Cười chút chơi

Gặp cô hàng mắm tôm chợ Đồng Xuân

  – Chẳng giấu gì ông, lẽ ra tôi còn bán hàng ở chợ Ðồng Xuân nữa, nhưng không thể nào chịu được mấy con ả cực kỳ đanh đá chu ngoa, mỗi đứa một phách, nhất là cô ả hàng mắm tôm.
Ba Giai ra vẻ anh hùng đáp:

– Có gì mà phải sợ, nó đã chu ngoa đanh đá, thì mình phải có cách trị nó, bà hiền quá chứ vào tay tôi thì…

Bà chủ quán nguýt một cái trả lời:

-Thôi, ông ơi, tôi cũng van ông thôi, du côn ở đây còn kiêng mặt bọn chúng, chứ người như ông, chúng nó coi ra gì.

– Bà nói thế, nếu tôi trị được chúng nó thì bà mất gì đây?

– Trị chúng nó à? Ông mà trị được thì tôi cho không ông hẳn một phòng để ở, nuôi luôn cơm rượu mãn đời, không bao giờ lấy tiền.

– Bà nói chơi hay nói thật?

– Tôi nói thật đấy. Nếu không tin tôi thề có trời đất quỷ thần chứng giám.

– Thôi, thế thì được, sáng mai, bà sẽ xem tôi sẽ vào cuộc ngay.

Ngày mai, vào lúc gần trưa, Ba Giai cởi trần, chỉ mặc một cái quần “vận”, không giây lưng, hay dải rút, rồi gài mấy đồng tiền kẽm bên lưng quần, ra đi. Tới ngoài đường, Ba Giai nhặt một miếng lá chuối bên đường, phủi sạch đất, bụi, rồi tới chỗ cô hàng bán mắm tôm ở cửa nam.

– Cô bán cho hai đồng mắm tôm!

Cô hàng bảo:

– Lấy cái gì mà đựng?

Ba Giai chìa miếng lá chuối ra:

– Cô đổ vào đây, tôi đùm lại tạm vậy.

Cô hàng sơ ý, lại cũng rắn mặt, nên chẳng ngần ngại liền múc ngay mắm tôm đổ vào miếng lá chuối được đặt giữa lòng hai bàn tay ông khách. Xong, ông khách bảo:

– Phiền cô lấy hộ tiền, tôi dắt nơi cạp quần đây này.

Cô hàng tưởng ông khách quê mùa chất phác, không dè vừa đưa tay vào cạp quần lấy tiền, Ba Giai thót bụng lại, tức thì chiếc quần tụt xuống ngay. Ba Giai la ầm ĩ:

– Chết chửa, sao giữa thanh thiên bạch nhật, cô lại cởi quần tôi ra thế này, “của” tôi cũng như “của” người khác, có gì lạ đâu?

Cô hàng mắm xấu hổ đỏ mặt, vội kéo quần Ba Giai lên, vặn lại, Ba Giai lại thót bụng, quần lại tụt, kêu lên:

– Cô làm gì thế này? Tôi đã bảo “của” tôi cũng như “của” người khác, chẳng có gì lạ mà!

Cứ như thế đến mấy lần, sau cô ta phải đổ mắm tôm trở lại, rồi chạy đi lấy nước rửa tay cho Ba Giai để ông tự vặn lấy quần lại, rồi cầm tiền ra đi.
Lúc ấy, các bạn hàng, người mua bán bu lại xem đông, làm cô hàng mắm càng ngượng ngùng, xấu hổ thêm. Sau đó, cô phải nghỉ luôn cả mấy ngày, từ đó cũng bỏ bớt tính chua ngoa, đanh đá.

Trưa hôm ấy về, bà chủ hàng cơm nghe người thuật lại, liền thết Ba Giai một bữa thật say.

Sưu tầm truyện xưa

Tình yêu của Đại văn hào Victor Hugo

Victor Hugo (26-2-1802 – 22-5-1885) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại của nước Pháp, cánh chim đầu đàn trào lưu lãng mạn của nền văn học Pháp.

Nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 19

Trong hơn 60 năm cầm bút sáng tác, ông đã viết nên 45 tác phẩm với nhiều thể loại, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết luôn có trong danh sách những tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại là  Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức bà Paris (Notre Dame de Paris).

Victor Hugo có khả năng sáng tác và tư duy của một thiên tài, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết. Những  tác phẩm của ông như biên niên sử phản ánh trung thực những bước chuyển mình vĩ đại của nước Pháp, phong cách viết của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học thế giới.

Mối tình đầu

Cuộc sống lãng mạn, phong tình của Hugo bắt đầu từ rất sớm. Khi còn là một chàng trai 17 tuổi, cậu đem lòng yêu cô bé hàng xóm Adèle Foucher.  Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của cả hai bên gia đình, nhưng với ý chí sắt đá, nhà văn trẻ đã vượt qua mọi thử thách và cưới được người con gái mình yêu tha thiết làm vợ.

Nhưng trớ trêu thay, những năm tháng chung sống về sau của Victor Hugo và Adèle lại không trải qua êm đềm. Vì tức giận với bản tính đa tình của chồng, Adele đã ngoại tình với bạn thân của Hugo – nhà phê bình Sainte-Beuve. Khi biết được tin này, Victor Hugo như rơi xuống vực thẳm, người đàn bà mà ông  hằng tôn sùng, người mẹ của 5 đứa con ông, giờ đây chỉ vì một phút ghen tuông đã phản bội lại ông… Hugo lạnh nhạt dần với Adèle. Tình yêu của nhà văn đã nguội lạnh, nhưng vì danh dự gia đình và lòng tự trọng bản thân, Hugo không ly dị vợ.

Và Juliette đến…

Trong khoảng thời gian không yên ấm với vợ, Victor Hugo đã gặp được  Juliette Drouet- người phụ nữ mà sau này xuất hiện trong hầu hết các trang tiểu sử của Hugo.

Juliette mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ. Là diễn viên, kiêm người mẫu tranh cho các họa sĩ, Juliette sống “tầm gửi” dưới sự bảo trợ của giới quý tộc. Nhưng cuộc gặp gỡ với Victor Hugo đã thay đổi cuộc đời cô. Juliette gắn bó suốt 50 năm trời với nhà văn với tư cách một người tình không cần danh phận, một phụ tá không cần trả lương. Cô coi Victor Hugo là hiện thân của trí tuệ, là vị thiên sứ cứu vớt cuộc đời bất hạnh cô.  Trong suốt thời gian gần hai mươi năm trời Hugo phải sống lưu vong ở hải ngoại, từ nước Bỉ xa xôi cho đến hòn đảo Jersey chơi vơi giữa biển, Juliette vẫn sát cánh đồng cam cộng khổ với ông.

Đã có biết bao nhiều người đàn bà quý tộc đi qua cuộc  đời của Victor Hugo, nhưng rốt cuộc người mà ông yêu nhất, gắn bó trọn đời lại là một người con gái xuất thân hèn kém. Tình yêu của hai người là bất diệt , vượt qua mọi định kiến cổ hủ thời bấy giờ, là tình yêu không vụ lợi toan tính, không phân biệt tầng lớp địa vị.

Mùa đông năm 1883, Julliete Drouet mất sau cơn bạo bệnh. Đối với Victor Hugo thì có lẽ mùa đông năm ấy là  lạnh lẽo nhất trong cuộc đời của ông, ông buồn đến mức không đủ dũng khí đưa linh cữu người tình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên mộ Juliette ngày ấy có khắc hai câu thơ của chính nàng làm lúc cuối đời “Thế giới hưởng được tư tưởng của chàng. Còn tôi được tình yêu của chàng”.

Năm 1885 khi Victor Hugo qua đời, nước Pháp đã tổ chức quốc tang cho ông. Thi hài của đại văn hào được đặt tại điện Panthéon – nơi an nghỉ của các vĩ nhân.

Hoàng Trung

@goEdu

 

Sự thực và huyền thoại

Nguyễn Hưng Quốc

Theo: VOA

Từ sau buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào ngày 25/11, tên tuổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện tràn lan trên vô số các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Việt. Báo chí chính thống nhắc đến ông, đã đành. Các trang web và blog phi chính thống, thường được mệnh danh là lề trái, cũng nhắc đến ông với một mật độ dày đặc. Hầu như tất cả đều tập trung vào hai sự kiện chính: Ông công khai tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như toàn bộ hải phận Việt Nam, hơn nữa, còn công khai dùng chữ “dùng vũ lực đánh chiếm” để chỉ sự hiện diện của Trung Quốc trên Hoàng Sa và một phần Trường Sa từ năm 1974 về sau. Sự kiện thứ hai là việc ông đề nghị Quốc Hội bàn luận và thông qua luật biểu tình.

Bình thường, hai sự kiện ấy đáng lẽ chỉ nhận được lời khen. Đó đều là những việc cần làm và phải làm. Hơn nữa, cần làm và phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của người Việt Nam, những lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng đã gợi lên rất nhiều hoài nghi và tranh cãi. Có hai lý do chính.

Thứ nhất, người ta thấy rõ đó là một trò chính trị (politics) chứ không phải chính sách (policy). Thường, ranh giới giữa hai lãnh vực này khá mơ hồ và hay trùng lấp lên nhau. Nhưng chúng vẫn là hai. Không hiếm lãnh tụ, để theo đuổi một chính sách có lợi cho quốc gia trong dài hạn, đã chấp nhận thách thức dư luận và đối đầu với mọi rủi ro, nghĩa là chấp nhận đi ngược lại các quyền lợi chính trị. Ngược lại, cũng không hiếm lãnh tụ, tung ra hết chính sách này đến chính sách khác, như bươm bướm, chỉ chứa toàn những sáo ngữ trống rỗng, chỉ cốt để mị dân chứ không hề dẫn đến một hành động và một kết quả cụ thể nào cả. Trong trường hợp đó, chính sách chỉ là một chiêu bài. Và chính trị là yếu tố chủ đạo. Nhưng khi chính trị bị tách rời khỏi chính sách, nó chỉ còn là một trò xiếc.

Thứ hai, người ta không tin vì người ta đã bị lừa bịp quá nhiều. Người ta nghe những lời hứa hẹn tốt đẹp quá nhiều. Chống tham nhũng. Giảm lạm phát. Phát triển kinh tế. Điều tra những công ty thua lỗ và có dấu hiệu bất minh. Nâng cao giáo dục. Mở rộng dân chủ. Toàn là những lời nói. Hiện thực: Không có gì thay đổi cả. Khoảng cách giữa lời nói và việc làm xa nhau quá. Vời vợi.

Một ví dụ cụ thể và gần gũi nhất là chuyện liên quan đến Nguyễn Thanh Nghị, con trai trưởng của Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Thanh Nghị mới 35 tuổi, ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, vừa được bổ làm thứ trưởng Bộ xây dựng.

Ở đây, có hai điều cần được nói ngay: Một, việc bổ nhiệm một người còn trẻ tuổi như vậy không có gì bất thường, nếu không muốn nói là điều đáng khuyến khích. Hai, so với nhiều cán bộ lãnh đạo, Nguyễn Thanh Nghị dù sao cũng là người có học thực sự: ông tốt nghiệp tiến sĩ về kỹ sư kết cấu ở đại học George Washington, Mỹ chứ không phải từ một lớp chuyên tu ở Việt Nam hay mua một cái bằng dỏm nào đó trên internet.

Tuy nhiên, bên cạnh hai điều đó, có hai điểm khác cũng cần được nhấn mạnh. Thứ nhất, ông chưa hề có kinh nghiệm gì về quản lý chính quyền. Chức vụ cao nhất của ông là phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Từ một trường đại học lên một bộ, sự khác biệt không phải chỉ ở quy mô mà còn ở bản chất, giữa quản lý và lãnh đạo. Bản thân ông Nguyễn Thanh Nghị, lúc mới được lọt vào danh sách ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương đảng, cũng tuyên bố là chưa sẵn sàng chuyển công tác: Tôi nghĩ làm chính trị không đơn giản. Trước mắt mình phải làm tốt công việc hiện tại […] tôi chưa có ý định chuyển công tác, chỉ muốn được làm chuyên môn.”

Thứ hai, quan trọng hơn, con đường thăng quan tiến chức của ông được dệt đầy huyền thoại. Nhớ, cũng trong thời gian ông mới được bầu vào ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, báo chí chính thống thường đăng tải những loạt bài nhằm đánh bóng ông như một thanh niên đầy tinh thần tự lập. Chẳng hạn, trong lúc bố mẹ ông ở Hà Nội, ông một mình ở Sài Gòn. Suốt thời gian học đại học, không có ai, kể cả bạn học và thầy cô giáo, biết ông là con trai trưởng của Thủ tướng. Trong đời sống hàng ngày, ông không khoe. Chỉ đến khi,

một ngày nọ, thầy hiệu trưởng nhà trường bất ngờ nhận được điện thoại của một đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban giám hiệu cho biết kết quả học tập, rèn luyện của cậu sinh viên là con một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Lý do đơn giản vì có lần, trong cuộc trò chuyện thân mật, đồng chí cán bộ cao cấp của Chính phủ với tư cách một “phụ huynh” đã “ngỏ ý”: “Tôi bận công tác, mong nhà trường giúp đỡ, theo dõi, quản lý “thật chặt”, sợ cháu hư hỏng”.

Lúc này, Ban giám hiệu mới giật mình, không biết cậu sinh viên ấy là ai? Mấy năm liền, chưa thấy nói thông tin có con trai của một cán bộ cao cấp Chính phủ học tập ở trường mình. Ban giám hiệu yêu cầu Bí thư Đoàn trường, người gần gũi nhiều sinh viên nhất cung cấp thông tin, cô bí thư cũng chỉ biết lắc đầu. Tra cứu toàn bộ hồ sơ sinh viên, người ta mới tìm ra Nguyễn Thanh Nghị, khi đó đã là sinh viên năm thứ ba của nhà trường.

Nhưng cũng phải mất mấy ngày đối chiếu mới tìm ra Nghị, vì trong hồ sơ, anh khai rất khiêm tốn, không hề nêu cụ thể chức vụ, đơn vị công tác của ba mình. Một điều rất bất ngờ là toàn thể lớp học, thầy cô, bạn bè đều không biết Nghị là con đồng chí cán bộ cấp cao nọ, nhưng ai cũng biết Nghị là một sinh viên học tập giỏi, có đạo đức tốt, nhiệt tình với các phong trào tập thể.

Khi người ta “phát hiện” ra anh là con đồng chí cán bộ cấp cao thì cũng là thời điểm anh vừa vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam – một vinh dự mà anh đã phấn đấu, giành được bằng chính đôi chân của mình chứ không phải “dựa bóng” của ba.”

Đọc những câu chuyện như thế, người ta dễ nghĩ Nguyễn Thanh Nghị là một thanh niên hoàn toàn tự lập, hay nói theo lời bài báo vừa dẫn, một kẻ muốn thành công bằng “chính đôi chân của mình chứ không phải ‘dựa bóng’ của ba”.

Thế nhưng, hầu như cùng lúc, nhiều tin tức khác được tiết lộ cho thấy đằng sau Nguyễn Thanh Nghị bao giờ cũng có “bàn tay” của Nguyễn Tấn Dũng. Có lúc, ngay cả khi có bàn tay của Nguyễn Tấn Dũng thò vào, ông cũng thất bại. Lần thứ nhất là vào tháng 10 năm 2010, trong cuộc bầu cử Thành ủy viên tại kỳ đại hội đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, Nguyễn Thanh Nghị chỉ nhận được có 17 phiếu trên tổng cố 400 phiếu bầu, tức chỉ được có hơn 4% số phiếu. Dĩ nhiên ông rớt. Bình thường, những người không phải ủy viên thành ủy hay tỉnh ủy không hy vọng gì vào Trung ương đảng. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố thu xếp, thông qua sự đề cử đặc biệt của Bộ chính trị. Kết quả, Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ được 2/15 phiếu. Một trong hai phiếu bầu ấy chắc chắn là của Nguyễn Tấn Dũng. Thua ở cửa địa phương và Bộ chính trị, Nguyễn Tấn Dũng đi vào một cánh cửa khác: Trung ương đảng, nơi thế lực của ông rất mạnh. Lần này, Nguyễn Tấn Dũng thành công. Và Nguyễn Thanh Nghị trở thành ủy viên dự khuyết, một bậc thang cần thiết để ông trở thành thứ trưởng.

Tất cả những sự kiện trên, nhờ những tranh chấp ngấm ngầm trong nội bộ đảng Cộng sản, đã được tiết lộ ra ngoài, đăng tải trên rất nhiều diễn đàn thuộc “lề trái” ở trong nước.

Từ những tiết lộ ấy, người ta mới biết cái gọi là việc tiến thân bằng “chính đôi chân của mình” của Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một huyền thoại.

Một việc nhỏ mà đã thành huyền thoại như vậy, huống gì là việc lớn.

Người ta không tin ông Nguyễn Tấn Dũng nghĩ cũng phải.

Quỹ đầu tư Elliott đưa Việt Nam ra tòa

Vinashin, và chính phủ Việt Nam, phù hợp với sự mô tả của Elliott là loại chế độ “không đủ năng lực” Elliott tuyên bố bắt chịu trách nhiệm. Trong năm 2010, thành viên quản lý của Vinashin, gồm cả Giám đốc Điều hành của nó, đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc quản lý tài chánh của công ty quá tồi, Thủ tướng Việt Nam, một người ủng hộ nhiệt tình của Vinashin, cũng bị tai tiếng khi vụ Vinashin đổ bể…
*
 Quỹ đầu tư Elliott Associates LP tại New York đang thách đố một chính quyền khác tại tòa án. Đó là công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin của nhà nước Việt Nam.
 Elliott đang kiện Vinashin tại Anh Quốc vì công ty này quỵt tiền vay hợp vốn 600 triệu USD lúc đầu đã có sự hậu thuẫn của chính phủ Việt Nam. Sau khi quỵt các khoản nợ trong tháng 12 năm 2010, Vinashin đề nghị trả 35 xu cho mỗi đồng đô la nợ với chủ nhân có trái phiếu, một người quen thuộc với vấn đề này cho hay. Elliott đang kiện để đòi nợ đúng với mệnh giá đầu tư, 100 xu lấy 1 đồng đô-la.
 Kinh nghiệm quá khứ cho thấy rằng Elliott là sẵn sàng để chơi một trò chơi dài ngày, Đây là một chiến lược đã thành công trong quá khứ.
 Vào năm 2000, Elliott đã nổi tiếng vì thắng kiện trong một trận chiến pháp lý kéo dài 4 năm chống lại chính phủ Peru, khi từ chối tham gia vào việc cơ cấu lại các khoản nợ thương mại bị quỵt định vào cái gọi là trái phiếu Brady. Chủ nợ cuối cùng đã mất 40% trong việc cơ cấu lại đó, nhưng chính phủ Peru đã phải trả 56 triệu đô-la để Elliott thôi
Vinashi: vẻ vang nước (CHXHCN) Việt – Nguồn ảnh: HOANG DINH NAM / AFP / Getty Images
 Một số người chỉ trích cho rằng các công ty đầu tư mua nợ của các nước đang phát triển và kiện để họ phải trả tiền thì chẳng khác gì nhiều hơn các con kên kên cơ hội khai thác, bóc lột người nghèo.
 Biện hộ cho các quỹ này nói rằng họ giúp canh giữ các chính phủ ăn cắp khỏi lộng hành.
 Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 với tạp chí “Chính sách đối ngoại”, một phát ngôn viên của Elliott cho biết, “những người ủng hộ cứu trợ con nợ nên biết rằng những người hưởng lợi của việc giảm nợ thường là các chế độ tham nhũng hay tồi tệ không đủ năng lực, lãng phí tài sản quốc gia của họ và sau đó khóc nghèo khóc đói để chạy trốn các khoản nợ hợp pháp. Chu kỳ này phải được dứt để các nước nghèo phát triển kinh tế.”
 Trong năm 2008, một chi nhánh Elliott, Kensington International Ltd, đi đến hòa giải một vụ kiện với nước Cộng hòa Congo bằng một số tiền không được tiết lộ. Elliott đã cho vay hơn 100 triệu đô-la tính cả lãi tích lũy trong hơn hai thập kỷ qua. Vụ kiện đã đưa đến việc đóng băng một số tiền thanh toán tiền mua dầu, cũng như tiết lộ những giao dịch bất hợp pháp của tổng thống CH Congo trốn tránh thanh toán cho các chủ nợ.
 Elliott tiếp tục chiến đấu đòi nợ Argentina. Việt Nam đã tái cơ cấu khoảng 93% số nợ, trả cho chủ nhân trái phiếu khoảng 33 xu cho mỗi đồng đô la đã vay; tuy nhiên 4,5 tỷ USD, giá trị của trái phiếu, vẫn thuộc sở hữu của chủ nợ chưa thỏa thuận.
 Người ta chưa rõ quyền hạn thực thi của tòa án Anh ra sao với chính phủ Việt Nam, nhưng trong trường hợp Argentina, Elliott đã thành công trong việc chống án của tòa án thấp hơn, tại Tòa án tối của Anh Quốc, ban đầu quyết rằng Argentina đã có tính bất khả xâm phạm của một nhà nước. Việc chống án đã cho Elliott quyền gom thu tài sản của Argentina ở Anh, mặc dù Hoa Kỳ đã phán quyết chống lại việc chủ nợ được phép giữ tài sản nhà nước Argentina nằm ở Mỹ
 Vinashin, và chính phủ Việt Nam, phù hợp với sự mô tả của Elliott là loại chế độ “không đủ năng lực” Elliott tuyên bố bắt chịu trách nhiệm. Trong năm 2010, thành viên quản lý của Vinashin, gồm cả Giám đốc Điều hành của nó, đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc quản lý tài chánh của công ty quá tồi, Thủ tướng Việt Nam, một người ủng hộ nhiệt tình của Vinashin, cũng bị tai tiếng khi vụ Vinashin đổ bể.
 Elliott đã không trả lời yêu cầu bình luận.