Day: 14/12/2011
Câu chuyện đổi đời của một gia đình H.O.
Huy Phương
Một H.O. muộn màng
Cựu Trung Úy Lê Văn Thiệu, tốt nghiệp khóa 1 Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt bị tập trung trong các trại tù cộng sản 7 năm.
|
Người vợ tù và những đứa trẻ ở Gio Linh. (Ảnh gia đình) |
Sau khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con, cho mãi đến năm 1995, gia đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. Sau 5 năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000 con đầu là Lê Thành học xong bằng Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at Arlington). Năm 2004 con trai thứ ba, Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer science. Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì lấy bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử. Năm 2010 con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1972 sau khi ông Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa.
Vào năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O. Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người.
Năm 2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.” sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cho quốc phòng Mỹ. Ba năm trước công ty được cấp kinh phí từ US Army để nghiên cứu và chế tạo ra một bộ cảm ứng thông minh (Intelligent Multi-Sensor) cho hai động cơ trực thăng chiến đấu hàng đầu của Mỹ là Blackhawk và Apache. Ðể làm được điều này, nghiên cứu (research proposal) của công ty Luraco phải xuất sắc và vượt trội hơn nhiều công ty danh tiếng khác. Phát minh bộ cảm ứng thông minh này của công ty Luraco sẽ tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về vấn đề bảo trì và an toàn cho hai loại máy bay trên. Hãng WPI tại Fort Worth, Texas đã mời Tiến Sĩ Lê Huy làm việc với chức vụ là khoa học gia (scientist) để đảm trách việc nghiên cứu về Flexible Active Circuits và Optical Sensors dùng trong hỏa tiễn và phi thuyền không gian.
Hai năm qua công ty Luraco cũng thắng được hai hợp đồng với US Air Force và được cấp kinh phí để chế tạo hệ thống kết nối những sensors FADEC (Full Authority Digital Electronic Control) trong động cơ phản lực F.35 của Không Quân Hoa Kỳ. FADEC là project lớn dưới sự giám sát của cơ quan NASA Hoa Kỳ. Ngoài NASA, công ty Luraco vinh dự được làm việc chung với Boeing và GE là hai công ty chế tạo động cơ phản lực (jet engine) cho phản lực cơ Hoa Kỳ.
Ðây là công ty duy nhất của người Việt Nam nhận được kinh phí trực tiếp từ Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm kỹ thuật cao cho quân đội. Người Mỹ khó tin được là các em trong công ty mới mẻ này là con một gia đình tỵ nạn cộng sản chỉ mới đặt chân đến Hoa Kỳ từ năm 1995.
Thực dụng trong ngành thẩm mỹ ở Mỹ, Luraco là công ty đầu tiên sáng chế ra ghế Mini Pedicure Spa cho trẻ em, Jet nam châm (Magna-Jet) cho bồn Spa, máy khử mùi hóa chất (ChemStop) và máy hút bụi nail (Partigon) cũng như ghế Massage iRobotics. Hai năm liền 2010 và 2011 công ty Luraco được vinh dự đón nhận bằng khen là một trong 50 công ty Châu Á phát triển nhanh nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Năm 2010 công ty Luraco được xếp hạng thứ 69 trong 100 công ty phát triển nhanh vùng Dallas Fort Worth do Khoa Thương Mại trường Ðại Học SMU bình chọn.
Trong bốn anh em nhà họ Lê, Tiến Sĩ Kevin Huy Lê là một thành viên trong Hội Quang Học Quốc Tế (The International Society for Optical Engineering) và là người giám định (Peer Reviewer) cho nhiều công bố về khoa học kỹ thuật cũng như tác giả của hơn 20 “technical publications in journals and conference proceedings.”
Những ngày ở Gio Linh
Nhớ lại những ngày xa xưa, Lê Thành, giám đốc công ty Luraco, ngày nay cũng là một MC và “Mạnh Thường Quân” của cộng đồng tị nạn tại Dallas, Ft. Worth đã nói rằng anh không bao giờ quên những ngày khốn khổ ở vùng quê Gio Linh, một vùng bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngổn ngang những đống gạch vụn và những hố bom. Sau tháng 4, 1975, khi thân phụ phải vào trại tù tập trung, mẹ anh phải đưa các con về nương tựa bên ngoại. Khi mẹ anh kiếm được một chân y tá tại trạm y tế Gio Linh, Thành mới lên 5 tuổi, cùng với đứa em kế theo mẹ về trạm xá, còn hai em nhỏ trong đó có một đứa mới sinh phải “rứt ruột” gởi cho ông bà ngoại nuôi. Ba mẹ con ở trong một căn phòng lợp tranh, vách đất, không có điện bên cạnh trạm xá. Sau những giờ đi học, Thành phải đi mót củi, nấu cháo hay khoai và trông chơi với em. Thành rất thương mẹ, nhớ đến những lúc mẹ khóc, nước mắt ướt cả mặt anh, vì cuộc sống quá cơ cực, cô đơn, mà chồng không biết lưu lạc ở trại tù nào. Con đến trường thì bị gọi là “con ngụy,” mẹ nơi chỗ làm thì được xem là “chồng có nợ máu!”
Sau 7 năm, khi cha của ông đi tù về mở một tiệm mộc, mẹ ông bỏ việc trở về sum họp với gia đình tại thôn Gio Mai. Thành lên trung học rồi thi đỗ vào Ðại Học Sư Phạm Huế, những năm cuối cùng trước khi lên đường đi Mỹ, Thành dạy tại trường Cao Ðẳng Sư Phạm Quảng Trị. Nhờ những tín chỉ của ÐH Sư Phạm, chỉ 5 năm sau khi đến định cư tại Dallas- Ft Worth, Lê Thành đã lấy xong Master ngành điện tử, cùng với các em Lê Hiếu, bốn năm sau lấy bằng tiến sĩ cùng ngành để xây dựng lên một công ty có đủ khả năng cạnh tranh với các công ty lớn của Mỹ.
So với những gia đình cựu tù nhân khác, gia đình ông Lê Thiệu đến Mỹ tương đối muộn, vì lúc ra tù, ông tìm về quê cũ, một vùng đất xa xôi, nghèo khổ, xa ánh sáng đô thị, thiếu hẳn tin tức và bạn bè. Nhất là sau khi Thừa Thiên, Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình của miền Bắc để thành Bình Trị Thiên, tỉnh này thuộc cơ chế hành chánh của miền Bắc, khắt khe và đầy sự kỳ thị. Mãi đến đầu năm 1990, khi thấy thấy rõ, chắc chắn bạn bè lên đường đi định cư ở Mỹ, ông Lê Thiệu mới dám nộp đơn cho công an địa phương.
Nhờ tinh thần hiếu học và sự cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tuổi ấu thơ, đến Mỹ, anh em nhà họ Lê như giống tốt gặp môi trường đất đai, khí hậu, phân bón tốt đã đâm chồi, nẩy lộc, cho trái tốt. Tuy vậy “nhớ công ơn cha mẹ đã trải qua những nỗi nhọc nhằn, tạ ơn nước Mỹ, đất của cơ hội đã cưu mang cho chúng con một đời sống mới, và cộng đồng người Việt tị nạn luôn luôn gần gũi, thương yêu gia đình chúng con,” đó là những lời giãi bày của những đứa trẻ từ mảnh đất Gio Linh nghèo khó, hôm nay đã thành công trên đất nước Hoa Kỳ.
@NguoiViet
Việt Nam đối diện với khủng hoảng kinh tế?
Nguồn: Simon Roughneen – The Diplomat
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Với nạn lạm phát tăng vụt, những nhà máy ở Việt Nam đang nhận thấy cơn đau. Liệu một loạt cải cách của chính phủ đã hơi quá trễ để ngăn chặn một cơn khủng hoảng kinh tế?
Với những ngọn đèn đường thắp bằng thứ ánh sáng yếu ớt khi hoàng hôn đang tối dần ngoài trời, Trang Hoàng Yến vẫn đẩy những chiếc áo thun vào chiếc máy may trong khi hầu hết những nhân viên của cô đã về nhà.
“Thường thì chúng tôi có nhiều công nhân hơn, nhưng năm vừa qua thì rất khó khăn trong lĩnh vực của chúng tôi,” cô nói, ngừng tay trong vài phút để trò chuyện.
Xưởng sản xuất nhỏ của Trang Hoàng Yến nằm trên một con đường nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây cũng khấm khá. Từ 30 công nhân giảm xuống còn 14 người, cô nói rằng chi phí đầu vào của công ty “đã tăng cao, và giá thành sản xuất đã tăng gấp đôi.”
Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam đạt đến 23% vào tháng Tám, mặc dù sau đấy đã giảm một ít xuống dưới mức 20%. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với một số biện pháp đối phó trong nỗ lực làm hạ nhiệt một nền kinh tế đang sôi sục. Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang suy giảm, và quốc gia này đang đối diện một mức nhập siêu 10 tỉ Mỹ kim trong năm 2012, theo tin từ chính phủ.
Vậy liệu những cải cách, bao gồm những giới hạn tín dụng và tăng lãi suất, sẽ đủ để hạ nhiệt? Một số nhà phân tích không nghĩ thế.
Trong phát biểu trước hội nghị các nhà tài trợ tại Hà Nội vào ngày 6 tháng Mười hai, đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Sanjay Kalra đã nói rõ về vấn đề này, “Chính quyền cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để bảo đảm sự bền vững của lĩnh vực tài chính trong khi tái thiết lập sự ổn định kinh tế vĩ mô.”
Những phát biểu khác tại hội nghị đã chú trọng vào sự cần thiết của việc cải cách lĩnh vực ngân hàng, tư nhân hoá những doanh nghiệp nhà nước và quản chế tham nhũng. Việt Nam đứng thứ 112 trên 182 quốc gia trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu sau cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức Minh bạch Quốc tế, vừa được xuất bản tháng trước.
Một số nhà tài trợ đã nói về thành tích yếu kém của Việt Nam về nhân quyền và tự do ngôn luận, với những luật sư, blogger, nhà báo, những nhà hoạt động và những người dân đấu tranh thường xuyên bị bắt giam. Đại sứ Na Uy Stale Torstein Risa nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng nới lỏng những giới hạn về chính trị trong một quốc gia độc đảng sẽ giúp cho nền kinh tế vững mạnh hơn.
Việt Nam giờ đây dường như đang ở giữa dòng rẽ kinh tế, dường như gợi lại thời kỳ 1980s, khi quá trình đổi mới nổi tiếng được đưa ra, mở cửa kinh tế quốc gia cho đầu tư nước ngoài, đi theo con đường độc tài chính trị – giải phóng kinh tế của Trung Quốc. Việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995 đã làm sáng tỏ vị thế “ngôi sao đang lên” của Việt Nam mà điểm đỉnh là khi Hà Nội tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007.
Nói chuyện tại một bữa ăn trưa dành cho các nhà đầu tư Ireland vào ngày 28 tháng Mười một, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói rằng có 13.450 dự án đầu tư tại Việt Nam, ông bổ sung rằng chính phủ hi vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Những thương hiệu như Intel, Honda và Nike đều đã mở những nhà máy lớn tại Việt Nam, sự hấp dẫn của nước này đối với các công ty đầu tư một phần bắt nguồn từ lực lượng lao động rẻ, được dự tính đứng thứ hai trên châu Á sau Cambodia bởi Văn phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, và vì thế là một sức hút chủ lực đối với các nhà đầu tư trong những lĩnh vực chuyên về gia công như may mặc và giày dép.
Tuy nhiên đây chỉ là những lĩnh vực chi phí rẻ và giá thành rẻ, và vẫn còn phải chờ xem liệu nền kinh tế đang có khả năng tiến dần đến một khủng hoảng này có thể tiếp tục thu hút đầu tư và chuyển sang việc sản xuất những mặt hàng có giá trị hơn hay không.
Du lịch là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng đối với Việt Nam, với lượng du khách thăm viếng trong năm 2010 chỉ trên 5 triệu người, so với 14,15 triệu ở Thái Lan và 23,65 triệu tại Malaysia. Ngành du lịch chiếm khoảng 4% giá trị trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Thái Lan và Malaysia cho phép du khách lưu trú đến một tháng không cần giấy thị thực, không như Việt Nam, vốn bắt buộc phải trình thị thực trước hoặc ngay sau khi nhập cảnh.
Dương Sinh Sơn điều hành một dịch vụ “lưu trú tại nhà” (homestay – ND) bên ngoài khu công viên quốc gia ở Thanh Hoá, khoảng ba giờ lái xe từ Hà Nội. Khung cảnh xanh tươi đầy ấn tượng của những sườn đồi và thung lũng lúa tạo ra một địa điểm du ngoạn tuyệt vời và giá rẻ cách xa những tuyến đường quá quen thuộc ở Hạ Long và Sapa.
Ngồi xếp bằng trên chiếc nhà sàn tre, Dương Sinh Sơn nói rằng anh có khoảng 200 đến 300 du khách mỗi năm kể từ ngày khai trương. Với giá 7 Mỹ kim một đêm, anh nói rằng anh hi vọng sẽ thu hút thêm nhiều du khách, nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể hấp dẫn nhiều du khách hơn trong môi trường cạnh tranh khu vực ngày càng căng thẳng, với việc Miến Điện đang muốn thay đổi chắc chắn sẽ nổi lên như một điểm đến mới trong những năm tới.
Bên cạnh những khó khăn và thử thách ngày càng lớn gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng với mức 6,5% trong năm 2010; Ngân hàng Thế giới dự đoán chỉ sẽ giảm 1% trong năm 2012. Tuy nhiên, con số tăng trưởng là một khái niệm trừu tượng đối với những doanh nghiệp nhỏ và người dân thường đang tìm cách giật gấu vá vai, đặc biệt khi lạm phát đang đẩy người dân xuống dưới mức nghèo khổ. Với Trang Hoàng Yến, thời kỳ khó khăn có vẻ sẽ tiếp tục. Nhưng khi cô hướng đầu về bức ảnh Thánh Tâm Chúa treo bên trên khung cửa, cô nói thêm: “Cám ơn Chúa, đôi khi điều tốt vẫn xảy ra.”
Một đơn đặt hàng từ Na Uy với 5 nghìn chiếc áo thun trơn dành cho thị trường Giáng Sinh đang làm cô bận rộn – và giữ doanh nghiệp tiếp tục bất chấp những khó khăn về lạm phát. “Tôi muốn mở rộng doanh nghiệp này,” cô nói. “Nhưng việc này sẽ phải đợi cho đến khi mọi việc khá hơn.”
@ X-Cafe
Phó chủ tịch TQ sắp thăm Việt Nam
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn Bộ Ngoại giao đưa tin Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm Việt Nam từ 20/12-22/12.

Báo chí Trung Quốc trong khi đó chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về chuyến đi của ông Tập, người cũng giữ vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và được cho là trong tương lai sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Các bài liên quan
Nếu chuyến đi diễn ra, thì ông Tập Cận Bình cũng là nhân vật cao cấp nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam có ban lãnh đạo mới vào tháng 1/2011.
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc hồi tháng 10.
Nội dung chuyến thăm của ông Tập chưa được công bố chi tiết.
Một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung ở trong nước, đề nghị giấu tên, nói với BBC rằng chuyến đi của ông phó chủ tịch Trung Quốc ‘có thể liên quan tới các động thái gần đây trong bang giao quốc tế’.
“Thái độ mạnh bạo, thậm chí hung hăng của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia chỉ trích, bởi vậy ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ có các chuyến công du để xoa dịu dư luận và hàn gắn quan hệ.”
Trong khi đó, giới bình luận cũng ghi nhận thái độ khá mạnh mẽ của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
‘Đòi hỏi chủ quyền’
Hôm 25/11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc hội Việt Nam rằng chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn từ năm 1974.
Phát biểu được đánh giá là cho thấy ‘sự chuyển dịch trong chính sách về chủ quyền’ này chưa gặp phản ứng đáng kể nào từ chính giới Trung Quốc.
“Thái độ mạnh bạo, thậm chí hung hăng của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia chỉ trích, bởi vậy ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ có các chuyến công du để xoa dịu dư luận và hàn gắn quan hệ.”
Một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung
Tiếp sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có chuyến công du các tỉnh biên giới phía Bắc, tới nhiều địa điểm ‘nhạy cảm’ gắn liền với những năm tháng sóng gió trong quan hệ Việt-Trung như thác Bản Giốc, biên giới Hà Giang và Cột cờ Lũng Cú.
Một lần nữa, cũng chưa thấy có phản ứng gì từ phía Trung Quốc.
Gần đây nhất, hôm thứ Hai 12/12 trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh với giới chức ngoại giao ‘bài học đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ’.
Một số nhà quan sát nói dường như Bắc Kinh đang giữ thái độ hòa hoãn.
Việc giới chức ngoại giao ở Hà Nội ‘rò rỉ’ thông tin về chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cho báo giới trước khi hai bên có thông báo chính thức có thể là để phô bày điều được cho là ‘xuống thang’ của Trung Quốc trước lập trường cứng rắn của Việt Nam.
Ban lãnh đạo Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ dư luận trong nước đòi hỏi phải có thái độ và hành động dứt khoát trước chính sách đối ngoại-quốc phòng hung hăng của Trung Quốc.