Ngôi nhà đông ấm, hè mát mang phong cách Nhật ở vùng quê Thái Bình

Ngôi nhà mang phong cách Nhật Bản ở vùng quê Thái Bình là nơi ở cho gia đình nhiều thế hệ.

Căn nhà nhỏ xinh tại vùng quê Thái Bình với lối kiến trúc Nhật Bản do kiến trúc sư Đoàn Mạnh cùng cộng sự thực hiện.

Diện tích xây dựng 90m2 nằm trong mảnh đất có khoảng sân rộng để trồng cây, đỗ xe, và chỗ vui chơi cho trẻ con. Đó cũng là không gian đệm trước nhà giúp hạn chế tiếng ồn, bụi vào nhà, mà vẫn giữ được nếp xưa “trước cau, sau chuối”.

Công trình hoàn thiện sau 6 tháng thi công, với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng. Ngôi nhà có một khoảng sân rộng rãi cho trẻ con nô đùa, tạo cảm giác thoáng mát, không bị bí bách. Xung quanh đã được xây hàng rào chắc chắn, có cây cối bao quanh.

Hiên nhà là nơi gia chủ dùng để tiếp khách. Ở trên có mái che mưa, che nắng. Nhóm thi công đã sử dụng vật liệu gạch giả gỗ có độ nhám cao để lát hiên. Vòm cũng được sơn giả gỗ theo ý tưởng tiết kiệm thay vì ốp gỗ, giúp căn nhà đẹp và ấn tượng. 

Những khoảng đục rỗng đan xen chính là điểm nhấn của ngôi nhà. Những ô cửa tròn được lặp lại từ phòng khách đến 2 phòng ngủ giúp căn nhà có khoảng không gian mềm mại, đáng yêu.

Khoảng thông tầng như trái tim ngôi nhà giúp lấy sáng, ánh sáng len lỏi vào phòng khách lẫn phòng ngủ ở tầng trên và tầng dưới. 

Căn nhà 90m2 có công năng 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và những không gian sinh hoạt chung cho cả gia đình. Không gian được bố trí chặt chẽ nhưng vẫn có đủ ánh sáng tự nhiên. Đặc biệt, điều khiến gia chủ ưng ý nhất là gió lùa đối lưu giúp căn nhà luôn khô ráo, thông thoáng.

Phòng khách với không gian thoáng mát và nhiều ánh sáng tự nhiên

Phản dài giúp gia đình đông thành viên có thể trải đệm ngủ thoải mái.

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Truyện ngắn Nam Cao : Cái mặt không chơi được

Sáng hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào dã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:

– Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!

Tôi ngửng đầu lên. Anh đang cười mủm nhìn tôi. Tôi cười gượng. Và tự nhiên tôi buồn. Tôi nhớ đến cái lần đầu tiên tôi được gặp anh Đa. Sen giới thiệu chúng tôi, chúng tôi bắt tay nhau. Câu chuyện rất chóng trở nên thân mật. Bởi anh Đa và tôi là người đồng quận. Nhất là tôi đã được xem những bức vẽ của anh ngay từ hồi tôi chưa ra khỏi trường.

Tôi mến anh ngay. Anh nói chuyện rất có duyên. Cũng như tất cả những người đã chịu nhiều đau khổ quá, anh có tài làm cho người nghe chuyện anh phải cười. Cười không nhịn được. Nhưng cười rồi mà ngao ngán lòng. Chẳng biết những người khác được nghe chuyện anh Đa có thế không! Tôi thì tôi đã thấy buồn. Tôi cứ nghĩ đến ba cái buồn của đời anh, cái buồn thứ nhất, làm thế nào mà nói được ra đây? Mà có nói sợ người ta cũng chỉ cười anh Đa, hoặc cười tôi là thích làm bộ điệu. Cái buồn thứ hai dễ nói hơn bởi người ta hiểu được hơn: ấy là cái buồn cảnh nhà nghèo. Cái buồn thứ ba khi nhàm tai, ấy là một cái buồn mà người ta phải nghe nói đến đã nhiều quá mất rồi: cái buồn nhân tình đi lấy chồng. Cái buồn nhân tình đi lấy chồng! Tôi đã cười và có lẽ bây giờ tôi cũng còn cười, nếu anh Đa, nếu anh Đa chỉ là một cậu học trò mới lớn lên. Đằng này anh đã ngoài tam tuần. Mà không vợ không con. Chao ôi! Có thể rằng cái buồn kia âm ỷ ở trong lòng anh những từ ngày anh chưa hai mươi tuổi. Một cái buồn dằng dặc. Và tôi thấy tôi thương lắm: thương anh, thương tôi, thương cho đời hai ta. Tôi lại càng mến anh thêm nữa. Mến như một tâm hồn khao khát gặp một tâm hồn khao khát. Nhưng có bao giờ anh hiểu thế hỡi anh Đa mà đời có những ba mối buồn!…

Anh không hiểu thật. Cách đây ít lâu, một hôm đi chơi phố anh Sen bảo tôi:

– Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo tôi: anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri… không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!

Khó tả? Đó là một cách nói. Tôi thì tôi hiểu rồi. Tôi hiểu anh muốn bảo: cái mặt tôi lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch và đủ hết. Tôi cười gượng và tôi buồn… Chao ôi là buồn!

Hỡi Thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn những điều nhân, sao Ngươi lại cho tôi một cái mặt tai hại cho tôi đến thế? Một cái mặt… nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng phải có một cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là một thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy từng trường hợp. Tôi lựa ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, ghét tôi tuy không có cớ để mà ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư? Tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không, họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng, cái mặt tôi trông… làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời.

Hồi còn nhỏ tôi phải xa nhà từ khi mới bảy tám tuổi đầu. Tôi ra tỉnh học. Tôi trọ tại một nhà bà dì. Cả một căn gác mông mênh chỉ có tôi và Đức người con trai của dì tôi. Đức xấp xỉ tuổi tôi và học cùng một trường với tôi. Thế mà chẳng bao giờ cùng đi học với tôi. Anh thích đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Và bao giờ anh cũng đi với Kình con ông đội Thảo bên hàng xóm. Dì tôi thấy tôi cứ lủi thủi một mình, ý chừng nghĩ cũng thương. Một hôm dì gọi Đức vào mắng Đức:

– Mày hư quá! Sao đi học không bảo em đi với? Nhà có hai anh em cũng đứa đi trước, đứa đi sau. Từ mai còn thế rồi tao bảo! Rồi dì tôi dịu dàng bảo tôi:

– Cháu cứ đi với nó. Nếu nó không chịu đi với cháu hay bắt nạt cháu thì cháu cứ bảo dì. Dì trị cho nó biết.

Tôi cúi đầu. Tuy còn bé tôi đã hiểu rằng: dì tôi làm thế chẳng ích gì. Mà lại có hại cho tôi là khác nữa. Sự yêu hay sự ghét cũng như những ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc. Không thích đi với tôi thế nào Đức chẳng sinh hờn oán tôi. Nghĩ thế nên khi chỉ có một mình tôi với Đức, tôi phải bảo:

– Dì nói thế nhưng anh không muốn đi với tôi thì cứ đi một mình. Dì chẳng biết đâu mà sợ.

Không biết nghĩ thế nào mà Đức bảo:

– Sợ thì tao không sợ. Nhưng từ mai tao cứ đi với mày cũng được. Chúng ta gọi thằng Kình nữa. Cả ba thằng cùng đi.

Tôi rất mừng. Tôi mua kẹo về đãi Đức. Chúng tôi vừa nhai kẹo vừa cười cười nói nói, vui như ngày tết mặc cái áo kép mới và cái quần trúc bâu còn sột soạt chạy thi nhau trên đường để đến mừng tuổi ấy.

Sáng hôm sau chúng tôi dồn sách vở của cả hai vào một cái cặp. Đức đi trước, tôi cắp cặp theo sau. Chúng tôi đi từ nhà trong ra. Dì tôi trông chúng tôi mỉm cười. Mặt tôi hớn hở! Nhưng thú thật cũng có hơi ngường ngượng. Thì cũng như một cô con gái mặc cái áo mới mình chưa quen. Chúng tôi sang nhà bên cạnh gọi Kình. Kình còn đang ăn xôi, miệng phúm phím chạy ra. Chúng tôi mỉm cười và gật đầu chào nhau. Kình hỏi:

– Cả Tri cũng đi đấy à?

Đức gật đầu. Kình có vẻ nghĩ ngợi một loáng. Rồi anh bảo:

– Thôi hai đứa chúng mày đi trước. Tớ ăn rồi đi sau. Tôi vội bảo:

– Anh cứ ăn chúng tôi đứng đợi.

Anh xua tay và lắc đầu lia lịa:

– Không, không. Tớ ăn còn lâu lắm. Chúng mày cứ đi. Cứ đi đi nhé.

Kình chạy tọt vào nhà trong. Đức bảo tôi:

– Mày đứng đợi đây một tý. Tao vào nhà xem sao.

Anh vào nhà. Hai anh nói chuyện với nhau đến hơn mười phút. Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi.

– Thôi kệ nó. Chúng mình đi đi.

– Anh ấy chưa ăn xong kia à?

– Xong rồi. Có một nắm xôi vừa bằng quả sung…

– Thế thì ta đợi anh ấy một lát.

– Không đợi. Nó bảo: chúng mình đi trước.

Đi được một quãng, Đức buột miệng bảo tôi:

– Nó không thích đi với mày.

Tôi sửng sốt:

– Vì sao vậy? Tôi xấu chơi đến thế?

– Không phải. Không phải.

– Hay là tôi vô ý mếch lòng anh ấy điều gì?

– Cũng không phải nốt. Nhưng nó bảo trông mày… làm sao ấy. Nó không thích mày.

*

* *

Một chục năm sau. Chỉ còn vài ba năm nữa là tôi đã hai mươi – Đức cũng thế. Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá. Đức thích loăng quăng đi chơi phố. Còn tôi đột nhiên sinh đãng trí và rất lắm lúc thành vẩn vơ. Một người nữa cũng thay đổi như Đức và tôi ấy là cô Nhung. Nhung con bà Thụy Thành, bạn của dì tôi. Nhà Nhung ở liền bên. Trước kia những ngày nghỉ Nhung vẫn sang nhà dì tôi đánh ô hay đánh rải gianh với Đức. Tôi không được rủ chơi bao giờ cả. Tôi chỉ lẳng lặng đứng nhìn họ chơi. Bây giờ Nhung cũng nhớn vọt lên. Tóc bỏ rơi óng ánh như tơ và đã khá dài. Mắt long lanh. Má ửng hồng. Tiếng nói mềm hơn cũng như quần áo đã sửa sang hơn trước. Tuy vậy Nhung vẫn qua lại nhà dì tôi một cách tự nhiên như thường. Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho một cái tính khó, hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn. Nhung nghĩ hàng buổi chưa ra câu nào. Tôi ngấm ngầm ghen với Đức. Và tôi thầm mong cho có khi nào Nhung đem sách sang mà không gặp Đức để tôi được giúp Nhung một lần. Nhưng không khi nào cả. Bởi Nhung có chắc chắn là có Đức ở nhà thì mới sang.

May cho tôi, một lần Nhung sang thì Đức đang bận học bài thi. Tôi thì học xong rồi, đang tập vẽ. Đức bảo Nhung:

– Tôi mải quá. Chú Tri ấy rỗi. Cô đưa sách chú ấy giảng cho mà làm. Tôi thấy tim đập mau thon thót. ấy là tôi sung sướng. Tôi cố tươi cười, ngừng bút vẽ ngửng đầu lên lóng đợi. Nhung ngập ngừng một chút. Rồi Nhung kêu lên:

– À thôi em nghĩ ra được rồi. Em về làm đây.

Tôi toan mếu, tôi đau đớn lắm. Nhưng cũng chưa đau đớn bằng hôm sau Đức vừa cuời hi hí vừa khoe với tôi.

– Cô ả Nhung hôm nay phải phạt. Cái tính đố hôm qua chưa làm. Lúc bấy giờ kêu nghĩ ra rồi. Kỳ tình thì cô ả có nghĩ ra được cái năm kia. Nó oán tôi ghê lắm nhé…

Tôi sầm mặt. Tôi còn đang tìm một cái gì để nói lảng cho đỡ ngượng thì Đức bảo:

– Cho đáng kiếp. Ai bảo hỏi Tri không chịu hỏi. Rồi anh nhìn tôi nói tiếp:

– Này Tri ạ. Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri… thế nào!

– Vâng, vâng! Tôi biết rồi!…

*

* *

Năm sau tôi đỗ bằng tốt nghiệp thành chung. Nhà nghèo như nhà tôi mà được học hành đến bậc ấy cũng là may lắm. Kể tốn kém có đến nửa cơ nghiệp rồi. Tôi bỏ học. Tôi nghĩ đến Nhung, trái tim rơm rớm máu. Tôi nghĩ đến những thiếu nữ khác đẹp hay xấu mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ đến sự ơ hờ của bao người. Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào cái lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông.

Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo. Toàn là những cái lo tầm thường mà đến làm ta bực mình. ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua một bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này, hay không tìm được chỗ gả chồng cho một đứa em gái nhan sắc kém lại không có vốn. Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn nữa thế nhưng vẫn là phải lo.

Một hôm tôi xách một cái va li nhỏ và cũ kỹ đáp xe lửa một mình vào Nam. Lần đầu tiên tôi được đi xe. Lòng tôi phấp phới bao nhiêu là hy vọng. Tôi hy vọng kiếm được cơm ăn và kiếm được tiền. Tôi hy vọng được nhìn rộng biết xa. Hy vọng có thể mua sách để học thêm, đọc báo chí cho thỏa thích, cọ xát cái trí óc thô sơ của tôi với trí óc người thiên hạ. Cũng có cả cái hy vọng gặp mặt một người đàn bà không thờ ơ với tôi. Người ta bảo vào Nam Kỳ, là đất bị ảnh hưởng nhiều của Tây phương. Tình cảm ở đấy bồng bột, những cử chỉ bề ngoài ít khép nép rụt rè; đàn ông đàn bà giao thiệp tự do hơn; những tâm hồn không thiếu sự nồng nàn cũng như trời có nhiều mầu rực rỡ. Như thế thì những cuộc trao duyên phải dễ dàng. Lo gì tôi không tìm được bạn?

Tôi sa vào một hiệu thợ may. Công việc của tôi rất linh tinh. Tôi giữ sổ sách và viết thư từ. Tôi cắp cặp đến những nhà người Pháp, đến các trại lính các tàu binh để nhận hàng và giới thiệu hàng. Tôi lại đạp máy hoặc làm khuy. Tối đến tôi dạy mấy người thợ học để kiếm thêm một tháng vài chục bạc. Hồi ấy tiền, tôi không thiếu thốn quá như trước nữa, nhưng mà tình…

Bao nhiêu lần thất bại, khiến bây giờ tôi sợ những thiếu nữ đi đường. Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với lứa tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. Và tôi rất trọng những tâm hồn trong trắng. Những cô bán hàng dành riêng cho những kẻ mua hàng và những cậu có nhiều thì giờ để phất phơ. Gái giang hồ thì bẩn thỉu. Tôi phải lánh xa tất cả những hạng người vừa mới kể. Tôi định tìm những người gần gũi hơn, gần gũi tôi hơn. Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. Sau khi đã quan sát rõ tình hình xưởng thợ tôi tính với tôi như thế này: Thợ gái có năm cô thì cô Tám đã có chồng. Còn lại bốn cô. Thợ trai có bảy người nhưng may mắn cho tôi là đã có đến bốn người có vợ. Nếu còn những bốn người chưa có vợ thì tôi đành là không có phần. Phúc mà lại còn thừa một cô thợ gái, tôi sẽ cố chiếm lòng cô Tư Bình.

Giá tôi yêu tôi hơn chút nữa thì tôi phải tả Bình với một cái dáng hình mộng thơ hơn. Nhưng tôi yêu sự thật thà. Mà muốn thật thà thì phải nói là Bình không đẹp lắm. Bảo cô xấu cũng được. Mặt thiếu vẻ dịu dàng. Đôi mắt xếch quá. Cái mũi lại to, còn cái miệng thì lại cứ dẩu ra đàng trước. Tai hại nữa là cô lại có một chiếc răng bọc vàng. Đã thế người trông lại thưỡn thườn thườn. Uốn éo chẳng ra uốn éo. Cứng nhắc chẳng ra cứng nhắc. Chính ra thì tôi muốn chữa cái nọ bằng cái kia. Tôi an ủi tôi bằng cách bảo tôi rằng: bàn tay cô dáng thon thon và tiếng nói của cô nghe rất ấm. Thế là được, cần gì đẹp, miễn là có duyên. Vậy tôi nhất định cho là cô có duyên lắm lắm. Và tôi lợi dụng từng dịp để có thể ngồi gần cô, chuyện trò cùng cô. Những lúc không bận đi đâu cũng không bận coi hàng tôi thích làm khuy. Cô Bình dạy tôi làm. Tôi sướng run người mỗi khi tôi có thể chạm tay tôi vào tay cô một cái. Trời đất ơi, một cái tay đàn bà. Những buổi sáng thấy cô đến, tôi mỉm cười để chào cô. Những buổi chiều lúc cô về, tôi cũng mỉm cười để chào cô. Những ngày cuối tháng được thay chủ phát lương tôi hay bảo nhỏ với câu này:

– Cô Tư đấy hả? Tôi đã phải đếm sẵn để riêng cho cô trong túi tôi đây rồi.

– Dẩy hả?

Và cô nhếch mép để hở ra cái răng bọc vàng. Tôi phải cố bảo tôi rằng; đấy là một nụ cười. Rồi tôi mơ màng… Như thế được nửa năm, tôi sốt ruột. Tôi thấy cần phải nói. Nhưng nói ra thế nào? Tôi ngập ngừng lâu lắm. Cứ nhất định nói rồi lại nhất định để thủng thỉnh rồi hãy nói. Rồi lại nhất định là phải nói. Mỗi lần tôi nhất định là một lần tim tôi nhảy chồm lên như một mụ đàn bà ghen tuông. Nó mệt. Nó bị đau không biết chừng. Thôi thì tôi nói đi cho nó rồi!…

Một buổi trưa tôi nghĩ thế. Tôi hồi hộp đi vào xưởng thợ. Bọn thợ ăn cơm xong chạy sang hiệu cà-phê cả. Chỉ còn vài anh ngủ mệt, không đáng ngại. Tôi rón rén lại gần cô Tư. Cô ngồi tựa lưng vào cái tủ đang cầm chiếc kéo cắt móng tay. Tôi ngồi xuống trước mặt cô. Người tôi sốt rét lên. Có lúc tôi thấy váng vất như đứng lơ lửng trên không khí. Một lúc lâu tôi mới run run gọi khẽ.

– Cô Tư à!

Cô vẫn nhìn cái kéo.

– Gì dậy anh?

Tôi không nói nữa. Tôi nhìn cô tròng trọc. Tôi có ý dùng cái nhìn của tôi thay lời nói. Cô ngước mắt lên. Cô sửng sốt hiện ra nét mặt. Tôi choáng váng người khi thấy cô kêu lên rằng:

– Trời ơi! Ăn Ba ngó gì mà kỳ dậy? Chà! Coi sợ góa! Rồi cô lay Bảy Huế nằm ngủ ngay gần đấy:

– Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè. Dậy coi ăn Ba Trí, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!

Mặt tôi nóng rực. Tôi chạy trốn. Cô Tư cười rú lên… Ngay chiều hôm ấy tôi đến nằm ở nhà một người bạn. Tôi sợ gặp cô Tư và bọn thợ nơi tôi làm quá. Có lẽ bấy giờ họ vẫn còn bàn chuyện tôi mà cười. Tôi thẹn chết. Mười giờ khuya hôm ấy tôi về thu xếp quần áo và xin với chủ cho tôi không làm nữa. Sáng sớm hôm sau tôi khuân hòm ra đi.

*

* *

Tôi đã tưởng suốt đời tôi chẳng gặp tình. Nhưng mà tôi đã gặp. Và gặp một cách giản dị không ai ngờ.

Tôi về Bắc. Mẹ tôi bảo tôi nên lấy vợ. Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái nhà quê không đẹp, có lẽ xấu nhưng được cái cũng là đàn bà mà lại thuộc cái hạng đặt đâu ngồi đấy. Hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được.

Một hôm tôi thấy y nhìn tôi mỉm cười. Tôi gần ngất đi. Tôi lảo đảo. Thiếu một chút nữa tôi ngã lộn từ trên giường xuống đất. Y sợ hãi và đỡ lấy đầu tôi.

– Ô hay! Làm sao thế, làm sao thế?

– Không, không…

– Thế sao đảo đồng đảo địa? Hay say rượu?

Tôi mỉm cười:

– Say em!

Và tôi nắm lấy bàn tay y lại. Y vội rụt bàn tay. Y đỏ mặt. Y đập tay vào đầu tôi bảo:

– “Nợ” lắm!

Tôi muốn vừa chạy vừa kêu lên như nhà bác học:

– Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã thấy người tình của tôi đây rồi.

Theo Sách hay Online.com

Sự nguy hiểm của ChatGPT

Dù đang tiến bộ với tốc độ chóng mặt, song ChatGPT vẫn chỉ là một trí thông minh máy móc, đòi hỏi người dùng phải có năng lực để kiểm chứng và hiệu chỉnh những gì nó tạo ra.

ChatGPT là chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) thu hút sự chú ý nhất hiện nay khi có thể trả lời đầy đủ các câu hỏi người dùng đưa ra trong mọi lĩnh vực, từ làm thơ, soạn nhạc, viết bài luận, viết báo, cho đến cả lập trình…

Sức hấp dẫn của ChatGPT khủng đến mức đã thu hút 100 triệu người dùng trên khắp thế giới chỉ sau 2 tháng ra mắt. Tại Việt Nam, trên mạng xã hội hiện nay, hàng loạt hội nhóm được lập ra nhằm mục đích trao đổi thông tin, mua bán tài khoản về ChatGPT, thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ChatGPT đang gây nhiều lo ngại về việc truyền tải sai lệch những kiến thức cơ bản.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là một mô hình hỏi đáp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), tức là hệ thống mà người dùng có thể đặt câu hỏi và ứng dụng sẽ trả lời bằng công nghệ có tên là máy học.

Sự nguy hiểm của ChatGPT - Ảnh 1.

Sức hấp dẫn của ChatGPT khủng đến mức đã thu hút 100 triệu người dùng trên khắp thế giới chỉ sau 2 tháng ra mắt (Ảnh minh hoạ: Bleeping Computer)

Vì lý do này, ChatGPT có thể cung cấp các câu trả lời thú vị cho các câu hỏi sáng tạo như: Tạo ra những câu chuyện và văn bản; phát triển mã và giải quyết vấn đề lập trình…

Với việc có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. ChatGPT nhanh chóng được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới thời điểm hiện tại.

Sự nguy hiểm của ChatGPT

Bên cạnh những yếu tố tích cực trong việc hỗ trợ người dùng, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán những thông tin sai lệch.

Sự nguy hiểm của ChatGPT - Ảnh 2.

Những thông tin ChatGPT đưa ra khá giống với văn phong con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin (Ảnh: PCMag)

Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là những thông tin ChatGPT đưa ra khá giống với văn phong con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin. Điều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên, chưa đủ kĩ năng và kiến thức để chọn lọc thông tin.

Chính Open AI (đơn vị phát triển ChatGPT) cũng cho biết không có trách nhiệm về thông tin cung cấp trên ứng dụng này. Người dùng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng và áp dụng thông tin do ChatGPT cung cấp. Đơn vị cũng khuyến cáo người sử dụng nên lấy nhiều nguồn thông tin khác nhau và kiểm tra chính xác thông tin trước khi quyết định.

“Ứng dụng này có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc đưa ra các hướng dẫn độc hại với nội dung sai trái. Nguyên nhân là AI chỉ đơn giản đưa ra phản hồi dựa trên thuật toán xác suất chứ không thực sự hiểu nội dung mà nó đang được hỏi”, Open AI cho hay.

Vì vậy, không nên quá đặt niềm tin vào ứng dụng này mà hãy có những bước xác nhận cần thiết từ những nguồn chính thống.

“Điểm yếu của ChatGPT là thu thập thông tin dựa trên dữ liệu lỗi thời, gần nhất là dữ liệu của năm 2021 hoặc 2022. Thông tin không được cập nhật như vậy có thể sẽ dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, nếu nhiều người hỏi cùng một câu hỏi trong ChatGPT, nó sẽ trả về câu trả lời gần như giống nhau cho mỗi người trong số họ”, Muhammad Abdul-Majid, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Đại học British Columbia, cho biết.

Huỳnh Duy – Tham khảo: Quienlosabe, MUO, The Verge /Shoha

Chủ tịch nước…


“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”. Lời ông Nguyễn Xuân Phúc.
“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”. Lời ông Nguyễn Xuân Phúc.

Vụ Việt Á đình đám đã kéo dài 13 tháng với 104 bị can đã xộ khám. Dư luận tưởng mọi việc thế là an bài. Nhưng phát ngôn ngày 4/2 của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khiến cho công luận giật mình. Vậy “trùm cuối” là ai?

Hải Lê

Phát ngôn quan trọng nhất bị “delete”

“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tận dụng cơ hội cuối cùng từ “Nhà Vàng” (Phủ Chủ tịch) để gửi tới bàn dân thiên hạ lời thanh minh. Tuy nhiên, nếu điều ông Phúc vừa nói “đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) kết luận”, thì UBKT Trung ương hoặc Ban Bí thư nên là bên đứng ra để công bố, đập tan những “luận điệu” gọi bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối”. Đến như một doanh nhân, cứ cho là “top five” trên cả nước như Phạm Nhật Vượng, khi bị dư luận đồn thổi là ông không được phép xuất cảnh, thì cũng đã được một Trung tướng Công An chính thức đứng ra “thanh minh, thanh nga” giùm, đấy là tin rác, không đúng sự thật. Nay đối với Phu nhân cựu Chủ tịch nước mà chẳng nhẽ không được hưởng cái ân huệ cho dù là hiếm hoi ấy. Bởi lẽ, nếu không ai đứng ra “bảo lãnh” tuyên bố cuối cùng của ông Phúc thì hoặc là ông Phúc nói dối, hoặc là ĐCSVN đã “cạn tàu ráo máng” với ngay chính đảng viên của mình, cho dù chỉ mới mấy ngày trước, đảng viên ấy còn là một nguyên thủ quốc gia.

Chưa hết, chiều ngày 4/2/2023, một số tờ báo tại Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Chính Phủ… đã đồng loạt đăng tải phát ngôn nói trên của cựu Chủ tịch nước về gia đình và vợ con ông. Tuy nhiên, đến tối ngày 5/2, phần phát ngôn quan trọng nhất đó của ông Phúc đã “không cánh mà bay”. Lời thanh minh này đã bị “bóc”, bị “delete” ngay ngày hôm sau. Như vậy, cuộc đấu tranh giữa các phe phái đã bộc lộ công khai. Việc Ban Tuyên giáo Trung ương hành động không quang minh chính đại như vậy càng khiến cho dư luận hoang mang. Hệ thống truyền thông chỉ cho giữ lại những đoạn sáo rỗng, liên quan đến cám ơn cám nghĩa. Đại thể, ông Phúc nói ông giữ trọng trách Chủ tịch nước từ ngày từ tháng 4/2021 đến 18/1/2023 – tức là gần 21 tháng. Theo ông Phúc, trong thời gian giữ chức vụ, ông đã “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng…” nhưng “khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, nên ông Phúc “đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu”. “Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước, xem xét nguyện vọng của tôi, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để tôi thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV”, ông Phúc nói.

Vụ Việt Á đình đám kéo dài 13 tháng với 104 bị can đã xộ khám. Dư luận cứ tưởng mọi việc thế là an bài. Phát ngôn ngày 4/2 của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khiến cho công luận giật mình. Vậy “trùm cuối” là ai? Ông Phúc phủ nhận tin đồn liên quan đến vợ con ông, tức ông phải biết ai là “trùm cuối”. Thế tại sao ông không được phép nói trắng ra? Hay bời vì, “trùm cuối” là một “siêu nhân”, một “siêu quyền lực” và không nằm ở trong nước? Đây là lần đầu tiên một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về việc bãi nhiệm chức vụ của mình, điều không được công bố rõ ràng khi cho thôi việc đối với các quan chức cấp cao trong ĐCS. Hiện vẫn chưa rõ lời thanh minh của ông Phúc cho vợ con của mình về vụ Việt Á rồi đây sẽ được kiểm chứng hay không? Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook và YouTube lan truyền dai dẳng các thông tin không kiểm chứng cho rằng, vợ ông Phúc – bà Trần Thị Nguyệt Thu, là “trùm cuối của Việt Á” và bà Thu đã bị “hoãn xuất cảnh”.

Khủng hoảng trên thượng tầng ĐCS?

Trong bối cảnh thông tin tù mù như trên, việc minh bạch lý do bị phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc là rất cần thiết. Đúng như nhà báo Huy Đức đã đặt vấn đề, nếu ông Phúc xin từ chức (hoặc bị phế truất) vì có nhiều cấp dưới bị sai phạm, vì trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là người đứng đầu. Trong hệ thống chính trị này, TBT Nguyễn Phú Trọng mới là người đứng đầu, vì ông Trọng là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 và đã có những phát ngôn chắc như “đinh đóng cột” bảo lãnh về chất lượng đối với đội ngũ Trung ương và Bộ Chính trị do đích thân ông lựa chọn. Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật. Trong 7 năm qua, tuy đạt được những kết quả không thể không ghi nhận như bắt bớ, kỷ luật hoặc buộc thôi giữ chức hàng trăm cán bộ. Nhưng, gần như chưa có cải cách nào đáng kể, xây dựng trong tương lai một môi trường minh bạch để quan chức không muốn tham nhũng, không phải tham nhũng và không thể tham nhũng.

Việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay vẫn chưa phải là mục tiêu của công cuộc “đốt lò” đã gửi đi thông điệp sai lệch. Thông điệp càng bị sai lệch khi một loạt cựu Ủy viên Bộ Chính trị như các ông Lê Thanh Hải (Sài Gòn), Hoàng Trung Hải (Hà Nội), Nguyễn Văn Bình (Ban Kinh tế Trung ương)… đều bị kỷ luật Cảnh cáo nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn loay hoay chưa biết xử lý tiếp những “con sâu bự” này như thế nào để các “đồng chí Trung Quốc” chấp thuận. Ngay đến cả ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây mấy ngày còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp mà ông cũng chỉ biết dựa vào quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để thanh minh bản thân và gia đình vô tội. Đấy không chỉ là bi kịch của cá nhân ông Phúc và gia đình, mà nó còn là thảm trạng của toàn thể người dân Việt Nam hiện nay đang phải sống trong một nhà nước độc tài – toàn trị, luận tội thông qua đường đảng, chứ không qua luật pháp!

Cuối cùng, dẫu vì lý do gì thì việc đảng ép Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ vẫn là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử ĐCSVN, có tác động lớn đối với đảng viên và người dân. Điều này đòi hỏi ĐCS phải có cách xử lý và xác định trách nhiệm cho tương xứng, chứ không thể làm một cách cải lương như “màn kịch” bàn giao công tác tại “Nhà Vàng” hôm 4/2. Dẫu sao, với phát biểu chấn động hôm ấy, vở kịch Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ còn nhiều pha hấp dẫn. Bởi vì, thượng tầng ĐCSVN đang bất ổn, không thể che dấu mãi được. Nó thể hiện ngay ở màn kịch “Nguyễn Phú Trọng gặp các cựu lãnh đạo, bao gồm những người có tai tiếng” hôm 6/2/2023. Ông Trọng ca ngợi các cựu lãnh đạo là những người có trình độ cao và là chỗ dựa vững chắc cho đảng. Điều này sáo rỗng đến mức giả dối. Chẳng nhẽ ông Trọng muốn dựa vào điểm tựa như Nguyễn Tấn Dũng, địch thủ một thời làm ông rơi nước mắt?

Theo VOA

ChatGPT với ảo vọng toàn năng của nhân loại và ‘Tầm nhìn Việt Nam 2030’

TS Nguyễn Hữu Liêm

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ San Jose, Hoa Kỳ

AI
Chụp lại hình ảnh,AI sẽ trở nên thông minh hơn người? – hình minh họa

Trong cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, (2017), sử gia Israel Yuval Noah Harari viết rằng nhân loại Homo sapiens như là chúng ta biết đã đi hết giai thời của nó và sẽ trở nên vô nghĩa trong tương lai.

Bởi vì công nghệ điện toán thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence (AI) – sẽ giải quyết hầu hết những vấn nạn mà con người thời nay đang cố tìm câu trả lời.


Theo đó, trong thế giới AI, sẽ có hai tôn giáo mới ra đời, không phải xuất phát từ sa mạc Trung Đông hay đỉnh núi tuyết Himalaya, Tây Tạng, mà là từ trong các phòng thí nghiệm điện tử ở vùng Thung lũng Sillicon San Francisco.

Tôn giáo thứ nhất là techno-humanism (nhân tính kỹ thuật), và thứ hai là data religion – Dataism (tôn giáo dữ kiện). Hai tôn giáo nầy sẽ tạo ra một thể loại con người thượng đế – Homo deus – một giống dân siêu việt kiến lập bằng hệ thống algorithms không có ý thức, vô đạo đức và vô cảm. Giống dân Homo-deus nầy không những sẽ là chúa tể địa cầu mà còn làm chủ cả thái dương hệ – theo Harari.

Trí tuệ nhân tạo và ảo vọng siêu nhân

Thế là giấc mơ Ubermensch (Siêu nhân) của Nietzsche đã có cơ hội hiện thực hóa. Nếu ai đọc Friedrich Nietzsche – như phong trào triết học hiện nay ở Việt Nam – thì sẽ nhớ đến một đoạn trong cuốn “Khoa học Hạnh phúc” (The Gay Science) rằng, “Ta đi tìm Chúa! Ta kiếm Chúa!” Thế nhưng “Chúa đã chết. Chúa vẫn chết. Và chúng ta đã giết ngài!” Thế thì ai sẽ thay Chúa?

Theo Nietzsche thì sau Chúa sẽ có một giống siêu nhân xuất hiện. Họ là overman – mẫu người đã vượt qua chính mình và giáo điều Thiên Chúa giáo. Giống siêu nhân này là thứ người cuối cùng – the last man – không còn bị chế ngự bởi tinh thần yếu đuối đầy sợ hãi như nhân loại đang là.

Kẻ siêu nhân sẽ là chúa trời cho chính hắn. Họ là những con người toàn năng, toàn trí – omnipotent and omniscient – như Thiên Chúa giáo diễn tả Thượng Đế theo giáo điều cổ điển.

Ngày nay, con người toàn năng toàn trí mà Thiên Chúa giáo và Nietzsche mơ ước đang xuất hiện ở chân trời. Đó là những người sống trong thế giới AI – và bước đầu cho buổi bình minh siêu nhân đó đang được khởi động bởi ChatGPT.

ChatGPT là một bộ óc hoàn vũ đang được hoàn thiện, thông thạo hầu hết các thứ tiếng, mang số vốn kiến thức bao trùm mọi lãnh vực với một kỹ năng suy nghĩ nhanh như ánh sáng và có câu trả lời tức thì cho kẻ tham vấn.

Đây là một cơ năng cận toàn trí – near-omniscient – mà nhân loại hằng mơ ước. ChatGPT trên nhiều bình diện còn ưu việt hơn là Chúa Trời. Nó biết lắng nghe câu chất vấn và cho câu trả lời – thay vì như thảm cảnh các tín đồ tôn giáo cầu nguyện mà không bao giờ được biết là Chúa đang nghĩ gì.

Cho những ảo vọng siêu hình tôn giáo xưa nay thì bây giờ AI qua ChatGPT đã biến thành khả thể thực tại. Nó là một thần đế vô tư, không thiên vị, không phân biệt đối xử, không màng bị đánh thức lúc hai giờ sáng để kiên nhẫn lắng nghe kẻ thao thức truy tìm và nhanh chóng trả lời hàng trăm câu hỏi trên nhiều lãnh vực mà phần lớn là vớ vẩn và lạc đề.

Nhân loại từ cổ chí kim luôn nuôi một ước vọng siêu hình lớn. Đó là ảo tưởng trở nên Thượng đế toàn năng, toàn trí, toàn thiện. Tôn giáo là gì nếu không phải là hiện tượng từ ảo vọng như thế. Ước mơ đó đã trở thành những dự án Chúa Trời – the God projects. Tuy nhiên, các dự án siêu nhiên qua thần linh, theo quan điểm của người thời nay, là một hiện tượng vô minh, thiếu hiểu biết trên cơ sở khoa học thực nghiệm.

Ngày nay, AI, bằng ChatGPT, sẽ thay thế thần linh đầy thiên vị bằng một Thiên Chúa vô ý thức, vô cảm, không dối trá, vượt qua luân lý đạo đức thế gian, nhằm cung ứng câu trả lời cho kẻ đi tìm kiến thức thế gian.

Chúa tể kỹ thuật AI là một Techno-deus – một bước nhảy vọt, không những chỉ về phương diện kỹ thuật, mà là một tiến bộ lên cấp, một khúc quanh văn minh nhân loại đang bước vào.

Lười biếng là định mệnh

Ngoài ước vọng siêu hình, giống Homo-sapiens hiện nay đang mang một bệnh lý lớn. Đó là bệnh lười biếng. Vì vậy, căn bệnh nầy biến con người thời đại thành một hiện tượng vô minh tự áp đặt cho mình – the self-imposed ignorance. Thay vì gia công tìm tòi, học hỏi, tra cứu bằng nỗ lực tự thân, người thời nay chỉ ước mơ trong ảo vọng được trở nên kẻ toàn trí với kiến thức vô hạn, bao trùm.

ChatGPT là cơ năng gần như hoàn hảo nhằm vén bức màn vô minh tự có cho trí thức lười biếng. Kẻ trí nhàn rỗi khi sử dụng ChatGPT không cần chân lý vì hắn không cần biết đúng hay sai – hắn chỉ tin vào cái gì mà AI trả lời.

Trong cõi ChatGPT, định mệnh cá nhân không nằm nơi ý Chúa – mà là ở nơi bản sắc và nội dung nghi vấn mà hắn tự nêu. Vấn đề là vậy. Khi tri thức không có khả năng đặt câu hỏi đúng cách, hắn sẽ nhận được những đáp án tương tự. Câu hỏi sai thì câu trả lời phải sai.

Không có chân lý cho kẻ thiếu ý thức về sự thật. Khi kẻ chất vấn đang còn ở thể trạng vô minh thì từng câu hỏi sẽ tự nó được ChatGPT nhân đôi cái vô minh đó bằng đáp án.

Từ đó, kẻ lười biếng – qua ChatGPT – trở nên một nạn nhân của chính mình với trình độ tham vấn qua cung cách truy cứu. Cuộc đời với hắn không còn là một câu hỏi lớn, nhưng chỉ là một tổ hợp những vấn đề sai lạc vô vị mà chính hắn không hề biết đến. Kẻ sử dụng ChatGPT là một bi kịch gói kín, không những chỉ từ tình trạng vô minh tự áp đặt, mà từ thói quen lười biếng chỉ biết nằm gốc gây chờ sung rụng vào mồm.

ChatGPT
Chụp lại hình ảnh,Người Việt Nam đang tò mò hỏi ChatGPT về đủ mọi vấn đề họ băn khoăn lâu nay mà chưa tìm ra câu trả lời

Sự tẻ nhạt và cuộc cách mạng

Thêm nữa, con người phố thị ngày nay mang thêm một bệnh lý thời đại khá phổ biến. Đó là bệnh nhàm chán – boredom.

Francis Fukuyama, một tác giả Mỹ, trong “The End of History and the Last Man” (Chung cuộc lịch sử và con người tối hậu) (1992) cho rằng, có lẽ căn bệnh nhàm chán sẽ là động cơ lớn lao và duy nhất cho cuộc cách mạng chính trị kế tiếp – vì nhân loại hôm nay đã tìm ra hết câu trả lời, ít nhất là trên bình diện ý thức hệ.

Fukuyama phiên giải triết học Hegel và Kojève để cho rằng lịch sử đã chấm dứt vì trên đấu trường ý hệ, chủ nghĩa dân chủ đa nguyên đã thắng cuộc. Con người chỉ còn bận rộn với đời sống hằng ngày, lo toan cho khoái lạc thân xác và cảm xúc. Con người tối hậu như Nietzsche từng nói đến, không phải là những Ubermensche mà chỉ là những động vật trong một chuồng sở thú lớn được nuôi dưỡng bằng những thể chế chính trị và kỹ thuật bởi giai tầng ưu tú, đầy quyền lực kinh tế.

Tức là, con người ngày nay không còn như các chiến sĩ cách mạng thưở xưa khi họ còn mang ước mơ và đấu tranh cho công lý và hạnh phúc. Lịch sử đã hoàn tất chức năng tra hỏi chân lý. Tức là không ai hỏi gì và không cần truy vấn. Những câu hỏi lớn biến mất và đã trở nên vô nghĩa.

Theo Fukuyama và Kojève, công dân trong các thể chế đa nguyên cứ tưởng rằng chân lý đã trong tay họ – nhưng không ý thức được rằng họ chỉ là những biến số dữ kiện trong một guồng máy khổng lồ.

Tất cả hình thái sinh hoạt nhân gian, tự bản chất chính trị và xã hội được coi là tự do, vẫn chỉ lập lại tình huống của các thể chế phong kiến và độc tài toàn trị cổ điển. Ở đó, cá nhân đi từ số không thần dân vô nghĩa để chỉ cuối cùng đến được bến bờ của con số không lớn lao hơn trong chính trị công dân.

Có nghĩa rằng cá nhân ngày nay chỉ là một biến số thống kê – a statistical variable – vô nghĩa. Như những con hổ tự cao, tự huyển trong chuồng sở thú – Fukuyama diễn tả – đến mỗi bữa, chủ nhân sẽ quăng cho miếng thịt béo để ăn và nằm nghỉ trong lười biếng và nhàm chán. Trên nệm cỏ êm ái, kẻ trí thức dân chủ, qua vai trò công dân chính trị, nay đã bị ám thị, tự cho mình là được tự do. Để rồi nhàm chán kéo họ vào thế giới ảo, đi tìm khích động qua các trang nhà tính dục hay bạo động.

Họ tìm đến các videos tả cảnh làm tình, hay coi phim chiến tranh, du đảng bạo hành nhằm giải trí cho hết thời gian rảnh rỗi. Như thế, nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ luôn cảm thấy thiếu sót cái gì đó. Ý nghĩa cuộc đời, hay quan hệ xã hội? Điều mơ ước không còn giản dị và cũng rất mơ hồ.

Khi Fukuyama và Harari viết về công nghệ điện toán và con người tương lai thì ChatGPT chưa hiện hữu.

Bây giờ thì thiên hạ khắp nơi – nhất là ở Việt Nam – đang hối hả bước vào vũ trụ AI mới này để đùa giỡn với chính mình bằng những câu hỏi vô nghĩa. Xong rồi họ khoe lên trên mạng cái ngớ ngẩn của nội dung sinh hoạt đối thoại đầy thử nghiệm.

VN
Chụp lại hình ảnh,Xã hội Việt Nam trong làn sóng tiêu thụ

Thử hình dung về CH XHCN Việt Nam -AI 2030

Lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang nói về ‘Tầm nhìn 2045’ mà chưa có định hình gì rõ rệt.

Tôi thử hình dung có một chế độ toàn diện và thâm thúy hơn đang xuất hiện ở chân trời nước ta – và cả thế giới.

Đó là thể chế kỹ-chính trị – the techno-politics. Trong thể chế này , công dân không những được gắn chip điện tử vào thẻ căn cước, xe cộ, điện thoại – mà sẽ được cài chip vào trong bộ não – chip brain-implant.

Với kỹ thuật kiểm soát não bộ, chính quyền hiệu năng của Đảng ta sẽ không những chỉ theo dõi cá nhân trên bình diện không gian, vị trí, chữ viết, ý kiến trên mạng, sinh hoạt hằng ngày, mà còn truyền trao tư duy và cảm xúc cho họ qua công nghệ chuyển tải dữ liệu và tín hiệu bằng AI.

Ngày trước Giáo hội tôn giáo chỉ kiểm soát linh hồn con chiên, nay Đảng ta sẽ làm chủ luôn tư duy, cảm xúc công dân. Đó là viễn cảnh về một Cộng hòa XHCN Việt Nam vào năm 2030 – như Giáo sư Trọng đang mong mỏi. Chế độ kỹ-chính trị đó sẽ tạo dựng từng cá nhân theo khuông thức công dân gương mẫu. Vẫn là Đảng CSVN cai trị toàn diện – nhưng là một chế độ kỹ trị tân tiến.

Từ Hà Nội, hay từ một căn cứ trong hầm bí mật, trung tâm dữ liệu AI quốc gia với các chuyên gia điện toán sẽ thay thế loa phường, công an hộ khẩu, thay luôn các tờ báo Nhân Dân hay Tuổi Trẻ, Thanh Niên, thậm chí cả VTV để truyền tải chỉ đạo của Bộ Chính trị vào từng não bộ nhân dân…Cán bộ, đảng viên thực ra sẽ không còn cần thiết, vì không cần ai làm vai trò “tiên phong” dẫn dắt, tức trung gian giữa Đảng và quần chúng

Có AI của Đảng mỗi người dân sẽ không còn phải học tập đạo đức và tư tưởng, phong thái Hồ Chí Minh – mà nay đã là mẫu công dân cộng sản, đầy hạnh phúc, làm theo gương Bác, lắng nghe và quán triệt chấp hành ý chí và nghị quyết Đảng một cách máy móc, tự nhiên, vô ý thức.

Mọi nghị quyết chính trị ban hành sẽ được tải thẳng vào đầu óc công dân cả nước. Không ai phải tham dự các buổi họp dài lê thê nhằm quán triệt nội dung. Cá nhân nhận được nội dung nghị quyết Đảng như là được uống cốc bia lạnh giữa trời nắng nóng. Hạnh phúc được ban phát chan hòa trên khắp các nẻo đường đất nước. Karl Marx sẽ cười to và không còn trăn trở trong nấm mồ ở Vương quốc Anh.

Khi đó, Ta và Đảng sẽ không còn là hai thực thể tách rời. Mà trái lại, Ta và Đảng chính là Đảng-Ta. Ta là Đảng; Đảng là Ta. Cả hai chỉ là một. Cá nhân không còn bất mãn công lý, không còn đòi hỏi gì hơn. Lý tưởng chính trị dân chủ, đa nguyên trở nên vô nghĩa và không cần thiết. Đức tin vào Đảng sẽ là tuyệt đối – như kẻ tín đồ ngày xưa tin vào sự dung hóa giữa Ta và Chúa. Và lành thay, có lẽ khẩu hiệu đỏ vàng sặc sỡ hoa hòe tốn kém khắp đất nước cũng sẽ không còn cần thiết nữa.

Vào năm 2030, với thể chế kỹ-chính trị của Đảng-Ta, con người Việt Nam sẽ không còn cần đến ChatGPT từ công nghệ AI nữa. Vì các câu hỏi nay không cần thiết mà đã biến mất. Không những lịch sử quốc gia đã chấm dứt, mà chân lý cũng không còn.

Cá nhân công dân Việt Nam sẽ mang số phận tân thần dân kỹ trị và chính trị. Họ sẽ không còn khổ đau để trăn trở hay mang cao vọng nào. Tất cả sẽ được thỏa mãn – từ kinh tế, chính trị, xã hội, đến thân xác, ý thức. Thế gian nay là thiên đàng. Ai không tin thì hỏi AI. Amen!

Theo BBC tiếng việt

Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Hữu Liêm, luật gia, nhà triết học, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.