Bạn biết gì về phụ nữ thời nay?

Điều tra khảo sát từ MSN trên 13.000 phụ nữ mới đây đã đưa ra những sự thật thú vị nhất về một nửa xinh đẹp của thế giới trong năm 2011:

 
Nội dung khảo sát liên quan đến các vấn đề xoay quanh mối quan hệ tình cảm, công việc, tiền bạc và cả đời sống tình dục. Kết quả cho thấy:

 – 33% phụ nữ trông chờ đàn ông sẽ trả tiền trong hầu hết các buổi hò hẹn, nhưng 38% (con số không nhỏ) cảm thấy số lần trả tiền giữa hai phái nên là 50-50.

– 38% thấy không vấn đề gì nếu chồng/bạn trai của mình vẫn giữ người yêu cũ trong danh sách bè bạn trên Facebook. 27% cho rằng điều đó cũng không sao, với điều kiện họ đã gặp người cũ của chồng/bạn trai mình rồi. 34% hoàn toàn không thoải mái với chuyện này.

 – 31% phụ nữ hẹn hò với bạn trai qua mạng, 12% trong số đó tiến xa hơn để trở thành người yêu. 22% phụ nữ cho biết họ sẽ không coi internet là con đường để tìm kiếm đàn ông.

 – Khá đông phụ nữ (73%) hoàn toàn thoải mái nếu nửa kia kiếm tiền ít hơn mình. 12% phụ nữ đang kiếm được nhiều hơn chồng/bạn trai. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tư tưởng truyền thống: 25% phụ nữ cảm thấy khả năng kiếm tiền là biểu trưng cho sự thành đạt ở nam giới.

 – Khi được “hỏi điều gì bạn muốn thay đổi ở người đàn ông của mình nhất?”, 11% trả lời họ muốn thay đổi tính lười biếng và thiếu tham vọng ở anh ta.

 – 53% phụ nữ muốn đàn ông uống thuốc tránh thai (nếu tồn tại loại thuốc đó ở trên đời). Tin tốt lành là các nhà khoa học đang thực sự thử nghiệm loại thuốc đó dành cho nam giới.

 – Chỉ có 20% phụ nữ sẽ “đá đít” người đàn ông của mình nếu anh ta ngày càng béo. Cũng chỉ 18% ao ước “cậu nhỏ” của đối tác trở nên to lớn hơn.

 – Dẫu vậy, đàn ông không phải không có lý do để lo lắng: 26% phụ nữ từng (lúc này hay lúc khác) tơ tưởng về bạn của bạn trai/chồng mình. 12% không ngại thử ngoại tình, miễn không bị phát hiện.

 – 35% phụ nữ nói dối về số bạn tình mình từng có, 54% từng giả vờ lên đỉnh. Nhưng có đến 85% phụ nữ sẽ cảm thấy tự ái nếu đối tác giả vờ lên đỉnh khi “mây mưa” với họ!

 Huyền Anh

Theo MSN

Chào Việt Nam!

Nguồn: Joel Kotkin & Jane Le Skaife – The American

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

10.11.2011

Việt Nam có thể tự trở thành một đồng minh và đối tác thương mại có giá trị đối với Hoa Kỳ.

Trong khi nhiều chuyên gia đang tuyên bố sự chấm dứt của thời đại Mỹ và sự đi lên của Trung Quốc, những quốc gia Đông Á lại làm khung cảnh thêm phức tạp. Trong khi Mỹ tiếp tục tham gia và tăng cường ảnh hưởng của mình trên thị trường châu Á đầy năng động, có thể không ai trở thành một đồng minh phù hợp hơn là kẻ cựu thù của mình, Việt Nam.

Trong vài khía cạnh, Việt Nam đã nổi lên như một nước không theo Trung Quốc, một quốc gia lớn, tăng trưởng nhanh, tạo ra một lựa chọn khác cho các công ty Mỹ đang tìm cách khai thác sức năng động của Đông Á mà không làm tăng thêm sức mạnh của một đối thủ toàn cầu có tiềm năng khốc liệt. Với 86 triệu dân, Việt Nam không tạo ra một thị trường lớn, nhưng nó có những lý do mạnh mẽ về văn hoá, lịch sử và chiến lược để nghiêng về phía Mỹ.

Tại sao là một nước không theo Trung Quốc?

Việt nam có một nguyên nhân lịch sử sâu xa để muốn liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ và những đồng minh khác của nó như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một số khía cạnh này liên quan đến lịch sử đặc biệt của nước này. Trong khi Pháp, Nhật và Hoa Kỳ trước đây từng có liên hệ sâu đậm và đẫm máu với nước này, nhưng cho đến nay mối đe doạ lớn nhất đối với Việt Nam vẫn luôn là kẻ láng giềng khổng lồ từ phương bắc.

Pháp, Nhật, và Mỹ từng can thiệp vào Việt Nam trong những khoảng thời gian tương đối ngắn. Ngược lại, Trung Quốc có một quyền lợi vô tận tại Việt Nam với bờ biển dài 2.140 dặm của nó kể từ quá trình đô hộ dài cả nghìn năm trên đất nước này, từ 111 trước Công Nguyên cho đến 938 sau Công Nguyên. Hai nước này đã dính líu vào vô số những xung đột lãnh thổ trong nhiều năm, gần đây nhất là tranh chấp liên quan đến biển Nam Hải, vốn có những tuyến hàng hải quan trọng và được cho là chứa những quặng dầu khí dồi dào.

Nhiều người Việt xem một số trong những cường quốc cựu thực dân hoặc “đế quốc” của họ là những đồng minh cần thiết để bảo vệ họ khỏi những đe doạ lãnh thổ đang leo thang từ Trung Quốc. Việc mở cửa căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh cho các tàu chiến nước ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, là một ví dụ minh hoạ cho chiến lược phòng thủ của Việt Nam trong quá trình tranh đua địa chính trị đang diễn ra.

Trong mối căng thẳng vùng biển giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dồi dào dầu mỏ ở vùng biển Nam Hải, năm 2010 Hoa Kỳ đã thành công trong việc thương lượng với Việt Nam để mở cửa lại Vịnh Cam Ranh cho những tàu chiến nước ngoài bên cạnh Nga. Vịnh này cần khoảng ba năm để tái xây dựng và những tàu khách nước ngoài chủ yếu sẽ là Hoà Kỳ. “Việc tàu chiến Hoa Kỳ thường xuyên hiện diện tại Vịnh Cam Ranh sẽ làm cho Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ về việc sử dụng chính sách ngoại giao ép buộc quân sự chống lại Việt Nam,” Ian Storey, một thành viên tại Học viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore nói.

Sự vươn lên của những người lưu vong

Có lẽ yếu tố lớn nhất gắn liền Hoa Kỳ và Việt Nam là con người. Khi chính quyền cộng sản đánh chiếm Nam Việt Nam cũ vào năm 1975, vài triệu người Việt đã chạy ra khỏi nước. Người Việt dần dần định cư tại 101 quốc gia và lãnh thổ trên khắp thế giới, đa số họ đã đến Hoa Kỳ, PHáp, Canada và Úc. Hiện đang có khoảng 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài. Một số định cư tại quốc gia thực dân cũ là Pháp và những người khác đã đến Úc, Canada và Singapore. Nhưng phần đông – khoảng gần 40% – đã đến Hoa Kỳ, hiện đến nay có số lượng người Việt ở nước ngoài đông nhất. Dự đoán có khoảng 2 triệu người Việt đang sống tại Hoa Kỳ (xem bản đồ ở dưới).


Người Việt ở nước ngoài

Thù địch với chính quyền Cộng sản, cộng đồng người Việt ở nước ngoài từng bị đuổi khỏi quê nhà, thay vì thế đã chú tâm vào việc xây dựng cuộc sống mới tại những quốc gia cưu mang mình. Họ đã thăng tiến đặc biệt tại Hoa Kỳ, đổ dồn vào những địa phương như Quận Cam và San Jose, California cũng như vùng Houston và New Orleans. Đến năm 2009, họ đã có được cuộc sống thịnh vượng tương đương với mức sống trung bình trên toàn nước Mỹ, với mức thu nhập trung tuyến là 59.129 Mỹ kim và 64,6% sở hữu nhà riêng. Người Việt làm việc ở cách lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và kỹ sư đông gấp ba lần những sắc dân nhập cư khác và có tỉ lệ gia nhập quốc tịch Mỹ cao nhất – 72,8%.

Mối tiếp xúc giữa tập thể lưu vong đầy năng động này và quê hương từng bị ngăn chặn bởi hai chính phủ trong nhiều thập niên. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã đưa ra một chế độ cấm vận nghiêm ngặt chống lại Việt Nam và ngăn cấm mọi quan hệ chính trị hoặc kinh tế giữa hai nước. Những người tị nạn Việt Nam tìm cách liên lạc lại với thân nhân tại Việt Nam đã phải dựa vào một nước thứ ba đóng vai trò trung gian để gửi hàng và tiền về cho thân nhân đang thiếu thốn bên nhà.

Về phía mình, chính quyền Cộng sản đã thi hành một chế độ kiểm soát gắt gao những kiện hàng và thư từ gửi về Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã đánh thuế rất cao vào việc gửi tiền về nước, làm cản trở quá trình chuyển tiền bằng con đường chính thức.

Tuyệt vọng trong việc giúp đỡ thân nhân còn ở lại quê hương đói khổ, nhiều người Mỹ gốc Việt bắt buộc phải sáng tạo ra những phương pháp khác hơn là cách gửi tiền chính thức. The Đỗ Yến, người sáng lập Người Việt, tờ báo tiếng Việt nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ, những người Việt ở nước ngoài đã giấu tiền đô bên trong những lọ dược phẩm gửi từ những công ty chuyển vận của Pháp hoặc Canada.

Với cả chục triệu người Việt vẫn bị đói ở Việt Nam bất chấp nguồn ngoại hối bí mật này, chính phủ Việt Nam cuối cùng đã nhận ra rằng họ phải thay đổi chiến lược kinh tế hoặc sẽ phải chịu đựng những hậu quả nặng nề của việc suy giảm kinh tế triền miên.

Tiền gửi về từ nước ngoài đã đóng một vai trò quan yếu trong việc phục hồi lại nền kinh tế. Chỉ trong năm ngoái ước đoán người Việt ở nước ngoài đã gửi khoảng 7,2 tỉ Mỹ kim về nước, theo thông tin của Ngân hàng Thế giới. Số tiền này chiếm khoảng 7% tổng số GDP của Việt Nam trong năm 2010. Một nghiên cứu năm 2010 do Wade Donald Pfau và Giang Thành Long thực hiện cho thấy 57,7% tổng số tiền trên thế giới gửi về Việt Nam từ năm 1997-1998 đã đến từ Hoa Kỳ.

Mối quan hệ cộng sinh ngày càng lớn giữa Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là từ Hoa Kỳ sẽ hình thành quá trình phát triển nhanh chóng của đất nước. Không nơi đâu mà ảnh hưởng này đang tác động mạnh bằng những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ). “Chúng ta đang thấy ngày càng nhiều những người Việt từ nước ngoài trở về, và họ cũng mang theo kỹ năng quản lý và vốn đầu tư qua mạng lưới gia đình,” nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nói. “Họ đang là bộ phận chủ chốt của những thay đổi tại đây.”

Một con rồng mới đang lên

Nhận thức được tiến triển mãnh liệt tại Trung Quốc qua quá trình giải phóng kinh tế, năm 1986 chính quyền Việt Nam đã đưa ra một quyết định đầy quan trọng nhằm khởi đầu quá trình Đổi Mới – thay đổi hệ thống kinh tế cộng sản cô lập. Đây là bước thay đổi chính thức đầu tiên mà Việt Nam thực hiện trong việc mở những cánh cửa kinh tế cho toàn thế giới.

Với việc Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và những sụp đổ tiếp theo của những cường quốc cộng sản khác trên thế giới, Hoa Kỳ cuối cùng đã đáp trả lại những quan hệ chính trị đã tốt đẹp hơn với Việt Nam bằng cách gỡ bỏ lệnh cấm vận dài 20 năm chống lại kẻ cựu thù của mình vào năm 1995. Việc này đã giúp Việt Nam nhanh chóng bước vào thời kỳ mở cửa kinh tế và cuối cùng đã giúp biến quốc gia này từ một nước đang phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp với tỉ lệ GDP bình quân mỗi đầu người trên 1.000 Mỹ kim. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán GDP bình quân mỗi đầu người của Việt Nam trong năm tài khoá 2010 là 1.155 Mỹ kim.

Nhưng rất tương phản với Trung Quốc – nơi nguồn vốn lớn nhất đến từ những cái nôi của người Hoa lưu vong như Hồng Kông, Đài Loan và Singapore – đa số nguồn tiền giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam đến từ bên ngoài Đông nam Á. Đặc biệt, nhà đầu tư lớn nhất hoá ra lại là kẻ cựu thù Hoa Kỳ, tiếp theo là cựu “đế quốc” Nhật Bản. Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư trên thế giới, lại đứng sau những nền kinh tế khu vực nhỏ như Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng như Hà Lan (xem bản đồ ở dưới.)


Bản đồ các quốc gia có đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam (theo mức triệu Mỹ kim)

Đây là hiện tượng vô cùng nổi bật trước việc Trung Quốc đang mở rộng việc đầu tư vào các nước đang phát triển. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường luồng vốn của mình vào những vùng trong khu vực Đông nam Á bao gồm Lào và những quốc gia thuộc Đồng bằng sông Mekong cũng như những khu vực giàu có tài nguyên tại Trung Đông, Mỹ La Tinh và Úc. Tuy nhiên Việt Nam, với ngành nông nghiệp, ngư nghiệp dồi dào và một ngành công nghiệp năng lượng đang phát triển, lại hầu như vẫn đứng ngoài vòng ảnh hưởng Trung Quốc.

Những luồng gió mậu dịch

Khuynh hướng đầu tư cũng bắt nguồn từ đường lối thương mại. Việt Nam, cũng như đa số các nước khác, đã chứng kiến làn sóng hàng hoá Trung Quốc, nhưng nó cũng có nhu cầu lớn về nhập khẩu từ các quốc gia khác, nổi bật là Nhật, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. (Xem bản đồ ở dưới).


Bản đồ các quốc gia nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam (theo mức triệu Mỹ kim)

Nhưng có lẽ thước đo tốt nhất về việc Việt Nam xuất hiện như một quốc gia không theo Trung Quốc có thể thấy được qua ngành xuất khẩu khổng lồ của nó, vốn đã tăng từ 5 tỉ lên đến 70 tỉ Mỹ kim trong vòng ba thập niên qua. Cho đến nay Hoa Kỳ đã nổi lên như một thị trường lớn nhất của Việt Nam, với hơn 10 triệu Mỹ kim giao dịch hàng năm. Nhật Bản đứng hàng thứ hai và Trung Quốc đứng sau.

Điều này rất nổi bật vì Việt Nam có được nhiều thứ mà Trung Quốc cần và hai quốc gia có chung một đường biên giới và ít nhất là bề ngoài cùng đi theo một chủ thuyết. Việt Nam dường như đã lựa chọn con đường tách ra khỏi Trung Quốc và tránh khỏi tình trạng bán thuộc địa mà nhiều nước láng giềng Trung Quốc – đáng kể là Cambodia, Lào và Miến Điện – dường như đang ngầm chấp nhận. (Xem bản đồ ở dưới).


Bản đồ các quốc gia nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam (theo mức triệu Mỹ kim)

Việc tiếp cận ngày càng nhiều với kinh tế toàn cầu đã đem lại nhiều lợi ích. Theo Sách Dữ kiện Thế giới của CIA, tỉ lệ nghèo đói của quốc gia này đã giảm từ 75% trong những năm 1980 xuống còn 10,6% trong năm 2010. Về khía cạnh hiệu suất kinh tế, một tóm tắt của Ngân hàng Thế giới cho biết rằng từ 1995 đến 2005 GDP thật đã tăng 7,3% hằng năm và thu nhập bình quân đầu người tăng 6,2% mỗi năm.

Tại sao Việt Nam quan trọng đối với Hoa Kỳ

Hà Nội hôm nay – và thậm chí Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) còn hơn nữa – làm nhớ đến Trung Quốc trong những năm 1980. Nhưng cũng có những khác biệt rất quan trọng. Những công ty nhà nước ở Việt Nam thiếu chiều sâu và tầm vóc tối quan so với những công ty Trung Quốc và vì thế sẽ khó mà tạo ra một đe doạ về cạnh tranh đối với Hoa Kỳ và những quốc gia khác.

Rõ ràng đây vẫn là một đất nước đang lên. Nhiều người dân miền quê – vẫn chiếm gần 70% dân số – tiếp tục đổ về Hà Nội và những thành phố khác, nhưng không cùng trạng thái tuyệt vọng như đặc điểm của người dân từ Bihar đổ về Delhi hoặc Mumbai ở Ấn Độ. Hoàn toàn không có những phần tử tội phạm lũng đoạn những khu dân cư ổ chuột như ở Brazil hoặc Mexico City.

Điều quan trọng hơn nữa là nơi đây vẫn chứa đựng một “tinh thần hoang dã”. Adam Smith – hoặc thậm chí Jane Jacobs – chắc sẽ thích thú tình trạng hỗn loạn phi-xã hội khi những người chạy xe gắn máy phóng nhanh trên phố như bị quỷ bắt, chẳng đếm xỉa gì đến người đi bộ hoặc đèn giao thông. Bất cứ ai không là công chức nhà nước dường như đều đang hối hả tìm kiếm hoặc thực hiện một việc gì đấy. Nó làm chúng ta nhớ đến những cụm dân cư người Việt tại Quận Cam, California hoặc phố Tàu ở Los Angeles, hiện đa phần đang bị người Việt gốc Hoa chi phối.

Lê Đăng Doanh, một trong những kiến trúc sư của quá trình Đổi Mới, dự đoán rằng lĩnh vực tư nhân hầu như từ con số không hiện đang chiếm đến 40% tổng GDP của cả nước. Nhưng ông Doanh cũng dự tính đoán rằng có thêm đến 20% nữa đang nằm trong nền kinh tế “ngầm” – nơi đồng Mỹ kim đặc biệt là vua.

“Anh thấy những công ty có đến 300 công nhân nhưng lại không đăng ký giấy phép,” nhà kinh tế 69 tuổi đeo kính đầy hoạt bát giải thích. “Lực lượng chuyển vận nằm ngoài luồng. Anh chỉ đi theo con đường. Tôi từng theo dõi một cáp điện và nó dẫn tôi đến một nhà máy với 27 công nhân đang sản xuất phụ tùng Honda và nó hoàn toàn nằm ngoài hệ thống.”

Năng lượng này là một phần của sản phẩm của dân số. Đa số những người ta thấy trong những phân xưởng ngoài luồng ở vào độ tuổi 20 và 30. Và không như những gì ta thấy ở Trung Quốc, những công nhân này cũng có con nhỏ. Việt Nam có thể đang hiện đại hoá và giàu lên, nhưng nó cũng có được một dân số đang tăng trưởng.

Những xu hướng này có những hệ quả khổng lồ. Theo Sách Dữ kiện Thế giới của CIA, 69% của khoảng 86 triệu dân Việt Nam hiện đang ở vào lứa tuổi lao động từ 15 đến 64. Trong bốn thập niên tới lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng nhanh; trong cùng lúc, lực lượng lao động ở Nhật, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ thu nhỏ một cách trầm trọng. Trong khi những quốc gia này đang từ từ rơi vào tình trạng mà nhà dân số học Nick Eberstadt gọi là “suy giảm sinh sản”, dẫn đến sự lão hoá nhanh chóng của lực lượng lao động, Việt Nam vẫn tương đối còn trẻ.

Nguồn lao động rẻ khổng lồ này đã hấp dẫn các nhà đầu tư trên khắp thế giới tìm đến Việt Nam như là một biện pháp nhằm cắt chi phí và tăng lợi nhuận. Nhưng điều quan trọng hơn nữa vẫn là sự tăng trưởng nhanh chóng của giáo dục. Quốc gia này có tỉ lệ biết đọc viết đến 95%.

Tổng hợp của lực lượng lao động có tay nghề ngày càng tăng cũng tương tự với tổng hợp của những yếu tố từng dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng trước đây của những quốc gia châu Á, từ Nhật Bản trong những năm 1960 cho đến Hàn Quốc và Đài Loan trong những năm 1980, và gần đây là Trung Quốc. Một công ty đầu tư trong nước, Indochina Capital, dự đoán rằng đến năm 2050 nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn thứ 14 trên thế giới – trên cả Canada, Ý, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.

Tổng hợp gồm quan hệ con người chặt chẽ và ác cảm của nó đối với người láng giềng hùng hổ, những yếu tố này cho thấy rằng Việt Nam có thể chứng minh mình là một đồng minh và đối tác thương mại giá trị với Hoa Kỳ như nó đã từng là một kẻ thù không khuất phục.

@X-Cafe

Ngôi sao bị nhốt

Trần Huỳnh Duy Thức trước tòa

Trong bài “Lạm phát ở Việt Nam – Thử tìm nguyên nhân” của tôi, viết hồi tháng 3 năm 2008, có đoạn trích dẫn – “Học giả Trần Đông Chấn vạch ra cái cơ chế maphia ở Việt Nam như sau: Họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi, từ cơ quan đảng đến nhà nuớc, chính phủ đến quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp. Cũng không có một thỏa thuận liên minh nào được cam kết nhưng bọn họ phối hợp hành động rất ăn ý và đồng bộ nhờ có một mục tiêu chung là trục lợi. Họ không thể hiện chính kiến riêng và luôn hoan nghênh tất cả các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, dự luật của quốc hội và các quyết định của chính quyền địa phương cho dù là chúng mang tính bảo thủ hay cấp tiến… Nhưng điều tồi tệ và nguy hại nhất ở đây chính là những kẻ cơ hội này đang được các thế lực nước ngoài hỗ trợ và nuôi dưỡng vì quan hệ cộng sinh và vì những kế hoạch dài hơn””.

Ít lâu sau ngày viết bài đó tôi mới biết người được tôi tôn xưng “học giả” là một tác giả trẻ cùng tuổi Bính Ngọ với con trai tôi. Anh tên là Trần Huỳnh Duy Thức. Xét về Thiên Can, anh lại cùng can Bính với tôi. Tử vi bảo: Bính biến vi sư, Bính biến vi tù. Trong tư cách “sư”, anh xứng đáng bậc thầy của nhiều cán bộ lãnh đạo ĐCSVN. Nhưng, quả là anh đang bị tống tù. Phiên tòa phúc thẩm ngày 11/5/2010 đã kết án anh 16 năm tù và 5 năm quản chế (bản án số 254/2010/HSPT) với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự.

 Bài viết này mang đầu đề “Ngôi sao bị nhốt” vì tôi nghĩ đến một B. Obama (4 – 8 – 1961), một D.Medvedev (14 – 12 – 1965), một Y. Shinawatra (21 – 6 – 1967) … ở Việt Nam. Những người này đều cùng độ tuổi, cùng tầm tư duy với Trần Huỳnh Duy Thức (29 – 11 – 1966).
 Trong lĩnh vực kinh tế: Từ một cửa hàng kinh doanh máy tính nhỏ hợp doanh với Lê Thăng Long (cùng học IT tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM), tháng 5 năm 2001 họ đã mua lại được Cty Mligo Solution và sáu tháng sau đó, tháng 11/2001, Trần Huỳnh Duy Thức đã nắm tay Lê Thăng Long đĩnh đạc bước chân vào thị trường Mỹ, mua lại công nghệ VoIp (giao thức Internet) rồi về thành lập Cty Global EIS và Cty OCI với hàng trăm nhân viên và nhà khoa học.
EIS và OCI một thời từng được báo chí đánh giá là niềm tự hào của IT VN khi tiên phong đầu tư ở nước ngoài. EIS được một tờ báo quen viết bài khen để khai thác quảng cáo gọi đó là Giác đấu trên đất Mỹ.
Không chỉ thành đạt trong kinh doanh, kiến thức kinh tế còn đủ sâu sắc để THDT đưa ra được những dự báo tầm quốc sự rất đáng nể:
 “Tôi còn nhớ, cuối năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đang căng phồng như bong bóng. Vào thời điểm đó, mãi lực chứng khoán lần đầu tiên đã len lỏi vào hầu hết các tầng lớp dân chúng Việt Nam. Ngoài công chức, doanh nhân, trong các phiên giao dịch chưa chính thức (OTC) và sàn chứng khoán, người ta thấy sự có mặt của không ít bà nội trợ, các bác nông dân lam lũ. Sự xuất hiện kịp thời bài viết “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ về đâu” của bác Trần Đông Chấn như là một liều thuốc có công dụng giải “say” cho nhiều người đang bị mãi lực chứng khoán cuốn hút. Bên cạnh kiến thức sâu sắc về tài chính và tiền tệ, người đọc còn cảm nhận sự tinh túy của bác Chấn trong việc sử dụng 02 câu sấm Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) để cảnh báo dân chúng về hiểm họa của những cái vòi Bạch Tuộc tài chính quốc tế khi quyết định đầu tư vào chứng khoán. Vì vậy, bài viết của bác Chấn đã vinh dự được sử dụng trong chương trình thời sự của đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) cảnh báo dân chúng vào thời điểm ấy”.
 Một nhà báo đã từng viết như vậy trên mạng.
      Về mặt khoa học-công nghệ: Nhiều người thừa nhận rằng chính THDT và công ty EIS, OCI của anh đã đi tiên phong “thị trường hóa” giấc mơ tin học chỉ mới được nhen lên từ các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia kiểu như của nhà toán học Phan Đình Diệu. Do vậy, anh có thể xem là một trong những người đã lập công đầu trong sự nghiệp xây dựng nền công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Ngoài ra, như lời trong thư của thân phụ THDT, ông Trần Văn Huỳnh, cán bộ Phòng Văn hóa Đối ngoại TP.HCM gửi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã viết về con mình:
“Trong nhiều năm qua, Thức đã dành thời gian, tâm huyết, sức lực nghiên cứu về kinh tế học, chính trị học và tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước với mục đích là cảnh báo đến lãnh đạo đứng đầu Nhà nước, Đảng và Chính phủ về những nguy cơ của đất nước có thể bị thôn tính biến thành thuộc địa kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa. Đầu tiên, Thức đã gửi thư trực tiếp đến một số vị lãnh đạo thông qua con đường công văn chính thức bưu điện và nhờ một số người có quan hệ gửi trực tiếp nhưng không đến được tận tay của các vị lãnh đạo đó. Trong số các bức thư này, có bức thư ngày 7/1/2004 mà Thức đã gửi cho Chủ Tịch, lúc đó là Bí Thư Thành ủy TP.HCM và bức thư ngày 14/4/2007 gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng …. Do đó, Thức đã chọn cách viết blog để đăng tải những bài viết cảnh báo về nguy cơ đất nước nhưng vẫn chưa được quan tâm của lãnh đạo trong khi các nguy cơ vẫn tiếp tục phát triển ngày một nguy cấp”.
Trần huỳnh Duy Thức đã viết những gì?
* Anh chỉ ra những sai lầm của Chính phủ và Quốc hội trong việc vạch kế hoạch phát triển và mục tiêu tăng trưởng:
 “Vào tháng này năm ngoái, quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008 theo đề xuất của chính phủ. Mặc dù tình hình lạm phát lúc đó đã đến mức báo động nhưng chính phủ và quốc hội vẫn xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% – 9%. Con số này là một cơ sở để đòi phải tăng cường đầu tư, nghị quyết nêu rõ đầu tư sẽ đạt 42% GDP trong cùng năm tài khóa 2008 – một con số rất cao và tỷ lệ nghịch với chất lượng tăng trưởng nhưng tỷ lệ thuận với giá trị tham nhũng. Kết quả là các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, được rót ngân sách khổng lồ và đầu tư tràn lan vào đủ thứ lĩnh vực. Nguy cơ lạm phát không hề được tháo ngòi nổ từ gốc mà lại còn bị đổ thêm dầu vào lửa bởi nạn đầu tư ăn xổi ở thì này. Hậu quả thì thấy ngay lập tức, lạm phát và nhập siêu phi mã chóng mặt. Chính phủ buộc phải thắt chặt tiền tệ nâng lãi suất lên còn chóng mặt hơn.
 … Sự tăng trưởng không dựa trên tăng năng suất thì làm sao nói đến phát triển bền vững được. Mà làm sao có được việc làm mới trong khi lực lượng duy nhất làm được điều này trong nhiều năm qua là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hấp hối và đã chết gần một nửa. Thực ra không ít người thừa hiểu rằng những con số mục tiêu về việc làm này được đưa ra để che dấu tình trạng thất nghiệp đã và sẽ còn tăng nhanh và phức tạp trong thời gian tới. Tội phạm và tệ nạn xã hội cũng theo đó mà tăng mạnh” (1).
      * Anh vạch rõ cái mặt trái đang hoành hành của thị trường chứng khoán nước ta:
Nhưng thật trớ trêu, thị trường chứng khoán bị biến thành nơi rửa tiền, để đầu cơ trục lợi ngắn hạn, vốn thực sự được huy động để đưa vào nền kinh tế chẳng bao nhiêu, nguy cơ rủi ro cho các ngân hàng không hề giảm đi mà còn trầm trọng hơn vì người ta vay vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán; cổ phần hóa bị biến thành cơ hội rất tốt để bán rẻ tài sản toàn dân cho nước ngoài để các quan chức tham nhũng trục lợi. Năng lực thực thi các chính sách vĩ mô của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương đang thực sự bị thách thức bởi những kẻ cơ hội. Lực lượng này phát triển kinh khủng kể từ sau đại hội X nhưng lại không dễ bị nhận dạng vì bọn họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi từ cơ quan đảng đến nhà nước, chính phủ đến quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp” (2).
 * Và dự báo cái nguy cơ khủng hoảng đang hiện hữu:
 “Các giá trị danh nghĩa ở Việt Nam hiện nay là những bong bóng khổng lồ liên thông nhau. Thời gian qua chúng chưa hề được xả hơi để giảm nguy cơ nổ tung, áp lực từ chỗ này chỉ được chuyển tạm thời qua chỗ khác mà thôi. Chứng khoán và bất động sản bơm hơi qua lạm phát và lãi suất, từ đây bơm tiếp vào tỷ giá. Bây giờ nó đang tìm cách để bơm vòng lại bất động sản, nếu biện pháp “kích cầu” bất động sản lần này không có tác dụng thì quả bóng tỷ giá sẽ nổ tung. Khủng hoảng do bong bóng xảy ra trong tình trạng nội lực suy kiệt như Việt Nam lúc này sẽ gây ra một sự sụp đổ toàn diện.
 Nhiều nước trên thế giới cũng đang khủng hoảng, nhưng nước nào có nguồn lực trong nước được chăm sóc tốt và thực chất – tức là có nền tảng vững thì cho dù khủng hoảng có rất nặng nề đi nữa, nền kinh tế nước đó vẫn có khả năng điều chỉnh và nhanh chóng tạo ra cơ hội mới để phát triển. Việt Nam lâu nay luôn thiếu vắng những biện pháp chăm sóc từ gốc làm nó ngày càng mục ruỗng do đó mà nội lực của quốc gia ngày càng suy kiệt. Nguồn lực trong nước không chỉ ít được tạo mới mà còn bị khai thác tràn lan và phí phạm”(1).
 “……sự tồn tại trong thoi thóp hiện nay của các tập đoàn kinh tế nhà nước đơn thuần chỉ dựa vào sự cung cấp tài chính từ chính phủ cũng như bó hẹp hoạt động trong phạm vi sân nhà mà thôi. Cái gói kích cầu kinh tế kia thực chất đã được dùng vào việc vực dậy các tập đoàn ăn hại này tồn tại được ngày nào hay ngày đó. Nhưng liệu các doanh nghiệp này có sống dựa mãi được vào ngân sách nhà nước hay không? Khi tiền hết thì mỗi lương duyên tốt đẹp này e rằng phải sớm nói lời chia tay”(5).
* Anh xót xa cho thân phận hẩm hiu của nông dân nước ta:
 “Với người nông dân thì tương lai trước mắt còn mờ mịt hơn rất nhiều. Lực lượng lao động trong khu vực này ngày càng tăng cả về con số lẫn tỷ lệ. Trong khi đó tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai thì đang bị thu hẹp nhanh chóng, mà đầu tư cho công nghệ để gia tăng năng suất lao động thì gần như bằng không. Chuyển đổi sang việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ thì gặp phải những chiếc bánh vẽ của các kẻ đầu tư để chiếm đất nông nghiệp. Số cầu lao động do các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra hàng năm cho khu vực nông thôn thì bây giờ là một con số âm to tướng. Những công nhân gốc nông dân giờ đây trở về quê với hai bàn tay trắng, không đất không nghề. Mưu sinh với họ là cả một thử thách đạo đức. Hàng tỷ đô-la đầu tư kể cả từ nước ngoài lẫn từ nhà nước thì số dành cho nông nghiệp và nông thôn chỉ là phần thừa đuôi thẹo. Lúa, cá, tôm, cà phê, v.v… giảm giá và ế ẩm đang chồng chất nợ nần lên người nông dân. Doanh nghiệp nếu phá sản còn áp dụng được luật để giải trừ trách nhiệm trả nợ, còn người nông dân thì có chết cũng không hết trách nhiệm do vỡ nợ. Con giun xéo mãi cũng oằn”(1).
 * Sử quan thế giới của anh có thể xem là mới lạ, độc đáo và đáng suy ngẫm:
 “Muốn giàu có và làm cuộc sống tốt đẹp hơn là điều con người hướng tới và tìm kiếm từ hàng nghìn năm trước, nhưng xã hội loài người chỉ mới thực sự phát triển thịnh vượng được vài trăm năm nay. Người ta thường gắn cho thành tựu vĩ đại này là nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điều đó không sai, nhưng bước tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỹ thuật này chỉ là quả, nhân của nó chính là sự giải phóng tự do và tư tưởng con người. Có tự do và quyền con người nên người ta mới thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi để hiểu rõ được những quy luật của tự nhiên; mới không sợ hãi phát biểu chính kiến của mình để tìm ra những giải pháp tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để tạo ra các phát minh, sáng chế; hiểu được quy luật kinh tế; và sáng tạo ra những hệ tư tưởng chính trị, triết học làm thay đổi hình thái nhà nước hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng một xuất phát điểm ở phía sau nhưng đặt quyền tự do của con người lên trước đã thắng và vượt xa một xuất phát điểm ở phía trước nhưng không coi trọng quyền và sự tự do của con người. 
Trong cả thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Châu Âu cộng lại. Vào lúc đó, khi mà triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn đang say sưa với sức mạnh của mình và tiếp tục tìm mọi cách để đạt mục tiêu là kẻ mạnh nhất giàu nhất, thì Phương Tây bắt đầu những cuộc cách mạng về nhân quyền với mục tiêu hàng đầu là giành bằng được quyền tự do của con người. Chỉ 50 năm sau, Trung Quốc đã trở thành một kẻ to xác nhược tiểu bị các nước phương Tây xâu xé, rồi sau đó bị Nhật – một láng giềng nhỏ bé đi theo mô hình phương Tây xâm chiếm. Triều đình Mãn Thanh phải ký hàng loạt các hiệp ước bán nước nhục nhã. Trong cùng thời gian đó, thế giới phương Tây đã phát triển nhanh chóng, đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước này đã đưa vào trong hiến pháp đầu tiên của mình sự bảo vệ quyền con người; tự do của con người được đưa lên trên tất cả những thứ cần bảo vệ khác. Hiến pháp Hoa Kỳ đã hiệu chỉnh nhiều lần nhưng ở đó sự tự do thiêng liêng của con người vẫn luôn là ngự trị số một. Không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành quốc gia cường thịnh như ngày nay. Tự do cho con người cũng không phải là thứ tự nhiên mà có” (3). 
* Với sử quan ấy THDT đã nhìn thấu cái hiểm họa tương lai của Đại Hán Trung Quốc:
 “Một dân tộc vĩ đại như Trung Quốc lẽ ra phải có một ví trí xứng đáng hơn nhiều so với hiện nay. Vị trí ấy sẽ không bao giờ có được đến khi nào mà tự do và nhân quyền của người Trung Hoa được tôn trọng một cách đầy đủ. Ngược lại, sự phát triển kinh tế như hiện nay sẽ dẫn đến một sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng, dễ dàng gây nên những rối loạn chính trị và hình thành nên một triều đại mới, giống như sự tồn vong của các chế độ phong kiến ở nước này xưa nay. Nhưng trước khi sụp đổ nó sẽ gây ra bao nhiêu tai họa cho cả thế giới. Khi một cá nhân hay một nhóm nhỏ cầm quyền cảm thấy mình có quyền lực tuyệt đối với hàng chục, hàng trăm triệu người thì sẽ dễ dàng nắm trong tay mình những nguồn lực khổng lồ. Tham vọng bá quyền tất sẽ phát sinh. Đang độc tôn về chính trị nên họ dễ dàng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi để phát động những cuộc chiến tranh tàn phá những dân tộc và quốc gia khác. Điều này đã từng xảy ra trong cả chủ nghĩa phong kiến, tư bản lẫn cộng sản (3) . 
* Và cái viễn cảnh cần cảnh giác của thế giới:
 “Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những nguy cơ tương tự. Nếu toàn cầu hóa thất bại trong việc tạo ra một sự phân bổ hợp lý thị trường thế giới và Trung Quốc không hình thành được một thiết chế dân chủ để đảm bảo tự do và các quyền cơ bản, kể cả quyền quyết định vận mệnh chính trị quốc gia cho người dân Trung Hoa; Nga không phát triển được nền dân chủ non trẻ dân chủ hơn nữa thì nguy cơ xảy ra một cuộc chiến diện rộng để tranh giành thị trường, ảnh hưởng và thỏa mãn tham vọng cá nhân được ẩn chứa trong những mục tiêu dân tộc là điều khó mà tránh khỏi. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho toàn nhân loại trong vòng 20 năm tới” (3). 
* Anh kêu gọi ĐCSVN hãy chấn đạo quốc gia để tạo an hòa cho phát triển lành mạnh và bền vững:
“Nhà nước cần tập trung chấn đạo cho quốc gia. Đạo không phải là tôn giáo, các tôn giáo là những phương pháp hiệu quả để tải đạo. Đạo là những qui luật vận động thiên nhiên khách quan của trời đất mà khi ngộ đạo con người sẽ hiểu rằng trên có trời, dưới có đất và ở giữa cái không gian ấy con người cần sống với nhau bằng lòng nhân nghĩa. Chỉ khi đó cuộc sống của người dân mới có được sự cân bằng giữa đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tâm linh mà không bị rơi vào các thái cực của đam mê vật chất, độc đoán hoặc lệ thuộc tư tưởng và mê cung tôn giáo. Sự cân bằng như vậy sẽ làm cho xã hội thăng hoa. Khi đó sức miễn nhiễm và đề kháng của xã hội sẽ rất cao nhờ ý thức độc lập tự chủ và tương trợ cộng đồng của mỗi công dân” (4). 
“Việt Nam đang cần một sự tăng trưởng mà cơ hội của nó được phân bổ công bằng cho hầu hết dân chúng. Một mức tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn thì đa số người dân vẫn được hưởng thành quả. Với kiểu tăng trưởng như lâu nay, lợi ích thì các nhóm thiểu số chiếm đoạt nhưng hậu quả thì đa số dân chúng lãnh đủ. Đó là chưa kể tác hại của môi trường bị hủy hoại, kẹt xe tắt đường, v.v…, tất cả đều đè nặng lên đa số người dân” (1). 
Trên đây chỉ là trích đoạn phần nhỏ trong số gần năm mươi bài viết, bản kiến nghị … của THDT, nhưng chắc hẳn cũng đủ để người đọc thấy được:
“Đó là kết quả của những chuỗi dài nhiều đêm thức trắng trong hơn 5 năm làm việc với một nhiệt huyết cháy bỏng, một nghị lực phi thường của con tôi. Nói thật là tôi chưa hề thấy qua một tài liệu nào nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và đầy tinh thần xây dựng đối với các vấn đề rộng lớn của đất nước như được giới thiệu trong Con đường Việt Nam. Thức con tôi là người rất bận rộn vì trách nhiệm với một đại gia đình, với mấy trăm nhân viên và cổ đông công ty mà mình điều hành. Cho nên để nghiên cứu, kiến nghị các vấn đề của đất nước, con tôi phải sử dụng hầu hết thời gian đáng lẽ cần dùng cho nghỉ ngơi, tái tạo sức lực của mình. Tôi rất hiểu tính cách của Thức không làm việc này vì trông đợi vào những lợi ích cho riêng mình” (6).
Thân sinh THDT đã tỏ ra khiêm tốn, Sự thật, những trang viết của THDT không chỉ thể hiện “một nhiệt huyết cháy bỏng, một nghị lực phi thường” mà còn biểu hiện một trí tuệ trác việt, một tấm lòng từ bi. Đúng như nhận xét của một cháu gái tên Nhi nào đấy:
“Cháu đọc mail của chú càng thấy rõ ra rằng …vì sao cháu hân hạnh được biết chú. Đó là cái cháu lấy làm quan trọng nhất cháu tìm thấy ở suy nghĩ của chú. Đó chính là hướng đến và xây dựng VN với tâm hồn không hận thù (như cháu có viết trong 1 entry của cháu, có lẽ cháu chịu ảnh hưởng đạo Phật từ nhỏ).
 Cả mail trước và mail này, cháu đều thấy điều đó. (còn những điều khác cháu rất thấy cảm phục về những nhận xét của chú) Hận thù luôn đi đôi với tàn phá nên không nên tồn tại trong ý nghĩ nếu như muốn xây dựng bất cứ điều gì. Nay cái khủng hoảng ở VN chính là thời cơ để có thay đổi (như bài viết của chú). Mà thay đổi như thế nào để có một thay đổi tốt đó là điều cháu rất quan tâm”.
 Những dòng tôn vinh của nhà báo Lê Diễn Đức thật đích đáng, nhưng ngậm ngùi làm sao::
 “Trần Huỳnh Duy Thức! Anh đừng sợ! Cuộc dấn thân nào cũng phải trả giá và sẽ được tri ân bởi dân tộc. Thậm chí nếu phải chết, anh sẽ là bất tử. Sự tiếp diễn của con người anh trong cuộc sống này chính là niềm tự hào về lòng dũng cảm và yêu nước của gia đình, của con cháu anh, của bạn bè và các thế hệ tương lai. Di sản của anh sẽ vĩnh cửu. Không phải ai xuống mồ cũng có được điều đó. Tiền bạc nhiều đến đâu cũng không mua được điều đó!”
 Về phần bài viết này, chỉ mong sao khuấy động được lương tri để xin mọi người cùng lên tiếng, cùng dóng được hồi chuông nguyện hồn những ai có quyền, hãy xem xét lại mà xóa đi bản án tàn bạo, sớm trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức.
 Nhân sinh nhật thứ 45 của Thức
Hà Nội, 25 tháng 11 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm- Hà Nội
Mobi: 0984 724 165