Hà Nội, TP HCM thuộc Top đắt đỏ hàng đầu châu Á

Theo khảo sát mới nhất về chi phí sinh hoạt của hãng ECA International, hai thành phố của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM đều thuộc top 50 thành phố đắt đỏ nhất châu Á.

Kết quả khảo sát của ECA International cho thấy, Hà Nội là thành phố có giá cả đắt thứ 41 trong số 50 thành phố đắt đỏ nhất châu Á, còn TP HCM đứng thứ 43.

Đứng đầu danh sách này là 4 thành phố của Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo, Nagoya, Yokohama và Kobe. Đồng yen của Nhật tăng mạnh trong 12 tháng qua với mức tăng 20% so với USD khiến Tokyo không chỉ là thành phố đắt đỏ nhất châu Á mà còn trên toàn thế giới.

Xếp ở vị trí thứ 5 là Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Singapore đứng ở vị trí thứ 6, vượt hai bậc so với năm ngoái do đồng SGD ngày càng mạnh hơn các đồng tiền lớn khác trên thế giới, khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ trung bình tăng 5,7%.

Ba vị trí từ thứ 7 đến thứ 9 thuộc về ba thành phố lớn ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong. Đứng ở vị trí cuối cùng trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á là Busan, Hàn Quốc.

Còn theo bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ nhất thế giới, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đứng thứ 217, còn TP HCM ở thứ hạng 224.

Theo khảo sát của ECA International, Hà Nội là thành phố có giá cả đắt thứ 41 trong số 50 thành phố đắt đỏ nhất châu Á. Ảnh: greentrailtour.

Cuộc khảo sát của ECA được thực hiện trên cơ sở so sánh sức mua chung các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong rổ tính toán của ECA tại 400 thành phố, địa phương trên toàn thế giới.Khảo sát này không bao gồm những thành phần như nhà ở, tiện ích, xe hơi, chi phí đi học và những sản phẩm khác có thể tạo nên sự khác biệt về chi phí…Theo ECA, năm qua, do ảnh hưởng của lạm phát và tỷ giá hối đoái nên tác động khá lớn đến thu nhập của người dân. Trong 12 tháng qua, giá thực phẩm, dầu và nhiều loại hàng hóa khác tại nhiều nơi trên thế giới đều tăng. Ở châu Á, giá hàng hóa và dịch vụ tăng trung bình trên 8%, trong đó tăng nhiều nhất là tại Bangladesh (15%), Việt Nam (14,2%) và Ấn Độ (13,3%).
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của thị trường châu Á với các công ty nước ngoài, báo cáo của ECA kết luận.

Thương mại Mỹ – Việt tăng 1200% sau 10 năm

Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000, khai thông quan hệ cấp cao hai bên

Đánh dấu 10 năm ký Hiệp định Thương mại Song phương Mỹ – Việt (BTA), Hoa Kỳ công bố các số liệu cho thấy trao đổi mậu dịch hai nước từ 12/2001 đến nay tăng từ 1,5 tỷ lên hơn 20 tỷ USD.

Nhân dịp này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear nói:

“Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã có những bước tiến ấn tượng trong mối quan hệ song phương của chúng ta, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế “,

Ông Shear, người sang nhậm chức cách đây không lâu, cũng cam kết rằng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông ở cương vị đại sứ.

Trong thông cáo gửi cho báo chí ngày 9/12 từ Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng nói “tiến bộ trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương diễn ra đồng thời với sự chuyển đổi kinh tế to lớn tại Việt Nam đã giúp cải thiện cuộc sống của những công dân Việt Nam bình thường.”

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đưa ra con số rằng trong 10 năm qua, thu nhập thực tế tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 7,2% mỗi năm, và GDP bình quân đầu người đã tăng từ 413 USD năm 2001 lên 1.300 USD vào năm 2011.

Vẫn theo Đại sứ quán Mỹ, cùng thời gian tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 10,6% trong năm 2010.

Quyết định của Tổng thống Bill Clinton bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 và chuyến thăm của ông tháng 11 năm 2000 đã mở đường cho Hiệp định BTA ký thời Tổng thống George W Bush.

BTA được cho là cột mốc quan trọng trong lịch trình bình thường hóa  bang giao Mỹ – Việt.

Có hiệp lực từ 10/12/2001 Hiệp định tạo nền tảng cho giao thương kinh tế, mở cửa thị trường Việt Nam cho các công ty Mỹ vào đầu tư nhưng cũng mở lối cho hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Đại sứ David Shear muốn tiếp tục thúc đẩy giao thương Mỹ – Việt

Có lợi từ đâu?

Có vẻ như Hoa Kỳ nay muốn nhấn mạnh đến lợi ích cho cả chính quyền và xã hội Việt Nam mà BTA đem lại.

Nhưng quan điểm của chính phủ Việt Nam thường là nhấn mạnh đến tác dụng của chính sách thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo họ đưa ra, chứ không trực tiếp xác nhận rằng kinh tế cải thiện nhờ vào quan hệ thương mại với Hoa Kỳ hay nước nào khác.

Dù vậy, nhìn chung giới chức Việt Nam cũng xác nhận sự lớn mạnh của thị trường Hoa Kỳ cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam 10 năm qua.

Trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. hôm 18/9 trích số liệu của Hoa Kỳ về giai đoạn một thập niên qua rằng:

“Xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 20%, trong khi ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tăng trưởng cao hơn.””Sự chuyển đổi kinh tế to lớn tại Việt Nam đã giúp cải thiện cuộc sống của những công dân Việt Nam bình thường”

Họ cũng trích lời ông Suresh Kumar, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói:

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và tuy chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ mua hàng hóa Việt Nam nhiều nhất so với bất kỳ thị trường nào, ông Kumar nhấn mạnh.

Việt Nam cũng tỏ ra vui mừng trước sự phát triển toàn diện quan hệ song phương.

Phát biểu khi sang nhậm chứ hồi tháng 5 năm nay tại Washington D.C. Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường được trích lời ca ngợi quan hệ hai bên:

Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Cường “nêu rõ quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong những năm vừa qua”.

Ông cũng cho rằng: “Quan hệ chính trị, an ninh và quốc phòng phát triển trên cơ sở bền vững với các cuộc trao đổi và đối thoại cấp cao thường xuyên. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế cũng không ngừng được mở rộng.”

Thị trường Mỹ mở lối cho hàng xuất khẩu Việt Nam tăng đều

Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ, theo Đại sứ quán Việt Nam, cũng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, hay không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Những điểm hai bên còn nhiều bất đồng hiện gồm có nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do truyền thông.

Vai trò của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ, vốn luôn mạnh mẽ chỉ trích điều họ cho là chính quyền Hà Nội thiếu tôn trọng tự do dân chủ, cũng là một phần trong bức tranh quan hệ hai bên.

Ngoài ra, khác biệt về thể chế cũng dẫn đến chỗ nhìn nhận khác nhau về vai trò của luật pháp, kể cả luật thương mại, tác quyền và kinh tế cũng như vai trò của hệ thống tư pháp.

Bởi vậy, cũng có ý kiến cho rằng quan hệ hai bên tuy tăng mạnh về kinh tế, thậm chí quốc phòng, thực ra vẫn chưa đi vào chiều sâu chính vì các khác biệt quá lớn về tư tưởng và văn hóa chính trị.

Cùng lúc, các tài liệu do  Wikileaks tiết lộ từ những công điện của quan chức sứ quán và lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi về nước cho thấy, giới chức ngoại giao Mỹ đã và đang tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng gần như mọi chủ đề chính trị, xã hội, văn hóa ở Việt Nam.

Họ cũng tiếp xúc và thu thập ý kiến từ mọi giới trong và ngoài chính quyền một cách có hệ thống và đưa ra nhiều nhận định thú vị về nhiều cá nhân và tình hình chung tại Việt Nam.

@bbc

Phỏng vấn thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức

Bác Trần Văn Huỳnh, 74 tuổi, thân phụ doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã làm mọi cách để xin giám đốc thẩm vụ án cho con. Những cố gắng của người cha già như gửi vào cõi hư vô. Gần đây, bác đã viết thư cho Tổng thống Obama với hy vọng sự nỗ lực quốc tế có thể giúp cho con trai được tự do hay giảm bớt bản án oan nghiệt 16 năm tù giam. Câu chuyện “mò kim đáy bể” tìm công lý cho con của bác như sau:
Mạc Việt Hồng: Thưa bác, Quốc hội Việt Nam đã trả lời bức thỉnh nguyện thư mà bác gửi về trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức cách đây hơn 4 tháng chưa ạ? 
Bác Trần Văn Huỳnh: Vâng. Chỉ có văn phòng quốc hội tại Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ là trả lời thôi, nhưng họ nói tôi phải liên hệ với Tòa Án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết, chứ Quốc hội không giải quyết việc này.
Riêng Văn phòng Quốc hội tại Cần Thơ thì có một người, tôi không nhớ tên, thay mặt cho thành ủy Cần Thơ nói là sẽ giúp cho trường hợp của Thức nhưng rồi sau đó họ cũng không nói gì thêm nữa. Còn các nơi khác hoàn toàn im lặng, không trả lời gì.
Khi gửi đơn như vậy, tôi cũng mong quốc hội sử dụng quyền giám sát của mình để xem xét lại vụ án của con tôi.
– Tại sao bác không đem đơn trực tiếp ra Hà Nội khi Quốc hội đang họp ạ? 
Vâng. Tôi có gửi cho tất cả các văn phòng Quốc hội các tỉnh, cả ở Hà Nội nữa. Bưu điện báo rằng họ đã chuyển, nhưng các nơi kia đều không có phản hồi gì, trừ 3 nơi kể trên nhưng lại nói là theo quy định phải qua Tòa án Nhân dân tối cao giải quyết.
– Vậy bên Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nói sao, thưa bác? 
Cả 2 nơi đều có trả lời, nhưng họ chỉ nói chung chung rằng, sau khi xem lại bản án của phiên sơ thẩm cũng như phúc thẩm thì thấy, đều đã làm đúng theo quy định của luật pháp, xử đúng luật, chứ họ không có trả lời cụ thể theo các yêu cầu mà tôi đưa ra.
Trong đơn gửi Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tôi đã đưa ra 4 yêu cầu cụ thể và xin giám đốc thẩm, nhưng họ đều bỏ qua, không trả lời vào những yêu cầu đó.
– Theo nhận định của bác tại sao bản án cho anh Thức lại nặng tới như vậy? 
Gia đình cũng rất là sốc về mức án. Có lẽ Thức chỉ khác hơn các bạn khác là trước sau như một không chịu nhận tội. Thái độ của Thức rất thẳng thắn và kiên quyết trước cả 2 phiên tòa.
Thức luôn cho rằng mình không có phạm tội lật đổ chính quyền mà chỉ muốn nêu ra quan điểm, cảnh báo những nguy cơ từ phía bên ngoài cũng như nguy cơ nội tại. Có lẽ vì vậy mà Thức đã bị kết tội nặng. Tôi đã gửi đơn kêu oan 3 lần cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chủ tịch QH, Tòa và Viện kiểm sát.
– Chủ tịch mới Trương Tấn Sang có thể có quan điểm thông thoáng hơn, vậy bác đã gửi đơn tới ông ấy chưa ạ? 
Tôi có gửi cho ông ấy từ khi ông ấy còn là Thường trực Ban bí thư TW đảng và cả sau này khi ông là chủ tịch nước tôi đều đã gửi. Như vậy tôi đã gửi tất cả các cơ quan chức năng và những cơ quan quyền lực cao nhất rồi.
– Gần đây, bác đã gửi thư cho Tổng thống Obama, vậy bác có hy vọng gì nhiều vào sự giúp đỡ quốc tế này không, thưa bác? 
Vâng. Tôi và gia đình đã làm mọi cách với các cơ quan và các cấp lãnh đạo để giúp giải oan cho con trai tôi nhưng cho tới nay không có kết quả. Sau một thời gian suy nghĩ, vừa rồi tôi có gửi thư cho Tổng thống Obama. Chúng tôi cũng có hy vọng rằng, bức thư này sẽ mang lại một kết quả nào đó giúp cho Thức nhất là trong mối quan hệ Mỹ – Việt như bây giờ.
– Vừa rồi có tin luật sư Lê Công Định có thể sắp tị nạn chính trị tại Mỹ, nếu những nỗ lực quốc tế có thể giúp anh Thức một chuyến ra đi như vậy, thì theo bác, con trai mình có chấp nhận ra đi không? 
Theo những thông tin trên mạng thì luật sư Lê Công định sẽ được trả tự do và bị trục xuất sang Mỹ.
Trong trường hợp đó thì… tôi cũng mong Thức được xem xét lại bản án và được trả tự do về với gia đình nhưng mà… tôi cũng nghĩ rằng… con tôi nó không có ý định ra đi vì luôn muốn làm điều gì đó, với trách nhiệm của một công dân, giúp ích cho đất nước ngay trên quê hương mình. Do vậy, tôi nghĩ là con tôi luôn muốn có cơ hội ở lại Việt Nam. Đó là tôi nghĩ như thế.
– Trước khi bị bắt, anh Thức đã viết khoảng 50 bài viết với các bút danh khác nhau, ngoài ra ảnh cũng có một số hoạt động, vậy gia đình mình có biết về điều này không ạ? 
Thực ra trước đó, tôi cũng không có biết nhiều lắm. Đôi khi giữa tôi với Thức cũng có những tranh luận, tôi thường khuyên Thức tập trung vào việc kinh doanh, vào vai trò của một người đứng đầu công ty, không nên đi quá xa. Chúng tôi không biết gì nhiều, mãi tới khi Thức bị bắt, sau đó qua những thông tin đại chúng, chúng tôi mới tìm hiểu các bài viết của Thức. Qua đó thấy là Thức rất bức xúc vì đã nhìn ra một số nguy cơ với Việt Nam. Trước khi viết bài, Thức cũng đã gởi thư trực tiếp cho một số vị lãnh đạo Việt Nam như là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ông còn là bí thư tỉnh ủy, hay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trong các thư đó, Thức nêu rõ các hạn chế về cơ chế, chính sách, về dân chủ gây cản trở cho sự phát triển của đất nước, khiến Việt Nam bị thua kém. Không biết những thư đó có tới được tay các cấp lãnh đạo hay không, nên sau đó Thức đã phổ biến rộng hơn những bài viết này trên mạng.
Sau khi Thức bị kết án 16 năm tù, tôi và gia đình rất bức xúc nên chúng tôi có tìm đọc những bài viết này. Tuy có thể có một cách nhìn khá nặng, nhưng Thức chân tình mong muốn làm được điều gì đó giúp ích cho đất nước, với trách nhiệm công dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…
– Thưa bác những công việc kinh doanh mà anh Thức đảm trách thì sau khi anh ấy bị bắt ai tiếp tục và hiện giờ ra sao? 
Vâng. Có thể nói Thức là một trong những người đầu tiên hưởng ứng nghị quyết 58 của bộ Chính trị về tin học hóa quản lý. Công ty của Thức lúc đó là EIS đã nhận thầu để thực hiện dự án về tin học ở Sài Gòn, sau đó là Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội gì đó… Sau này công ty con của Thức là OCI cũng là công ty đầu tiên bước ra thị trường nước ngoài, đi tiên phong trong việc này.
Khi Thức bị bắt, lúc đó, tôi nhớ là đêm 24/5/2009, những thông tin ban đầu nói là do kinh doanh, liên quan tới gian lận cước viễn thông. Ngày hôm sau, trên truyền hình lại nói rằng Thức phạm tội tuyên truyền chống nhà nước.
Công ty sau đó tiếp tục được một vài tháng rồi không thể hoạt động được nữa, buộc phải phá sản.
– Việc thăm nuôi Trần Huỳnh Duy Thức như thế nào, và sức khỏe cũng như tinh thần của ảnh ra sao, thưa bác? 
Sau khi có án sơ thẩm và phúc thẩm vào khoảng tháng 7 năm 2010 thì phải, chúng tôi có được đi thăm mỗi tháng một lần ở trại giam A30 Xuân Lộc.
Tinh thần Thức rất lạc quan và sức khỏe ổn định, không có vấn đề gì. Thức vẫn kiên trì lập trường của mình là muốn đóng góp xây dựng đất nước chứ không có chống ai cả.
– Xin được hỏi bác một câu mang tính riêng tư, vợ của anh Thức chấp nhận bản án 16 năm tù giam này như thế nào? 
Chắc chắn là bản án có ảnh hưởng tới gia đình. Thứ nhất, về mặt kinh tế, công ty của Thức không thể hoạt động được. Người vợ của Thức rất thương chồng và hiện tập trung nuôi cho 2 đứa con ăn học, để tồn tại trong cuộc sống. Thức rất thương yêu vợ con. Nó không bao giờ quên những ngày sinh của cha mẹ, vợ con, nó đều làm thơ hay mua quà tặng.
– Cám ơn bác đã trả lời phỏng vấn của Đàn Chim Việt, qua bác xin gửi lời thăm và chúc sức khỏe tới Trần Huỳnh Duy Thức và các thành viên khác trong gia đình. 
© Đàn Chim Việt