họ vẫn còn coi làm chính trị là để làm quan chứ không phải để thay đổi xã hội. Trí thức Việt Nam không phải là trí thức tranh đấu mà là trí thức phục vụ, và trong sự phục vụ cúi đầu đó họ đã bỏ mất một phần đáng kể tâm hồn. Văn hóa Khổng Giáo tàn phá trí tuệ và nhân cách của chúng ta một cách nghiêm trọng hơn là chúng ta tưởng.

Năm 2012 chưa đến nhưng có thể chúng ta đã lỡ hẹn rồi. Trừ ra nếu chúng ta vượt thoát khỏi được chính mình và khẩn cấp lấy quyết định sống như những con người bình thường, nhưng những con người.

Nguyễn Gia Kiểng
(12/2011)