Miến Điện dân chủ hóa hay tự diễn biến?

Chính quyền Miến Điện do Tổng thống U Thein Sein (phải) đứng đầu được cho là đang thay đổi đúng lúc.

Lý Thái Hùng

Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ

Các diễn biến chính trị tại Miến Điện trong những tháng vừa qua phải nói là rất bất ngờ và ngoạn mục.

Từ một hình ảnh độc tài quân phiệt bị thế giới lên án và cô lập trong suốt 20 năm qua, bỗng chốc chính quyền Tổng thống U Thein Sein đã được thế giới ca ngợi là biết thay đổi đúng lúc khi trả tự do cho khoảng 200 tù nhân chính trị trong số 2000 ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ; nới rộng kiểm soát báo chí, công nhận đảng đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử dân biểu quốc hội bổ khuyết tại Rangoon.

Những thay đổi nói trên có vẻ nằm trong sự chủ động của phía chính quyền Miến Điện. Nói cách khác, người ta không thấy những cuộc xuống đường rầm rộ xảy ra ngay trước đó như những diễn biến dân chủ hóa tại Đông Âu, hay Trung Á và Bắc Phi, khởi động bằng các áp lực đấu tranh của quần chúng trên đường phố với hình ảnh xuống đường biểu tình của hàng trăm ngàn người.

Tại Miến Điện, những hình ảnh xuống đường biểu tình rầm rộ của quần chúng có xảy ra nhưng từ nhiều năm trước như cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên tại Rangoon vào năm 1988, hay cuộc xuống đường của Tăng Ni năm 2007; cả hai cuộc biểu tình đòi dân chủ đều bị đàn áp đẫm máu và bị công luận thế giới lên án nặng nề.

“Việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành một số bước dân chủ hóa như hiện nay phản ảnh khuynh hướng thay đổi của tập đoàn tuớng lãnh, chứ không chỉ riêng gì Thein Sein, và đến từ hai áp lực chính”

Nếu diễn biến dân chủ hóa xảy ra ở Đông Âu, Trung Á và Bắc Phi là do những áp lực quần chúng hạ tầng, thì diễn biến dân chủ hóa tại Miến Điện vừa qua đã xảy ra từ những tháo gỡ ở thượng tầng.

Nhiều bài viết đã phân tích một số nguyên do như chính quyền Miến Điến muốn giảm bớt các ảnh hưởng của Trung Quốc nên phải thay đổi để tiếp cận với khối ASEAN và Phương Tây, hay chấp nhận đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và lực lượng đối kháng để qua đó giải tỏa cấm vận kinh tế của thế giới nhằm cải tổ tình hình suy thoái trầm trọng hiện nay.

Những nguyên do nói trên, thật sự không phải là những đe dọa sinh tử đối với nhóm quân phiệt Miến Điện. Nói cách khác, thiểu số tướng lãnh và thân nhân của họ trong chính quyền Miến sẵn sàng dập tắt mọi chống đối của quần chúng và dựa vào Trung Quốc để thao túng quyền lực độc tôn.

Việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành một số bước dân chủ hóa như hiện nay phản ảnh khuynh hướng thay đổi của tập đoàn tuớng lãnh, chứ không chỉ riêng gì Thein Sein, và đến từ hai áp lực chính, đó là đòn cấm vận của Hoa Kỳ và Âu Châu, và phong trào dân chủ hóa đang trổi dậy khắp nơi từ đầu năm 2011.

Bà Aung San Suu Kyi (phải) và ngoại trưởng Mỹ Hillary ClintonBà Aung San Suu Kyi (phải) lần đầu tiên tiếp kiến ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Miến Điện.

Đòn Cấm Vận

Việc nhóm quân phiệt Miến hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội năm 1991, không chịu trao quyền lãnh đạo đất nước cho bà Aung San Suu Kyi và Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm 361 ghế trên tổng số 465 ghế quốc hội, đã là nguyên nhân chính khiến cho Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ trên thế giới đã ủng hộ những biện pháp cô lập ngoại giao và phong tỏa kinh tế đối với Miến Điện.

Từ năm 1991 đến năm 2011, Miến Điện hoàn toàn bị cô lập và chỉ còn có thể trao đổi buôn bán với Trung Quốc và một số quốc gia độc tài.

Trong số những quốc gia đưa ra các biện pháp trừng phạt, chính quyền Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu là những nước đã tạo áp lực nặng nề từ cúp viện trợ ODA, ngưng hợp tác kinh tế, ngưng trao đổi ngoại giao cho đến phong tỏa thương mại đối với các công ty có quốc tịch Miến Điện, không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các quan chức, cán bộ và thân nhân của những người liên hệ trong chính quyền quân phiệt.

“Đa số những công ty này nằm trong sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp của một số tướng lãnh và thân nhân liên hệ như vợ, con gái, con trai, cháu vân, vân…”

Từ năm 2003, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật Tự Do và Dân Chủ Miến Điện, các biện pháp cấm vận Miến Điện đã được Hoa Kỳ, Quốc Hội Âu Châu gia tăng sức ép đáng kể qua những biện pháp đánh thẳng vào quyền lợi của một số công ty và nhất là thành phần cán bộ trung tầng đang phục vụ chế độ quân phiệt như cấm xuất cảng, phong tỏa các trương mục, đông lạnh tất cả tài sản của cấp lãnh đạo và gia đình nhóm quân phiệt Miến.

Bản báo cáo của Congressional Research Service (CRS) của Quốc hội Hoa Kỳ về tình hình cấm vận Miến Điện phổ biến ngày 1 tháng 11 năm 2011 và Bản báo cáo của Commission Implementing Regulation (EU) số 383/2011 vào ngày 18 tháng 4 năm 2011, cho thấy chính quyền quân phiệt Miến Điện chịu những thiệt hại đáng kể từ chính sách cấm vận của các quốc gia Phương Tây, đặc biệt là vấn đề phong tỏa chuyển ngân và đông lạnh tài sản đối với hơn 1000 công ty Miến và vài ngàn cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ trung tầng và thân nhân của họ.

Các công ty Miến Điện bị phong tỏa tài sản hiện nay đa số liên hệ đến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, chia làm 7 loại công ty như:

Những công ty liên quan đến gỗ (Wood), chế biến, xuất khẩu gồm 428 công ty. Những công ty về Sắt và Thép (Iron & Steel) gồm 9 công ty; Những công ty về hầm mỏ (Mining) có 62 công ty; Những công ty cung cấp về dịch vụ và dụng cụ hầm mỏ (Mining Equipment & Supplies) gồm 54 công ty; Những công ty về đá quý (Gems) gồm 473 công ty; Những công ty sản xuất về ngọc bích (Jade) gồm 27 công ty; và những công ty về bạc (Silversmiths) gồm 40 công ty.

Đa số những công ty này nằm trong sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp của một số tướng lãnh và thân nhân liên hệ như vợ, con gái, con trai, cháu vân, vân…

Danh sách đen

Danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu quyết định đóng băng tài sản tại hải ngoại, dựa theo tài liệu công bố hồi tháng 11 năm 2007 đến nay gồm 7 nhóm tướng lãnh được phân loại, liệt kê như sau:

Các tướng lãnh và vợ con đã và đang lãnh đạo nhóm quân phiệt Miến Điện gồm 21 người như Tướng Than Shwe (Chủ tịch Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Quốc Gia SPDC), bà Kying Kyaing (vợ Tướng Than Shwe), bà Thandar Shwe (con gái Tướng Than Shwe), Tướng Zaw Phyo Win (Bộ trưởng mậu dịch), Tướng Maung Aye (Phó chủ tịch SPDC), Tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh Quân đội Miến Điện); Tướng Arnt Maung (về hưu)…

Các tướng lãnh đang là tư lệnh hay phó tư lệnh các vùng, các sư đoàn và thân nhân liên hệ gồm có 59 người như Tướng Tun Than (tư lệnh vùng Rangoon), Tướng Ye Aung (tư lệnh vùng Mandalay), Tướng Soe Lwin (tư lệnh vùng Sagiang), Tướng Aung Kyaw Zaw (tư lệnh vùng Đông Bắc Miến Điện), Tướng Soe Hunt (tư lệnh vùng Bago và Magwe), Tướng Win Myint (phó tư lệnh phía Nam Miến), Tướng Tint Swe (phó tư lệnh vùng Đông Nam Miến Điện)…

Các lãnh đạo nhà nước, các Bộ trưởng và thân nhân liên hệ trong guồng máy chính phủ gồm có 117 người như U Thein Sein (hiện là Tổng thống Miến Điện), bà Khin Khin Win (vợ của Tổng thống Thein Sein), Tin Aung Myint Oo (Phó Tổng thống Miến), Đại tá Naing Lin Oo (con trai Tướng Tin Aung Myint), Tướng Thein Htak (Bộ trưởng hầm mỏ), Tướng Thein Htay (Bộ trưởng phát triển công nghiệp), ông Soe Maung (Chánh văn phòng Tổng thống), bà Nang Phyu Phuy Aye (vợ của Soe Maung)…

“Mặc dù những người này đã xin giải ngũ và được bầu vào quốc hội trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10 năm 2010 nhưng tên và những thân nhân của họ vẫn còn nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản”

Các Thứ trưởng, Giám đốc các Bộ và Tổng Cục và thân nhân liện hệ trong guồng máy chính quyền trung ương và các địa phương gồm có 105 người như Tướng Kyaw Nyunt (Thứ trưởng quốc phòng), Đại tá Aung Thaw (thứ trưởng quốc phòng); Maung Myint (Thứ trưởng ngoại giao), Tint Lwin (Thứ trưởng truyền thông, bưu chính và điện tín), ông Kyaw Kyaw Win (Thứ trưởng dân số và di dân), ông Kyaw Zan Myint (Thứ trưởng nội an)…

Các tướng lãnh và thân nhân đã hay đang tại ngũ trong quân đội Miến Điện gồm 158 người như Tướng Khin Maung Win (Giám đốc công ty công nghiệp quốc phòng), Tướng Naung Thein (Giám đốc trung tâm kỹ thuật quốc phòng), Tướng Tin Ngwe (Tư lệnh lực lưọng đặc biệt), bà Khin Thida (vợ tướng Tin Ngwe), Đại Tá Aung Tun (Tư lệnh lữ đoàn 66), Hnin Wuryi Win (vợ Đại Tá Aung Tun)…

Các Sĩ Quan chỉ huy cảnh sát và các trại tù gồm 21 người như Tướng Kyaw Tun (Chỉ huy lực lượng cảnh sát Burma và trại tù Trung ương), Tướng Aung Saw Win (Chỉ huy lực lượng cảnh sát điều tra đặc biệt), Trung Tá Tin Thaw (Chỉ huy Viện kỹ thuật điều tra)…; và

Các cán bộ phụ trách những cơ quan chuyên biệt như báo chí, truyền hình, hành chánh, kinh doanh phục vụ cho chính quyền quân phiệt Miến gổm 508 người như Tin Aye (Tối cao pháp viện), Tin Aung Aye (Nguyên Tối cao pháp viện), Mya Than (Quyền giám đốc ngân hàng thương mại)…

Trong số những cá nhân nằm trong danh sách bị đông lạnh tài sản nói trên có tên của Tổng thống U Thein Sein, Phó Tổng thống Tin Aung Mynt Oo, Tư lệnh Quân Đội Min Aung Hlaing, Bộ trưởng Quốc Phòng Tin Ngwe… là những nhân sự đang lãnh đạo chính quyền “dân sự” Miến Điện hiện nay.

Mặc dù những người này đã xin giải ngũ và được bầu vào quốc hội trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10 năm 2010 nhưng tên và những thân nhân của họ vẫn còn nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu. Chính cái “vòng kim cô” cấm vận này đã ảnh hưởng đến nguồn tài chánh sống còn mà họ đã vơ vét cho thân nhân và gia đình trong hơn 20 năm qua dưới chế độ độc tài quân phiệt.

Thay Đổi Để Sống Còn

Lãnh đạo Miến Điện tiếp Thủ tướng Việt NamLãnh đạo Miến Điện, Tổng thống U Thein Sein tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm chính thức.

Những nhà lãnh đạo Miến Điện đã đứng trước hai sự chọn lựa để sống còn.

Một là tiếp tục giữ độc quyền thống trị để vơ vét tiền bạc quốc gia làm của riêng; nhưng sẽ bị Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây không những đông lạnh tài chính mà còn bị lên án và cô lập.

Hai là chấp nhận “dân chủ hóa” với sự tôn trọng các quyền chính trị căn bản của người dân để thoát ra khỏi vòng cô lập của thế giới.

“Thay vì bị nhận chìm trong cơn lốc dân chủ và mất trắng tài sản đang cất giấu ở hải ngoại, nhóm quân phiệt Miến Điến đã phải “tự diễn biến hòa bình” để cứu chính họ”

Với những chuyển biến của thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tình hình đã không cho phép các lãnh đạo quân phiệt Miến Điện tiếp tục cố thủ trong ốc đảo bần cùng như thời chiến tranh lạnh.

Tài sản vơ vét được họ không thể cất giấu một cách an toàn ở trong nước vì sẽ bị phe nhóm khác phanh phui vô cùng nguy hiểm; nhưng mang ra cất giấu tại hải ngoại thì sẽ mất trắng do lệnh phong tỏa của Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu như hiện nay.

Sự tháo chạy của Ben Ali tại Tunisia, sự đầu hàng của Mubarak tại Ai Cập và nhất là cái chết thê thảm của Gadhafi tại Lybia đã là bài học cho chính lãnh đạo Miến Điện thấy rằng một khi bà Aung San Suu Kyi đã ra khỏi nhà tù sau 20 năm bị cô lập vào tháng 11 năm 2010 vừa qua, Miến Điện khó tránh khỏi cơn lốc dân chủ hóa đến từ sức bật của khối quần chúng nghèo khổ và bất mãn.

Thay vì bị nhận chìm trong cơn lốc dân chủ và mất trắng tài sản đang cất giấu ở hải ngoại, nhóm quân phiệt Miến Điến đã phải “tự diễn biến hòa bình” để cứu chính họ.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, người đồng thời là tác giả tập biên khảo chính trị “Đông Âu Tại Việt Nam.”

@bbc

Khoa học – Hội chứng mắt ở người dùng máy vi tính

Nguy cơ mắc hội chứng này là 75% ở những người thường xuyên sử dụng máy vi tính. CVS là những rối loạn chức năng của hệ thống thị giác, biểu hiện là căng thẳng hay mỏi mắt, khô và rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu, mỏi vai, lưng, cổ.

Theo Hiệp hội Thị lực Mỹ, CVS (Computer Vision Syndrome) có thể ảnh hưởng đến tất cả những người làm việc với máy tính nhiều giờ hoặc chỉ hai giờ mỗi ngày, bất kỳ đó là chuyên gia về máy tính, nhân viên văn phòng hay sinh viên. Bác sĩ Nguyễn Cường Nam, chuyên khoa Khúc xạ Trung tâm Y khoa Medic TP HCM, cho biết, hội chứng này đang gia tăng ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Bình thường, mắt mỗi người chớp trung bình 14 lần/phút; nhưng khi sử dụng máy tính, số lần chớp mắt chỉ còn 6-7 lần. Động tác chớp mắt làm nước mắt tiết ra và trải đều trên bề mặt nhãn cầu, giúp trơn mắt. Khi số lần chớp giảm, mắt sẽ bị khô. Mặt khác, khi tiếp xúc với máy tính, mắt có khuynh hướng mở to nên mau khô hơn, không đủ độ trơn để loại sạch bụi. Sự phản chiếu ánh sáng xung quanh và ánh sáng từ màn hình cũng làm mắt mỏi mệt. Tác hại càng tăng khi màn hình máy tính chập chờn.

Theo ghi nhận của bác sĩ Nam, hầu hết người sử dụng máy vi tính sắp xếp khoảng không gian làm việc không tốt, để máy quá cao hay quá gần, gây nhức mỏi mắt. Nếu không quan tâm đến sự xuất hiện ban đầu của hội chứng này, mắt sẽ lâm vào tình trạng nghiêm trọng hơn như mắc tật khúc xạ. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, hội chứng CVS nặng thường gây nhức mắt, nhức đầu, dễ bị nhầm lẫn với bệnh tăng nhãn áp (cườm nước).

Để hạn chế những áp lực đối với mắt, bác sĩ Nguyễn Cường Nam khuyên người sử dụng máy tính cần chớp mắt thường xuyên hơn, cho mắt nghỉ ngơi sau 30 phút làm việc với máy. Nên dùng thêm kính bảo vệ mắt, thuốc nhỏ mắt dành riêng cho người sử dụng máy vi tính, dùng màn chắn sáng cho màn hình, kính chống chói và chống phản chiếu. Nếu mắt quá khô, có thể sử dụng nước mắt nhân tạo.

Nên ngồi cách xa màn hình vi tính 50-66 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10-20 độ, không để tâm màn hình quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt. Sắp xếp hợp lý nguồn ánh sáng, chọn những đồ nội thất không bị phản chiếu ánh sáng, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình máy tính. Chuyển vị trí những đèn có ánh sáng chiếu trực tiếp lên màn hình.Chú ý vị trí đặt máy sao cho cửa sổ cùng bên với màn hình, sử dụng mành sáo nơi cửa sổ để che bớt ánh sáng. Không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt vì sẽ gây chói mắt và giảm độ tương phản của màn hình.

Nên sử dụng ánh sáng nhẹ khi làm việc trên máy tính có nền hình sẫm. Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng; còn trong trường hợp quá tối, có thể sử dụng một ngọn đèn bàn có chụp. Khi sử dụng đèn bàn, nên đặt đèn tại một vị trí sao cho ánh sáng không phản chiếu lên màn hình. Nếu có điều kiện, nên chọn màn hình lớn, phẳng và dễ kiểm tra độ tương phản.

@Nguoilaodong

Năm 2012 hứa hẹn những gì (kỳ 1)?

Trước thềm 2012 đang đến gần, tạp chí Foreign Policy đưa ra dự đoán 12 sự kiện nhiều khả năng sẽ trở thành những vấn đề nổi cộm trong năm tới:
Nếu được yêu cầu gọi tên 5 sự kiện chính trị nổi cộm nhất trên thế giới trong năm 2011, nhiều người sẽ không đắn đo mà kể ra đầu tiên là cách mạng “mùa xuân Arab”, thứ 2 là khủng hoảng châu Âu, rồi đến vụ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, tình trạng hỗn loạn tại Pakistan…
Vậy còn năm tới thì sao? Trước thềm 2012 đang đến gần, tạp chí Foreign Policy đưa ra dự đoán 12 sự kiện nhiều khả năng sẽ trở thành những vấn đề nổi cộm trong năm tới:
1.Sự thay đổi cơ cấu lãnh đạo trên khắp thế giới
2012 sẽ là năm chứng kiến hàng loạt các cuộc bầu cử tại các các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp…


Năm 2012 là năm diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Mexico, Ai Cập và nhiều quốc gia khác nữa. Các cuộc bầu cử cứ “đến hẹn lại lên” nhưng sẽ có thể tạo ra sự thay đổi về cơ cấu lãnh đạo của các quốc gia. Đây sẽ là sự kiện nổi bật, hứa hẹn nhiều bất ngờ xuyên suốt năm 2012.
2. Trung Quốc rơi vào vòng xoáy bất ổn
Năm 2012, Trung Quốc sẽ rơi vào bất ổn?
Đã có những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ trong năm tới Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng bất ổn thực sự. Đó là các cuộc biểu tình, những mâu thuẫn nội bộ trong bộ máy chính quyền, hàng loạt chỉ trích công khai dành cho Chính phủ liên quan đến các tai nạn tàu hỏa, tàu cao tốc thảm khốc từ các phương tiện truyền thông …
Không chỉ có thế, đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với một kỳ bầu đầy khó khăn khi cử tri bắt đầu trở nên khó tính hơn và muôn vàn thách thức để duy trì quyền lực.
3. Sự sụp đổ của Assad ở Syria
Sự tồn tại của Chế độ Assad chỉ còn tính trên đầu ngón tay và sẽ sụp đổ vào năm 2012?
Điều này có thể dễ dàng suy ra từ thực tế những gì đã diễn ra và đang diễn ra ở Trung Đông nói chung và ở Syria nói riêng. Cách mạng mùa xuân Arab đã đánh đổ chế độ độc tài lâu đời và kiên cố nhất như Gaddafi ở Libya, Ben Ali ở Tunisia hay Mubarack ở Ai Cập. Do đó, những ngày còn lại của Chế độ Assad chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mặc cho chính Tổng thống Assad không ý thức được nó.
Với quyết tâm, sức mạnh và sự đoàn kết ngày càng lớn của những người biểu tình, áp lực ngày một gia tăng từ cộng đồng thế giới và cả những sai lầm cơ bản của Chính phủ thì dù có nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ đến đâu từ nhóm Hezbollah, chế độ Assad cũng đừng mong trụ được lâu.
4. Tranh giành quyền lực ở Pakistan
Năm 2012, Pakistan vẫn ở trong tình trạng bất ổn bởi trành giành quyền lực nội bộ.
Dự đoán này giống kiểu dự đoán thời tiết ngày mai cũng sẽ giống như thời tiết ngày hôm nay và 80% bạn sẽ đúng.
Trong thời gian gần đây, có một số lời đồn thổi rằng Chính quyền quân sự của Tổng thống Zardari sẽ dần mạnh lên nhưng khả năng này khá xa vời khi thực tế, trung tâm quyền lực thực sự của Pakistan vẫn nằm trong tay Cục tình báo nội (ISI) của nước này và các “chóp bu” của ISI sẽ chẳng đời nào chịu ngồi yên nhìn quyền lực của họ bị san sẻ bớt đi.
Do đó, một câu hỏi đặt ra là trong năm tới, liệu những người điều khiển rối sẽ tiếp tục đứng sau giật dây con rối của họ hay sẽ chính thức bước vào văn phòng Chính phủ? Bất cứ ai cá cược rằng cuối năm sau, Islamabad sẽ có nội các mới nhiều khả năng sẽ lãi to.
5. Sự sụp đổ của chế độ Ahmadinejad ở Iran
Chế độ Ahmadinejad của Iran cũng sẽ sụp đổ vào năm 2012?
Nếu những bất đồng và mâu thuẫn hiện nay giữa hai phe phái chính trị cầm quyền ở Iran là Tổng thống Ahmadinejad và phe giáo sĩ Hồi giáo tiếp tục leo thang thì có khả năng Cộng hòa Hồi giáo bị lật đổ sẽ không phải bởi sức mạnh đến từ các cường quốc phương Tây mà sẽ đến từ một cuộc nội chiến đẫm máu.
Iran là quốc gia có nền chính trị thần quyền, nơi các giáo sĩ trực tiếp nắm triều chính. Trong chính quyền luôn tồn tại hai phe phái, một bên muốn xây dựng một đất nước dân chủ và mang tính thế tục, không bị tôn giáo thao túng. Một bên chỉ kiên trì tư tưởng Hồi giáo và quân sự hóa chính quyền. Dù có Tổng thống và 8 Phó Tổng thống điều hành công việc nhưng quyền lực tối cao của Iran lại nằm trong tay lãnh tụ tối cao Khamenei.
Cơ chế này khiến quyền lực ở Iran mặc dù tập trung, nhưng luôn xảy ra xung khắc và rạn nứt giữa các thế lực cầm quyền.
6. Suy thoái toàn cầu
Năm 2012 sẽ đánh dấu sự trở lại của Mỹ và Nhật Bản?
Khủng hoảng nợ công đang lan rộng trên khắp châu Âu lẫn Mỹ, cường quốc số 1 thế giới. Chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc sẽ chẳng thể giúp họ giải quyết vấn đề mà chỉ khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn dẫn đến hậu quả khủng hoảng ở châu Âu và Mỹ nhiều khả năng tác động mạnh mẽ và lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Thực tế, tiến trình này bắt đầu diễn ra.
Tuy nhiên, có một khuynh hướng ở đây: Mỹ sẽ là kẻ thắng cuộc. Phỏng đoán này dựa trên việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử với những nét đặc trưng đặc biệt, khó hiểu của nước Mỹ. Nhật Bản cũng có khả năng đó. Họ có thể không làm tốt được như trong quá khứ nhưng nhiều người vẫn tin người Nhật sẽ vươn lên mạnh mẽ từ “đống tro tàn” hay trong những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất.
 Lê Dung (theo Foreign Policy)

Từ Miến Điện nhìn sang Việt Nam

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Một trong những diễn biến thời sự gây chú ý đặc biệt với thế giới vào cuối năm 2011 chính là cải cách dân chủ đột ngột tại Miến Điện, dưới sự thống trị của chế độ quân phiệt từ trên 50 năm qua.

AFP photo Tổng thống Myanmar Thein Sein gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar, ngày 01 tháng 12 năm 2011.

Cải cách dân chủ ở Miến

Chánh phủ dân sự lên cầm quyền từ tháng 3 năm nay quyết định ân xá, thả hàng ngàn tù nhân, kể cả một số chính trị phạm, đồng thời chấp nhận cho giới chính trị đối lập tham gia vào cuộc tuyển cử quốc hội trong tương lai. Bài học dân chủ hóa đó có hy vọng đến với người dân Việt Nam hay không?

Vào đầu thập niên 60, Miến Điện là một trong những quốc gia khép kín, tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, giới cầm quyền đều là cấp tướng lãnh, mọi tiếng nói đối lập, mọi phong trào đấu tranh, nhóm sắc tộc ly khai, đòi hỏi dân chủ, tự do đều bị dập tắt bằng súng đạn, bạo lực và nhà tù.

Mới đầu tháng 12 vừa qua, cả thế giới đều chăm chú theo dõi chuyến thăm của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, lần đầu tiên đến Miến Điện trong vòng hơn 50 năm qua.

Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà đấu tranh Miến Điện lưu vong thì chánh phủ Miến Điện xác nhận đã trả tự do cho gần 200 tù chính trị, tuy nhiên đây là một con số quá nhỏ so với tổng số tù nhân lương tâm và nhân vật bất đồng chính kiến còn bị ngồi tù khắp cả nước này, ước tính lên đến vài ngàn người.

Về phần tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, họp tại Bali, Indonesia vào tháng 11 vừa qua rằng, chuyến viếng thăm lịch sử của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là sự chúc phúc cho đất nước của ông.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh này cũng bỏ phiếu chấp thuận cho Miến Điện giữ chức Chủ tịch luân phiên của hiệp hội ASEAN vào năm 2014. Trước đây, Miến Điện không thể đảm nhận trọng trách này vì bị phê phán mạnh mẽ về những hành động vi phạm nhân quyền, bóc lột lao động và đàn áp dân chủ. Đây cũng là một phương cách làm tăng áp lực đối với chánh phủ Miến Điện hầu thúc đẩy họ phải tiếp cải tổ chính trị và tái lập dân chủ.Sau gần nửa thế kỷ cầm quyền bằng bạo lực, giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện đều nhìn thấy rõ là ngày nay họ phải cải tiến dân chủ, vì đó là con đường tất yếu mang lại lợi ích cho đất nước và cho toàn dân.

Ngoài ra, chánh phủ Miến Điện cũng cho ban hành luật biểu tình, luật đình công, quyền lập công đoàn, bãi bỏ một số biện pháp kiểm soát báo chí. Tổng thống Thein Sein tuyên bố ông đã lắng nghe ý kiến của người dân khi quyết định đình chỉ công trình xây dựng đập nước Myitsone, trên sông Irrawaddy,  trị giá 3 tỷ 600 trăm triệu đô la do Bắc Kinh tài trợ, gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Gần đây, giới lãnh đạo Miến Điện cũng cho công bố các thỏa thuận tái lập hòa bình hầu sớm chấm dứt những vụ tranh chấp và xung đột sắc tộc kéo dài nhiều thập niên qua, đòi quyền tự trị, cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người.

Vì sao lại có sự thay đổi được công luận xem là chuyển hướng 180 độ như vậy? Ông Bo Hla Tint, Bộ trưởng Văn Phòng Thủ tướng Miến Điện lưu vong, trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, nhấn mạnh qua câu chuyện với RFA:

“Sau gần nửa thế kỷ cầm quyền bằng bạo lực, giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện đều nhìn thấy rõ là ngày nay họ phải cải tiến dân chủ, vì đó là con đường tất yếu mang lại lợi ích cho đất nước và cho toàn dân. Hơn nữa, nếu cứ mãi tiếp tục duy trì chế độ cầm quyền độc đoán, chánh phủ Naypyidaw sẽ bị hiệp hội ASEAN cô lập và chắc chắn Miến Điện sẽ không thể đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014.”

Bài học cho Việt Nam

Dịp này, Bộ trưởng Bo Hla Tint cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tích cực ủng hộ chánh phủ dân cử do tổng thống Thein Sein lãnh đạo cũng như Liên Đoàn toàn quốc đấu tranh vì dân chủ Miến Điện do bà Aung San Suu Kyi phụ trách, tạo điều kiện cho xứ sở này đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của người dân cũng như sự mong đợi của dư luận thế giới.

000_Del421138(2).-200.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (T) bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 30/10/2010. AFP

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân lương tâm, gần 20 năm ngồi tù trong Nam và ngoài Bắc vì đã lên tiếng cho dân chủ, nhận định:

“Sự kiện diễn ra ở Miến Điện rất đáng vui mừng cho tất cả những người ủng hộ dân chủ trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam. Tôi cho là năm 2011 là năm được mùa về dân chủ, đầu năm là cách mạng dân chủ xảy ra ở các nước Khối Ả Rập, cuối năm là tại ASEAN, sát cạnh Việt Nam, là đáng phấn khởi, đối với những người Việt mong muốn đất nước sớm có dân chủ.”

Vậy bài học dân chủ Miến Điện có thể được ứng dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam hay không? Giáo sư Đoàn Viết Hoạt phân tích:

“Trước tiên đây là bài học cho lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, sau khi bị cô lập một thời gian lâu dài, cuối cùng Miến Điện đã phải thay đổi, theo tình hình chung trong khu vực và áp lực của quốc tế, cộng với sự xâm nhập vào Miến Điện của Trung Quốc, tạo ảnh hưởng rất nguy hiểm.

Chính người Miến Điện đã nhìn ra vấn đề và đã thay đổi rất nhanh sau khi có chính phủ dân sự. Nếu không thay đổi để đáp ứng với tình hình mới thì Việt Nam không thể tiến tiển được, đồng thời gặp khủng hoảng trong việc đối phó với Trung Quốc.

Chúng ta cũng thấy rõ sự kiên cường đấu tranh của phong trào dân chủ Miến Điện, đặc biệt là của bà Aung San Suu Kyi, dù bị giam giữ vẫn quyết liệt đấu tranh. Chúng ta đang nhìn thấy sự quyết liệt đấu tranh ấy với một số vị trong nước như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hòa thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, và những nhà dân chủ khác.

Đây là niềm khích lệ lớn cho những nhà đấu tranh dân chủ, do đó cần tăng cường hỗ trợ cho thích hợp và có hiệu quả. Nên vận động quốc tế mạnh mẽ ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nếu không tình hình Đông Nam Á sẽ khó ổn định được, hơn nữa Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào Việt Nam, qua áp lực với đảng cộng sản và trên Biển Đông. Nên tích cực làm hai việc, hỗ trợ phong trào dân chủ trong nước và vận động quốc tế ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.”

Luật sư Lê Trần Luật, người thường lên tiếng bênh vực cho dân oan, tù nhân chính trị và tôn giáo, thì không tin rằng Việt Nam sẽ ứng dụng bài học dân chủ hóa độc đáo từ Miến Điện:

“Tôi rất vui mừng và phấn khởi, dù sao thì Miến Điện cũng có một thời kỳ đặt dưới cách thức cai trị độc tài như ở Việt Nam, điều đó sẽ có những tác động tích cực đối với chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên tôi luôn có cái nhìn không được lạc quan cho lắm về đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cai trị dân bằng bàn tay sắt, sử dụng các biện pháp bạo lực, chứ không thể sớm có một tiến trình dân chủ như các nước ở Châu Phi, hoặc Miến Điện. Với tư cách là một người quan sát thời cuộc trong nước, tôi cho rằng tiến trình dân chủ hóa đó khó xảy ra trên đất nước Việt Nam.Nếu không thay đổi để đáp ứng với tình hình mới thì Việt Nam không thể tiến tiển được, đồng thời gặp khủng hoảng trong việc đối phó với Trung Quốc.

Hướng về tương lai thì các quan chức Washington cho rằng, nhân chuyến thăm đầu tiên, từ trên 50 năm qua của vị ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton sẽ không thông báo việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Miến Điện, vì quyết định này cần phải được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hiện giờ Hoa Kỳ vẫn áp dụng chính sách cấm vận thương mại đối với Miến Điện, từ thời tổng thống George W.  Bush vì chính sách đàn áp chính trị, tiêu diệt đối lập của chánh quyền quân nhân Rangoon.

Mặt khác, giới quan sát thời cuộc quốc tế thì cho rằng quân đội Miến Điện không hề có ý định từ bỏ quyền lực, nhưng với trào lưu tiến hóa và sức mạnh của lòng dân, quyền hành có thể vuột khỏi tay giới tướng lãnh như đã từng diễn ra tại Indonesia và Nam Hàn

@RFA

Con cháu “VIP” và những chuyện nhặt về giáo dục

Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa gọi việc vi phạm rồi ngạo mạn coi thường pháp luật là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi những vụ việc như thế nhan nhản và diễn ra hàng ngày…

Trần Đăng Khoa

Có một vụ việc vừa nổi cộm trên tất cả các phương tiện truyền thông, báo chí. Đó là chuyện một gã trọc phú, đi chiếc xe BMW X6 hạng sang, có giá gần bốn tỷ đồng, chở bốn người, không có biển số và bằng lái, bị đội CSGT4 yêu cầu dừng lại để kiểm tra, đã không những không chấp hành, mà còn ngạo mạn coi thường pháp luật, lại ngông nghênh tự giới thiệu là người nhà của một vị quan chức cao cấp trong ngành công an, rồi mang tên tuổi vị cán bộ đó ra hù dọa những người thi hành công vụ.

Tôi gọi đó là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi những vụ việc như thế có thể nhan nhản diễn ra hàng ngày, không phải chỉ ở khu vực Hà Nội. Thì cũng đã từng có những kẻ ngông cuồng, cậy thế ông quan bố, đua xe ô tô trên đường Hòa Lạc, đâm chết một lúc cả mấy cháu học sinh, mà cứ nhơn nhơn như chẳng có chuyện gì. Hay như cách đây không lâu, một gã cũng hống hách không những đã chống lại người thi hành công vụ, mà còn múa kiếm trước trạm kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất, để lại nỗi kinh hoàng và kỳ dị trong con mắt bạn bè quốc tế và đồng bào trong nước, cùng khách vãng lai.

Rồi những gã không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát giữ lại, thay cho việc xuất trình giấy tờ, là rút điện thoại gọi cho người thân đến “giải cứu”. Những chuyện tương tự như vậy thì nhiều lắm, không thể kể xiết, vì vậy, một vụ việc nổi cộm đến như vậy giờ cũng không còn là việc nổi cộm nữa, mà đã hóa nhàm, đã thành chuyện vụn vặt, như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Cái chúng ta quan tâm là hiện tượng của vụ việc này, hoặc những việc tương tự như thế này. Đó là thái độ nhơn nhơn, coi thường pháp luật, đang có nguy cơ trở thành một căn bệnh “nhờn thuốc”. Nguyên nhân nào đã dẫn đến những căn bệnh trầm kha ấy?. Liệu có thang thuốc nào điều trị được không?

Bàn về những hiện trạng phản cảm, đã trở nên phổ biến này, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, đó là sự hiện hình của văn hóa Tiểu nông cố hữu, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Bởi thế có những kẻ, chẳng có người “làm quan”, cũng mạo nhận cháu ông nọ bà kia, một cách “mượn hùm beo dọa khỉ”. Sở dĩ có chuyện đó, cũng vì một vài người thi hành công vụ nể nang, sợ hãi, nên xuê xoa, việc nặng thành việc nhẹ, rồi cho qua. Từ đó dẫn đến chuyện người nọ mượn danh người kia hù dọa lẫn nhau. Kẻ thi hành công vụ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tốt nhất là không nên cà khịa với sếp, cũng chẳng dại động đến cái ô của người thân sếp. Từ đó dần hình thành thói quen, rồi thành tâm lý lây lan  khắp cộng đồng.

Để chấm dứt vấn nạn cứ vi phạm giao thông lại mượn oai hùm giải cứu, dọa nạt, cần tôn trọng pháp luật. Con cái cán bộ trong ngành hoặc ở cấp cao hơn nữa, cũng phải bị trừng trị. Ta hiểu vì sao Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trong phiên họp Quốc hội ngày 23/11 vừa rồi, đã phải lên tiếng kêu gọi: “Tôi đề nghị nghiêm cấm lãnh đạo các cấp và cán bộ công chức nhà nước can thiệp vào những vụ việc xử lý an toàn giao thông, để mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh…” Đó là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhiều khi con cái hư hỏng lại vì các bậc cha mẹ.

Tôi chợt nhớ đến một ông già cựu chiến binh. Thi thoảng vào những lúc rỗi rãi, ông cụ hay sang nhà tôi chuyện phiếm. “Tại sao chỉ có mấy cái việc lặt vặt đua xe, vi phạm giao thông, với trộm cắp, ma túy, mà ta cứ để lây nhây mãi. Tội phạm mỗi năm không thuyên giảm mà lại còn tăng lên. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có một bàn tay sắt anh ạ. Cứ triệt để nghiêm khắc rồi đâu sẽ vào đấy hết. Chẳng biết anh nghĩ thế nào chứ cứ như tôi, tội đâu phải xử đấy. Ngay cả bọn trọng tội cũng chẳng giam nhốt làm gì. Cơm gạo đâu mà nuôi bọn chúng. Dân mình vẫn còn nhiều người thiếu ăn. Ta cứ giải tán quách hết nhà tù đi, lấy đất xây trường học”.

Tôi hỏi: “Bỏ nhà tù thì bọn tội phạm nhốt ở đâu hả cụ?”. “Ta giam chúng tại gia. Hình như ở nước ngoài, người ta làm thế đấy. Một cách làm hay như vậy tại sao mình lại không tham khảo họ?”. “Mỗi nước có một cách xử lý riêng cụ ạ. Vả lại, chuyện giam tại gia ấy, hôm nay tôi mới nghe cụ nói đấy…”. “Còn tôi thì lại nghe dân đồn. Nếu ở nước ngoài không có chuyện như thế thì biết đâu đó lại là nguyện vọng của dân. Kẻ nào mắc tội, cứ nhốt vào cũi giam ngay tại nhà. Gia đình phải nuôi nấng phục dịch. Cũi cứ để chềnh ềnh giữa nhà hay giữa phòng khách. Thế thì đứa nào không khiếp. Tiền đóng cũi gia đình phải chịu. Công an chỉ đóng dấu niêm phong, rồi thi thoảng qua lại kiểm tra. Ai vi phạm qui định thì phạt thêm nữa. Nếu kẻ tội phạm có bố mẹ là những vị có chức có quyền thì ngay lập tức các vị quyền chức ấy phải bay khỏi chức vụ…”.

“Ấy chết! – Tôi kêu lên. – Ai có tội thì người đó phải chịu chứ. Sao lại bắt người khác phải chịu thay…”. “Thế chả nhẽ bố mẹ không phải chịu trách nhiệm gì về những hành vi càn quấy bậy bạ của con cái sao?- Ông già bỗng sừng sộ. – Nhiều kẻ chỉ ỷ vào bố mẹ hoặc có thế lực hoặc có nhiều tiền bạc để rồi càn quấy, chứ con cái nhà nghèo như con tôi, con anh, làm sao chúng dám bậy bạ. Một người đã không dạy nổi con mình thì cũng đừng nghĩ rằng họ có thể lãnh đạo được một cơ quan, một nhà máy hay một xã hội. Tôi chẳng bao giờ tin những anh như thế”…

Ông già bỗng trầm ngâm: “Mà sao bây giờ, có nhiều cán bộ hư thế. Họ hư đã đành, còn tạo điều kiện cho con cái hư. Nhiều đứa cũng chỉ tầm tầm mà đưa vào hết ghế này, ghế nọ. Ngày xưa có như thế đâu. Bản thân cán bộ là những tấm gương sáng. Con cái họ cũng là tấm gương sáng, cũng vào sinh ra tử. Nhiều người đến nay cũng vẫn chẳng tìm thấy được hài cốt. Tôi cùng đơn vị với con Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh ấy giỏi và tốt lắm, nhưng chức vụ cũng mèng mèng, còn thua cả cái chức của tôi. Mà tôi chỉ là con một ông lão thợ cày. Anh có biết ông Hồ Ngọc Đại không?”. “Tôi có nghe tên…”. “Ông Hồ Ngọc Đại là con rể Tổng Bí thư Lê Duẩn. Một Giáo sư Tiến sĩ Triết học rất giỏi, rất nổi tiếng ở Nga. Người ta mời ông ấy về làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, rồi từ đấy có thể làm Bộ trưởng, vào Trung ương. Một con đường lụa đỏ đã được trải sẵn. Nhưng ông ấy lại chỉ xin được làm một ông giáo dạy lớp 1. Giáo sư Tiến sĩ lại đi dạy lớp 1. Anh thấy lạ không?

Hình như hồi ấy, còn sớm lắm, từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Đại đã nhận ra cái cách giáo dục của mình có vấn đề. Và ông ấy muốn làm lại, bắt đầu từ cái nền móng. Thế rồi ông dựng trường thực nghiệm, với cách dạy và học hoàn toàn mới. Thày không dạy những con vẹt mà đào tạo những con người, bày cho các em một phương pháp tư duy chứ không phải chỉ thụ động lặp lại những gì thày đã nói trên lớp. Nhờ thế chúng ta mới có được những Ngô Bảo Châu. Ngay cả lúc đăng quang, khi đã trở thành một nhà toán học lỗi lạc thế giới, Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn nhớ đến thày Hồ Ngọc Đại, vẫn ám ảnh về một ông thày đúng là một ông thày. Và ông thày ấy cho đến nay, vẫn bình dị một ông giáo dạy tiểu học. Chúng ta đã từng có những lớp người như thế, những cán bộ như thế. Và cùng với họ là một xã hội dường như không có tội phạm. Một xã hội sạch sẽ và trong trẻo”.

@VOV.VN