Tết là dịp lễ quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Á. Mỗi nơi lại có một món bánh truyền thống độc đáo riêng, nhưng đều mang ngụ ý cho ước nguyện một năm mới viên mãn, hạnh phúc.
Bánh chưng, Việt Nam là linh hồn của mâm cỗ trong ngày Tết Nguyên đán. Nguyên liệu chủ yếu của bánh chưng bao gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong, sau đó được luộc trong 10 tiếng. Trong lúc chờ bánh chín, các thành viên trong gia đình thường ngồi quây quần, tâm sự cùng nhau. Cũng vì vậy, món bánh này là biểu tượng cho sự đoàn viên, sum vầy của người dân Việt Nam trong mỗi dịp tết đến xuân về. Ảnh: Lê Huy Hoàng Mai.
Bánh niên cao, Trung Quốc: Bánh niên cao là món bánh nổi tiếng nhất trong ngày Tết của Trung Quốc. Theo quan niệm xưa, chữ “gāo” trong “niángāo” đồng âm với chữ cao. Vì thế, người Trung Quốc ăn niên cao trong dịp đầu năm với hy vọng năm mới cao hơn năm cũ, ngụ ý cho sự thịnh vượng. Ngoài ra, chiếc bánh hình tròn còn là biểu tượng của sự đoàn viên, sum vầy. Ảnh: Foodpanda.
Bánh tang yuan (bánh trôi tàu), Singapore: Người Singapore thường ăn bánh tang yuan vào dịp năm mới với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Vào dịp này, ngoài những món ăn như yusheng (cá sống), chang shou mian (mỳ trường thọ), pencai (món hầm)… bất cứ gia đình nào cũng sẽ làm món bánh tang yuan. Món bánh này tương tự như chè trôi nước, được làm từ bột gạo nếp với nhân đậu đỏ, mè đen hoặc đậu phộng. Ảnh: BAKE WITH PAWS.
Bánh buuz, Mông Cổ: Tsagaan Sar hay Tết Tháng Trắng là tên gọi của dịp Tết cổ truyền ở Mông Cổ. Đây là dịp tụ họp và cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, đặc biệt là món bánh buuz. Món bánh này có hình dạng gần giống bánh bao. Vỏ bánh được làm bằng bột mì, phần nhân có nguyên liệu chính là thịt cừu băm nhuyễn trộn hành tây. Ảnh: Gastronómadas.
Bánh tteok, Hàn Quốc là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc. Bánh được làm từ gạo nếp sau đó được hấp chín. Người Hàn Quốc quan niệm rằng màu trắng của bánh gạo có ý nghĩa làm sạch cơ thể và tâm trí. Do đó, người dân xứ sở kim chi ăn bánh tteok dịp năm mới ngụ ý rũ bỏ những điều không tốt và bắt đầu cuộc sống mới hoàn hảo hơn. Bánh có nhiều cách chế biến tùy vào khẩu vị và đặc trưng từng vùng miền. Ảnh: Masterclass.
Bánh khapzey, Bhutan: Tết cổ truyền của Bhutan được gọi là Losar với nhiều phong tục và món ăn truyền thống độc đáo. Khabzey là một loại bánh quy chiên ngọt, bánh được tạo thành nhiều hình dạng độc đáo khác nhau như hình hoa, hình xoắn… Món bánh này thường được người dân Bhutan thưởng thức cùng trà bơ nóng trong dịp lễ đầu năm mới. Ảnh: Barefoot in Jandals.
Bánh mochi, Nhật Bản: Vào dịp Tết, bánh mochi là món ăn không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản. Món bánh này được làm từ bột gạo, nhân có nhiều hương vị khác nhau như trà xanh, đậu đỏ… Theo quan niệm của người Nhật, hạt gạo là tinh hoa của đất trời, nguồn cội của sự sống. Vì vậy, trong năm mới, người Nhật ăn bánh mochi với ước nguyện một cuộc sống nhiều may mắn, đủ đầy, dồi dào sức khỏe và trường thọ. Ảnh: Bokksu.
Văn chương trào phúng mang đến tiếng cười cho người đọc. Thế nhưng cũng giống như tấu hài trong nghệ thuật sân khấu, văn chương trào phúng ít được đánh giá cao… Nhưng bất luận thế nào, văn chương trào phúng vẫn tồn tại trong đời sống văn học.
Trào phúng không biên giới
Có lẽ người nổi tiếng nhất trong thể loại văn chương trào phúng được biết đến ở Việt Nam chính là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin (1915 – 1995).
Ông nổi tiếng đến độ, ngay khi còn sống đã từng đích thân đến và viết lời cám ơn bạn đọc Việt Nam đã nhiệt tình ủng hộ tác phẩm của ông, một điều rất hiếm hoi đối với một nhà văn nước ngoài tại Việt Nam lúc đó. Cũng chính nhờ ông mà đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vốn luôn hàm chứa vẻ bí ẩn bỗng hiện ra bình dị đến thân thuộc đối với bạn đọc cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói, các tác phẩm của Azit Nexin đã chứng minh rằng, văn chương trào phúng không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà còn có thể vượt qua mọi rào cản văn hóa để gắn kết các dân tộc.
Do phải nuôi sống gia đình bằng nghiệp viết văn nên ông phải viết rất nhiều, mà truyện châm biếm tại Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó lại hay bị kiểm duyệt, nên ông phải ký nhiều bút danh.
Kết quả là khi ông ký bằng một cái tên Pháp, lập tức nước Pháp đưa tác phẩm đó vào “Tuyển tập truyện trào phúng thế giới” và xem tác phẩm đó như là một điển hình xuất sắc của văn chương trào phúng của Pháp! Lúc ông ký tên Mỹ, người Mỹ lập tức ca ngợi tác phẩm đã phản ánh chân thật cuộc sống Mỹ và lăm le trao giải thưởng văn học trào phúng cho “nhà văn trào phúng mới của Mỹ”. Phải đến khi tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi văn chương trào phúng dành cho các nhà văn Mỹ, người ta mới phát giác ra tác giả là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Việt Nam, các tác phẩm của ông cũng được đón nhận như tác phẩm Con cái chúng ta giỏi thật, Những người thích đùa.
Ông châm biếm các thói hư tật xấu của con người trong xã hội, có những điểm khác biệt nhưng cũng không ít cái trùng hợp giữa hai đất nước cách xa nhau, như thói quan liêu, bệnh sính thành tích, tính tự ti… Đó cũng là nguyên nhân khiến suốt gần 30 năm xuất hiện tại Việt Nam, các tác phẩm của Aziz Nesin vẫn liên tục được tái bản, nhiều truyện ngắn còn được tách ra để in thành những bộ truyện riêng.
Trong làng văn học Việt Nam, thể loại trào phúng trước đây khá phát triển. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Vũ Trọng Phụng với tác phẩm để đời: Số đỏ. Tác phẩm đã được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trước đó, trào phúng, châm biếm cũng đã rất quen thuộc trong văn học Việt Nam thông qua các tác phẩm thơ với những tên tuổi như Tú Xương, Hồ Xuân Hương… sau này có những Tú Mỡ, Bút Tre…
Sức sống mạnh mẽ
Không còn nữa những tác phẩm lớn nhưng những truyện ngắn, văn thơ trào phúng vẫn xuất hiện ổn định trong đời sống văn học bất chấp sự thăng trầm của các thể loại văn chương khác. Trong khi các tờ báo, chuyên san văn học khác có đời sống tương đối vất vả thì những tờ chuyên về trào phúng, châm biếm lại có sức sống rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cũng chính vì thiếu hụt các tác phẩm lớn nên văn chương trào phúng bị cho là chỉ quanh quẩn bên trong các tờ báo, tập san mà không thể đứng riêng trong thị phần văn học trong nước.
Hiếm hoi có nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho ra những tập truyện trào phúng nhỏ về hình thức và cả nội dung đề cập. Dù nhỏ như vậy nhưng ảnh hưởng của các nhân vật do anh tạo ra lại không hề nhỏ. Nhân vật thám tử Không không thấy do anh sáng tạo còn từng “bị” lấy làm nhan đề Việt cho bộ phim Johnny English của danh hài nước Anh Rowan Atkinson (nổi tiếng với vai diễn Mr Been) gây ồn ào về vấn đề bản quyền.
Được xem thể loại văn chương dễ tiếp cận nhất với các vấn đề thời sự xã hội, văn chương trào phúng luôn được đón nhận, ủng hộ nhiệt thành của bạn đọc. Tại Việt Nam dù chưa có giải thưởng nào cho thể loại này khiến văn chương trào phúng có vẻ tồn tại âm thầm, nhưng nó vẫn đến với bạn đọc bằng sức sống mạnh mẽ qua nhiều hình thức, góp phần vào sự đa dạng của văn học
Nhiều người dùng muốn trải nghiệm ChatGPT đã trở thành “con mồi” béo bở cho những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển muốn lợi dụng sự phổ biến của chatbot này để thu lợi bất chính.
Mới chỉ ra mắt được một thời gian ngắn, nhưng ChatGPT của OpenAI đã làm mưa làm gió khi thu hút được sự chú ý của nhiều người dùng trên thế giới. Tại Việt Nam, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, theo thống kê của Google Trends, “ChatGPT” và “OpenAI” liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều.
Kể từ khi được ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT được ca ngợi là một trong những bước phát triển lớn nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) (Ảnh: FT montage/Getty Images)
Tuy là sản phẩm AI được cung cấp miễn phí và đơn giản qua trang chat.openai.com nhưng tại Việt Nam, dịch vụ này vẫn chưa sẵn có cho người dùng trải nghiệm. Do đó, có không ít người đã tìm cách “lách luật” để dùng thử ChatGPT, thậm chí chấp nhận trả tiền để mua nick về để trải nghiệm chatbot.
Tận dụng trào lưu và sự tò mò tìm hiểu ChatGPT của người dùng, những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển gian manh đã tìm cách thu lợi bất chính.
Trên các kho ứng dụng như Play Store và App Store, hàng loạt ứng dụng ăn theo ChatGPT xuất hiện. Chỉ cần tìm với từ khóa “ChatGPT”, người dùng nhận về hàng trăm kết quả, như Open Chat GPT AI Bot, ChatGPT – Chat with AI, Aico có từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu lượt tải.
Phần lớn sử dụng logo đều giống với biểu tượng OpenAI, đi kèm cách đặt tên có từ khóa gây nhầm lẫn, thậm chí có ứng dụng tự nhận là “ChatGPT của OpenAI”.
Thông qua việc giả mạo các ứng dụng, kẻ gian có thể moi tiền người dùng khi đăng ký thuê bao, thậm chí chèn mã độc đánh cắp thông tin nhạy cảm
Các phần mềm này đều cho phép tải về miễn phí, nhưng trong lần sử dụng đầu tiên, người dùng sẽ phải đồng ý với các điều khoản về thuê bao và thanh toán trước. Đây là điều người dùng cần đặc biệt lưu ý bởi ChatGPT chưa có ứng dụng chính thức trên di động.
Bên cạnh đó, việc đồng ý với gói thuê bao từ chương trình mạo danh có thể khiến nạn nhân mất tiền theo chu kỳ (ngày, tuần, tháng hoặc năm) và cần phải gỡ gói thuê bao trước khi xóa ứng dụng khỏi máy.
Trước đó, ngày 2/2, ứng dụng có tên ChatGPT (All Languages) do một công ty viết phần mềm Việt phát triển đã bị xóa khỏi Google Play. Hôm 10/1, ứng dụng có tên “ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3” cũng đã bị xoá sổ sau khi ứng dụng này đạt hàng trăm nghìn lượt tải.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, kẻ gian có thể lợi dụng cơn sốt ChatGPT để tấn công người dùng thông qua việc giả mạo các ứng dụng, nhằm moi tiền người dùng khi đăng ký thuê bao, thậm chí chèn mã độc đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Thống kê của hãng phân tích dữ liệu Similarweb cho thấy, ChatGPT đã thu hút 590 triệu lượt truy cập từ 100 triệu người dùng. Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư UBS (Mỹ), đây là tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có đối với một ứng dụng dành cho người dùng. Trước đó, TikTok mất 9 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram tốn 2 năm, theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower.
Không ít chuyên gia và người trong ngành nhận định chatbot AI như ChatGPT có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng mới, một kỷ nguyên mới.
Những ngày qua, câu hỏi về khả năng, vai trò và tầm ảnh hưởng trong tương lai của ChatGPT là gì đang khiến cả thế giới bàn tán. Có người cho rằng nó sẽ là công nghệ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, “chiếm dụng” hàng loạt việc làm và thay đổi cách vận hành của rất nhiều vấn đề. Cũng có ý kiến nhận định ChatGPT thực ra không hề “nguy hiểm” đến thế, có nhiều lỗ hổng và cũng chỉ là một chat bot hỗ trợ như nhiều chat bot AI khác từng xuất hiện. Đáp án thực sự là gì thì chúng ta bắt buộc phải chờ đợi mới có thể biết được.
“AI sẽ quan trọng như máy tính và Internet”
Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates rõ ràng là một trong những người có cái nhìn sắc bén nhất về thế giới công nghệ, khi bản thân ông đã góp phần biến máy vi tính trở thành công cụ quan trọng ảnh hưởng đến nhân loại. Và với Bill Gates, ông tin rằng ngày nay, một bước phát triển quan trọng không kém đang bắt đầu với ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo tương tự.
Trao đổi với Forbes trong bối cảnh ChatGPT đang “làm mưa làm gió”, tỷ phú từng giữ vị trí người giàu nhất hành tinh cho biết: “AI sẽ là chủ để được tranh luận nóng nhất trong năm 2023. Và bạn biết gì không? Rõ ràng là nên như thế. Nó cũng sẽ trở nên quan trọng như máy vi tính, như Internet vậy”.
Bill Gates nổi tiếng không chỉ đơn giản vì ông giàu có mà đây là người đã giúp khởi động kỷ nguyên máy tính cá nhân vào những năm 80. Trước khi các công ty như Microsoft và Apple gia nhập thị trường, máy tính chủ yếu thuộc sở hữu của các tập đoàn lớn, chính phủ và trường đại học, đồng thời được coi là thiết bị kỹ thuật cao, không được thiết kế cho người bình thường. Và theo ông, AI có thể có tác động tương tự đối với xã hội, tạo ra một cuộc cách mạng phát triển mới.
Tỷ phú cũng cho biết ông hiện dành khoảng 10% thời gian mỗi ngày của mình để nói chuyện với đội ngũ của Microsoft về lộ trình sản phẩm của họ, mặc dù ông đã nghỉ hưu từ lâu và tập trung vào hoạt động từ thiện. Microsoft – đế chế tâm huyết của Bill Gates chính là “nhà đỡ đầu” cho OpenAI – công ty tạo ra ChatGPT từ những ngày đầu. Năm 2019, Microsoft rót vốn 1 tỷ USD vào đây. Trong tuần vừa rồi, Microsoft tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD. Dù con số cụ thể không được tiết lộ nhưng truyền thông cho rằng 10 tỷ USD đã được đầu tư, nâng giá trị của OpenAI lên 29 tỷ USD.
Người sáng lập Microsoft cũng đã nhắc về việc AI tiêm năng như thế nào vào đầu năm nay. Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự thay đổi công nghệ “chấn động” nào hiện đang diễn ra hay không, ông trả lời: “AI là một công nghệ lớn. AI khá là cách mạng”.
ChatGPT “nguy hiểm” đến đâu là câu hỏi đang được quan tâm nhất
Những người đứng đầu làng công nghệ lên tiếng
ChatGPT – ứng dụng sử dụng dữ liệu được thu thập từ hàng triệu trang web để trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng và mang tính đàm thoại đã cho thấy các chatbot AI thông minh và hữu ích như thế nào. Nó có thể làm những việc từ viết bài luận đến cung cấp giải pháp mã hóa trong vài giây và những tác động tiềm năng của ChatGPT tới lực lượng lao động toàn cầu là rất lớn.
Theo công ty phân tích UBS, kể từ khi được tung ra vào ngày 30/11/2022, sau chỉ 2 tháng, ChatGPT lập kỷ lục là ứng dụng thu hút số người dùng nhanh nhất trong lịch sử. Công ty cho biết ChatGPT ước tính đã đạt hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, nhanh hơn rất nhiều so với TikTok hay Instagram.
Và Bill Gates cũng không phải là người duy nhất nhìn thấy khả năng của ChatGPT. Elon Musk – tỷ phú giàu thứ 2 thế giới hiện tại chính nhà đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 cùng với Sam Altman. Ông đã rút khỏi công ty vì lo sợ cạnh tranh và mâu thuẫn với công ty xe điện cũng chạy bằng AI của mình là Tesla.
OpenAI do Sam Altman và Elon Musk đồng sáng lập
Vào tháng 12/2022, Google – ông lớn công nghệ khác đã ban hành “mã đỏ” đối với chatbot. Kể từ khi phiên bản mới nhất của ChatGPT được phát hành vào tháng 11, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google và công ty mẹ Alphabet đã tham gia một số cuộc họp xung quanh chiến lược AI của Google để đối phó với mối đe dọa mà chatbot gây ra cho công cụ tìm kiếm của công ty. Pichai còn phải nhờ đến sự trợ giúp của 2 nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin nhằm vượt qua thách thức đe dọa của ChatGPT.
Không ít các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng tác động tiềm năng của các mô hình AI hiện cần được tranh luận, vì một khi đã phát hành, chúng không thể được thu hồi lại. “Nó giống như một ‘loài xâm lược’. Chúng ta cần hoạch định chính sách để đối phó với tốc độ của công nghệ ngay lập tức”, Aviv Ovadya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Internet và Xã hội của Đại học Harvard nhận định.
Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ra đời nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ chống lại sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành khu vực chính cho cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn nhất thế kỉ 21 giữa hai siêu cường này. Bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ công bố hồi tháng 10/2022 đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, những hành động trong thực tiễn cũng hết sức mạnh mẽ và quyết liệt với nỗ lực tập hợp đồng minh và các đối tác. Tuy vậy, chính quyền tổng thống Joe Biden và chính phủ các nước đồng minh, đối tác cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần đầu tiên được Mỹ công bố dưới thời của chính quyền tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, với tên gọi đầy đủ của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Khái niệm này cho thấy Mỹ đã mở rộng phạm vi tầm ảnh hưởng của mình hơn (từ phía tây nước Mĩ trải rộng đến phía đông của Châu Phi) so với khái niệm Châu Á – Thái Bình Dương trước kia. Mục đích chính là Mỹ muốn đối phó tốt hơn với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại khu vực này. Chính sách này vẫn được tiếp tục dưới thời chính quyền tổng thống Joe Biden và còn có những bước đi mạnh mẽ hơn để hiện thực hoá chiến lược này từ cả chính sách đến hành động trong thực tiễn.
Chính sách của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Khác với chính quyền tổng thống Trump trước kia, khẩu hiệu luôn luôn là nước Mỹ trên hết, đề cao chủ nghĩa đơn phương, ông Trump có phần thái độ coi nhẹ mối quan hệ với các đồng minh. Đến thời tổng thống Joe Biden ông có chiến lược hoàn toàn khác khi chủ trương tăng cường hợp tác, liên kết với các đồng minh, đối tác để đối phó với các thách thức toàn cầu mà trực tiếp nhất là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ nhất qua Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố hồi tháng 10 năm 2022 (chỉ một ngày sau khai mạc Đại hội XX của Trung Quốc).
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ giành hẳn một phần để nhắc tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tên gọi “Thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nội dung bản chiến lược an ninh quốc gia khẳng định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế thế giới và là trung tâm của địa chính trị thế kỉ 21 và Mỹ có lợi ích sống còn tại đây. Để đảm bảo cho khu vực phát triển thịnh vượng cởi mở, an toàn, Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia tại khu vực để giúp các quốc gia được tự do đưa ra lựa chọn của mình theo sự phù hợp của luật pháp quốc tế. Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được Mỹ nhắc tới tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền tổng thống Joe Biden khẳng định tính trung tâm của ASEAN và tìm kiếm sự gắn kết sâu sắc hơn với các đối tác Đông Nam Á thông qua mở rộng hoạt động ngoại giao và hợp tác phát triển kinh tế mà trọng tâm là các nước ở Đông Nam Á và những quần đảo ở Thái Bình Dương. Liên minh Bộ tứ kim cương và AUKUS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các thách thức của khu vực. Mĩ sẽ tăng cường sức mạnh tập thể bằng cách khuyến khích những mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các nước Châu Âu chung chí hướng. Đối với các đồng minh lâu năm của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, Mỹ thể hiện ý chí sắt đá sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đồng minh thông qua các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, các mối đe doạ sinh học, năng lực y tế… Riêng đối với Nhật Bản, Mỹ tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh chung, bao gồm cả quần đảo Senkaku. Một mặt Mỹ tìm kiếm những giải pháp ngoại giao bền vững đối với Triều Tiên để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều tiên, bên cạnh đó vẫn tăng cường khả năng răn đe với mối đe doạ tên lửa đến từ Bình Nhưỡng. Quốc gia cuối cùng được Mỹ nhắc tới là Ấn Độ, với khẳng định Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và đối tác quốc phòng chính, Mỹ sẽ cùng Ấn Độ hợp tác cả song phương và đa phương để hỗ trợ lợi ích chung, tầm nhìn chung tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kết thúc phần về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ tái khẳng định không một khu vực nào trên thế giới ngày nay quan trọng với Mỹ hơn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khẳng định Mỹ đã bước vào thời kỳ chính sách đối ngoại mới yêu cầu sự hiện diện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác vì tầm nhìn chung cho tương lai.
Động thái triển khai và những bước đi trong thực tế của Mỹ
Những bước đi trong thực tế của Mỹ có thể đánh giá là mãnh mẽ và chưa từng có tiền lệ. Với việc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, năm 2022 vừa qua là một năm có nhiều hoạt động ngoại giao giúp nâng tầm quan hệ Mỹ – ASEAN. Tiêu biểu như Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022 kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt tại thủ đô Washington D.C với các lãnh đạo ASEAN. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sự kiện là dịp đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hai bên, cũng trong dịp này hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố tầm nhìn chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022 cũng được đưa ra, tuyên bố thể hiện tầm nhìn toàn diện, bao trùm, một cam kết mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ trên nhiều khía cạnh như phục hồi sau đại dịch, tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác biển, giữ gìn hoà bình và xây dựng lòng tin. Theo sau những cam kết là những chương trình hợp tác Mỹ – ASEAN, đáng kể có chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, trị giá ban đầu 40 triệu USD và sẽ tăng lên tới 2 tỉ USD, chương trình hợp tác hàng hải, kinh tế biển, phát triển nghề cá, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển trị giá 60 triệu USD, các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, an ninh mạng, kinh tế số, hạ tầng giao thông, biến đổi khí hậu…[1]. Vị thế của các nước ASEAN cũng ngày càng được củng cố với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức tại các nước thành viên như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Campuchia, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 tại Thái Lan, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia với đích thân sự tham dự của tổng thống Hoa kỳ Joe Biden tại Campuchia và Indonesia đã chứng tỏ sự quan tâm của Hoa kỳ dành cho khu vực này.
Đối với khối liên minh “Bộ tứ kim cương”, không cần chờ đến khi bản chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố, ngay sau khi nhậm chức không lâu, ngày 12/3/2021 tổng thống Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ kim cương trực tuyến với sự tham gia của nguyên thủ các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Nhóm “ Bộ tứ” được thành lập và hoạt động đơn lẻ từ năm 2007 nhưng đến tận 2021, sau 14 năm mới có cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu chính phủ các nước trong khuôn khổ một hội nghị để cùng vạch ra những mục tiêu chiến lược[2]. Hội nghị đã bàn bạc nhiều vấn đề nóng, có tính thời sự ngay tại thời điểm đó và cho đến tận hiện tại như an ninh hàng hải, COVID – 19, chống biến đổi khí hậu, công nghệ và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ, chống khủng bố, và thương mại.
Liên minh AUKUS được thành lập vào ngày 15/9/2021, Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson đã tổ chức cuộc họp truyền thông trực tuyến thông báo việc thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên nâng cao với tên gọi AUKUS[3]. Với tuyên bố quan hệ đối tác tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhằm thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Nổi bật của liên minh ba bên này là tham vọng chung nhằm hỗ trợ Úc mua và có khả năng tự phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tờ The Economist đã nhận xét AUKUS là sự thay đổi chiến lược sâu sắc như “Nixon đến Trung Quốc năm 1972 và sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989”[4]. Trước Australia chỉ có duy nhất đồng minh Anh của Mỹ vào năm 1950 được tiếp cận công nghệ để phát triển động cơ đẩy hạt nhân dành cho tàu ngầm. Trong bài phân tích của nhà báo Peter Jennings ông có nhận xét: “AUKUS có lẽ là sự thừa nhận ngầm về giới hạn năng lực cá nhân của ba quốc gia. Dù hùng mạnh như Mỹ, họ cần các đồng minh có năng lực để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, thêm các lựa chọn hỗ trợ và duy trì hậu cần, cũng như các nền tảng quân sự có thể tương tác trên thực địa. Đối với cả ba quốc gia, AUKUS là một hệ số nhân tiềm năng có giá trị với khả năng tăng cường răn đe thông thường và làm phức tạp kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh”.
Khó khăn, thách thức với Mỹ và các đồng minh, đối tác
Đối với Mỹ
Những khó khăn, thách thức với Mỹ trong quá trình thực hiện chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải là ít và vô cùng phức tạp, là bài toán nan giải mà chính quyền tổng thống Joe Biden phải giải quyết. Thách thức lớn nhất đến từ nội bộ nước Mĩ khi sự chia rẽ sâu sắc đang diễn ra trong chính nước Mỹ, chia rẽ ngay trong dân chúng, chia rẽ đến chính quyền trung ương. Những mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà ngày càng sâu sắc, gay gắt. Ngay trong nội bộ từng Đảng cũng xuất hiện những chia rẽ, mẫu thuẫn chưa từng thấy, khi mới đây phải mất đến 15 lần bỏ phiếu thì Hạ Viện Mĩ mới bầu được ra chủ tịch Hạ Viện là ông Kevin McCarthy – điều chưa từng xuất hiện suốt 164 năm qua trong chính trường nước Mỹ. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do một số thành viên thuộc phe cánh hữu cứng rắn trong Đảng Cộng hoà không ủng hộ vị lãnh đạo của Đảng mình do họ cho rằng ông McCarthy đã quá “thoả hiệp” với tổng thống Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ. Tình trạng chính trị chia rẽ tại Mỹ trái ngược hoàn toàn với tình hình tại Trung Quốc hiện nay, sau Đại hội XX Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái đắc cử nhiệm kì thứ ba của mình, tập trung được quyền lực tối đa vào tay mình, sáu thành biên trong Ban thường vụ ban thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc đều là thân tín từng có thời gian công tác dưới quyền ông Tập. Tình hình chính trị có thể coi là ổn định hơn và hiện tại trong năm 2023 Trung Quốc đã quyết định từ bỏ chính sách Zero COVID, mở cửa dần nền kinh tế, đây là những điều kiện thuận lợi của Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Washington tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tác động của COVID – 19 cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine đã dẫn tới tỉ lệ lạm phát cao tại Mỹ. Trong suốt năm 2022 tỉ lệ lạm phát tại Mĩ luôn ở trên mức 7%, đỉnh điểm vào hồi tháng 6 năm 2022 tỉ lệ lạm phát lên tới 9,1%[5] . Để kiểm soát tình trạng lạm phát trên , Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 7 lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022, tại lần gần nhất vào tháng 12 năm 2022 cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ 2007 ở mức 4,25 – 4,5%[6], theo dự báo xu hướng tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 có thể đạt mức từ 5 – 5,25% nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của FED. Điều này dẫn tới nguy cơ suy thoái nền kinh tế khi làm tăng thêm chi phí của nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh, đồng nghĩa với giá cả các mặt hàng thiết yếu, cơ bản cũng liên tục ở mức cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân, xuất hiện tâm lý phẫn nộ, bất bình với chính quyền làm gia tăng thêm mẫu thuẫn, chia rẽ vốn đã vô cùng sâu sắc trong xã hội Mỹ.
Thách thức tiếp theo đối với Mỹ khi thực hiện chính sách đối ngoại của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là hiện tại Mỹ còn có những vấn đề khác phải quan tâm và có thể không dành toàn tâm toàn thời gian cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đó là cuộc xung đột Nga – Urkaine, xung đột về hình thức là giữa Nga và Ukraina nhưng về bản chất là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa Nga và phương Tây mà lãnh đạo là Mỹ. Chính quyền Kiev tồn tại và chống lại được các cuộc tấn công từ lực lượng quân đội Nga suốt gần 11 tháng qua phụ thuộc hoàn toàn vào sự viện trợ từ Mỹ và các nước thành viên NATO, riêng Mỹ số tiền và vũ khí viện trợ đã lên tới hàng chục tỷ đô la, ngoài ra còn là thời gian bị tiêu tốn thảo luận và đồng thuận các chính sách dành cho cuộc xung đột này. Vì vậy, có lí do để lo ngại Mỹ sẽ dành ít thời gian hơn cho những cam kết, những hành động để hiện thực hoá chính sách của mình với các đồng minh, đối tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ
Các nước đồng minh và đối tác cũng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng lạm phát của Mỹ và những động thái liên tăng lãi suất liên tiếp của FED. Điều này dẫn tới ngân hàng Trung ương của các nước cũng đứng trước sức ép phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng tiền của nước mình tránh mất giá. Nhưng cũng chính vì vậy lại gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế cho các nước và vấn đề cân bằng tỉ giá để vừa giữ được tăng trưởng kinh tế vừa tránh mất giá đồng tiền là bài toán nan giải mà các đồng minh và đối tác của Mỹ đang phải giải quyết.
Trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng diễn ra căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn độ dương – Thái bình dương, các nước đứng trước sức ép phải thể hiện rõ hơn thái độ của mình là ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho các nước khi hoạch định chính sách đối ngoại, làm sao để vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa không làm mất lòng các nước lớn và tránh rơi vào vòng xoáy cạnh trạnh địa chiến lược giữa các siêu cường.
Như vậy, có thể thấy trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, đối đầu Mỹ – Trung vẫn tiếp tục gia tăng và sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nơi đều nằm trong chiến lược của hai siêu cường, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Đặc biệt ASEAN sẽ là trung tâm của sự cạnh tranh này khi khu vực này đều được xác định vị thế quan trọng trong chính sách của hai siêu cường, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần có chính sách đối ngoại phù hợp, linh hoạt để giữ vững trạng thái trung lập và vai trò trung gian giữa 2 nước để đảm bảo lợi ích quốc gia của chính mình, tránh trở thành con cờ trong bàn cờ chính trị giữa các nước lớn.