Ngẫu nhiên bị lộ

Đào Tuấn

Vụ việc hai quan chức ngành GTVT tỉnh Sóc Trăng bị bắt hôm qua đã gây chấn động dư luận, với trên dưới 200 bản tin, và trở thành chủ đề bàn tán nhiều nhất trên mạng Internet.

Những “từ khóa” liên quan đến vụ việc khiến dư luận không khỏi sững sờ: “Quan chức ngành GTVT”. “Ván cờ 5 tỷ đồng”. “Thua nợ đến 22 tỷ đồng”. “Xã hội đen xiết nhà, dọa giết”. “Tự báo công an bắt quả tang”.

Khát máu, kịch tính y như kịch bản của một bộ phim.

Ở miền Tây, vừa xảy hàng loạt những vụ việc khôi hài: Phó chánh án cafe võng với vợ đương sự và sau đó giải thích để an ủi chuyện gia đình. Một thẩm phán thì rủ vợ đương sự vào nhà nghỉ để… tư vấn luật. Nhưng với chuỗi các sự kiện và con số: 5 tỷ đồng cho mỗi ván cờ, đã phải trả nợ 5 tỷ, bị xã hội đen đòi nợ… hai quan chức ngành GTVT rất khó để biện minh đó chỉ là chơi cờ. Vì trong trường hợp này, cờ đã thành bạc.

Sau khi vụ án đánh bạc được khởi tố, câu hỏi tiền ở đâu để có thể “chơi” những ván cờ bạc tỷ, có lẽ sẽ sớm được làm rõ. Tuy nhiên, điều nhạy cảm, gây phản ứng xã hội là bởi các quan chức tiêu dăm bảy tỷ vào những ván cờ, trong hoàn cảnh quê hương Sóc Trăng của họ vẫn còn tới ngót 20% hộ nghèo. Gần 20% đồng bào nông thôn thậm chí còn chưa có nước sạch để dùng. Thậm chí, hơn 14,5% trẻ em dưới 5 tuổi ở Sóc Trăng, nơi họ kiếm tiền, vẫn còn trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Không một nông dân nào ở tỉnh thuần nông Sóc Trăng có thể chơi cờ bạc tỷ. Cũng như không một giáo viên, một công nhân nào ở Miền Tây có “thú vui tao nhã” đốt tiền khát máu còn hơn công tử Bạc Liêu đến như vậy.

Nhắc đến vụ này, không thể không nhắc lại vụ cá độ bóng đá của TGĐ PMU 18 với mỗi một “độ” lên tới hàng trăm ngàn USD.

Lương TGĐ mỗi tháng là bao nhiêu để có thể xuống tay hàng trăm ngàn USD cho một trận bóng? Thu nhập PGĐ Sở cần bao nhiêu năm để đủ một độ cờ. Không cần nói cũng biết các vị đều không thể đánh bạc bằng lương.

Năm 2012, chỉ những khoản đầu tư cho hạ tầng giao thông là sẽ không bị cắt giảm theo nghị quyết 11. Và dường như không phải bỗng dưng, cũng không phải chỉ đơn thuần là chuyện “mất thời gian” mà tân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cấm cán bộ chơi golf.

Golf, cũng như cờ tướng, đều là những môn thể thao. Vấn đề là người ta “chơi” như thế nào, và để làm gì.

Một tình tiết đáng chú ý khác là việc vụ việc chỉ bị phát hiện nhờ một sự tình cờ. Hồi vụ PMU18 xảy ra, Công an tình cờ phát hiện tên ông tổng PMU 18 trong “sổ tay” của một trùm cờ bạc. Còn trong vụ này, trước khi “tự báo công an bắt quả tang”, một quan chức làm đến Phó Giám đốc Sở GTVT như ông Sáu Lèo thừa biết những hậu quả mà một cán bộ, một đảng viên sẽ phải chịu đối với hành vi đánh bạc. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi khi bị xã hội đen đe dọa đã khiến ông quên bẵng nỗi lo mất ghế, mối nguy tù ngục. Có lẽ, rất tình cờ, nhờ một tay xã hội đen nào đó những ván cờ 5 tỷ đồng, của những quan chức ngành GTVT, mới bị phát hiện.

Sẽ chẳng có gì lạ nếu ngay ngày mai Bộ GTVT có văn bản yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh, thậm chí cấm CBCNV chơi… cờ. Chẳng phải là chữ cờ thường đi liền với chữ bạc hay sao. Nhưng cái gốc không phải là golf, hay bóng đá, hoặc cờ. Bởi cấm cá độ bóng đá thì người ta chơi bài, cấm bài thì chơi cờ. Bởi chỉ có thể ngăn chặn những cuộc đỏ đen khi chấm dứt được việc người ta có tiền, không phải là lương- để đánh bạc.

Bởi ngẫm ra, cũng như vụ PMU 18, đây cũng chỉ là một vụ việc ngẫu nhiên bị lộ.

@DanTuan Blog

Kinh tế Brazil đã vượt qua Anh

Các sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Brazil

Brazil đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, một nhóm nghiên cứu kinh tế cho biết.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh CEBR cho biết họ vừa công bố bảng xếp hạng kinh tế thế giới mới mà trong đó các nền kinh tế châu Á vượt lên phía trước trong khi các nền kinh tế châu Âu bị tụt lại phía sau.

CEBR cũng dự đoán rằng kinh tế Anh sẽ vượt qua Pháp vào năm 2016.

Trung tâm này cũng dự đoán nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro sẽ giảm 0,6% vào năm 2012 nếu ‘những vấn đề của khu vực này được giải quyết’. Nếu không, mức độ suy giảm sẽ là 2%.

Xu hướng rõ nét

Giám đốc điều hành CEBR Douglas McWilliams nói với BBC rằng việc Brazil vượt qua Anh nằm trong một xu hướng ngày càng rõ nét.

“Tôi nghĩ đó là một phần của sự thay đổi kinh tế lớn khi mà chúng ta không chỉ nhìn thấy một sự dịch chuyển từ phương tây sang phương đông mà chúng ta còn chứng kiến những quốc gia sản xuất những mặt hàng thiết yếu – thực phẩm và năng lượng và những mặt hàng tương tự – đang phát triển rất tốt và những nước này đang dần leo lên cao trong bảng xếp hạng các nền kinh tế,” ông nói.

Nền kinh tế Brazil có giá trị GDP trong năm 2011 là 2,520 tỷ đô la, CEBR ước đoán. Các sản phẩm xuất khẩu chính của nước này là hàng hóa công nghiệp nhẹ, quặng sắt, cà phê, cam và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Giá trị xuất khẩu của Brazil trong năm 2010 là gần 202 tỷ đô la trong khi nhập khẩu là trên 180 tỷ đô la, theo số liệu của Bộ phát triển, công nghiệp và xuất khẩu Brazil.

Thị trường xuất khẩu chính của nước này là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Argentina.

Theo dự đoán của chính phủ Brazil, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2011 chỉ là 3,5% so với 7,5% trong năm 2010.

Nền kinh tế của họ gần như đình trệ trong quý 3 năm nay và các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là lãi suất cao và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng của khu vực đồng euro.

Trước đó một bản báo cáo dựa trên số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế được công bố hồi đầu năm cũng cho biết nền kinh tế Brazil sẽ vượt qua Anh ngay trong năm 2011.

Dân số của Brazil là 200 triệu, lớn gấp ba lần dân số Anh.

Mặc dù hiện tại Brazil xuất nhiều sang Trung Quốc hơn nhập, các nhà sản xuất của Brazil than phiền rằng doanh số của họ bị ảnh hưởng bởi hàng hóa giá rẻ được sản xuất hàng loạt của quốc gia châu Á khổng lồ này.

CEBR cũng dự đoán rằng Nga sẽ tăng một bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lên vị trí thứ chín trong năm 2011 và sẽ tăng lên đến hạng tư vào năm 2020.

Trong khi đó, Ấn Độ, hiện là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới sẽ vươn lên vị trí thứ năm sau Nga vào năm 2020.

Ba vị trí dẫn đầu kinh tế thế giới từ nay cho đến năm 2020 vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vào năm 2020, các nền kinh tế châu Âu sẽ bị tụt hạng: Đức sẽ rơi khỏi vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 7, Anh rơi xuống hạng 8 trong khi Pháp sẽ đứng thứ 9.

Hiện tại Đức và Pháp đang giữ vị trí cường quốc kinh tế thứ 4 và thứ 5 của thế giới.

@bbc

Khi người Hoa vỡ mộng

Tạp chí Chính sách Ngoại giao nói nhiều người Trung Quốc không còn tin họ có thể khá giả nhờ làm việc chăm chỉ và trung thực

Tạp chí Chính sách Ngoại giao của Hoa Kỳ vừa có bài nói về sự thất vọng của nhiều người Trung Quốc trước các khó khăn và bế tắc họ phải đối mặt trong những năm gần đây.

Bài mang tựa đề “Chấm dứt Giấc mơ Trung Quốc” của Christina Larson bắt đầu với câu chuyện của người bạn tác giả, một nhà báo làm việc tại Thẩm Dương với mức lương bèo bọt.

Anh phải sống chung với sáu người khác trong một căn nhà ba phòng ở ngoại ô thành phố, năm trong số đó là các cô gái trẻ mà anh phát hiện ra làm nghề bán hoa.

Tác giả Larson nói nhiều người Trung Quốc sống chật vật tại các thành phố lớn với mức lương khó có thể theo kịp mức lạm phát khoảng 4% mà người ta nghi là bị chính quyền nói giảm đi.

“Bất cứ ai ở Bắc Kinh cũng có thể chỉ ra các ví dụ về những người bạn phải thuê nhà với giá cao hơn tới 10% hoặc hơn nữa trong một năm,” bà Larson viết.

“Giá tại các nhà hàng tiếp tục tăng ngay cả khi khẩu phần nhỏ đi trông thấy.

“Tính thêm cả những mất mát vô hình mà tiền không thể mua được – như chất lượng không khí và an toàn thực phẩm – người ta có thể bắt đầu hiểu được những lời than phiền của những người Bắc Kinh không khá giả rằng chất lượng cuộc sống của họ có vẻ giảm đi ngay cả khi tổng thu nhập quốc dân tăng tới mức chín phần trăm.”

Bà Larson, người cũng là biên tập viên cộng tác của tạp chí Chính sách Ngoại giao –  Foreign Policy, nói so với lần cuối cùng bà sống ở Bắc Kinh, bà có thể cảm thấy sự thất vọng của người Trung Quốc.

“Bạn có thể thấy nó trên những gương mặt khắc khổ trong tàu điện ngầm, nghe nó trong các giọng nói bực tức giữa những câu chuyện quanh bàn ăn và nhất là cảm thấy sự thô lỗ mới có của lái xe taxi, những người không còn nghĩ rằng họ được giá hời khi đưa khách đi lại để lấy 10 nhân dân tệ, tức khoảng 1,6 đô la Mỹ.”

‘Triều đại’

Foreign Policy nhắc lại một loạt các vụ mà người dân đã nhân cơ hội trút giận trong năm.

Đó là vụ thanh niên Lý Khải Minh phải ra tòa hồi đầu năm vì lái xe khi say rượu và đâm phải hai sinh viên khác làm một người chết. Sau khi đâm chết người Lý Khải Minh toan bỏ chạy và khi bị chặn lại thì tuyên bố “Bố tôi là Lý Cương.”

Lý Khải MinhLý Khải Minh đã bị đưa xét xử cho dù có cha là phó cảnh sát huyện ở Hồ Bắc

Ông Cương là một phó công an huyện tại tỉnh Hồ Bắc.

Vụ khác liên quan tới thiếu niên 15 tuổi Lý Thiên Dực, con của một quan chức quân đội cao cấp, lái xe khi chưa có bằng. Khi bị một xe khác cản đường, thiếu niên này đã ra khỏi xe và đánh người lái xe đang cản đường.

Trong một vụ khác, một sinh viên của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh lái xe Audi, xe thường của các quan chức Trung Quốc, đã cãi vã khi tìm chỗ đỗ xe và vật lộn với một người quét dọn 43 tuổi khiến ông này chết khi vào viện.

Michael Anti, một blogger và chuyên gia bình luận chính trị được Foreign Policy dẫn lời nói:

“Giới giàu có đang trở thành triều đại.

“Giờ người Trung Quốc nhận ra rằng “mình có được vị trí không phải vì chịu khó hay bằng cấp mà vì bố mình.”

Còn Giáo sư Patrick Chovanec của Đại học Thanh Hoa nói:

“Giờ có cả một tầng lớp giàu lên vì họ là ai chứ không phải họ làm gì – và họ theo các luật lệ riêng.”

‘Chuyện cổ tích’

Tác giả Larson nói khả năng có thể mua bán bất động sản và giành được các hợp đồng của chính phủ là đòn bẩy tốt nhất tạo sự giàu có.

Nhưng nhà báo nói chính những người đang giàu có và nhiều quan hệ mới tiếp cận được những cơ hội này.

Giáo sư Chovanec cũng được dẫn lời nói:

“Giờ người Trung Quốc nhận ra rằng “mình có được vị trí không phải vì chịu khó hay bằng cấp mà vì bố mình.”

Blogger Michael Anti

“Chính phủ ôm đồm quá nhiều thứ trong nền kinh tế Trung Quốc… Chính phủ có quyền lực lớn trong việc quyết định người thắng, kẻ thua và bạn là ai và biết ai quan trọng hơn tất cả những thứ khác.

“Và những người ở tầng trên ngày càng đứng trên pháp luật.”

Nhưng điều này, bà Larson nói, trái với câu chuyện cổ tích lạc quan của Trung Quốc trong 30 năm qua mà Đảng Cộng sản tích cực tuyên truyền.

Bà Larson kết bài viết với ý kiến của người bạn làm báo ở Thẩm Dương: “Người dân không còn tin rằng người ta có thể thăng tiến nhờ làm việc chăm chỉ và thành thực ở Trung Quốc.”

@bbc