Cuối tuần đọc thơ tình

Rắc Bướm Lên Hoa

Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng rắc ta vào nàng
Ai đem nhuộm lá cho vàng
Nhuộm đời cho bạc cho nàng phụ ta

Nguyễn Bính

Tương Tư

Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia…

Nguyên Sa

Xa Cách

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy anh đừng yêu em

Nguyễn Bính

Cách đối xử của người Mỹ với cựu thù Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến

Nước Nhật tuyên bốđầu hàng

Người Nhật dù bại trận nhưng vẫn không để mất tinh thần võ sĩ đạo samurai, lòng yêu nước và lòng tự trọng của dân tộc.  Trước khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Nhật và Mỹ vẫn còn là hai nước kẻ thù không đội trời chung. Trong 4 năm chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương, đã làm cho người Mỹ hy sinh khoảng 360, 000 binh sĩ và nhiều vết thương khác, nhưng điều đó không làm cho họ nuôi mối thù với người Nhật sau khi chiến tranh chấm dứt.

Hai quả bom nguyên tử rớt xuống Hiroshima và Nagasaki đã làm cho 150, 000 người chết ngay lập tức, nhưng không vì thế mà người Nhật nuôi mối căm hờn. Trái lại cả người Mỹ và người Nhật cùng hợp tác để xây dựng lại một nước Nhật từ đống tro tàn.  Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiến hạm Missouri, đại diện của các nước Đồng Minh và chính phủ Nhật Bản chính thức ký văn kiện đầu hàng. Sau khi ký xong, đại diện của Đồng Minh là tướng MacArthur đọc bài diễn văn ngắn gọn, nhưng chứa đựng tất cả tinh thần cao thượng của người Mỹ, ông kết bài diễn văn như sau: “Đây là hy vọng thiết tha nhất của tôi, và thật sự cũng là hy vọng của toàn thể nhân lọai, rằng từ sự kiện trang nghiêm này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện ra từ máu và sự chém giết nhau trong quá khứ – một thế giới sẽ phục sự cho nhân phẩm con người và để hòan thành ước nguyện cao cả nhất cho Tự do, Lòng bao dung và Sự công bằng. ”. (It is my earnest hope, and indeed the hope of all mankind, that from this solemn occasion a better world shall emerge out of the blood and carnage of the past – a world dedicated to the dignity of man and the fulfillment of his most cherished wish for freedom, tolerance and justice).  

MacArthur không phải chỉ nói như thế để xoa dịu nỗi đau khổ của người Nhật lúc đó, hay vì phép lịch sự của một nhà ngoại giao, mà ông nói thật lòng mình. Gần 6 năm cai trị nước Nhật đã chứng minh rằng ông không phải chỉ làm có thế, mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Ông đã giúp cho nước Nhật vượt qua được cơn khốn khó, trở thành một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ và đặt nền tảng cho một cường quốc kinh tế sau này.  

Tướng MacArthur thay mặt cho người Mỹ cai trị từ ngày 15/8/1945 cho đến ngày 11/ 4/1951 với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của các lực lượng Đồng Minh (the Supreme Commander of the Allied Powers), nói là lực lượng Đồng Minh nhưng thật sự là chỉ có quân đội Mỹ. Ngay sau khi đặt chân đến Tokyo, MacArthur ra lệnh cho các binh sĩ dưới quyền ông không được trả thù người Nhật vì bất cứ lý do gì và ưu tiên hàng đầu của ông phải lo cho người dân Nhật qua khỏi cơn đói rách do các hậu quả của chiến tranh. Việc chọn lựa tướng Tướng MacArthur trong vai trò này là một quyết định sáng suốt của Tổng Thống Truman và là một may mắn cho người Nhật.

Trong số tướng lãnh của Mỹ lúc bấy giờ, MacArthur là người có hiểu biết nhiều nhất về văn hóa Nhật Bản, cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua phần lớn ở Á Châu. Chính yếu tố này giúp ông dễ dàng thực hiện các cải tổ cần thiết cho nước Nhật và được người Nhật kính trọng mặc dầu truyền thống của Nhật Bản khó có thể chấp nhận ngoại quốc cai trị mình.

MacArthur là một trong những danh tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Ông tốt nghiệp thủ khoa của trường Võ Bị West Point và cho đến ngày nay chỉ có 2 người tốt nghiệp cao điểm hơn ông. Ông tham gia cả ba trận chiến lớn: Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến và Cuộc Chiến Cao Ly. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông đều thể hiện là người chỉ huy can trường và bản lãnh, nhưng quan trọng hơn thế nữa ông còn là một người Mỹ kiểu mẫu, một người Mỹ mang lý tưởng của tinh thần hào hiệp, cho dù đối với kẻ thù.

Trong 5 năm rưỡi điều hành nước Nhật, MacArthur đã thực hiện những cải cách toàn diện về hành chánh, xã hội, giáo dục, cách thức bầu cử và điền địa (land reform)… Về phương diện kinh tế ông chủ trương một mô hình kinh tế tự do cạnh tranh giống như ở Mỹ và khuyến khích người Nhật tham gia vào thương trường để tạo ra một tầng lớp trung lưu. Hiến pháp mà nước Nhật sử dụng cho đến ngày hôm nay là do MacArthur và bộ tham mưu soạn thảo. Hiến pháp mới này dựa Hệ thống của Anh ( Westminster System). Trong đó những quyền tự do của con người được tôn trọng triệt để.

Hiến pháp này cũng xác định là Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng tinh thần giống như Vua hay Nữ Hoàng của Anh.   Trong thời gian từ 1945 đến 1951, với chương trình viện trợ Marshall, người Mỹ đã đổ vào nước Nhật hàng tỉ đô la, cộng với những ý kiến sáng suốt và những chương trình cải cách thiết thực của Tướng MacArthur – đã để lại một dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng lâu dài đối với nước Nhật. Nhờ vậy chỉ 25 năm sau chiến tranh nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Dĩ nhiên kết quả này phần lớn cũng do sự nỗ lực làm việc, sự hy sinh và tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Một quyết định sáng suốt khác của tướng MacArthur trong giai đoạn này là ông chống lại việc đưa Nhật Hoàng Hirohito ra Tòa Án Quốc Tế như một tội phạm chiến tranh sau khi chiến tranh chấm dứt. Bản án này nếu xảy ra sẽ từ chung thân tới tử hình. Điều này không những chỉ gây một chấn động tâm lý mà còn là một sỉ nhục quá lớn đối với người Nhật. Nhật Hoàng là biểu tượng tinh thần của người Nhật. Phá vỡ biểu tượng này tức là phá vỡ kỹ cương truyền thống và cấu trúc xã hội của nước Nhật đã được gìn giữ liên tục trong suốt mấy ngàn năm.   Cuối cùng sau khi rời khỏi nước Nhật, tướng MacArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nên một nước Nhật hiện đại.

Khi nắm quyền quản trị nước Nhật, MacArthur có tham vọng sẽ biến nước này trở thành một nước Mỹ lý tưởng, một nước Thụy Sĩ của Á Châu. Tham vọng này cuối cùng không thành công trọn vẹn vì người Nhật không muốn để mất hồn tính dân tộc của mình. Một cuốn sách nghiên cứu công phu của học giả Sakaiya Taichi, có tựa là “12 người lập ra nước Nhật”. Theo tác giả, đó là 12 người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với nước Nhật và tác giả sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng của từng người từ 1 đến 12. Đây là một cuốn sách rất có giá trị và cũng rất thích thú để đọc. Có điểm đặc biệt là trong 12 người này, không có một danh tướng có công đánh đuổi ngọai xăm, tạo những chiến tích lẫy lừng hay thống nhất đất nước. Cũng không có vị vua khai quốc công thần, ngay cả Minh Trị Thiên Hoàng (người có công lớn nhất trong cuộc Cách Mạnh Duy Tân) cũng không có tên.

12 người mà tác giả Sakaiya Taichi chọn là những người có công đóng góp về tôn giáo, tư tưởng, là những người đã làm thăng hoa giá trị tinh thần của người Nhật. Họ cũng là những đưa ra những quan niệm về chính trị, kinh tế và xã hội cho nước Nhật mà ảnh hưởng của họ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Trong số này chỉ có một vị tướng và là một người ngọai quốc duy nhất – đó là tướng MacArthur. Đứng thứ 10 trong số 12 người, với các tựa bài là “MacArthur: Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng””. Tôi nghĩ rằng chọn lựa này vô tư và hợp lý và Tướng MacArthur rất xứng đáng được như thế. Tác giả Sakaiya Taichi phân tích tất cả những cải cách của MacArthur đã ảnh hưởng đến nước Nhật và người Nhật như thế nào.

Trong đó cũng ghi lại lời nói của MacArthur: “Nhật Bản sẽ trở thành một nước như Mỹ, nhưng nước Mỹ ở đây không phải là nước Mỹ hiện bây giờ và một nước Mỹ lý tưởng”. Cuối cùng tác giả kết luận như sau: “Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngòai đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm giấc mơ biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng. Những tham vọng của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản cho đến ngày hôm nay”. Sau 6 năm giúp nhiệt tình, đến khi thấy rằng nước Nhật đã “đủ lông đủ cánh” vững vàng về cả 3 phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, người Mỹ và người Nhật ký Hiệp Ước San Francisco ngày 8/9/1951 trao trả độc lập lại người Nhật.

Người Mỹ đã giúp người Nhật vượt qua được cơn khốn khổ và trở thành một quốc gia giàu mạnh, chỉ vì là đồng loại và không phải là thù địch. Đây là nghĩa cử quá cao quý của con người. Đất nước chúng ta cũng đã từng có những cơ hội tương tự nhưng đáng tiếc là chúng ta đã không biết tận dụng cơ hội đó giống như người Nhật, người Nam Hàn, người Đài Loan hay người DoThái…!!!  …   ???

Dân số Việt Nam gần 87 triệu người

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay dân số Việt Nam đang là 86,9 triệu người và mỗi năm tăng 1 triệu.

Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo nhân Tháng hành động quốc gia về dân số ở Hà Nội hôm 30/11 nói tuổi thọ trung bình của người Việt Nam nay là 73, tăng 33 tuổi trong nửa thế kỷ qua.

Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới; mức tăng dân số đang gây áp lực ngày càng lớn lên xã hội và nền kinh tế.

Mật độ dân số ở trong nước là 260 người/km vuông, đứng thứ 13 thế giới.

Tuy nhiên mức tăng dân số ở Việt Nam, nhờ chính sách kiểm soát sinh đẻ, đã giảm mạnh. Năm 2011, mức tăng dân số chỉ còn 1,04%, thấp nhất trong 5 năm qua.

Trung bình mỗi bà mẹ trong tuổi sinh đẻ ở Việt Nam có 1,9 con.

Dù đã hết sức kiểm soát, ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn có thêm 1 triệu dân, tương đương dân số một tỉnh thuộc loại vừa.

Toàn cảnh khủng bố gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ngày 2.12.2011

Vũ Nhật Khuê (danlambao) – Ngày 2.12.2011 lại một ngày ồn ào ở Thôn Phú Quý, xã Tam Phú ngoại ô thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Công an tỉnh của Quảng Nam lại tấn công gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. Chỉ là buổi đến bàn giao quyết định xử phạt hành chính mà gần như là công an thành phố Tam Kỳ, công an tỉnh Quảng Nam cùng “ra quân” đồng loạt y hệt một trận đánh
 Đối tượng kỳ này là một gia đình nổi tiếng vì lòng yêu nước và tinh thần bất khuất bị đàn áp. Họ chẳng có gì ngoài cái máy chụp hình và vài chiếc điện thoại di động. Vậy mà hàng trăm công an, võ nghệ đầy mình đã được huy động để vừa đánh người vừa tranh thủ cướp tài sản tiền bạc của một gia đình nhỏ bé, yếu đuối.
 Công an rải quân từ biển Tam Thanh, công an dày đặc chợ Tam Tiến, công an lớp lớp hàng hàng ken đầy các lối đi ở thôn Phú Quý. Đó là công an mặc đồ công an chứ an ninh mặc thường phục thì không thể biết là bao nhiêu.
 Mục đích của họ là kỳ này đến gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn để “tống đạt” quyết định số 3890 / QĐ- UBND ngày 2.12.2011 do ông chủ tịch tỉnh Quảng Nam tên là Lê Phước Thanh ký.
 Quyết định mới ký buổi sáng ngày 2.12.2011 nhưng từ sáng sớm bà con xã Tam Thanh và Tam Phú đã thấy công an đầy thôn xóm rồi.
 Theo nội dung Quyết Định xử phạt hành chính này thì nói là cha con nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn vi phạm điểm a, khỏan 7 điều 6 của Nghị định 63/ NĐ-CP ngày 10.04.2007 do chính phủ ban hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo đó thì cha con anh Hùynh Ngọc Tuấn lợi dụng công nghệ thông tin để nói xấu đảng và nhà nước, chia rẻ đoàn kết dân tộc và quyết định xử phạt như sau:
 1. Ông Hùynh Ngọc Tuấn nộp phạt 100 000 000 đồng
2. Bà Hùynh Thục Vy nộp phạt 85 000 000 đồng
3. Ông Hùynh Trọng Hiếu nộp phạt 85 000 000 đồng
 Quyết định cũng nêu là cha con anh Huỳnh Ngọc Tuấn phải nộp tại kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Nam trong thời hạn 10 ngày nếu không thì họ sẽ cưỡng chế thi hành.
 Trong Quyết định 3890/ QĐUBND ngày 2.12.2011 thì cũng nêu rõ là anh Huỳnh Ngọc Tuấn là người cầm đầu và lôi kéo các đối tượng khác tham gia.
 Như vậy thì theo quyết định này cha con anh Hùynh Ngọc Tuấn phải đóng tổng cộng là 270 000 000 đồng. Một con số quá lớn với gia cảnh hiện nay của nhà văn. Tiền học cho con, tiền thuốc cho mẹ già còn không có lấy đâu ra số tiền khổng lồ như vậy để nộp phạt.
 Cách “tống đạt” quyết định của công an tỉnh Quảng Nam y như là hành động của kẻ GIẶC cướp. Nhưng có lẽ côn đồ mà có đi cướp của giết người cũng không hành xử quá tệ như công an tỉnh Quảng Nam đã làm tại gia đình ông Hùynh Ngọc Tuấn. Công an đánh phủ đầu chị Hường và chị Hồng, công an tấn công Thục Vy đánh rất đau đớn bằng những đòn hiểm hóc nhưng không để lại dấu vết bên ngoài. Công an tự tiện lục soát cả nhà của mẹ già anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Khi Thục Vy lấy máy ra tính chụp hình thì 3 công an nhào vô đánh tới tấp và cướp luôn máy chụp hình. Công an đem theo 2 máy quay phim vào nhà anh Tuấn quay phim nhưng khi gia đình đem điện thoại di động ra để chụp thì công an nhào vô cướp luôn điện thoại, cấm gia đình anh Hùynh Ngọc Tuấn quay phim, chụp hình, ghi âm. Công an đánh cháu của anh Tuấn tên Lễ và hiện đã bắt giam cháu Lễ.
 Như vậy sau khi huy động toàn bộ lực lượng công an thành phố Tam Kỳ và công an tỉnh Quảng Nam thì họ đã cướp đi 1 máy chụp hình, 6 điện thoại di động của gia đình nhà văn Hùynh Ngọc Tuấn. Theo chị Thu Hồng thì số tiền hơn 3000 USD mà bà con khắp nơi trong và ngoài nước gởi tặng gia đình trong thời gian qua cũng bị công an cướp sạch rồi. Từng dụng cụ trong phòng kể cả băng vệ sinh, đồ phụ nữ cũng bị lục tung bừa bãi.
Rất khó khăn chúng tôi liên lạc với gai đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, nhiều người hàng xóm của gia đình anh vẫn chưa hết bàng hoàng và lo sợ. Những hàng xóm tốt bụng cho hay là nếu không có thần kinh thép chắc gia đình anh Tuấn khó vượt qua. Hiện gia đình anh Hùynh Ngọc Tuấn đang lo lắng cho cháu Lễ bị bắt giam. Và chắc chắn là thứ 2 đầu tuần sau thì gia đình anh Tuấn sẽ lên UBND tỉnh Quảng Nam để khiếu nại cái quyết định xử phạt vô lý này.
Theo một nhân chứng thì hiện nay Thục Vy bị trặc tay rất nặng, bà cụ 85 tuổi mẹ anh Tuấn thì chưa kịp hoàng hồn khi chứng kiến cảnh công an hành hung và tấn công con cháu bà cụ. Chị Hồng và chị Hường thì bầm dập thân thể mình mẩy bị đánh. Trả lời qua điện thoại gọi nhờ thì anh Huỳnh Ngọc Tuấn cho là công an hành xử không thua gì kẻ cướp. Anh phản ứng lại nhưng lúc nào cũng bị 5-6 công an trai trẻ đè xuống. Anh đau lòng và bất lực khi thấy con gái và 2 em gái của mình bị công an đánh đập dã man. Khánh Vy và Trọng Hiếu đi học ở Đà Nẵng nên không bị gì nhưng chắc là tinh thần của 2 em sẽ xuống khi hay tin gia đình bị cướp và bị đánh đập.
 Chúng tôi sẽ theo dõi mọi diễn biến nơi này và kịp thông báo cho quý độc giả tin tức mới nhất.
@Danlambao

Nhạc sĩ Tô Hải – Phấn đấu ký số 80 :VƯỜN RAU ĐẦY SÂU VẪN…SẦU ĐÂY!

Vậy là, cả một vùng rau xanh rộng lớn đang bị đủ loại “sâu” phá hoại bỗng dưng từ…trên Trời xà xuống một đàn chim 500 con đủ loại.. Chèo bẻo, chích chòe, chào mào, sáo sậu, chim cu, chim gáy, chim ruồi, chim…người….Tưởng phen naỳ không sạch hết thì cũng bớt đi được ít con sâu bự….Nào ngờ…

Chim bay đi…chẳng con sâu nào chết! Thậm chí toàn những giọng “hót hay” ngợi ca người trồng rau tài tình, năng xuất mùa này hơn mùa trước, mùa sau hứa hẹn hơn hẳn…mùa này! Nhân dân tha hồ ăn rau rẻ, gấp nhiều lần các nước tư bản?

Cả một vùng rau xanh, sau hai mươi chín ngày “được” đủ loại chim ton hót, múa lượn, bay lên, xà xuống để chẳng bắt sâu mà chỉ đua nhau múa mép những bài ca lạc điệu …

Rồi …trở về các tổ ấm sang trọng để lại cả một vùng rau “tơi bời hoa lá” vì những vết chân chim được nuôi từ “lầu son gác tía” với một thông điệp: “Vườn rau xanh tốt tuyệt vời! Vài chỗ “Tuy Nhiên”, đã giao cho chủ vườn rau…“Tái cơ cấu”!

Xin lỗi những con chim không hót bậy! Nhưng mình không thể hiểu nổi vì sao cả gần 500 con chim không sao phát hiện ra và mổ chết mấy con cú vọ, mấy con ác điểu chuyên xỉa thịt xác người? Cùng lắm là những họa mi, những thiên nga… phải thấy …nhục vì các thứ đồng loại chim Phước, chim Hồng, chim Yến, chim Tâm…chim…mù.., chim…ngọng… mà …một mình bay đi “tìm về tổ ấm” riêng, đỡ nhục lây về cái “ốc đảo kỳ dị” nơi tập hợp được không ít những giống lạc loài, nửa chim nửa chuột, chẳng tồn tại ở bất cứ nơi nào giữa thời đại này, giữa thế giới này!

Đọc đến đây thì hẳn các bạn đã biết mình đang “bức xúc” cái chuyện gì rồi!

Dạ! Vâng! Cái chuyện “cơ quan quyền lực cao nhất” của nước ta mà có một thời mình đã đặt một chút “hy vọng cỏn con” vào nó, với mong muốn nó sẽ phát huy những điều “tích cực cỏn con” của khoá 12 mà sang cái khóa mang số hiệu “13”, rất xui xẻo này sẽ mang đến những thay đổi “không có lợi cho những người đã tạo nên nó!”.

Nhưng không! Nó còn tồi tệ hơn bất cứ khóa nào mà mình đã trực tiếp bầu ra nó từ khóa 1 (1946) đến nay! (trừ khóa 13 này,do được công an khu vực cho phép bà vợ mình bầu thay vì mình không di chuyển được).

Vậy mà…

Ngày bế mạc, ông chủ tịch mới vẫn kết luận thành công “tốt đẹp”…nhiều vấn đề …“nóng bỏng” nhưng vẫn đươc đề cập một cách.. “mát mẻ” (!?) và.. “có văn hóa” (báo chí đã kiểm duyệt cái đoạn “nói chay” này nhưng truyền hình trực tiếp lỡ phát nên 2 cái ý “nóng”- “mát” và “có văn hóa” này đã lọt vào tai cả triệu người nghe!).

Ông cũng kể ra một lô luật đã được thông qua mà báo chí lề phải của các ông cũng phải kêu lên “luật dễ thì thông qua, luật khó thì…xếp lại”. Ví dụ cái luật “Đo Lường”! “Luật Kỷ Yếu”, “Luật lưu trữ” mà bản thân mình cũng phải tự hỏi giống như ông đại biểu bác sĩ-nhà văn đưa ra “Luật Nhà Văn” để rồi… “chẳng hiểu tại sao mà mình đưa ra nữa”???!!!

Theo mình phán đoán, có lẽ có sự mập mờ gì ghê gớm lắm có hại cho việc tính toán “lợi hay bất lợi” cho lợi ích cách mạng xã hội chủ nghĩa đây nếu đo lường theo kiểu tư sản!? Bởi vì:

– Ngay từ thuở ấu thơ, bước vào cấp hai (primaire supérieur) mình đã được học về lịch sử đo lường thế giới….nó phức tạp và khác biệt đến nỗi cãi nhau hoài và có thể tuyệt giao, cắt đứt buôn bán thậm chí cả dẫn đến đe dọa chiến tranh nữa… Do đó, tháng 10/1889 người ta đã phải có “Hội nghị quốc tế về đo lường”.

Họ thống nhất với nhau tỉ mỉ đến mức, ngay ngày đó mình cũng phải…phì cười vì tự hỏi “có ai điên mà đến bảo tàng các dụng cụ đo lường Breteuil (Sèvres) tận bên Pháp để đo cái thước của ông thợ may bên nhà mình nó có thật sự khuýp với cái “thước mẫu” (mètre -étalon) bên ấy chứ!

Vậy mà những chi tiết cực kỳ rắc rối tỉ mỉ để hoàn chỉnh sự thống nhất về đo lường toàn thế giới loài người vẫn cứ tiếp tục được hoàn chỉnh, đỡ cho mỗi nước phải có bộ luật đo lường của riêng mình, đôi khi làm ảnh hưởng đến sự hữu hảo giữa các nước!

Tính cho đến năm 1983, tại Hội Nghị Đo Lường toàn thế giới lần thứ XVII (chẳng biết có đại biểu Việt Nam nào không?), do có những bước tiến bùng nổ về khoa học kỹ thuật, người ta lại càng thấy cả những định nghĩa “mét là 10/1.000.000 của ¼ một kinh tuyến trái đất”(!) hoặc “mét là 2 đường vạch song song trên một tâm platine-irradium đặt tại một nơi… dưới 0 độ C” hình như vẫn có thể bị “du di”, các nhà khoa học còn bầy ra thêm những định nghĩa mà mình, đọc xong, chỉ hiểu lơ mơ vì nó đã vượt qua cái tầm hiểu biết của bản thân! Ví dụ họ định nghĩa cái mét chính xác nhất là cái mét do một cái đèn bắn ra isotope 86 đủ khả năng đo dược vận tốc của ánh sáng….Đọc đến đây thì mình (do dốt đặc) phải thốt lên: “Rỗi hơi! Chẳng biết rồi họ còn bổ xung cho cách đo lường những điều bí hiểm nào nữa đây?” Rõ ràng, với mình thì càng giải thích tỉ mỉ càng khó hiểu và…càng làm mình…rối trí!

Vậy mà, có lẽ không thể theo những “quy ước tư sản”, cái luật đo lường xã hội chủ nghĩa Việt Nam này được bàn bạc kỹ lưỡng từ tổ đến hội trường rồi thông qua một cách long trọng!

Chưa thấy văn bản cụ thể của Luật này nhưng chắc chắn nó phải “tiến bộ gấp vạn lần các thứ quy ước tư sản”!

Còn những “luật kỷ yếu”, “luật lưu trữ” ư? Chắc chắn sẽ không giống ai? Không có cái chuyện bao nhiêu năm thì phải được bạch hóa như các nước không có… Đảng lãnh đạo! Chắc chắn những điều sai trái, những bức thư, công hàm, công văn, những biên bản hội nghị, những tuyên bố…. “hố” …mà Đảng đã không cho dân biết thì sẽ… “bí mật muôn đời với sự tồn tại muôn năm của Đảng“! Luật phải có để bảo vệ những bí mật này là lẽ đương nhiên!

Tuy nhiên, với một lão già bị… “đóng đanh tại gia”, chẳng có căn cứ thực tiễn sống động nào ngoài việc theo dõi đủ thứ báo chí Ta, Tây, Tầu,…trên mạng, thì:

Mỗi kỳ họp Quốc Hội của các ông ấy, mình lại thấy “sáng mắt sáng lòng” ra thêm ….Càng thấy sáng cả đầu, cả óc khi thấy hôm qua, trên Tivi, ông Nghị Phước, sánh vai cùng chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Trần Du Lịch đến báo cáo với “đại cử tri” Quận 1 “t/p mang tên Bác” về những “thắng lợi” mà Quốc Hội đã đạt được! Trông ông Phước – Husein ngồi một cách hiên ngang, oai vệ, và đầy hách dịch hao hao như một … Hồ Cẩm Đào..trên chủ tịch Đoàn mà chẳng một cử tri nào dám chất vấn ông tại sao lại dám phản đối cả đề nghị cuả thủ tướng, phản đối cả..“Bác Hồ muôn vàn kính yêu” về quyền được biểu tình của người dân thì mình lại ngộ ra một điều: “Hết thuốc chữa! Hết thuốc chữa!”

Hẹn trở lại vấn đề bi hài này …3 tháng sau nữa, khi các vị Nghị sĩ Hồng b, Phước b, Yến b, Tâm b .. “đến hẹn lại lên” sân khấu quốc hội mua vui cho đồng chí, đồng bào, nếu mình còn sống sót!