10 gương mặt Việt ‘khuấy đảo’ thế giới năm 2011

Thế giới năm 2011 chứng kiến đầy ắp những sự kiện lớn và trên mọi lĩnh vực… đều có sự góp mặt của những nhân tài gốc Việt.

Philipp Rösler trở thành Phó thủ tướng Đức

Ngày 13/5/2011, ông Philipp Rösler đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (FDP), đồng thời giữ chức Phó thủ tướng Đức.

Phí Thủ tướng Đức Philipp Rösler và vợ.

Philipp Roesler sinh vào tháng 2/1973 tại Khánh Hòa. Ông sống trong một trại trẻ mồ côi Công giáo cho đến khi một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi ông qua một tổ chức cứu trợ trẻ em. Ông mới 9 tháng tuổi khi đặt chân đến Đức.Lên bốn tuổi, cha mẹ nuôi của ông ly hôn và Roesler sống cùng cha nuôi, một quân nhân chuyên nghiệp. Ông học y khoa tại Hanover và từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Đức với vai trò là bác sĩ quân y.

Năm 1992, ông gia nhập Đảng FDP. Là ngôi sao mới nổi trong Đảng, vị bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực này được bầu làm lãnh đạo Đảng ở bang Lower Saxony năm 2005. Một năm sau, ông trở thành Bộ trưởng kinh tế, lao động, giao thông của bang và giữ vị trí phó cho Thủ hiến bang Lower Saxony.

Phó Thủ tướng Đức gốc Việt cho hay, từ nhỏ ông nhận thức được bản thân khác những đứa trẻ khác vì là người gốc châu Á. Tuy nhiên, cha ông luôn khuyến khích ông không để tâm tới vấn đề đó. Roesler cũng không bị bạn bè bắt nạt do “người ta luôn nghĩ rằng người châu Á là các chuyên gia karate”, ông nói.

Philipp Roesler kết hôn với Wiebke, cũng là một bác sĩ, được 6 năm và có hai cô con gái sinh đôi.

GS. TS Nguyễn Hùng tranh giải ‘Người Australia của năm 2012’

GS.TS Nguyễn Hùng, một nhà phát minh nổi tiếng người Australia gốc Việt, đã được chọn làm nhân vật đại diện cho tiểu bang New South Wales, ra tranh giải  ‘Người Australia của năm 2012’. Sau khi nhận được thông tin đề cử này, GS Nguyễn Hùng cho biết, ông rất bất ngờ. Tuy nhiên, để biết chính thức vị giáo sư gốc Việt này có được vinh danh hay không, theo báo chí Australia, phải chờ tới ngày công bố kết quả giáp Lễ Quốc khánh (26/1/2012).

GS. TS Nguyễn Hùng tranh giải ‘Người Australia
của năm 2012’.

GS.TS Nguyễn Hùng cư ngụ ở Castle Hill, là Phó trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney. Trong 20 năm qua, ông được mệnh danh “Người thầy của những phát minh”, đã có nhiều sáng chế về y khoa hết sức hữu ích tiện dụng cho các bệnh nhân, như: việc phát minh ra Hypomon System, một thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường; thiết bị sớm phát giác ung thư vú, thiết bị chuyên theo dõi và ngăn ngừa sự mỏi mệt của người lái xe, giúp con người điều khiển các thiết bị điện tử bằng các tín hiệu của bộ não…

Đỉnh cao nhất trong các phát minh của ông Nguyễn Hùng là xe lăn thông minh, tạo ra cuộc cách mạng trong sinh hoạt của những người bị liệt. Nó có chức năng như một robot tự động kết hợp với điều khiển bằng ý nghĩ con người. Vì thế, tạp chí Anthill của Australia đã xếp phát minh này vào hạng ba trong số 100 phát minh hàng đầu của nước này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của GS Hùng còn giúp một công ty ở Australia chế tạo thành công một loại thiết bị điện tử gần giống như một quả tim nhân tạo, có thể hỗ trợ một số người mắc bệnh liên quan đến tim duy trì sự sống trong 5-10 năm và sau thời gian này có thể gắn lại cái mới.

Ông Lê Văn Hiếu sẽ trở thành Toàn quyền bang Nam Australia năm 2012

Ông Lê Văn Hiếu, một người gốc Việt, có thể trở thành Toàn quyền bang Nam Australia, sau khi ông Kevin Scarce mãn nhiệm vào năm 2012. Theo The Advertiser, ông Hiếu nổi tiếng từ khi được Nữ hoàng Anh Elizabeth II bổ nhiệm Phó Toàn quyền bang Nam Autralia vào 31/8/2007. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Ủy ban đa văn hóa và sắc tộc của bang và cũng là người Á châu đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ này.

Ông Lê Văn Hiếu và vợ – bà Phương Lan.

Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu sinh năm 1954 tại Quảng Trị. Cha mất sớm, nên ngay từ nhỏ, cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn hơn những đứa trẻ khác. Tuy vậy, cái khó, cái khổ dường như chỉ thôi thúc ông càng quyết tâm phải học thành tài để vươn lên. Sau khi học xong trung học tại Đà Nẵng, ông đã theo học và tốt nghiệp khoa Chính trị Kinh doanh tại Đại học Đà Lạt. Năm 1997, ông và vợ – bà Phương Lan rời Việt Nam, khi ông 23 tuổi và sống ở Pulau Tengah (Malaysia) một thời gian trước khi sang Australia lập nghiệp. Tại đây, ông tốt nghiệp bằng cử nhân về kinh tế và kế toán, bằng thạc sĩ quản lý kinh doanh và bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Adelaide.”Người Việt tuy là một trong số nhiều cộng đồng sắc tộc tại Australia và đến Australia nhiều lắm cũng chỉ mới khoảng trên 30 năm, nhưng sự thành đạt của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi là điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên”, ông Lê Văn Hiếu cho biết.

TS Chu Hoàng Long đoạt giải Eureka 2011 Australia

Công trình nghiên cứu của TS Long và nhóm cộng sự:  GS Tom Kompas, TS Chu Hoàng Long, ĐH Quốc gia Australia và GS Michael Stewardson, ĐH Melbourne, do Giáo sư R.Quentin Grafton chủ trì, có tên gọi “Mô hình lưu lượng dòng chảy đo lường lượng nước có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và lượng nước cần dự trữ để bảo vệ môi trường”, vừa được vinh dự trao giải thưởng danh giá Eureka 2011 của Australia, trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước vào ngày 6 – 7/9 vừa qua.

Tiến sĩ Chu Hoàng Long (phải) và cộng sự.

TS Chu Hoàng Long từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội và hiện là giảng viên Trường Kinh tế và Quản trị Crawford, thuộc ĐH Quốc gia Australia. Ông đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu với các giáo sư và cộng sự ở Australia trong lĩnh vực môi trường, được các đồng nghiệp và giới khoa học Australia đánh giá cao.Eureka là giải thưởng khoa học uy tín và danh giá nhất Australia, được tổ chức hàng năm trao cho những nghiên cứu suất sắc trong các lĩnh vực: Nghiên cứu và Đổi mới; Khoa học lãnh đạo; Triết học; Khoa học báo chí và truyền thông…

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng trở thành cố vấn của Tổng thống Obama

Theo trang web của Nhà trắng ngày 8/10, Tổng Thống Barack Obama đã đưa ra ý định bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng làm thành viên trong Ủy ban Cố vấn về Người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình Dương.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng được đề cử làm cố vấn của Tổng thống Obama.

Bác sĩ Tùng là giáo sư y khoa tại Đại học California – San Francisco (UCSF). Ông phụ trách giảng dạy và chăm sóc y tế cho cộng đồng đa sắc tộc. Ông cũng là Giám đốc Dự án phát triển sức khỏe trong cộng đồng người Việt, đồng thời là điều tra viên chính của Trung tâm Huấn luyện, nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư của UCSF. Ở vị trí này, ông chịu trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.Tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng, bác sĩ Tùng nhận bằng cử nhân ngành Triết học tại Đại học Harvard và văn bằng y khoa tại trường Stanford. Năm 2002, ông được trao Giải thưởng Phát triển sự kiểm soát ung thư trong xã hội.

Luật sư Miranda Du được Tổng thống Obama đề cử làm chánh án

Vào tháng 8/2011, Tổng thống Obama đã chính thức đề cử nữ luật sư gốc Việt Miranda Du làm chánh án tòa liên bang bang Nevada. Đây là trường hợp người Mỹ gốc châu Á đầu tiên trong lịch sử được giữ trọng trách trong hệ thống tư pháp bang.

Trong biên bản đề cử đăng trên trang web của Nhà trắng, Tổng thống Obama khẳng định: “Miranda Du sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho tòa án liên bang ở Nevada. Tôi rất cảm ơn sự tận tụy của bà ấy trong thời gian qua”.

Luật sư Miranda Du được Tổng thống đề cử
làm chánh án.

“Bà Du đã vượt qua rất nhiều khó khăn từ thời thơ ấu và là một tấm gương thành công điển hình. Tôi tin rằng bà Du sẽ là một chánh án liên bang giỏi và mong đợi bà được thượng viện chấp nhận nhanh chóng”, Thượng nghị sĩ Harry Reid của Đảng Dân chủ cho hay.

Bà Miranda Du là thành viên Đoàn Luật sư Mỹ, làm việc ở Công ty luật McDonald – Carano-Wilson tại Reno, chuyên về các tranh chấp dân sự phức tạp và luật lao động. Bà gia nhập công ty luật năm 1994 sau khi tốt nghiệp trường luật và chính thức trở thành thành viên năm 2002. Luật sư Miranda Du có bằng hành nghề luật tại California và Nevada.

Bác sĩ James H. Nguyễn được khắc tên vào Bảng Vàng Danh dự ĐH Santa Ana năm 2011

James H. Nguyễn, 28 tuổi, bác sĩ chuyên khoa tim tại bệnh viện University Medical Center (UMC), được khắc tên vào Bảng Vàng Danh dự ĐH Santa Ana năm 2011.

Bác sĩ James H. Nguyễn được khắc tên vào Bảng Vàng Danh dự
ĐH Santa Ana năm 2011.

James H. Nguyễn theo gia đình qua Mỹ định cư tại thành phố Garden Grove vào giữa thập kỷ 1970. Anh lên ĐH University of California, Irvine vào năm 14 tuổi và mỗi học kỳ anh đều lọt vào danh sách sinh viên xuất sắc của khoa trưởng (Dean’s List). Từ năm 2000 đến 2002 và cho đến khi được nhận vào trường y St. George’s University, anh làm phụ giáo môn sinh lý học tại ĐH Santa Ana.Sau khi tốt nghiệp trường Y năm 2006, James theo học chương trình bác sĩ nội trú kéo dài 3 năm tại Khoa Nội Khoa (Department of Internal Medicine) thuộc bệnh viện Orlando Regional Medical Center. Sau khi được Hội Đồng Nội Khoa Mỹ cấp chứng chỉ hành nghề, anh đảm nhận vai trò trưởng nội trú tại Khoa Nội thuộc bệnh viện UMC ở Tucson, tiểu bang Arizona từ năm 2009 đến năm 2010. Hiện, James là nghiên cứu sinh tại khoa Tim thuộc bệnh viện UMC tại thành phố Tucson tiểu bang Arizona.

Khi được đặt vấn đề về một lời khuyên dành cho các bạn trẻ trong cộng đồng người Việt Nam, bác sĩ Nguyễn chia sẻ: “Nếu bạn mơ được thành công thì không gì có thể chia trí bạn được. Hãy đặt ra mục đích để thực hiện và đùng quên nguồn cội của mình”.

Doanh nhân Helena Vân lọt top 50 phụ nữ quyền năng

Thành danh bằng chính tri thức, tài năng kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội… Helena Vân, nữ doanh nhân Việt kiều Thụy Điển, vừa được đề cử vào “Danh sách 50 phụ nữ quyền năng năm 2011” do ấn phẩm Lady Luxury, câu lạc bộ Lady Luxury tổ chức.

Doanh nhân Helena Vân lọt top 50 phụ nữ quyền năng.

Helena Vân sinh ra tại Hà Nội, là con gái của nhà giáo, nhà cách mạng yêu nước Văn Gói (1919-1960). 3 tuổi đã không có bố ở bên cạnh cộng với việc sinh ra trong thời chiến điều kiện sống và học tập rất thiếu thốn nhưng với nghị lực và lòng hiếu học đã giúp chị vượt qua tất cả và tốt nghiệp nhiều ĐH trong nước.

Năm 1993, chị được được chọn là một trong 20 kỹ sư tham gia khóa đào tạo Chuyên gia Thị trường và kinh tế Quốc tế tại Stockholm. Sau khóa học này, Helena trở thành người kỹ sư Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng ở Ericsson trong số 70 chuyên gia cùng làm việc.

Cuối năm 1995, Helena mở công ty riêng ở Thụy Điển. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2001, chị tổ chức đưa các đoàn Việt Nam sang thăm quan Thụy Điển, dự hội chợ Quốc tế, và đi thăm các nước Bắc Âu, Pháp… Chị hợp tác với VCCI đưa đoàn sang tham dự hôi chợ triển lãm du lịch để góp phần kết nối mối quan hệ giữa hai nước.Năm 2005, trở về Việt Nam với tư cách Việt kiều sau nhiều năm định cư ở Thụy Điển cùng chồng, chị thành lập Công ty Scandia Villa & Resort LTD., với mong muốn phát triển loại hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Hiện, dự án Bất động sản du lịch chị “nhập khẩu” về Việt Nam mang tên “Làng du lịch Bắc Âu” nằm ngay trên bờ biển tuyệt đẹp của Tuy Hòa với diện tích 388.400m2, gồm khách sạn 5 sao, spa-resort 4 sao, 200 biệt thự sinh thái cao cấp, 120 căn hộ cao cấp với hệ thống dịch vụ tiện nghi khép kín.

Luật sư Jimmy Nguyen làm giám khảo Miss Universe 2011

Tháng 9/2011, luật sư gốc Việt Jimmy Nguyen có một bề dày thành tích ‘khủng’ cùng tài năng đặc biệt đã trở thành một thành viên ban giám khảo Miss Universe 2011.

Luật sư Jimmy Nguyen làm giám khảo Miss Universe 2011.

Jimmy Nguyen là một luật sư chuyên về truyền thông và giải trí hàng đầu thế giới. Hiện tại, anh là thành viên của công ty luật Davis Wright Tremaine LLP và phụ trách các vấn đề về giải trí, truyền thông mới, sở hữu trí tuệ, quảng cáo và các vấn đề công nghệ. Anh được coi là chuyên gia xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan đến Internet, truyền thông xã hội và các công nghệ truyền thông mới. Khách hàng của Jimmy gồm rất nhiều tập đoàn truyền thông lớn như BBC, CBS Hàn Quốc, chuỗi bán lẻ Hot Topic, Kia Motors America, tập đoàn Lego và Sony Computer Entertainment America.Thành tích của Jimmy Nguyen cũng rất đáng nể, anh tốt nghiệp ĐH năm 19 tuổi và có bằng luật sư năm 22 tuổi. Ở độ tuổi 36, anh được Lawdragon vinh danh là một trong 500 luật sư hàng đầu nước Mỹ. Năm 2010, tạp chí Advocate đưa Jimmy vào danh sách những luật sư xuất sắc dưới 40 tuổi trên toàn nước Mỹ.

Ngoài ra, một điều đặc biệt khác về cuộc sống của Jimmy cũng được tiết lộ ngoài nguồn gốc châu Á của mình, Jimmy Nguyen công khai mình thuộc giới tính thứ ba, người luôn bảo vệ mạnh mẽ cho quyền bình đẳng và đa sắc tộc. Anh là thành viên của Ban giám đốc tổ chức Equality California và chương trình California Minority Counsel.

Nữ sinh  Ngô Mai Thy ‘chu du’ sao Hỏa cùng NASA

Ngô Mai Thy, sinh viên gốc Việt tại khoa Toán và Kỹ thuật, CĐ cộng đồng Portland của Mỹ đã giành được suất học bổng trong chương trình học giả không gian dành cho các trường cao đẳng của NASA, hồi tháng 7/2011. Theo đó, Mai Thy được học hỏi, nghiên cứu và thiết kế robot thăm dò trên vũ trụ.

Nữ sinh  Ngô Mai Thy ‘chu du’ sao Hỏa cùng NASA.

Cô sinh viên gốc Việt tiết lộ, sở dĩ cô nhận được suất học bổng này là do hồi đầu năm nay, cô được vinh dự là một trong số 80 sinh viên của các trường cao đẳng cộng đồng tại 28 bang của Mỹ và Puerto Rico được tham dự hai hội thảo của NASA tại Pasadena và Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston.

“Tôi rất hạnh phúc khi có được cơ hội này. Điều thú vị nhất của chuyến đi là tôi được dự hội thảo qua video với các kỹ sư và nhà khoa học tại NASA, đồng thời được tìm hiểu những kết quả mà robert “Opportunity” thu được từ sao Hỏa. Ngoài ra, chúng tôi còn được học hỏi cách lên kế hoạch cho sứ mệnh thăm dò và ra lệnh cho robot để thực thi nhiệm vụ trong vài ngày tới. Dù không hiểu rõ công nghệ kỹ thuật và ngôn ngữ không gian nhưng tôi đã thực sự được mở mang tầm mắt khi chứng kiến toàn bộ quy trình này”, Mai Thy chia sẻ.

Cô nữ sinh xuất sắc gốc Việt tâm sự: “Chúng tôi làm việc từ sáng sớm cho tới tối mịt. Tôi biết rất ít về sao Hỏa và các robot thăm dò. Giờ đây, tôi hiểu về sao Hỏa hơn bất cứ hành tinh nào, trừ trái đất”.

@BaoDatViet

Phóng sự : Chợ chuột họp giữa thủ đô

Quãng 2 giờ chiều, từ các ngõ xóm của Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã thấy các bà các chị mang chuột ra sơ chế. Vừa tóm từng con chuột trong lồng sắt ra, vật xuống đất cho chết để vợ nhúng vào nước sôi làm lông, anh Hòa vừa tiếp chuyện chúng tôi: Hôm nay, em lùng khắp 3 xã Thạch Hòa, Đại Đồng, Hương Ngải, mới được chừng này. Dạo mới gặt, có ngày bắt được gấp đôi.

Lồng chuột của anh Hòa ước chừng 4 kg, con to nhất cỡ 3 lạng, con nhỏ nhất không quá 1 lạng. Làm sạch lông, còn khoảng trên 3 kg, nếu bán hết thì được trên 300 ngàn đồng (100.000 đồng/kg), một thu nhập không tồi cho một ngày công lao động. Thu nhập thế, nên cứ chớm mùa gặt là đội quân săn chuột của Canh Nậu lên đường.

Dụng cụ săn chuột rất đơn giản: Một thuổng sắt, một tay lưới, một xô múc nước, một lồng sắt. Thuổng để đào, lưới để đón lõng từ ngách phụ của hang chuột. Giống này cực khôn, đào hang, ngoài lỗ chính, chúng đào thêm ba bốn ngách phụ để thoát thân khi gặp nguy.

Muốn bắt được chúng, sau khi phát hiện được hang, người săn chuột bao giờ cũng phải tìm các ngách phụ, bịt hết lại, chỉ để một ngách phụ, căng lưới ở đó rồi mới đào hang chính. Con nào vọt ra từ hang chính thì người đào tóm, chạy ra bằng ngách phụ là sa lưới. Hang chuột nào sâu quá thì lấy xô múc nước đổ vào hay vơ rơm rác cạnh đó đốt để hun cho chúng ngoi ra.

“Thợ săn chuột” Canh Nậu đi xa ba bốn chục cây số để lùng chuột là chuyện bình thường. Những tay săn lão luyện có ngày bắt được cả yến. Sáng đi, chiều về “đổ” chuột cho các quán nhậu, đút túi cả triệu bạc. Càng ngày càng có nhiều quán nhậu thịt chuột nên không bao giờ ế. Giải thích vì sao sau mùa gặt là chuột ít đi, anh Hòa bảo:

– Lúa uốn câu là chuột từ làng, từ các cống rãnh túa ra đồng, vì lúc này ở đồng sẵn thức ăn. Gặt xong, thức ăn khan, chúng lại kéo về làng, về cống rãnh. Vậy nên bảo con này chuột đồng, con kia chuột nhà hay chuột cống chuột rãnh là láo toét hết. Tất cả chỉ là một thôi.

Eo ôi, thế thì ghê quá, chúng tôi cứ tưởng chuột đồng chỉ sống ở đồng, ăn lúa, ăn khoai ăn rau nên nó sạch. Chứ nó ăn cả đồ bẩn thỉu ở cống ở rãnh thì ai dám ăn.

– Các bác rõ nhiêu khê. Em hỏi bác nhá: Giống chuột có ăn bẩn bằng giống chó không? Đến phân người mà con chó nó còn xơi, thì là bẩn nhất hạng rồi còn gì. Thế mà chính loại chó ăn phân, tức là chó cỏ, chó ta ấy, thịt nó mới đậm đà, chứ giống chó nhà giầu nằm xa – lông, ăn thịt bò ấy, đố anh nào ăn nổi, vì thịt nó vừa nhạt toẹt lại vừa gây, ngửi miếng thịt đã muốn nôn mửa rồi.

– Sao không lột luôn da con chuột ra cho nó mau, vặt lông thế này lâu lắm? Tôi hỏi vợ anh Hòa.

– Rõ là các bác chưa ăn thịt chuột bao giờ có khác. “Mèo ăn ruột, chuột ăn da, ếch ăn tù và, gà ăn trứng non”. Con chuột mà bỏ da đi, thì coi như giảm giá trị một nửa.

Còn sớm, chúng tôi la cà vào mấy quán nhậu chuyên “mèo – chó – chuột” như Nguyên Bát, Hạnh Hoa… theo lời người làng mách, để thăm thú. Không biển hiệu, đường đi lại nhỏ, lòng vòng, phải đỗ ô tô khá xa, nhưng hơn mười năm nay, các quán lúc nào cũng đông khách. Bà chủ quán Nguyên Bát hỏi:

– Các bác muốn xơi mèo, chó hay chuột?

– Hôm nay không ăn, chúng tôi chỉ đi khảo sát thôi, để hôm nào kéo cả hội đến. Chó với mèo ăn mãi chán rồi. Chuột bọ thế nào?

– Quán em toàn chuột đồng, sạch tuyệt đối. Cái thứ chuột cống chuột rãnh bẩn thỉu, không bao giờ nhà em nhập. Có 5 món chuột luộc ép lá ré, chuột xào lăn, chuột bung, chuột rán, chuột băm.

– Vậy thôi à? Ở Vân Đình người ta còn có chuột giả chim, chuột giả chó. Bên Đình Bảng còn thêm chuột nấu đông nữa, tám món tất cả.

– Ít, nhưng mà ngon. Chả mấy hôm không có khách từ Hà Nội đánh ô tô về đây đâu các bác ạ. Cứ ăn rồi các bác sẽ biết.

– Chuột có to không?

– Đảm bảo con nào cũng từ hai lạng trở lên. Không tin, mời các bác ra xem hàng. Hôm nay có một đôi chuột cống, con to gần 7 lạng.

– Vừa nẫy chị bảo không bao giờ chị nhập chuột cống chuột rãnh cơ mà.

– Chuột đồng chính hiệu đấy, nhưng vì nó to nên người ta gọi tên nó là chuột cống, chứ không phải nó sống ở cống ở rãnh đâu bác ạ.

– Giá cả thế nào?

– Có hai mức, một mức mỗi đĩa 80 ngàn, một mức mỗi đĩa 100 ngàn, đặt mức nào chúng em làm mức đó. Rượu bia, bún bánh tính riêng.

4 giờ chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng, mẹt nhiều đến năm, sáu cân, mẹt ít cũng vài ba cân, trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà, ngoài ra còn mấy lồng chuột sống.

Người bán chuột sống để sẵn cái chậu, vài phích nước sôi bên cạnh, để khách mua xong, có nhu cầu là người bán dúng nước sôi làm lông, nổi lửa thui vàng và mổ cho luôn. Anh Thành, một người bán chuột sống, bảo :

– Đó là do khách sợ chuột ở những mẹt kia không tươi, có khi hôm qua bán không hết mang về để tủ lạnh, hôm nay lại mang ra. Để thế này, dù hôm nay không bán hết thì mang về ngày mai vẫn sống nguyên. Giống chuột dù đã bẻ răng nhưng để ba bốn ngày vẫn rất khỏe.

– Chuột bán có chạy không?

– Nhà em không hôm nào ế cả.

Quả là người mua chuột khá đông. Chỉ một lát, đã có mấy chị bán hết mẹt chuột, xách mẹt không ra về. Chị Hương, một người bán chuột cho biết, trước đây thường chỉ bà con trong xã bán chuột mua chuột với nhau.

Dân Canh Nậu có “truyền thống” ăn thịt chuột từ lâu. Nhưng mấy năm gần đây, người xã khác cũng ăn, cũng mua. Thấy một người đàn ông đang chọn chuột ở một hàng bên cạnh, tôi cũng sà xuống xem.

Chọn sáu con chuột đặt lên cân, được một cân với gần nửa lạng, ông ta bảo “thôi tính một cân cho nó tròn đi”, người bán đồng ý. Xỉa ra tờ một trăm ngàn trả xong, ông túm đuôi cả sáu con chuột buộc làm một, treo vào móc hàng trên xe máy, vẻ mãn nguyện:

– Rét thế này, về làm nồi chuột đông. Chuột nấu đông phải để đông tự nhiên mới ngon, chứ nấu mà phải để vào tủ lạnh nó mới đông thì không ngon.

Sáu giờ, chợ chuột đã vãn. Hơn sáu giờ một chút, cả chợ không một bóng người.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Bắc Hàn thời hậu Kim Jong-il

PJ Crowley

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ

Trong một năm có nhiều nhà độc tài bị lật đổ thì ông Kim Jong-il lại chết vì lý do tự nhiên.

Có nhiều chỉ dấu cho thấy rằng dân chúng Bắc Hàn, những người vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới, sẽ thương tiếc ông.

Chỉ điều này đã nói lên rất nhiều về Bắc Triều Tiên và tại sao nước này khác với các quốc gia toàn trị khác như Libya và Syria — một đang trong giai đoạn chuyển giao và một đang bị sức ép từ mọi phía.

Điều khiến Bắc Triều Tiên khác biệt với Iraq là Bình Nhưỡng thực sự có trong tay vũ khí hạt nhân.

Đây cũng là lý do tại sao sẽ không xảy ra một ‘Mùa xuân Bình Nhưỡng’ trong tương lai gần. Có thể là một ngày nào đó, nhưng không phải bây giờ.

Trong thời gian trước mắt, Hoa Kỳ và những nước mà sự an nguy có liên quan đến Bắc Triều Tiên còn đang phải phòng tránh một Mùa đông Bình Nhưỡng – khi mà Bắc Hàn hoặc là sẽ bị phá tan với các hậu quả thảm khốc đối với Hàn Quốc, hoặc là tự bùng nổ, khiến người tị nạn tứ tán.

Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn kịch bản này.

Sự sống còn của chế độ

Tuy cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il quả là cú sốc đối với thể chế hiện hành, Bắc Hàn thực ra cũng đã có kế hoạch chuyển giao quyền lực.

Người dân Bắc Hàn khóc thương lãnh tụKim Jong-il ra đi trong sự khóc thương của người dân Bắc Hàn

Vị ‘Lãnh tụ kính yêu’ gần đây đã yếu đi nhiều và cách đây hơn một năm đã chỉ định người con trai út của mình, Kim Jong-un, một thanh niên chưa qua thử thách và không được biết tới nhiều, làm người kế vị.

Thêm nữa, Bắc Hàn đã từng trải qua việc này ít nhất một lần trong quá khứ không xa khi vị ‘Lãnh tụ vĩ đại’ Kim Il-sung, cha của Kim Jong-il, người sáng lập nước CHDCND Triều Tiên, qua đời năm 1994.

Chưa nói tới sự sùng bái cá nhân ở Bắc Hàn, gia đình họ Kim, các quan chức cao cấp và tướng lĩnh quân đội đã tạo thành một cơ chế lãnh đạo tập thể ở bên trong Đảng Lao Động Triều Tiên.

Kim Jong-un đã được phong quân hàm đại tướng, thật không tồi cho một người mới hai mấy tuổi đầu, nhưng ông ta còn lâu mới sẵn sàng để có thể lãnh đạo Vương quốc Ẩn dật vốn bị cô lập, suy thoái và đang đói khát theo đúng nghĩa đen.

Quá trình chuyển giao sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, như đã từng xảy ra với ông Kim cha. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, sự sống còn của chế độ mới là điều quan trọng nhất.

Giới lãnh đạo Bắc Hàn đã chứng tỏ là họ cũng rất giỏi xoay sở cũng như giỏi tàn bạo.

Trong thời đại với những biến chuyển lớn lao trên toàn cầu – từ kết thúc Chiến tranh lạnh cho tới sự hình thành một cộng đồng các quốc gia dân chủ, một thế giới đang toàn cầu hóa và sự kiện Mùa xuân Ả Rập trong năm nay – Bắc Hàn vẫn cứ mãi bám giữ thể chế của mình như một đứa trẻ bướng mãi không thấy lớn trên trường quốc tế.

Đối phó với Bắc Triều Tiên là cả một sự lặp đi lặp lại chu kỳ nhượng bộ lấy lòng rồi lại gây gổ hung hăng, khi nước này đang cố vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa có được quan hệ bình thường với cộng đồng quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ.

Các hành động khiêu khích, các cuộc phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu chiến và pháo kích tới một hòn đảo của Hàn Quốc thế nào rồi cũng được nối tiếp bằng động thái ngoại giao và những lời hứa hẹn rằng Bắc Hàn sẽ có hành động về chương trình hạt nhân của họ.

Người dân Bắc Hàn Quốc tế tin rằng người dân Bắc Hàn vẫn sống trong đói khổ

Thế rồi các động thái nửa vời này chắc chắn sẽ lại được tiếp nối bằng các hành động khiêu khích, và một chu kỳ nữa lại bắt đầu.

Trong vòng bí mật

Trong khi có thể kiềm chế Bắc Hàn, thế giới vẫn không thể coi nhẹ quốc gia này, bởi vì công nghệ hạt nhân là công cụ hái ra tiền duy nhất mà Bình Nhưỡng sẵn sàng bán cho một số quốc gia đang mong muốn sở hữu, từ Pakistan cho đến Iran và Libya.

Trong khi điều này có thể mang lợi cho ông Kim Jong-il và các thuộc hạ của ông, nó không giúp ích gì cho người dân Bắc Triều Tiên.

Ngoài sự cố gắng sống còn, một đặc điểm khác của chế độ Kim Jong-il là bỏ mặc người dân.

Dù không ai biết chắc chắn, người ta vẫn cho rằng hàng triệu người Bắc Hàn đã chết vì đói khổ, và đây thực sự là tội ác chống lại nhân loại.

“Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa.”

Sự tương phản rõ rệt giữa hai miền Triều Tiên trong phương diện phát triển có thể quy về một yếu tố đó là bản chất và chất lượng của chính quyền.

Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển như một nền kinh tế toàn cầu và trở thành một cường quốc dẫn đầu khu vực.

Trong khi đó, Bắc Hàn, vốn từng có thời phát triển hơn Nam Hàn, đã phá hỏng nền kinh tế tới mức không còn khả năng nuôi sống người dân của mình.

Một phái đoàn Hoa Kỳ do đặc phái viên mới về Bắc Hàn Glyn Davies dẫn đầu dự kiến ​​sẽ gặp gỡ những người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan, ở Bắc Kinh vào tuần này.

Tin cho hay Mỹ hy vọng sẽ (một lần nữa) đạt thỏa thuận về các biện pháp chứng tỏ Bắc Hàn nghiêm túc trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.

Đổi lại, Bắc Hàn sẽ được hỗ trợ lương thực, tuy nước này cần chấp thuận cho quốc tế giám sát quá trình phân phối để bảo đảm lương thực đến tay những người đang cần chứ không phải quân đội.

Hai bên sẽ thống nhất một lộ trình quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trong đó Hoa Kỳ sẽ có đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn.

Tất cả điều này chắc sẽ phải tạm ngưng khi Bắc Hàn tiến hành quá trình chuyển giao.

Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhanh chóng như thế nào và liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục công việc của các cuộc đàm phán đang dang dở hay không – trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào hiệu quả của quá trình chuyển giao, quyền lực của lãnh đạo nước này đối với người dân và sự cấp bách của nhu cầu lương thực.

Trước mắt, có khả năng dễ dàng gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Miền Bắc có thể tung ra các lời lẽ đao to búa lớn hoặc có hành động khiêu khích để chứng tỏ rằng ban lãnh đạo vẫn duy trì quyền lực bất chấp cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il.

Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa.

Các nỗ lực ngoại giao nay sẽ phải tập trung vào để ngăn chặn hiểu lầm hoặc leo thang căng thẳng.

Ở mức độ chiến lược, các sự kiện đang diễn ra tại Iraq, Libya, Syria và Iran – những quốc gia mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân – có thể sẽ càng khiến lãnh đạo Bắc Hàn tin rằng công nghệ hạt nhân có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự tồn tại chế độ của họ.

Do vậy cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên, vốn chưa bao giờ dễ dàng, sẽ có khả năng bế tắc thêm một lần nữa.

Thật ra thì chẳng ai đoán trước được Bắc Hàn sẽ làm gì.

Khi Kim Jong-il còn sống chúng ta đã không biết mấy về những gì xảy ra ở Bình Nhưỡng. Bây giờ, khi ông ta chết đi, chúng ta chắc còn biết ít hơn.

@bbc

Việt Nam với nước lớn hay chuyện lòng tin và lợi ích

Bài đã được xuất bản.: 07/12/2011 05:00 GMT+7

Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á – Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.

Tại sao ông lại cho rằng từ năm 1985 người Mỹ mới thực sự quan tâm lại tới Việt Nam?

Tình hình thế giới và khu vực từ lúc đó đã quá thay đổi.

Thứ nhất, sự đe doạ của Liên Xô không còn nữa, với việc ông Michail Gorbachev lên nắm quyền vào đầu tháng 3.1985, và tiến hành perestroika (cải tổ). Họ, một mặt, phải tập trung vào giải quyết vấn đề của chính mình, và, mặt khác, lại mở cửa với phương Tây, hoà dịu với Mỹ.

Thứ hai, cũng chính vì vậy, con bài Trung Quốc đối với người Mỹ cũng bị giảm giá trị theo. Đó là chưa nói sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến họ cũng gặp phải những vấn đề của mình, và trong quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng.

Thứ ba, yếu tố khu vực cũng có sự tác động tích cực với tiến trình Việt – Mỹ. Các nước ASEAN tuy vẫn phản đối Việt Nam về chuyện đưa quân sang Campuchia, nhưng đã có những nỗ lực muốn giảm sự đối đầu trong khu vực để chuyển sang đối thoại. Bởi năm 1985 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra tuyên bố trước quốc tế là sẽ hoàn thành rút quân khỏi Campuchia trước năm 1990.

Chẳng hạn như sáng kiến “Jakarta Cocktail” (Tiệc rượu Jakar ta) của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas giúp cho 4 phái kháng chiến Campuchia ngồi với nhau, và các nước Đông Dương và ASEAN gặp nhau không chính thức (JIM1 và JIM2)…

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bản thân trong nội bộ Việt Nam cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đại hội Đảng đã khẳng định quyết tâm mở cửa và hội nhập của Việt Nam để thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.

Về đối ngoại, đây cũng là dấu mốc chính thức cho chủ trương đối thoại thay cho đối đầu – tiền đề cho quá trình bình thường hoá quan hệ, không chỉ riêng với Mỹ.

Nhưng tại sao phải mất tới 10 năm, với ba nhiệm kỳ tổng thống nữa (Reagan, Bush cha và Clinton), hai nước mới có thể chính thức hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao?

Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, phía Mỹ có cử một đoàn do hai hai thượng nghị sĩ là Hart và Lugar dẫn đầu vào Việt Nam. Họ vào gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nói rằng tình hình khu vực thay đổi và phía Mỹ muốn đối thoại với Việt Nam. Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hoá là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.

Bộ trưởng Thạch hiểu câu chuyện, hiểu người Mỹ, và ông biết Việt Nam phải hợp tác tốt trong vấn đề POW/MIA thì Mỹ mới bỏ cấm vận kinh tế, trước khi bình thường hoá quan hệ.

Ông nói với phía Mỹ rằng đây là vấn đề nhân đạo nên hai bên cùng thể hiện thiện chí với nhau, và đề xuất mở hai diễn đàn: một diễn đàn về POW/MIA, và diễn đàn kia về việc giúp đỡ những người bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy… Phía Mỹ thấy có thể chấp nhận được, và OK ngay.

Phải nói ông hành động rất khôn khéo, vẹn cả đôi đường.

Nhưng cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9.1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.

Còn đối với vấn đề POW/MIA, trong Quốc hội Mỹ có nhiều nghị sĩ, nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Smith, của bang New Hampshire, luôn dùng luận điểm này để chống bình thường hoá với Việt Nam. Ông Bob Smith này luôn nói là Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ, và điều này tác động đến lòng người ở Mỹ rất mạnh, nhất là đối với hiệp hội những gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh và một số tổ chức cựu binh Mỹ.

Tôi còn nhớ là sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush (cha), khoảng năm 1990-1991 gì đó, có một đoàn của Mỹ sang Việt Nam, và yêu cầu cho phép họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ, tôi không nhớ tên, nói: “Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, các ông đưa chúng tôi sang Sân bay Gia Lâm, có một trực thăng chuẩn bị sẵn ở đó. Lúc đó chúng tôi mới nói cần đi đâu.”

Bộ trưởng Thạch lại quyết định ngay: Phải chấp nhận mới xây dựng được lòng tin. Lên máy bay, họ chỉ về phía Nam, đến một khu rừng ở Thanh Hoá, đến một cái trại giam tù binh thời chiến tranh, lán trại đã mục nát. Chúng tôi chỉ cho họ xem cỏ mọc dày hết cả lối đi, tức là đã lâu lắm rồi không có người qua lại, lúc đó họ mới tin.

Rồi sang thời của Tổng thống Bill Clinton, khi Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào mùa hè năm 1993, và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc, sau chuyến đi của đặc phái viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Edmund Musky vào tháng 4 năm đó, thì bên Mỹ lại rộ lên chuyện “tài liệu Nga”.

Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 5.1993, nhóm làm phim của ABC News vào Việt Nam với mục đích xác minh lại câu chuyện đó, và yêu cầu gặp bằng được Trung tướng Trần Văn Quang. Phóng viên Jim Laurie nói với hai anh em hướng dẫn viên báo chí (thuộc Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao) rằng họ vừa ghé qua Moscow trước khi đến đây, và còn giơ cho chúng tôi xem bản “tài liệu Nga” đó.

Câu chuyện đầu đuôi thế nào nhỉ, thưa ông?

Một nhân vật chống Việt Nam rất mạnh tên là Stephen Morris, làm tại Đại học John Hopkins, đã tung ra bản tài liệu đó và nói rằng ông ta đã lấy được khi qua Moscow. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam liên quan đến những tù binh Mỹ được gửi sang Liên Xô.

Thế là Chính phủ Mỹ liền tập trung điều tra, yêu cầu gọi Tướng Quang và những người Nga có liên quan trả lời về nghi vấn này. Trong khi đó, Đại tá tình báo Nga Kalugin lại đổ thêm dầu vào lửa, khi phát biểu rằng vấn đề này là có thật.

Vì tài liệu đó mà cần thời gian xác minh, loại bỏ hiểu lầm. Nhưng chuyến đi của ông Musky coi như thất bại. Những gì mà cả hai chính phủ kỳ vọng đã bị vô hiệu hoá.

Tôi vẫn còn nhớ, đầu năm 1993, Bộ Ngoại giao đã cử tôi đi làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, với tâm thế là sẽ đi Washington D.C. để thành lập cơ quan liên lạc, và bàn giao nhiệm vụ ở LHQ cho người phó của tôi là ông Ngô Quang Xuân.

Và đến tháng 7.1993, Tổng thống Clinton chỉ tiến thêm được một bước nữa trong việc tiếp tục nới lỏng cấm vận, khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc hai bên phải chờ thêm một năm rưỡi nữa (1.1995), sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần một năm trước đó (3.2.1994).

Công việc của ông với tư cách là Trưởng phòng Liên lạc, cho tới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Mỹ – Việt, và ông trở thành Đại biện Lâm thời?

Thì vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề POW/MIA. Ngoài ra là các vấn đề nhân đạo và giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh.

Chẳng hạn phía Mỹ đòi Việt Nam phải trả khoản tiền hơn 200 triệu USD do công dân Mỹ để lại ở Sài Gòn khi di tản vào tháng 4.1975, như nhà, ô tô, tài sản….

Chủ yếu là do họ tự kê khai và qui ra tiền thôi, nhưng đàm phán đi đàm phán lại, rút cục, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng, đổi lại, phía Mỹ đã hứa dùng toàn bộ số tiền này để giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, và đưa vào quỹ học bổng Fulbright, mỗi năm chi đâu khoảng 6-7 triệu USD.

Món nợ của quá khứ đã trở thành khoản đầu tư cho tương lai.

Với tư cách là người tham gia từ đầu tới cuối tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, và cũng là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình này?

Kể từ thời điểm bình thường hoá đến tận bây giờ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á đã đóng vai trò quyết định trong những quyết định lớn Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Dù quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện, nhưng họ vẫn cần có thêm những mối quan hệ cho nặng đồng cân. Đó là lý do họ duy trì và củng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác, họ vẫn chủ trương mở rộng quan hệ với chúng ta, từ ngoại giao sang thương mại, giáo dục, và cả an ninh, quốc phòng nữa.

Nói tóm lại, Mỹ luôn tính tới Việt Nam trong việc đàm phán và quan hệ với các cường quốc khác.

Tuy nhiên, có thể quyết sách dựa trên lợi ích là vậy, nhưng giải quyết các vấn đề nội bộ lại là chuyện khác. Cho nên tuy Clinton muốn xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá, hay đạt thoả thuận thương mại song phương, ông vẫn cần những ông nghị sĩ cả hai đảng đứng đằng sau, nhất là những thượng nghị sĩ vốn là cựu binh John Kerry, hay John McCain, để hỗ trợ ông.

Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á – Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại khác nhau.

Giải mã về “Mr. America” Nguyễn Cơ Thạch

Tôi thấy ông mấy lần nhắc tới cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ấn tượng của ông như thế nào về vai trò của ông Thạch trong tiến trình này?

Nói đến tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, về phía Việt Nam, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt là từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời là Uỷ viên BCT và Phó Thủ tướng Chính phủ, ông có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông là người luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này.

Tôi còn nhớ giai đoạn 1987-1988, hai bên vẫn gặp nhau để bàn thảo những công việc liên quan tới POW/MIA, nhưng phía Mỹ yêu cầu không đưa vấn đề bỏ cấm vận vào chương trình làm việc. Họ không được phép của chính phủ Mỹ.

Ông Thạch bảo phải tìm thêm một kênh nữa để có thể nói chuyện về bỏ cấm vận và bình thường hoá. Thế là vào mùa thu năm 1988, ông đã viết thư cho ông William Sullivan, người đồng cấp với ông trong đàm phán Hiệp định Hoà bình Paris và ông vẫn giữ được quan hệ kể từ đó.

Ông Sullivan có sang London gặp Đại sứ Việt Nam tại đó. Rồi từ London, ông Thạch mời ông Sullivan sang đây, và họ có thể nói chuyện nhiều thứ, chứ không bị bó buộc như đối với trường hợp của đặc phái viên của Tổng thống, Đại tướng John Vessey.

Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, một tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề POW/MIA, cũng như xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, tất nhiên theo một cách riêng, đã ra đời theo sáng kiến của họ. Chị Ginny Foote là thư ký của ông Sullivan, còn tôi cũng ở vai thư ký của ông Thạch nên ngồi những cuộc như thế tôi biết rất rõ.

Ông là người khá gần gũi với ông Thạch trong công việc. Nét tính cách nào của ông Thạch khiến ông thấy ấn tượng nhất?

Hài hước. Ông nói nhiều câu mà người Mỹ ngỡ ngàng.

Chẳng hạn, có một đoàn Mỹ sang đây năm 1988, khi làm việc, thấy câu chuyện hơi căng thẳng, tự nhiên ông hỏi: Các ông có thuốc nổ không? Chúng tôi muốn nhập.

Họ hỏi lại nhập làm gì, và giải thích là việc đó không hề dễ dàng theo qui định của hệ thống pháp luật của Mỹ.

Ông bảo: Tôi muốn làm nổ tung mấy nhà máy in tiền của chúng tôi đi. Lạm phát cao quá!

Cả Mỹ, cả ta cười ồ lên. Không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi.

Khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ năm 1992, tôi nghe nói có nhà báo Mỹ nhận xét ông là “the right man of the wrong time” (con người đúng ở thời điểm sai). Ông nghĩ sao về nhận xét đó?

(Cười). Tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không thể đi ngang bằng, hoặc đi sau, so với những người còn lại trong đoàn người. Bởi như vậy thì làm sao thực hiện vai trò dẫn dắt được. Nhưng, ngược lại, cũng đừng đi nhanh quá mà anh bị mất hút đối với đám đông.

Ý ông là ông Thạch đi quá nhanh?

Cũng khó nói là ông Thạch đi quá nhanh, hay những người còn lại đi quá chậm. Chỉ có điều, nói một cách hình tượng, trên thực tế, khoảng cách giữa ông và mọi người là 10 mét, trong khi, trong sương mù, người ta chỉ nhìn rõ được 5 mét thôi.

Trong quan hệ với một nước khác, họ cứ đồn ông Thạch là Mr. America, nhưng hoàn toàn không phải. Ông là một người rất Việt Nam, nhưng sáng suốt biết chọn bước đi đúng đắn, có lợi cho mở cửa và đổi mới kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn ông.

@Tuần Việt Nam

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc

Việc ai là lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến thế giới

Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC từ Global Policy Institute, London

Năm 2012, bốn trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc – là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc – sẽ có các cuộc ‘bầu cử’ quan trọng. Nhưng có thể nói cuộc ‘bầu cử’ chọn lãnh đạo mới ở Trung Quốc được giới quan sát và truyền thông quan tâm nhiều nhất.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc – dự tính sẽ diễn ra vào mùa Thu năm tới – sẽ chính thức quyết định ai là người thay thế ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo trong vai trò Tổng bí thư/Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc trong 5 hay 10 năm tới đây.

Ngoài ra, với việc từ nhiệm của ông Hồ, ông Ôn và năm người khác vào dịp đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, bảy trong chín ủy viên thường vụ của Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc – cũng được bầu chọn trong đại hội này.

Với vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, lập trường và đường lối của giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ quyết định hướng đi của quốc gia 1.3 tỷ người này mà còn tác động đến kinh tế và an ninh chung của thế giới.

Tập Cận Bình

Người được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là ông Tập Cận Bình vì dù ‘bầu cử’ chưa chính thức diễn ra giới quan sát đều chắc chắn rằng ông sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước sau kỳ đại hội.

Sinh năm 1953, ông là con trai của Tập Trọng Huân – người đã từng tham gia Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, sau đó được giữ chức Phó Thủ tướng và được coi là một trong những công thần của chế độ. Dù bị thanh trừng trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, ông được Đặng Tiểu Bình khôi phục, trọng dụng và đóng một vai trò quan trọng trong việc cải cách kinh tế Trung Quốc vào những năm 1980, giúp nước này đạt những thành quả kinh tế vượt bực.

Cũng vì mang ‘dòng máu cách mạng’, ông Tập Cận Bình thường được nhắc đến như là một ‘thái tử đảng’ và sự nghiệp chính trị của ông cũng tương đối dễ dàng. Ông đã từng được giao những chức vụ quan trọng khác nhau ở cấp địa phương, trong đó có Bí thư thành phố Thượng Hải.

Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam trong tuần này

Nhưng tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến nhiều kể từ khi ông được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007. Tháng Ba năm 2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Và một năm sau, tạp chí Time đã chọn ông là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và tin rằng ông sẽ giữ chức chủ tịch nước vào năm 2012.

Mọi đồn đoán về vai trò lãnh đạo của ông dường như đã trở thành hiện thực khi ông Tập được trao chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tháng 10 năm 2010 vì theo truyền thống bầu chọn lãnh đạo của Trung Quốc, nếu ai được giao giữ chiếc ghế đầy quyền lực đó, chắc chắn người ấy sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của nước này.

Tuy vậy, mặc dù được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, ít ai biết rõ lập trường chính trị của ông. Như một bài viết của Geoff Dyer trên The Financial Times ngày 04/03/2011 nhận định, vì tránh đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi, ông Tập ít khi bày tỏ chính kiến. Đó cũng là lý do người ta khó nắm bắt được quan điểm của ông.

Nhưng dựa trên thân thế và sự nghiệp của ông Tập, bài viết này đưa ra hai giả thiết về đường lối lãnh đạo trong tương lai của ông. Thứ nhất, nếu thừa kế được lập trường của cha mình, ông Tập sẽ có đường lối cởi mở vì cha ông là một người có tư tưởng cải cách và là người đã từng công khai phản đối cuộc đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989.

Giả thiết thứ hai cho rằng ông sẽ là một người bảo thủ vì ngay từ bước đầu trong sự nghiệp chính trị của mình, ông đã quyết định theo sát đường lối, lập trường chính thống của đảng và chính con đường này đã giúp ông thăng tiến trên bậc thang quyền lực. Hơn nữa, khi thời điểm lên ngôi của mình đang đến, ông tìm cách gia tăng sự ủng hộ từ những thành phần thuộc các gia đình cách mạng và quân đội – hai lực lượng luôn muốn duy trì hiện trạng, không chấp nhận thay đổi.

Cũng theo Geoff Dyer, vì có quan hệ thân thiết với quân đội, ông Tập có thể dễ dàng tác động lên lực lượng này và cũng vì có mối liên hệ gần gũi như vậy, có thể ông có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa.

Trong bài viết của mình được đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ hôm 28/09/2011, Bruce Gilley cũng cho rằng ông Tập có lập trường cứng rắn cả về đối nội và đối ngoại, và có những dấu hiệu cho thấy ông theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong chính sách ngoại giao. Một ví dụ được Bruce Gilley đưa ra để chứng minh thái độ cứng rắn của ông là việc ông công khai chỉ trích lại những ai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Mexico của ông năm 2009.

Lý Khắc Cường

Nhân vật thứ hai được nhắc đến nhiều là Lý Khắc Cường, sinh năm 1955, hiện là phó Thủ tướng và là người dường như chắc chắn sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo giữ chức Thủ tướng. Cũng giống như ông Tập, ông Lý được bầu vào thượng vụ Bộ chính trị năm 2007.

Ông Lý Khắc Cường hiện là phó thủ tướng

Nhưng trái ngược với ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường không phải là diện ‘con cha cháu ông’. Giống như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, ông đi lên từ phong trào thanh niên cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao giới quan sát cho rằng ông được hai người này bảo vệ, nâng đỡ.

Là một sinh viên luật tại Đại học Bắc Kinh – ông thi vào đại học năm 1977, sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa – và có bằng tiến sỹ kinh tế, ông được coi là một trí thức, có đầu óc cải cách. Một bài viết của Chris Buckley, Reuters từ Bắc Kinh hôm 28/10/2011 cho hay trong số những bạn bè học đại học với ông nhiều người cổ võ cho dân chủ và sau này trở thành những nhà bất đồng chính kiến chống lại chính phủ.

Những bạn bè ông được trích dẫn nói rằng khi nói chuyện ông cũng không có đề cập đến những khẩu hiệu của Mao Trạch Động. Trái lại, ông rất mê học tiếng Anh. Và theo bài viết này, so với lớp lãnh đạo trước như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, thông thạo tiếng Anh cũng là một lợi thế của thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc.

Trước đại hội 17 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, ông thường được coi là ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Nhưng theo một bài viết của Malcolm Moore trên The Guardian hôm 11/01/2011, vì cho rằng ông có lập trường tự do, cởi mở nhiều thành phần bảo thủ trong đảng đã quay sang ủng hộ đối thủ của ông là Tập Cận Bình.

Nhân vật khác

Hai nhân vật khác cũng được nhắc nhiều là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh và Uông Dương, Bí thư Quảng Đông. Họ được coi là hai ứng viên nặng ký trong khoảng 14 ứng viên khác cho bảy chiếc ghế còn trống tại Thường vụ Bộ chính trị.

Thân thế của ông Bạc Hy Lai, sinh năm 1949, cũng giống như Tập Cận Bình. Ông là con trai của Bạc Nhất Ba – một công thần chế độ, bị trù dập trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng sau đó được Đặng Tiểu Bình phục hồi và đóng vai trò quan trọng việc cải cách, mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy, ông Bạc Hy Lai cũng gần gũi với Tập Cận Bình, một thái tử đảng khác.

Còn con đường sự nghiệp của ông Uông Dương, sinh năm 1955, lại giống con đường của ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Khắc Cường – lớn lên từ phong trào đoàn.

Theo một bài viết trên Asia Times hôm 22/07/2011, hai nhân vật này không chỉ có thân thế trái ngược nhau mà quan điểm chính trị cũng rất khác nhau.

Ông Bạc chủ trương quay lưng lại với các chính sách kinh tế thị trường và theo đuổi chủ nghĩa quân bình của thời Mao Trạch Đông, giới hạn khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra ông cũng khuyến khích hát những ca khúc nhạc đỏ yêu nước, học thuộc lòng những tác phẩm của Mác-xít và Mao-ít nhằm khôi phục lại những giá trị, tư tưởng thời Mao Trạch Đông.

“‘Mô hình Quảng Đông’ cổ võ tự do, ủng hộ kinh tế thị trường, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Trong khi đó ‘mô hình Trùng Khánh’ lại thiên về xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống.”

Trái lại, ông Uông Dương chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường và tiến hành thêm cải cách.

Một bài viết trên The Economist, số ra hôm 26/11/2011, và một bài viết của De La Grange đăng trên nhật báo Pháp, Le Figaro, hôm 14/10/2011, cũng đề cập đến hai nhân vật này và bình luận rằng họ đang theo đuổi hai mô hình phát triển khác nhau tại Trung Quốc. Hai bài báo này cũng cho rằng đây là hai khuynh hướng đối lập đang tranh giành ảnh hưởng hiện tại ở Trung Quốc.

‘Mô hình Quảng Đông’ cổ võ tự do, ủng hộ kinh tế thị trường, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Trong khi đó ‘mô hình Trùng Khánh’ lại thiên về xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống.

Bài viết của Asia Times cho rằng vì sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn tại Trung Quốc, xem ra quan điểm của ông Bạc Hy Lai đang được công chúng ủng hộ hơn. Bài viết này cũng cho rằng ngay trong đảng Cộng sản Trung Quốc, những cuộc đấu đá chính trị đang âm thầm diễn ra và không ai ngoài cuộc có thể đoán được quan điểm nào sẽ thắng thế trước đại hội 18 năm tới.

Chưa thay đổi

Đúng vậy, chưa ai có thể đoán được lập trường, đường lối của thế hệ lãnh đạo mới như thế nào hay khuynh hướng nào sẽ thắng thế vì như một bài viết của The Economist, trong số đặc biệt The World in 2012, nhận định, mãi tới khi ông Tập Cận Bình lên ngôi và yên vị trong chức vụ mới, không nên đoán trước ông sẽ làm gì trong tư cách lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Theo bài viết này, trong năm tới cũng sẽ không có gì mới trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Thậm chí có ít đổi mới về chính trị dù giới trí thức, nhà báo và một số đảng viên đòi hỏi có thêm cải cách trong lĩnh vực này từ. Trái lại, có thể chính quyền Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn hơn với những giới bất đồng để bảo đảm rằng không ai có thể làm rung chuyển hệ thống trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Vì vậy, dù nóng lòng muốn xem lập trường, đường lối cụ thể về đối nội đối ngoại của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc như thế nào, các nhà chiến lược, giới quan sát, phân tích vẫn phải chờ đợi.

Chẳng hạn, dù quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trong thời gian vừa qua có nhiều sóng gió, đặc biệt liên quan đến tranh chấp Biển Đông, dư luận chung đều cho rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam và Thái Lan lần này cũng không mang đến những thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

@ bbc