Mẫu nhà cấp 4 đẹp 5×20 có gác lửng, thiết kế cuốn hút và ấn tượng

Ngôi nhà cấp 4 ở Bình Thuận mặt tiền lấy ý tưởng từ sóng biển và lưới đánh cá

Nhà cấp 4 sử dụng đường cong tạo cảm giác mềm mại, ý tưởng từ sóng biển kết hợp với gạch bông gió đan carô như những ô lưới đánh cá của người dân địa phương.

Công trình nhà 1 tầng ở vùng quê Bắc Bình (Bình Thuận) có kích thước 5,5 x 22m, với mô hình nhà ống điển hình. Đây là sản phẩm do kiến trúc sư Đào Xuân Quang thiết kế năm 2022. 

Hình thức mặt đứng sử dụng đường cong tạo cảm giác mềm mại, ý tưởng từ sóng biển kết hợp với gạch bông gió đan carô như những ô lưới đánh cá của người dân địa phương.

Khu vực sân trước bố trí làm nơi để xe (tạm thời), có thêm lối đi qua lô đất bên cạnh để ô tô. Sử dụng mái ngói và gạch bông gió các mặt đứng để tăng hiệu quả thông thoáng, giảm nhiệt độ sân trước.

Bố cục công trình chia làm 2 không gian giếng trời lấy sáng, thông gió trực tiếp: Giếng trời 1 cho khu vực bếp, bàn ăn, 1 phần phòng khách. Từ khu bếp mở cửa ra trực tiếp, sử dụng chủ yếu lấy sáng, lấy gió và là khu vực sàn nước, rửa chén,…

Giếng trời 2 cho khu vực 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, phòng giặt, sân phơi. Sử dụng chủ yếu lấy sáng, lấy gió và là khu vực đặt máy giặt, sân phơi phía sau.

Không gian nội thất xuyên suốt với phong cách tối giản, hiện đại, khai thác tối đa các không gian âm tường bố trí tủ, kho… Ô cửa sổ phòng khách thiết kế lớn, bọc gỗ viền tạo điểm nhấn về đường nét kiến trúc cũng như không gian nội thất, mở rộng thêm không gian phòng khách và cũng là nơi chill của gia chủ.

Công năng được phân chia sân trước, phòng khách, phòng thờ, bếp và bàn ăn, 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, phòng giặt và sân phơi.

Mặt tiền, sân cổng lấy ý tưởng từ sóng biển và lưới đánh cá của dân bản địa. 
Khu đất có diện tích 140m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 108m2 (5,5 x 22m). Nhà cấp 4 kết hợp mái bằng và mái ngói theo phong cách hiện đại. 

Gạch bông cản nắng, thông thoáng và tạo sự riêng tư cần thiết. Khu sân cổng vẫn được lợp mái ngói đề phòng khi trời mưa hay nắng gắt, gia chủ vẫn muốn ra sân ngồi chill hoặc để xe không bị ướt. 

Tuy nhiên, kiến trúc sư vẫn chừa một khe hở, lấy ánh sáng cho cây cảnh phía dưới. 
Hệ cửa sổ và cửa ra vào kết hợp gỗ, kính nhằm tạo ra nét đẹp cổ điển nhưng vẫn đủ ánh sáng cho phòng khách. 
Khu bếp bên cạnh phòng khách và lối đi ra các phòng ngủ phía sau. Những gia đình 3-4 thành viên có thể lựa chọn kiểu thiết kế nhà cấp 4 này.
Tủ trang trí và đợt gỗ decor nghệ thuật ở mảng tường bo góc. Tranh canvas đơn giản nhưng làm bật lên sức sống trẻ trung của ngôi nhà. 

Phòng ngủ master đủ công năng. 

Phòng ngủ em bé sử dụng gam màu trắng và nâu nhạt, bài trí phụ kiện thú nhồi bông ngộ nghĩnh, dễ thương. Không gian tràn ngập khí tươi, gió mát nhờ cửa sổ thông ra giếng trời. 

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít

Ngồi thuyền thúng xuôi theo rừng dừa Bảy Mẫu

Trong bản đồ du lịch miền Trung, Hội An là 1 trong những điểm đến thu hút đông đảo các du khách nước ngoài vì lưu giữ được nhiều nét văn hoá của Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng với những dãy phố cổ màu vàng bắt mắt mà ở Hội An còn có hoạt động chèo thuyền thúng vô cùng thú vị tại rừng dừa Bảy Mẫu.

Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 7.
Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 8.
Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 9.

Ảnh: @_im.rot_, @baileecopeland

Sự thú vị của hoạt động này đến từ việc sử dụng thuyền thúng – loại thuyền ra khơi của ngư dân để đưa du khách thong thả xuôi theo con lạch ở giữa và ngắm rừng dừa nước 2 bên. Ngoài ra, du khách có thể tự tay cầm mái chèo, thử điều khiển thuyền thúng để trải nghiệm thêm phần thú vị.

Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 10.
Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 11.
Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 12.

Ảnh: @georgina.britton, @ _tahoanganh_31415

Đặc biệt hơn, du khách cả trong và ngoài nước khi đến rừng dừa Bảy Mẫu đều muốn nếm trải cảm giác mạnh trước trò chơi “quẩy” thuyền thúng của sông nước miền Trung. Tham gia trò chơi này, du khách chỉ cần ngồi thật vững trên thuyền, thợ chèo sẽ xoay thuyền 360 độ với tốc độ cao. Nhiều người tỏ ra vô cùng phấn khích, vượt qua thử thách 1 cách xuất sắc, nhưng có người lại rơi tõm xuống nước. Nhờ trải nghiệm “đặc sản” này, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành điểm đến thu hút du khách bậc nhất ở Hội An.

Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 13.
Những trải nghiệm du lịch độc đáo ở Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê tít - Ảnh 14.

Ảnh: @nicolas_b_d, @ifyoucometomorrow

Theo NHƯ TRÚC – THIẾT KẾ: ANH NHÂN / Shoha VN

Năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức nào so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… theo báo cáo mới nhất?

Năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam theo PPP đạt 18,4 nghìn USD.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức nào so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... theo báo cáo mới nhất? - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Theo báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp của Tổng cục Thống kê, năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng NSLĐ chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 1,52 điểm phần trăm và vượt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực phấn đấu nâng cao NSLĐ.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); Indonesia (2,6%/năm); Philippines (3,5%/năm).

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần.

So với một số nền kinh tế lớn của châu Á, khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia, 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% NSLĐ của Philippines. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Chênh lệch tuyệt đối mức NSLĐ (PPP 2017) của Singapore và Việt Nam tăng từ 130,4 nghìn USD năm 2011 lên 144,1 nghìn USD năm 2020; tương tự, của Hàn Quốc từ 58,8 nghìn USD lên 61,8 nghìn USD; Trung Quốc từ 6,1 nghìn USD lên 12,1 nghìn USD; Ấn Độ từ 1,3 nghìn lên 1,8 nghìn USD.

Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn. So với năng suất trên mỗi lao động đang làm việc, NSLĐ tính trên giờ làm việc thể hiện bức tranh rõ ràng hơn về sự thay đổi NSLĐ trong nền kinh tế do có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Theo kết quả Điều tra lao động việc làm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ năm 2020. Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 mới chỉ đạt 29 nghìn đồng, đến năm 2016 đạt 45,7 nghìn đồng; năm 2017 đạt 52,1 nghìn đồng; năm 2018 đạt 55,5 nghìn đồng; năm 2019 đạt 63,7 nghìn đồng. Năm 2020, năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc theo giá hiện hành đạt 67,6 nghìn đồng/ giờ, cao hơn 3,8 nghìn đồng so với năm 2019 và gấp 2,3 lần năm 2011.

Theo giá so sánh, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2020 tăng 4,5% so với năm 2019 và tăng 75,8% so với năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2020 tăng 5,94%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 5,17%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,72%/năm.

Nếu tính NSLĐ trên một giờ làm việc theo sức mua tương đương (PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 8,99% mức năng suất của Singapore; 9,13% mức năng suất của Brunei; 23,21% của Malaysia; 40,31% của Thái Lan; 49,31% của Indonesia; 57,35% của Philippines; 99,51% của Lào. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2 lần) và Myanmar (gấp gần 1,6 lần). So với các nền kinh tế lớn của Châu Á, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam bằng 13,12% Nhật Bản; 16,04% Hàn Quốc; 47,49% Trung Quốc và 77,76% Ấn Độ.

Thái Quỳnh / Nhịp sống thị trường

Mỹ nói Trung Quốc lộ bí mật tình báo trong vụ bắn khinh khí cầu

Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định chờ đến khi khinh khí cầu Trung Quốc ra khỏi lục địa Mỹ mới bắn hạ. Nhà Trắng ngày 6/2 cho biết thông tin tình báo có giá trị đang được thu thập từ vật thể này.

Mỹ nói Trung Quốc lộ bí mật tình báo trong vụ bắn khinh khí cầu - Ảnh 1.

Khoảnh khắc khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. (Ảnh: AP)

Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu thời tiết, không phục vụ mục đích quân sự, nhưng Washington gọi đó là phương tiện do thám trên cao phức tạp.

Một chiếc tiêm kích của Mỹ đã bắn hạ vật thể này hôm 4/2 trên vùng biển thuộc Đại Tây Dương. Hải quân và tuần duyên Mỹ đang trục vớt các bộ phận của khí cầu để phân tích.

“Khi nó bay từ Canada sang Mỹ, tôi nói với Bộ Quốc phòng rằng tôi muốn bắn hạ nó càng sớm càng tốt. Họ kết luận rằng chúng ta không nên bắn rơi nó trên đất liền. Đó là một mối đe doạ nghiêm trọng và chúng ta nên chờ nó ra biển”, ông Biden nói với báo chí.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho biết, lực lượng chức năng đã “vớt được một số bộ phận trên mặt biển”, nhưng điều kiện thời tiết không cho phép tìm kiếm dưới nước nhiều hơn để vớt các bộ phận khác.

“Trong những ngày tới, họ sẽ xuống nước và nhìn rõ hơn cái gì đang nằm dưới biển, nhưng việc đó mới chỉ bắt đầu”, ông Kirby nói.

Theo phát ngôn viên này, Mỹ đã triển khai các biện pháp để bảo đảm khí cầu giảm khả năng do thám trong thời gian đang bay, “trong khi nâng cao năng lực của chúng ta trong việc thu thập thông tin tình báo từ nó”, ông Kirby khẳng định.

“Chúng tôi vẫn đang phân tích thông tin thu được từ khí cầu trước khi nó bị bắn rơi và chúng tôi hiện đang khôi phục nó. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ biết thêm nhiều thứ”, ông nói.

Tổng thống Biden cho biết ông không ngạc nhiên vì sự việc.

“Câu hỏi về khí cầu và nỗ lực do thám Mỹ là điều đã được dự đoán về Trung Quốc. Đó không phải câu hỏi về việc tin tưởng Trung Quốc, mà là việc phải quyết định những lĩnh vực có thể hợp tác và những lĩnh vực chúng ta phải đương đầu”, ông Biden nói.

Tướng Glen VanHerck, tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của Mỹ, nói với báo chí rằng một tàu hải quân đang vẽ bản đồ khu vực các bộ phận khí cầu rơi xuống, dự kiến trên khu vực rộng 2,2km2.

Khí cầu cao 60m và mang tải trọng hàng ngàn kilogram, tương đương kích thước một chiếc máy bay phản lực.

Ông Kirby cho biết, khí cầu này không trôi tự do mà có cánh quạt và bánh lái để điều khiển, kể cả bị gió cuốn đi khi bay ở tầm cao.

Theo Bình Giang / Tiền Phong

Cú “đá giò lái” của ông cựu chủ tịch nước

Ông Nguyễn Xuân Phúc – người vừa mất chức Chủ tịch nước Việt Nam chỉ vài ngày trước Tết Quý Mão – đã có một “cú đá giò lái” ngoạn mục, làm cho những đồng chí đã quyết trù dập ông tức tối vì một phen khó xử.

Số là tại buổi lễ bàn giao công tác cho người tạm thay ông là bà Võ Thị Ánh Xuân vào chiều ngày 4 tháng Hai 2023, sau khi đọc xong bài phát biểu từ nhiệm, ông Phúc đã nhân cơ hội – có thể là cuối cùng của ông tại Phủ Chủ tịch – để có đôi lời “nói thêm” về lý do đã khiến ông nửa đường đứt gánh. 

Trước đó, dư luận – chắc hẳn từ nguồn tin cố ý xì ra từ Bộ Công an hay từ cấp rất cao trong guồng máy cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) – đã sôi nổi bàn tán rằng ông Phúc bị mất chức vì vợ con ông có vai trò “trùm cuối” trong đại án tham nhũng Việt Á. 

Không chỉ ở trong nước mà lời đồn đại này tác động đến cả những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu người Việt thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cũng nhận định về lý do ông Phúc bị bãi chức: “Tôi nghĩ lý do chính [là] vợ ông ta và một số thành viên trong gia đình ông bị cáo buộc dính líu đến một số vụ bê bối tham nhũng. Trong các tuyên bố chính thức, đảng [CSVN] không đề cập đến những vấn đề tham nhũng vì tôi nghĩ đảng muốn giữ thể diện cho ông ấy và để bảo vệ danh tiếng lẫn hình ảnh của đảng.”

Cũng những nguồn tin đồn không thể kiểm chứng được trong bối cảnh chính trị tù mù của Việt Nam thậm chí còn cho rằng ông Phúc phải miễn cưỡng từ bỏ hết mọi chức vụ để đổi lấy việc vợ con ông không bị truy tố và xử tội trong cuộc “đốt lò” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.

Để “thanh minh” với những luận điệu đó, ông Phúc đã nói một cách dõng dạc: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.  

Ông giải thích thêm rằng, từ khi nhận chức Chủ tịch nước vào tháng Bảy 2021 đến khi bị mất chức, ông đã làm rất tốt công việc của mình, không có sai phạm gì cả và được đảng CSVN đánh giá cao. Tuy nhiên, ông quyết định từ chức vì “trách nhiệm chính trị” của ông trong thời gian làm thủ tướng Chính phủ vì một số bộ trưởng dưới quyền ông đã vi phạm pháp luật trong các vụ án tham nhũng chấn động cả nước như vụ kit-test Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”…

Ông Phúc nói: “Tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.” 

À há! Ông Phúc nói như vậy thì các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị đảng CSVN không thể nghe được.

Ông khẳng định “gia đình ông không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á” thì còn chấp nhận được. Sự thật có thể như vậy, có thể không phải như vậy nhưng dù sao đã có “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng” thì tạm tin đó là sự thật, dù cái ủy ban này cũng chỉ là một thứ thiên lôi mà ông chủ lò chỉ vào đâu thì biến nơi đó thành củi chứ chẳng phải là một cơ quan điều tra của một nền tư pháp độc lập. Thôi thì để cho ông ta nói lời cuối, “thanh minh thanh nga” cho vợ con, cho danh dự (và khối tài sản khủng) của gia đình ông thì cũng nên thể tất; dẫu sao ông ta cũng từng là nguyên thủ quốc gia!

Ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu chủ tịch nước Việt Nam (thứ 5 từ trái) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước. Hai bên ông là bà Võ Thị Ánh Xuân và ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí thư đảng CSVN. Ảnh Nguyễn Khánh / Tuổi trẻ.

Nhưng khi ông Phúc cho rằng ông chỉ “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” thì không ổn. Trong thứ bậc của đảng, ông chưa phải là người có “trách nhiệm” (và quyền lực) cao nhất; trên ông còn có ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cả một “ông vua tập thể” gọi là Bộ Chính trị. Vả lại, theo nguyên tắc tổ chức bộ máy của đảng, các cán bộ “vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng” không phải do ông đưa lên, thủ tướng không có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng cũng như cách chức họ mà tất cả đều phải do Bộ Chính trị của đảng quyết định theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức trung ương.

Các “cán bộ vi phạm khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng” – có thể kể ra hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng đã bị mất chức, có người đang bị tạm giam – thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về Bộ Chính trị và Ban Tổ chức trung ương của đảng, đâu phải trách nhiệm riêng của ông Phúc, cho dù ông là thủ tướng, là cấp trên trực tiếp của họ. 

Vậy sao cả Bộ Chính trị, đặc biệt là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, không phải chịu trách nhiệm gì cả? Hóa ra trong tập thể “vua” của đảng CSVN, chỉ mỗi ông Phúc là “chính nhân quân tử”, dám nhận trách nhiệm về mình, còn lại là những kẻ “vô trách nhiệm”, không có liêm sỉ hay lòng tự trọng, không xứng làm lãnh đạo?

Lời tuyên bố nhận “trách nhiệm chính trị” của ông Phúc khác chi một câu chửi thẳng vào mặt các đồng chí của ông?

Chính vì vậy mà sau khi hồ hởi đưa tin “Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói về lý do xin thôi nhiệm vụ”, thậm chí rút tít phụ: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á” như trên báo Tuổi Trẻ, thì tất cả các tờ báo trong nước đều âm thầm gỡ bỏ những đoạn viết về lời “thanh minh” của ông Phúc. Đến sáng ngày 6 tháng Hai 2023 thì những bài tường thuật cuộc bàn giao công tác của ông cựu chủ tịch nước vẫn có trên các tờ báo nhưng đoạn ông giải thích lý do xin thôi nhiệm vụ đã không còn tìm thấy nữa; chỉ còn những lời sáo rỗng cảm ơn đảng này nọ…

Những người lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN chắc chắn đã cảm thấy bị chạm nọc với cú đá giò lái của ông Phúc nên cấp tốc lệnh cho báo chí phải gỡ bài, sửa đổi nội dung tin. Nhưng muộn rồi, mạng Internet toàn cầu đã lưu giữ tất cả, các tờ báo quốc tế cũng đã đăng tải đầy đủ mà đảng không thể buộc họ phải rút bài xuống theo lệnh của đảng. Và người dân vẫn có thể có thông tin để phán xét những kẻ đang cai trị họ.

Chúng tôi không nói ông Phúc là người tốt, không nói vụ mất chức của ông ta là oan. Trong thời gian ông ta làm thủ tướng, chính sách “zero-covid” mà ông ta là người chủ trì đã gây bao tang thương mất mát không thể bù đắp cho đồng bào cả nước, nhất là ở thành phố Sài Gòn.  Nếu nói đến “trách nhiệm” thì phải nói tới trách nhiệm (và tội lỗi) của ông, của đảng cầm quyền trước cái chết oan khuất và tức tưởi của hơn ba vạn đồng bào vì chính sách chống dịch ngu xuẩn và tàn ác mà chúng tôi đã trình bày trong một bài trước chứ không phải trách nhiệm đối với hành vi  tham nhũng của cấp dưới. Nhưng lời nói cuối cùng của ông về “trách nhiệm” đã vô hình trung vạch mặt cả một đám tham quan ô lại đang ngồi trên đầu trên cổ người dân. 

Bây giờ ngay đến lời tâm sự cuối cùng của ông cũng bị đảng kiểm duyệt và cắt bỏ, ông cựu chủ tịch nước chắc phải thấm thía thế nào là mất quyền tự do ngôn luận, thế nào là thân phận người dân trong một chế độ toàn trị do đảng của ông độc quyền. Cú “đá giò lái” gây tức tối cho các đồng chí của ông, biết đâu còn có thể mang lại cho ông những tai họa khác trong tương lai. Hãy chờ xem.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ