Ba thành phố châu Á vào top điểm đón năm mới 2023

Bangkok, Đài Bắc, Dubai là các điểm đến ở châu Á được báo Mỹ gợi ý du khách trải nghiệm.

Các chuyên gia du lịch của CNN đưa ra gợi ý về 10 điểm đến đón giao thừa 2023 tuyệt nhất thế giới, dựa trên các tiêu chí như vui vẻ, mang lại trải nghiệm khó quên, nổi tiếng và hấp dẫn. Có ba điểm đến ở châu Á được nhắc đến là Bangkok (Thái Lan), Đài Loan (Trung Quốc) và Dubai (UAE). Các thành phố khác còn lại gồm Sydney (Australia), Cape Town (Nam Phi), Las Vegas và New York (Mỹ), London (Anh), Rome (Italy) và Rio de Jaineiro (Brazil).

Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc

Đêm giao thừa ở Đài Bắc được miêu tả là “mang lại sự ngoạn mục cho thị giác”. Tòa nhà cao nhất thành phố (hơn 509 m), Đài Bắc 101, là nơi bắn pháo hoa đón năm mới. Du khách có thể tới núi Hổ, khu thương mại Xinyi để ngắm màn pháo hoa này. Ngoài ra, du khách có thể tham gia thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc lớn do chính quyền thành phố tổ chức, ghé các quán bar như Barcode hay OMNI để tiếp tục trải nghiệm không khí sôi động đón năm mới với người dân địa phương. Ảnh: Đinh Gia Bảo

Bangkok, Thái Lan

Thủ đô Thái Lan luôn đứng đầu danh sách các thành phố có cuộc sống về đêm sôi động nhất châu Á. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nơi đây nằm trong danh sách lần này.

Các chuyên gia du lịch gợi ý bạn có thể ghé Icon Siam (trung tâm thương mại lớn ở thủ đô) hay dọc sông Chao Phraya để xem bắn pháo hoa. Để nối tiếp cuộc vui, khách có thể ghé Sky Beach Bangkok, quán bar cao nhất thành phố. Vào ngày đầu tiên của năm mới, bạn có thể ghé qua chùa Wat Pho để tĩnh tâm, cầu nguyện cả năm may mắn. Ảnh: Icon Siam

Dubai, UAE

Nếu Đài Bắc có tòa tháp 101 thì Dubai có Burj Khalifa. Đây là nơi mà vào mỗi năm, đám đông sẽ tụ tập phía dưới để chờ đợi đến màn bắn pháo hoa đón giao thừa. Với các gia đình đi du lịch cùng trẻ nhỏ đợt này, bạn có thể đến Burj Plaza, cách đó không xa, để ngắm pháo hoa nhưng yên tĩnh và bớt đông đúc hơn. Ảnh: Time Out Dubai

Sydney, Australia

Đây là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đón năm mới. Pháo hoa được bắn tại cảng Sydney, với “hình nền” phía sau là nhà hát con sò nổi tiếng Opera House. CNN đánh giá đây là điểm đến thân thiện với gia đình có trẻ nhỏ, xung quanh có các đảo, công viên có tầm nhìn tốt để có thể thấy toàn cảnh pháo hoa.

Điều đặc biệt là Sydney đang vào mùa hè. Vì vậy, thay vì đón năm mới trong rét mướt, người dân có thể tận hưởng không khí ấm áp bên các bãi biển được nhiều người biết đến như Manly, Bondi, Bronte trong thành phố. Ảnh: NSW

Rio de Jaineiro, Brazil

Nếu muốn chào đón năm mới cùng ít nhất ba triệu người khác trên một bãi biển, hãy đến Copacabana, Rio de Janeiro. Du khách nên đến “giữ chỗ” trước khi trời tối, và nơi đây có nhiều tiết mục âm nhạc cũng như bắn pháo hoa để phục vụ sự kiện trọng đại của năm này. Ảnh: Flickr

Cape Town, Nam Phi

Là một trong những thành phố có vị trí đẹp nhất châu Phi và thế giới, pháo hoa vào đêm giao thừa khiến Cape Town trở nên ngoạn mục hơn.

Nếu muốn tổ chức tiệc tùng cùng bạn bè, hãy đến chân Núi Bàn, nơi có show trình diễn nghệ thuật Alcazar kéo dài tới 10 tiếng tại ba sân khấu lớn. Vào sáng mùng một, du khách có thể ghé thăm vườn nho nổi tiếng của Nam Phi, ở ngoại ô thành phố như Leeu Estates. Ảnh: Cape Town ETC

Rome, Italy

Muốn xem pháo hoa đẹp, hãy đến Circus Maximus, trường đua xe ngựa có từ thời La Mã cổ đại. Ngày nay, nó là tụ điểm vui chơi giải trí tại Rome, nằm giữa đồi Aventinus và Palatinus. Ngoài ra, khách cũng có thể tham gia các buổi hòa nhạc. Ảnh: Dreamstime

London, Anh

Bên bờ nam của sông Thames là nơi diễn ra màn bắn pháo hoa đón năm mới và bán vé. Hiện vé vào cửa đã được bán hết, theo CNN, nhưng du khách có thể xem từ xa ở các đỉnh đồi như Primrose hay đồi Quốc hội, công viên Greenwich, điện Alexandra, cầu Thiên niên kỷ. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua vé đi thuyền trên sông Thames để ngắm pháo hoa.

Cách truyền thống đón năm mới của người dân địa phương là ghé các quán rượu lâu đời nhất London, như Old Bell Tavern và nhâm nhi vài ly. Đây cũng là gợi ý du khách có thể thử. Ảnh: Wiki

New York, Mỹ

Quảng trường Thời đại (Times Square) ở Manhattan, New York tiếp tục góp mặt trong danh sách. Nếu bạn không muốn chen chúc đón năm mới cùng ít nhất một triệu người khác ở đây, có thể đến công viên Grand Army Plaza ở quận Brooklyn. Tuy nhiên, bạn cần đến sớm để có chỗ đẹp. Nếu ngoài 21 tuổi, bạn có thể thử vận may tại sòng bạc Resorts World Casino, nơi mọi người thường ghé thăm khi đến New York. Gần sân bay JFK cũng thường tổ chức các bữa tiệc mừng năm mới. Ảnh: Time Out

Las Vegas, Mỹ

Vegas luôn rực rỡ ánh đèn quanh năm, nhưng nó sẽ được tắt hết vào đêm giao thừa. Las Vegas Strip sẽ cấm xe để trở thành phố đi bộ trong dịp đón năm mới. Khi đồng hồ điểm 12 tiếng chuông cũng là lúc nhiều sòng bạc trong thành phố đồng loạt bắn pháo hoa từ nóc nhà. Du khách có thể ngắm toàn cảnh từ trên đỉnh tháp Stratosphere. Ảnh: Review journal

Anh Minh (Theo CNN) / Vietnam Express

Tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ dặn con: Muốn giàu phải giấu 1 thứ, chấp nhận 1 điều và tránh kết giao với người có 3 tật xấu này

Tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ dặn con: Muốn giàu phải giấu 1 thứ, chấp nhận 1 điều và tránh kết giao với người có 3 tật xấu này

Cách dạy con của tỷ phú Rockefeller đã giúp gia tộc của ông vượt qua lời nguyền “không ai giàu 3 họ” và đạt được sự thịnh vượng cho đến ngày nay.

Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. là người đã sáng lập nên đế chế dầu mỏ lừng lẫy – Tập đoàn Standard Oil. Nắm giữ khối tài sản có giá trị gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, tỷ phú này được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng với khó khăn vô vàn nhưng nhờ vào sự nỗ lực và ý chí tuyệt vời, ông từng bước xây dựng đế chế kinh doanh của riêng mình.

Không chỉ là doanh nhân giỏi, John Davison Rockefeller Sr. còn là một người cha tuyệt vời. Trong suốt cuộc đời mình, “Vua dầu mỏ” đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư. Tất cả đều là những bài học cuộc sống quý báu mà bản thân ông đã trải qua và tự mình chiêm nghiệm. Những lời dặn dò của ông dành cho con cháu đều cho thấy được tầm nhìn hơn người. Cũng nhờ vậy mà gia tộc của tỷ phú này giàu sang đến tận 7 đời.

Trong những lá thư của mình, Vua dầu mỏ từng dặn dò cậu con trai 3 điều quan trọng để có thể tiếp nối sự giàu có của mình.

1. Có 1 thứ càng khoe khoang càng gặp sóng gió nên phải biết che giấu

Một trong những lời dặn dò “kinh điển” nhất của Vua dầu mỏ Mỹ đó là: “Một kẻ rêu rao về trí thông minh chính là kẻ ngu ngốc. Còn người biết giả ngốc mới thật sự thông minh”. Qua câu nói này, vị tỷ phú giàu có nhất lịch sử Rockefeller đã dặn các con nên giấu kín sự khôn ngoan, chớ nên cho thiên hạ biết bởi càng khoe đời người càng gặp nhiều sóng gió.

Tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ dặn con: Muốn giàu phải giấu 1 thứ, chấp nhận 1 điều và tránh kết giao với người có 3 tật xấu này - Ảnh 1.

Theo vua dầu mỏ: “So với phô bày trí thông minh, giả ngu ngốc có rất nhiều lợi ích. Quan trọng nhất là để cho người khác thả lỏng cảnh giác. Sau đó bạn tóm lấy cơ hội, lặng lẽ đứng đầu và khiến mọi người kinh ngạc”.

Ông cũng giải thích thêm cho con rằng bản chất con người là điều khó lường nhất. Vì vậy không phô trương sự thông minh là tốt nhất, có như vậy thì con mới tránh được sự cạnh tranh gay gắt, và tiêu cực. Tuy nhiên, cần phải hiểu biểu hiện ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, họ thấu hiểu hết tất thảy đạo lý ở đời nhưng lại không thể hiện ra, có như vậy đại sự mới dễ thành.

2. Muốn giàu có thì phải chấp nhận 1 điều không ai mong muốn

Trong thư gửi con, Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. có viết: “Đa phần sự an toàn tuyệt đối sẽ không giúp cho chúng ta giàu có. Để có được ‘phần thưởng’, chúng ta luôn phải chấp nhận những rủi ro cần thiết đi kèm. Cuộc sống chẳng phải là như vậy sao? Không có chuyện mãi mãi, chắc chắn sẽ có tiến hoặc lùi.

Cha tin rằng thận trọng không phải là công thức hoàn hảo để thành công. Bất kể làm gì trong cuộc sống này, chúng ta vẫn phải lựa chọn giữa rủi ro và an toàn. Và đôi khi, cơ hội chiến thắng sẽ đến chỉ khi con chấp nhận rủi ro lớn hơn nhiều so với an toàn.”

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(201020);}else{parent.admSspPageRg.draw(201020);}

Tỷ phú Mỹ muốn con trai ghi nhớ điều này bởi bản thân ông đã từng trải qua và hiểu được rằng việc tích lũy tài sản buộc họ phải chấp nhận những rủi ro trong đó có rủi ro tài chính. Và điều này cần đến lòng dũng cảm. Chỉ khi chấp nhận được điều không ai muốn thì mới có thể ngồi ở những vị trí ít ai có thể đạt được.

3. Tránh kết giao với người có 3 tật xấu kẻo kéo nhau thụt lùi

Rockefeller tin rằng một người có thể giàu lên hay không liên quan mật thiết đến việc anh ta có những phẩm chất nào. Vì vậy, để giúp con trai lĩnh hội kinh nghiệm kinh doanh và sự khôn ngoan trong cuộc sống, Rockefeller đã nhắc nhở con trai nên tránh xa người có 3 đặc điểm dưới đây:

– Dễ bốc đồng: Rockefeller đã nhắc nhở con trai mình: “Sự bốc đồng luôn là kẻ thù đáng sợ nhất của chúng ta. Nếu kiên nhẫn có thể giải quyết được những xung đột vốn không nên xảy ra, thì sự kiên nhẫn ấy luôn có giá trị. Ngược lại, sự nông nổi không thể giải quyết được khủng hoảng mà còn mang đến tai họa lớn hơn. Hãy nhớ rằng, phải giữ sự kiên nhẫn trong cơ thể con mỗi ngày, và nó sẽ mang lại cho con niềm vui, cơ hội và thành công”.

Tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ dặn con: Muốn giàu phải giấu 1 thứ, chấp nhận 1 điều và tránh kết giao với người có 3 tật xấu này - Ảnh 2.

– Thích bao biện: Rockefeller từng nói: “Tôi khinh bỉ những lời bào chữa, bởi vì đó là hành vi của những kẻ hèn nhát. Tôi thương hại những người luôn bao biện, bởi vì bao biện là nguồn gốc của sự thất bại.” Theo tỷ phú này thích bao biện, là một loại “bệnh”, những người mắc bệnh này đều là kẻ thua cuộc, không có ngoại lệ. Do đó, ông dặn con mình hãy tránh xa những người thích bao biện và hãy tự ngẫm lại bản thân. Đừng trở thành một người bao biện.

– Người dễ dàng từ bỏ: Từ bỏ là điều dễ dàng nhất trên thế giới này, và thành công thường đến sau sự nỗ lực, kiên trì và bền bỉ. Rockefeller đã nói với con trai mình: “Con sẽ không bị đánh bại trừ khi con bỏ cuộc”.

Người xưa thường quan niệm rằng không ai giàu có ba đời, nhưng sự giàu có của gia đình Rockefeller đã truyền qua sáu đời và vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Sự thịnh vượng ấy có liên quan rất lớn đến nền giáo dục của gia đình họ. Những ý tưởng chính của việc giáo dục đó bắt nguồn từ những bức thư do Rockefeller viết cho con trai mình. Quả thực ngẫm lại những lời khuyên người cha tỷ phú nhắn nhủ con trai, ai cũng hiểu lý do giúp gia tộc này lại giàu tới 7 đời.

Ánh Lê / Thể thao văn hóa (Tổng hợp) /

101 điều thú vị về trái đất

21. Điểm cạn thấp nhất trên trái đất?

Bờ biển Chết ở Trung Đông thấp 400 m dưới mặt biển. Vị trí thứ 2 là Bad Water ở Thung lũng Chết, California, ở vị trí 86 m dưới mặt biển.

22. California đang chìm dần?

Thực tế là một số phần của bang này đang bị như vậy. Sự xê dịch lên xuống của một số hồ nước tự nhiên ở dưới mặt đất đang khiến cho California lún xuống 11cm/năm. Các hệ thống nước và cống ngầm có thể bị đe doạ.

101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)
Hồ Tahoe ở California. (Ảnh: anders)

23. Con sông dài nhất?

Sông Nile ở châu Phi dài 6.695 km. Tuy nhiên, mới đây các nhà địa chất còn khám phá về cội nguồn con sông này thì thấy chiều dài của nó còn lớn hơn rất nhiều.

101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)
Hình ảnh sông Nile do Nasa chụp từ trên cao thuộc sa mạc Egypt. (Ảnh: LiveScience)

24. Bang chịu nhiều động đất nhất ở Mỹ?

Alaska thường xuyên phải chịu một trận động đất mạnh 7 độ richter mỗi năm, và một cơn động đất mạnh hơn 8 độ richter trung bình sau 14 năm. Florida và North Dakota chịu ít động đất nhất ở Mỹ.

101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)
Động đất ở Alaska năm 1964

25. Nơi khô hạn nhất trên thế giới?

Vùng Arica ở Chile chỉ có 0,76 mm lượng mưa mỗi năm. Với lượng đó cần mất một thế kỷ để hứng đủ một tách cà phê.

Arica
(Ảnh: ujf-grenoble)

26. Cái gì gây ra sụt lở đất?

Lượng mưa dồn dập trong một giai đoạn ngắn có thể gây ra các dòng chảy bùn và rác thải với tốc độ cao. Lượng mưa dầm dề kéo dài trong một thời gian dài lại tạo ra những vụ lở đất lớn từ từ. Mỗi năm, nước Mỹ thiệt hại 2 tỷ USD do sụt lở đất. Trong một trận bão kỷ lục ở San Francisco vào tháng 1/1982, khoảng 18.000 dòng chảy rác thải hình thành trong một đêm. Thiệt hại tài sản lên tới 66 triệu USD cùng 25 người chết.

Lượng mưa dầm dề kéo dài trong một thời gian dài lại tạo ra những vụ lở đất lớn từ từ
(Ảnh: geology)

27. Bùn chảy với tốc độ bao nhiêu?

Những dòng chảy như thác bùn có thể di chuyển với tốc độ 160 km/giờ.

Bùn lầy
Bùn lầy. (Ảnh: clynefarm)

28. Vật chất trong lòng trái đất cũng chảy?

Bạn đoán đúng rồi đấy. Năm 1999, các nhà khoa học tìm thấy vật liệu tan chảy trong lõi trái đất chảy theo các dòng xoáy mà sức mạnh của nó tương tự như bão lốc.

29. Nơi ẩm ướt nhất trên trái đất?

Vùng đất ẩm ướt nhất trên đất liền được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là Mawsynram ở đông bắc Ấn Độ.

101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)

Hơi ẩm lan từ vịnh Bengal, ngưng tụ trên những ngọn đồi Khasi nhìn xuống những cánh đồng ở Bangladesh từ cao nguyên có độ cao 1.491m này, khiến nơi đây có lượng mưa trung bình hàng năm cao tới mức kinh ngạc, 11.871 mm. Lượng mưa này có thể làm ngập đến tận gối bức tượng lớn nhất thế giới, tượng Chúa Kitô Cứu Thế cao 30m ở Rio de Janeiro, Brazil.

30. Trái đất có chuyển qua các thời kỳ khác nhau như mặt trăng?

Từ sao Hoả, có thể nhìn thấy trái đất chuyển qua các giai đoạn khác nhau (cũng như chúng ta nhìn thấy sao Kim thay đổi). Trái đất nằm trong quỹ đạo của sao Hoả và khi 2 hành tinh cùng di chuyển qua mặt trời, ánh sáng mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta theo một góc khác.

So sánh giữa Trái đất và sao Hỏa
So sánh giữa Trái đất và sao Hỏa. (Ảnh: NaSa)

31. Hẻm núi lớn nhất sao Hỏa?

Grand Canyon được coi là hệ thống hẻm núi lớn nhất thế giới, dài 446 km. Nhưng hẻm núi Valles Marineris trên sao Hoả còn dài tới 4.800 km. Nếu đặt trên bản đồ nước Mỹ, nó sẽ kéo dài từ New York tới Los Angeles. Vết sẹo khổng lồ trên bề mặt hành tinh đỏ này sâu tới 8 km.

Valles Marineris
(Ảnh: planetarium)

32. Hẻm núi sâu nhất ở Mỹ?

Hẻm núi Hells dọc theo biên giới Oregon – Idaho sâu hơn 2,4 km. Trong khi đó, Grand Canyon sâu không quá 2 km.

Hẻm núi Hells
(Ảnh: talisman-activities)

33. Trái đất có phải là hành tinh đá lớn nhất trong hệ mặt trời?

Hoàn toàn đúng như vậy. Đường kính trái đất tại đường xích đạo là 12.756 km. Sao Kim là 12.104 km. Sao Hoả và sao Thuỷ nhỏ hơn rất nhiều. Sao Diêm Vương cũng là hành tinh đá nhưng quá nhỏ.

Sao Hỏa (trái), Trái đất (giữa) và sao Kim (phải)
Sao Hỏa (trái), Trái đất (giữa) và sao Kim (phải). (Ảnh: astro)

34. Có bao nhiêu núi lửa từng hoạt động trên trái đất?

Có khoảng 540 núi lửa trên mặt đất từng phun trào. Không ai biết rõ có bao nhiêu núi lửa ở dưới biển đã hoạt động từ trước tới nay.

35. Không khí bao gồm chủ yếu là ôxy?

Bầu khí quyển của trái đất chiếm 80% là nitơ. Phần còn lại chủ yếu là ôxy, với một lượng rất nhỏ các tạp chất khác.

36. Thác nước cao nhất ở Mỹ?

Thác Yosemite ở California cao 739 m.

101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)
(Ảnh: mariposa)

37. Bao nhiêu phần trăm lượng nước trên thế giới nằm ở đại dương?

Khoảng 97%. Đại dương chiếm 2/3 bề mặt trái đất, điều đó có nghĩa là nếu có một thiên thạch va vào trái đất thì nó sẽ bắn tung toé.

38. Vùng đất nào chứa lượng nước ngọt lớn nhất trên thế giới?

Gần 70% lượng nước ngọt trên trái đất nằm trong các tảng băng ở Nam cực và Greenland. Số còn lại nằm trong bầu khí quyển, sông suối, mạch nước ngầm và chiếm chỉ khoảng 1%.

Băng ở Green land
(Ảnh: fvalk)

39. Đại dương lớn nhất trên trái đất?

Thái Bình Dương bao phủ một diện tích rộng 165 triệu km2, lớn hơn gấp 2 lần Đại Tây Dương. Nó có độ sâu trung bình là 3,9 km.

40. Tại sao trái đất lại hầu như không có miệng hố, trong khi mặt trăng lại lỗ chỗ?

Trái đất hoạt động tích cực hơn về mặt địa lý và thời tiết. Một số miệng hố vài triệu tuổi đã được bao phủ bởi thực vật, biến đổi qua động đất và lở đất, cùng với những hiện tượng mưa gió. Trong khi đó mặt trăng khá yên tĩnh về mặt địa lý và hầu như không có thời tiết, nên các miệng hố trên đó vẫn nguyên sơ qua hàng tỷ.

Theo Khoa học TV

GDP từng đứng thứ 86/140 thế giới, Việt Nam mất bao nhiêu năm để lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất?

GDP từng đứng thứ 86/140 thế giới, Việt Nam mất bao nhiêu năm để lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất?

Năm 1990, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 8,22 tỷ USD, xếp thứ 86/140 trên thế giới.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 1990, quy mô GDP của Việt Nam đạt 8,22 tỷ USD, xếp thứ 7/10 khối ASEAN và thứ 80/140 trên thế giới. Trong khối ASEAN, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Brunei, Myanmar và Lào năm 1990.

Giai đoạn 1990-2012, quy mô GDP Việt Nam vẫn nằm ngoài top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2012, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 159,17 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN và thứ 52 trên thế giới. Trong khối ASEAN, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Brunei, Myanmar, Campuchia và Lào năm 2012.

Tuy nhiên,đếnnăm 2013, quy mô GDP của Việt Nam đã chính thức lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Như vậy, Việt Nam chính thức lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 23 năm kể từ khi đứng thứ 86/140 thế giới.

Cụ thể, năm 2013, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 212,73 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN và thứ 50 trên thế giới. Trong khối ASEAN, quy mô GDP Việt Nam vẫn xếp trên Brunei, Myanmar, Campuchia và Lào năm 2013.

GDP từng đứng thứ 86/140 thế giới, Việt Nam mất bao nhiêu năm để lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất? - Ảnh 1.

Quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 1990-2021 và dự báo năm 2022. Nguồn: IMF.

Từ năm 2013 đến nay, quy mô GDP Việt Nam liên tục lọt top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2021, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 368 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN và thứ 41 trên thế giới. Như vậy, quy mô GDP Việt Nam đã tăng hơn 44 lần sau 31 năm và nhảy 45 bậc trên thế giới.

Năm 2022, IMF đã đưa ra dự báo quy mô GDP cho các nước trên thế giới. Trong đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt khoảng 413,81 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới.

Với dự báo này của IMF, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 tăng 45,81 tỷ USD, nhảy 4 bậc so với năm 2021. Cùng với đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 tăng hơn 50 lần, nhảy 49 bậc so với năm 1990 trên quy mô thế giới.

Xét riêng các nước trong khối ASEAN, năm 2022, Indonesia là nước có dự báo quy mô GDP dẫn đầu trong khu vực ASEAN, đạt khoảng 1.290 tỷ USD, xếp thứ 17 thế giới. Tiếp theo là Thái Lan với 534,76 tỷ USD, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 26 thế giới.

Cùng với đó, Malaysia được dự báo quy mô GDP đạt khoảng 434,06 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khối ASEAN và thứ 35 trên thế giới. Singapore được dự báo quy mô GDP xếp thứ 4 trong khối ASEAN và thứ 36 trên thế giới, đạt khoảng 423,63 tỷ USD vào năm 2022.

Với Việt Nam, quy mô GDP năm 2022 được IMF dự báo xếp thứ 5 trong khối ASEAN, xếp trên Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào.

Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào được dự báo quy mô GDP đạt lần lượt là 401,66 tỷ USD; 59,53 tỷ USD; 28,33 tỷ USD; 18,5 tỷ USD và 16,25 tỷ USD trong năm 2022.

Năm 2023, IMF đã đưa ra dự báo quy mô quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 469,621 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khối ASEAN và 36 trên thế giới.

Với dự báo này của IMF, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 tăng 55,81 tỷ USD, nhảy 1 bậc so với năm 2022 trên quy mô thế giới. Cùng với đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 tăng hơn 57 lần, nhảy 50 bậc so với năm 1990 trên quy mô thế giới.

Xét riêng các nước trong khối ASEAN, năm 2023, Indonesia là nước có dự báo quy mô GDP dẫn đầu trong khu vực ASEAN, đạt khoảng 1.388,68 tỷ USD, xếp thứ 17 thế giới. Tiếp theo là Thái Lan với 580,69 tỷ USD, xếp thứ 2 khối ASEAN và thứ 27 thế giới.

Cùng với đó, Malaysia được dự báo quy mô GDP đạt khoảng 467,46 tỷ USD, xếp thứ 4 trong khối ASEAN và thứ 37 trên thế giới. Singapore được dự báo quy mô GDP xếp thứ 5 trong khối ASEAN và thứ 38 trên thế giới, đạt khoảng 447,16 tỷ USD vào năm 2023.

Với Việt Nam, quy mô GDP năm 2023 được IMF dự báo xếp thứ 3 trong khối ASEAN, xếp trên Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào.

Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào được dự báo quy mô GDP đạt lần lượt là 425,66 tỷ USD; 53,56 tỷ USD; 30,71 tỷ USD; 17,94 tỷ USD và 15,02 tỷ USD trong năm 2023

Theo Nhịp sống Kinh tế / Shoha VN

Tập giao Vương Hỗ Ninh thiết kế chiến lược mới để thu hồi Đài Loan

Vương Hỗ Ninh đã được giao nhiệm vụ tạo ra giải pháp thay thế cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ.”

Một nguồn thạo tin về hoạt động nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hé lộ bí mật về cuộc cải tổ lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái.

Tại sao một số nhà lãnh đạo được giữ lại để phục vụ thêm một nhiệm kỳ, trong khi những người khác bị loại bỏ thẳng tay?

Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, có ba thành viên đã 67 tuổi, về mặt kỹ thuật thì họ chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Cả ba người đều có thể ở lại, nhưng chỉ một người làm được điều đó.

Những người bị phế truất bao gồm nhân vật số 2, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhân vật số 4, Uông Dương. Chỉ có số 5 Vương Hỗ Ninh được ở lại và thăng tiến trong đội hình mới.

Nguồn tin lưu ý rằng sự thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao gợi ý về chiến lược chính trị của Tập khi ông hướng tới nhiệm kỳ thứ tư. “Nhiệm vụ của Vương Hỗ Ninh là đặt nền móng cho sự thống nhất với Đài Loan.”

Nếu Vương Hỗ Ninh được giữ lại để giải quyết vấn đề Đài Loan, thì đó là do sự thất bại của chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong.

Sau làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ làm rung chuyển Hong Kong vào năm 2019, Bắc Kinh đã nhanh chóng ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu hành chính này, và một Hong Kong tự do đã không còn nữa.

Hơn một triệu người đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019. (Ảnh của Takeshi Kihara)

“Một quốc gia, hai chế độ” được tạo ra khi Hong Kong do Anh cai trị được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, đảm bảo mức độ tự trị cao cho đặc khu. Công thức – vốn bắt nguồn từ thời của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình – là một chiến lược quan trọng cho sự thống nhất trong hòa bình với Đài Loan trong tương lai.

Nhưng sau khi Tập lên nắm quyền và chỉ đạo giữ lập trường cứng rắn đối với Hong Kong, dư luận Đài Loan đã thay đổi đáng kể. Rõ ràng, kế hoạch “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không còn hiệu quả nữa.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu biết rõ điều này. Bản thân Tập đã ngừng đề cập đến công thức này, kể cả tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nơi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba.

Đối với Tập, điều này không hoàn toàn xấu. Nó mang đến cho ông một cơ hội vàng để từ bỏ di sản thời Đặng và vạch ra chiến lược thống nhất Đài Loan của riêng mình. Và đối với nhiệm vụ quan trọng này, ông đã lựa chọn Vương Hỗ Ninh.

Ngày 18/1, Tân Hoa Xã công bố các thành viên mới của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước. Việc bổ sung Vương Hỗ Ninh báo hiệu rằng ông sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Chính Hiệp, kế nhiệm Uông Dương.

Một trong những vai trò của Chính Hiệp là thiết lập các chiến lược cho “công tác mặt trận thống nhất” của Trung Quốc, bao gồm cả việc kéo Đài Loan về phía Trung Quốc.

Theo khuôn khổ này, Vương Hỗ Ninh cũng được cho là sẽ trở thành Phó ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng về chính sách Đài Loan của Trung Quốc. Người đứng đầu cơ quan này là Tập.

Vương Nghị (phải) sẽ báo cáo với Vương Hỗ Ninh về chính sách an ninh liên quan đến thống nhất Đài Loan và quan hệ với Mỹ (Nguồn ảnh Reuters).

Vậy Vương sẽ đóng vai trò gì trong việc xây dựng chính sách Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập?

Một nguồn am hiểu về quan hệ Trung Quốc-Đài Loan lưu ý rằng Vương sẽ được giao nhiệm vụ viết một chiến lược thống nhất về mặt lý luận phù hợp cho thời đại của Tập.

“Người ta có thể tin rằng mối đe dọa từ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan là sắp xảy ra, nhưng thực tế không phải vậy. Bước đầu tiên là đưa ra một lý thuyết mới để thay thế ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Đặng. Sau đó, áp lực lên Đài Loan sẽ được điều chỉnh dựa trên lý thuyết mới,” nguồn tin giải thích.

Nguồn tin hy vọng lý thuyết này sẽ trở thành cơ sở để đo lường tiến độ và quyết định xem liệu một chiến dịch quân sự có cần thiết hay không.

Vương là một chính trị gia hiếm có. Ông đã phục vụ ba thế hệ lãnh đạo tối cao liên tiếp – Giang Trạch Dân, người vừa qua đời ở tuổi 96; Hồ Cẩm Đào, 80 tuổi; và Tập Cận Bình, 69 tuổi – và luôn được tái bổ nhiệm với tư cách là bộ não của nhà lãnh đạo.

Về các vấn đề an ninh, Tập được cho là tôn trọng lời khuyên của Vương, một người dày dạn kinh nghiệm.

Mỗi khi Tập hội đàm với Donald Trump, Vương luôn ngồi bên cạnh để đưa ra lời khuyên. Chẳng ai biết Trump sẽ nói gì, và Tập cần một người có thể suy nghĩ nhanh nhạy.

Kinh nghiệm của Vương trong việc viết các tài liệu quan trọng có liên quan đến an ninh và quá khứ từng là giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán đã giúp ông có sự chuẩn bị rất tốt.

Khả năng viết theo cách làm hài lòng nhà lãnh đạo cao nhất của từng thời kỳ, dù nội dung có thể không rõ ràng đối với người ngoài cuộc, có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất cần có trong ĐCSTQ.

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp đại diện các sĩ quan và binh sĩ của trung tâm chỉ huy hợp đồng tác chiến của Quân ủy Trung ương, gửi lời chúc chân thành tới tất cả các thành viên, và có bài phát biểu quan trọng trong chuyến thị sát tới trung tâm này vào ngày 8/11/2022 © Tân Hoa Xã/AP

Vương Hỗ Ninh sẽ được hỗ trợ bởi Vương Nghị, cựu ngoại trưởng 69 tuổi, người đã được đề bạt vào Bộ Chính trị. Việc thăng chức của ông đã đi ngược lại quy tắc nghỉ hưu truyền thống của đảng, quy định rằng các quan chức không được đảm nhận các chức vụ mới, cao hơn sau khi họ 68 tuổi.

Vương Nghị cũng sẽ trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng, nghĩa là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.

Chắc chắn, nhà ngoại giao hàng đầu sẽ báo cáo với Tập về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Nhưng đối với các chính sách liên quan đến thống nhất Đài Loan và quan hệ với Mỹ, Vương Hỗ Ninh cũng là người nhận báo cáo từ Vương Nghị.

Lý do là vì Vương Nghị sẽ trở thành Tổng Thư ký của Ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan, cơ quan mà Vương Hỗ Ninh sẽ giữ chức Phó ban. Vương Nghị từng là Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện, chính phủ Trung Quốc.

Với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Vương Hỗ Ninh thuộc một trong bảy lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, và có quyền hạn cao hơn nhiều so với Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị.

Tập muốn đạt được một thành tựu liên quan đến Đài Loan bằng bất cứ giá nào trong vòng 5 năm tới, điều sẽ giúp ích cho nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu đảng vào năm 2027.

Các chính sách liên quan đến Đài Loan của Trung Quốc sẽ do bộ đôi họ Vương này dẫn dắt.

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức vừa đảm nhận chức chủ tịch Đảng Dân Tiến cầm quyền tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 18/1.

Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử vào tháng Giêng năm sau để chọn người kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn. Sau hai nhiệm kỳ bốn năm, bà sẽ nghỉ hưu vào tháng 5 cùng năm và không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền và Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập đã khởi động quá trình vận động tranh cử.

Bà Thái vừa từ chức lãnh đạo DPP sau khi đảng này thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây. DPP đã chọn Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, 63 tuổi, còn gọi là William Lai, làm người đứng đầu mới. Ông hiện đang là người dẫn đầu trong cuộc đua giành ghế tổng thống.

Không giống như các cuộc bầu cử địa phương, vốn chịu ảnh hưởng bởi các cấu trúc chính trị khu vực, cử tri Đài Loan lựa chọn tổng thống của họ dựa trên chính sách của người đó đối với Trung Quốc. DPP và KMT đã sẵn sàng cho một cuộc khẩu chiến khốc liệt.

DPP cảnh báo rằng nếu KMT lên nắm quyền, Đài Loan sẽ trở thành “một Hong Kong không có tự do.” Phía KMT đáp trả bằng cách nói rằng nếu DPP vẫn nắm quyền, Đài Loan sẽ rơi vào chiến tranh.

Tập vừa nhận được quyền lực tối cao vào tháng 10 năm ngoái. Dù việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan không được cho là sắp xảy ra, ông vẫn có thể phát động một cuộc tấn công chỉ trong tích tắc.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan và cho bắn nhiều tên lửa. Hành động biểu dương sức mạnh này là để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi tới hòn đảo. Kể từ đó, Đài Loan ngày càng lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine cũng đã gây sốc cho hòn đảo này.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được cho là đang chuẩn bị thăm Đài Loan. © AP

Trung Quốc hy vọng DPP có khuynh hướng thiên về độc lập cho Đài Loan sẽ bị lật đổ vào năm 2024. Nhưng do quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang hết sức căng thẳng, nên rất khó để quyết định thời điểm xây dựng chiến lược thống nhất Đài Loan mới.

Nếu Đài Loan xem nội dung của chiến lược mới đơn thuần là một lời đe dọa, thì nó có thể phản tác dụng. Dù Trung Quốc muốn hỗ trợ KMT, nhưng sau cùng có thể người họ giúp lại là DPP.

“Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ thái độ chờ-và-xem trong thời điểm hiện tại,” một chuyên gia cho biết. “Thời điểm công bố chiến lược thống nhất Đài Loan mới có lẽ vẫn chưa được xác định. Có thể vẫn còn rất lâu nữa.”

Giờ đây, Kevin McCarthy, người kế nhiệm Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện, được cho là đang chuẩn bị thăm Đài Loan.

Một số người cho rằng một chuyến thăm như vậy sẽ đến sớm nhất là vào tháng 4. Nếu McCarthy thực hiện chuyến đi, rất có khả năng ông sẽ khiêu khích Trung Quốc một lần nữa bao vây hòn đảo bằng các cuộc tập trận quân sự.

Trong cuộc diễn tập quân sự sau chuyến thăm của Pelosi, Trung Quốc đã bắn 5 quả tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần Đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa. Hòn đảo này thuộc biển Hoa Đông, điểm cực tây của Nhật Bản, cách Đài Bắc hơn 150 km một chút.

Tháng 4 sẽ là thời điểm cuộc đua đề cử tổng thống bắt đầu nóng lên đối với cả hai đảng của Đài Loan.

Nếu McCarthy, một thành viên Đảng Cộng hòa, đến thăm Đài Loan, thì chuyến đi đó có thể ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống của Đài Loan như thế nào? Ban Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Đài Loan mới của Trung Quốc – và cử tri Đài Loan, sẽ phản ứng ra sao?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi puts top brain in charge of Taiwan unification strategy,” Nikkei Asia, 26/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng / Nghiên cứu Quốc Tế