Đặng Thân tin ‘người trẻ sẽ thay đổi văn hóa đọc’

Dương Tử Thành thực hiện

Một cuốn tiểu thuyết khôn giống nhũng gì người ta vẫn hình dung về…tiểu thuyết của tác giả Dặng Thân vừa ra mắt bạn đọc.Với “3.3.3.9 [ Những mảnh hồn trần  ]”,Đặng Thân cho biết, anh chỉ muốn chứng minh :Viết tiểu thuyế rất dễ.

– Với anh, khi bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết thì điều gì là quan trọng nhất?

– Một vài ý nghĩ gây hưng phấn. Sáu tháng hay một năm sau mà ý nghĩ ấy vẫn ám ảnh thì chắc rằng đó là cuốn sách phải viết.

Nhà văn Đặng Thân.

– Ở “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]” người đọc thấy Đặng Thân đã rất nỗ lực trong việc cách tân, anh muốn trình một cách viết tiểu thuyết mới hay điều gì khác?

– Gốc của vấn đề là tôi chưa từng muốn viết một cuốn sách nào giống ở đâu cả. Nếu tất cả đều cách tân thì chắc rằng tôi sẽ viết kiểu cổ đại. Xin lỗi, câu trả lời ấy tuy nghiêm túc mà cũng có thể như đùa. Có một sự thật là tôi có mong muốn chứng minh âm thầm: viết tiểu thuyết dễ lắm các bạn ạ. Hãy viết về bất cứ cái gì bạn thích. Nếu các bạn thích đọc quyển sách này thì chắc rằng bạn sẽ viết được ngay. Tôi tin là ai cũng viết được tiểu thuyết, nếu muốn viết.

– Với cách kể nhiều ngôi, cách sắp đặt và bầy binh bố trận của sân khấu, tác giả như một vị đạo diễn và chính tác giả cũng là một diễn viên… như vậy liệu có quá tham lam?

– Tôi biết trên thế giới và cả ở Việt Nam có những đạo diễn luôn kiêm diễn viên. Anh hãy tìm câu trả lời từ họ xem sao. Còn về cái sự tham lam thì cũng có lúc tôi thấy mình vô đối.

– Tính tương tác là điểm nổi bật mà tác giả “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]” hướng đến, anh nghĩ thế nào về yếu tố này trong đời sống văn học hiện nay?

– Cực kỳ quan trọng. Trong đời sống văn học hiện nay có quá nhiều cuốn sách không tương tác với bạn đọc và đời sống, việc ấy đẩy sách xa khỏi người. Tương tác thì văn học mới giúp con người sống thăng hoa, con người mới đẩy văn học “lên ngôi”.

– Ở “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]”, người đọc cảm thấy trong tiểu thuyết của anh có đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, và rồi trước quá nhiều thông điệp, họ không biết anh định nói điều gì?

– Tôi định đưa ra nhiều thông điệp, đó là câu trả lời rồi.

– Anh chủ định xây dựng “3.3.3.9” thành “ngôi nhà có nhiều cửa sổ”?

– Đó chính là một phát hiện của anh.

– Theo anh, điểm khác biệt giữa một cuốn tiểu thuyết lưu hành trên mạng với một cuốn tiểu thuyết “giấy trắng mực đen” là gì?

– Cuốn sách trên mạng không được người đọc sờ mó và ngửi. Sách in thì khi đi xa không mang theo được nhiều, lại tốn chỗ.

Trang bìa cuốn sách.

– Những comment của bạn đọc khi anh post từng phần của tiểu thuyết chia sẻ lên blog và sau này được đưa vào sách có ý nghĩa thế nào đối với tác giả?

– Trước hết, đó là phản ánh trung thực nhất về nhận thức và cảm xúc của những người đọc đương thời nhiệt thành nhất. Thứ hai, tôi tri ân họ nên tôi thấy trách nhiệm phải đưa vào sách. Tôi không muốn lời của những độc giả đích thực bị trôi theo sóng nước như công lao dã tràng. Vả lại, rõ ràng diễn đàn của các comment đã tạo ra một kênh thông tin sinh động, không dễ gì một nhà văn có thể tưởng tượng ra được. Nó tạo ra “cõi thực” trong “cõi hư cấu”. Và đó cũng như một nhịp nghỉ thư giãn trước khi người đọc đọc tiếp chương sau của cuốn sách được coi là khá “nặng”.

– Những độc giả quan tâm và có phản ứng tích cực với “3.3.3.9″ của anh là người trong nước hay người Việt ở nước ngoài?

– Phần lớn họ là người trong nước. Chắc rằng không ai ngờ trong nước ta đang có những độc giả “khủng khiếp”. Họ rất trẻ mà đã rất thạo ngoại ngữ và đọc thiên kinh vạn quyển. Tôi học từ họ nhiều. Sự cổ vũ mãnh liệt của họ làm tăng nhiệt huyết cho người viết ghê gớm. Tôi tin ở lớp người trẻ giàu tri thức ấy, họ sẽ làm thay đổi văn hóa đọc.

– Một mớ thông tin, tư liệu khổng lồ được anh “tiêu” không tiếc tay khiến cho người đọc choáng ngợp và thầm phục cái sự đọc và trí nhớ siêu phàm của tác giả, nhưng rồi họ cũng băn khoăn tự hỏi, không biết Đặng Thân tiêu pha theo cách của một triệu phú hay của một… trọc phú?

– Sự thật nói rõ hơn lý sự: hiện nay tôi còn dăm bản thảo chưa in (cái nào cũng nhiều “thông tin” hơn cái “này”), và ít nhất dăm cái nữa còn đang ở trong “lọ mực”. Thực ra trí nhớ tôi hiện nay không tốt lắm, có lẽ các con chữ tự chúng có đời sống độc lập, và tự phát triển. Tại sao chúng phát triển trong tôi thì cũng chưa rõ.

Anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết?

– Tôi không có quan niệm gì. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là tiểu thuyết thì dài, cho nên đây là đất để trình diễn mọi chiều kích của trí tưởng tượng một cách dài hơi nhất, vô biên nhất, “lắm lời” nhất, ngóc ngách nhất.

– Viết xong “3.3.3.9” anh có thấy hài lòng?

– Vâng, rất hài lòng khi vừa viết xong. Bây giờ đã sau ba năm rưỡi, tôi đã mất hài lòng không ít.

– Anh sẽ vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết theo “phong cách Đặng Thân” chứ?

– Tôi còn chưa rõ cái phong cách ấy lắm. Tôi vẫn đang viết, nhưng cũng có thể sẽ không viết nữa. Tóm lại là tôi không nghĩ gì đến ngày mai cả.

Đặng Thân hiện dạy học tại Hà Nội. Anh có nhiều sáng tác bằng tiếng Anh đã được xuất bản tại Mỹ, một số tác phẩm của anh được in trên các tạp chí văn học như Wordbridge, The Writers Post, Beehive hay trong tuyển tập Blank Verse. Đặng Thân có lối viết độc đáo trong nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và tiểu luận. Tháng 12/2008, Đặng Thân cho ra mắt tác phẩm Ma Net gồm 12 truyện ngắn, trước đó một số truyện đã được tác giả đưa lên blog và các tạp chí mạng trước khi xuất bản. Ma Net đã nhận được nhiều quan tâm từ độc giả và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như những bình luận nhiều chiều của các nhà chuyên môn.

@E-Van

“Doping quyền lực” và “tham số nhân cách” đã tạo ra sự lùm xùm của các cuộc thi

Hỏi chuyện nhà thơ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

nhà văn, đạo diễn Đỗ minh Tuấn

Có thể nói, các cuộc thi văn chương nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là cái ổ vi khuẩn văn hóa lớn gắn liền với thói sỹ diện háo danh và bệnh loạn chuẩn trong căn cốt người Việt. Những vụ việc lùm xùm diễn ra ngày càng nhiều trong các cuộc thi gần đây có nguyên nhân sâu xa từ một thứ “doping quyền lực” tiềm ẩn trong phương cách quản lý, mặt khác, có nguyên nhân trực tiếp từ một thứ “tham số nhân cách”, bộc lộ sự xuống cấp nhiều mặt của con người và văn hóa Việt Nam – Nhà thơ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã chia sẻ về thực trạng thi cử và xét giải văn chương nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay trong một lần làm khách mời của VHNA.

PV – Thưa anh, là một nhà văn và một nghệ sỹ đã từng tham dự nhiều cuộc thi và đoạt rất nhiều giải thưởng cao thuộc các lĩnh vực khác nhau như thơ ca, tiểu thuyết, điện ảnh và âm nhạc, đồng thời cũng là một người viết có quá trình quan sát đời sống văn chương nghệ thuật nước nhà trong mấy thập kỷ qua, anh có suy nghĩ gì về những lùm xùm diễn ra trong các cuộc thi và các cuộc xét giải thưởng gần đây? Đâu là nguyên nhân sâu xa của những vụ việc này?
Đỗ Minh Tuấn – Có thể nói tất cả các cuộc thi của người Việt Nam hiện nay đều thể hiện hai đặc tính văn hóa ăn sâu trong căn cốt người Việt là thói sỹ diện hám danh và sự loạn chuẩn. Sự loạn chuẩn, phi chuẩn thì đã được mã hóa trong truyện Trạng Quỳnh mà tôi đã có dịp phân tích trong bài viết “Giải mã chiêu thức của Trạng Quỳnh”. Thói sỹ diện hám danh “con gà tức nhau tiếng gáy” thì GS Phan Ngọc đã tổng kết thành một trong 4 đặc điểm văn hóa của người Việt là sự quan tâm đến TỎ QUỐC, GIA ĐÌNH, THÂN PHẬN VÀ DIỆN MẠO. Thi là cách cải thiện diện mạo trước cộng đồng, cũng là cách đổi thay thân phận. Một số cuộc thi còn gắn liền với gia đình như thi để làm quan thời xưa, hay gắn với Tổ quốc như thi đối đáp khi đi sứ sang Tàu. Nhìn chung, các cuộc thi là nơi người Việt ký thác nhiều căn tính văn hóa vừa hay vừa dở, hay thì ít, dở thì nhiều.
Nói một cách công bằng thì trước đây các cụ ta thi cử rất nghiêm chỉnh, sòng phẳng, các kết quả đều phản ánh thực lực, tài năng. Trong lĩnh vực thể thao giải trí như các trò chơi thi ăn mía nấu cơm, thi thả chim, chọi gà…trong Hội làng đều diễn ra trung thực trước sự chứng kiến của người xem, không thể có sự sắp đặt hay gian lận nào. Ngày nay trong thể thao, kể cả chọi gà, đua ngựa, đua chó cũng có thể có sự dàn xếp, bán độ hay sử dụng doping. Sư thương mại hóa các cuộc thi đã phát huy những mặt xấu trong căn cốt dân tộc, khiến cho các cuộc thi từ địa phương đến TƯ hiện nay đều có vấn đề. Dù được diễn ra âm thầm trong các cuộc họp kín hay diễn ra sôi động công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chỉ có các quan chức ngồi cân chỉnh quan hệ hay “tái cơ cấu đội ngũ” bằng chấm giải (thay thủ lĩnh, thay ngọn cờ, thay đệ tử, thay đầu mối làm ăn…) hay có cả xã hội tham gia nhắn tin sôi động (ủng hộ thần tượng, ủng hộ nhà cung cấp dịch vụ, quật ngã đối thủ…) các cuộc thi đều luôn luôn hàm chứa những bất cập kinh niên về chuẩn mực, về sự thuyết phục của giải, về quan hệ chiều sâu của cộng đồng. Từ những giải nhỏ như cuộc thi thơ ở một địa phương đến các giải thưởng lớn như giải thưởng Nhà nước (GTNN) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM), tất cả đều bộc lộ ít nhiều sự nhếch nhác, xuống cấp của văn hóa Việt, nhân cách Việt, sự rạn nứt phân hóa sâu sắc trong nội bộ cộng đồng người Việt, thói thực dụng văn hóa bất chấp chân giá trị hay cũng có thể coi là một kiểu mù thiêng về văn hóa vì không thấy chân giá trị của văn hóa, hoặc thấy nhưng dẵm đạp lên, không trân trọng tôn vinh như người xưa …
PV-Vậy là theo anh, ngay cả GTNN và GTHCM cũng bộc lộ những khiếm khuyết văn hóa lớn mang tính vĩ mô, gắn với sự xuống cấp nhiều mặt của con người, văn hóa và xã hội hôm nay?
Đỗ Minh Tuấn – Đúng vậy! Việc trao GTNN và GTHCM đã bộc lộ rõ sự loạn chuẩn, sự dàn xếp, sự rối loạn về giá trị trong đời sống văn hóa Việt. Trước đây người ta không nhận ra những thực trạng này, hoặc có nhận ra cũng không dám đặt vấn đề công khai hay kiện cáo ầm ỹ., nhưng đến bây giờ thì xã hội đã bắt đầu soi vào cả GTNN và GTHCM để chỉ ra những bất cập, bất công và ngộ nhận trong các đợt trao giải trước đây.
Bất công loạn chuẩn thì thấy rất rõ. Như việc ba đợt đầu tiên các ngành văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc,…đã được trao hàng trăm GTNN và GTHCM, nhưng ngành điện ảnh với hàng trăm tác phẩm có tiếng vang trong và ngoài nước, hàng trăm liệt sỹ đã hy sinh trong quá trình sáng tác giữa bom đạn chiến trường vẫn không có ai được vinh danh. NS nhiếp ảnh được trao giải thưởng HCM vì một bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nghệ sỹ điện ảnh quay hàng ngàn thước phim lịch sử về Bác lại bị gạt ra khỏi giải. Tác giả sân khấu được vinh danh ngay từ đợt đầu tiên, nhưng tác giả kịch bản điện ảnh lại bị gạt ra. Khi đạo diễn điện ảnh được vinh danh hàng loạt, thì đạo diễn sân khấu vẫn nằm ngoài diện xét giải vì…đã có danh hiệu NSUT và NSND. Thậm chí, đạo diễn NSND Đình Quang không được nhận giải với những vở kịch nổi tiếng như “Bạch đàn liễu”, “Bệnh sỹ”…mà lại được trao giải cho các công trình lý luận không mấy người biết của ông.
“Doping quyền lực” đã chi phối các giải thưởng và các cuộc thi
 
PV- Theo anh, nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng những giải thưởng vinh dự cấp nhà nước như GTNN và GTHCM về văn học nghệ thuật lại được trao một cách tùy tiện, bất công và có thể nói là lộn xộn như vậy? Phải chăng, nhà nước đã không quy định rõ ràng tiêu chí và chuẩn mực cho việc triển khai tổ chức các giải thưởng lớn này?
Đỗ Minh Tuấn – Không hẳn thế! Pháp lệnh về GTNN và GTHCM đã được công bố từ thập kỷ 80, nhưng tình trạng cảm tính, phi chuẩn và loạn chuẩn vẫn luôn chi phối quá trình xét giải và trao giải do các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc này đã không cụ thể hóa một cách chính xác, cụ thể và nhất quán các quy định trong Pháp lệnh. Trong tình hình bất cập về pháp lý đó, việc tổ chức xét giải và trao giải trên thực tế lại bị biến dạng, sai lệch do sự xuống cấp của văn hóa quản lý mà cốt lõi là thói tùy tiện áp đặt bất chấp chuẩn mực.v.v…
Thái độ chuyên quyền độc đoán, thiếu khoa học và dân chủ chi phối mọi quá trình xét giải đã  dẫn đến một thực trạng là các tác phẩm được trao giải thưởng cao quý nhất lại hầu như không ai biết đến, các tác phẩm nổi tiếng hơn lại được trao giải thấp, các tác phẩm làng nhàng chưa được thử thách qua thời gian lại được trao giải cao. Nguyên nhân là thói sống lâu lên lão làng đã chi phối giải. Khi  nghệ sỹ văn nhân chưa có vị trí lão làng thì những tác phẩm xuất sắc nhất của anh ta cũng chỉ được trao GTNN là cùng, dù so với tác phẩm được trao GTHCM của các bậc lão làng thì những tác phẩm này hay hơn, nổi tiếng hơn. Đến khi các bậc lão làng thế hệ trước qua đời, các văn nhân nghệ sỹ thế hệ sau trở thành lão làng mới, nằm trong tầm ngắm của GTHCM thì họ lại chẳng có tác phẩm nào hay. Đành phải vơ bèo bọt tép trao GTHCM cho những tác phẩm họ mới viết, chưa ai biết đến. Vậy là cái tư duy sống lâu lên lão làng và cơ chế sắp xếp giải bằng các biện pháp mang tính quyền lực áp đặt thông qua các biện pháp dân chủ hình thức đã đưa đến một hệ thống giải thưởng có diện mạo giống như người ngoài hành tinh – đầu thì to đùng mà thân thể thì bé tý.
Khi giải thưởng cao nhất đã mang dáng dấp của sự chia phần, cấu tạo và áp đặt mà xã hội không dám phản ứng thì đó là một phản chuẩn mực chi phối ngầm tất cả các cuộc thi và các giải thưởng khác như một thứ “doping quyền lực” bị lạm dụng trong các cuộc thi tài. Biểu hiện cụ thể của thứ doping này là mua phiếu, vận động hành lang trắng trợn, tung tin thất thiệt, kiện cáo gây sức ép tùm lum hay cạnh tranh dìm hàng trên báo chí, tạo ra các xảo thuật hòm phiếu để nhân danh trách nhiệm định hướng quản lý lái kết quả bầu chọn, bỏ phiếu vào những kết quả mang tính lợi ích nhóm. Nếu không có quy chế chấm thi và bỏ phiếu kín một cách rõ ràng, khoa học, thì việc bỏ phiếu kín cũng bị lũng đoạn chi phối bởi những “tham số nhân cách” mà ta không để ý hay không nhận thấy.
Tham số nhân cách và các thủ thuật nhìn xuyên hòm phiếu
PV – “Tham số nhân cách” là gì vậy? Anh có thể cho ví dụ cụ thể về sự chi phối của tham số này trong quá trình bỏ phiếu?
Đỗ Minh Tuấn – “Tham số nhân cách” là khái niệm tôi đặt ra để chỉ một đối tượng tâm lý chi phối hành vi con người trong môi trường tự do, không có chuẩn mực và quy chế cụ thể ràng buộc. Chẳng hạn, khi ngồi trước mâm cơm, ai gắp bao nhiêu lần, gắp cái gì trước cái gì sau tất cả phụ thuộc vào ý thức về chuẩn mực văn hóa trong chiều sâu nhân cách từng người. Kẻ ăn tham sẽ liên tục gắp thức ăn ngon nhất cho mình, dù việc sử dụng tự do của anh ta có làm phương hại thiệt thòi đến những người cùng mâm. Đó là tham số nhân cách đã tham dự vào hành vi của anh ta, tạo nên một bữa ăn kẻ no người đói, tóm lại là vô văn hóa, bất công, mặc dù anh ta chẳng vi phạm bất cứ một quy định thành văn nào cả.
Trong việc bỏ phiếu chọn lãnh đạo hay chấm thi cũng vậy, những người bình thường thì cho điểm chênh nhau vừa phải đối với các tác phẩm ứng viên, vì đã vào chung khảo rồi thì chênh nhau chút ít thôi, chứ đâu phải chênh nhau một trơi một vực. Nhưng những người bị tham số nhân cách “lợi ích nhóm” chi phối họ có thể cho những người cánh hẩu điểm tối đa, và cho người ở phe nhóm đối thủ điểm số tối thiểu, nghĩa là có thể cho một người điểm 10 và người khác điểm 1, chênh nhau tới 8, 9 điểm nếu như quy chế chấm giải không giới hạn số điểm chênh lệch giữa các ứng viên. Khi cộng điểm vào, dù họ là thiểu số, cách cho điểm quyết liệt này sẽ chắc chắn sẽ đưa đến thắng lợi cho phe nhóm họ.
Năm 1996, khi phát hiện ra nguy cơ “tham số nhân cách” của BGK sẽ chi phối kết quả LHP Quốc gia theo hướng bè cánh, TS Trần Luân Kim dã phải dùng bàn tính thực hiện ngay một ví dụ cho ông Nguyễn Đức Bình Trưởng Ban chỉ đạo LHPQG lần thứ 11 thấy rõ khả năng chỉ cần hai người bỏ phiếu theo lối phe cánh quyết liệt thì số điểm của họ dồn cho một phim nào đó sẽ cao hơn số điểm của 9 thành viên BGK bỏ phiếu khách quan. Phát hiện đó đã làm ông Nguyễn Đức Bình giật mình và ra quy chế quy định các điểm chấm cho các phim vào chung khảo không được chênh nhau quá 2 điểm. Chính quy định này đã hạn chế sự chi phối của tham số nhân cách vào quá trình bỏ phiếu, đem đến một kết quả tương đối khách quan.
Khi một xã hội thực hiện các yêu cầu khoa học, dân chủ một cách hình thức thì luôn luôn xuất hiện các xảo thuật hòm phiếu, các thủ thuật tổ chức để nhìn xuyên hòm phiếu, mở hòm phiếu ngay trước khi bầu theo các kiểu khác nhau (như bàn bạc tạo đồng thuận, tổ chức thằm dò nắm trước tình hình để tìm cách điều chỉnh[…].v.v..). Tất cả những cung cách xét giải và trao giải đó thể hiện một văn hóa quyền lựcvăn hóa phe nhóm phổ biến, chi phối các cuộc thi, các đợt xét giải, tạo ra những két quả quái dị, thậm chí kinh dị, gây bức xúc kiện cáo phê phán chê bai ầm ĩ trong dư luận và trên báo chí. Mặt khác, một tham số nhân cách kiểu khác cũng tác động rất mạnh vào diễn biến các cuộc thi, đó là thói vĩ cuồng của các “vĩ nhân tỉnh lẻ” với những hành vi gây sức ép không có điểm dừng đã gây ra những vụ lùm xùm như vừa diễn ra với giải thưởng Hồ Xuân Hương gần đây. Thậm chí có người còn muốn nổi tiếng kiểu đốt đền bằng cách gây nên các sự việc lùm xùm trong các kỳ giải thưởng. Vì vậy, muốn cải thiện bộ mặt nhếch nhác lem luốc của các giải thưởng, các cuộc thi, việc cốt tử là phải cách mạng văn hóa quản lý để xóa sổ kiểu quản lý áp đặt, hình thức chủ nghĩa, […]. Mặt khác, cần có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thói kiêu binh vĩ cuồng của những người ảo tưởng háo danh.
Sự “liu điu hóa” các giải thưởng văn chương nghệ thuật?
 
PV- Nhiều người cho rằng những giải thưởng của các cuộc thi văn chương nghệ thuật hiện nay không “hoành tráng” và gây tiếng vang như các cuộc thi ngày xưa. Chẳng hạn, cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ thời chiến tranh đã phát hiện ra một Phạm Tiến Duật, một Nguyễn Duy lừng lững đến tận bây giờ, còn các cuộc thi gần đây thì các giải Nhất hầu như chẳng ai nhớ nữa? Sự xuống cấp đó bản chất là gì?
Đỗ Minh Tuấn –  Các cụ nói rồi, “Con rồng lại đẻ ra rồng/Liu điu lại đẻ ra dòng liu điu”. Trước đây, các vị giám khảo như Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên…là những con rồng trên bầu trời văn chương nên họ hào phóng tự tin phát hiện các tài năng đích thực. Sau này, các thi sỹ thuộc dòng giống liu điu ngồi ghế BGK, họ sẽ chỉ chọn ra các tài năng liu điu mà thôi! Họ không thể chọn rồng vì nhiều lẽ. Họ nghĩ rằng những đám rồng nhơn nhơ trên trời kia không thể có giá trị hơn loài liu điu trong ao làng gần gũi và thân thiết, những con liu điu gắn bó với cuộc đời nghèo khổ của nhân dân.
Vậy là cái chuẩn văn chương nghệ thuật đỉnh cao bị đánh tráo hồn nhiên bằng cái chuẩn tình đời, tình người, mở đường cho các đại diện của văn nghệ quần chúng chiếm lĩnh các ngôi vị cao trong lâu đài văn chương nghệ thuật. Đó là cốt lõi của quá trình mini hóa, xoàng xĩnh hóa, tầm thường hóa của các giải văn chương nghệ thuật thời nay. Ngay cả tên giải người ta cũng chuyển thành A, B, C chứ không để Nhất, Nhì, Ba như xưa. A, B, C là hệ giá trị tem phiếu, hệ phân loại học sinh, cán bộ. Nhưng việc chuyển tên giải thành A, B, C có vẻ như một phương cách “dìm hàng” của thế hệ đi trước với các thế hệ sau. Họ đã được cha anh trao cho giải Nhất, Nhì, nay họ không muốn san sẻ cho các thế hệ sau để mình trở thành những con khủng long văn nghệ cuối cùng trong lịch sử? Muốn thoát khỏi tình trạng liu điu hóa giải thưởng , cần chọn người lãnh đạo có thực tài, có bản lĩnh tự tin, dám khẳng định người có tài một cách đàng hoàng, mạnh mẽ.
PV-Xin cám ơn anh!
Vĩnh Khánh thực hiện
@VanhoaNgheAn

Kinh tế : Điểm nóng Giá điện: Không để EVN tự tung tự tác

Tác giả: Trần Thuỷ

 Xăng dầu, nước sạch, thậm chí vé xe buýt, vé trông giữ xe máy… đều thuộc diện nhà nước quản lý. Vì thế, giá điện không thể trao quyền tự quyết giá điện cho DN.

Mỗi quý tăng giá 5%?

Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế khi nhận được thông tin EVN bất ngờ công bố tăng giá điện với một thông báo ngắn gọn, thời gian thực thi có một ngày. Các chuyên gia nhấn mạnh, với một mặt hàng quan trọng như điện và lại đang kinh doanh độc quyền thì không nên trao quyền tự quyết cho DN.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, không nên để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như những ngành nghề độc quyền, mang tính xã hội có quyền quyết định tăng giá. Chỉ cần 10 lần tăng 5% thì mức tăng sẽ là 50% và như vậy giá điện có còn hợp lý?

Bà Phạm Chi Lan cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng một mặt hàng quan trọng như điện thì không nên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp với bất cứ tỷ lệ % nào.

“Nếu lần này điều chỉnh tăng 5% êm thấm thì rất có thể là khởi đầu cho những lần tăng khác. Rồi theo cơ chế đựoc phép hiện nay, nếu mỗi quý EVN tăng 5% thì cộng lại, mức tăng sẽ như thế nào?”, bà Lan lo lắng.

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nếu kinh doanh điện đã có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, trong đó có nhiều người bán, thì EVN có muốn tăng giá điện cũng phải nhìn ngó các nhà cung cấp khác. Nếu tự ý tăng giá cao hơn, người tiêu dùng sẽ không mua điện của EVN nữa mà chuyển sang mua của nhà cung cấp khác, vì vậy việc quyết định tăng giá dù có muốn và có quyền tự quyết cũng khó có thể thực hiện được.

Thay vào đó để có thể cạnh tranh, buộc EVN phải đánh giá lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, xem xét lại  cơ cấu giá thành, rà soát các chi phí hoạt động… đặt ra những câu hỏi như vì sao phải tăng giá bán điện, tăng giá như vậy có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, sự tồn tại của DN… và tìm lời giải ngay lập tức. Khi phát hiện ra các bất hợp lý làm đội giá thành sẽ phải đưa ra giải pháp điều chỉnh để tránh tăng giá sản phẩm nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nay điện vẫn là thị trường độc quyền chỉ có 1 người bán duy nhất là EVN. Điều ai cũng hiểu là khách hàng không mua điện của EVN không thể mua của người khác được. Vì vậy có thể nói EVN muốn làm gì mà chẳng được.

Tăng giá: Chiếc phao cứu thua lỗ

Báo cáo kiểm toán vừa qua của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ là 49.996 tỷ đồng. Vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận rất thấp, chỉ đạt 541,5 tỷ đồng, tính ra chỉ ở mức 1,08 %, thấp hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Yêú kém nhất trong đầu tư của EVN là vào lĩnh vực viễn thông với những khoản lỗ trầm trọng lên đến 1.057,7 tỷ đồng.

Kinh doanh yếu kém, nhưng thu nhập của nhân viên ngành điện lại cao ngất. Thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng, khối phân phối điện 7,9 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT), năm 2010 có lãi tới 11.200 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin),  năm 2010 lãi hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân của người lao động chỉ ở mức khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Các công nhân mỏ tay nghề cao mới đạt mức lương trên 8,5 triệu/tháng.

Các nhân viên trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Than khoáng sản nhiều người cũng phải làm việc vất vả không kém gì nhân viên EVN thậm chí còn hơn như công nhân mỏ luôn phải làm việc trong môi trường hầm lò, độc hại.

Chỉ có thể kinh doanh trong thị trường độc quyền thì EVN mới làm ăn kiểu như vậy. Vào môi trường cạnh tranh với kết quả kinh doanh như trên chắc chắn EVN khó có thể tồn tại.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc trao cho EVN quyền tự quyết về giá, có thể tăng giá điện 5% mà không cần xin phép Chính phủ, không khác gì quăng ra một cái phao cho họ bấu víu, không bao giờ bị chết chìm mà chẳng cần tự bơi.

Chắc chắn EVN sẽ chẳng cần phải làm ngay những công việc mang ý nghĩa sống còn đối với DN như tinh gọn bộ máy nhân sự, cắt giảm các công đoạn thừa, loại bỏ các chi phí không cần thiết, tránh đầu tư bừa bãi và thiếu hiệu quả, thậm chí cũng chẳng vội tìm giải pháp hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng vốn đang cao nhất khu vực, để làm giảm giá thành và không phải tăng giá bán.

Tất cả mọi chi phí cứ việc chuyển vào giá, thua lỗ lại tăng giá. Mỗi quý 1 lần tăng 5%, với 10 lần như vậy là bù đắp đủ mọi thua lỗ.

Tất cả chuyển sang khách hàng gánh chịu mà chẳng cần phải lo lắng bởi làm gì có đối thủ cạnh tranh. Chỉ có điều làm như vậy thì giá điện ngày một tăng cao. Giá điện cao sẽ được tính vào giá thành các sản phẩm, giá thành tăng làm lạm phát tăng, sản xuất và tiêu dùng cũng như đời sống xã hội thêm khó khăn.

Các chuyên gia kiến nghị không thể trao quyền tự quyết về giá một mặt hàng rất quan trọng với kinh tế xã hội đất nước cho 1 DN kinh doanh yếu kém như EVN vốn lại đang độc quyền, bởi như vậy rất không an toàn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt hơn việc tăng giá này. Lộ trình tốt nhất cho EVN và cho các ngành độc quyền khác là phải kiểm soát. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Nhà nước cần phải kiểm soát từng mức tăng một.

Nếu chưa có cơ chế tăng giá hợp lý, công khai, Nhà nước phải kiểm soát hết. Còn nếu có công thức tính giá và mọi thứ đã minh bạch thì doanh nghiệp được tăng theo các yếu tố khách quan và phải có giải trình, giải thích một cách minh bạch.

@VEF.VN