Day: 19/12/2011
Khoa học : Thủ phạm gây chứng đãng trí và cách chữa
Từ những chuyến bay dài cho đến việc ăn không đủ lượng thịt, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hay quên. Tuy nhiên, căn bệnh này không phải không có cách chữa.
Đã nhiều lần bạn bước vào bếp và nhận ra rằng, mình không còn nhớ vào bếp để làm gì? Bạn cũng không thể nhớ nổi tên của người bạn vừa quen cách đó ít giây?
Lời giải thích quen thuộc cho dạng “mất trí nhớ thể nhẹ” này là não của bạn bị quá tải thông tin, hoặc là bạn đang già đi.
Tuy nhiên, đôi khi việc mất trí nhớ một cách đột ngột, nhất là ở những người còn trẻ, có thể là dấu hiệu đáng lo ngại và cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ Michael Gross của Trung tâm Thần kinh học Middlesex khuyến cáo.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh hay quên, cũng như lời khuyên đưa ra cho bạn từ các chuyên gia trên DailyMail:
1. Không đủ acid trong dạ dày
Vitamin B12 – thường được tìm thấy trong thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, có vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra tế bào hồng cầu. Không những vậy, nó còn có liên hệ trực tiếp tới trí nhớ của bạn.
Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ nhận thấy, việc thiếu vitamin B12 sẽ khiến cho con người gặp rắc rối về trí nhớ và tư duy. Do B12 chủ yếu có trong thịt, sữa nên những người ăn kiêng cần để ý bổ sung vitamin B12 bằng dược phẩm.
Một nguyên nhân phổ biến khác nữa là khi bạn già, lượng acid trong dạ dày sẽ giảm đi, trong khi đây là yếu tố rất quan trọng để cơ thể có thể hấp thụ vitamin B12. Do đó, nhiều người lớn tuổi bị chẩn đoán nhầm là đãng trí dù trên thực tế, họ chỉ bị thiếu hụt B12 mà thôi. Các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện việc này bằng cách thử máu.
2. Huyết áp cao
Với những người dưới 45 tuổi đã hay quên thì có thể thủ phạm là huyết áp của họ.
Theo nghiên cứu của Đại học Alabama, những người bị huyết áp cao sẽ gặp rắc rối về trí nhớ và năng lực tư duy hơn so với người có huyết áp bình thường.
Quả thực, huyết áp cao sẽ gây tổn thương vành trong động mạch. Để chống lại, vành động mạch sẽ phát triển dày và cứng hơn, khiến cho lượng máu chảy tới não bị ít đi.
Tin tốt là không bao giờ quá muộn để đối phó với huyết áp cao. Tập thể thao, ăn uống lành mạnh và giảm cân sẽ giúp cải thiện sức khỏe cũng như trí nhớ của bạn.
3. Tuyến giáp
Nếu như bạn mệt mỏi, tăng cân, trầm cảm và hay quên, đó có thể liên quan đến tuyến giáp.
Bệnh xảy ra khi tuyến giáp không thể sản sinh ra một loại hormone có tên thyroxine, vốn quyết định mức độ năng lượng mà cơ thể sử dụng. Nếu hormone thiếu hụt, mọi thứ liên quan đến cơ thể đều bị giảm tốc, bao gồm cả chức năng của não.
Việc thử máu sẽ nhanh chóng phát hiện ra bệnh và bạn có thể dùng thuốc thay thế hormone để cải thiện tình trạng.
4. Mãn kinh
Một nghiên cứu của Đại học California xác nhận lượng oestrogen (tiết tố nữ) giảm mạnh sẽ tác động đến não, cụ thể là trí nhớ, nhất là trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Rất may là trạng thái hay quên này không kéo dài vĩnh viễn. Việc bổ sung tiết tố nữ hoặc hormone progesterone trong giai đoạn này sẽ giúp ích rõ rệt.
5. Chứng đau nửa đầu
Nếu bạn hay bị đau nửa đầu, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải hội chứng mất trí nhớ một phần. Về cơ bản, khi bạn nhớ lại các sự kiện mới xảy ra (trong vòng 24 giờ), ký ức của một vài giờ sẽ giống như một khoảng trắng. Bạn không thể nhớ mình đang ở đâu hay mình đến đó như thế nào, nhưng bạn vẫn biết mình là ai.
Hội chứng mất trí nhớ tạm thời có thể xảy ra khi bạn ngâm mình đột ngột trong nước nóng hoặc nước lạnh, bị xúc động quá mức hay “lên đỉnh”. Rất may là bệnh này không phổ biến và chỉ xảy ra một lần trong đời – không tái lặp – mà thôi.
6. Những chuyến đi dài
Những chuyến đi dài có thể khiến bạn chóng mặt, ngất ngây và mệt mỏi do thiếu ngủ. Tình trạng hay quên này còn tiếp tục kéo dài nhiều ngày sau khi bạn đã trở lại với lịch sinh hoạt 24 giờ bình thường.
Theo các chuyên gia, nếu bạn ngủ ít hơn nhu cầu của cơ thể, các vấn đề về trí nhớ sẽ xuất hiện. Do đó ngủ đủ giấc và ngủ sâu là cách phòng chống tốt nhất.
7. Có thai
Từ lâu nay, khoa học đã cho rằng thai kỳ ảnh hưởng đến trí nhớ của người mẹ một cách đáng kể. Một nghiên cứu tại Úc đã so sánh khả năng ghi nhớ của phụ nữ có thai với phụ nữ bình thường. Kết quả cho thấy, phụ nữ có thai có trí nhớ tệ hơn hẳn, nhất là khi phải nhớ số điện thoại mới hoặc tên người mới.
Trọng Cầm
Ở thế giới bên kia, ông Trần Lâm…
Lương Kháu Lão
Lương Kháu Lão là bút hiệu của An Thanh Lương, một nhà giáo về hưu và nhà báo tự do.
Việc Trần Bình Minh, con trai thứ ông Trần Lâm – một lão thành cánh mạng, người đã tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội và sau đó làm Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam – trở thành người nối nghiệp cha với chức vụ Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam như đã được báo trước.

Ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)
Đó là con đường đi của các con cha cháu ông theo kiểu rất phong kiến “con vua thì lại làm vua” của Tổ chức Đảng. Bởi lẽ bây giờ tìm đâu ra những cán bộ có lí lịch ba đời công nhân! Vậy nên tìm người kế cận trong số con cái lãnh đạo là có vẻ hợp lí và yên tâm hơn cả.
Trần Bình Minh là một con người khá năng động. Tôi đã chứng kiến anh ta chê lãnh đạo thẳng thừng (Tất nhiên lúc đó không có mặt người anh ta phê phán). Anh ta cũng dám đề xuất nhiều ý kiến mạnh bạo và trên cương vị Trưởng ban Thời sự VTV1 – Ban quan trọng nhất của Đài Truyền hình, công bằng mà nói anh ta đã làm khá tốt công việc
Trần Bình Minh cũng đã xây dựng cho riêng mình một ê kíp làm việc bao gồm những người có năng lực như Thanh Lâm, Trần Uy…những người có khả năng trở thành “ngôi sao” truyền hình trong tương lai. Rất tiếc những nhân vật này đã gặp phải những “sai lầm” về chính trị và lặn mắt tăm.
Trong số các nhân vật có thể thay thế Tổng giám đốc Vũ Văn Hiến khi ông này nghỉ hưu có Phó Tổng Giám đốc Trần Đăng Tuấn, tuy nhiên ông này không được Tổ chức tin dùng nên đã quyết định rời khỏi biên chế nhà nước để tạo lập con đường đi cho riêng mình. Vì thế Trần Bình Minh hầu như không có đối thủ.
Con đường đưa Trần Bình Minh lên chiếc ghế cao nhất của Đài Truyền hình đã được dọn sẵn sau khi anh ta được chuyển đổi về Nghệ An làm công tác Đảng một thời gian và sau đó trúng cử Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Những tưởng một con người được học hành tử tế, có bản lĩnh dám nói dám làm, có lí lịch rất trong sạch, Trần Bình Minh sẽ viết những trang sử mới của Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn anh ta cầm quyền ở Đài Truyền hình quốc gia đã bộc lộ nhiều yếu kém không thể chấp nhận. Không phải yếu kém về kĩ thuật mà là yếu kém về chính trị. Thể hiện rõ nét ở ba sự vụ sau đây:
Một là việc cho phóng viên đi điều tra, phỏng vấn không trung thực nhằm bôi xấu cá nhân Cù Huy Hà Vũ đã gây phản tác dụng. Không những không hạ bệ được uy vũ của họ Cù mà Đài Truyền hình Việt Nam đã tự làm mất uy tín của chính mình.
Hai là việc đưa tin không trung thực về các “cuộc tụ tập” đông người chống sự bành trướng của Trung Quốc đã bị dư luận chê trách. Hóa ra Đài Truyền hình Việt nam chả có bản lĩnh chính trị (con mẹ) gì cả mà tất cả đều nghe theo răm rắp sự chỉ đạo của cấp trên.
Ba là mới cách đây mấy hôm thôi, nhà Đài đã tổ chức “giao lưu hữu nghị” với một Đài Truyền hình địa phương là Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc. Ôi! Một Đài Truyền hình quốc gia mà chơi ngang tầm với một Đài tỉnh lẻ? Sao lại có chuyện nhục nhã như vậy? Chả lẽ Việt Nam chỉ ngang tầm một tỉnh của Trung Quốc? Cái chúng ta cần là làm cho người dân Trung Quốc, cả một tỉ người hiểu rõ thái độ thiện chí của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông thì chúng ta đã không làm được. Hữu nghị với mấy ông bà dân tộc thiểu số chả biết Biển Đông có dậy sóng hay không thì giải quyết được vấn đề gì? Những nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc cũng phải phì cười khi Đài Truyền hình Việt Nam làm cái chuyện ngớ ngẩn như vậy. Đấy là chưa kể trong một lần phát sóng, chúng ta đã (không biết vô tình hay cố ý) in thêm một ngôi sao nhỏ vào lá cờ một sao lớn bốn sao nhỏ của Trung Quốc. Phải chăng Trần Bình Minh muốn Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc?
Qua ba việc kể trên có thể thấy sự non kém quá đáng của Đài Truyền hình Việt Nam kể từ sau khi Trần Bình Minh lên nắm quyền. Không biết dưới suối vàng, ông Trần Lâm có thể mỉm cười được hay không?
Lương Kháu Lão
@Danluan
Vaclav Havel qua đời: Kịch tác gia, anh hùng Cách Mạng Nhung
PRAGUE (AP) – Vaclav Havel lồng cách mạng vào trong kịch nghệ, và qua đó dẫn đầu làn sóng thay đổi lật đổ chế độ cộng sản và chứng minh cho cả thế giới thấy là sức mạnh của người dân không tấc sắt trong tay có thể vượt qua được sự đàn áp của độc tài.
Ông trở thành người hùng của cuộc Cách Mạng Nhung Tiệp Khắc và tổng thống dân cử đầu tiên của nước này hậu cộng sản

Bị bệnh hô hấp kinh niên do hút thuốc liên tục từ ngày bị tù cộng sản, ông Havel qua đời hôm Chủ Nhật tại nhà nghỉ cuối tuần của ông ở miền Bắc Cộng Hòa Czech. Có mặt bên giường bệnh là bà Dagmar vợ ông, và một bà sơ săn sóc ông trong những tháng cuối đời. Vaclav Havel thọ 75 tuổi.
“Một nhà tranh đấu cho tự do của các nước và cho dân chủ, đã mất,” ông Lech Walesa, người sáng lập Công Ðoàn Ðoàn Kết ở Ba Lan và một nhà tranh đấu cùng thời với Havel, nói khi nghe tin ông Havel qua đời. “Chúng tôi sẽ nhớ mãi lời nói khôn ngoan xuất chúng của ông.”
Ông Havel dẫn dắt Tiệp Khắc qua khỏi những khó khăn của nền dân chủ sơ khai, và việc phân chia trong hòa bình thành hai nước Czech (Tiệp) và Slovakia. Trong những năm cuối, hình ảnh lý tưởng của ông bị mờ dần khi nhược điểm của ông bộc lộ ra.
“Ðiều lạ là tôi sống một đời sống rất là phiêu lưu, mặc dù bản thân tôi không phải con người phiêu lưu. Ðịnh mệnh và lịch sử đẩy tôi vào chỗ phiêu lưu chứ không phải tôi tìm đến điều đó,” ông từng nói với đài phát thanh Tiệp.
Ông Havel bắt đầu nổi tiếng sau cuộc tấn công của Liên Xô và khối Warsaw vào Tiệp Khắc năm 1968, dập tắt cuộc đổi mới mang tên Mùa Xuân Prague do Tổng Bí Thư Alexander Dubcek và các viên chức cộng sản cấp tiến thực hiện.
Kịch của Havel bị chính quyền mới cấm tiệt, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác, viết một loạt bài văn được truyền bá chui. Cùng với các tác phẩm của nhà khoa học Liên Xô Andrei Sakharov, những bài văn của ông được xem là sự phân tích sắc bén và lưu loát nhất, phân tích những tai hại mà chế độ cộng sản gây ra cho xã hội và cho con người.
Một trong những bài văn này, mang tên “Quyền lực của người không quyền lực,” viết năm 1978, khởi đầu bằng một câu nhại của bản Tuyên ngôn Cộng sản: “Một bóng ma đang ám ảnh Ðông Âu: Bóng ma của cái mà phương Tây gọi là ‘phản biện.’”
Trong bài văn đó, ông phân tích điều mà ông gọi là “nền độc tài của nghi thức” – thế giới cộng sản cằn cỗi dưới thời Leonid Brezhnev – và tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi chỉ cần một người bán rau tự quyết định không treo các biểu ngữ cộng sản nữa mà tự “sống với sự thật” và chợt tìm thấy “sự tự trọng bấy lâu bị đè nén.”
Sự đè nén không phải là lạ đối với Havel, là vì chính ông cũng bị đàn áp nhiều lần.

Sinh ngày 5 tháng 10, 1936, ở Prague, trong một gia đình giàu có và sau đó tài sản bị cộng sản tịch thu năm 1948, Havel không được đi học, cuối cùng phải học lớp đêm và khởi nghiệp trong kịch nghệ với nghề chạy việc vặt.
Năm 1977, ông đồng tác giả bản tuyên ngôn nhân quyền mang tên Hiến Chương 77, được thế giới để ý.
Ông bị bắt giữ nhiều lần và bị giam 4 năm trong tù. Những bức thư ông viết cho vợ ông, “Thư gửi Olga,” trở thành một tác phẩm nổi tiếng.
Tháng 8, 1988, kỷ niệm 20 năm cuộc xâm lăng của khối Warsaw, hàng ngàn người, hầu hết thanh niên, tuần hành quan đường phố trung tâm Prague, hô tên ông Havel và tên của người hùng của ông, triết gia Tomas Garrigue Masaryk đồng thời là tổng thống đầu tiên Tiệp Khắc sau khi lập quốc năm 1918.
Ông bị bắt đầu năm 1989 tại một cuộc biểu tình khác và phiên tòa xử ông gây phẫn nộ trong nước cũng như phản ứng mạnh mẽ ở ngoại quốc. Bị áp lực quá nặng, chính quyền cộng sản thả ông ra vào tháng 5.
Tới mùa Thu năm đó, chế độ cộng sản bắt đầu rơi rụng khắp Châu Âu. Tháng 11, bức tường Berlin sụp đổ. Tám ngày sau đó, công an cộng sản đàn áp đẫm máu một cuộc biểu tình của sinh viên Prague.
Ðó là dấu hiệu mà cả nước Tiệp Khắc mong đợi. Nội trong 48 tiếng, một phong trào chống đối mới được lập ra, và ngày hôm sau, hàng trăm ngàn người dân Czech và Slovak tràn xuống đường biểu tình.
Sau 3 tuần, chế độ cộng sản sụp đổ. Quân đội Liên Xô rút khỏi Tiệp Khắc, và ngày 29 tháng 12, 1989, Havel được bầu làm tổng thống, do chính Quốc Hội lúc đó vẫn còn cộng sản bỏ phiếu.
Ba ngày sau, phát biểu trên truyền hình nhân ngày đầu năm mới, Havel tố cáo chính quyền cộng sản: “Từ một dân tộc tài năng và tự chủ, chế độ này biến chúng ta thành những con ốc tí hon trong một guồng máy khổng lồ và tối tăm.”
Tới năm 1992, khi Tiệp Khắc sắp sửa bị phân đôi, ông tự cho đó là thất bại của cá nhân và từ chức. Tuy nhiên, ông vẫn được nhiều người ủng hộ và sau đó được bầu làm tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Czech.
Năm 1996, bà Olga Havlova vợ ông qua đời vì ung thư. Cuối năm đó, ông phải mổ cắt bỏ một phần ba lá phổi bên phải vì một cục bướu dài 15mm. Ông bỏ hút thuốc, và sau đó lấy bà vợ hiện nay, Dagmar Veskrnova, một diễn viên dưới ông 20 tuổi.
Ông rời chức vụ tổng thống năm 2003, 10 năm sau khi Tiệp Khắc chia đôi và chỉ vài tháng trước khi cả hai nước gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Trước đó, năm 1999, Cộng Hòa Czech đã tham gia vào NATO khi ông còn tại chức.
Tổng Thống Obama phát biểu về ông Havel, “Cuộc đấu tranh ôn hòa của ông làm lung lay nền móng của cả một đế quốc, lột trần sự trống rỗng của một lý tưởng đàn áp, và chứng minh rằng sự lãnh đạo bằng đạo đức mạnh hơn bất kỳ một vũ khí nào.”
“Không một ai trong thế hệ của tôi có thể quên được những hình ảnh từ quảng trường Wenceslas hai thập niên trước đây,” Thủ Tướng Anh David Cameron nói. “Havel dẫn dắt người dân Tiệp ra khỏi độc tài. Và ông giúp mang tự do dân chủ đến cho toàn bộ châu lục chúng ta.”
Bà Nancy Reagan, quả phụ Tổng Thống Ronald Reagan, nói: “Vaclav Havel tin vào tự do, và có can đảm nói lên sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản. Ông sẽ mãi mãi là người hùng của Cộng Hòa Tiệp và của những người yêu tự do khắp thế giới.”
@NguoiViet